Bạo Lực và Truyền Thông
BẠO LỰC VÀ TRUYỀN THÔNG
Nguyên tác: Robert Pen SDB. Violence and Media. In Communication for Pastoral Leadership, Book 2: Critical Understanding of Social Communication. New Delhi: Don Bosco Communication India. 2010. Pages 96-100. ISBN: 978-81-87060-42-0
Chuyển ngữ: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Dũng, OFM
Đến khi một đứa trẻ ở Mỹ bắt đầu đi học tiểu học, chúng đã được xem 8,000 vụ giết người và 100,000 hành vi bạo lực trên TV (New Scientist, 2007)
Giới Thiệu về Bạo Lực Truyền Thông
Vấn đề bạo lực trong văn hóa của chúng ta có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nghèo đói, sự sụp đổ của gia đình truyền thống và sự chuyển dịch từ đạo đức truyền thống sang một đạo đức tình huống đa dạng. Tuy nhiên, truyền thông lại thường xuyên bị chỉ trích là nguồn gốc chính của vấn đề bạo lực và dễ là đối tượng cho sự đổ lỗi vì nó hiện hữu khắp nơi/ vì sự hữu hình của nó. Bạo lực xuất hiện trong sách, tạp chí, báo, phim, lời bài hát, trên sóng radio và đặc biệt là trên truyền hình. Ngay từ khi truyền hình ra đời, cha mẹ, giáo viên, nhà lập pháp và các chuyên gia tâm lý đã lo ngại về nội dung bạo lực của các chương trình truyền hình và ảnh hưởng của nó, nhất là đối với trẻ em. Cuộc tranh cãi về bạo lực truyền thông đã không tìm được câu trả lời xác định trong hơn ba thập kỷ. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, cuộc tranh luận được chi phối bởi một vấn đề - liệu bạo lực truyền thông có thực sự gây ra bạo lực ngoài đời thực hay không. Nhưng khi xem xét kỹ hơn, ta thấy đây là một cuộc chiến về chính trị. Một bên, có người cho rằng bạo lực truyền thông là nguyên nhân của bạo lực trong xã hội và muốn kiểm soát nội dung bạo lực để bảo vệ trẻ em. Bên kia, có người coi việc quản lý là bước đầu tiên tiến tới kiểm duyệt hoặc là một màn che mắt che giấu những nguyên nhân thực sự của bạo lực trong xã hội.
Một điều chắc chắn: vấn đề bạo lực truyền thông không dễ dàng biến mất. Cuộc tranh luận ngày càng tập trung vào "văn hóa bạo lực", bình thường hóa bạo lực và thiếu cảm thông trong xã hội của chúng ta.
Liệu Bạo Lực Trên Tivi và Phim Có Là Nguyên Nhân Gây Ra Bạo Lực Trong Xã Hội Không?
Câu hỏi được đặt ra mãi trong nghiên cứu về ảnh hưởng của truyền thông là liệu việc tiếp xúc với bạo lực truyền thông có làm tăng cấp độ hung hăng và bạo lực ở giới trẻ hay không. Một số chuyên gia, như Giáo sư L. Rowell Huesmann của Đại học Michigan, cho rằng năm mươi năm bằng chứng đã chỉ ra "việc tiếp xúc với bạo lực truyền thông khiến trẻ em có hành vi hung hăng hơn và ảnh hưởng đến họ khi họ trưởng thành, nhiều năm sau đó." Tuy nhiên, một số người khác, như Jonathan Freedman của Đại học Toronto, lại bảo rằng "bằng chứng khoa học đơn giản không chứng minh việc xem bạo lực tạo ra bạo lực ở người, hoặc làm họ trở nên vô cảm với nó."
Bằng chứng từ nhiều nghiên cứu khác nhau không đưa ra kết luận cuối cùng. Trong số những nghiên cứu nổi tiếng nhất từ trước đến nay là "Television in the Lives of Our Children" năm 1961 của Schramm và cộng sự và "Violence and the Media" năm 1969, do Sandra Ball-Rokeach và Robert Baker biên tập. Cuốn đầu tiên đã củng cố quan điểm về ‘tác động hạn chế’ của bạo lực truyền thông. Kết luận là một số trẻ em, trong một số trường hợp cụ thể có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi bạo lực truyền thông, nhưng nguyên nhân sâu xa của hành vi chống đối lại xã hội nằm ở chỗ sâu hơn nhiều so với việc chỉ tiếp xúc với bạo lực truyền thông, nguyên nhân có thể nhất là do một thiếu sót nào đó trong cuộc sống của trẻ, chẳng hạn như gia đình tan vỡ hoặc cảm giác bị bỏ rơi. Tuy nhiên, báo cáo thứ hai, trong phần về giải trí, truyền hình, dựa trên nghiên cứu rộng lớn do Giáo sư George Gerbner dẫn dắt, đã kết luận rằng bạo lực được miêu tả như một cách để giải quyết vấn đề và đạt được mục tiêu. Truyền hình giải trí không nhấn mạnh đến các cách giải quyết xung đột khác, như tranh luận, thỏa hiệp và hợp tác và, theo kết luận của các nhà nghiên cứu, trẻ em có thể học từ tivi rằng bạo lực là một phương tiện được chấp nhận để giải quyết xung đột.
Ảnh Hưởng Của Bạo Lực Trên Phương Tiện Truyền Thông
Việc kết nối bạo lực trên phương tiện truyền thông với bạo lực trong xã hội gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên, như chúng ta thấy trong thực tế, chỉ có một tỷ lệ nhỏ những người xem các nội dung bạo lực là người gây ra hành động bạo lực. Phần lớn chúng ta dường như không bị ảnh hưởng bởi nó. Mặc dù hầu hết mọi người đều tin rằng bạo lực trên phương tiện truyền thông đang gây hại cho người khác và xã hội nói chung, họ lại không cảm thấy mình bị ảnh hưởng cá nhân. Có một lời giải thích rõ ràng cho mô hình ý kiến này. Mọi người biết đến các sự kiện bạo lực cao cấp được truyền thông đưa tin. Mọi người biết rằng có người khác đang thực hiện hành động bạo lực, nhưng họ cũng biết rằng bản thân mình chưa bao giờ phạm phải tội ác nào. Vấn đề với cách suy luận này là mọi người đặt ảnh hưởng ngang hàng với tội ác. Bạo lực truyền thông có nhiều ảnh hưởng khác nhau. Một người có thể bị ảnh hưởng sâu sắc bởi việc tiếp xúc với bạo lực truyền thông mà không bao giờ phạm phải tội phạm bạo lực. Mặc dù chúng ta không thể thiết lập một mối quan hệ nguyên nhân và kết quả đơn giản, trực tiếp giữa bạo lực truyền thông và bạo lực trong xã hội của chúng ta, chúng ta có thể rút ra một số kết luận từ thực tế xung quanh.
1. Các nghiên cứu cho thấy những người xem nhiều bạo lực trên tivi không chỉ có xu hướng hành xử hung hăng hơn, mà còn thiên về thái độ ủng hộ bạo lực và cho rằng hung hăng là cách giải quyết xung đột. Những người này cũng thường ít tin tưởng vào người khác và dễ coi thế giới là một nơi thù địch hơn. Họ cũng có xu hướng cao hơn trong việc mua ổ khóa mới, chó giữ nhà và súng ‘để bảo vệ’. Truyền hình chứa đầy bạo lực góp phần đáng kể vào cảm giác sống trong một thế giới ảm đạm và đầy thù địch. Ảnh hưởng phổ biến nhất là một loạt phản ứng mà George Gerbner (1980) gọi là “hội chứng thế giới đầy ác ý.” Các nghiên cứu của ông đã chứng minh rằng càng xem tivi nhiều, mọi người càng có xu hướng tin rằng thế giới bên ngoài là ‘thế giới đầy ác ý’ bởi phân tích nội dung tivi đã cho thấy tội phạm được miêu tả gấp 10 lần so với câu chuyện thực tế. Vì vậy, người xem:
* đánh giá quá cao khả năng cho rằng mình dễ gặp phải bạo lực;
* tin rằng khu dân cư của họ không an toàn;
* cho rằng nỗi sợ hãi về tội phạm là một vấn đề cá nhân rất nghiêm trọng;
* tin rằng tội phạm đang tăng lên, bất chấp sự thật của vụ việc.
2. Các nghiên cứu cũng cho thấy, bạo lực trên phương tiện truyền thông còn làm giảm sự nhạy cảm của người xem với bạo lực. Dần dần, mức độ bạo lực nhất định trở nên dễ chấp nhận hơn theo thời gian. Vì vậy, cần phải có những hình ảnh bạo lực càng rõ nét và ghê gớm hơn mới có thể gây sốc và thu hút sự chú ý của khán giả. Lịch sử đã cung cấp cho chúng ta nhiều ví dụ. Chỉ cần nhắc đến một, các cuộc thi đấu ở La Mã cổ điển ban đầu được xem là một hình thức giải trí khá lành mạnh. Nhưng để làm cho khán giả thêm phấn khích, bạo lực và cảnh hiếp dâm đã được đưa vào trong các màn trình diễn đấu trường. Kết quả là, khi khán giả đã quen với việc xem những cảnh này, họ bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn nữa, cho đến khi các cuộc thi đấu cuối cùng trở nên đầy bạo lực, máu me và kinh tởm, và hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người bất hạnh đã chết trong quá trình cung cấp ‘giải trí’.
3. Bạo lực trên các phương tiện truyền thông thường không thực tế, quá đơn giản, được ca ngợi, và thậm chí còn được trình bày như một điều hài hước. Ngay cả âm thanh của tiếng súng trên tivi và trong phim cũng khác biệt so với tiếng súng thực tế đến mức người ta thường không nhận ra chúng ngoài đời thực. Yếu tố phi thực tế của bạo lực trên tivi và phim dường như là một điều bất ngờ đối với một số người. Một thành viên băng đảng trẻ tuổi đã được đưa vào bệnh viện ở New York sau khi bị bắn tỏ ra ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng việc bị bắn không chỉ gây ra chấn thương mà còn đau đớn không tưởng. Anh ta đổ lỗi cho các bác sĩ và y tá về cơn đau của mình, vì trên tivi, việc bị bắn dường như không phải là vấn đề lớn.
4. Hậu quả của việc giết người, đặc biệt là bởi ‘người tốt’, hiếm khi được thể hiện. Bạo lực và giết người thường được miêu tả như một giải pháp sẵn có và thậm chí được chấp nhận để giải quyết vấn đề. Nói một cách đơn giản, các vấn đề được giải quyết khi ‘kẻ xấu’ đều bị tiêu diệt. Những người cảm thấy bức xúc và bị lợi dụng có thể dễ dàng bị cuốn theo cách miêu tả bạo lực như vậy để sử dụng bạo lực chống lại những kẻ ‘lợi dụng’ họ, nhằm mục đích tìm kiếm sự tự hài lòng và công bằng.
5. Những ảnh hưởng kéo dài từ việc tiếp xúc với bạo lực qua các phương tiện truyền thông có thể dẫn đến những hệ quả xã hội không được mong đợi. Những tác động tiêu cực này chắc chắn sẽ tăng tốc khi bạo lực được thể hiện một cách sinh động hơn nhằm mục đích thu hút và giữ chân người xem phim và tivi. Người xem thấy có điểm chung giữa bản thân, hành động và cảm xúc của mình với một hành động bạo lực, chủ đề hoặc nhân vật trong phim thì có khả năng cao sẽ mô phỏng bạo lực đó trong đời thực. Điều này càng đúng với trẻ em.
6. Một số nhà nghiên cứu đã đặt giả thuyết rằng truyền hình gián tiếp dạy mọi người cách thực hiện hành vi phạm tội - chẳng hạn như ăn cắp. Chẳng hạn, Hennigan và cộng sự (1982) cho rằng việc tiếp xúc với cuộc sống xa hoa trên truyền hình, cùng với mức quảng cáo cao cho hàng hóa tiêu dùng, qua thời gian dạy người xem rằng để cảm thấy hạnh phúc cần phải tham gia vào cuộc sống chất lượng cao. Những người nghèo không thể mua sắm được hàng hóa thì bị cám dỗ phạm tội để có được những vật phẩm đó.
Khi nhìn lại bằng chứng về mức độ bạo lực trong phim và truyền hình ngày càng cần thiết để thỏa mãn người xem và những ảnh hưởng phát sinh đối với xã hội, David Puttnam, một đạo diễn phim danh tiếng, chỉ đơn giản nhận xét, “Chúng ta đang tự phá hủy mình.” Các nhà sản xuất chương trình tivi rõ ràng đang đứng trước một thách thức khi phải giải quyết mâu thuẫn giữa những ảnh hưởng tiêu cực của bạo lực trên tivi và những đánh giá tích cực về chương trình.
Giáo Dục Truyền Thông và Bạo Lực Trên Màn Ảnh
Ngày nay, nhiều học giả đề xuất nên đưa giáo dục truyền thông vào nhà trường như một cách đối phó với vấn đề bạo lực trên màn ảnh. Tuy giáo dục truyền thông không thể ngăn chặn trẻ em sáu tuổi bắt chước những hành động bạo lực như World Wrestling ngay tại sân chơi, và cũng khó làm thay đổi sự lựa chọn video của thiếu niên cho buổi tối thứ Bảy, nhưng nó có thể trang bị cho giới trẻ những công cụ để phản ứng một cách suy tư và phê bình trước nội dung truyền thông. Nó giúp các em có cái nhìn đúng đắn hơn về bạo lực truyền thông và có thể làm giảm bớt phần nào sức ảnh hưởng của nó.
Việc tương tác một cách phê bình với truyền thông khích lệ giới trẻ đặt câu hỏi về cách thức bạo lực được thể hiện trong phim hay trò chơi điện tử - và thậm chí tự hỏi tại sao nó lại xuất hiện ngay từ đầu. Liệu bạo lực có thật sự cần thiết cho cốt truyện, hay chỉ được thêm vào để tạo cảm giác hồi hộp, phấn khích? Bạo lực có được thể hiện hậu quả một cách thực tế không, hay chỉ là cảnh người ta lao qua cửa kính mà chẳng hề hấn gì? Và liệu tác động tâm lý của bạo lực và chấn thương có được thể hiện không, hay câu chuyện vẫn tiếp tục mà không bỏ sót một chi tiết nào? Trước đây bạo lực thường là biểu tượng của 'kẻ xấu', nhưng đã có một sự chuyển biến lớn trong vài thập kỷ qua, với bạo lực trở thành quyền lợi của 'người hùng'. Liệu mục đích tích cực có biện minh cho hành động bạo lực không?
Việc tìm kiếm mô hình trong cách thể hiện bạo lực truyền thông giúp giới trẻ nhận diện giải trí truyền thông là gì - đó là hư cấu. Tội phạm đóng một vai trò lớn hơn nhiều trong phim ảnh so với thực tế trong xã hội của chúng ta. Trong đời thực, một cảnh sát trung bình rút súng ít hơn một lần mỗi năm. Nghiên cứu đã cho thấy những người thường xem các chương trình về cảnh sát, phim giật gân và tin tức hàng đêm có thể bắt đầu nhìn thế giới là một nơi đáng sợ và đầy ác ý hơn so với thực tế.
Một trong những bài học quan trọng của giáo dục truyền thông là các sản phẩm truyền thông như phim và chương trình TV đôi khi rất xa rời với thực tế, dù nhà sản xuất có muốn chúng ta tin điều gì đi nữa. Chúng là những tác phẩm được tạo ra một cách cố ý, là kết quả của một loạt lựa chọn. Điều này cũng áp dụng cho tin tức. Những câu hỏi chúng ta cần tự vấn là: thế giới hôm nay thực sự như thế nào so với cách nó được truyền thông mô tả? Bao nhiêu phần trong những gì được truyền thông mô tả là thực tế và bao nhiêu là hư cấu? Giới trẻ cần hiểu mối liên hệ giữa số lượng người xem một chương trình TV (đánh giá) và những lựa chọn mà nhà sản xuất tin tức đưa ra. Hầu hết mọi người đều biết đến quan niệm 'nếu nó chảy máu thì nó dẫn đầu', nhưng còn về những thảm họa tự nhiên và khủng hoảng ở các nước đang phát triển, nơi hàng nghìn trẻ em có thể mất gia đình và bị thương ở Sierra Leone một tuần, và sau đó không còn ai nhắc đến nữa? Và còn về hiện tượng 'mệt mỏi lòng thương': một khả năng không thể tiếp tục cảm thấy như chúng ta thường cảm thấy trước nghịch cảnh của con người?
Chắc chắn, bạo lực là một yếu tố đã được trân trọng qua hàng thế kỷ trong những câu chuyện kể về ý nghĩa của việc sống trong xã hội và tương tác với mọi người xung quanh. Giáo dục truyền thông giúp chúng ta phân tích các phiên bản truyền thông hiện đại của những câu chuyện này, xem xét liệu sự thể hiện bạo lực có khác biệt so với quá khứ hay không, và tự hỏi: Ai là người hưởng lợi từ thực đơn bạo lực không ngừng này, và hưởng lợi như thế nào?
Thật là một sự tỉnh ngộ cho giới trẻ khi họ nhận ra rằng nguyên nhân chính dẫn đến sự lan tràn bạo lực truyền thông chính là tiền bạc. Các bộ phim chứa đầy hành động và bạo lực dễ dàng bán ra ngoài một văn hóa cụ thể vì chúng "dịch" một cách dễ dàng hơn và vượt qua các rào cản văn hóa. Hài kịch và kịch nghiêm túc đòi hỏi kịch bản thông minh và các điểm tham chiếu văn hóa. Mọi người có thể cười về những điều khác nhau ở Moose Jaw và Dar-es-Salaam nhưng bạo lực và hành động được tất cả mọi người trên thị trường toàn cầu hiểu rõ.
Đối với giới trẻ, đó cũng là một sự khám phá khi họ nhận ra rằng không ai xem một sản phẩm truyền thông giống hệt nhau. Cách chúng ta phản ứng với một bộ phim, một bài hát, một trò chơi video hay một bộ phim truyền hình được nhuộm màu bởi bộ sưu tập cá nhân của chúng ta về thái độ, giá trị và trải nghiệm - bao gồm cả sự tiếp xúc trước đó với bạo lực truyền thông. Điều này tạo ra nguồn cảm hứng tuyệt vời cho việc tự hỏi và thảo luận một cách lành mạnh.
Nếu giới trẻ đang lớn lên trong một nền văn hóa ngập tràn truyền thông, và thực sự họ đang lớn lên như vậy, giáo dục truyền thông có thể giúp họ bày tỏ thái độ và cảm xúc của mình đối với bạo lực, trong cả đời thực lẫn trên màn ảnh. Nó cũng có thể dạy giới trẻ rằng họ có tiếng nói và một vai trò để đóng góp như những người tiêu dùng truyền thông tích cực có thể giao tiếp với ngành công nghiệp giải trí và trình bày ý kiến của mình tại các diễn đàn công cộng. Internet đã mở ra những hướng đi quan trọng để tiếp cận với các nhà sản xuất và chia sẻ quan điểm. Tuy nhiên, chỉ có giáo dục truyền thông thôi là không đủ để giải quyết vấn đề bạo lực truyền thông và ảnh hưởng của nó đối với xã hội, đặc biệt là đối với giới trẻ hiện nay.
Vậy giải pháp là gì? Hành động của người dân
Đầu tiên, ta cần nhìn nhận cách bạo lực được sử dụng. Việc loại bỏ hoàn toàn bạo lực khỏi truyền thông không phản ánh đúng thực tế về bản chất con người. Bạo lực luôn tồn tại xung quanh chúng ta và có lẽ sẽ mãi như vậy. Nhưng việc một người xem truyền hình bình thường chứng kiến 32,000 vụ giết người và 40,000 vụ cố gắng giết người trong vòng 18 năm rõ ràng là không thực tế và có tính lợi dụng. Bạo lực đang được sử dụng như một cách thô thiển để thu hút và giữ chân khán giả.
Có một lựa chọn giải phóng. Lựa chọn này tồn tại dưới nhiều hình thức ở hầu hết các quốc gia dân chủ khác, được biểu hiện qua việc bầu cử hoặc bổ nhiệm đại diện tham gia vào cơ quan tư vấn hoặc quyết định chính sách về chương trình truyền hình. Tại Ấn Độ, điều cần thiết là sự tồn tại của các tổ chức công dân độc lập từ cơ sở, và sự hành động nhằm cung cấp sự hỗ trợ rộng lớn cần thiết để giảm bớt sự kiểm soát chặt chẽ của thị trường toàn cầu đối với các nhà sản xuất, nhà viết kịch bản, đạo diễn, diễn viên và nhà báo. Tự do khỏi bạo lực và các công thức bất công, đe dọa khác, chứ không phải là tăng cường kiểm duyệt, là cách thức hiệu quả và được chấp nhận để tăng cường đa dạng và giảm bạo lực trên truyền hình xuống mức độ và tỷ lệ chính đáng.
Trong những năm gần đây, nhiều người Ấn Độ cũng đã đặt câu hỏi sai: Tại sao không ai có thể làm gì đó về bạo lực truyền hình? Khi mỗi người có thể chỉ trích người khác, mọi người cảm thấy không có khả năng tạo ra sự thay đổi. Nhưng sự thật là có thể làm được điều gì đó. Và chúng ta phải bắt đầu bằng cách phá vỡ "vòng luẩn quẩn trách móc" về bạo lực truyền thông. Chúng ta có thể nhận trách nhiệm về vai trò của mình trong việc duy trì bạo lực truyền thông. Các nhà văn, đạo diễn, nhà sản xuất và giám đốc điều hành đều có thể cùng nhau làm việc để thay đổi cách thức bạo lực được trình bày trên truyền hình. Các nhà quảng cáo có thể yêu cầu và hỗ trợ các chương trình không bạo lực mà vẫn có tỷ suất người xem tốt. Và các bậc phụ huynh có thể đóng góp một cách đặc biệt quan trọng bằng cách kiểm soát tivi của mình và chịu trách nhiệm về nội dung mà gia đình họ theo dõi. Chúng ta cần nhận ra rằng giải pháp cho vấn đề khiêu dâm và bạo lực không phải là kiểm duyệt, mà là sự phân biệt, nuôi dưỡng gu thẩm mỹ và phán đoán, cũng như sản xuất văn học và nghệ thuật chất lượng cao.
Nếu chính phủ có vai trò gì, thì đó là ngăn chặn mọi luật lệ và chính sách cho phép các cấu trúc công nghiệp và chiến lược tiếp thị tập trung và toàn cầu áp đặt bạo lực lên những người sáng tạo và trẻ em trên thế giới. Vai trò của người dân là tham gia vào việc tạo ra các chính sách công cộng mới đảo ngược dòng chảy bạo lực bằng cách làm việc vì tự do khỏi các công thức mẫu mực, đầu tư vào một môi trường văn hóa tự do và đa dạng hơn, và cho sự tham gia của người dân vào các quyết định văn hóa ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và thế hệ trẻ. Điều này cũng bao gồm việc thúc đẩy trình độ hiểu biết về truyền thông, nhận thức về truyền thông, xem và đọc một cách phê bình, và các nỗ lực giáo dục truyền thông khác như một cách tiếp cận mới để hiểu về bạo lực truyền thông.
Thay vì "cung cấp cho công chúng những gì họ muốn", nhiều nhà sản xuất TV và phim ngày nay đã chọn "con đường cao hơn" và không dựa vào bạo lực miễn phí để thu hút và giữ chân khán giả. Nhưng con đường cao hơn thường khó đi hơn. Đó là một thách thức đòi hỏi tài năng và can đảm để thu hút khán giả bằng sức mạnh câu chuyện và kỹ năng sản xuất của nhà sản xuất. Điều này chỉ xảy ra nếu cộng đồng, như "đồng sản xuất" của truyền thông, chia sẻ trách nhiệm đánh giá cao và hỗ trợ những sản phẩm truyền thông sáng tạo và không bạo lực.
Tài liệu tham chiếu
1. Barry, Ann M arie Sew ard (2003). “Image, and Manipulation in Visual Communication”, in Kenneth Louis Smith (Ed.) Visual IntelligencePerception. London: Routledge.
2. Gerbner, George (1998). “Stories of Violence and the Public Interest”, in Brants, Kees, Hermes, Joke & van Zoonen, Liesbet (eds). The Media in Question (pp. 140-154). London: Sage Publications.
3. Gerbner, G., Gross, L., Morgan, M. & Signorielli, N. (1980). “The ‘mainstreaming’ of America: Violence profile no. 11”. Journal of 28.
4. Biagi, Shirley (1998). Media, 30,20-, (3rd ed). Bemont, CA: Wadsworth Publishing Company.
5. Potter, W. James (1999). On Media Violence. California: Sage Publications.
6. Hennigan, K .M ., et al. (1982). “Impact of the Introduction of Television on Crime in the United Sates: Empirical findings and Theoretical Implications”, Journal of Personality and Social Psychology, 42, 461-277
ĐỌC THÊM VĂN KIỆN CỦA GIÁO HỘI VỀ “VẤN ĐỀ KHIÊU DÂM VÀ BẠO LỰC TRONG CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG”
Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ