Skip to content
Top banner

Bối cảnh kỹ thuật số của mục vụ Giáo Hội

THTT-01
2024-01-26 02:55 UTC+7 186
Sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông đã mang đến cho nhân loại một công cụ hữu ích mang tên Internet...hiện nay internet đã chuyển sang hình thức truyền thông tự trị, chủ động, khám phá nội dung, tự học hỏi cũng như cộng tác

SỨ VỤ CỦA GIÁO HỘI Trong Kỷ Nguyên Kỹ Thuật Số

Mission of the Church in the Digital Age

LM Anthony Lê Đức, SVD

 

Chương 1: BỐI CẢNH XÃ HỘI VÀ MỤC VỤ

# Bối cảnh kỹ thuật số

# Các thách đố mục vụ

- Khía cạnh xã hội

- Khía cạnh văn hóa

- Khía cạnh tôn giáo

- Khía cạnh chính trị

- Khía cạnh kinh tế

- Khía cạnh thăng tiến con người

- Khía cạnh sinh thái

 

 

Tôi sống trong một cộng đoàn nhỏ tại Bangkok bao gồm năm thành viên – ba linh mục, một thỉnh sinh và một bạn trẻ đang tìm hiểu ơn gọi truyền giáo Dòng Ngôi Lời. Ba anh em linh mục chúng tôi đều là người gốc Việt. Chúng tôi đã tham gia sứ vụ truyền giáo của hội dòng ở Thái Lan vào các giai đoạn khác nhau. Tôi là người phục vụ tại Thái Lan lâu nhất, tính đến nay đã 15 năm, riêng hai thành viên còn lại thì đến Thái Lan khoảng 10 năm.

Một trong ba anh em linh mục chúng tôi là Cha Đaminh Nguyễn Đức Linh. Khi đến xứ Chùa Vàng để phục vụ, Cha Linh đã được hội dòng sai đi làm mục vụ tại một giáo xứ ở tỉnh Udon Thani, thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan. Ở đó giáo dân chủ yếu là người Thái có nền văn hóa địa phương mà người ta gọi là “Isan” với giọng nói có nhiều điểm tương đồng với người Lào. Sau một thời gian làm mục vụ giáo xứ, năm 2019 Cha Linh làm đơn xin phép bề trên cho đi học về mục vụ truyền thông vì ngài có sở thích về mảng mục vụ này, đặc biệt trong lĩnh vực gọi là “truyền thông mới” (new media). Hội đồng Bề trên Dòng đã chấp thuận cho Cha Linh đi học tại Philippines. Tuy nhiên, vừa khi ngài bàn giao lại giáo xứ cho Giáo phận Udon Thani thì tình hình dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Thái Lan cũng như trên toàn thế giới. Vì cả Thái Lan lẫn Philippines đều đóng cửa toàn quốc và hủy bỏ hoàn toàn các chuyến bay giữa hai nước, Cha Linh buộc phải lưu lại Bangkok một thời gian dài để chờ tình hình đại dịch cải thiện, các nước nối lại các chuyến bay để thực hiện dự tính ban đầu.

Ảnh hưởng của đại dịch trên Giáo hội Thái Lan cũng không khác ở những nơi khác trên thế giới. Các nhà thờ phải đóng cửa ở nhiều thời điểm kéo dài hàng tháng. Mọi sinh hoạt bị hạn chế và nhiều lúc bị tạm ngưng để tuân thủ các biện pháp ứng phó với dịch bệnh của chính quyền địa phương. Vì thế, các sinh hoạt trong cộng đoàn nhỏ bé của anh em Ngôi Lời ở Bangkok cũng phải chịu chung một hoàn cảnh. Tuy nhiên, Cha Linh vẫn tìm nhiều cách để làm mục vụ, tránh tình trạng nhàn rỗi chờ ngày hết dịch. Một ngày nọ giữa mùa dịch, tôi nhận được cuộc điện thoại trên ứng dụng LINE từ Sơ Kanlaya thuộc Dòng Thánh Tâm Nữ tại Bangkok. Sơ nói với tôi rằng, hội dòng có kế hoạch qua Việt Nam để thiết lập cộng đoàn, đồng thời tìm kiếm ơn gọi cho hội dòng, vì ơn gọi ở Thái Lan ngày càng khan hiếm. Để chuẩn bị cho sứ vụ này, có một sơ cần phải học tiếng Việt, đó là sơ Băng-on hiện đang là tổng thư ký của Liên hiệp tu sĩ nam nữ tại Thái Lan. Sơ nhờ tôi giúp dạy tiếng Việt cho Sơ Băng-on hoặc giúp tìm người để làm công việc này. Vì các sinh hoạt của tôi cũng đã khá đầy, hơn nữa khả năng tiếng Việt của tôi cũng không giỏi cho lắm, đặc biệt ở phần phát âm các dấu, cho nên tôi đã giới thiệu Cha Linh với Sơ Băng-on. Tôi nói rằng, Cha Linh sẽ làm việc này tốt hơn tôi rất nhiều vì ngài sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, nên sẽ nắm chắc các quy tắc về Việt ngữ hơn tôi. May cho Sơ Băng-on, Cha Linh đã đồng ý dạy tiếng Việt cho sơ để giúp hội dòng sớm có thể bắt đầu sứ vụ mới tại Việt Nam. Vì thời gian đại dịch đòi hỏi mọi người hạn chế đi lại và tụ tập, nên Cha Linh đã không dạy Sơ Băng-on trực tiếp, nhưng qua hệ thống Zoom đang thịnh hành hiện nay. Sau một thời gian học tiếng Việt đều đặn và chăm chỉ, Sơ Băng-on đã bắt đầu nói và đọc được tiếng Việt căn bản, thậm chí còn đọc kinh và tự đàn hát được những bài thánh ca tiếng Việt mà Cha Linh dạy cho sơ.

Đó không phải là việc duy nhất mà Cha Linh làm một cách ngẫu nhiên trong mùa dịch. Mỗi ngày, vào 3 giờ chiều, Cha Linh “quy tụ” một số anh chị em giáo dân từ nhiều nơi khác nhau – Thái Lan, Úc, Việt Nam – để cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa. Một số tham gia qua Zoom, có nhóm tham gia qua Facebook Messenger. Trong số người tham gia có người là lao động di dân tại Thái Lan, có người thuộc tầng lớp tri thức hoặc là các tu sĩ, nhưng mọi người nối kết với nhau trong tâm tình cầu nguyện dưới sự hướng dẫn của Cha Linh. Cha Linh rất dấn thân với nhóm cầu nguyện online của ngài. Thậm chí có ngày cộng đoàn tổ chức đi dã ngoại, trên đường về, đến giờ sinh hoạt của nhóm, ngài xin dừng lại ở trạm xăng 30 phút để hiện diện với mọi người trong giờ cầu nguyện ban chiều.

Một sinh hoạt nữa mà Cha Linh đã làm rất đều đặn trong thời gian lưu lại Bangkok trong mùa dịch là phát sóng trực tuyến các Thánh Lễ Chúa Nhật. Vào những thời điểm tình hình kiểm soát dịch của chính phủ được nới lỏng hơn thì có một số nhỏ anh chị em Việt Nam đến tham dự nghi thức phụng vụ, đồng thời tham gia tích cực qua việc thực hiện các phận vụ dành cho giáo dân trong Thánh lễ. Tuy nhiên, vào những thời gian mà tình hình dịch căng thẳng, mọi người được khuyến cáo không nên tụ tập, thành phần “giáo dân” chỉ là những thành viên trong cộng đoàn. Ngay cả anh chàng thỉnh sinh người Thái, nhờ được cha Linh dạy cho đọc tiếng Việt cũng tham gia thưa đáp và hát trong Thánh lễ cho thêm phần “xôm tụ”. Thánh lễ trực tuyến được phát đi từ nhà nguyện nhỏ bé của cộng đoàn Ngôi Lời tại Bangkok. Vì mục đích của Thánh lễ là để phục vụ các anh chị em lao động di dân nên Cha Linh phát trên trang Facebook “Di dân Việt Nam tại Á châu,” rồi chia sẻ vào trang “Liên hiệp Công giáo Việt Nam tại Thái Lan”. 

Chính vì những sinh hoạt mục vụ này mà Cha Linh đã có những trải nghiệm mới trong sứ vụ, sau khi rời khỏi giáo xứ ở vùng quê mà ngài đã dấn thân một thời gian dài. Tuy nhiên, những gì chia sẻ ở trên chỉ mô tả một khía cạnh rất nhỏ về những biến chuyển to lớn đã và đang diễn ra trên toàn thế giới, liên quan đến bối cảnh xã hội với những tác động sâu xa do công nghệ kỹ thuật số mang lại cho chúng ta. Nhân loại đang trong quá trình tạo ra và sống theo một khuôn mẫu mới của truyền thông xã hội, có khả năng tác động mạnh mẽ đến mục vụ và sứ mạng Phúc Âm hóa của Giáo hội trong hiện tại và tương lai. Kỷ nguyên số ra đời cách đây vài thập kỷ đã mang lại bước tiến bội phần trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) mà nó đang tràn ngập mọi khía cạnh của đời sống con người. CNTT-TT với vô số ứng dụng làm thay đổi cách làm việc và giải trí của chúng ta cũng như cách chúng ta tương quan với gia đình, bạn bè và những người hoàn toàn xa lạ. Công nghệ kỹ thuật số hiện đại thay đổi cách chúng ta mua sắm và tham gia vào các trách nhiệm dân sự. Nó cũng tác động không ít đến cách chúng ta sống đời sống thiêng liêng và tôn giáo, và thậm chí thay đổi cả cách chúng ta nhìn nhận vị trí của mình trên thế giới.

Với việc CNTT-TT tác động đến nhiều khía cạnh trong đời sống cá nhân và tập thể, chúng ta không ngạc nhiên khi bối cảnh mới này đưa Giáo hội đến những thách đố mục vụ chưa từng có trong quá khứ, hoặc có những đặc điểm riêng biệt chưa được biết đến trước khi thời đại kỹ thuật số ra đời. Để thấu hiểu bối cảnh mới một cách tường tận hơn, chúng ta cần tìm hiểu về những thách đố mục vụ đến từ việc sử dụng phổ biến CNTT-TT trong xã hội ngày nay, nhằm có đủ cơ sở để đề xuất các đường hướng mục vụ phù hợp dưới ánh sáng của thần học và giáo huấn mục vụ truyền thông của Giáo hội. Đây là việc làm cần thiết trong quá trình phân định những dấu chỉ thời đại mà Giáo hội luôn kêu gọi các vị lãnh đạo trong Giáo hội và những người làm mục vụ phải thực hiện một cách chuyên cần và đầy ý thức.

Trong phạm vi của tập sách này, chúng ta không thể đào sâu vào tất cả các khía cạnh của bối cảnh kỹ thuật số hiện đại cách chi tiết. Tuy nhiên, những gì được đề cập ở đây cũng phần nào mô tả được những tác động lớn lao mà công nghệ kỹ thuật số đang mang đến cho xã hội con người ở khắp các châu lục và vùng miền khác nhau trên thế giới.



Bối cảnh kỹ thuật số


Sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông đã mang đến cho nhân loại một công cụ hữu ích mang tên Internet. Tính đến nay chúng ta đã có 4 thế hệ Internet gọi là Web 1.0, Web 2.0, Web 3.0, và đến Web 4.0.[1] Thời gian đầu, công nghệ internet[2] chỉ mang hình thức trang web tĩnh với các siêu liên kết (hyperlinks), người dùng chỉ đơn thuần lướt qua các trang thông tin dưới dạng truyền thông một chiều. Tuy nhiên, hiện nay internet đã chuyển sang hình thức truyền thông tự trị, chủ động, khám phá nội dung, tự học hỏi cũng như cộng tác. Trong hình thức mới, các công cụ dùng để tạo nội dung được hỗ trợ một cách hiệu quả bởi học máy (machine learning) và Trí tuệ nhân tạo (AI).[3] Chúng ta có thể truy cập internet thông qua các thiết bị máy tính khác nhau, như máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh và đồng hồ thông minh, v.v. Các thiết bị điện tử này không chỉ làm trung gian cho chúng ta giao tiếp mà còn hỗ trợ nhiều hoạt động như chuyển khoản qua điện thoại (mobile banking), dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa (telehealth services), hội nghị trực tuyến (video conferencing), v.v.

Ngày càng có nhiều người, ngay cả những người sống ở những vùng sâu vùng xa có thể học cách sử dụng công nghệ trong các sinh hoạt hằng ngày, cho phép họ tận hưởng những lợi ích mà nó mang lại. Bởi vì CNTT-TT có tính tức thời, linh hoạt, chi phí phải chăng và dễ sử dụng, nên bất kỳ ai tiếp cận nó đều có thể tận dụng công nghệ không chỉ để phục vụ nhu cầu cá nhân, mà còn tạo ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của người khác. Các số liệu thống kê sau đây cho thấy tốc độ thâm nhập của CNTT-TT trên thế giới ngày càng gia tăng:[4]


Vào tháng 1 năm 2021, có khoảng 5,22 tỷ người sử dụng điện thoại di động trên thế giới, tăng thêm 93 triệu (1,8%) so với số liệu của tháng 1 năm 2020, chiếm 66,6% dân số toàn cầu.

Người dùng internet đạt 4,66 tỷ hoặc 59,5% dân số toàn cầu vào năm 2021; đánh dấu mức tăng 316 triệu, hoặc 7,3% so với tháng 1 năm 2020.

Người dùng mạng xã hội đạt con số 4,20 tỷ hoặc 53,6% dân số toàn cầu vào năm 2021, tăng 490 triệu (13,2%) trên toàn thế giới so với con số của năm trước.

Trung bình người dùng internet trên thế giới dành 6 giờ 54 phút trực tuyến mỗi ngày.

Lượng thời gian mà mọi người dành cho các mạng xã hội tăng lên mức trung bình là 2 giờ 25 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, có những khác biệt đáng chú ý giữa các quốc gia; ví dụ, người dùng ở Nhật Bản chỉ dành trung bình 51 phút trên mạng xã hội mỗi ngày trong khi người Philippines sử dụng mạng xã hội trung bình khoảng 4 giờ 15 phút mỗi ngày.


Các thách đố mục vụ


1. Khía cạnh xã hội


Tác động của CNTT-TT đối với đời sống xã hội của con người nhìn chung được đánh giá là tích cực. Trong quá trình phát triển CNTT-TT, đã xuất hiện nhiều nền tảng truyền thông (email, tin nhắn, hội nghị trực tuyến, v.v.) cũng như các trang mạng xã hội cho phép kết nối xuyên thời gian và không gian. Các ứng dụng như WhatsApp, Facetime và Viber cho phép chúng ta giao tiếp và kết nối với nhau trên toàn cầu cách nhanh chóng và hiệu quả với chi phí rẻ. Mặc dù không hoàn hảo, nhưng các công cụ chuyển ngữ giúp cho chúng ta có thể giao tiếp và cộng tác với những người thuộc các nền văn hóa và ngôn ngữ khác một cách dễ dàng hơn. Các nền tảng có tính năng gọi điện video mang lại lợi ích cho nhiều người, đặc biệt là những người cao tuổi mà phần lớn thời gian ở trong nhà và không dễ dàng đến thăm người thân ở các thành phố hoặc quốc gia khác.

Phương tiện mạng xã hội cũng giúp chúng ta kết nối lại với những người bạn đã mất liên lạc từ lâu, giúp tìm kiếm các đối tác kinh doanh tiềm năng, và tìm kiếm các cộng sự mới cho những dự án của mình. Internet cũng đã trở thành một nền tảng phổ biến để thực hiện các dự án nhân đạo và các hoạt động từ thiện do cộng đồng tài trợ. Ở quy mô lớn hơn, internet có thể giúp thúc đẩy nhận thức về một gia đình nhân loại và tình huynh đệ của con người. Các cộng đồng được thiết lập trực tuyến cũng tạo cơ hội cho những cuộc gặp gỡ với những cá nhân có nền tảng văn hóa và địa vị xã hội khác với mình, các mối tương quan mới có thể chỉ được duy trì trên không gian mạng, hoặc được vun đắp bằng những buổi gặp gỡ ngoại tuyến, diện đối diện.

Tuy CNTT-TT mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng ta, nhưng cũng có không ít những biểu hiện tiêu cực đáng quan ngại. Việc lạm dụng CNTT-TT và dành quá nhiều thời giờ để tiêu khiển trên mạng xã hội có thể gây nên những tác động nguy hại đến các mối tương quan hằng ngày trong đời sống của chúng ta. Mặc dù CNTT-TT mang lại sự dễ dàng trong việc làm quen với người khác và tham gia vào cuộc trò chuyện thông qua các phương tiện kỹ thuật số, nhưng công nghệ không đảm bảo một tình bạn lâu dài và có ý nghĩa. Chúng ta thấy rằng việc tương tác trực tuyến rất phổ biến, nhưng nhiều người, đặc biệt là giới trẻ thuộc thế hệ Y (hoặc Igen) cho biết: họ không có một người bạn thực sự thân thiết nào và thường xuyên rơi vào trạng thái cảm thấy cô đơn.[5] Một phần nguyên nhân là giao tiếp trực tuyến có xu hướng không phản ánh suy nghĩ và cảm xúc thực sự của cá nhân, nhất là khi người ta thường xuyên diễn đạt ý tưởng với các biểu tượng cảm xúc (emoji) tuy thú vị nhưng cũng mơ hồ ý nghĩa, như biểu tượng mặt cười, mặt buồn, mặt khóc... Hơn nữa, vì tương tác trực tuyến mang lại cho nhiều người cảm giác như đang ẩn danh, họ tỏ ra ít kiềm chế hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh khi giao tiếp với người khác, dẫn đến việc họ dễ dàng xúc phạm và gây tổn thương cho nhau trên không gian trực tuyến. Ngay cả trên diễn đàn báo chí thời sự mà người ta thường cho là thuộc về tầng lớp có học, có nhiều lời bình luận từ độc giả mang tính đả kích, chia rẽ, thiếu văn hóa.

Việc ít giao tiếp trực tiếp có thể dẫn đến sự “ngắt kết nối xã hội” (social disconnect), khiến cho các mối tương quan nhân vị trong đời sống trở nên hời hợt, thiếu sự liên đới và mật thiết. Trong một số trường hợp cực đoan, có người chuyển sang xây dựng mối tương quan với những đối tượng kỹ thuật số như chó, mèo, người điện tử thay vì vun đắp mối tương quan với người thật, và trải nghiệm các tình huống và cảm xúc trong đời thực.

Năm 2019, một người đàn ông tại Nhật Bản tên Akihiko Kondo đã “kết hôn” với một “hologram” của một thần tượng ảo (virtual idol) có tên Hatsume Miko, và coi đó là vợ của mình.[6] Trong nghi lễ kết hôn còn có sự tham dự của 39 khách mời là bà con và bạn bè. Tuy nhiên, bố mẹ của nhà trai đã không đến tham dự. Chắc hẳn hai ông bà từng mơ ước con mình sẽ cưới một cô gái xinh đẹp và sinh ra cho họ những đứa cháu dễ thương làm vui nhà vui cửa, chứ không phải cưới một nhân vật điện tử. Chúng ta không cần phải đặt vấn đề “bố mẹ nhà gái” là ai; chắc hẳn, “bố mẹ” là những anh chàng kỹ sư phần mềm với trí tưởng tượng phong phú và khả năng lập trình thuộc hạng giỏi. Một điều đáng quan ngại khác nữa về hiện tượng này là ngoài Akihiko Kondo ra, còn có thêm 3.700 người Nhật khác nữa cũng đã đăng ký với công ty phát triển công nghệ Gatebox vào năm 2017 để “kết hôn” với những nhân vật ảo mà họ hâm mộ.

Đối với những người vẫn còn trò chuyện với người thật, nghiên cứu cho thấy rằng việc dùng mạng xã hội trực tuyến để liên lạc với gia đình và bạn bè không phải là một giải pháp hiệu quả nhằm làm giảm cảm giác cô đơn.[7] Trong các gia đình ở thành thị, các thành viên ngày càng cô lập mình trong phòng riêng nhiều hơn. Ở đó, họ chủ yếu tiêu khiển thời giờ với các thiết bị điện tử. Mặc dù có sự giao tiếp với người khác diễn ra liên tục thông qua việc nhắn tin, đăng bài và trò chuyện, nhưng tất cả những phương thức này đều thiếu yếu tố giao tiếp giữa người với người cách trực tiếp. Thói quen sử dụng các thiết bị vi tính trong việc giao tiếp với gia đình, đồng nghiệp, người yêu…khiến nhiều người cảm thấy thoải mái hơn khi liên hệ qua trung gian CNTT-TT thay vì trực tiếp đến với nhau. Trớ trêu thay, mặc dù chúng ta nhốt mình trong phòng riêng nhiều hơn, nhưng dường như chúng ta ít được nghỉ ngơi hơn trước đây. Điện thoại thông minh đã có tác động tiêu cực đáng kể đến thời gian nghỉ ngơi, gây ra sự suy giảm chất lượng cũng như thời lượng giấc ngủ trên toàn cầu.[8]

Phải thừa nhận CNTT-TT mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội để kết nối với người khác, đặc biệt khi chúng ta biết sử dụng công nghệ cách phù hợp và thận trọng. Tuy nhiên, nó cũng gây nên vô số các tác động tiêu cực do sự lạm dụng bởi những cá nhân và tổ chức với mục đích xấu. Lạm dụng internet bao gồm các hành vi như: đánh cắp thông tin và tấn công bằng vi-rút, các nhóm cực đoan sử dụng internet để tuyên truyền, chiêu mộ thành viên mới và lên kế hoạch tấn công khủng bố. Việc sử dụng các thuật toán tích hợp (algorithms) và các công cụ khác khiến cho việc tiếp cận thông tin ngày càng có xu hướng một chiều, dẫn đến tình trạng chia rẽ và phân cực trong xã hội.[9] Ảnh hưởng này càng mạnh hơn khi người ta có xu hướng chia sẻ những nội dung tiêu cực về cá nhân hoặc nhóm khác, góp phần làm gia tăng sự thù hận, thành kiến và bất hòa xã hội.

Trên thực tế, có một phần nhân loại đáng kể chưa thể tiếp cận được với CNTT-TT. Nếu như tỷ lệ sử dụng internet trên toàn cầu hiện nay được cho là ở mức 60%, thì vẫn còn 40% chưa tiếp cận được với công nghệ này. Sự chênh lệch kỹ thuật số (digital divide) được thấy trong các nhóm khác nhau tùy theo giới tính, địa vị kinh tế - xã hội, địa lý cũng như bối cảnh chính trị.[10] Ngay cả ở Hàn Quốc, một trong những quốc gia được kết nối mạng cao nhất thế giới, việc sử dụng mạng internet của nhóm người trên 75 tuổi thấp hơn đáng kể so với các thế hệ trẻ hơn; các thế hệ dưới 75 tuổi này thường chiếm gần mức 100%. Mặc dù internet có tiềm năng to lớn để đạt được lý tưởng về một xã hội bình đẳng, nhưng khả năng tiếp cận công nghệ và điều kiện kinh tế trở thành những trở ngại để đạt được lý tưởng này. Ở các quốc gia có sự phân biệt đối xử về giới tính, phụ nữ ít được tiếp cận với công nghệ hơn. Sự thống trị của nam giới trong việc sử dụng CNTT-TT được thể hiện rõ qua thực tế là ở nhiều quốc gia, nam giới sở hữu điện thoại thông minh nhiều hơn so với nữ giới. Ngoài giới tính thì sự nghèo đói cũng hạn chế khả năng tiếp cận internet và các dịch vụ xã hội khác. Cuối cùng, khoảng cách kỹ thuật số cũng được nhận thấy trong sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị; thường người dân thành phố có lợi thế tiếp cận với CNTT-TT nhiều hơn.


2. Khía cạnh văn hóa


Khi các nhà khoa học công nghệ phát minh ra internet, họ đã mơ ước một viễn tượng cao đẹp về một thế giới hòa bình và bình đẳng được xây dựng trên nền tảng của công nghệ kỹ thuật số. Trong thế giới này, mọi người bất kể tôn giáo, văn hóa, xã hội và địa lý khác nhau có thể tương tác, trao đổi ý tưởng và hưởng lợi từ sự đa dạng mà mỗi người mang đến cho nhau qua những cuộc gặp gỡ nhờ trung gian mạng. Người ta tin rằng các tương tác trực tuyến vượt qua ranh giới quốc gia và văn hóa sẽ giúp mọi người tiếp thu những gì tốt đẹp trong nền văn hóa khác, giúp cho họ có tầm nhìn cởi mở và cuộc sống trở nên phong phú hơn. Rất tiếc viễn tượng cao cả này vẫn chưa trở nên hiện thực như mong muốn. Dĩ nhiên, CNTT-TT đã mang lại rất nhiều lợi ích cho nhân loại. Nó đã giúp nhiều cộng đồng thiệt thòi và yếu thế nâng cao vị thế của mình, tạo dấu ấn và hội nhập vào xã hội chính thống, trở thành một phần của cộng đồng toàn cầu. Các cộng đồng thiếu nguồn lực giáo dục tại địa phương có thể dựa vào những gì sẵn có ở những nơi khác để bổ sung những gì họ còn thiếu hoặc chưa có. Các nhóm ở vùng xa và bất lợi không có đủ điều kiện để sản xuất các chương trình giải trí có thể truy cập vào vô số nội dung một cách dễ dàng thông qua CNTT-TT. Với sự hỗ trợ của công nghệ truyền thông kỹ thuật số, toàn cầu hóa đã đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống con người hơn bao giờ hết, ngay ở những khu vực hẻo lánh nhất trên thế giới. Tiềm năng giao lưu văn hóa dường như vô hạn.

Mặc dù có nhiều người đã hành động không mệt mỏi để phát triển và thúc đẩy công nghệ kỹ thuật số với khát vọng cao cả, nhưng thật không may, sự trao đổi văn hóa vẫn còn rất xa với lý tưởng bình đẳng và hỗ tương. Những tương tác này không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích cho những người tham gia trong quá trình giao lưu. Khi tiếp xúc với các nền văn hóa khác, chúng ta có xu hướng bị thu hút và đồng hóa các khía cạnh hào nhoáng bên ngoài của các nền văn hóa mà chúng ta gặp gỡ hơn là các giá trị nhân văn mà nó có nguồn gốc sâu xa và được chấp nhận phổ quát. Xu hướng này xảy ra thường xuyên hơn nơi người trẻ vì thành phần này ít có khả năng nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của việc tiếp cận và đón nhận những gì từ các nền văn hóa khác. Việc chấp nhận một cách mù quáng các yếu tố văn hóa nước ngoài có thể dẫn đến sự xói mòn văn hóa địa phương và tạo ra những căng thẳng xã hội trong chính cộng đồng của chúng ta. Hiện tượng này có xu hướng gia tăng do lĩnh vực truyền thông ngày càng rơi vào quyền kiểm soát của một số hãng truyền thông và công nghệ lớn trên trên toàn cầu.[11] Đôi lúc việc áp dụng một giá trị, một quan điểm hoặc một lối sống mới có thể mâu thuẫn với các khía cạnh của văn hóa địa phương. Những bộ phim và chương trình giải trí trên mạng có thể giới thiệu những mốt thời trang, cách ăn nói cũng như lối suy nghĩ không phù hợp với các giá trị truyền thống lâu đời của các nền văn hóa.

Tại Thái Lan, người Thái ngày càng đưa những từ ngữ tiếng Anh vào trong những câu nói của mình (tuy nhiên phát âm theo giọng điệu đặc trưng của người Thái làm cho nhiều khi người ta không còn nhận ra từ gốc trong tiếng Anh là gì). Điều này xảy ra không chỉ khi người ta giao tiếp ngoài đời mà ngay cả trong những chương trình thời sự, hội thảo, văn nghệ được phát sóng trên truyền hình. Điều đáng nói ở đây là nhiều từ tiếng Anh được dùng không phải vì trong ngôn ngữ Thái không có những từ ngữ có thể diễn đạt ý tưởng của người nói, mà dường như việc đưa từ tiếng Anh vào câu nói chỉ là để thể hiện sự thời thượng và sành điệu của cá nhân. Tại Việt Nam chúng ta cũng đã chứng kiến xu hướng này phần nào trong thời gian qua. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại thì việc người Mỹ sử dụng một từ tiếng Việt hay tiếng Thái trong câu nói của họ không phải là điều dễ dàng. Phải mất rất nhiều năm từ “phở” (pho) mới được nhiều người Mỹ quen tai và sử dụng như một danh từ chỉ về một món ăn thuần túy Việt Nam. Từ “bánh mì” (banh mi) cũng ngày càng được biết đến nhiều hơn. Nhưng ngoài những từ chỉ về món ăn Việt Nam thì có lẽ khó để cho những thuật ngữ Việt khác được người Mỹ hay người Anh “mượn” để diễn tả những suy nghĩ của họ.

Do có tình trạng trao đổi văn hóa không mang tính hỗ tương, nên có hiện tượng phổ biến xảy ra mà Cees Hamelink gọi là “Disneyfication”, theo đó những nét văn hóa phương Tây hiện đại trở thành “lối sống” thống trị trên toàn cầu và các nền văn hóa địa phương buộc phải đồng hóa.[12] Nhờ sự phát triển CNTT-TT mà quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng, nhưng nó có thể gây ra hậu quả là làm mất đi bản sắc văn hóa địa phương. Vì internet chỉ sử dụng một số ít ngôn ngữ cách phổ biến, người ta phải học các ngôn ngữ này để có thể sử dụng đầy đủ các tính năng của công nghệ. Trong quá trình học các ngôn ngữ khác và tiếp xúc với các nền văn hóa thống trị toàn cầu, người dùng sẽ tiếp xúc nhiều hơn với các yếu tố văn hóa nước ngoài và có khả năng đồng hóa chúng một cách hỗn loạn, dẫn đến việc xem thường và đánh mất văn hóa bản địa.




3. Khía cạnh tôn giáo


CNTT-TT cung cấp một kho lưu trữ khổng lồ các nội dung tâm linh và tôn giáo trên mạng. Bất kể chúng ta theo tôn giáo nào, chúng ta có thể tận dụng kho tài liệu vô tận này để nghiên cứu hoặc nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng. Khi còn theo học chương trình tiến sĩ về Tôn giáo học, tôi chọn đề tài nghiên cứu là “Linh đạo về môi trường trong Phật giáo Nam tông”. Một phần quan trọng của công trình nghiên cứu này là phải đọc các cuốn sách kinh điển của Phật giáo để tìm ra những nội dung có liên quan đến vấn đề môi trường sinh thái. Rất may cho tôi, tất cả những cuốn sách kinh điển đó đều có bản dịch tiếng Anh và được tải lên các thư viện điện tử dưới dạng pdf. Vì thế, tôi có thể tải các tài liệu đó xuống, lưu lại trên máy tính bảng để phục vụ cho công việc nghiên cứu của mình.

Ngoài việc tìm hiểu, nghiên cứu thì mục đích chính của internet trong lĩnh vực tôn giáo là để truyền bá đạo. Nhiều vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo, các giáo xứ và các tổ chức cũng đã sử dụng internet và các công cụ truyền thông mạng xã hội để tiếp cận với các tín hữu và phổ biến thông tin trên mạng. Các diễn đàn trực tuyến cũng được sử dụng rộng rãi để thảo luận các vấn đề liên quan đến Giáo hội và đức tin, và nó cũng được sử dụng làm nền tảng để hỗ trợ về mặt xã hội và tư vấn tâm linh. Nhờ sự phổ biến của CNTT-TT, những người sống xa nhà thờ và những người cư trú ở nước ngoài dễ dàng đến với các buổi cử hành Thánh Thể và các bài chia sẻ thiêng liêng bằng ngôn ngữ của họ. Một số người thậm chí có thể “tham gia” vào các Thánh lễ được truyền trực tiếp từ giáo xứ quê hương của họ dù sống ở bên kia địa cầu. Trong đại dịch Covid-19, qua phương thức ghi hình video hoặc phát trực tiếp, các chương trình tôn giáo được đưa lên internet và được nhiều người xem. Tuy nhiên, ngay cả khi không có đại dịch, các tài liệu tôn giáo vẫn rất dồi dào nhờ các trang web và ứng dụng tôn giáo ngày càng thịnh hành.

Dẫu rằng những lợi ích của CNTT-TT đối với sứ vụ của Giáo hội là rất nhiều, nhưng có một số thách đố mục vụ đáng phải nêu lên. Vấn đề đầu tiên cần quan tâm là sự mơ hồ và nhầm lẫn liên quan đến thẩm quyền tôn giáo và luân lý. Vì môi trường internet cho phép bất kỳ ai cũng có thể làm ra và xuất bản nội dung tôn giáo trên mạng, các tài liệu được xuất bản thường không được kiểm tra kỹ lưỡng, dẫn đến khả năng gây sự hiểu lầm về đức tin trong nội bộ cũng như giữa các tôn giáo. Chúng ta có thể nhận thấy có không ít blog tôn giáo không chính thức nhưng lại thu hút nhiều độc giả hơn các trang web chính thức của Giáo hội, nơi chia sẻ những giáo huấn đúng đắn về các vấn đề liên quan đến đời sống đức tin. Khi các tín hữu không thể phân biệt các giáo huấn hay các quan điểm ​​chính thức của Giáo hội với các trình bày sai lạc đức tin hoặc ý kiến cá nhân, thì họ có thể hiểu sai quan điểm của Giáo hội đối với các vấn đề như phá thai, ngừa thai, di dân, môi trường, đồng tính, v.v. Hơn nữa, sự xuyên tạc một cách cố ý hoặc vô ý các giáo huấn chính thức của các tôn giáo cũng có thể cản trở đối thoại liên tôn và kích động hoặc làm gia tăng xung đột giữa các tôn giáo.    

Sự hiểu lầm còn xảy ra do mạng xã hội còn có những người thuộc các giáo phái khác cố tình mạo danh là linh mục, tu sĩ, giáo dân Công giáo nhằm mục đích lôi kéo người Công giáo vào các nhóm của họ. Thời gian qua, đã có nhiều bạn trẻ nhắn tin cho tôi qua Facebook hỏi về những người tự xưng mình là linh mục hay tu sĩ. Những người này có đăng hình ảnh Chúa, Mẹ, Đức Giáo Hoàng, nhà thờ Công giáo trên trang Facebook cá nhân, nhưng họ lại dạy một giáo lý “lạ”; giáo lý này toàn nói về Đức Chúa Cha Toàn Năng, không bao giờ đề cập đến Chúa Giêsu. Sau khi thực hiện một cuộc điều tra nhỏ thì tôi phát hiện ra, những nhân vật tự xưng và xuất hiện như là những linh mục, tu sĩ và giáo dân Công giáo, trên thực tế thuộc về một phái “tà đạo” mang tên Tia Chớp Phương Đông, xuất phát từ Trung Quốc. Họ đang hoạt động rất tích cực trên mạng không chỉ để chiêu mộ tín hữu Công giáo Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác tại Á châu. Một trong những “tín điều” của nhóm này là Chúa Giêsu đã trở lại thế gian trong hình dạng một phụ nữ người Hoa. Một tài liệu bằng tiếng Việt của nhóm này trên mạng ghi rằng:

Tia Chớp Phương Đông đã công khai làm chứng rằng Đức Chúa Jêsus đã tái lâm rồi – nghĩa là Đức Chúa Trời Toàn Năng, hiện thân của những ngày sau rốt – và rằng Ngài đã thành toàn công cuộc phán xét của Ngài bắt đầu với nhà của Đức Chúa Trời. Sự xuất hiện của Tia Chớp Phương Đông đã làm rung chuyển toàn bộ giới tôn giáo cũng như những ai chân thành tin vào Đức Chúa Trời và khát khao lẽ thật. Qua việc tìm kiếm và tìm hiểu những lời và công cuộc của Đức Chúa Trời Toàn Năng, nhiều người xác nhận rằng Đức Chúa Trời Toàn Năng là Đức Chúa Jêsus tái lâm, và từng người họ tiến đến trước Đức Chúa Trời Toàn Năng.[13]

Việc xuất hiện nhiều tôn giáo hoặc giáo phái trên thế giới không phải là một điều bất thường. Chúng ta có thể chấp nhận những tôn giáo và giáo phái có niềm tin đi ngược với niềm tin của chúng ta. Nhưng việc các thành viên của một giáo phái nào đó mạo danh các linh mục, tu sĩ Công giáo để chiêu mộ tín đồ là một sự lừa đảo vô lương tâm của những người tự xưng mình là có đạo. Điều đáng báo động ở đây là có rất nhiều giáo dân Công giáo đã tin vào lời mời mọc của những kẻ lừa đảo này, nên đã gia nhập những nhóm học giáo lý trực tuyến của họ. Có người phát hiện ra mình bị lừa nên đã rời khỏi nhóm sau vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng. Nhưng chắc chắn có những con chiên khác của Giáo hội đã bị những tiên tri giả đưa đi mà không biết có tìm ra được lối về hay không.

Khi CNTT-TT ngày càng làm cho không gian kỹ thuật số mở rộng vào cuộc sống con người thuận lợi hơn, nó cũng tác động đến cách chúng ta nhìn nhận về bản thân cũng như tương quan với Thiên Chúa và người thân cận. Là một tôn giáo được thiết lập dựa trên niềm tin rằng Thiên Chúa mang bản tính con người qua biến cố Nhập Thể, việc chúng ta ngày càng quan tâm đến không gian và hoạt động kỹ thuật số đặt ra một thách đố về việc thực hành niềm tin của chúng ta trong tư cách cá nhân cũng như cộng đồng các môn đệ của Đức Kitô. Trong đại dịch Covid-19, nhiều vị lãnh đạo Giáo hội đã duy trì sự hiệp thông với các tín hữu qua phương tiện CNTT-TT bằng các nghi thức phụng vụ trực tuyến hoặc các sinh hoạt khác trên mạng. Tuy nhiên, việc sử dụng tràn lan CNTT-TT trong hoàn cảnh đặc biệt này đặt ra câu hỏi: liệu thái độ của mọi người đối với các Bí tích được cử hành trực tiếp do cộng đồng phụng vụ sẽ thay đổi ra sao hậu đại dịch? Có một lo ngại chính đáng rằng việc xem Thánh lễ ở nhà trong thời kỳ dịch bệnh sẽ làm gia tăng xu hướng cá nhân hóa linh đạo (privatization of spirituality) đang ngày càng phổ biến trong một số thành phần các tín hữu.

Sự biến tướng của tôn giáo cũng là một mối lo lắng trong kỷ nguyên CNTT-TT. Với sự sẵn có của một lượng lớn nội dung tôn giáo trên mạng (phụng vụ trực tuyến, bài giảng, bài chia sẻ nghiên cứu Kinh Thánh, thuyết trình về thần học, suy tư tâm linh, v.v.), mọi người học thói quen “mua sắm” và “chọn lựa” nội dung phù hợp với thị hiếu của họ. Với rất nhiều Thánh lễ online được phát trực tiếp hoặc tải lên vào bất kỳ thời điểm nào, chúng ta không cần phải dự Thánh lễ từ duy nhất một giáo xứ hoặc giáo phận. Chúng ta có thể chuyển sang một Thánh lễ khác mà chất lượng video, tính thẩm mỹ, ánh sáng và âm thanh, hoặc ngoại hình và tính cách của vị chủ tế nhìn thu hút hơn. Với một Thánh lễ được thâu trước, chúng ta có thể chọn bỏ qua một phần hoặc toàn bộ bài giảng nếu không quan tâm đến những gì người giảng thuyết đang nói. Và giống như một chương trình truyền hình, chúng ta có thể xem nửa đầu của Thánh lễ trước bữa tối và nửa còn lại sau bữa tối, hoặc thậm chí tệ hơn, xem Thánh lễ trong khi đang ăn tối.

Như đã đề cập trong tập sách này, nếu sự phân cực xã hội trở nên nghiêm trọng hơn do CNTT-TT mà nay đã trở thành hiện thực trong thời đại kỹ thuật số, thì sự phân cực tôn giáo cũng có thể gặp điều tương tự. Những động lực thúc đẩy lối tư duy “bầy đàn” tạo ra các “phòng cách âm” (echo chambers), nó đã làm gia tăng sự phân chia xã hội thì chính nó cũng có thể áp dụng cho cộng đồng tôn giáo. Trong Giáo hội cũng có những phe phái có thể bị dán nhãn là “cấp tiến” hoặc “bảo thủ”. Sự phân chia này đặc biệt rõ ràng trên không gian mạng, nơi mà việc chỉ trích những người có quan điểm đối lập thường được thể hiện không mấy do dự. Chúng ta chỉ cần đọc các bình luận bên dưới một số bản tin tức do các trang Công giáo tiếng Anh đăng tải sẽ có thể chứng kiến sự phân cực nội bộ này. Điều có thể nhận thấy là có những tín hữu cho mình là “thuộc về” Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, trong khi có những tín hữu khác lại cho mình là “thuộc về” Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Nếu như sự phân chia bè phái giữa các tín hữu trong giáo đoàn Corintô thời Hội Thánh sơ khai chỉ nằm trong phạm vi của một cộng đoàn nhỏ bé, thì ngày nay, với CNTT-TT, người ta có thể gây nên sự chia rẽ mạnh mẽ trong Giáo hội trên toàn cầu. Hơn nữa, vì chúng ta có xu hướng thích truy cập vào các nội dung và nghe các ý kiến phản ánh cách nhìn của mình, nên quá trình này lâu dần dẫn đến việc tạo ra hoặc đào sâu các hố ngăn cách giữa chúng ta với các tín hữu không đồng quan điểm.

Cuối cùng, việc chúng ta quá bận tâm đến các thiết bị CNTT-TT và nội dung trực tuyến có thể tốn nhiều thời gian mà lẽ ra nên dành cho các sinh hoạt thiêng liêng như đọc Kinh Thánh, lần chuỗi Mân Côi, hoặc im lặng suy tư và chiêm niệm. Sự lớn lên trong đời sống thiêng liêng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng dành thời gian cá nhân cho Thiên Chúa, ở trong cô tịch cầu nguyện để cảm nhận sự hiện diện của Người. Do CNTT-TT đang tràn ngập trong cuộc sống của chúng ta, nhiều người đã thay đổi lòng đạo đức cá nhân; thay vì cầu nguyện Kinh Mân Côi, họ chỉ việc nhấn nút “Like” cho các nội dung tôn giáo xuất hiện trên tường Facebook của mình; thay thế việc thinh lặng cầu nguyện bằng việc liên tục lướt qua một trang tôn giáo; hoặc thay thế việc đọc Kinh Thánh bằng việc đăng video hoặc hình ảnh tôn giáo lên trang cá nhân.

Nhiều người mỗi khi đi nhà thờ thích check-in hoặc phát trực tiếp việc mình đang tham dự Thánh lễ. Trong các nhóm lao động di dân Công giáo Việt Nam tại Thái Lan, mỗi khi có một Thánh lễ lớn như Lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, hoặc mừng quan thầy, ban phụng vụ luôn tổ chức nghi thức dâng của lễ một cách long trọng. Những người được chọn cho nghi thức này thường là các cô gái, chàng trai có ngoại hình ưa nhìn, vóc dáng cao ráo. Vì thế, khi nghi thức tín hữu trao dâng của lễ diễn ra, nhiều khi nó trở thành như một tiết mục trình diễn thời trang với hàng chục giáo dân dùng điện thoại di động để chụp hình, quay phim, live stream không khác gì một sự kiện văn nghệ. Không riêng gì giáo dân Việt Nam, nhiều giáo dân người Thái cũng thích thú với việc quay phim chụp hình hơn là đặt tâm hồn vào nghi thức phụng vụ đang diễn ra. Trong các nghi lễ long trọng như rước kiệu Đức Mẹ, họ bận tâm đến việc chụp ảnh và quay video để chia sẻ lên mạng xã hội hơn là tham dự vào các bài hát, lời cầu nguyện và các cử hành phụng vụ. Những hành động này phản ánh một kiểu sùng đạo hời hợt, không dẫn đến sự tăng trưởng thiêng liêng hay biến đổi cá nhân sâu sắc và có ý nghĩa.


4. Khía cạnh chính trị


Sự phát triển của CNTT-TT đã tác động sâu sắc đến đời sống chính trị ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt vì nó giúp cho người dân hiểu biết và tham gia nhiều hơn trong các hoạt động dân sự. Trong thế giới ngày nay, CNTT-TT đã trở nên một công cụ không thể thiếu trong lĩnh vực chính trị. Các đảng phái chính trị đều sử dụng internet để phổ biến các hệ tư tưởng và chính sách của mình, đồng thời vận động người dân bầu cử. Nhiều chính trị gia, ngay cả ở các nước độc tài, có tài khoản mạng xã hội để kết nối với quần chúng rộng rãi hơn. Tương tự, nhiều người dân cũng truy cập các trang web, blog và tài khoản mạng xã hội của các nhà lãnh đạo và tổ chức chính trị để trực tiếp nêu lên những vấn đề mà họ muốn lãnh đạo đất nước phải quan tâm đến.

Dễ dàng tiếp cận thông tin chính trị giúp mọi người nhận thức rõ hơn về khung cảnh chính trị ở địa phương lẫn toàn cầu. Khi quân đội Myanmar thực hiện cuộc đảo chính vào tháng 2 năm 2021, người dân Myanmar lập tức lên mạng xã hội để phản đối việc tiếp quản và kêu gọi thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh vì dân chủ. Trên khắp thế giới, những người trẻ mà có sự hiểu biết về mạng xã hội đang tổ chức những hoạt động trực tuyến và ngoại tuyến để thực hiện trách nhiệm cộng đồng, đồng thời kêu gọi những cơ quan thẩm quyền thay đổi cơ chế và phương cách thực thi quyền lực. Các blog và diễn đàn thảo luận cung cấp cho mọi người một không gian để công khai nêu quan điểm trong khi các thẻ Twitter (hashtag) giúp đẩy mạnh và khuyến khích công chúng hành động vì những nỗ lực chung.

Tóm lại, CNTT-TT đã giúp tạo điều kiện cho công chúng tham gia nhiều hơn vào đời sống chính trị; lĩnh vực này không còn chỉ dành riêng cho tầng lớp tri thức. Về mặt CNTT-TT, mạng xã hội đã nổi lên như một phương tiện truyền thông quan trọng giữa các nhà lãnh đạo địa phương và quốc gia với người dân. Đồng thời, công dân được trao quyền nhiều hơn để biến mình thành những nhà lãnh đạo dân sự bằng cách sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để cổ võ đối thoại và kêu gọi hành động vì cộng đồng.[14]

Tuy nhiên, những thách đố liên quan đến CNTT-TT và chính trị rất đa dạng, được phản ánh qua tình trạng chia rẽ trong đời sống chính trị quốc gia và toàn cầu vào những năm gần đây. Có thể quy một phần trách nhiệm cho mạng xã hội khi nó gây ra sự chia rẽ chính trị ​​trên khắp thế giới, điển hình ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Anh và Braxin. Phương tiện truyền thông mới này đã trở nên công cụ chính cho các cá nhân và tổ chức thực hiện những chiến dịch phổ biến thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng đến dư luận và nhận thức của người dân. Một trong những yếu tố đặc trưng của truyền thông mới là cung cấp các lựa chọn phong phú. Tuy nhiên, sự phong phú ấy có thể dẫn đến quá tải thông tin.[15] Mạng xã hội được sử dụng để thông tri và tiếp cận tin tức là một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó tạo điều kiện cho chúng ta tiếp cận và phổ biến thông tin cách nhanh chóng, dễ dàng và với chi phí rất thấp. Mặt khác, nó cho phép những kẻ xấu tuyên truyền thông tin sai lạc cách nhanh chóng và trên diện rộng dưới các hình thức thông tin gây hiểu lầm (misinformation), thông tin cố tình thêu dệt (disinformation) và thông tin độc hại (malinformation)… nhằm đạt được lợi ích chính trị. Sự lan truyền rộng rãi của tin giả đã được chứng minh là nguyên do gây ra những tác động vô cùng tiêu cực đến cá nhân và xã hội.[16] 

Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, mạng xã hội trở thành một công cụ để phát tán tin giả và thông tin sai lạc. Sự kết hợp chết người giữa mạng xã hội và tin giả dưới dạng một tin đồn lan truyền ví như một vụ cháy rừng, vượt qua ranh giới các nền văn hóa, ngôn ngữ, quốc gia cũng như tôn giáo. Trong Quyển IV của Aeneid, nhà thơ Virgil đã đề cập đến tin đồn như là “tệ nạn nhanh nhất trong tất cả các tệ nạn”; “Tốc độ cho nó sức mạnh và tin đồn càng lan đi thì càng có sức sống.”[17] Thật vậy, mạng xã hội và tin giả có thể khiến một người vô tội bị đám đông cáo buộc sai phạm và xét xử ngay tại chỗ, cũng như khiến một đối thủ chính trị có thể bị tiêu diệt bằng những lời vu cáo, chụp mũ. Trong đại dịch Covid-19, sự lan tràn của tin giả đã góp phần làm cho cuộc khủng hoảng càng trầm trọng hơn ở nhiều quốc gia. Thông tin sai sự thật và sự quá tải thông tin đã tạo ra một thứ “ổ dịch” đặc biệt trong thời kỳ đại dịch. Nó gây ra những trở ngại to lớn trong việc đi sâu vào nền tảng của vấn đề nhằm giải quyết tình trạng sức khỏe cộng đồng, đồng thời gây ra sự hoang mang và mất lòng tin nơi người dân.[18]

Sự hiện diện tràn lan của thông tin sai lạc là một đặc điểm cụ thể của cái gọi là chính trị hậu sự thật (post-truth politics). Trong một thế giới hậu sự thật, sự thật và thực tế trở nên như cái thứ yếu so với cảm nhận và cảm xúc cá nhân. Một điều gì đó thật là bởi vì tôi “cảm thấy” nó thật, nó đúng bởi vì trong lòng tôi muốn nó là đúng – bất chấp bằng chứng khoa học. Do đó, người ta sản xuất và phổ biến thông tin chủ yếu nhằm mục đích thuyết phục người nghe tin vào quan điểm được nêu lên bất kể quan điểm đó có dựa trên sự thật hay không. Điều đáng quan ngại là các hướng phát triển của CNTT-TT hiện nay đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy và thống trị của thứ chính trị hậu sự thật trên phạm vi toàn cầu.[19]

CNTT-TT đã biến văn hóa toàn cầu thành văn hóa thông tin. Thật không may, nền văn hóa thông tin này thường bị lèo lái bởi các lợi ích chính trị. Hậu quả là CNTT-TT, đặc biệt dưới hình thức mạng xã hội, trở nên công cụ cho các cá nhân và tổ chức sử dụng nhằm mục đích tuyên truyền, xây dựng hình ảnh giả tạo, che giấu sự thật, đàn áp những người nói sự thật, và thao túng dư luận. Khi việc phát hành thông tin bị điều khiển bởi các mục đích chính trị, tất nhiên sẽ liên quan đến các vấn đề quyền lực, lợi ích kinh tế, và lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Không có gì lạ vì sao cho đến nay thực trạng biến đổi khí hậu vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi – có người cho rằng đây chỉ là một tin giả hoặc bị phóng đại quá mức. Tương tự, trong thời kỳ đại dịch, trong khi ở các quốc gia giàu có, người ta từ chối tiêm chủng, thì ở các quốc gia khác, cuộc khủng hoảng tiếp tục gây tử vong hàng loạt do thiếu vắc-xin cho người dân. Đó cũng là lý do tại sao ở một số quốc gia, người ta không thống nhất được về một hành động đơn giản là có nên đeo khẩu trang để phòng ngừa lây nhiễm vi-rút corona hay không.


5. Khía cạnh kinh tế


Việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số có tác động sâu sắc đến nền kinh tế, cách riêng đối với sự gia tăng năng suất và hiệu quả công nghiệp. Các hoạt động kinh tế ngày càng được tự động hóa đặt ra những lo ngại chính đáng rằng máy tính sẽ lấy mất việc làm, nhất là những công việc liên quan đến lao động chân tay, vì thế sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của những người lao động phổ thông. Trên thực tế, công nghệ kỹ thuật số đã, đang và sẽ làm cho một số công việc không còn cần thiết nữa do quá trình tự động hóa (automation) hoặc robot hóa (robotization), nhưng đồng thời nó cũng mang lại những cơ hội việc làm mới. Ngày nay chúng ta thấy một số việc mới, ví dụ như phát triển web, quản trị mạng, lập trình, quản lý dự án và kiểm tra hệ thống. Kỹ năng công nghệ số được săn đón trên toàn cầu với nhu cầu ngày càng tăng. Những công việc này thường mang tính linh hoạt, có thể làm ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Sự phát triển và áp dụng công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực như y học, vận tải, sản xuất và nông nghiệp tác động sâu sắc vào nền kinh tế toàn cầu. Tương tự như vậy, các ứng dụng trong việc phát triển vũ khí cũng có tác động khủng khiếp không chỉ đối với nền kinh tế toàn cầu mà còn đối với nền hòa bình thế giới.

Mặc dù CNTT-TT được dùng nhằm phát triển kinh tế trên toàn thế giới, nhưng trên thực tế, lợi ích chưa được chia đều giữa các quốc gia và dân tộc. Bất chấp những cơ hội do tiến bộ công nghệ tạo ra, bất bình đẳng toàn cầu đang có xu hướng gia tăng. Tổ chức Oxfam báo cáo rằng trong khi số lượng tỷ phú trên thế giới ngày càng gia tăng, gần một nửa nhân loại phải sống qua ngày với mức dưới 5,50 USD/ngày.[20] Trong thời kỳ đại dịch, khủng hoảng kinh tế, thất việc và bệnh tật cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của hầu hết tầng lớp trung lưu và hạ lưu trên thế giới. Chúng ta lo ngại rằng tiến bộ công nghệ, thay vì giảm bớt sự bất bình đẳng, lại làm cho nó thêm trầm trọng hơn vì phần lớn tài sản và quyền lực tập trung vào các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Microsoft, Apple, Tencent và Amazon. Sự phát triển về trí tuệ nhân tạo và tự động hóa đem lại lợi nhuận vô cùng to lớn cho các công ty này trong khi những người bình thường chỉ nhận được phần chia sẻ ít ỏi từ những lợi ích trên. Ngoài ra, chúng ta không thể gạt đi mối quan ngại rằng, các công ty đang đua nhau phát triển trí tuệ nhân tạo, chỉ sẽ chọn giải quyết các vấn đề mà họ thấy thuận tiện, có nghĩa chỉ giải quyết các vấn nạn hoặc theo phương pháp mà không đụng chạm đến tỷ suất lợi nhuận của họ. Như thế, vấn nạn khoảng cách giàu nghèo đang hoành hành trên thế giới sẽ không bao giờ được giải quyết cách thỏa đáng.    

Ngoài bất bình đẳng về kinh tế, khả năng tiếp cận các thiết bị công nghệ cũng không đồng đều. Ở các nước nghèo, việc tiếp cận với CNTT-TT bị hạn chế do người dân không đủ khả năng để mua những món đồ công nghệ đắt tiền. Người dân ở các nước có hệ thống internet kém phát triển không thể tiếp cận những lợi ích từ các dịch vụ trực tuyến. Mặt khác, những người sống ở các quốc gia nơi CNTT-TT phát triển cao lại mắc phải não trạng tiêu thụ khiến họ luôn tìm cách nâng cấp bằng các thiết bị mới nhất và hợp thị hiếu nhất hiện có trên thị trường. Nhiều người đang đứng ở ranh giới giữa tình trạng am hiểu và đam mê quá mức về công nghệ. Mặc dù trong thế giới hiện đại, người ta thường phụ thuộc vào các thiết bị điện tử để vận hành cuộc sống, nhưng sự thèm muốn các thiết bị mới nhất, trong đó có nhiều cái rất đắt tiền, cho thấy một não trạng tiêu thụ và quy công nghệ không lành mạnh. Thật vậy, hầu hết các mô hình thương mại điện tử đều khuyến khích tiêu dùng quá mức. Để có doanh số bán hàng lớn, người bán phải đưa ra mức giá cạnh tranh. Không may là điều này dẫn đến việc mọi người mua nhiều thứ đơn giản vì chúng có giá cả phải chăng, dẫn đến chủ nghĩa tiêu thụ và tình trạng bóc lột môi trường. Điều này không chỉ nhận thấy trong việc mua sắm các thiết bị điện tử, mà còn thấy ở thói quen mua sắm mọi thứ đồ như áo quần, đồ chơi, đồ dùng hằng ngày, v.v.

Với việc sử dụng rộng rãi CNTT-TT của hàng tỷ người trên toàn cầu, bản thân người dùng cũng trở thành thứ hàng hóa. Trong thời đại của “thánh Google” và mạng xã hội, chúng ta buộc phải chấp nhận sự trao đổi để có thể sử dụng các dịch vụ miễn phí và tiện lợi do các công ty công nghệ cung cấp. Nhiều người trong chúng ta không ý thức rằng, các dịch vụ email, ứng dụng trò chuyện video, và nền tảng mạng xã hội được cho là “miễn phí” đều có giá của nó. Mỗi hành động của chúng ta trên internet như nhấp vào trang web nào đó, thích trạng thái trên Facebook của ai đó, đăng nhận xét về video nào đó trên YouTube, check-in tại nhà hàng nào đó, xem một cuốn sách nào đó trên Amazon – tất cả đều được các thuật toán máy tính ghi nhận. Sau đó, dựa trên tất cả dữ liệu thu thập được về chúng ta, các thuật toán sẽ cung cấp cho chúng ta các quảng cáo sản phẩm và nội dung nhằm thu hút sở thích và thị hiếu của chúng ta. Ngoài ra, các công ty công nghệ còn bán cho các công ty khác những dữ liệu mà họ thu thập được về chúng ta nhằm trục lợi. Việc các công ty công nghệ thu thập và bán dữ liệu rộng rãi về người tiêu dùng là một vấn đề đạo đức bởi nó ảnh hưởng đến quyền riêng tư của mỗi người chúng ta.

Một vài câu hỏi đang được đặt ra là: Nếu dữ liệu chính là thứ có giá trị về mặt kinh tế, được ví như “xăng dầu” của kỷ nguyên kỹ thuật số, vậy làm thế nào để mọi người có vai trò đóng góp xây dựng khối dữ liệu khổng lồ trên thế giới được lãnh nhận một phần của lợi nhuận mà những dữ liệu đó mang lại? Toàn bộ dữ liệu trên thế giới phải được quản lý như thế nào để kiềm chế các công ty công nghệ lớn một mình trục lợi từ những dữ liệu mà chúng ta cung cấp cho họ? Đến nay các chuyên gia chưa nghĩ ra được cách thức nào có thể giải quyết những khúc mắc này cho thỏa đáng.

    

6. Khía cạnh thăng tiến con người


Sự phát triển của CNTT-TT tạo điều kiện cho chúng ta tiếp cận kiến ​​thức theo cấp số nhân. Nó mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội để học tập và chia sẻ kiến thức nhờ có các phương tiện như công cụ tìm kiếm, các diễn đàn học thuật, thậm chí mạng xã hội dành riêng cho các nhà nghiên cứu. Đối với nhiều người, khi nói đến mạng xã hội, người ta chỉ nghĩ tới những nền tảng lớn như Facebook, YouTube, Instagram, Twitter, v.v. Tuy nhiên, đối với tôi là một người làm nghiên cứu, một mạng xã hội rất quan trọng có tên Researchgate. Qua mạng xã hội này, tôi có thể đăng tải những bài viết nghiên cứu của mình, cả những bài đã được phát hành trên các tạp chí cũng như những bài chưa được phát hành. Ngoài ra, tôi cũng có thể tiếp cận được vô số bài tham luận của các nhà nghiên cứu khác trên toàn thế giới. Nhờ vào diễn đàn này mà tôi đã có cơ hội kết nối với nhiều chuyên gia cũng như từng được mời cộng tác vào những dự án viết sách mang tính học thuật trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

Học tập trực tuyến và hội thảo trên mạng là những sinh hoạt trí tuệ đặc biệt phổ biến trong thời đại dịch Covid-19 do các cơ sở giáo dục phải đóng cửa và việc đi lại bị hạn chế cách trầm trọng. Zoom và Google Meet trở thành những nền tảng phổ biến cho mục đích này và được hàng triệu người trên khắp thế giới sử dụng hằng ngày. Tính từ tháng 3 năm 2020 tới nay, tôi đã tổ chức 4 chương trình hội thảo trên hệ thống Zoom, đồng thời tham gia thuyết trình trong 6 chương trình hội thảo quốc tế trực tuyến khác. Ngoài ra tôi cũng tham dự lắng nghe thuyết trình nhiều chương trình hội thảo webinar khác mà tôi quan tâm.

E-learning dự kiến ​​sẽ trở nên rộng rãi hơn khi công nghệ CNTT-TT trong lĩnh vực này tiếp tục phát triển. Với E-learning, học sinh có thể học bằng cách xem video, đọc các tài liệu điện tử, tham gia vào các nhóm thảo luận trực tuyến, gửi bài tập qua mạng... Với các nền tảng như Google Meet và Zoom, việc hỏi đáp giữa sinh viên và giáo viên có thể diễn ra tức thời. Các nền tảng học tập trực tuyến như Coursera và Udemy cho phép sinh viên theo các khóa học do các trường đại học hàng đầu trên toàn cầu cung cấp. Hơn nữa, CNTT-TT hỗ trợ học tập tích cực và tương tác bằng cách sử dụng môi trường học tập thông minh. Về lý thuyết, sự phát triển của CNTT-TT mang lại những cơ hội vô hạn để thăng tiến bản thân.

Không phủ nhận tiềm năng và thực tế vô cùng lớn lao của CNTT-TT trong việc thăng tiến cá nhân, chúng ta không thể bỏ qua những thách đố nghiêm trọng mà công nghệ số đặt ra cho sự phát triển toàn diện của con người. Sự phát triển đích thực và toàn diện của con người là điều mà tất cả các vị Giáo Hoàng, bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhấn mạnh trong thời gian hàng chục năm qua. Trong Thông điệp Populorum Progressio (Phát Triển Các Dân Tộc), Đức Thánh Cha Phaolô VI khẳng định rằng, “sự phát triển đích thực là sự phát triển toàn diện, nghĩa là thăng tiến tất cả mọi người và toàn thể con người.”[21]

Đáng ra CNTT-TT có tiềm năng vô hạn để giúp con người phát triển cách toàn diện; nhưng trên thực tế, những tiềm năng đó lại không được thực hiện, thay vào đó là những thứ nguy hại đến sức khỏe thể chất, tinh thần và tâm lý. Ngày nay, nhiều người không còn đọc sách để giải trí mà chỉ đọc lướt những nội dung ngắn gọn trên internet. Giới trẻ ngày càng có ít khả năng tiếp thu và ghi nhớ kiến thức. Khả năng viết chính tả, dùng từ vựng, ngữ pháp…cũng bị ảnh hưởng nhiều do thói quen dùng máy tính. Nhiều câu từ trong quá trình đánh máy đã được thuật toán gợi ý cho trước, nên người viết không còn phải nghĩ ra từ hoặc nhớ cách đánh vần các chữ. Do kiến thức dường như trở thành thứ nằm trong các thiết bị điện tử và hệ thống bên ngoài tâm trí con người, nên người ta không còn dựa vào trí nhớ của chính mình để suy tư và tổng hợp thông tin hay để trình bày một ý tưởng hợp lý. Hơn nữa, do lượng thông tin quá dồi dào, để thu hút người xem, người đăng bài trên mạng có xu hướng rút gọn nội dung, bù lại tìm cách gây chú ý với các hình ảnh và tiêu đề giật gân. Điều này phục vụ nhu cầu xem nhanh và hỗ trợ thói quen đọc lướt. Hậu quả của hành vi này là chúng ta trở nên người thiếu khả năng tư duy phản biện và phân định, dẫn đến sự hiểu biết hời hợt và đơn giản các vấn đề quan trọng trong đời sống.

Phát triển con người cách toàn diện đòi hỏi sự hình thành đúng đắn về kiến thức cũng như nhân cách. Tuy nhiên, sự thâm nhập của công nghệ kỹ thuật số vào đời sống người trẻ đã khiến nhiều người trẻ xây dựng cảm thức về căn tính và giá trị bản thân dựa trên những tương tác trực tuyến. Đối với nhiều người trẻ, sự ái mộ và chấp nhận từ cộng đồng mạng trở nên yếu tố quyết định mức độ tự trọng của chính mình. Vì thế, khi đăng một bức hình hoặc một dòng trạng thái trên mạng xã hội mà không đạt được số lượng người theo dõi và lượt thích như mong muốn, nhiều người trẻ trở nên buồn sầu, trầm cảm, có người thậm chí tự vẫn. Được chấp nhận từ đồng bạn luôn là một vấn đề quan trọng trong cuộc sống của người trẻ; tuy nhiên, CNTT-TT và thế giới mạng xã hội đã khuếch đại tình trạng này bằng cách tạo điều kiện so sánh và cạnh tranh giữa những người trẻ, chỉ qua một vài phép đo đơn giản: lượng người thích, lượng người theo dõi, lượng người chia sẻ.

Để đạt được thành tích cao trong ba chỉ số này, nhiều người trẻ dùng đến cách phát trực tiếp những hành vi thái quá, đăng ảnh và video không phù hợp với thuần phong mỹ tục, và dành rất nhiều thời gian chụp và chỉnh sửa ảnh “tự sướng”. Đối với nhiều người, hành vi ăn một món ăn đặc biệt, đi đến một địa điểm đẹp, hoặc gặp gỡ một người nào đó không còn là những hoạt động phục vụ nhu cầu tinh thần và thể lý nữa, nhưng là những hành động được lên kế hoạch và dàn dựng kỹ lưỡng dành cho bài sẽ đăng trên tài khoản Facebook, Instagram, hoặc Twitter nhằm câu “like”. Thay vì đăng những kinh nghiệm đã trải qua như một cách để chia sẻ với người khác (share what you lived), nhiều người trẻ phù phép ra những kinh nghiệm chỉ để chia sẻ (live just to share). Những trải nghiệm này dường như chỉ có giá trị cho một bài đăng thú vị trên mạng xã hội. Sau đó, họ phải tìm những nội dung mới để tiếp tục thu hút sự chú ý của mọi người.

Theo các chuyên gia, tác động tiêu cực của mạng xã hội trên giới trẻ nữ nhiều hơn giới trẻ nam. Tình trạng trầm cảm khi không thu hút được nhiều like, cảm thấy bị loại trừ vì thấy bạn bè đăng hình đi dã ngoại mà mình không được mời, cảm thấy thiệt thòi vì những người khác nhìn đẹp hơn, sang chảnh hơn, nổi tiếng hơn, v.v. nó diễn ra một cách nghiêm trọng hơn ở người trẻ nữ so với giới trẻ nam. Vì thế, có người cho rằng nếu tất cả các người trẻ trên thế giới được trao cho một chiếc súng có sẵn đạn, thì sẽ có nhiều thanh niên bị thương hoặc tử vong hơn các cô gái, vì súng ống thu hút sự chú ý của phái nam hơn. Tuy nhiên, nếu tất cả giới trẻ trên thế giới được trao cho một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng xã hội thì sẽ có nhiều cô gái bị thương hoặc tử vong hơn nam giới, do ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội trên các bạn gái nhiều hơn.

Sự phát triển toàn diện cũng bị cản trở khi internet được sử dụng thiếu khôn ngoan, ảnh hưởng tiêu cực đến thể lý, tinh thần và tâm linh. Dành quá nhiều thời gian trên internet để chơi trò chơi, xem video và lướt các trang mạng xã hội cách vô định có thể dẫn đến việc tách ra khỏi xã hội, bỏ bê bản thân, ăn uống không điều độ cũng như ảnh hưởng đến đời sống gia đình.[22] Đối với người lớn, sử dụng internet quá nhiều có thể dẫn đến mất việc làm và đổ vỡ hôn nhân. Những vấn đề khác liên quan đến việc sử dụng internet vô độ bao gồm trầm cảm, ngủ nghỉ không điều độ và sức khỏe thể chất kém.

Đối với nhiều người, phần lớn thời gian dành cho internet liên quan đến việc xem nội dung khiêu dâm. Ngày nay, khoảng 30% tất cả dữ liệu được truyền trên web mang nội dung khiêu dâm với băng thông hàng tháng dễ dàng vượt qua băng thông của Netflix, Amazon và Twitter cộng lại.[23] Chưa bàn đến vấn đề đạo đức và luân lý trong việc sản xuất và tiêu thụ nội dung khiêu dâm, hành vi tìm kiếm và xem nội dung khiêu dâm thường đi liền với mức độ thiếu trung thực và giấu giếm cao. Những người bị cuốn vào đó thường cảm thấy bị cô lập, xấu hổ, chán nản, giả tạo, tổn hại về mặt đạo đức, và đôi lúc muốn tự tử. Đáng buồn là những người nghiện nội dung khiêu dâm trên internet thường thấy mình bị rơi vào cạm bẫy này do chúng quá dễ dàng tiếp cận và có số lượng lớn.


7. Khía cạnh sinh thái


Sự phát triển công nghệ, đặc biệt là kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, đã tác động mạnh vào cuộc khủng hoảng sinh thái ngày càng leo thang, và đang đe dọa đến sự an sinh của hàng tỷ người trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia nghèo. Ngày nay, các nhà khoa học trên thế giới đã cùng lên tiếng xác định rằng cuộc khủng hoảng sinh thái là do con người gây ra, với nhiều hiện tượng như thay đổi mô hình thời tiết, trái đất ấm dần lên, nhiều thiên tai dữ dội, bất thường và mất sự đa dạng sinh học. Trong thời đại mới, cuộc sống con người ngày càng gắn liền với công nghệ kỹ thuật số. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua nhiều thiết bị mà chúng ta sở hữu – điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay, tivi thông minh, máy điều khiển trò chơi, máy theo dõi thể chất, đồng hồ thông minh, v.v. Thống kê cũng cho thấy chúng ta dùng phần lớn thời gian thức trên không gian mạng, nhiều khi làm hai ba công việc cùng một lúc (multi-task). Bất kể trong một khoảnh khắc nào, chúng ta có thể thấy một người vừa nghe nhạc online, vừa chỉnh sửa một bức hình tự chụp bằng một ứng dụng nào đó để tải lên Twitter, đồng thời trả lời các tin nhắn trên Snapchat hay Facebook Messenger. Trong khi sự phát triển công nghệ và việc lạm dụng nó góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng sinh thái, các nhà khoa học công nghệ hy vọng rằng công nghệ kỹ thuật số có thể giúp tìm ra giải pháp thúc đẩy tính bền vững và bảo tồn môi trường. Với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, người ta hy vọng rằng công nghệ sẽ tìm ra cách sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên cũng như giảm lãng phí năng lượng, từ đó đảo ngược các xu hướng gây thảm họa sinh thái.

Ngày nay một khái niệm được gọi là “sự bền vững kỹ thuật số” (digital sustainability) đang được nhiều người quan tâm. Khái niệm này mô tả cách phát triển và sử dụng công nghệ kỹ thuật số một cách phù hợp để không chỉ tránh gây tác hại đến môi trường thiên nhiên, mà còn cải thiện tình trạng hệ sinh thái đang bị hủy hoại hiện nay. “Sự bền vững kỹ thuật số” nhắm vào việc cung cấp cho con người những nhu cầu về mặt công nghệ, nhưng không để cho Trái đất phải trả giá. Bài toàn khó cho các chuyên gia là tìm ra sự cân bằng giữa việc sử dụng các tài nguyên để phục vụ cho một thế giới được vận hành bằng công nghệ, đồng thời sử dụng những hiểu biết từ chính “cơ cấu kiến thức” (knowledge structure) của công nghệ trong thế kỷ XXI để kiểm soát mức độ sử dụng tài nguyên và bảo đảm sự bền vững cho xã hội loài người.[24]

Chúng ta không rõ công nghệ có thể giúp được bao nhiêu trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng sinh thái, đặc biệt là khi cuộc sống của con người ngày càng xa rời tự nhiên, và mối tương quan của chúng ta với thiên nhiên thường là qua trung gian công nghệ. Internet có đầy các nội dung liên quan đến thiên nhiên như các máy livestream cảnh thiên nhiên, vô số hình ảnh, phim tài liệu và clip ngẫu nhiên về các khung cảnh và hiện tượng thiên nhiên ngoạn mục, gây ấn tượng lớn cho người xem. So với nội dung này thì trên internet có rất ít báo cáo mạch lạc về tình trạng thực sự của cuộc khủng hoảng, mà có đi chăng nữa thì cũng không mấy thu hút sự chú ý của người truy cập mạng. Trên thực tế, đời sống thường nhật của chúng ta ngày càng ít tiếp xúc với thiên nhiên. Không lạ gì khi đề cập đến “môi trường” (environment) ngày nay, người ta phải dùng thêm từ bổ túc “thiên nhiên” để phân biệt môi trường thiên nhiên với các loại môi trường khác mà chúng ta quen thuộc, như môi trường làm việc, môi trường internet, môi trường kỹ thuật số. Nhà văn người Anh và nhà hoạt động môi trường George Monbiot gọi hiện tượng này là "sự xa rời khỏi hệ sinh thái" (estrangement from the ecosystem), trong đó chúng ta "mất dần sự gắn bó thân mật" với thiên nhiên là nguồn nuôi dưỡng sự sống cho chúng ta.[25]

Trong quá khứ, trẻ em trên khắp thế giới giải trí bằng cách vui chơi trên cánh đồng và dòng suối, thi cưỡi ngựa làm từ cành cây. Ở Thái Lan, tôi tiếp xúc với nhiều lao động di dân Việt Nam. Họ cho hay thời còn nhỏ mỗi lần đi chăn trâu với bạn bè, họ thường cùng nhau tắm sông, đá bóng trên các đồng lúa đã gặt. Những người ở gần biển thì ra biển đá bóng trên bãi cát. Bây giờ, trẻ em dường như chỉ biết giải phóng adrenaline, tìm sự phấn khích bằng cách đua xe trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh. Trước đây, con người sắp xếp lịch làm việc và ngủ nghỉ về cơ bản theo chu kỳ tự nhiên trong ngày. Tuy nhiên, với công nghệ kỹ thuật số tạo ra những thứ gây xao nhãng như các chương trình giải trí theo yêu cầu, trò chơi điện tử trực tuyến và mạng xã hội cho phép kết nối liên tục với nhiều người thuộc các múi giờ khác nhau, nhịp điệu cơ thể tự nhiên cho công việc và nghỉ ngơi đã tiến hóa qua hàng triệu năm dường như thay đổi đáng kể.[26]

Một lối sống quy công nghệ quá mức đặt ra một thách đố mục vụ trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện con người. Sự phát triển này cần thiết để chúng ta sống mối tương quan tam diện với Thiên Chúa, với đồng loại và với thụ tạo một cách lành mạnh và bổ ích. Việc chúng ta quá bận tâm đến không gian kỹ thuật số dẫn đến việc thờ ơ với hệ sinh thái tự nhiên và thụ tạo mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “Ngôi nhà chung” của chúng ta. Nếu không có sự cân bằng trong các mối tương quan này, sự tàn phá sinh thái sẽ tiếp tục diễn ra, gây tổn hại không chỉ cho mọi loài thụ tạo mà còn cho toàn thể nhân loại.


***


Trong chương này, chúng ta chỉ liệt kê một số vấn đề nổi cộm liên quan đến sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số trên các khía cạnh của xã hội loài người. Từ những gì đã trình bày một cách vắn tắt cũng đủ cho thấy bối cảnh xã hội mới gây nên nhiều vấn nạn cho con người và nhiều vấn đề mục vụ mới cho Giáo hội. Việc sử dụng internet gia tăng một cách đáng kể bởi toàn thế giới trong mọi lĩnh vực trong thời gian đại dịch Covid-19 cũng làm thêm nổi bật cả tiềm năng lẫn nguy hại mà CNTT-TT có thể đưa đến cho Giáo hội và xã hội. Việc suy tư và phân định về bối cảnh kỹ thuật số hiện đại này chính là điều mà các chuyên gia về xã hội học cũng như các nhà thần học, các vị lãnh đạo và người làm mục vụ trong Giáo hội phải thực hiện một cách khẩn cấp nhằm ứng phó kịp thời với những thách đố mà bối cảnh mới này đặt ra. Để thực hiện việc phân định nhằm vạch ra những đường hướng ứng phó với thực trạng, chúng ta cần đào sâu về thần học Giáo hội liên quan đến mục vụ truyền thông, cũng như cách nhìn của Giáo hội về vai trò của công nghệ trong đời sống con người. Đây là đề tài của chương tiếp theo trong tập sách này.    


---------------

[1] Sareh Aghaei, Mohammad Ali Nematbakhsh and Hadi Khosravi Farsani, “Evolution of the World Wide Web: From Web 1.0 to Web 4.0,” International Journal of Web & Semantic Technology 3, no. 1 (2012): 1– 10.

[2] Ngày nay từ “internet” khi dùng để nói về công nghệ truyền thông, tương đương với radio, truyền hình, điện thoại, v.v. không còn phải viết hoa, nhưng được xem là một danh từ chung. X. “Capitalization of Internet,” https://en.wikipedia.org/wiki/Capitalization_of_Internet.

[3] “What is Web 4.0?” IGI Global, https://www.igi-global.com/dictionary/overview-differentiation-evolutionary-steps-web/35103

[4] “Digital 2021 Global Overview Report,” DataReportal (27/01/2021), https://www.slideshare.net/DataReportal/digital-2021-global-overview-report-january-2021-v01

[5] “The terrible problem afflicting millennials,” Aleteia (22/10/2019), https://aleteia.org/2019/10/22/the-terrible-problem-afflicting-millennials/?print=1

[6] “Japanese man marries hologram of virtual idol Hatsume Miko,” South China Morning Post (03/12/2019), https://www.scmp.com/yp/discover/lifestyle/features/article/3069257/japanese-man-marries-hologram-virtual-idol-hatsune.

[7] Mike Z. Yao and Zhong Zhi-jin, "Loneliness, social contacts and Internet addiction: A cross-lagged panel study," Computers in Human Behavior 30 (2014): 164-170.

[8] Katherine Ormerod, Why Social Media is Ruining Your Life (UK: Hachette, 2018).

[9] Vấn đề này sẽ được bàn luận chi tiết hơn trong những chương kế tiếp.

[10] “Digital Divide,” Wikipedia, https://en.wikipedia.org/wiki/Digital_divide

[11] “Reading: Media Globalization,” Lumen, https://courses.lumenlearning.com/atd-bhcc-introsoc/chapter/reading-global-implications-of-media-and-technology/.

[12] Cees J. Hamelink, The Ethics of Cyberspace (UK: SAGE Publications, 2000).

[13] https://vi.kingdomsalvation.org/eastern-lightning-come-from.html

[14] A. Navas, C. Sabino, C. Ricaurte, and I. Márquez, Social Media, Citizenship and Politics: Keys to the New Public Sphere (Guatemala, Guatemala: Grafía ETC., 2017), 10. 

[15] “Information overload” Wikipedia, https://en.wikipedia.org/wiki/Information_overload.

[16] Kai Shu, Amy Sliva, Suhang Wang, Jiliang Tang and Huan Liu, "Fake news detection on social media: A data mining perspective," ACM SIGKDD Explorations Newsletter 19, no. 1 (2017): 22-36.

[17] Frederick Ahl, Aeneid (UK: Oxford University Press, 2007).

[18] “UN tackles ‘infodemic’ of misinformation and cybercrime in COVID-19 crisis,” United Nations, https://www.un.org/en/un-coronavirus-communications-team/un-tackling-%E2%80%98infodemic%E2%80%99-misinformation-and-cybercrime-COVID-19

[19] Đề tài “hậu sự thật” sẽ được bàn luận cách chi tiết trong chương 5.

[20] “5 shocking facts about extreme global inequality and how to even it up,” Oxfam, https://www.oxfam.org/en/5-shocking-facts-about-extreme-global-inequality-and-how-even-it

[21] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, số 14.

[22] Ibid.

[23] “Porn takes up 30% of total Internet bandwith,” Digit (7/5/2013), https://www.digit.in/news/internet/porn-takes-up-30-of-total-internet-bandwidth-infographic-14540.html

[24] Cybercom Group, “Digital Sustainability: Global sustainability as a driver of innovation and growth,” https://static1.squarespace.com/static/59dc930532601e9d148e3c25/t/5a2c97b5e4966be66fae2716/1512871882345/Cybercom-Digital-Sustianability-full+report.pdf

[25] George Monbiot, “The hunters and the hunted,” The Guardian (3/3/1995), http://www.monbiot.com/archives/1999/03/03/thehunters-and-the-hunted.

[26] Anthony Le Duc, Religion and Society in the Digital Age (Moldova: Eliva Press, 2020), 37.

church-kts-1706226649.jpeg

Chương 1: Bối cảnh xã hội và mục vụ

Chương 2: Thần học và mục vụ truyền thông

Chương 3: Ứng phó mục vụ

Chương 4: Hướng đến thần học mạng

Chương 5: Đối thoại liên tôn

Chương 6: Giao thoa văn hóa

Chương 7: Xây dựng tình hiệp thông qua trung gian mạng

Chương 8: Lãnh đạo tôn giáo với truyền thông mạng xã hội

Chương 9: Mục vụ và CNTT-TT trong và sau thời đại dịch

Chương 10: Mạng xã hội với mục vụ di dân

Chương 11: Tôn giáo với tương lai kỹ thuật số

Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ