Skip to content
Top banner

Giao thoa văn hóa

THTT-01
2024-01-29 18:12 UTC+7 293

SỨ VỤ CỦA GIÁO HỘI Trong Kỷ Nguyên Kỹ Thuật Số

Mission of the Church in the Digital Age

LM Anthony Lê Đức, SVD

 

GIAO THOA VĂN HÓA

Định nghĩa giao thoa văn hóa

Cơ hội

1. Không gian

2. Thời gian

3. Điều kiện kinh tế

4. Các chuẩn mực văn hóa và xã hội

5. Tư duy toàn cầu

Những thách đố

1. Tính liên kết không hữu hình (non-embodied interconnectedness)

2. Bất bình đẳng về quyền lực

3. Sự thống trị của “văn hóa mạng”

4. Sự nguy hiểm của tin giả mạo

5. Tác hại từ các thuật toán

Thúc đẩy giao thoa văn hóa trong thời đại kỹ thuật số

1. Kiến thức kỹ thuật số

2. Đối thoại liên tôn

3. Chống lại mô hình kỹ trị

 

 

 

Từ năm 2008–2013, tôi được bề trên Dòng Ngôi Lời bổ nhiệm chăm sóc một giáo xứ nhỏ ở tỉnh Nong Bua Lamphu, vùng Đông Bắc Thái Lan. Nong Bua Lamphu là một tỉnh lẻ được tách ra khỏi tỉnh Udon Thani, cách thủ đô Bangkok khoảng 600km, và cách sông Mekong khoảng 100 km. Giáo xứ Thánh Micae được thành lập vào năm 2002 sau khi Sư huynh Damien Lunders, một nhà truyền giáo Ngôi Lời người Mỹ đến đây để mở mang sứ vụ của hội dòng sau 25 năm truyền giáo tại Papua New Guinea. Ngoài việc quyên góp tiền để xây ngôi nhà thờ Công giáo đầu tiên tại tỉnh Nong Bua Lamphu, Thầy Damien còn thực hiện dự án xây dựng Trung tâm chăm sóc bệnh nhân HIV – cả người lớn lẫn trẻ em mồ côi. Sau khi nhà chăm sóc các trẻ em mồ côi bị nhiễm HIV phía sau nhà thờ được hoàn tất, Đức Giám mục Giáo phận lúc đó là Đức Cha George Yod Phimphisan, CSsR đã mời các Nữ tu Thừa Sai Bác Ái (Dòng Mẹ Têrêsa Calcutta) đến để đảm trách công việc.

Tôi bắt đầu sứ vụ của mình tại Nong Bua Lamphu sau khi đã trải qua chương trình học tiếng Thái căn bản trong vòng 6 tháng tại Bangkok và có thêm một thời gian ngắn để thực tập trong Giáo phận Udon Thani. Đang trong thời gian thực tập thì Đức Cha George gọi tôi vào văn phòng để nói chuyện. Ngài báo cho tôi biết là ngài sẽ bổ nhiệm tôi làm quản xứ Giáo xứ Thánh Micae vì cha quản xứ đương nhiệm, Dòng Chúa Cứu Thế được bề trên thuyên chuyển nhiệm vụ khác. Trong cơ cấu tổ chức Giáo hội tại Thái Lan, nhiều nơi người ta gọi là “giáo xứ”, nhưng trên thực tế có nơi chỉ có vài chục tới vài trăm giáo dân. Đó là trên danh sách, còn số lượng thực tế đến nhà thờ còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Trong danh sách của Giáo xứ Thánh Micae có khoảng trên 100 giáo dân, nhưng thời gian đầu tới phục vụ tôi chỉ thấy vài chục người đi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật. Thấy nhà thờ đã nhỏ mà nhiều hàng ghế còn trống, tôi quyết định tìm cách thế để kêu gọi bất cứ ai là người Công giáo tới nhà thờ tham dự Thánh lễ. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi mới vỡ lẽ ra trong tỉnh có những người Công giáo là người Thái (Isan), người Thái gốc Việt, người Thái gốc Hoa, người Philippines đang dạy tiếng Anh ở một số trường trong tỉnh, người nước ngoài (chủ yếu đàn ông Tây) kết hôn với người Thái, và một số lao động di dân Việt Nam. Khởi đầu con số lao động di dân Việt Nam chỉ khoảng 15 người, sau một thời gian lên tới trên 30 người. Đối với một tỉnh thuộc “vùng sâu vùng xa” của Thái Lan, đây là con số đáng kể.

Sau khi gặp gỡ với những giáo dân này, tôi đã mời họ đến nhà thờ tham dự Thánh lễ Chúa Nhật. Dần dần số người đến nhà thờ mỗi ngày Chúa Nhật đông hơn. Các hàng ghế không những không còn chỗ trống, mà còn phải đặt thêm ghế ở cuối nhà thờ để cho mọi người có chỗ ngồi. Mặc dù Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Thái, nhưng trong giáo dân có nhiều sắc tộc khác nhau. Ngay cả các sơ Dòng Mẹ Têrêsa cũng có thành viên đến từ nhiều quốc gia – Ấn Độ, Hàn Quốc và Philippines. Để giúp cho các giáo dân nước ngoài không cảm thấy bị lạc lõng khi đến tham dự Thánh lễ, tôi thường nói vài câu vắn tắt bằng tiếng Anh/Việt sau bài giảng chính bằng tiếng Thái. Tôi cũng làm một bản powerpoint với các câu thưa đáp trong nghi thức phụng vụ bằng tiếng Thái đã được phiên âm để mọi người có thể đọc theo.

Sau Thánh lễ, thành phần giới trẻ (cả người Thái, người Việt và các em bị nhiễm HIV trong trung tâm) ở lại sinh hoạt với nhau – tham gia các trò chơi, tập hát, học kỹ năng sống, chia sẻ Lời Chúa song ngữ, và dùng bữa trưa với nhau trước khi ra về. Tôi cũng thường xuyên tổ chức các sinh hoạt thiện nguyện như thăm viếng người già neo đơn, làm vệ sinh môi trường, quyên góp giúp nạn nhân thiên tai… Ngoài ra còn có các sinh hoạt khác như cắm trại, tĩnh tâm, hành hương v.v.…mà cả giới trẻ người Thái lẫn người Việt đều tham dự chung với nhau.

Vào những dịp Lễ Giáng Sinh, tôi đưa toàn bộ nhóm giới trẻ đi hát thánh ca Giáng Sinh bằng tiếng Anh, tiếng Thái và tiếng Việt để chúc mừng Đức Giám mục, các sơ Dòng kín Capuchin, các người già trong viện dưỡng lão của Giáo phận, và những người già neo đơn trong các làng lân cận giáo xứ. Trong những sinh hoạt chung này, mặc dù có sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và hoàn cảnh sống, nhưng các bạn trẻ rất hòa đồng, họ không phân biệt chủng tộc - địa vị xã hội, không phân biệt giữa người có cha mẹ với người mồ côi cha mẹ, không phân biệt giữa người có sức khỏe bình thường với người bị nhiễm HIV. Các bạn trẻ bất kể hoàn cảnh sống nào đều giao lưu, tương tác và gắn bó với nhau một cách cởi mở, chia sẻ và yêu thương. Trong nhóm mang một tinh thần và lối sinh hoạt riêng biệt, đặc trưng của nhóm mà tôi chưa tìm thấy ở bất cứ nơi nhóm nào mà tôi từng sinh hoạt trước đó hoặc sau này, kể từ ngày tôi chuyển lên Bangkok để đảm nhiệm sứ vụ mới. Trong đời sống truyền giáo của tôi, có thể nói một trong những kỷ niệm đẹp nhất là sinh hoạt giới trẻ tại giáo xứ nhỏ bé mà tôi từng đảm trách ở vùng Đông Bắc Thái Lan này.

 

Tất cả chúng ta đều sinh ra, lớn lên và trải qua ở trong một môi trường văn hóa cụ thể. Có người từ khi chào đời cho tới khi lìa đời chỉ trải nghiệm một nền văn hóa duy nhất do họ không có cơ hội để đi ra ngoài môi trường sinh sống của mình, hoặc do nơi họ sinh sống chỉ có một nền văn hóa mà thôi. Có người tiếp xúc được với nhiều nền văn hóa khác nhau do họ sống trong xã hội đa văn hóa, có cơ hội đi du lịch hoặc công tác đến nhiều nơi trên thế giới, hoặc vì họ di cư từ nơi này qua nơi khác để sinh sống.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông kỹ thuật số, những người ở các vùng xa xôi cũng có cơ hội để “trải nghiệm” các nền văn hóa khác nhau qua các nội dung có thể truy cập trên mạng internet. Chỉ riêng nền tảng mạng xã hội YouTube có chứa hàng tỷ video với nội dung phong phú. Hiện nay YouTube đã có mặt ở trên 100 quốc gia và có thể duyệt bằng 80 ngôn ngữ. Mạng xã hội này cũng có trên hai tỷ người sử dụng hàng tháng.[1] Vì thế việc được tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới không còn là điều hiếm xảy ra với đa số người trong thời đại mới. Điều mà chúng ta quan tâm là làm thế nào để cho việc tiếp xúc với một nền văn hóa trở nên những trải nghiệm tốt đẹp, thú vị, cũng như mang lại sự thăng tiến cho cá nhân và cộng đồng. Làm thế nào để thúc đẩy sự hòa hợp và hiệp thông trong gia đình nhân loại, đồng thời hạn chế những xung đột, đố kỵ và chia rẽ. 

Thời đại toàn cầu hóa được thúc đẩy bởi sự di dân trên diện rộng và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông đã tạo điều kiện cho nhiều cuộc gặp gỡ trực tuyến và ngoại tuyến giữa các cá nhân, cộng đồng và dân tộc. Trong bối cảnh này, “giao thoa văn hóa” (interculturality) là một khái niệm ngày càng trở nên ý nghĩa và được quan tâm đến. Trong công ước “Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa” của UNESCO năm 2005, tổ chức này đã định nghĩa khái niệm ‘giao thoa văn hóa’ là “sự tồn tại và sự tương tác công bằng của các nền văn hóa đa dạng và khả năng tạo ra các biểu đạt văn hóa chung thông qua đối thoại và tôn trọng lẫn nhau.”[2] Tuy nhiên, giao thoa văn hóa không chỉ được xem như là một khái niệm xã hội học hay nhân chủng học, mà còn có thể được hiểu từ góc nhìn của thần học. Ý nghĩa thần học của giao thoa văn hóa đã được đào sâu bởi các thần học gia Công giáo nổi tiếng như Anthony G. Gittins và nhiều nhà truyền giáo của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, đặc biệt qua những bài viết được xuất bản trong tạp chí Verbum SVD cũng như qua các tập sách chuyên đề.

Mục đích của bài viết này là để bổ sung vào cuộc thảo luận về đề tài giao thoa văn hóa, không phải từ quan điểm thần học hay suy tư Kinh Thánh, nhưng với việc xem xét bối cảnh xã hội hiện nay được đặc trưng bởi những tiến bộ to lớn trong công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT). Đặc biệt bài viết sẽ tập trung vào những câu hỏi sau: 1) Thế giới kỹ thuật số hiện đại mang lại những cơ hội nào trong việc thúc đẩy giao thoa văn hóa? 2) Trái lại, những thách đố nào đối với giao thoa văn hóa được đặt ra trong bối cảnh hiện nay? 3) Sự hiểu biết đúng đắn về giao thoa văn hóa trong thời đại CNTT-TT là gì? (4) Và làm thế nào để sự giao thoa văn hóa có thể được cổ võ và thúc đẩy xa hơn trong bối cảnh xã hội - văn hóa ngày nay?

Tuy chúng ta có thể dễ dàng nhận ra giá trị của khái niệm giao thoa văn hóa trong môi trường kỹ thuật số hiện đại như là một lý tưởng về xã hội học và truyền giáo học, nhưng việc thực hiện mô hình này đòi hỏi nhiều hiểu biết đúng đắn về bối cảnh thời đại cũng như việc sử dụng các phương thế giao tiếp phù hợp để duy trì và thúc đẩy tầm nhìn về giao thoa văn hóa cách hiệu quả nhất. Tuy mô hình giao thoa văn hóa đã trở nên phổ biến và được ưa chuộng trong những năm gần đây ở giới học thuật như các nhà xã hội học cũng như các nhà thần học, mô hình này sẽ khó thành công nếu không có những biện pháp để giải quyết cách hiệu quả các vấn đề mà CNTT-TT đặt ra cho xã hội ngày nay.

 

 

Định nghĩa giao thoa văn hóa

 

Giao thoa văn hóa đã trở thành một khái niệm ngày càng quan trọng đối với Giáo hội trong những thập kỷ gần đây. Hiện tượng này phần nào phản ánh sự ‘nhạy cảm văn hóa’ nơi Giáo hội trước môi trường thế giới đa văn hóa hiện nay. UNESCO định nghĩa văn hóa là “tập hợp các đặc trưng tiêu biểu về tinh thần, vật chất, tri thức và xúc cảm của xã hội hoặc một nhóm người trong xã hội; văn hóa không chỉ bao gồm văn học và nghệ thuật, mà còn cả phong cách sống, phương thức chung sống, các hệ giá trị, truyền thống và niềm tin.”[3] Với định nghĩa này, có thể thấy được trên thế giới có hàng ngàn nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, trong quá khứ cũng như hiện tại, do con người từ các nền văn hóa khác nhau có nhu cầu đi lại để giao thương, mưu sinh, tránh tai ương… nên các nền văn hóa có cơ hội để gặp gỡ nhau và chịu ảnh hưởng của nhau. Ngày nay, hiện tượng toàn cầu hóa và di cư liên quốc gia khiến cho con người dễ dàng di chuyển từ nơi này đến nơi khác để học tập, làm việc, du lịch, và định cư. Vì thế, các xã hội đương thời mang tính đa văn hóa hơn bao giờ hết. Ngay cả ở các làng quê vùng Đông Bắc Thái Lan mà tôi đã từng phục vụ, trước đây chỉ có người Thái Isan, thì nay vùng này đã có rất nhiều người nước ngoài đến cư trú – như tôi đã chia sẻ ở đầu bài viết.

Khi nói đến đa văn hoá, hiện tượng này không chỉ được thấy ở các thành phố lớn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của quốc gia, mà ngày càng có thể chứng kiến sự đa văn hóa ở các thị trấn và làng mạc trên khắp thế giới. Tình trạng con người xuất phát từ những quốc gia và nền văn hóa khác nhau tìm đến sống chung với nhau trong cùng một môi trường tạo cơ hội cho sự gặp gỡ, trao đổi giữa các nền văn hóa trong cuộc sống hằng ngày. Những sự trao đổi và gặp gỡ này có thể tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào tính cách và tâm thái cảm xúc của những người trong cuộc. Đó có thể là những dịp thuận tiện để mọi người thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, để trao đổi, chia sẻ và tương trợ lẫn nhau, hoặc cũng có thể là những sự kiện bộc lộ những hiểu lầm, sợ hãi và những định kiến ​​mà người ta mang trong lòng trước những người khác biệt với mình.

Ở cấp độ cộng đồng, sự tương tác giữa các nhóm văn hóa khác nhau, đặc biệt là người nhập cư, có thể dẫn đến sự đồng hóa (assimilation). Sự đồng hóa xảy ra khi nhóm thiểu số được đồng hóa vào nhóm đa số đến mức một phần hoặc toàn bộ sự đa dạng ban đầu sẽ được thay thế bằng tính đồng nhất, phản ánh nền văn hóa của nhóm đa số. Điển hình ở Thái Lan, người Hoa và người Việt đã di cư đến Đất Nước Chùa Vàng hàng trăm năm trước. Trong quá trình xây dựng đất nước và thúc đẩy sự hòa hợp dân tộc, cả người Hoa và người Việt đều bị buộc phải lấy tên Thái (cả họ và tên) nếu họ muốn nhập tịch Thái Lan. Trong nhiều năm trước đây, người Việt di cư sang Thái Lan không được học và nói tiếng Việt; những người muốn học cách đọc, viết và nói ngôn ngữ của mình thì phải lén lút học. Vì thế, thế hệ người Thái gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Thái Lan từ 80 năm trở lại có rất ít người nói được tiếng Việt. Điều này phản ánh chủ trương của các nhà lãnh đạo Thái Lan trong quá khứ muốn tạo ra một bản sắc “Thái” đồng nhất nhằm loại bỏ các nguy cơ chia rẽ và xung đột trong xã hội.

Bên cạnh sự đồng hóa, "hội nhập" (integration) là một cách tiếp cận khác có thể được áp dụng trong môi trường đa văn hoá, theo đó nhóm đa số sẽ cố gắng hòa nhập hoặc kết hợp với nhóm thiểu số để tạo ra một xã hội tương đối bình đẳng. Đối với nhiều người di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ, song song với lối sống và cách làm việc theo văn hóa bản địa của người Mỹ, họ cũng giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của mình như thói quen ăn uống, lễ hội truyền thống và cách xưng hô với nhau trong đời sống hằng ngày, v.v. Nhiều khi những nét văn hóa này lại trở thành một phần trong nền văn hóa của toàn thể cộng đồng. Chính vì thế mà ở Hoa Kỳ, việc ăn bằng đũa không còn là chuyện nhóm người thuộc văn hóa nào dùng, mà là vấn đề bạn đang ăn món gì. Một người da trắng vào một quán phở hay một quán sushi thì hiển nhiên sẽ dùng đũa để gắp thức ăn. Ngược lại, một người gốc Hoa vào nhà hàng steak thì dĩ nhiên phải dùng dao và nĩa. Hội nhập là một cách tiếp cận được xem là toàn diện và bình đẳng hơn “sự đồng hóa” để ứng xử với các cuộc “gặp gỡ văn hóa”. Khác với cách đồng hoá, phương cách “hội nhập” không chủ trương loại bỏ và triệt tiêu các nét văn hóa của nhóm thiểu số. Ngoài sự đồng hóa và hội nhập còn có những cách tiếp cận khác để đối phó với sự đa dạng văn hoá, nhưng chúng ta sẽ không đào sâu vì giới hạn của bài viết này.

Tuy nhiên, giao thoa văn hóa là cách mà các nhà xã hội học, các thần học gia cũng như nhà truyền giáo đã và đang đề cao và hướng tới như một mô hình thể hiện sự nhận thức đầy đủ về giá trị của mỗi nền văn hóa. Trong Giáo hội Công giáo, nhận thức về những giá trị của giao thoa văn hóa đã được nhìn thấy vào năm 1993 khi Đức Hồng y Joseph Ratzinger đề cập đến khái niệm này trong bài phát biểu của ngài với các giám mục đến từ Á châu:

Chúng ta không nên nói về sự "hội nhập văn hóa" (inculturation) nữa mà là sự gặp gỡ của các nền văn hóa hoặc "giao thoa văn hóa” – nói theo một cụm từ mới. Đối với sự hội nhập văn hoá, giả định rằng một đức tin bị tước bỏ về văn hóa được cấy ghép vào một nền văn hóa thờ ơ về mặt tôn giáo, và theo đó, hai chủ thể không quen biết nhau về mặt hình thức sẽ gặp gỡ và dung hợp. Nhưng quan niệm như vậy trước hết là giả tạo và phi thực tế, vì ngoại trừ nền văn minh công nghệ hiện đại, không có cái gọi là đức tin không có văn hóa hoặc văn hóa không có đức tin. Trên tất cả, thật khó để hình dung làm thế nào mà hai thực thể xa lạ với nhau, lại có thể đột nhiên trở thành một tổng thể khả thi trong một cuộc cấy ghép mà nơi đó tiềm ẩn sự nguy hại cho cả hai. Chỉ khi tất cả các nền văn hóa đều có khả năng phổ cập và cởi mở với nhau thì sự giao thoa văn hóa mới có thể dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của những hình thái mới.[4]

Giao thoa văn hóa đã được một số thần học gia nhận định là một sự chuyển biến tự nhiên từ khái niệm “hội nhập văn hóa” (inculturation) vốn phổ biến vào cuối thế kỷ trước. Theo Samuel Neceno Agcaracar, SVD:

Sự hội nhập văn hóa về cơ bản được coi là một phản ứng đối với lời kêu gọi trao trả nền độc lập cho các thuộc địa và trao quyền cho các Giáo hội địa phương, vốn đang được xây dựng vào thời kỳ đầu của Công đồng Vatican II. Do đó, nó là một mô hình được sinh ra từ sự cần thiết đáp ứng một nhu cầu thiết yếu khác trong bối cảnh thời đó.[5]

Nhà truyền giáo học người Hà Lan Franz Wijsen cho rằng sứ vụ của Giáo hội Công giáo hiện đại đã được đánh dấu bởi ba mô hình chính yếu: 1) Sự xâm nhập của Kitô giáo sang các nền văn hóa khác, dẫn đến việc các giáo hội địa phương lấy người châu Âu làm trung tâm; 2) Sự hội nhập văn hóa của Kitô giáo vào các nền văn hóa khác, vốn thống trị vào cuối thế kỷ XX; và 3) Sự giao thoa văn hóa trong hiện tại và tương lai của Giáo hội.[6]

Trong những năm gần đây, thuật ngữ giao thoa văn hóa đã được nhiều học giả giải thích và đào sâu ý nghĩa rõ ràng hơn. Tất cả những diễn giải dường như đều nhấn mạnh sự tương tác diễn ra trong các cuộc gặp gỡ giữa những người đến từ các nền văn hóa khác nhau. Daniel Pietrzak định nghĩa “giao thoa văn hóa” như sau:

Giao thoa văn hóa, như được hiểu cách rộng rãi ngày nay, bao gồm một quá trình phát triển đầy thách thức và có lẽ không bao giờ kết thúc thông qua sự tương tác giữa các thành viên của những nhóm văn hóa khác nhau. Nó chắc chắn không chỉ đơn thuần là tình trạng “sống trong hòa bình” hoặc “bình đẳng nhưng riêng biệt”. Nó cũng không thể được hiểu cách hạn hẹp như một số tương tác văn hóa tượng trưng như ẩm thực, âm nhạc hoặc những biểu hiện dân gian khác. Giao thoa văn hóa không thể áp đặt bằng cách tạo ra một sự đồng nhất giả tạo để bóp nghẹt mọi khác biệt. Việc phủ nhận sự tồn tại của những khác biệt không thúc đẩy sự thống nhất cũng không bảo vệ những gì vốn có. Trên thực tế, giao thoa văn hóa là kết quả của việc kết nối các đóng góp từ các nét văn hóa khác nhau để tạo thành một cái gì đó MỚI mà không làm giảm đi giá trị thực của mỗi thành phần văn hóa.[7]

Từ định nghĩa này, chúng ta có thể thấy rằng mô hình giao thoa văn hóa đề cao và nhấn mạnh đến tính tương hỗ trong các cuộc gặp gỡ có yếu tố văn hóa. Mô hình giao thoa văn hóa bác bỏ các quan điểm cho rằng “tất cả mọi người đều giống nhau”. Quan điểm này có thể khiến nhóm thiểu số phải từ bỏ bản sắc văn hóa của mình để trở nên giống như nhóm đa số. Ngược lại, mô hình giao thoa văn hóa cũng bác bỏ giả định cho rằng “mọi nền văn hóa về cơ bản là khác nhau”, vì thế không thể tìm thấy điểm chung giữa các nền văn hóa hoàn toàn khác biệt. Mô hình giao thoa văn hoá nhận thức sự khác biệt của các nền văn hoá, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh sự chồng chéo văn hoá (sự tương đồng), điều này làm cho các nền văn hóa vừa mang tính khác biệt vừa mang tính giống nhau. Theo Robert Kissala, SVD:

Khái niệm giao thoa văn hóa nhấn mạnh và làm rõ hơn tính tương hỗ thiết yếu của quá trình giao thoa xảy ra ở cả hai cấp độ cá nhân và xã hội. Nó cũng cho thấy cách rõ ràng rằng, mục tiêu của quá trình này không phải là sự đồng hóa cũng không phải là sự cô lập một số người hoặc một nền văn hóa nào đó, mà là sự nhận thức và chấp nhận những điểm tương đồng lẫn khác biệt.[8]

Khi nghĩ về sự đang dạng về văn hóa, người ta thường nghĩ đến hai thực tại: tính quốc tế (internationality) và tính đa văn hóa (multiculturality). Tuy nhiên, những gì trình bày ở trên về khái niệm giao thoa văn hóa chứng tỏ rằng mô hình này vượt ra ngoài tính “quốc tế” hay “đa văn hóa”. Cả hai khái niệm này chỉ mô tả thực tại ở bề ngoài, nhưng không phản ánh bất cứ điều gì đang diễn ra bên trong cộng đồng, cụ thể liên quan đến mối tương quan giữa các thành viên trong cộng đồng với nhau.[9] Nói cách khác, khi dùng thuật ngữ “quốc tế” để chỉ về một nhóm người, chúng ta chỉ biết rằng nhóm người đó bao gồm các thành viên xuất thân từ các quốc gia khác nhau. Ví dụ, nếu như trong một cộng đoàn tu sĩ ở Nhật Bản có 20 thành viên đến từ 6 quốc gia khác nhau, thì cộng đoàn đó được coi là cộng đoàn quốc tế.

Tôi thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, một hội dòng quốc tế hay hội dòng đa quốc gia. Đã từ lâu, Hội Dòng có chủ trương thành lập các cộng đoàn quốc tế với các thành viên đến từ các quốc gia khác nhau, nếu không gặp trở ngại về mặt luật pháp ở đất nước sở tại hoặc về mặt nhân sự. Đường lối hoạt động này của Dòng Ngôi Lời khởi nguồn từ những ngày đầu tiên thành lập Hội Dòng. Mặc dù điều này không phải là hiếm thấy trong các dòng tu mang tính quốc tế, nhưng đối với các thành viên Dòng Ngôi Lời, cách hoạt động này không phải do ngẫu nhiên hoặc đơn thuần là vì sự thuận tiện, mà vì đường lối này thể hiện một khía cạnh đặc biệt và thiết yếu trong đặc sủng Ngôi Lời.

Thuật ngữ “đa văn hóa” cũng được hiểu và sử dụng cách tương tự, nhưng thay vì lấy quốc tịch thì lấy văn hóa làm trọng tâm. Trong cộng đoàn được đề cập ở trên, 20 thành viên có thể đến từ 6 quốc gia khác nhau nhưng lại xuất thân từ 10 nền văn hóa khác nhau. Điều này khả thi là vì trong một quốc gia, chúng ta có thể tìm thấy nhiều nền văn hóa khác nhau. Vì thế, hai người có thể cùng mang một quốc tịch nhưng lại không cùng văn hóa. Tại Đại chủng viện Quốc gia Lux Mundi ở Thái Lan – nơi tôi hiện đang giảng dạy – tất cả sinh viên đều mang quốc tịch Thái Lan. Tuy nhiên, có thể có năm hoặc sáu nền văn hóa khác nhau trong mỗi lớp vì các chủng sinh đến từ các nhóm dân tộc thiểu số khác nhau như Thái, Hmong, Pakinyo, v.v.. Ngay cả khi đến từ cùng một nhóm dân tộc nhưng từ các vùng miền khác nhau của đất nước, họ sẽ mang những khác biệt về văn hóa, ẩm thực và ngôn ngữ. Vì vậy, "văn hóa" là một cách gọi linh hoạt hơn nhiều so với quốc tịch.

Theo cách này, các từ như “quốc tế” và “đa văn hóa” khi được dùng để mô tả một cộng đồng nào đó chỉ cho chúng ta thấy cách khách quan rằng, cộng đồng đó có các thành viên đến từ các quốc gia và nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, hai từ này không phản ánh bất cứ điều gì về bản chất thật sự của các mối tương quan giữa các thành viên trong cộng đồng đó. Khi nói về tính đa văn hóa, Anthony Gittins khẳng định rằng:

Từ “đa văn hóa” có thể áp dụng cho một xã hội trên thực tế nhưng nó không tiết lộ bất cứ điều gì về các phẩm chất hoặc nét đặc trưng của các mối tương quan bên trong. Hàng triệu người sinh sống trong các thành phố đa văn hóa hoặc các vùng lân cận, bên cạnh những người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng dường như họ không bao giờ cố gắng học một ngôn ngữ khác hoặc gặp gỡ những người hàng xóm của mình mà không theo cách chiếu lệ hời hợt. Chủ nghĩa đa văn hóa đã được mô tả là “sống với nhau riêng biệt”.[10]

Nhận xét của Gittins rất chính xác với bối cảnh của xã hội đương đại. Ngày nay, nhiều người sống trong các môi trường đa văn hóa là do hoàn cảnh của cuộc sống nhiều hơn là do sự tự do tích cực tìm kiếm một môi trường như vậy để định cư. Tại thủ đô Bangkok, Thái Lan và các vùng phụ cận có hàng triệu người nước ngoài đang sinh sống và làm việc – cả các chuyên gia lẫn những lao động phổ thông. Có rất nhiều dấu hiệu chỉ ra tính quốc tế và đa văn hóa của thành phố lớn nhất Xứ Chùa Vàng, như thức ăn được bán trong các trung tâm mua sắm và ngôn ngữ nghe thấy trên đường phố, nhưng rất ít bằng chứng xác thực về sự giao thoa văn hóa. Tôi đã thấy con cái của những người ngoại quốc giàu có làm việc tại Thái Lan và lớn lên ở đất nước này; tuy nhiên, họ đến học tại các trường quốc tế với đa số sinh viên là con cái của giới thượng lưu và những người nước ngoài khác, với ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh. Vì vậy những đứa trẻ này không bao giờ được học cách nói tiếng Thái. Điều này thật đáng tiếc vì những người trẻ tuổi bỏ qua cơ hội tốt để tiếp nhận một ngôn ngữ mới, đặc biệt là khi họ đang sống ở một quốc gia sử dụng chính ngôn ngữ ấy.

Khác với hai khái niệm trên, mô hình giao thoa văn hóa không chú trọng đến cấu trúc văn hóa trong cộng đồng hay xã hội, mà chú trọng đến sự tương tác diễn ra giữa những người thuộc các nền văn hóa khác nhau trong xã hội hoặc cộng đồng đó. Nó biểu thị sự trao đổi lẫn nhau giữa các nền văn hóa để có thể dẫn đến sự biến đổi và thăng tiến ở những người tham gia vào quá trình giao thoa này.[11] Một cộng đồng đa dạng về văn hóa được đặc trưng bởi sự giao thoa văn hóa sẽ không chỉ thể hiện tình trạng mọi người cùng sống chung với nhau mà thay vào đó, họ “tương tác với nhau, học hỏi và phát triển cùng nhau, xây dựng các mối quan hệ và trở nên biến đổi, định hình và hun đúc từ những kinh nghiệm của nhau. Trọng tâm của nó không chỉ là sự sống nhưng quan trọng hơn còn là sự kết nối sâu sắc, tương tác và giúp đỡ lẫn nhau, tôn trọng và học hỏi lẫn nhau.”[12] Nói cách khác, giao thoa văn hóa bao gồm sự tương hỗ, hiểu rõ giá trị và tôn trọng nền văn hóa của nhau. Mô hình này thúc đẩy đi xa hơn những hành động tối thiểu như “thừa nhận tính độc đáo của một nền văn hóa” hay “chấp nhận chịu đựng một nền văn hóa khác.” Mô hình kêu gọi tận dụng các nguồn lực văn hóa của cả hai bên trong cuộc gặp gỡ như một phương tiện hướng tới sự biến đổi và phát triển cá nhân cũng như cộng đồng. Do đó, trong thế giới đa văn hóa và toàn cầu hóa hiện nay, việc mở rộng tính quốc tế hoặc đa văn hóa trong cộng đồng hoặc xã hội là chưa đủ; những gì chúng ta cần cổ võ và hướng tới là sự giao thoa văn hóa, bởi vì mô hình này không nhấn mạnh thành phần văn hóa - quốc tịch của một nhóm, mà tập trung vào chất lượng của các mối quan hệ được hình thành và nuôi dưỡng trong quá trình giao thoa.

Việc áp dụng giao thoa văn hóa làm khuôn mẫu cho cách chúng ta tương tác với nhau trên bình diện cá nhân cũng như tập thể có ý nghĩa to lớn đối với công việc mục vụ và sứ vụ của Giáo hội. Là các thành viên trong một Giáo hội hoàn vũ trong kỷ nguyên kỹ thuật số, việc sống và làm việc trong các môi trường đa văn hóa đã trở nên điều bình thường cho phần lớn trong chúng ta. Cách chúng ta liên kết với những người từ các nền văn hóa khác sẽ quyết định đến chất lượng của các mối quan hệ của chúng ta cũng như đời sống của Giáo hội. Lối hành xử của giáo dân sẽ ảnh hưởng đến cách một cộng đoàn giáo xứ đối xử với một cha xứ mang quốc tịch nước ngoài, và ngược lại. Nó sẽ định hình cách một cộng đoàn tiếp đón những người di dân đến xin gia nhập giáo xứ và xem giáo xứ là ngôi nhà mới của họ. Giao thoa văn hóa sẽ định hướng cách các thành viên trong một hội dòng tu trì tương quan với nhau trong đời sống cộng đoàn. Ngay cả ở một đất nước như Việt Nam, nơi hầu hết các thành viên trong các cộng đoàn tu sĩ đều là người Việt, nhưng vẫn có sự đa văn hóa trong cộng đoàn do có những người đến từ các vùng miền khác nhau của đất nước. Việc một cộng đoàn ở Sài Gòn có thành viên đến từ Lâm Đồng, Vũng Tàu, Nghệ An, Nam Định… đòi hỏi giao thoa văn hóa trong cách các thành viên tương tác với nhau. Bên cạnh đời sống cộng đoàn và giáo xứ, điều quan trọng không kém là mô hình giao thoa văn hóa sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sứ vụ truyền giáo của Giáo hội trên khắp thế giới.

Những gì đã trình bày ở trên cho thấy tầm quan trọng của giao thoa văn hóa như một mô hình về sự tương tác giữa con người với nhau trong một Giáo hội và một thế giới đa văn hóa. Tuy nhiên, viễn tượng về một xã hội bao gồm những mối tương quan được hình thành và nâng cao qua sự giao thoa văn hóa gặp không ít thách đố trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) trong việc thúc đẩy hoặc cản trở sự giao thoa văn hóa trong xã hội ngày nay.

 

 

Cơ hội

 

Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) tạo nhiều cơ hội để hiện thực hóa mô hình giao thoa văn hóa, đặc biệt là khả năng loại bỏ nhiều rào cản truyền thống khiến cho những cuộc gặp gỡ không thể diễn ra. Vì sự gặp gỡ giữa con người với con người là điều không thể thiếu trong quá trình giao thoa, bất kể yếu tố gì giúp thúc đẩy sự gặp gỡ đều được xem như là đóng góp làm cho mô hình được hiện thực hóa nhanh chóng hơn. Sau đây chúng ta xem qua một số rào cản mà CNTT-TT giúp loại bỏ:

 

1. Không gian

 

Vấn đề giao thoa giữa các nền văn hóa không còn bị cản trở bởi khoảng cách vật lý giữa người này với người kia. Dù ở các thành phố, quốc gia hay lục địa khác nhau, mọi người đều có thể dễ dàng kết nối với nhau nhờ sự trợ giúp của CNTT-TT. Tính đến tháng 1 năm 2020, 59 phần trăm dân số thế giới (4,54 tỷ người) đã tiếp cận được với internet.[13] Mặc dù vẫn còn vài quốc gia như Triều Tiên, internet không được sử dụng rộng rãi trong dân chúng, nhưng hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều có kết nối internet ở nhiều mức độ khác nhau. Vì vậy, ngày nay, mặc dù nhiều người vì lý do nào đó không thể ra khỏi tỉnh, thành phố hoặc quốc gia của mình, thậm chí không thể ra khỏi nhà, nhưng điều này không ngăn cản họ kết nối với gia đình, bạn bè và ngay cả những người hoàn toàn xa lạ từ các quốc gia khác trên thế giới. Nhiều trẻ em sinh ra trong kỷ nguyên kỹ thuật số đã biết giao tiếp với những người ở xa nửa vòng trái đất trước khi chúng đi được những bước đầu tiên. 

Một phần công việc của Trung tâm Nghiên cứu Á châu về Tôn giáo và Truyền thông Xã hội (Asian Research Center for Religion and Social Communication, ARC, Đại học St. John’s - Thái Lan), nơi tôi đang làm giám đốc điều hành, là tổ chức các hội nghị quốc tế bàn tròn thường niên. Một trong những hội nghị gần đây của chúng tôi đã diễn ra vào ngày 9-12 tháng 3 năm 2020 tại Đại học St. Louis, Bangkok, Thái Lan. Tuy nhiên, trước khi hội nghị được diễn ra, đại dịch Covid-19 đã bắt đầu bùng phát ở nhiều quốc gia. Tại Thái Lan, vào những ngày đầu tháng 3, diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng đang leo thang khiến cho dư luận xôn xao và người dân trở nên hoang mang.

Trước tình trạng ngày càng thêm nghiêm trọng, một số học giả tham gia hội nghị từ các quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Philippines và Đài Loan v.v đã phải hủy bỏ những vé máy bay đã đặt sẵn đến Thái Lan tham dự chương trình, trong đó một số trường hợp vì các nước bắt đầu ban hành các hạn chế về xuất nhập cảnh. May mắn thay là một số ít tham dự viên vẫn có thể thực hiện chuyến đi, trong khi một số khác đã có mặt ở trong nước.

Sau nhiều cuộc thảo luận với hội đồng quản trị của Trung tâm Nghiên cứu và ban lãnh đạo của trường Đại học St. Louis, chúng tôi quyết định tiến hành hội nghị bàn tròn theo kế hoạch đã định. Những người không thể trực tiếp đến Bangkok đã được tạo điều kiện thuyết trình trực tuyến thông qua ứng dụng Google Meet. Kết quả là, chúng tôi đã có một hội nghị “hybrid” trong đó một nửa số thành viên tham dự thuyết trình trực tiếp các bài báo cáo của họ, trong khi nửa còn lại tham gia và trình bày trực tuyến thông qua Google Meet. Những gì đã xảy ra trong chương trình hội nghị của ARC như một lời tiên báo về thực trạng của thế giới trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra trên khắp thế giới.

Trong thời đại dịch, hầu như ‘trực tuyến’ là lựa chọn ưu tiên, nếu không phải là bắt buộc, cho nhiều hội nghị và sự kiện diễn ra vì đa số các quốc gia hoàn toàn đóng các cửa khẩu đường không cũng như đường bộ. “Hội thảo trên web” (Webinar) qua các nền tảng Zoom và Google Meet đã trở thành thuật ngữ quen thuộc dùng để chỉ các chương trình tọa đàm và hội nghị diễn ra trong không gian mạng. Vì vậy, mặc dù bị chia cắt về mặt vật lý do đại dịch, các cuộc thảo luận và gặp gỡ vẫn tiếp tục diễn ra nhờ sự trợ giúp của CNTT-TT. Dĩ nhiên, người ta không chỉ hội thảo trên mạng mà còn tổ chức vố số sinh hoạt khác theo hình thức trực tuyến như dạy học, họp giao ban trong các tổ chức và công ty, tổ chức các chương trình ca nhạc hoặc giao lưu bạn bè. Về phía Giáo hội thì tổ chức các Thánh Lễ, các lớp học giáo lý, giờ cầu nguyện, tĩnh tâm, học hỏi Kinh Thánh… trên mạng cho người giáo dân có thể “tham dự”.

 

2. Thời gian

 

Một mạng internet tốt, ổn định có thể hoạt động 24 trên 24. Vì thế cho dù chúng ta ở bất cứ múi giờ nào thì chúng ta cũng vẫn có thể kết nối với nhau và gặp gỡ nhau qua các diễn đàn trực tuyến, cũng như qua các ứng dụng voice chat hoặc video chat. Với tốc độ mạng internet ngày càng nhanh và ổn định trên khắp thế giới, nối kết và nhận được các thông tin từ nhau có thể được thực hiện gần như ngay lập tức. Nếu như trước đây, chúng ta phải chờ nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần để nhận được một lá thư từ người thân ở nước ngoài, thì ngày nay việc các thành viên trong gia đình liên lạc với nhau qua các thiết bị được kết nối internet như điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh hay ipad, v.v. có thể diễn ra tức thì. Bởi vì nhiều người không chỉ sử dụng một mà nhiều thiết bị điện tử có kết nối internet, nên ngày nay không dễ gì để chúng ta vô tình “bỏ lỡ” các cuộc gọi hay tin nhắn, ngoại trừ chúng ta cố tình thấy tin nhắn đến mà không mở ra đọc hay thấy cuộc gọi vào mà không bắt máy. Có người vì không muốn bị quấy rầy nên đành phải hoàn toàn tắt nguồn internet để tìm cho mình sự bình yên. Vì thế, các thông tin liên lạc có thể được thực hiện gần như ngay lập tức trong hầu hết mọi trường hợp ở mọi nơi và các email hoặc tin nhắn ‘thất lạc’ thường có thể tìm lại được nếu chúng chưa hoàn toàn bị xóa khỏi bộ nhớ của thiết bị.

Có thể thấy rằng giảm thiểu rào cản về thời gian tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình giao thoa văn hóa, đặc biệt là khi những người sinh sống cách nhau hàng ngàn cây số có thể kết nối với nhau bất kể giờ nào một cách nhanh chóng. Những sự kiện văn hóa đang diễn ra ở một nơi nào đó có thể được live stream và xem trực tiếp bởi những người từ một nền văn hóa khác. Sự tương tác với nhau có thể thực hiện qua phần bình luận mà các nền tảng phát trực tuyến thường tạo nên cho người dùng. Nếu biết tận dụng những công nghệ này, nhiều cuộc gặp gỡ thú vị với những người từ khắp nơi trên thế giới có thể được thực hiện ngay từ nơi ở của mình.

 

3. Điều kiện kinh tế

 

Trước đây, để thực hiện một chuyến đi ra khỏi quê hương hoặc đất nước đòi hỏi một khoản đầu tư lớn về thời gian và tiền bạc đối với rất nhiều người trên thế giới. Tuy nhiên, nhờ vào sự tân tiến và sẵn có của CNTT-TT mà ngày nay, ngay cả ở những vùng xa xôi hẻo lánh trên trái đất, chúng ta vẫn có vô số cơ hội để tiếp xúc và học hỏi về các nền văn hóa khác mà không cần phải rời khỏi ngôi nhà của mình. Chi phí cho các thiết bị CNTT-TT giảm đáng kể trong những năm gần đây cũng giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thoa giữa các nền văn hóa. Ở nhiều nước đang phát triển, tỷ lệ người kết nối internet còn cao hơn tốc độ đô thị hóa. Đông Nam Á là một trường hợp điển hình. Sau khi Thomas Edison phát minh ra bóng đèn điện vào năm 1879, một số đường phố ở thành phố New York bắt đầu tận hưởng thành quả của công nghệ mới này vào năm 1882 khi trạm phát trung tâm quy mô lớn đầu tiên được lắp đặt trên phố Pearl cho 85 khách hàng. Sau phát minh vĩ đại này, đất nước Mỹ tiếp tục trải qua những phát minh công nghệ to lớn khác như xe ô-tô chạy bằng xăng (1892), máy bay (1903), truyền hình (1927), bom nguyên tử (1945), máy tính mini (1965), phi thuyền (1981) và nhiều tiến bộ công nghệ khác… Nhưng mãi 115 năm sau khi người Mỹ có bóng đèn điện thì họ mới có thể truy cập internet thông qua trình duyệt web Netscape Navigator là công cụ duyệt web đầu tiên được sử dụng cho mục đích thương mại, phát hành đại trào vào năm 1994. Tất nhiên, công nghệ internet đã được phát triển trong nhiều thập kỷ, nhưng phải đến năm 1994, công nghệ này mới thực sự được phổ biến rộng rãi tại các nước phát triển và sau đó lan truyền qua các quốc gia khác.

Việt Nam được hòa mạng vào năm 1997,[14] một năm sau Thái Lan.[15] Vì sự phát triển về mặt công nghệ diễn ra nhanh chóng tại Hoa Kỳ nên đến năm 1920 thì quốc gia này đã đạt được mức độ đô thị hóa 50%.[16] Nếu so với Hoa Kỳ, Đông Nam Á có tốc độ phát triển công nghệ chậm hơn rất nhiều. Ở một số vùng cao nguyên hẻo lánh và hải đảo ở khu vực này, điện dân dụng vẫn chưa thực sự phổ biến. Người dân nhiều nơi vẫn sử dụng củi để đun nấu và đi lại trên các con đường đất. Ở các vùng núi, nhiều người dân phải băng qua sông trên những chiếc cầu dã chiến, thậm chí phải đu dây qua sông để đi chợ, đi học. Trên thực tế, vùng Đông Nam Á được ước tính chỉ đạt được mức đô thị hóa 50% vào năm 2019 – 99 năm sau Hoa Kỳ.[17]

Bất chấp sự khác biệt lớn về lịch sử phát triển công nghệ giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á, khu vực này đang nhanh chóng theo sau để phát triển trong lĩnh vực kỹ thuật số. Với tổng số dân gần 700 triệu người tính đến tháng 8 năm 2020,[18] Đông Nam Á là khu vực địa lý đông dân thứ ba trên thế giới chỉ sau Nam Á và Đông Á. Mặc dù đô thị hóa ở Đông Nam Á chỉ đạt khoảng 50%, nhưng trên thực tế, tỷ lệ sử dụng internet đã đạt gần 66% vào đầu năm 2020[19] với mức tăng trưởng hai con số ở hầu hết các tầng lớp và hầu hết các quốc gia trong khu vực.[20] Brunei là nước dẫn đầu khu vực về tỷ lệ sử dụng internet với 95%.[21] Tuy nhiên, sự phát triển kỹ thuật số trong khu vực vẫn chưa thực sự đồng đều. Trong khi tỷ lệ sử dụng internet cao hơn mức trung bình toàn cầu (57%), một số quốc gia trong khu vực lại thấp hơn khá xa so với mức này, cụ thể như Đông Timor,[22] Myanmar[23] và Lào[24] ở mức tương ứng 39%, 41% và 43%. Dù sao, tốc độ tăng trưởng trong việc kết nối internet trên toàn khu vực là khá cao, khiến cho Đông Nam Á được ước tính là thị trường lớn thứ ba trên toàn cầu. Theo các chuyên gia, nền kinh tế internet của khu vực dự kiến ​​sẽ đạt 300 tỷ USD vào năm 2025.[25]

 

 

4. Các chuẩn mực văn hóa và xã hội

 

Trong môi trường vật lý, con người thường bị giới hạn bởi các chuẩn mực văn hóa và xã hội chi phối những người mà họ có thể gặp gỡ và trao đổi. Ở một số nền văn hóa, những điều cấm kỵ khi giao tiếp, trò chuyện hoặc ở gần một người không cùng nền văn hóa, tôn giáo, giới tính, hoặc giai cấp xã hội được thực thi cách nghiêm ngặt. Tại trường đại học Jeppiar tại Chennai, Tamil Nadu, Ấn Độ, các sinh viên nam và nữ bị cấm giao tiếp với nhau dường như tuyệt đối.[26] Trong trường còn có những nhóm đàn ông được giao trách nhiệm theo dõi để xử lý những trường hợp vi phạm. Quy định cấm giao tiếp giữa các sinh viên nam nữ không chỉ xảy ra ở một vài nơi mà ở rất nhiều các trường đại học tại Ấn Độ. Có trường buộc sinh viên nam nữ phải đi các lối và cầu thang khác nhau. Các vi phạm, đặc biệt là vi phạm nói chuyện với người khác giới dẫn đến bị kỷ luật nặng nề từ ban lãnh đạo nhà trường.

Ngoài vấn đề giới tính, người ta còn bị buộc phải giữ khoảng cách vì các lý do khác. Cũng tại Ấn Độ, các bé gái và phụ nữ thuộc các nhóm dân tộc Gond và Madiya khi trải qua kỳ kinh nguyệt bị buộc phải ở trong những túp lều bên ngoài ngôi làng trong 5 ngày để khiến họ không thể tiếp xúc với những người xung quanh.[27] Việc bị đày trong những túp lều tồi tàn ở bìa rừng và tiếp xúc với thời tiết xấu cũng như động vật nguy hiểm là những trải nghiệm gây không ít tổn thương cho người phụ nữ thuộc văn hóa này. Sự xa cách xã hội do các hủ tục cực đoan, như bị trục xuất trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc các quy tắc chi phối cách mọi người thuộc các giới tính và tầng lớp kinh tế - xã hội khác nhau tương tác ở nơi công cộng, có thể được khắc phục phần nào với sự trợ giúp của CNTT-TT. Môi trường kỹ thuật số loại bỏ các trở ngại này vì việc sử dụng CNTT-TT của một người có thể được thực hiện trong không gian riêng tư, tránh được sự chú ý của những con mắt tò mò cũng như sự kiểm soát của những cá nhân hoặc tổ chức có quyền lực. Đối với nhiều người trên thế giới, điện thoại di động thường được cài đặt sẵn các ứng dụng mạng xã hội để có thể dễ dàng kết nối trực tuyến với người khác. Có không ít người mặc dù không biết cách gửi và nhận thư điện tử (email), nhưng họ vẫn sử dụng thành thạo các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube và Zalo. Điển hình tại Myanmar, từ ‘Facebook’ được người dân sử dụng như từ đồng nghĩa với internet vì tất cả những nơi bán điện thoại đều đã cài sẵn nền tảng này cho khách hàng, cũng như hướng dẫn khách hàng cách tạo tài khoản và sử dụng nếu họ chưa có tài khoản.

 

5. Tư duy toàn cầu

 

Tư duy toàn cầu có thể được hiểu như là khả năng để nhận thức, cảm nhận, và thích ứng với những vấn đề xảy ra ở cấp độ toàn cầu, không bị gò bó bởi những định kiến thiếu căn cứ và những kiến thức dựa trên kinh nghiệm hạn hẹp của cá nhân. Một người có lối tư duy toàn cầu, đặc biệt là một người đóng vai trò lãnh đạo có khả năng đọc ra và thích ứng với những khác biệt văn hóa nhằm tương tác với người khác cách hài hòa và hiệu quả. Theo Gary Ranker, tác giả của cuốn sách Global Mindset, một người có tư duy toàn cầu sẽ hội tụ những tính chất: 1) Cởi mở để học hỏi; 2) Biết thích nghi với văn hóa mới; 3) Biết ứng xử với các văn hóa khác; 4) Hiểu rằng không có một cách duy nhất là đúng; 5) Thích tìm tòi nhiều điều thú vị; 6) Biết tận dụng sự đa dạng cách chủ động; và 7) Không bị hạn chế bởi tính địa phương.[28] Có thể thấy được từ định nghĩa trên, yếu tố văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tư duy toàn cầu. Đặc biệt, chúng ta phải sẵn sàng loại bỏ những lối suy nghĩ vị chủng, cục bộ, và khép kín đối với các nền văn hóa khác. Ngoài ra, chúng ta phải dám mạo hiểm để tìm kiếm, học hỏi và thích ứng với những điều mới lạ ở nơi các nền văn hóa mà chúng ta trải nghiệm. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể nối kết với những người không cùng phong tục tập quán, ý thức hệ và truyền thống với mình.

Sự phát triển về công nghệ kỹ thuật số có khả năng thúc đẩy sự hình thành tư duy toàn cầu nhanh chóng và hiệu quả hơn. Trong bối cảnh mới, chúng ta không chỉ là công dân của một quốc gia, hay là thành viên của một bộ tộc, hay tín đồ của một tôn giáo, mà chúng ta có cơ hội để trở nên công dân toàn cầu (world citizen), thành viên trong gia đình nhân loại. Cho dù chúng ta sống ở đâu trên thế giới, chúng ta đều có thể tiếp cận được với những thông tin liên quan không chỉ đến chính mình mà còn đến các thành phần khác trong gia đình nhân loại. Thiên tai, chiến tranh, đại dịch không chỉ là vấn đề của ai đó, hay nhóm người nào đó, mà là vấn đề của chính chúng ta trong một thế giới được kết nối chặt chẽ với nhau.

 Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, với sự hỗ trợ của CNTT-TT, chúng ta biết nhiều hơn về thế giới mà chúng ta đang sống, đồng thời có khả năng để quan tâm về những vấn đề không chỉ ở cấp độ địa phương mà còn ở cấp độ toàn cầu. Một bạn trẻ như Greta Thunberg, người Thụy Điển có thể đấu tranh vì môi trường sinh thái không phải chỉ vì sự hủy hoại môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn ấy ở Thụy Điển, vốn là một đất nước phát triển, nhưng vì khủng hoảng môi trường là vấn đề ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại, đặc biệt các thế hệ mai sau. Tư duy toàn cần được hỗ trợ bởi CNTT-TT khiến cho một người ở Myanmar không nhất thiết phải tận mắt thấy rừng Amazon để biết rằng khu rừng đó đang bị tàn phá do nạn khai thác gỗ và chăn nuôi gia súc. Một người dân tận Zimbabwe cũng có thể dễ dàng hiểu được mức độ làm tổn hại đến môi trường của Trung Quốc vì các nhà xưởng và con đập khổng lồ của họ mà không cần đặt chân đến Đại lục. CNTT-TT tạo điều kiện cho mọi người trở thành những công dân toàn cầu và có ý thức về trái đất là ngôi nhà chung mà mỗi thành viên cần chăm sóc ngôi nhà ấy cách tận tình.

Ngoài vấn đề khủng hoảng môi trường, các vấn đề khác như chiến tranh, bạo lực, di dân, tị nạn, sự bất công… mang chiều kích toàn cầu đều có thể được chúng ta nhận thức một cách đầy đủ và rõ ràng hơn qua nhiều nguồn thông tin mà chúng ta có thể tiếp cận được nếu chúng ta chỉ cần bỏ ra một ít thời giờ để tìm hiểu về các vấn đề một cách nghiêm túc. Trong đại dịch Covid-19, có thể nói chưa bao giờ nhân loại trải qua một cơn đại dịch mà chúng ta có thể hiểu được tường tận hậu quả của nó đối với nhân loại ở khắp năm châu như trong cơn khủng hoảng này, giúp chúng ta không chỉ nắm rõ các chiều kích của vấn đề mà còn có cơ hội để thể hiện sự tương thân tương trợ lẫn nhau để cùng nhau vượt qua những khó khăn của đại dịch.

 

 

Những thách đố

 

Mặc dù sự phát triển của CNTT-TT mang lại nhiều cơ hội cho sự giao thoa văn hóa, nhưng trên thực tế, vẫn có không ít trở ngại mà đường lối phát triển và xu hướng sử dụng CNTT-TT trong cuộc sống hằng ngày đặt ra đối với mô hình giao thoa văn hóa. Trong phần này, chúng tôi xin trình bày một số thách đố mà môi trường kỹ thuật số hiện nay đã và đang gây nên:

 

1. Tính liên kết không hữu hình (non-embodied interconnectedness)


CNTT-TT nhấn mạnh tính liên kết không hữu hình khiến cho mức độ và trải nghiệm về giao thoa văn hóa bị hạn chế. Giao thoa văn hóa trước hết là một trải nghiệm về sự tương tác giao tiếp giữa con người với con người. Giao tiếp không chỉ được thực hiện thông qua các tin nhắn hay các từ được phát âm một cách máy móc (như có thể được thực hiện bởi các ứng dụng đọc văn bản trong máy tính thông minh), mà còn kèm theo ngôn ngữ cơ thể như các cử động tay chân, cử động cơ thể, chớp mắt, cau mày, v.v.. Ngoài ra còn các hành động khác như bắt tay, cúi chào, đứng lên và quỳ xuống, v.v. diễn ra trong bối cảnh đời thực. Trong văn hóa Thái Lan, khi chào hỏi nhau, người Thái không chỉ nói lời chào “Sawatdee,” mà còn chắp hai lòng bàn tay vào nhau trước ngực như một cử chỉ thể hiện sự tôn trọng. Cử chỉ này trong tiếng Thái gọi là “wai” – được dùng không chỉ trong việc giao tiếp hằng ngày mà còn trong hoạt động thờ phượng. Vị trí chính xác của tay trước ngực (cao hoặc thấp hơn) thể hiện địa vị xã hội/tôn giáo hoặc độ tuổi của người chào và người đang được chào. Cách mọi người bày tỏ sự “tôn trọng” nhau cũng có thể khác biệt tùy theo nơi cuộc gặp gỡ được diễn ra — ở nhà, ở quán bar, ở chùa hoặc ở nơi làm việc. Yếu tố văn hóa cũng được thể hiện trong giọng điệu cũng như ngữ điệu của một người. Tất cả những đặc điểm cụ thể này tạo thêm sắc thái, sự phong phú và ý nghĩa trong việc giao tiếp.

Giao tiếp thông qua tin nhắn bằng văn bản trên các loại màn hình máy tính thông minh sẽ làm mất đi khả năng nhận biết về một người thông qua giọng nói và ngôn ngữ cơ thể của họ. Có lẽ ai cũng đã từng trải qua trường hợp lời viết của mình bị đối phương hiểu lầm dẫn đến mất lòng vì những từ ngữ trên tin nhắn không thể truyền đạt đầy đủ suy nghĩ và cảm xúc của mình. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét trong Thông điệp Fratelli Tutti, các mối quan hệ và giao tiếp thông qua kỹ thuật số làm trung gian sẽ loại bỏ những chi tiết nhỏ nhưng quan trọng mà chỉ có những cơ thể sống mới có thể truyền đạt cho nhau.[29] Nói cách khác, do việc loại bỏ nhiều yếu tố văn hóa trong các giao tiếp trên không gian mạng, tiềm năng của việc giao thoa văn hóa thông qua trung gian kỹ thuật số có thể giảm đi đáng kể, đặc biệt là trong các giao tiếp không thấy được hình ảnh video. Nếu các cuộc gặp gỡ trong đời thực vốn đã có nhiều thách thức do sự khác biệt về văn hóa thì điều này lại càng khó khăn hơn khi nhiều cử chỉ và hành động dùng để giao tiếp bị loại bỏ ra khỏi sự kiện gặp gỡ.


2. Bất bình đẳng về quyền lực

 

Thống kê về mức độ phổ biến internet trên thế giới được đề cập ở trên cho thấy rằng có sự bất bình đẳng vì còn một số người không nhỏ trên thế giới vẫn chưa kết nối được với mạng internet để hưởng lợi từ CNTT-TT. Tuy nhiên, ngay cả khi đã được kết nối thì sự bất bình đẳng vẫn còn tồn tại, cho dù ở vấn đề khác. Sự bất bình đẳng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hiện thực hóa mô hình giao thoa văn hóa như mong muốn.

Sự bất bình đẳng này chính là sự vượt trội của một số ngôn ngữ trên không gian mạng. Thống kê chỉ ra rằng ba ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên internet theo tỷ lệ người sử dụng internet là: tiếng Anh (25,9%), tiếng Trung (19,4%) và tiếng Tây Ban Nha (7,9%).[30] Tuy nhiên, về mức độ phổ biến của ngôn ngữ, trong số 10 triệu trang web hàng đầu trên thế giới, 60,6% là tiếng Anh.[31] Do đó, nếu một người không thông thạo tiếng Anh sẽ hầu như không thể truy cập một lượng lớn thông tin và kiến thức có giá trị trên internet. Ở một khía cạnh khác, vì tiếng Anh là ngôn ngữ trực tuyến thống trị cả về số lượng người dùng và mức độ phổ biến của các trang mạng, nên mọi người ở khắp mọi nơi cảm thấy buộc phải học và biết ngôn ngữ này để có thể truy cập thông tin và tương tác với những người khác ngôn ngữ. Tuy nhiên, một người không thông thạo tiếng Anh sẽ bị thiệt thòi trong các cuộc giao tiếp bởi vì họ không thể nào diễn tả đầy đủ và chính xác suy nghĩ của mình. Kém may mắn hơn nữa, họ có thể bị hiểu lầm và đánh giá thấp vì không đủ vốn từ để truyền đạt những gì mình muốn nói. Mặc dù có một số ngôn ngữ phổ biến làm phương tiện giao tiếp với nhau, nhưng điều đó cũng cho thấy rằng rất nhiều ngôn ngữ khác vẫn chưa được biết đến, hay được sử dụng và đầu tư đúng mực trong không gian mạng. Việc sử dụng một vài ngôn ngữ thống trị dĩ nhiên sẽ làm các nền văn hóa từ quê hương của những ngôn ngữ này được nổi bật hơn, trong khi các nền văn hóa khác sẽ bị làm mờ đi và ít được quan tâm đến. 




3. Sự thống trị của “văn hóa mạng”


Trong quá trình thực hiện mô hình giao thoa văn hóa, CNTT-TT có thể gây khó khăn vì nó có khả năng làm lu mờ các nền văn hóa cụ thể bởi vì trên thực tế, internet có văn hóa riêng của nó. Nếu như internet được xem như là lục địa thứ sáu, thì không quá bất ngờ khi lập luận rằng lục địa đó sẽ có những tính chất đặc thù của nó, mà chúng ta có thể xem như là một “văn hóa” riêng biệt. Dĩ nhiên lục địa là một vùng đất rộng mênh mông, nên có thể chứng kiến sự đa dạng tồn tại trên lục địa internet với hàng tỷ cư dân. Điều này không khác những gì chúng ta thấy được trong các lục địa vật lý, vì thế sẽ rất sai lầm nếu cho rằng có một nền văn hóa mạng thống nhất. Tuy nhiên, khi xem toàn cảnh, chúng ta có thể chỉ ra một “nền văn hóa mạng phổ biến” được đặc trưng bởi các mẫu ngôn ngữ riêng, phong cách giao tiếp và thậm chí là các dấu hiệu và biểu tượng đặc biệt đại diện cho các ý tưởng.

Những ai thường xuyên lên mạng để truy cập thông tin và giao tiếp với người khác, đặc biệt qua các ứng dụng như Facebook Messenger, WhatsApp, Line, Viber… có lẽ đã trở nên quen thuộc với những dấu hiệu và biểu tượng ngôn ngữ được phát minh bởi các kỹ sư phần mềm thuộc các công ty công nghệ. Người sử dụng mạng thường xuyên không sớm thì muộn sẽ bị cuốn sâu vào văn hóa internet này cũng như những cách thức giao tiếp này.

Bất kể chúng ta đến từ Phi châu hay Á châu, một khi đã sử dụng Facebook thì chúng ta buộc phải làm quen với bộ biểu tượng cảm xúc do Facebook phát triển. Qua các biểu tượng này, chúng ta truyền đạt các trạng thái cảm xúc đối với nội dung được đăng, như thích, yêu, mắc cười v.v. Qua những biểu tượng cảm xúc mà thường là những hình vẽ mang tính hoạt hình dễ thương và nhí nhảnh, sự khác biệt văn hóa trong thực tế dường như bị xóa bỏ hẳn.

Không chỉ sự khác biệt văn hóa nơi người dùng bị gạt qua một bên từ việc sử dụng chung một bộ dấu hiệu và biểu ngữ, mà sự khác biệt về tuổi tác và giới tính cũng không thể nhận ra. Thật vậy, sự đa dạng trong cách giao tiếp xuất phát từ sự khác biệt về văn hóa, giới tính, thế hệ… dường như bị xóa bỏ bởi một tập hợp các dấu hiệu và biểu tượng mà người phát triển nền tảng tạo ra cho tất cả người sử dụng. Các biểu tượng cảm xúc với sự thể hiện dễ thương và cường điệu này khiến người dùng dễ dàng chia sẻ và biểu lộ những gì khó thể hiện trong đời thực như “niềm vui” và “nỗi buồn.”

Khi hầu hết mọi người dùng internet đều bị chi phối bởi ‘văn hóa mạng’ trong các tương tác của họ, các nét đặc trưng văn hóa cá nhân không được thể hiện trong việc giao thoa giữa các nền văn hóa. Điều này làm giảm cơ hội tiếp xúc và học hỏi lẫn nhau từ các nền văn hóa riêng biệt. Điều đáng lo ngại hơn là một số cử chỉ cường điệu hay được thấy trên mạng đã tác động vào hành động của mọi người trong đời thực, chẳng hạn như mọi người ở mọi nơi trên thế giới thực hiện cử chỉ “thích” hoặc “trái tim nhỏ” trong khi chụp ảnh.

Rõ ràng, theo nhiều cách, thay vì internet trở nên đa dạng và phong phú từ việc có nhiều người từ nhiều nền văn hóa tham gia vào thế giới trực tuyến, thì xem như văn hóa internet đang làm cho thế giới thực ngày càng trông giống nó hơn.


4. Sự nguy hiểm của tin giả mạo


Giao thoa văn hóa phải đối mặt với những thách thức lớn trong kỷ nguyên kỹ thuật số do sự tràn ngập tin tức giả liên quan trực tiếp đến các nền văn hóa và tôn giáo. Tin giả (fake news) là thuật ngữ chung để chỉ các loại tin sai sự thật (misinformation), tin đánh lạc hướng (disinformation) và tin nguy hại (mal-information). Các loại thông tin này được sản xuất và truyền đi với những mục đích khác nhau. Trong thời đại này, mọi cá nhân có thể vừa là người tiêu dùng (consumer) vừa là nhà sản xuất (producer) tin tức. Vì thế những năm gần đây thấy có xuất hiện một thuật ngữ tiếng Anh là “prosumer” được ghép từ hai từ trên để chỉ thực trạng mới này. Bất kỳ ai cũng có thể đăng tải thông tin trên mạng trong một cái nhấp chuột mà không cần phải trải qua bất kỳ hệ thống kiểm duyệt nào để xác định giá trị và mức độ đáng tin cậy của thông tin. Phần lớn việc kiểm tra nếu có, đều chỉ diễn ra sau khi thông tin đã được công bố rộng rãi, và đã được chuyển đến hàng triệu người trên mạng. Ngoài ra, cho dù có kiểm duyệt hay xác nhận về độ chính xác đi chăng nữa, thì không có gì đảm bảo rằng sự thật sẽ đến được tay những người đã tiếp xúc với tin tức giả mạo. Với tốc độ sản xuất thông tin nhanh quá sức tưởng tượng đang diễn ra như hiện nay trên không gian mạng, việc ngăn chặn tin tức giả mạo và thông tin sai lệch là điều không thể, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, người dân mới tiếp cận được với internet chưa được lâu, và thiếu kiến thức kỹ thuật số.

Vấn đề này không chỉ liên quan nghiêm trọng đến các nền văn hóa, tôn giáo mà dường như ở mọi khía cạnh của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế... Tin tức giả mạo và thông tin sai lệch về các nền văn hóa gây tổn hại vì nó không chỉ có thể tuyên truyền nhận thức sai lệch về các nền văn hóa khác, mà còn để củng cố những thành kiến ​​đã ăn sâu về các nền văn hóa và dân tộc khác. Nhiều người có thể không thực sự trải nghiệm các nền văn hóa khác trong cuộc sống hằng ngày cách trực tiếp, nhưng họ có thể nhận thức về chúng thông qua những gì được đọc hoặc xem trên mạng. Chắc chắn tại Việt Nam, đa số người Việt chưa từng gặp gỡ hoặc có mối quan hệ gần gũi với người theo Hồi giáo. Nhưng khi hỏi bất cứ người Việt nào về cảm nhận của họ về người Hồi giáo thì dường như ai cũng có thể bày tỏ quan điểm của mình. Lý do là vì nhiều người Việt đã xây dựng suy nghĩ của mình dựa trên những nội dung mà họ đã tiếp cận được từ các nguồn tin tức, báo chí, phim ảnh… Đó là lý do tại sao sẽ vô cùng tai hại khi các nhà lãnh đạo chính trị hoặc tôn giáo lỗi lạc đưa ra những nhận xét miệt thị về một nhóm người hoặc một dân tộc nào đó. Những lời nói tiêu cực này sẽ được lan truyền khắp thế giới chỉ trong vài phút, thậm chí là vài giây. Nếu như hình ảnh quen thuộc ngày xưa về một ly nước đã đổ xuống đất không thể lấy lại được, thì ngày nay, có thể nói một câu nói hay một hình ảnh đã được số hóa và truyền đi cũng không thể hoàn toàn rút lại được.


5. Tác hại từ các thuật toán

 

Sự giao thoa văn hóa tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn hơn từ các thuật toán (algorithms) được phát triển để xử lý thông tin trên internet. Một trong những việc mà các thuật toán được dùng là giúp cung cấp nội dung được cá nhân hóa (personalized content) cho người dùng internet, đặc biệt là các ứng dụng mạng xã hội như Facebook và YouTube. Mục tiêu của nội dung cá nhân hóa là để mọi người dễ dàng truy cập vào những thông tin và tài liệu mà chúng ta quan tâm. Đó là lý do tại sao một người thích nghe nhạc trữ tình trên YouTube mỗi lần bật nền tảng này lên sẽ thấy các gợi ý về những bài hát theo thể loại này. Người khác thích nghe bà Phương Hằng bóc phốt các ca sĩ hay bất kể nhân vật của công chúng nào đó thì mỗi lần vào mạng xã hội cũng sẽ được giới thiệu những video cũ cũng như mới liên quan đến bà. Ngược lại, nếu chúng ta thích nghe những gì bổ ích hơn cho đời sống thiêng liêng, chẳng hạn các bài giảng của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm thì mỗi lần thao tác ứng dụng cũng sẽ thấy các video có nội dung bài giảng của ngài. Điều này tiết kiệm thời giờ cho người dùng mạng xã hội bởi vì chương trình thuật toán giúp chúng ta tiếp cận được với những nội dung mà chúng ta quan tâm nhưng có thể chưa biết tới. Chức năng của thuật toán trong cách xử lý nội dung trên YouTube cũng được áp dụng cách tương tự đối với các mạng xã hội khác như Facebook và Instagram. Ngoài ra phương thức này cũng được sử dụng cho những nền tảng mua hàng online như Amazon và Lazada. Google cũng sử dụng thuật toán để đưa các thông tin và các mục quảng cáo đến người duyệt trang web.

 Mục đích trên nhìn thoáng qua là một điều đáng trân trọng vì thời buổi này có quá nhiều thông tin và nội dung trên mạng, chúng ta không muốn lãng phí thời gian phân loại mọi thứ trước khi tìm thấy thứ mà mình quan tâm. Các công ty công nghệ phát triển các thuật toán để giúp cung cấp nội dung tìm kiếm mà chúng ta thích thú theo nhiều cách hiệu quả hơn. Nếu xem các clip về động vật và em bé đáng yêu là sở thích của bạn, thì thuật toán sẽ biết điều đó và cung sẽ cấp cho bạn nhiều hơn những gì bạn thích. Thuật toán của Amazon theo dõi thói quen mua sắm của người tiêu dùng và đề xuất các sản phẩm mà họ cho rằng người tiêu dùng muốn có. Kindle (ứng dụng mua và đọc sách online) gợi ý những cuốn sách mà người đọc có thể sẽ muốn đọc dựa trên những gì người đó đã mua trong quá khứ. Netflix cũng làm điều tương tự với những bộ phim mà người dùng đã từng xem trong dịch vụ của nó.

Đánh giá về mặt xử lý lượng thông tin, các thuật toán rất thuận tiện cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, từ góc nhìn của mô hình giao thoa văn hóa, các thuật toán là một mối nguy hại cực kỳ to lớn. Chính vì chức năng của thuật toán mà hai người ở cùng một nhà có thể tiếp cận với thông tin hoàn toàn khác nhau, từ đó dẫn đến những quan điểm về các vấn đề đối nghịch nhau. Sự khác biệt đó có thể lần lượt nhân rộng ra toàn cộng đồng, toàn xã hội và toàn thế giới. Vì thế, hai người ở hai quốc gia khi vào Google gõ cùng một từ khóa như “hiện tượng biến đổi khí hậu” hoặc “chủ nghĩa cực đoan” có thể sẽ tìm thấy những nội dung khác nhau, có khi đối nghịch nhau, dựa trên cách xử lý của thuật toán đối với các thông tin như người dùng là ai và họ sống ở đâu.

Ngoài việc chúng ta tiếp cận với thông tin không giống nhau, trừ khi một người chủ động tìm kiếm nội dung liên quan đến các nền văn hóa, tôn giáo và giao thoa văn hóa, trải nghiệm internet của một người về cơ bản sẽ xoay quanh những thứ người đó quan tâm. Nếu chúng ta thích tìm hiểu về các nền văn hóa hoặc tôn giáo thì thuật toán sẽ mang đến cho chúng ta nhiều nội dung phong phú và thú vị cho chúng ta xem và đọc. Tuy nhiên, nếu ai đó tỏ ra quan tâm đến những vấn đề có khuynh hướng phản văn hóa hoặc chống đối tôn giáo, v.v. các thuật toán máy tính sẽ lưu ý đến những sở thích này và cung cấp cho người đó nhiều hơn những gì họ thích. Bạn có thể bắt đầu từ một chút tin tưởng mù quáng nhưng dần dần sẽ đến lúc cố chấp bởi tiếp cận ngày càng nhiều cùng một thể loại thông tin để rồi củng cố nó thành một quan điểm nhất quán. Xu hướng chỉ tiếp xúc với một loại thông tin cụ thể có thể dễ dàng dẫn đến chủ nghĩa cá nhân và phân cực.

Các công trình nghiên cứu cho thấy lập trường mà mỗi người đã có trong mình, cho dù thoạt đầu chỉ mới ở mức thấp hoặc trung bình, sẽ trở nên mạnh mẽ và cứng rắn hơn sau khi đã có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với những người khác có cùng lối suy nghĩ.[32] Điều này nhận thấy ở cả trường hợp suy nghĩ tích cực lẫn tiêu cực. Hoạt động của thuật toán thúc đẩy sự phân cực trong suy nghĩ bởi vì nó tạo cơ hội cho người dùng nhanh chóng tiếp cận với những nội dung và con người đồng quan điểm, khiến cho những gì họ đã nghĩ trong đầu sớm được củng cố. Ngược lại, họ ít có cơ hội để tiếp cận với những suy nghĩ và quan điểm đa chiều hoặc khác biệt.

Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là những nội dung kích động cảm xúc tiêu cực trong chúng ta thường được người dùng quan tâm hơn là những nội dung tích cực. Tháng 10 năm 2021, cựu nhân viên của công ty Facebook Frances Haugen đã tố giác rằng, thuật toán của Facebook ưu tiên những nội dung nhận được nhiều tương tác từ người dùng vì điều này sẽ giúp cho công ty thêm lợi nhuận từ quảng cáo. Tuy nhiên, những nội dung nhận được nhiều tương tác thường là những nội dung kích động sự tức giận, sợ hãi và thành kiến. Vì thế nội dung thúc đẩy sự chia rẽ, hiểu lầm và phân cực lại là nội dung được tương tác và lan truyền nhiều nhất.[33] Liên quan đến mô hình giao thoa văn hóa, hoạt động của thuật toán hiện nay là rất bất lợi cho những lý tưởng mà giao thoa văn hóa hướng đến.



Thúc đẩy giao thoa văn hóa trong thời đại kỹ thuật số


Giao thoa văn hóa là một mô hình đáng được thúc đẩy vì nó có thể giúp cho nỗ lực xây dựng hòa bình và hòa hợp trong xã hội, hạn chế sự xung đột giữa các văn hóa với nhau. Tuy nhiên, những gì đã trình bày ở trên cho chúng ta thấy rằng sự phát triển công nghệ kỹ thuật số theo chiều hướng hiện nay đặt ra nhiều thách đố nghiêm trọng khiến cho các cơ hội có thể bị vô hiệu hóa nếu không được tận dụng một cách có hệ thống. Phần cuối của bài viết này sẽ trình bày một số đề xuất mà Giáo hội và các thành viên của Giáo hội có thể thực hiện để khai thác tiềm năng của CNTT-TT nhằm mang lại điều bổ ích cho cuộc sống hằng ngày, và đặc biệt để phục vụ cho sứ mệnh truyền bá Phúc Âm của Giáo hội.


1. Kiến thức kỹ thuật số


Vì CNTT-TT đóng một vai trò quan trọng trong giao thoa văn hóa, việc sử dụng CNTT-TT cách am hiểu, khôn ngoan và thận trọng là điều cần thiết để thúc đẩy mô hình này trong việc phát triển xã hội và sứ vụ truyền giáo của Giáo hội. Chúng ta được cho là có kiến thức số căn bản nếu chúng ta có các khả năng như sau:


Biết phân biệt tin tức và thông tin xác thực đáng tin cậy với tin tức và thông tin giả mạo, sai lệch. Xã hội con người được hình thành bao lâu thì thông tin giả mạo cũng đã tồn tại bấy lâu, vì vậy tin giả không phải là một phát minh của thời đại kỹ thuật số. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định trong Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới năm 2018, con rắn trong vườn Địa đàng đã sử dụng thông tin giả để lừa ông Adong và bà Eva ăn trái cấm dẫn đến con người mất đi ân sủng của Chúa.[34] Tuy nhiên, một trong những điều đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số là số lượng khổng lồ tin tức giả và thông tin sai lệch được tạo ra hầu như mỗi giây trên khắp thế giới một cách rất chuyên nghiệp và tinh vi. Với sự hỗ trợ của CNTT-TT, loại thông tin này có thể được sản xuất, phổ biến và chia sẻ cực kỳ nhanh chóng. Hơn thế nữa, với sự hỗ trợ của CNTT-TT, loại thông tin này có thể được “đóng gói và trình bày” theo hình thức có thể khiến mọi người tin rằng những gì họ đang nói là chính xác, đáng tin cậy và cần được chia sẻ rộng rãi. Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang giúp tạo ra các video “diễn sâu” (Deepfake) những người nổi tiếng đang nói chuyện, trông giống thật đến nỗi một người bình thường không được đào tạo về công nghệ sẽ không thể phân biệt được sự khác biệt giữa thật và giả. Những hình thức lừa đảo bằng công nghệ kỹ thuật số ngày càng tinh vi hơn. Vì vậy, để tránh chọn phải tin tức giả mạo và thông tin sai lệch kích động xung đột văn hóa và tôn giáo, cần phải có những cách thức ‘đào tạo kỹ thuật số’ để hỗ trợ các cá nhân phân biệt đâu là thông tin xác thực và đâu là thông tin gây chia rẽ, phá hoại. Khi mọi người có thể phân biệt được đâu là thông tin có giá trị và đâu là thông tin sai sự thật có tính chất phá hoại, hoặc ít nhất là biết cách để kiểm tra tính xác thực của các thông tin, chúng ta sẽ hạn chế chia sẻ và phổ biến những nội dung có hại cho nền hòa bình và hòa hợp xã hội.


Biết đánh giá các quan điểm về tôn giáo và văn hóa được tìm thấy trên các trang mạng. Internet chứa đầy những góc nhìn về mọi vấn đề, từ những vấn đề tầm thường vụn vặt nhất đến những vấn đề sâu sắc nhất trong cuộc sống của con người. Trong bối cảnh hiện tại, mọi người và bất kỳ ai đều có thể là nhà sản xuất và quản lý thông tin. Tất cả đều có tiềm năng trở thành người có tầm ảnh hưởng (influencer) bằng cách trình bày quan điểm cá nhân của mình về chính trị, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật v.v. Tuy nhiên, những người có sức ảnh hưởng rộng rãi nhất hoặc thể hiện các quan điểm mạnh mẽ nhất không hẳn là những người hội đủ các yếu tố để bàn luận về các đề tài mang tính chuyên môn. Nhưng vì thông qua khả năng tạo những video thú vị, hoặc danh tiếng và ngoại hình, hoặc khả năng sử dụng ngôn ngữ và kỹ thuật công nghệ khéo léo v.v, một số người có thể thu hút lượng lớn người theo dõi và gây ảnh hưởng lớn đến người xem mặc dù họ không thực sự am hiểu sâu sắc về chủ đề mà họ đang đề cập.

Bà Melinda Gates, vợ cũ của nhà tỷ phú Bill Gates, là một người đã nhờ vào danh tiếng và số tài sản khổng lồ của mình để đưa ra rất nhiều nhận định về các giáo huấn của Giáo hội trong các vấn đề như ngừa thai hoặc phụ nữ làm linh mục. Vì bà là người nổi tiếng và quyền lực, được mời tham dự rất nhiều sự kiện quốc tế, nên bà có nhiều cơ hội để bày tỏ những suy nghĩ của mình trên tư cách là một người theo đạo Công giáo. Bởi vì bà Gates tạo cho mình một hình ảnh như là chuyên gia về đạo Công giáo, nên bà hay được báo giới yêu cầu thể hiện quan điểm về các vấn đề giáo huấn. Tuy nhiên, báo Công giáo National Catholic Register bình luận rằng, bà Gates dường như không chỉ tự xưng mình là người Công giáo, mà còn tự cho mình là một tín hữu am hiểu hơn cả Giáo hội trong cách giải nghĩa các giáo huấn của Hội Thánh.[35]

Trong thời đại kỹ thuật số, người ta không cần phải giàu có như Melinda Gates cũng có thể đưa ra những phát biểu cá nhân về xã hội và tôn giáo, miễn sao họ biết cách sản xuất nội dung đánh động vào tâm lý của người tiêu dùng, cũng như biết cách để sử dụng CNTT-TT để phổ biến nội dung đó. Do đó, điều quan trọng là mỗi người, khi lắng nghe một quan điểm về văn hóa hoặc tôn giáo nào đó, cần đặt ra những câu hỏi phản biện cần thiết để đánh giá xem điều họ đang nói có đáng tin cậy và mang tính xây dựng hay không. Mặc dù internet là một diễn đàn mà bất kỳ ai cũng có thể thể hiện quan điểm, nhưng người tiếp cận nội dung có trách nhiệm đưa ra những đánh giá sáng suốt để tránh chạy theo những tư tưởng sai lầm, lệch lạc và gây chia rẽ.


Không để bản thân trở nên người cực đoan. Như đã nói trên, các thuật toán máy tính quả thực rất tiện lợi khi giúp “cá nhân hóa” nội dung trực tuyến cho từng người dùng. Các thuật toán này tiết kiệm thời gian của người dùng bằng cách loại bỏ tất cả những thứ mà nó nghĩ rằng người dùng sẽ không quan tâm đến. Trong khi điều này có một số lợi thế, đặc biệt khi thuật toán giúp một người hói đầu không phải xem quảng cáo dầu gội đầu hay thuốc nhuộm tóc mỗi lần anh ta lướt mạng. Nhưng việc phụ thuộc quá nhiều vào các thuật toán sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ phân cực xã hội, chính trị và chủ nghĩa cực đoan. Nếu một người có định kiến ​​tiềm ẩn đối với Hồi giáo truy cập vào một bài viết với nội dung bày tỏ những quan điểm tiêu cực về đạo Hồi, thay vì thuật toán sẽ giới thiệu những bài viết với những quan điểm đa chiều trong những lần sau, thì nó lại liên tục gợi ý những nội dung tương tự để đáp ứng “thị hiếu” và “sở thích” của người dùng. Thuật toán chỉ biết người dùng thích tiếp cận nội dung củng cố quan điểm chống đối, miệt thị đạo Hồi, nhưng nó không suy tư, đánh giá xem việc nó tiếp tục “chiếu cố” người dùng như vậy là điều tốt hay xấu. Thuật toán không có lương tâm đạo đức. Con người mới có lương tâm, nhưng vì chạy theo lợi nhuận nên nhiều khi đã đánh mất lương tâm đối với xã hội. Nếu chúng ta không thể dựa vào các công ty công nghệ để làm những việc đúng đắn cho nhân loại, thì chúng ta phải tự bảo vệ mình với kiến thức cần có để nhận ra phương cách hoạt động của các thuật toán máy tính để tránh bị lôi kéo vào con đường của trào lưu chủ nghĩa cơ yếu, chủ nghĩa cực đoan và phân cực. Nếu không chủ động kiểm soát bản thân, chống cự lại sự dẫn dắt của thuật toán, để cho mình lệ thuộc vào những gợi ý của thuật toán một cách mù quáng, chúng ta sẽ tự đặt mình vào những con đường cực đoan, là một tình trạng hoàn toàn đi ngược với sự đối thoại, hợp tác lẫn nhau, tình huynh đệ và giao thoa văn hóa.


Tạo cơ hội cho những cuộc gặp gỡ tình cờ. Một số trải nghiệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời của chúng ta nhiều khi là những điều xảy đến hoàn toàn ngoài kế hoạch hoặc sự chờ mong nơi mình. Có khi đó là một món quà sinh nhật bất ngờ, hay một cuộc gọi bất ngờ từ một người bạn cũ, một lời đề nghị cộng tác đột ngột từ một đồng nghiệp, một cuộc gặp gỡ tình cờ với một người lạ, một con thú hoặc một phong cảnh thiên nhiên. Trong khi những cuộc gặp gỡ tình cờ trong cuộc đời là không thể đếm được, và hầu hết chúng dường như không ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta một cách đáng kể, thì những cuộc gặp gỡ khác có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta. Có lẽ, ai cũng có thể nhớ lại ít nhất một vài sự kiện như vậy trong cuộc đời mình. Theo định nghĩa, “sự tình cờ” được hiểu là bất cứ điều gì xảy ra “ngoài dự kiến,” “không thể lường trước,” hoặc “ngẫu nhiên.” Tuy nhiên, sự tình cờ chỉ có thể xảy ra khi chúng ta chọn một lối sống mà những cuộc gặp gỡ và những điều tình cờ thú vị có cơ hội xảy đến với chúng ta nhiều hơn.

Một người dành toàn bộ thời gian của mình trong nhà, không thích ra khỏi cửa ngoại trừ việc mua hàng tạp hóa, thì tỷ lệ khả năng trải qua những cuộc gặp gỡ có ích sẽ rất thấp. Một người trẻ suốt ngày “tương tác” với màn hình online game thì sẽ ít có cơ hội để gặp gỡ và trở nên thân quen với những người bạn trong xóm hoặc trong trường học. Một người chuyên mua hàng online giao tận nhà, thậm chí thức ăn “ship tận răng” thì sẽ tự mình hạn chế cơ hội để trải nghiệm những điều tình cờ như gặp một nhân viên phục vụ người Việt tại một nhà hàng Nhật, được giới thiệu một món ăn mới của đầu bếp vừa chế biến, hay tình cờ gặp một người bạn cũ đang ngồi ăn ở bàn gần bên. Một người chỉ truy cập một loại nội dung trên truyền hình hoặc trên internet chắc chắn sẽ giảm cơ hội tiếp xúc với các quan điểm và góc nhìn khác.

Vì vậy, để tạo cơ hội cho những cuộc gặp gỡ bất ngờ nhưng bổ ích và có khả năng thay đổi cuộc sống của chúng ta theo hướng tích cực, ngay cả trong không gian kỹ thuật số, chúng ta phải sẵn sàng tận tâm bước vào những không gian xa lạ để đọc và lắng nghe những tiếng nói mới, để cởi mở với những trải nghiệm khác nhau và sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện của chúng ta với người khác. Kiến thức kỹ thuật số là cần thiết để giúp mỗi người chúng ta tự tin dấn thân vào những không gian kỹ thuật số khác nhau để tìm hiểu, lắng nghe, học hỏi, và đóng góp những suy tư của mình, tạo thêm điều kiện cho những cuộc gặp gỡ và trao đổi mới nhằm phong phú hóa suy nghĩ và cách nhìn của chúng ta về thế giới cũng như những người xung quanh.





2. Đối thoại liên tôn


Tôn giáo là một phần thiết yếu của văn hóa. Ở nhiều nước trên thế giới, người ta không coi tín ngưỡng và thực hành tâm linh như một tôn giáo mà là “văn hóa” hay “lối sống.” Ví dụ như ở Thái Lan, dường như không có bất kỳ sự phân biệt thực sự nào giữa Phật giáo với tư cách là một tôn giáo và Phật giáo với tư cách là một nền văn hóa. Cả hai liên kết mật thiết với nhau trong đời sống hằng ngày của người dân, và bất kỳ nỗ lực nào để tách hai phạm trù này ra sẽ là giả tạo. Ở Việt Nam, việc thờ tổ tiên không chỉ là một truyền thống tâm linh mà còn là một lối sống văn hóa của người Việt nói chung. Vì vậy, chúng ta không thể nói về giao thoa văn hóa mà không đề cập đến đối thoại giữa các tôn giáo.

Đối thoại giữa các tôn giáo cần phải diễn ra cả trong không gian vật lý lẫn không gian kỹ thuật số. Đối thoại liên tôn là một hoạt động căn bản và không thể thiếu trong sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội ở mọi cấp độ. Các văn kiện của Giáo hội hơn nửa thế kỷ qua đều luôn nhấn mạnh và đề cao việc đối thoại liên tôn như là hoạt động mà toàn thể Giáo hội, từ hàng giáo phẩm cho đến giáo dân đều phải chung tay tham gia tích cực qua các hình thức khác nhau tùy theo hoàn cảnh, khả năng và chức vị của mình. Các vị giáo hoàng thời gian qua đã luôn đề cao tầm quan trọng của đối thoại liên tôn không chỉ qua những văn kiện mà còn qua những hành động cụ thể nhằm thúc đẩy sự nhận thức trong Giáo hội và thế giới về sự hòa hợp tôn giáo.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Iraq vào tháng 3 năm 2021 là một ví dụ tuyệt vời về cách các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới sử dụng vị trí của các ngài để thực hiện việc đối thoại liên tôn. Trong bài phát biểu tại Dinh tổng thống, để chào mừng Đức Thánh Cha Phanxicô, Tổng thống Iraq Barham Salih nói:

Chúng ta phải tiếp tục nỗ lực chống lại tư tưởng cực đoan, và diệt trừ tận gốc chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta cần đảm bảo sự chiến thắng của những ý tưởng cùng tồn tại và đa dạng vốn là niềm tự hào của các quốc gia chúng ta, và biến chúng thành nguồn sức mạnh và sự gắn kết. Vì việc thiết lập những niềm tin này đã trở thành một mệnh lệnh trong thế giới của chúng ta ngày nay, và đó là món quà quý giá nhất mà chúng ta có thể dành tặng cho tương lai của con cháu chúng ta sau này.[36]

Tổng thống Salih nhìn nhận rằng những người theo Kitô giáo ở Iraq cũng như các nước láng giềng “là những người bản xứ và là muối men của vùng đất này.” Việc các tín hữu Kitô giáo buộc phải di cư đến các quốc gia khác để sinh tồn do nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau “sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với các khái niệm về đa nguyên và khoan dung. Nó cũng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với khả năng chung sống của các quốc gia trong khu vực. Không thể tưởng tượng được một phương Đông không có người Kitô hữu.”

Thật vậy, rất cần thiết cho các tín hữu Kitô giáo ở Iraq và các quốc gia Hồi giáo khác được nghe những lời khẳng định này từ một nhà lãnh đạo chính trị Hồi giáo. Những lời nói tích cực thể hiện sự tôn trọng cũng như sự nhận thức về giá trị của người Kitô hữu mang lại cho họ niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng và ít cô độc, đau khổ hơn trong việc sống đạo của họ trên vùng đất Hồi giáo. Ngược lại, các tín đồ Hồi giáo tại Iraq và ở các nước khác cũng muốn được nghe lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng, “Cầu Chúa ban cho chúng ta cùng hành trình với tư cách là anh chị em với nhau trong ‘niềm tin chắc chắn rằng những lời dạy đích thực của các tôn giáo mời gọi chúng ta tiếp tục bám rễ vào các giá trị của hòa bình… hiểu biết lẫn nhau, tình huynh đệ và sự chung sống hài hòa của toàn nhân loại.’”[37]

Trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha, các cuộc gặp gỡ giữa các tôn giáo diễn ra ở thời đại internet và truyền thông mạng xã hội không bị giới hạn trong phạm vi vật lý mà đã được phát sóng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông khác nhau – đài phát thanh, truyền hình và vô số nền tảng internet. Mọi người trên khắp thế giới – người Hồi giáo, Kitô giáo và bất kỳ ai khác theo dõi – có thể thấy Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo Hồi giáo nói chuyện hòa nhã với nhau, thể hiện rõ rệt sự tôn trọng và tin cậy lẫn nhau. Các ngài không ngừng nhấn mạnh nguồn gốc chung của Kitô giáo và Hồi giáo, và luôn đề cao các giá trị hòa bình và hợp tác giữa các tôn giáo. Chắc chắn sức ảnh hưởng của hành động này là không thể coi thường đối với người xem và người nghe.

Khi Đức Giáo Hoàng gặp một trong những nhà lãnh đạo tinh thần hàng đầu của người Hồi giáo dòng Shia ở Iraq – Ayatollah Sayyid Ali al-Husayni al-Sistani – mặc dù cuộc gặp diễn ra sau cánh cửa đóng kín, hình ảnh của hai nhà lãnh đạo tôn giáo ngồi gần nhau đã được lan truyền rộng rãi trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng và các nền tảng truyền thông kỹ thuật số. Dù không tiếp cận được nội dung cuộc trò chuyện, nhưng chỉ cần nhìn cách hai vị lãnh đạo khiêm tốn và có tâm hồn sâu sắc này ngồi cạnh nhau đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí các tín đồ Hồi giáo và Thiên Chúa giáo trên toàn thế giới. Theo thông cáo từ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, trong chuyến thăm xã giao kéo dài khoảng 45 phút, “Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác và hữu nghị giữa các cộng đồng tôn giáo đối với việc đóng góp – thông qua việc vun đắp sự đối thoại và tôn trọng lẫn nhau – vào lợi ích của Iraq, khu vực và toàn thể gia đình nhân loại.”[38]

Tuy nhiên, những gì đang được thực hiện bởi vị lãnh đạo cao nhất trong Giáo hội phải được các nhà lãnh đạo Giáo hội địa phương và các Kitô hữu trên khắp thế giới nhân rộng ở quy mô nhỏ hơn. Thật vậy, sứ mạng của Giáo hội không thể phát triển nếu mọi thành phần trong Giáo hội không nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ ‘đối thoại liên tôn.’ Đối thoại giữa các tôn giáo cũng có thể xuất hiện trên các diễn đàn trực tuyến, nơi diễn ra các cuộc thảo luận về tôn giáo. Thật không may, khi có nhiều cuộc thảo luận về các vấn đề tôn giáo diễn ra trong không gian mạng, phần lớn trong số đó là các lời nói công kích, giả định vô căn cứ, định kiến và chế nhạo, v.v. hơn là đối thoại và hiểu biết lẫn nhau. Ngày nay chúng ta không lạ lẫm với thành phần gọi là “dư luận viên” mà các chính phủ trả tiền để đại diện cho họ trên các diễn đàn trực tuyến nhằm đối phó với những thế lực chống lại họ hoặc để định hướng dư luận theo chiều của chính phủ. Chính phủ Trung Quốc được cho là đã tuyển một số lượng lớn các dư luận viên mà người dân gán cho cái biệt hiệu là “Đội quân dư luận viên 50 Xu” để làm bình luận viên trên các diễn đàn trực tuyến nhằm thao túng dư luận và phổ biến thông tin theo hướng mang lại lợi ích cho chính quyền Trung Quốc.

Nếu như nhiều quốc gia trên thế giới rất tích cực điều phái lực lượng con người nhằm điều khiển dư luận thì Giáo hội không hề có một chủ trương tương tự. Phải chăng Giáo hội không cần những tiếng nói đại diện cho Giáo hội trên không gian mạng, đặc biệt là để đối phó với những thông tin sai lệch về Giáo hội cũng như các giáo huấn? Mặc dù Giáo hội không nên hành động giống như các thể chế chính trị, nhưng chiến thuật của các chính phủ trên khắp thế giới chứng tỏ rằng, việc Giáo hội có đại diện trực tuyến là một điều cần thiết. Giáo hội cần có những tiếng nói nhằm phòng ngừa cũng như khắc phục những dư luận và phát biểu sai lầm về Giáo hội, chống lại những luận điệu xuyên tạc về các giáo lý của Giáo hội, và chống lại các thế lực với chủ trương gây chia rẽ trong Giáo hội và xung đột giữa các tôn giáo. Việc có đại diện trực tuyến này sẽ đóng vai trò là một sự nối tiếp với những gì Giáo hội đã và đang thực hiện ngoại tuyến. Nếu không có các nhà truyền thông đức tin được đào tạo để lên tiếng bênh vực Giáo hội trước những tấn công và xuyên tạc, những hoạt động mà Giáo hội thực hiện ngoại tuyến sẽ không đủ để thúc đẩy tình huynh đệ và giao thoa văn hóa trong kỷ nguyên mới này.


3. Chống lại mô hình kỹ trị

 

Trong Thông điệp Laudato Si, Đức Thánh Cha Phanxicô phê phán điều mà ngài gọi là “mô hình kỹ trị” đang được sử dụng rộng rãi để phát triển kinh tế và xã hội với những hậu quả tiêu cực to lớn đối với hệ sinh thái tự nhiên và con người. Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả mô hình kỹ trị là “một mô hình thực dụng đồng nhất và một chiều hướng duy nhất” nhằm mục đích “tăng trưởng vô thời hạn hoặc vô hạn” bằng cách làm chủ, sở hữu, kiểm soát, thao túng và biến đổi người khác.[39] “Việc phát triển này dựa trên một sự dối trá rằng các tài nguyên trên hành tinh này là vô hạn, đưa đến việc sử dụng và 'o ép' chúng đến kiệt quệ vượt quá ranh giới.”[40] Thật không may, công nghệ đã ăn sâu vào đời sống con người đến mức “ngày nay, không thể tưởng tượng nổi ý tưởng quảng bá một mô hình văn hóa mà không sử dụng công nghệ như một công cụ đơn thuần. Mô hình công nghệ đã trở nên thực dụng đến mức sẽ rất khó thực hiện điều gì nếu không có nguồn lực của nó và thậm chí còn khó hơn để sử dụng chúng mà không bị chi phối bởi logic bên trong của chúng.”[41]

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng cần phải có một cái nhìn mới, một cách tiếp cận mới đối với cuộc sống, giáo dục, hoạch định chính sách, và sự duy linh mới để chống lại sự thống trị ngày càng tăng của mô hình kỹ trị. Mặc dù công nghệ có thể hoặc buộc phải được sử dụng để giải quyết các vấn đề nan giải về xã hội và môi trường đang diễn ra trên thế giới, nhưng công nghệ không thể là phương pháp chữa trị khi nó thường là nguyên nhân từ đầu của vấn đề. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định, “Chỉ tìm kiếm một giải pháp kỹ thuật cho mỗi vấn đề môi trường nảy sinh là tách những gì trong thực tế được liên kết với nhau và che đậy những vấn đề thực sự sâu xa của hệ thống toàn cầu.”

Do đó, điều cần thiết không phải là cách tiếp cận ‘kỹ trị’ nhằm giải quyết các vấn đề xã hội mà là cách tiếp cận hỗ trợ “hệ sinh thái sâu rộng và sự phát triển toàn diện của nhân loại.”[42] Một hệ sinh thái toàn vẹn hỗ trợ sự phát triển đích thực của con người và lợi ích chung ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống con người như kinh tế, xã hội, chính trị và tâm linh. Các vấn đề xã hội, môi trường cũng như các loại vấn đề khác xuất hiện khi có sự mất cân bằng trong “hệ sinh thái con người”.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét:

Nhiều người cảm thấy một sự mất quân bình sâu xa thúc đẩy họ làm nhiều việc một cách vội vã, cảm thấy bận rộn trong việc đảo lộn tất cả những gì chung quanh. Đó là thái độ họ xử sự với môi trường. Một khoa sinh thái toàn diện đòi hỏi phải có thời gian để tìm lại được sự đồng cảm với tạo hoá, để chiêm ngắm Đấng Sáng Tạo, Đấng đang sống giữa chúng ta và xung quanh chúng ta.[43]

Theo cách tương tự, các nhà phê bình truyền thông đã chỉ ra rằng các công ty công nghệ có trụ sở tại Thung Lũng Silicon như Google và Facebook thường trình bày về bản thân và triết lý của họ với những ngôn từ mang âm hưởng tôn giáo, những “chân lý” họ đưa ra xem có vẻ như những điều giáo lý riêng. Kevin Healey và Robert H. Woods Jr. trong cuốn sách "Ethics and Religion in the Age of Social Media: Digital Proverbs for Responsible Citizens" (2019) mô tả thế giới quan của các công ty công nghệ bao gồm ba khía cạnh: chủ nghĩa công nghệ là trung tâm (techno-centrism), chủ nghĩa dữ liệu cơ yếu (data fundamentalism) và chủ nghĩa thông tin (informationism). Thế giới quan này được đặc trưng bởi những điều giáo lý riêng của nó. Các nguyên lý chính của bộ giáo lý này bao gồm: (1) Thông tin là sự khôn ngoan (Information is wisdom); (2) Tính minh bạch là tính xác thực (Transparency is authenticity); (3) Hội tụ là tính toàn vẹn (Convergence is integrity); (4) Xử lý là phán đoán (Processing is judgment); và (5) Lưu trữ là ký ức (Storage is memory).[44]

Healey và Woods bác bỏ những nguyên tắc ‘giáo lý’ này và chỉ ra cách mà các công ty công nghệ tại Thung Lũng Silicon cố gắng tuyên truyền về những khía cạnh của văn hóa công nghệ như những phẩm chất đạo đức. Trong sự phản đối lối tư duy này, các tác giả cho rằng, thay vì được xem như là những điều tốt lành, đạo đức, các chiều kích của công nghệ có thể cực kỳ có hại cho sự hưng thịnh và hạnh phúc của con người. Trích lời nhà thần học Công giáo và nhà xã hội học người Pháp Jacques Ellul, các tác giả viết, “Dữ liệu không khai sáng cho người đọc hoặc người nghe nhưng dìm chết họ.” Thông tin dữ liệu riêng lẻ, theo lời tác giả, là một điều khác xa so với sự khôn ngoan. Thông tin có liên hệ đến trí tuệ, nhưng trí tuệ không chỉ đơn thuần là có quyền truy cập vào dữ liệu một cách không giới hạn, mà còn là khả năng sử dụng thông tin một cách thận trọng và đóng góp cho lợi ích chung.

Một cách tương tự, các công ty công nghệ kêu gọi sự minh bạch và đánh đồng nó với tính xác thực. Theo cái nhìn của các công ty công nghệ, minh bạch có nghĩa là chia sẻ nhiều hơn về bản thân mình trên không gian mạng với gia đình và thậm chí những người hoàn toàn xa lạ. Trong cái gọi là giáo lý của giới công nghệ, chúng ta càng chia sẻ về bản thân thì mọi người càng nhận ra đầy đủ hơn về con người thật của mình. Tuy nhiên, thể hiện sự minh bạch bằng cách đăng tải hàng loạt thông tin cá nhân trên mạng không thể nào dẫn đến một cuộc sống đích thực. Để sống cuộc sống đích thực, chúng ta cần giữ cho mình một mức độ riêng tư và bí mật, giúp cho chúng ta duy trì quyền tự quyết, là điều cần thiết cho sự phát triển con người một cách đích thực. Ngay cả nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, trong khi ông ta kêu gọi mọi người chia sẻ về mình thật nhiều trên nền tảng Facebook để kết nối với nhau, thì bản thân ông ấy đã bảo vệ sự riêng tư của mình bằng cách mua 4 căn nhà trong khu phố của mình, để đảm bảo rằng người khác sẽ không tới mua hoặc xây nhà gần chỗ ở của gia đình ông. Zuckerberg vẫn thấy rằng ông ta cần duy trì sự riêng tư cho cá nhân và cho gia đình ông để mọi người trong gia đình có được một cuộc sống yên bình.

Bên cạnh những giáo lý lệch lạc trên, cách thức hoạt động của các công ty công nghệ luôn thể hiện sự ngạo mạn cũng như mang những chủ trương ích kỷ. Điều này được nhìn thấy qua cách các công ty công nghệ luôn quảng bá chức năng xử lý dữ liệu của các thuật toán như là điều hiệu quả hơn và tốt hơn so với khả năng đánh giá của con người. Chúng luôn tuyên truyền nhằm thuyết phục mọi người tin rằng: dữ liệu thô là khách quan và chúng luôn mang lại lợi ích tốt nhất cho người dùng; các nền tảng mạng xã hội như Google, Facebook, Instagram và Twitter cũng xem có vẻ như chúng có phục vụ lợi ích và giá trị của chúng ta thông qua “nội dung cá nhân hóa”. Trên thực tế, người am hiểu về thuật toán internet sẽ nhận ra rằng mình đã bị chúng gán cho những cái mác bất kể mình có đồng ý với những cái mác đó hay không. Qua các thông tin mà các thuật toán thu thập về mỗi người dùng, chúng dựng lên một căn tính kỹ thuật số (digital identity) cho từng người. Khi truy cập vào các nền tảng này, người dùng được nhận dạng dưới nhãn mác mà thuật toán đã ấn định và gán cho họ, và sẽ được tiếp cận các nội dung và các mục quảng cáo phù hợp với nhãn mác đó. Như đã trình bày ở trên về hoạt động của thuật toán, thì cái thoạt đầu xem như là một hành động tạo nên sự thuận tiện cho chúng ta, thực ra là điều mang đến vô số tác hại, bởi vì khi thuật toán cá nhân hóa nội dung mà nó mang đến cho chúng ta, nó cũng có thể vô tình chiều theo những định kiến vô căn cứ của chúng ta, phục vụ cho những thành kiến sai trái, củng cố những nỗi sợ hãi, cũng như giúp làm thỏa mãn những ham muốn thiếu lành mạnh trong chúng ta.

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, để vượt qua mô hình kỹ trị với sự tin tưởng mù quáng vào công nghệ, chúng ta “cần phải chậm lại và nhìn vào thực tại theo cách khác để phù hợp với những tiến bộ một cách tích cực và bền vững cho những điều đã đạt được, nhưng đồng thời cũng để phục hồi những giá trị và những mục tiêu vĩ đại bị cuốn đi bởi những ảo tưởng không kiểm soát của chúng ta.”[45] Mặc dù chúng ta sẽ không bao giờ quay trở lại thời kỳ tiền CNTT-TT, nhưng chúng ta “cần tạo một cách nhìn khác, một suy tư, một chính sách, một chương trình giáo dục, một lối sống và một tinh thần cùng nhau chống lại sự tiến triển của thực dụng kỹ thuật (mô hình kỹ trị).”[46] Một phần của giải pháp là vận động và xây dựng “chủ nghĩa nhân văn kỹ thuật số” (digital humanism). Điều này đòi hỏi các thể chế truyền thống về chính trị, kinh doanh, thương mại, giáo dục, các tổ chức dân sự và chuyên nghiệp phải có tầm nhìn chiến lược để tạo ra sự thay đổi. Khi các nhóm và cá nhân truyền thống như các nhà lãnh đạo xã hội và tôn giáo giành lại quyền lực uy thế truyền thống, họ có thể chống lại các trào lưu công nghệ hiện nay để duy trì tính xác thực của con người trong bối cảnh kỹ thuật số ngày càng phát triển.

Trước nguy cơ bị làn sóng kỹ thuật số làm sai lệch các giá trị đạo đức và tinh thần truyền thống, “chủ nghĩa nhân văn kỹ thuật số” có thể giúp:


* Thúc đẩy việc sử dụng CNTT-TT một cách thận trọng và khôn ngoan nhằm phục vụ lợi ích chung;

* Thúc đẩy sự phát triển toàn diện để đạt được quyền tự quyết và tính xác thực của con người;

* Thúc đẩy niềm tin vào Thiên Chúa thay vì niềm tin vào công nghệ; ưu tiên phẩm giá con người hơn lợi nhuận và năng suất;

* Thúc đẩy một nền giao thoa văn hóa năng động hơn là một nền văn hóa kỹ thuật.


***


Giao thoa văn hóa đã trở thành một mô hình được các nhà khoa học xã hội lẫn các nhà thần học công nhận, đặc biệt là đối với sứ mạng truyền bá Phúc Âm của Giáo hội. Những ý nghĩa sâu sắc trong mô hình này có thể khó được hiện thực hóa trong thời đại kỹ thuật số với sự thống trị của mô hình kỹ trị. Phải thừa nhận rằng CNTT-TT có tiềm lực hỗ trợ mô hình giao thoa văn hóa rất nhiều vì nó loại bỏ nhiều rào cản đối với giao thoa văn hóa như thời gian, không gian và các trở ngại về kinh tế - xã hội - văn hóa - chính trị. Tuy nhiên, trong khi một số thách thức được giảm bớt, thì lại nảy sinh các thách đố khác thậm chí còn có hại hơn và gây suy nhược hơn đối với xã hội và các nền văn hóa. CNTT-TT gây ra và củng cố sự cực đoan, phân cực và chia rẽ trong xã hội là những thách thức to lớn đối với những lý tưởng của mô hình giao thoa văn hóa, là mô hình dựa trên tinh thần cởi mở, lắng nghe và học hỏi lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, và sẵn sàng thăng tiến và chuyển hóa. Đối mặt với hai trạng thái đối lập này, Giáo hội cần tiếp tục kiên trì cất lên tiếng nói ngôn sứ của mình qua nhiều phương tiện và phương cách để kêu gọi nhận thức đúng đắn về những yếu tố trong cuộc sống cá nhân và cộng đồng phù hợp với mô hình giao thoa văn hóa.



[1] Omnicore, “YouTube by the numbers: Stats, Demographics and Fun Facts,” https://www.omnicoreagency.com/youtube-statistics/

[2] UNESCO, “Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa,” http://www.unesco.org/new/fileadmin/MULTIMEDIA/FIELD/Hanoi/pdf/Convention_2005.pdf. English version: https://en.unesco.org/creativity/interculturality

[3] UNESCO, “UNESCO Universal Declaration on Cultural Diversity” (Paris: UNESCO, 2001).

[4] Joseph C. Ratzinger, “Christ, Faith and the Challenge of Meeting Cultures,” Address to the presidents of the Asian Bishops’ Conferences and the chairmen of their doctrinal commissions (Hongkong, 2-5/3/1993), pt. 1.

[5] Samuel Neceno Agcaracar, Interculturality in the Service of Communion: Exploring New Pathways of Mission (Manila: Logos Publications, 2019), 17.

[6] Frans Wijsen, “Mission in a New Key: From Inculturation to Interculturation,” in The Future of Missio Ad Gentes (Rome: SMA Generalate, 2006).

[7] Daniel Pietrzak, “Interculturality and Internationality: A Utopia or a Constructive Tension for a Franciscan Missiology,” Paper given at the International Missionary Congress OFM Conv, 2006, Cochin, India.

[8] Robert Kisala, “Formation for Intercultural Life and Mission,” Verbum SVD 50, no.3 (2009), 335.

[9] Anthony Gittins, Living Mission Interculturality: Faith, Culture and the Renewal of Praxis (Minnesota: Collegeville Liturgical Press, 2006), xiii-xiv.

[10] Gittins, Living Mission Interculturality, xiv.

[11] Lazar Stanislaus and Martin Ueffing, eds. Intercultural Living. Vol.1 (Sankt Agustin: Steyler Missions-wissenschaftliches Institut-ISPCK, 2015), xxiv.

[12] Ibid., xxiv-xxv.

[13] Statista, https://www.statista.com/statistics/617136/digital-population-worldwide/

[14] Wikipedia, “Internet tại Việt Nam.”

[15] https://en.wikipedia.org/wiki/Internet_in_Thailand

[16] US Census, “Urban and Rural Areas,” https://www.census.gov/history/www/programs/geography/urban_and_rural_areas.

[17] Bharat Dahiya, “Southeast Asia and Sustainable Urbanization,” Global Asia, https://www.globalasia.org/v9no3/feature/southeast-asia-and-sustainable-urbanization_bharat-dahiya.

[18] “Southeast Asian Population,” Worldometers, http://www.worldometers.info/world-population/south-eastern-asia-population/

[19] We Are Social, 01/2020, https://wearesocial.com/blog/2020/01/digital-2020-3-8-billion-people-use-social-media

[20] Atzlan Othman, “Facebook most popular social mediate platform in the Sultanate,” Borneo Bulletin (19/5/ 2018), https://borneobulletin.com.bn/facebook-most-popular-social-media-platform-in-the-sultanate/.

[21] “Digital 2020: Brunei,” (18/02/2020), https://datareportal.com/reports/digital-2020-brunei-darussalam.

[22] “Digital 2020: Timor Leste,” Datareportal (18/02/2020), https://datareportal.com/reports/digital-2020-timor-leste

[23] “Digital 2020: Myanmar,” Datareportal (18/02/2020), https://datareportal.com/reports/digital-2020-myanmar

[24] “Digital 2020: Laos,” Datareportal (18/02/2020), https://datareportal.com/reports/digital-2020-laos

[25] “Southeast Asia’s internet economy to hit $300 billion by 2025: report,” Reuters (3/10/2019), https://www.reuters.com/article/us-southeast-asia-internet/southeast-asias-internet-economy-to-hit-100-billion-this-year-report.

[26] Vesudha Venugopal and Lavanya M. “Where boys and girls don’t talk to each other,” The Hindu (24/6/2016), https://www.thehindu.com/news/cities/chennai/where-boys-and-girls-dont-talk-to-each-other/article3321558.ece

[27] “Banished for menstruating: the Indian women isolated while they bleed,” The Guardian (22/12/2015), https://www.theguardian.com/global-development/2015/dec/22/india-menstruation-periods-gaokor-women-isolated

[28] “Global Mindset Definition: What It Really Means,” Global Mindset Strategies Group, https://www.garyranker.com/global-mindset/global-mindset-leadership-what-it-really-means/

[29] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli Tutti, số 43.

[30] https://en.wikipedia.org/wiki/Languages_used_on_the_Internet

[31] Ibid.

[32] Cass Sunstein, Conformity: The Power of Social Influences (New York: New York University, 2019).

[33] Jennifer Rubin, “What Facebook’s Whistle Blower Achieved,” Washington Post (06/10/2021), https://www.washingtonpost.com/opinions/2021/10/06/what-facebooks-whistleblower-achieved/.

[34] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, World Communication Day Message 2018, https://www.vatican.va/content/francesco/en/messages/communications/documents/papa-francesco_20180124_messaggio-comunicazioni-sociali.html

[35] Patti M. Armstrong, “Once Again, Melinda Gates is Wrong About Catholic Teaching,” National Catholic Register (21/05/2019), https://www.ncregister.com/blog/once-again-melinda-gates-is-wrong-about-catholic-teaching.

[36] https://www.thenationalnews.com/mena/iraq/pope-in-iraq-barham-salih-s-welcome-speech-in-full-1.1178379

[37] (Document on Human Fraternity, Abu Dhabi, 4/2/2019).

[38] “Pope stresses fraternity in meeting with Iraq's Grand Ayatollah,” Vatican News (06/03/2021), https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2021-03/pope-francis-stresses-importance-of-cooperation-fraternity-in-m.html

[39] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si, số 106.

[40] Ibid.

[41] Laudato Si, số 108.

[42] Laudato Si, số 62.

[43] Laudato Si, số 225.

[44] Kevin Healey and Robert H. Woods Jr., Ethics and Religion in the Age of Social Media: Digital Proverbs for Responsible Citizens (New York, NY: Routledge, 2019).

[45] Laudato Si, số 114.

[46] Laudato Si, số 111.

church-kts-1706226649.jpeg

Chương 1: Bối cảnh xã hội và mục vụ

Chương 2: Thần học và mục vụ truyền thông

Chương 3: Ứng phó mục vụ

Chương 4: Hướng đến thần học mạng

Chương 5: Đối thoại liên tôn

Chương 6: Giao thoa văn hóa

Chương 7: Xây dựng tình hiệp thông qua trung gian mạng

Chương 8: Lãnh đạo tôn giáo với truyền thông mạng xã hội

Chương 9: Mục vụ và CNTT-TT trong và sau thời đại dịch

Chương 10: Mạng xã hội với mục vụ di dân

Chương 11: Tôn giáo với tương lai kỹ thuật số



Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ