Nền đạo đức về truyền thông _ phần 1
(Bernard Haring, CSsR. Free and Faithful in Christ, Vol.3. Saint Paul Publication. 1980. Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR. Tự do và trung thành trong Đức Kitô. 6/2004. Tr. 233- 300)
1 THẦN HỌC VỀ TRUYỀN THÔNG
1.1 Đức Kitô, người truyền thông và là chính sự truyền thông
Giáo huấn của đức thánh cha về truyền thông ngày 23.5.1971, cho thấy Đức Kitô chính là vị truyền thông cứu độ và là bậc thầy của sự truyền thông. Ngài, Lời của Cha, trong Ngài mọi sự được tạo thành, cũng chính là quà tặng và sứ điệp tối thượng của Cha cho nhân loại. Trong Ngài cha truyền thông kế hoạch, sự khôn ngoan, và tình yêu của Ngài. Nếu ta nói về Đức Kitô, người truyền thông và là chính sự truyền thông, thì ta không bao giờ được quên rằng Ngài là Ngôi Lời từ nguyên thủy vẫn ở trong Cha, và nhờ Ngài toàn công trình tạo thành là sự truyền thông được thông truyền cho những ai được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Ngài.
Mọi công trình của Thiên Chúa đều là sự truyền thông, là sự chia sẻ sự thật trao ban sự sống. Đức Kitô cho ta một giải thích, một cái nhìn rõ ràng về tạo thành như một sự truyền thông. Trước hết, Ngài mặc khải ra cuộc đối thoại muôn đời với Cha. “Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta, và không ai biết Con, trừ Cha, và không ai biết Cha, trừ Con và những kẻ Con muốn mặc khải cho” (Lc 10, 22). Nhờ Chúa Giêsu Kitô, Cha đưa mình vào trong cuộc đối thoại giữa những con người. Chúa Giêsu mặc khải mình và Cha như những người bạn; việc truyền thông của Ngài là một dấu chỉ của tình bằng hữu của Ngài. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, Thầy đã tỏ cho anh em biết” (Ga 15,15).
Đức Kitô Giêsu vừa là Ngôi Lời vừa là Hình Ảnh.
Vì là Ngôi Lời, Ngài cũng là người lắng nghe đích thật; Ngài mặc khải những gì Ngài đã nghe được (Ga 15,15). Ngài cũng mặc khải ra những gì Ngài đã thấy: “Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một Thiên Chúa, Đấng ở cung lòng Cha, đã thông tỏ cho ta” (Ga 1,18). Nhưng Chúa Giêsu không chỉ sống bằng lời từ miệng Cha phán ra; Ngài còn lắng nghe tất cả những ai đang được Ngài truyền thông chính mình và sứ điệp của Ngài. Ngài làm cho ứng nghiệm lời ngôn sứ về người tôi tớ của Thiên Chúa: “Đức Chúa đã cho tôi lưỡi của môn sinh, để biết chống đỡ người kiệt sức. Người lay tỉnh khiến lời nên hoạt bát. Sáng sáng, Người lay tỉnh tai tôi, cho tôi biết nghe như những môn sinh. Đức Chúa Giavê đã mở tai tôi. Phần tôi, tôi đã không hề phản ngụy, tôi đã không lùi sau, té chạy” (Is 50,4-5).
Ngài, Ngôi Lời và Hình Ảnh của Cha, nói bằng ngôn ngữ con người và bằng cả các hình ảnh và biểu tượng. Để có được một hiểu biết thần học hơn về việc truyền thông, theo tôi, điều quan trọng là phải đặc biệt quan tâm tới sự kiện này là Đức Kitô cũng được trình bày như là hình ảnh của Thiên Chúa. Thánh Phaolô rao giảng “Tin Mừng về vinh quang của Đức Kitô, hình ảnh của Thiên Chúa” (2 Cr 4,4). Đức Kitô, vị truyền thông cũng chính là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Col 1,15), “là phản ánh vẻ huy hoàng và hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3). Thế nên, Ngài có thể nói: “ai thấy Tôi là thấy Cha” (Ga 14, 9).
Đức Kitô nói bằng các dụ ngôn và làm cho lời Ngài thành hữu hình bằng các hành động có tính biểu tượng, không chỉ bởi tâm tính và truyền thống của phương đông thôi, mà còn bởi các hình ảnh và biểu tượng là phương tiện thích hợp nhất để chuyển giao các mầu nhiệm vượt quá mọi khái niệm và ngôn ngữ.
1.2 Chiều kích Ba Ngôi của việc truyền thông
Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, đã mặc khải sự sống Thiên Chúa như một sự truyền thông, một sự chia sẻ. Ngài cầu nguyện: “Mọi sự của Con đều là của Cha, và mọi sự của Cha đều là của con” (Ga 17,10). Việc Ngài chia sẻ chính mình và mọi sự thật xuất phát từ việc chia sẻ trọn vẹn giữa Cha, Con và Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là sự chia sẻ, là sự truyền thông. “Khi Ngài đến, vì là Thần Khí sự thật, Ngài sẽ dẫn đưa tất cả anh em vào trong sự thật; vì Ngài sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Ngài nghe, Ngài sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Ngài sẽ tôn vinh Thầy vì Ngài sẽ lấy những gì của thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16, 13-15).
Truyền thông là một yếu tố quan trọng trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Mỗi một ngôi trong Ba Ngôi đều sở hữu hết những gì là tốt lành, hết những gì là sự thật, là tuyệt mỹ, nhưng theo khuôn mẫu của sự hiệp thông và truyền thông. Công cuộc tạo thành, cứu chuộc và truyền thông xuất phát từ mầu nhiệm này và mục đích tối hậu của mầu nhiệm ấy là, bằng sự truyền thông, lôi kéo ta vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa. Tạo dựng nên ta theo hình ảnh và giống như Ngài, Thiên Chúa đã biến ta nên những kẻ tham dự vào việc truyền thông sáng tạo và giải thoát của Ngài, nhờ sự hiệp thông, trong sự hiệp thông và vì sự hiệp thông.
1.3 Sự thật của việc truyền thông và việc truyền thông sự thật
“Khuynh hướng muốn truyền thông thuộc về chính bản chất của Thiên Chúa Ba Ngôi và của các Kitô hữu. Vì thế, việc truyền thông sự thật và tình yêu trên trần gian này, dưới mọi hình thức, là một cái gì đó thuộc về Thiên Chúa và nắn đúc ta nên hình ảnh và giống như Thiên Chúa”. Được cứu chuộc nghĩa là được cứu chuộc để truyền thông sự thật, và để chia sẻ sự thật và tình yêu cách sáng tạo và giải thoát. Các môn đệ của Đức Kitô không thể ở trong sự thật và lớn lên trong sự thật giải thoát, nếu không đón nhận và truyền thông sự thật với lòng biết ơn.
Những ai muốn là những người truyền thông sống động theo hình ảnh và giống như Đức Kitô, trước hết phải là người biết lắng nghe. Một Hội Thánh giảng dạy, mà trước hết lại không phải là một Hội Thánh biết lắng nghe, thì vẫn chưa nằm trong luồng truyền thông của Thiên Chúa. Điều này không chỉ đúng trong các mối tương quan trong Hội Thánh mà còn đúng đối với các mối tương quan giữa Hội Thánh và phần còn lại của thế giới này. Giáo huấn của đức thánh cha về việc truyền thông nhấn rất mạnh tới chiều kích này. Thông tin không chỉ xuất phát từ phía Hội Thánh thôi mà còn phải quay trở về lại với Hội Thánh, theo nghĩa “giới thẩm quyền của Hội Thánh cũng phải được giáo huấn”.
Hội Thánh có thể là một tiếng nói có tính ngôn sứ trong các giòng truyền thông lớn, nếu Hội Thánh sẵn sàng chấp nhận lời ngôn sứ của thế tục và tham dự vào niềm vui và hy vọng, đau khổ và sợ hãi của mọi người. Việc truyền thông trong Hội Thánh và nhờ Hội Thánh là vì cộng đoàn, vì sự hiệp nhất trong nhân loại. Nhưng truyền thông, ngay cả việc truyền thông Tin Mừng, không tự động tạo nên cộng đoàn. Cần có sự đối thoại, hoán cải, và sự hiện diện với nhau và cho nhau.
Nước Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu là cho toàn thế giới. Quyền năng đã được ban cho Chúa Giêsu Kitô, là Chúa, đòi các môn đệ Ngài phải rao giảng Tin Mừng, phải là những người truyền thông ở mọi nơi, thậm chí cho tới tận cùng trái đất (Mt 28,28). Chúa Thánh Thần, Đấng đã xức dầu cho Đức Kitô để Ngài rao giảng Tin Mừng thôi thúc các môn đệ của Ngài, tức Hội Thánh, phải sử dụng mọi phương thế có thể để quảng bá Tin Mừng. Đây là một trong những chủ đề lớn của sách Công Vụ Tông Đồ. Nước Thiên Chúa là một thực tại công khai. “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà mà rao giảng” (Mt 10, 27). Các phương tiện truyền thông hiện đại chẳng phải là việc trên mái nhà đó sao?
1.4 Truyền thông và tính người
Trong toàn bộ vũ trụ thọ tạo này, có một sự tương tự nào đó với việc truyền thông của Thiên Chúa. Có lẽ thế là vì mọi sự đều tồn tại nhờ sự tương tác, và việc truyền thông. Nguyên tử là một hệ thống tương tác kỳ diệu. Khoáng vật học, sinh vật học và động vật học đã quan tâm đặc biệt tới hệ thống tương tác này giữa các khoáng vật, các bộ phận v.v., và tới sự tương tác giữa chúng với các môi trường của chúng. Mỗi vật đều có cách tương tác và truyền thông riêng.
Ta nói những điều ấy để nhắm đến những tính chất khác biệt của con người. Ta biết được các vật ấy là do những biểu hiện của chúng; và trung gian của biểu hiện ấy chính là các cuộc truyền thông của con người. Con người được đánh dấu bằng chính sự truyền thông các toàn diện đến độ ngay cả ý thức về bản ngã cũng phải tùy thuộc vào sự truyền thông này. Con người không thể sống mà lại không có truyền thông; con người không thể không truyền thông. Ngay cả khi từ khước truyền thông, thì cũng là một sứ điệp, một sự truyền thông.
Hoạt động chính là truyền thông và truyền thông chính là hoạt động, với những tác động trên người truyền thông và trên thế giới chung quanh họ. Mỗi cuộc truyền thông đều ảnh hưởng trên mọi người tham dự. Con người vẫn không ngừng phát triển các phương tiện truyền thông: các âm thanh không lời, các cử chỉ, các lời nói và chữ viết, các nét mặt, dấu chỉ, biểu tượng, các di tích, các tiếng động, điêu khắc, hội họa v.v.. “Việc truyền thông giữa người với người càng dễ dàng bao nhiêu, thì cơ hội để con người thành người càng lớn bấy nhiêu”.
Ta phân biệt giữa việc truyền thông có lợi cho con người, với các phương tiện truyền thông, chỉ là các công cụ và được sử dụng cho cả điều tốt lẫn điều xấu. Con người ở vào thời cực tốt, khi truyền thông trở thành hiệp thông, và vì thế, họ không chỉ cần ngôn ngữ và biểu tượng thôi, mà trước hết, họ cần sự tin tưởng lẫn nhau giữa người truyền thông và kẻ lãnh nhận, và sự tin tưởng vào ngôn ngữ và biểu tượng. Trong mỗi cuộc truyền thông, ta đều tìm được một yếu tố của nội dung và một yếu tố của liên hệ. Liên hệ càng lành mạnh, thì càng ít phải để ý, và liên hệ càng xáo trộn bao nhiêu, thì càng có ảnh hưởng xấu trên lương tâm bấy lâu. Ngay cả trước khi truyền thông, chính bản thân con người cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi một giải đáp người ta mong chờ và sau đó, họ cũng vẫn còn bị ảnh hưởng bởi một loại phản hồi nào đó họ nhận được. Để biết mình, ta cần được người khác biết ta, và để người khác biết được ta, ta phải biết họ.
Ta chỉ có thể hiểu được các cuộc truyền thông xáo trộn, khi ta đặt chúng trong toàn bộ bối cảnh của con người. Các bệnh lý của việc truyền thông không phải là các bệnh lý tĩnh nhưng luôn thay đổi với toàn bộ hoàn cảnh của con người, tùy thuộc mỗi người tham dự. Nhiều bệnh lý chỉ có thể được hiểu như một giải đáp hoặc một phản ứng chống lại các tương quan xấu. “Tội của thế gian” trở nên hữu hình trong các cuộc truyền thông thiếu lành mạnh và sai lạc. “Khi ấy, họ mất cả cảm thức về bản ngã lẫn ngôn ngữ để truyền thông ý nghĩa sâu sắc của bản thân mình cho nhau”.
Ta phải nghĩ đến các bệnh lý của thời đại ta. Tuy đây là thời đã phát huy được các khái niệm và các biểu tượng chính xác đối với các vấn đề kỹ thuật, nhưng khi truyền thông các giá trị cao nhất như tự do, trung thành, tình yêu và chất người, thì bao giờ ta cũng gặp phải chướng ngại và không dễ dàng tìm được ngôn ngữ chung. Việc truyền thông thương mại và kỹ thuật có thể phổ biến và mạnh mẽ đến độ người ta không sao có thể phân biệt được làm sao để chia sẻ cái thâm sâu nhất của mình với việc truyền thông theo mức độ của các mối tương quan bình thường.
Đức Phaolô VI nhấn mạnh rằng việc truyền thông chỉ thể hiện và củng cố sự hiệp thông khi sự truyền thông ấy xuất phát từ sự cảm thông yêu thương và tình liên đới. Chỉ khi ấy, truyền thông mới có thể nâng cao sự phát triển đích thật của con người.
Con người truyền thông bằng những gì họ là hơn là những gì họ nói. Họ nói không chỉ bằng những lời lọt tai người nghe thôi; mà họ còn nói bằng mắt, và bằng các giác quan nữa. Họ truyền thông bằng nghệ thuật, các lễ hội, hát xướng, múa nhảy và vui chơi, và bằng bao nhiêu biểu tượng có thể đạt đến tận cõi thẳm sâu của con người nữa. Nhưng chỉ khi nào biểu tượng, lời nói và hành động cho thấy việc con người chia sẻ chính mình, thì chất người mới đạt đến sự viên mãn, tới hình ảnh và sự giống Thiên Chúa.