TÔN GIÁO VỚI TƯƠNG LAI KỸ THUẬT SỐ
SỨ VỤ CỦA GIÁO HỘI Trong Kỷ Nguyên Kỹ Thuật Số
Mission of the Church in the Digital Age
LM Anthony Lê Đức, SVD
TÔN GIÁO VỚI TƯƠNG LAI KỸ THUẬT SỐ
Những thay đổi lớn trong công nghệ
1. Số hóa (Digitalization)
2. Di động hóa (Mobilization)
3. Màn hình cảm ứng hóa (Screenification)
4. Bỏ qua trung gian (Disintermediation)
5. Sự chuyển đổi (Transformation)
6. Sự thông minh hóa (Intelligization)
7. Sự tự động hóa (Automation)
8. Sự dự đoán (Anticipation)
9. Robot hóa (Robotization)
Tác động tới nhân loại
1. Việc đánh mất quyền riêng tư
2. Mất việc làm
3. Khoảng cách kinh tế - xã hội
4. Bất ổn xã hội
5. Hòa bình thế giới
Tiếng nói tôn giáo
1. Những câu chuyện tôn giáo không phù hợp với xã hội hiện đại
2. Tư tưởng của tôn giáo đã trở nên lạc hậu
3. Đánh mất sự tín nhiệm vì xung đột liên tôn
Tôn giáo, khoa học và công nghệ
LỜI KẾT
Chúng ta thử hình dung một viễn cảnh trong tương lai: Vào ngày làm việc bình thường tại một tòa nhà phức hợp hiện đại (bao gồm các căn hộ cao cấp, nhiều văn phòng đại diện của hàng chục công ty tầm cỡ, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, khu vực giải trí, cùng lúc có hàng chục nghìn người đang cư trú, làm việc, du lịch và mua sắm ở đó), bỗng dưng người ta nghe có nhiều tiếng nổ lớn, tiếng kính vỡ dữ dội, tiếng la hét và hoảng loạn của mọi người trong tòa nhà. Trong vài giây phút, tòa nhà rộng lớn đã bị thiệt hại nặng nề cùng hàng nghìn người bị thương và tử vong.
Hình ảnh từ hiện trường cho thấy một cuộc khủng bố kinh hoàng đã diễn ra. Vũ khí để hủy hoại tài sản và giết hại mạng sống con người chính là hàng nghìn chiếc drone (máy bay điều khiển từ xa) đồng loạt bị một nhóm khủng bố kích nổ trên toà nhà với những chất nổ tự chế. Các nhà chức trách cho hay, chất nổ được dùng trong vụ khủng bố có tên gọi là semtex, một loại chất nổ dẻo được làm từ những vật liệu mà người ta có thể mua một cách dễ dàng từ những siêu thị bán vật liệu xây dựng và đồ nội thất. Semtex có khả năng nổ cao, chỉ cần 250 gram là đủ để làm nổ tung một chiếc máy bay thương mại. Kẻ khủng bố đã gắn semtex dưới những chiếc drone và đồng loạt thả xuống mục tiêu của mình.
Về giá trị, semtex rất rẻ, còn những chiếc drone được sử dụng cho hành động khủng bố cũng chỉ có giá khoảng 1.000 USD/1 chiếc. Một món đồ chơi trị giá 1.000 USD là tương đối đắt, nhưng nếu là một công cụ khủng bố thì nó vô cùng rẻ. Đối với một tổ chức khủng bố lớn, số tiền vài triệu USD phải chi cho một vụ tấn công khủng bố quan trọng là không đáng kể. Tuy nhiên, thiệt hại mà họ đã gây ra về tài sản, mạng sống và sự bất ổn trong xã hội thì không thể đo lường được.
Vụ khủng bố đã làm cho các nhà chức trách cũng như người dân hoàn toàn bất ngờ vì trước đây, người ta đã trở nên quen thuộc với cảnh những chiếc drone vốn hiện diện trong đời sống thường nhật. Nhiều cha mẹ sắm drone cho con cái vui chơi mỗi khi đi dã ngoại ở công viên, ở biển, hay ở những nơi có nhiều khoảng trống. Điều này tương tự như trò chơi thả diều mà trẻ em thời xưa từng chơi. Bên cạnh như một đồ chơi thú vị, drone còn được sử dụng phổ biến để đưa thư, giao hàng và gửi quà cho người thân. Drone cũng thường xuyên được sử dụng để vận chuyển những thiết bị y tế và thuốc men đến cho những người cao tuổi không dễ dàng đi lại, hoặc đến những vùng sâu vùng xa, di chuyển khó khăn. Những chiếc drone được cài đặt để thực hiện những công việc này giúp tiết kiệm thời giờ, nhân lực và chi phí. Người ta đã không lường trước rằng, ngoài những công việc mà drone có thể hỗ trợ một cách rất hiệu quả, giúp ích cho xã hội, những chiếc máy này còn có thể trở nên những công cụ tàn phá và gây bất ổn cho toàn thế giới.
Mặc dù sự kiện được viết ở trên chưa xảy ra trên thực tế, nhưng những gì được diễn tả trong tình huống giả sử này hoàn toàn có thể diễn ra trong bối cảnh xã hội và xu hướng phát triển công nghệ kỹ thuật số hiện nay. Trong thực tế, mới đây một tình huống gần giống vậy đã xảy ra. Vào tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi đã may mắn thoát chết sau khi bị ám sát hụt bằng drone. Ba chiếc drone có gắn đầy chất nổ đã được kẻ xấu phóng đi từ Cầu Cộng hòa trên Sông Tigris tới tư gia của thủ tướng. Mặc dù ông đã thoát hiểm, nhưng vụ tấn công đã khiến cho 6 cận vệ bị thương.[1] Và chúng ta cũng có thể dự đoán rằng sẽ còn có nhiều vụ ám sát tương tự được thực hiện bằng drone trong tương lai, không hẳn chỉ với các lãnh đạo quốc gia, mà còn với những đối thủ làm ăn, kẻ thù địch, và thậm chí tình địch.
Theo nhận định của một số chuyên gia, nhân loại đang ở ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng tri thức mới và sẽ đưa con người đến một trạng thái hiện sinh hoàn toàn khác so với cuộc cách mạng về ý thức diễn ra khoảng 70.000 năm trước.[2] Trong lịch sử loài người, sự kiện đó đã cho phép Người Tinh Khôn (Homo Sapiens) có những thay đổi lớn về cách giao tiếp và tương quan với nhau. Trong dòng lịch sử của nhân loại, sự kiện khởi đầu ấy đã dẫn con người đến sự phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, khoa học và cuối cùng là công nghệ kỹ thuật số hiện đại. Nhiều người tin rằng, hai yếu tố khoa học và công nghệ sẽ đưa nhân loại bước vào một thực tại mới. Điều này đã, đang và sẽ đặt ra nhiều vấn đề về mối liên hệ giữa con người với công nghệ. Ngoài ra, nó còn đặt câu hỏi về bản chất thực thụ của con người là gì.
Cho đến nay, các chuyên gia triết học, tôn giáo, và các nhà tư tưởng cao siêu thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau như lịch sử, nhân chủng học và tâm lý… đã luôn đảm nhận trách nhiệm giải nghĩa và lượng giá về sự phát triển của con người. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, liệu tôn giáo có còn chỗ đứng hay không, đặc biệt trong hoàn cảnh tôn giáo phải đối mặt với một ý thức hệ mới về khoa học và công nghệ có vẻ như đi ngược lại với cảm quan tôn giáo và tâm linh truyền thống? Ở đây, chúng ta đặc biệt đặt ra câu hỏi: liệu tôn giáo có thể có được tiếng nói khi phải đối mặt với những thay đổi to lớn của khoa học và xã hội do kỹ thuật số mang đến hay không?
Không thể phủ nhận thực tế ngày càng có những ý kiến cho rằng, tôn giáo không nên xen vào những vấn đề trong lĩnh vực khoa học và công nghệ bởi vì tôn giáo không những không cần thiết và không phù hợp, mà còn phản tác dụng trong việc định hình tương lai kỹ thuật số.
Những thay đổi lớn trong công nghệ
Trước khi đào sâu vào câu hỏi về vai trò của tôn giáo đối với sự phát triển về khoa học và công nghệ, chúng ta có thể điểm qua một số tiến bộ kỹ thuật số đang được mong đợi trong tương lai ngắn cũng như dài hạn. Theo nhà tương lai học Gerd Leonhard, có nhiều “thay đổi ngoạn mục” (megashifts) đang và sẽ diễn ra trong những thập kỷ tới.[3] Trong phạm vi của bài thảo luận này, chúng ta không thể đi quá sâu vào những phát triển đang chờ đợi. Tuy nhiên, chúng ta có thể chia những tiến bộ công nghệ thành các lĩnh vực chính như sau:
1. Số hóa (Digitalization)
Thuật ngữ “số hóa” khác với “số liệu hóa” (digitization). “Số liệu hóa” là quá trình chuyển đổi một nội dung từ dạng analog sang hình thức số, mà sau đó máy vi tính có thể xử lý nó. Các kiểu số liệu hóa phổ biến nhất là các loại chuyển đổi văn bản đánh máy, video VHS và nhạc LP sang các định dạng số.[4] Trong khi đó, “số hóa” chỉ về những cách mà nhiều khía cạnh của cuộc sống hiện đại được tái định hình nhằm thích ứng với cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông kỹ thuật số.[5] Trong thuật ngữ kinh doanh, Gartner định nghĩa “số hóa” là “việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để thay đổi mô hình kinh doanh và cung cấp thêm nhiều cơ hội, để kiếm thêm doanh thu và giá trị sản xuất mới; đó là quá trình của việc chuyển sang kinh doanh kỹ thuật số.”[6] Mô hình kinh doanh mới này ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, nên các mô hình kinh doanh cổ điển bắt buộc phải chuyển đổi nếu không muốn bị hủy diệt.
2. Di động hóa (Mobilization)
Hiện tượng này nói lên thực trạng công nghệ kỹ thuật số luôn đồng hành cùng chúng ta ở khắp mọi nơi và trong mọi lúc. Mặc dù các thiết bị có dây sẽ tiếp tục được sử dụng trong tương lai gần, nhưng trên thực tế, lượng máy móc kết nối mạng internet có dây đang giảm mạnh. Cisco ước tính rằng vào năm 2022, lưu lượng truy cập từ các thiết bị không dây và di động chiếm khoảng 71% tổng lưu lượng mạng IP.[7] Di động hóa có nghĩa là các thiết bị kỹ thuật số luôn được mang bên mình mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta cầm trên tay những chiếc điện thoại thông minh và máy tính bảng. Chúng ta đeo trên cổ tay những chiếc đồng hồ có thể kết nối mạng. Chúng ta đeo trên mặt những cặp kính hoặc kính áp tròng kỹ thuật số. Trong tương lai, ngay cả não của con người cũng có thể sẽ được gắn thêm những thiết bị giao diện giữa bộ não và máy tính (brain-computer interfaces, BCI) hoặc các thiết bị cấy ghép khác.
3. Màn hình cảm ứng hóa (Screenification)
Trong thế giới kỹ thuật số, các màn hình sẽ dần dần thay thế những thứ mà hiện nay vẫn còn được trình bày trên giấy như sách vở, báo chí và thực đơn nhà hàng. Những màn hình với chế độ cảm ứng sẽ thay thế tất cả những gì trước đây dùng bằng nút bấm. Những màn hình cảm ứng cũng sẽ thay thế các bảng trưng bày, biển quảng cáo trên đường phố và các bảng thông tin trong các tòa nhà và các trung tâm thương mại. Màn hình cũng sẽ được sử dụng để trưng bày những bức tranh chỉ có ở dạng file kỹ thuật số. Điển hình tác phẩm có tên “Mỗi ngày – 5.000 ngày đầu tiên” được nhà đấu giá Christie’s (London) bán với giá 69,3 triệu USD chỉ là một tập tin dưới dạng JPG.[8] Nếu chủ nhân muốn trưng bày tác phẩm này thì buộc phải thông qua một màn hình có kết nối mạng internet vì bức tranh này chỉ tồn tại trên không gian mạng.
Tuy nhiên, các màn hình không chỉ dùng để trưng bày các bức ảnh kỹ thuật số mà còn có thể thay thế những bức tranh và bức ảnh treo tường, ví dụ như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Chúng ta có thể treo màn hình trên tường hoặc cửa sổ để tạo ra cảm giác đang nhìn ra một không gian thiên nhiên bao la thơ mộng. Điều này đặc biệt bổ ích nếu như trên thực tế, bên ngoài cửa sổ nhà hoặc căn hộ của chúng ta là một bức tường bê-tông của nhà hàng xóm.
Tuy nhiên, màn hình không chỉ sẽ được dùng để trưng bày tranh ảnh hoặc trình bày thông tin. Các chuyên gia tin rằng trong tương lai, một loại màn hình có thể được đặt vào mắt của chúng ta, để giúp chúng ta có thể thấy những chi tiết mà mắt thường không bao giờ có thể thấy được. Có thể nói mắt của chúng ta sẽ được nâng cấp từ dạng 1.0 thành 2.0 với sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số.
4. Bỏ qua trung gian (Disintermediation)
Ngày nay, chúng ta càng chứng kiến xu hướng thực hiện các giao dịch hoặc dự án trực tiếp thay vì qua trung gian. Ví dụ, nhiều ca sỹ không còn thực hiện các sản phẩm âm nhạc qua các trung tâm sản xuất băng đĩa mà tự thu âm và đăng tải lên không gian mạng cho người nghe có thể thưởng thức trực tuyến hoặc có thể tải xuống. Nhiều nhà văn cũng đã chọn con đường này để phổ biến các tác phẩm của họ mà không cần đến nhà xuất bản hoặc người biên tập. Người kinh doanh có thể bán hàng online với đủ các loại hàng hóa từ thực phẩm đến mỹ phẩm, quần áo, đồ điện tử…. mà không cần phải thuê mặt bằng ở chợ hoặc trung tâm thương mại. Đối với khách hàng, khi thanh toán tiền có thể sử dụng các dịch vụ như FaceBook Money, Paypal mà không cần đến ngân hàng. Việc loại bỏ trung gian sẽ giúp giảm các chi phí cũng như thời gian để thực hiện các giao dịch hoặc dự án.
5. Sự chuyển đổi (Transformation)
Thuật ngữ này dùng để nói lên một biến đổi sâu xa hơn là sự “thay đổi” hay “canh tân”. Ở đây ám chỉ sự biến đổi để trở thành một “hữu thể” mới, có đủ tố chất để đáp ứng với thời đại và thực tại của môi trường mới. Sự chuyển đổi diễn ra trên cấp độ cá nhân lẫn cơ cấu kinh tế - xã hội - chính trị. Đối với loài người, sự chuyển đổi trong tương lai có thể dẫn đến tình trạng con người trở thành cyborg (trong thân thể được đặt những thiết bị máy móc như BCI hoặc các thiết bị khác nhằm nâng cấp sức khỏe, thể lực và trí tuệ). Nếu như ngày nay, máy tạo nhịp tim (pacemaker) có thể được xem là một thiết bị khiến cho một người bình thường trở nên “cyborg,” thì trong tương lai sẽ còn có những thiết bị khác được nối kết với thân thể một cách kỳ diệu hơn nữa. Ngoài việc đặt các thiết bị điện tử vào bên trong thân thể thì các chuyên gia còn dự đoán rằng ngay cả gen của con người cũng sẽ được biến đổi để giúp chúng ta đạt được sức khỏe tốt hơn và kéo dài đời sống được lâu hơn. Khả năng sống lâu hơn luôn là khát vọng lớn của con người từ xưa đến nay. Rất có thể con người sẽ đạt được sự mong ước này nhờ vào sự phát triển của khoa học công nghệ tân tiến.
6. Sự thông minh hóa (Intelligization)
Sự chuyển giao này được thực hiện chủ yếu nhờ vào sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence, AI/TTNT). TTNT ngày càng trở thành công cụ thiết yếu trong việc phát triển xã hội, và được xem như là chìa khóa để vận hành thế giới trong tương lai. Theo Oxford Reference, TTNT là “học thuyết và sự phát triển của hệ thống máy tính, có thể làm được các tác vụ mà thông thường phải dùng đến trí thông minh của con người. Ví dụ điển hình như sự nhận thức bằng giác quan, nhận diện giọng nói, đưa ra quyết định, và dịch thuật giữa các ngôn ngữ.”[9] Nói về TTNT, Quartz đưa ra một cách giải nghĩa dễ hiểu hơn như sau:
TTNT là một phần mềm, hoặc là một chương trình máy tính, với một cơ chế để tự học. Sau đó nó sử dụng kiến thức đã học được để đưa ra quyết định trong một tình huống mới, giống như con người vẫn thường làm. Các nhà nghiên cứu thiết lập phần mềm này cố gắng viết mật mã để cho nó có thể duyệt các hình ảnh, chữ viết, video, hoặc âm thanh, và học được điều gì đó từ những nội dung này. Kiến thức mà máy móc đã học được, sau đó có thể được sử dụng ở những tình huống khác.[10]
Điều này có nghĩa là nhờ vào các thuật toán, những chiếc máy điện tử sẽ có khả năng học từ những dữ liệu được cung cấp và có thể sử dụng những kiến thức đó để đưa ra quyết định tương tự như một con người sẽ làm. Tuy nhiên, máy móc khác với con người ở điểm chúng không cần nghỉ ngơi, đồng thời có thể xử lý một số lượng dữ liệu khổng lồ trong một thời gian rất ngắn. TTNT đang được sử dụng rộng rãi như nhận diện khuôn mặt trên những bức hình của Facebook, dịch thuật của Google Translate, và giới thiệu các sản phẩm đến người tiêu dùng trên mạng internet. Cách áp dụng TTNT hiện nay vẫn đang còn ở mức “hạn hẹp” (narrow) hay “yếu” (weak). TNTT hẹp/yếu cần sự can thiệp của kỹ sư và chỉ làm được một công việc như trả lời các câu hỏi, giải quyết một vấn đề, điều khiển xe ô-tô, hoặc chẩn đoán bệnh trong phạm vi của thuật toán đã được tạo nên. Sự phát triển vượt bậc của TTNT mà các chuyên gia đang hướng tới là loại TNTT mạnh (strong) và tổng quát (general). TNTT mạnh là những cỗ máy có khả năng trí tuệ như con người. Như một đứa trẻ, nó bắt đầu thu thập các kiến thức qua các dữ liệu và kinh nghiệm hằng ngày. Qua thời gian, trí tuệ của nó thăng tiến giúp nó có nhiều khả năng vượt bậc. Mặc dù hiện nay chỉ có TTNT hẹp/yếu, nhưng người ta tin rằng trong tương lai, thế giới sẽ có ngày chứng kiến sự hiện diện của loại TTNT mạnh với những cỗ máy có thể có ý thức và tự nhận biết bản thân.
7. Sự tự động hóa (Automation)
Đây là một tiến trình dẫn đến việc máy móc thay thế con người để làm nhiều công việc khác nhau. Tự động hóa được liên kết mật thiết với số hóa và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã đề cập ở trên. Tự động hóa được chứng kiến không chỉ trong lĩnh vực lao động chân tay mà còn diễn ra trong các lĩnh vực lao động trí óc. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong năm 2022, 42% công việc sẽ được thực hiện bằng máy móc, trong khi đó chỉ còn 58% sẽ do con người làm. Mặc dù vẫn còn những công việc do con người đảm nhận, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cảnh báo rằng để có thể làm việc hiệu quả và làm tốt công việc, mọi người phải được huấn luyện kỹ càng.[11] Trong thời gian đại dịch Covid-19, tự động hóa đã được cấp tốc thực hiện trong nhiều ngành công nghiệp nhằm hạn chế số người tập trung ở những nơi có khả năng lây nhiễm cao.
8. Sự dự đoán (Anticipation)
Sự phát triển này cũng được liên kết mật thiết với TTNT để cho máy móc và các thuật toán xử lý tất cả các dữ liệu có sẵn nhằm dự đoán những sự kiện sẽ xảy đến trong tương lai. Ví dụ, “trợ lý” TTNT của bạn có thể lường trước được những thay đổi trong lịch trình của bạn, và có thể đặt lại lịch hẹn hoặc đặt lại vé máy bay cho bạn. “Bác sỹ” TTNT của bạn có thể kiểm tra tất cả những tài liệu bệnh án của bạn và chẩn đoán những vấn đề sức khỏe trong tương lai như bệnh ung thư hoặc tiểu đường để kịp thời ngăn ngừa hoặc điều trị. Cơ quan thực thi pháp luật có thể sử dụng các thuật toán máy tính để dự đoán nơi có thể sớm xảy ra bạo loạn bằng cách kiểm tra tất cả các dữ liệu có liên quan đến khu vực đang được theo dõi. Khả năng dự đoán của thuật toán sẽ được tăng cường bằng cách sử dụng internet vạn vật (internet of things), khi mọi thứ – con người, động vật và đồ vật – đều được liên kết với nhau trong một mạng lưới bao phủ khắp nơi. Trong mạng lưới này, tất cả các dữ liệu về bản thân cũng như môi trường xung quanh đều được thu thập để cho thuật toán xử lý và dự đoán.
9. Robot hóa (Robotization)
Việc chế tạo robot để hỗ trợ con người trong những việc hằng ngày sẽ ngày càng phổ biến hơn trong xã hội hiện đại. Với tốc độ phát triển vượt bậc của TTNT, các kỹ sư công nghệ tin rằng không bao lâu nữa, con người có thể tạo ra những máy móc siêu thông minh. Trong thời gian đại dịch Covid-19, để đảm bảo an toàn, nhiều nhà hàng sử dụng các robot để phục vụ thực khách nhằm phòng ngừa lây nhiễm.[12] Các robot cũng được sử dụng trong một số bệnh viện để phát thuốc cho bệnh nhân nhằm giảm bớt sự tiếp xúc giữa bệnh nhân và nhân viên y tế.[13]
Theo các chuyên gia, giá của robot sẽ giảm theo mức thịnh hành và sự ưa chuộng của người tiêu dùng. Để đạt được điều này các chuyên gia công nghệ phải tạo ra những robot với chức năng tiên tiến như nhanh nhẹn, hiểu biết ngôn ngữ phổ thông, nhận diện hình ảnh chính xác, và năng lượng pin lâu bền. Đó đều là những yếu tố sẽ giúp cho robot hấp dẫn và thuận tiện hơn trong đánh giá của người tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua một vấn đề vô cùng nghiêm trọng, đó là việc các robot cũng sẽ được tạo ra để tham gia chiến tranh giữa các quốc gia và chính phủ, và cũng có thể được kích hoạt để thực hiện các vụ hủy diệt hàng loạt.
Tác động tới nhân loại
Nhà văn khoa học viễn tưởng William Gibson được cho là người tạo nên thể loại văn học “cyberpunk”[14] nói rằng: “Về mặt đạo đức, công nghệ vốn trung tính cho đến khi chúng ta sử dụng nó.”[15] Các cá nhân và tập thể là người quyết định việc sử dụng các sáng kiến công nghệ, nên phần lớn hậu quả xảy ra phụ thuộc vào ý hướng và ứng dụng thực tế của họ. Mặc dù công nghệ tiên tiến có nhiều hiệu quả tích cực, chẳng hạn như giúp chúng ta duy trì hoặc gia tăng sức khỏe, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng những hệ quả xấu cũng rất nghiêm trọng như đã bàn đến trong các bài viết của tập sách này. Trong phần này, chúng ta xem qua một số hệ quả đang hoặc có thể xảy ra trong tương lai khi công nghệ kỹ thuật số ngày càng đi sâu vào tất cả ngõ ngách của đời sống con người, thậm chí đi vào bên trong bộ não của chúng ta.
1. Việc đánh mất quyền riêng tư
Thành thật mà nói, không ai trong chúng ta thuộc thế hệ X hoặc lớn hơn muốn trở lại thời tiền internet – không có email, video chat, mạng xã hội, điện thoại thông minh, Iphone, Ipad và hàng loạt các thiết bị điện tử tân tiến khác để phục vụ cho công việc cũng như sinh hoạt hằng ngày. Sống trong một thế giới liên kết kỹ thuật số, chúng ta nhận được hàng vạn lợi ích khi các thông tin, nội dung giải trí, và hàng loạt giao dịch khác nằm ở ngay đầu ngón tay của mình. Thậm chí, nếu ai không tiện dùng tay để bấm cũng có thể sử dụng tiếng nói để điều khiển nhiều thiết bị điện tử hiện đại.
Một điều mà nhiều người trong chúng ta cảm thấy phấn khởi là có quá nhiều thứ để cho chúng ta dùng mà dường như không phải mất một đồng nào, ngoại trừ tiền thuê bao internet. Trên thực tế, những thứ xem như hoàn toàn miễn phí có một cái giá phải trả mà nhiều người trong chúng ta chưa hoàn toàn ý thức được hoặc thấu hiểu sâu sắc. Cái giá phải trả ở đây chính là sự riêng tư của mỗi người, cho dù chúng ta sống ở trên một đất nước tư bản hay ở một quốc gia có chế độ độc tài.
Nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là ở các quốc gia có nền công nghệ kỹ thuật số còn mới, chưa ý thức được rằng, mỗi lần chúng ta tìm kiếm các thông tin trên Google hay Internet Explorer, nhấn “like” một bức ảnh hay một trạng thái của ai đó trên Facebook và Instagram, mỗi lần chúng ta đăng một dòng trạng thái trên trang cá nhân, một lời bình luận trên một bài báo online, một bức hình đi du lịch hay việc ăn uống ở nhà hàng, mỗi lần chúng ta bấm vào một trang web hay một mục quảng cáo sản phẩm nào đó… mỗi cái nhấp chuột này của chúng ta đều được các thuật toán ghi nhận và đưa vào cái “hồ sơ” mà chương trình thuật toán tạo nên cho mỗi người dùng.
Cái “chân dung” vô cùng chi tiết của chúng ta được dựng nên bởi vô số dữ liệu mà thuật toán đã thu thập trở nên một “sản phẩm” mà các công ty công nghệ có thể khai thác nhằm tìm lợi nhuận, đặc biệt qua việc kết nối chúng ta với những hàng hóa và dịch vụ phù hợp với bức chân dung của từng cá nhân.
Đánh mất quyền riêng tư không chỉ bởi việc các công ty đang cố gắng thu thập thông tin cá nhân của chúng ta để kiếm lợi, mà còn bởi vì sự phát triển của công nghệ có thể dẫn đưa xã hội đến một tình trạng mà nơi đó chúng ta không ngừng bị theo dõi với danh nghĩa là duy trì trật tự xã hội. Tại Thái Lan, trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19, tất cả mọi người được yêu cầu quét mã QR khi đi vào những nơi công cộng như trung tâm mua sắm, siêu thị, tòa nhà chính phủ, và thẩm mỹ viện v.v… Theo chính phủ Thái Lan, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi những trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.[16] Hình thức theo dõi này không chỉ riêng tại Thái Lan mà được áp dụng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở Trung Quốc.
Theo báo cáo có tựa đề “Sự mở rộng toàn cầu của hệ thống giám sát trí tuệ nhân tạo,” sự tăng trưởng của trí tuệ nhân tạo trên thế giới đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. “Ngày càng có nhiều chính quyền của các quốc gia đang triển khai các sản phẩm tiên tiến về TTNT để dùng giám sát, kiểm tra, theo dõi người dân, nhằm vào một loạt các mục tiêu chính sách – một số hợp pháp, một số khác vi phạm nhân quyền, và phần nhiều trong số đó rơi vào những mục tiêu mờ ám.”[17]
Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc – một quốc gia độc tài – là nơi có nhiều thiết bị giám sát thông minh nhất trên thế giới. Các thành phố của Trung Quốc đều có lắp các máy camera giám sát nơi công cộng. Chỉ riêng thành phố Chongqing với 15,35 triệu dân số, chính quyền đã cho lắp đặt 2,58 triệu máy camera, tương đương một máy camera cho mỗi 6 người dân.[18] Chongqing được cho là thành phố bị giám sát nhiều nhất trên thế giới tính theo tỷ số máy camera trên dân cư. Trong tương lai sẽ còn thêm nhiều thành phố tại Trung Quốc và ở các nước khác trên thế giới bắt chước mô hình của Chongqing khiến cho người dân toàn cầu phải rơi vào sự giám sát liên tục của các cơ chế quyền lực.
Về các công ty công nghệ, chỉ riêng công ty Huawei của Trung Quốc cũng đủ cung cấp đầy đủ các công nghệ giám sát thông minh cho ít nhất 50 quốc gia. Điều này có thể so sánh với công ty liên doanh lớn nhất của Nhật Bản là NEC với 14 quốc gia, và công ty IBM lớn nhất nước Mỹ với 11 quốc gia. Vì Trung Quốc có nhiều năm kinh nghiệm trong việc xây dựng một hệ thống công nghệ giám sát đối với công dân, nên những bí quyết của Trung Quốc được săn đón bởi các quốc gia mà có khuynh hướng hạn chế quyền tự do cá nhân và dân sự.[19]
Trong tương lai, sự phát triển của TTNT và internet vạn vật có thể dẫn đến một mạng lưới giám sát khổng lồ mà nhân loại chưa bao giờ trải nghiệm. Trong tình trạng này, một mặt chúng ta bị theo dõi liên tục bởi các công ty thu thập dữ liệu nhằm trục lợi kinh tế; mặt khác, chúng ta bị theo dõi liên tục bởi các chính phủ và thể chế chính trị với mục đích duy trì an ninh. Cho dù ở trong nhà hay ngoài đường, mỗi hành động của chúng ta đều có ai đó ghi nhận và sử dụng dữ liệu đó cho những việc nằm hoàn toàn ngoài sự kiểm soát của chúng ta.
2. Mất việc làm
Tác động của sự phát triển công nghệ trên công việc của người dân là điều không thể tránh được cho dù đó là sự phát triển dưới bất cứ hình thức gì. Điều này có thể thấy được trong những biến cố to lớn cũng như những thay đổi nhỏ hơn trong lịch sử phát triển công nghệ trên thế giới hàng nghìn năm qua. Đối với sự phát triển đặc biệt quan trọng như công nghệ kỹ thuật số thì tác động của nó trên thị trường việc làm còn rõ rệt hơn. Trước việc công nghệ trí tuệ nhân tạo và tự động hóa ngày càng phổ biến, nhiều việc làm trong lĩnh vực lao động chân tay lẫn trí óc sẽ bị ảnh hưởng. Trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, nếu robot có thể làm phần lớn các công việc và thậm chí làm tốt hơn các công việc mà con người có thể làm, thì số lượng công việc còn lại cho con người sẽ rất hạn chế. Các chủ doanh nghiệp đặt lợi nhuận của họ lên trên hết. Vì vậy, nên việc đầu tư vào robot sẽ là lựa chọn hiển nhiên với các lợi ích như: không phải trả lương cho robot và robot không nghỉ việc, nghỉ ốm, nghỉ thai sản.
Việc khẳng định sẽ có những công việc bị thay thế bởi robot là điều không khó đối với các nhà khoa học. Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia chưa có sự đồng thuận là tự động hóa sẽ ở mức độ nào. Năm 2013, hai học giả của trường Đại học Oxford Carl Benedikt Frey và Michael A. Osborne đã đứng tên một bài viết được trích dẫn rộng rãi (hơn 4.000 lần) cho rằng, vào giữa những năm 2030, 47% các công việc của người Mỹ có nguy cơ cao sẽ bị thay thế bởi TTNT. Năm công việc có nguy cơ cao nhất là bán hàng qua điện thoại, người bán bảo hiểm, trọng tài thể thao, thu ngân, và đầu bếp.[20] Nhiều người đã trích dẫn tài liệu này như một bằng chứng phản ánh tác động sâu xa mà TTNT gây ra cho đời sống con người, đặc biệt trong công ăn việc làm. Tuy nhiên, gần đây Frey và Osborne đã đưa ra một bài báo nhấn mạnh rằng ý tưởng một nửa công việc của người Mỹ sẽ được tự động hóa là một sự hiểu lầm về bài viết của họ. Các tác giả viết:
Nghiên cứu của chúng tôi thậm chí không phải là một dự đoán. Nó là một ước tính chỉ ra rằng các công việc hiện nay sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi sự phát triển gần đây trong lĩnh vực TTNT và robot di động. Bài nghiên cứu không nói gì về tốc độ mà những công việc đó sẽ bị tự động hóa. Điều mà bài viết gợi ý là: xét theo góc nhìn của khả năng công nghệ thì sự tự động hóa có thể áp dụng được đối với 47% công việc. Những ước tính của chúng tôi thường xuyên được giải nghĩa là ngụ ý của một biến cố “mất việc làm hàng loạt” (employment apocalypse). Tuy nhiên, đó không phải là điều chúng tôi có ý muốn nói hay đề xuất. Chúng tôi chỉ đơn thuần chỉ ra rằng tiềm năng ảnh hưởng của tự động hóa là rất lớn, tương tự như những gì đã xảy ra trước thềm cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai, trước khi sự phát minh điện và động cơ đốt trong đã làm cho nhiều công việc từng có trước năm 1900 không còn cần thiết nữa.[21]
Trong thực tế, ảnh hưởng của TTNT và tự động hóa đối với các công việc sẽ khác nhau tùy theo mô hình từng ngành kinh tế. Tuy nhiên, có một điều có thể khẳng định trong tương lai, rằng những lao động phổ thông không dễ gì chuyển từ một công việc tay chân này qua một công việc tay chân khác như trước đây.
Ngày xưa cũng như ở một số nơi hiện nay, khi người ta không còn việc làm ở các vùng quê thì họ có thể chuyển lên thành phố để tìm việc làm trong các hãng xưởng. Mặc dù thay đổi môi trường và công việc, nhưng tính chất của việc làm mới không đòi hỏi sự thích nghi hoặc học hỏi quá lớn. Vì thế, người lao động có thể chuyển từ sử dụng cày cuốc qua điều khiển các máy móc đơn giản để mưu sinh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kỹ thuật số, khi những công việc đơn giản có thể được làm bằng máy thì các lao động phổ thông không thể dễ dàng chuyển từ việc này qua việc khác. Trong tương lai, những người này phải đầu tư thời gian và công sức để học một kỹ năng chưa bị tự động hóa hoàn toàn. Điều này đòi hỏi khả năng trí tuệ và điều kiện kinh tế mà không phải ai cũng sẵn sàng đáp ứng được.
Khi nói về tình trạng công việc trong thế giới kỹ thuật số, có ba khả năng có thể xảy ra: lấy đi việc làm, nâng cao công việc hiện tại, và tạo ra những việc làm mới. Một nghiên cứu về kinh tế của 11 nước châu Á bởi Tạp chí Công nghệ MIT dự đoán rằng trong 5 năm tới, trung bình, tự động hóa sẽ lấy đi 12% việc làm, trong khi 8% việc làm khác sẽ tăng lên nhờ vào các khả năng của TTNT. Hầu như trong mỗi nền kinh tế, số lượng việc làm bị loại bỏ sẽ vượt xa số việc làm được tạo ra. Những thị trường mới nổi như Việt Nam và Indonesia, nơi mà ngành sản xuất đóng vai trò lớn và được tiến hành theo quy trình, số lượng việc làm bị mất sẽ cao hơn gấp 2 lần số việc làm được tạo ra.[22]
3. Khoảng cách kinh tế - xã hội
Mặc dù sự tiến bộ của công nghệ đang tạo ra cơ hội cho nhiều người trở nên giàu có hơn, nhưng sự tăng trưởng mất cân bằng toàn cầu là một chiều hướng đáng lo ngại. Theo tổ chức Oxfam, trong năm 2018, 26 người giàu nhất thế giới sở hữu nhiều hơn một nửa dân số toàn cầu (3,8 tỷ người). Giữa những năm 2017 - 2018, cứ mỗi 2 ngày lại có thêm một người mới được điền tên vào danh sách tỷ phú của thế giới. Tuy nhiên, gần một nửa nhân loại đồng thời phải sinh sống dưới 5.50 USD/ngày.[23]
Vấn nạn khoảng cách giàu nghèo không có dấu chỉ được cải thiện trong thời kỳ đại dịch, mà lại có xu hướng gia tăng. Cũng theo Oxfam, từ tháng 3 năm 2020 đến đầu năm 2022, tổng tài sản của 10 tỷ phú giàu nhất thế giới đã tăng hơn gấp đôi, trong khi 99% nhân loại mất thu nhập do cuộc khủng hoảng.[24] Bà Irit Tamir – đại diện của Oxfam – nói, “Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo đang gia tăng ngay trước khi đại dịch bắt đầu. Nhưng đại dịch đã làm cho tình trạng này siêu tăng tốc bằng rất nhiều cách.”[25]
Sự tiến bộ của công nghệ lại là một điều đáng quan tâm. Thay vì giảm bớt khoảng cách giàu nghèo, sự tiến bộ này lại làm cho tình trạng trên trở nên trầm trọng hơn, bởi vì hầu hết sự thịnh vượng và quyền lực tập trung vào các tập đoàn khổng lồ trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ hoặc có liên quan đến công nghệ như Microsoft, Apple, Amazon và Tencent. Sự phát triển của TTNT và tự động hóa sẽ mang lại lợi nhuận tăng vọt cho những công ty này, đặc biệt là các giám đốc của công ty, trong khi có nhiều người phải đối đầu với tình trạng mất việc và mất thu nhập.
Trong khi TTNT được cho là công cụ để giải quyết các vấn đề nhức nhối trong xã hội về môi trường sinh thái, chiến tranh và tội phạm, nhưng trớ trêu thay, liệu các công ty công nghệ có sẵn sàng phát triển TTNT để giải quyết vấn nạn khoảng cách giàu nghèo mà chính họ đóng vai trò quan trọng khiến cho vấn nạn tiếp tục tồn tại và ngày càng gia tăng? Các tập đoàn công nghệ có sẵn sàng chịu thiệt thòi về mặt thu nhập để cho vấn đề bất bình đẳng trong xã hội được thuyên giảm? Hay họ chỉ để cho TTNT giải quyết các vấn đề một cách có chọn lọc nhằm bảo đảm sự tăng trưởng và phồn thịnh của chính mình.
Có một vài viễn cảnh cho rằng sự bất bình đẳng trong xã hội sẽ trở nên nghiêm trọng hơn do việc tiếp cận các phát triển công nghệ khổng lồ không đồng đều. Nhà sử học người Israel – Yuval Noah Harari – nhận định rằng, TTNT nếu được sử dụng trong công nghệ sinh học sẽ giúp con người nâng cao sức khỏe thể chất, kéo dài tuổi thọ và nâng cao khả năng nhận thức.
Trong trường hợp này, dĩ nhiên tầng lớp giàu có sẽ là thành phần đầu tiên tiếp cận được những cơ hội này trong khi những người nghèo sẽ bị bỏ lại đằng sau. Điều này tạo nên một khoảng cách lớn giữa những người có điều kiện và không có điều kiện. Xã hội loài người có thể bị phân hóa thành những đẳng cấp sinh học với những khác biệt rõ ràng giữa giới thượng lưu và hạ lưu.[26] Dĩ nhiên, người giàu và người có quyền, hoặc tầng lớp ưu tú sẽ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số dân. Tuy nhiên, họ là những người nắm quyền kiểm soát và truy cập vào tất cả dữ liệu – được coi là tài sản quan trọng nhất của kỷ nguyên công nghệ số.
Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi những gã công nghệ khổng lồ như Google, FaceBook, Baidu và Tencent đang chạy đua để tích lũy nhiều dữ liệu nhất có thể. Mỗi mảnh dữ liệu nhỏ mà chúng ta cung cấp cho những công ty này, dù tự nguyện hay vô tình, bằng cách sử dụng miễn phí các dịch vụ email, ứng dụng trò chuyện và chia sẻ hình ảnh và các nền tảng giải trí… đang đóng góp cho mục tiêu dài hạn của họ để đạt được quyền làm chủ các dữ liệu. Càng nhiều dữ liệu cá nhân được cung cấp cho các chính phủ và công ty liên doanh, chúng ta càng có nhiều nguy cơ mất quyền kiểm soát về xã hội, kinh tế, và chính trị.
4. Bất ổn xã hội
Sự bền vững và ổn định của xã hội trong kỷ nguyên kỹ thuật số đòi hỏi sự quản lý những phát triển công nghệ một cách khôn ngoan. Andrew Yang, cựu ứng viên tổng thống Mỹ năm 2020, từng nhận xét, “Chỉ mỗi phát minh xe hơi tự lái cũng đủ để gây bất ổn xã hội. Chỉ một vật tối tân đó cũng đủ làm náo loạn đường phố. Và chúng ta sẽ làm như thế đối với nhân viên bán hàng, nhân viên tổng đài, những người bán thức ăn nhanh, các công ty bảo hiểm và kiểm toán.”[27]
Viễn tượng mà ông Yang và một số người khác từng đưa ra, được mô tả là “ngày tận diệt của robot” (robot apocalypse); viễn tượng này cảnh báo về một cái nhìn hết sức cực đoan và bi quan cho nền kinh tế - xã hội trong những thập kỷ tới. Mặc dù những bản báo cáo đã vẽ ra những viễn cảnh lạc quan lẫn bi quan về công ăn việc làm trong tương lai do hiện tượng tự động hóa, nhưng nhiều người tỏ ra lo lắng về hành vi mang tính độc quyền mà các tập đoàn công nghệ khổng lồ ngày càng thể hiện một cách trắng trợn. Các công ty này cũng mang nhiều tham vọng sẽ chế tạo những cỗ máy siêu việt và nhiều công cụ khác nhằm nâng cao sự sống con người.
Trong khi công nghệ tiên tiến mang lại nhiều lợi ích là điều không thể chối cãi, nhưng chúng ta cũng không thể bỏ qua câu hỏi: liệu những ảnh hưởng tiêu cực của nó sẽ đưa đến hậu quả mất cân bằng xã hội khi chỉ có tầng lớp giàu có mới có thể tiếp cận các phương pháp điều trị mới giúp con người kéo dài tuổi thọ. Ngược lại, với những người nghèo khó chỉ đủ kiếm sống qua ngày thì làm sao họ có thể với tới những phương pháp tối tân như vậy để duy trì sức khỏe?
Sự ổn định trong xã hội đòi hỏi một mức độ bình đẳng giữa các tầng lớp. Nhưng nếu khả năng chi trả cho các phương pháp công nghệ hiện đại, như cấy ghép giao diện bộ não máy tính nhằm nâng cao khả năng nhận thức, chỉ có người giàu mới làm được, thì điều gì sẽ xảy ra với các tầng lớp thấp hơn? Liệu họ sẽ trở nên tức giận và tìm cách chống trả bằng những cuộc biểu tình và hành vi bạo lực?
Các dạng bất ổn xã hội như biểu tình, khủng bố và bạo loạn có thể trở nên phổ biến không chỉ do kế sinh nhai của rất nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì robot ngày càng lan tràn, mà còn do sự phẫn nộ trước tình trạng mất cân đối về kinh tế, xã hội, chính trị, và thậm chí cả sinh học.
5. Hòa bình thế giới
Khi tìm hiểu và nghiên cứu về các vấn nạn trong xã hội con người, các chuyên gia phải thu thập dữ liệu và phân tích hàng loạt các yếu tố từ nhiều góc độ và chiều kích khác nhau để có một sự thấu hiểu đầy đủ và chính xác nhất. Tuy nhiên, sự phân tích đó được thực hiện bởi con người. Cho dù là các chuyên gia thì họ luôn gặp những thiếu sót do những hạn chế nhất định về kiến thức. Điển hình, để giải quyết khủng hoảng môi trường sinh thái đòi hỏi sự hiểu biết không chỉ về mặt khoa học, mà còn phải am hiểu về vai trò của sự phát triển kinh tế - xã hội, phương pháp lãnh đạo chính trị, và tầm ảnh hưởng của tín ngưỡng… đến hành vi của cá nhân và cộng đồng trong việc giải quyết vấn nạn toàn cầu này. Một chuyên gia khoa học không hẳn sẽ hiểu biết đầy đủ về xã hội học và ngược lại. Vì thế, một vấn đề phức tạp như khủng hoảng môi trường không thể nào chỉ giải quyết dựa trên phương pháp của một lĩnh vực duy nhất như khoa học, kinh tế, xã hội học, hay tôn giáo, mà cần phải có sự đối thoại, hợp tác và liên kết giữa các ngành khác nhau này nhằm thúc đẩy cách giải quyết đa chiều và triệt để hơn.
Như đã đề cập ở trên, vì khả năng phân tích của con người có giới hạn, đặc biệt trước tình trạng kiến thức nhân loại gia tăng một cách ngoạn mục trong từng giây phút, nên các tổ chức mang tầm quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới và Hội Chữ thập đỏ đang đặt hy vọng vào khả năng của TTNT để xử lý số lượng lớn dữ liệu và phân tích các yếu tố phức tạp gây nên các thảm họa nhân đạo như nạn đói nghèo, các cuộc di dân lớn cũng như xung đột chính trị và tôn giáo giữa các dân tộc và quốc gia.[28] Với những hiểu biết do TTNT cung cấp, các nỗ lực nhằm ngăn chặn những thảm họa này có thể được thực hiện kịp thời. Người ta hy vọng rằng TTNT sẽ không chỉ giúp giải quyết những vấn nạn đang tồn tại mà còn phòng ngừa những vấn nạn chưa xảy ra bằng cách dự đoán nơi chốn và thời gian các sự việc đó sẽ diễn ra. Nếu như trong ngành y khoa, TTNT sẽ dự đoán được các bệnh trong tương lai, thì trong xã hội, TTNT cũng sẽ dự đoán được những vấn nạn có khả năng xảy ra.
Có một suy nghĩ lạc quan cho rằng các dữ liệu lớn và các công cụ để phân tích các dữ liệu đó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề gây nhức nhối trên thế giới. Nhà nghiên cứu người Phần Lan (Finland) – Timo Honkela – là một trong những người đang tìm cách chế tạo một “cỗ máy hòa bình” để có thể làm chiếc cầu nối lại sự chia cách con người trong ngôn ngữ, văn hóa và cảm xúc,[29] một cỗ máy góp phần xây dựng nền hòa bình thế giới.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có những tham vọng đáng trân trọng như Honkela. Thay vì tìm cách để xây dựng hòa bình thì nhiều người đang tham gia vào những công trình nghiên cứu nhằm chế tạo vũ khí TTNT với những chức năng siêu việt. Theo một bài báo trên tạp chí Forbes,
Sự phát triển nhanh chóng để vũ khí hóa TTNT đã quá rõ ràng và diễn ra trên diện rộng: sử dụng và điều khiển hải quân, không quân và bộ binh không người lái để gây ra những tổn thất ngoài dự kiến; triển khai hệ thống tên lửa “phóng-và-quên” (fire-and-forget) cũng như sử dụng hệ thống cố định để tự động hóa mọi thứ từ hệ thống nhân sự, bảo trì thiết bị đến triển khai máy bay giám sát không người lái, robot và nhiều ví dụ khác.[30]
Cuộc tranh luận xung quanh vấn đề đạo đức liên quan đến TTNT và các hệ thống vũ khí tự động đã có sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức và chính phủ. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres tuyên bố trên Tweet ngày 26 tháng 3 năm 2019, “Các máy móc tự động với quyền lực và quyền tự quyết để chọn lựa các mục tiêu và lấy đi những sinh mạng mà không có sự can thiệp của con người là điều không thể chấp nhận được về mặt chính trị, là điều đi ngược lại về mặt đạo đức và điều này nên bị cấm bởi luật pháp quốc tế.”[31] Cho đến nay, đã có 28 quốc gia kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn cấm hoàn toàn các vũ khí tự động được đặt tên là “những robot giết người” (killer robot).[32] Điều đáng chú ý là trong số đó có cả Tòa Thánh Vatican và Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ kêu gọi cấm hoàn toàn việc sử dụng các vũ khí tự động nhưng không ủng hộ cấm việc phát triển và sản xuất các vũ khí này. Peter Singer, một chuyên gia về chiến tranh trong thế kỷ XXI đã bình luận rằng, “Họ vẫn đang cải tiến công nghệ trong khi cố gắng sử dụng luật quốc tế như một phương cách để hạn chế các đối thủ của họ.”[33] Điều này không đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc nằm trong danh sách các quốc gia cùng với Mỹ, Nga, Anh, Israel, và Nam Hàn đang chạy đua trong việc thử nghiệm và phát triển các loại vũ khí TTNT.[34]
Ngược với cuộc chạy đua nhằm nghiên cứu và phát triển vũ khí TTNT thì quá trình ngoại giao quốc tế để thiết lập các tiêu chuẩn về sự phát triển vũ khí này xem ra có vẻ chậm chạp hơn rất nhiều. Sự dấn thân của Mỹ trong cuộc đua này chắc chắn xuất phát từ sự quyết tâm của Trung Quốc để thách thức Mỹ nhằm thay thế vị trí làm thủ lĩnh thế giới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thiết lập mục tiêu cho Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới trong lĩnh vực TTNT vào năm 2030, đặc biệt với sức mạnh quân sự tối tân hiện đại không ai sánh bằng.
Nói tóm lại, trong khi công nghệ kỹ thuật số có nhiều ảnh hưởng tích cực đối với xã hội loài người, nó cũng có nhiều tác động tiêu cực trên diện rộng. Phần này chỉ nhấn mạnh những hậu quả tiêu cực tiềm ẩn không phải vì tác giả có cái nhìn chống lại công nghệ, nhưng bởi vì một điều không thể chối cãi, đó là sự phát triển về khoa học và công nghệ nhằm mang lại sự tiến bộ cho con người luôn kèm theo vô vàn rủi ro và nguy hiểm. Ngay cả khi các nhà khoa học và các tập đoàn công nghệ có thiện chí, nhưng việc áp dụng những phát minh của họ lại diễn ra trong nhiều bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội mà các cá nhân và thể chế luôn tranh giành quyền lực, tiền tài, và quyền kiểm soát tài nguyên.
Những mục đích ích kỷ này đã làm vẩn đục chính nền tảng và động lực nghiên cứu của các nhà khoa học. Chúng ta đã quá quen về những chuyện xảy ra ở các thập kỷ trước, điển hình như các tập đoàn thuốc lá tại Hoa Kỳ đã sử dụng các nhà khoa học như những công cụ tung hỏa mù để đánh lừa người tiêu dùng. Thủ đoạn dùng khoa học để chống lại khoa học hoặc lấy “đức tính” hoài nghi của khoa học để khiến cho người ta nghi ngờ về sự đúng đắn của khoa học đích thực là phương cách mà người ta đã và đang dùng trong nhiều lĩnh vực, không chỉ liên quan đến sự nguy hại của thuốc lá, mà còn các vấn đề khác như an toàn thực phẩm, hay hiện tượng biến đổi khí hậu.
Tiếng nói tôn giáo
Trong cơ cấu xã hội - kinh tế ngày càng lấy công nghệ làm trung tâm, liệu có còn chỗ cho các truyền thống tôn giáo, cụ thể Giáo hội Công giáo, đóng góp tiếng nói và sự khôn ngoan của mình hay không? Trong bối cảnh mới, những nơi gọi là “đất thánh” dường như đã bị thay đổi. Thung Lũng Silicon có thể được xem như là một Giêrusalem mới, và Google và Facebook đã trở thành những đại thánh đường của thế kỷ XXI.[35] Tôn giáo còn vai trò gì khi Sergey Mikhaylovich Brin, người đồng sáng lập Google, tuyên bố rằng, cỗ máy tra cứu hoàn hảo “sẽ giống như trí phán đoán của Thiên Chúa”?[36]
Dựa trên những gì đã chứng kiến thì chúng ta có thể tin chắc rằng Google có đủ tham vọng để đầu tư nhiều nguồn lực và kinh phí vào việc sáng tạo một thực thể “toàn năng”. Trong thế giới kỹ thuật số với những nỗ lực không ngừng của các tập đoàn công nghệ để sáng chế những công cụ công nghệ tối tân và siêu việt, dường như người ta không còn cần Thượng Đế hay các vị thần thánh. Tại sao phải chạy đến những vị thần khi đã có Google “để sắp xếp những thông tin của thế giới và làm cho những thông tin hữu ích dễ dàng cập nhật một cách rộng rãi?”[37]
Google được phát triển bởi tập đoàn mẹ Alphabet và được “ban tặng” nhưng không cho mọi người sử dụng không khác gì Thượng Đế đầy yêu thương ban phát hồng ân cho con người. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi truy cập Google và tìm kiếm với từ khóa “Thượng Đế và Google” (God and Google) sẽ cho kết quả lên đến gần 2,3 tỷ tài liệu.[38] Tài liệu đầu tiên xuất hiện là một bài viết có tựa đề “Chứng minh Google là Thượng Đế” (Proof Google is God).[39] Trang web của bài viết có tên miền là “thechurchofgoogle.org” (tạm dịch “Hội Thánh Google”). Bài viết đứng vị trí thứ hai có tựa đề “Có phải Google là Thượng Đế mới không?” (Is Google the New God?).[40] Những thông tin này cho thấy có một nhận thức về vai trò của công nghệ kỹ thuật số ngày càng thay thế niềm tin tôn giáo vào một Thượng Đế cao siêu trong đời sống con người ngày nay.
Trong cuốn sách “Đạo đức và tôn giáo trong thời đại của mạng xã hội,” Kevin Healey và Robert H. Woods Jr. phê bình quan điểm lấy công nghệ làm trung tâm được tuyên truyền bởi những gã công nghệ khổng lồ ở Thung Lũng Silicon. Để thu hút thêm tín đồ, các tập đoàn công nghệ đã “lấn sân” bằng cách sử dụng những thuật ngữ thường thấy trong các truyền thống tôn giáo như Kitô giáo và Phật giáo để diễn tả “sứ mạng” cao siêu của mình. Tuy nhiên, đây là những tư tưởng tâm linh lệch lạc không dựa trên một hệ thống tôn giáo đích thực mà dựa trên khái niệm luân lý đạo đức công nghệ.[41] Họ viết rằng:
Đừng lầm tưởng về nó, thứ luân lý này cũng giống như bất kỳ những luân lý khác mà hình thành ra những tập tục và nghi lễ tôn giáo để giúp tái định nghĩa chúng ta là ai, cách chúng ta nên hành động và những mẫu người nào chúng ta nên trở thành. Trong tiến trình thiết lập những điều chúng ta nên làm và không nên làm cho cuộc sống công nghệ, thứ luân lý này sai lầm khi xem các khả năng của công nghệ ngang bằng với các nhân đức riêng biệt của con người bằng cách đặt tên cho một số, ví dụ như đặt ngang hàng thông tin với đức tính khôn ngoan, và sự minh bạch với tính trung thực.[42]
Các tác giả trên đã tuyên bố rằng, một trong những mục đích họ viết cuốn sách này là để thể hiện “cơn thịnh nộ ngôn sứ” nhằm bày tỏ “một nhận thức lo âu về một điều gì đó không đúng với tư tưởng công nghệ đang ngày càng tăng trưởng. Tư tưởng này đặt chủ nghĩa cá nhân lên trên trách nhiệm luân lý, và đề cao kỹ năng và hiệu quả công nghệ hơn là những đức tính không có thước đo như tiết độ và khiêm nhường.”[43] Các tác giả tin rằng họ đang thay mặt “tất cả những người đang quan tâm đến việc cổ vũ hợp tác nhân văn giữa con người và máy móc. Điều này không làm biến chất phẩm giá con người cho mục đích lợi nhuận và năng suất.”[44]
1. Những câu chuyện tôn giáo không phù hợp với xã hội hiện đại
Nếu những lời bình phẩm của Healey và Woods có căn cứ – phản ánh phong trào lấy chủ nghĩa công nghệ thay thế vai trò của tôn giáo trong đời sống con người – chúng ta sẽ không bất ngờ nếu như có những quan điểm cho rằng, tiếng nói của tôn giáo trong xã hội hiện nay không còn cần thiết nữa. Khi nói về vị trí của tôn giáo ngày nay, một trong những lối tranh luận thường được đưa ra đó là thế giới quan tôn giáo không thích hợp với sự hiểu biết của khoa học hiện đại về vũ trụ. Những niềm tin tôn giáo chỉ đơn giản là những câu chuyện huyền thoại (myths) với cách nhìn hoàn toàn lệch lạc và lỗi thời về thế giới. Những câu chuyện đó có thể dùng để phục vụ cho những mục đích của tôn giáo trong quá khứ như: để giải thích cho các hiện tượng tự nhiên khác nhau; để giải nghĩa những sự kiện đầy hoang mang mà con người phải đối mặt trong cuộc sống; để duy trì sự gắn kết cộng đồng và xã hội; và thậm chí để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp. Tác giả Yuval Noah Harari viết trong cuốn sách Homo Deus: “Trong thời xã hội nông nghiệp cổ xưa, phần lớn sự quan tâm của các tôn giáo không xoay quanh những vấn đề siêu hình và cuộc sống đời sau, nhưng lại xoay quanh những vấn đề thuộc về trần thế như sự gia tăng sản lượng nông nghiệp. Vì thế, Thiên Chúa của Cựu Ước không bao giờ hứa đến bất kỳ phần thưởng hoặc là hình phạt sau khi chết.” Thay vào đó, Harari chỉ ra rằng Thiên Chúa hứa ban cho mưa và một vụ mùa như ý cho những ai vâng lời Ngài, ngược lại sẽ trừng phạt bằng sự thiếu thốn và đói kém cho những ai tôn thờ ngẫu tượng.[45]
Trong một cuộc tranh luận với tiến sĩ Rowan Williams – cựu tổng Giám Mục Canterbury – tại Cambridge về đề tài “Vai trò của tôn giáo trong thế kỷ XXI,” giáo sư vô thần nổi tiếng Richard Dawkins đã khẳng định rằng: “Tôn giáo tuyên truyền những giải thích sai lầm trong khi những giải thích đúng đắn có thể được đưa ra; những giải thích sai đó ngăn cản kế hoạch khám phá những giải thích đúng đắn.”[46] Đối với nhiều người, Kinh Thánh không thể là một nguồn tài liệu thích hợp để giải thích những vấn đề như suy thoái môi trường, bệnh tật và nạn đói. Thay vì tìm câu trả lời trong các trang sách Kinh Thánh với nội dung lạc hậu và phản khoa học, người ta có thể tìm được kiến thức và sự khôn ngoan từ việc phân tích những dữ liệu đang có sẵn. Kate Crawford, một nhà nghiên cứu tại Microsoft gọi não trạng này là “Chủ nghĩa cơ yếu Dữ liệu lớn” (Big Data Fundamentalism), là “ý tưởng cho rằng càng thu thập thêm các bộ dữ liệu, chúng ta càng nhích lại gần sự thật khách quan.”[47] Vì vậy, những sách tôn giáo cổ xưa không có giá trị đặc biệt gì khi bàn đến những vấn đề như công nghệ hoặc cách xây dựng các chính sách xã hội. Harari đặt câu hỏi: “Kinh Thánh có thể hữu ích trong thời Trung Cổ, nhưng làm sao nó có thể hướng dẫn chúng ta trong kỷ nguyên TTNT về công nghệ sinh học, sự nóng lên của trái đất, và chiến tranh mạng?”[48]
Những lời phê bình cũng như cổ võ để loại trừ tiếng nói tôn giáo khỏi xã hội hiện đại vì lý do tôn giáo có những “câu chuyện thần thoại” đã thể hiện một sự nhận thức quá nông cạn về tôn giáo. Nếu nói về giai thoại tôn giáo (religious narratives/stories), chúng ta không sai lầm khi nói rằng các câu chuyện không chỉ tìm thấy nơi các tôn giáo. Trên thực tế, có hàng nghìn, hàng triệu câu chuyện được tạo ra xuyên suốt lịch sử loài người. Cùng với các câu chuyện tôn giáo, chúng ta có thể xác định những câu chuyện về quốc gia, dân tộc, văn hóa, xã hội, kinh tế… Trong bối cảnh hiện nay, còn có thêm những câu chuyện được dựng lên về công nghệ. Dĩ nhiên, vai trò và chức năng của các câu chuyện trong mỗi khía cạnh cuộc sống sẽ khác nhau. Nếu chúng ta chấp nhận mô hình tự nhiên về cách thế giới vận hành và phát triển tiệm tiến – điều mà chắc hẳn những người kêu gọi loại trừ tôn giáo sẽ ủng hộ – thì chúng ta buộc phải đồng ý rằng trong tiến trình chọn lọc, một số câu chuyện xuất hiện, rồi biến mất sau đó; trong khi đó một số khác tiếp tục được phổ biến và có ảnh hưởng sâu sắc trên đời sống con người. Con người (cá nhân và tập thể) duy trì tổ chức đời sống cá nhân, xã hội và tinh thần dựa trên những giá trị được chứa đựng trong các câu chuyện đó.
Chúng ta cần đặt câu hỏi: Nếu một số câu chuyện tôn giáo vẫn tiếp tục tồn tại sau hàng nghìn năm trong sách vở cũng như trong tâm thức của cộng đồng, phải chăng điều này chứng minh rằng, các câu chuyện tôn giáo đó chất chứa những giá trị tinh thần, tâm linh, văn hóa, và nhân văn sâu sắc nói lên điều tốt, cái đẹp và chân lý mà bất kể thời gian hoặc thay đổi nào trong xã hội con người vẫn không thể loại trừ được? Những câu chuyện tôn giáo này vẫn tiếp tục được trân trọng và quý mến mặc dù có vô số câu chuyện khác được dựng lên để giới thiệu và vẽ lên một thế giới quan hay một thực tại khác. Nếu chúng ta sống trong thế giới tràn ngập các câu chuyện, tại sao chúng ta chọn một số câu chuyện trong khi loại bỏ một số khác? Ai là người đưa ra quyết định đó? Tại sao chúng ta không để cho nhiều câu chuyện khác nhau cùng đóng vai trò của chúng và xem mọi thứ diễn ra như thế nào? Đây không phải là quy luật của quá trình chọn lọc tự nhiên mà những người tự hào gọi mình là hậu duệ của Thời kỳ Khai sáng nhiệt tình cổ võ hay sao?
Việc chúng ta nhận được kết quả hơn 2 tỷ tài liệu liên quan đến từ khóa “Google là Thượng Đế” chỉ ra rằng quá trình xây dựng các câu chuyện “tôn giáo” chưa bao giờ chấm dứt, nhưng đang tiếp tục diễn ra cách tích cực hơn bao giờ hết. Chỉ có điều Thượng Đế của kỷ nguyên kỹ thuật số đã bị thay đổi từ một Đấng Sáng Tạo siêu việt vô hình thành một thực thể được xây dựng dựa trên các con số “1” và “0.” Mặc dù người ta có thể chỉ ra hàng loạt điểm tương đồng giữa Thiên Chúa và Google, nhưng có một sự khác biệt quan trọng, đó là Thiên Chúa thông biết mọi sự xuất phát từ chính bản tính của Ngài, trong khi đó, Google ngày càng trở nên quyền lực và hiểu biết bằng cách khai thác nguồn dữ liệu từ những người sử dụng nó. Chính Thiên Chúa hoàn hảo từ muôn đời, nhưng Google thì người ta mong rằng nó sẽ trở nên hoàn thiện theo thời gian. Vì thế, về bản chất, Google không có gì đáng được tâng bốc hoặc trao cho chức vị “thánh” mà nó đang được hưởng hiện nay. Google được gọi là “thánh” là vì có những con người đang chủ đích gán ghép cho nó một hình ảnh cao siêu, và có những người khác không đủ hiểu biết nên dễ dàng tin theo. Việc biến Google thành thánh chứng minh rằng nếu không có các câu chuyện về Thiên Chúa thì sẽ có các huyền thoại Google, huyền thoại Amazon, hoặc các loại huyền thoại khác mà người ta sẽ nhanh chóng xây dựng nhằm chụp lấy cơ hội để giành lấy vị trí ảnh hưởng trên đời sống con người mà tôn giáo đã từng có.
Cái nhìn giản hóa (reductionist) về những câu chuyện tôn giáo đang ngày càng trở nên chuẩn mực trong mọi môi trường. Điều này song song với việc ngày có ít người, thậm chí trong giới trí thức, cố gắng tìm hiểu về bản chất và vai trò của các câu chuyện tôn giáo trong bối cảnh văn hóa, xã hội và tâm linh đặc trưng của mỗi câu chuyện. Các học giả trong lĩnh vực tôn giáo định nghĩa các câu chuyện/huyền thoại tôn giáo theo nhiều cách khác nhau. Theo Mircea Eliade, “Mỗi thần thoại chỉ ra cách thức một thực tại đã xuất hiện như thế nào, bất kể đó là toàn bộ thực tại, vũ trụ, hay chỉ là một mảnh nhỏ – một hòn đảo, một giống cây, một tổ chức loài người … [Nó] trở nên một khuôn mẫu cho tất cả các hoạt động của con người.”[49] Alan Dundes thì nhìn thần thoại tôn giáo như “một câu chuyện linh thiêng nhằm giải thích cách mà thế giới và con người đã trở nên hình dạng như hiện nay… Tính từ linh thiêng phân biệt thần thoại với các thể loại truyện kể khác như truyện dân gian vốn dĩ mang tính thế tục và hư cấu.”[50]
Dù bằng cách nào đi chăng nữa thì chúng ta không thể hiểu các câu chuyện tôn giáo theo nghĩa đen hoặc kiểm chứng bằng cách áp dụng các tiêu chí khoa học. Lý do là vì câu chuyện tôn giáo trình bày một quan điểm và chỉ ra các nguyên tắc giúp con người thấu hiểu về thế giới, biết cách tương quan với đấng siêu việt cũng như những cái tự nhiên (sinh học và phi sinh học) trong vũ trụ. Ngoài ra, chúng giới thiệu với người nghe cách cư xử hoạt động trong cuộc sống cá nhân và cộng đồng nhằm đạt tới sự biến đổi bản thân, hạnh phúc viên mãn và thịnh vượng, cho dù là trong thế giới hiện tại, ở đời sau, hoặc trên cõi niết bàn.
Bất chấp nhiều bàn luận từ giới chuyên môn trong ngành tôn giáo học về vai trò và chức năng của các câu chuyện này trong cuộc sống con người, những người chống đối tôn giáo vẫn không bận tâm tìm hiểu, hoặc làm như không nghe không thấy. Vậy nên, khi họ nghe từ “thần thoại” hay “chuyện kể” thì ngay lập tức liên tưởng đến một thứ gì đó “viển vông,” “sai lầm,” hay “bịa đặt,” chỉ có nghe hoặc đọc với mục đích giải trí, chứ không nên đóng vai trò gì trong việc phân tích, giải thích, hay định hướng lối phát triển của khoa học công nghệ hiện đại.
Trong thực tế, mỗi câu chuyện tôn giáo được duy trì và tôn kính bởi một nhóm người hoặc một cộng đồng người nào đó có nhiều ảnh hưởng to lớn đến đời sống của họ, giúp cho họ biết cách ứng xử với nhau trong cộng đồng, cũng như thiết lập các mối tương quan đối với toàn xã hội. Người có tôn giáo chọn cách hiểu biết về thế giới của họ và chuyển tải sự hiểu biết và khôn ngoan này qua các hình ảnh, biểu tượng, và những câu chuyện thay vì dùng những công thức khoa học và phương trình toán học. Điều này không tự động khiến cho họ xung khắc với thế giới kỹ thuật số. Nó cũng không hề khiến họ mất cảm nhận hoặc khả năng tiếp nhận các quan điểm xuất phát từ thế giới nghiên cứu khoa học.
Trên thực tế, ở mọi cuộc hội thảo hay hội nghị của giới học thuật, chúng ta vẫn thấy có nhiều nhà khoa học, bác sĩ, luật sư và các nhà khảo cổ học có niềm tin vào tôn giáo cũng như không theo tôn giáo. Thách thức dành cho các tôn giáo không phải là chấp nhận loại bỏ các câu chuyện đặc trưng của mình khi đối mặt với thuyết khoa học vạn năng, nhưng là phải duy trì và củng cố giá trị của những câu chuyện quý giá đó trong môi trường mới bằng cách tái giải thích và diễn đạt sao cho phù hợp với bối cảnh kỹ thuật số hiện đại. Các câu chuyện sử dụng những hình ảnh đặc trưng của từng văn hóa và thời đại để truyền đạt các luân lý, giá trị đạo đức và tâm linh siêu nhiên vượt thời gian. Điều này có nghĩa là các câu chuyện có thể được chuyển dịch thành các ngôn ngữ và hình ảnh của bối cảnh hiện tại; vì thế, chúng có thể duy trì tính hợp thời và hợp lý bất chấp sự biến đổi của xã hội và phát triển của công nghệ. Quá trình khám phá những cách thức để “xây dựng lại bối cảnh” (recontextualize), hay diễn tả và áp dụng sự khôn ngoan thời xưa vào thời hiện đại tiếp tục là mục tiêu tối ưu cho mọi tôn giáo, nhằm tạo cảm hứng và đánh động các tín đồ và những người thiện tâm thiện chí để giúp họ tìm đến với điều Tối Thượng Tuyệt Mỹ. Như học giả là nhà sư Phật giáo Bhikkhu Bodhi khẳng định:
Nếu bất kỳ tôn giáo lớn nào muốn có được sự thích ứng trong thời đại mới, nó phải vượt qua được điểm rất tế nhị và khó khăn để dung hòa: Tôn giáo đó phải tạo ra được sự hài hòa giữa trung thành trong việc duy trì tư tưởng thâm thúy của đấng sáng lập và các bậc tiền bối, đồng thời phải có được kỹ năng và sự linh hoạt để trình bày rõ ràng những hiểu biết này theo các cách thức liên kết trực tiếp với những đòi hỏi hiện sinh. Điều này dễ dàng dẫn đến việc một trong những thái cực đi ngược lại với các thái cực khác: hoặc là tuân thủ những thể thức cổ xưa một cách kiên trì nhưng nó sẽ gây hại cho sự thích ứng hiện tại, hoặc là bẻ cong các nguyên tắc căn bản một cách quá tự do đến nỗi làm cạn kiệt sức sống tinh thần thâm thúy của chúng. Trên hết, tôi nghĩ bất cứ tôn giáo nào ngày nay cũng phải ghi nhớ một bài học quan trọng mà lịch sử đã khắc sâu như một vết thương trong chúng ta: nhiệm vụ của tôn giáo là giải phóng hoá chứ không nô dịch hóa. Mục đích của tôn giáo cho phép các tín đồ tiến đến việc nhận ra điều Tối Thượng Tuyệt Mỹ và dùng sức mạnh của sự nhận biết này để ảnh hưởng cuộc sống trên thế giới.[51]
2. Tư tưởng của tôn giáo đã trở nên lạc hậu
Thách thức thứ hai cho các tôn giáo trong thời đại kỹ thuật số sẽ là khả năng tìm ra tiếng nói có uy tín để có thể đưa ra các bình luận về những điều không trực tiếp nằm trong phạm trù của tôn giáo. Trong giới chống đối tôn giáo có những ý kiến cho rằng, có lẽ trong quá khứ sự hiện diện của tôn giáo bao trùm và có nhiều ảnh hưởng tốt đến đời sống con người, xã hội. Tuy nhiên, đó là chuyện của quá khứ, không phải của thời đại công nghệ kỹ thuật số.
Một trong những người từng đưa ra quan điểm này là Yuval Noah Harari – một trong những tác giả được săn đón nhiều nhất trong những năm gần đây. Harari đã từng xuất hiện tại nhiều sự kiện nổi tiếng như Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các buổi nói chuyện TED Talk, và thậm chí được mời nói chuyện trực tiếp với Giám đốc điều hành của Meta (FaceBook), Mark Zuckerberg. Trong một cuộc nói chuyện tại Google, Harari cho rằng, chúng ta có thể ví Vatican như một Thung Lũng Silicon của thế kỷ XII, bởi vì nơi đây từng sở hữu hệ thống lưu trữ và xử lý thông tin tiên tiến và nhiều phát minh công nghệ nhất thời bấy giờ.[52] Harari cũng lập lại quan điểm này nhiều lần trong cuốn sách Homo Deus của ông:
Bên cạnh các cải cách xã hội và luân lý đạo đức, Kitô giáo đã từng có trách nhiệm quan trọng trong việc đổi mới kinh tế và công nghệ. Hội Thánh Công giáo đã thiết lập hệ thống hành chính phức tạp nhất của châu Âu thời Trung cổ và tiên phong trong việc sử dụng văn thư lưu trữ, danh mục, lịch trình, và các kỹ thuật xử lý dữ liệu khác. Vatican ở châu Âu vào thế kỷ XII là nơi giống nhất với Thung Lũng Silicon. Giáo hội đã thiết lập các tập đoàn kinh tế đầu tiên ở châu Âu – các đan viện – nơi trong khoảng một ngàn năm đã dẫn đầu các phương pháp canh tác và quản lý nông nghiệp. Các đan viện là những tổ chức đầu tiên sử dụng đồng hồ treo tường; và trong nhiều thế kỷ, các đan viện cùng với các trường của các nhà thờ chánh tòa là những trung tâm học thuật quan trọng nhất ở châu Âu, giúp sáng lập nhiều trường đại học đầu tiên của châu Âu như Bologna, Oxford và Salamanca.[53]
Mặc dù từng đóng vai trò sáng tạo trong xã hội loài người, nhưng Harari lại nói rằng trong 200 năm qua, tôn giáo, kể cả Giáo hội Công giáo, đã thay đổi từ vị thế ảnh hưởng mang tính sáng tạo sang ảnh hưởng mang tính đối phó.
Giáo hội Công giáo và những tôn giáo hữu thần khác từ lâu đã biến đổi từ ảnh hưởng sáng tạo đến ảnh hưởng có tính đối phó. Họ bận rộn với những hoạt động mang tính bảo thủ hơn là việc đi tiên phong trong những công nghệ mới, những phương pháp kinh tế đổi mới hoặc những tư tưởng xã hội đột phá. Ngày nay, họ chủ yếu trăn trở về công nghệ, những phương pháp và ý tưởng được truyền bá bởi những phong trào khác. Các nhà sinh vật học phát minh ra thuốc ngừa thai, và Đức Giáo Hoàng không biết nên ứng phó với nó như thế nào. Các nhà khoa học về máy tính phát triển mạng internet – và các giáo sĩ Do Thái tranh luận liệu người Do Thái chính thống có nên được phép lướt mạng hay không.[54]
Harari bình luận rằng, “Hồi giáo cực đoan đang ở vị trí còn tồi tệ hơn nhiều so với chủ nghĩa xã hội. Nó thậm chí còn chưa chấp nhận cuộc Cách mạng Công nghệ – không có gì ngạc nhiên khi Hồi giáo không có gì xác đáng để nói về kỹ thuật di truyền và TTNT.”[55] Một điều rõ ràng từ ý kiến được trích dẫn ở trên, đó là Harari đại diện cho một quan điểm khá phổ biến trong xã hội ngày nay. Quan điểm này khẳng định rằng trong xã hội khoa học hiện đại, vị trí ảnh hưởng của tôn giáo đã bị thay thế bởi vì nó không còn đóng góp tích cực cho sự phát triển của khoa học. Không chỉ thế giới quan của tôn giáo đã bị phát hiện là hoàn toàn không tương thích với kiến thức khoa học hiện đại, các tôn giáo không còn phát minh, sáng tạo, khám phá, và dường như đã rơi khỏi chuyến tàu đưa nhân loại đi đến tương lai kỹ thuật số.
Quan điểm phiến diện của Harari ám chỉ rằng các tôn giáo đã kiệt sức về năng lượng và khả năng sáng tạo. Khi xem xét kỹ lưỡng, có thể nhận thấy đó là một nhận thức rất sai lầm. Mặc dù các tôn giáo ngày nay không đặt các khám phá khoa học như là một mục tiêu mang tính có tổ chức, nhưng để nói rằng tôn giáo thiếu sự ảnh hưởng sáng tạo là hiểu sai và đánh giá thấp ảnh hưởng sâu sắc mà các giáo huấn đang tiếp tục thể hiện trong cuộc sống và sự nghiệp của vô số nhà khoa học đang thực hiện các công trình nghiên cứu trên toàn thế giới. Ngay khi các nhà khoa học này sử dụng phương pháp khoa học như công cụ cần thiết để thực hiện các nghiên cứu của mình, thì nguồn cảm hứng và sự dấn thân đến từ niềm tin tôn giáo thúc đẩy việc làm của họ không nên bị phớt lờ. Thật là ngây thơ và nông cạn nếu cho rằng cuộc sống của con người bị phân tách thành nhiều ngăn: người ta chỉ sống đạo khi họ đi nhà thờ hay viếng chùa chiền; còn khi ở trong phòng thí nghiệm thì đột nhiên trở thành vô thần, hoặc đơn giản hành động và nhìn mọi sự việc như một người vô thần.
Tôn giáo trên phương diện là một tổ chức có thể không đặt ra mục tiêu phát minh những thứ mới mang tính khoa học hay công nghệ. Tuy nhiên, các hệ thống tôn giáo qua các giáo huấn đóng vai trò quan trọng giúp tạo ra khuôn mẫu nhằm cổ võ, định hướng và hỗ trợ các khám phá khoa học, đóng góp vào nỗ lực của toàn thể nhân loại trong việc phát triển và thăng tiến. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, đại đa số người dân theo một tôn giáo nào đó. Không tính đến các tôn giáo khác, ở Ấn Độ, một quốc gia có dân số lớn thứ hai trên thế giới có gần 80% dân số theo Ấn giáo.[56] Chúng ta có thể chắc chắn rằng trong số hàng trăm triệu người Ấn Độ theo Ấn giáo, thì có rất nhiều nhà khoa học và kỹ sư công nghệ. Ngay cả Sundar Pichai, Tổng giám đốc điều hành của Google, có quê hương tại Chennai, Ấn Độ theo Ấn giáo và đã trải qua thời thiếu niên trong môi trường giáo dục của tôn giáo này.[57] Pichai vẫn duy trì lối ăn chay như các tín đồ Ấn giáo đạo đức khác.
Thay vì mang quan điểm tiêu cực cho rằng các nhà khoa học có tôn giáo hoạt động bất chấp tín ngưỡng của mình, thì chúng ta nên có cái nhìn hợp lý và hiển nhiên hơn. Đó là sự nhận thức rằng họ hoạt động trong lĩnh vực khoa học dưới sự dẫn dắt và được truyền cảm hứng từ chính niềm tin tôn giáo của họ. Trong một cuộc khảo sát của tổ chức Pew năm 2009, chỉ 41% các nhà khoa học tại Hoa Kỳ tự nhận mình là vô thần, trong khi 51% tin vào Thiên Chúa, một đấng siêu việt, hoặc một sức mạnh linh thiêng nào đó.[58] Alister E. McGrath nhận xét rằng quan niệm về sự xung đột giữa khoa học hiện đại và tôn giáo là một quan niệm lỗi thời. Ngoài ra, quan niệm này chỉ thấy phần lớn nơi người phương Tây. Ở châu Á, nơi 60% dân số thế giới sinh sống, mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo được nhìn nhận trong cộng đồng khoa học theo cách thức hợp tác và đối thoại nhiều hơn.[59] McGrath viết rằng:
Kiểu xung đột này ngày càng được xem như là một cách nhìn nhận đặc biệt của phương Tây được căn cứ theo lịch sử riêng biệt và các chuẩn mực văn hóa ẩn chứa bên trong các nước phương Tây, cụ thể là Mỹ. Các nhà nghiên cứu đã giải thích rằng mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo trong các nền văn hóa không thuộc Tây Âu – như Ấn Độ – được hiểu theo cách khác (và theo chiều hướng tích cực hơn).[60]
Đối với truyền thống Công giáo – tôn giáo có khoảng 1.2 tỷ tín hữu – thì khoa học không được xem là đối lập. Trên thực tế, rất nhiều các sử gia về khoa học công nhận rằng niềm tin vào Thiên Chúa đã đóng vai trò mang tính quyết định trong sự phát triển của khoa học hiện đại trong thế kỷ XVI và XVII.[61] Hầu hết các học giả chỉ ra rằng, mặc dù có một số nhà khoa học hoặc thuyết khoa học thách thức niềm tin vào Thiên Chúa tại một số thời điểm trong lịch sử khoa học, nhưng ở các thời điểm khác, niềm tin tôn giáo lại chính là yếu tố thúc đẩy sự thăng tiến trong nền khoa học. Bên cạnh đóng vai trò là nguồn cảm hứng trong công việc nghiên cứu khoa học, niềm tin vào Thiên Chúa còn là khung lý thuyết để giải thích các khám phá khoa học trong thời kỳ cách mạng khoa học từ thế kỷ XV tới thế kỷ XVIII, làm cho nền khoa học hiện đại trở nên hệ thống hóa như chúng ta biết tới ngày nay. Đức Giám mục Robert Barron cho rằng:
Giáo hội từ lâu đã xác tín rằng vì Thiên Chúa là duy nhất và tất cả các chân lý đến từ Thiên Chúa, nên cuối cùng không thể có xung đột giữa chân lý mặc khải và chân lý có thể được khám phá qua việc sử dụng lý trí con người. Và do đó, Giáo hội vui mừng với bất cứ điều gì mà khoa học thực nghiệm đã khám phá ra. Giáo hội cho rằng không có bất kỳ xung đột nào giữa những khám phá và đức tin của Giáo hội, nếu các khám phá khoa học này được giải thích một cách đúng đắn.[62]
Giáo hội Công giáo và Kitô giáo không độc chiếm việc đóng góp cho các ngành khoa học. Trên thực tế, các nhà khoa học trên thế giới đến từ đủ màu da và tín ngưỡng khác nhau. Mọi tôn giáo đều có thể tác động vào tâm thức và sự nghiệp của các nhà khoa học theo nhiều cách riêng. Ví dụ, một nhà khoa học y khoa Phật giáo đến từ Thái Lan cố gắng tìm ra cách chữa bệnh AIDS. Mặc dù dựa vào những kiến thức khoa học để thực hiện các nghiên cứu, nhưng ông có thể làm được điều này vì chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những lời dạy của Đức Phật về lòng từ bi và lòng trắc ẩn đối với những người kém may mắn và đối với tất cả chúng sinh. Phương pháp khoa học mà nhà khoa học, đồng thời là một Phật tử sùng đạo, sử dụng chỉ đơn giản là phương tiện để cụ thể hóa niềm tin rằng sự phát triển tâm linh cá nhân cũng như sự giải thoát khỏi những đau khổ và vòng luân hồi có thể chỉ đạt được thông qua việc thực hành những công việc bác ái và thương xót đối với những người khác. Trong trường hợp này, hoạt động khoa học không phải là tách rời hoặc đi ngược với niềm tin Phật giáo, nhưng là một hình thức sống đạo một cách tích cực và cụ thể.
Theo cách tương tự, một nhà vật lý thiên văn Hồi giáo có thể sử dụng những công cụ khoa học để nghiên cứu các vật thể trong không gian. Tuy nhiên, sự nỗ lực của người đó có thể được lấy cảm hứng từ nỗi khao khát tìm kiếm và tôn vinh Thiên Chúa trong những khám phá mà mình đạt được. Đối với một người Hồi giáo, không có gì có thể quan trọng hơn việc phục tùng Thiên Chúa, Đấng mà những khám phá khoa học sẽ biểu lộ và chứng minh quyền năng cũng như sự vĩ đại của Ngài. Vậy thì dựa trên cơ sở nào mà người ta có thể phủ nhận vai trò của niềm tin vào Allah trong hoạt động khoa học của các nhà khoa học và công nghệ theo Hồi giáo, một tôn giáo có 1,8 tỷ tín đồ trên thế giới? Điều hợp lý và hiển nhiên hơn là giả định rằng niềm tin Hồi giáo có tác động tích cực vào sự nghiệp của các nhà khoa học Hồi giáo thay vì những lập luận ngược lại.
Có ý kiến cho rằng tôn giáo, cách riêng là Giáo hội Công giáo, ở một khía cạnh nào đó đã rút khỏi đường ray của khoa học là một lập luận cẩu thả vô căn cứ trên thực tế. Gần đây nhất, vào năm 2014, một sư huynh dòng Tên và cũng là nhà thiên văn học của Vatican – Guy Consolmagno – đã nhận được huy chương Carl Sagan cao quý “vì có những cống hiến to lớn cho cộng đồng.” Thầy Guy không phải là một trường hợp cá biệt, nhưng là đại diện cho vô số các nhà khoa học đồng thời là linh mục tu sĩ Công giáo tiếp nối truyền thống hoạt động khoa học kéo dài hàng nghìn năm trong dòng lịch sử nhân loại. Trong số đó, chúng ta phải kể đến Copernicus là người đã tạo nên sự việc được gọi là cuộc Cách mạng Copernic để mô tả sự nhật tâm của hệ mặt trời. Hoặc Gregor Mendel được biết đến là một đan sĩ và cũng là cha đẻ của các ngành di truyền học. Khám phá của ngài đã có ảnh hưởng đáng kể đến việc nghiên cứu của nhà tự nhiên học Charles Darwin mà giới khoa học tôn vinh như đỉnh cao của tư tưởng Thời kỳ Khai sáng, và cũng là người đóng vai trò quan trọng trong việc trục xuất tôn giáo ra khỏi địa vị tối cao trong xã hội hiện đại.
Với nhiều mô tả đầy xuyên tạc về sự xung đột giữa tôn giáo và khoa học, có lẽ ít ai biết rằng Georges Lemaitre, một linh mục và là một nhà vũ trụ học người Bỉ, cũng là cha đẻ của thuyết Big Bang. Đến thời điểm hiện tại, đây là khám phá mà đại đa số các nhà thiên văn học đương đại chấp nhận như một thuyết khả thi nhất về nguồn gốc của vũ trụ. Bên cạnh các linh mục tu sĩ Công giáo, chúng ta không nên bỏ qua vô số giáo dân nam nữ trong quá khứ cũng như hiện tại đã và đang đóng góp cho sự phát triển của ngành khoa học trên toàn thế giới. Ngoài ra, Vatican cũng đang trực tiếp tham gia vào hoạt động của khoa học như hỗ trợ nhiều phòng thí nghiệm, đồng thời tham gia tích cực và thúc đẩy việc đối thoại giữa tôn giáo với khoa học. Các trường đại học Công giáo trên toàn thế giới tiếp tục là nơi mà các công trình nghiên cứu khoa học hàng đầu đang được thực hiện liên tục. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Thông điệp Laudato Si nói về môi trường, đã sử dụng các tham vấn và các dữ kiện khoa học cập nhật như là phần quan trọng không thể thiếu cho văn kiện. Đây là một ví dụ rõ ràng minh chứng cho sự tương tác giữa Giáo hội với khoa học, vì Thông điệp trình bày những giáo huấn quan trọng có ảnh hưởng đến các Kitô hữu và toàn thể nhân loại.
Vì thế, những người theo tôn giáo không phải là những người đứng bên lề trong tiến trình tạo ra sự tiến bộ công nghệ. Tương tự, họ không phải là những người đứng ngoài cuộc của những ảnh hưởng đa dạng mà sự phát triển khoa học đã, đang và sẽ mang lại. Vậy nên, các tôn giáo cũng có một vai trò quan trọng trong việc nhận xét, phê bình và giúp định hướng sự phát triển của công nghệ hiện đại. Mặc dù các tôn giáo không luôn luôn đóng vai trò trực tiếp phát minh, nhưng tôn giáo có thể sử dụng những phương pháp và khả năng suy tư vốn có để nhận ra những khám phá khoa học sẽ tác động như thế nào vào đời sống tinh thần và xã hội của nhân loại. Tôn giáo có thể khuyến khích mỗi cá nhân trong việc phân định để đưa ra những chọn lựa khôn ngoan khi sử dụng những kiến thức khoa học cũng như những phát minh công nghệ. Việc suy tư và phân định không phải là hành động mang tính phản ứng hoặc đối phó trước sự thăng tiến của khoa học, nhưng là xem xét kỹ lưỡng về những tác động và hậu quả mà những lựa chọn mang lại cho cá nhân cũng như cộng đồng. Một kỹ sư hay một nhà khoa học công nghệ giỏi không hẳn là một người có nhận thức sâu sắc về đạo đức và luân lý. Sự phân định một cách có chủ tâm dựa trên các quy tắc tâm linh và hiểu biết thâm thúy của tôn giáo là cần thiết trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày nay vì vô số hậu quả nghiêm trọng tiềm ẩn do việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số một cách bừa bãi thiếu khôn ngoan.
3. Đánh mất sự tín nhiệm vì xung đột liên tôn
Cáo buộc thứ ba chống lại tôn giáo cho rằng các tôn giáo không thể đóng góp cho các mối quan tâm của thế giới ngày nay, bởi vì chính các tôn giáo cũng không cùng quan điểm với nhau trong nhiều vấn đề. Sự xung đột giữa các tôn giáo và bất đồng quan điểm không chỉ tồn tại trong giáo huấn mà còn trong các vấn đề xã hội làm cho các tôn giáo mất đi uy tín vốn có. Trong quá khứ lẫn hiện tại, các tôn giáo thường tham gia vào các cuộc xung đột và thậm chí là nguyên nhân gây ra các cuộc chiến tranh lớn bé trên toàn thế giới. Nhìn chung, thực trạng về các mối tương quan giữa các tôn giáo ở nhiều nơi trên thế giới tồn tại nhiều khác biệt và xung đột. Chúng ta không dám hy vọng rằng các tôn giáo sẽ sớm giải quyết những vấn đề tồn đọng vô cùng phức tạp này.
Ở một số nơi, có thể nói xung đột giữa tôn giáo có xu hướng gia tăng. Trong quyển sách “Cuộc đụng độ giữa các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới,” (The Clash of Civilizations and the Remaking of World) Samuel P. Huntington củng cố khái niệm về xung đột liên tôn trên quy mô lớn bằng lập luận cho rằng trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh mới, các cuộc xung đột địa phương và quốc tế sẽ là hệ quả của “sự đụng độ của các nền văn minh” mang bản sắc tôn giáo và văn hóa.[63] Huntington nêu quan điểm cho rằng những sự mâu thuẫn này sẽ diễn ra chủ yếu giữa khối Hồi giáo và thế giới không Hồi giáo. Ở châu Âu, “sự tương tác quân sự hàng thế kỷ giữa phương Tây và Hồi giáo khó có thể chấm dứt. Ngược lại, nó có thể trở nên trầm trọng hơn.”[64] Huntington viết rằng mâu thuẫn giữa các nền văn minh có nguồn gốc sâu xa từ châu Á.
Sự đụng độ lịch sử giữa Hồi giáo và Ấn giáo trong tiểu lục địa này giờ đây đã lan rộng ra không chỉ trong sự thù địch giữa Pakistan và Ấn Độ mà còn trong việc gia tăng xung đột tôn giáo ở Ấn Độ giữa các nhóm chiến binh Ấn giáo và thiểu số Hồi giáo giàu có của Ấn Độ.[65]
Mặc dầu tất cả các hệ thống tôn giáo đều hướng tới mục đích giúp các tín đồ đạt tới sự thăng tiến và biến đổi, nhưng một số khía cạnh nhất định trong các tôn giáo lại dẫn đến xung đột. Ví dụ như bản sắc tôn giáo và cộng đồng được tạo ra từ các sách thánh kinh, các tập tục, truyền thống và các giáo điều trong mỗi tôn giáo có thể tạo nên một ý thức mạnh mẽ về “nội bộ” và “ngoại bộ”. Điều này có thể dẫn đến việc các tín đồ có thái độ và hành động phân biệt đối xử hoặc loại trừ những người không thuộc về nhóm của họ hoặc không theo chuẩn mực tôn giáo của họ. Cách cư xử này trở thành hệ thống hóa khi nó được thực hiện ở cấp độ cộng đồng một cách thường xuyên, hoặc được các nhà lãnh đạo tôn giáo đồng thuận một cách ngấm ngầm hoặc công khai. Các vụ xung đột giữa các nhóm tôn giáo thường xuất hiện khi có liên quan đến các lợi ích về xã hội, chính trị, kinh tế và lãnh thổ. Các cuộc xung đột này không hẳn leo thang trở thành các cuộc chiến tranh đẫm máu, nhưng có thể quan sát được trong cách thành viên của tôn giáo này ủng hộ hoặc phớt lờ trước các luật và chính sách mang tính phân biệt đối xử hoặc hạ bệ những người theo truyền thống tôn giáo khác. Điều này có nghĩa khi người thuộc nhóm tôn giáo này chứng kiến người trong nhóm khác bị ngược đãi, đàn áp, hoặc đối xử bất công thì họ không lên tiếng phản đối, thậm chí ủng hộ tình trạng bất công đó.
Sự khác biệt giữa các tôn giáo không hẳn sẽ dẫn đến chiến tranh và bạo lực. Tuy nhiên, vì các hệ thống tôn giáo có những thế giới quan khác nhau nên nhiều khi làm cho các tôn giáo khó đưa ra lập trường chung trong các vấn đề liên quan đến xã hội. Điển hình, tất cả các giáo phái Kitô giáo đều chia sẻ một niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô và chấp nhận cùng một bộ Kinh Thánh; nhưng điều này không giúp cho các giáo phái Kitô giáo dễ dàng đồng ý về một vấn đề cụ thể như bảo vệ môi trường sinh thái. Trong khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thượng Phụ Bartholomeo cùng nhau kêu gọi thế giới phát triển lương tâm sinh thái, thì có không ít các mục sư Tin Lành ở Mỹ lại thuyết giảng chống lại những quy định nhằm bảo vệ môi trường. Họ cho rằng điều này sẽ hạn chế quyền lực của con người đối với tự nhiên mà Thiên Chúa đã đặt dưới sự cai quản của con người. Vì thế, lời cáo buộc được đưa ra là làm thế nào để các tôn giáo có thể mong đợi tiếng nói của mình được tôn trọng và đón nhận khi chính bản thân các tôn giáo thường xuyên xung đột với nhau, nếu không phải dưới hình thức các cuộc chiến tranh liên tôn, thì qua sự bất đồng quan điểm về các vấn đề liên quan đến nhân loại?
Lập trường cho rằng mâu thuẫn liên tôn và bất đồng ý kiến giữa các tôn giáo khiến cho họ không có quyền bình luận trong những chuyện vượt ra ngoài phạm trù tín ngưỡng và tâm linh, thoạt đầu được xem có vẻ thuyết phục. Tuy nhiên, trong thực tế, đó là một quan điểm vô lý. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy rằng trong xã hội loài người, sự khác nhau về nhận thức giữa các nhóm và tổ chức là điều thông thường thay vì ngoại lệ. Xung đột, cho dù là bên trong một tổ chức hoặc giữa các nhóm, không bao giờ ngăn cản các thành viên tham gia vào các cuộc thảo luận về các vấn đề mà họ quan tâm và có liên quan đến đời sống cá nhân hoặc xã hội mà họ đang sống. Việc tranh cãi giữa các đảng phái chính trị tại Mỹ không hề ngăn cản chính phủ Mỹ trong việc bình phẩm về các sự kiện đang diễn ra ở các nước khác nếu chính phủ Mỹ cảm thấy rằng những sự kiện đó ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế. Chúng ta cũng chứng kiến không ít các nhà khoa học đưa ra những lời nhận định về các vấn đề chính trị, xã hội hoặc tôn giáo. Họ cũng phê bình những điều họ cho là đi ngược lại với logic và kiến thức của khoa học. Hành động này hoàn toàn đúng đắn vì các nhà khoa học cũng là những con người đang sống trong một môi trường xã hội và văn hóa cụ thể, vì thế những gì xảy ra xung quanh họ đều ảnh hưởng đến cuộc sống của họ cũng như cả cộng đồng.
Các nhà khoa học có thể không có ý kiến về các phương pháp và nguyên tắc thần học được áp dụng để đưa ra các giáo huấn, vì hoạt động này không thuộc chuyên môn của khoa học. Tuy nhiên, các nhà khoa học dĩ nhiên có quyền đưa ra các nhận định về cách mà các giáo huấn ảnh hưởng đến tính chất và cấu trúc xã hội mà họ đang sống. Ví dụ như nếu một giáo phái tôn giáo nào đó dẫn các nguồn sách thánh và tâm linh của mình để dạy các tín đồ rằng bệnh Covid-19 là hệ quả của việc bị quỷ ám, và chỉ có một cách duy nhất để chữa khỏi đó là trừ quỷ để đuổi khỏi tà thần đang cư ngụ trong thân thể. Và nếu những giáo huấn này khiến các thành viên trong giáo phái đó không đi khám chữa bệnh dẫn đến việc vi-rút lây lan trong cộng đồng và làm cho đại dịch ngày càng gia tăng, người ta hy vọng rằng các chuyên gia sẽ dùng các bằng chứng mang tính khoa học để thuyết phục các tín đồ suy nghĩ lại về niềm tin của họ. Trước những hành vi và quan điểm rõ ràng phản khoa học, chúng ta tin rằng những tiếng nói như thế sẽ rất được hoan nghênh.
Nhưng thử hỏi, cũng trong trường hợp nói trên, liệu chúng ta có nên đặt ra tiêu chuẩn rằng, tất cả các nhà khoa học buộc phải hoàn toàn nhất trí về nguyên do và phương pháp điều trị Covid-19 cũng như tất các vấn đề khác trong lĩnh vực khoa học lẫn ngoài khoa học, thì họ mới có quyền bình luận về một hành vi xuất phát từ niềm tin tôn giáo? Mặc dù có sự nhất trí cao về mặt khoa học liên quan đến vi-rút corona và bệnh Covid-19, nhưng không thể phủ nhận rằng có những quan niệm khác nhau về sự nguy hiểm của Covid-19 và cách chữa trị hiệu quả. Không phải tất cả các nhà khoa học và bác sĩ đều cùng chung một quan điểm về vắc-xin hay nguồn gốc của vi-rút. Thậm chí còn có sự bất đồng ý kiến về việc đeo khẩu trang giữa các chuyên gia. Như đã đề cập ở phần trước, nhiều nhà khoa học làm việc trong một cơ cấu kinh tế và chính trị khiến cho các quan điểm khoa học nhiều khi được tuyên bố đã không còn dựa trên cơ sở khoa học thực thụ nhưng lại dựa trên đường lối hoạt động và mục đích của các tổ chức tài trợ công trình khoa học đó. Các nhà khoa học làm việc cho tập đoàn thuốc lá ít nhiều sẽ bị điều khiển bởi chính sách của tập đoàn thuốc lá đó. Các nhà khoa làm việc cho công ty xăng dầu cũng bị điều khiển bởi đường lối làm kinh tế của ngành xăng dầu. Nhà khoa học làm việc cho chính phủ cũng phụ thuộc ít nhiều vào đường hướng và chính sách của nhà lãnh đạo chính phủ đương nhiệm. Điều này cũng không khác gì đối với những nhà khoa học làm việc cho các tập đoàn công nghệ như Alphabet (Google) và Meta (Facebook).
Trên các phương tiện truyền thông, chúng ta nhận thấy rằng có các nhà khoa học, hoặc ít nhất là những người tự xưng là nhà khoa học, rao truyền những quan niệm khác nhau về đại dịch Covid-19 làm ít nhiều ảnh hưởng đến sự hiểu biết trong người dân về tính chất của đại dịch. Những thông tin trái chiều về Covid-19 không hẳn đến từ những người tung tin giả, nhưng lại xuất phát từ chính những người được cho là các nhà khoa học thực thụ. Điều này không khác mấy với điều chúng ta thường thấy nơi các tôn giáo, đặc biệt những người tự xưng mình là đại diện của tôn giáo đó. Chỉ vì có một lãnh đạo tôn giáo hoặc các nhóm tôn giáo không chấp nhận có hiện tượng thay đổi khí hậu, điều đó không có nghĩa là tất cả các tôn giáo nên bị tước đi quyền được lên tiếng về các vấn đề ảnh hưởng đến sự an sinh của nhân loại. Nếu đặt ra điều kiện như vậy thì sẽ không thể có chuyện đối thoại và hợp tác liên ngành bởi vì mỗi nhóm chỉ có thể phát biểu về những chuyện nằm trong lĩnh vực giới hạn của mình. Mỗi người hay mỗi nhóm chỉ được hoạt động trong phạm vi riêng biệt của mình để tránh “lấn sân” qua những lĩnh vực khác. Tuy nhiên, trước một thế giới ngày càng toàn cầu hóa với mọi thứ đan xen với nhau cách chặt chẽ, việc ngăn xã hội và cuộc sống ra thành những gian tách biệt nhau là điều phi thực tế và hoàn toàn đi ngược với xu hướng của xã hội hiện đại.
Mặc dù chúng ta không chấp nhận quan niệm cho rằng sự xung đột và bất đồng giữa tôn giáo khiến cho tôn giáo không đủ tư cách để tham gia vào các bình luận ngoài phạm trù đời sống đạo của mỗi nhóm, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng, vấn đề xung đột giữa các tôn giáo rất cần được các tổ chức tôn giáo và tín đồ suy tư và cải thiện cách nghiêm túc. Ở đây, chúng ta không có điều kiện để đào sâu vào cái gọi là “xung đột tôn giáo”. Tuy nhiên, chúng ta cần nhấn mạnh rằng, những nguyên nhân gây ra xung đột giữa con người hết sức phức tạp. Việc gán bất kỳ nguyên nhân đơn lẻ nào cho các xung đột đó là quá đơn giản và không phù hợp với thực tế lịch sử. Cái được cho là “xung đột tôn giáo” nhiều khi chỉ là bề nổi của hàng loạt nguyên do khác – chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, dân tộc – thúc đẩy những nhóm người chiến đấu với nhau và gây tổn thương đến nhau.
Ngược lại, các tôn giáo không thể phủ nhận vai trò trực tiếp hoặc gián tiếp của mình trong việc gây ra bất hòa và xung đột. Bằng việc nhìn nhận những mảng tối của mình trong quá khứ cũng như hiện tại, các tôn giáo tự thể hiện mình là những người tham gia đáng tin cậy trong diễn ngôn toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ liên tôn và giải quyết các vấn nạn ảnh hưởng đến sự thịnh vượng và phát triển của nhân loại. Nếu các truyền thống tôn giáo mong muốn thực thi vai trò của mình trong bối cảnh toàn cầu rộng lớn hơn, bản thân các tôn giáo bắt buộc phải sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối thoại liên tôn để thúc đẩy các mối quan hệ hài hòa và hợp tác. Điều này sẽ giúp củng cố và tạo uy tín cho tiếng nói của tôn giáo đối với các vấn đề liên quan đến tương lai của nhân loại. Mặc dù sự tồn tại của mâu thuẫn liên tôn không biện minh cho chính sách loại trừ tôn giáo khỏi các cuộc bàn luận toàn cầu, nhưng các cuộc tranh cãi tôn giáo, chưa kể đến các cuộc chiến và bạo lực liên quan đến tôn giáo, đã gây tổn hại to lớn đến uy tín của tôn giáo trong mắt các tín đồ cũng những người không có niềm tin tôn giáo. Bằng việc thực thi đối thoại liên tôn, các tôn giáo thể hiện một tấm gương nói lên cách mà các nhóm, lĩnh vực, và ngành nên tương tác với nhau nhằm chung tay phát triển xã hội loài người, đồng thời bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên trong thế giới kỹ thuật số.
Tôn giáo, khoa học và công nghệ
Công nghệ kỹ thuật số đang dần trở thành phương tiện mà con người sử dụng rất nhiều trong cuộc sống. Nếu các nhận định của chuyên gia là chính xác, chúng ta đang trên đà của nhiều thay đổi công nghệ đa dạng có thể tạo nên một xã hội loài người hoàn toàn khác so với những gì chúng ta đã từng thấy trong quá khứ. Nếu cuộc sống không chỉ của mỗi cá nhân mà còn là của cả một tập thể, đang phải đối mặt với những thay đổi lớn như vậy, thì việc khăng khăng chỉ theo một cấu trúc công nghệ hay một quan niệm khoa học thuần túy sẽ là mối bất lợi cho việc nỗ lực xây dựng một xã hội vững bền và thịnh vượng. Trong vấn đề này, tiếng nói của tôn giáo là không thể thiếu, đặc biệt vì phần lớn dân số thế giới vẫn theo một niềm tin tôn giáo nào đó,[66] hoặc ít nhất tự xem bản thân có đời sống tâm linh. Trong cuốn sách “Thuật toán con người: Cách TTNT đang định nghĩa chúng ta là ai”, Flynn Coleman khẳng định:
Khi hướng tới tương lai của công nghệ, nếu muốn hội nhập, chúng ta ắt hẳn phải xét đến các ý tưởng của tôn giáo và niềm tin tâm linh. Giống như hình ảnh Trái đất nhìn từ không gian, cả tôn giáo lẫn TTNT đều có thể nhắc nhở chúng ta về sự nhỏ bé và thời gian hạn hẹp của loài người trên Trái đất. Tôn giáo, niềm tin và lời cầu nguyện có vị trí quan trọng trong các cuộc hội thảo về TTNT và đạo đức. Điều này đúng vì dù cho bạn là người vô thần, người theo thuyết bất khả tri hay người có niềm tin, thì tôn giáo vẫn quan trọng ở một mức độ nào đó – có thể như là một hệ thống niềm tin, một khuôn khổ đạo đức hay một nền tảng văn hóa – đối với phần lớn dân số thế giới.[67]
Trên thực tế, việc góp phần đưa tiếng nói tôn giáo đến với tương lai kỹ thuật số không phải là một vấn đề khó khăn không thể hoàn thành. Ngược lại, việc này rất khả thi vì nhiều người làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ lại chính là những người có niềm tin tôn giáo. Giám đốc điều hành mới của Twitter thay thế Jack Dorsey là Parag Agrawal, cũng như CEO của Google, là một người gốc Ấn Độ và là tín đồ của Ấn giáo.[68] Trong Kitô giáo, như chúng ta đã biết có rất nhiều nhà khoa học đang hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực. Các nhà khoa học theo tôn giáo đó có thể đóng vai trò cầu nối giữa hai lĩnh vực này. Chẳng hạn, Elaine Howard Ecklund, người đã dành nhiều năm nghiên cứu mối quan hệ giữa khoa học và đức tin, nhận xét rằng:
Bằng cách tập trung vào các giá trị và nhân đức mà các Kitô hữu và các nhà khoa học đều đang có, các nhà khoa học Kitô giáo có thể hoạt động như những người tiên phong xóa bỏ ranh giới bằng cách giúp cho các thành viên trong cộng đồng tôn giáo của họ nối kết, hợp tác và đối thoại với các thành viên của cộng đồng khoa học một cách tốt hơn, và đồng thời cũng giúp cho cộng đồng khoa học kết nối tốt hơn với các cộng đồng tôn giáo.[69]
Thật vậy, nếu tôn giáo, khoa học và công nghệ tập trung vào những ưu điểm chung của mình, như “sự sáng tạo, việc tôn kính, niềm vui mừng và lòng biết ơn,”[70] thay vì cạnh tranh, xung đột và loại trừ, thì chúng ta có thể hy vọng vào một tương lai kỹ thuật số tươi sáng và hòa bình hơn.
LỜI KẾT
Qua các bài viết trong tập sách này, quý độc giả có thể nhận thấy rằng toàn bộ nội dung của cuốn sách bàn luận về đề tài “Sứ vụ của Giáo hội trong kỷ nguyên kỹ thuật số” bằng cách trình bày các khía cạnh khác nhau có liên quan đến chủ đề. Tập sách đặc biệt quan tâm đến những vấn đề thiết yếu đối với sứ mạng của Giáo hội như: tác động của công nghệ kỹ thuật số trên Giáo hội và xã hội, mục vụ giáo dân trong kỷ nguyên mới, đối thoại liên tôn và giao thoa văn hóa trong môi trường kỹ thuật số, truyền thông tôn giáo với mạng xã hội, suy tư thần học trong bối cảnh kỷ nguyên số, và vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động mục vụ và loan báo Tin Mừng của Giáo hội.
Những bàn luận ở trên của tác giả nhằm mục đích tìm hiểu, suy tư và phân định một cách có hệ thống về những biến đổi trong xã hội có những tác động sâu sắc vào tương lai của Giáo hội cũng như sứ vụ mà Giáo hội được giao phó để thi hành trên thế giới. Chắc hẳn sự cố gắng đó không thể dừng lại ở những trình bày và lập luận được thể hiện trong những trang giấy này, nhưng tác giả sẽ tiếp tục đào sâu suy tư nhằm khai thác thêm những chiều kích đa dạng và mới mẻ liên quan đến bối cảnh kỹ thuật số. Từ những suy tư này, các nhà nghiên cứu khác có thể đưa ra những luận điểm thực tế và sâu sắc hơn để nắm bắt những cơ hội và giải quyết những thách đố mà thực trạng mới mang lại cho chúng ta.
Bởi vì khoa học và công nghệ là những lĩnh vực mà sự phát triển và thay đổi diễn ra một cách vô cùng nhanh chóng, nên những quan điểm và đề xuất tác giả đưa ra trong tập sách sẽ cần được điều chỉnh, bổ sung theo thời gian. Khi viết về lĩnh vực này, tác giả ý thức rằng, “chu kỳ bán rã” của kiến thức ngày càng ngắn lại, đặc biệt là kiến thức trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Rất có thể, nhiều dữ liệu được trình bày trong tập sách này sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu, không còn phản ánh thực trạng hiện tại. Tuy nhiên, tác giả vẫn hy vọng rằng lập luận chủ yếu và quan trọng nhất mà tác giả nhấn mạnh trong tập sách này sẽ không bao giờ mất đi tính hợp lý, đúng đắn và cấp thiết. Đó là quan điểm khẳng định rằng Giáo hội (bao gồm cả hàng giáo phẩm lẫn giáo dân) phải không ngừng thao thức, suy tư và tìm cách giải nghĩa về những biến chuyển đang diễn ra trên thế giới, nhằm kịp thời bắt nhịp và ứng phó với những dấu chỉ thời đại một cách tích cực, can đảm và sáng tạo. Đây là thái độ và phương cách hoạt động không bao giờ lỗi thời hay không hợp lý cho dù ở trong bất cứ bối cảnh nào của thế giới.
Cuối cùng, tác giả xin gửi lời tri ân sâu xa đến tất cả các độc giả. Mặc dù ở trong thời đại mà nhiều người chỉ thích đọc những bài viết ngắn gọn, có nhiều hình ảnh đẹp và hấp dẫn đi kèm, nhưng quý vị đã ưu ái bỏ giờ ra để đọc tập sách khá dài này. Đây là một niềm vui và sự khích lệ rất lớn đối với người làm nghiên cứu và làm sách. Tác giả mong rằng, những tư tưởng được trình bày trong tập sách này đã phần nào khơi dậy trong quý độc giả những ưu tư về tương lai của Giáo hội cũng như toàn thể nhân loại trước những biến chuyển to lớn đang diễn ra, đồng thời tìm ra động lực và giải pháp cùng chung tay cộng tác vào sứ vụ của Giáo hội để tiếp tục rao giảng Tin Mừng về Nước Chúa trong mọi hoàn cảnh và thời đại.
[1] BBC Vietnamese, “Thủ tướng Iraq thoát hiểm trong vụ tư gia bị tấn công ở Baghdad,” (1/11/2021), https://www.bbc.com/vietnamese/world-59198481
[2] Yuval Noah Harari, Homo Deus: A Brief History of Tomorrow (Harpers Collin Publishers, 2016), 260, epub version.
[3] Gerd Leonhard, Technology Vs. Humanity: The Coming Clash Between Man and Machine (UK: Fast Future Publishing Ltd., 2016).
[4] Jason Bloomberg, “Digitization, digitalization, and digital transformation: confuse them at your peril,” Forbes (29/4/2018), https://www.forbes.com/sites/jasonbloomberg/2018/04/29/digitization-digitalization-and-digital-transformation-confuse-them-at-your-peril/#1b48dc022f2c
[5] Ibid.
[6] Gartner, https://www.gartner.com/en/information-technology/glossary/digitalization
[7] “Cisco Annual Internet Report (2018-2023) White Paper,” https://www.cisco.com/c/en/us/solutions/collateral/service-provider/visual-networking-index-vni/white-paper-c11-741490.html
[8] Phúc Long, “Choáng váng với một file ảnh kỹ thuật số bán đấu giá lên đến 69,3 triệu USD,” Tuổi Trẻ Online (12/03/2021), https://tuoitre.vn/choang-vang-voi-mot-file-anh-ky-thuat-so-ban-dau-gia-len-den-69-3-trieu-usd-20210312125818989.htm
[9] Oxford Reference, https://www.oxfordreference.com/view/10.1093/oi/authority.20110803095426960.
[10] Dave Gershgorn, “The Quartz guide to artificial intelligence: What is it, why is it important, and should we be afraid?” Quartz (10/9/2017,) https://qz.com/1046350/the-quartz-guide-to-artificial-intelligence-what-is-it-why-is-it-important-and-should-we-be-afraid/.
[11] G. Dautovic, “Automation and job loss statistics in 2020—the robots are coming,” Fortunly (17/11/2019), https://fortunly.com/statistics/automation-job-loss-statistics#gref.
[12] Joe Guzskowski, “Covid-19 clears the path for more restaurant robots,” Restaurant Business (17 /7/2020), https://www.restaurantbusinessonline.com/technology/covid-19-clears-path-more-restaurant-robots.
[13] “Robots to deliver meal, medication to Covid-19 patients in S’pore,” Bangkok Post (5/3/2020), https://www.bangkokpost.com/world/1872349/robot-to-deliver-meals-medication-to-covid-19-patients-in-spore
[14] Cyberpunk là một nhánh nhỏ của thể loại văn học viễn tưởng, bối cảnh của thể loại văn học này thường xoay quanh xã hội trong tương lai, một xã hội được điều khiển hoàn toàn bởi công nghệ và các phát minh do công nghệ tạo nên, đặc biệt là những con robot.
[15] William Gibson Interview, http://josefsson.net/gibson/
[16] “New anti-Covid phone app for use when entering shops,” Bangkok Post (14/5/2020), https://www.bangkokpost.com/thailand/general/1918092/new-anti-covid-phone-app-for-use-when-entering-shops
[17] Steven Feldstein, “The Global Expansion of AI Surveillance,” Carnegie Endowment for International Peace (17/9/2019), https://carnegieendowment.org/2019/09/17/global-expansion-of-ai-surveillance-pub-79847.
[18] Matthew Keegan, “Big Brother is watching: Chinese city with 2.6m cameras is world’s most heavily surveilled,” The Guardian (02/12/2019), https://www.theguardian.com/cities/2019/dec/02/big-brother-is-watching-chinese-city-with-26m-cameras-is-worlds-most-heavily-surveilled
[19] Alina Polyakova and Chris Meserole, “Exporting digital authoritarianism: the Russian and Chinese Models,” Brookings Institute, https://www.brookings.edu/wp-content/uploads/2019/08/FP_20190827_digital_authoritarianism_polyakova_meserole.pdf.
[20] Carl Benedikt Frey and Michael A. Osborne, “The future of employment: How susceptible are jobs to computerisation?” Technological Forecasting and Social Change 114 (2017): 254-280.
[21] Carl Benedikt Frey and Michael A. Osborne, “Automation and the future of work—understanding the numbers,” Oxford Martin School (13/4/2018), https://www.oxfordmartin.ox.ac.uk/blog/automation-and-the-future-of-work-understanding-the-numbers/.
[22] “Asia’s AI agenda—AI and human capital,” MIT Technology Review (2019), https://s3-ap-southeast-1.amazonaws.com/mittr-intl/AsiaAItalent.pdf.
[23] Oxfam, https://www.oxfam.org/en/5-shocking-facts-about-extreme-global-inequality-and-how-even-it
[24] Aimee Picchi, “10 richest billionairs doubled their wealth durng pandemic, Oxfam says,” CBS News (16/1/2022), https://www.cbsnews.com/news/billionaires-double-wealth-covid-pandemic/
[25] Ibid.
[26] Yuval Noah Harari, 21 Lessons for the 21st Century (21 Bài học cho Thế kỷ XXI) (New York: Spiegel & Grau, 2018): Kindle edition. Trong tập sách này, tác giả đưa ra nhiều viễn tượng về đời sống của nhân loại, đặc biệt những vấn đề xảy đến từ việc phát triển công nghệ kỹ thuật số.
[27] Kevin Roose, “His 2020 Campaign Message: The Robots Are Coming,” New York Times (10/2/2018), https://www.nytimes.com/2018/02/10/technology/his-2020-campaign-message-the-robots-are-coming.html?rref=collection%2Fsectioncollection%2Ftechnology&fbclid=IwAR0rPXVy5qafyLiJXqKFnKiBgid3mbm45acWoDTaiIMYSkzJ3J3bNuk9oXc
[28] “How AI could unlock world peace,” BBC (19/02/2019), https://www.bbc.com/future/article/20190219-how-artificial-intelligence-could-unlock-world-peace
[29] Niko Nurminen, “Could artificial intelligence lead to world peace?” Aljazeera (30 /5/2017), https://www.aljazeera.com/indepth/features/2017/05/scientist-race-build-peace-machine-170509112307430.html
[30] Jayshree Pandya, “The weaponization of artificial intelligence,” Forbes (14/1/2019), https://www.forbes.com/sites/cognitiveworld/2019/01/14/the-weaponization-of-artificial-intelligence/#7834fc433686
[31] “Autonomous weapons that kill must be banned, insists UN chief,” UN News (/3/2019), https://news.un.org/en/story/2019/03/1035381
[32] “Campaign to stop killer robots,” 22 /11/2018, https://www.stopkillerrobots.org/wp-content/uploads/2018/11/KRC_CountryViews22Nov2018.pdf
[33] Melissa K. Chan, “China and the US are are fighting a major battle over killer robots and the future of AI,” Time, 13/9/2019, https://time.com/5673240/china-killer-robots-weapons/
[34] Justin Rohrlich, “Report: Kill the idea of killer robots before they kill us,” Quartz (9 /5/2019), https://qz.com/1614684/killer-robots-must-be-stopped-pax-tells-the-world/
[35] Hầu hết các công ty công nghệ lớn đều có cơ sở tại Thung Lũng Silicon tại miền Bắc California.
[36] Avani Venkatesh, “Limits of Human Knowledge: How Search Engines Will Never Become the Mind of God,” The American Bazaar (29/10/2019), https://www.americanbazaaronline.com/2019/04/10/can-humans-know-everything-437027/
[37] Siva Vaidhyanathan, The Goolization of Everything (And Why We Should Worry) (Berkeley, CA: University of California Press, 2011), 2.
[38] Thông tin này thu thập ngày 5/10/2021.
[39] https://www.thechurchofgoogle.org/Scripture/Proof_Google_Is_God.html
[40] https://medium.com/faithtech/is-google-the-new-god-81f26b69bf8
[41] Kevin Healey and Robert H. Woods Jr., Ethics and Religion in the Age of Social Media: Digital Proverbs for Responsible Citizens (New York, NY: Routledge, 2019), Kindle version.
[42] Ibid.
[43] Ibid.
[44] Ibid.
[45] Harari, Homo Deus, 85 (epub version).
[46] Ben Kendall, “Religion is redundant and irrelevant,” Independent (1/2/ 2013), https://www.independent.co.uk/news/uk/home-news/religion-is-redundant-and-irrelevant-richard-dawkins-takes-on-ex-archbishop-of-canterbury-dr-rowan-8476499.html
[47] C. Madsbjerg và M.B. Rasmussen, “Advertising’s Big Data dilemma,” Harvard Business Review (7/8/2013), https://hbr.org/2013/08/advertisings-big-data-dilemma
[48] Harari, 21 Lessons, Kindle edition.
[49] Mircea Eliade, The Sacred and the Profane: The Nature of Religion (New York: Harcourt, Brace & World, Inc., 1957), 97-98.
[50] Alan Dundes, Sacred Narrative: Readings in the Theory of Myth (Berkeley, CA: University of California Press, 1984), 1.
[51] Bhikkhu Bodhi, “A Buddhist Response to Contemporary Dilemmas of Human Existence” (1994), http://www.accesstoinsight.org/lib/authors/bodhi/response.html.
[52] Yuval Noah Harari, “Techno-Religions and Silicon Prophets,” YouTube (29/1/2015), https://www.youtube.com/watch?v=g6BK5Q_Dblo
[53] Harari, Homo Deus, 459 (epub version).
[54] Harari, Homo Deus, 460 (epub version).
[55] Harari, Homo Deus, 458 (epub version).
[56] “India’s religions by the numbers,” The Hindu (26/8/2015), https://www.thehindu.com/news/national/religious-communities-census-2011-what-the-numbers-say/article7582284.ece
[57] https://starsunfolded.com/sundar-pichai/
[58] Pew, “Scientists and Belief,” https://www.pewforum.org/2009/11/05/scientists-and-belief/.
[59] Alister E. McGrath, Science and Religion: A New Introduction, Third Edition (Hoboken, NJ: Wiley-Blackwell, 2020), 9.
[60] Ibid.
[61] Điển hình các học giả Herbert Butterfield, A.C. Crombie, Michael B. Foster, Loren Eiseley, David Lindberg, Owen Gingerich, Reijer Hooykaas, Robert Merton, Pierre Duhem, Colin Russell, Alfred North Whitehead, Peter Hodgson, Ian Barbour, Christopher Kaiser, Holmes Roston III, Steve Fuller, Peter Harrison, Rodney Stark.
[62] Robert Barron, Seeds of the Word: Finding God in the Culture (Skokie, US: Word on Fire Catholic Ministries, 2015), 23-24.
[63] Samuel P. Huntington, The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order (New York, NY: Simon and Schuster, 1996).
[64] Huntington, The Clash, 38.
[65] Huntington, The Clash, 39.
[66] Pew Forum, “The Global Religious Landscape,” https://www.pewforum.org/2012/12/18/global-religious-landscape-exec/.
[67] Flynn Coleman, A Human Algorithm: How Artificial Intelligence Is Redefining Who We Are (Berkeley, CA: Counterpoint, 2019), 224-225.
[68] https://mykuwaits.com/blog/biography/who-is-parag-agrawal/
[69] Elaine Howard Ecklund, Why Science and Faith Need Each Other (Grand Rapids, MI: Brazos Press, 2020), 33.
[70] Ibid.
Chương 1: Bối cảnh xã hội và mục vụ
Chương 2: Thần học và mục vụ truyền thông
Chương 4: Hướng đến thần học mạng
Chương 7: Xây dựng tình hiệp thông qua trung gian mạng
Chương 8: Lãnh đạo tôn giáo với truyền thông mạng xã hội
Chương 9: Mục vụ và CNTT-TT trong và sau thời đại dịch
Chương 10: Mạng xã hội với mục vụ di dân
Chương 11: Tôn giáovới tương lai kỹ thuật số
Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ