Skip to content
Top banner

Nền đạo đức về truyền thông _ phần 4

THTT-01
2022-02-27 10:33 UTC+7 345
(Bernard Haring, CSsR. Free and Faithful in Christ, Vol.3. Saint Paul Publication. 1980. Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR. Tự do và trung thành trong Đức Kitô. 6/2004. Tr. 233- 300)

(Bernard Haring, CSsR. Free and Faithful in Christ, Vol.3. Saint Paul Publication. 1980. Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR. Tự do và trung thành trong Đức Kitô. 6/2004. Tr. 233- 300)


1          CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI VÀ CÔNG LUẬN


Việc truyền thông xã hội trước hết, là một sự trao đổi các ý kiến, tin tức, thế giới quan, nhằm cho nhau biết các tin tức của nhau, để mọi người đều không chỉ hiểu rõ những gì đang xảy ra, mà còn hiểu cả ý nghĩa của những gì đang xảy ra nữa. Trong việc truyền thông này, lương tâm của mọi người phải hợp nhất với nhau trong việc tìm kiếm những gì ta chân thực, tốt lành và hoàn mỹ.


1.1        Ý nghĩa và chức năng của công luận


Các cá nhân, các tập thể và toàn xã hội không khi nào nắm được hết mọi sự thật cách đầy đủ. Họ chỉ có thể đến gần các sự thật ấy nhờ cùng cố gắng truyền thông cho nhau. Trong xã hội toàn cầu hoá hiện nay, việc truyền thông này xảy ra cách đặc biệt nhờ phương tiện truyền thông.


Huấn thị mục vụ về các phương tiện truyền thông xã hội 1971 giải thích như sau. “Công luận là một cách diễn tả quan trọng nhất về bản chất của con người trong một xã hội có tổ chức. Công luận ấy được hình thành như sau. Trong mỗi người, đều có khuynh hướng bẩm sinh, muốn được tự do nói lên ý kiến, thái độ và cảm xúc của mình để cùng đạt đến những xác tín và phong tục chung. Pio XII mô tả công luận như “những tiếng vang tự nhiên của các biến cố và hoàn cảnh có thật được phản ánh cách ít nhiều tự phát trong tâm hồn và phán đoán của con người” ... Để công luận có thể xuất hiện theo đúng cách của nó, thì điều tuyệt đối quan trọng là người phải được tự do diễn tả ý kiến và thái độ của mình” (93).


Hội Thánh lữ hành không có gì phải sợ những hiểu biết hoặc việc tìm kiếm kiến thức nhờ các phương tiện truyền thông hết. Chỉ những hiểu biết nào không được tiêu hóa hoặc những tin vịt của những kẻ ở trong tháp ngà, hay những thông tin không bao giờ được đưa ra thực hành mới có thể là những thông tin vô ích và nguy hiểm thôi.


Những người làm công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành công luận. Tuy nhiên họ không được áp đặt ý kiến của họ mà chỉ được đưa ra những thông tin khách quan, “để gom các quan điểm khác nhau lại, đối chiếu rồi chuyển đi, hầu người ta có thể hiểu, và tự quyết định lấy” (91).


Trong nhiệm vụ quan trọng là hình thành công luận lành mạnh này, không ai được quyền đứng ngoài cuộc hoặc chỉ là người tiếp nhận thụ động, cả những người không thể có ảnh hưởng trực tiếp trên những người làm công tác truyền thông vẫn có thể chia sẻ suy tư và một phần nhận thức của mình với những người thân cận. Người làm công tác truyền thông không được quyền che dấu những xác tín của mình, nhưng phải phân biệt rõ đâu là những xác tín vững chắc và đâu chỉ là những ý kiến tùy tiện; và sẽ không dùng mánh lới để áp đặt xác tín của mình trên người khác, vì cái gì không xuất phát từ một lương tâm tin tưởng đều là sai lầm.


Những trào lưu tự do của việc truyền thông và việc tham gia cách đáng tôn trọng vào tiến trình hình thành công luận là điều căn bản để tồn tại trong xã hội tự do, dân chủ này. Và dân chủ cũng có thể có những đóng góp tích cực cho việc phổ biến công luận. Tuy nhiên, mọi người đều được khuyến cáo là phải coi chừng khuynh hướng dễ dàng ngả theo số đông. Kể cả những đầu óc sáng suốt khi hợp nhất với số đông để có những hành động chung, thì đừng quên là phải thường xuyên cố gắng biện phân những nhận thức và xác tín của mình cách sâu sắc và chất lượng hơn.


1.2        Tự do và sự thật


Giữa tự do và sự thật, nếu cả hai đều được hiểu đúng, không có mẫu thuẫn nào cả. Thiên Chúa quyết định trong sự tự do tuyệt đối của Ngài chia sẻ sự sống và sự thật của Ngài với ta, và Ngài mời gọi ta tự do đón nhận sự thật, và tìm kiếm sự thật hơn nữa, và chia sẻ sự thật ấy cho đồng loại ta.


Trong thế kỷ vừa qua, châm ngôn “sự thật sẽ giải thoát các ngươi” thường được sử dụng không chỉ để chống lại chủ nghĩa tự do quá khích mà còn để chống lại ước vọng muốn được tự do hơn trong việc tìm kiếm và nói lên các xác tín. Giáo huấn hiện nay của Hội Thánh đã khắc phục được sự đối nghịch này giữa “sự thật” và “tự do”. Giáo huấn ấy đã cặn kẽ chỉ dẫn các tín hữu, và nhờ họ chỉ dẫn cả thế giới này, để họ hiểu được tự do là gì, tìm kiếm và hành theo sự thật là gì. “Để con người có thể cộng tác chặt chẽ và phát triển đời sống cộng đoàn hơn nữa, cần phải có tự do trong việc lượng giá và so sánh các quan điểm khác nhau, nhất là những quan điểm nào xem ra có giá trị và vững chắc. Trong việc tự do trao đổi ý kiến này, bao giờ cũng tồn tại tiến trình cho và nhận, tiến trình chấp nhận hoặc từ bỏ, dàn xếp và biên soạn. Và cũng trong tiến trình này, các ý tưởng vững chắc hơn có thể sẽ đạt được một sự nhất trí nào đó, và nhờ sự nhất trí ấy, có thể đưa tới một hành động chung nào đó” (95).


Như ta đã thấy trong chương đầu của tập III này, sự thật có thể bị phá hỏng, do bị sử dụng cho những lợi lộc ích kỷ hoặc bị đề nghị cách thiếu tình thương. Tự do đích thật chính là tự do cho người khác, tự do yêu thương và biện phân cái gì xây dựng và cái gì chỉ thể phá vỡ sự hiệp thông. Mỗi người đều được quyền có những riêng tư và danh dự xã hội của mình, không có những thứ ấy họ không thể đóng trọn vẹn vai trò của họ trong xã hội và trong việc tìm chân lý.


Không phải mọi tin tức đều có lợi cho một xã hội văn minh đâu. Ví dụ, quan tâm cách quá đáng tới những hành động khủng bố sẽ giúp cho kẻ khủng bố có được một diễn đàn công cộng họ không đáng được hưởng. Dĩ nhiên, các cuộc tấn công của họ có thể và đôi khi phải được truyền thông, nhưng phải làm sao để càng ngắn và càng vô cảm bao nhiên càng tốt bấy nhiêu, trừ “cảm xúc” của những hành động chống lại họ và thái độ chính đáng của những người đang đương đầu với vấn đề này.


Sự tự do đích thật, một thứ tự do cần thiết để xây dựng những công luận lành mạnh, bao gồm sự can đảm dám sửa sai kịp thời những quan điểm của mình hoặc những thông tin về các sự kiện (96). Nhận ra một lầm lỗi nào đó, đối với người làm công tác truyền thông không phải là một sự sỉ nhục. Tất cả chúng ta đều là học trò, và không ai dám bảo rằng mình là người bao giờ cũng đúng. Tự do của ta trong nhiều cách, chính là tự do cho sự thật đang hình thành. Ta cũng phải công nhận rằng, chuyên môn của người làm công tác truyền thông thường không cho phép có quá nhiều tìm kiếm và suy tư lý tưởng.


1.3        Công luận trong Hội Thánh


Hội Thánh được Đức Kitô thiết lập phải hơn hẳn một diễn đàn trao đổi ý kiến chứ. Hội Thánh có nhiều thứ để cho chứ không phải chỉ là những ý kiến dựa trên những sự rất có thể xảy ra. Được Chúa Giêsu dạy bảo và Thần Khí sự thật hướng dẫn, Hội Thánh không ngừng truyền đạt cho ta sự thật đã được mạc khải trong Đức Kitô Giêsu, và luật trao ban sự sống của Thần Khí trong Đức Kitô Giêsu.


Kho tàng đức tin phải được trung thành quảng bá cho đến tận cùng lịch sử, không hiện diện trong Hội Thánh như vốn chết. Chỉ khi rao giảng Tin Mừng cách sống động, chia sẻ sự thật, và cùng cố gắng hiểu rõ chân lý cứu độ hơn mà sống cho trung thành hơn, Hội Thánh mới thực sự ở trong sự thật.


Công Đồng Vatican II đã giải thoát dân Thiên Chúa khỏi việc truyền thông chiều dọc từ trên xuống dưới, là nơi những người làm công tác truyền thông chỉ là những con kênh truyền tải những gì các đấng bản quyền nói. Huấn thị mục vụ về các phương tiện truyền thông xã hội đã cho thấy rất rõ về tính chất của công luận trong Hội Thánh, cả trong việc tìm kiếm một hiểu biết hơn về niềm tin chung lẫn trong công luận, không thuộc kho tàng đức tin. Mọi người trong dân Thiên Chúa đều phải có phần đóng góp, mỗi người tùy theo khả năng và đặc sủng của mình. Đây là điều có ý nghĩa hơn là việc thực thi quyền bính cách hiệu quả. “Nhịp sống bình thường và việc quản trị hoạt động nhịp nhàng trong Hội Thánh đòi phải có một lượng thông tin hai chiều đều đặn giữa các đấng bản quyền các cấp trong Hội Thánh với các tín hữu với tư cách cá nhân cũng như đoàn thế. Đây là điều áp dụng cho toàn thế giới. Để làm được chuyện này, đòi phải có nhiều tổ chức” (97).


Dĩ nhiên, việc đầu tiên là phải nắm được tinh thần đối thoại thuộc mọi mức độ, việc dấn thân có tính liên đới này cho việc tìm kiếm sự thật để bắt tay chung sức trong việc rao giảng Tin Mừng và những nhận thức mới về lịch sử.


Còn đối với việc bảo mật trong Hội Thánh, ta đã có được tuyên bố can đảm sau: “Đối với những hoàn cảnh đòi phải giữ bí mật các công việc của Hội Thánh, thì ta có thể áp dụng luật dân sự về việc bảo mật… vì thế, bí mật phải được giới hạn vào những vấn đề có liên quan tới danh thơm, tiếng tốt của những cá nhân hoặc những vấn đề đụng chạm tới các quyền của con người bất kể quyền của cá nhân hay tập thể” (98). Ta phải thấy được mối tương quan thông tin hai chiều này dưới ánh sáng của những gì ta đã giải thích về “sự hỗ tương của các lương tâm”. Mỗi người phải tham gia vào sự chân thật tuyệt đối, và tham gia với một lương tâm càng hiểu biết bao nhiêu càng tốt (99). Ngay cả sự chia sẻ này cũng phải có khuynh hướng đào sâu phán đoán có lương tâm của con người.


Hội Thánh hiện không chỉ nuôi dưỡng cuộc đối thoại đại kết như một trong những quan tâm chính của mình thôi, mà Hội Thánh cũng còn quan tâm cả đến cuộc đối thoại với trần gian này nữa. Do đó, việc phổ biến công luận, và việc tham gia của mọi phần tử trong Hội Thánh cách tự do và chân thành theo lương tâm mình, đã biến Hội Thánh nên tôi tớ của thế giới hiện nay (100). Trong việc tham gia và đối thoại này, những quan điểm và những công thức bất toàn có liên quan tới đức tin sẽ được đưa ra bàn bạc công khai. Đó không phải là kết quả của việc tham gia này nhưng là kết quả của những thời thụ động trước kia. Việc tích cực tham gia với tinh thần tự do và tin tưởng lẫn nhau, xuất phát từ lòng tin tưởng vào “Thần Khí sự thật”, sẽ đưa các tín hữu tới sự trưởng thành hơn về đức tin và tới chỗ biện phân tốt hơn về các dấu chỉ thời đại.


Ai ý thức được tầm quan trọng của sự trao đổi thông tin này và ý thức về cố gắng chung trong việc hình thành công luận lành mạnh và sống động cũng sẽ nhận ra sự đồng trách nhiệm của mình đối với hoạt động đúng đắn của các phương tiện truyền thông. Tất cả chúng ta đều có một mức độ sức mạnh nào đó có ảnh hưởng trên hoạt động này, và với tư cách là Kitô hữu, nhiệm vụ của ta là sử dụng ảnh hưởng ấy cách thông minh.


Không chỉ trong những vấn đề có liên quan tới một hiểu biết hơn về đức tin thôi, mà hơn nữa, còn trong cả những vấn đề tôn giáo chưa được định tín và chưa thuộc kho tàng đức tin, và nhất là trong việc biện phân các dấu chỉ thời đại, những người làm công tác truyền thông cũng phải lắng nghe tiếng nói của những người thấp cổ, bé miệng. Đây là điều có lẽ làm cho họ đôi khi có tính phê phán hơn nhưng thường thường là ít phê phán nhưng có tính xây dựng hơn đối với tiếng nói của Hội Thánh và của các ngôn sứ lớn thuộc mỗi thời đại. Đức Phaolô VI đã mời các phóng viên viết nhật ký về “tiếng nói ấy của con người”, tiếng nói xuất phát từ con người, và những tiếng nói thấu tận tâm can con người (110).

Chia sẻ