Ứng phó mục vụ của Giáo Hội trong kỷ nguyên Kỹ Thuật Số
SỨ VỤ CỦA GIÁO HỘI Trong Kỷ Nguyên Kỹ Thuật Số
Mission of the Church in the Digital Age
LM Anthony Lê Đức, SVD
ỨNG PHÓ MỤC VỤ
1. Sự lãnh đạo Kỹ Thuật Số
2. Kiến thức và sự khôn ngoan
3. Các chương trình mục vụ tiếp cận cộng đồng
4. Xây dựng một nền nhân bản kỹ thuật số
Tháng 11 năm 2020, trong khi đại dịch Covid-19 đang tiếp tục hoành hành trên khắp thế giới, Thánh Bộ Truyền thông của Tòa Thánh Vatican đã khởi động dự án mang tên “Truyền thông đức tin trong thế giới kỹ thuật số” (Faith Communication in the Digital World). Mục đích của dự án là để huấn luyện một số nhà truyền thông Công giáo trẻ trở nên những người làm truyền thông hiệu quả trong thời đại mới qua các chương trình học hỏi trực tuyến cũng như ngoại tuyến. Trong tài liệu “tuyển sinh” của Bộ Truyền thông trình bày về mục đích như sau:
Giáo hội Công giáo đang sống trong kỷ nguyên kỹ thuật số và nhận thấy sự cần thiết thăng tiến việc truyền thông của Giáo hội và cung cấp sự giáo dục thiêng liêng qua các nền tảng trực tuyến, đặc biệt truyền thông mạng xã hội và các ứng dụng di động. Cuộc khủng hoảng Covid-19 gần đây đã gia tăng cảm nhận về sự cấp bách đối phó với câu hỏi về cách nào Giáo hội có thể và nên hiện diện trực tuyến để đáp ứng các nhu cầu tâm linh của người dân một cách thỏa đáng. Giáo hội nhận thấy cần phải học hỏi các phương cách truyền thông hiệu quả, bảo đảm lối hiện diện trên mạng xã hội phản ánh “phong cách” của Tin Mừng.[1]
Mặc dù trong tài liệu tuyển sinh cho hay sẽ có 10 người trẻ được chọn tham gia chương trình, nhưng cuối cùng 16 người đã được chọn cho dự án kéo dài một năm. Những người được chọn đa số trong lứa tuổi từ 25-35, đến từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Campuchia, v.v. Hầu hết đang hoạt động trong lĩnh vực truyền thông cho các giáo phận hoặc các tổ chức Công giáo ở quốc gia họ đang sinh sống. Trong quá trình huấn luyện, các học viên đã có cơ hội gặp gỡ nhau trực tiếp tại Vatican vào tháng 6 năm 2021 để tiếp tục học hỏi cũng như bàn thảo về dự án truyền thông mà họ sẽ thực hiện để tổng kết chương trình huấn luyện đặc biệt này.
Khi Bộ Truyền thông khởi động dự án này, tôi đã được mời vào ban cố vấn của dự án để gặp gỡ, chia sẻ và góp ý cho những hoạt động của các tham dự viên. Ban cố vấn bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông đến từ các quốc gia khác nhau như Đức và Ý. Do được mời tham gia trong ban cố vấn nên tôi có cơ hội để theo dõi tiến trình huấn luyện cũng như các hoạt động của các học viên qua các buổi họp được tổ chức trên hệ thống Zoom, cũng như qua các bản tin mà Bộ Truyền thông gửi đến tôi bằng email. Sau một năm khởi động dự án và nhận thấy có kết quả tốt, tháng 10 năm 2021, Bộ Truyền thông của Tòa Thánh cũng đã thông báo tuyển sinh cho khóa 2 diễn ra vào năm 2022. Trong năm này, dự án sẽ đặc biệt chú tâm đến tiến trình hiệp hành đang diễn ra trong Giáo hội trên toàn thế giới và quan tâm đến tiếng nói của những thành phần dễ bị lãng quên trong xã hội và Giáo hội.
Dự án “Truyền thông đức tin trong thế giới kỹ thuật số” của Bộ Truyền thông để tận dụng sự năng động, kiến thức và sự sáng tạo của các nhà truyền thông Công giáo trẻ trên thế giới là một nỗ lực vô cùng thiết thực và phù hợp cho bối cảnh xã hội ngày nay. Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận thấy sự cần thiết phải đối thoại với người trẻ và đưa tiếng nói của người trẻ vào chương trình hoạt động của Giáo hội trong kỷ nguyên mới. Tháng 3 năm 2018, để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng về giới trẻ vào tháng 10 năm 2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ với 300 người trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới tại Vatican. Trong cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha kêu gọi giới trẻ giúp Giáo hội loại bỏ thứ não trạng độc hại, như được phản ánh qua câu nói: “Chúng ta luôn làm như thế”.[2] Đức Thánh Cha nhận xét, một Giáo hội thấm nhuần tư tưởng này sẽ mau trở nên già nua. Lời phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô với giới trẻ tại Tòa Thánh Vatican trùng khớp với lời khuyến dụ của ngài trong Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng):
Sứ mệnh mục vụ hướng đến việc truyền giáo tìm cách bỏ đi thái độ tự mãn cho rằng: ‘Chúng ta luôn làm như thế’. Tôi mời tất cả mọi người hãy mạnh dạn và sáng tạo trong nhiệm vụ suy nghĩ lại về các mục tiêu, cấu trúc, phong cách và phương pháp loan báo Tin Mừng trong các cộng đồng.[3]
Trước những thách đố mục vụ trong kỷ nguyên kỹ thuật số được đề cập trong chương 1, chúng ta thấy rằng lời cảnh báo và khuyến dụ của Đức Thánh Cha rất phù hợp với thực trạng mục vụ ngày nay. Vì công nghệ thông tin – truyền thông đang phổ biến trong môi trường xã hội mới và sẽ tiếp tục thâm nhập vào mọi khía cạnh của đời sống con người, bao gồm cả đời sống tôn giáo, Giáo hội cần sử dụng các nguồn lực cần thiết để giải quyết các vấn đề mục vụ đang xảy ra trong bối cảnh mới này.
Các đáp ứng mục vụ không những giải quyết các nhu cầu mục vụ thực tế của các tín hữu mà còn đóng vai trò quan trọng nhằm giúp giáo dân hiểu biết sâu sắc hơn về bản chất của CNTT-TT. Kiến thức này sẽ giúp các tín hữu sử dụng công nghệ số một cách thích hợp để đạt được sự thăng tiến về mặt cá nhân cũng như xã hội. Về vấn đề này, lời khuyến dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô là lời hướng dẫn mà các vị lãnh đạo Giáo hội ở các cấp cũng như những người làm mục vụ cần lưu tâm khi vạch ra đường lối mục vụ của họ.
Lời kêu gọi phải nhạy bén trước những biến chuyển nhanh chóng trong thế giới không chỉ đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, mà chính vị Giáo Hoàng tiền nhiệm cũng đã nhiều lần nhắc nhở về điều này. Đức Bênêđictô XVI trong bài giảng Thánh lễ kết thúc Thượng hội đồng Giám mục năm 2012 cũng đã kêu gọi các vị lãnh đạo Giáo hội địa phương triển khai những đường lối mục vụ sáng tạo nhằm đáp ứng những nhu cầu đa dạng trong thời đại mới:
Bên cạnh những phương pháp mục vụ truyền thống và có giá trị lâu đời, Giáo hội tìm cách áp dụng những phương pháp mới, phát triển ngôn ngữ mới phù hợp với các nền văn hóa thế giới khác nhau, đề xuất chân lý của Chúa Kitô với thái độ đối thoại và tình bạn bắt nguồn từ Thiên Chúa là Tình yêu. Tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới, Giáo hội đã bắt đầu đi theo con đường sáng tạo mục vụ này, để đưa về những người đã xa lạc hoặc đang tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống, hạnh phúc và trên hết là Thiên Chúa.[4]
Do đó, dựa trên quan điểm của Giáo hội về truyền thông và những thách đố mục vụ mà Giáo hội phải đối diện trong kỷ nguyên kỹ thuật số, chúng tôi muốn trình bày một số khuyến nghị để đáp ứng cho bối cảnh mục vụ hiện nay. Những khuyến nghị này không nêu lên hết mọi khía cạnh, mà chỉ phản ánh một số ưu tiên trong kế hoạch mục vụ tổng quát.
Sự lãnh đạo kỹ thuật số
Bối cảnh mục vụ mới đòi hỏi các vị mục tử phải có khả năng lãnh đạo trong việc sử dụng CNTT-TT để phục vụ sứ mạng của Giáo hội, đồng thời làm gương cho các tín hữu cách sử dụng công nghệ một cách đúng đắn, có ý thức. Khi có kiến thức và kỹ năng sử dụng CNTT-TT trong mục vụ của mình, các mục tử có thể thực hiện công tác mục vụ ở cả thế giới vật lý lẫn “lục địa kỹ thuật số”. Các ngài sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận các tín hữu, vượt qua những giới hạn về thời gian, không gian và hoàn cảnh. Đại dịch Covid-19 đã chứng minh rằng bất chấp sự phong tỏa và cách ly, các vị lãnh đạo Giáo hội vẫn có thể hiện diện với các tín hữu thông qua phương tiện CNTT-TT để duy trì đời sống của Giáo hội vốn đang bị hạn chế nghiêm trọng.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong triều đại giáo hoàng của ngài đã thể hiện gương mẫu trong sự lãnh đạo kỹ thuật số, tạo nguồn cảm hứng cho các vị mục tử trong Giáo hội ở các địa phương. Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu chia sẻ trên nền tảng Twitter. Hiện tại, kênh Twitter bằng tiếng Anh của Đức Thánh Cha cho biết ngài đã tweet hơn 3.000 lần và đã thu hút được gần 19 triệu người theo dõi. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ tweet bằng tiếng Anh, mà còn bằng các thứ tiếng khác, tổng cộng chín ngôn ngữ khác nhau. Tính chung lại Đức Phanxicô có hàng chục triệu người theo dõi trên Twitter khắp thế giới.
Ngoài Twitter, ngài cũng hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook và Instagram. Khi tài khoản Instagram của Đức Thánh Cha được ra mắt vào năm 2016, nó đã thu hút được một triệu người theo dõi chỉ trong vòng 12 tiếng đầu tiên kể từ khi kích hoạt. Vào năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tung ra ứng dụng của riêng mình “Click to pray” (Nhấp để cầu nguyện) để giúp các tín hữu có thể “đồng hành cùng Đức Giáo Hoàng trong sứ vụ của lòng thương xót cho thế giới”.[5] “Click to pray” là một phần của Mạng lưới cầu nguyện trên toàn thế giới của Đức Thánh Cha Phanxicô. Thông qua ứng dụng này, người dùng sẽ biết Đức Thánh Cha đang cầu nguyện điều gì trong từng ngày và có thể cùng với ngài cầu nguyện theo ý chỉ đó. Ứng dụng cầu nguyện này là một trong nhiều ví dụ về cách Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang cố gắng khai thác sức mạnh của công nghệ nhằm tạo ra một cộng đồng cầu nguyện và mở rộng sứ mạng Phúc Âm hóa của Giáo hội.
Mặc dù thực tế mạng xã hội là một công cụ quan trọng đối với Đức Giáo Hoàng và nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo khác trên thế giới, nhưng tiềm năng thực sự của nó không phải lúc nào cũng được các vị lãnh đạo tận dụng. Nhiều mục tử không sử dụng nhiều công nghệ số vì thiếu kiến thức và khả năng để vận hành các ứng dụng khác nhau. Có người tránh xa mạng xã hội vì sợ rằng nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cá nhân và quyền riêng tư. Một số người chỉ sử dụng nền tảng mạng xã hội mình yêu thích hay quen thuộc, mà từ chối tiếp cận những nền tảng mới có tiềm năng hiệu quả và sâu rộng hơn cái đã quen dùng. Trong đại dịch Covid-19, khi các mục tử buộc phải giao tiếp trực tuyến với đàn chiên, lúc đầu nhiều người cảm thấy áp lực vì phải đối mặt với một cái máy quay phim vô cảm để giao tiếp với một khán giả vô hình. Vì vậy, để các mục tử có thể tận dụng không gian mạng nhằm thi hành tốt sứ vụ, xin đề xuất một số khuyến nghị sau:
Tìm hiểu về thần học truyền thông. Thực tế cho thấy không phải mọi mục tử đang sử dụng CNTT-TT trong công việc đều có hiểu biết cơ bản về thần học truyền thông. Trong nhiều giáo xứ, dòng tu và giáo phận, các cá nhân phụ trách công việc truyền thông có khuynh hướng tập trung vào khía cạnh công nghệ với các thiết bị khác nhau hơn là dành thời gian để nghiên cứu và suy tư về các nguyên lý thần học thúc đẩy việc truyền thông. Để thực sự đạt hiệu quả, các nhà lãnh đạo mục vụ kỹ thuật số không phải chỉ có khả năng sử dụng công nghệ mà còn phải có đầy đủ hiểu biết thần học để thực hiện tốt công việc truyền thông của mình.
Hiểu biết quan điểm của Giáo hội về công nghệ và CNTT-TT. Tòa Thánh Vatican đã xuất bản nhiều tài liệu về truyền thông xã hội và mục vụ có nêu lên quan điểm của Giáo hội về công nghệ và các phương tiện truyền thông. Kể từ thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các tài liệu liên quan cụ thể đến internet cũng đã được ban hành để trình bày cái nhìn và hướng dẫn của Giáo hội về phương tiện truyền thông mới này. Hai vị giáo hoàng kế tiếp cũng đề cập nhiều về những lợi thế cũng như cạm bẫy của truyền thông mạng xã hội, đặc biệt trong các sứ điệp cho Ngày Truyền thông Thế giới. Do đó, sẽ rất hữu ích cho các nhà lãnh đạo mục vụ khi nghiên cứu các tài liệu này để nắm chắc cách Giáo hội nhìn nhận CNTT-TT. Việc nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu của Giáo hội sẽ giúp các mục tử định hướng công việc truyền thông phù hợp hơn với đường hướng chung của Giáo hội.
Phân biệt giữa truyền thông mục vụ và truyền thông loan báo Tin Mừng trong công việc truyền thông trực tuyến. Trong các môi trường truyền thống với các cuộc họp mặt trực tiếp chẳng hạn như tại nhà thờ, hội trường giáo xứ hay các diễn đàn công cộng khác, người ta thường có thể xác định đối tượng khán giả và chọn hình thức truyền thông thích hợp cho mỗi dịp. Tuy nhiên, trong không gian mạng thì không có ranh giới rõ ràng. Những người không Công giáo có thể dễ dàng truy cập các trang web và các chương trình nhắm vào các tín hữu, trong khi người Công giáo cũng có thể truy cập vào những nội dung dành cho việc loan báo Tin Mừng. Trên thực tế, hai việc truyền thông này sử dụng các “ngôn ngữ” và cách thức giao tiếp khác nhau; khi thông tin đến với một khán giả không thuộc đối tượng được nhắm vào có thể nảy sinh hiểu lầm và nhận thức tiêu cực. Ví dụ, khi một người ngoài Công giáo truy cập một số bài giảng và bài viết trên các trang web của giáo xứ hoặc giáo phận với nội dung chủ yếu dành cho các tín hữu, họ có thể hiểu những gì họ nghe hoặc đọc một cách tiêu cực do thiếu hiểu biết về ngữ cảnh. Thực tế là khi truyền thông, chúng ta không thể luôn làm cho nhiều loại khán giả đón nhận nội dung theo cùng một cách thức. Đây cũng là một vấn đề nan giải mà các nhà lãnh đạo mục vụ truyền thông trực tuyến cần lưu ý và tìm cách giải quyết.
Đăng tải nội dung thích hợp. Ngày nay ai cũng biết rằng nội dung là cực kỳ quan trọng đối với môi trường internet. Nếu không có nội dung thú vị và có ý nghĩa, chúng ta rất khó thu hút sự chú ý đến trang mạng của mình hoặc tích lũy lượng theo dõi đáng kể. Tuy nhiên, nội dung thu hút được sự chú ý của nhiều người hoặc có khả năng lan truyền không hẳn thích hợp cho truyền thông mục vụ và loan báo Tin Mừng. Đối với các vị lãnh đạo Giáo hội, có nội dung thích hợp là điều thiết yếu cho sứ vụ. Nội dung phải tuân thủ không chỉ các tiêu chuẩn tôn giáo và đạo đức, những gì được đăng tải còn phải thể hiện sự phù hợp với các chuẩn mực văn hóa và xã hội. Các nhà lãnh đạo tôn giáo không thể tùy tiện đăng bất kỳ bức ảnh nào mà họ muốn, nhất là khi nó có thể gây ra sự hiểu lầm về lối sống và các tương quan của họ. Do đó, thận trọng là đức tính cần có đối với nhà lãnh đạo mục vụ kỹ thuật số trong việc quyết định đăng tải bất kỳ nội dung nào cách công khai. Một bức ảnh có thể nói lên hàng nghìn chữ, nhưng những chữ đó thường phụ thuộc vào người xem bức ảnh và gợi ra những từ ngữ đó trong tâm trí của họ. Mỗi bức ảnh hoặc thông điệp xuất hiện trên trang web hoặc tài khoản mạng xã hội của một nhà lãnh đạo tôn giáo phải có chủ đích hướng đến một nội dung cụ thể. Việc tải lên các thông điệp và hình ảnh không phù hợp có thể gây ấn tượng tiêu cực về cá nhân người lãnh đạo mục vụ, và điều này cũng phản ánh xấu về Giáo hội. Có rất nhiều ví dụ về các nhà lãnh đạo tôn giáo - cả Công giáo và không Công giáo - đã đăng nội dung không thích hợp rồi xóa đi ngay sau đó; tuy nhiên, hậu quả nhanh chóng xảy ra cho họ bất chấp nỗ lực sửa chữa. Trên thực tế, thông tin đăng tải có thể đến với hàng triệu người chỉ trong vài phút.
Phối hợp các hoạt động mục vụ trực tuyến và ngoại tuyến thành một kế hoạch truyền thông mục vụ thống nhất, trong đó các hoạt động này hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Điều này là cần thiết vì không còn dễ dàng phân chia giữa không gian kỹ thuật số với vật lý. Không chỉ bởi vì những gì xảy ra trong môi trường này được tiếp tục trong môi trường khác, nhưng cả vì đôi khi những gì xảy ra trong lĩnh vực vật lý là kết quả trực tiếp của những gì đã diễn ra trên mạng. Chúng ta có thể thấy rằng, không thể giới hạn các hoạt động mục vụ trong không gian vật lý như thể môi trường trực tuyến của cuộc sống hiện đại không tồn tại. Mặt khác, môi trường trực tuyến cũng chỉ có thể đáp ứng nhu cầu mục vụ ở một mức độ nào đó. Vì vậy, các nhà lãnh đạo mục vụ phải học cách điều tiết và xác định nên dành bao nhiêu thời gian và năng lượng cho các hoạt động trực tuyến và ngoại tuyến. Quan trọng hơn, họ phải có khả năng gắn kết chúng với nhau như là các khía cạnh của cùng một kế hoạch truyền thông mục vụ thống nhất.
Kiến thức và sự khôn ngoan
Bất kể là người “bản địa kỹ thuật số” hay người “nhập cư kỹ thuật số”, chúng ta phải có kiến thức kỹ thuật số nếu chúng ta muốn thấu hiểu những lợi ích và nguy hiểm tiềm ẩn của internet, đồng thời có thể sử dụng internet như một công cụ và một nơi gặp gỡ hiệu quả. Bởi vì internet đan xen vào cấu trúc của cuộc sống hiện đại, không ai có thể tránh khỏi những tác động của nó, dù trực tiếp hay gián tiếp. Tuy nhiên, sự hiểu biết phải đi kèm với sự khôn ngoan, đòi hỏi khả năng sử dụng CNTT-TT để phục vụ cho việc thăng tiến bản thân và thúc đẩy công ích. Vì thế, người dùng công nghệ phải tránh những hành động có tác động tiêu cực trên cá nhân và cộng đồng. Do đó, Giáo hội cần thúc đẩy việc xây dựng các chương trình mục vụ và huấn luyện nhằm phát triển kiến thức và sự khôn ngoan trong lĩnh vực kỹ thuật số nơi mọi thành phần của Hội Thánh. Phần này nhấn mạnh đến các mục tử, những người làm mục vụ, những người trong vai trò giáo dục người trẻ, và giới trẻ; dĩ nhiên, đây không phải là những đối tượng duy nhất cần được đào tạo và huấn luyện trong lĩnh vực kỹ thuật số.
1. Các nhà lãnh đạo mục vụ
Các nhà lãnh đạo mục vụ cần đạt được kiến thức và sự khôn ngoan kỹ thuật số để hòa nhịp với các sự kiện đang diễn ra trên thế giới. Ngày nay, những điều xảy ra trên mạng xã hội thường trở thành nguồn tin tức trên các phương tiện truyền thông chính thống. Có nhiều trường hợp các video clip và các hoạt động phát trực tiếp lan truyền trên mạng xã hội, sau đó được các hãng tin chính thống tường thuật. Vì vậy, nếu các nhà lãnh đạo mục vụ hòa nhập được với cuộc sống của mọi người, họ không thể xa lánh các kênh thông tin của CNTT-TT. Chỉ khi các nhà lãnh đạo mục vụ nắm bắt được những điều đang diễn ra trên thế giới, họ mới có thể giải quyết vấn đề đó trong các chương trình mục vụ hoặc đề cập đến trong các bài giảng trong Thánh lễ. Nếu như trước đây, hai thứ mà một cha xứ cần phải có khi chuẩn bị bài giảng Chúa nhật là Kinh Thánh và một tờ nhật báo, thì trong thời đại hiện nay, tờ báo có thể được thay thế bằng chiếc điện thoại thông minh. Trong thời đại hội tụ công nghệ (technological conversion), có thể nói, linh mục chỉ cần có một máy tính bảng có kết nối internet để có thể truy cập cả Kinh Thánh cũng như các thời sự trong cùng một thiết bị. Như Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã nhấn mạnh trong sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 44, tập trung vào linh mục và mục vụ trong lĩnh vực kỹ thuật số:
Sử dụng các công nghệ truyền thông mới, các linh mục có thể giới thiệu với mọi người về đời sống của Giáo hội và giúp những người đương thời khám phá khuôn mặt của Chúa Kitô. Các mục tử sẽ đạt được mục đích này cách tốt nhất nếu ngay từ trong thời gian huấn luyện, họ học cách sử dụng những công nghệ này một cách hiệu quả và thích hợp, hình thành từ những hiểu biết thần học đúng đắn và phản ánh một linh đạo mục tử mạnh mẽ có nền tảng là việc đối thoại liên tục với Chúa.[6]
Đối với các nhà lãnh đạo mục vụ, sự hiểu biết và sự khôn ngoan kỹ thuật số đòi hỏi những điều sau đây:
Khả năng sử dụng CNTT-TT, các ứng dụng và nền tảng mạng xã hội cách khôn ngoan. Mỗi ứng dụng và nền tảng được tạo ra với mục đích sử dụng cụ thể, vì thế các nhà lãnh đạo mục vụ nên quen thuộc với một số ứng dụng và nền tảng phổ biến nhất để giúp thực hiện sứ vụ. Mỗi nền tảng/ứng dụng không chỉ có các chức năng khác nhau, nhưng một nền tảng có thể phổ biến ở một nơi này mà không phổ biến ở nơi khác. Ví dụ, trong khi WhatsApp được sử dụng rộng rãi ở Ấn Độ và Singapore, LINE có các chức năng tương tự như WhatsApp lại phổ biến hơn ở Thái Lan và Nhật Bản. Zalo lại được ưa chuộng tại Việt Nam, nhưng không được biết tới ở nước ngoài. Ngoài ra, mỗi nền tảng cũng nhắm đến các đối tượng khác nhau; một số phổ biến hơn ở thanh thiếu niên trong khi nền tảng khác lại thu hút người lớn nhiều hơn. Do đó, các nhà lãnh đạo mục vụ phải học cách sử dụng các ứng dụng/nền tảng CNTT-TT khác nhau để tiếp cận đối tượng mong muốn.
Khả năng sử dụng CNTT-TT một cách có đạo đức và phù hợp. Trong Giáo hội cũng như trong mọi bối cảnh xã hội, có những tiêu chuẩn pháp lý, đạo đức và văn hóa mà người sử dụng phải ý thức và tuân theo. Các nhà lãnh đạo mục vụ tham gia truyền thông trực tuyến dù công khai hay “ẩn danh” đều phải thể hiện kỷ luật và sự thận trọng trong việc đăng các nội dung cho phù hợp với các tiêu chuẩn của Giáo hội và xã hội. Trong thời đại kỹ thuật số, một bài đăng có thể lan truyền trong thời gian rất ngắn. Ngay cả khi một bài đăng thiếu khôn ngoan được người đăng xóa đi nhanh chóng, thì rất có thể ai đó đã nhìn thấy và chụp ảnh màn hình để làm bằng chứng. Vì vậy, một sai sót nhỏ trong phán đoán có thể dẫn đến hậu quả to lớn không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả Giáo hội.
Hiểu biết về những lợi ích và cạm bẫy của CNTT-TT. Các nhà lãnh đạo mục vụ cũng là con người và cũng dễ bị rơi vào tình trạng tán gẫu vô bổ, nghiện ngập, lạm dụng và tự đề cao mình như bất kỳ ai khác. Họ không miễn nhiễm trước những cạm bẫy của CNTT-TT. Tham gia vào các cuộc tranh cãi trực tuyến không chỉ lãng phí thời gian và năng lượng quý báu dành cho sứ vụ, mà còn có thể làm hao mòn tinh thần và thể chất.
Biết thận trọng trong các hoạt động trực tuyến để bảo vệ quyền riêng tư của mình. Trên thực tế, nhiều nhà lãnh đạo mục vụ hoạt động tích cực trên mạng xã hội thường nhận được những tin nhắn từ những người xin lời khuyên về mọi vấn đề bao gồm cả công việc, gia đình, tình yêu, v.v. Biết cách giải quyết những yêu cầu tư vấn này cách thích hợp là điều cần thiết cho lợi ích của vị mục tử cũng như cho những cá nhân đang tìm kiếm sự trợ giúp.
Tránh xa việc tung tin giả và thông tin sai sự thật. Những người lãnh đạo mục vụ là những người được tôn trọng trong cộng đồng và được các tín hữu hết sức tin tưởng. Do đó, nội dung được các nhà lãnh đạo mục vụ chia sẻ thường được nhiều người theo dõi đón nhận và chia sẻ tiếp. Khi các nhà lãnh đạo mục vụ tham gia truyền bá tin tức giả, thông tin sai lệch, hoặc thông tin độc hại, họ gây thiệt hại lớn cho sự ổn định của Giáo hội và xã hội. Họ cũng làm cho bản thân và Giáo hội mất uy tín trong ánh mắt của người khác.
Hướng dẫn cho đàn chiên biết cách sử dụng nội dung tôn giáo trên mạng một cách bổ ích. Việc các tín hữu hiểu biết về bản chất, những ưu điểm và nhược điểm của các phụng vụ trực tuyến và các nội dung tôn giáo khác trên mạng là điều quan trọng đối với việc hình thành và duy trì đời sống đức tin. Các mục tử phải có khả năng giúp đàn chiên thấu hiểu sự khác biệt giữa những phụng vụ trực tuyến và trực tiếp về mặt thần học và tâm linh. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo mục vụ phải biết hướng dẫn giáo dân cách “tham dự” các buổi phụng vụ trực tuyến cách đúng đắn và bổ ích. Quan trọng hơn nữa, các nhà lãnh đạo mục vụ cần biết truyền cho các tín hữu niềm ước ao không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn bằng những nội dung tôn giáo trên mạng, mà còn khao khát được nuôi dưỡng thiêng liêng qua các hành động thờ phượng cộng đồng mà chỉ có được khi các chi thể trong Thân thể Đức Kitô quy tụ lại với nhau cách trực tiếp.
2. Người lớn và người cao niên
Mặc dù là những người “nhập cư kỹ thuật số”, nhưng nhiều người lớn vẫn thành thạo về CNTT-TT. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận lớn những người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi sống ở các nước đang phát triển có ít kiến thức kỹ thuật số, ngăn trở họ truy cập vào những nội dung có giá trị trên mạng mà họ quan tâm. Ngoài ra, việc hiểu biết hạn chế về các kiến thức kỹ thuật số khiến họ không thể thực hiện hiệu quả vai trò chăm sóc, giáo dục trong gia đình. Vì ông bà và nhiều bậc cha mẹ thiếu hiểu biết về kỹ thuật số, nên thường xảy ra trường hợp trẻ em “dạy” người lớn cách sử dụng internet và các ứng dụng khác. Sự đảo ngược vai trò này rất đáng lo ngại vì người lớn sẽ bị hạn chế trong khả năng kiểm soát người trẻ trong việc sử dụng internet cũng như theo dõi các hoạt động trực tuyến của chúng. Khi những người trẻ chỉ cho ông bà cha mẹ cách sử dụng internet, chúng thường không nói hết những gì mình biết, đặc biệt là những điều chúng cố tình giấu giếm người lớn. Nếu như trước đây, các bậc cha mẹ thường lo lắng về những gì con cái xem trên tivi, thì lượng nội dung nguy hiểm mà giới trẻ có thể tiếp cận qua các thiết bị di động ngày nay nhiều gấp bội lần so với truyền hình. Do đó, cha mẹ và những người lớn có nhiệm vụ giáo dục phải đối mặt với thách thức rất lớn trong việc kiểm soát những gì người trẻ truy cập. Thách đố này càng lớn hơn bội phần khi những người gánh vác trách nhiệm làm cha mẹ lại không biết gì về các trang web, các ứng dụng, phòng trò chuyện, v.v. mà những người trẻ có thể truy cập mọi nơi, mọi lúc.
Ở nhiều quốc gia, đặc biệt là vùng nông thôn, nhiều bậc cha mẹ để con cái cho ông bà hoặc người thân chăm sóc trong khi họ di cư đến thành phố hoặc thậm chí ra nước ngoài để mưu sinh. Bởi vì những người cao tuổi thường biết rất ít về internet, nên những đứa trẻ này hầu như được toàn quyền tự do sử dụng nó. Mặc dù sự phát triển của CNTT-TT, đặc biệt là ứng dụng chat bằng video, giúp các bậc cha mẹ làm việc xa có thể giữ liên lạc với con cái hằng ngày, giúp họ duy trì đáng kể mối tương quan gia đình, nhưng khoảng cách xa giữa cha mẹ và con cái cũng có nghĩa là phần lớn trách nhiệm nuôi dạy con cái được giao cho những người lớn tuổi vốn có ít kiến thức kỹ thuật số. Hậu quả là người trẻ dễ dàng bị rơi vào những cạm bẫy đang giăng đầy trên internet, như bị bắt nạt trên mạng, bị tuyển mộ vào các nhóm cực đoan, thường xuyên truy cập nội dung khiêu dâm v.v. vốn không thể được người lớn ngăn chặn và can thiệp kịp thời. Trước thực tế này, các chương trình truyền thông mục vụ phải quan tâm đúng mức đến việc truyền đạt kiến thức kỹ thuật số cho các bậc cha mẹ, ông bà và những người lớn có nhiệm vụ chăm sóc người trẻ, hầu giúp họ thực hiện trách nhiệm một cách có hiệu quả hơn. Các chương trình mục vụ cho các đối tượng trên nên giúp họ những điều sau đây:
Hiểu biết cơ bản về CNTT-TT và các ứng dụng để sử dụng internet và giao tiếp với những người khác. Ngoài việc giúp họ có kỹ năng kết nối với gia đình, khả năng sử dụng CNTT-TT sẽ giúp người cao tuổi tiếp cận với các nguồn thông tin phong phú trên mạng. Thật vậy, trong đại dịch Covid-19, lần đầu tiên nhiều người cao tuổi trên khắp thế giới đã học cách sử dụng điện thoại thông minh để tham dự Thánh lễ trực tuyến. Hoàn cảnh của đại dịch cho thấy việc người cao tuổi có thể dùng CNTT-TT là điều quan trọng, vì các phương tiện này giúp họ nhận được sự nuôi dưỡng thiêng liêng khi họ không thể đến nhà thờ do sức khỏe kém hoặc những trở ngại khác.
Hiểu được những nguy cơ của việc sử dụng sai các thiết bị kỹ thuật số và CNTT-TT. Các tác động và hệ quả tiêu cực đến xã hội và cá nhân do lạm dụng các thiết bị kỹ thuật số và CNTT-TT đã được thảo luận trong phần phía trên. Vì vậy, những người lớn có trách nhiệm nuôi dạy trẻ em phải nhận thức được những cạm bẫy này để kiểm soát và điều chỉnh cách người trẻ sử dụng internet. Hơn nữa, họ phải có khả năng nhạy bén trong việc nhận biết các dấu hiệu lạm dụng internet của người trẻ như: nghiện trò chơi trực tuyến và nội dung khiêu dâm, bắt nạt trên mạng, tải lên nội dung không phù hợp, trầm cảm… để can thiệp kịp thời.
Trở nên những tấm gương sáng trong việc sử dụng CNTT-TT trong cuộc sống. Ngày nay, chúng ta thường thấy xung quanh bàn ăn của gia đình không chỉ có những đứa trẻ chăm chú vào màn hình điện thoại hay máy tính bảng, mà những người lớn nhiều khi cũng làm như vậy. Nhiều người lớn cũng lên mạng hoặc dùng điện thoại để nhắn tin cho người khác ngay giữa Thánh lễ trước mặt con cái. Khi người lớn không thực hiện hành vi tốt trong việc sử dụng CNTT-TT thì họ không thể nêu gương tốt cho người trẻ noi theo.
3. Giới trẻ
Mặc dù giới trẻ đã rất quen thuộc với internet, nhưng việc sử dụng internet thành thục không hẳn là sử dụng cách khôn ngoan. Những người trẻ tuổi có thể lãng phí nhiều thời gian lướt mạng một cách vô bổ. Nhiều bạn trẻ, ngay cả giới sinh viên đại học không thể phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mặc dù người trẻ ngày nay rất thành thạo khi làm nhiều việc cùng một lúc với các thiết bị (multi-task), nhưng họ vẫn dễ dàng bị lừa khi đánh giá thông tin trên mạng xã hội.[7] Các nghiên cứu khác về giới trẻ và internet cho thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại liên quan đến đời sống tâm sinh lý của chúng, như đã trình bày phía trên. Các chuyên gia đang lên tiếng báo động ngày càng nhiều về mối nguy hiểm của internet đối với khả năng nhận thức, chẳng hạn như khả năng tư duy phân tích, khả năng tập trung, ghi nhớ và sáng tạo. Vì vậy, các chương trình mục vụ cho giới trẻ cần nhấn mạnh đến những điểm sau đây:
Biết dùng CNTT-TT cho việc phát triển cá nhân. Người trẻ cần thấm nhuần ý thức rằng CNTT-TT được coi là công cụ hỗ trợ phát triển trí tuệ và xã hội. Là nguồn thông tin, tin tức và giải trí, những nội dung trên internet có thể mang lại lợi ích to lớn cho sự phát triển của giới trẻ nếu biết tiếp nhận một cách khôn ngoan. Ngoài ra, các mối tương quan trực tuyến khi được cân bằng với những mối tương quan diễn ra trong môi trường vật lý có thể nâng cao tầm nhìn của những người trẻ tuổi, đặc biệt khi các mối tương quan trực tuyến đến từ những người thuộc nhiều nền văn hóa khác.
Biết nhận định đúng đắn về thông tin trên mạng. Những người trẻ cũng dễ dàng bị lừa bởi những thông tin sai lệch và độc hại như người lớn. Khi họ không được dạy để đánh giá thông tin một cách khôn ngoan và sáng suốt, họ có thể bị tiêm nhiễm các tư duy giả dối, thậm chí bị dẫn dắt vào các nhóm cực đoan. Những nhóm như vậy thường nhắm đến những người trẻ, đặc biệt những người ao ước có được một nơi để hòa nhập. Vì vậy, người trẻ cần biết cách đề phòng những cạm bẫy có thể phá hủy đường đời của họ. Ngoài ra, những người trẻ cũng cần học biết kiềm chế, lịch sự và trung thực trong những gì họ đăng tải trên mạng. Nhiều người không nhận ra rằng những gì đăng tùy hứng có thể tồn tại trên internet trong nhiều năm sau đó, và có thể mang lại những hậu quả đáng tiếc trong đời sống học tập và công việc sau này. Ví dụ, trường đại học Harvard ở Mỹ đã từng rút lui lời nhận cho nhập học đối với một số sinh viên sau khi phát hiện trên tài khoản mạng xã hội của họ từng đăng những lời phát biểu phản cảm về sắc tộc hoặc giới tính.
Biết cách phát triển lối tư duy toàn cầu. Sự phát triển của CNTT-TT đã loại bỏ rất nhiều rào cản về không gian, thời gian, điều kiện kinh tế và các chuẩn mực văn hóa xã hội cổ hủ. Những người trẻ có khả năng phân định tốt sẽ vượt qua những rào cản, tận dụng những điểm tích cực mà internet mang lại để tạo lập cho bản thân một lối tư duy mang tính toàn cầu. Tương tự như vậy, nếu biết cách sử dụng CNTT-TT, người trẻ tuổi có thể dễ dàng phát triển tâm thức toàn cầu mà không nhất thiết phải đi khắp thế giới. CNTT-TT cho phép mọi người trở thành công dân toàn cầu và có ý thức về gia đình nhân loại với trái đất là ngôi nhà chung cần được tất cả mọi người chăm sóc. Vì vậy, CNTT-TT không chỉ đơn giản là để giải trí và trò chuyện lúc nhàn rỗi mà còn là một phương tiện tuyệt vời để tham gia vào các hoạt động xã hội và dân sự, tạo ảnh hưởng tích cực đến sự thay đổi trên toàn thế giới.
Các chương trình mục vụ tiếp cận cộng đồng
Các chương trình tiếp cận mục vụ là một phần quan trọng của sứ vụ của Giáo hội, đáp ứng những nhu cầu tinh thần của tín hữu, đặc biệt trong lúc khủng hoảng, bệnh tật, túng thiếu. Mục vụ tiếp cận cộng đồng là cơ hội cho Hội Thánh vươn ra khỏi phạm vi sứ vụ Bí tích quen thuộc để mở rộng sang các lĩnh vực khác liên quan đến cuộc sống toàn diện của con người. Các chương trình tiếp cận mục vụ truyền thống bao gồm các hoạt động bác ái xã hội như chăm sóc người cao niên, thăm viếng người bệnh và đến với những người vô gia cư trong cộng đồng. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, mặc dù các hoạt động truyền thống vẫn tiếp tục cần thiết, nhưng trong bối cảnh mới, các chương trình mục vụ tiếp cận cộng đồng cần được mở rộng phạm vi, và hướng đến các vấn đề nảy sinh từ tác động của CNTT-TT đối với đời sống cá nhân, gia đình và xã hội.
Để đáp ứng bối cảnh mục vụ mới đòi hỏi sự sáng tạo nơi người làm mục vụ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định trong Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Của Tin Mừng) rằng có rất nhiều cơ hội để sáng tạo, đặc biệt là trong môi trường giáo xứ. Ngài nói:
Giáo xứ không phải là một thể chế lỗi thời; chính xác vì nó có tính linh hoạt cao. Nó có thể mang những đường nét khá khác nhau tùy thuộc vào sự cởi mở và khả năng sáng tạo truyền giáo của vị mục tử và cộng đoàn. Mặc dù chắc chắn giáo xứ không phải là cơ sở truyền giáo duy nhất, nhưng nếu giáo xứ chứng tỏ có khả năng tự canh tân và thích nghi liên tục, thì giáo xứ vẫn tiếp tục là ‘Giáo hội sống động giữa thế giới của những người con của mình’.[8]
Hơn nữa, Đức Thánh Cha khuyến khích những người tham gia vào công việc mục vụ loại bỏ những cách nghĩ và cách làm xưa cũ, sẵn sàng xem xét lại các cơ cấu, phong cách và phương pháp để đáp ứng tốt hơn với từng hoàn cảnh cụ thể.[9] Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh:
Bất kỳ cộng đồng Giáo hội nào, nếu họ nghĩ rằng họ có thể thoải mái đi theo con đường riêng của mình mà không có sự quan tâm sáng tạo và sự hợp tác hữu hiệu trong việc giúp người nghèo sống đúng phẩm giá và tiếp cận với mọi người, thì họ sẽ có nguy cơ tan vỡ, dù họ có thể nói nhiều về các vấn đề xã hội hoặc phê bình các chính phủ. Nó sẽ dễ dàng trôi vào một sự thế tục tâm linh được ngụy trang bằng những thực hành tôn giáo, những cuộc gặp gỡ không hiệu quả và những lời nói trống rỗng.[10]
Trong tinh thần của lời mời gọi khơi dậy tính sáng tạo trong mục vụ và truyền giáo, những đề xuất sau đây có thể phần nào đáp ứng những thách đố mục vụ ngày nay.
1. Mục vụ tư vấn
Mục vụ tư vấn về các vấn đề liên quan đến đời sống cá nhân và gia đình là một chương trình mục vụ ổn định của nhiều giáo xứ, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, mục vụ tư vấn không hẳn được tổ chức ở mọi nơi trên thế giới. Ở nhiều quốc gia, đặc biệt những nơi mà lĩnh vực tư vấn và trị liệu tâm lý chưa phát triển, ý tưởng thiết lập các chương trình tư vấn của giáo xứ là một khái niệm xa lạ. Ở nhiều nước châu Á, tư vấn không phổ biến trong xã hội và thường không được quan tâm đến trong kế hoạch mục vụ chính thức của giáo xứ. Khi cần phải tư vấn, thường thường các linh mục hoặc tu sĩ được các giáo dân tìm tới để xin được giúp đỡ trong những vấn đề mà họ gặp phải.
Bối cảnh kỹ thuật số đặt ra một thách đố với Giáo hội, đó là nhu cầu có các chương trình tư vấn chính thức ở các giáo xứ để phục vụ giáo dân trong những khó khăn của cuộc sống thời đại kỹ thuật số. Theo đó, các giáo xứ phải nghĩ đến việc thành lập hoặc mở rộng các chương trình tư vấn hiện có để giải quyết các vấn đề liên quan đến CNTT-TT. Những vấn nạn mà CNTT-TT gây ra đã được thảo luận trong bài viết này chứng tỏ rằng các chương trình mục vụ tư vấn cần được cập nhật và điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh kỹ thuật số. Các ảnh hưởng trên đời sống tâm linh, tinh thần, gia đình và xã hội đòi hỏi những hướng dẫn mục vụ cụ thể từ phía Giáo hội. Về mặt này, các vị lãnh đạo giáo xứ và những người làm mục vụ cần được đào tạo chính thức để hỗ trợ giáo dân một cách có hệ thống và bài bản bằng những kiến thức đầy đủ và mang tính khả thi.
2. Mục vụ giúp người nghiện
Ngoài nạn nghiện ma túy và rượu, thì nạn nghiện trò chơi trực tuyến, tình dục và nội dung khiêu dâm trên internet là một vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều người trong thời đại kỹ thuật số. Đức Thánh Cha Phanxicô đã than thở rằng việc nội dung khiêu dâm được phổ biến quá rộng rãi trên mạng, có thể truy cập một cách dễ dàng, khiến người trẻ nghiện ngập nghiêm trọng, dẫn đến hành vi bạo lực và các mối quan hệ tình cảm và tình dục rắc rối.[11]
Đức Thánh Cha nhận xét rằng, nghiện internet có thể gây hại cho tâm hồn và tước đi tự do đích thực của mỗi cá nhân. Do đó, các chương trình tiếp cận mục vụ nên quan tâm đến việc tìm kiếm và giới thiệu cho những người đang phải đối mặt với các rối loạn hành vi liên quan đến việc sử dụng internet đến các chương trình có thể giúp họ phục hồi sức khỏe thể lý và tinh thần. Hơn nữa, ban mục vụ có thể tổ chức các chương trình giáo dục nhằm ngăn ngừa các vấn nạn liên quan đến CNTT-TT, cũng như tổ chức các nhóm tương trợ cho những cá nhân đang gặp phải vấn đề hoặc đang trong quá trình hồi phục.
3. Ý thức về môi trường
Trong thời đại kỹ thuật số, con người ngày càng bị chi phối bởi không gian mạng, vì hoạt động và tương tác hằng ngày phần lớn diễn ra trong môi trường trực tuyến. Tình trạng này nhiều ít ảnh hưởng đến cách chúng ta ý thức về và tương tác với không gian vật lý xung quanh mình. Các quan sát thực nghiệm cho thấy trẻ em dường như bị cuốn hút bởi những gì chúng thấy trên video YouTube hơn là môi trường xung quanh chúng. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn khi trẻ em, kể cả các em nhỏ chưa đầy một tuổi, được người lớn đưa cho các thiết bị điện tử để chơi. Một khi chúng ta trở nên quá bận tâm với không gian mạng, thì chúng ta ngày càng có thái độ và lối sống xa lạ và thờ ơ với môi trường thiên nhiên. Điều này khiến cho chúng ta ít quan tâm đến không gian vật lý, hờ hững trong việc tương tác với những người khác và những sự kiện đang diễn ra xung quanh chúng ta. Tình trạng xa rời thiên nhiên có thể làm cho chúng ta lãng quên và thiếu ý thức về tầm quan trọng của thiên nhiên đối với sức khỏe thể lý cũng như tinh thần.
Tuy nhiên, chúng ta có thể ngăn cản được điều này nếu sử dụng cách đúng đắn các phương tiện công nghệ trong các chương trình mục vụ nhằm nâng cao nhận thức thần học và khoa học về bổn phận chăm sóc môi trường. Các chương trình mục vụ có thể thúc đẩy việc chăm sóc muôn loài Chúa dựng nên bằng cách:
Truyền đạt cho các tín hữu giáo huấn của Hội Thánh về việc chăm sóc “Ngôi nhà chung”. Ba vị Giáo hoàng gần đây nhất đã viết và nói nhiều về vấn đề chăm sóc trái đất. Việc thể hiện những thái độ và hành động quan tâm đến Ngôi nhà chung của chúng ta không phải chỉ dành cho một số nhóm hoặc cá nhân nào đó, mà là trách nhiệm của Giáo hội và toàn thể xã hội. Tiếc thay, nhiều tín hữu vẫn không được huấn luyện đầy đủ về giáo huấn của Hội Thánh liên quan đến việc chăm sóc muôn loài, dẫn đến thái độ dửng dưng trước nạn phá hoại môi trường đang tiếp tục diễn ra. Do đó, chủ đề chăm sóc muôn loài thụ tạo nên được đề cập đến trong các buổi hội thảo, tĩnh tâm của giáo xứ, cũng như trong các bản thông tin của giáo xứ. Các bài giảng trong Thánh lễ cũng nên nói lên vấn đề này khi thích hợp.
Thúc đẩy ý thức về môi trường thông qua các hoạt động của giáo xứ. Ban mục vụ giáo xứ thỉnh thoảng có thể tổ chức các buổi tĩnh tâm cho giới trẻ, các buổi chia sẻ Kinh Thánh, hoặc tổ chức các giờ học giáo lý trong khung cảnh tự nhiên thay vì trong phòng học hoặc trong hội trường của giáo xứ. Nhờ đó, các tín hữu, đặc biệt là giới trẻ, có cơ hội được trải nghiệm thiên nhiên và khám phá ra giá trị cũng như vẻ đẹp của nó. Chủ đề chăm sóc “Ngôi nhà chung của chúng ta” có thể được đưa vào giờ học tập Kinh Thánh và giáo lý để làm nổi bật tầm quan trọng của nó trong việc phát triển đời sống đức tin toàn diện.
4. Giáo lý
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là một cẩm nang giúp người Công giáo khám phá chân lý đức tin và hiểu biết sâu hơn về giáo huấn của Hội Thánh. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, giáo lý không chỉ giúp các tín hữu hiểu về đức tin Công giáo, mà còn giúp họ khám phá ra những câu trả lời thực tế cho những thách đố của thời hiện đại. Mặc dù sách giáo lý Công giáo đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng và được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới, nhưng trong thời đại mà thông tin được phát hành một cách vô hạn và hầu như không thể kiểm soát được, giáo huấn của Hội Thánh có thể dễ dàng bị xuyên tạc, truyền đạt không đầy đủ hoặc hoàn toàn bị lấn át bởi các thứ thông tin khác. Trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, lĩnh vực tôn giáo đang bị thách thức bởi một “cơn đại dịch thông tin” có nguy cơ phủ nhận, bóp méo hoặc nhấn chìm những giáo lý cơ bản quan trọng của Hội Thánh. Vì thế, việc dạy giáo lý trong thời đại kỹ thuật số cần lưu ý những vấn đề sau:
Việc dạy giáo lý không nên đơn giản chỉ là một quá trình một chiều từ trên xuống, đặc biệt là trong thời đại mạng xã hội. Mặc dù Giáo hội đã kết hợp các phương tiện mạng xã hội vào các kế hoạch truyền thông, nhưng nhiều thách thức lớn vẫn đang còn tồn tại. Chúng ta thường nghĩ truyền thông là một quá trình qua lại. Tuy nhiên, truyền thông trong Hội Thánh chủ yếu mang tính phẩm trật, một chiều và không có nhiều điều kiện cho sự tương tác giữa các bên. Giáo hội đã áp dụng các công nghệ mới để cải thiện lối truyền thông của mình, chẳng hạn như kết hợp truyền thông như một kênh chiến lược để loan báo Tin Mừng. Điều này cũng phải được đưa vào chương trình giáo lý cho người Công giáo thuộc nhiều lứa tuổi và tầng lớp khác nhau.
Phương thức truyền đạt phải thích ứng với bối cảnh mới. Giáo hội là một tổ chức toàn cầu và đa văn hóa, nhắm đến nhiều đối tượng. Vì vậy, Giáo hội phải bắt kịp các xu hướng tường thuật để có thể thích ứng tốt nhất với những bối cảnh mới. Việc truyền thông không chỉ truyền đạt những gì Giáo hội muốn nói, nhưng còn phải đáp ứng những gì người dân muốn nghe và chia sẻ. Trong thực tế hiện nay, một số lượng lớn người dân tiếp thu kiến thức về tôn giáo thông qua các nền tảng trực tuyến. Vì thế, các giáo huấn của Hội Thánh cần phải được truyền đạt đến nhiều người trên thế giới, qua những phương cách có tính tương tác, đồng thời đáp ứng được các nhu cầu tâm linh sâu xa của họ. Tuy nhiên, nếu các phương thức truyền thông của Giáo hội không đủ linh hoạt để đáp ứng được với thực tế hiện nay, thì tất cả sẽ bị mất hút giữa biển thông tin bao la rộng lớn trong thời đại mới.
Cần có sự sáng tạo trong việc dạy giáo lý. Trong sứ điệp gửi đến các giáo lý viên trong Hội nghị quốc tế đầu tiên về Huấn giáo tại Buenos Aires năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Giáo lý viên là người sáng tạo; họ tìm kiếm các phương tiện và hình thức khác nhau để loan báo về Đức Kitô… Nhiệm vụ làm cho mọi người nhận biết Chúa Giêsu là vẻ đẹp tối cao dẫn chúng ta đến việc tìm ra những dấu chỉ và cách thức mới để truyền bá đức tin.” Để việc dạy giáo lý thu hút nhiều người hơn trong thời đại kỹ thuật số, chương trình dạy giáo lý của Giáo hội nên thoát ra khỏi khuôn mẫu truyền thống để khám phá những cách giảng dạy mới hấp dẫn hơn. Tại nhiều quốc gia, trẻ em vẫn được yêu cầu học giáo lý bằng cách học thuộc lòng các câu hỏi đáp và những kinh truyền thống. Các chương trình giáo lý của giáo xứ phải tìm cách đưa các công nghệ đa phương tiện (multimedia) vào chương trình dạy giáo lý, giúp cho học sinh chủ động hơn trong việc học giáo lý, thay vì chỉ tiếp thu kiến thức và trả bài một cách thụ động.
Sử dụng đa dạng các phương tiện trong việc dạy giáo lý. Trong việc đào tạo tâm linh, ngoài kiến thức nằm ở nơi con chữ, các phương tiện khác như nghệ thuật, âm nhạc, kiến trúc, vũ đạo,... luôn là những công cụ quan trọng để truyền đạt niềm tin tôn giáo cách sâu sắc và hiệu quả. Trong thời đại của CNTT-TT, chúng ta nên phối hợp sử dụng các công cụ truyền thông này để truyền tải những sứ điệp mạnh mẽ và có tính biến đổi mà Hội Thánh muốn chia sẻ. Việc sử dụng khéo léo các hình ảnh có thể truyền đạt được nhiều thông điệp hơn mà đôi khi chữ nghĩa không hẳn làm được. Vì thế, việc dạy giáo lý và truyền bá đức tin trong thời đại kỹ thuật số không phải chỉ tận dụng các phương cách truyền thông đã có sẵn trong truyền thống của Giáo hội, mà còn phải tận dụng tiềm năng sư phạm trực quan của những hình ảnh thu được từ các sự kiện xảy ra trong đời sống con người trên thế giới và trong Giáo hội.
Trình bày nội dung cách phù hợp với các nhóm tuổi khác nhau. Việc dạy giáo lý sáng tạo cũng đòi hỏi phải có những bài trình bày phù hợp với trình độ trí tuệ của từng lứa tuổi, trả lời được những câu hỏi của từng người, tùy thuộc vào giai đoạn trong quá trình phát triển tâm linh của họ. Những bài học về đức tin nếu được trình bày cách đơn giản, mặc dù có thể được một số người trẻ đón nhận cách dễ dàng, nhưng có thể lại khiến số khác cảm thấy chưa thỏa mãn hoặc hụt hẫng. Lý do đó là những người trẻ này đang tìm kiếm và chờ đợi những câu trả lời sâu sắc hơn từ phía người giảng dạy. Theo lời của Giám mục Robert Barron: “Chúng ta sẽ không kể câu chuyện của mình cách hiệu quả nếu chúng ta quay lưng lại với sự phong phú [trong đức tin Công giáo]. Chúng ta phải ngừng đơn giản hóa truyền thống của mình nếu chúng ta muốn làm cho câu chuyện này trở nên hấp dẫn.”[12]
5. Truyền thông loan báo Tin Mừng
Khi đài phát thanh Radio Veritas (Chân lý Á châu) ra đời vào năm 1969 để phục vụ các Giáo hội Á châu qua các chương trình phát thanh làn sóng ngắn, đặc biệt cho những nơi đang gặp cản trở nghiêm trọng về tự do tôn giáo, thì một trong những hiệu quả thấy được là ngay cả những người không Công giáo cũng có thể nghe đài và biết về Tin Mừng. Trong thời đại CNTT-TT, cơ hội truyền thông loan báo Tin Mừng càng tăng gấp bội khi Giáo hội có thể tiếp cận được với khán thính giả toàn cầu. Điều này chưa từng xảy ra tại bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ. Tuy nhiên, truyền thông loan báo Tin Mừng phải đối mặt với vô số thách thức, đến từ rất nhiều tiếng nói cạnh tranh của thế giới trần tục, cũng như tình trạng quá tải về nội dung và thông tin sai lạc. Trước những thách đố này, Giáo hội phải thực hiện truyền thông loan báo Tin Mừng bằng thứ “ngôn ngữ” có thể bắt nhịp với thực trạng của cuộc sống ngày nay, đồng thời phải chạm được vào chiều sâu tâm tư và nỗi thao thức của con người. Trong nền văn hóa kỹ thuật số, các phương thức và nội dung truyền thông trước đây có thể sẽ không còn hấp dẫn cũng như khó hiểu đối với những người bên ngoài Giáo hội.
Trong vấn đề này, chúng ta có thể rút ra bài học từ mẫu gương mà Chúa Giêsu đã thực hiện, đó là lối “truyền thông tùy vào từng đối tượng” để tiếp cận các thính giả của Ngài. Trong thời đại CNTT-TT, Giáo hội cũng cần khám phá các chiến lược truyền thông mới để tiếp cận được khán giả mới trên toàn cầu. Tuy nhiên, nỗ lực này không nên được triển khai một chiều. Nhờ tính chất tương tác của Web 4.0, các chiến lược truyền thông mới có thể được khám phá và hình thành sau khi đã tham khảo và đối thoại với những người trong nhóm đối tượng mà chúng ta hướng tới. Thông qua quá trình đối thoại và tìm hiểu kinh nghiệm, linh đạo, thách đố và mong muốn của họ, người làm truyền thông loan báo đức tin có thể khám phá ra những phương cách giới thiệu và công bố sứ điệp Phúc Âm cho người nghe khiến cho họ dễ được đánh động và sẵn sàng đón nhận.
6. “Nghe” tiếng nói của những người khác
Một trong những lợi ích của CNTT-TT là tạo điều kiện cho việc hình thành các cộng đồng trực tuyến mà trước đây điều này không thể dễ dàng thực hiện được. Các nhà hoạt động chính trị và xã hội phải đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt từ chính quyền có thể sử dụng CNTT-TT để liên lạc và lập kế hoạch cho hoạt động của họ. Người lao động nhập cư không có giấy tờ chứng minh, thường gặp hạn chế về tài chính, thời gian và việc di chuyển, có thể tham gia các diễn đàn trực tuyến để thảo luận, tìm kiếm thông tin và xin trợ giúp khi gặp khó khăn. Nếu chủ động tìm kiếm, chúng ta sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra có vô số người thuộc các nhóm bên lề xã hội đang “tụ tập” và trò chuyện trên các diễn đàn tự tạo. Bên cạnh những nhóm yếu thế tìm đến CNTT-TT để thiết lập “góc” hỗ trợ xã hội và tinh thần, nhiều người khác, đặc biệt là giới trẻ, sử dụng mạng xã hội để bày tỏ cảm xúc, kinh nghiệm và quan điểm của họ. Những nhà truyền thông mục vụ nếu chú ý sẽ tìm thấy trong những tiếng nói và trải nghiệm này những cơ hội vô giá để “nghe” tiếng nói tận trong trái tim và tâm trí của nhiều người và nhiều nhóm. Lắng nghe cách những người bị gạt ra bên lề thông tri kinh nghiệm của họ trong không gian kỹ thuật số sẽ giúp các nhà lãnh đạo mục vụ hiểu rõ hơn để lên tiếng cũng như đáp ứng hiệu quả hơn các nhu cầu mục vụ cụ thể cho từng nhóm. Đặc biệt, khi Giáo hội chọn lựa “tiến trình hiệp hành” để tham vấn và đối thoại với dân Chúa nhằm phân định cảm thức đức tin, thì các tiếng nói, kể cả tiếng nói của những nhóm chịu thiệt thòi phát biểu trên trường trực tuyến, nếu Giáo hội biết tiếp cận và lắng nghe những tiếng nói này, sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho tiến trình công nghị đang diễn ra. Thật vậy, tầm nhìn về một Giáo hội mang tính đồng nghị có thể được nâng cao khi chúng ta biết cách tận dụng CNTT-TT như một công cụ để tạo điều kiện và thúc đẩy giao tiếp, tham gia và đối thoại.
Xây dựng một nền nhân bản kỹ thuật số dựa trên nền nhân bản Kitô giáo
Các nhà phê bình truyền thông cho rằng các công ty công nghệ như Google và Facebook thường sử dụng các thuật ngữ mang tính tôn giáo để thúc đẩy một thế giới quan đặc trưng bởi chủ nghĩa công nghệ làm trung tâm (techno-centrism), chủ nghĩa đề cao dữ liệu (data fundamentalism) và chủ nghĩa thông tin (informationism). Thế giới quan này cho rằng sự phát triển công nghệ là tất yếu và tối ưu, là quá trình có lợi cho sự phát triển con người. Sự phát triển công nghệ chính là phương cách để giải quyết các vấn đề của xã hội, bảo vệ môi trường, thậm chí cứu nhân loại khỏi một cái kết bi đát. Mô hình kỹ trị (technocratic paradigm) này cũng mô tả thông tin như một phương tiện cho chúng ta đạt tới sự khôn ngoan, minh bạch và cuộc sống đích thực. Vì vậy, các nhân đức nhân bản có thể được phát triển bằng công nghệ, mà khi đạt đến trình độ “chuẩn” tiến bộ có thể làm cho con người thậm chí vượt lên “hơn cả con người”.
Theo cách nhìn của Giáo hội, quan điểm lấy công nghệ làm trung tâm này có hại cho sự phát triển toàn diện của con người. Chúng ta cần nhớ rằng con người phải có quyền kiểm soát công nghệ hơn là để công nghệ chi phối cuộc sống con người. Công nghệ, giống như những món quà khác mà Chúa ban tặng cho chúng ta, phải được đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của con người. Trong thông điệp Caritas in Veritate (Bác Ái Trong Chân Lý), Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI phát biểu: “Công nghệ cho phép chúng ta chế ngự vật chất nhằm giảm bớt rủi ro, tiết kiệm sức lao động, cải thiện điều kiện sống của chúng ta. Công nghệ đụng chạm đến ơn gọi của lao động: nhờ công nghệ vốn là công trình của trí tuệ con người, con người nhận ra chính mình và rèn luyện nhân tính của mình.”[13] Khi công nghệ chi phối cuộc sống con người, những hậu quả tiêu cực có thể hiện lên rõ mồn một. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định:
Khi thế giới truyền thông và kỹ thuật số có mặt ở khắp nơi, sức ảnh hưởng của nó có thể làm cho con người không còn học cách sống khôn ngoan, suy nghĩ sâu sắc và yêu thương cách quảng đại nữa. Trong bối cảnh này, các bậc tiền bối vĩ đại có nguy cơ không được lắng nghe giữa những ồn ào và phân tâm của sự quá tải thông tin. Cần phải nỗ lực để làm cho các phương tiện truyền thông trở thành những nguồn lực của sự tiến bộ văn hoá mới cho nhân loại chứ không phải là mối đe dọa cho sự phong phú sâu sắc của chúng ta. Sự khôn ngoan đích thực, là hoa trái của việc xét mình, đối thoại và gặp gỡ phong phú giữa các ngôi vị, không đạt được bởi sự tích luỹ thuần tuý về dữ liệu, sau cùng sẽ dẫn đến tình trạng quá tải và hỗn độn, một kiểu ô nhiễm về tinh thần. Mối tương quan đích thực với người khác cùng với tất cả những thách đố của nó, giờ đây có khuynh hướng bị thay thế bởi một kiểu giao tiếp trên mạng khiến chúng ta lựa chọn hay loại bỏ tương quan ngay lập tức, do đó nổi lên một kiểu tình cảm giả tạo, là thứ tình cảm tương tác với thiết bị và màn hình nhiều hơn là với con người và thiên nhiên. Truyền thông ngày nay có thể giúp chúng ta giao tiếp, chia sẻ kiến thức và tình cảm với nhau. Tuy nhiên chúng cũng tách lìa chúng ta khỏi mối liên hệ trực tiếp với nỗi đau, nỗi sợ hãi, niềm vui và những kinh nghiệm cá nhân phức tạp của người khác. Vì lý do này, chúng ta phải lưu ý rằng, bên cạnh những thứ đầy phấn khích mà truyền thông có thể mang lại, cũng có thể xuất hiện một sự bất mãn sâu sắc và đáng buồn với mối tương quan liên vị, hay một cảm thức bị cô lập nguy hại.[14]
Đối mặt với làn sóng kỹ thuật số này, truyền thông mục vụ trong Giáo hội ngày nay cần tập trung vào việc thúc đẩy sự cân bằng lành mạnh và nhận thức đúng đắn về vị trí của công nghệ đối với cuộc sống con người. Giáo hội thời nay cần lên tiếng kêu gọi một “chủ nghĩa nhân bản kỹ thuật số”, đó là chủ nghĩa nhân bản dựa trên chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo. Trong Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Hiện Nay Gaudium et Spes, các Nghị phụ Công đồng nhấn mạnh rằng Chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo được đặt trên nền tảng tiền đề thực tế là “chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời làm người thì mầu nhiệm về con người mới thực sự trở nên rõ ràng. Vì… Đức Kitô là Chúa… trong mặc khải thâm sâu về mầu nhiệm của Chúa Cha và tình yêu của Người, đã bày tỏ trọn vẹn về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ.”[15] Ơn gọi của con người thuộc mọi thời đại và trong mọi không gian vẫn là yêu thương, bởi lẽ “con người chỉ có thể khám phá trọn vẹn chính mình trong sự hiến trao bản thân cách chân thành.”[16] Vì chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo lấy Đức Kitô làm trung tâm, nên chủ nghĩa này không thể tách rời khỏi biến cố Nhập Thể. Sự kiện này cho thấy Thiên Chúa quyết định “mặc lấy xác phàm” và sống, làm việc, thậm chí chết giữa chúng ta trong con người của Đức Giêsu Kitô. Chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo khẳng định rằng thước đo sự trưởng thành của con người là “đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,13). Thật vậy, chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo bác bỏ quan điểm cho rằng con người là sản phẩm được hình thành từ một chuỗi các quá trình sinh hóa ngẫu nhiên, nhưng có khả năng thể hiện ý chí, cảm xúc và ước muốn. Phải khẳng định rằng hoạt động bên trong tâm trí con người không thể được xem tương tự như một mạng lưới dây rợ phức tạp trong các hệ thống máy tính.
Do đó, truyền thông mục vụ và loan báo Tin Mừng trong thời đại kỹ thuật số đòi hỏi những tiếng nói ngôn sứ để chống lại mô hình kỹ trị và bác bỏ các giả định gắn liền với văn hóa kỹ thuật số. Thay vào đó là sự ủng hộ chủ nghĩa nhân bản kỹ thuật số, thúc đẩy niềm tin vào Thiên Chúa chứ không phải niềm tin vào công nghệ, chống lại việc đặt “mô hình kỹ trị” ở vị trí tối ưu trong sự phát triển của con người. Điều này có nghĩa là việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện nhằm đạt đến năng lực thực sự và thẩm quyền đích thực của con người đòi hỏi phải có những lựa chọn đúng đắn trong việc sử dụng công nghệ, cũng như xử lý và đánh giá cách thận trọng các thông tin nhằm hướng đến lợi ích chung. Điều này cũng đòi hỏi nhân loại phải đặt phẩm giá con người lên trên lợi nhuận và hiệu quả công suất. Cuối cùng, cách nhìn này kêu gọi mọi người ý thức và ước muốn lưu lại dấu chân kỹ thuật số (digital footprint) tốt lành trong các không gian kỹ thuật số mà chúng ta ghé thăm, hội họp hoặc thậm chí “làm nhà” ở đó.
Chủ nghĩa nhân bản kỹ thuật số đặt nền vững chắc trên chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo có thể chống lại các thế lực tiêu cực của các thuật toán mạo danh và lừa đảo nhằm xâm nhập và kiếm lợi. Nó cũng có thể giúp khắc phục và hạn chế các khuynh hướng tiêu cực như lan truyền sự giả dối, xúi giục xung đột xã hội, chính trị và tôn giáo, gia tăng thành kiến và sự chia rẽ. Vì thế, các nhà truyền thông đức tin trong thời đại CNTT-TT phải nhấn mạnh vào tầm nhìn triết học và thần học về con người với tư cách là những cá thể hiện thân toàn diện. CNTT-TT và các công nghệ kỹ thuật số khác chỉ có thể thực sự có giá trị khi chúng giúp chúng ta trở thành những chi thể gương mẫu và sống động của Hội Thánh là Nhiệm thể Chúa Kitô, và những thành viên ưu tú trong gia đình nhân loại.
***
Khi nghiên cứu về những thách đố mục vụ nảy sinh từ sự phổ biến ngày càng gia tăng của công nghệ thông tin và truyền thông trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta khẳng định điều mà Giáo hội đã thấu hiểu và cảnh báo từ lâu: những tiến bộ công nghệ có thể phá hủy hoặc hỗ trợ sự phát triển của con người. Những gì đã được trình bày trong bài viết này không đi chệch khỏi tiền đề trên. Thay vào đó, những bàn luận giúp làm rõ và xác định những lợi ích tiềm năng lẫn thách đố mục vụ đặc trưng đối với bối cảnh kỹ thuật số. Nhờ vào kinh nghiệm lâu năm và sự khôn ngoan Chúa ban, các nhà lãnh đạo Giáo hội nhận biết rằng, việc xem thường và từ chối những tiến bộ công nghệ là không thực tế và cuối cùng không có lợi cho Giáo hội. Thông qua các thành viên của mình ở mọi cấp độ, Giáo hội không chỉ kết hợp công nghệ vào cuộc sống hằng ngày mà còn dùng công nghệ cho chính sứ mạng tông đồ và Phúc Âm hóa của mình. Do đó, các vị lãnh đạo trong Giáo hội sẽ đánh mất đi tính trung thực nếu thái độ và lời nói của các ngài đi ngược lại với cách mà các ngài sử dụng công nghệ trong sứ vụ và đời sống thực tế. Những gì Giáo hội có thể và cần làm là truyền đạt sự khôn ngoan của mình, nhằm giúp các tín hữu và mọi người hiểu được bản chất, giá trị và vai trò đích thực của công nghệ trong sự phát triển con người. Đồng thời, Giáo hội cũng thực hiện vai trò ngôn sứ của mình trong việc sẵn sàng chỉ ra các xu hướng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ có hại cho sự phát triển toàn diện con người, đi ngược lại với các giá trị Tin Mừng về công lý, hòa bình, tình yêu và sự hòa hợp.
Về những thách đố mục vụ liên quan đến CNTT-TT, các bàn luận trong sách này cho thấy Giáo hội, cách riêng là các nhà lãnh đạo mục vụ của Giáo hội, cần phải điều hướng một cách khéo léo và kịp thời các phát minh công nghệ để sử dụng món quà mà Thiên Chúa ban tặng một cách hữu hiệu nhất. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo mục vụ và các nhà truyền thông đức tin phải nắm bắt tốt các khía cạnh khác nhau của CNTT-TT, bao gồm các tác động xã hội, kinh tế, chính trị, sinh thái và tâm linh, ngắn hạn cũng dài hạn, đối với Giáo hội và thế giới. Mặc dù phạm vi của chương sách này không cho phép thảo luận chi tiết về nhiều vấn đề được nêu ra, nhưng các cơ hội, thách đố và hướng giải quyết các vấn đề đã được đề cập cho thấy Giáo hội ở cấp hoàn vũ cũng như địa phương cần thi hành nhiệm vụ cách nghiêm túc, liên tục và mang tính phối hợp. Chỉ khi nào Giáo hội tạo ra được những ảnh hưởng tích cực trên thế giới một cách hiệu quả bằng sự khôn ngoan và chiều sâu thiêng liêng, can đảm chất vấn các chuyên gia công nghệ và công chúng bằng tiếng nói ngôn sứ, và thận trọng sử dụng CNTT-TT trong việc truyền thông mục vụ và loan báo Tin Mừng của mình, thì Giáo hội mới thực sự phục vụ và thúc đẩy cho sự phát triển Vương quốc của Thiên Chúa hiển trị trên trần gian.
[1] Thánh Bộ Truyền thông, “‘Faith communication in the digital world,’ a training inititiave to bring faith to digital media,” (19/11/2020), https://www.comunicazione.va/en/eventi/2020/faith-communication-in-the-digital-world-iniziativa-di-formazione.html.
[2] M. Michela Nicholais, “Pope Francis: With the logic ‘we have always done this way’ the Church ages,” SIR Agenzia (19/03/2018), https://www.agensir.it/chiesa/2018/03/19/pope-francis-with-the-logic-of-we-have-always-done-this-way-the-church-ages/
[3] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 33
[4] Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Homily in the Mass for the Closing of the Synod of Bishops, 2012, http://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/homilies/2012/documents/hf_ben-xvi_hom_20121028_conclusione-sinodo.html
[5] “Pope launches his Click to Pray app profile,” Vatican News (19/1/ 2019), https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2019-01/pope-launches-click-to-pray-app.html.
[6] Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới năm 2010, http://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/messages/communications/documents/hf_ben-xvi_mes_20100124_44th-world-communications-day.html
[7] Carrie Spector, “High school students are unprepared to judge the credibility of information on the internet, according to Stanford researchers,” Stanford News (18 November 2019), https://news.stanford.edu/2019/11/18/high-school-students-unequipped-spot-fake-news/.
[8] Evangelii Gaudium, số 28.
[9] Evangelii Gaudium, số 33
[10] Evangelii Gaudium, số 207.
[11] Robin Gomes, “Pope urges concrete, urgent action to prevent abuse of minors in digital world,” Vatican News (14/11/2019), https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2019-11/pope-francis-digital-child-abuse-congress-vatican.html
[12] “How to stop the spread of dumbed-down Catholicism,” Leaders that Follow, https://leadersthatfollow.com/stop-spread-dumbed-down-catholicism/
[13] Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate, số 69.
[14] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si, số 47.
[15] Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, số 22.
[16] Gaudium et Spes, số 24.
Chương 1: Bối cảnh xã hội và mục vụ
Chương 2: Thần học và mục vụ truyền thông
Chương 3: Ứng phó mục vụ
Chương 4: Hướng đến thần học mạng
Chương 5: Đối thoại liên tôn
Chương 6: Giao thoa văn hóa
Chương 7: Xây dựng tình hiệp thông qua trung gian mạng
Chương 8: Lãnh đạo tôn giáo với truyền thông mạng xã hội
Chương 9: Mục vụ và CNTT-TT trong và sau thời đại dịch
Chương 10: Mạng xã hội với mục vụ di dân
Chương 11: Tôn giáo với tương lai kỹ thuật số
Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ