Skip to content
Top banner

ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN

THTT-01
2024-01-28 09:14 UTC+7 251

SỨ VỤ CỦA GIÁO HỘI Trong Kỷ Nguyên Kỹ Thuật Số

Mission of the Church in the Digital Age

LM Anthony Lê Đức, SVD

 

ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN

1. Tin tức giả mạo trong kỷ nguyên hậu sự thật

2. Bản chất của bối cảnh hậu sự thật

3. Phản ứng của Giáo hội

4. Sứ mệnh đối thoại

5. Đối thoại trong kỷ nguyên kỹ thuật số

 

Vào tháng 7 năm 2016, giữa chiến dịch tranh cử tổng thống ở Hoa Kỳ, khi mà Donald Trump và Hillary Clinton đang tranh giành một cách quyết liệt vị trí hàng đầu trong chính phủ của cường quốc số một thế giới, một bài báo xuất hiện dưới dạng một mẩu tin đã được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện mạng xã hội nói rằng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gây chấn động thế giới khi tuyên bố ủng hộ Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa. Bài báo dẫn lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng, ngài cảm thấy phải thể hiện lập trường này vì nhận thức về trách nhiệm của người đứng đầu Tòa Thánh. Trên thực tế, cái gọi là tin tức này có nguồn gốc từ trang web WTOE 5 News, một trong vô số trang báo giả mạo thường tung ra các nội dung để phổ biến và gây nhầm lẫn cho công chúng. Mặc dù chỉ cần thực hiện việc kiểm chứng đơn giản thì có thể dễ dàng xác định rằng bài báo là một câu chuyện tin tức thất thiệt về một nhà lãnh đạo tôn giáo quan trọng, nhưng nó vẫn nhận được vô số lượt chia sẻ, dẫn đến việc đã có nhiều người Mỹ cũng như ở các nước khác tin rằng, người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã sẽ thực sự đứng về một phía nào đó trong một chiến dịch chính trị ở Hoa Kỳ. Trong một cuộc họp báo ngày 2/10/2016, chính Đức Thánh Cha đã lần đầu tiên lên tiếng về chiến dịch tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ. Ngài nói, “Tôi không bao giờ nói một lời gì về các cuộc tranh cử.” Đức Thánh Cha cũng nói rằng, ngài cảm thấy một số “khó khăn” với cả hai ứng viên.[1] Tuy nhiên, đến tháng 11 năm 2016 thì bài tin giả này đã nhận được 960.000 tương tác, vượt xa số lượng tương tác của những bài tin tức thịnh hành nhất của các hãng thông tấn chính thống và có uy tín.

Việc có tin giả về Đức Thánh Cha Phanxicô ủng hộ ông Trump trong cuộc tranh cử tổng thống không phải là trường hợp cá biệt. Trước vụ liên quan đến ông Trump chỉ vài tháng, Hội đồng Giám mục Philippines đã phải lên tiếng bác bỏ thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng, Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Rodrigo Duterte trong cuộc tranh cử tổng thống Philippines. Trong bài viết, Đức Thánh Cha được cho là “hâm mộ” ông Duterte và khen ông là người “thành thật”.[2] Tuy nhiên, đây không phải là lần duy nhất có tin giả về Đức Thánh Cha Phanxicô và vị tổng thống gây tranh cãi của Philippines. Tháng 6 năm 2018, trên trang blog realspotnews.info xuất hiện một bài viết trích dẫn lời của Đức Thánh Cha ca tụng ông Duterte rằng: “He is the most popular leader, he did the right thing for your country and a blessing” (Ông ta là một lãnh đạo được ưa chuộng nhất, ông đã làm điều đúng cho đất nước của bạn và là một hồng ân).[3] Trên thực tế, Tòa Thánh Vatican chưa bao giờ đưa ra bất cứ lời bình luận nào của Đức Thánh Cha về ông Duterte như được thuật lại trong bài viết.

 

Có một điều trớ trêu là trong khi thời đại kỹ thuật số mang lại cho chúng ta rất nhiều phương tiện để giao tiếp và trao đổi thông tin, thì xu hướng tri thức của công chúng dường như lại hướng về những điều không đúng sự thật, những thông tin xuyên tạc và những cảm giác chủ quan hơn là hướng tới chân lý và sự thật khách quan. Các nhà xã hội học và triết học đã đặt cho lối tư duy trí tuệ hiện nay một cái tên là “hậu sự thật” (post-truth). Thuật ngữ “hậu sự thật” đã được Bộ từ điển Oxford công nhận là “từ của năm” vào năm 2016 sau khi tổ chức này nhận thấy ​​sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng từ ngữ này vào năm 2015, với một con số đáng kinh ngạc là 2.000 phần trăm.[4] Hậu sự thật được định nghĩa là “liên quan đến hoặc biểu thị những trường hợp mà sự thật khách quan ít ảnh hưởng đến việc định hình dư luận so với việc hấp dẫn cảm xúc và niềm tin cá nhân.”[5] Định nghĩa này cho thấy rằng mặc dù sự thật không ngừng tồn tại, nhưng sự liên quan và ăn nhập của nó đối với suy nghĩ và cân nhắc của con người đã bị tổn hại nghiêm trọng. Thay vào đó, mọi người được khuyến khích đưa ra kết luận về các vấn đề không dựa trên những chứng cứ khách quan mà chủ yếu dựa trên cảm xúc cá nhân.

Các nhà xã hội học cho rằng một biểu hiện của tình trạng hậu sự thật là sự phổ biến vô số tin tức giả mạo về đủ loại vấn đề, từ chính trị đến tôn giáo, xã hội. Một số tin tức giả nhằm mục đích điều khiển dư luận theo hướng của một nhóm hoặc cá nhân nào đó, trong khi những tin tức khác chỉ đơn giản là những lời kích động, được đăng bởi những người bịa đặt ra để kiếm tiền (càng có nhiều người truy cập bài viết thì sẽ có thêm tiền từ quảng cáo trên trang). Có thể nói, khuynh hướng hậu sự thật có tác động quan trọng đối với sự hợp nhất của Giáo hội Công giáo và các mối quan hệ đại kết và đối thoại liên tôn của Giáo hội. Bài viết này bàn luận về cách ứng phó của Giáo hội Công giáo đối với tư duy hậu sự thật đang lan tràn trên thế giới như một loại dịch bệnh về mặt tri thức. Cụ thể, bài viết trình bày quan điểm rằng, sứ mệnh đối thoại liên tôn phải được Giáo hội tích cực thực hiện một cách có chủ động để chống lại tác động tiêu cực của tình trạng hậu sự thật trong xã hội thời nay.

 

Tin tức giả mạo trong kỷ nguyên hậu sự thật

 

Một trong những đặc điểm nổi bật của thời kỳ hậu sự thật là sự tràn lan tin giả trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên các nền tảng trực tuyến. Khi tôn giáo là chủ đề của tin giả, nội dung thường liên quan đến một số vấn đề gây tranh cãi, chẳng hạn như sự xung đột giữa tôn giáo và xã hội thế tục, hoặc tôn giáo này chống lại tôn giáo khác. Chẳng hạn, tại Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, các nhà phê bình và nhà nghiên cứu về truyền thông chỉ ra tin tức giả mạo và các chiến dịch truyền thông sai sự thật, là một trong những yếu tố chính góp phần vào sự phân chia dân tộc - tôn giáo đang diễn ra ở quốc gia này. Một đường ngăn cách đã được vẽ ra giữa miền bắc, chủ yếu là người Hồi giáo, và miền nam theo đạo Thiên Chúa; cả hai phía được giới truyền thông mô tả là đang cực lực đấu tranh nhằm giành quyền lực chính trị, xã hội và tôn giáo. Các nhà nghiên cứu nói rằng những mô tả sai trái như vậy không chỉ ảnh hưởng đến kết quả của các vấn đề chính trị như bầu cử quốc gia, mà còn đe dọa loại bỏ các phương tiện truyền thông chính thống, đáng tin cậy mà trước đây thường được người dân dựa vào để tìm thông tin.[6]

Chuyện diễn ra ở Nigeria không phải là cá biệt. Việc phổ biến tin tức giả đã được tạo điều kiện rất nhiều nhờ sự phát triển của công nghệ internet với những ứng dụng của nó, đặc biệt là các phương tiện truyền thông mạng xã hội. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT), người ta có khả năng biến hóa tin tức giả mạo trở nên đáng tin cậy một cách nhanh chóng và tinh tế. Bên cạnh đó, cộng với sự thiếu nhận thức về truyền thông của một bộ phận công chúng là một phần nguyên do dẫn đến nhiều sự nhầm lẫn trong việc đánh giá thông tin. Năm 2016, Viện Giáo dục Sau đại học Stanford tại Hoa Kỳ (SHEG) đã tiến hành một nghiên cứu đối với các học sinh trung học và sinh viên đại học Mỹ về khả năng nhận biết các tin tức đáng tin cậy và không đáng tin cậy. Các kết quả, theo lời nhận định của nhóm nghiên cứu, cho thấy rằng tình hình là rất "ảm đạm". Trong phần tóm tắt của bài báo cáo, các nhà nghiên cứu đã viết:

“Những người bản xứ kỹ thuật số” (digital natives) của chúng ta có thể lướt qua lại giữa Facebook và Twitter, đồng thời tải ảnh tự chụp lên Instagram và nhắn tin cho bạn bè. Nhưng khi đánh giá thông tin truyền qua các kênh truyền thông mạng xã hội, họ rất dễ bị đánh lừa. Chúng tôi không thiết kế các bài thử thách của mình để loại bỏ điểm số hoặc khắt khe cho điểm để phân loại câu trả lời “tốt” và câu trả lời “tốt hơn”. Thay vào đó, chúng tôi đã cố gắng thiết lập một mức độ hợp lý, một mức hiệu suất mà chúng tôi hy vọng là trong tầm tay của hầu hết học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học… Nhưng trong mọi trường hợp và ở mọi cấp độ, chúng tôi đã rất ngạc nhiên vì sự thiếu chuẩn bị của các học sinh.[7]

Sau khi kết quả nghiên cứu đầu tiên được công bố rộng rãi, các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford đã thực hiện một công trình nghiên cứu khác với 3.446 học sinh trung học Mỹ từ năm 2018 đến năm 2019. Trong nghiên cứu lần này, nhóm SHEG nhận thấy rằng kiến thức số (digital literacy) ở nhóm tuổi này vẫn ở mức quá thấp. Sam Wineburg, một trong những tác giả của báo cáo do SHEG phát hành đã nhận xét: “Nếu các kết quả có thể được tóm tắt trong một từ, tôi sẽ nói rằng học sinh của chúng ta rất đáng quan ngại (troubling).” Trong quá trình nghiên cứu, các học sinh đã được cho xem một số tin tức giả liên quan đến gian lận bầu cử để đánh giá. Việc các bạn trẻ đã không làm tốt công việc phân biệt giữa thông tin giả và thông tin thật khiến các nhà nghiên cứu lo ngại rằng, họ sẽ dễ dàng bị lừa gạt trong quá trình tiếp cận thông tin để thực hiện nghĩa vụ công dân trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020.

Khả năng con người có thể đưa ra phán đoán chính xác về tính xác thực của các thông tin cũng gặp nhiều trở ngại do khối lượng thông tin khổng lồ được sản xuất trong từng giây phút. Vào năm 1982, R. Buckminster Fuller đã ước tính trong cuốn sách Critical Path của mình rằng, ở thời điểm năm 1900, phải mất khoảng một thế kỷ để kiến ​​thức nhân loại tăng gấp đôi. Vào thời điểm cuốn sách được xuất bản, thời gian cho kiến thức nhân loại tăng gấp đôi đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng một năm. Tuy nhiên, tập đoàn công nghệ IBM đã đưa ra một ước tính đáng kinh ngạc về tốc độ tăng gấp đôi vào năm 2020, đó là chỉ 12 giờ.[8] Điều này không khó hiểu khi chỉ riêng nền tảng Facebook mỗi phút có tới 317.000 lượt cập nhật trạng thái, 400 người dùng mới, 147.000 bức ảnh được tải lên và 54.000 liên kết được chia sẻ.[9] Điều gì đang gây ra sự bùng nổ kiến thức này trong xã hội hiện đại? Marc Rosenberg đưa ra 4 lý do chính:[10]

1. Mạng lưới internet. Với khoảng 50 tỷ thiết bị được kết nối với nhau, thông tin do những cỗ máy này tạo ra có thể vượt trội hơn hẳn thông tin do con người tạo ra.

2. Dữ liệu lớn (Big Data). Thông tin về mọi người và mọi thứ đang được thu thập và phân tích bằng các phương pháp phân tích dữ liệu hiện đại, với mục đích là tạo ra những hiểu biết quan trọng giúp đưa ra quyết định về tất cả các loại vấn đề liên quan đến nhân loại và thế giới.

3. Tiến bộ của khoa học và phát minh. Tốc độ bùng nổ của các khám phá và phát minh khoa học cũng góp phần rất lớn vào việc tăng tốc độ sản xuất thông tin.

4. Một xã hội hợp tác, chia sẻ tri thức. Bản chất hợp tác của các cá nhân và nhóm làm việc trên toàn thế giới dẫn đến việc chia sẻ và sản xuất thông tin nhiều hơn.

Cần lưu ý rằng bên cạnh sự bùng nổ thông tin, các chuyên gia cũng đã chỉ ra sự sụt giảm tương ứng trong chu kỳ bán rã (half-life) của kiến thức, được định nghĩa là “khoảng thời gian mà một nửa kiến thức hoặc dữ kiện trong một lãnh vực cụ thể được thay thế hoặc chứng minh là không còn đúng sự thật."[11] Trong cuốn sách có tựa đề Nửa đời của sự thật: Tại sao mọi thứ chúng ta biết đều có ngày hết hạn, Samuel Arbesman giải thích:

Các dữ kiện, khi được xem như một khối kiến thức lớn, cũng có thể dự đoán được [như chất phóng xạ]. Dữ kiện có chu kỳ bán rã: Chúng tôi có thể đo lượng thời gian để lật lại một nửa kiến thức của một chủ đề. Tồn tại một môn khoa học khám phá tốc độ mà dữ kiện mới được tạo ra, công nghệ mới được phát triển và thậm chí cả cách các dữ kiện được lan truyền. Sự thay đổi kiến thức có thể được hiểu một cách khoa học.[12]

Các dữ kiện, khi được xem xét trong các lĩnh vực cụ thể của chúng, có “chu kỳ bán rã” (half-life) khác nhau. Ví dụ, các dữ kiện toán học sẽ duy trì chu kỳ bán rã dài hơn các dữ kiện y học. Ngược lại, các dữ kiện trong lĩnh vực khoa học xã hội có xu hướng phân rã với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các dữ kiện khoa học vật lý.[13] Một số dữ kiện như số lục địa trên trái đất không thay đổi qua hàng triệu năm trong khi các dữ kiện khác, chẳng hạn như tổng dân số của các thành phố và quốc gia thì thay đổi liên tục. Tuy nhiên, khi xem xét tổng thể, không thể phủ nhận rằng kiến ​​thức cũng có ngày hết hạn.

Trước tốc độ phát triển không thể tưởng tượng của thông tin, một số trong số đó là sai sự thật trắng trợn, và một số trong số đó có thể được coi là sự thật ngay lúc này và sau đó sẽ bị coi là sai sự thật, không khó để nhận thấy những nguy cơ to lớn đối với sự hài hòa xã hội và tôn giáo do thực tế đó gây ra. Thách thức còn phức tạp hơn bởi thực tế là hầu hết thông tin này được loan truyền trên mạng và có thể được thực hiện theo ý thích của bất kỳ ai. Diễn đàn Kinh tế Thế giới cảnh báo rằng thế giới siêu kết nối của chúng ta có thể bị “cháy rừng kỹ thuật số” (digital wildfire) do lượng “thông tin sai lệch quá lớn”.[14] Hiện tượng này giống như sự kiện những người Mỹ nghe đài phát thanh làm nghẽn mạng đường dây điện thoại của đồn cảnh sát vào năm 1938, do chương trình phát thanh cuốn tiểu thuyết The War of the Worlds (Thế giới đại chiến) của HG Wells, khiến các thính giả nghĩ rằng trái đất đang thật sự bị tấn công bởi người sao Hỏa. Các chuyên gia cho rằng các đợt hoảng loạn có thể xảy ra trong các cộng đồng mới tiếp cận với phương tiện internet, vì nhiều người chưa đủ kiến ​​thức số để đưa ra đánh giá sáng suốt về nội dung mà họ nhận được.

Một điều có thể khẳng định: tin tức giả mạo có thể mang lại những tác động thật trên các lĩnh vực trong đời sống con người và xã hội. Điều này đã được nhìn thấy rõ ràng trong vụ Brexit ở Anh. Quốc gia này đã rút khỏi Cộng đồng châu Âu do thông tin sai lệch được cung cấp cho công chúng hằng ngày đã ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý. Hiện tượng người ta tự điều chỉnh thực tế để trở nên phù hợp với ý kiến ​​cá nhân, thay vì ngược lại, dường như đang là xu hướng trên khắp thế giới. Người ta bình thản quảng bá thông tin đã bị sàng lọc, bị làm sai lệch, phóng đại hoặc thậm chí bị làm giả, nhằm thúc đẩy một phiên bản nào đó của sự thật mà họ muốn mọi người đón nhận và tin theo.

Không chỉ ở phương Tây, tin tức giả trên mạng cũng đã làm bùng phát các cuộc xung đột giữa các tôn giáo và giữa các sắc tộc ở các khu vực khác trên thế giới. Vào năm 2016, Basuki Tjahaja Purnama, một người theo đạo Thiên Chúa người Indonesia gốc Hoa, đang tranh cử lại vào vị trí thống đốc Jakarta, thành phố thủ đô của Indonesia. Ông Purnama có triển vọng thành công cao, cho đến khi ông quyết định nhắc nhở một số khán giả nhỏ đừng để bị lừa bởi những người trích dẫn kinh Qur’an rằng, người Hồi giáo không nên bỏ phiếu cho một người không theo đạo Hồi làm lãnh đạo của họ. Các đối thủ của Purnama đã nắm lấy cơ hội để tấn công ông, họ tải lên các phiên bản có nội dung khác nhau của các đoạn trích trong bài phát biểu của ông lên mạng xã hội và kêu gọi đưa ra cáo buộc chống lại ông ta.

Tiếp sau chiến dịch truyền thông mạng xã hội nhằm bôi nhọ Purnama là các cuộc biểu tình có tổ chức, trong đó có tới 500.000 người biểu tình Hồi giáo, chủ yếu là nam giới, tham gia. Từ một bài phát biểu dài 6.000 giây, một đoạn clip dài 13 giây đã được cắt ra rồi tải lên YouTube và các phương tiện truyền thông mạng xã hội khác; và ngay cả những clip bị cắt xén này cũng hầu như không được xem bởi những người cho rằng Purnama mắc tội báng bổ. Một cuộc khảo sát chỉ ra rằng, chỉ có 13% trong số 45% những người nghĩ rằng Purnama có tội khi được hỏi đã trực tiếp xem đoạn trích video. Cuối cùng, “chế độ đám đông chủ” (mobocracy), theo thuật ngữ của tạp chí chính trị Indonesia Tempo, đã thắng thế, Purnama bị kết tội báng bổ vào tháng 5 năm 2017. Bản kịch Purnama có thể nói là một “vụ cháy rừng kỹ thuật số”, đã bị thổi bùng lên bởi các đối thủ chính trị và được đổ thêm dầu vào lửa bởi các nền tảng mạng xã hội như WhatsApp, Facebook và YouTube.

Một vụ khác đã chịu tác động lớn từ mạng xã hội là trường hợp diệt chủng người Ronhinya ở Miến Điện (Myanmar). Tại quốc gia đang trải qua nhiều sóng gió chính trị trong thời gian gần đây, tỷ lệ sử dụng internet đã tăng vọt từ 1% năm 2012 lên 33% năm 2018. Đến tháng 1 năm 2021, tỷ lệ sử dụng Internet ở Myanmar đã đạt 43,3%.[15] Sự bùng nổ việc sử dụng internet diễn ra nhờ vào những thay đổi chính trị được tiến hành ở Myanmar trong thời gian đó, trước khi xảy ra cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 2 năm 2021. Bên cạnh những thay đổi trong cơ chế chính trị, việc có rất nhiều điện thoại di động giá rẻ có cài đặt Facebook sẵn tràn ngập khắp đất nước cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy người dân tiếp cận với công nghệ kỹ thuật số.[16] Khi người dân Miến Điện sử dụng internet ngày càng nhiều hơn, đặc biệt truyền thông mạng xã hội Facebook, các cá nhân và các nhóm cực đoan đã nhận ra phương cách lợi dụng mạng xã hội để kích động lòng căm thù dân tộc và tôn giáo trong nhân dân, trong đó có một nhà sư Phật giáo tên Ashin Wirathu. Mặc dù là một người tu trì, nhưng Wirathu lại theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Sau khi Wirathu bị chính phủ Miến Điện cấm giảng thuyết nơi công cộng vào năm 2016, ông ta đã tìm tới mạng xã hội Facebook để đăng tải những bài viết và hình ảnh mang tính kích động, thúc đẩy bạo lực chống lại người thiểu số Hồi giáo Rohingya. Trong các bài đăng, Wirathu thường miêu tả người Rohingya như là những kẻ ngoại đạo hung hãn và bạo lực. Ông cho rằng họ là những kẻ gây rối và so sánh họ với những con chó điên. Nhà sư này cũng từng đăng ảnh và video về các thi thể đang phân hủy mà ông cho rằng là nạn nhân của các vụ tấn công của người Ronhingya.[17] Tự hào gọi mình là một "Phật tử cấp tiến", Wirathu tuyên bố: "Bạn có thể đầy lòng nhân ái và tình yêu thương, nhưng bạn không thể ngủ cạnh một con chó điên."[18]

Bất chấp phát ngôn gây thù hận dẫn đến nhiều người Rohingya bị giết chết hoặc phải di tản để lánh nạn, Wirathu không bị Facebook kiểm duyệt. Việc Facebook không hành động kịp thời đã khiến công ty công nghệ này bị nhiều tổ chức nhân quyền quy một phần trách nhiệm trong vụ diệt chủng người Rohingya. Vấn đề là Facebook đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với nội dung căm thù như chữ vạn của những người theo chủ nghĩa tối cao da trắng, nhưng lại không có sự chuẩn bị về mặt nhân sự để kiểm duyệt những lời nói căm thù diễn ra ở một quốc gia nghèo nàn và lạc hậu về công nghệ ở châu Á.[19] Sự thiếu sót này của Facebook đã đóng góp vào một trong những câu chuyện bi thảm nhất trên thế giới trong những năm gần đây.

Tin tức giả và thông tin sai lệch nhắm vào các nhóm tôn giáo cũng đã xuất hiện nhiều trong cơn đại dịch Covid-19, điển hình tại đất nước Ấn Độ. Thời gian đại dịch bắt đầu bùng phát tại Ấn Độ năm 2020, người Hồi giáo trở thành đối tượng của thông tin sai lệch lan rộng trên WhatsApp với tuyên bố rằng người Hồi giáo Ấn Độ đang cố tình lây lan vi-rút trong nước.[20] Chiến dịch bôi nhọ người Hồi giáo bắt đầu sau khi một nhóm truyền giáo Hồi giáo có tên là Tablighi Jamaat tổ chức một buổi thuyết pháp ở thành phố New Delhi, vi phạm quy định của chính quyền địa phương về cấm tụ tập. Sự kiện này dẫn đến một điểm nóng về Covid-19, khiến nhóm Hồi giáo Tablighi Jamaat nói riêng, và người Hồi giáo nói chung trở thành tâm điểm lên án dữ dội của công chúng Ấn Độ. Sự tức giận đối với một nhóm nhỏ được định hướng để nhắm vào toàn bộ một tôn giáo thông qua WhatsApp, ứng dụng có 400 triệu người dùng ở Ấn Độ, đóng vai trò là phương tiện lan truyền các video và hình ảnh cáo buộc người Hồi giáo có hành vi sai trái.

Một ví dụ nói lên cách WhatsApp được sử dụng để bôi nhọ người Hồi giáo tại Ấn Độ là một đoạn video lan truyền được cho là mô tả một đầu bếp Hồi giáo cố tình nhổ nước bọt vào bánh mì trước khi phục vụ cho khách hàng. Đoạn video kèm theo thông điệp cảnh báo mọi người không nhận thức ăn từ những người đeo mũ đội đầu kiểu Hồi giáo. Sau khi video lan truyền, đã có nhiều lời kêu gọi, bao gồm cả từ người phát ngôn của Ban thanh niên của Đảng cầm quyền Bharatiya Janata, đòi tẩy chay các cửa hàng thuộc sở hữu của người Hồi giáo.[21] Do sự thù địch lan rộng, người Hồi giáo trở nên lo sợ cho tính mạng của họ. Những người làm nghề bán rau từng vào các làng mạc bán hàng không còn dám đi vì sợ bị tấn công.[22] Nhờ một trang web xác minh tính xác thực, đoạn video sau đó được xác định là giả mạo. Trên thực tế, đoạn video đã xuất hiện trên mạng một năm trước đó khi chưa có đại dịch, và có lẽ thậm chí không được quay ở Ấn Độ. Tuy nhiên, với sự lan truyền rộng rãi, đoạn video đã gây lên rất nhiều thiệt hại cho người Hồi giáo tại Ấn Độ, vốn là thành phần thiểu số trên một đất nước đại đa số theo Ấn giáo. Chiến dịch phỉ báng người Hồi giáo của những người theo Ấn giáo cũng có sự hỗ trợ của các quan chức chính phủ cấp cao. Điều này có nguy cơ gây nguy hiểm cho người Hồi giáo Ấn Độ không chỉ trong đại dịch mà còn lâu dài sau đó.

Một nhóm tôn giáo khác chịu tác động bởi thông tin sai lệch trên quy mô toàn cầu trong đại dịch Covid-19 là Hội Thánh của Chúa Giêsu tại Shincheonji (SCJ), một phong trào tôn giáo mới ở Hàn Quốc. Chiến dịch phỉ báng nhóm SCJ bắt đầu sau khi một nhóm của giáo phái được phát hiện là nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch ở thành phố Daegu, khiến cho ít nhất 5.000 trường hợp nhiễm bệnh. Phong trào tôn giáo SCJ với khoảng 250.000 thành viên sau đó đã bị truyền thông Hàn Quốc đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng Covid-19 tại đất nước này, và thậm chí đã bị thành phố Daegu kiện về những thiệt hại dân sự với số tiền lên tới 100 tỷ won.[23]

Tuy nhiên, một tập Sách trắng có tựa đề “Shincheonji và Coronavirus ở Hàn Quốc: Phân loại sự thật từ hư cấu” được xuất bản bởi một nhóm tác giả tiết lộ rằng, có rất nhiều thành kiến ​​và thông tin sai lệch được lan truyền trên các phương tiện truyền thông về hội thánh này. Trong phần giới thiệu, các tác giả, những người tự nhận mình là “học giả, nhà hoạt động nhân quyền, phóng viên và luật sư, tất cả đều có kinh nghiệm đáng kể trong lĩnh vực các phong trào tôn giáo mới,” đồng thời không ai trong số họ là thành viên của SCJ, viết:

Chúng tôi lo ngại về lượng lớn thông tin không chính xác về Shincheonji và sự liên quan của hội thánh này trong cuộc khủng hoảng vi-rút corona ở Hàn Quốc. Chúng tôi đã phỏng vấn các thành viên của Shincheonji và các học giả Hàn Quốc, đồng thời xem xét các tài liệu của cả chính phủ Hàn Quốc và Shincheonji. Chúng tôi đã chuẩn bị sách trắng này để giúp các tổ chức quốc tế, giới truyền thông và các bên liên quan hiểu rõ hơn về tình hình.[24]

Các tác giả cho rằng thông tin sai lệch lan tràn về SCJ là một nỗ lực để biến một nhóm thiểu số tôn giáo trở nên con dê tế thần, giống như những gì đã xảy ra với người Do Thái trong Đại dịch Cái chết Đen ở châu Âu thế kỷ XIV. Một cách tương tự, trong suốt thế kỷ XVI và XVII, những người theo đạo Tin Lành ở các nước Công giáo và người Công giáo ở các nước theo đạo Tin Lành thường bị đổ lỗi cho việc lây lan bệnh dịch và bị xử tử.

Trong tài liệu Sách trắng, các tác giả chủ trương làm sáng tỏ các diễn biến liên quan đến vai trò của thành viên SCJ trong sự bùng phát dịch tại Hàn Quốc, mà không đưa ra nhận định về đức tin hay thần học của phong trào. Theo họ, thông tin lan truyền cho rằng các thành viên SCJ tin rằng họ miễn nhiễm với bệnh tật và không tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay cả khi bị ốm là một thông tin sai lệch. Ngoài ra, cáo buộc rằng lãnh đạo SCJ và bệnh nhân Covid-19 bất hợp tác không được chứng minh bằng các bằng chứng xác thực. Tuy nhiên, chủ tịch của SCJ, Lee Man Hee đã thừa nhận có sai sót trong quá trình hợp tác với các cơ quan chức năng và bày tỏ lời xin lỗi chân thành trong một cuộc họp báo.

Theo các tác giả, thông tin sai lệch tràn lan về SCJ trên các phương tiện truyền thông đã khiến hàng nghìn thành viên của SCJ bị phân biệt đối xử trong cộng đồng và nơi làm việc. Các tác giả cũng kết luận rằng chiến dịch phỉ báng và xóa bỏ tư cách pháp nhân của SCJ không được thực hiện bởi những người thực lòng quan tâm đến đất nước, mà bởi những thành phần tự xưng là Kitô giáo chính thống, họ muốn thấy phong trào tôn giáo mới mà họ gán cho là giáo phái tà đạo sẽ bị đánh bại.[25]

Những trường hợp được trích dẫn ở trên chỉ nhằm minh họa cho rất nhiều bối cảnh và tình huống mà tôn giáo hay người theo đạo trở nên nạn nhân của tin giả, với những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với các cá nhân và cộng đồng bị mô tả không trung thực, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến sự ổn định trong xã hội cũng như các quan hệ liên tôn.

Những người phổ biến tin tức giả mạo về tôn giáo biết rõ rằng niềm tin tôn giáo là một điều vô cùng riêng tư, nhạy cảm và quan trọng trong cuộc sống của con người. Vì thế, họ dễ dàng lợi dụng yếu tố tôn giáo để đạt được lợi ích chính trị, kinh tế cũng như các mưu đồ phục vụ cá nhân hoặc nhóm. Cần phải nhấn mạnh rằng tin giả về tôn giáo không nhất thiết đến từ người không có tôn giáo, mà thường là từ chính những người có theo tôn giáo. Các trường hợp đề cập trên đều có sự khởi động hoặc tham gia của thành viên tôn giáo này chống lại tôn giáo kia. 

 

Bản chất của bối cảnh hậu sự thật

 

Vấn nạn và não trạng hậu sự thật đang phổ biến trong thế giới thời nay bắt nguồn từ đâu? Một số học giả đã truy tìm ra nguồn gốc của tư duy và chính trị hậu sự thật chính là một phong trào trí thức gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism), phát triển vào giữa đến cuối thế kỷ XX trong các lĩnh vực triết học, nghệ thuật, phê bình văn học, xã hội học, v.v. Phạm vi của bài viết này không cho phép tác giả đi sâu vào chi tiết của phong trào hậu hiện đại. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy những phát triển của lối tư duy này đã dẫn đến lập trường cho rằng: tất cả các khía cạnh của cuộc sống đều tràn ngập ý nghĩa. Tuy nhiên, những người trong cuộc có thể hiểu hoặc không thể hiểu được ý nghĩa đó thực sự là gì. Khi giải thích một tình huống hay giải mã về một nhân vật, chúng ta không chỉ xem xét các giả định chính trị, xã hội, lịch sử và văn hóa liên quan tới tình huống hay cá nhân đó, mà những phạm trù tương tự của người thực hiện việc phân tích và giải thích cũng được đưa vào để cân nhắc. Vì thế, không có hành động diễn giải nào sẽ giống hành động diễn giải nào, do có sự thay đổi trong nhân vật thực hiện hành động diễn giải. Mười người giải nghĩa một sự việc có thể đưa ra mười kết luận khác nhau do mỗi người xuất phát từ những bối cảnh chính trị, xã hội, văn hóa, kinh nghiệm sống….khác nhau. Trong hoàn cảnh này, sự thật không bao giờ tuyệt đối, vì sự thật còn lệ thuộc vào cách nhìn của người nhận xét. Theo Lee McIntyre, “Cách tiếp cận theo chủ nghĩa hậu hiện đại là mọi thứ đều bị chất vấn và cái giá trị bề ngoài ít được coi trọng. Không có câu trả lời đúng, chỉ có tường thuật.”

[26]


Chủ nghĩa hậu hiện đại thể hiện một sự khác biệt rõ rệt so với tư duy chủ nghĩa hiện đại kể từ thời Khai sáng. Chủ nghĩa hiện đại cho rằng khoa học và lý luận có thể cung cấp nền tảng cho tri thức và chân lý phổ quát khách quan để tất cả mọi người và mọi nền văn hóa đều có thể tiếp nhận. Tuy nhiên, trong môi trường trí tuệ hậu hiện đại, khoa học chỉ trở thành một trong số rất nhiều câu chuyện kể, có thể lấy sự kiện thực nghiệm làm điểm xuất phát hoặc không, và tất cả đều có thể được coi là hợp lệ. Do đó, sự chắc chắn về mặt khoa học khi đề cập đến những vấn đề như biến đổi khí hậu có thể bị phủ nhận hoặc giải thích dựa trên các kiểu lý luận khác, chứ không nhất thiết phải dựa vào bằng chứng khoa học đã được chứng minh. Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với bất kỳ vấn đề nào khác trong cuộc sống con người, bởi vì việc đánh giá thực tế không còn phụ thuộc vào các sự kiện đã được chứng minh và chấp nhận cách khoa học.

Những trình bày trên cho thấy, những gì bắt đầu có vẻ như là một “trào lưu trí tuệ”, theo cách nói của nhà triết học Daniel Dennett, đã để lại những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng đối với nhân loại, đặc biệt là làm xói mòn và thậm chí bác bỏ khái niệm chân lý. Dennet tuyên bố:

Đôi khi, quan điểm có thể gây ra những hậu quả đáng sợ mà có thể thực sự trở thành thật. Tôi nghĩ những gì mà những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại đã làm thực sự là xấu xa. Họ có trách nhiệm gây nên trào lưu trí thức cho rằng, việc nghi vấn chân lý và sự thật là điều đáng tôn trọng. Có những người xung quanh chúng ta chế giễu: "Chắc bạn thuộc về cái đám người vẫn còn tin vào sự thật.”

[27] 

Trên thực tế, thông tin sai lệch và lừa dối, đặc biệt là thông tin được sử dụng trong các chiến dịch tuyên truyền của các chính phủ quốc gia, hầu như không có gì là mới trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, bối cảnh hậu sự thật lại thể hiện một số đặc điểm khác biệt. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề không chỉ đơn giản là phổ biến thông tin sai lệch mà còn là thái độ của mọi người đối với loại thông tin này. Thứ nhất, về phía những người gieo rắc gian dối, họ dường như không bao giờ rút lời hay điều chỉnh nội dung, ngay cả khi phải đối mặt với bằng chứng hiển nhiên rằng những gì đã nói là sai lệch một cách trắng trợn. Nhiều nhà lãnh đạo chính trị trên khắp thế giới nổi tiếng với việc chuyên phát biểu thông tin sai sự thật, nhưng tuyệt đối từ chối nhận sai. Ngay cả khi những bằng chứng về sự sai trái được trình bày trước mắt, họ vẫn phớt lờ sự thật hoặc chỉ đơn giản là tìm cách biện minh cho tính chính xác của những gì đã tuyên bố.

Đặc điểm khác biệt thứ hai của não trạng hậu sự thật liên quan đến thái độ của công chúng đối với các sự kiện được trình bày. Nhiều người dân được tuyên truyền những điều sai trái, sau đó có cơ hội tiếp cận với những bằng chứng về sự giả dối. Thay vì thay đổi quan điểm, họ lại phủ nhận các bằng chứng, tiếp tục tin vào lời nói dối, nhiều khi còn chỉ trích những người cố giúp cho họ nhận thức sự việc cách chính xác hơn. Thái độ và cách xử lý của con người trong thời kỳ hậu sự thật cho thấy rằng, cái gọi là “thời đại thông tin” không hề làm cho chúng ta sáng suốt hơn trong cách tiếp nhận và đánh giá thông tin. Đáng ngạc nhiên là khi các nhà lãnh đạo bị phát hiện đã nói sai sự thật, họ dường như rất ít phải chịu hậu quả cho hành động giả dối. Trong thời đại thông tin này, sự thiếu hiểu biết trong cộng đồng không phải do thiếu dữ kiện, mà là do sự chủ tâm phủ nhận những sự kiện rất cơ bản một cách lan tràn trong xã hội. Não trạng ngày nay không khuyến khích người dân đưa ra kết luận dựa trên các thông tin đáng tin cậy, mà chủ yếu dựa trên cảm nhận cá nhân. Như Lee McIntyre nhận xét, “Sự hư hỏng của quá trình mà các dữ kiện được thu thập một cách đáng tin cậy và được sử dụng một cách đáng tin cậy để hình thành niềm tin của một người về thực tế… làm xói mòn ý tưởng rằng một số điều là đúng bất kể chúng ta cảm thấy thế nào về chúng; sự thật có ích lợi cho chúng ta (cũng như các nhà hoạch định chính sách quốc gia) nên chúng ta phải cố tìm cho ra.”[28] Thật vậy, việc thúc đẩy và củng cố những lập trường dựa trên cảm xúc, bất kể chứng cớ phản ánh cách rõ rệt tư duy hậu sự thật, điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng ở cấp độ địa phương và toàn cầu — suy thoái môi trường không còn cách khắc phục được, gia tăng chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và thêm xung đột giữa các sắc tộc.

Từ những bằng chứng thực nghiệm được trình bày trong bài viết này cũng như từ các nguồn khác, có thể thấy tư duy hậu sự thật đã được củng cố và duy trì nhờ sự phát triển của internet và các ứng dụng liên quan. Mặc dù là một nguồn kiến ​​thức vô biên có tiềm năng đưa nhân loại lên một đỉnh điểm mới về mặt trí tuệ, nhưng công nghệ này không may đã bị những cá nhân và tổ chức thiếu thiện chí lợi dụng để tạo ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Các nhà phát minh và nhà phát triển công nghệ internet đã hình dung ra một thế giới được thăng tiến và công bằng nhờ vào sự đối thoại và chia sẻ thông tin một cách cởi mở và rộng rãi đến mọi người trên toàn cầu. Người ta hy vọng rằng các chân lý và giá trị cơ bản có thể được thống nhất khi mọi người chia sẻ thế giới quan của mình cũng như quan điểm văn hóa và tôn giáo. Trên thực tế, thế giới kể từ năm 1990, năm mà công nghệ World Wide Web ra đời, cho đến nay đã không diễn ra như mong đợi. Mặc dù chúng ta có thể thấy được rất nhiều lợi ích mà công nghệ internet đã mang lại cho con người, nhưng để tìm ra những bằng chứng ngược lại cũng không mấy khó khăn.

Nguyên do cho sự đối nghịch này là vì internet có khả năng tách biệt mọi người không kém gì khả năng đưa chúng ta đến với nhau. Trong không gian mạng, chúng ta có quyền chọn gặp gỡ, trao đổi và ủng hộ chỉ những người có cùng quan điểm và niềm tin với mình. Mặc dù chúng ta có thể chọn truy cập các diễn đàn và tham gia với những người có quan điểm chính trị, xã hội, tôn giáo và văn hóa khác với chúng ta, nhưng trên thực tế, đa số chúng ta chỉ chọn nối kết với những người mà chúng ta cảm thấy thoải mái nhất. Đó là những người có những cách nhìn trùng hợp với suy nghĩ của chúng ta, giúp cho chúng ta cảm thấy được củng cố trong thế giới quan của mình. Những người cố tình tham gia vào các diễn đàn có người mang quan điểm đối lập tham gia, không ít khi là các dư luận viên được chính phủ hoặc tổ chức nào đó trả tiền để bảo vệ ý thức hệ của họ hoặc để đánh lạc hướng dư luận. Chính phủ Nga, Trung Quốc và Philippines đã bị cáo buộc sử dụng số lượng lớn người cho nhiệm vụ này.

Trong công nghệ internet ngày nay, việc sử dụng các thuật toán để xử lý và giới thiệu thông tin đến người dùng càng dẫn đến tình trạng chúng ta chỉ tiếp cận được thông tin một chiều, loại thông tin mà chúng ta muốn nhận được, đặc biệt là loại thông tin giúp củng cố các lập trường sẵn có của chúng ta. Mặc dù ở trong thế giới mạng bao la không biên giới ngăn cách, nhưng chúng ta ngày càng tự cô lập mình trong những bong bóng kỹ thuật số (digital bubble). Những gì không phù hợp với sở thích của mình sẽ bị lọc ra bên ngoài với sự hỗ trợ của các lập trình thuật toán. Vì thế, trải nghiệm trực tuyến của một người theo chủ nghĩa chính thống Hindu chống Hồi giáo phần lớn sẽ là một sự trấn an và củng cố rằng thế giới quan của họ là một thế giới quan đúng đắn. Những người chống chính phủ đương nhiệm ở Thái Lan sẽ dễ dàng gặp được vô số người trên mạng có cùng quan điểm cho rằng, thủ tướng hiện tại, Prayut Chan-o-cha, người lên nắm quyền vào năm 2014 do một cuộc đảo chính quân sự, nên được thay thế bằng một nhà lãnh đạo khác có năng lực hơn. Đó cũng là trường hợp của những người ủng hộ hoặc phản đối Tổng thống Jair Bolsonaro ở Brazil và Tổng thống Rodrigo Duterte ở Philippines. Vì thế, hành động tự tách biệt này dẫn đến việc tiếp cận thông tin chỉ là để củng cố quan điểm của một cá nhân hoặc của một nhóm người, dẫn đến sự phân cực tôn giáo, xã hội và chính trị ngày càng thêm nghiêm trọng. Giáo sư Cass Sunstein nhận xét:

Nếu nguồn cấp dữ liệu Twitter của bạn chỉ bao gồm những người nghĩ như bạn, hoặc nếu bạn bè trên Facebook của bạn có cùng niềm tin với bạn, thì việc tranh luận sẽ bị hạn chế rất nhiều. Thật vậy, những biến chuyển sẽ xảy ra với những cá nhân không tham gia thảo luận mà thay vào đó chỉ tham khảo ý kiến — trên đài phát thanh, truyền hình hoặc internet — những nguồn mà họ quen thuộc. Xu hướng của các cuộc tham vấn như vậy là để cố thủ và củng cố các quan điểm đã có sẵn, điều này thường dẫn đến chủ nghĩa cực đoan.[29]


Phản ứng của Giáo hội

 

Bất chấp những lời phàn nàn về tư duy hậu sự thật đang tràn ngập trong xã hội hiện đại, khi nhìn kỹ vào vấn đề, chúng ta nhận thấy bản thân thuật ngữ này đã tiết lộ rằng, “sự thật” vẫn là điểm tham chiếu chính trong việc suy tư và lý luận của con người. Mặc dù nạn tin giả, thông tin sai lệch và sự dối trá trắng trợn nhiều khi gây ra những hậu quả rất tiêu cực, bằng cách đánh lạc hướng hoặc định hướng dư luận của công chúng trong các vấn đề quan trọng trong xã hội, nhưng trong thực tế, nó đã không thể loại bỏ sự hiểu biết ngầm rằng, tính trung thực vẫn là tiêu chí tối hậu để đánh giá một thông tin.

Trong khi thuật ngữ “hậu sự thật” phản ánh một thái độ tri thức tiêu cực, thậm chí cực đoan, đang hiện hành trên thế giới, nó cũng nhắc nhở chúng ta về vai trò của “sự thật” trong quá trình xem xét và cân nhắc các vấn đề trong cuộc sống. Do đó, chúng ta không nên đơn giản xem thuật ngữ này như là bằng chứng phản ánh một lối tư duy đầy hoài nghi và thất bại đang lan tràn trong xã hội loài người. Đối mặt với tư duy hậu sự thật, chúng ta cũng không nên chỉ phản ứng bằng việc hoài niệm về một thời đã xa, khi mà chúng ta luôn cảm thấy an tâm và chắc chắn vào những nguồn tin có thẩm quyền và đáng tin cậy, hầu giúp chúng ta vững trí và vững lòng chèo lái giữa muôn ngàn giông bão trong cuộc sống.

Thực trạng này còn nhắc nhở và mời gọi chúng ta phải nỗ lực duy trì và cổ võ cho giá trị của những gì được coi là sự thật, ngăn cản không để cho những chân lý bị đào thải khỏi cuộc sống cá nhân và tập thể con người. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI trong Thông điệp Caritas in Veritate (Bác Ái Trong Chân Lý) kêu gọi “tìm kiếm, khám phá và diễn đạt” về chân lý qua đức ái. Điều này “không những chúng ta phục vụ tình yêu được chân lý soi sáng, mà còn mang lại tính khả tín cho chân lý, chứng minh sức thuyết phục và minh xác của chân lý trong bối cảnh thực tiễn của đời sống xã hội. Đây không phải là vấn đề nhỏ ngày nay, trong bối cảnh văn hóa và xã hội đang tương đối hóa chân lý, ít quan tâm tới chân lý, lại còn không muốn nhìn nhận sự hiện hữu của chân lý.”[30]

Khi nói về chân lý hay sự thật, chúng ta nên ý thức rằng, bản thân sự thật không có nghĩa là một thực thể nguyên khối. Thật vậy, Julian Baggini trong cuốn sách A Short History of Truth: Consolations for a Post-Truth World (Lịch sử vắn tắt về sự thật: Những an ủi cho thế giới hậu sự thật) đã liệt kê 10 loại sự thật khác nhau bao gồm: sự thật vĩnh cửu, sự thật có thẩm quyền, sự thật bí truyền, sự thật lý luận, sự thật thực nghiệm, sự thật sáng tạo, sự thật tương đối, sự thật mạnh mẽ, sự thật đạo đức và sự thật toàn diện.[31] Ngoài những loại sự thật nói trên, chúng ta có thể thêm vào danh sách này "sự thật đời thường", đó là sự thật liên quan đến cuộc sống hằng ngày mà chúng ta dựa vào để hoạt động và tồn tại. Chẳng hạn, chúng ta lên kế hoạch cho các sinh hoạt thường nhật với niềm tin rằng sẽ luôn có 24 giờ trong một ngày, đủ cho chúng ta làm việc, dùng bữa, hẹn uống cà phê với một người bạn thân và nghỉ ngơi. Khi chúng ta tham khảo lịch phát sóng truyền hình, thấy có một chương trình thú vị sẽ diễn ra vào giờ nào đó, chúng ta tin rằng, đến giờ ấn định, bật TV lên sẽ được thưởng thức chương trình đó. Chúng ta hoạt động với niềm tin rằng, thời gian trong ngày của chúng ta sẽ không bỗng nhiên bị trừ đi một tiếng, hoặc đài truyền hình sẽ chủ ý đăng lịch phát sóng sai chỉ để lừa đảo chúng ta.

Mặc dù sự thật cần phải được hiểu trong các lĩnh vực cụ thể của chúng, nhưng hiểu biết trực quan của chúng ta về bản chất của sự thật không khác xa với định nghĩa của Aristotle rằng: "Nói cái phải là không phải, hoặc cái không phải là phải, là sai; còn nói cái phải là phải, và cái không phải là không phải, ấy là sự thật.”[32] Nói một cách đơn giản hơn, có thì nói có, không thì nói không, không được bóp méo, xuyên tạc, thêm thắt (x. Mt 5,37).

Nhận thức được điều này, chúng ta sẽ nhận ra rằng não trạng hậu sự thật không ngụ ý đến một tình trạng mà chúng ta không còn hiểu chân lý nghĩa là gì, hoặc rằng sự thật đã mất đi vị trí hay vai trò của nó trong quá trình suy luận của chúng ta. Thiết nghĩ nếu chúng ta không tin sự thật hiện hữu hoặc cho rằng nó không còn vai trò gì trong đời sống của chúng ta, thì việc chỉ để sống cuộc sống hằng ngày với những sinh hoạt cơ bản nhất như ăn uống, đi lại cũng không thể thực hiện nổi. Vì thế, chính xác hơn, bối cảnh hậu sự thật phản ánh một tình trạng đầy thách đố, đó là nhiều người trong chúng ta không thể chắc chắn về tính hợp lý của một số điều được cho là sự thật được trình bày với chúng ta, cũng như mức độ đáng tin cậy của cá nhân hay tổ chức truyền đạt điều đó. Vấn đề cốt lõi nằm ở sự khúc mắc trong quá trình xác lập sự thật do thiếu sự tin tưởng giữa bên cung cấp thông tin và bên tiếp nhận thông tin. Sự chán chường và thái độ ngờ vực của nhiều người đối với sự thật không phải do họ không có nhu cầu tìm ra sự thật hoặc họ chê ghét sự thật, mà là do nhiều lý do khiến khả năng phân định và phân biệt giữa sự thật chân chính và sự thật giả mạo đã bị suy giảm. Đứng trước sự ngờ vực và bối rối về tính đích thực của cái được cho là sự thật, nhiều người lựa chọn phương pháp đi theo điều hấp dẫn họ nhất về mặt cảm xúc, thay vì phải phán đoán dựa trên lý luận. Tuy vậy, quan điểm cho rằng thế giới hiện nay không còn chỗ cho sự thật là một ngộ nhận. Như Baggini đã quan sát:

Chính những dữ liệu cho thấy sự suy giảm trong hơn một thế kỷ vừa qua liên quan tới việc sử dụng từ “sự thật” cũng chỉ ra sự phục hưng của thế kỷ XXI về khái niệm này. Chúng ta thậm chí sẽ không nói về hậu sự thật nếu chúng ta không nghĩ rằng sự thật quan trọng. Thế giới chưa sẵn sàng cũng như không muốn nói lời tạm biệt với sự thật, ngay cả trong chính trị, là lĩnh vực mà đôi khi dường như sự thật đã ra đi.[33]

Thật vậy, đối với mỗi "lời nói dối" mà một nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng phát biểu hoặc tweet, các phương tiện truyền thông chính thống phải mất hàng giờ để mổ xẻ sự trung thực hay sai trái của nó. Nếu vấn đề chính không phải là sự coi thường hoàn toàn sự thật, mà là sự nhầm lẫn về độ tin cậy của sự thật, điều này đặt ra cho chúng ta – đặc biệt là các thể chế tôn giáo – một trọng trách phải chủ động ứng phó với tình trạng hiện nay. Vì Kitô giáo, cũng như các tôn giáo khác, luôn quan tâm đến hạnh phúc của nhân loại trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống, nên Giáo hội sẽ mất mát rất nhiều, nếu những gì Giáo hội truyền dạy chỉ có sức nặng ngang với một vlogger hoặc một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội với số lượng người theo dõi cao. Thách thức đối với Giáo hội là phải hiểu sâu sắc tính phức tạp của tình hình xã hội hiện nay, đặc biệt là não trạng và lối tư duy của con người thời đại mới. Ngày càng nhiều người cảm thấy các niềm tin truyền thống và kiến ​​thức khoa học hiện đại dường như mâu thuẫn với nhau. Nhiều người, đặc biệt là sinh viên đại học ở Tây phương cho rằng giữa khoa học và tôn giáo không thể hòa giải hoặc hòa hợp với nhau. Theo các nghiên cứu thì sự ngộ nhận về xung đột một cách không thể giải hòa giữa tôn giáo và khoa học là nguyên do lớn nhất khiến nhiều người trẻ tại Hòa Kỳ trở nên người “không theo bất cứ đạo gì”. Bậc thang giá trị, lối suy nghĩ và truyền thống địa phương đang ngày càng bị giới trẻ xem thường. Sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tạo nên nhiều kênh thông tin tự do, khó bị kiểm soát bởi các cơ chế chính quyền. Chúng trở nên nguồn cung cấp các thông tin phơi bầy sự lừa dối ở những lãnh đạo chính trị, xã hội, tôn giáo…mà trước đây dường như nằm ngoài sự giám sát của công chúng.

Nhưng không chỉ tôn giáo mới bị con người thời nay ngờ vực và đưa lên mổ xẻ. Ngay cả sự chính thống trong khoa học như sự đồng thuận về biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu cũng có thể bị bác bỏ bởi một số tổ chức và cá nhân chủ trương phủ nhận hiện tượng này vì lợi ích riêng. Gần đây nhất chúng ta thấy ở Hòa Kỳ việc tiêm chủng vắc-xin để phòng ngừa bệnh Covid-19 đã trở nên một vấn đề đầy tranh cãi vì nhiều người không tin rằng, những lời khuyên và phát biểu của các nhà khoa học, bác sĩ chính thức của chính quyền đáng tin cậy. Ngay cả giữa thành phần người Công giáo (trong đó có cả giới linh mục, tu sĩ), nhiều người khẳng định rằng việc tiêm chủng hay không là vấn đề của lương tâm cá nhân mà không ai có thể can thiệp, mặc dù chính Đức Thánh Cha và các hồng y, giám mục tại châu Mỹ đã từng lên tiếng kêu gọi mọi người tiêm vắc-xin. Đức Thánh Cha cho rằng đây là “một hành động yêu thương.”[34]

Đứng trước thực trạng này, Giáo hội cần khiêm tốn chấp nhận rằng tôn giáo truyền thống và chính thống cũng ngày càng bị xem như là những “món hàng” được rao bán trên thị trường, có thể được đón nhận hoặc có thể bị từ chối nếu không hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Với bối cảnh hiện tại, tất cả các trụ cột của xã hội hiện đại đều có cơ hội bị đánh gục bởi những người cảm thấy rằng họ muốn xây dựng xã hội dựa trên các chất liệu khác. Nói tóm lại, khía cạnh then chốt nhất của bối cảnh hậu sự thật là bất kỳ phiên bản nào của sự thật, kể cả những phiên bản từng được coi là vững bền, không thể tranh cãi, đều có thể bị thách thức bởi bất kỳ ai bất cứ lúc nào. Điều đáng nói là ngày nay sự thách thức các thể chế có lịch sử hàng nghìn năm có thể được thực hiện chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet.

Sứ mệnh đối thoại

 

Đối mặt với vấn nạn hậu sự thật, Giáo hội có thể chọn đi theo dòng chảy, chấp nhận thực tế này như một sự việc không thể tránh khỏi của quá trình tục hóa và dân chủ hóa đang diễn ra trên toàn cầu; hoặc Giáo hội có thể nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, suy tư và phân định, đồng thời tìm được tiếng nói nhằm vượt ra khỏi tình trạng hỗn độn trong xã hội. Trong thời đại quá tải thông tin, có những tiếng nói trái ngược nhau, cũng như những thông điệp không nhất quán xuất phát từ hoặc nói về Kitô giáo, Giáo hội phải đương đầu với tình trạng này bằng cách dấn thân mạnh mẽ vào một chương trình đối thoại với các tôn giáo bạn cũng như với các giáo phái Kitô giáo khác. Theo nhà thần học Công giáo người Mỹ gốc Việt Peter C. Phan, đối thoại giữa các tôn giáo là điều bắt buộc trong thế giới toàn cầu hóa hiện đại được định hình bởi sự di cư quốc tế, công nghệ truyền thông và các sự kiện chính trị và xã hội. Phan nhận xét, "Tôn giáo không thể hoạt động một cách xác thực và thực sự, và không thể đạt được mục tiêu của mình nếu không tham gia đối thoại với các tôn giáo khác.”[35] Đối với Phan, các truyền thống tôn giáo thường xuyên giao tiếp với nhau thông qua các hình thức đối thoại khác nhau là một phần tự nhiên và thiết yếu của tôn giáo trong thế giới đương đại. Tuy nhiên, đó là một thế giới đầy rẫy những nguy cơ xung đột giữa các tôn giáo và ngay cả trong nội bộ của mỗi tôn giáo.

Tư duy hậu sự thật được đặc trưng bởi vô số tin tức giả mạo không được kiểm soát đòi hỏi các tôn giáo không chỉ mạnh dạn đối thoại với tín đồ của mình, mà còn phải đối thoại một cách cởi mở với nhau để tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau, giải quyết các xung đột giữa các tôn giáo, đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng xấu từ những người theo chủ nghĩa cơ yếu (fundamentalism) và chủ nghĩa cực đoan (extremism). Để đối phó với những nhóm hoặc người cố tình tạo xung đột giữa các tôn giáo nhằm đạt được lợi ích cá nhân, các truyền thống tôn giáo cần có tiếng nói chung, thông qua quá trình đối thoại liên tôn để duy trì sự hòa hợp tôn giáo, đồng thời đạt được những mục tiêu cao cả mà tất cả các tôn giáo đặt ra cho các tín đồ của mình cũng như cho toàn thể nhân loại.

Về phía Giáo hội Công giáo, đối thoại liên tôn không phải là một khái niệm hoặc hoạt động mới lạ. Từ lâu, Giáo hội đã ý thức được rằng đối thoại liên tôn gắn liền với sứ mạng cũng như chính sự tồn vong của Giáo hội. Năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố trong Thông điệp Ecclesiam Suam rằng: “Đối thoại là một phương thức mới để trở thành Giáo hội” (Dialogue is a new way of being Church).[36] Hơn năm thập kỷ sau, phải nói rằng, đối thoại không còn là điều gì mới mẻ, cũng không phải chỉ là một phương thức, nhưng thật ra, đó chính là cách để Giáo hội trở thành Giáo hội và thực hiện sứ mệnh truyền giáo của mình. Điều này được chứng kiến qua hàng loạt văn kiện của Giáo hội bàn thảo về đối thoại và thái độ đối với các tôn giáo bạn như: – Sắc lệnh Ad Gentes (Hoạt động Truyền giáo); Tuyên ngôn Nostra Aetate (Giáo Hội Với Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo) của Công Đồng Vatican II; Tông thư Missio Redemptoris (Sứ Vụ Đấng Cứu Thế) (1990) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ; Tông huấn Ecclesia in Asia (Giáo Hội Tại Châu Á) của Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu (1999); Tông thư Dialogue and Mission (Đối Thoại Và Truyền Giáo) (1984) và Tông thư Dialogue and Proclamation (Đối Thoại Và Công Bố Tin Mừng) (1991) của Đức Gioan Phaolô II.

Về mặt lý thuyết, nội dung từ tất cả những văn kiện này chứng tỏ đối thoại là một hoạt động không thể tách rời khỏi đời sống và sứ mạng của Giáo hội Công giáo. Bên cạnh những tuyên bố mang tính lý thuyết, Giáo hội cũng đã có rất nhiều những thực hành để thúc đẩy đối thoại liên tôn và xây dựng tinh thần liên đới giữa các tôn giáo. Tại Vatican vẫn thường xuyên tổ chức những buổi gặp gỡ giao lưu giữa Công giáo và các tôn giáo bạn. Ngoài ra các vị giáo hoàng trong các chuyến tông du luôn chú tâm đến việc gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo bạn ở quốc gia mà các ngài tới thăm. Đây chỉ là những hoạt động bề nổi của vô số hoạt động liên tôn cụ thể khác đang diễn ra ở mọi cấp độ của Giáo hội trên toàn thế giới.

Vì thế, đối thoại không phải là một lựa chọn trong nhiều lựa chọn khác nhau, nhưng là lựa chọn thiết yếu không thể bỏ qua trong việc thực thi sứ mạng mà Thiên Chúa đã giao phó cho Hội Thánh. Sứ mạng của Giáo hội như đã được khẳng định là “loan báo Nước Thiên Chúa được thiết lập trên trần gian này trong Chúa Giêsu Kitô, qua sự sống, cái chết và sự phục sinh của Người.”[37] Sứ mạng này bắt nguồn từ sứ mạng và sứ vụ của chính Chúa Giêsu, đó là công bố vương quốc của Đức Chúa Trời – kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, tham dự vào vương quốc và làm việc cho vương quốc của Đức Chúa Trời. Như Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes tuyên bố: “Giáo hội chỉ có một mục đích duy nhất – đó là Nước Trời có thể trị đến và sự cứu rỗi loài người có thể được hoàn thành.”[38]

Nước Trời mà Chúa Giêsu đã công bố và Giáo hội luôn cổ vũ hết sức nhiệt tình trong mọi thời đại là gì? Thứ nhất, đó là nơi hòa bình vượt thắng mọi xung đột và bạo lực, như nhà tiên tri Isaia đã minh họa tuyệt vời bằng những hình ảnh con sói sống cùng cừu con, và trẻ thơ sẽ chăn dắt cả sư tử và bò tơ (Is. 11,6). Trong Vương quốc này, những con người và nhóm người trước đây trải qua những cuộc xung đột và đổ máu, nay có thể đến với nhau trong tình bằng hữu và sự hòa hợp. Thứ hai, Nước Trời là một nơi mà sự hòa nhập được coi trọng hơn sự loại trừ hay sự ưu tiên cho những người giàu có, tri thức, quyền lực. Chúa Giêsu đã luôn thiên về lối hòa nhập này suốt thời gian Ngài thực hiện sứ vụ, bằng những hành động như dùng bữa với nhiều đối tượng khác nhau – những người thuộc thành phần thượng lưu trong xã hội Do Thái cũng như các tội nhân. Ngài trò chuyện với những người bình thường cũng như các thành viên của tầng lớp chính trị. Ngài vượt qua các rào cản văn hóa, tôn giáo, giới tính để trò chuyện với một phụ nữ Samari, và thậm chí chạm vào một người bị bệnh phong. Thứ ba, Nước Trời là nơi dành sự quan tâm ưu tiên cho những người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nhà thần học giải phóng người Sri Lanka Aloysius Pieris, S.J. khẳng định rằng giữa Đức Chúa Trời và người nghèo có một hiệp ước bảo vệ giúp đảm bảo quyền tự do và chiến thắng cuối cùng của họ.[39] Chính vì sự quan tâm ưu tiên này đối với những người thấp cổ bé họng mà ngay từ đầu sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng Ngài đã được xức dầu và được sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho người nghèo, công bố tự do cho các tù nhân, và giải thoát những người bị áp bức (Lc 4,18).

Viễn tượng tốt đẹp của Chúa Giêsu về Nước Trời là một nơi hòa bình, công lý và lòng trắc ẩn tiếp tục là viễn tượng của Giáo hội khi Giáo hội tìm cách loan báo Nước Trời thông qua sứ vụ đối thoại giữa các tôn giáo. Cuộc đối thoại liên tôn này, như Hội đồng Giáo Hoàng về Đối thoại Liên tôn đã khẳng định, không chỉ dành riêng cho các chuyên gia mà là trách nhiệm của toàn thể Giáo hội. “Được hướng dẫn bởi giáo hoàng và các giám mục của họ, tất cả các giáo hội địa phương và tất cả các thành viên đều được kêu gọi đối thoại.”[40] Các thành viên của Giáo hội thực hiện các hình thức đối thoại khác nhau — về cuộc sống, hành động, trao đổi thần học, kinh nghiệm tôn giáo — tùy thuộc vào chuyên môn, trách nhiệm của họ trong Giáo hội và tình trạng đời sống của họ.

Dù là thông qua hình thức này hay hình thức khác, hay kết hợp giữa bốn hình thức đối thoại nêu trên, mục đích của đối thoại liên văn hóa và liên tôn trong sứ mạng của Giáo hội không chủ trương thuyết phục tất cả mọi người gia nhập Kitô giáo, mà là hoán cải lòng người để phục vụ Vương quốc hòa bình, hòa hợp và đầy lòng thương xót của Chúa. Paul F. Knitter nhận xét rằng, “Cho dù một nhà truyền giáo không có trường hợp rửa tội nào để báo cáo, nhưng người đã giúp người Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo và Cơ đốc giáo sống với nhau và làm việc với nhau một cách yêu thương và công bình, người ấy là một môn đệ thành công của Đức Kitô.”[41] Tuy nhiên, việc đối thoại liên tôn không loại trừ khả năng các thành viên của các tôn giáo khác quyết định gia nhập Kitô giáo khi họ được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và lương tâm tự do của họ quyết định làm điều dó. Dù sao đi chăng nữa thì việc cải đạo không cần và không nên là chủ trương, cho dù là ngấm ngầm hay công khai, của công việc đối thoại liên tôn, một hoạt động mà sự cởi mở và tin tưởng lẫn nhau là quy tắc không thể thiếu được.

Đối thoại là cách thức để trở thành Giáo hội, tức là để thực hiện sứ mạng của Giáo hội bởi vì, theo lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đối thoại “ở mức độ sâu xa nhất của nó luôn luôn là một cuộc đối thoại của ơn cứu độ, bởi vì nó tìm cách khám phá, làm sáng tỏ và hiểu rõ hơn những dấu hiệu của cuộc đối thoại lâu đời mà Đức Chúa Trời duy trì với nhân loại."[42] Giáo hội chứng tỏ mình trung thành với sáng kiến ​​thiêng liêng này khi tham gia vào cuộc đối thoại với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoán cải mọi dân tộc về Nước Thiên Chúa. Paul F. Knitter chỉ ra rằng đối thoại không chỉ đơn giản là lắng nghe và học hỏi từ / về người khác.

Khía cạnh khác của đối thoại là nói, tức là công bố và làm chứng về ​​những gì chúng ta cho là sự thật. Chia sẻ niềm xác tín của chúng ta vào Chúa Giêsu là Đường, Sự thật và Sự sống, cũng là một nhiệm vụ quan trọng không kém việc kiên nhẫn lắng nghe người khác nói về niềm tin tôn giáo của họ. Trong Tin Mừng của Gioan, khi ông Tôma vốn là người có tính hay nghi ngờ, hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, chúng con không biết con đang đi đâu, vậy làm sao chúng con biết đường?” Chúa Giêsu đã trả lời: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,5-6). Câu trả lời ngắn gọn của Chúa Giêsu đảm bảo với Tôma rằng bất kỳ sự ngờ vực và băn khoăn nào về tương lai đều có thể được giải quyết một cách triệt để khi ông nhận ra và thấu hiểu cách chính xác về Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu là đường đi. Khi Chúa Giêsu Kitô tuyên bố chính Ngài là con đường dẫn đến Đức Chúa Cha, nguồn sống đích thực, Ngài đang nói về một phương thức mới để hiện diện và hoạt động trong đời. Thời giáo hội sơ khai, những người đi theo Chúa Giêsu thường được biết đến là những người theo Đạo, hay thuộc về Con Đường (belonged to the Way) (Cv 9,2; 11,26; 19,9; 24,22). Chẳng hạn, Thánh Phaolô đã tự giới thiệu mình với Tổng trấn Rôma rằng: “Nhưng điều này tôi thú nhận với ngài, rằng theo Đường, mà người ta gọi là một giáo phái, tôi thờ phượng Đức Chúa của tổ phụ chúng tôi, tin mọi điều do Luật pháp quy định và được chép trong các sách Tiên tri” (Cv 24,14). Mặc dù trong tiếng Anh, các Kitô hữu ngày nay không tự gọi mình và cũng không được coi là người thuộc về “Con đường”, nhưng người Việt Nam chúng ta vẫn tự xưng hoặc được gọi là những người “theo đạo” hoặc người “có đạo”, mà đạo chính là đường đi tới hạnh phúc đích thực, sự sống sung mãn. Người Công giáo Việt Nam xác tín rằng, “đạo/đường” của chúng ta là Chúa Giêsu, là Con Đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu.

Việc mô tả các Kitô hữu thời kỳ đầu như những người “bước theo Con Đường” rất có thể bắt nguồn từ chính cách Chúa Giêsu đã nói về mình như được minh chứng trong tuyên bố ở trên. Bằng cách tự đề cập đến mình cách tương tự, các Kitô hữu đã nêu bật một lối sống đặc biệt khác với những lối sống của những người xung quanh, đặc biệt là các dân ngoại. Đối với các Kitô hữu, đó là một lối sống bao gồm thành tâm ăn năn tội lỗi, mến Chúa yêu người (ngay cả kẻ thù), và loan báo Nước Trời chan chứa tình yêu, sự hòa hợp, hòa bình và công lý. Con đường do Chúa Giêsu vạch ra và được nhiều thế hệ Kitô hữu noi theo phải tiếp tục là con đường mà các Kitô hữu đương thời can đảm bước theo cũng như công bố trong đời sống và trong hoạt động đối thoại giữa các tôn giáo.

Sự thật. Khi Chúa Giêsu tuyên bố mình là Đường đi, Ngài cũng củng cố niềm tin của các môn đệ vào Ngài bằng cách xác nhận rằng Ngài chính là “Sự thật”. Trong cuộc sống, con đường để bước đi có rất nhiều lối với những khúc quanh co, gồ ghề, gian nguy, người ta có thể dễ dàng bị dẫn vào con đường sai lầm do thiếu hiểu biết, si mê và lừa dối. Chọn con đường sai lầm có thể dẫn đến bất hạnh, tù đày, hoặc thậm chí là cái chết và sự đau khổ đời đời. Tuy nhiên, theo Chúa Giêsu, chúng ta tin rằng Ngài sẽ dẫn chúng ta đi trên con đường dựa trên lẽ thật, sẽ dẫn chúng ta đến tự do (Ga 8,32), tình yêu đích thực và sự sống sung mãn. Chúa Giêsu cũng khẳng định Ngài đến thế gian này không gì ngoài mục đích “làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37). Giáo hội và các tín hữu trong Hội Thánh sẽ thể hiện rõ nét và đúng đắn bản chất của mình, khi chúng ta can đảm công bố những chân lý mà Chúa đã mặc khải cho chúng ta. Theo Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI,

Chân lý là LOGOS – LỜI, Lời tạo nên DIA-LOGOS – ĐỐI THOẠI và do đó, kiến tạo truyền thông và hiệp thông. Khi giúp con người thoát khỏi những ý kiến và ấn tượng chủ quan, chân lý giúp họ có khả năng vượt lên trên những giới hạn văn hóa và lịch sử, giúp nhau xác định giá trị và bản chất của mọi vật. Chân lý khai mở và kết hợp tâm trí của chúng ta với LOGOS của tình yêu: đó là sứ điệp và chứng tá của tình yêu Kitô giáo. Trong môi trường văn hóa xã hội hiện hành có xu hướng tương đối hóa chân lý, việc sống bác ái trong chân lý giúp người ta hiểu rằng việc gắn bó với các giá trị Kitô giáo không những hữu ích, nhưng còn là một yếu tố tất yếu để xây dựng một xã hội tốt đẹp và giúp phát triển con người cách toàn vẹn và đích thực.[43]

Trong việc này, chúng ta không thể bỏ qua việc công bố Chúa Giêsu là hiện thân tối hậu của chân lý mà nhân loại từng biết. Tác giả và nhà tâm lý học nổi tiếng Jordan Peterson chỉ ra rằng, trong sách Sáng thế ký, qua Logos (Ngôi Lời) mà Thiên Chúa đã tạo nên trật tự tốt lành từ tình trạng hỗn loạn.[44] Theo Peterson, trật tự được kiến tạo khi có sự hiện diện của Lời nói yêu thương và can đảm của Chân lý. Đức Kitô – Ngôi Lời nhập thể – đã tự nguyện hy sinh chính mình vì chân lý, vì sự tốt lành, vì Thiên Chúa.[45] Nếu như Chúa Giêsu – Ngôi Lời nhập thể, Lời nói sự thật – chính là phương thức kiến tạo nên trật tự trong vũ trụ từ thời nguyên thủy, vai trò của Ngài vô cùng thiết yếu trong bối cảnh hậu sự thật ngày nay. Trong một thế giới ngày càng hỗn loạn, sự thật ngày càng bị phớt lờ, không được tôn trọng, việc công bố Chúa Giêsu là “Sự thật” không thể thiếu được trong chương trình Phúc Âm hóa của Giáo hội. Trong điều này, Giáo hội không thể nhân nhượng hay dè dặt, bất kể xã hội đang ưa chuộng những trào lưu tư duy nào.

Sự sống. Chúa Giêsu đã tuyên bố, “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Tuyên bố này của Chúa Giêsu khẳng định nguồn gốc Kinh Thánh đối với truyền thống nhân văn Kitô giáo đã được phát triển suốt chiều dài lịch sử của Giáo hội. Chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo được xây dựng theo mẫu gương của Con Người nhập thể là Chúa Giêsu Kitô, Người chính là sự hợp nhất hoàn hảo giữa Thiên Chúa và con người. Lấy cảm hứng từ mầu nhiệm nhập thể, các Kitô hữu cũng được kêu gọi để kết hợp với Thiên Chúa qua việc trở nên hợp nhất với Con Nhập Thể của Người là Chúa Giêsu Kitô. Chính Chúa Kitô trở thành thước đo cho sự phát triển đạo đức, xã hội và tâm linh của con người, và chính Chúa Kitô là Đấng giúp con người chiến thắng sức mạnh của tội lỗi, thấm nhuần trái tim viên mãn công lý, và biểu lộ những chiều kích cao quý của bản chất con người.[46]

Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, một trong những tài liệu quan trọng nhất của Giáo hội Công giáo, tuyên bố rằng chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo được định nghĩa bởi "sự trưởng thành về tinh thần và đạo đức của loài người" và được đặc trưng bởi "trách nhiệm với anh em của mình và với lịch sử."[47] Ngược với chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo là sự suy đồi đạo đức khiến thế giới bị bao trùm bởi “cấu trúc tội lỗi thực sự” và “nền văn minh sự chết” được phản ánh trong sự thiếu tôn trọng sự sống con người, xung đột ở cấp khu vực và toàn cầu, nạn nghèo đói và suy thoái môi trường, và nhiều vấn nạn khác nữa.

Những biểu hiện này phản ánh rõ rệt tình trạng thiếu phát triển con người một cách toàn diện. Do đó, chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo kêu gọi học hỏi Chúa Giêsu trong cách chúng ta đối xử với đồng loại cũng như tạo vật, nhằm thăng tiến trọn vẹn trong mọi lĩnh vực trong đời sống chúng ta. Chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo khẳng định rằng để thành con người đích thực, đạt tới sự hưng thịnh và hạnh phúc viên mãn, phụ thuộc trực tiếp vào hành động của chúng ta đối với bản thân, với người khác và cả với các loài thụ tạo. Nói cách khác, mục tiêu tối hậu của mỗi chúng ta là đạt được sự sống vĩnh cửu trực tiếp phụ thuộc vào việc tuân thủ một chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo, mà Giáo hội đã phát triển và truyền đạt cho chúng ta qua các giáo huấn của Hội Thánh suốt hai nghìn năm qua.

Ba ý niệm mà Chúa Giêsu mô tả về chính Ngài là “Đường”, “Sự thật” và “Sự sống” diễn đạt đầy đủ sứ điệp Kitô giáo mà Giáo hội phải công bố bằng cả lời nói và việc làm. Với tư cách là Nhiệm thể của Chúa Kitô, Giáo hội và các thành viên của mình có nhiệm vụ công bố nhân danh Chúa Kitô, đồng thời noi gương Ngài trong các hành động của mình. Không thể đánh giá thấp giá trị truyền thông của các hành động được nhìn thấy từ các vị lãnh đạo và các thành viên trong Hội Thánh, bên cạnh những lời nói mà người ta được nghe.

Thật vậy, nếu người dân tin vào những gì họ nghe được, đó là bởi vì họ đã quan sát thấy rằng những lời nói đó đã được chuyển thành những hành động cụ thể, trung thực, mang lại sự sống. Liên quan đến sứ mệnh đối thoại liên tôn mà bài viết bàn luận tới, những hành động xác thực nhằm củng cố cho những lời lẽ được công bố cũng là điều bắt buộc. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Chúng ta không áp đặt bất cứ điều gì, chúng ta không áp dụng bất kỳ chiến lược tinh vi nào để thu hút các tín hữu; thay vào đó, chúng ta làm chứng cho những gì chúng ta tin và việc chúng ta là ai với niềm vui và sự đơn sơ."[48]

Đối thoại trong kỷ nguyên kỹ thuật số

Các tài liệu của Giáo hội đã giới thiệu bốn hình thức đối thoại liên tôn mà tất cả mọi người có thể thực hiện với những mức độ khác nhau, như đã đề cập ở trên. Trong khi các hình thức đối thoại cơ bản có thể không thay đổi, việc áp dụng dĩ nhiên phải được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh kỹ thuật số ngày nay. Trong kỷ nguyên số, đối thoại không còn bị giới hạn trong không gian vật lý. Như đã thấy, ngày nay, phần lớn nội dung trình bày ý tưởng và quan điểm của mọi người thường diễn ra trong không gian mạng. Không gian mạng là nơi người ta dùng để truyền bá chủ nghĩa cơ yếu tôn giáo, xuất bản các bản tuyên ngôn cực đoan, tuyển mộ những kẻ khủng bố tiềm năng và đăng tải hướng dẫn cách chế tạo bom để thực hiện các chiến dịch bạo lực. Internet không chỉ là một nền tảng truyền thông đại chúng truyền thống như báo và sách được in trên giấy. Không gian mạng ngày nay đã biến thành một không gian không thể thiếu được trong cuộc sống con người, nó là nơi mọi người được kết nối và tương tác với nhau. Nó là nơi người ta có thể dùng để gây chiến, gieo rắc chia rẻ, hận thù, bạo lực, nhưng cũng có thể là nơi để xây dựng hòa bình, tình liên đới và sự hiệp thông. Vì vậy, đối thoại phải được thực hiện một cách có chủ đích và hệ thống trong không gian này. Như Đức Bênêđíctô XVI đã khẳng định trong Thông điệp cho Ngày Truyền thông lần thứ 47,

Những không gian này, khi được tham gia một cách khôn ngoan và cân bằng, sẽ giúp thúc đẩy các hình thức đối thoại và tranh luận, nếu được tiến hành một cách tôn trọng và quan tâm đến quyền riêng tư, trách nhiệm và sự trung thực, có thể củng cố mối dây đoàn kết giữa các cá nhân và thúc đẩy hiệu quả sự hòa thuận của gia đình nhân loại.[49]

Nếu những người trong Giáo hội đã từng bước vào các nhà thờ Hồi giáo và giáo đường Do Thái để thực hiện đối thoại và xây dựng tình liên đới, thì điều tương tự cũng phải được thực hiện đối với các nền tảng trực tuyến nơi tụ họp của những người thuộc các truyền thống tôn giáo và hệ tư tưởng khác nhau. Tuy nhiên, khi nhìn sâu sắc vào sứ mệnh này, có thể thấy rằng đối thoại trong môi trường không gian mạng thách thức hơn nhiều so với không gian vật lý, một phần bởi vì các thực thể bên trong môi trường này là vô số. Mặc dù cơ hội đối thoại là vô hạn, nhưng không thể phủ nhận làm tốt sứ vụ thực sự rất là khó khăn.

Đối thoại trong kỷ nguyên kỹ thuật số đòi hỏi một nhận thức mới về ý nghĩa của khái niệm “cuộc sống hằng ngày”. Cái gọi là cuộc sống hằng ngày không còn chỉ là chuyện gặp gỡ mọi người ở chợ, ở quán cà phê, hay nơi làm việc. Cuộc sống hằng ngày còn bao gồm tất cả các cuộc gặp gỡ trên phương tiện mạng xã hội, trong đó có “bạn bè” trên Facebook, “những người theo dõi” trên Instagram và Twitter, và những người đồng nghiệp trên các diễn đàn thảo luận. Thuật ngữ “chuyên gia” trong việc đối thoại liên tôn không còn chỉ dành để nói về những người có bằng Thần học, Kinh Thánh, hay Tôn giáo học. Không gian hội thảo các vấn đề không chỉ là các phòng máy lạnh được bài trí đẹp đẽ tại các nhà thờ, học viện, thậm chí cả các phòng hội nghị của khách sạn cao cấp. “Chuyên gia” trong bối cảnh ngày nay còn bao gồm những người có khả năng thâm nhập vào các nền tảng khác nhau trên internet để tham gia đối thoại với các “chuyên gia” khác trong môi trường trực tuyến, trong các diễn đàn mà các nhóm người khác nhau tìm đến để bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc.

Do đó, như Đức Bênêđíctô XVI khẳng định, bối cảnh mới đòi hỏi “sự cam kết của tất cả những ai ý thức về giá trị của đối thoại, tranh luận có lý trí và lập luận hợp lý; của những người cố gắng trau dồi các hình thức diễn đạt và diễn đạt thu hút những nguyện vọng cao quý nhất của những người tham gia vào quá trình giao tiếp."[50] Sứ mệnh đối thoại của Giáo hội hiện nay đòi hỏi một cái nhìn hoàn toàn mới về các hình thức đối thoại khác nhau từng được Giáo hội đưa ra trước đây. Trong thời đại kỹ thuật số, việc phải thực hiện các hình thức đối thoại liên tôn trong không gian trực tuyến yêu cầu nơi mỗi thành viên trong Giáo hội sự sáng tạo để đáp ứng tốt hơn những thay đổi trong lối sống và cách giao tiếp trong xã hội ngày nay. Thiết nghĩ các chuyên gia về đối thoại liên tôn cần nghiên cứu và tìm ra những phương cách thiết thực, hiệu quả để đối thoại trong không gian mạng, bên cạnh những hình thức đối thoại trong không gian vật lý.


***


Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, Giáo hội phải đương đầu với nhiều thách thức khi thực hiện sứ mệnh của mình. Một trong những thách đố lớn nhất của xã hội ngày nay là tư duy hậu sự thật có nguy cơ phá vỡ sự hiệp nhất trong Giáo hội cũng như các mối quan hệ giữa các tôn giáo. Trước bối cảnh đáng quan ngại này, các vị lãnh đạo Giáo hội phải chủ động và sáng tạo trong sứ mệnh đối thoại nhằm thúc đẩy sự đoàn kết bên trong Hội Thánh cũng như sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Đối thoại giữa các tôn giáo phải tiếp tục là yếu tố chủ chốt của Giáo hội và tất cả các thành viên của Giáo hội. Đây không phải là một cách thức mới để thể hiện bản chất và sứ vụ của Giáo hội, nhưng là cách thức thiết yếu, nhất là trong bối cảnh ngày nay, sứ mệnh phục vụ Nước Trời của Giáo hội đang bị cản trở bởi chủ nghĩa bè phái, cố chấp, chủ nghĩa cơ yếu tôn giáo và chủ nghĩa cực đoan. Những hiện tượng và trào lưu tiêu cực này lại được hỗ trợ và được kích động bởi các công cụ và chiến dịch tuyên truyền thông tin xuyên tạc, sai lệch, ác ý. Sự trung thành của chúng ta với sứ mệnh này có nghĩa là chúng ta tiếp tục cam kết với các giá trị hòa bình, công lý và lòng nhân ái – những giá trị chỉ có thể được thực hiện thông qua đối thoại với những người thuộc các nền văn hóa và tôn giáo khác. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố, các Kitô hữu phải “cam kết đối thoại với các tín đồ của tất cả các tôn giáo” và “sẽ chung tay với tất cả nam và nữ thiện chí và làm việc cùng nhau để mang lại một xã hội công bằng và hòa bình hơn, trong đó người nghèo sẽ là người đầu tiên được phục vụ."[51]

Truyền bá sứ điệp Tin Mừng và loan báo Nước Thiên Chúa luôn là ưu tiên lớn nhất trong suốt lịch sử của Giáo hội. Sự tiến bộ về công nghệ thông tin và truyền thông đã được chứng minh có tiềm năng mang lại lợi ích to lớn trong sứ mệnh truyền bá Phúc Âm. Tuy nhiên, thời đại kỹ thuật số và tư duy hậu sự thật hiện nay cũng gây ra những trở ngại cho tính hiệu quả của công việc mà Giáo hội đang thực hiện. Bài viết này khẳng định mạnh mẽ rằng đối thoại liên tôn là điều cần thiết cho đời sống và sứ mạng của Giáo hội trong bối cảnh xã hội hiện nay. Trước những thế lực xã hội trực tiếp hoặc gián tiếp nhắm mục tiêu loại bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống con người hoặc gây bất ổn cho nhân loại bằng cách gieo rắc sự hiểu lầm và xung đột tôn giáo, Giáo hội cần phải nỗ lực gấp đôi trong việc đối thoại giữa các tôn giáo ở mọi cấp độ và trong mọi môi trường bất kể vật lý hay kỹ thuật số. Tuy nhiên, hành động đối thoại đó được thực hiện như thế nào là điều mà các vị lãnh đạo trong Giáo hội cần nghiêm túc nghiên cứu, phân định và thử nghiệm nhằm đáp ứng được bối cảnh xã hội và lối tư duy của con người thời nay.


[1] Hannah Ritchie, “Read all about it: The biggest fake news stories of 2016,” CNBC (30/12/2016), https://www.cnbc.com/2016/12/30/read-all-about-it-the-biggest-fake-news-stories-of-2016.html.

[2] Aries Hegina, “CPCP: Pope Francis not endorsing Duterte,” Inquirer (24/3/2016), https://newsinfo.inquirer.net/776078/cbcp-pope-francis-not-endorsing-duterte

[3] Rappler, “HOAX: ‘Pope Francis called Duterte a blessing, a good leader’,” (27/6/2018),

https://www.rappler.com/newsbreak/fact-check/hoax-pope-francis-calling-duterte-blessing-good-leader

[4] Amy B Wang, “‘Post-truth’ named 2016 word of the year by Oxford Dictionaries,” Washington Post (16/11/2016), https://www.washingtonpost.com/news/the-fix/wp/2016/11/16/post-truth-named-2016-word-of-the-year-by-oxford-dictionaries/.

[5] Oxford Dictionary, https://languages.oup.com/word-of-the-year/2016/.

[6] AFP, “’Fake News’ driving ethno-religious crisis in Nigeria” (14/4/2019), https://www.france24.com/en/20190414-nigeria-buhari-fake-news-azikwe-islam-muslim-christianity.

[7] “Evaluating Information: The Cornerstone of Civic Online Reasoning,” Stanford History Education Group, https://stacks.stanford.edu/file/druid:fv751yt5934/SHEG%20Evaluating%20Information%20Online.pdf (22/11/2016).

[8] Modern Work Place Learning 2019 (14/5/2019), https://www.modernworkplacelearning.com/cild/mwl/the-effect-of-information-explosion-and-information-half-life/.

[9] Omnicore, “Facebook by the Numbers: Stats, Demographics, and Fun Facts,” (4/9/2019), https://www.omnicoreagency.com/facebook-statistics/.

[10] Marc Rosenberg, “The Knowledge Explosion,” Learning Solutions (10/10/2017), https://learningsolutionsmag.com/articles/2468/marc-my-words-the-coming-knowledge-tsunami

[11] Wikipedia, “Half-Life of Knowledge,” (21/9/2019), https://en.wikipedia.org/wiki/Half-life_of_knowledge.

[12] Samuel Arbesman, The Half-Life of Facts: Why Everything We Know Has an Expiration Date (New York: Penguin Group, 2013): Kindle

[13] The Economist, “The Half-Life of Facts: Q&A with Samuel Arbesman,” (28/11/2012), https://www.economist.com/babbage/2012/11/28/the-half-life-of-facts.

[14] http://reports.weforum.org/global-risks-2013/risk-case-1/digital-wildfires-in-a-hyperconnected-world/

[15] https://datareportal.com/reports/digital-2021-myanmar

[16] Aim Sinpeng, “Southeast Asian cyberspace: politics, censorship, polarization,” New Mandala, http://www.newmandala.org/southeast-asian-cyberspace-politics-censorship-polarisation/ (1/11/2017).

[17] Ibid.

[18] “Ashin Wirathu on comparing Rohingya Muslims to dogs in Myanmar,” The Berkley Center, https://berkleycenter.georgetown.edu/quotes/ashin-wirathu-on-comparing-rohingya-muslims-to-dogs-in-myanmar.

[19] Megan Specia and Paul Mozur, “A war of words puts Facebook at the center of Myanmar’s Rohingya crisis,” The New York Times,

https://www.nytimes.com/2017/10/27/world/asia/myanmar-government-facebook-rohingya.html (27/10/2017).

[20] Ankar Shar, “Indians must stop spreading anti-Muslim fake news on WhatsApp,” Nikkei Asian Review (8/5/2020), https://asia.nikkei.com/Opinion/Indians-must-stop-spreading-anti-Muslim-fake-news-on-WhatsApp

[21] Ibid.

[22] Shruti Menon, “Coronavirus: the human cost of fake news in India,” BBC (1/7/2020), https://www.bbc.com/news/world-asia-india-53165436

[23] Rosie Perper, “A South Korean doomsday church linked to thousands of coronavirus cases is being sued for $82 million in damages,” (25/6/2020), https://www.insider.com/south-korea-doomsday-church-shincheonji-sued-daegu-coronavirus-damages-2020-6

[24] Massimo Introvigne et al. Shincheonji and Coronavirus in South Korea:

Sorting Fact from Fiction, https://freedomofbelief.net/activities/shincheonji-and-coronavirus-in-south-korea-sorting-fact-from-fiction

[25] Ibid.

[26] McIntyre, Post-Truth, Kindle.

[27] Carole Cadwalladr, “Daniel Dennett: ‘I bedgrude every hour I have to spend worrying about politics,” Guardian (12/2/2017), https://www.theguardian.com/science/2017/feb/12/daniel-dennett-politics-bacteria-bach-back-dawkins-trump-interview

[28] McIntyre, Post-truth, Kindle

[29] Cass R. Sunstein, #Republic: Divided Democracy in the Age of Social Media (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 2017), Kindle edition. “If your Twitter feed consists of people who think as you do, or if your Facebook friends share your convictions, the argument pool will be sharply limited. Indeed, shifts should occur with individuals not engaged in discussion but instead consulting only ideas—on radio, television, or the Internet—to which they are predisposed. The tendency of such consultations will be to entrench and reinforce preexisting positions—often resulting in extremism.”

[30] Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (Bác ái trong Chân lý), số. 2.

[31] Julian Baggini, A Short History of Truth: Consolations for a Post-Truth World (London: Quecus Editions Ltd, 2017): Kindle

[32] Aristotle, Metaphysics, 1011b. “To say of what is that it is not, or of what is not that it is, is false, while to say of what is that it is, and of what is not that it is not, is true.”

[33] Baggini, A Short History, Kindle. “The same data that shows a century-and-a-half decline in the use of the word “truth” also points to a twenty-first-century revival in the concept. We wouldn’t even be talking about post-truth if we didn’t think truth mattered. The world is neither ready nor willing to say goodbye to truth, even in politics where it sometimes seems as though it has already taken its leave.”

[34] Hồng Thúy, “ĐTC cùng các Hồng y và giám mục ở châu Mỹ kêu gọi mọi người tiêm vắc-xin ngừa Covid-19,” Vatican News (18/8/2021),

https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-08/dtc-phanxico-keu-goi-chich-vac-xin-hanh-dong-yeu-thuong.html

[35] “Peter C. Phan – being religious as being interreligious,” Rumiforumhttps://youtu.be/YrSCMZu47HM.

[36] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Ecclesiam Suam http://w2.vatican.va/content/paul-vi/en/encyclicals/documents/hf_p-vi_enc_06081964_ecclesiam.html, 63.

[37] Pontifical Council for Interreligious Dialogue, Dialogue and Proclamation, http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/interelg/documents/rc_pc_interelg_doc_19051991_dialogue-and-proclamatio_en.html, 58.

[38] Vatican II, Gaudium et Spes, http://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_const_19651207_gaudium-et-spes_en.html, 45.

[39] Aloysius Pieris, Fire and Water: Basic Issues in Asian Buddhism and Christianity (Maryknoll, NY: Orbis Books, 1993): 151.

[40] Dialogue and Proclamation, 43.

[41] Paul F. Knitter, “Mission and Dialogue,” Missiology: An International Review, Vol. 33, no.2, April 2005: 209

[42] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “Address to the Pontifical Council for Interreligious Dialogue,” 13/11/1992, https://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/speeches/1992/november/documents/hf_jp-ii_spe_19921113_dialogo-interreligioso.html, 2.

[43] Caritas in Veritate, Số 4.

[44] Jordan Peterson, Beyond Order: 12 More Rules for Life (New York: Penguin, 2021): Epub version.

[45] Ibid.

[46] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis (1979), http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_04031979_redemptor-hominis.html , số 10

[47] Công đồng Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, http://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_const_19651207_gaudium-et-spes_en.html, no.22.

[48] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “Address to the Pontifical Council for Interreligious Dialogue,” 28/11/2013, https://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2013/november/documents/papa-francesco_20131128_pc-dialogo-interreligioso.html.

[49] Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông 2013, http://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/messages/communications/documents/hf_ben-xvi_mes_20130124_47th-world-communications-day.html.

[50] Ibid.

[51] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông 1981, https://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/speeches/1981/february/documents/hf_jp-ii_spe_19810221_manila-auditorium.html, 5.

church-kts-1706226649.jpeg

Chương 1: Bối cảnh xã hội và mục vụ

Chương 2: Thần học và mục vụ truyền thông

Chương 3: Ứng phó mục vụ

Chương 4: Hướng đến thần học mạng

Chương 5: Đối thoại liên tôn

Chương 6: Giao thoa văn hóa

Chương 7: Xây dựng tình hiệp thông qua trung gian mạng

Chương 8: Lãnh đạo tôn giáo với truyền thông mạng xã hội

Chương 9: Mục vụ và CNTT-TT trong và sau thời đại dịch

Chương 10: Mạng xã hội với mục vụ di dân

Chương 11: Tôn giáo với tương lai kỹ thuật số


Chia sẻ