Skip to content
Top banner

MỤC VỤ VÀ CNTT-TT TRONG VÀ SAU THỜI ĐẠI DỊCH

COMMUNICATION-THEOLOGY
2024-03-03 17:09 UTC+7 154

SỨ VỤ CỦA GIÁO HỘI Trong Kỷ Nguyên Kỹ Thuật Số

Mission of the Church in the Digital Age

LM Anthony Lê Đức, SVD

 

MỤC VỤ VÀ CNTT-TT TRONG VÀ SAU THỜI ĐẠI DỊCH

Mục vụ thời đại dịch

Vai trò của CNTT-TT qua những trải nghiệm của những người làm mục vụ

1. Thánh lễ trực tuyến

2. Giáo dục trực tuyến

3. Mục vụ xã hội trực tuyến

Những vấn đề cần lưu tâm

 

Được sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số, hiện tượng toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, hiếm có một biến cố nào đó xảy ra thực sự có thể làm cho con người trên khắp các lục địa của trái đất liên hệ và nối kết với nhau một cách chặt chẽ. Khi những hình ảnh đau khổ và tang thương do chiến tranh và nạn đói đang diễn ra tại một nơi xa xôi nào đó trên thế giới được cập nhật và chuyển tải tới những người ở các quốc gia khác, họ có thể bày tỏ sự cảm thông và trắc ẩn đối với những nạn nhân không may mắn. Thế nhưng, xét cho cùng, những tấm thảm cảnh đó dường như không mấy ảnh hưởng gì đến cuộc sống hằng ngày của họ. Ngay cả khi những tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu và trái đất nóng lên đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống nhân loại, thì vẫn có nhiều người chưa cảm nhận và ý thức về điều này, đặc biệt là những người đang sống tại các nước giàu có. Lý do một phần là họ được trang bị tốt hơn nhờ vào các cơ chế sẵn có để đối phó với những bất lợi mà các biến đổi trên gây ra.

Có thể nói đại dịch Covid-19 là một trường hợp ngoại lệ, bởi vì đại dịch đã đảo lộn hoàn toàn trật tự thế giới bằng cách phá đổ và làm đình trệ mọi lĩnh vực – cơ cấu chính trị, xã hội, kinh tế và tôn giáo toàn cầu. Có thể nói rằng, nhân loại đang trải qua một thời kỳ hiếm có trong lịch sử. Hai năm qua, một con vi-rút mắt thường không nhìn thấy, lại có sức mạnh hủy diệt ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến tất cả mọi người, không bỏ sót một ai. Vi-rút corona đã cướp đi sinh mạng hàng triệu nạn nhân thuộc mọi tầng lớp và địa vị chính trị xã hội, không phân biệt tuổi tác hay giới tính. Sự lây lan của Covid-19 tại Hoa Kỳ là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất. Hoa Kỳ là quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới cả về chính trị lẫn kinh tế, nhưng lại là đất nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất (tính đến thời điểm bài viết này được thực hiện). 

Bên cạnh việc để lại những hậu quả khôn lường cho sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế toàn cầu, đại dịch còn tác động lớn đến lĩnh vực tôn giáo. Các cá nhân và cộng đồng tôn giáo đã đặt ra nhiều câu hỏi trong khi chứng kiến con người khắp nơi trên thế giới đang phải đối mặt với sự hỗn loạn và đau khổ do đại dịch gây ra. Tùy vào quan điểm tôn giáo của mỗi người, họ có thể chất vấn rằng liệu đại dịch có phải là sự trừng phạt của Thiên Chúa đối với tội lỗi nhân loại, hay đại dịch sinh ra bởi nghiệp chướng của những hành động tiêu cực xuất phát từ con người. Người khác lại hỏi phải chăng đại dịch là hậu quả của sự bất hạnh, hay là dấu hiệu của ngày tận thế mà nhân loại cần phải lưu tâm.

Những câu hỏi quen thuộc trong lịch sử nhân loại cũng được nhắc lại để nói về thực trạng đại dịch: Thiên Chúa ở đâu trong cuộc khủng hoảng này? Tại sao sự dữ lại tồn tại? Và nếu Thiên Chúa hiện hữu thì tại sao sự dữ được phép xảy ra? Mặc dù trong thực tế, vô số các thế hệ của ngành thần học và triết học đã quan tâm đến những câu hỏi này, nhưng bối cảnh đại dịch hiện nay đang làm sống dậy những câu hỏi mang tính tâm linh mà con người luôn đặt ra khi trải qua các biến cố lớn lao trong cuộc sống. Điều này dẫn đến việc xuất hiện các bài báo, bài giảng thuyết, buổi nói chuyện, video YouTube và ngay cả việc xuất bản một số cuốn sách gần đây cũng với mục đích bàn thảo về những ưu tư nảy sinh từ cuộc khủng hoảng Covid-19.

Những chất vấn trên cho thấy tôn giáo luôn đồng hành với đời sống con người, vì tôn giáo đóng vai trò giúp cho con người thấu hiểu và cảm nhận một cách đúng đắn về đại dịch cũng như tất cả các biến cố khác xảy ra trong đời sống cá nhân và xã hội. Trên phương diện là một thực thể mang tính chất xã hội và văn hóa, tôn giáo cũng được xem là nạn nhân của vi-rút corona. Giáo hội Công giáo, một trong những tôn giáo lớn và lâu đời nhất trên thế giới, cũng không thể thoát khỏi trận cuồng phong hủy diệt mang tên Covid-19. Từ Vatican cho đến các vùng nông thôn châu Á, các nhà thờ phải đóng cửa. Các sinh hoạt cộng đoàn thường ngày vốn là nguồn lực duy trì đời sống Giáo hội và bồi dưỡng đời sống tinh thần cho giáo dân trên khắp thế giới đều phải bị hủy bỏ, hay phải chuyển qua các cách thức khác. Không cần biết đó là các ngày lễ trọng thể hàng năm của giáo xứ hay là các nghi lễ quan trọng trong lịch Phụng vụ như lễ Phục Sinh và Giáng Sinh, tất cả các Thánh lễ này đều được tổ chức dưới những hình thức mà trước đây các Kitô hữu chưa từng chứng kiến.

Thêm vào đó, các vị mục tử trong Giáo hội là người thường được mời gọi “trở thành những vị mục tử nhuốm mùi chiên”. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đại dịch, họ bị yêu cầu phải giữ khoảng cách với giáo dân, đặc biệt là những người già, bệnh tật và những người có nguy cơ bị nhiễm bệnh Covid-19 cao. Dù vậy, không chỉ riêng các con chiên có thể mất đi mạng sống do tiếp xúc với người chăn chiên, nhưng bản thân các chủ chăn cũng có thể phải hy sinh tính mạng khi phải sống gần gũi với đàn chiên. Thực tế cho thấy rằng, nhiều vị linh mục đã hăng hái nhiệt tình phục vụ cộng đoàn cho đến hơi thở cuối cùng.

Tính đến thời điểm tháng 1 năm 2021, chỉ riêng ở Ý đã có hơn 200 linh mục thiệt mạng do đại dịch.[1] Đây quả là một tấn bi kịch đối với Giáo hội Ý, vì họ đang phải đối mặt với sự khủng hoảng khan hiếm nghiêm trọng về ơn gọi tu trì. Tại Ấn Độ, tình hình cũng bi đát không kém. Từ giữa tháng 4 năm 2021 đến giữa tháng 7 năm 2021, Ấn Độ đã có hơn 500 linh mục và nữ tu tử vong do bệnh Covid-19 – phần lớn nằm trong hai tháng 4 và tháng 5, khi đại dịch bùng phát một cách dữ dội trên đất nước này.[2] Ở đây, chúng ta cũng chưa nhắc đến các linh mục và tu sĩ ở các quốc gia khác. Bên cạnh đó còn phải kể đến các thừa tác viên mục vụ là giáo dân vốn chưa có những thống kê rõ ràng.

Tuy nhiên, Giáo hội chưa bao giờ và không thể lùi bước trước các mối nguy hiểm. Giáo hội càng không thể rụt rè, đặc biệt khi đại dịch đe dọa tới sự an toàn của các tín hữu và toàn thể nhân loại. Ngay từ câu mở đầu trong Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, Giáo hội nhấn mạnh rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của môn đệ Đức Kitô.” Vì thế, đại dịch Covid-19 không chỉ là thời điểm để Giáo hội làm sống lại lời tuyên bố trên, mà còn là dịp để Giáo hội đáp lại dấu chỉ thời đại với những hành động cụ thể với lòng can đảm, quyết tâm, tin tưởng và tín thác. Khi đối diện với thực trạng của đại dịch toàn cầu đang tung hoành, Giáo hội sẽ không khó để nhận ra vai trò và sứ mạng của mình, đó là đồng hành, liên kết và chia sẻ với nhân loại đang đau khổ.

 

 

Mục vụ thời đại dịch

 

Vào tháng 9 năm 2020, khi đại dịch vẫn đang tiếp tục hoành hành trên toàn thế giới, tôi đã hợp tác với Cha John Mi Shen để thực hiện một tập sách chuyên đề về phương cách mục vụ trong thời đại dịch. Cha Mi Shen là một linh mục người Trung Quốc đang giảng dạy tại Học viện Hoàng gia và Giáo hoàng Học viện Santo Tomas ở Manila, Phillipines. Ý tưởng thực hiện tập sách này đến một cách khá tình cờ vài ngày sau một cuộc họp giữa các thành viên trong Ban Kỹ thuật số của tổ chức truyền thông Công giáo SIGNIS mà tôi và Cha John đều là thành viên. Buổi họp đó được diễn ra trên hệ thống Zoom, là phương tiện mà ban của chúng tôi đã sử dụng để thực hiện các cuộc họp từ trước đến nay, ngay cả trước khi có đại dịch. Lý do là vì 7 thành viên trong ban đến từ các quốc gia và châu lục khác nhau, nên không thể họp trực tiếp mà phải chọn một nền tảng trực tuyến cho việc này.

Trong cuộc họp diễn ra vào tháng 9 năm 2020, các thành viên trong Ban Kỹ thuật số đã chia sẻ với nhau về những sinh hoạt của mình trong thời gian dịch bệnh và giãn cách xã hội. Các trải nghiệm mọi người chia sẻ về đời sống cũng như hoạt động mục vụ của mình rất thú vị và ý nghĩa, khiến cho tôi nảy ra một ý tưởng thực hiện một tập sách chuyên đề về mục vụ thời đại dịch. Một vài ngày sau, tôi gọi cho Cha John qua ứng dụng WhatsApp và đề nghị hai người cộng tác với nhau để thực hiện tập sách. Trước lời gợi ý của tôi, Cha John rất tán thành và nói rằng, ngài sẵn sàng cộng tác trong dự án này. Sau khi đã thống nhất về nội dung chính của tập sách, chúng tôi đã soạn một thư ngỏ và gửi đi đến nhiều nơi để kêu gọi sự tham gia viết bài từ những người làm mục vụ – bất kể là linh mục, tu sĩ hay giáo dân.

Sau 3 tháng, chúng tôi đã nhận được các bài viết từ hàng chục tác giả đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Nội dung của các bài viết chia sẻ về những trải nghiệm trong công tác mục vụ giữa những làn sóng dịch bệnh theo chủ đề của tập sách. Các thừa tác viên mục vụ không chỉ bao gồm các linh mục mà còn là tu sĩ nam nữ, đại chủng sinh và giáo dân. Đa số các tác giả bài viết không phải là các học giả hay nhà văn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tất cả đều có chung nhiệt huyết phục vụ Giáo hội trong những vai trò khác nhau tùy theo khả năng của mình. Công tác mục vụ bình thường của họ đều bị cản trở nghiêm trọng bởi con vi-rút vô hình bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, sau đó lan rộng tới tất cả lục địa khác trên thế giới. Thậm chí cả vùng Nam Cực cũng không thoát khỏi sự hiện diện của nó. Tuy nhiên, đối diện với đại dịch, những người thi hành công tác mục vụ đã không tỏ ra hoảng loạn, tuyệt vọng hay có những lời nói, hành động đổ lỗi cho người khác về những gì đang xảy ra. Thay vào đó, họ thực hiện công tác mục vụ theo những phương cách khả thi nhất có thể, sử dụng những nguồn lực có sẵn như năng khiếu, tài chánh hoặc công cụ công nghệ thông tin. Họ cũng dựa vào sự sáng tạo của mình để tiếp tục thi hành sứ vụ trong hoàn cảnh nguy hiểm ngay cả cho chính bản thân họ. Những trải nghiệm đó đã được các tác giả thuật lại trong bài viết nhằm phản ánh những biện pháp thích ứng với bối cảnh đại dịch mà những người làm mục vụ đã thực hiện. 

Sau khi đọc qua tất cả các bài viết, chúng tôi đã chọn ra 23 bài để đưa vào tập sách. Các bài viết chia thành 3 phần như sau: Phần thứ nhất của sách tập trung vào cách tổ chức những công tác mục vụ mà từng giáo xứ nỗ lực thực hiện nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng. Phần thứ hai nhấn mạnh về công tác giáo dục và đào tạo mục vụ bao gồm việc dạy giáo lý, và các cơ sở giáo dục khác như các trường đại học, chủng viện và nhà đào tạo chủng sinh. Phần thứ ba chủ yếu mô tả mục vụ tiếp cận người nghèo, người di dân và những người ở bên lề xã hội. Những công tác mục vụ này có thể được tiến hành trong bối cảnh hoạt động của một giáo xứ nào đó, hoặc có thể là một chương trình mục vụ xã hội của giáo phận hoặc của hội đồng giám mục địa phương. Thực ra, có nhiều chi tiết trùng lặp trong các bài viết, nhưng chúng không ảnh hưởng đến ý hướng chính của chúng tôi, đó là trình bày những kinh nghiệm này xung quanh một số chủ đề chung. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá và so sánh những trải nghiệm mục vụ khác nhau.

Ngoài 3 phần trình bày các trải nghiệm mục vụ thực tế, chúng tôi cũng đã mời thêm một số thần học gia và chuyên gia như Linh mục Stephen Bevans, SVD (Hoa Kỳ), Linh mục Gnana Patrick (Ấn Độ), Tiến sĩ Christina Kheng (Singapore), và Linh mục John Prior, SVD (Vương quốc Anh) để viết nên những bài có tính thẩm định thần học, nhằm phân tích và đối thoại với những trải nghiệm thực tế được mô tả trong các bài viết. Cuối cùng, trước khi phát hành tập sách, chúng tôi cũng đã gửi toàn bộ nội dung đến một số người để xin lời nhận xét, trong đó có Giáo sư Nataša Govekar (Bộ Truyền thông, Tòa Thánh Vatican) và Cha George Plathotam, SDB (Thư ký Văn phòng Truyền thông Xã hội trực thuộc FABC). Tập sách mang tựa đề Pastoral Creativity Amid the Covid-19 Pandemic (Sự Sáng Tạo Trong Công Tác Mục Vụ Giữa Đại Dịch Covid-19), đã được xuất bản vào tháng 6/2021.[3]

Tuy các tác giả trong tập sách nêu lên nhiều đề tài đáng lưu tâm, nhưng trong bài viết này, chúng tôi chỉ trình bày một vấn đề nổi bật nhất được những người làm công tác mục vụ đề cập đến trong hầu hết các bài viết. Đó là vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) đối với công tác mục vụ trong suốt thời kỳ đại dịch. Đối với nhiều tác giả, CNTT-TT chỉ mới bắt đầu được áp dụng vào công việc mục vụ của họ do hoàn cảnh đại dịch, chứ không đóng vai trò quan trọng nào trước khi đại dịch xảy ra. Các sinh hoạt mục vụ như cử hành Thánh lễ, dạy giáo lý, các buổi suy niệm lời Chúa, mục vụ cho những người tàn tật, v.v… là những hoạt động vốn luôn được thực hiện trực tiếp. Trong khi CNTT-TT có thể được sử dụng phần nào trong khâu tổ chức công tác mục vụ, nhưng trong thực tế, bản thân các hoạt động này luôn diễn ra trực tiếp, mặt đối mặt. Chẳng hạn như một vị mục tử có thể dùng CNTT-TT để tìm tài liệu để soạn bài giảng; ca trưởng có thể gửi các bài hát trong Thánh lễ tới các thành viên ca đoàn qua email; hay những người phục vụ bàn thánh có thể gửi lịch giúp lễ cho nhau qua Facebook Messenger. Tuy nhiên, Thánh lễ là một sự kiện được cử hành trực tiếp với sự tham dự của các tín hữu tụ họp với nhau trong cùng một không gian mà không cần đến vai trò trung gian của công nghệ kỹ thuật số. Thế nhưng, trong bối cảnh đại dịch, CNTT-TT không những đóng vai trò trong công tác tổ chức như trước đây, mà chính CNTT-TT còn giữ vai trò như một phương tiện trung gian nhằm giúp các tín hữu “tham dự” Thánh lễ trực tuyến khi họ bị buộc phải thực hiện giãn cách xã hội. 

CNTT-TT không chỉ được sử dụng cho việc tổ chức các Thánh lễ trực tuyến, mà còn hữu ích cho các nghi thức Phụng vụ và các sinh hoạt mục vụ khác như việc dạy giáo lý, thăm hỏi giáo dân, v.v... Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày kinh nghiệm của những người làm mục vụ chia sẻ về cách họ tiếp cận CNTT-TT trong sứ vụ giữa thời đại dịch thông qua các đoạn trích từ các bài viết của họ. Những trải nghiệm này xoay quanh những chủ đề mục vụ quan trọng như Thánh lễ, giảng dạy và các mục vụ bác ái xã hội. Mặc dù trong Giáo hội có rất nhiều sinh hoạt mục vụ khác nhau, nhưng bằng cách tập trung vào những mảng cụ thể này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về vai trò của CNTT-TT trong thời đại dịch. Nhờ việc suy tư về những trải nghiệm này, chúng ta sẽ khám phá ra được những điểm mới lạ và tầm quan trọng của việc sử dụng một cách đúng đắn CNTT-TT trong các chương trình mục vụ của Giáo hội sau thời đại dịch.

 

 

Vai trò của CNTT-TT qua những trải nghiệm của những người làm mục vụ

 

1. Thánh lễ trực tuyến

 

Việc phải đóng cửa nhà thờ đối với các giáo xứ là điều rất đáng tiếc, đặc biệt vào những dịp lễ quan trọng trong lịch Phụng vụ như Tuần Thánh, Lễ Giáng Sinh và các buổi lễ trọng thể khác tại các giáo xứ địa phương. Thực trạng của đại dịch đã buộc các vị lãnh đạo Giáo hội trên toàn thế giới phải chấp nhận thực tế rằng, họ không thể cử hành Thánh lễ hằng ngày và Chúa Nhật như trước thời dịch bệnh. Vì thế, các giáo phận và các giáo xứ phải tìm đường hướng mục vụ mới để tiếp tục nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng cho các tín hữu. Nhiều giáo hội địa phương xem việc tổ chức Thánh lễ trực tuyến là quyết định thiết thực và tối ưu nhất trong tình thế đại dịch. Điều này sẽ giúp các tín hữu có thể hiệp thông một cách an toàn từ nhà của mình.

Tuy nhiên, nhiều giáo xứ và giáo phận chưa bao giờ tổ chức phát sóng Thánh lễ trực tuyến, nên không thể tiến hành một cách nhanh chóng. Chỉ vài nơi có sẵn những thiết bị cần thiết để phục vụ cho công việc phát sóng. Kỹ năng về công nghệ phải được học hỏi trong một thời gian ngắn, và các trang thiết bị cũng phải được mua sắm để đáp ứng đầy đủ hơn cho nhu cầu truyền thông kỹ thuật số. Một số linh mục truyền giáo ở nước ngoài, khi dâng lễ bằng tiếng địa phương, gặp một số khó khăn vì không phải là tiếng mẹ đẻ. Thế nên, việc phải cử hành nghi thức trực tuyến bằng ngôn ngữ mà họ không thông thạo trở nên một thách thức lớn hơn nữa.

Những đoạn trích dưới đây từ các bài viết của các vị mục tử và thừa tác viên mục vụ cho thấy có nhiều thách đố và vấn đề phải cân nhắc khi chuyển sang Thánh lễ trực tuyến. Tuy nhiên, đó lại là một phương thức cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của các tín hữu trong thời đại dịch.

 

Linh mục Joshy Xavier, SJ và Linh mục Lawrence Devin Noronha (Ấn Độ): Bởi vì tình trạng phong tỏa hoàn toàn, mọi người phải ở trong nhà, và nhiều người không biết phải sử dụng thời gian rảnh rỗi như thế nào, thế nên, chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi cần phải gần gũi và liên kết với họ, nhằm giúp họ tiếp tục sống trong mối tương quan với Thiên Chúa. Khi suy nghĩ về vấn đề này, chúng tôi nhận ra hầu hết mọi người trong thành phố Lucknow đều có kết nối mạng internet. Đa số các hãng dịch vụ điện thoại di động cung cấp ít nhất 1 hoặc 2 GB dữ liệu cho hầu hết các gói cước di động. Nếu chúng tôi không hướng dẫn và không có những nội dung mục vụ bổ ích cho giáo dân, thì họ có thể lãng phí những gói dữ liệu này bằng việc xem phim hay các chương trình giải trí vô bổ khác trên mạng. Trong thời gian này, bởi vì giáo dân không thể đi đâu được, nên điện thoại di động đóng vai trò quan trọng trong việc giúp họ sử dụng thời gian rảnh rỗi.

Một ngày nọ, có một giáo dân nói với chúng tôi rằng, một số giáo xứ và vài tổ chức khác đang phát trực tiếp các chương trình cho giáo dân qua các trang mạng xã hội như Facebook và YouTube. Chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về ý tưởng này, nhưng chúng tôi chưa bao giờ có kinh nghiệm trong lĩnh vực trực tuyến. Quả thực đây là một khó khăn lớn cho chúng tôi trong việc tạo ra những chương trình trực tuyến.

Thêm vào đó, việc thiếu hiểu biết về công nghệ kỹ thuật số và thiếu các thiết bị công nghệ, cùng với lệnh phong tỏa đã khiến cho chúng tôi không thể ngay lập tức thành lập được một đội ngũ hoạt động chuyên nghiệp. Trong hoàn cảnh này, ngay cả nhiều kênh truyền hình cũng không thể chạy được, và họ phải phát lại các chương trình cũ. Tuy nhiên, ý tưởng làm một điều gì đó trong bối cảnh đại dịch ngay lập tức thôi thúc chúng tôi. Vì thế, chúng tôi quyết định lên kế hoạch và hành động. Khi bắt đầu suy nghĩ về việc này, chúng tôi cảm nhận được sự soi sáng của Thiên Chúa trong các chương trình mà chúng tôi lập nên. Ngay lúc này, chúng tôi vẫn cảm nhận được Thiên Chúa quan phòng luôn đồng hành với chúng tôi trong hành trình mới lạ và đầy thách thức này.

Tại thời điểm khởi đầu, chúng tôi chỉ đơn giản sử dụng những thiết bị có sẵn, bởi vì các cửa hàng đều đóng cửa. Chúng tôi đã có được một máy tính xách tay, một máy xử lý âm thanh và một máy ghi hình kỹ thuật số. Sau đó, chúng tôi phải tìm cách để phát trực tiếp trên kênh YouTube mà chúng tôi lập ra trước đó vào ngày 29/3/2020.[4] Chúng tôi nhận được thông báo rằng để có chương trình phát sóng trực tuyến trên thiết bị di động, kênh của chúng tôi cần phải có ít nhất 1.000 người đăng ký theo dõi. Vì thế, chúng tôi thông báo và mời gọi giáo dân đăng ký. Chỉ trong vòng một ngày, chúng tôi đã đạt được mục tiêu về số lượng người đăng ký. Sự hưởng ứng nhiệt tình của giáo dân chứng tỏ họ rất háo hức đón nhận chương trình mục vụ của chúng tôi.

Quả thật, động lực chính để tạo ra các chương trình trực tuyến chính là để làm dịu cơn khát trong đời sống thiêng liêng của giáo dân trong mùa Chay thánh. Chúng tôi nhận ra rằng, chúng tôi cần phải đồng hành với giáo dân về mặt tinh thần, để giúp họ tiếp tục liên kết với Thiên Chúa và nối kết với nhau.

 

Linh mục Anthony Liew (Malaysia): Thực tế cho thấy rằng không phải tất cả giáo dân có thể đến tham dự Thánh lễ tại cộng đoàn chúng tôi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã phát trực tuyến các Thánh lễ Chúa Nhật được ba tuần. Chúng tôi cũng phát Thánh lễ trực tuyến công khai qua kênh SMC YouTube từ tháng 9 năm 2020. Chúng tôi tin rằng Thánh lễ trực tuyến rất quan trọng để cộng đoàn giáo xứ Thánh Michael (SMC) cùng nhau tiếp tục lớn lên về mặt tâm linh, và tương trợ lẫn nhau như trong cùng một gia đình qua việc cầu nguyện, sinh hoạt với nhau, lắng nghe các bài giảng và những thông báo liên quan trong Thánh lễ.

Việc thiết lập công nghệ trực tuyến trong công tác mục vụ của giáo xứ quả là một thử thách, bởi lẽ chúng tôi không biết nhiều trong cách tiến hành các chương trình trực tuyến. Tuy nhiên, tôi tạ ơn Chúa đã chỉ dạy cho chúng tôi cách thức để thực hiện bằng cách trao ban cho chúng tôi những nguồn lực cần thiết, bao gồm cả yếu tố nhân lực để thực hiện chương trình này. Mặc dù đang vấp phải những khó khăn trong việc thi hành sứ vụ mới này, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện. Lý do đó là chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của sứ vụ này trong việc tiếp tục liên kết giáo dân với cộng đoàn SMC, cũng như hiệp thông với các tín hữu khác trong đoàn chiên Giáo hội.

 

Thạc sĩ John Uhal (Hoa Kỳ): Sau khi chúng tôi cảm thấy không hài lòng về chất lượng của những giờ cầu nguyện đã ghi hình sẵn bằng video, vào Thứ Năm Tuần Thánh năm 2020, một trong những người điều hành văn phòng giáo xứ đã mua một máy ghi hình di động, một máy tính xách tay với tính năng cao, phần mềm và các phụ kiện cần thiết. Bằng việc kết hợp giữa những hiểu biết của tôi về hệ thống âm thanh và phụng vụ cùng với sự khéo léo sáng tạo của mọi người, chúng tôi đã phát Thánh lễ trực tuyến lần đầu tiên. Trong những tuần trước đó, tôi đã cập nhật những thông tin về đại dịch và cách phòng chống vi-rút corona trên trang mạng của giáo xứ. Giờ đây, trang web còn có thêm chức năng là phương tiện để phát sóng các chương trình trực tuyến. Vì mỗi Thánh lễ chỉ có dưới 10 người được hiện diện trong nhà thờ, nên chúng tôi phải phát sóng trực tuyến toàn bộ các nghi thức phụng vụ Tam Nhật Thánh và mỗi Thánh lễ Chúa Nhật trong mùa Phục Sinh. Số lượng người tham gia trực tuyến tăng lên mỗi ngày, và hiện tại, chúng tôi có khoảng 1.000 người tham dự phụng vụ vào mỗi cuối tuần. Chúng tôi còn sử dụng các thiết bị đơn giản mà chúng tôi có được để phát sóng trực tuyến nghi thức ban Bí tích Thêm sức, nghi thức trao tác vụ đọc sách của Tổng Giáo phận, nghi thức ban Bí tích Rửa tội hàng năm cho một số người, và Thánh lễ tốt nghiệp cho các học sinh trong trường học của giáo xứ.

 

Linh mục Napolean James (Bỉ): Các đường lối mục vụ và những ý tưởng sáng tạo mới được Giáo hội đề ra nhằm tái truyền bá Phúc Âm hay Tân Phúc Âm hóa ở châu Âu tăng lên gấp đôi trong thời đại dịch. Tại nơi tôi đang thi hành công tác mục vụ, chúng tôi khuyên mọi người nên hoãn lại Bí tích Rửa tội và Hôn Phối, nhưng chúng tôi phát sóng Thánh lễ trực tuyến và trao Mình Thánh Chúa cho những ai yêu cầu. Tôi thực sự ngưỡng mộ tinh thần hăng hái và sẵn sàng dấn thân của những người thi hành công tác chăm sóc mục vụ cùng những người phụ tá trong giáo xứ. Họ đã nồng nhiệt tiếp nhận những đề xuất tôi đưa ra, điển hình là phát sóng Thánh lễ trực tuyến. Mặc dù chúng tôi chưa có máy ghi hình chuyên nghiệp, nhưng chúng tôi sử dụng điện thoại thông minh để phát sóng. Chúng tôi quay Thánh lễ trước rồi phát lại vào 10 giờ 30 sáng Chúa Nhật, đúng vào giờ lễ Chúa Nhật hàng tuần được cử hành trước đây. Hiện tại, các thành viên trong ban Hội đồng mục vụ đang có ý định mua một máy quay chuyên nghiệp nhằm nâng cao chất lượng video để phát trực tiếp các Thánh lễ.

 

Linh mục Gioan Baotixita Trịnh Đình Tuấn, SVD (Chilê): Việc dâng lễ online quả là không dễ chút nào. Tôi thật sự không hứng thú gì với việc dâng lễ online. Bạn cứ tưởng tượng một mình đứng trong nhà thờ trống không, nói và giảng với chỉ những hàng ghế. Đó là một kinh nghiệm buồn của đời mục tử! Hơn nữa, vì là người ngoại quốc, ngôn ngữ bản địa còn chưa thông, nên tôi bị áp lực về khả năng diễn đạt và lời nói của mình, vì khi đã phát qua internet thì nó không còn trong khuôn khổ của giáo xứ nữa mà lan rộng trên toàn thế giới, chính vì thế tôi cũng bị áp lực rất nhiều trong việc soạn bài giảng, việc dùng ngôn ngữ của mình. Tuy nhiên, vì nhu cầu mục vụ nên tôi cũng phải cố gắng thi hành và mong rằng với ơn Chúa giúp, mình có thể chu toàn được sứ vụ và những người dù tham dự ở gia đình họ hoặc ở một nơi nào đó trên thế giới cũng đang hiệp thông với chủ tế, đồng thời lãnh nhận được những ơn lành cần thiết cho đời sống đức tin của họ. Tạ ơn Chúa là cho đến thời điểm này mọi sự đang diễn ra tốt đẹp và chưa nhận được phản hồi tiêu cực nào.

 

2. Giáo dục trực tuyến

 

Các cơ sở giáo dục Công giáo và chương trình giáo lý ở một số nước phải thay đổi từ lớp học truyền thống qua không gian mạng trong thời gian đại dịch. Việc giảng dạy và học tập trực tuyến là một thách đố lớn đối với nhiều nơi về mặt kiến thức kỹ thuật số cũng như điều kiện kinh tế. Trong thực tế, không phải tất cả các giáo viên đều thông thạo về công nghệ và nhanh chóng thích nghi với phương thức giảng dạy trực tuyến. Một số lượng lớn giáo viên thuộc vào nhóm được gọi là “những người di dân kỹ thuật số” (digital immigrants),[5] vì thế các thiết bị công nghệ và cách sử dụng chúng vẫn còn mới lạ đối với họ. Họ thường vấp phải các lỗi do thiếu kỹ năng cần thiết trong việc sử dụng các ứng dụng kỹ thuật số. Theo một bài báo được đăng tải, một giáo sư ở Singapore giảng dạy trong khoảng 2 tiếng đồng hồ trên hệ thống Zoom. Mãi đến khi kết thúc lớp học, ông mới phát hiện ra micro của mình bị tắt trong suốt thời gian thuyết trình. Khi sự cố đang diễn ra, các sinh viên đã cố gắng báo cho vị giáo sư qua Zoom rằng họ không thể nghe được tiếng, nhưng đã không thành công. Chính điện thoại của ông cũng bị tắt âm thanh nên không thể liên lạc được.[6]

Bên cạnh việc giáo viên không có đủ kỹ năng cần thiết để xử lý các thiết bị công nghệ cũng như vận hành các nền tảng trực tuyến, học sinh, sinh viên cũng gặp phải những khó khăn với hình thức học qua mạng. Tại các nước phát triển, công nghệ internet đã thịnh hành ở mức cao, nên việc học trực tuyến đối với học sinh không phải là vấn đề về mặt kỹ thuật và kinh tế. Học sinh có máy tính xách tay và máy tính bàn để đáp ứng yêu cầu cho việc học trực tuyến. Tuy nhiên, tại một số nước đang phát triển, những gia đình đang sống trong cảnh túng thiếu không có đủ khả năng tài chính để mua những máy vi tính với màn hình rộng, hay đăng ký những gói mạng internet với tốc độ đủ cao cho việc học qua mạng. Vì thế, nhiều học sinh phải tham gia các lớp học trực tuyến qua màn điện di động. Tuy nhiên, việc sử dụng một điện thoại thông minh có màn hình nhỏ không mang lại hiệu quả cao so với máy tính xách tay hay máy tính bàn vốn có kích thước màn hình lớn hơn, nên nội dung được chuyển tải hiển thị rõ ràng và đầy đủ hơn. Ngoài ra, phải nói đến trường hợp các thành viên trong cùng một gia đình không thể có riêng cho mình một chiếc điện thoại để sử dụng. Trong những gia đình có thu nhập thấp, một chiếc điện thoại có thể được chia sẻ giữa các thành viên, thậm chí giữa các thế hệ là chuyện thường ngày. Vào ban ngày, trẻ em sử dụng điện thoại cho việc học trực tuyến; trong khi vào buổi tối, người lớn dùng điện thoại để tham dự Thánh lễ và các buổi cầu nguyện trực tuyến.

Bất chấp những hạn chế vừa nêu ra, đối với nhiều giáo xứ và các trường học Công giáo trên thế giới, việc giảng dạy trực tuyến là điều cần thiết để duy trì chương trình giáo dục. Tại các giáo xứ, trẻ em cần có cơ hội để được lãnh nhận Bí tích Xưng tội và Rước lễ lần đầu cũng như Bí tích Thêm sức. Các cặp đã đính hôn cần phải có được sự chuẩn bị để hoàn thành chương trình giáo lý hôn nhân, và hướng tới lãnh nhận Bí tích Hôn phối. Các trường học Công giáo và chủng viện cần tiếp tục các chương trình giáo dục để việc học tập của sinh viên và chủng sinh không bị gián đoạn.

Bản thân tôi đã giành nhiều thời gian giảng dạy cho các chủng sinh trên ứng dụng Zoom vào những thời điểm mà tình hình dịch bệnh tại Thái Lan bùng phát mạnh, buộc các cơ sở giáo dục phải đóng cửa. Ngay cả sau khi trường học được mở cửa trở lại, tôi vẫn tiếp tục dạy trực tuyến để có được những trải nghiệm giống như các giáo viên khác trên toàn thế giới. Tôi muốn thấy được những thuận lợi và hạn chế của việc giảng dạy trực tuyến. Ngoài ra, tôi cũng muốn xem kết quả học tập của các sinh viên của mình như thế nào khi phải học online. Kinh nghiệm dạy học trực tuyến giúp tôi có thể đồng cảm với những điều mà các tác giả đã phản ánh trong các bài viết về mục vụ giáo dục (education ministry) trong thời gian đại dịch.

 

Thầy Camillo Pornsann Singchai (Thái Lan): Là một chủng sinh thuộc Tổng Giáo phận Bangkok, tôi được giao nhiệm vụ điều hành chương trình giáo lý mùa hè tại Giáo xứ Thánh Raphael, thuộc Pak Nam, tỉnh Samut Prakan. Ngoài tôi ra, linh mục quản xứ còn nhờ hai chú tiểu chủng sinh tham gia cùng với tôi trong tư cách là nhóm lãnh đạo chương trình. Sau khi bàn luận và tham khảo với nhau, chúng tôi quyết định chọn phương pháp giảng dạy trực tuyến với hình thức truyền thông một chiều. Đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội học hỏi và trải nghiệm phát sóng trực tuyến. Bằng cách sử dụng chương trình OBS Studio, chúng tôi có thể tạo ra được hình nền đẹp, chia sẻ hình ảnh từ màn hình máy tính, cũng như đưa vào những âm thanh và hình ảnh một cách thuận tiện và nhanh chóng trong khi đang phát sóng trực tuyến. Những tính năng công nghệ này giúp cho việc thuyết trình trở nên hiệu quả và hấp dẫn hơn đối với người học. Bài thuyết trình được phát sóng trực tuyến trên nhóm Facebook với quyền riêng tư, được đặt tên là “Hội trại trực tuyến cầu nối yêu thương”. Nhóm Facebook này chỉ dành riêng cho những ai đã đăng ký tham gia vào chương trình giáo lý mùa hè.

Mặc dù sử dụng hình thức truyền thông một chiều, nhưng chúng tôi vẫn có thể giải quyết những câu hỏi theo lối thông thường như trong thời gian thực bằng việc cho phép người xem đặt câu hỏi trong hộp bình luận bên dưới video. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng, việc lớp học bị gián đoạn là điều không thể tránh khỏi do vấn đề tốc độ internet, nhưng nhìn chung thì phương pháp này cho phép việc giảng dạy và học tập có mức độ sống động và vui nhộn hơn nhiều so với phương pháp truyền thống. Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa ra những câu trắc nghiệm trực tuyến cho học sinh nhằm đánh giá hiệu quả của việc học tập. Chúng tôi cũng tổ chức các sinh hoạt trực tuyến khác như lần Chuỗi Mân Côi, đọc kinh Tuần Cửu Nhật Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, lần Chuỗi Lòng Thương Xót và đi Đàng Thánh Giá vào thứ Sáu Tuần Thánh vốn nằm trong chương trình giáo lý mùa hè.

Theo ý kiến của tôi, mặc dù không phải tất cả mọi người đều có cơ hội truy cập internet như nhau, nhưng giảng dạy giáo lý trực tuyến theo cách mô tả trên là một cách thức mới mang tính khả thi, nhằm giúp quảng bá cho trẻ em phương thức sử dụng không gian mạng một cách lành mạnh để gặp gỡ và kết nối với nhau dễ dàng hơn. Phương pháp này cũng tiềm ẩn khả năng dẫn dắt giới trẻ đến gần hơn với Đức Kitô và Giáo hội. Điều quan trọng nhất ở đây là bằng mọi giá, Giáo hội phải cố gắng hết sức để đem Tin Mừng đến với giới trẻ.

 

Tiến sĩ Leo-Martin Ocampo (Philippines): Tôi phải học cách thích nghi với phương pháp giảng dạy mới này. Các kế hoạch của khóa học phải được điều chỉnh lại, và các giáo viên cần phải nghĩ ra cách mới để chuyển tải nội dung cho phù hợp với các tiêu chí của môn học. Bên cạnh sự mệt mỏi gây ra do mỗi bài giảng kéo dài liên tục 3 tiếng đồng hồ, bối cảnh không gian mạng cũng tạo ra hiện tượng “Zoom fatigue” – “mệt mỏi vì Zoom” khi người dùng phải dán mắt hàng giờ trên ứng dụng Zoom. Việc chuyển sang học trực tuyến không chỉ đòi hỏi cần phải có sự thay đổi trong phương thức mà còn trong tư duy. Chúng tôi phải đưa ra các hoạt động có thể mang lại hiệu quả, thú vị, và phải khả thi giữa những hạn chế của phương thức học tập mới này. Việc sử dụng trí sáng tạo chính là sự lựa chọn tốt đẹp nhất trong hoàn cảnh này. Đồng thời, những phẩm cách nội tâm như tính cởi mở, sự khiêm tốn và lòng kiên nhẫn cũng rất quan trọng. Như trong dụ ngôn về hình ảnh “rượu mới và bầu da mới” của Chúa Giêsu, chúng ta cũng cần có một bầu da mới cho thứ rượu mới của mùa đại dịch. Vì thế, chúng ta cần phải luôn luôn có không gian cho sự đổi mới và cập nhật. 

Quả thật, có nhiều điều bất ngờ thú vị đã xảy ra trong cuộc hành trình này. Đầu tiên, việc làm quen với các thiết bị khác nhau cho việc giảng dạy và học tập trực tuyến có thể rất khó khăn, nhưng tôi đã nhanh chóng bắt đầu cảm thấy thú vị với phương pháp mới này. Sự khó chịu ban đầu nhường chỗ cho cảm hứng sáng tạo khi tôi trải qua những kinh nghiệm mới mà trước đây tôi chưa từng cảm nhận được. Tôi học cách tin tưởng nhiều hơn vào học trò của mình, ngay cả khi tôi không thể thấy, không thể quản lý và kiểm soát được chúng. Vượt lên trên tất cả, tôi vô vùng ngạc nhiên trước sự sáng tạo và nhiệt tình của các sinh viên, những người may mắn có được khả năng sử dụng thành thạo công nghệ hơn cả tôi. Sau tất cả những điều trên, tôi nhận ra rằng sự sáng tạo không thể có được ngay tức khắc một sớm một chiều. Chúng ta được Chúa Thánh Thần linh hứng để khơi nguồn sáng tạo, thế nên, miễn là chúng ta có đủ lòng quảng đại và sẵn sàng học hỏi.

 

Linh mục Đinh Anh Minh (Hoa Kỳ): Có nhiều lợi ích trong việc học tập trực tuyến, nhưng cũng không thể tránh khỏi những hạn chế nhất định. Ban đầu, các em rất hào hứng vì được trở lại lớp học giáo lý sau một thời gian dài nghỉ học. Mặc dầu hình thức trực tuyến đòi hỏi nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho buổi học hàng tuần, nhưng hình thức này lại giúp giáo viên kết nối và chia sẻ nhiều nguồn hỗ trợ từ mạng internet cho các học sinh. Chúng tôi có thể dùng những video, những bản nhạc và những câu chuyện Kinh Thánh trực tuyến để cho các em xem. Những tài liệu sáng tạo này giúp rất nhiều trong việc thu hút sự chú ý của học sinh. Là các giáo lý viên, chúng tôi hiểu rằng học sinh khó có thể tập trung hơn khi tham gia lớp học trực tuyến nếu so sánh với lớp học truyền thống. Hầu như các giáo lý viên gặp phải khó khăn khi phải duy trì sự chăm chú của học sinh trong suốt giờ học. Thêm vào đó, họ không thể biết được các em có đang thực sự tham gia vào lớp học trực tuyến, hay chúng đang vào một trang web khác trong khi lên lớp. Tôi thường kiểm tra sự chú ý của học sinh bằng cách nhờ các em đọc hoặc trả lời các câu hỏi mà tôi đặt ra trong giờ học. Đây là một trong những lý do tại sao chúng tôi cần có sự đồng hành của các bậc phụ huynh trong chương trình học trực tuyến, để giúp học sinh giữ sự tập trung trong các giờ học.

Cho dù học sinh không trực tiếp phản hồi ý kiến với chúng tôi về việc học trực tuyến, nhưng chúng tôi có thể cảm nhận được sự thất vọng nơi các em khi chúng tôi bỏ qua một số hoạt động mà các em không thể tham gia trực tiếp như trong lớp học truyền thống. Đây chính là lúc mà giáo lý viên cần thể hiện sự sáng tạo và tìm ra những sinh hoạt thích hợp để thay thế cho các em. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận được những phản hồi tích cực từ phía các phụ huynh, vì đây là lần đầu tiên họ được tham gia lớp học cùng với con cái của mình. Với việc sát cánh cùng chúng tôi cũng như sự hiện diện quý báu của họ, các bậc phụ huynh cũng gợi ý và đóng góp nhiều ý tưởng sáng tạo bổ ích cho lớp học. Sự hiện diện và hỗ trợ này của các bậc phụ huynh trong lớp học thực sự là món quà quý giá đối với các giáo lý viên. Chẳng hạn như các bậc cha mẹ đề xuất rằng họ sẽ giúp đỡ chúng tôi trong việc tạo điều kiện cho các sinh hoạt và trò chơi được diễn ra trực tiếp tại nhà. Các phụ huynh còn mời các thành viên khác trong gia đình, như ông bà, anh em và họ hàng cùng tham gia với các em. Điều này không chỉ làm cho các bài học ở nhà trở nên thú vị và sống động hơn đối với học sinh, mà còn tạo nên sự đoàn kết vững bền giữa các thành viên trong gia đình với nhau.

Các giáo lý viên đều có chung nhận định rằng từ xưa tới nay, đây là lần đầu tiên các bậc cha mẹ hiện diện tích cực trong việc truyền bá đức tin cho con cái họ như vậy. Đối với tôi, điều này quả là một hồng ân tuyệt vời của Thiên Chúa giữa cơn đại dịch. Với ơn đặc sủng của mình, các bậc cha mẹ luôn được mời gọi đóng góp vai trò tích cực của mình như là những chứng nhân đức tin sống động cho con cái bằng nhiều cách thế khác nhau.

 

Thầy James Phillip M. Monserate, OHF (Philippines): Thời gian đầu khi mới chuyển qua hình thức dạy trực tuyến, tôi cảm thấy mình kiệt sức và rất mệt mỏi trước trải nghiệm mới mẻ lạ lẫm của việc giảng dạy và học tập trực tuyến. Đối với tôi, mọi thứ dần dần trở nên không còn hấp dẫn, thay vào đó là sự máy móc, vô cảm và trống rỗng. Sự phấn khởi, lòng nhiệt huyết, niềm vui vẻ và say mê nơi tôi dường như bị suy sụp hoàn toàn. Ánh sáng “cầu vồng” mà tôi ước ao được nhìn thấy dường như trở nên nhạt nhòa. 

Tuy nhiên, tôi đã suy đi nghĩ lại sau khi lắng nghe những chia sẻ về trải nghiệm của các sinh viên đang học tại nhà. Một số sinh viên cảm thấy thất vọng về các giáo sư của họ, trong khi đó, một số khác gặp phải những khó khăn trong việc kết nối internet. Theo như tôi được biết, một số sinh viên khác vẫn còn ham học, mặc dầu họ đang phải trải qua thời gian cách ly hoặc bị phong tỏa. Tôi nhận ra rằng cuộc sống của các sinh viên vẫn còn có sự hiện diện của tôi, thế nên, hai cụm từ “tôi” và “bạn” tạo nên đại từ “chúng ta”. Và môn học mà tôi đang đảm trách đúng ra phải mang lại cho họ niềm hy vọng mà họ mong đợi, vì môn học này nói về một Đấng siêu hình, thánh thiêng và quyền năng – đó chính là Thiên Chúa. Từ đó, tôi nhận ra trong tình thế này, tôi không chỉ là một giảng viên, một giáo sư hay một cố vấn cho sinh viên, mà còn là một người bạn đồng hành của họ trong dáng dấp của Chúa Giêsu – Người mà tôi đang chia sẻ trong lớp học thần học của mình.

 

3. Mục vụ xã hội trực tuyến

 

Đường lối mục vụ của Giáo hội luôn nhấn mạnh đến các hoạt động hướng tới người nghèo, bệnh nhân, những người tàn tật, những người bị gạt ra bên lề xã hội, những người bị áp bức và bị lãng quên. Mặc dù trong thời gian đại dịch, hệ thống quản trị mục vụ của Giáo hội bị hạn chế bởi việc đóng cửa nhà thờ và giãn cách xã hội xảy ra trên diện rộng, nhưng nhu cầu mục vụ vẫn luôn cần được đáp ứng. Bằng cách này hay cách khác, thực trạng của đại dịch đã khiến số lượng người cần được hỗ trợ ngày càng gia tăng do nhiều người gặp phải khó khăn trong vấn đề kinh tế, đời sống gia đình, cũng như đời sống tinh thần. Có thể khẳng định rằng, thực tế của đại dịch là cơ hội để Giáo hội thực hiện vai trò và sứ vụ quan trọng của mình trong tư cách là Nhiệm Thể của Chúa Kitô, đó là đưa Thiên Chúa đến với những người đang gánh chịu đau khổ, đang ở bờ vực của sự tuyệt vọng, buồn sầu và hồ nghi. Có lẽ không có thời điểm đáng ghi nhớ nào gần đây mà Giáo hội cần phải vượt lên nỗi sợ hãi, lo lắng, tủi thân và tự vệ, để đối mặt với những thử thách lớn lao, hầu dẫn dắt các tín hữu và an ủi con người trên khắp toàn cầu. Quả thực, đại dịch đã tạo ra một cuộc khủng hoảng cho Giáo hội. Thế nhưng, đại dịch cũng mở ra cơ hội giúp cho Giáo hội sống đúng với ơn gọi và sứ mạng đích thực của mình trong thế giới hôm nay.

Những đoạn trích trong loạt bài chia sẻ dưới đây của những người làm công tác mục vụ cho thấy rằng, họ không ngừng tìm tòi đường hướng để tiếp cận những người mà họ đã phục vụ trong thời gian đại dịch, mặc dù họ phải đối mặt với rất nhiều hạn chế. Bên cạnh những công tác mục vụ truyền thống, những nhu cầu mục vụ mới nảy sinh từ đại dịch cũng cần phải được quan tâm. Tất cả những kinh nghiệm này chứng tỏ CNTT-TT có một vai trò quan trọng trong nỗ lực hướng tới việc tiếp cận mọi người trong thời kỳ khủng hoảng. CNTT-TT không những giúp duy trì các sinh hoạt mục vụ mà còn trợ giúp triển khai các sáng kiến mới để đáp ứng những nhu cầu mà đại dịch tạo nên.

 

Linh mục Shiju Paul, SVD (Hoa Kỳ): Những thành viên và nhân viên của trung tâm HIV mà tôi phục vụ đã đề nghị tôi tiếp tục hướng dẫn họ cách thiền, để giúp họ đối mặt với thời kỳ khó khăn và những thăng trầm do đại dịch. Trước những ngày cuối tháng 3 năm 2020, các buổi thiền vẫn diễn ra trực tiếp tại trung tâm. Tuy nhiên, sau đó không lâu, tôi phải chuyển việc hướng dẫn các buổi thiền qua hình thức trực tuyến trên ứng dụng Zoom. Tôi chủ yếu giúp họ thực hành các buổi thiền hướng vào nội tâm sâu thẳm và lòng thương xót đối với người khác. Các buổi thiền giúp chúng ta cảm nhận được sự liên đới sâu sắc với vũ trụ, với người khác và với chính mình bằng tình yêu thương, nhằm giúp chúng ta nhận thức được ý nghĩa tròn đầy về bản tính con người. Tôi gọi đây là trạng thái nhận thức trọn vẹn như việc chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của Đức Kitô trong thời điểm hiện tại qua sự kết nối và tình hiệp thông. Thực hành thiền bao gồm nhiều phương pháp và cách thức khác nhau nhằm giúp cá nhân trải qua quá trình thay đổi cuộc sống, trong lúc đang phải đối mặt với những điều không chắc chắn xảy ra. Nó bao gồm việc nhìn lại bản thân, quá trình thiền, chia sẻ cá nhân, và nếu cần thiết thì sử dụng các nghi thức. Phương pháp thiền sử dụng toàn bộ các kỹ thuật như hít thở sâu, cảm nhận từng bộ phận của cơ thể, chú ý đến các trung tâm năng lượng, tập trung vào việc thư giãn, và lặp đi lặp lại câu chú, v.v… để nhận thức và tích hợp những suy nghĩ, cảm xúc, cảm nhận và hành vi liên quan tới đại dịch. Trong thời gian đại dịch, vòng xoáy suy nghĩ của sự sợ hãi, tức giận và buồn phiền lặp đi lặp lại liên tục, tạo ra cảm xúc lo lắng và căng thẳng trong tâm hồn con người. Tôi tạo lập chương trình này như một phương thế cầu nguyện nhằm giúp những người dễ bị tổn thương và những ai đang phải đối mặt với vòng xoáy cảm xúc. Cách cầu nguyện trên giúp họ có khả năng thích ứng với những cảnh huống khó khăn đang thay đổi do đại dịch, thay vì phản ứng bằng thái độ sợ hãi như trước đây.

 

Giáo lý viên Joseph Richard Quane (Hoa Kỳ): Trong thời gian đại dịch, chương trình giáo lý cho người bị khuyết tật của Giáo phận Chicago phải tạm ngưng sinh hoạt cách trực tiếp. Tuy nhiên, một số người khuyết tật sống chung với bố mẹ có thể tham gia vào các cuộc gặp gỡ trực tuyến mà chúng tôi tổ chức. Chúng tôi tổ chức sinh hoạt giao lưu trực tuyến khoảng 4-6 tuần một lần, để những người bạn khuyết tật có thể gặp gỡ và trò chuyện với chúng tôi. Mỗi cuộc gặp gỡ có một chủ đề khác nhau. Ví dụ, chúng tôi tổ chức ăn kem với nhau vào mùa hè. Tất cả các giáo lý viên và các bạn khuyết tật gặp nhau trực tuyến, ăn kem với nhau, và bàn tán về mùa hè khá kỳ lạ mà mọi người đang trải qua. Chúng tôi chia sẻ về những hương vị kem mà mình yêu thích, và hát cho nhau nghe những bài quen thuộc. Những chương trình giao lưu trực tuyến đơn thuần chỉ là thời gian để gặp gỡ, hiện diện và hàn huyên với nhau trên không gian mạng. Trong khi một số người bạn khuyết tật có thể tham gia cuộc gặp gỡ vào khoảng 45 phút, thì vài người lại tỏ ra mất hứng thú chỉ sau vài phút. Mặc dầu các bạn ấy không tham gia được lâu vì khả năng tập trung bị hạn chế, nhưng tôi có thể thấy niềm hạnh phúc dâng trào trên nét mặt của họ, vì họ được nhìn thấy những người bạn khác trong nhóm và nghe được giọng nói của nhau.

Nhiều người bạn này của chúng tôi gặp khó khăn bởi sự chi phối ngay tại nhà họ; một số khác cảm thấy khó tập trung vào màn hình trong thời gian dài, và một số khác dường như đang khổ sở với bệnh “mệt mỏi vì Zoom”. Trong một lần gặp gỡ trực tuyến, một người bạn nữ khuyết tật dường như không muốn tham gia trên Zoom, cho đến khi cô thoáng thấy một số thành viên của nhóm. Vào đầu buổi họp, cô cố tình đẩy chiếc máy tính bảng ra xa khi người mẹ đang động viên cô chào hỏi mọi người trong nhóm. Trong khi người mẹ đang nói chuyện với nhóm, nét mặt của cô bỗng nhiên trở nên vui hẳn lên khi cô bất chợt nhìn thấy một số gương mặt thân quen của nhóm trên màn hình. Cô bạn này nhanh chóng cầm lấy máy tính bảng và bắt đầu vẫy tay chào tất cả các thành viên. Trong 10 phút tiếp theo, người bạn trẻ nhìn chằm chằm vào máy tính bảng với một nụ cười nở tươi trên môi. Tôi tin rằng cô bạn ấy đã cảm nhận được sự kết nối đặc biệt đối với nhóm, và cảm thấy mình là một phần của cuộc giao lưu trực tuyến đó.

 

Chị Maria Phan Thị Thùy Tiên (Thái Lan): Trong làn sóng dịch bùng phát lần thứ 3 tại Thái Lan, bởi vì người lao động di dân Việt Nam lâm vào tình trạng ngày càng sợ hãi và lo lắng, nên họ cần được cập nhật thông tin thường xuyên có liên quan đến đại dịch. Từ đó, những người này có thể nắm bắt được tình hình chung nhằm giảm bớt sự sợ hãi cũng như loại bỏ việc lan truyền những tin đồn thất thiệt và thông tin sai lệch. Ngoài ra, họ cũng cần những nơi tư vấn cơ bản khi họ muốn biết rõ về địa điểm xét nghiệm Covid-19 và chi phí điều trị đối với người nước ngoài. Đối với nhiều lao động di dân Việt Nam ở Thái Lan, việc nắm bắt tiếng Thái vẫn còn bị hạn chế, và họ không thể luôn luôn theo dõi và cập nhật tình hình dịch bệnh một cách chính xác. Họ thường phải phụ thuộc vào những tin tức được đăng tải bởi những cá nhân khác trong cộng đồng vốn có thể hiểu biết hơn về sự việc. Thật không may, những tin tức như thế được đăng lên Facebook không phải lúc nào cũng chính xác, và chúng có thể dẫn tới sự lo lắng và căng thẳng không cần thiết đối với người đọc. Cần lưu ý rằng, mặc dù nhiều lao động nhập cư Việt Nam tại Thái Lan có thể giao tiếp bằng tiếng Thái để làm việc, nhưng việc không thông thạo tiếng Thái khiến họ khó có thể nắm bắt chính xác và toàn diện về cuộc khủng hoảng đại dịch. 

Tại thời điểm này, một linh mục làm việc cho Ủy ban Mục vụ Di dân Việt Nam thuộc Hội đồng Giám mục Thái Lan đã nhờ tôi tạo ra “đường dây nóng” Facebook Covid-19, với mục đích là đăng tải những thông tin hữu ích liên quan đến đại dịch Covid-19 nhằm giúp đỡ cộng đồng di dân Việt Nam. Ngoài việc được ủy thác để tạo nên trang mạng này, tôi còn đảm nhiệm vị trí quản lý và trả lời những câu hỏi từ những người theo dõi. Khi được nhờ làm công việc này, tôi cảm thấy đây là một trách vụ khó khăn để gánh vác, và tôi cũng không chắc chắn là có nên nhận một công việc khá quan trọng như vậy. Mặc dù việc chuyển dịch những thông tin liên quan từ các phương tiện truyền thông Thái Lan qua tiếng Việt và đăng lên trang mạng không thực sự khó, nhưng việc trả lời các câu hỏi liên quan đến tất cả các vấn đề đến từ nhiều người khác nhau quả thực không dễ dàng. Tuy nhiên, cảm nhận được nhu cầu cấp bách của tình trạng hiện tại, tôi đã đồng ý đón nhận nhiệm vụ khó khăn này.

Sau khi lập ra trang mạng và đảm nhiệm vị trí quản lý trong vài tháng, tôi cảm thấy mình thành thạo hơn trong công việc. Tôi đã cố gắng lắng nghe các câu hỏi thuộc đủ loại vấn đề mà người theo dõi đặt ra cho tôi. Tôi đã học cách kiên nhẫn với những người đặt ra các câu hỏi dường như nằm ngoài khả năng và trách nhiệm của tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn cố gắng đưa ra những câu trả lời căn cứ vào vốn hiểu biết của mình.

 

Seour Shen Shuangying (Trung Quốc): Để hạn chế các vấn đề từ cuộc khủng hoảng đại dịch, chúng tôi đã lập nên nhóm trực tuyến mang tên “Đoàn kết yêu thương trong thời kỳ đặc biệt”, nhằm hỗ trợ các gia đình Công giáo. Chúng tôi tận dụng mọi nguồn lực sẵn có trong nhóm. Ví dụ, các giáo viên trong nhóm tình nguyện dành thời gian để giúp đỡ học sinh trong việc học hành. Đây là một sự hỗ trợ lớn lao đối với các bậc phụ huynh không có khả năng giúp con cái của họ hoàn thành các bài tập về nhà. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm cũng hợp tác để nghiên cứu những phương pháp giúp cải thiện mối quan hệ gia đình giữa vợ và chồng, giữa bố mẹ và con cái.v.v.. Chúng tôi đã thảo luận và đưa ra phương thức thực hành “Năm cách yêu thương”. Chính những cách này đã giúp các cặp vợ chồng thương yêu nhau sâu đậm hơn, và tìm thấy nhiều điểm tương đồng khi sống chung với nhau. Hơn nữa, họ cũng cố gắng học hỏi phải nên làm như thế nào để tạo ra bầu không khí yêu thương và lành mạnh cho con cái trong gia đình.

Quả thực, Giáo hội là một đại gia đình. Thật ngạc nhiên khi thấy những bạn trẻ Công giáo, đặc biệt là các chị em phụ nữ hoạt động tích cực trong các nhóm trực tuyến. Giáo hội thực sự trở nên giống như một đại gia đình hiệp nhất. Nơi đây, mọi người có thể trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cái với nhau, cùng suy niệm Lời Chúa với nhau, cùng phục vụ giáo xứ và cải thiện mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Mặc dầu đại dịch đã gây ra nhiều khó khăn, nhưng Giáo hội tại miền bắc Trung Quốc luôn tìm cách để đến với Chúa và tha nhân. Không có gì có thể ngăn cản chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau. Điều này đã mang lại cho chúng tôi một chiều hướng mới trong công tác mục vụ hiện tại của giáo xứ. Ngay cả tại những thời điểm khó khăn, công tác mục vụ của chúng tôi đã tiếp cận đến những người cần được giúp đỡ bằng mọi cách có thể. Trong Thiên Chúa, chúng ta sẽ luôn luôn tìm ra được lối đi cho mọi vấn đề.

 

Linh mục Đaminh Nguyễn Quốc Thuần (Nhật Bản): Theo Báo Japan Times số ra ngày 9 tháng 10, cho biết số vụ tự tử ở Nhật Bản trong tháng 8 đã gia tăng đột biến. Điều đáng lo ngại là trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em đang còn độ tuổi đi học. Đây có thể là hậu quả do những căng thẳng liên quan đến sức khỏe tâm thần từ đại dịch Covid-19 gây ra. Với con số trên13.000 người tự tử, trong khi tổng số ca tử vong do Covid-19 chưa đến 2.000 người đã làm cho chính phủ và các nhà xã hội học quan ngại trước tình trạng tự tử vì bế tắc trong cuộc sống do đại dịch gây ra.

Từ thực trạng trên, giáo xứ tôi cũng đã tổ chức đường dây lắng nghe chia sẻ, tư vấn tâm lý cho cha mẹ hay con cái với các thiện nguyện viên là giáo dân trong giáo xứ. Đồng thời, giáo xứ dùng trang web để truyền thông, không chỉ giới thiệu Chúa và Giáo hội, nhưng còn là nơi nâng đỡ tinh thần cho mọi người trong Giáo xứ và những ai cần đến. Mặc dù bị hạn chế về nhân sự cũng như tài chính, nhưng giáo xứ đã cố gắng thực hiện các hoạt động nhằm giảm bớt nỗi khó khăn và đau khổ của một số anh chị em. Đồng thời, những công việc mục vụ này khẳng định bản chất và sứ vụ của Giáo hội là hướng tới tất cả mọi người. Đồng thời những hoạt động trên cũng thể hiện bản chất và sứ mạng của Giáo hội.

Hướng đến hoạt động mục vụ trong tương lai, tôi cảm nghĩ, người làm mục vụ sẽ phải vất vả hơn với những hoạt động không chỉ trong phạm vi giáo xứ mà còn phải mở rộng ra với những hoạt động bác ái xã hội bên ngoài. Bên cạnh đó là nỗ lực không chỉ cho những hoạt động thực tế trong giáo xứ mà còn nên quan tâm đến những hoạt động ảo trên mạng xã hội. Bởi lẽ, trong Kinh Thánh, Thiên Chúa được mô tả luôn là một Thiên Chúa thích gặp gỡ và đối thoại với con người. Ngay cả trở thành “LỜI” (Ga 1,14) như và cho con người. Không những thế, Ngài còn dùng mọi phương cách để ngỏ với con người. Giáo hội cũng học theo cách thế này để đến gần, chia sẻ và đồng hành với con người.

Bằng những công cụ hiện thể vật lý hữu hình như máy tính, Iphone, Ipad, Ipod…; các ứng dụng Facebook, Twitter, Instagram, Zalo, Viber … Giáo hội không những đã cố gắng chuyển tải những sứ điệp vô hình về Thiên Chúa và về chính mình, nhưng còn đồng hành, lắng nghe và gặp gỡ mọi người. Nhất là giữa cơn đại dịch, khi con người dường như cô đơn vì bị cô lập, thì các phương tiện truyền thông là lối thoát duy nhất để con người gặp nhau an toàn, và thế giới giao dịch với nhau nhanh nhất, giảm thiểu được mọi rủi ro và nguy cơ lây nhiễm dịch.

Bên cạnh đó, khi các vị mục tử sử dụng các phương tiện công nghệ thời đại, họ không chỉ để mình khỏi bị biệt lập, tách rời với thế giới, nhưng họ sẽ còn bắt nhịp hơn với thời đại; không để mình bị trở thành “người mù thời đại” khi không biết các phương tiện truyền thông. Tích cực hơn, các mục tử dùng các phương tiện truyền thông để hiện diện trên thế “giới ảo”, “mạng xã hội” hầu biến “ảo” thành “thật”, “giả tạo” thành “chân lý”… nhất là làm cho môi trường thông tin ngập rác với những fake news thành diễn đàn ý nghĩa, giá trị với các “GOOD NEWS”. Sâu xa là các mục tử làm giảm bớt “cái khổ” trong thân phận người.

 

 

Những vấn đề cần lưu tâm

 

Những trải nghiệm thực tiễn được trình bày trong bài viết này chứng tỏ rằng vai trò của CNTT-TT trong thời đại dịch vô cùng quan trọng. Từ những kinh nghiệm trong công tác mục vụ nói chung, và việc sử dụng CNTT-TT trong công tác mục vụ thời đại dịch nói riêng, chúng ta có thể nêu lên một số điểm nổi bật như sau:

 

1. Thừa tác viên mục vụ ở mọi cấp bậc đều là những “lao động thiết yếu” (essential workers) của Giáo hội. Trong thời gian đại dịch diễn ra, chính quyền ở các quốc gia đã đưa ra các biện pháp như hạn chế người dân đi lại, đóng cửa một số cơ sở kinh doanh. Chỉ những nơi được cho là “thiết yếu” mới được tiếp tục hoạt động. Đối với những ngành nghề khác được cho là không thiết yếu, như thợ làm đẹp, nhân viên mát-xa, nhân viên phục vụ quán bar… đều buộc phải nghỉ việc vì công việc của họ không được đánh giá là thiết yếu.

Khác với nhận định của xã hội, Giáo hội dùng những phương cách phân loại riêng của mình. Đại dịch Covid-19 là một biến cố làm nảy sinh các thách đố mục vụ vốn cần đến sự cộng tác và hỗ trợ của mọi thừa tác viên bao gồm hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và giáo dân. Tất cả mọi người đều thực hiện vai trò của mình để góp phần tiếp tục sứ mạng của Giáo hội và đáp ứng những nhu cầu mục vụ mới do thảm họa toàn cầu gây nên. Những kinh nghiệm được kể trên chứng minh và tái khẳng định Giáo huấn của Giáo hội rằng, trong mọi hoàn cảnh, tất cả các thành phần của Giáo hội đều phải tiếp tục đảm nhận vai trò của mình trong Giáo hội, để duy trì đời sống Hội Thánh cũng như xây dựng tinh thần hiệp nhất trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Thế nên, tất cả đều là “lao động thiết yếu” tùy theo khả năng riêng và trọng trách khác nhau mà họ được giao phó trong Giáo hội. Và cuối cùng, mỗi người cần nhận ra vai trò của mình trong đời sống Giáo hội, nhất là trong khi phải đối mặt với những hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Các linh mục phải làm quen với việc giảng thuyết trước ống kính và những bàn quỳ trống không, để đưa tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đến các tín hữu đang bị tản mác vì đại dịch. Giáo lý viên phải giảng dạy trực tuyến để việc giáo dục đức tin cho giới trẻ không bị gián đoạn. Giáo dân trở thành các tình nguyện viên cho các đường dây nóng và trang mạng, nhằm cung cấp các thông tin cần thiết cho những người cần được giúp đỡ. Thực ra, việc thực hiện vai trò thừa tác viên của các công việc mục vụ quan trọng trong Giáo hội chưa bao giờ dừng lại. Họ chỉ là tiếp tục trách nhiệm trước đây theo các hình thức khác nhau, hầu mưu cầu lợi ích cho Nhiệm Thể Chúa Kitô và phần rỗi các linh hồn vốn đang bị đè bẹp dưới sức nặng khổng lồ của đại dịch toàn cầu. John Uhal đã phản ánh về những nỗ lực của cá nhân và cộng đoàn trong bài viết của anh: “Tôi ghi nhận những đóng góp tận tâm và sáng tạo của tất cả mọi người, bao gồm các mục tử và giáo dân. Họ đã sẵn sàng hành động và đối mặt với những sự thay đổi này.”

Anh Võ Công Dũng, một giáo dân tại Việt Nam khẳng định: “Tôi tin rằng, tôi được mời gọi trở thành khí cụ của lòng Chúa thương xót qua những hành động nhỏ mà tôi có thể làm để xoa dịu những nỗi đau và sự thống khổ của tha nhân.” Quả thật, điều đáng lưu ý trong những bài chia sẻ đó là không ai đưa ra những lý giải thần học đơn giản và rẻ tiền về những nguyên nhân gây ra đại dịch. Họ không cho rằng đại dịch xảy ra là do ý Chúa muốn, hay đó là sự trừng phạt của Chúa đối với nhân loại. Hơn nữa, họ cũng không khuyên nhủ rằng mọi người nên cầu nguyện nhiều hơn, hay nên cầu nguyện đúng cách hơn sẽ làm cho Thiên Chúa kết thúc đại dịch. Thay vào đó, họ chỉ đơn giản tiếp tục con đường mục vụ mà họ đảm trách. Và khi thực trạng đại dịch khiến công việc mục vụ trực tiếp không thể tiếp diễn như trước đây, thì họ nỗ lực hoạt động qua trung gian CNTT-TT.

 

2. Không gian ảo trở thành thực. Chúng ta không thể phủ nhận một thực tế rằng, ở tất cả mọi nơi trên thế giới, các vị chủ chăn của Giáo hội và những người làm công tác mục vụ đã sử dụng không gian kỹ thuật số để kết nối với đàn chiên, dạy giáo lý, hỗ trợ tư vấn và ban phúc lành, v.v. Mặc dù các nhà thờ phải đóng cửa do các biện pháp cấm tụ họp đông người nghiêm ngặt, nhưng các mối tương quan vẫn được duy trì, đời sống thiêng liêng tiếp tục được nuôi dưỡng, và sự hiệp thông trong Giáo hội không bị mất đi. Nhờ không gian kỹ thuật số được tạo ra bởi mạng xã hội, công nghệ thông tin và các hình thức truyền thông khác, mà mọi người có thể cầu nguyện với nhau, chia sẻ kinh nghiệm sống và an ủi lẫn nhau.

Trên thực tế, cái bị cho là không gian “ảo” đã trở thành “thực”, bởi vì không gian đó đã tạo điều kiện cho con người nối kết và giao tiếp với nhau. Nó còn tác động cách cụ thể tới cảm xúc, tinh thần và đời sống xã hội của mỗi con người. Quả thật, không gian ảo trở thành thực bởi vì chúng đã trở thành một phần không thể thiếu của xã hội đương đại. Chúng cũng đã trở thành yếu tố vô cùng quan trọng trong đại dịch Covid-19 được thể hiện qua những kinh nghiệm của các vị chủ chăn và những người làm mục vụ trên thế giới nói chung, và trong bài viết này nói riêng. Việc phủ nhận hay không tán thành tính xác thực và tính “thực tế” của không gian mạng đồng nghĩa với việc phủ nhận giá trị và tính đích thực của những điều mà những người làm mục vụ đã nỗ lực thực hiện trong thời gian dịch bệnh diễn ra.

 

3. Sự sáng tạo nảy sinh từ khó khăn. Câu ngạn ngữ quen thuộc của người Việt Nam “Cái khó ló cái khôn” một lần nữa được tỏa sáng trong thời đại dịch. Do hậu quả của việc phong tỏa, các biện pháp giãn cách xã hội và vô số hạn chế khác đối với sinh hoạt thường ngày, những người làm công tác mục vụ phải sử dụng nhiều cách khác nhau để thực hiện công việc của họ. Nhưng họ không chỉ cậy dựa vào khả năng của bản thân. Cha James McTavish (Vương quốc Anh) cho rằng, các vị mục tử và thừa tác viên mục vụ đã cộng tác với Chúa Thánh Thần để có được những ý tưởng mục vụ sáng tạo trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn như đại dịch Covid-19.

Một số đã đưa ra các chương trình tiếp cận cộng đồng mới lạ nhằm đáp ứng các nhu cầu mục vụ cụ thể phát sinh từ đại dịch. Nhiều người phải học hỏi những kỹ năng mới và tìm nhiều cách để xoay sở trong các cảnh huống khác nhau. Theo lời chia sẻ của Cha Đinh Anh Minh, SVD, các lớp giáo lý trực tuyến trong thời đại dịch đã được các bậc cha mẹ hỗ trợ nhằm giúp con cái họ học hành hiệu quả hơn. Đối với Cha GB. Trịnh Đình Tuấn, SVD đang phục vụ tại Chilê, ngài phải “mạo hiểm” cử hành Thánh lễ trực tuyến bằng tiếng Tây Ban Nha, mặc dù ngài vẫn chưa thành thạo tiếng bản địa. Các sinh hoạt trực tuyến mới như thi đố vui Kinh Thánh, các chương trình dịch thuật Kinh Thánh, đố vui giáo lý, văn nghệ thánh ca online v.v… được tạo nên để tiếp cận những người bị cô lập tại nhà trong thời gian đại dịch đang hoành hành.

Các thừa tác viên mục vụ trong các bài viết này đều trực tiếp hoặc gián tiếp khẳng định quan điểm của Linh mục Shiju Paul rằng: “Đừng cố chấp chống lại những lời kêu gọi thức tỉnh và lời mời gọi thổi tinh thần sáng tạo mới vào làn gió của thời đại dịch.” Các thừa tác viên mục vụ trong Giáo hội cần phải thoát khỏi não trạng bảo thủ và các cách thức tiến hành lỗi thời trong công tác mục vụ, hầu đem Chúa đến cho mọi người một cách hiệu quả hơn. Đại dịch là một cuộc khủng khoảng, nhưng nó cũng tạo ra cơ hội cho việc khám phá ra những đướng hướng mục vụ mới. Nó khơi nguồn sự sáng tạo và lòng can đảm trong việc thử nghiệm các miền đất mới, các mô hình mục vụ mới, và sử dụng các phương tiện truyền thông mới. Với mức độ thành công khác nhau, các thừa tác viên mục vụ nói trên đã mạo hiểm tiếp cận lĩnh vực và các phương thức mục vụ mới. Vấn đề là không phải họ có thành công hay không, nhưng điều quan trọng, đó là họ đã sẵn sàng thử nghiệm.

 

4. Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta. Qua các sinh hoạt của Giáo hội hay qua những lời cầu nguyện và suy niệm cá nhân, đại dịch này đã chứng tỏ cho nhân loại thấy rằng Thiên Chúa không ngừng hiện diện với con người mà Ngài đã dựng nên. Ngài ẩn mình trong linh mục, người cử hành Thánh lễ trực tuyến cho các giáo dân tham dự an toàn từ nhà. Ngài nói qua các tình nguyện viên đang điều khiển các đường dây nóng để tư vấn mọi người trong những lúc trầm cảm, hoang mang, hoặc trong những người đang quản lý các trang mạng để cung cấp những thông tin đại dịch cần thiết cho các lao động di dân. Ngài ở giữa mọi người trong các buổi thiền trên ứng dụng Zoom để giúp họ tìm thấy Ngài giữa lúc nguy nan. Ngài cũng còn hiện diện qua nhiều cách khác nhau khi các mục tử và người làm công tác mục vụ nỗ lực nối kết với cộng đồng dân Chúa để duy trì tinh thần hiệp thông. Tất cả những điều trên chứng tỏ rằng Thiên Chúa không hề bỏ rơi con người bơ vơ giữa thế giới trong lúc họ đang phải chèo chống với cơn cuồng phong mang tên Covid-19.

Như Joseph Quane khẳng định trong bài viết của anh:

Trong những khoảnh khắc tôi nhìn thấy những người bạn thiểu năng trí tuệ và chậm phát triển gặp gỡ nhau và có những phản ứng tích cực trên Zoom, tôi cảm nhận rằng Thiên Chúa quả thực đang ở cùng chúng ta. Khi tôi thấy những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt và cảm nhận được sự phấn khích qua giọng nói của họ, tôi biết rằng tình bạn của chúng tôi vẫn còn bền vững, và nhờ chính tình bạn bền vững đó mà chúng tôi cũng có thể lớn mạnh lên trong mối tương quan với Thiên Chúa.

Ngoài ra, bởi vì chính Con Thiên Chúa đã sẵn sàng chịu đau khổ cho nhân loại, nên Ngài hiện diện trong những đau khổ của nhân loại và đồng hành với những đau khổ của tạo vật. Quả thực, Thiên Chúa chịu đau khổ với tất cả mọi loài thụ tạo, ngay cả với vi-rút corona mà nhân loại đang nỗ lực loại bỏ nó. Thiên Chúa đồng hành với mọi nỗi thống khổ của thụ tạo bằng cách hiện diện trong yêu thương khi con người cũng như các loài thụ tạo đang phải đối mặt với khổ đau. Tương tự như ý niệm trên, Hội nghị Giáo hội châu Phi khẳng định rằng:

Thần học phải nhìn nhận thực tế một cách nghiêm túc rằng ngay cả khi Covid-19 đang hoành hành, ngay cả khi nhiều người chết, và một số được chữa lành, thì sự hiện diện của Đấng Emmanuel là Thiên Chúa chắc chắn ở cùng chúng ta. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa tuôn đổ hồng ân giúp chúng ta có thể “uống chén đắng này” mà không đánh mất đức tin. Ngay cả trong cái chết, chúng ta được Ngài hứa ban cho sự phục sinh, bởi vì “khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng!” (1 Cr 15,54).[7] 

5. Cần xem xét sâu sắc hơn về các tác động thần học của các mô hình mục vụ được thực hiện trong thời đại dịch, để xây dựng đường hướng mục vụ của Giáo hội sau thời đại dịch. Mặc dù dịch bệnh hiện vẫn đang tiếp tục hoành hành ở nhiều nước với các làn sóng lây nhiễm mới, công tác mục vụ của Giáo hội vẫn tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên, việc những người làm công tác mục vụ phải sử dụng CNTT-TT như một phương tiện thiết yếu trong công tác mục vụ thời đại dịch cũng đặt ra những câu hỏi về tác động tâm linh và thần học của phương thức mục vụ này khi họ phải dựa quá nhiều vào CNTT-TT. Như các chuyên gia công nghệ nhận định, thói quen trực tuyến của mọi người đã được định hình trong thời gian đại dịch không thể dễ dàng bị mất đi, ngay cả sau khi đại dịch đã bị dập tắt. Một số người cho rằng thế giới sẽ không bao giờ trở lại giống thời trước đại dịch. Chúng ta sẽ chứng kiến những thay đổi mới trong tương lai, mặc dù bây giờ, chúng ta có thể chưa hình dung được nó sẽ trở nên như thế nào. Trước tình trạng CNTT-TT ngày càng xâm nhập vào đời sống con người và đóng vai trò quan trọng trong các công tác mục vụ của Giáo hội, một số câu hỏi sau đây được đặt ra để nghiên cứu và bàn thảo nhằm hiểu thấu đáo hơn về bối cảnh mới này:

 

·        Đâu là bản chất và giá trị của “sự hiện diện” của các vị chủ chăn trong Giáo hội trên không gian mạng, trong các buổi cử hành Phụng vụ hay các sinh hoạt khác như lớp học về Kinh Thánh hoặc buổi giảng thuyết về đời sống tâm linh?

·        Hơn bao giờ hết, khi sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số giúp nhân loại xích lại gần nhau hơn, thì các nhà lãnh đạo Giáo hội nên phản ứng thế nào trước việc ngày càng có thêm nhiều người yêu cầu các vị tiến hành một số công việc mục vụ qua hình thức trực tuyến? Ví dụ, một số người ngỏ lời yêu cầu được xưng tội qua những ứng dụng công nghệ như video chat, đặc biệt là những người sinh sống tại những nơi mà họ không thể tiếp cận được các linh mục.

·        Làm thế nào để có thể triển khai thực hiện đường hướng mục vụ qua trung gian CNTT-TT mà vẫn trung thành với cốt lõi thần học Nhập Thể vốn là nền tảng của thần học mục vụ Kitô giáo?

·        Với bản chất dường như vô hạn của công nghệ kỹ thuật số và nhiều cơ hội mục vụ trực tuyến và ngoại tuyến, làm thế nào để các thừa tác viên mục vụ có thể phân biệt được đâu là ranh giới giữa các hoạt động thích hợp vốn nằm trong phạm vi của công tác mục vụ, và đâu là điều vượt ra ngoài giới hạn mục vụ?

·        Đâu là tiêu chuẩn để đánh giá giữa sự sáng tạo trong công tác mục vụ và những sáng kiến không phù hợp cho công tác mục vụ trong kỷ nguyên kỹ thuật số?

·        Làm thế nào để có thể sử dụng CNTT-TT như một công cụ đắc lực trong việc xây dựng một Giáo hội mang tính đồng nghị[8] (synodal Church), trong đó mọi thành phần dân Chúa lắng nghe, học hỏi và cộng tác với nhau trong sứ vụ loan báo Tin Mừng?

·        Làm thế nào để CNTT-TT trở thành một công cụ hữu ích giúp các vị lãnh đạo Giáo hội và các mục tử lắng nghe các suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng của các thành phần trong Giáo hội, đặc biệt giới trẻ, để nhận ra cảm thức đức tin (sensus fidelium) của dân Chúa trong kỷ nguyên kỹ thuật số?

 

***

 

Khi đọc qua những dòng chia sẻ của những người làm mục vụ ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta thấy rằng, quả thực, trong thời gian đại dịch, nhiều người đã nỗ lực hết mình để duy trì đời sống Giáo hội trong mọi lĩnh vực. CNTT-TT đóng vai trò quan trọng đối với những nỗ lực này. Tuy nhiên, nếu chúng ta hướng tới Giáo hội sau thời đại dịch, thì điều quan trọng là phải xem xét cách CNTT-TT đã được áp dụng như thế nào trong công tác mục vụ, đặt ra những câu hỏi liên quan về cách thức CNTT-TT nên được sử dụng, bàn thảo và đề xuất những đường hướng thích hợp đối với việc kết hợp sử dụng CNTT-TT trong công tác mục vụ của Giáo hội ở tất cả lĩnh vực và cấp bậc trong tương lai.

CNTT-TT là một phát minh có giá trị của nhân loại, là một công cụ và là một món quà của Thiên Chúa ban tặng cho con người, nhưng nó cần phải được sử dụng đúng cách để phục vụ cho sứ mệnh yêu thương và hiệp nhất của Giáo hội. Sau khi nhân loại đã trải qua một thời gian đại dịch, Giáo hội đã tiến hành nhiều thử nghiệm trong việc sử dụng CNTT-TT trong công tác mục vụ. Thế nên, điều cần phải làm tiếp theo đó là đầu tư thời gian, công sức và chất xám dưới ánh sáng Tin Mừng và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để suy tư, phân định và đánh giá về những phương thức mục vụ trong thời đại dịch. Bên cạnh đó, chúng ta cần hướng đến việc tìm ra phương án áp dụng CNTT-TT vào chương trình mục vụ của Hội Thánh một cách đúng đắn và hợp lý cho thời kỳ hậu đại dịch.  


[1] Carol Glatz, “Covid-19 claims lives of over 200 priests in Italy since start of pandemic,” Catholic Philly (07/01/2021), https://catholicphilly.com/2021/01/news/world-news/COVID-19-claims-lives-of-over-200-priests-in-italy-since-start-of-pandemic/.

[2] Luis Andres Henao và Jessie Wardarski, “Covid-19 takes toll on Catholic clergy in hard-hit countries,” AP News (16/07/2021), https://apnews.com/article/europe-health-religion-coronavirus-pandemic-7a1c85ae32750c4a255312360fbf6cf3.

[3] Anthony Le Duc và John Mi Shen, Pastoral Creativity amid the COVID-19 Pandemic: Global Experiences (Manila, Logos Publications, Inc: 2021).

[4] X. https://www.youtube.com/channel/UC4yPADjIgJdGcHtY4nBWeEQ

[5]Digital immigrants” là thuật ngữ chỉ những người không sinh ra trong thời kỳ công nghệ kỹ thuật số đã được phổ biến rộng rãi.

[6] Joseph Wilkinson, “Singapore professor lectures for 2 hours on mute, only realizes at end of class,” New York Daily News (09/02/2021), https://www.nydailynews.com/news/world/ny-singapore-professor-mute-lesson-20210210-pm24owto3rh5xho52fwa575zi4-story.html.

[7] Global Ministries, “Ten Theological Theses on COVID-19 in Africa - All Africa Conference of Churches,” https://www.globalministries.org/ten_theological_theses_on_covid_19_in_africa/.

[8] Hội đồng Giám Mục Việt Nam sử dụng từ “hiệp hành”, dịch từ từ tiếng Ý “sinodale”, chỉ một Giáo hội “đi cùng nhau”. X. Vatican News (26/10/2019), https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2020-03/cong-bo-chu-de-thuong-hdgm-lan-xvi-2022.html; x. Trần Huỳnh Tâm Anh, “‘Synodality’- một thuật ngữ, một hành trình,” Youth Magazine, https://ymagazine.net/vn/bai-viet/synodality-mot-thuat-ngu-mot-hanh-trinh. Tuy nhiên, từ “synodal” còn có những cách dịch khác, ví dụ “tính liên hiệp” (Tông huấn Christus Vivit, số 206, bản dịch của LM Lê Công Đức, PSS).  

church-kts-1706226649.jpeg

Chương 1: Bối cảnh xã hội và mục vụ

Chương 2: Thần học và mục vụ truyền thông

Chương 3: Ứng phó mục vụ

Chương 4: Hướng đến thần học mạng

Chương 5: Đối thoại liên tôn

Chương 6: Giao thoa văn hóa

Chương 7: Xây dựng tình hiệp thông qua trung gian mạng

Chương 8: Lãnh đạo tôn giáo với truyền thông mạng xã hội

Chương 9: Mục vụ và CNTT-TT trong và sau thời đại dịch

Chương 10: Mạng xã hội với mục vụ di dân

Chương 11: Tôn giáo với tương lai kỹ thuật số


Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ