Skip to content
Top banner

MẠNG XÃ HỘI VỚI MỤC VỤ DI DÂN

COMMUNICATION-THEOLOGY
2024-03-03 17:27 UTC+7 268

SỨ VỤ CỦA GIÁO HỘI Trong Kỷ Nguyên Kỹ Thuật Số

Mission of the Church in the Digital Age

LM Anthony Lê Đức, SVD

 

MẠNG XÃ HỘI VỚI MỤC VỤ DI DÂN

Các yếu tố khiến người Việt Nam đến sống tại Thái Lan

Bên lề xã hội tại Thái Lan

1. Cách gọi người lao động nhập cư

2. Khó khăn về kinh tế

3. Chi phí nặng nề cho việc làm bất hợp pháp

4. Thiếu thốn trong đời sống tinh thần

5. Bắt giữ và trục xuất

Khốn khó trong thời đại dịch Covid-19

Người di dân với mạng xã hội

Mạng xã hội trong thời kỳ đại dịch Covid-19

Các vấn đề cần quan tâm

1. Thiếu sự giám sát của người lớn trong việc sử dụng mạng xã hội

2. Thiếu sự kiểm soát và điều tiết

3. Sử dụng mạng xã hội không đúng cách

4. Thiếu thẩm quyền để xác minh thông tin

Những điều cần lưu ý

 

Vào tháng 4 năm 2020, trong thời gian cao điểm của làn sóng đầu tiên của đại dịch Covid-19 ở Thái Lan, chính phủ đã ra lệnh phong tỏa trên toàn quốc với giờ giới nghiêm được ban hành bắt đầu từ 7 giờ mỗi tối. Một ngày nọ, tôi nhận được tin nhắn qua ứng dụng Facebook Messenger từ một di dân lao động trẻ Việt Nam sống ở vùng đông bắc Thái Lan. Tài khoản Facebook của người nhắn tin tên H. quen thuộc đối với tôi, vì trước đây khi tôi quản nhiệm một giáo xứ ở tỉnh Nong Bua Lamphu thì H. đã từng tham gia trong nhóm sinh hoạt dành cho người Việt trong giáo xứ. Trong tin nhắn, H. nói với tôi rằng vợ anh vừa sinh con được vài ngày. Họ buộc phải sinh con ở Thái Lan vì không kịp hồi hương về huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trước khi lệnh phong tỏa được ban hành. Nhưng không may, đứa trẻ không chỉ sinh non mà còn có vấn đề về hô hấp, nên phải được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện trung tâm ở tỉnh Udon Thani.

Như hầu hết những người Việt Nam đang lao động tại Thái Lan, H. và vợ của anh nhập cảnh theo diện du lịch và tiếp tục cư trú như là những người du lịch nước ngoài suốt thời gian mưu sinh tại đất nước này. Vì được xem là khách du lịch nước ngoài nên khi nhập viện, bệnh viện áp dụng mức phí khác với mức phí dành cho người bản xứ, theo luật là gấp đôi phí bình thường. Vì thế, mặc dù được điều trị tại bệnh viện nhà nước, nhưng chỉ riêng tiền viện phí trong hai ngày đầu tiên đã gần bằng số tiền H. có thể kiếm được trong một năm lao động vất vả ở Thái Lan. H. chia sẻ với tôi rằng, trong hoàn cảnh hiện tại, anh không có cách nào có thể thanh toán được các chi phí nên rất cần được giúp đỡ. Vì H. biết tôi đã từng đăng tin về những trường hợp người Việt tại Thái Lan qua đời, bị tai nạn, bệnh tật cần sự giúp đỡ trên trang Facebook của tôi, nên H. hỏi tôi, liệu tôi có thể kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng được không.

Sau khi tìm hiểu chi tiết hoàn cảnh khó khăn của hai vợ chồng H., tôi quyết định thực hiện một bài đăng để nhờ sự giúp đỡ từ những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan. Nhưng vì biết rằng giữa lúc đại dịch, nhiều người cũng đang gặp khó khăn nên tiền quyên góp từ cộng đồng sẽ không được nhiều như trước thời dịch bệnh, nên cần phải có thêm những biện pháp khác. Tôi đã liên hệ với chị Ness nhân viên của Tòa giám mục Giáo phận Udon Thani, và chị Fon là người quản lý Trung tâm chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS của Dòng Ngôi Lời tại tỉnh Nong Bua Lamphu, nhờ họ tiếp cận Ban giám đốc bệnh viện, xin giảm giá cho cặp vợ chồng bất hạnh này. Sau một tuần làm việc thì cuối cùng cha mẹ của đứa trẻ sơ sinh đã có thể chi trả viện phí, một phần nhờ vào số tiền quyên góp từ những người xem bài đăng của tôi trên mạng xã hội, và một phần đáng kể nhờ vào sự cảm thông của ban lãnh đạo bệnh viện đã giảm phí điều trị cho bệnh nhân. Đến nay đứa trẻ sơ sinh mà bác sĩ từng cho là khả năng sống sót chỉ 50-50 đã khỏe mạnh. Thỉnh thoảng, tôi thấy H. đăng hình ảnh và video clip của con mình trên Facebook để chia sẻ niềm vui khi thấy con ngày càng lớn khôn.

Câu chuyện về gia đình anh H. minh họa một trong những cách mà người di dân lao động Việt Nam tại Thái Lan (DDLĐVN) – phần lớn trong độ tuổi từ 16 đến 30 – sử dụng mạng xã hội để đối phó và giảm thiểu những khó khăn cũng như giảm bớt cảm giác bị bỏ rơi trong cuộc sống bấp bênh trên xứ người. Bên cạnh đó, câu chuyện cũng cho thấy cách mà những người đồng hành với cộng đồng di dân, đặc biệt những người làm mục vụ di dân, có thể sử dụng mạng xã hội như một công cụ để hỗ trợ cho công việc, đặc biệt là trong những thời điểm khủng hoảng trong đời sống của người di dân.

Câu chuyện được đưa ra ở trên cũng minh họa cách gửi và nhận thông tin qua mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và ứng dụng Messenger của nó đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của DDLĐVN ở Thái Lan. Nghiên cứu chi tiết về các ứng dụng mạng xã hội này cho thấy, mạng xã hội không chỉ là một công cụ giải trí, giao tiếp, chia sẻ về cuộc sống, mà còn là một phương tiện hỗ trợ quan trọng cho đời sống của người di dân, có khi còn ảnh hưởng đến sự sinh tồn của họ nơi xứ người. Vì thế, mạng xã hội không thể thiếu được trong hoạt động của người làm mục vụ di dân nhằm lắng nghe, thấu hiểu, tiếp cận, và tạo nên những hoạt động cần thiết đáp ứng những nhu cầu mục vụ của mỗi cộng đồng di dân.

Trong bài viết này, tôi chỉ trình bày về hoàn cảnh của người DDLĐVN ở Thái Lan, xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân đồng hành với cộng đồng này gần 15 năm qua. Tuy nhiên, tôi tin rằng những gì được thuật lại và bàn tới trong bài viết này sẽ nhận được nhiều sự đồng cảm từ các cộng đồng DDLĐVN tại các quốc gia khác, đặc biệt là tại các quốc gia Á châu, nơi có hàng trăm nghìn DDLĐVN đang sinh sống.

 

Các yếu tố khiến người Việt Nam đến sống tại Thái Lan

 

Hiện tượng toàn cầu hóa đã gây ra mức độ di cư chưa từng có trên khắp thế giới và sẽ tiếp tục diễn ra theo những cách thức phức tạp trong thời gian tới, đặc biệt hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ có những tác động to lớn vào đời sống của người dân ở các quốc gia đang phát triển. Các chuyên gia cho hay, các quốc gia thiếu chính sách để ứng phó hiệu quả với hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khiến cho nhiều người dân phải di cư đến các vùng khác để sinh sống.

Người Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này, đặc biệt với dân số hiện đạt tới gần 100 triệu người, Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Đồng thời, mỗi năm thêm gần một triệu người Việt Nam đến tuổi lao động khiến nhu cầu tạo việc làm đã trở thành vấn đề cấp thiết đối với chính phủ.[1]

Trong hai thập kỷ qua, chính sách khuyến khích lao động xuất khẩu của chính phủ Việt Nam đã dẫn đến một số lượng lớn người Việt Nam rời khỏi đất nước mỗi năm để tìm việc làm ở các nước khác. Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, năm 2011, có trên 500.000 công dân Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.[2] Đến năm 2013, con số đó đã lên tới khoảng 600.000.[3] Riêng năm 2017, có 134.751 người Việt đi lao động ở nước ngoài.[4] Năm 2018, gần 143.000 người đã đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, chủ yếu đến các nước Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.[5] Năm 2019, con số này là 134.482, trong đó Nhật Bản tiếp nhận hơn 80.000 lao động trong khi Đài Loan là điểm đến của 54.480 người.[6] Theo thống kê của Chính phủ Việt Nam, hiện có gần 230.000 người Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan và gần 50.000 người làm việc tại Hàn Quốc.[7] Lao động Việt Nam là nhóm tăng trưởng nhanh nhất tại Nhật Bản, phần lớn họ nhập cảnh vào nước này theo chương trình thực tập sinh kỹ thuật do chính phủ Nhật Bản thiết lập nhằm cung cấp cho đất nước họ nguồn lao động ‘cổ xanh’.[8] Tính đến năm 2020 có 412.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản, đại đa số là công nhân. Người Việt Nam là nhóm người nước ngoài lớn thứ ba ở Nhật Bản sau Trung Quốc và Hàn Quốc.[9] Trong năm 2020 vì tình trạng dịch bệnh nên xuất khẩu lao động dường như bị khựng lại. Tuy nhiên, sang năm 2021 thì số người xuất cảnh ra nước ngoài đã tăng đáng kể, có 29.541 người xuất cảnh chỉ trong ba tháng đầu của năm, hầu hết đi Nhật Bản và Đài Loan.[10]

Việc đưa người Việt Nam đi làm việc tại các quốc gia khác đã có tác động tích cực đến nền kinh tế của đất nước. Trong các năm 2017, 2018 và 2019, người lao động ở nước ngoài đã gửi về nước tổng cộng lần lượt là 13,8 tỷ USD, 15,9 tỷ USD và 16,7 tỷ USD,[11] đóng góp khá lớn vào GDP (tức là tổng sản phẩm quốc nội) hàng năm của đất nước (269,92 tỷ USD vào năm 2019).[12] Tuy nhiên, số liệu thống kê chính thức không thể hiện toàn bộ bức tranh vì có rất nhiều người ra nước ngoài làm việc với visa du lịch hoặc sinh viên. Điều này thường thấy trong trường hợp người Việt Nam đi Úc, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, và hầu như luôn thuộc về trường hợp này khi người Việt đến làm việc ở Thái Lan.

Bên cạnh việc đi ra nước ngoài mưu sinh dưới hình thức du lịch hoặc du học, có những cách thức khác nguy hiểm hơn mà người Việt Nam sử dụng để xuất ngoại. Theo Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc, khoảng 18.000 người Việt Nam bị buôn lậu vào châu Âu mỗi năm qua các đường dây buôn người.[13] Vụ việc 39 thanh niên Việt Nam tử vong trong chiếc xe tải đông lạnh ở Anh khi bị đưa lậu vào nước này năm 2019 đã cho thấy hoàn cảnh của hàng nghìn người Việt Nam sẵn sàng chấp nhận những phương tiện thực sự nguy hiểm để ra nước ngoài kiếm sống.[14] Trong số đó, có không ít người ở tuổi vị thành niên. Mặc dù các quốc gia như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước mà nhiều người Việt rất mong muốn di cư đến để hy vọng có được một tương lai tốt hơn cho bản thân và gia đình về kinh tế, nhưng đó là những nơi mà người Việt lao động bình thường khó mà đến được. Do đó, nhiều người phải chấp nhận tìm đến các nước dễ tiếp nhận họ hơn như Đài Loan, Malaysia, Lào và Thái Lan.

Phần lớn các DDLĐVN ở Thái Lan không có giấy tờ làm việc. Trước thời đại dịch Covid-19, mỗi ngày có rất nhiều xe đò chở người Việt Nam từ các tỉnh sang Lào hoặc Campuchia, sau đó đi đến các tỉnh và thành phố khác nhau ở Thái Lan. Tuy không có con số chính thức về số lượng DDLĐVN ở Thái Lan, nhưng người ta tin rằng trong những thời điểm bình thường, tổng số lên đến hàng chục nghìn.[15] Trên thực tế, con số thực liên tục thay đổi, tùy theo các yếu tố khác nhau, chẳng hạn như tình trạng của nền kinh tế Thái Lan, chính sách của chính phủ Thái Lan với người di dân, hoặc các thời điểm trong năm; ví dụ, rất nhiều người lao động Việt Nam về nước vào dịp Tết Nguyên đán để sum họp với gia đình. Số lượng người Việt sống ở Thái Lan cũng phụ thuộc vào việc chính phủ Thái có ban hành chiến dịch để truy quét lao động nước ngoài bất hợp pháp hay không.

Tại sao người Việt chọn đến lao động ở Thái Lan cũng có rất nhiều lý do. Xét về mặt quốc gia xuất phát, thì theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, khuyến khích công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là một chính sách quan trọng và tích cực của chính phủ vì Việt Nam hiện chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu việc làm trong nước.[16] Đa số DDLĐVN có tay nghề thấp và đến từ nông thôn. Tạo công ăn việc làm cho tất cả những người này là một thách thức khó vượt qua trong hoàn cảnh phát triển của đất nước hiện nay. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trong những năm gần đây, nhưng sự phát triển kinh tế nói chung của Thái Lan vẫn đi trước Việt Nam nhiều năm. GDP bình quân đầu người của Thái Lan năm 2018 gấp ba lần Việt Nam.[17] Trong khi người Việt Nam ra nước ngoài tìm việc làm đến từ mọi vùng miền của đất nước, thì những người đến kiếm sống ở Thái Lan chỉ đến từ một số tỉnh, phần lớn ở nửa phía Bắc Việt Nam, cụ thể là các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hòa Bình. Trong số này, chủ yếu đến từ hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An.

Bên cạnh những yếu tố liên quan đến Việt Nam, ta không thể bỏ qua những lý do chính yếu khiến Thái Lan trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều DDLĐVN. Thái Lan là một trong những nền kinh tế mạnh nhất trong khu vực với GDP bình quân đầu người năm 2019 đứng thứ 4 trong khối ASEAN, hơn Việt Nam 3 bậc. Cho dù nền kinh tế của Thái Lan phát triển hơn Việt Nam nhưng Thái Lan đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực tay nghề thấp. Do sự gia tăng thu nhập cá nhân cũng như gia tăng trình độ học vấn và kỹ năng chuyên môn của người dân Thái Lan, số lượng lao động có kỹ năng thấp đã giảm xuống. Các chủ lao động ngày càng khó tìm được lao động địa phương cho những công việc đòi hỏi lao động nặng nhọc với mức lương thấp, ít ổn định và điều kiện làm việc có khi không an toàn.[18]

Tình hình càng đáng quan ngại hơn khi dân số Thái Lan ngày càng già đi. Theo Ủy ban Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) của Thái Lan, người cao niên (từ 60 tuổi trở lên) vào năm 2020 là 12 triệu người, chiếm 18% tổng dân số. NESDB dự báo số người cao tuổi sẽ đạt 20,42 triệu người, tương đương 31,28% tổng dân số vào năm 2040. Đồng thời, số người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 59 tuổi) cũng giảm tương tự, từ 43,26 triệu năm 2020 xuống 36,5 triệu năm 2040. Con số này giảm từ 65% xuống chỉ còn 56% tổng dân số.[19] Cùng lúc Thái Lan đối mặt với xu hướng giảm dân số trong độ tuổi lao động, nước này vẫn tiếp tục có nhu cầu về lao động để duy trì hoạt động của nền kinh tế.

Đó là những lý do mang tính khách quan, còn về mặt chủ quan thì lao động Việt Nam tại Thái Lan cũng được người chủ Thái ưa chuộng vì có tính nhanh nhẹn, cần cù, ít xin nghỉ. Đối với các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, quán bar, vũ trường… thì các nhân viên phục vụ người Việt được cho là nói được tiếng Thái tốt, có ngoại hình dễ nhìn, làm hài lòng khách hàng.

Ngoài lý do kinh tế của Thái Lan phát triển cao hơn so với Việt Nam, còn có những lý do khác thu hút các DDLĐVN đến nước này. Ví dụ, trong khi quá trình xin việc ở các nước như Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản phải thông qua các công ty môi giới vừa tốn kém vừa mất thời gian, chưa kể đối mặt với nguy cơ bị lừa đảo bởi những cá nhân và công ty vô đạo đức, thì việc sang Thái Lan lại đơn giản và ít rủi ro hơn rất nhiều. Mặc dù mức lương ở các quốc gia Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản khá cao, nhưng không phải ai cũng có đủ số tiền lên tới hàng chục nghìn USD để có được một công việc tại những nước này. Mặt khác, việc sang Thái Lan không phải thực hiện thông qua trung gian. Khoảng 15-20 năm trước, khi làn sóng DDLĐVN đến Thái Lan mới ở giai đoạn đầu, nhiều người đã trả tiền cho những cá nhân gọi là “người đưa quân” để họ giúp sắp xếp chuyến đi, hướng dẫn tới Thái Lan, thậm chí giúp tìm việc làm. Ngày nay, dịch vụ “người đưa quân” vẫn còn tồn tại, nhưng chỉ để giúp đưa khách vào Thái Lan an toàn và ít gặp rắc rối tại cửa khẩu nhập cảnh. Đây là nơi người Việt Nam thường bị các nhân viên xuất nhập cảnh từ chối, không cho nhập cảnh khi bị nghi ngờ là không thực sự đến Thái Lan với mục đích du lịch.

Đến Thái Lan cũng là một lựa chọn hấp dẫn một phần vì chuyến đi tương đối dễ dàng. Trong những năm sau này, điều kiện đường xá đã được cải thiện rất nhiều ở cả Việt Nam cũng như Lào và Campuchia, khiến cho chuyến đi trở nên ít tốn thời gian và cực nhọc hơn trước đây. Những năm gần đây, các công ty du lịch tổ chức cho người Thái Lan đi du lịch tới Việt Nam bằng đường bộ rất nhiều, đặc biệt đến các tỉnh miền Trung. Còn từ Việt Nam sang Thái Lan, thì một người rất có thể ăn sáng ở Việt Nam, sau đó ăn trưa ở Lào, và cuối cùng là thưởng thức bữa tối ở Thái Lan.

Chuyến trở về Việt Nam cũng thuận lợi không kém. Vào những dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán, các dịp lễ, Chầu lượt, khánh thành nhà thờ và các sự kiện gia đình như đám cưới, đám tang, người Việt có thể dễ dàng về quê để tham dự. Khi có chuyện khẩn cấp hoặc các vấn đề gia đình phát sinh mà họ phải có mặt để giải quyết, hầu hết có thể di chuyển bằng xe đò để trở về nhà trong vòng 24 giờ. Trừ thời kỳ đại dịch, việc đi lại bằng đường hàng không giữa Thái Lan và Việt Nam cũng rất thuận lợi trong những năm gần đây với sự phổ biến của các hãng hàng không giá rẻ bay một chiều Bangkok - Hà Nội với giá chỉ từ 50 - 100 USD.

Bên cạnh khoảng cách gần và phương tiện đi lại thuận tiện giữa Việt Nam và Thái Lan, một yếu tố quan trọng khác là chính sách miễn thị thực cho công dân các nước thành viên ASEAN đi du lịch trong khu vực. Người Việt Nam nhập cảnh vào Vương quốc Thái Lan được lưu trú tối đa 30 ngày mà không cần xin thị thực. Sau đó, họ phải rời khỏi Vương quốc này. Tuy nhiên, đối với đa số DDLĐVN, họ giải quyết vấn đề thị thực bằng cách đi xe đò đến biên giới, xuất cảnh (nhập cảnh vào Lào hoặc Campuchia), sau đó quay lại với một con tem mới để ở lại thêm 30 ngày nữa. Quy trình này lặp đi lặp lại đối với phần lớn các DDLĐVN. Riêng với một số ít người lao động không muốn mất thời giờ và cực nhọc đi đóng dấu hộ chiếu hàng tháng, họ chọn chấp nhận rủi ro để thị thực hết hạn, và không chỉ trở thành những người làm việc bất hợp pháp ở Thái Lan mà còn trở nên những người cư trú bất hợp pháp.

Yếu tố tiếp theo thu hút DDLĐVN đến Thái Lan là mức thu nhập tương đối cao mà họ có thể nhận được tại đây. So với các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp ở Việt Nam như bán trái cây và kem, làm việc tại nhà hàng và quán rượu, may vá, v.v. thu nhập ở Thái Lan có thể lớn hơn gấp đôi hoặc gấp ba so với những gì có thể kiếm được ở quê hương. Với một công việc ổn định, một người lao động có thể tiết kiệm khoảng 10.000 - 20.000 baht (280 - 560 USD) mỗi tháng để gửi về quê giúp đỡ kinh tế cho gia đình. Đây là một số tiền không hề nhỏ đối với những người xuất thân từ vùng nông thôn, hầu hết chưa học hết cấp III. Điều này càng đáng chú ý hơn khi năm 2018 và 2019, Việt Nam lần lượt có 142.300 và 124.500 người có trình độ đại học thất nghiệp.[20]

Tóm lại, các yếu tố làm phát sinh hiện tượng DDLĐVN đến Thái Lan phản ánh tình hình cả hai đất nước: nơi rời đi và nơi đến. Mặc dù lao động Việt Nam đang kiếm sống bất hợp pháp tại Thái Lan và kế hoạch hợp tác lao động Thái - Việt vẫn đang trong giai đoạn đầu triển khai, nhưng thực tế cho thấy Thái Lan tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các DDLĐVN cả trong hiện tại và tương lai.

Trong thời gian đại dịch, số người Việt Nam hồi hương rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng, khi tình trạng dịch bệnh lắng xuống, các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam mở các cửa khẩu đường bộ và đường hàng không trở lại thì làn sóng di dân từ Việt Nam sang Thái Lan sẽ hồi phục trở lại như trước. Trên thực tế, ngay khi đại dịch còn đang diễn ra thì vẫn có nhiều người Việt Nam đã sẵn sàng bỏ ra một số tiền không nhỏ để “đi chui” qua Thái Lan ở những thời điểm mà tình trạng dịch ở Thái Lan có phần ổn định, trong khi ở quê nhà thì không có việc làm.

 

 

 

Bên lề xã hội tại Thái Lan

 

Lao động nhập cư cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội – đây không phải là một chủ đề mới được nghiên cứu, mà đã được nhiều học giả đề cập đến trong nhiều bối cảnh khác nhau trên toàn thế giới. Mặc dù đã có một số bài nghiên cứu viết về kinh nghiệm của các DDLĐVN ở Thái Lan, nhưng những bài viết này không tập trung vào cảm nhận bị gạt ra ngoài lề xã hội của các DDLĐVN không có giấy tờ và phần lớn là các DDLĐVN trẻ tuổi. Tuy nhiên, để hiểu tường tận hơn về hoàn cảnh của DDLĐVN ở Thái Lan, chúng ta không thể bỏ qua những trải nghiệm thiệt thòi mà họ phải đối phó trong công việc cũng như đời sống hằng ngày. Những thách đố cho người DDLĐVN ở Thái Lan mang nhiều hình thức khác nhau.

 

1. Cách gọi người lao động nhập cư

 

DDLĐVN ở Thái Lan, giống như những người lao động Campuchia, Lào và Myanmar hầu như luôn được nhắc đến – ngay cả trên các phương tiện thông tin đại chúng và các tuyên bố của chính phủ – bằng một danh từ “khon tang dao” (alien/ngoại kiều) hoặc “reng ngan tang dao” (người lao động nước ngoài). Tuy nhiên, khi nói về những người nước ngoài khác, đặc biệt là người phương Tây, người Thái không dùng các thuật ngữ này, mà dùng các từ “tang chart” hoặc “tang prathet”.

Mặc dù các thuật ngữ “tang dao”, “tang chart” và “tang prathet” là các từ được cho là đồng nghĩa trong từ điển tiếng Thái, nhưng theo kinh nghiệm thực tế hằng ngày của người nước ngoài ở Thái Lan, thuật ngữ “tang dao” mang một hàm ý hơi tiêu cực, coi thường và gièm pha. Việc sử dụng ngôn từ mang tính phân biệt đối xử này được phản ánh rõ nét khi tìm kiếm từ khóa “khon tang dao” nơi Google: Google sẽ cho xuất hiện nội dung và hình ảnh các quan chức chính phủ và pháp luật tổ chức họp báo về lao động nước ngoài, hoặc hình ảnh những người lao động chân tay đang trình giấy phép lao động, hoặc bị cảnh sát kiểm tra và bắt giữ. Trong khi đó, khi tìm kiếm từ khóa “khon tang chart” nơi Google, sẽ thấy xuất hiện hình ảnh các du khách và chuyên gia ăn mặc đẹp đẽ, vui vẻ đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.

Có thể thấy cách gọi các lao động di dân, trong đó có DDLĐVN, phần nào phản ảnh thái độ thiếu tôn trọng của chính phủ và xã hội Thái Lan với cộng đồng lao động phổ thông nước ngoài đang mưu sinh ở đất nước họ.

 

2. Khó khăn về kinh tế

 

Hầu hết các DDLĐVN ở Thái Lan đến từ các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, phần lớn xuất thân từ các gia đình nông thôn, có trình độ học vấn hạn chế. Phần lớn các DDLĐVN nằm trong độ tuổi từ 16 đến 30 của cả hai giới tính. Khi đến đất nước này, họ làm những công việc như phục vụ trong nhà hàng và quán bar, làm việc trong ngành công nghiệp may mặc và bán các loại như trái cây, rau và kem, v.v. Phần lớn lao động nhập cư làm việc từ 10 đến 15 giờ một ngày, cả ngày và đêm tùy thuộc vào loại hình công việc mà họ tham gia. Họ cũng có rất ít ngày nghỉ ngoài thời gian họ phải đi gia hạn thị thực hằng tháng hoặc vào những ngày nghỉ lễ quan trọng khi một số doanh nghiệp quyết định đóng cửa.

 

3. Chi phí nặng nề cho việc làm bất hợp pháp

 

Muốn có việc làm ở Thái Lan thì phải trả một cái giá theo đúng nghĩa đen. Khi các công dân Việt Nam đến các trạm kiểm soát xuất nhập cảnh như Nong Khai và Nakhon Phanom ở biên giới Thái - Lào, họ không được xếp hàng như những khách du lịch khác mà phải xếp hàng riêng để đi vào một không gian kín đáo hơn. Tại đó, họ được yêu cầu trả một khoản phí không chính thức để được phép nhập cảnh, khoản phí này không áp dụng cho bất kỳ ai khác muốn nhập cảnh vào Thái Lan với tư cách là khách du lịch chân chính. Tuy nhiên, đối với người Việt thì các cán bộ hải quan dễ dàng nhận ra rằng họ không phải đến Thái Lan để du lịch, điều này được chứng minh bởi hồ sơ được lưu lại trên hệ thống vi tính của ngành di trú Thái Lan, cũng như hàng loạt những con dấu ra vào được đóng trên quyển hộ chiếu do phải đi gia hạn hàng tháng.

Người lao động Việt Nam không những phải trả tiền cho các nhân viên cửa khẩu ngay từ lúc nhập cảnh, mà còn phải chi cho nhân viên của các đơn vị cảnh sát khác nhau – trực tiếp hoặc thông qua những chủ lao động của họ để được phép làm việc. Mỗi người phải trả từ 500 đến vài ngàn baht cho một viên chức hoặc một bộ phận cảnh sát. Một DDLĐVN có quầy bán trái cây tại một khu chợ chiều ở tỉnh Nonthaburi gần Bangkok cho biết, mỗi tháng họ phải trả tổng cộng cho 7 bộ phận khác nhau để được duy trì công việc buôn bán. Tuy nhiên, cho dù đã trả tiền cho các quan chức địa phương, nhiều người vẫn bị bắt khi cảnh sát từ cấp trên hoặc từ sở lao động đến truy quét. Một số quan chức cảnh sát bắt công nhân Việt Nam không nhất thiết để thực thi luật pháp, mà chỉ đơn giản là để tống tiền trước khi thả họ đi. Việc tống tiền và hối lộ, dao động từ 1.000 baht đến 20.000 baht/người, không chỉ giao dịch tại địa điểm nơi xảy ra vụ bắt giữ, mà nhiều khi ngay cả lúc họ đã bị đưa đến đồn cảnh sát.

Khi làm việc mà không có giấy phép ở Thái Lan, các DDLĐVN không được hưởng bất kỳ quyền lợi nào của người lao động. Một số người kể lại rằng họ bị lạm dụng hoặc buộc phải làm việc nhiều giờ mà không được đền bù xứng đáng. Nhiều người bị chủ lao động đánh lừa, không chịu trả tiền cho công việc mà họ đã hoàn thành. Khi bị đối xử bất công, người lao động Việt Nam không thể dùng đến các biện pháp pháp lý để đòi lại công bằng cho mình. Khi đối mặt với bệnh tật, các DDLĐVN phải tự lo mọi chi phí y tế, có thể lên đến hàng trăm ngàn baht trong trường hợp bệnh nặng hay gặp tai nạn.

 

4. Thiếu thốn trong đời sống tinh thần


Cho dù cư trú hợp pháp với visa du lịch hay bất hợp pháp thì các DDLĐVN ở Thái Lan phải đối mặt với nhiều hạn chế trong công việc cũng như cuộc sống thường nhật. Đa số phải làm việc nhiều giờ với một hoặc thậm chí hai công việc, ít có thời gian nghỉ ngơi và thư giãn. Một số công nhân Công giáo cho hay, họ không thể đi nhà thờ vào ngày Chúa nhật vì phải làm việc vì không đến nơi làm việc đồng nghĩa với nguy cơ bị sa thải. Mặc dù sinh sống trên đất nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu thế giới, nhưng nhiều DDLĐVN chưa hề có dịp đi tới những địa điểm du lịch nổi tiếng của xứ sở này.

Vì những hạn chế về pháp lý và tài chính, nên nhiều DDLĐVN cũng có rất ít cơ hội để hội họp, gặp gỡ nhau. Cuộc sống của đa số DDLĐVN xoay quanh nơi làm việc và phòng trọ, và nếu có liên hoan thì thường cũng chỉ tổ chức trong không gian chật hẹp của phòng trọ. Điều này hoàn toàn khác với lối sống của họ ở quê hương. Hầu như tất cả những người Việt Nam làm việc tại Thái Lan đều đến từ các vùng nông thôn của Việt Nam, nơi đại gia đình và cộng đồng đóng vai trò đặc biệt quan trọng như là nguồn hỗ trợ xã hội và tinh thần. Ngoài ra, đối với người trẻ, gia đình và cộng đồng rất cần thiết trong việc xây dựng nề nếp và góp phần đào tạo về mặt xã hội, đạo đức và tinh thần. Các DDLĐVN Công giáo được lớn lên trong một môi trường thậm chí còn nề nếp hơn, với lịch trình hằng ngày thường bao gồm các sinh hoạt đạo đức như Thánh lễ buổi sáng và giờ cầu nguyện buổi tối. Trong những dịp lễ lớn, họ còn tổ chức đi hành hương hoặc tham dự các nghi thức ở các nhà thờ khác.

Tuy vậy, cho dù khi ở quê hương mình, các DDLĐVN đã được gia đình, cộng đồng và Giáo hội giúp họ sống có nề nếp sâu sắc đến đâu đi nữa, cũng không thể tránh những thay đổi theo lối tiêu cực khi họ đến sinh sống tại Thái Lan. Ở đây, người lao động Việt Nam chủ yếu sống độc lập với bạn bè hoặc với anh chị em, họ hàng. Trong môi trường này, hầu như họ không có sự giám sát từ những bậc trưởng thành truyền thống như cha mẹ, lãnh đạo cộng đồng và linh mục quản xứ. Điều này có thể dẫn đến sự lơ là trong đời sống đạo và có những hành vi phóng túng thường chứng kiến ở thanh thiếu niên. Sự thiệt thòi trong đời sống tinh thần một phần cũng bởi vì nhiều người trẻ di dân Việt Nam ở Thái Lan buộc phải sống trong môi trường thiếu sự hướng dẫn chặt chẽ như từng có ở quê nhà.

 

 

5. Bắt giữ và trục xuất

 

Tình trạng khó khăn của di dân Việt Nam ở Thái Lan tăng cao nhất khi có những trường hợp bị bắt giữ trong những lần bị các nhà chức trách kiểm tra, và đặc biệt trong các chiến dịch truy quét lao động bất hợp pháp được chính quyền phát động ở địa phương hoặc toàn quốc. Một chiến dịch như vậy đã diễn ra vào tháng 6 năm 2014 sau khi chính phủ quân sự lên nắm quyền thông qua một cuộc đảo chính. Trong chiến dịch đó, hàng trăm nghìn lao động nhập cư nước ngoài buộc phải rời khỏi Thái Lan, trong số đó có người Việt Nam, Campuchia và người Miến Điện không có giấy phép lao động.

Làn sóng hồi hương lại diễn ra vào tháng 9 năm 2015 với quyết định đột ngột của chính phủ cấm việc gia hạn thị thực, điều đó có nghĩa là bất kỳ người Việt Nam nào không rời khỏi Thái Lan sẽ bị rơi vào tình trạng thị thực quá hạn. Một năm sau đó, một chiến dịch trấn áp công khai rộng rãi khác đã được phát động nhằm vào những người nước ngoài được cho là “ăn cắp” hoặc “cướp giật” những công việc dành riêng cho người Thái khi bán hàng rong trên đường phố hoặc mở quầy hàng ở chợ. Giới truyền thông đã trích dẫn lời của các nhà chức trách rằng: người nước ngoài chỉ nên làm những công việc mà người Thái không muốn.[21]

Theo Sunai Phasuk – nhân viên của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền – mức độ phản đối người nhập cư ở Thái Lan ở thời điểm đó cao ở mức chưa từng thấy. “Có vẻ như ‘cảm thức về dân tộc’ đang trỗi dậy trong chính sách nhập cư của Thái Lan, ví dụ có lập luận cho rằng những người di cư từ Việt Nam đang lấy mất những công việc dành riêng cho công dân Thái Lan. Chúng tôi đã không thấy sự gia tăng tình trạng chống người nhập cư như thế trong nhiều thập kỷ trước đây. Điều này liên quan rất nhiều đến tình hình kinh tế.”[22]

Tình trạng chống đối ngoại kiều vẫn không giảm bớt trong những năm qua. Các cuộc đột kích định kỳ lớn nhỏ vẫn được thực hiện liên tục, một phần là do chiến dịch toàn quốc nhằm ngăn chặn lao động nhập cư bất hợp pháp hoặc truy quét tội phạm nước ngoài – những kẻ biến Thái Lan thành căn cứ hoạt động bất hợp pháp của họ. Chỉ trong hai tuần đầu tháng 6 năm 2019, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ 2.274 người nước ngoài ở vùng Đông Bắc Thái Lan, trong số đó có những người bị tình nghi thuộc các băng nhóm tội phạm đến từ Cameroon và Colombia.

Những người bị bắt bao gồm những người nước ngoài nhập cảnh bất hợp pháp, làm việc không phép và quá hạn visa.[23] Vào tháng 8 năm 2019, các quan chức trong chính phủ Thái Lan đưa ra bản thống kê: trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2018 đến 13/8/2019, họ đã kiểm tra 599.148 người. Gần 8.000 người trong số này bị phát hiện là bất hợp pháp, phải đối mặt với việc bị truy tố và phạt tiền. Cuối cùng, hơn 7.000 người đã bị trục xuất và tổng cộng hơn 35,5 triệu baht tiền phạt đã được thu thập.[24]

Nhiều cuộc truy quét cùng với các chiến dịch truyền thông miệt thị người lao động nhập cư không có giấy tờ đã gây nhiều thiệt hại cho cuộc sống của người lao động Việt Nam tại Thái Lan những năm qua. Kể từ năm 2018, các DDLĐVN điều hành dịch vụ giao hàng B-B-Q đã báo cáo số lượng đơn đặt hàng sụt giảm nghiêm trọng sau khi truyền thông Thái Lan đưa tin về việc cảnh sát truy quét các “cửa hàng” của họ, nói rằng: thịt bán cho khách hàng là loại thấp, không đảm bảo vệ sinh.[25] Các chiến dịch toàn quốc, cùng với những phản ánh tiêu cực trên các phương tiện truyền thông địa phương, cũng như các vụ bắt giữ thường xuyên nhằm mục đích tống tiền, tạo ra nhiều bất ổn cho cuộc sống của các DDLĐVN, vốn bản chất của nó đã chứa đựng nhiều bấp bênh. Quả thực, các chiến dịch trấn áp cùng với lời lẽ bài ngoại của các quan chức chính phủ cũng như các phương tiện thông tin đại chúng địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên tình trạng bị gạt ra bên lề xã hội của người DDLĐVN tại Thái Lan những năm qua.

 

 

Khốn khó trong thời đại dịch Covid-19


Thái Lan là quốc gia phát triển mạnh về ngành du lịch, đặc biệt là phục vụ du khách đến từ Trung Quốc đại lục. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi vi-rút corona đã xuất hiện lần đầu tiên tại Vương quốc này qua đường của khách du lịch Trung Quốc đến từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc – tâm chấn ban đầu của đại dịch. Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng vi-rút corona mới là nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp, vào ngày 12/1/2020, Thái Lan đã có trường hợp nhiễm đầu tiên được xác nhận bên ngoài Trung Quốc. Bệnh nhân là một phụ nữ 61 tuổi, vào ngày 8/1/2020, bà đã bắt đầu có các biểu hiện trước khi bay cùng một nhóm du lịch đến sân bay Suvarnaphumi - Bangkok, nơi bà được máy dò nhiệt phát hiện bị sốt. Chẩn đoán ban đầu của các quan chức y tế về bệnh viêm phổi nhẹ đã xác nhận sự xuất hiện của chủng vi-rút corona mới vào ngày 13/1/2020. Điều này không có gì quá ngạc nhiên khi vào ngày 10/1/2020, WHO đã đưa ra một tuyên bố cảnh báo về nguy cơ bệnh Covid-19 lây lan ra ngoài biên giới Trung Quốc.[26] Mặc dù là nơi có ca bệnh đầu tiên bên ngoài Trung Quốc, nhưng trong tháng 1 và tháng 2 năm 2020, số người được phát hiện nhiễm bệnh tương đối thấp. Phần lớn trong số 42 trường hợp tại thời điểm đó bao gồm du khách Trung Quốc, một số ít người dân từ Trung Quốc trở về, và những người Thái Lan thường xuyên tiếp xúc với du khách nước ngoài trong công việc của họ.[27]

Mối đe dọa của đại dịch trở nên rõ rệt hơn ở Thái Lan với việc ghi nhận ca tử vong đầu tiên vào ngày 1/3/2020, nạn nhân là một nhân viên 35 tuổi của tập đoàn bán lẻ du lịch hàng đầu King Power. Khi phát hiện nhiều trường hợp nhiễm bệnh hơn, các quan chức địa phương bắt đầu thông báo hủy bỏ các sự kiện và lễ hội, bao gồm cả những sự kiện liên quan đến lễ hội Songkran là sự kiện văn hóa hàng năm lớn nhất của Thái Lan, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 4.[28] Tháng 3 chứng kiến sự khởi đầu của nhiều ca nhiễm trùng ở địa phương hơn, bao gồm một vụ bùng phát liên quan đến sân vận động muay Thai Lumpini dẫn đến hàng chục người nhiễm bệnh. Vào ngày 15/3/2020, các quan chức đã báo cáo có 32 trường hợp mới, mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát ở nước này.[29] Khi số ca nhiễm mới trong một ngày đạt mức 111 vào ngày 17/3/2020, các quan chức của nhà nước và địa phương đã đồng loạt ra lệnh đóng cửa các trường học,[30] địa điểm vui chơi giải trí như quán bar, câu lạc bộ đêm và cửa hàng mát-xa trong 14 ngày để đối phó với số ca lây nhiễm ngày càng tăng.[31]

Ngày 18/3/2020, nước láng giềng của Thái Lan là Lào thông báo đóng cửa các trạm kiểm soát xuất nhập cảnh giáp biên giới hai nước.[32] Về phần mình, Thái Lan thông báo sẽ đóng cửa các trạm kiểm soát xuất nhập cảnh dọc biên giới Thái Lan - Malaysia.[33] Trong những ngày tiếp theo, các trạm kiểm soát xuất nhập cảnh giữa Thái Lan và Myanmar,[34] Thái Lan và Campuchia cũng lần lượt đóng cửa.[35] Campuchia cũng bắt đầu hạn chế cho người nước ngoài nhập cảnh, trong đó có người Việt Nam, nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi-rút trong biên giới của mình. Vì thế, người Việt Nam không còn được phép vào Campuchia bắt đầu từ ngày 20/3/2020.[36] Giữa lúc đó, Thái Lan đã báo cáo số ca nhiễm mới hằng ngày lớn nhất tính tới thời điểm đó vào ngày 22/3/2020 với 188 ca, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 599 ca.

Khi Thái Lan đóng cửa các trạm kiểm soát nhập cảnh cùng với tất cả các quốc gia láng giềng của mình, những người lao động nhập cư đã phải đối mặt với một tình huống vô cùng khó khăn. Trước tình trạng phong tỏa toàn quốc đang chuẩn bị diễn ra cũng như các quốc gia lân cận lần lượt đóng cửa biên giới, họ phải quyết định về nước hay cố gắng vượt qua đại dịch ở Thái Lan cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường. Do phần lớn trong số hàng triệu lao động nhập cư ở Thái Lan đến từ bốn quốc gia láng giềng trong khối ASEAN là Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam; vì thế, cuộc khủng hoảng leo thang đã chứng kiến một làn sóng hồi hương của người lao động nhập cư về nước của họ, nơi mà vào thời điểm đó, đại dịch còn đang nhẹ hơn nhiều.

Trong số 4 nước này, Việt Nam có số ca nhiễm nhiều nhất. Tuy nhiên, tổng số được công bố chính thức vào ngày 20/3 vẫn chỉ là 85, ít hơn nhiều so với Thái Lan.[37] Mãi đến ngày 24/3/2020, Lào mới xác nhận có 2 trường hợp nhiễm vi-rút đầu tiên.[38] Cùng với thông tin từ các quan chức chính phủ Thái Lan rằng người nước ngoài bị nhiễm vi-rút sẽ phải tự bỏ tiền túi để điều trị, nhiều lao động nhập cư trở nên thêm hoang mang, và cảm thấy không có nhiều động lực để tiếp tục ở lại. Do đó, trong các ngày từ 20 đến 25/3/2020, lao động nhập cư từ 4 quốc gia lân cận Thái Lan đã tràn đến các trạm kiểm soát đường bộ giữa Thái Lan và Lào, Campuchia, Myanmar để tìm đường hồi hương, thoát khỏi đại dịch ở Thái Lan và hy vọng có nơi trú ẩn an toàn hơn ở quốc gia của họ.

Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu leo thang vào giữa tháng 3, các DDLĐVN đã rơi vào tình thế rất khó khăn. Nhiều người trong thời điểm đó vừa mới trở lại Thái Lan sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, với hy vọng làm việc và có tiền dành dụm. Một số chỉ mới đến được một hoặc hai tuần. Tuy nhiên, trước khi họ có thể nhận được tiền lương của tháng đầu tiên, các doanh nghiệp đã buộc phải đóng cửa và đất nước đã chuẩn bị đi vào tình trạng phong tỏa nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Khi các hãng hàng không lần lượt hủy các chuyến bay rời khỏi đất nước và các trạm kiểm soát xuất nhập cảnh ở biên giới cũng chuẩn bị đóng cửa, họ phải lựa chọn có nên ở lại để rồi rơi vào nguy cơ bị hết hạn visa trong tháng tới chăng. Thông thường, người Việt kéo dài thời gian lưu trú tại Thái Lan bằng cách xuất cảnh đến các nước láng giềng rồi tái nhập cảnh với con dấu cho phép lưu trú thêm 30 ngày. Tuy nhiên, điều này sẽ không còn khả thi nếu các quốc gia ấy đồng loạt đóng cửa biên giới. Vào thời điểm đó, chính phủ Thái Lan vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc sẽ làm gì đối với những người nước ngoài bị mắc kẹt ở lại trong thời kỳ đại dịch. Vì thế, người Việt Nam cũng như những người nước ngoài khác càng hoang mang khi không biết tình hình ngày mai của mình sẽ ra sao.

Một nguyên nhân khác nữa khiến các DDLĐVN hoang mang là vì không nắm rõ tình hình thực tế của đại dịch ở Thái Lan bởi nhiều người không thông thạo tiếng Thái. Mặc dù nhiều DDLĐVN có thể giao tiếp bằng tiếng Thái để có thể làm việc ở đây, nhưng hầu hết họ không nắm vững tiếng Thái chính thức, cũng như không đọc được chữ Thái mà người Việt thường mô tả là “nhìn như những con giun”. Vì thế, rất ít người theo dõi các tờ báo tiếng Thái để hiểu rõ các khía cạnh khác nhau liên quan đến đại dịch ở nước này. Họ lo ngại về mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở Thái Lan và địa phương nơi họ đang cư trú, những vấn đề mà họ không dễ dàng có được câu trả lời do vấn đề về ngôn ngữ. Những người khác lo lắng về những dịch vụ mà chính phủ Thái Lan sẽ cung cấp cho người nước ngoài trong trường hợp họ có các triệu chứng Covid-19 hoặc nếu họ đã nhiễm vi-rút. Ngay cả những thông tin như xét nghiệm ở đâu đa số người Việt Nam cũng không nắm rõ.

Vì nhiều bất ổn về an toàn và sinh kế ở Thái Lan, phần lớn người Việt Nam quyết định đến các cửa khẩu biên giới để làm thủ tục về nước. Tuy nhiên, trong việc này họ cũng không biết liệu mình có thể đến kịp không, vì mặc dù đã có thông báo chính thức rằng các trạm kiểm soát xuất nhập cảnh giữa Thái Lan và Lào đã đóng cửa, các quan chức tại các trạm kiểm soát vẫn từng ngày cho phép mọi người đi qua cửa khẩu Nakhon Phanom, nhưng lại không cho phép xuất cảnh ở cửa khẩu Nong Khai. Do đó, hầu hết đều đã phải tìm đến trạm kiểm soát Nakhon Phanom trong một thời gian rất ngắn sau khi nhận được thông báo về hoạt động của trạm. Có người lên đường chỉ với niềm hy vọng rằng trạm kiểm soát sẽ vẫn mở cửa để họ có thể xuất cảnh vào ngày hôm sau. Trong sự việc này, họ không thể trông chờ vào bất kỳ kênh thông tin chính thức nào.

Một số người Việt Nam đã chọn đi các chuyến bay cuối cùng giữa Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người không biết cách theo dõi lịch bay của các hãng, không biết cách đặt vé, và ngay cả khi họ đã đặt chỗ nhưng không biết cách cập nhật thông tin về tình trạng chuyến bay của mình. Vào thời điểm mà ngay cả chính các hãng hàng không cũng phải đối mặt với sự thay đổi liên tục, không thể cung cấp thông tin chính xác về tình trạng các chuyến bay của họ, thì người Việt Nam lại càng khó có được thông tin cần thiết. Cuối cùng, nhiều người đã mua vé máy bay nhưng rốt cuộc chuyến bay lại bị hủy, trong đó không chỉ có các DDLĐVN mà còn có những người Việt đến Thái Lan với mục đích du lịch. Đối với những người này, chuyến đi du lịch dự tính chỉ trong vòng một vài ngày hoặc vài tuần đã kéo dài hàng tháng trời trong tình trạng các chuyến bay thương mại giữa hai nước vẫn chưa trở lại. 

Vào ngày 26/3/2020, Thái Lan đã đóng cửa khẩn cấp với lệnh giới nghiêm ban đêm được áp dụng trên toàn quốc. Những người chọn ở lại phải đối mặt với tình trạng không có việc làm, không có thu nhập, mơ hồ về nguy cơ nhiễm vi-rút và tình trạng thị thực của họ. Trong khi chính phủ Thái Lan tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau để giảm thiểu những khó khăn do đại dịch gây nên cho công dân của mình, thì những người nước ngoài như các DDLĐVN về cơ bản vẫn phải tự xoay xở và chống đỡ.

Một nữ công nhân nhập cư L.T.T., thường làm hầu bàn ở Bangkok cho biết trong tháng phong toả đầu tiên, cô không có việc làm và không có tiền để mua thức ăn. “Tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của những khách hàng thân thiết để có thức ăn,” cô nói; “Mãi sau này, tôi mới tìm được công việc tạm thời để sống qua ngày”.

P.N.X. và chồng cô làm nghề bán trái cây. Theo chị X., trong thời gian phong toả, họ không thể làm việc và hoàn toàn không có thu nhập. Tuy nhiên, chi phí hằng ngày của họ tăng lên do ba đứa con nhỏ của họ không được đi học, đồng nghĩa với việc phải chi nhiều tiền hơn để mua thức ăn, sữa và những thứ khác cho chúng.

Một thanh niên tên B.B. cho biết, trong thời kỳ đại dịch, anh chỉ được ăn một bữa trong ngày. “Chủ nhà sắp đuổi chúng tôi đi vì chúng tôi chưa trả tiền thuê nhà trong ba tháng. Tôi đã tìm kiếm việc làm mỗi ngày, nhưng không thành công,” anh nói.

T.D.N. làm việc tại tỉnh Chacheongsao cho biết trong thời gian xảy ra đại dịch, anh thường phải ra sông đánh cá để có thêm thức ăn.

Chị B.N. đã trở lại Phuket một tháng trước khi đại dịch ập đến hòn đảo du lịch nổi tiếng ở miền nam Thái Lan. Bởi vì Phuket là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bên ngoài Bangkok, hòn đảo này đã bị phong tỏa và những người có sinh kế phụ thuộc chủ yếu vào du lịch đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chị B.N. cho biết đã phải nhờ vào gạo, mì gói và trứng phát chẩn từ thiện để sống qua ngày.

Chị T.D., làm móng tay ở Bangkok, chia sẻ rằng, trong suốt thời gian cô sống ở Thái Lan, đây là lúc khó khăn nhất. Bởi vì tất cả các thẩm mỹ viện buộc phải đóng cửa trong thời gian cao điểm của đại dịch ở Thái Lan. Cô không có việc làm thường xuyên và phải làm nhiều công việc lặt vặt khác nhau để có tiền tiêu mỗi ngày. “Tôi nghĩ tôi sẽ rơi vào tình trạng trầm cảm nặng nề nếu không có ơn Chúa,” cô nói. “Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ của các linh mục, các cha đã giúp tôi một số tiền cũng như có những lời động viên tinh thần.”

Chị N.P. không chỉ không thể làm việc trong đợt bùng phát Covid-19, mà cô còn phải chịu đựng nỗi đau mất mát người chồng đã qua đời tại Việt Nam vì bạo bệnh. Thật không may, vì không có cách nào để trở về Việt Nam từ Thái Lan, chị N.P. đã phải chịu tang chồng từ nơi xa. “Tôi rất đau đớn vì tôi không thể có mặt ở nhà để dự đám tang của chồng mình,” chị nói.

Gian khổ trong đại dịch không chỉ là hoàn cảnh của các DDLĐVN. Người Thái cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn. Tuy nhiên, người Thái có trợ cấp xã hội khi sống ở đất nước của họ và có thể nhận được nhiều biện pháp cứu trợ khác nhau từ chính phủ, ví dụ như số tiền 5.000 baht được phát cho những người có thu nhập thấp ở một vài đợt trong thời kỳ đại dịch. Nhà nước cũng có chương trình “khon la khrưng” (mỗi bên một nửa) để hỗ trợ người dân và nền kinh tế. Theo chương trình này, mỗi người dân có thể đi mua sắm, nhưng chỉ trả một nửa chi phí (tối đa 3.000 baht), phần còn lại chính phú sẽ trả cho người bán hàng. Người dân Thái Lan cũng được hưởng lợi từ các mạng lưới hỗ trợ gia đình, cộng đồng, tôn giáo và xã hội trong thời gian khủng hoảng. Trong khi đó, các DDLĐVN không có các nguồn và phương tiện hỗ trợ này.

Giống như phần lớn người nước ngoài nhập cảnh vào Thái Lan bằng thị thực tạm thời hoặc các chương trình miễn thị thực, các DDLĐVN cũng phải giải quyết tình trạng thị thực của họ. Đầu tháng 4 năm 2020, khi lệnh cấm vận đã có hiệu lực được gần hai tuần, trong khi các quốc gia khác như Nhật Bản và Campuchia đã tuyên bố đặc xá cho người nước ngoài mắc kẹt tại nước này, thì chính phủ Thái Lan vẫn đang xem xét có nên làm điều tương tự hay không. Cơ quan xuất nhập cảnh và các quan chức chính phủ khác bày tỏ sự miễn cưỡng đối với hành động đặc xá vì lý do an ninh quốc gia. Vào cuối tháng Ba và đầu tháng Tư, những người nước ngoài có thị thực sắp hết hạn bị Cục quản lý xuất nhập cảnh Thái Lan yêu cầu phải đến đại sứ quán của họ để xin thư xác nhận không thể về nước, mặc dù thực tế là tất cả các sân bay và các giao lộ biên giới đất liền đều đã đóng cửa. Sau đó, họ phải mang giấy xác nhận đến văn phòng nhập cư để được gia hạn thời gian lưu trú tại Vương quốc Thái, tối đa được 30 ngày. Yêu cầu này là một bất tiện lớn đối với người nước ngoài nói chung và đối với các DDLĐVN nói riêng. Đối với người di cư Việt Nam, việc phải đến Đại sứ quán ở Bangkok hoặc Tổng lãnh sự quán ở tỉnh Khon Kaen (Đông Bắc Thái Lan) có nghĩa là phải tốn chi phí và thời giờ đi lại đáng kể. Đối với nhiều người, đó không phải là một chuyến đi ngắn mà là một chuyến đi kéo dài nhiều giờ bằng xe đò và taxi. Ví dụ, một người ở tỉnh Nakhon Pathom sẽ phải thực hiện một chuyến đi kéo dài sáu giờ đến tỉnh Khon Kaen để nhận được thư từ Tổng lãnh sự quán Việt Nam. Mặc dù Đại sứ quán Việt Nam đồng ý cấp thư xác nhận bằng phương thức điện tử, nhưng đa số các DDLĐVN tại Thái Lan không biết cách điền vào mẫu yêu cầu và gửi đến Đại sứ quán qua email. Sau khi có được giấy xác nhận của đại sứ quán, giấy tờ này phải được đưa đến văn phòng xuất nhập cảnh để xin gia hạn. Đối với một người Việt Nam sống ở Bangkok, tất cả các thủ tục giấy tờ và chi phí đi lại cộng lại để được gia hạn sẽ lên tới từ 120 đến 150 USD, bằng một phần ba thu nhập một tháng của nhiều DDLĐVN. Điều đáng nói hơn là tất cả những rắc rối này đều diễn ra ở đỉnh điểm của làn sóng dịch Covid-19 ở Thái Lan. Người nước ngoài phải đổ xô đến các văn phòng xuất nhập cảnh trên khắp nước Thái để được đóng dấu giấy tờ trong khi công chúng được khuyến cáo ở nhà và thực hành giãn cách xã hội để giảm lây nhiễm.

May mắn thay, các nhà lãnh đạo Thái Lan cuối cùng cũng đã nhận ra rằng việc buộc người nước ngoài phải tụ tập đông đúc tại các văn phòng nhập cư là mối nguy hiểm cho cả người nước ngoài cũng như các nhân viên nhập cư, nên đã quyết định áp dụng biện pháp đặc xá vào ngày 8/4/2020.[39] Dự luật này ban đầu cho phép người nước ngoài được đặc xá cho đến ngày 30/4/2020, sau đó sẽ được gia hạn cho đến cuối tháng 7 năm 2020, và cuối cùng cho đến ngày 26/9/2020 trong đợt thứ hai.[40] Tuy nhiên, vào thời điểm đó, vô số người nước ngoài đã phải chi một số tiền không nhỏ, mà đáng ra số tiền đó họ có thể dùng để trang trải cho những ngày khốn khó của đại dịch đang chờ họ phía trước. Đến tháng 10 năm 2020 thì thời hạn ân xá cũng đã kết thúc, và sau đó người nước ngoài bị kẹt tại Thái Lan vẫn phải gia hạn giấy tờ hai tháng một lần tại các văn phòng của sở di trú. Hầu hết người Việt Nam sử dụng dịch vụ nhận đem hộ chiếu đi gia hạn với chi phí hơn 100 USD/1 lần.

Sau một thời gian khá thành công trong việc kiểm soát tình trạng dịch thì cuối năm 2020, dịch bắt đầu bùng phát nghiêm trọng tại Thái Lan, bắt nguồn từ khu chợ đầu mối hải sản tại tỉnh Samut Sakhon, sau đó lây lan ra trên toàn đất nước. Sang năm 2021, các ổ dịch tiếp tục được phát hiện tại các khu chợ, hãng xưởng, nhà tù và những khu dân cư có mật độ dân số cao. Vào giữa năm 2021, các bệnh viện công tại Thái Lan, đặc biệt ở Bangkok trở nên quá tải khi mỗi ngày có hàng nghìn ca nhiễm.[41] Qua tháng 7 năm 2021, số ca nhiễm mỗi ngày tăng lên trên 10.000, và vào tháng 8 năm 2021 thì con số vượt 20.000/ngày. Ngày 13/8, các nhà chức trách báo cáo có số ca nhiễm mới là 23.418 ca, và số người tử vong là 184.[42] Qua tháng 9 năm 2021 thì số ca nhiễm mỗi ngày bắt đầu giảm, nhưng vẫn ở mức hàng nghìn. Ngày 16/11/2021, Bộ Y tế Thái Lan báo cáo con số ca nhiễm thấp nhất trong nhiều tháng qua là 5.947 ca. Tính đến thời điểm cuối năm 2021 thì quốc gia này đã có trên 2 triệu ca nhiễm và hơn 20.000 người tử vong.

Làn sóng thứ tư tại Thái Lan kéo dài từ đầu năm 2021 cho đến nay đã ảnh hưởng nặng nề trên đời sống của DDLĐVN. Bên cạnh việc nhiều người mất việc làm, không có nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống hằng ngày do lệnh phong tỏa, đóng cửa các nhà hàng, quán bar, v.v. thì số người Việt bị nhiễm bệnh Covid-19 cũng tăng cao. Không có thống kê nào về số người Việt Nam bị nhiễm, nhưng dựa trên thông tin mà tôi nhận được từ các nhóm và cá nhân, chắc chắn con số lên hàng trăm. Có nhiều trường hợp mọi người ở chung một nhà đều bị nhiễm. Ngoài ra còn có rất nhiều người Việt Nam đang bị giam trong các nhà tù, các trung tâm giam giữ người nhập cư, lao động trái phép cũng bị nhiễm. Mặc dù tôi không có cách để xác nhận thông tin, nhưng nhiều người nhắn tin cho tôi rằng có người thân trong tù bị nhiễm, có triệu chứng rất nặng, nhưng không được đưa đi điều trị. Tuy nhiên, xét về tình hình chung là vì đa số các DDLĐVN đang ở tuổi thanh niên, nên hầu hết các trường hợp nhiễm đều có triệu chứng nhẹ, nhiều người tự hồi phục ở nhà mà không cần phải nhập viện.

Việc những người Việt bị nhiễm có thể tự hồi phục ở nhà cũng là điều đáng mừng vì sau khi phát hiện mình bị nhiễm, nhiều người đã không tiếp cận được với sự hỗ trợ từ ngành y tế Thái Lan, đặc biệt trong tình trạng hệ thống đang bị quá tải. Một số người cho hay tới bệnh viện xin xét nghiệm nhưng bị từ chối vì không phải là người Thái. Một số người bị từ chối cho nhập viện cũng vì lý do trên. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là không phải tất cả người Việt đều bị từ chối xét nghiệm hoặc nhập viện. Ở Thái Lan, việc bạn nhận được sự giúp đỡ như thế nào còn tùy thuộc vào sự may mắn nếu bạn đến một nơi mà các bác sĩ và nhân viên y tế làm việc tận tình bất kể đối với bệnh nhân thuộc quốc tịch nào. Ngoài ra, trong thời gian cao điểm của đại dịch, chính người Thái cũng gặp khó khăn để được xét nghiệm và nhập viện. Thậm chí đã có những trường hợp tử vong cách thê thảm ngay tại nhà vì không có bệnh viện nào đồng ý đưa xe đến đón đi.

Có trường hợp một người đàn ông Thái Lan biết mình có triệu chứng Covid-19, cần đi xét nghiệm, nhưng không tự đi được vì sợ lây nhiễm cho cộng đồng. Anh ta gọi điện thoại cho bệnh viện thì bệnh viện cho hay không có dịch vụ đón người đi xét nghiệm. Anh ta gọi điện thoại cho tổng đài khẩn cấp Covid-19 thì được cho hay họ chỉ điều xe đưa những người đã xét nghiệm dương tính đi nhập viện. Vì anh ấy chưa có xét nghiệm nên họ không thể điều xe tới đón đưa đi điều trị được. Sau một số ngày tự chống chọi với căn bệnh, người đàn ông này đã tử vong. Trước khi qua đời, anh đã lên Facebook để chia sẻ với mọi người về hoàn cảnh bi thảm của mình.

Xét về tình hình chung thì chúng ta không thể nói những khó khăn mà người DDLĐVN ở Thái Lan gặp phải trong thời kỳ đại dịch là cá biệt. Tuy nhiên, có thể nói rằng vì những hạn chế về ngôn ngữ, thông tin, giấy tờ và quyền lợi, mà người DDLĐVN khó tiếp cận được với những nguồn hỗ trợ hơn người bản xứ trong những vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng. Điều này càng thấy rõ hơn trong trường hợp đăng ký tiêm vắc-xin. Trong khi công dân Thái Lan được ưu tiên tiêm vắc-xin khi có nguồn thuốc thì người DDLĐVN có được tiêm hay không cũng là vấn đề “hên xui”. Có người dùng trang web đăng ký tiêm vắc-xin thì được chấp nhận, nhưng người khác lại bị từ chối với lý do là không chấp nhận người nước ngoài. Về mặt thông tin thì người bản xứ sẽ dễ biết tìm tới nơi đăng ký hơn là người Việt Nam. Ngay cả trang web mà người Việt Nam phải dùng để đăng ký thì bằng tiếng Anh, là ngôn ngữ mà ít ai trong cộng đồng DDLĐVN ở Thái Lan biết. Còn về tiếng Thái thì đa số DDLĐVN chỉ biết nói chứ ít ai biết đọc để điền mẫu đơn trực tuyến.


     

Người di dân với mạng xã hội


Trước những căng thẳng tinh thần và thể chất trong cuộc sống lao động nhập cư không giấy tờ, mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong cách các DDLĐVN ở Thái Lan đương đầu với tình trạng thiệt thòi trong cuộc sống. Trong những năm gần đây, Facebook đã trở nên phổ biến ở Việt Nam, là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của Facebook trên thế giới. Tính đến tháng 1 năm 2020, tỷ lệ sử dụng internet của Việt Nam là 70% với 68,17 triệu người dùng. Trong số này, 65 triệu người cũng sử dụng mạng xã hội.[43] Facebook là nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam, được 61 triệu người sử dụng. Đến tháng 7 năm 2020, con số này đã tăng lên 64 triệu, khiến cho Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới về số lượng người dùng Facebook.[44] Phần lớn người dùng Facebook ở Việt Nam là người trẻ, trong độ tuổi từ 18 đến 34 tuổi. Đa số sử dụng Facebook để đăng ảnh, xem video và trò chuyện với người khác thông qua ứng dụng Facebook Messenger. Một số người Việt Nam cũng sử dụng Facebook như một phương tiện để bán hàng trực tuyến.[45] Vì Facebook cũng rất phổ biến ở Thái Lan, quốc gia có 50 triệu người dùng trong tổng số 70 triệu dân,[46] nên các DDLĐVN ở Thái Lan cũng hầu hết chọn sử dụng Facebook.

Có thể nói hầu hết các DDLĐVN tại Thái Lan đều có tài khoản Facebook. Trong một cuộc khảo sát mà tôi đã thực hiện cho thấy, nhiều người sử dụng Facebook tới 5 hoặc 6 giờ một ngày trong cũng như sau giờ làm việc. Bởi vì các DDLĐVN làm việc cả ngày và đêm tùy thuộc vào loại công việc, nên người ta có thể thấy họ lên mạng vào mọi giờ trong ngày. Đối với các DDLĐVN ở Thái Lan, Facebook không chỉ là một cách để chia sẻ hình ảnh, suy nghĩ và giữ kết nối với bạn bè và gia đình, mà còn là một nguồn tin tức và giải trí vì nhiều bài báo và video clip được chia sẻ trên nền tảng này.

Việc sử dụng Facebook cách phổ biến của các DDLĐVN ở Thái Lan đã khiến mạng xã hội có một vai trò khác biệt trong đời sống của nhóm này. Nó đã trở thành cách phổ biến nhất để họ giữ liên lạc với các thành viên trong gia đình ở Việt Nam. Ngoài ra, vì một số lượng lớn DDLĐVN là cha mẹ trẻ, đã gửi con cái của họ cho ông bà, cô chú ở nhà chăm sóc, các ứng dụng nhắn tin và video chat là cách rẻ nhất và thuận tiện nhất để theo dõi các sinh hoạt, hành vi hằng ngày của con cái họ, cũng như duy trì, vun đắp mối quan hệ cha mẹ - con cái. Trong số các DDLĐVN, cũng có nhiều trường hợp vợ hoặc chồng ở trong nước, còn người phối ngẫu thì đi làm việc ở nước ngoài. Do đó, các ứng dụng nhắn tin di động cũng là những phương cách chính yếu mà các cặp vợ chồng sử dụng để duy trì liên lạc thường xuyên.

Ngoài việc đóng vai trò là một phương thế liên lạc với các thành viên trong gia đình, Facebook còn là một phương tiện mà các DDLĐVN có thể thu thập các thông tin mà trước đây chỉ có thể được truyền miệng. Hiện nay, có hàng chục trang Facebook cộng đồng hoặc nhóm đã được thành lập nhằm mục đích thảo luận và trao đổi thông tin trong cộng đồng và xã hội. Một nhóm có tên “Hội Người Việt tại Thái”, tính đến tháng 11 năm 2021, có hơn 108.000 thành viên và là nhóm FB lớn nhất nhắm đến các vấn đề liên quan đến cộng đồng người Việt di cư tại Thái Lan. Một trong những người tạo và quản trị viên chính của trang là Hà Văn Phúc. Theo anh Phúc, trang này được thành lập cách đây 10 năm, ở thời điểm đó trong cộng đồng người Việt di cư ở Thái Lan chưa có một diễn đàn chung nhằm phục vụ cho cả cộng đồng. Khi trang FB này ngày càng trở nên nổi tiếng và có sức ảnh hưởng trong cộng đồng, các trang khác cũng được tạo ra, dẫn đến có gần chục trang loại này.

Các thành viên chủ yếu đến với diễn đàn vì những vấn đề chung, chẳng hạn như tìm việc làm, tìm kiếm sự hỗ trợ về thị thực hoặc cách gửi tiền về nước và quảng cáo hàng hóa và dịch vụ của mình. Nhiều thành viên còn đăng tải những tin tức, thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các DDLĐVN tại Thái Lan. Tin tức về các cuộc truy quét của cảnh sát đang hoặc có thể sẽ xảy ra, và người Việt Nam bị bắt vì sai phạm, luôn được các thành viên nhiệt tình chia sẻ và bình luận.

Các bài đăng khác nhận được sự quan tâm lớn của các thành viên là tin tai nạn giao thông trong đó có nạn nhân là người Việt Nam. Trong năm 2019, một số vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra liên quan đến xe của công ty CPS, dịch vụ đưa người đi gia hạn thị thực lớn nhất cho người lao động Việt Nam và Lào tại Thái Lan. Những vụ tai nạn này đã dẫn đến thương tích hoặc tử vong cho hàng chục hành khách của công ty, cả Việt Nam và Lào. Các clip tin tức và hình ảnh về những vụ tai nạn này đã được đăng tải trên nhiều diễn đàn khác nhau, sau đó được nhiều thành viên chia sẻ, dẫn đến việc một số thành viên lên tiếng kêu gọi tẩy chay công ty. Trước những dư luận xấu mà công ty nhận được từ khách hàng, CPS đã phản hồi bằng cách tổ chức một cuộc họp với các quản trị viên trang Facebook nổi tiếng và người lao động Việt Nam vào ngày 31/8/2019 để làm rõ những hiểu lầm và thảo luận cách cải thiện dịch vụ. CPS cũng trả lời các vấn đề thắc mắc bằng một tuyên bố chính thức sau cuộc họp, được đăng trên các trang nhóm Facebook khác nhau cũng như trang Facebook mới được tạo của họ. Theo Hà Văn Phúc, một trong những mục đích của việc thành lập ‘Hội Người Việt tại Thái’ là tạo ra một diễn đàn để gặp gỡ và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như trong các vấn đề liên quan đến công việc. Các mục tiêu của diễn đàn này đã được hiện thực hóa ở một mức độ nhất định vì nó đã trở thành nơi mà nhiều người tìm đến để tìm kiếm tình bạn khi họ cô đơn cũng như tìm sự trợ giúp khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống.[47]

Ngoài các trang cộng đồng chung, còn có các trang Facebook của cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Thái Lan. Quan trọng nhất là trang “Liên Hiệp Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan”, là trang chính thức của Ủy ban Mục vụ Di dân Việt Nam trực thuộc Hội đồng Giám mục Thái Lan. Nội dung của trang chủ yếu bao gồm lịch Thánh lễ hàng tuần hoặc hình ảnh của các cử hành phụng vụ quan trọng đã diễn ra. Trước khi có hiện tượng mạng xã hội, ban tổ chức Thánh lễ đã phải phụ thuộc vào việc phổ biến bằng việc truyền miệng. Thời đại của mạng xã hội đã làm cho công việc này trở nên dễ dàng hơn nhiều, và các Thánh lễ vào những dịp quan trọng như lễ Phục sinh, Giáng sinh hoặc lễ Đức Mẹ về trời trước thời đại dịch từng quy tụ được từ 1.000 đến 2.000 người tham dự. Các Thánh lễ của nhóm nhỏ, diễn ra tại các nhà thờ khác nhau hàng tuần, có số lượng người tham dự từ vài chục đến vài trăm người.

Bên cạnh trang Facebook chính thức của Ủy ban Mục vụ Di dân Việt Nam còn có các trang Facebook của từng nhóm Công giáo ở các địa phương. Tại Tổng Giáo phận Bangkok có 12 nhóm, mỗi nhóm đều có trang Facebook riêng của mình để phổ biến những thông tin và hình ảnh liên quan đến sinh hoạt nhóm. TGP Bangkok là nơi quy tụ nhiều nhóm Công giáo nhất, số còn lại rải rác trên các giáo phận khác, tổng cộng gần 10 nhóm. Tất cả các nhóm này cũng lập cho mình trang Facebook để phục vụ các thành viên trong nhóm. Điểm này ở các nhóm Công giáo tại Thái Lan trùng hợp với các nhóm di dân Công giáo tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… các nhóm này đều có những trang Facebook của mình.

Đối với các DDLĐVN Công giáo, được tiếp cận với nhà thờ và các bí tích bằng ngôn ngữ mẹ đẻ là một nguồn hỗ trợ tinh thần quý giá giữa bao vất vả trong cuộc sống thường nhật. Do không thông thạo tiếng Thái, đặc biệt là ngôn ngữ trang trọng dùng trong phụng vụ và nghi lễ, người lao động Việt Nam không thể hiểu được nhiều khi tham dự các Thánh lễ bằng tiếng bản xứ. Nhiều người cũng cho biết không thể lãnh nhận Bí tích hòa giải do khó khăn về ngôn ngữ (mặc dù các linh mục người Thái vẫn sẵn sàng giải tội cho người Việt Nam). Đối với bí tích này, nhiều người chia sẻ họ cảm thấy an tâm hơn khi có thể trình bày các khúc mắc trong cuộc sống bằng ngôn ngữ của mình cũng như nhận lại được những lời khuyên từ các cha người Việt để giúp họ sống đạo tốt hơn trên xứ người. Việc sử dụng mạng xã hội để thông báo địa điểm và thời gian của các Thánh lễ ở nhiều nơi khác nhau có nghĩa là ngày càng có nhiều DDLĐVN Công giáo có thể lãnh nhận các bí tích để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng.

Ngoài hỗ trợ cho đời sống thường nhật, có thể thấy rõ vai trò của mạng xã hội trong việc giảm thiểu thiệt thòi cho các DDLĐVN trong những lúc đối mặt với khủng hoảng. Bệnh tật đột ngột, hoặc chấn thương và tử vong do tai nạn giao thông và lao động là điều hay xảy đến với các DDLĐVN. Khi thảm kịch ập đến, họ gần như không nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương hay bất kỳ tổ chức xã hội nào ở Thái Lan. Vì là người không có giấy tờ nên người lao động Việt Nam sẽ không dám tìm đến người Thái để được giúp đỡ. Do đó, trong thời điểm khủng hoảng, mạng xã hội trở thành kênh ưu tiên để các DDLĐVN tiếp cận với nhau nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ và giúp đỡ. Những lời chia buồn, nỗ lực quyên góp và gợi ý về cách giải quyết vấn đề đều được truyền đạt thông qua mạng xã hội. Những quyên góp như vậy có thể nhận được từ 20.000 baht đến vài trăm ngàn baht, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự việc. Khi các DDLĐVN tìm đến nhau để hỗ trợ, họ thường sử dụng câu ngạn ngữ nổi tiếng của Việt Nam là “lá lành đùm lá rách”. Những người khác thêm vào câu nói quen thuộc này, “Lá rách đùm lá tả tơi”, để nói lên rằng mặc dù hoàn cảnh của các DDLĐVN rất chật vật, nhưng họ luôn có thể chia sẻ với những người thậm chí còn khốn khó hơn.

 

 

Mạng xã hội trong thời kỳ đại dịch Covid-19

 

Thời gian từ giữa tháng Ba đến nửa đầu tháng Tư năm 2020 là một trong những lúc hỗn loạn và căng thẳng nhất đối với các DDLĐVN ở Thái Lan như đã nói ở trên. Căng thẳng gia tăng do nhiều người không được tiếp cận thông tin chính thức về tình hình liên tục thay đổi cả đại dịch nói chung cũng như các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống mưu sinh của họ tại Thái Lan. Thông tin mà họ nhận được qua mạng xã hội thường không rõ ràng hoặc mâu thuẫn. Ví dụ, trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 25/3/2020, một nguồn thông tin nói rằng các trạm kiểm soát nhập cư đã bị đóng cửa trong khi một nguồn khác tuyên bố rằng vẫn còn mở. Về việc gia hạn thị thực, trước khi thông báo đặc xá chính thức được công bố, cũng có nhiều thông tin trái chiều liên tục được đăng tải bởi nhiều người trong cộng đồng. Một số nguồn tin cho rằng tất cả người nước ngoài phải đến văn phòng nhập cư để gia hạn thời gian lưu trú tại Vương quốc Thái Lan trong khi những người khác tuyên bố rằng không cần làm việc này. Mọi người có thể để thị thực hết hạn cho đến khi các trạm kiểm soát biên giới mở cửa trở lại, sau đó có thể đi gia hạn mà không bị phạt. Đây là một vấn đề gây căng thẳng và lo lắng cho các DDLĐVN vì mặc dù họ muốn tiết kiệm thời gian và tiền bạc cũng như thực hiện việc giãn cách xã hội, nhưng một quyết định sai lầm cũng có thể khiến họ bị bắt, bị trục xuất và bị đưa vào danh sách đen của chính phủ Thái.

Trong quá trình dấn thân vào mục vụ với người di dân Việt Nam tại Thái Lan, tôi cũng đã làm quen với mạng xã hội và sử dụng nó như một phương tiện quan trọng trong các hoạt động của mình, đặc biệt là hoạt động tiếp cận cộng đồng. Vì thế, nhiều người trong cộng đồng di dân, nhất là những người ngoài Công giáo, biết đến tôi nhờ vào mạng xã hội. Trong làn sóng đầu của đại dịch Covid-19 ở Thái Lan, tôi đã hết sức tích cực hiện diện trên mạng bằng cách đăng các bản cập nhật về đại dịch có liên quan nhiều nhất đến hiện trạng của các DDLĐVN. Tôi lùng sục khắp các cổng thông tin bằng tiếng Thái và tiếng Anh, theo dõi các cuộc họp báo hằng ngày từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh, giữ liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và thường xuyên liên lạc với những người có thể cung cấp cho tôi những thông tin quan trọng với mục đích là có những tin tức chính xác, cập nhật và hữu ích để truyền tải đến người Việt Nam. Tôi xem hoạt động này như một trọng trách vì nhiều người từng nói với tôi rằng, họ sẽ không tin bất cứ điều gì được công bố trên các trang mạng xã hội của người Việt cho đến khi họ nhìn thấy nó trên trang mạng xã hội của tôi. Mỗi khi tôi được mời đi dâng lễ ở các nhóm Việt Nam, trong lời cảm ơn cuối lễ cũng thường hay nhắc đến việc tôi thường xuyên đăng tin tức bổ ích cho cộng đồng. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi trong những ngày hỗn loạn nhất của đại dịch vừa bùng phát, hộp thư đến trên Facebook của tôi tràn ngập các truy vấn liên quan đến những nội dung tôi đã đăng hoặc những vấn đề mà mọi người đọc hoặc nghe ở nơi khác và muốn nhờ tôi xác minh hoặc giải thích thêm. Các bài viết của tôi cũng được chia sẻ rộng rãi đến các trang cá nhân và cộng đồng khác. Lúc ấy tôi dường như đã trở thành một kênh tin tức riêng cho các DDLĐVN, giúp họ hiểu rõ hơn về tình hình và đưa ra quyết định về những vấn đề quan trọng đối với cuộc sống và sinh kế của họ.

Trong thời gian đại dịch tiếp diễn, nhiều DDLĐVN đã rơi vào tình huống thảm khốc mà không được giúp đỡ bao nhiêu. Một số người không còn tiền thuê nhà và tiền ăn vì không có việc làm. Vợ chồng anh H. sinh con non phải đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) như đã kể đầu bài. Một nam thanh niên khác làm việc ở miền nam Thái Lan bị ốm vì sốt xuất huyết và chết trong bệnh viện trên đảo Samui. Một người thứ ba cũng chết tại một bệnh viện ở Bangkok sau một vụ tai nạn hỏa hoạn xảy ra trong căn phòng trọ của anh ta. Ngoài những trường hợp này còn có những người khác chết vì tai nạn, bệnh tật, thậm chí bị Covid-19. Trong tất cả những trường hợp này, người thân và bạn bè của họ luôn liên hệ với tôi qua mạng xã hội để xin giúp đỡ. Một số trường hợp tôi đại diện gia đình kêu gọi sự giúp đỡ, hoặc tôi khuyến khích người thân và bạn bè đăng bài viết để trực tiếp kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng. Mặc dù đang ở giữa đại dịch mà phần lớn các DDLĐVN dường như chỉ đủ sống qua ngày bằng tiền tiết kiệm hoặc bất cứ thứ gì họ có thể kiếm được từ những công việc lặt vặt, nhiều người đã đáp lại lời kêu gọi bằng những khoản quyên góp nhỏ để giúp đỡ đồng hương. Tóm lại, vì không có các kênh chính thức để được hỗ trợ, trong đại dịch Covid-19, các DDLĐVN ở Thái Lan đã tương trợ lẫn nhau thông qua nhịp cầu của mạng xã hội.

Thời kỳ khó khăn trong đại dịch còn chứng kiến việc sử dụng mạng xã hội để tương trợ lẫn nhau qua nhiều hình thức khác. Từ cuối năm 2020, khi làn sóng thứ tư của đại dịch bùng phát tại Thái Lan, nhiều người Việt bị nhiễm cần được hỗ trợ về thông tin để nắm rõ tình hình về đại dịch nói chung, đặc biệt về việc xét nghiệm, điều trị và đăng ký tiêm vắc-xin. Nhận ra nhu cầu này, Ủy ban Mục vụ Di dân Việt Nam đã lập nên một trang Facebook có tên là “Thông tin Covid-19 Thái Lan” được đảm trách bởi một tình nguyện viên là chị Phan Thị Thùy Tiên. Chị Tiên là một người con Đà Nẵng, đến Thái Lan du học cách đây hơn 10 năm. Sau khi tốt nghiệp từ một trường đại học ở tỉnh Udon Thani, chị Tiên tiếp tục ở lại Thái Lan, và hiện đang làm việc trong một trường đại học Công giáo tại Bangkok. Với kinh nghiệm sống tại Thái Lan nhiều năm, đồng thời thông thạo ngôn ngữ bản xứ, chị Tiên dễ dàng tiếp cận được với các nguồn thông tin chính thức về đại dịch để truyền đạt lại cho cộng đồng. Bên cạnh cập nhật các con số thống kê, trang còn đăng những bản tin cũng như thông báo quan trọng về đại dịch nhằm giúp cộng đồng biết cách để tiếp cận được với những nơi xét nghiệm, điều trị và tiêm thuốc. Ngoài ra, trang thông tin cũng cung cấp số điện thoại cá nhân của chị Tiên để những người cần sự giúp đỡ có thể gọi điện thoại trực tiếp để xin được tư vấn. Những người không gọi điện thoại cũng có thể xin tư vấn qua hộp thư tin nhắn của trang. Qua cổng thông tin này mà nhiều người trong cộng đồng đã tiếp cận được với những thông tin bổ ích cũng như sự tư vấn khi gặp khó khăn đối phó với dịch bệnh.

Ngoài việc “đói” thông tin rõ ràng và chính thức trong mùa dịch, cái đói về thể chất là có thật khi có rất nhiều DDLĐVN đã mất việc làm, không có nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống thường nhật. Nhận thấy sự bi đát trong cộng đồng, thiếu sự giúp đỡ từ các nhà chức trách, anh Bùi Đình Anh, một giáo dân Công giáo đã nhiều năm sinh hoạt tích cực trong cộng đồng người Việt nói chung, cách riêng cộng đồng Công giáo, đã kết hợp với một số anh chị em đồng hương để tổ chức quyên góp và hỗ trợ thực phẩm cho những anh chị em đang gặp khó khăn trên tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Những lời kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng được anh Đình Anh và các cộng sự đăng tải lên trên trang Facebook cá nhân cũng như trang Facebook “Cộng đồng người Việt tại Thái Lan” mà anh Đình Anh là quản trị viên. Khi nhận được các khoản đóng góp, anh Đình Anh cũng đăng lên trang Facebook với lời cảm ơn mạnh thường quân. Với sự hỗ trợ của các cộng sự và một số linh mục Việt Nam đang phục vụ tại Thái Lan, anh Đình Anh đã hỗ trợ hơn 2.000 phần quà cho hơn 1.000 di dân Việt Nam gặp khó khăn trong thời cao điểm của làn sóng thứ tư của đại dịch tại Thái Lan. Ngoài nhóm “tự phát” của anh Bùi Đình Anh còn có một số nhóm và cá nhân khác cũng đã thực hiện công tác hỗ trợ đồng hương qua việc quyên góp từ các lòng hảo tâm.

Trong sách Phúc Âm Mátthêu, Chúa Giêsu khẳng định rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn cần những món ăn tinh thần để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng. Tại Thái Lan cũng không khác ở vô số nơi khác trên thế giới, khi đại dịch xảy đến, hoặc trong những thời gian dịch bệnh tái bùng phát thì nhiều cơ sở buộc phải đóng cửa hoặc hạn chế các hoạt động tụ tập đông người. Các nhà thờ và chùa chiền không ngoại lệ. Nhìn chung, các nhà thờ Công giáo tại Thái Lan tuân thủ các biện pháp chống dịch được chính phủ ban hành rất nghiêm túc. Trước tình trạng các nhà thờ đóng cửa, các Thánh lễ bằng mọi ngôn ngữ đều bị ngừng thì các sinh hoạt của cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Thái Lan cũng dường như bị khựng lại hoàn toàn. Tuy nhiên, khi các nhà thờ trở nên vắng vẻ thì các sinh hoạt tôn giáo trên không gian mạng xã hội lại trở nên nhộn nhịp và sinh động hơn bao giờ hết. Sự khao khát của các chủ chiên muốn gần gũi những con chiên của mình, được an ủi họ trong những lúc gian nan, được khuyến khích họ trước những nỗi tuyệt vọng, được trấn an họ trước những hoang mang của thời cuộc, chính là động lực thúc đẩy các mục tử tìm đến mạng xã hội để nối kết với giáo dân, để duy trì mối hiệp thông giữa chủ chiên và con chiên. Tại Thái Lan, trang Facebook chính thức của Ủy ban không chỉ còn là trang để đăng lịch Thánh lễ vì tất cả các Thánh lễ đã bị tạm ngưng. Thay vào đó, trang Facebook trở nên nơi để phát sóng trực tuyến các Thánh lễ Chúa Nhật cho cộng đồng di dân tại Thái Lan. Cha Giuse Nguyễn Mạnh Hà, OP, linh mục đặc trách mục vụ di dân Việt Nam tại TGP Bangkok đã phải mua sắm những thiết bị cần thiết để đều đặn phát sóng các Thánh lễ trực tuyến suốt mùa dịch, mỗi khi các nhà thờ đóng cửa hoàn toàn hoặc khi chưa được trở lại như bình thường. Ngài kể: “Ban đầu thì tôi chỉ có một chiếc điện thoại cùi và chỗ tôi ở là chỗ mới nên chưa lắp được mạng có wifi nên tín hiệu khá yếu. Với một người không rành về công nghệ như tôi thì ban đầu cũng vất vả trong quá trình livestream. May thay có một số anh chị em rất nhiệt tình, góp ý thế này chưa được, cái kia cần chỉnh... thế là có thêm đèn chiếu sáng, thiết bị âm thanh và ngay cả chỗ dâng lễ cũng được chỉnh chu hơn.”[48]

Ngoài phát sóng trực tuyến Thánh lễ Chúa Nhật, Cha Hà còn đăng tải video bài giảng cho Thánh lễ Chúa Nhật trước đó vài ngày để giúp cho giáo dân có dịp suy tư Lời Chúa trước ngày lễ. Về điều này, Cha Hà cũng phải vượt qua những ái ngại cá nhân để thực hiện công việc mục vụ với người di dân dưới sự chăm sóc của ngài. Ngài tâm sự:

Khi chia sẻ bài giảng và dâng lễ online thì cũng thấy ngại và sợ. Ngại, sợ rằng không biết khán thính giả của mình là những ai, những ai có thể đón nhận, những ai sẽ là người phản biện mình… Và thực tế ấy cũng đã xảy ra, nhưng tạ ơn Chúa khi một ngày kia gặp một anh cán bộ trong Đại sứ quán Việt Nam, anh ấy nói cha chia sẻ bài giảng hàng tuần và dạy người ta những chân lý, những việc đạo đức cần làm vậy là tốt lắm, xin cha cứ tiếp tục nhé. Khi đó tôi như vớ được phao khi mình nổi trôi và hứa với lòng mình sẽ không bỏ chia sẻ chỉ trừ khi bị bệnh, hoặc không thể được nữa thì thôi như lời Thánh Phêrô đã nhắn nhủ: Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em’ (1Pr 3,15).

Mặc dù mục đích chính yếu là để phục vụ cộng đoàn di dân, nhưng trong kỷ nguyên internet, thì các video bài giảng của ngài không chỉ được con chiên ở Thái Lan truy cập mà còn được chia sẻ đến với giáo dân ở nhiều nơi khác ngoài Thái Lan. Cha Hà cho hay:

Có một điều tôi cảm thấy hạnh phúc khi các bài chia sẻ, và các Thánh lễ online được nhiều người đón nhận. Thực tế nếu một Thánh lễ tại Thái Lan mà quy tụ được 500 người tham dự thì đã là một đại lễ rồi, thế nhưng các Thánh lễ các bài chia sẻ đã vượt con số này rất nhiều. Các Thánh lễ khi tổ chức chỉ có một số người trong giáo xứ hoặc những người lân cận tham dự, nhưng các Thánh lễ online và các bài chia sẻ thì không bị chi phối về yếu tố địa lý và đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia, tới nhiều nơi trên thế giới mà nếu không có thời đại 4.0 thì có mơ cũng không thể có được. Anh chị em có thể nghe bài giảng bất cứ nơi nào, thời gian nào vì bây giờ ai cũng có điện thoại, cho nên dù là đang nấu cơm, đang đi làm, đang đi trên tàu, xe buýt mở ra là đã có thể nghe được. Đấy là điều tốt và ta tận dụng thời internet này để Lời Chúa có thể đến với mọi nơi và mọi người.

 

Các vấn đề cần quan tâm


Mặc dù các DDLĐVN trẻ tuổi ở Thái Lan đã học cách sử dụng mạng xã hội một cách tích cực, đặc biệt dùng nó như nguồn hỗ trợ xã hội và tinh thần trong những hoàn cảnh khó khăn, nhưng không thể phủ nhận rằng vẫn còn nhiều lĩnh vực cần phải quan tâm. Phần lớn các vấn đề liên quan đến việc lạm dụng cũng như sử dụng mạng xã hội một cách thiếu thận trọng và khôn ngoan, gây ảnh hưởng tiêu cực trên đời sống cá nhân và cộng đồng.

 

 

1. Thiếu sự giám sát của người lớn trong việc sử dụng mạng xã hội


Mạng xã hội là một thế giới tràn ngập sự lôi cuốn và vô số cơ hội cho những mối quan hệ mới, nhưng cũng đầy nguy hiểm. Những người trẻ, bất kể họ là sinh viên hay lao động nhập cư, cần có sự giám sát và hướng dẫn của người lớn để điều chỉnh việc sử dụng và tham gia vào các hoạt động mạng xã hội. Khi những người trẻ sống trong môi trường gia đình hoặc môi trường khác có sự hướng dẫn của người lớn, những nguy cơ liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội không được kiểm soát có thể được giảm thiểu. Thật không may, trong khi nhiều DDLĐVN ở Thái Lan là thanh niên, thậm chí cả thiếu niên, họ thường không được hưởng sự giám sát của người lớn. Họ sống xa gia đình, làm việc ở một đất nước khác, thường sống với bạn bè và người quen cùng lứa tuổi. Một số sống với anh chị hay người thân lớn tuổi hơn, nhưng bản thân họ là những công nhân nhập cư cũng phải làm việc nhiều giờ và không phải lúc nào cũng có thời gian hoặc đủ kiên nhẫn để theo dõi sát những gì người trẻ đang làm. Do thiếu sự giám sát của cấp trên, nhiều lao động trẻ nhập cư dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội hoặc đăng các bài viết không phù hợp, có khi phát trực tiếp những sinh hoạt bị luật pháp Thái Lan cấm, chẳng hạn như mổ chó hoang để nhậu nhẹt, tiệc tùng ồn ào với bạn bè trong phòng trọ, v.v.


2. Thiếu sự kiểm soát và điều tiết

 

Như đã nói trên đây, có rất nhiều nhóm Facebook phục vụ cộng đồng người Việt di cư sang Thái Lan. Tuy nhiên, hầu hết các nhóm này không thuộc bất kỳ tổ chức chính thức nào, mà do chính các DDLĐVN trẻ lập ra. Do đó, các quản trị viên trẻ của các trang này trở thành người thiết lập các quy tắc cho trang FB và kiểm duyệt nội dung. Thật không may, do tính chất không chính thức của các trang FB và thiếu cơ chế rõ ràng để điều chỉnh nội dung, một số trang trở thành một nơi hỗn hợp bao gồm các bài viết tin tức cộng đồng, quảng cáo sản phẩm, tự giới thiệu tìm kiếm bạn bè, loan tin đồn thất thiệt và dùng để thực hiện các cuộc tấn công cá nhân. Trong một số trang, các câu hỏi nghiêm túc do một thành viên đăng lại được trả lời bằng những bình luận thô lỗ và vô ích. Những lời xúc phạm và tấn công cá nhân khá phổ biến trong nhiều cuộc trao đổi của các nhóm này, khiến các trang nhiều khi trở nên như một “cái chợ hỗn loạn” hơn là một “không gian cộng đồng kỹ thuật số”.

Có trường hợp các trang nhóm Công giáo được các bạn trẻ di dân lập lên và điều hành, nhưng sau đó người quản trị trang di chuyển công việc, về lại Việt Nam, đi làm ở nước khác, bỏ sử dụng tài khoản, hoặc không thể sử dụng tài khoản vì quên mật khẩu, v.v. khiến cho trang không còn quản trị viên. Tình trạng này đã dẫn đến một số trang mang tên nhóm Công giáo Việt Nam tại Thái Lan bị kẻ xấu lạm dụng, nhập vào làm thành viên rồi đăng lên những bài viết cố tình bôi nhọ đạo và Giáo hội Công giáo. 


3. Sử dụng mạng xã hội không đúng cách


Ngày càng có nhiều DDLĐVN trẻ ở Thái Lan lên các trang Facebook của nhóm hoặc trang cá nhân để đăng những bài tố cáo những người bị cho là lừa đảo. Những bài đăng này hầu như luôn bao gồm nhiều hình ảnh của người bị cáo buộc sai phạm. Đôi khi có cả ảnh photo hộ chiếu của họ nữa. Những người bị đưa lên mạng xã hội này bị buộc tội về nhiều thứ, bao gồm ăn cắp tài sản, quỵt nợ, không trả tiền cho một dịch vụ nào đó, và thậm chí là cướp người yêu của người khác. Dĩ nhiên những bài đăng này luôn thu hút được rất nhiều sự quan tâm cũng như nhiều bình luận từ cư dân mạng, phần lớn đứng về phía cá nhân thực hiện bài đăng và lên án người bị cho là sai phạm.

Mặc dù những bài đăng này rất phổ biến trên các trang cá nhân và trang nhóm của các DDLĐVN ở Thái Lan, nhưng hầu như không thể xác minh tính chính xác của những lời buộc tội này. Cho dù một số bài đăng cũng trình bày những cái được cho là bằng chứng về hành vi sai phạm, nhưng người ta khó có thể nắm được toàn bộ câu chuyện để có thể đưa ra một kết luận chắc chắn. Tuy nhiên, trong trường hợp những lời buộc tội này sai sự thật, có thể vô cùng phương hại đến danh tiếng và đời sống của người bị buộc tội.

Thật không may, đối với các DDLĐVN trẻ ở Thái Lan, dường như có rất ít cơ chế được thiết lập để điều chỉnh và xác minh tính chính xác của những bài đăng vô cùng nhạy cảm này. Nếu trong trường hợp ai đó bị tố cáo oan thì họ cũng không biết có thể dùng biện pháp gì để minh oan và lấy lại sự công bình cho bản thân.

 

4. Thiếu thẩm quyền để xác minh thông tin

 

Từ những gì đã trình bày trên đây, có thể thấy rằng thông tin chính xác, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến cuộc sống và sinh kế của các DDLĐVN trẻ ở Thái Lan là một nhu cầu đặc biệt quan trọng trong cộng đồng này. Trên thực tế, có rất nhiều thông tin được đăng tải trên mạng xã hội nói về những điều đang diễn ra trong xã hội Thái Lan nói chung và về cộng đồng người Việt di cư nói riêng. Những bài viết này có được là vì có một số lao động nhập cư Việt Nam có trình độ tiếng Thái tương đối tốt, nắm rõ những thời sự đang diễn ra, điển hình hoạt động của chị Phan Thị Thùy Tiên với trang “Thông tin Covid-19 Thái Lan”.

Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp của đại đa số các bài đăng được thực hiện trên các trang mạng xã hội khác. Ở những bài viết này, thông tin ít khi được dẫn nguồn rõ ràng, đầy đủ để người đọc có thể kiểm chứng. Kết quả là, rất nhiều thông tin được đưa ra cho cộng đồng mà không có bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền nào thực hiện vai trò xác định và điều chỉnh tin tức giả mạo cũng như những thông tin sai lệch, dẫn đến tình trạng nhiều DDLĐVN trở thành nạn nhân của nạn tin giả trên mạng xã hội.



Những điều cần lưu ý


Dựa trên những gì đã trình bày về vai trò của mạng xã hội trong đời sống của DDLĐVN tại Thái Lan cũng như trong hoạt động mục vụ di dân đã trình bay phía trên, có thể đưa ra một số điểm đáng lưu ý như sau:


• Mạng xã hội có thể đóng vai trò như một nền tảng giúp cộng đồng di cư ở nước ngoài dễ dàng tìm được những thông tin liên quan đến hoàn cảnh của họ, dựa vào các nguồn tin đáng tin cậy, cho dù không chính thức, để giúp họ có những quyết định đúng đắn về các vấn đề quan trọng liên quan đến cuộc sống và sinh kế. Mạng xã hội thuận tiện và mang lại hiệu quả trong những vấn đề cấp bách vì thông tin có thể được đăng tải và truyền đạt nhanh hơn các kênh thông tin chính thống. Các phương tiện truyền thông thường chuyển tải rất nhiều thông tin, nhưng các thông tin đó không phải lúc nào cũng hướng đến những nhóm người có hoàn cảnh đặc biệt như cộng đồng lao động di dân hoặc những nhóm người hay bị xã hội lãng quên. Qua mạng xã hội, người ta không chỉ tạo ra các cộng đồng riêng biệt trên nền tảng này, mà còn có thể chủ động trong việc chia sẻ các thông tin về các vấn đề liên quan trực tiếp đến từng nhóm người đó.


• Mạng xã hội có thể đóng vai trò là kênh kêu gọi hỗ trợ về tinh thần và vật chất cho người lao động nhập cư ở nước ngoài khi không có các kênh hỗ trợ chính thức từ chính phủ hay các tổ chức xã hội. Điều này thường xảy ra đối với các lao động nhập cư ở nước ngoài vì hoàn cảnh cư trú và làm việc bất hợp pháp. Nhưng kinh nghiệm của các DDLĐVN tại Thái Lan còn cho thấy rằng: nhiều người cảm thấy họ khó có thể tìm kiếm được sự hỗ trợ từ những tổ chức của chính phủ, ngay cả khi họ không làm gì sai, chẳng hạn như khi họ là nạn nhân của tai nạn giao thông hoặc bị đối xử bất công từ chủ lao động. Thông qua nền tảng mạng xã hội, các DDLĐVN có thể giúp nhau để tìm ra hướng giải quyết các vấn đề cũng như hỗ trợ về mặt vật chất khi gặp chuyện rủi ro trong cuộc sống.


• Mạng xã hội có thể trở thành một nguồn hỗ trợ về mặt tinh thần đối với cộng đồng di dân. Qua mạng xã hội, những người trong cộng đồng đang bị nhiều thiệt thòi cảm nhận được sự nối kết với nhau; đồng thời, họ có thể chia sẻ, thảo luận và tìm kiếm thông tin về các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của họ. Trên những trang này, các DDLĐVN có thể bày tỏ một cách cởi mở sự thất vọng vì không thể tìm được việc làm, sự bức xúc khi bị bắt và bị tống tiền, và thậm chí tìm kiếm lời khuyên về cách đối phó với cảnh sát và nhân viên nhập cư trong những tình huống khó khăn. Do đó, mạng xã hội có thể tạo ra một không gian riêng biệt để các DDLĐVN thảo luận và chia sẻ những vấn đề liên quan cụ thể đến hoàn cảnh của mình, thậm chí cả những vấn đề bị coi là bất hợp pháp theo luật quản lý công việc và di trú của quốc gia nơi họ cư trú. Cảm giác được thổ lộ những khúc mắc trong đời sống di dân phần nào giúp họ giải tỏa, cũng như nhận được sự đồng cảm từ những người cùng cảnh ngộ.


• Mạng xã hội có thể làm nên sức mạnh cho cộng đồng bằng cách tạo điều kiện để một số cá nhân có tinh thần và nhiệt huyết có phương tiện để chia sẻ những thông tin hữu ích cho cộng đồng cũng như khuyến khích các thành viên hành động vì lợi ích chung, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù hầu hết các DDLĐVN tập trung vào việc kiếm sống, nhưng vẫn có một số cá nhân quan tâm đến lợi ích của cộng đồng và luôn nỗ lực phục vụ cộng đồng theo khả năng của mình. Những hoạt động của anh Bùi Đình Anh và các cộng sự, cũng như một số anh chị em khác trong cộng đồng nhằm hỗ trợ những người đang túng thiếu trong đại dịch là một điển hình về cách mạng xã hội có thể trở thành công cụ để giúp thực hiện hóa những ý tưởng tốt lành vì cộng đồng và cho cộng đồng.


• Những người làm mục vụ di dân có thể nhờ vào mạng xã hội để triển khai những hình thức mục vụ sáng tạo nhằm phục vụ cộng đồng cách thiết thực hơn. Không gian mạng xã hội là nơi các mục tử có thể “gặp gỡ” những người giáo dân của mình một cách gần gũi hơn, điều này đặc biệt quan trọng khi điều kiện cuộc sống của người di dân ít cho phép họ đến nhà thờ hoặc tham gia nhiều sinh hoạt tâm linh như ở quê nhà. Nếu như ở trong môi trường truyền thống tại quê nhà, các vị mục tử có nhiều cơ hội hơn để gặp gỡ và giao tiếp với con chiên của mình trong không gian vật lý, thì ở nước ngoài, cơ hội để đến với nhau như vậy rất hiếm. Vì thế, không gian mạng xã hội là nơi mà các vị mục tử có cơ hội “hiện diện” với cộng đồng, đi sát với những biến cố xảy ra trong đời sống của người di dân và có thể tìm ra những phương cách mục vụ nhằm khắc phục những vấn đề nảy sinh trong đời sống của của những đối tượng này. Bên cạnh các Thánh lễ trực tuyến, người mục tử có thể dùng không gian mạng để tư vấn và tổ chức những buổi học hỏi, hội thảo hướng tới người di dân, hoặc tổ chức những giờ cầu nguyện và chương trình tĩnh tâm Mùa Chay, Mùa Vọng cho họ. 


• Khi nghiên cứu về các cộng đồng yếu thế như cộng đồng di dân, trong thời đại hiện nay, ta không thể đánh giá thấp vai trò của mạng xã hội như là một nguồn cung cấp thông tin nội bộ về kinh nghiệm, tâm tư, và thách đố trong đời sống của họ. Một nhà nghiên cứu về di dân chỉ cần theo dõi diễn đàn mạng xã hội của nhóm người này một thời gian sẽ nhận ra những biến chuyển trong cộng đồng, những hoạt động nổi trội, những nhân vật có ảnh hưởng, những ưu và khuyết điểm cùng với những trải nghiệm chung mà mọi người đang trải qua. Người nghiên cứu cũng có thể tìm được rất nhiều người trên mạng xã hội sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, trả lời những thắc mắc và cung cấp những thông tin chi tiết liên quan đến cộng đồng đó. Ngoài ra, những cuộc khảo sát và phỏng vấn người di dân có thể thực hiện dễ dàng qua mạng xã hội, đặc biệt trong tình trạng khó tiếp cận trực tiếp với họ trong không gian vật lý do những hạn chế trong công việc và đời sống.

• Mặc dù mạng xã hội đã được chứng minh là một công cụ hữu ích để nâng cao đời sống của các DDLĐVN trẻ, nhưng nó cũng mang đến nhiều mối nguy hiểm cho cộng đồng trẻ này khi họ không được hướng dẫn đầy đủ để sử dụng và tham gia mạng xã hội cách thận trọng và khôn ngoan; khi nó bị lạm dụng để tấn công người khác; khi nó trở thành kênh truyền bá thông tin sai sự thật và không chuẩn xác. Giống như mọi người trẻ ở bất cứ nơi đâu, việc sử dụng mạng xã hội vì lợi ích và thăng tiến cá nhân cần phải có sự giám sát và hướng dẫn đầy đủ từ những người có thẩm quyền. Ngoài ra, sự hiện diện của những người lớn – những người có thẩm quyền để hướng dẫn đạo đức cho những người trẻ di cư Việt Nam ở Thái Lan nói riêng và ở những nơi khác nói chung là một vấn đề quan trọng cần được các vị mục tử cũng như các chuyên gia quan tâm để giảm thiểu những hậu quả mà người trẻ đang gặp phải trong việc sử dụng mạng xã hội.


***


Mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại; tuy nhiên, bản chất của cách thức sử dụng nó sẽ khác nhau tùy theo từng bối cảnh. Mặc dù mục đích kết nối với người khác chính là ý tưởng cơ bản của mạng xã hội, nhưng cách thức cụ thể mà phương tiện này phục vụ cho từng nhóm và từng cá nhân sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi hoàn cảnh xã hội, kinh tế, văn hóa và tôn giáo của nơi mà mỗi nhóm hoặc cá nhân đang sống. Trong trường hợp của các DDLĐVN ở Thái Lan, mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và ứng dụng Messenger của nó có thể được coi là một phương tiện để giảm thiểu thiệt thòi và hỗ trợ họ trong hoàn cảnh khó khăn, chứ không chỉ đơn thuần là một nền tảng để giao tiếp xã hội hoặc để kết nối với gia đình và bạn bè. Việc nhận ra tiềm năng của mạng xã hội như một phương tiện có thể mang lại lợi ích to lớn cho các thành viên trong cộng đồng, đặc biệt cho các nhà hoạt động, cho các nhà lãnh đạo xã hội, và cho các vị mục tử – là những người luôn quan tâm đến quyền lợi của những người yếu thế là hết sức quan trọng và cần thiết.


[1] “Thực trạng lực lượng lao động Việt Nam và một số vấn đề đặt ra,” Tạp Chí Tài Chính (9/2/2019), http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/thuc-trang-luc-luong-lao-dong-viet-nam-va-mot-so-van-de-dat-ra-302133.html

[2] Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Báo cáo tổng quan về tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài (Hà Nội: Cty ADN, 2011), 917.

[3] Việt Nhân Lực, “Xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài,” http://vietnhanluc.com/xuat-khau-lao-dong-viet-nam-ra-nuoc-ngoai.

[4] “Nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu,” Bộ Lao Động – Thương Binh –Xã Hội (1/1/2019), http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=219367

[5] VOV News, “Năm 2018: Lao động Việt Nam đi xuất khẩu nhiều nhất ở nước nào?” (4/1/2019), https://vov.vn/tin-24h/nam-2018-lao-dong-viet-nam-di-xuat-khau-nhieu-nhat-o-nuoc-nao-859599.vov.

[6] “Japan, Taiwan dominate Vietnamese labor imports in 2019,” Thời Đại (3/1/2020), https://vietnamtimes.org.vn/japan-taiwan-dominate-vietnamese-labor-imports-in-2019-17486.html

[7] “South Korea and Taiwan have decided to renew visas for foreign workers including Vietnamese to fill a labor shortage amid the coronavirus outbreak,” Mekong Immigration Network (7/5/2020), http://www.mekongmigration.org/?p=8500

[8] “Japan considering re-opening door to some foreigners: media,” Reuters (1/6/2020), https://www.reuters.com/article/us-health-coronavirus-japan-travel/japan-considering-re-opening-door-to-some-foreigners-media-idUSKBN238145

[9] “Vietnamese community in Japan reached almost 412,00,” Thời Đại (29/3/2020), https://vietnamtimes.org.vn/vietnamese-community-in-japan-reached-almost-412000-18873.html#:~:text=The%20number%20of%20Vietnamese%20in,and%20the%20Republic%20of%20Korea.

[10] Phan Hoạt, “Xuất khẩu lao động tiếp tục vượt khó,” Công An Nhân Dân (13/05/2021), https://cand.com.vn/doanh-nghiep/Xuat-khau-lao-dong-tiep-tuc-vuot-kho-i605338/

[11] Giang Lê, 16,7 tỉ USD kiều hối về Việt Nam năm 2019, cao gấp 10 lần thu nhập của các hộ gia đình,” Forbes Vietnam (17/12/2019), https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/167-ti-usd-kieu-hoi-ve-viet-nam-nam-2019-cao-gap-10-lan-thu-nhap-cua-cac-ho-gia-dinh-8552.html

[12] “Vietnam GDP,” Trading Economics, https://tradingeconomics.com/vietnam/gdp

[13] “People smuggling from Vietnam to Europe: The facts,” Infomigrants (28/10/2019), https://www.infomigrants.net/en/post/20423/people-smuggling-from-vietnam-to-europe-the-facts#:~:text=Human%20trafficking%20networks%20are%20smuggling,Nations%20Economic%20and%20Social%20Council.

[14] “39 Vietnamese Died in a U.K. Truck. 18,000 More Endure This Perilous Trip,” The New York Times (1/11/2019), https://www.nytimes.com/2019/11/01/world/europe/vietnamese-migrants-europe.html

[15] “Vietnamese workers in Thailand: lesser known but valuable labour source,” Bangkok Post (21/07/2016), https://www.bangkokpost.com/business/1040741/vietnamese-workers-in-thailand-lesser-known-but-valuable-labour-source#:~:text=According%20to%20a%20recent%20study,estimated%2050%2C000%20are%20in%20Thailand.

[16] Bộ Ngoại giao Việt Nam, Báo cáo, tr.17.

[17] “Countries comparison, Vietnam vs. Thailand,” https://countryeconomy.com/countries/compare/vietnam/thailand

[18] Watcharee Srikham, “UVMWs in Ubon Ratchathani Municipality,” Journal of Mekong Societies 10, No.1 (2014): 140.

[19] “Working-age population decreasing: NESDC,” The Nation Thailand (15/1/2020), https://www.nationthailand.com/news/30380560

[20] “Hơn 100.000 cử nhân thất nghiệp và sự lãng phí tiền bạc, tuổi trẻ,” Zing News (13/10/2019), https://zingnews.vn/hon-100000-cu-nhan-that-nghiep-va-su-lang-phi-tien-bac-tuoi-tre-post1000476.html

[21] Đến thời điểm này thì giữa Thái Lan và Việt Nam chỉ mới có ký kết MOU (Bản ghi nhớ hợp tác) cho phép người Việt Nam tham gia vào hai ngành nghề, đó là xây dựng và đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, đây là hai công việc nặng nhọc, lương thấp mà hầu hết lao động Việt Nam tại Thái Lan không thích làm. Từ khi ký kết đến nay có rất ít người Việt Nam tham gia vào hai ngành nghề này.

[22] “Thailand cracks down on migrant workers as anti-immigration feelings rise,” Reuters (30/9/2016), http://www.voanews.com/a/reu-thailand-cracks-down-on-migrant-workers/3531387.html.

[23] “Immigration police arrest 2,000 in Isan,” Bangkok Post (16/6/2019), https://www.bangkokpost.com/learning/easy/1696248/immigration-police-arrest-2-200-in-isan.

[24] “ลุยจับต่างด้าว ทำงานผิดกฎหมายมีโทษปรับตั้งแต่ 5,000 - 50,000 บาท,” TNews (13/8/ 2019), https://www.tnews.co.th/social/518718/ลุยจับต่างด้าว-ทำงานผิดกฎหมายมีโทษปรับตั้งแต่-5,000---50,000-บาท

[25] “เวียดนามแสบ! ลอบขายหมูกระทะเดลิเวอรี่ บุกค้นแทบช็อก สุดโสโครก,” News Monitor (25/6/2018), https://www.khaosod.co.th/monitor-news/news_1260853.

[26] “Wuhan pneumonia: Thailand confirms first case of virus outside China,” South China Morning Post (13/1/2020), https://www.scmp.com/news/hong-kong/health-environment/article/3045902/wuhan-pneumonia-thailand-confirms-first-case

[27] “New coronavirus infection in Thailand takes tally to 42,” Reuters (29/2/2020), https://www.reuters.com/article/us-china-health-thailand-idUSKBN20N07N

[28] “Khao San Songkran party cancelled,” Bangkok Post (9/3/2020), https://www.bangkokpost.com/learning/easy/1875094/khao-san-songkran-party-cancelled

[29] “Thailand reports 32 new coronavirus cases in the biggest single day rise,” Bangkok Post (15/3/2020), https://www.bangkokpost.com/thailand/general/1879300/thailand-reports-32-new-coronavirus-cases-in-biggest-single-day-rise

[30] “All schools ordered to close from Wednesday,” The Nation Thailand (17/3/2020), https://www.nationthailand.com/news/30384260?utm_source=homepage&utm_medium=internal_referral

[31] “Pattaya to close all entertainment venues such as bars, night clubs and massage shops until the end of the month,” The Pattaya News (17/3/2020), https://thepattayanews.com/2020/03/17/pattaya-to-close-all-entertainment-venues-such-as-bars-nightclubs-and-massage-shops-until-the-end-of-the-month/

[32] “Laos shuts four border checkpoints amid Covid-19 crisis,” The Nation Thailand (18/3/2020), https://www.nationthailand.com/news/30384315

[33] “Thailand government announces closure of some border crossings,” Garda World (18/3/2020), https://www.garda.com/crisis24/news-alerts/324136/thailand-government-announces-closure-of-some-border-crossings-march-18-update-12

[34] “Border closure delayed for stranded people to cross,” Bangkok Post (21/3/2020), https://www.bangkokpost.com/thailand/general/1883580/border-closure-delayed-for-stranded-people-to-cross

[35] “Thailand begins closing land borders as coronavirus cases climb,” Thai Enquirer (23/3/2020), https://www.thaienquirer.com/9880/thailand-begins-closing-land-borders-as-coronavirus-cases-climb/

[36] “Cambodia entry restrictions expanded as of march 20,” Garda World (20/3/2020), https://www.garda.com/crisis24/news-alerts/324841/cambodia-entry-restrictions-expanded-as-of-march-20-update-3

[37] “Dịch COVID-19 (sáng ngày 20/3): Việt Nam công bố thêm 9 ca nhiễm nâng tổng số bệnh nhân lên 85,” Báo Đấu Thầu (20/3/2020), https://baodauthau.vn/thoi-su/dich-covid19-sang-ngay-203-viet-nam-cong-bo-them-9-ca-nhiem-nang-tong-so-benh-nhan-len-85-124413.html

[38] “Laos confirms first Covid-19 cases,” Laotian Times (24/3/2020), https://laotiantimes.com/2020/03/24/laos-confirms-first-covid-19-cases/

[39] “PM Prayuth signs order to grant visa amnesty to foreigners in Thailand,” Thaivisa (8/4/2020), https://forum.thaivisa.com/topic/1158449-pm-prayuth-signs-order-to-grant-visa-amnesty-to-foreigners-in-thailand/

[40] “Visas extended, relief measures approved,” Bangkok Post (21/4/2020), https://www.bangkokpost.com/thailand/general/1904435/visas-extended-relief-measures-approved

[41] “Covid beds running out,” Bangkok Post (23/6/2021), ttps://www.bangkokpost.com/thailand/general/2136647/covid-beds-running-out

[42]  “Record 23,418 new Covid daily cases, 184 fatalities,” Bangkok Post (13/8/2021), ttps://www.bangkokpost.com/thailand/general/2164807/record-23-418-new-daily-covid-cases-184-fatalities

[43] “Digital 2020: Vietnam,” Datareportal (18/2/2020), https://datareportal.com/reports/digital-2020-vietnam#:~:text=There%20were%2068.17%20million%20internet,at%2070%25%20in%20January%202020.

[44] “Leading countries based on Facebook audience size as of July 2020,” Statista, https://www.statista.com/statistics/268136/top-15-countries-based-on-number-of-facebook-users/

[45] “Number of Vietnam Facebook users,” Statista, https://www.statista.com/statistics/490478/number-of-vietnam-facebook-users/.

[46] “Social Media Trends,” Lexicon, https://lexiconthai.com/blog/social-media-trends-2019-facebook-in-thailand/.

[47] Cuộc phỏng vấn anh Hà Văn Phúc diễn ra vào ngày 22/9/2019.

[48] Trao đổi trực tiếp với Cha Giuse Nguyễn Mạnh Hà qua Facebook Messenger.

church-kts-1706226649.jpeg

Chương 1: Bối cảnh xã hội và mục vụ

Chương 2: Thần học và mục vụ truyền thông

Chương 3: Ứng phó mục vụ

Chương 4: Hướng đến thần học mạng

Chương 5: Đối thoại liên tôn

Chương 6: Giao thoa văn hóa

Chương 7: Xây dựng tình hiệp thông qua trung gian mạng

Chương 8: Lãnh đạo tôn giáo với truyền thông mạng xã hội

Chương 9: Mục vụ và CNTT-TT trong và sau thời đại dịch

Chương 10: Mạng xã hội với mục vụ di dân

Chương 11: Tôn giáo với tương lai kỹ thuật số


Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ