Skip to content
Top banner

Nền đạo đức về truyền thông _ phần 2

THTT-01
2022-02-26 02:22 UTC+7 332
(Bernard Haring, CSsR. Free and Faithful in Christ, Vol.3. Saint Paul Publication. 1980. Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR. Tự do và trung thành trong Đức Kitô. 6/2004. Tr. 233- 300)

(Bernard Haring, CSsR. Free and Faithful in Christ, Vol.3. Saint Paul Publication. 1980. Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR. Tự do và trung thành trong Đức Kitô. 6/2004. Tr. 233- 300)


1          HOÀN CẢNH MỚI


1.1        Chiều kích vũ trụ


Cộng đồng, các tư tế Do Thái nói chuyện với, chỉ là người Do thái thôi, nhưng Chúa Giêsu đã mở rộng cộng đồng ấy khi nói chuyện với cả người Samari lẫn người Do Thái. Khi Ngài bị kết án, thì cả Đế quốc Rôma cũng bị kéo vào cuộc. Nhưng cộng đồng Chúa Giêsu được sai đến rao báo Tin Mừng lại gồm hết mọi người cho đến tận cùng trái đất.


Diễn đàn chung trong đó người ta trao đổi thông tin và ý kiến không phải là một cái gì tĩnh, được xác định ngay từ ban đầu. Đó là một thế giới thu nhỏ, ta có thể so sánh thế giới ấy với môi trường trước mặt, là thế giới ta được sinh trưởng và ta đã biết. Ngày nay, ta có thể so sánh thế giới nhỏ bé của ta với những nền văn hóa khác, so sánh lịch sử của ta với toàn bộ lịch sử nhân loại.


Vatican II coi ý thức về thế giới thay đổi này như nền tảng để hiểu rõ nhiệm vụ của ta. “Lịch sử tự nó là một tiến trình thay đổi nhanh chóng đến độ cá nhân mỗi người khó có thể theo kịp. Vận mệnh của cộng đồng nhân loại, đã có lần mỗi nhóm đều có lịch sử riêng, nay đã trở nên một khối thống nhất”


Đối với những ai tin vào một Thiên Chúa duy nhất, là Cha của mọi người, và tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của toàn thế giới, thì sự phát triển này là một biến cố tuyệt diệu. Tuy nhiên, lòng tin ấy lại được đánh dấu bởi những căng thẳng sâu sắc, vừa cho ta thấy tội lỗi cách mới mẻ, vừa mời gọi ta hoán cải theo một chiều kích mới. “Tuy thế giới ngày nay có được một cảm thức sống động về sự hiệp nhất và về con người phải lệ thuộc nhau trong một tình liên đới cần thiết, nhưng thế giới ấy vẫn bị chia cắt cách đáng tiếc thành những phe nhóm kình chống nhau bởi những lực lượng đối lập. Các cuộc tranh cãi về chính trị, xã hội, kinh tế, chủng tội và ý thức hệ vẫn tiếp tục cách dữ dội, và cùng với những tranh cãi ấy, là nguy cơ về một chiến sẽ thiêu rụi mọi sự thành tro bụi. Đúng là, hiện vẫn đang có những cuộc không ngừng trao đổi ý kiến, nhưng chính những lời người ta sử dụng để diễn tả các quan niệm chính yếu vẫn mang những ý nghĩa hoàn toàn khác biệt do các ý thức hệ khác nhau.


Sách báo đã góp phần rất lớn cho kinh nghiệm về một lịch sử duy nhất. Nhưng nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại, lịch sử vẫn “lướt nhanh trên đường”, trong khi chiều rộng và chiều sâu của cộng đồng tham dự vẫn đều đều phát triển. “Các phương tiện mới và hữu hiệu hơn của việc truyền thông xã hội đang góp phần cho sự hiểu biết các biến cố. Nhờ khởi sự hàng loạt các phản ứng, các phương tiện ấy đang tạo cho các nếp suy nghĩ và cảm xúc một chuyển động nhanh và rộng nhất”.


1.2        Những chiều kích mới và những năng động mới của thuyết đa nguyên


Trong các nền văn hóa sơ thủy, mọi người đều mang chung một thế giới quan. Các phong tục và ý tưởng cũng được nắn đúc theo cùng một loại thần thoại và truyền thống. Và thường thường tình trạng ấy vẫn cứ tiếp tục mà không bị một áp lực nào. Người ta không biết một thế giới quan hay một xã hội nào khác cả. Đối với nhiều người, chuyển qua thuyết đa nguyên quả là một kinh nghiệm gây kinh ngạc. Nhiều thứ trước đây có vẻ chắc chắn, nay không còn chắc nữa. Trong các môi trường sơ thủy, các cá nhân có thể đối nghịch với truyền thống và xã hội, nhưng chẳng mấy chốc họ đã nhận ra rằng họ đã tự biến mình thành những kẻ sống bên lề xã hội, không được ai nâng đỡ. Tuy nhiên, xã hội đa nguyên mới này, không chỉ nói cho họ biết rằng mỗi cá nhân được quyền có ý kiến riêng của mình, mà các nhóm cũng có quyền có những chọn lựa riêng của mình về văn hóa, chính trị và tôn giáo.


Hiện tượng đa nguyên ngày nay đã được sự cùng tồn tại của các hệ thống chính trị nhấn rất mạnh, nhất là chủ nghĩa Marx, là chủ nghĩa luôn có khuynh hướng áp đặt trên người ta một thế giới quan, một ý thức hệ duy nhất chống lại mọi ý thức hệ khác, và sử dụng mọi phương tiện truyền thông và ức chế nhằm đạt mục đích ấy. Nếu chủ nghĩa cộng sản trong một số nước phương tây thành công trong việc khẳng định thuyết đa nguyên không chỉ như một hệ thống truyền thống, trong khi vẫn cố giành lấy chính quyền, mà còn thành công trong cả cấu trúc của tư tưởng và xã hội, thì đây sẽ là một sự phát triển vô cùng quan trọng của lịch sử.


Về chính trị, thuyết đa nguyên được diễn tả cách rõ nét trong nền dân chủ, nghĩa là, các nhóm khác nhau, trên nguyên tắc, đều có cơ hội như nhau, và mọi người đều được tự do ngôn luận bao lâu họ còn trung thành với sự tự do dân chủ. Nhưng để có thể hoạt động cách đúng đắn, thì sự đa nguyên dân chủ cần phải tôn trọng các hình thức đa nguyên khác và phải hiểu ý nghĩa và mục đích của hình thức ấy.


Một khía cạnh của thuyết đa nguyên hấp dẫn ta cách đặc biệt ở đây, chính là việc tiếp cận sự thật cách mới mẻ nói chung, và việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại để đạt được mục đích ấy, nói riêng.


Theo ông Hugh Greene, giám đốc chương trình của đài BBC, thì để chủ nghĩa đa nguyên có được cơ hội tồn tại, cần “một khả năng biết kết hợp chủ nghĩa hoài nghi sâu sắc nhất với một đức tin mãnh liệt nhất, và cần phải biết hướng về lòng khoan dung và sự tự do ngôn luận cách tối đa.


Thuyết đa nguyên khởi sự với phương thức sau của Socrates, “tôi biết rằng tôi không biết”. Với phát biểu ấy, ông chỉ muốn ám chỉ tới việc phải không ngừng tìm kiếm sự thật. John Milton cũng phát biểu sẽ có nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến, vì ý kiến trong những người tốt chỉ là hiểu biết đang trong tiến trình phát triển. Trong Socrates, đó là việc tìm kiếm sự thật của một người nào đó. Còn trong xã hội đa nguyên này, đó là việc tìm kiếm sự thật ngày một có tính tập thể hơn, và đó cũng ám chỉ tới cả tự do lẫn xung đột.


Đa nguyên chỉ lành mạnh khi ta biết coi trọng các ý kiến của người khác và của các nhóm khác, khi không ai dùng áp lực ức chế ai, và bao lâu ta biết tôn trọng tự do và các quyền căn bản của mọi người. Đa nguyên giả thiết một nền văn hóa, trong đó mọi nhóm đều sẵn sàng học hỏi và gạn lọc, mọi người đều vui mừng muốn biết nhau hơn và như thế cũng là biết mình hơn, để nhờ nỗ lực chung, họ có thể đi đến một hiểu biết sâu và rộng hơn.


Đa nguyên không phải là tình trạng vô chính phủ về mặt tư tưởng cũng không phải là một xã hội vô tổ chức. Dân chủ cần một sự tôn trọng nhau và một sự nhất trí về những giá trị căn bản. Nhưng khoan dung không có nghĩa là trung lập về mặt tư tưởng. Đúng ra, mỗi nhóm đưa ra những nhận thức và kinh nghiệm của mình để cùng nhau suy nghĩ, và mỗi người cũng tự buộc mình phải tôn trọng các qui luật cần thiết để đa nguyên có thể hoạt động được. Ông Hugh nói rõ như sau: “Dẫu, trong những vấn đề hằng ngày của cuộc sống chung, đài BBC đã cố hết sức để đạt đến những tiêu chuẩn cao nhất về tính vô tư, nhưng vẫn còn một số lãnh vực, trung lập, không thành kiến, không thiên vị, không phải là chuyện dễ. Đó là những nơi vẫn còn những đụng độ vì đối nghịch với các giá trị luân lý căn bản – sự thật, công bình, tự do, xót thương, khoan hậu. Tôi không tin rằng ta phải vô tư về một số điểm như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hoặc các hình thức chính trị quá khích. “Quá dân chủ” trong những vấn đề này có thể mở đường cho việc phá hoại chính nền dân chủ. Tôi tin rằng một nền dân chủ lành mạnh không khi nào lảng tránh những quyết định về những gì không được phép làm nếu muốn cho nền dân chủ ấy được tồn tại.


Một nền văn hóa đa nguyên đích thực bao giờ cũng giả thiết và đòi hỏi một cảm thức về tình liên đới và việc tôn trọng phẩm giá và lương tâm con người, bao giờ cũng loại trừ chủ nghĩa cá nhân quá khích và các khuynh hướng độc tài. Trong nền văn hóa và xã hội đa nguyên ấy, ai bảo rằng mình độc quyền về sự thật, và ai muốn được an tâm hơn là can đảm và chân thành tìm kiếm sự thật, đều sẽ gặp rất nhiều khó khăn.


Không quan tâm tới xã hội đa nguyên mới này, ta sẽ không thể hiểu được công cuộc canh tân Hội Thánh Công giáo do Đức Gioan, Công đồng Vatican II và nhất là nhiệt tình mới của phong trào đại kết, khởi xướng. Thuyết đa nguyên trong Hội Thánh nhằm phục vụ cho sự hợp nhất khi có những con đường khác nhau dẫn đến sự thật và việc thực hành sự thật không bao giờ được quên sự hợp nhất căn bản trong đa dạng, và sự đa dạng trong hợp nhất. Nhớ lại biến cố Ngũ Tuần đầu tiên, khi mọi người đều được nghe Tin Mừng theo ngôn ngữ của mình, ta nhận ra rằng sự đa nguyên hợp pháp không bao giờ là một đe dọa hết, mà bao giờ cũng là điều kiện không thể thiếu để có được tính phổ quát trong sự thật, và sự thật trong tính phổ quát. Nếu như Hội Thánh nhìn nhận rằng tiếng Latinh dùng trong phụng vụ, thần học và triết học quá hạn hẹp so với Hội Thánh phổ quát thế nào, thì ta cũng phải nhìn nhận rằng một số chân lý, nhất là các mầu nhiệm đức tin, quá lớn và quá thâm thúy chỉ một ngành triết học hoặc thần học nào đó thôi, sẽ không khi nào diễn tả hết được.


Thuyết đa nguyên trong thần học đòi phải có một sự liên lạc trên qui mô toàn thế giới. Công đồng Vatican II là một kinh nghiệm lớn về đa nguyên, vì hơn mọi Công Đồng trước, Công Đồng này cho thấy những nền văn hóa khác nhau và một sự đa dạng của các nền thần học trong cùng một đức tin. Kinh nghiệm này càng được mở rộng và đào sâu hơn nhờ sự hiện diện của các quan sát viên thuộc hầu hết các Hội Thánh không phải là Công giáo và nhờ việc Hội Thánh sẵn sàng lắng nghe họ. Do đó, cuộc sống của Hội Thánh, cách Hội Thánh trình bày đức tin, và nhất là cách Hội Thánh tiếp cận với các nền đạo đức, sẽ ngày phải được đánh dấu hơn bởi ý thức về sự hợp nhất trong đa dạng này.


Hội Thánh Công Giáo Rôma chỉ có tính phổ quát do việc nhấn mạnh đến phổ quát tính hơn là “Rôma tính”, và không bao giờ được cho phép để cho Rôma tính này (hoặc suy luận theo cách Rôma và truyền thống Rôma) làm mất đi sự bình đẳng của các nền văn hóa khác không phải là Rôma hoặc phương đông. “Trong tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, chỉ có một dân tộc duy nhất của Thiên Chúa, công dân của nước này thuộc mọi chủng tộc, được qui tụ vào trong vương quốc Thiên Chúa, là một vương quốc thuộc thiên giới chứ không thuộc địa giới. Vì mọi tín hữu rải rác khắp nơi trên toàn thế giới đều được hiệp thông với nhau trong cùng một Thần Khí… Hội Thánh không nuôi dưỡng cũng không dành cho mình, những khả năng, tiềm năng và tập quán của một dân tộc nào hết, dẫu đó là những thứ rất tốt. … Vì tính phổ quát này, mỗi phần tử riêng biệt của Hội Thánh, nhờ những đặc sủng đã lãnh nhận, đều phải góp phần cho lợi ích của các phần tử khác và cho toàn Hội Thánh. Như thế, nhờ cùng chia sẻ các ân huệ với nhau và nhờ việc cùng cố đạt đến sự sung mãn trong sự hợp nhất, mà mỗi phần tử và toàn Hội Thánh được phát triển”.


Không bao giờ được nghĩ đến đa nguyên như một hậu quả của tội lỗi hoặc như một sự đe dọa mà phải nghĩ đến như một ân huệ, nhờ Chúa Thánh Thần, đang trở nên hữu ích nhất cho chính sự hợp nhất của Hội Thánh. “Trong Đức Kitô và trong Hội Thánh, không có sự phân biệt chủng tộc, hay quốc gia, điều kiện xã hội hay giới tính nào hết, vì “không còn Do Thái hay HyLạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ nữa; vì tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gal 3,28)… Trong sự đa dạng này, mọi người đều làm chứng cho một sự hợp nhất đáng thán phục của thân thể Đức Kitô. Chính sự đa dạng này của ân sủng, của các thừa tác vụ và của các công việc, đã qui tụ con cái Thiên Chúa nên một, vì “tất cả chỉ là công việc duy nhất của cùng một Thần Khí Thiên Chúa” (1 Cr 12, 11-25).


Vì là một trong “những dấu chỉ thời đại” chói ngòi nhất, đa nguyên mời gọi một tinh thần và hành động đại kết, thật can trường và quảng đại. Chính vì thế mà, sắc lệnh về đại kết đã coi đối thoại trong tôn trọng như con đường duy nhất đưa đến hợp nhất, với hy vọng rằng mọi phần tử trong Kitô giáo sẽ hiểu biết hơn về một đức tin chung và về những đặc sủng riêng của mình. Nền văn hóa đa nguyên, xã hội học về sự hiểu biết, về các tập quán đã giúp ta hiểu rằng nhiều khác biệt giữa các Hội Thánh ly khai không phải là những mâu thuẫn nhưng là những bổ túc cần thiết. Trong khi duy trì sự hiệp nhất trong những điều chủ yếu, các thành phần trong Hội Thánh, tùy chức vụ đã được ủy thác, hãy cố duy trì một sự tự do phù hợp trong các hình thức khác nhau của đời sống thiêng liêng và kỷ luật, trong khác biệt về nghi lễ phụng vụ và ngay cả trong một số chi tiết thần học về các chân lý mặc khải…Người Công giáo phải vui mừng nhìn nhận và coi trọng di sản Kitô giáo đích thật, ta đang có chung với các anh em Kitô hữu khác. Nhận ra sự phong phú của Đức Kitô và các việc nhân đức trong đời sống người khác, những người đang làm chứng cho Đức Kitô, quả là chính đáng và sinh ơn cứu độ.


Tóm lại, việc nhận biết đầy đủ về thuyết đa nguyên và các phương pháp đối thoại, việc cùng nhau tìm kiếm sự thật và liên lạc với nhau, không những không đe dọa sự bền vững và hợp nhất của Kitô giáo, mà còn có thể giúp ích rất nhiều trong việc củng cố và đào sâu sự bền vững và hợp nhất ấy.


Phương pháp đại kết nào biết xây dựng trên ý thức trọn vẹn về bản chất của đa nguyên sẽ chỉ thành công và được sự tin tưởng nơi những phần tử Kitô giáo khác, khi Hội Thánh Công giáo trở thành mẫu mực của sự đa nguyên này trong cộng đoàn mình. Hội Thánh không áp lực tín hữu mình phải thuộc đảng phái chính trị này chứ không thuộc đảng kia, chẳng hạn. Nếu có được một tinh thần tự do có liên quan đến những chọn lựa tạm thời trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, v.v. thì cả Hội Thánh lẫn xã hội chính trị sẽ gặt hái được rất nhiều.


Một thử thách tế nghị đối với tinh thần đại kết chính là phương pháp của Hội Thánh chính thức và của các nhà thần học luân lý của Hội Thánh đối với các vấn đề khẩn thiết về luật tự nhiên. Ta chỉ có thể có được một hiểu biết hơn nhờ chia sẻ kinh nghiệm và suy tư của mọi nền văn hóa, và nhờ hợp nhất với mọi người trong cũng như ngoài Hội Thánh trong việc tìm kiếm những gì là tốt lành, chân thực, và tìm kiếm các giải pháp đích thật cho những vấn đề đang nảy sinh trong những hình thức luôn luôn mới, trong những hoàn cảnh của cá nhân cũng như xã hội.


Nền đạo đức về truyền thông xã hội phải đặc biệt quan tâm đến cách thức các xã hội đa nguyên cho phép và nuôi dưỡng việc tìm kiếm sự thật. Vì lý do đó, ta phải ý thức về lịch sử Hội Thánh, trong đó, trước khi có máy in, thì chỉ có một số rất ít độc quyền trong thông tin. Hội Thánh và giới cầm quyền trong Hội Thánh không dễ dàng nhìn nhận mọi người đều quyền lợi và bổn phận đóng góp cho việc tạo nên một công luận lành mạnh và trợ giúp trong việc tìm kiếm sự thật trọn vẹn hơn.


 Ta đang sống trong một thời kỳ chuyển tiếp, là lúc rất cần đến kiên nhẫn. Các nhà thần học phải học cho biết một kiểu cách và cảm thức mới về trách nhiệm, về việc biện phân và lòng can đảm trong việc thi hành thừa tác vụ trong Hội Thánh và xã hội đa nguyên này. Trong khi đó, giới lãnh đạo Hội Thánh phải quan tâm đúng mức tới những người cực kỳ yếu đuối, nhất là khi “những chắc chắn” của họ bị đặt vấn đề và lung lay, nhiều người – cả các thần học gia – phải được giải thoát khỏi mối bận tâm về “một sự an toàn” nào đó, khiến họ không còn thành thật trong việc tìm kiếm sự thật. Các vị lãnh đạo trong lãnh vực truyền thông xã hội cho ta biết rằng họ coi “việc phá vỡ các ngăn cách” như điều cần thiết, “để những người không đồng quan điểm có thể biết và hiểu rõ thái độ của nhau hơn” và trong tiến trình ấy, “gây sốc có khi lại là tốt, khiêu khích có thể lành mạnh và thực ra còn là một mệnh lệnh nữa”. Trong hoàn cảnh mới này, ta phải xem lại phân biệt truyền thống giữa “gương xấu” của các người Pharisiêu, với gương xấu thực sự đối với những kẻ yếu đuối. Trong lúc ta phải hết sức thận trọng và nhẹ nhàng đối với những người yếu đuối, thì tập trung cách phiến diến vào sự thiếu trưởng thành của họ có thể tạo điều kiện cho thái độ cha chú, một thái độ đã cầm giữ ngày càng nhiều người trong tình trạng thiếu trưởng thành, và đã nhốt họ lại trong những mặc cảm an toàn.


Đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với các nhà thần học, là những người đang phải giải đáp cho những vấn đề được gợi lên khắp nơi trong xã hội đa nguyên này, và vì sự truyền thông đích thật, đã không sử dụng những công thức của Hội Thánh nhưng lại sử dụng ngôn ngữ của những người đang đặt ra các vấn đề ấy. Nếu Kitô hữu phải là “ánh sáng thế gian”, thì những ai lúc nào cũng cảnh giác vì “những ý kiến không an toàn”, phải ý thức hơn về “các dấu chỉ thời đại”: hoàn cảnh mới, các chiều kích mới của thuyết đa nguyên, nên cũng cần một chiến lược mới và các ngôn ngữ khác nhau. Đa nguyên đòi hỏi phải có sự tự do và chân thành tối đa trong việc tìm kiếm chân lý. Và vì lý do đó, đa nguyên cũng cần phải thật tỉnh thức trong những vấn đề có liên quan tới các quyền lực chính trị, ý thức hệ và thương mại, những quyền lực dưới chiêu bài đa nguyên, đang cố áp đặt lợi ích của họ hoặc những cái nhìn hạn hẹp của họ trên người khác. 


1.3        Vạch trần các quyền lực


Đa nguyên chỉ có lợi cho việc tìm kiếm chân lý và cho việc truyền thông trong công cuộc xây dựng sự hiệp thông, nếu người ta được tự do thực hiện những mục đích cao đẹp nói trên. Đối với một nền đạo đức học về truyền thông, thì ta phải giải quyết “chữ nếu” này, trước hết bằng cách vạch trần những quyền lực ẩn khuất hoặc công khai, đang tìm cách hạn chế tự do hoặc tìm cách theo đuổi các hình thức của “tự do” có tính thương mại và chính trị hơn là sự tự do ta có trong ta, nghĩa là, sự tự do chung cho việc truyền thông đích thật và tìm kiếm chân lý cách sâu sắc hơn.


Những quyền lực nguy hiểm nhất chính là những ý thức hệ được quần chúng chấp nhận cách mù quáng và chấp nhận cách hoàn toàn thụ động hệt như chấp nhận các sứ điệp của các phương tiện truyền thông xã hội vậy.


Ta đang sống trong một thế giới sản xuất và tiêu thụ, một thế giới thường xuyên bị cám dỗ đánh giá con người theo những gì họ có, họ sản xuất, và tiêu thụ hơn là theo những gì họ là và theo những mối tương quan của họ với tha nhân. Đó là một thế giới nặng tính kỹ thuật, trong thế giới ấy, sự phát triển về năng lực kỹ thuật, thay vì trở thành phương tiện phục vụ cho sự phát triển của con người và cộng đoàn, thì lại có khuynh hướng biến mình trở thành một thứ luật pháp. Ta phải làm mọi cách để khắc phục ý thức hệ của những kẻ nô lệ cho kỹ thuật số, nếu ta không muốn để cho kỹ thuật vì kỹ thuật trở nên một thứ thuốc phiện của con người hay cho con người.


Trong thế giới tư bản dân chủ, có một sự đối kháng sâu sắc, nhưng kín đáo giữa tự do ngôn luận – tự do phát biểu ý kiến của mình trên các phương tiện truyền thông – với tự do thương mại. Nếu những người có thẩm quyền không có một khái niệm chính trị rõ ràng nào về các phương tiện truyền thông, thì họ sẽ ủng hộ cho tự do thương mại của những kẻ giàu có và quyền thế, và như thế sẽ làm tổn hại đến sự tự do ngôn luận đích thật.


Bởi các phương tiện truyền thông hiện đại rất mắc, nên cả phương đông lẫn phương tây đều cho phép giai cấp lãnh đạo, tức những người giàu có và có thế lực chính trị, được sử dụng các phương tiện ấy vô thời hạn. Ở đâu tình trạng này được quần chúng nhắm mắt chấp nhận, thì ở đó tự do sẽ rất lâm nguy. Trong các nước cộng sản, quyền lực quan liêu của đảng thống nhất tất cả, dân thường là những người bị buộc phải tin vào những gì được loan báo thôi. Còn trong các nước tư bản dân chủ, thì quyền lực nằm trong tay những kẻ tài phiệt, thường cấu kết với các thế lực chính trị.


Huấn thị mục vụ, Communio et Progressio, kêu gọi chủ nhân và những người quản trị các phương tiện truyền thông đừng quên rằng các phương tiện truyền thông không những chỉ là các công ty thương mại, mà còn phải hoàn tất những nhiệm vụ quan trọng về văn hóa và xã hội nữa; nên họ phải tôn trọng sự độc lập của những người làm công tác truyền thông, các cộng sự viên và người tiêu thụ. Nhưng chỉ kêu gọi lương tâm của cá nhân người giàu và thế lực thôi thì chưa đủ. Hơn nữa, khoa đạo đức học lại thường quên hoặc không dám đá động gì tới quyền lực của các cơ chế có sẵn, đã được luật pháp củng cố, trong khi đáng lẽ các cơ chế ấy có thể và phải thay đổi để trở nên tốt hơn.


Trong hầu hết các nước phương tây, đều có các điều luật đối kháng do cá nhân, tập thể hoặc các công ty, nhằm ngăn cản việc độc quyền các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, những luật này thường bị lãng quên trong những trường hợp được pháp luật bảo vệ, hoặc khi các vi phạm không đáng kể. Réné Berger đã phổ biến một tài liệu đáng giá về tình trạng này và ông khuyến cáo về “một thứ liên minh ma quỉ” giữa các phương tiện truyền thông với các công ty đa quốc gia.


Kyle Haselden kêu gọi ta đặc biệt chú ý tới thế lực của các nhà chính trị và chủ nhân của các phương tiện truyền thông, và ông đã yêu cầu phải cấm mọi người có trách nhiệm và quyền lực chính trị không được sở hữu các loại phương tiện truyền thông. Nguy hiểm thậm chí sẽ trầm trọng hơn khi chính trị gia ấy không phải là chủ, nhưng bị “các phương tiện ấy làm chủ”. Sức mạnh “làm nên hoặc phế bỏ” các chính trị gia và các ứng cử viên tham gia vào chính trị của các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là trên bình diện địa phương, là một sức mạnh ẩn khuất, độc giả hoặc quan sát viên bình thường của các phương tiện thông tin khó có thể nhận ra, nhưng lại có sức tác hại rất lớn đối với các nhà lập pháo nhát đảm và với việc lập pháp thiên vị.


Nơi đâu các phương tiện truyền thông xã hội chỉ là các công ty thương mại thôi, thì việc quảng cáo sẽ là một sức mạnh toàn năng và thường là rất nguy hiểm. Vì trong nhiều quốc gia, báo chí, truyền thanh, truyền hình phần lớn tùy thuộc vào thu nhập của việc quảng cáo, những nhà quảng cáo có thế lực có thể sử dụng ảnh hưởng của mình mà điều khiển các phương tiện truyền thông. Họ quyết định các chương trình họ muốn tài trợ. Và họ không chỉ quyến rũ người ta mua hàng hóa của họ, mà tệ hơn nữa, họ còn nhồi sọ những người ba phải, bằng cách nhồi nhét cho những người ấy một ý thức rằng thèm muốn một cái gì đó, trao đổi và tiêu thụ là những điều răn quan trọng nhất. Ông Hugh Greene quả đúng khi bảo rằng “việc đòi người xem và nghe đài phải trả tiền là một cách làm cho chúng tôi được độc lập về tài chánh không chỉ đối với chính phủ mà còn đối với tất cả những áp lực thương mại nữa”.


Trong thế giới tư bản đa nguyên, nơi các phương tiện truyền thông thường theo các qui luật của thị trường, thì người mua và người tiêu thụ, là thượng đế: họ chỉ có thể nhận ra và vạch trần các thế lực nguy hiểm, nếu họ có óc phê phán và sẵn sàng muốn vạch trần các thế lực ấy.


1.4        Các trung gian mới


Thời mà các linh mục độc quyền là trung gian và là người truyền đạt thông tin đã qua rồi. Ngày nay, các phóng viên mới là người thông tin và quảng bá tư tưởng. Người ta nghe họ còn hơn là nghe các linh mục nữa. Chả thế mà nghề phóng viên là một trong những nghề quan trọng nhất. Dưới con mắt đức tin, đó là một ơn gọi vĩ đại nhưng rất gay go. Thực vậy, các phóng viên hiện nay đang đảm nhận phần lớn vai trò truyền thống của linh mục xưa. Do đó, họ cũng bị cám dỗ trở thành một giai cấp xã hội với những hào nhoáng hệt như hàng linh mục hàng ngàn năm về trước đây. Nhưng nếu ai thực sự biết rõ ơn gọi của mình, người ấy có thể có được một vai trò tương tự như vai trò ngôn sứ trong lịch sử vậy. Họ không những phải từ bỏ các điều ác, mà còn phải giúp con người khám phá ra những dấu chỉ cấp thiết nhất của thời đại, những thời cơ lớn nhất và những mối nguy hiểm nhất.


Trong khi phóng viên có thể bị các quyền lực điều khiển, và bị cám dỗ điều khiển người khác, thì ơn gọi của họ vẫn là thông tin cho người ta cách chính xác, làm cho người ta suy nghĩ và biết cách biện phân. Các phóng viên chất lượng cao có thể là những trung gian giữa những thành tựu cao quí nhất của khoa học với quần chúng. Và điều này cũng đúng cho cả các tư tưởng tôn giáo nữa. Không phải hết mọi giám mục và mọi thần học gia chuyên nghiệp đều có khả năng lần ra được suy nghĩ của quần chúng đâu. Nếu một phóng viên nào đó có được sự hiểu biết thần học, thì hơn hẳn hầu hết các nhà thần học, người ấy có thể truyền đạt hiểu biết của họ cho rất nhiều người, dẫu rất thích nhưng lại chưa hề đọc hoặc hiểu đúng các thông điệp của các đức thánh cha, và các sách do các nhà thần học viết. Thế nên, Hội Thánh cũng như xã hội trần thế đều muốn huấn luyện chuyên môn tốt nhất cho các phóng viên.


Ưa thích đặc biệt của ta là một nền linh đạo phù hợp với ơn gọi quan trọng nhưng gay go này. Trong hơn một trăm thông báo, chỉ thị, và bài suy niệm gửi cho các phóng viên của ngài, Đức Phaolô VI đã chủ yếu quan tâm đến bản chất chuyên môn và nền đạo đức của những người làm công tác truyền thông.


Đặc tính của phóng viên là phục vụ và tuyệt đối trung thành với việc tìm kiếm và chia sẻ chân lý, là quan tâm đến công ích, sự khôn ngoan và biện phân, là một nhiệt tình nồng cháy đối với công lý và những tiến bộ thực sự của con người. Họ không chỉ bị buộc phải tuân giữ các qui tắc công bằng do xã hội đặt ra, mà trên hết, họ bị chính lương tâm mình ràng buộc. Họ cần thời gian để suy nghĩ, để kiểm xét lương tâm mình. Một mặt, họ cần một khoảng cách khôn ngoan giữa các biến cố với các quyền lực, mặt khác, sự gần gũi con người và sự nhạy bén hơn với các nhu cầu của đại đa số thấp cổ bé họng. Chắc chắn họ có thể góp phần lớn vào việc làm cho thế giới này được tốt hơn, nếu họ biết khơi lên trong người ta một hứng thú và nhiệt tình đối với các cơ hội tích cực và sự thiện, trong khi vẫn không ngừng từ bỏ các sự ác, giả hình và hèn nhát.


Chia sẻ