Skip to content
Top banner

LÃNH ĐẠO TÔN GIÁO VỚI TRUYỀN THÔNG MẠNG XÃ HỘI

COMMUNICATION-THEOLOGY
2024-03-03 16:05 UTC+7 283

SỨ VỤ CỦA GIÁO HỘI Trong Kỷ Nguyên Kỹ Thuật Số

Mission of the Church in the Digital Age

LM Anthony Lê Đức, SVD

 

LÃNH ĐẠO TÔN GIÁO VỚI TRUYỀN THÔNG MẠNG XÃ HỘI

Các nhà lãnh đạo tôn giáo và truyền thông xã hội kỹ thuật số

Nhu cầu phát sinh từ đại dịch

Tiếng nói đáng tin cậy

1. Truyền thông bằng sự hiện diện mang tính cá nhân

2. Truyền thông giáo huấn

3. Truyền thông qua các nghi lễ tôn giáo

4. Truyền tải thông tin

5. Truyền đạt những hành động chuẩn mực

Đánh giá sự hiệu quả

 

Trong thời điểm ảm đạm của đại dịch tại Ý dưới lệnh phong tỏa toàn quốc, vào 6 giờ tối ngày 27/3/2020 giờ Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô để Chầu Thánh Thể cầu nguyện đặc biệt cho thế giới trước đại dịch ngày càng leo thang. Sau giờ Chầu Thánh Thể, Đức Thánh Cha đã ban phép lành Mình Thánh Urbi et Orbi cho các tín hữu đang tham dự nghi thức qua các phương tiện truyền thông khác nhau. Quảng trường Thánh Phêrô là nơi bình thường có hàng nghìn người tới tham quan mỗi ngày cũng như tham dự những nghi thức do Đức Thánh Cha chủ sự. Nhưng tối hôm đó, trong khuôn viên quảng trường hoàn toàn trống vắng; cơn mưa nhẹ kéo dài suốt thời gian diễn ra nghi thức càng làm cho khung cảnh càng hiu quạnh và buồn sầu hơn.

Tuy nhiên, giữa sự thê lương đó, Đức Thánh Cha đã chia sẻ một thông điệp để hướng mọi người đến niềm hy vọng và sự tín thác vào Chúa cách mãnh liệt hơn. Ngài nói: “Giữa bão tố của chúng ta, Chúa mời gọi chúng ta hãy đánh thức và khởi động tình liên đới và hy vọng, có khả năng mang lại sự vững chắc, nâng đỡ và mang lại ý nghĩa cho những lúc này, trong đó tất cả dường như bị chìm.” Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở các tín hữu về sức mạnh cứu độ của Thập giá:

Chúng ta có một cái neo; trong thập giá của Chúa chúng ta được cứu độ. Chúng ta có một hoa tiêu: trong thập giá của Ngài chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một niềm hy vọng: trong thập giá của Chúa, chúng ta được chữa lành và ấp ủ vì không có gì và không một ai có thể tách biệt chúng ta ra khỏi tình thương cứu độ của Chúa. Giữa tình trạng cách ly, trong đó chúng ta đang thiếu thốn tình cảm quý mến và những cuộc gặp gỡ, chịu đựng bao nhiêu thiếu thốn, một lần nữa chúng ta nghe lời loan báo cứu độ: Chúa đã sống lại và Ngài sống cạnh chúng ta. Chúa kêu gọi chúng ta, từ trên thập giá của Ngài, hãy tìm lại cuộc sống đang chờ đợi chúng ta, và hãy nhìn đến những người đang kêu chúng ta, hãy củng cố, nhìn nhận và khởi động ơn thánh đang ở trong chúng ta. Đừng dập tắt tim đèn còn ngún khói (Xc Is 42,3), không bao giờ yếu liệt và hãy để cho niềm hy vọng được bùng lên.[1]

Những lời nói và hành động của Đức Giáo Hoàng Phanxicô giữa cơn đại dịch cho thấy rằng, sự lãnh đạo tốt là điều rất cần thiết trong tất cả các thời điểm của xã hội loài người, và càng không thể thiếu trong những thời kỳ khủng hoảng như thiên tai, chiến tranh và đại dịch. Tương lai của một quốc gia hay một tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào tài năng và sự nhạy bén của người lãnh đạo. Một cuộc khủng hoảng trầm trọng có thể nâng cao hoặc làm sụp đổ vị thế của vị lãnh đạo đương nhiệm.

Đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các nhà lãnh đạo thuộc mọi lĩnh vực trên toàn thế giới. Các nhà lãnh đạo phải chứng minh khả năng của mình khi đối diện với một trong những trận đại dịch có sức tàn phá và lan rộng khủng khiếp nhất trong suốt 100 năm qua. Người ta có thể thấy rằng nhiều nhà lãnh đạo đã không thể vượt qua được thách đố này bởi họ còn thiếu sự khôn ngoan, nguồn lực hoặc các kỹ năng lãnh đạo cần thiết để đáp ứng với những bài toán khó mà đại dịch đặt ra. Sự kém thực lực của họ gây ra những thiệt hại to lớn đối với người dân cũng như quốc gia mà họ lãnh đạo. Những mất mát đó có cả thiệt hại về mạng sống con người lẫn nền kinh tế của đất nước.

Giống như nhiều vấn đề khác đã và đang xảy ra trên thế giới ngày nay, đại dịch Covid-19 đã chứng tỏ được bản chất cốt lõi của xã hội loài người là liên kết chặt chẽ và hoàn toàn phụ thuộc lẫn nhau. Những biện pháp đóng cửa biên giới, hay phong tỏa các tỉnh thành cũng chỉ là những phương cách mang tính đối phó tạm thời. Nó không thể ngăn chặn vi-rút corona xâm nhập vào xã hội cách triệt để, đồng thời cũng không thể kéo dài hết năm này qua năm khác. Nước Úc là một điển hình. Mặc dù chính phủ Úc đã rất cố gắng với nhiều biện pháp nghiêm khắc để ngăn cản vi-rút corona lây lan trong cộng đồng, nhưng khi biến chủng Omicron xuất hiện thì dường như bao nhiêu nỗ lực trước đây cũng không đủ để ngăn chặn nó được nữa.

Tình trạng phong tỏa hoặc đóng cửa các cơ sở kéo dài sẽ khiến người dân không chết vì dịch bệnh thì cũng chết vì nghèo đói do nền kinh tế suy sụp. Mặc dù mức độ tổn thất mà đại dịch đã gây ra cho con người còn tùy thuộc vào tuổi tác và địa vị kinh tế - xã hội, nhưng nhìn chung, tất cả đều là nạn nhân của nó, cho dù người đó thuộc bất kỳ sắc tộc, giới tính, địa vị xã hội hoặc tôn giáo nào.

Khi mà cả thế giới phải nỗ lực để vượt qua cơn đại dịch, thì bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng cách duy nhất để có thể giải quyết thành công cuộc khủng hoảng chính là bằng phương cách phối hợp liên ngành đối với tất cả các lĩnh vực như xã hội - chính trị, khoa học, sức khỏe cộng đồng, tôn giáo, kinh tế, v.v… Đối với những người bám chặt vào hệ tư tưởng cố hữu, luôn khăng khăng muốn loại trừ hơn là hợp tác, thích chủ nghĩa bè phái thay vì cộng tác, thì chỉ có thể làm xáo trộn tiến trình phát triển mà các cá nhân và cộng đồng đã không ngừng nỗ lực để đạt được cho xã hội và thế giới.

 Riêng các nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới nói chung, cách riêng các vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo, bối cảnh cấp thiết của đại dịch Covid-19 đòi hỏi họ phải cộng tác với nhau trong việc đáp lại dấu chỉ thời đại bằng cách thực hiện vai trò của mình trong cuộc chiến chống lại cơn đại dịch. Dĩ nhiên các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể làm được nhiều điều khác nhau trong vị trí của mỗi người và mỗi cấp bậc. Ở đây, chúng ta sẽ tìm hiểu một lĩnh vực duy nhất, đó là việc họ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội như thế nào trong thời kỳ đại dịch. Cụ thể, chúng ta sẽ xem xét cách các lãnh đạo tôn giáo dùng mạng xã hội để truyền đạt những thông điệp tâm linh, các thông tin khoa học và động viên tinh thần để tạo ra những ảnh hưởng tốt trong suy nghĩ và hành vi ứng xử của các tín đồ trong cộng đồng.

Tuy nhiên, các ví dụ được trích dẫn ở đây thực ra chỉ giới hạn trong việc nêu lên một số nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng trong các truyền thống tôn giáo lớn, vì chúng ta không thể nào điều tra hết những thông tin về các nhà lãnh đạo tôn giáo từ mọi truyền thống, ngôn ngữ và văn hóa. Tuy vậy, những ví dụ được trình bày trong chương này vẫn có thể chỉ ra được thông điệp mà hầu hết các nhà lãnh đạo tôn giáo lớn trên thế giới đã và đang cố gắng truyền đạt cho các tín đồ của họ.

 

Các nhà lãnh đạo tôn giáo và truyền thông xã hội kỹ thuật số

 

Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, rất nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo đã quen thuộc với các phương tiện truyền thông mạng xã hội. Chẳng hạn, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu tham gia vào Twitter từ tháng 2 năm 2010. Chỉ trong hai ngày đầu, tài khoản của ngài đã thu hút được 55.000 người theo dõi.[2] Các dòng tweet của ngài luôn ngắn gọn, súc tích nhưng không kém sự sâu sắc, và thường hướng vào việc thúc đẩy các giá trị nhân văn và tinh thần vượt qua ranh giới của các nền văn hóa cũng như tôn giáo. Vì thế, các thông điệp được đón nhận trên khắp thế giới và được nhiều người theo dõi tweet lại (retweet). Một trong những dòng tweet được chia sẻ nhiều nhất của Đức Đạt Lai Lạt Ma đăng vào ngày 6 tháng 1 năm 2020 nhắc nhở mọi người rằng:

Đã là con người, tất cả 7 tỷ người trong chúng ta đều được sinh ra và chết đi theo cùng một cách. Chúng ta đều giống nhau về mặt thể chất, tinh thần cũng như tình cảm. Tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc và tránh những rắc rối. Thế nhưng, chúng ta thường coi nhẹ tầm quan trọng của tình yêu và tình cảm trong nền văn hóa duy vật chất.[3]

Cũng giống như phần lớn các dòng tweet khác của ngài, dòng tweet này không nhắm đến một tôn giáo hoặc dân tộc cụ thể nào, mà chỉ hướng đến các vấn đề, mối quan tâm và các nguyện vọng chung của con người. Thế nên, ý tưởng chứa đựng trong những dòng chữ ngắn ngủi dễ dàng chạm đến trái tim của các độc giả trên toàn thế giới. Chiến lược thu hút mọi người thuộc tất cả các tôn giáo (và phi tôn giáo) cũng như văn hóa của Đức Đạt Lai Lạt Ma rất hữu ích cho việc thúc đẩy sự giao thoa giữa các nền văn hóa và hệ tư tưởng khác nhau. Các dòng tweet của ngài truyền cảm hứng cho nhiều người, và giúp mọi người liên kết với nhau trong tư cách là con người với các điểm tương đồng sâu sắc, vượt xa những khác biệt bên ngoài.

Tương tự như Đức Đạt Lai Lạt Ma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hoạt động tích cực trên Twitter kể từ những ngày đầu tiên trên ngôi vị giáo hoàng. Vào tháng 3 năm 2013, ngài bắt đầu tweet thường xuyên bằng cách sử dụng một tài khoản có tên @Pontifex. Ba năm sau, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho ra mắt tài khoản Instagram cá nhân của mình. Ngay từ khi công bố tài khoản, nó đã phá vỡ kỷ lục của Instagram tại thời điểm đó khi tích lũy được một triệu lượt người theo dõi chỉ trong 12 giờ đầu tiên.[4] Kỷ lục trước đó được cầu thủ bóng đá người Anh David Beckham nắm giữ, nhưng để đạt được mốc một triệu người, anh đã cần gấp đôi thời gian so với Đức Thánh Cha. Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiện tại đã có một vị trí ổn định trên nhiều nền tảng truyền thông xã hội bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Trên các nền tảng truyền thông mạng xã hội cũng có rất nhiều lãnh đạo Hồi Giáo, trong đó có không ít người là các học giả nổi tiếng, có nhiều uy tín. Chẳng hạn, vị giáo sĩ Hồi giáo Ismail Menk ở Zimbabwe là người được xếp vào danh sách những nhà lãnh đạo Hồi Giáo sở hữu một lượng khá lớn người theo dõi trên các trang truyền thông mạng xã hội. Ngài có gần 6,5 triệu người theo dõi trên Twitter, 4 triệu trên Facebook, 2,5 triệu trên Instagram và 1,2 triệu người đăng ký trên kênh YouTube. Mức độ phủ sóng mạnh mẽ trên các mạng xã hội của vị giáo sĩ này minh chứng rằng những việc ngài làm đã được thế giới công nhận, đặc biệt các loạt bài giảng của ngài luôn có sẵn trên kênh YouTube. Trên kênh YouTube của mình, giáo sĩ Ismail Menk đăng nhiều video ngắn có nội dung đề cập đến các vấn đề mà xã hội ngày nay đang phải đối mặt. Ngài bàn luận về những khía cạnh tiêu cực của các nền tảng mạng xã hội như TikTok, việc đăng hình khiêu dâm của người khác để bôi nhọ và trả thù. Dĩ nhiên, ngài cũng đăng các video bàn về những vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19.

Có thể nói Đức Đạt Lai Lạt Ma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Giáo sĩ Ismail Menk thuộc nhóm các nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng nhất đã xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội thịnh hành. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo khác có ảnh hưởng trên mạng xã hội với những mức độ lan tỏa khác nhau. Trong đó, có một số nhà lãnh đạo chỉ chủ trương nói chuyện với các tín đồ của mình, nhưng cũng có nhiều người muốn chia sẻ và gửi các thông điệp đến các nhóm tôn giáo khác. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến nhiều người chỉ thích âm thầm hiện diện trên một hoặc hai nền tảng mạng xã hội. Họ sử dụng công nghệ này không phải như một phương tiện để truyền giáo hoặc quảng bá các giáo huấn, nhưng là để chia sẻ những bức hình cho gia đình và bạn bè, hoặc đơn giản chỉ để giữ liên lạc với người thân cận. Phải thừa nhận rằng thái độ của các nhà lãnh đạo tôn giáo đối với các phương tiện truyền thông mạng xã hội không đồng nhất. Có người tham gia một cách nhiệt tình vì họ cảm nghiệm được tiềm năng truyền giáo tiềm ẩn của công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT). Tuy nhiên, cũng có các nhà lãnh đạo tôn giáo lo sợ rằng CNTT-TT có thể làm cho họ mất đi đời sống riêng tư hoặc nhận được sự chú ý quá mức từ cộng đồng.

 

 

Nhu cầu phát sinh từ đại dịch

 

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một nhu cầu đặc biệt cấp bách buộc các nhà lãnh đạo tôn giáo trên toàn cầu phải sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông có sẵn để cộng tác vào nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng. Vào tháng 5 năm 2020, Liên hiệp quốc đã tổ chức một hội nghị cấp cao trực tuyến với chủ đề “Vai trò của các nhà lãnh đạo tôn giáo trong việc giải quyết vô vàn thách đố trong đại dịch Covid-19”. Trong hội nghị này, Tổng thư ký Antonio Gutteres đã lên tiếng với các nhà lãnh đạo tôn giáo tham dự cuộc họp rằng: “Theo quan điểm của tôi, các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể đóng vai trò then chốt trong việc đưa ra các giải pháp không chỉ để giải quyết đại dịch này, nhưng còn giúp quá trình phục hồi được diễn ra tốt đẹp hơn.”[5]

Cũng trong bài thuyết trình này, Gutteres còn yêu cầu các nhà lãnh đạo tôn giáo “tận dụng khả năng của các mạng lưới và truyền thông nhằm hỗ trợ chính phủ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp y tế được khuyến nghị, như việc giãn cách xã hội và giữ vệ sinh sạch sẽ, để bảo đảm rằng các sinh hoạt tôn giáo căn bản như phụng tự, các nghi lễ tôn giáo và các nghi thức an táng tuân theo các khuyến nghị này.”[6] Trước đó, vào tháng 4 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới đã cho xuất bản tài liệu có tựa đề “Những cân nhắc và khuyến nghị thiết thực dành cho các nhà lãnh đạo tôn giáo và các cộng đồng đức tin trong bối cảnh đại dịch Covid-19”. Trong tài liệu này, WHO đã công nhận rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng đức tin “là nguồn quan trọng cho việc nâng đỡ, an ủi, hướng dẫn và chỉ đạo chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội cho cộng đồng mà họ đang phục vụ.” WHO kêu gọi các tổ chức tôn giáo “quảng bá những thông tin hữu ích về Covid-19, ngăn ngừa và loại bỏ nỗi sợ hãi và nạn kỳ thị, củng cố sự an tâm cho mọi người, và thúc đẩy các thực hành bảo vệ sức khỏe trong cộng đồng của họ.”[7]

Việc LHQ và WHO đều kêu gọi sự tham gia tích cực của các nhà lãnh đạo tôn giáo trong trong nỗ lực khắc phục dịch bệnh trên toàn cầu là một quyết định khôn ngoan và thiết thực. Lý do là vì trong thời đại truyền thông mạng xã hội, nhiều thông tin về Covid-19 được chia sẻ trên mạng không có nguồn gốc rõ ràng. Thêm vào đó, các nhân vật nổi tiếng trong giới chính trị, giải trí, và thậm chí cả tôn giáo cũng dính líu đến việc phổ biến thông tin sai lệch hoặc những thuyết âm mưu.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, diễn ra đồng thời với đại dịch Covid-19 là một “thứ dịch bệnh” khác, đó là dịch bệnh thông tin sai lệch. Điển hình, trên Twitter ngày 14 tháng 3 năm 2020, người ta thấy Bộ trưởng bộ Y tế Pháp, ông Oliver Véran có dòng tweet rằng: “Việc uống thuốc chống viêm (ibuprofen, cortisone, …) có thể là yếu tố làm cho triệu chứng nhiễm vi-rút corona nặng hơn. Nếu bạn bị sốt, hãy uống acetaminophen. Nếu bạn đã uống thuốc chống viêm hay còn nghi ngờ, hãy hỏi ý kiến tư vấn từ bác sỹ của bạn.”[8]

Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, thông điệp này đã được tweet lại hơn 40.000 lần, và thậm chí còn tác động vào quan điểm của các tổ chức y tế nổi tiếng như Bệnh viện Đại học Vaud ở Lausanne và The British Medical Journal (Tạp Chí Y Khoa Anh Quốc). Tuy nhiên, sau khi các chuyên gia kiểm tra vấn đề này thật kỹ càng, họ đã khẳng định rằng, không có cơ sở rõ ràng để cho rằng uống thuốc chống viêm sẽ có những tác dụng nguy hại đến người mắc bệnh Covid-19.

Trên thực tế, không chỉ thông tin sai lệch đến từ những người nổi tiếng mới lây lan như một thứ vi-rút; những đăng tải từ các nguồn không rõ ràng cũng được chia sẻ đầy giẫy trên mạng internet. Những bài đăng này đưa ra đủ lời khuyên để phòng ngừa bị lây nhiễm bằng cách ăn khoai lang, nhai tỏi, hoặc uống các loại nước thảo dược….[9] Về mặt tâm linh, thông tin sai lệch và bóp méo thông tin là nguyên nhân gây ra việc người theo đạo Ấn giáo tại Ấn Độ uống nước tiểu của những con bò để phòng ngừa bị nhiễm,[10] còn những người Hồi giáo tại Iran thì lại liếm và hôn cổng của đền Masumeh tại Qom.[11] Nạn tin giả trên truyền thông mạng xã hội đã tràn lan trong suốt thời kỳ đại dịch. Một báo cáo trình bày rằng chỉ riêng trong tháng 4 năm 2020, Facebook đã gắn cờ cho gần 50 triệu mẩu tin có liên quan đến Covid-19 với nhãn cảnh báo về thông tin sai lệch. Cũng trong tháng đó, Twitter đã cảnh báo hơn 1,5 triệu người sử dụng bởi vì các bài đăng của họ bị cho là chứa đựng thông tin sai lệch và có “hành vi thao túng.” Cùng lúc ấy, Google bị buộc phải chặn lại hàng chục triệu thư điện tử có nội dung lừa đảo về Covid-19.[12]

 

    

Tiếng nói đáng tin cậy

 

1. Truyền thông bằng sự hiện diện mang tính cá nhân

 

Đứng trước nạn tin giả lan tràn về đại dịch Covid-19, xã hội cần phải có những tiếng nói có thẩm quyền và đáng tin cậy từ các nhà lãnh đạo tôn giáo ở các cấp bậc để giúp người dân có thêm những hiểu biết đúng đắn về thực trạng. Vì thế việc kêu gọi sự cộng tác của các nhà lãnh đạo tôn giáo để hạn chế sự gian dối, bất hợp tác và hiểu nhầm trong cộng đồng là điều dễ hiểu. Một cuộc điều tra về các tài khoản mạng xã hội của các nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng cho thấy rằng thông điệp mà các vị này truyền đạt đến công chúng mang tính đa chiều, thể hiện vai trò phức tạp và phong phú của họ trong mối quan hệ với các tín đồ.

Sự hiện diện cá nhân với các tín đồ là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Sự hiện diện tích cực của các nhà lãnh đạo thể hiện sự quan tâm và lo lắng cho cộng đồng. Chỉ thông qua sự hiện diện tích cực và liên tục, các nhà lãnh đạo mới có thể nhận ra các vấn đề quan trọng trong cộng đồng cần phải được giải quyết. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sử dụng câu nói “đời sống của người mục tử phải nhuốm mùi chiên” để mô tả sự liên kết chặt chẽ giữa người lãnh đạo Giáo hội và các tín hữu. Người lãnh đạo của Giáo hội Công giáo không thể là những nhà lãnh đạo ẩn mặt, nhưng họ phải gắn bó mật thiết với cộng đồng mà họ phục vụ, đồng thời tham gia tích cực vào những sự kiện diễn ra hằng ngày nơi cộng đoàn đó.[13] Chính sự hiện diện và sự quan tâm của người lãnh đạo tạo động lực cũng như đường hướng cần thiết để cộng đoàn hành động hướng tới sự thăng tiến toàn diện.

Tuy nhiên, sự hiện diện của các nhà lãnh đạo tôn giáo không chỉ mang ý nghĩa tinh thần mà còn mang ý nghĩa quan trọng về mặt tâm linh. Chẳng hạn như trong một số trường phái của Ấn giáo, vị Guru được xem như là một nhân vật được thần thánh hóa, hoặc được nhân cách hóa như một vị thần. Kinh thánh Ấn giáo mang tên Guru-Gītā (Bài ca của vị Guru) có một câu tuyên bố guru là “sākshāt Parabrahman”, mang hình dạng của một đấng tối cao.[14] Theo nghĩa này, sự hiện diện của guru cũng biểu thị sự hiện diện của thần thánh giữa mọi người. Trong Giáo hội Công giáo, Đức Giáo Hoàng thường được gọi là “Vị Đại Diện của Chúa Kitô” bởi vì điều này “thể hiện vị thế tối cao của ngài đối với Hội Thánh hoàn vũ mà ngài nhận lãnh từ sự ủy thác của Chúa Kitô và với quyền đại diện bắt nguồn từ Chúa Kitô.”[15] Nói một cách tổng quát hơn, khái niệm về Vị Đại Diện của Chúa Kitô nghĩa là một người nào đó được chỉ định làm đại diện của Chúa Kitô trên trái đất. Vì vinh dự và trách nhiệm đặc biệt này, chúng ta có thể dễ dàng hiểu rằng tại sao sự hiện diện cá nhân của Đức Giáo Hoàng đối với các tín hữu sẽ có ý nghĩa sâu sắc cho Giáo hội. Tương tự như vậy, các linh mục Công giáo thường được gọi là “alter Christus” (một Đức Kitô khác), để nhấn mạnh rằng Chúa Kitô hiện diện trong linh mục một cách đặc biệt nhờ việc truyền chức thánh. Theo giáo lý của Hội Thánh Công giáo:

Chính Đức Kitô hiện diện với Hội Thánh Người trong việc phục vụ của các thừa tác viên có chức thánh; Người hiện diện với tư cách là Đầu của thân thể Người, là Mục Tử của đoàn chiên của Người, là Thượng Tế của hy lễ cứu chuộc, là Thầy dạy chân lý. Đó là điều Hội Thánh muốn diễn tả khi xác quyết rằng vị tư tế, nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, hành động trong cương vị Đức Kitô là Đầu (in persona Christi Capitis): Cùng một vị Tư Tế là chính Đức Kitô Giêsu, còn thừa tác viên của Người thật ra đảm nhận cương vị thánh thiêng của Người. Bởi vì vị này, nhờ sự thánh hiến linh mục mà ngài đã lãnh nhận, ngài được đồng hoá với Vị Thượng Tế, và ngài được quyền hành động với quyền năng và cương vị của chính Đức Kitô (virtute ac persona ipsius Christi).[16]

Sự hiện diện cá nhân của các nhà lãnh đạo tôn giáo luôn quan trọng trong đời sống của cộng đồng. Tuy nhiên, sự hiện diện thể lý một cách tích cực không phải lúc nào cũng có thể xảy ra dễ dàng. Thực trạng đại dịch Covid-19 đã chứng minh điều đó một cách rõ ràng. Khi vi-rút corona lây lan nhanh chóng, chính quyền các thành phố và quốc gia đã phải đóng cửa các trường học, các cơ sở kinh doanh, các địa điểm vui chơi giải trí và những nơi thờ phượng. Các nhà lãnh đạo tôn giáo không còn có thể xuất hiện trực tiếp với một nhóm người đang tụ họp hoặc đến thăm mọi người tại nhà riêng, vì những hoạt động như vậy sẽ vi phạm các quy định của địa phương. Trong hoàn cảnh này, các nhà lãnh đạo tôn giáo sử dụng phương tiện truyền thông xã hội như là một cách thiết thực và an toàn để tiếp tục thể hiện sự hiện diện cá nhân giữa hoàn cảnh xã hội bị giãn cách.

Sự hiện diện trực tuyến này nhằm truyền đạt thông điệp rằng cả Thiên Chúa lẫn những vị đại diện của Ngài trên trái đất sẽ không bỏ rơi nhân loại trong thời gian thử thách và hoạn nạn. Trong trường hợp này, sự hiện diện trực tuyến không phải là "ảo" theo cách mọi người vẫn thường nghĩ là "không xác thực" hoặc không có "thực". Phải thừa nhận rằng sự hiện diện trực tuyến thông qua các phương tiện truyền thông xã hội vẫn có nhiều hạn chế, nhưng sự hiện diện này được coi là thực và mang tính cá nhân theo nghĩa là quá trình giao tiếp này thực sự đang diễn ra giữa các cá nhân — cả người truyền tải lẫn người nhận thông tin. Quá trình giao tiếp này có sức mạnh giúp an ủi, biến đổi và tạo động lực tích cực cho các tín đồ trong lúc nguy nan. Các phương tiện truyền thông mạng xã hội đã cho phép sự hiện diện có tính cá nhân, bù đắp sự vắng mặt về thể lý vì hoàn cảnh dịch bệnh. Mặc dù sự hiện diện trực tiếp luôn là ưu tiên đối với một nhà lãnh đạo tôn giáo, nhưng sự hiện diện qua trung gian kỹ thuật số trong thời đại dịch vẫn là một nguồn an ủi lớn cho những người muốn duy trì kết nối với các nhà lãnh đạo tinh thần của họ.

 

2. Truyền thông giáo huấn

 

Mỗi khi con người trải qua những biến cố đau thương, thiên tai và thảm họa, nhiều người thường đặt ra những câu hỏi với mong muốn tìm được sự lý giải về những sự việc xảy đến trong cuộc sống. Những câu hỏi được đặt ra sẽ khác nhau phụ thuộc vào kinh nghiệm tôn giáo của người đó. Tuy nhiên, những câu hỏi này nhìn chung có thể quy về: Có phải sự việc này xảy ra bởi vì tội lỗi của tôi? Phải chăng Thiên Chúa trừng phạt thế giới vì sự sa đọa của con người? Làm sao Thiên Chúa lại có thể để cho sự đau khổ này diễn ra trên thế giới? Thiên Chúa muốn nói gì với chúng ta qua những sự kiện đang diễn ra? Thiên Chúa đang ở đâu giữa cơn đại dịch? Đây có phải là dấu hiệu của ngày tận thế chăng? Có phải các vị thần đang tức giận về vấn đề gì đó? Phải chăng đây là biểu hiện của nghiệp chướng của các cá nhân và tập thể mà nhân loại phải trả giá?

Bất kỳ nhà lãnh đạo tôn giáo nào cũng mang trong mình nhiệm vụ chính yếu đó là trình bày các nguyên tắc tâm linh và thần học có tính thẩm quyền và chính thống để giúp các tín đồ hiểu rõ hơn về những sự kiện đang diễn ra trong cuộc sống của họ và trên thế giới. Trách nhiệm hướng dẫn các tín đồ là một công việc phải thi hành một cách liên tục bởi vì cuộc sống con người đầy giẫy những sự việc diễn ra mỗi ngày, chuyện lớn có, chuyện nhỏ có, sự việc này nối tiếp sự việc kia. Những biến cố xảy đến trong cuộc sống đó có thể mang đến cho chúng ta niềm vui và hy vọng, hoặc làm cho chúng ta trở nên lo âu, hoang mang, hoảng sợ và tuyệt vọng.

Công việc hướng dẫn và giáo dục của các nhà lãnh đạo tôn giáo rõ ràng không chỉ phát sinh từ khi xảy ra đại dịch. Tuy nhiên, sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng đã làm cho những câu hỏi trên trở nên cấp bách và được các tín đồ đặt ra nhiều hơn những thời điểm bình thường. Điểm mấu chốt trong nhiệm vụ của các tôn giáo chính là giúp các tín đồ thấu hiểu và nắm bắt được ý nghĩa của các sự kiện xảy ra trong cuộc sống con người, cũng như tìm ra phương cách để vượt qua nỗi tuyệt vọng và đau khổ mà những biến cố đau thương mang lại cho từng người. Các nhà lãnh đạo tôn giáo suy tư và phân định về những vấn đề trong cuộc sống một mặt cho chính cá nhân mình, nhưng đồng thời cho cả nhân loại đang phải gánh chịu đau khổ. Đây là lý do tại sao sau khi Đức Phật Thích Ca đã khám phá ra con đường dẫn đến giác ngộ 2.500 năm trước, thì chính bản thân ngài cũng không đành lòng thoát khỏi vòng luân hồi cho đến khi ngài đã truyền dạy những Chân Lý Cao Quý lại cho các đệ tử và nhiều người khác nhằm giúp những người đến sau cũng có cơ hội đạt đến sự siêu thoát. Đây cũng là lý do tại sao các vị Bồ Tát siêu việt trong truyền thống Phật Giáo Đại Thừa, đã hoàn toàn bất thối chuyển trên con đường thành Phật, nhưng lại nguyện trì hoãn nhập Niết Bàn cho đến khi tất cả chúng sinh trong vũ trụ cũng được cứu thoát.[17]

Các nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới không phải là những người đã đạt tới tình trạng “giác ngộ”, thậm chí đạt tới sự thánh thiện cần có, nhưng họ là những người tham gia một cách đặc biệt vào hành trình tìm kiếm tâm linh, cũng như được giao phó trách nhiệm hướng dẫn và đồng hành cùng với mọi người trên hành trình này. Bất kể thông qua việc tự chỉ định hay được giao trách nhiệm từ những người trong cộng đồng đức tin, các nhà lãnh đạo tôn giáo có bổn phận phục vụ mọi người dưới sự chăm sóc của họ.

Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo xem việc sử dụng mạng xã hội như một nhu cầu cấp thiết để truyền đạt các ý tưởng về thần học và tâm linh cho các tín đồ vì người dân cần thấu hiểu đúng đắn về cơn khủng hoảng từ cách nhìn của tôn giáo. Ngoài ra, các lãnh đạo tinh thần cũng phải làm rõ những khái niệm tâm linh lệch lạc về đại dịch được lan truyền trong cộng đồng qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt trên mạng xã hội. Những ý kiến cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ biến lời tiên đoán về ngày tận thế trong sách Khải Huyền ở Kinh Thánh thành hiện thực, có thể gây nên cảm giác hoảng loạn và tuyệt vọng cho những người nhẹ dạ. Bên cạnh đó, ý tưởng phát xuất từ niềm tin tôn giáo dẫn đến hành động uống nước tiểu của bò và liếm điện thờ để chống lại Covid-19 lại tạo cơ hội cho những người chống đối tôn giáo, coi những người theo tôn giáo như những kẻ ngu muội và mê tín dị đoan, có cớ để khinh thường và nhạo báng các tôn giáo và những người theo đạo. Đó là chưa nói đến việc nhiều người liếm cùng một cửa điện thờ thì mất vệ sinh và nguy hiểm đến chừng nào.

Ý tưởng cho rằng đại dịch Covid-19 là hình phạt của Thượng Đế giáng xuống trên một xã hội hoặc một nền văn hóa nào đó có thể làm bùng lên ngọn lửa nung nấu sự chia rẽ trong xã hội và giữa các tôn giáo. Đối mặt với những tình huống có nguy cơ dẫn đến nhiều tư tưởng và hành vi cực đoan, các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể truyền cảm hứng, sự tỉnh táo và niềm hy vọng cho các tín đồ thông qua các giải thích thần học và tâm linh đúng đắn. Nhờ đó, các giáo dân có thể duy trì sự cân bằng tinh thần và tình cảm, không để cho những suy nghĩ lệch lạc và dư luận tiêu cực gây xáo trộn đến đời sống vốn đã gặp nhiều thách đố trong hoàn cảnh phong ba bão táp của dịch bệnh. 

Một điều có thể chứng kiến được là trong thời gian dịch bệnh, đặc biệt giai đoạn đại dịch vừa bùng phát ở những nơi trên thế giới, nhu cầu về mặt tâm linh nơi các tín đồ rất cao. Vì thế, các nhà lãnh đạo tôn giáo phải tìm mọi phương cách để nâng đỡ người dân, mặc dù những hình thức giao tiếp trước đây đã bị hạn chế trầm trọng. Nhiều nơi, sự hiện diện cách trực tiếp bằng thể lý bị ngăn cấm tuyệt đối. Trong hoàn cảnh này, mạng xã hội trở nên một phương tiện hữu ích để cho các nhà lãnh đạo tôn giáo tiếp tục duy trì liên lạc và kết nối với tín đồ, không để cho lệnh phong tỏa và cách ly làm mất đi sự đoàn kết và hiệp thông trong cộng đồng. Tại Vatican, các Thánh lễ hằng ngày do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ tế trước thời đại dịch thường diễn ra âm thầm. Nhưng thời gian cả nước Ý bị phong tỏa, các Thánh lễ đã được phát trực tiếp trên mạng truyền thông xã hội. Trong Thánh lễ, Đức Giáo Hoàng thường xuyên kêu gọi các tín hữu trên toàn thế giới hiệp ý cầu nguyện cho tất cả những ai đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cũng như cho các bác sỹ, y tá và tình nguyện viên đang can đảm hy sinh phục vụ ở tuyến đầu. Trong các bài giảng của ngài, Đức Thánh Cha nối kết các bài đọc trong Thánh Kinh với các sự kiện đang diễn ra trên thế giới, nhằm củng cố niềm tin cho các tín hữu dựa trên nền tảng các nhân đức đối thần – đức tin, đức cậy và đức mến. Vào ngày 15/3/2020, trong giờ kinh Truyền Tin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng gửi thông điệp đến các tín hữu đang lắng nghe ngài thông qua các phương tiện truyền thông hãy ở lại trong mối liên kết mật thiết với Đức Kitô. Ngài nói:  

Trong hoàn cảnh của đại dịch, chúng ta nhận ra rằng nhiều hay ít chúng ta đang phải sống cô lập. Chúng ta được mời gọi để khám phá và đi sâu vào các giá trị của mối hiệp thông vốn liên kết tất cả con cái của Giáo hội. Vì được liên kết trong Đức Kitô, chúng ta không bao giờ phải bị đơn độc, nhưng chúng ta trở nên một trong Thân Thể Chúa Kitô, và Ngài chính là Đầu. Sự kết hợp này được nuôi dưỡng trong cầu nguyện, và với việc rước lễ thiêng liêng, một thực hành rất được Giáo hội khuyến khích khi các tín hữu không thể lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể. Cha nói lên điều này cho tất cả mọi người, nhất là cho những ai đang sống một mình.[18]

Trong bài giảng của Thánh Lễ Lá, Chúa Nhật ngày 5/4/2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khích lệ các tín hữu cảm nhận được sự can đảm và nguồn an ủi trong tình yêu Chúa:

Trong tấm thảm kịch của thời đại dịch, trong khi chúng ta phải đối diện với bao nhiêu điều an toàn giả tạo đã bị vỡ vụn, khi chúng ta phải đương đầu với bao nhiêu niềm hy vọng đã bị phản bội, trước cảm giác bị ruồng bỏ đang đè nặng tâm hồn chúng ta, Chúa Giêsu nói với mỗi người chúng ta: “Hãy can đảm lên, mở rộng quả tim con để đón nhận tình yêu của Ta. Con sẽ cảm nhận được nguồn an ủi từ Thiên Chúa, Đấng hằng đỡ nâng con.”[19]

Có thể nói trong suốt thời kỳ đại dịch, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã duy trì một sự hiện diện đều đặn trên các phương tiện truyền thông xã hội. Ngài đã có các bài giảng và thông điệp chứa đựng những giáo huấn sâu sắc nhằm khích lệ tinh thần và nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của đoàn chiên trên toàn thế giới. Tương tự như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục chuyển tải các nội dung tích cực một cách đều đặn trên trang Twitter của ngài trong suốt thời gian đại dịch. Vào ngày 30/3/2020, Đức Pháp Vương đã chia sẻ vào tài khoản Twitter của ngài bài phát biểu được đăng trên trang web của ngài về cuộc khủng hoảng. Trong bài viết, ngài đưa ra những lời khuyên thiết thực cho tất cả mọi người khi phải đương đầu với những nỗi khổ đau hiện tại:  

Khi phải đối mặt với những điều không mong muốn về sức khỏe và hạnh phúc, chúng ta cảm thấy lo lắng và sợ hãi là điều rất tự nhiên. Tuy thế, tôi đã tìm được nguồn an ủi to lớn trong lời khuyên khôn ngoan sau đây để rà soát lại những vấn đề đang diễn ra trước mắt chúng ta: Nếu có điều gì đó mà chúng ta có thể làm được – hãy làm nó, không cần phải đắn đo; nếu có những điều nằm ngoài tầm với của chúng ta, thì việc lo lắng quá mức về nó sẽ không giúp ích gì cho chúng ta.[20]

Trong một dòng tweet ngắn gọn được đăng ngày 14/4/2020, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đặt đại dịch vào một viễn cảnh rộng lớn hơn. Ngài khuyến khích mọi người có cái nhìn vượt ra khỏi những khó khăn và trắc trở của hiện tại. Ngài viết:

Là một Phật tử, tôi tin vào nguyên lý vô thường. Cuối cùng thì vi-rút sẽ biến mất như các cuộc chiến tranh mà tôi từng chứng kiến, cũng như những mối đe dọa khủng khiếp tôi trải qua trong kiếp sống của tôi. Chúng ta sẽ có cơ hội để xây dựng lại cộng đồng nhân loại toàn cầu như chúng ta đã làm biết bao nhiêu lần trước đây.

Nếu xem toàn bộ các dòng tweet của Đức Đạt Lai Lạt Ma thời gian qua thì thấy chỉ có một số ít các tweet đề cập một cách trực tiếp về vấn đề đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, những lời vàng ngọc mang tính tâm linh trong các thông điệp của ngài được truyền tải đến 20 triệu người theo dõi vẫn có thể được áp dụng vào trong bất cứ tình huống nào của cuộc sống con người, trong mọi nền văn hóa lẫn thời đại. Tweet của ngài vào ngày 10/8/2020 là một ví dụ. Ngài cho rằng:

Khi tôi thức dậy vào buổi sáng, điều trước tiên tôi nhắc nhở mình đó là không có gì tồn tại như cách chúng xuất hiện. Sau đó, tôi nghĩ đến chúng sinh là những người khát khao hạnh phúc, nhưng lại phải trải nghiệm đau thương. Tôi nảy sinh lòng trắc ẩn đối với họ, quyết định nâng đỡ họ hết sức có thể để loại bỏ cảm giác tiêu cực trong lòng họ.[21]

Dòng tweet này nhắc nhở chúng ta rằng, trong cái nhìn lâu dài và rộng lớn của lịch sử cũng như tương lai của nhân loại, thì đại dịch Covid-19 có thể được xem như là một biến cố để cho chúng ta có cơ hội bày tỏ lòng trắc ẩn đối với tha nhân. Trong thực tế, những cơ hội như thế vẫn đến với chúng ta mỗi ngày cho dù có hay không có đại dịch.

Ngoài những vị lãnh đạo tầm cỡ quốc tế như Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Đạt Lai Lạt Ma thì còn có các vị lãnh đạo tôn giáo phục vụ những cộng đồng nhỏ ở các địa phương. Họ chính là những người sát cánh với các tín đồ của mình và hiểu rõ nhất về những thách đố mà mỗi người đang phải đối mặt. Tại khu ngoại ô của thành phố Gronoble thuộc nước Pháp, trước những ý kiến trong cộng đồng Hồi giáo cho rằng, đại dịch là một sự trừng phạt đến từ Thiên Chúa, vị lãnh tụ Hồi giáo Yassine Farhi đã nhấn mạnh với các tín đồ không nên tin theo lối suy nghĩ này. Giáo sĩ Farhi nhắc nhở họ rằng thời xưa Ngôn sứ Môhamét đã hiện diện “ở giữa những tín đồ sùng đạo nhất từ xưa tới nay”, nhưng bản thân những người tốt lành đó cũng từng phải trải qua dịch bệnh.[22] Không phải chỉ có người tội lỗi mới gặp đau khổ, mà chính người chân chính cũng thường phải nếm trải những nỗi khổ kinh khủng trong cuộc sống.

Một vị lãnh đạo khác của Hồi giáo là Omar Ricci cũng là vị chủ tọa của Trung tâm Hồi giáo Nam California, một trong những đền thờ Hồi Giáo lâu đời nhất và có tầm ảnh hưởng nhất tại Mỹ. Giáo sĩ Ricci đã dùng một trong những bài giảng ngày thứ Sáu được đăng tải trên kênh YouTube để giải thích về mối liên hệ giữa loài người với Thiên Chúa trong bối cảnh đại dịch. Giáo sĩ Ricci chia sẻ rằng, từ cách nhìn thiêng liêng, đại dịch cho thấy, con người không điều khiển được mọi sự, nhưng phải phụ thuộc vào Thiên Chúa. Trong thời điểm gian nan này, chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa vì chúng ta có cơ hội để tập trung nhiều hơn vào việc chăm sóc bản thân và sức khỏe, sống chậm lại và nghỉ ngơi giữa những bộn bề của cuộc sống. Chúng ta cũng cần phải tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta cơ hội để củng cố những mối quan hệ cũ cũng như xây dựng những mối quan hệ mới với người khác. Ngoài ra, những cái kệ trống không trong hàng tạp hóa của nhiều siêu thị cũng là một lời nhắc nhở mọi người hãy có lòng biết ơn về những thức ăn mà chúng ta đã rất dễ dàng để kiếm được trước đây.[23]

 

3. Truyền thông qua các nghi lễ tôn giáo


Trong nhiều truyền thống tôn giáo, các nghi lễ đóng vai trò quan trọng trong đời sống của các tín đồ. Ngoài những dịp lễ lớn như Giáng Sinh (Kitô giáo), Vesak (Phật giáo), Eid al-Fitr (Hồi giáo)… có các nghi thức được tổ chức cách long trọng thì còn có những sinh hoạt tôn giáo hằng ngày để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng cho các tín đồ. Theo truyền thống Ấn giáo, các tín đồ cử hành nghi thức cầu nguyện trong lễ Puja nhằm bày tỏ tâm tình cầu nguyện, sùng kính và tôn vinh một vị thần hoặc một vị thánh vĩ đại. Nghi lễ Puja là hình thức thờ phượng phổ biến nhất trong cộng đồng Ấn giáo. Để thực hiện nghi lễ này, các cá nhân hoặc nhóm tín đồ thường đi đến các đền thờ để xin thầy tư tế cử hành nghi lễ tạ ơn, xin ơn, hoặc đơn giản chỉ để bày tỏ lòng sùng kính đối với một vị thần Ấn giáo. Nghi lễ Puja có thể được cử hành vào bất kỳ ngày nào cũng như trong các lễ hội văn hóa và tôn giáo đặc biệt. Một trong những đặc điểm then chốt của hành động đạo đức này chính là những người thờ phượng có cơ hội “nhìn thấy” (darshan) vị thần của họ. Người theo đạo Ấn giáo tin rằng nếu việc tương tác trực tiếp darshan diễn ra sẽ mang lại cho họ nguồn năng lượng cũng như các phúc lành của vị thần. Nếu thầy tư tế cử hành những nghi lễ một cách đúng đắn, điều này sẽ khiến cho các vị thần hiện diện một cách chân thực thông qua những ảnh tượng được vẽ hoặc điêu khắc, tạo cơ hội cho các tín đồ được tương tác trực tiếp với vị thần mà họ sùng kính.[24]

 Nếu lễ Puja đóng một vai trò thiết yếu trong đời sống của những người theo Ấn giáo, thì đối với những tín hữu Công giáo, Thánh lễ lại đóng một vai trò không kém phần quan trọng trong cuộc sống của họ. Theo giáo huấn của Hội Thánh Công giáo, các tín hữu có nghĩa vụ buộc phải tham dự Thánh lễ Chúa Nhật và những ngày lễ trọng khác theo lịch phụng vụ đã được Hội Thánh ấn định. Tuy nhiên, nhiều người Công giáo cũng tham dự Thánh lễ hằng ngày để nuôi dưỡng đời sống đức tin của mình. Theo Hiến chế Phụng vụ của Giáo hội về Phụng vụ Thánh (CSL),

Chúa Kitô hằng hiện diện trong Giáo hội, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện thực sự trong Hy Lễ, không những trong con người của thừa tác viên, vì “như xưa chính Người đã tự dâng mình trên thập giá thì nay chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh mục”, đặc biệt là trong Thánh Thể … Người hiện diện thiết thực trong lời của Người vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo hội. Sau hết, Người hiện diện khi Giáo hội khẩn cầu và hát Thánh Vịnh, như chính Người đã hứa: “Ðâu có hai, ba người nhân danh Thầy mà họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ” (Mt 18,20).[25]

Đối với người Công giáo, sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể giúp họ cảm nghiệm mối liên hệ mật thiết nên một với Ngài, đặc biệt trong việc lãnh nhận Thánh Thể như của ăn nuôi dưỡng linh hồn.

Hai ví dụ về nghi lễ Puja trong Ấn giáo và Thánh lễ trong Công giáo cho thấy việc tham dự các nghi lễ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của những người theo tôn giáo. Tuy nhiên, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, nhiều lúc các tín đồ được yêu cầu không tham gia tụ tập ở các đền thờ, chùa chiền, nhà thờ… Các nơi thờ tự khác như các trung tâm hành hương cũng bị buộc phải đóng cửa theo đúng quy định giãn cách xã hội của chính quyền. Họ cũng thường phải ở yên trong nhà khi có lệnh phong tỏa toàn thành phố hay cả nước. Để các nghi lễ tôn giáo vẫn được thực hiện đều đặn nhằm đáp ứng khát vọng tâm linh của các tín đồ, các nhà lãnh đạo tôn giáo thường cử hành các nghi lễ một mình hoặc chỉ với ít người tham dự, nhưng phát sóng trực tiếp hoặc đăng tải video lên các kênh truyền thông cho mọi người có thể xem.

Tại Ấn Độ, thời gian phong tỏa, nhu cầu tham dự lễ Puja trực tuyến đã tăng vọt, vì thế một số dịch vụ đã mọc lên nhằm giúp kết nối các tín đồ với các vị tư tế để tổ chức nghi lễ này trong phòng lễ riêng của đền thờ. Tuy nhiên, các tín đồ không thể có mặt tại đền thờ, nên phải tham dự trực tuyến thông qua ứng dụng Facebook Messenger hoặc WhatsApp.[26] Ngoài việc sắp xếp cử hành lễ Puja, nhà cung cấp dịch vụ còn phát trực tuyến lễ darshan tại các đền thờ. Lễ Puja trực tuyến không chỉ thuận tiện cho những người theo Ấn giáo ở Ấn Độ trong thời kỳ đại dịch, mà còn giúp các tín đồ ở nước ngoài không ở gần đền thờ Ấn giáo cũng có thể tổ chức các nghi lễ Puja với sự hỗ trợ của các dịch vụ trong nước. Vì thế một người theo Ấn giáo ở bất cứ nơi nào trên thế giới, vào thời điểm nào cũng có thể yêu cầu những nghi thức tôn giáo ở một đền thờ Ấn giáo trong nước mà họ muốn. Qua CNTT-TT, đặc biệt trong thời điểm đại dịch, khi những người theo đạo Ấn giáo đang sợ hãi, lo lắng và đau bệnh, thì các lễ Puja trực tuyến đã giúp họ tìm thấy sự bình an qua sự hiện diện của vị thần mà họ tôn thờ.

Lễ Puja được xem như là nghi lễ mang tính cách riêng tư, vì nghi lễ này được cử hành theo yêu cầu của các cá nhân hay một nhóm. Nghi lễ cũng chỉ được xem bởi những người đã yêu cầu và bỏ ra chi phí liên quan đến việc tổ chức. Không giống như lễ Puja, các Thánh lễ Công giáo thường là các sự kiện công cộng và được tổ chức hằng ngày tại các nhà thờ cũng như nhà nguyện trên khắp thế giới. Từ Vatican đến các khu rừng rậm Amazon, các Thánh lễ được cử hành mỗi ngày bởi Đức Giáo Hoàng, các giám mục và linh mục. Trong suốt thời gian đại dịch, tại những quốc gia đang thực hiện lệnh giới nghiêm hoặc hạn chế tụ tập đông người, nhiều vị chủ chăn trong Giáo hội đã phát trực tuyến các Thánh lễ do họ cử hành trên nhiều trang web và nền tảng mạng xã hội khác nhau. Tuần Thánh là thời điểm quan trọng nhất chiếu theo lịch Công giáo. Tuy nhiên, tại những quốc gia mà đại dịch bùng phát nghiêm trọng khiến nhiều nơi thờ phượng buộc phải đóng cửa, các giám mục cũng như linh mục phải cử hành tất cả các nghi lễ phụng vụ một mình hoặc với một số ít người hiện diện. Các nghi thức phụng vụ đó cũng được phát trực tuyến dưới dạng chương trình phát sóng trực tiếp hoặc dưới dạng video. Mặc dù các tín hữu không thể rước lễ như khi tham dự Thánh lễ ở nhà thờ, nhưng họ được khuyến khích “rước lễ thiêng liêng”. Đây là hình thức rước lễ mà Thánh Tôma Aquinô đã mô tả là tâm hồn “Ước ao cháy bỏng lãnh nhận Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và trìu mến ôm lấy như thể chúng ta đã nhận lãnh chính Ngài.” Do đó, bằng việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số và các phương tiện truyền thông xã hội, các vị mục tử trong Giáo hội đã cố gắng truyền đạt sự hiện diện của Thiên Chúa thông qua các cử hành phụng vụ. Các tín hữu có thể tham dự các cử hành một cách dễ dàng và an toàn từ chính nơi ở của mình. Maria Lee Albento, một người Công giáo sống ở Hồng Kông đã bày tỏ cảm nghiệm của mình khi tham dự Thánh lễ trực tuyến như sau:

Khi tham dự Thánh lễ trực tuyến, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tôi luôn cho rằng đây quả là một phúc lành. Như tất cả chúng ta đều biết, Thiên Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi, nên tôi đã cảm nhận được sự hiện diện của Ngài như khi tôi tham dự thánh lễ tại nhà thờ. Tuy nhiên, một điều đáng buồn duy nhất đó là chúng ta không thể rước lễ thực sự mà chỉ có thể rước lễ thiêng liêng. Vốn đã quen với việc được rước Mình và Máu Thánh Chúa vào mỗi lễ Chúa nhật, nay tôi cảm thấy như thiếu vắng một điều gì đó. Thế nhưng, vì hiện tại chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng đại dịch, nên chúng ta không thể làm gì hơn. Do đó, cứ vào mỗi ngày Chúa nhật, tôi lại tham dự Thánh lễ trực tuyến, điều đó đã giúp tôi nuôi dưỡng và củng cố đức tin của mình hơn. Chúng ta biết rằng mọi thứ sẽ trở lại bình thường nhờ những lời cầu nguyện của chúng ta dâng lên Thiên Chúa. Chúng ta chỉ cần cầu xin Ngài chữa lành quê hương chúng ta khỏi cơn đại dịch kinh hoàng này.[27] 

Trong thực tế, những cảm nghiệm của việc tham dự thánh lễ trực tuyến không thể thay thế cho việc tham dự trực tiếp. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ đại dịch, một trong những điểm son đáng ngạc nhiên của các Thánh lễ phát trực tuyến chính là việc những người tín hữu Công giáo không thường xuyên đến nhà thờ cũng đã tham dự vào các Thánh lễ này.

 

4. Truyền tải thông tin


Một điều chúng ta chứng kiến trên toàn thế giới là các nhà lãnh đạo tôn giáo thường không chỉ có vị thế trong lĩnh vực tôn giáo và tâm linh, mà họ còn nhận được sự tôn trọng và tín cậy từ các tín đồ ở các vấn đề khác trong cuộc sống. Trong suy nghĩ của các tín đồ, những người đứng đầu các tôn giáo luôn mong muốn điều tốt đẹp nhất cho họ, vì thế, tiếng nói của họ luôn được đón nhận cách đặc biệt. Tiếng nói từ các vị lãnh đạo tinh thần nhiều khi còn được coi trọng hơn những lời phát biểu của các nhà lãnh đạo chính trị, kể cả các nhà khoa học. Chính vì vậy mà bên cạnh việc thực thi trách nhiệm về mặt tâm linh, các nhà lãnh đạo tôn giáo từ lâu đã tham gia vào các hoạt động khác như phát triển kinh tế và xã hội, kêu gọi công lý và hoà bình, bảo vệ môi trường... Tuy các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể không có chuyên môn trực tiếp trong các lĩnh vực này, nhưng những gì họ góp ý đều được tôn trọng và tin tưởng từ các tín đồ. Học giả Hồi giáo lỗi lạc Seyyed Hossein Nasr nhận định: 

Thực tế chỉ ra rằng phần lớn con người trên thế giới chỉ chấp nhận những chuẩn mực đạo đức được xây dựng trên nền tảng tôn giáo. Điều này có nghĩa là trong những trường hợp thực tiễn, chúng ta hãy đưa ra một ví dụ cụ thể, nếu một nhân vật tôn giáo mẫu mực nào đó, như một vị giáo sỹ mulla của Hồi Giáo hoặc giáo sĩ Bà-la-môn ở Ấn Độ hoặc Pakistan, đi đến một làng và nói cho những người trong làng rằng theo quan điểm của luật Hồi giáo Shariah hay luật của Manu của Ấn Độ giáo rằng, mọi người không được chặt cây trong làng thì nhiều người sẽ chấp nhận điều đó. Nhưng nếu một người nào đó tốt nghiệp từ trường đại học Delhi hoặc Karachi, là một công chức nhà nước, đến trình bày những lý do dựa trên lý luận, triết lý và khoa học rằng, không nên chặt cây thì sẽ có ít ai nghe theo lời khuyên của anh ta.[28]     

Trong thực tế, những người lãnh đạo tôn giáo khôn ngoan và khiêm tốn luôn ý thức rằng, cho dù họ có được sự tin tưởng và lòng trung thành từ phía người dân, thì họ cần phải biết cộng tác với các chuyên gia với những kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực khoa học. Các chuyên gia đóng vai trò giúp trình bày những thông tin khoa học đúng đắn, cũng như giúp định hướng các chính sách và hoạt động bổ ích và hiệu quả cho cộng đồng. Điều này đã được chứng minh rõ ràng trong Thông điệp về môi trường Laudato Si của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Chương đầu tiên trong thông điệp trình bày về thực trạng suy thoái của hệ sinh thái dựa trên sự đồng thuận của khoa học hiện đại liên quan đến cuộc khủng hoảng.

Vì thế, khi Tổng thư ký Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới yêu cầu các nhà lãnh đạo tôn giáo hợp tác trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch Covid-19, họ đã rõ ràng nhận ra và công nhận tầm ảnh hưởng lớn lao mà các nhà lãnh đạo tôn giáo có được trên cộng đồng của mình, không chỉ ở trong phạm trù tôn giáo và tâm linh, nhưng còn vượt ra tới những vấn đề mang tính thế sự. Quan sát cho thấy các hoạt động mang tính tiếp cận cộng đồng của tôn giáo không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đoàn các tín đồ, nhưng còn ảnh hưởng tích cực đến toàn xã hội. Trong văn kiện gửi đến các nhà lãnh đạo tôn giáo, WHO đã khẳng định rằng, “Các nhà lãnh đạo tôn giáo là những cầu nối quan trọng tạo nên mạng lưới an toàn cho những người dễ bị tổn thương trong phạm vi cộng đoàn đức tin của họ cũng như cộng đồng rộng lớn hơn.”[29]

Vì thế, trong nỗ lực trình bày những thông tin chính xác cho cộng đồng,          

Các nhà lãnh đạo đức tin cũng có trách nhiệm đặc biệt trong việc chống lại và giải quyết những thông tin sai lệch, những giáo huấn lầm lạc và những tin đồn có thể lan truyền nhanh chóng và gây ra thiệt hại to lớn cho đời sống con người. Các bài giảng và thông điệp có thể được xây dựng dựa trên những thông tin căn cứ theo sự thật được cung cấp bởi WHO và các cơ quan y tế cộng đồng có thẩm quyền của quốc gia hoặc địa phương. Những thông tin này cũng cần phải phù hợp giáo huấn và thực hành theo truyền thống đức tin tương ứng của tôn giáo đó. Các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể thực hiện việc hướng dẫn theo cách thức và ngôn ngữ mà tất cả các thành viên trong cộng đồng của họ đều có thể hiểu được.[30]

Ngoài việc thỉnh cầu các nhà lãnh đạo tôn giáo giúp chống lại nạn thông tin sai lệch và bóp méo thông tin, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc António Guterres còn kêu gọi họ “khuyến khích tất cả các cộng đồng thúc đẩy bất bạo động và từ chối bài ngoại, phân biệt chủng tộc và tất cả các hình thức khác liên quan đến việc phân biệt đối xử.”[31] Chia sẻ cùng một tinh thần giống như WHO và Gutteres, Chủ tịch Khóa họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, ông Tijjani Muhammad Bange bày tỏ trong một tuyên bố vào ngày 12/5/2020 rằng:

Với sự nguy hiểm chưa từng có của đại dịch Covid-19 và tác động tàn phá khủng khiếp của nó đối với các cộng đồng và quốc gia trên toàn thế giới, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các tổ chức đức tin sẽ đóng một vai trò lớn hơn nữa trong việc cứu sống và giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh. Trong thời gian này, chúng tôi nhờ vào họ để chia sẻ thông tin đáng tin cậy và cùng họ đứng lên chống lại các tin đồn, bạo lực, kích động sự thù ghét, cũng như trợ giúp những nhu cầu thiết yếu cho những người dễ bị tổn thương trong xã hội.[32]

Để cộng tác vào nỗ lực chống lại nạn thông tin giả và thông tin sai lệch lan tràn khắp nơi, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo đã tìm cách truyền bá thông tin đúng đắn và hữu ích được cung cấp bởi các chuyên gia. Mạng xã hội đã trở nên công cụ thiết yếu cho hoạt động này, vì vào thời điểm các nơi thờ tự bị đóng cửa thì mạng xã hội là nơi mà các nhà lãnh đạo tôn giáo chắc chắn sẽ tìm thấy các thành viên trong cộng đồng của họ. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chia sẻ bài phát biểu từ trang web của ngài trên tài khoản Twitter của mình. Một phần của bài phát biểu này nhắc nhở mọi người rằng:

Cuộc khủng hoảng này cho thấy rằng tất cả chúng ta phải lãnh lấy trách nhiệm ở những nơi mà chúng ta có thể. Chúng ta phải phối hợp với sự can đảm của các bác sĩ và y tá mà họ đang thể hiện với khoa học thực nghiệm để bắt đầu xoay chuyển tình thế này cũng như bảo vệ tương lai của chúng ta khỏi những mối đe dọa như vậy.”[33]

Thật vậy, những nhà lãnh đạo tôn giáo nào hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của đại dịch đều nhắc nhở mọi người, để vượt qua dịch bệnh do vi-rút corona không chỉ phụ thuộc vào đức tin mà thôi, mà cần có những hành động mang tính khoa học rõ ràng và đúng đắn. Do đó, trong một video đăng trên kênh YouTube vào tháng 8 năm 2020, vị Giáo sĩ Hồi giáo Ismail Menk đã phát biểu thẳng thắn rằng:

Không ai qua đời ngoại trừ khi họ nhận được chiếu chỉ của Đấng Allah. Chúng ta biết điều đó. Nhưng đồng thời, chúng ta được dạy phải hết sức, hết sức cẩn thận với Covid-19. Chúng ta được dạy phải đề phòng. Chúng ta được dạy phải có trách nhiệm và chúng ta nên … thực hiện điều đó một cách nghiêm túc! Thực hiện nó một cách nghiêm túc không phủ nhận đức tin của bạn vào Đấng Allah ... Bạn đề phòng cẩn thận với vi-rút corona, sau đó bạn hãy tin cậy vào Allah. Bạn không thể chỉ nói, "Tôi tín thác vào Allah" và sau đó bạn làm theo ý bạn muốn. Điều đó thật là ngu ngốc! Thật là dốt nát! Đó là đỉnh cao của sự thiếu hiểu biết, ngay cả khi những người đàn ông với những bộ râu (ám chỉ các giáo sĩ) có nói điều đó với bạn. Đó là đỉnh cao của sự thiếu hiểu biết khi nói, "Đừng làm bất cứ điều gì với Covid-19!"[34] 

Những lời khuyến cáo từ các nhà lãnh đạo tôn giáo, như Giáo sĩ Ismail Menk đã thể hiện trong video được đăng trên nền tảng YouTube, đóng vai trò thiết yếu đối với nỗ lực đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Tại ngôi đền Neasden nổi tiếng của người Ấn giáo ở Anh, vị ẩn sĩ trưởng giáo Yogvivekdas Swami trong những tháng đầu của đại dịch đã phát sóng các nghi lễ Ấn giáo vào mỗi buổi tối. Sau khi phần nghi lễ kết thúc, vị giáo trưởng dành thêm 10 phút để trình bày ngắn gọn cho khán giả đang xem trực tuyến (6.000-10.000 người) về tin tức và thông tin liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Từng là một bác sĩ hành nghề trước khi gia nhập đời sống tu trì, ẩn sĩ Yogvivekdas Swami có thể linh động giữa việc trình bày thông tin khoa học y tế nhằm hướng dẫn sức khỏe cộng đồng với việc giảng dạy giáo lý Ấn giáo. Trong một lần phát sóng, ẩn sĩ Yogvivekdas Swami nhắc nhở các tín đồ đang theo dõi trên mạng xã hội bằng tiếng Gujarati rằng, “Bây giờ không phải là lúc để triết học hóa hoặc áp dụng sai các ý tưởng kinh thánh; bây giờ là lúc chúng ta phải làm theo hướng dẫn của chính quyền, vì thực sự đó là mong muốn của các bậc guru và của Chúa chúng ta."[35]

Ấn sĩ Yogvivekdas Swami cho thấy phương cách của ngài không khác biệt với các nhà lãnh đạo Ấn giáo khác trong việc sử dụng vị trí và chức năng của mình để truyền thông với các tín đồ. Họ luôn trình bày một thông điệp đa chiều bao gồm kêu gọi các tín đồ suy tư cầu nguyện, đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau, cũng như hành xử đúng đắn trong việc tuân thủ các biện pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. Tại Ấn Độ, nhà lãnh đạo Ấn giáo nổi tiếng là Giáo sĩ HH Mahant Swami Maharaj đã đăng lên YouTube một video để kêu gọi những người theo Ấn giáo thực hành tất cả những điều cần thiết theo khuyến nghị của các chuyên gia cũng như thực hiện lòng đạo đức, duy trì niềm tin kiên định vào Chúa và duy trì sự hợp nhất.[36]

Qua những sự việc đã trình bày ở trên, chúng ta thấy trong mọi truyền thống tôn giáo, các nhà lãnh đạo tâm linh đã sử dụng các nền tảng truyền thông mạng xã hội để kêu gọi trách nhiệm cá nhân và công dân để khắc phục các vấn đề của đại dịch, nhưng cũng không quên tận dụng cuộc khủng hoảng để suy tư, thay đổi lối sống và đạt được sự thăng tiến trong đời sống tâm linh.

 

5. Truyền đạt những hành động chuẩn mực

 

Tại Việt Nam, khi làn sóng vi-rút corona lần đầu tiên diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2020, toàn bộ các nhà thờ Công giáo đã bị đóng cửa để phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc nỗ lực đẩy lùi loại vi-rút nguy hại này. Không khác những gì được chứng kiến trên khắp toàn thế giới, các Thánh lễ được phát sóng trên mạng, đặc biệt là hai nền tảng thịnh hành nhất tại Việt Nam, đó là Facebook và YouTube. Trong một số Thánh lễ trực tuyến, chúng ta thấy các vị chủ tế, cho dù là giám mục hay linh mục, vẫn đeo khẩu trang, mặc dù ngài không đứng gần những người thừa tác viên đang phục vụ trong Thánh lễ. Vì là Thánh lễ trực tuyến nên trong các hàng ghế cách xa cung thánh cũng chỉ có một ít người tham dự. Trong những tháng đầu của đại dịch, việc đeo khẩu trang vẫn còn là điều mới lạ so với không ít người. Bên cạnh đó, hành động che nửa mặt của vị chủ tế trong một nghi lễ trang trọng có vẻ như kỳ quặc và không mấy cần thiết, vì chủ tế dường như không có nguy cơ bị nhiễm vi-rút từ người khác hoặc sẽ lây lan nó cho bất kỳ người nào.

Trước hành động đeo khẩu trang của các vị chủ tế trong các Thánh lễ trực tuyến đã có một số người đặt câu hỏi nhất thiết phải thận trọng tới mức như vậy không. Trên một số diễn đàn mạng xã hội cũng có bàn luận về hành động này. Dựa trên những ý kiến thu thập được, có thể nhận thấy rằng, đại đa số người phát biểu cho rằng, xét về mặt nguy cơ lây nhiễm thì vị chủ tế trong Thánh lễ không nhất thiết phải đeo khẩu trang trong khi cử hành nghi thức. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang của các ngài không hẳn để ngăn ngừa lây bệnh, mà còn có mục đích truyền đạt và làm gương sáng về cách hành xử chuẩn mực cho các tín hữu. Qua hành động của mình, các ngài muốn khuyến khích giáo dân tích cực đeo khẩu trang khi đi lại, giao tiếp với người khác trong sinh hoạt hằng ngày. Các ngài biết rằng một số tín hữu có thể bất cẩn trong vấn đề phòng ngừa dịch bệnh, hoặc có ác cảm với việc đeo khẩu trang, nhất là khi đi dự lễ. Bằng cách đeo khẩu trang trong các cử hành phụng vụ, các vị mục tử muốn khẳng định tính đúng đắn của việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, cho dù là trong nhà thờ hay bất cứ nơi nào khác. Đối với những bàn thảo trên các diễn đàn mạng xã hội thì các vị mục tử không tham gia hay đưa ra bất kỳ bình luận nào, nên chúng ta không thể xác định chủ ý thực sự của các ngài. Tuy nhiên, một điều mà chúng ta có thể khẳng định được là nhiều người xem đã giải thích hành động của các vị mục tử theo hướng tích cực. Họ tin rằng, qua hành động đeo khẩu trang khi cử hành phụng vụ, các ngài muốn truyền đạt thông điệp cho các tín hữu về cách hành xử chuẩn mực trong hoàn cảnh đại dịch.

Không chỉ riêng Việt Nam, nhưng tại Thái Lan nơi mà đa số người dân theo đạo Phật giáo Nam Tông, các nhà sư Phật giáo cũng luôn đeo khẩu trang khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông hay trong đời thực. Cho dù các ngài đang chủ trì một buổi cầu nguyện, thuyết pháp, cử hành nghi lễ hay đi khất thực vào mỗi sáng trên những con đường vòng quanh các thị trấn và làng mạc, thì các vị sư luôn đeo khẩu trang và thậm chí thêm một tấm chắn che mặt. Trên mạng, người ta còn có thể thấy những tấm ảnh chụp các bức tượng Đức Phật đang đeo khẩu trang cũng như những bức tranh vẽ các nhà sư và các phật tử đeo khẩu trang khi họ cùng tham gia các nghi lễ. Những hình ảnh này giúp tuyên truyền và củng cố ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng trong thời kỳ dịch bệnh. Chúng cũng giúp truyền tải cho mọi người về “tính bình thường” của việc đeo khẩu trang và sự cần thiết để thực hiện các hành động đã được khuyến nghị, nhằm giúp ngăn ngừa sự lây lan của vi-rút. So với một số nơi trên thế giới, việc đeo khẩu trang đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như các tín đồ tại Việt Nam và Thái Lan không phải là một vấn đề gây tranh cãi. Mọi người thích ứng với hoàn cảnh một cách dễ dàng và nghiêm túc, được phản ánh thông qua cách thức mà họ xuất hiện trước công chúng cũng như trên mạng. Ngược lại, chúng ta thấy ở một số quốc gia trên thế giới, việc đeo khẩu trang dường như là một đề tài gây không ít chia rẽ. Sự bất đồng chính kiến không chỉ được thấy trong thành phần các lãnh đạo chính trị, mà còn ngay cả trong cộng đồng tôn giáo.

 

 

Đánh giá sự hiệu quả

 

Tại thời điểm này, chưa có những nghiên cứu đánh giá một cách có hệ thống về hiệu quả truyền thông mà các nhà lãnh đạo các tôn giáo đã thực hiện liên quan đến đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta cũng không bảo đảm là có một công cụ nào đó có thể đánh giá chính xác dạng hoạt động này vì không dễ dàng gì xem xét một cách đầy đủ tất cả các lãnh đạo tôn giáo ở các cấp độ và nhiều truyền thống tôn giáo, văn hóa ngôn ngữ khác nhau. Bài viết cũng không có ý định đưa ra những nhận xét về tính hiệu quả của việc truyền thông qua mạng xã hội được các lãnh đạo tôn giáo thực hiện trong thời kỳ đại dịch. Ở đây chúng ta chỉ tập trung vào việc phân tích các nội dung truyền thông mà các nhà lãnh đạo tôn giáo truyền tải trên các nền tảng mạng xã hội. Những trình bày ở trên cho thấy các nội dung truyền thông có thể được chia ra thành năm loại khác nhau. Điều này chứng tỏ rằng các nội dung mà các vị lãnh đạo tôn giáo truyền đạt trên mạng xã hội mang tính đa dạng và phức tạp, liên quan đến nhiều khía cạnh của cuộc sống người dân, kể cả về mặt tâm linh lẫn xã hội.

Truyền thông được thực hiện bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo đã giải quyết những vấn đề tâm linh nảy sinh từ đại dịch, cũng như khẳng định sự hiện diện của các ngài trong cuộc sống của các tín đồ một cách gần gũi, liên tục. Nội dung truyền thông của các lãnh đạo tôn giáo cho thấy rõ ràng sự khác biệt giữa lối truyền thông của họ với các hoạt động truyền thông được thực hiện bởi các nhà lãnh đạo chính trị, xã hội hoặc các nhà khoa học. Khác với các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người này thường chỉ tập trung vào việc đưa ra các thông tin khoa học nhắm đến những cách thức để kiểm soát và chiến đấu chống lại đại dịch. Tuy nhiên, họ không tìm cách để tiếp cận với đời sống nội tâm của các tín đồ cũng như duy trì sự liên kết và hiệp thông giữa hoàn cảnh cô lập và cách ly.      

Mặc dù không thể kiểm tra được mức độ hiệu quả của việc các nhà lãnh đạo tôn giáo sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, nhưng hiệu quả trong việc truyền thông có thể sẽ gia tăng nếu những người làm truyên thông cân nhắc đến các vấn đề sau:

 

1.     Kiên định trong các chiến lược truyền thông: Các tín đồ nên biết họ có thể mong đợi điều gì từ phía các vị lãnh đạo của mình về mặt nội dung và thông điệp mà các ngài tải lên mạng. Ngoài ra, họ cũng cần tự tin vào mức độ chính xác của thông tin mà họ tiếp cận. Ví dụ như tại đền thờ Ấn giáo Neasden, cùng với việc cử hành các nghi lễ tôn giáo, vị ẩn sĩ trưởng giáo Yogvivekdas Swami đã rất trung thành trong việc cung cấp “ngắn gọn” những tin tức hằng ngày. Ngài giúp các tín đồ nhận ra giá trị của việc xem các chương trình phát sóng của ngài; đó là không chỉ nuôi dưỡng đời sống tâm linh mà còn tìm thấy những kiến thức bổ ích giữa mùa dịch bệnh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng Ấn giáo tại Anh vì nhiều thành viên trong cộng đồng là người cao niên. Họ không có đủ vốn liếng tiếng Anh để theo dõi và nắm rõ thông tin từ các kênh tiếng Anh, nên phải nương tựa vào ngài Yogvivekdas Swami để cập nhật thông tin thường xuyên bằng ngôn ngữ mẹ đẻ mà họ có thể hiểu được.

Trong lối truyền thông mang tính xuyên văn hóa của Đức Đạt Lai Lạt Ma, chúng ta thấy rõ chiến lược của ngài để thu hút khán giả đến từ nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Những người theo dõi Đức Đạt Lai Lạt Ma trên Twitter luôn biết rằng mỗi liều thuốc linh dược mà ngài chia sẻ với mọi người luôn là những thứ bổ ích cho đời sống tinh thần bất kỳ họ là người có tôn giáo hay không theo tôn giáo. Đối với vị Giáo sĩ Hồi giáo Menk, chiến lược truyền thông bằng lối nói bình dân, nhẹ nhàng và đề cập đến nhiều vấn đề thời thượng giúp cho những giáo huấn mà ngài truyền đạt thu hút được số lượng lớn khán giả ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả thế hệ trẻ. Ngoài ra, các video clip của ngài cũng thường ngắn gọn, phù hợp với thị hiếu của người dùng internet thời nay.

 

2.     Cập nhật thông tin chính xác về các khía cạnh của vấn đề để nắm chắc tình hình: Nếu các nhà lãnh đạo tôn giáo không chuyên cần tìm hiểu cẩn thận về những vấn đề thời đại và cập nhật các diễn biến mới nhất, họ dễ dàng trở thành nguồn cội của những thông tin sai lạc và xuyên tạc. Điều này vô cùng nguy hiểm khi xét đến vị thế quan trọng của họ trong các cộng đồng đức tin. Đáng tiếc thay, từ Bắc Mỹ cho đến châu Phi, chúng ta thấy rằng có nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo đã trở thành nguồn cung cấp thông tin sai lạc trực tuyến cũng như ngoại tuyến. Mục sư Chris Oyakhilome thuộc Hội Thánh Tin Lành LoveWorld Incorporated tại vùng Lagos thuộc Nigeria là một ví dụ cụ thể. Trong một bài giảng trên mạng xã hội YouTube, vị mục sư này đã thuyết giáo rằng nguyên do gây ra đại dịch Covid-19 là công nghệ 5G được giới thiệu thời gian gần đây. Ngoài ra, thứ vắc-xin mà người ta đang kêu gọi mọi người tiêm thực ra nằm trong âm mưu thiết lập một trật tự thế giới mới do những người chống lại Chúa Kitô dẫn đầu.[37] Vào tháng 9 năm 2020, Tổng Giáo phận Denver thuộc tiểu bang Colorado của Hoa Kỳ đã mở một cuộc điều tra Linh mục Daniel Noland sau khi Cha Daniel xuất hiện trên YouTube và quả quyết với người Công giáo rằng: “Tôi khuyến khích tất cả mọi người không phải mang khẩu trang gì cả. Và tôi bảo cho anh chị em hay: đừng vâng lời Đức Giám mục, đừng vâng lời vị thống đốc [tiểu bang]. Đó là điều tôi khẳng định với anh chị em.”[38] Theo Cha Daniel, mang khẩu trang “đi ngược lại với việc bảo vệ sức khỏe, trái với lẽ thông thường, và chống lại lợi ích chung.”

Không cần phải bàn cãi, trong vai trò phục vụ cộng đồng, các nhà lãnh đạo tôn giáo sẽ thực hiện trách vụ này một cách hữu hiệu hơn khi họ lưu tâm đến các thông tin khoa học và sử dụng bục giảng để truyền đạt những thông tin chính xác cho các tín đồ. Rất may khi bên cạnh những tiếng nói lệch lạc bắt nguồn từ một số lãnh đạo tôn giáo, còn có những người biết sử dụng các phương cách và sự ảnh hưởng của mình để giúp đẩy lùi dịch bệnh. Ở một số nơi, người ta thấy các vị chủ trì đền thờ Hồi giáo dùng những chiếc loa phóng thanh không chỉ để kêu gọi mọi người cầu nguyện, nhưng còn để phổ biến các thông tin quan trọng về sức khỏe cho cộng đồng.[39] Ngày nay, các lãnh đạo tôn giáo không chỉ còn có hệ thống âm thanh của nhà thờ hay đền thờ, mà còn có các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận với hàng trăm triệu người mỗi ngày. Tuy nhiên, những người thực hiện việc truyền thông cần hiểu biết về các vấn đề mà họ bàn tới. Đặc biệt, họ phải tránh lấy thông tin từ những nguồn cung cấp tin giả, tin xuyên tạc, hoặc những tổ chức chủ trương tung ra các thuyết âm mưu nhằm gây xáo trộn trong xã hội. Nếu không thận trọng và ý tứ trong cách truyền thông, chắc hẳn các nhà lãnh đạo tôn giáo sẽ gây tác hại không nhỏ đến cộng đồng, nhất là trong cộng đồng tín đồ của họ.

 

3.     Hoạt động tích cực trên các mạng truyền thông xã hội: Truyền thông mạng xã hội là một thế giới hết sức phức tạp, năng động, luôn thay đổi. Môi trường mạng xã hội luôn có vô số nội dung liên tục cạnh tranh với nhau nhằm thu hút sự chú ý của người dùng. Vì thế để nhận được sự quan tâm trên mạng xã hội đòi hỏi người làm truyền thông phải hiện diện một cách tích cực và liên tục. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thỉnh thoảng lên mạng để đăng tải thông điệp hoặc video clip sẽ khó có thể mong chờ có được nhiều lượt xem, trừ khi họ có mạng lưới phân bố rộng rãi có thể giúp nhân rộng lượng người tương tác với nội dung. Nếu các nhà lãnh đạo tôn giáo không hoạt động hoặc hoạt động lác đác trên mạng thì sẽ ít được mọi người biết đến, đồng thời nội dung đăng tải không có nhiều tương tác và tầm ảnh hưởng.

Dĩ nhiên, các nhà lãnh đạo tôn giáo không phải là những nhà kinh doanh, họ sẵn sàng đầu tư công sức, thời gian và tài chánh để quảng bá các dịch vụ hay hàng hóa. Tuy nhiên, thực tế nếu các nhà lãnh đạo tôn giáo muốn lôi cuốn số lượng lớn người xem và nhiều khán giả trung thành, họ phải sẵn sàng đầu tư những gì cần thiết để cho nội dung của họ không bị đắm chìm giữa bao thứ nội dung khác đang được đăng tải lên mạng xã hội trong từng giây phút. Cơ hội được “trending” trên mạng xã hội dẫn đến việc được có thêm nhiều lượt chia sẻ phần lớn phụ thuộc vào mức độ hoạt động của cá nhân hoặc doanh nghiệp đó trên mạng xã hội. Thừa nhận các nhà lãnh đạo tôn giáo không phải là người làm kinh tế, nên họ không cảm thấy áp lực phải cạnh tranh với các đối thủ để sinh tồn trong thế giới mạng. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng mục đích của bất kỳ quá trình truyền thông xã hội nào cũng là để tiếp cận khán giả nhiều nhất có thể. Mục tiêu này sẽ đạt được kết quả tốt hơn nếu người làm truyền thông thấu hiểu về tính chất của mạng xã hội, cách vận hành các nền tảng khác nhau, và cầu tiến trong việc tận dụng công nghệ để truyền tải những thông điệp bổ ích cho cộng đồng.

 

***

 

Cách thức mà các nhà lãnh đạo tôn giáo sử dụng phương tiện truyền thông mạng xã hội như một công cụ giao tiếp trong đại dịch Covid-19 cho thấy hình thức giao tiếp này có thể không chỉ là một phương pháp tạm thời để thích ứng với hoàn cảnh hiện tại cho đến khi thế giới trở lại “bình thường.” Trên thực tế, có nhiều dấu chỉ cho thấy thế giới sẽ không trở lại như lúc dịch bệnh chưa bùng phát sau những tác động to lớn mà cuộc khủng hoảng đã gây ra đối với hệ thống kinh tế, chính trị và xã hội toàn cầu. Phương tiện mạng xã hội mà các lãnh đạo tôn giáo đã dùng như một công cụ truyền thông trong thời đại dịch sẽ còn tiếp tục đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động truyền thông trong tương lai gần cũng như tương lai xa. Vì thế, các nhà lãnh đạo tôn giáo gần đây đã làm quen với mạng xã hội nên tiếp tục sử dụng một cách thuần thục cách thức truyền thông mới này nhằm giữ được sự liên kết với các tín đồ và với thế giới một cách sâu rộng hơn.

Cho dù đại dịch có qua đi, thật khó để mọi thứ có thể trở lại bình thường như trước đây. Bằng chứng cho thấy rằng những thói quen mà mọi người vẫn hay làm trong thời đại dịch, kể cả thói quen sử dụng internet, sẽ tiếp tục kéo dài ngay cả khi các lệnh cấm và những hạn chế nghiêm ngặt được bãi bỏ. Điều hợp lý đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo đã làm quen với các phương tiện truyền thông suốt thời đại dịch Covid-19, thì họ nên tiếp tục khám phá những phương cách mới để kết hợp công nghệ kỹ thuật số vào trong công việc, nhất là để giao tiếp và liên lạc với những người trong và ngoài cộng đoàn của họ.

Do đó, các nhà lãnh đạo tôn giáo sẽ không chỉ vào mạng internet để theo dõi tin tức hằng ngày, xem các sự kiện xảy ra trên thế giới, mà còn phải hiểu rõ về chính công cụ truyền thông này trong đời sống và sứ vụ của họ. Trong những năm gần đây, nhiều học giả tôn giáo và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã bắt đầu suy tư và phản ánh một cách có hệ thống hơn về mối tương quan giữa công nghệ kỹ thuật số và đời sống đức tin. Chắc chắn rằng, tình hình thực tế của đại dịch đã chứng minh công nghệ kỹ thuật số không chỉ là một công cụ mà còn là nhu cầu thiết yếu đối với hoạt động và đời sống tôn giáo. Thực trạng này đòi hỏi các lãnh đạo tôn giáo phải tích cực suy tư nhằm định hình cách thức mà họ sẽ sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong tương lai.


[1] Vatican News, “Bài giảng của ĐTC trong giờ cầu nguyện và ban phép lành Urbi et Orbi,” (27/3/2020), https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-03/dtc-phanxico-bai-giang-trong-gio-cau-nguyen-phep-lanh-urbi-et-or.html

[2] “Dalai Lama to “Tweet” on Tibet,” (23/2/2020), https://www.dalailama.com/news/2010/dalai-lama-to-tweet-on-tibet/amp

[3] https://twitter.com/DalaiLama/status/1214132094646935552

[4] “Pope Francis breaks speed record on Instagram,” Cathnews (4/4/2016),

https://cathnews.com/cathnews/24768-pope-breaks-speed-record-on-instagram.

[5] UN Secretary-General Remarks, 13/5/2020, https://foreignaffairs.co.nz/2020/05/13/mil-osi-united-nations-shared-vulnerability-to-covid-19-reveals-common-humanity-secretary-general-tells-faith-leaders-stressing-their-key-role-in-fighting-intolerance-disinformation/.

[6] Ibid.

[7] WHO, “Practical considerations and recommendations for religious leaders and faith-based communities in the context of Covid-19,” (7/4/2020).

[8] Daniele Orso et al., “Infodemic and the Spread of Fake News in the Covid-19 Era,” European Journal of Emergency Medicine (20/3/2020): 1

[9] Jackied Powder, “Covid-19 Myths vs. Realities,” John Hopkins Bloomberg School of Public Health (20/3/2020), https://www.jhsph.edu/covid-19/articles/coronavirus-facts-vs-myths.html.

[10] Danish Siddiqui, “Hindu group offers cow urine in a bid to ward off coronavirus,” Reuters (14/3/2020), https://www.reuters.com/article/us-health-coronavirus-india-cow-urine-pa/hindu-group-offers-cow-urine-in-a-bid-to-ward-off-coronavirus-idUSKBN2110D5

[11] Rozina Sini and Armen Shabhbazian, “Coronavirus: Iran holy-shrine-lickers face prison,” BBC (3 March 2020), https://www.bbc.com/news/blogs-trending-51706021

[12] “Fake News in the time of Covid-19,” UNESCO (1/6/2020), https://bangkok.unesco.org/index.php/content/press-provides-antidote-fake-news-time-covid-19

[13] Carol Glatz, “Pope Francis: Priests should be ‘shepherds living with the smell of the sheep,” The Catholic Telegraph (28/3/2013), https://www.thecatholictelegraph.com/pope-francis-priests-should-be-shepherds-living-with-the-smell-of-the-sheep/13439

[14] Rebecca Irons, “God’s daily briefings: Religious leadership in a global pandemic,” Medical Anthropology at UCL (19/5/2020), https://medanthucl.com/2020/05/19/gods-daily-briefings-religious-leadership-in-a-global-pandemic/#_edn2

[15] “Vicar of Christ,” New Advent Catholic Encyclopedia, https://www.newadvent.org/cathen/15403b.htm

[16] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1548.

[17] Randall L. Nadeau, Asian Religions: A Culture Perspective (Oxford: UK, John Wiley & Sons, Ltd, 2014), 181.

[18] Pope Francis, Strong in the Face of Tribulation: A Sure Support in Time of Trial (Vatican: Libreria Editrice Vaticana, 2020), 99.

[19] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Strong, 162.

[20] Dalai Lama, “A special message from His Holiness the Dalai Lama,” (30 March 2020), https://www.dalailama.com/news/2020/a-special-message-from-his-holiness-the-dalai-lama

[21] Dalai Lama, https://twitter.com/DalaiLama/status/1292755129410625538.

[22] Mélinée Le Priol, “Islam and coronavirus: trial or punishment?” LaCroix International (25/04/2020), https://international.la-croix.com/news/religion/islam-and-coronavirus-trial-or-punishment/12240#

[23] Omar Ricci, “Friday Khutba: Omar Ricci - Alhamdulilah for the Coronavirus 03.2020,” YouTube (14/8/2020), https://www.youtube.com/watch?v=N0pDFtFcU2o

[24] “Hinduism and the practice of faith,” Khan Academy (2020), https://www.khanacademy.org/humanities/art-asia/beginners-guide-asian-culture/hindu-art-culture/a/hinduism-and-the-practice-of-faith

[25] CSL, số 7.

[26] Shreya Ganguly, “Religious services startups help devotees seek divine intervention online amid coronavirus lockdown,” Your Story (5/4/2020), https://yourstory.com/2020/04/coronavirus-demand-online-puja-religious-startups-soars-covid-19

[27] “How do you feel while attending Mass online?” Sunday Examiner (20/3/2020), http://www.examiner.org.hk/2020/03/20/how-do-you-feel-while-attending-mass-online/features/noticeboard/

[28] S.H. Nasr, “Religion and the Environmental Crisis,” trong The Essential Seyyed Hossein Nasr, ed. W.C. Chittick (Bloomington: World Wisdom Inc., 2007), 31.

[29] WHO, “Practical considerations.”

[30] Ibid.

[31] UN Secretary General Remarks, 13/5/2020.

[32] H.E. Tijjani Muhammad Bange, “The role of religious leaders in addressing the challenges of Covid-19,” https://www.un.org/pga/74/2020/05/12/the-role-of-religious-leaders-in-addressing-the-challenges-of-covid-19/

[33] The Dalai Lama, “Why we need to fight the coronavirus with compassion.”

[34] Mufti Ismail Menk, “He infected me with the virus! A new crisis,” YouTube (12/8/2020), https://www.youtube.com/watch?v=9nqhEUwfiL0

[35]Irons, “God’s daily briefings.”

[36] Mahant Swami, “Coronavirus Public Announcement,” YouTube (15/03/2020), https://www.baps.org/News/2020/Global-Activities-Ongoing-Update---Coronavirus-Public-Announcement-18578.aspx

[37] Nwachukwu Egbunike, “Nigerian pastor spreads Covid-19 conspiracies and disinformation,” Global Voices (15/5/2020), https://globalvoices.org/2020/05/15/nigerian-pastor-spreads-covid-19-conspiracies-and-disinformation/#

[38] JD Flynn, “Church officials evaluating priest who told Catholics to ‘disobey’ bishop on mask wearing,” Catholic News Agency (2/9/2020), https://www.catholicnewsagency.com/news/denver-archdiocese-fssp-evaluating-priest-who-told-catholics-to-disobey-bishop-on-mask-wearing-59756

[39] UNICEF, “Religious leaders play key role in battle against Covid-19,” UNICEF (24/5/2020), https://www.unicef.org/rosa/stories/religious-leaders-play-key-role-battle-against-covid-19

 

church-kts-1706226649.jpeg

Chương 1: Bối cảnh xã hội và mục vụ

Chương 2: Thần học và mục vụ truyền thông

Chương 3: Ứng phó mục vụ

Chương 4: Hướng đến thần học mạng

Chương 5: Đối thoại liên tôn

Chương 6: Giao thoa văn hóa

Chương 7: Xây dựng tình hiệp thông qua trung gian mạng

Chương 8: Lãnh đạo tôn giáo với truyền thông mạng xã hội

Chương 9: Mục vụ và CNTT-TT trong và sau thời đại dịch

Chương 10: Mạng xã hội với mục vụ di dân

Chương 11: Tôn giáo với tương lai kỹ thuật số


Chia sẻ