Skip to content
Top banner

Nền đạo đức về truyền thông _ phần 3

THTT-01
2022-02-26 11:43 UTC+7 228
(Bernard Haring, CSsR. Free and Faithful in Christ, Vol.3. Saint Paul Publication. 1980. Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR. Tự do và trung thành trong Đức Kitô. 6/2004. Tr. 233- 300)

(Bernard Haring, CSsR. Free and Faithful in Christ, Vol.3. Saint Paul Publication. 1980. Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR. Tự do và trung thành trong Đức Kitô. 6/2004. Tr. 233- 300)


1          CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG VÀ VIỆC XÂY DỰNG MỘT NHÂN LOẠI MỚI


Căn bản của nền thần học luân lý là sự hiểu biết Thiên Chúa và hiểu biết con người. Trước khi có thể nói cách thông minh về trách nhiệm của ta trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, ta phải tự hỏi xem các phương tiện ấy đã tác động trên con người ngày nay thế nào, và làm thế nào để các suy tư đạo đức có thể đến được với con người và ảnh hưởng trên con người.


1.1        Ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của các phương tiện truyền thông trên con người


Căn cứ vào một số các nghiên cứu, Kyle Haselden đã đưa ra một dự đoán khá hợp lý là “truyền thanh, truyền hình, phim ảnh và sách báo nuốt mất của một người Mỹ bình thường, 35 giờ mỗi tuần; trong đó truyền hình chiếm phần lớn số thời gian này”.


Hầu hết các nước phương tây và có lẽ cả các nước thuộc thế giới thứ ba cũng thế thôi. Vào tuổi đại học, thanh niên, thanh nữ thường mất giờ nhiều cho các phương tiện truyền thông – nhất là truyền hình – hơn cả giờ ngồi trên lớp và gặp gỡ giáo sư. Nhiều trẻ em đã có dấu hiệu bị truyền hình ảnh hưởng rất sớm. Truyền hình bỗng trở nên một loại cha, mẹ mới. Ta có thể so sánh ảnh hưởng này với loài ngỗng xám, khi chúng tiếp xúc với người, hoặc các loài khác, hay các vật khác vào những ngày đầu tiên của cuộc đời chúng.


Ngoài cuộc cách mạng tâm lý và văn hóa ra, các phương tiện truyền thông xã hội chẳng đem lại được gì cho thế giới này. Chúng có ích lợi hay tiêu cực, hiện vẫn còn là một vấn đề đang tranh cãi. Chắc chắn chúng đã cho con người một cơ hội tích cực tuyệt vời. Ta có thể hy vọng rằng chúng sẽ có những ảnh hưởng ngày một thống nhất hơn trên toàn bộ xã hội của ta và trên toàn thế giới nữa.


Việc sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông xã hội có khuynh hướng làm cho con người ý thức hơn về sự duy nhất của mình, về những vấn đề và những nguy hiểm chung. Các chân trời của con người rộng mở. Các khoảng cách giữa các nền văn hóa và các quốc gia sẽ được lấp đầy. Ta đang trở nên người đương thời với mọi người, và đang học để hiểu rõ họ hơn, để cảm thông với họ, và nếu cần, để giúp đỡ họ. Và trong khi học về tính đa dạng của các nền văn hóa, ta cũng học cách biện phân kỹ lưỡng hơn giữa chân lý vĩnh cửu với những nhận thức mau qua.


Nếu con người biết quyết định, thì các phương tiện truyền thông xã hội có thể có một ảnh hưởng có tính giải thoát, giúp đại đa số được tự do khỏi ngục tù ngu dốt, khỏi tình trạng cô lập và các thiên kiến của chủng tộc mình. Như thế, các liên minh có tính phe phái sẽ giảm dần và được biến đổi thành một sự phong phú và bổ túc cho nhau. Nhờ các phương tiện truyền thông, những dân tộc bị đàn áp và kém phát triển có thể được giúp đỡ thay đổi vận mệnh mình. Họ có thể biết được rằng tình thế có thể khác hẳn, và có thể thay đổi được. Để đẩy mạnh sự phát triển tại thế giới thứ ba, các phương tiện truyền thông có thể trở nên một dữ kiện lớn. Sự phong phú của óc tưởng tượng, nhất là của các phương tiện truyền hình, khiến người ta có thể dễ dàng nắm bắt thông tin, và nhờ những phương tiện ấy, hằng triệu người đã bị tước mất quyền thừa kế vẫn có thể tham gia vào những tiến bộ về văn hóa.


Nhưng trong khi Marshall McLuhan cầm đầu một nhóm có những đánh lạc quan hoặc thậm chí còn quá lạc quan nữa là khác, thì vẫn không thiếu những bi quan khủng khiếp. Chắc chắn cũng có những nguy hiểm, và chỉ khi ta dám đương đầu với những nguy hiểm ấy, ta mới có thể hy vọng giảm bớt hoặc khuất phục chúng.


Nhiều người vẫn thường sống trong điều kiện có quá nhiều thông tin. Họ thường tiếp xúc quá lâu, quá thường và quá ngờ nghệch với các sứ điệp của các phương tiện truyền thông đến độ bối rối và rơi vào trong tình trạng thụ động.


Ta có thể tự hỏi không biết, vì phải nạp quá nhiều thông tin và các ấn tượng như thế, mà lại thiếu những cơ hội tương tự để tham gia cách sáng tạo, căn tính của ta có bị đe dọa chăng. Nhờ các phương tiện truyền thông ta có thể sống trong nhiều thế giới khác nhau và tham gia vào nhiều kinh nghiệm khác nhau đến độ những kinh nghiệm đầu tiên và trực tiếp của ta một cách nào đó đã bị nuốt mất.


Tiếp xúc quá lâu với một thế giới tưởng tượng của một số phương tiện truyền thông xã hội nào đó có thể làm cho khả năng suy tư và đối diện với cuộc sống cách hiện thực của con người bị suy thoái. Ta phải tiếp xúc với quá nhiều điều kiện mới đến độ, nếu không chuẩn bị kỹ, tự do của ta có thể bị hủy hoại.


Bi quan chẳng có lợi gì. Nếu ta biết tận dụng các thời cơ hiện tại, các phương tiện truyền thông cung cấp, và đối diện cách nhạy bén với các nguy hiểm, thì sẽ chẳng có gì đáng phải bi quan hết, nhưng lại có lý, để tỏ lòng biết ơn, vì ta đang được sống trong một thời đại mà các khả năng mới của việc tìm kiếm và chia sẻ sự thật đang thách thức tự do sáng tạo và trung thành của ta.


1.2        Hiểu biết cơ chế của các phương tiện truyền thông


Khẩu hiệu của Marshall McLuhan là “phương tiện chính là sứ điệp”, đang bị phê bình cách gay gắt. “Tiền đề của ông chỉ đúng phần nào thôi – ngoài nội dung của chúng ra, các phương tiện đang có ảnh hưởng trên ta – và đang đưa ta tới một kết luận sai hoàn toàn, nghĩa là, ta phải tập trung chú ý và nghiên cứu của ta vào các phương tiện hơn là vào nội dung của chúng”. Nhưng việc thổi phồng vẫn không cho phép ta thôi tập trung chú ý đến cơ chế của các phương tiện.


Nền đạo đức về các phương tiện truyền thông phải xét đến tính độc lập tương đối của lãnh vực này. Ta phải nghiên cứu khuynh hướng hoạt động và ảnh hưởng của nó trên cá nhân và tập thể dựa trên quan điểm của kỹ thuật, xã hội học và nhất là tâm lý học.


Ta có đương đầu với xã hội tư bản phương tây hay với chủ nghĩa tư bản quốc gia của các nước cộng sản hay không, thì như ta đã thấy ở trên là, vẫn còn tồn tãi sự kiện này là các phương tiện truyền thông đắt tiền, do chính cơ chế của chúng, vẫn đang bị cám dỗ nắm lấy quyền lực. Nhưng nếu ta biết hành động theo tinh thần đồng trách nhiệm, thì ở một mức độ nào đó, ta sẽ có thể nắm được các cơ chế khác nhau và các thuyết tất định. Khi ấy, ta mới có thể áp dụng lời Chúa sau đây cho các phương tiện truyền thông: “Ngày sabbath được lập ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabbath”. Cơ chế của các phương tiện truyền thông, tự chúng, không tách ta ra khỏi việc phục vụ con người và cộng đoàn. Thực vậy, các phương tiện truyền thông đang tạo nên một thách thức lớn trong việc áp dụng nguyên tắc đạo đức này là phải tuyệt đối tôn trọng phẩm giá của mỗi một con người.


Một nền đạo đức chủ yếu nặng tính cá nhân chủ nghĩa, không thể tiếp cận cách đúng đắn những vấn đề do các phương tiện truyền thông khơi lên được đâu. Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều phải tự hỏi ta phải lợi dụng các phương tiện truyền thông ra sao, phải trở nên người biện phân thế nào, v.v. Nhưng vì các phương tiện truyền thông có những ảnh hưởng lớn trên toàn bộ xã hội, trên mỗi cộng đoàn và mỗi con người, nên nhiệm vụ khẩn thiết của mọi người là phải tìm cho ra những cơ cấu riêng biệt và phải cung cấp một nền giáo dục cần thiết cho cả trách nhiệm cá nhân lẫn xã hội về lãnh vực này.


Một số cơ chế hoặc khuynh hướng của các phương tiện truyền thông mới đã khơi lên một lời kêu gọi rất tích cực về đạo đức học, nếu ta hiểu đúng các khuynh hướng ấy. McLuhan ghi nhận rằng “sự lệ thuộc lẫn nhau về điện tử đang tái tạo thế giới này thành một thế giới có tính toàn cầu”. Nếu con người trong một kỷ nguyên với những cơ hội như thế lại rút lui vào trong một nền đạo đức chỉ biết hoàn tất chính mình thôi, thì các phương tiện truyền thông vẫn cứ hoạt động theo chiều hướng của một thế giới toàn cầu, nhưng là một thế giới bị sâu xé bởi chủ nghĩa duy kỷ tập thể, là kết quả của chủ nghĩa duy kỷ của nhiều người. Nhiệm vụ luân lý của ta phải được đo lường bằng cơ hội do chính kỷ nguyên này cung cấp, để làm sao biến thế giới toàn cầu mới này thành một thế giới có chất người hơn.


a.     Báo chí


Tuy việc sử dụng cả dấu chỉ và lời nói để diễn tả tư tưởng của con người thuộc yếu tính bản chất con người, nhưng tài liệu bằng chữ viết đầu tiên chỉ mới xuất hiện khoảng 5000 trước Công Nguyên. Tác phẩm viết bằng các mẫu tự Alphabe lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1200 đến năm 1000 trước Công Nguyên, nghĩa là sau thời các tổ phụ của dân Israel. Tác phẩm viết bằng Alphabe chắc chắn có một vai trò quan trọng trong việc gìn giữ các biến cố lớn trong lịch sử thần thiêng, và trong việc làm sống lại ký ức của mọi người qua mọi thời đại.


Nhưng chỉ sau khi Gutenberg phát minh ra máy in, thì những người ham thích, mới có thể tiếp cận được Kinh Thánh. Sách Thánh Vịnh lần đầu tiên được in vào năm 1447, và trọn bộ Kinh Thánh vào năm 1455. Vào thời Cải Cách, in ấn đóng một vai trò vô cùng quan trọng.


Ngay từ đầu, máy in đã phục vụ cho nền văn hóa tôn giáo, nhưng nó cũng đã bẻ gẫy ngay sự gần như độc quyền của Hội Thánh trong cương vị là trung gian tư tưởng. Sự phát triển của thuyết đa nguyên trong công luận đã liên kết mật thiết với việc in ấn. Tờ nhật báo đầu tiên được in tại Leipzig năm 1660. Năm 1751, tập đầu tiên của bộ bách khoa tự điển Pháp ra đời: một tín hiệu và công cụ của thời kỳ ánh sáng. Tờ Daily Universal Register - từ tháng Giêng năm 1899, đổi tên thành The Times of London - được thành lập vào năm 1785. Nhưng nhật báo chỉ phát triển rộng rãi vào hậu bán thế kỷ 19. Không có báo chí, nền văn hóa hiện nay, công luận, tin tức thế giới chỉ là điều không tưởng. Nay, mỗi năm in ấn cho ra đời có khoảng 200.000 quyển sách, phục vụ cho việc phổ biến và các tiến bộ khoa học, cho trí tưởng tượng và việc giải trí, và cuối cùng nhưng không kém quan trọng, là việc rao giảng Tin Mừng.

Chữ viết luôn mời độc giả phải suy nghĩ cách chín chắn. Việc phối hợp giữa chữ viết, với hình vẽ và tranh ảnh, làm cho việc hiểu biết được dễ dàng hơn và cho lời nói có được ảnh hưởng sâu đậm hơn. Các hãng thông tấn, kể cả các hãng thông tấn Kitô giáo, đã có những đóng góp rất lớn cho các cuộc đối thoại xã hội, và có thể thể hiện sức mạnh trên sự dữ hoặc sự lành. Các hãng thông tấn Công giáo đã phục vụ tốt việc phổ biến ý kiến chung trong Hội Thánh (49). Nhưng những người Công giáo có học hiện nay không chỉ đọc các sách báo Công giáo thôi.


Kitô hữu có quyền được đại diện cho một hãng thông tấn nào đó, các hãng thông tấn quan sát các biến cố dưới ánh sáng đức tin và góp phần cho việc đánh giá mọi sự dưới ánh sáng này. Nhưng mục đích các hãng thông tân Công giáo trong xã hội đa nguyên này nhắm tới là giới độc giả thuần túy Công giáo, chỉ củng cố cho “một não trạng cục bộ thôi”. Các phóng viên Công giáo làm việc trong các hãng thông tấn đời, và trong các nhật báo Công giáo, nếu họ có tài, họ sẽ có được số độc giả vượt hơn các thành phần trong Hội Thánh.


b.     Phim ảnh


Sau năm thập niên thí nghiệm và phát triển, một trong những phương tiện truyền thông có ảnh hưởng lớn nhất, đó là phim ảnh, đã đạt được kỷ lục về số người xem, hằng năm trên toàn thế giới là hơn 12 tỷ người, riêng tại Mỹ đã là 2 tỷ, năm trăm triệu người, và tại Anh là một tỷ, ba trăm triệu người (50).


Dẫu vẫn phải cạnh tranh ráo riết với truyền hình, và nhất là các phim chiếu trên truyền hình, nhưng xinê vẫn gây được hấp dẫn và ảnh hưởng lớn trên hàng triệu khán giả. Phim ảnh là các hình ảnh di động. Mối liên hệ mật thiết giữa việc chấp nhận sứ điệp của phim ảnh, rất tượng hình và sống động đối với các giác quan, với đời sống tình cảm nội tâm của người xem, khiến phim ảnh trở nên cực kỳ ấn tượng. Chỉ cần ảnh hưởng này trên trí tưởng tượng và tình cảm thôi, thì cũng đã là một ảnh hưởng lớn lắm rồi, nhưng lại thường là một ảnh hưởng hoàn toàn vô thức. Đó là ngôn ngữ của điện ảnh. Trong một bộ phim nào đó, lời nói ra có một mãnh lực độc đáo - nhờ sự kết hợp mật thiết giữa hình ảnh, màu sắc, âm nhạc và động tác – đối với tất cả con người. Phim ảnh theo đúng nghĩa của nó, và theo một nghĩa nào đó, đã trở nên ngôn ngữ mới của thế giới, vì làm cho các hình ảnh trong phim khớp với rãnh âm thanh của các ngôn ngữ khác nhau là chuyện tương đối dễ.


Trong ngành nghệ thuật mới nhất được mọi người chấp nhận này, đóng góp của các nghệ sĩ thuộc các ngành khác nhau hợp lại, làm ra một sản phẩm tập thể, đã làm nổi bật lên những chiều kích nghệ thuật mới. Nhờ các hình ảnh đầy ấn tượng và các đóng góp kỹ thuật khác, điện ảnh đã đạt tới một mức độ gần gũi và một sức mạnh phi thường, vượt xa ảnh hưởng của các ngành nghệ thuật khác.


Điện ảnh có thể đáp ứng các ưđc vọng khác nhau: bao gồm đủ mọi lãnh vực, âm nhạc, kịch nghệ, hài hước, tin tức, tài liệu. Nhờ tât cả những thứ ấy, điện ảnh có thể truyền tải một sứ điệp rõ ràng về các giá trị và xung đột của con người, khi mở rộng các chân trời đào sâu các lối nhìn, vượt xa các rạp hát truyền thống. Cách thông thường hơn cả, điện ảnh chủ yếu vẫn là để giải trí.


Luật thị trường đã khơi lên những vấn đề nghiêm trọng nhất liên quan tới điện ảnh. Chắc chắn có các nghệ sĩ vĩ đại, những người mà vì có tài năng và tầm nhìn trổi vượt, có thể đạt được một số cử tọa đáng kể nào đó. Thành công (gồm cả thành công về mặt thương mại nữa) bao giờ cũng tùy thuộc sự hợp tác của các tác giả, của tình tiết câu chuyện, của minh tinh, của xưởng phim và hãng phim. Nhưng sáng kiến sáng tạo của đạo diễn bao giờ cũng có tính quyết định.


Hệ thống các xưỏng phim công nghiệp hoá tại Hoa Kỳ là một điển hình về sức mạnh kinh tế khủng khiếp của điện ảnh. Tại trung tâm điện ảnh Hoa kỳ, Hollywood mỗi năm sản xuất trên năm trăm bộ phim, và mỗi tuần có khoảng bảy mươi lăm triệu khách hàng. Trung tâm này còn sở hữu hầu hết các rạp hát. Và vì lợi tức về tài chánh, trên thực tế trung tâm ấy đã trở thành một kỹ nghệ giải trí. Các rạp hát địa phương nào không do các xưởng phim sở hữu, đều bị giựt mất luôn cả quyền tự do chọn lựa nhờ hệ thống “đặt chỗ trước”, nghĩa là bán sản phẩm nguyên cả mùa theo hợp đồng. Dầu là điều bất hợp pháp tại Hoa Kỳ, nhưng hệ thống ấy vẫn nghiễm nhiên trở thành tiêu chuẩn hành động của một số công ty Hoa Kỳ tại các ngoài.


Ngày nay, truyền hình đang là một đối thủ chính của ngành điện ảnh, nhưng đồng thời cũng là một liên minh về mặt kinh tế. Các công ty điện ảnh sản xuất hàng loạt chương trình cho các đài truyền và như thế đôi khi cũng làm mất căn tính của mình, vì phim làm truyền hình bao giờ cũng khác với phim nguyên thủy.


Vì lợi tức về mặt tài chính, nên các sản phẩm nổi tiếng của điện ảnh ngày nay thường là “các pha làm tình trơ trẽn và chắc chắn là không có tình yêu, và bạo động ngu dốt: sex không có tình yêu và bạo động không có mục đích cứu chuộc” (52). Dường như kỹ nghệ đã khám phá ra, hay đúng hơn là đã quyết định, những gì quần chúng muốn.


Trong một thế giới dân chủ, chắc chắn không có nhiều thao túng, nhờ có nhiều tin tưởng. Nhưng thế lực chính trị có thể vẫn lớn hơn cả lòng tin tưởng ấy. Hitler, Musolini và các chế độ cộng sản đã sử dụng phim ảnh để nhồi nhét các học thuyết chính trị. Nhưng ngay cả trước khi các nhà độc tài lên nắm chính quyền thì, phim ảnh một cách nào đó đã ảnh hưởng đến sự phát triển về mặt chính trị. Trong năm 1933, tỷ lệ các phim tại Đức, với những chủ đề bi quan, chán nản, yếm thế, tuyệt vọng tăng vọt. Chắc chắn đó một phần do toàn bộ hoàn cảnh gây ra, nhưng phim ảnh lại đào sâu và làm cho hoài cảnh bi đát thêm.


Một vấn đề đặc biệt nữa vẫn lây lan trên toàn thế giới đó là việc tôn thờ các ngôi sao. Các minh tinh điện ảnh thường nổi tiếng và có thu nhập cao hơn cả các viên chức cao cấp nhất của những quốc gia lớn nhất. Và dường như người ta đi xem phim hầu hết là các ngôi sao chứ không phải vì các lý do khác. Một số người xem phim, trong các giấc mơ và ngay cả trong thái độ sống hằng ngày, đã tự đồng hoá mình gần như đối với các ngôi sao họ hâm mộ đến độ họ đã trải qua một thứ khủng hoảng về căn tính nào đó.


Các ngôi sao điện ảnh thường có khuynh hướng xuất hiện bằng cách thể hiện cá nhân tính nổi tiếng của họ trong những vai diễn khác nhau, tùy theo ước vọng của dân chúng. Thế nên, họ khác hẳn với các nghệ sĩ sân khấu, là những người chỉ thủ các vai diễn do rạp hát phân công. Là một minh tinh điện ảnh quả là một ơn gọi khó khăn. Chính vì lý do đó, huấn thị về các phương tiện truyền thông đã không kết luận, như các thủ bản thần học luân lý xưa, là con người phải tránh xa mọi “cơ hội gần với tội lỗi” này, nhưng đã đề nghị là các vị đại điện Hội Thánh phải đối thoại cách xây dựng với các phương tiện truyền thông.


Con người học được nhiều, nhờ hấp thụ phim ảnh hơn là việc nhồi nhét các lý thuyêt. Phim ảnh có thể nói với cả những người không biết chữ, và nhờ ngôn ngữ quốc tế của mình, xinê có thể góp phần vào việc giúp cho người ta có được những hiểu biết hơn về các nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, không ai có thể chối cãi rằng hơn tám mươi năm lịch sử phát triển, nếu mỗi người đều có tinh thần đồng trách nhiệm, thì điện ảnh có lẽ đã phục vụ nhân loại tốt hơn thế nhiều. Hội Thánh đáng lẽ cũng có thể làm được nhiều hơn nữa khi làm cho cả khán giả lẫn những người tham gia vào kỹ nghệ điện ảnh ngày một nhạy cảm hơn.


Thực ra, toà thánh đã tiếp cận với điện ảnh cách rất có tính xây dựng. Ta có được bằng chứng là hai bài diễn văn (ngày 21.6 và 28.10. 1955) của Đức Piô XII về các phim lý tưởng. Điểm khởi phát của đức thánh cha chính là giả thiết rằng phim ảnh phải phục vụ cho người xem phim. Nên, đòi hỏi thiết yếu căn bản chính là lòng tôn trọng con người và cố gắng qui về con người với sự cảm thông và đáp ứng các khát vọng hợp lý của họ bao nhiêu có thể.


Phim ảnh lý tưởng là phim phải giúp cho khán giả một hiểu biết sâu sắc về thực tại. Xinê chỉ có thể có được một hiệu quả có tính giải thoát và nâng cao, khi biết trân trọng các qui tắc nghệ thuật và các thực tại của cuộc sống. Chắc chắn Hội Thánh không mong chờ các phim đạo đức và duy luân lý đâu. Cũng như trong các nghệ thuật khác, chọn điều xấu hoặc những thứ sinh gương mù, gương xấu như đặc tính của nghệ thuật đôi khi là điều được phép và không thể tránh được thế nào, thì phim ảnh cũng vậy, nhưng phải liệu sao để cố gắng trình bày điều tốt, điều đẹp và những khía cạnh vui mừng trong cuộc sống, có được một tỷ lệ đáng kể nào đó. “Chắc chắn ta sẽ không hiểu hết cuộc sống con người đâu, ít là trong những xung đột lớn, hiện nay, nếu ta vẫn cứ nhắm mắt làm ngơ trước những lầm lỗi vẫn đang gây nên những xung đột ấy... Ngay cả các sách trong bộ Cựu Ước và Tân ước, là những phản ánh trung thành của cuộc sống đích thật, vẫn gồm nhiều chuyện xấu, và ảnh hưởng của các chuyện xấu ấy trên đời sống của cá nhân cũng như các gia đình, chi tộc... nên ta cũng đành phải chấp nhận rằng một bộ phim lý tưởng cũng có thể trình bày điều xấu, tội lỗi và đồi trụy. Nhưng phải trình bày điều xấu ấy trong một nội dung nghiêm túc, theo cách thức đang biến chuyển, và sao cho viễn tượng của điều xấu ấy có thể giúp đào sâu sự hiểu biết về cuộc sống và về con người và phải phát triển và nâng cao linh hồn” (55)


Công Đồng Vatican II cũng mang chung một quan điểm: “cuối cùng, với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông xã hội, việc tường thuật, mô tả hoặc giãi bày sự xấu về mặt luân lý có thể vẫn thực sự giúp làm cho người ta biết rõ và nghiên cứu kỹ về con người hơn, và giúp mạc khải và nâng cao vẻ huy hoàng của sự thật và sự tốt lành. Các mục đích như thế chỉ có thể đạt được nhờ những hiệu quả kịch nghệ đã được nâng cao cách hợp lý. Nhưng ta vẫn phải tuân thủ nguyên tắc luân lý này là, nếu lợi bất cập hại, thì không được theo. Đây là một đòi hỏi đặc biệt cần thiết khi mọi người buộc phải tôn trọng các chủ thể liên hệ hoặc khi mọi sự có thể dễ dàng khơi lên những ước vọng trong lòng con người, đã bị tổn thương vì nguyên tội” (56).


c.      Phát thanh và truyền hình


Trong chính năm ấy (1895), năm Luois Lumiere cho trình chiếu một cuộn phim dài 65 bộ tại Paris, ông Guglielmo Marcon: một y sĩ trứ danh người Ý cũng bắt đầu phát đi những luồng sáng mà không cần dây điện. Dựa trên những nghiên cứu của Hertz và Braul, ông đã phát triển một hệ thống khiến ông có thể gửi đi những thông tin đầu tiên không cần dây qua bên kia Kênh đào Anh. Với những khởi đầu đầy triển vọng này, phát thanh đã phát triển nhanh chóng và hoàn hảo. Tiến bộ của truyền hình cũng không kém phần ngoạn mục, tiên báo một sự vượt trội hơn các ngành truyền thông khác về tầm quan trọng.


Huấn thị mục vụ về các phương tiện truyền thông đã mô tả cách vắn gọn chức năng của phát thanh và truyền hình như sau: ‘Phát thanh và truyền hình đã đem lại cho xã hội những cách thức thông tin mới. Chúng đã thay đổi các nếp sống. Phát thanh ngày một lan rộng đến mọi chân trời góc biển. Việc truyền tải chớp nhoáng này đã chọc thủng mọi biên giới về văn hóa và chính trị. Điều họ muốn nói thì đã nói được với con người ngay trong nhà họ. Những kẻ phát thanh đã đến được với cõi lòng của mỗi con người.


“Những tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật, nhất là những tiến bộ trong việc truyền tải tin tức bằng vệ tinh và việc ghi lại cũng như lưu giữ các chương trình, vẫn đang cố giải thoát các phương tiện truyền thông khỏi những hạn chế về thời gian và không gian, và những điều ấy vẫn còn hứa hẹn nhiều hiệu quả và ảnh hưởng hơn. Đối với các thính, khán giả, thì phát thanh và truyền hình đang mở ra toàn bộ thế giới của các biến cố, các nền văn hóa và giải trí. Đặc biệt là truyền hình đang đưa các cá nhân và các biến cố ra trước công chúng như thể người xem đang có mặt tại hiện trường vậy. Và ngoài những hình thức diễn tả nghệ thuật sẵn có, các người phát thanh đã tạo nên những hình thức nghệ thuật của riêng họ, hầu có thể tác động trên con người cách mới mẻ” (57).


Cùng với việc thu thanh, thu hình, phim ảnh, phát thanh, và truyền hình đang giúp tạo nên một nền văn hóa mới, trong đó, điều có tính quyết định không phải là chữ viết hoặc các biểu tượng trừu tượng nhưng là lời nói trực tiếp và các hình ảnh sống động. Tài năng của con người phát triển cách rõ ràng nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa nghe và thấy.


Phát thanh và truyền hình mở rộng và vượt xa báo chí trong việc phục vụ cho việc thông tin, giáo dục và giải trí. Xét về mặt giải trí, phát thanh và truyền hình quả là đối thủ đáng gờm của điện ảnh. Tuy nhiên, chúng nuôi dưỡng “một tinh thần toàn diện” hơn là hình thành một phê phán (58).


So với phim chiếu trong rạp, truyền hình có một lợi điểm đặc biệt trong việc giúp cho các gia đình được gần gũi nhau hơn ngay tại nhà họ. Phát thanh và truyền hình là những người khách của gia đình và phải hoàn tất vai trò là tôi tớ của các gia đình. Như thế, dĩ nhiên, chúng cũng khơi lên những vấn đề rất nghiêm trọng. Khách thì bao giờ cũng phải nhập gia tùy tục. Còn truyền hình thì ngược lại mới đúng. Gia đình trở nên khách trong phòng truyền hình, và cố thích nghi với các sức mạnh đằng sau màn hình. Như thế, gia đình đang phải đối diện với một nhiệm vụ không nhỏ trong việc trung thực với chính mình, với các lý tưởng của gia đình, và với việc hướng phương tiện truyền thông này vào việc phục vụ công ích.


Rêne Berger, trong quyển sách châm chích khá thông minh của ông với tựa đề “The Telefission” (fission: gẫy đổ), cho thấy ông rất muốn biết không biết truyền hình có phát triển được tính sáng tạo chăng và phát triển bằng cách nào. Vì mục đích ấy, ông đã phân biệt truyền hình vĩ mô (truyền hình của đại chúng, tại Âu châu là đài truyền hình quốc gia và tại Mỹ là đài truyền hình thương mại, hay còn gọi là “tự do”, với truyền hình meso (các đài truyền hình địa phương phục vụ cho một cộng đoàn giới hạn nào đó), và truyền hình vi mô chủ yếu là việc chiếu video.


Ông không gán cho truyền hình vĩ mô chất lượng sáng tạo cao, vì không có sự đối thoại với người xem, nên cách bình thường vẫn không cho phép họ trở thành những người cộng tác cách sáng tạo. Khi có những cuộc thăm dò để tìm xem phản ứng của công chúng về cách phân chia của ông ra sao, thì người ta chỉ cho biết số lượng chứ không cho biết lý do. Tuy nhiên, cùng với nhiều tác giả khác, ông nghĩ rằng các đài truyền hình địa phương và nhất là truyền hình vi mô góp phần lớn vào việc phát triển tinh thần sáng tạo, vào việc tích cực tham gia, đối thoại và những cách thức biểu hiện dân chủ (59). Trong nhiều quốc gia, truyền hình vĩ mô thường bám chặt vào sự độc quyền của nó, đến độ đã làm hết cách để xoá bỏ truyền hình địa phương. Nếu ta tin vào tính sáng tạo, ta phải chống lại tinh thần độc quyền này.


1.3        Quảng cáo


Tự nó, quảng cáo là một điều tốt, là một dịch vụ quan trọng đối với công chúng. Vì mọi thứ hàng hoá tích lũy được để làm gì, nếu không phải là nói cho ai cần đến, biết rằng có thể mua những thứ ấy ở đâu, và muốn có được những thứ ấy thì phải có những điều kiện nào. Huấn thị mục vụ về các phương tiện truyền thông mô tả những khía cạnh tích cực, trước hết: “tầm quan trọng của quảng cáo đang dần dần phát triển trong xã hội hiện đại. Quảng cáo là điều thực sự có lợi cho xã hội. Nó nói cho người mua biết về hàng hoá và các dịch vụ đang có. Như thế, quảng cáo khuyến khích việc phân phối hàng hoá cách rộng rãi nhất, và khi làm như thế, quảng cáo cũng giúp cho kỹ nghệ phát triển và làm lợi cho dân chúng” (60).


Ta đã thấy rồi là những người quảng cáo cũng có thể rất thù ghét sự độc lập của các phương tiện truyền thông. Về điểm này, huấn thị nêu rõ: “Những món tiền khổng lồ dùng vào việc quảng cáo làm lung lay tận nền tảng của các phương tiện truyền thông. Người ta có thể có ấn tượng rằng các công cụ của việc truyền thông tồn tại chỉ là để kích thích khẩu vị của người tiêu dùng đến độ họ chỉ thoả mãn khi có được những thứ đã được quảng cáo. Hơn nữa, bởi những đòi hỏi và áp lực về kinh tế, sự tự do căn bản của các phương tiện truyền thông đang bị lâm nguy. Vì sự thu nhập do việc quảng cáo là lẽ sống của phương tiện này, nên chỉ ai sống sót mới nhận được lợi tức của việc quảng cáo. Hậu quả là, cửa đã mở ra cho mọi thứ độc quyền trong việc phát triển các phương tiện truyền thông xã hội, những sự độc quyền này sẽ đạp nát quyền nhận và cung cấp thông tin, và ngăn chặn mọi thứ trao đổi quan điểm trong cộng đoàn” (61).


Trong các nước nào mà truyền hình thương mại thống lãnh lãnh vực này, thì các công ty lớn thường chọn lựa các chương trình họ muốn tài trợ. Vì thế mà các vấn đề văn hóa, giải trí v.v., có thể trở thành phương tiện cho các mục đích thương mại. Nhưng đây chỉ là một khía cạnh; những khía cạnh khác không phẳi là không nghiêm trọng.


Quảng cáo là một đấu trường bí mật dành cho những kẻ “đứng ở hậu trường” (62). Khoa tâm lý quần chúng sẵn sàng hiến mình cho việc đào tạo những người điều khiển trong lãnh vực này. Phương tiện truyền thông không chỉ cám dỗ người ta mua những thứ không cần thiết hay vô ích, mà nghiêm trọng hơn, chúng còn tạo nên toàn bộ não trạng của người tiêu thụ, khi hình thành những nhu cầu giả tạo và bóp méo những nấc thang giá trị trong lòng người ta. Hệ thống quảng cáo hiện nay, và các phương pháp tinh vi chúng sử dụng, như đang muốn nói rằng con người chỉ là những gì họ mua. Ai mỗi ngày bỏ ra ba, bốn tiếng đồng hồ hoặc hơn nữa cho việc quảng cáo, dần dần sẽ đo lường mọi thứ, kể cả các giá trị và các ý thích của riêng họ, theo số lượng, hệt như cách người tiêu thụ đo lường hàng hoá vậy.


Việc quảng cáo hiện đại có được sức mạnh là nhờ các phương tiện truyền thông nhưng cũng còn nhờ cả nền văn hóa tiêu thụ nữa, nhờ nền văn hóa này mà quảng cáo có tính năng động riêng. Như thế, sức mạnh của việc quảng cáo vượt xa lãnh vực sản xuất và tiêu dùng.


Haselden viết: “xâm phạm sự riêng tư là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của xã hội chúng ta hiện nay, nhưng còn một thứ độc hại hơn thế nữa - đó là việc xâm phạm tiềm thức con người cách tinh vi. Sẽ là một sai lầm lớn nếu ta coi thường những gì quảng cáo đang tác động trên tự do, khẩu vị, tâm tính, thái độ và luân lý của ta. Đặc biệt nguy hiểm là việc quảng cáo quá mức các loại thuốc an thần do các công ty dược phẩm sản xuất, khiến nhiều người không chỉ lạm dụng thuốc mà quảng cáo còn củng cố khuynh huớng dẫn đến chỗ nghiện thuốc. Việc các xí nghiệp dược phẩm muốn thao túng như thế để duy trì lợi tức, đã tạo nên những hậu quả xã hội chỉ cho tới nay ta mới hiểu hết được” (63).


Thường xuyên cho trẻ em xem các chương trình quảng cáo sẽ có một ảnh hưởng tiêu cực trên toàn bộ việc giáo dục chúng. Nhiều trẻ “đã có một căn tính rất gần với các biểu tượng thương mại hơn là các nhân vật trong Kinh Thánh. Các giá trị do việc quảng cáo đề cao là sự trẻ trung, hấp dẫn về giới tính, lãng mạn, nổi tiếng, giàu có và thế lực” (64). Trước khi trẻ em biết mười điều răn, thì các người quảng cáo đã chiếm lấy đời sống tiềm thức và ý thức của các em bằng ba điều răn này: “bạn sẽ thèm muốn; bạn sẽ mua; bạn sẽ sử dụng” (65). Quảng cáo là một sự nghiệp, hình thành và quảng bá một thứ thần thoại xã hội ta đang cần, để có thể hoạt động trong một xã hội tiêu thụ (66).


Một tác hại nghiêm trọng khác đối với các nước đang phát triển, đó là khi quảng cáo không đúng đắn và sử dụng các phương pháp chế ngự, mà “thuyết phục cộng đoàn tìm kiếm các tiến bộ bằng cách thoả mãn các ý muốn đã được tạo nên cách giả tạo. Hậu quả của việc quảng cáo này là các nước ấy sẽ phí phạm các tài nguyên, sẽ quên bỏ các nhu cầu của họ, và sẽ đẩy lui phát triển” (67).


Thường xuyên sử dụng những hình ảnh dâm ô trong các chương trình quảng cáo để hấp dẫn người xem, sẽ khiến người ta lầm tưởng rằng việc khơi dậy dục vọng là giá trị cao nhất của con người và là tiêu chuẩn quyết định không chỉ đối với việc mua bán đổi chác thôi mà còn đối với cả cuộc sống chung nữa. Haselden đề nghị rằng khách hàng cần đoàn kết lại để bảo cho các công ty quảng cáo biết rằng “các ngành thương mại nào khai thác và tôn vinh dâm ô cách bất thường sẽ không bán được hàng hoá” (68). Ông cũng có cùng một lập trường đối với những kẻ sử dụng các biểu tượng bạo lực và tàn bạo trong quảng cáo. “Tàn bạo chính là sự tiêu thụ đau khổ... tàn bạo là ăn thịt đồng loại cách tinh thần, là ăn mừng trên xương máu kẻ khác” (69).


1.4        Các phương tiện truyền thông và sự lạm dụng


Luật tối thượng dành cho ngành truyền thông là tôn trọng tự do truyền thông của những người đối tác, bất cứ cái gì làm giảm bớt tự do của những người ấy cách bất công hoặc tàn nhẫn đều có thể được gọi là lạm dụng. Để có được tiêu chuẩn mà phân biệt lạm dụng ấy, ta có thể nhìn thật kỹ vào ngôn ngữ họ sử dụng. Đó có phải là một cung giọng độc tài chăng? Ngôn ngữ họ sử dụng có phải là ngôn ngữ những người truyền thông thường sử dụng chăng? Sự xuyên tạc sẽ rõ ràng hơn, trong khi việc chỉ sử dụng một phần thông tin, qúa nhấn mạnh đến một lãnh vực nào đó mà bỏ qua các dữ kiện quan trọng khác, bóp méo sự thật v.v., không phải là điều dễ nhận ra. Rắc rối thường xảy ra với những kẻ lạm dụng đang bị lạm dụng, nghĩa là những kẻ không biết rằng họ đang bị lạm dụng hay đang lạm dụng kẻ khác.


Vì giải trí đóng một vai trò lđn trong cuộc sống hiện nay, nên ta phải quan tâm nhiều hơn, xem giải trí đang phô diễn một loại thế giới quan nào, xem đó là một kiểu sống nào, và giải trí nói lên những lý tưởng nào. Thể loại và nội dung của việc giải trí cũng hấp dẫn y như quảng cáo vậy.


Một trong những đe doạ nghiêm trọng nhất đối với sự toàn diện của con người chính là việc thường xuyên tiếp xúc với các cảnh quá bạo động. Sự lạm dụng này của các phương tiện truyền thông, như thể đang cho thấy rằng giải pháp bình thường của xung đột nơi con người chính là bạo động và tàn ác, đã bị Haselden gọi là “sự tục tĩu ma quái nhất của thời đại ta”. Điều vô cùng nguy hiểm cho nhân loại này chính là sự tôn thờ chiến tranh và “việc biểu dương các truyền thống quân sự” (70).


Tại Hoa Kỳ, một ủy ban quốc gia đã nghiên cứu vấn đề bạo động và dã man thường được chiếu trên các kênh truyền hình. Kết luận của ủy ban đó đưa ra ngày 23. 9. 1969, là đây là điều không gây nguy hại cho giới trẻ và lại có thể nâng cao một thế giới quan trong đó mọi người đã quá quen với bạo động. Họ đã đưa ra những đề nghị sau: trước hết, các cha mẹ nên làm hết cách để có thể thấy rằng con em họ không tiếp xúc quá nhiều với những vấn đề tiêu cực, và để giáo dục chúng trong tinh thần trách nhiệm chứ không phải là bạo động; và hai là, công chúng nên báo cho các đài truyền hình biết ràng mình không đồng tình với một số loại chương trình nào đó (71).


Không phải chỉ con người mới bị các phương tiện truyền thông lạm dụng; mà chính các phương tiện truyền thông cũng đang có nguy cơ có thể bị lạm dụng. Như ta đã thấy, tự do của các phóng viên vẫn thường xuyên bị giới hạn và bản thân họ cũng thường bị các thế lực kinh tế, chính trị lạm dụng. Các ý thức hệ luôn tìm cách đẩy những người liên hệ đến nguy cơ bị lạm dụng. Các nhóm tương đối nhỏ chỉ có một ảnh hưởng không đáng kể đối với các phương tiện truyền thông: các người quảng cáo, thanh thiếu niên, việc giải trí hời hợt bên ngoài và những loại âm nhạc ồn ào, rẻ tiền, các chính trị gia có quyền lợi về kinh tế trong việc phát thanh, và nhất là những kẻ quá khích về chính trị và tôn giáo. “Các nhân viên phân loại là những thượng đế của truyền hình Hoa Kỳ. Họ tạo nên và bẻ gẫy các ngôi sao truyền hình, các vị có thẩm quyền mà các nhà quảng cáo lúc nào cũng phải cúi đầu bái phục” (72).


Tình trạng để bị lạm dụng là đo sự thụ động của các khán, thính và độc giả. Họ đã để cho người khác nói cho họ biết cái gì i đúng, và phải làm gì (73). Một típ người nào đó bao giờ cũng có khuynh hướng chấp nhận cách vô tư hầu như hết mọi sự chỉ vì, đó là những thứ đài truyền hình đem đến cho họ.


Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm, khi cho rằng các phương tiện truyền thông có quyền tuyệt đối trên suy nghĩ và tình cảm của con người. Khoa xã hội học về các phương tiện truyền thông đã đập nát thần thoại về những đám đông không chân dung rồi. Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đối với mỗi nhóm mỗi khác, tùy theo nguồn gốc kinh tế, tùy theo tôn giáo họ theo, tùy việc đồng hoá với các nhóm nào đó và tùy trình độ giáo dục. Khách hàng không bị phó nộp cho các phương tiện truyền thông. Con người vẫn có cách phản ứng và suy nghĩ riêng. Tại Hoa Kỳ, tổng thống Roosevelt đã đắc cử tới ba khoá dẫu ông đã bị 75% giới báo chí phản đối cuộc tái tranh cử của của ông (74).


1.5        Sự hiện diện của Hội Thánh trong các phương tiện truyền thông


Theo chủ đề của nền thần học luân lý này, ta đã tự hỏi không biết Hội Thánh và các Kitô hữu nói chung, có hiện diện trong các phương tiện truyền thông xã hội cách sáng tạo, trung thành và giải thoát chăng.


Bởi sự liên minh giữa ngai vàng và bàn thờ, bởi nền luân lý tự vệ do các thủ bản luân lý phổ biến, và nhất là bởi não trạng của một Hội Thánh nhà nước và một phần nào đó là của chính Hội Thánh, nên thái độ của Hội Thánh đối với giới báo chí hiện đại không có tính xây dựng chút nào hết. Hội Thánh nhấn mạnh đến "các báo chí tốt”, và như thế là đồng nghĩa với việc báo chí Công giáo, chỉ biết truyền đạt cho dân cách chính xác những tuyên bố của Hội Thánh.


Kỷ luật về Các Sách Cấm rất khắt khe, nhằm mục đích bảo vệ tính độc quyền của Hội Thánh về thông tin. Ngày 25.11.1766, Đức Grêgôriô XIII đã ban hành thông điệp Christianea Reipublicea Salus, kết án các báo chí xấu và kêu gọi “giới linh mục và đế quốc cố dẹp bỏ những yếu tố hủy diệt ấy”. Không kém phần tự vệ là thông điệp Diu Satis của đức Pio VII (15.5.1800). Trong thông điệp đầu tiên của ngài, Mirari Vos, ngày 15.8.1832, Đức Grêgôriô XVI cũng lại kết án “sự tự do hiện đại” bằng một cảnh cáo gay gắt “những người công giáo cấp tiến”. Đức Piô IX, trong thông điệp đầu tiên của ngài, Qui Pluribus, ngày 9.11.1846, đã kết án “việc cho phép suy nghĩ, nói năng và in ấn bất cứ thứ gì”. Quyết nghị của Đức Piô IX năm 1864 kết thúc bằng việc kết án 80 tuyên bố sai lạc, và kết án luôn cả những người khẳng định rằng “toà thánh Rôma có thể và phải hoà mình với các tiến bộ, với chủ nghĩa tự do và với nền văn hóa hiện đại”.


Đức Lêô XIII nói về báo chí trong tất cả 40 tài liệu. Việc đánh mất một Hội Thánh nhà nước và các quyền lực chính trị đang mở ra một khởi đầu mới. Việc nại đến sự kiểm soát của nhà nước đang yếu dần. Trong thông điệp Libertas (28.6.1888), Đức Lêô một cách nào đó đã điều chỉnh lại việc kết án “các thứ tự do hiện đại”, bằng cách trình bày cách tích cực bản chất của “sự tự do đích thật”. Sự tiếp cận với các phương tiện truyền thông có tính xây dựng hơn nhiều trong suốt triều đại giáo hoàng của Đức Piô XII, có lẽ một phần nào đó đã được các vị tiền nhiệm của ngài chuẩn bị cho. Diễn văn của ngài ngày 18.2. 1950, về vai trò của báo chí Công giáo có liên quan tới công luận, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công luận trong Hội Thánh và ngoài xã hội và sự tự do cần thiết phải có đối với công luận. Đức Gioan XXIII đã làm ấm lòng các phóng viên. Ngài là một vị thầy lỗi lạc của sự hiện diện có tính xây dựng trên giới ngày nay, nhất là nhờ sự lạc quan và khả năng có thể nhận ra những gì là tốt lành, đúng đắn và ngay chính khắp nơi của ngài. Đức Phaolô VI với chương trình đối thoại, đã công khai nhìn nhận một sự thay đổi lành mạnh trong Hội Thánh Công giáo có liên quan tới tự do truyền thông và một sự hiện diện xây dựng của các Kitô hữu trong mọi phương tiện truyền thông xã hội (75).


Sự thay đổi ấy, trước hết, có liên quan tới sự hiểu biết về mối tương quan giữa tự do và sự thật. Đối với Đức Grêgôriô XVI, Đức Pio IX, và ở một mức độ nào đó, với những người kế vị các ngài, thì Hội Thánh dường như có một sự độc quyền nào đó về sự thật, và sự độc quyền ấy nằm trong tay hàng giáo phẩm. Để được tự do, những người khác buộc phải chấp nhận sự thật này cách vô tư, thụ động. “Liên minh thần thánh” giữa Hội Thánh và chính quyền dường như bảo đảm rằng chính quyền, trong cương vị của người kiểm soát, có nhiệm vụ đàn áp hoặc ngăn cấm mọi thứ không tương hợp với sự thật đã được hàng giáo phẩm quảng bá. Đức Lêô XIII nhìn nhận cách trọn vẹn hơn là vẫn còn một lãnh vực rộng lớn, tín lý của Hội Thánh chưa xác định được, nên các phóng viên và những người khác được quyền tìm kiếm sự thật với tất cả tự do trong vùng đất ấy.


Đức Pio XII đã khởi sự một cuộc đột phá lớn khi nhấn mạnh đến nhu cầu đối với việc tự do tìm kiếm và phổ biến công luận lành mạnh trong xã hội và trong Hội Thánh. Ta phải nhìn sự thay đổi sâu sắc về sự hiểu biết này dưới ánh sáng của Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo của Công Đồng Vatican II. Tự do trong việc tìm kiếm chân lý là điều kiện của cuộc đối thoại chân thành và của việc mở lòng ra cho sự thật giải thoát. Đức Lêô XIII, trong thông điệp Libertas, đã thấy trước sự phát triển này trong tương lai, nên đã nói: “trong những vấn đề mà Thiên Chúa hoặc Hội Thánh chưa đưa ra một phán quyết chung cuộc nào, trong những vấn đề mà Thiên Chúa cho người ta được tự do diễn tả, thì mọi người có thể suy nghĩ theo như họ muốn; những gì họ cho là đúng, thì họ được quyền nói ra, và không ai được quyền ngăn cấm họ. Sự tự do này sẽ không cám dỗ con người đè bẹp chân lý nhưng giúp ta dễ dàng tìm ra sự thật và đưa sự thật ấy ra ánh sáng” (76). Tuy nhiên, trong hầu hết những tài liệu của toà thánh trước Vatican II, mối tương quan của cuộc đối thoại này chỉ là mối tương quan một chiều và là chiều dọc. Các phóng viên bao giờ cũng được khuyến cáo là phải suy nghĩ, nói năng và viết lách theo lập trường chính thức của Hội Thánh.


Hiến Chế Mục Vụ về Hội Thánh trong Thế Giới Ngày Nay đã đúc kết vắn gọn phương pháp hiện nay của Hội Thánh Công giáo như sau: “Mọi việc xem xét này cũng đòi hỏi là ở một mức độ nào đó của nền thần học luân lý và của các phúc lợi công cộng, thì con người được tự do tìm kiếm sự thật, phát biểu và phổ biến ý kiến của mình; họ được tự do theo đuổi bất cứ ngành nghệ thuật nào họ thích; và sau hết họ được quyền có được những thông tin về các công việc chung. Việc quyết định về bản chất và những hình thức của nền văn hóa nhân loại không phải là việc của chính quyền.


Huấn thị mục vụ về các phương tiện truyền thông xã hội rất trung thành với tinh thần của Vatican II. Huấn thị ấy nhấn mạnh đến trách nhiệm của cả những người tham gia vào tiến trình truyền thông lẫn chính quyền các cấp. Tuy nhiên, lại nhấn mạnh về tinh thần đồng trách nhiệm và sự tự do và sáng tạo lớn nhất có thể có được, bao lâu tự do ấy của mọi người và các quyền căn bản của mọi người được tôn trọng đúng mức (78).


Một nghiên cứu kỹ về phương pháp của Hội Thánh Công giáo và các Hội Thánh Tin Lành tại Đức cho thấy rằng chỉ quan tâm tới việc hình thành óc phê phán và có tinh thần trách nhiệm nơi tất cả những người tham gia vào việc truyền thông xã hội vẫn chưa đủ, ít ra còn phải quan tâm cả tới những cơ cấu lành mạnh nữa (79).


Trong truyền thống tốt đẹp nhất của mình, Hội Thánh đặc biệt khuyến khích các nghệ sĩ sử dụng các phương tiện truyền thông để quảng bá các tác phẩm sáng tạo của họ. “Cách chính xác và sáng suốt, các nghệ thuật có tính sáng tạo làm bật rõ tâm tính, ước vọng, tình cảm và suy nghĩ của con người hơn việc mô tả nhiều. Thậm chí ngay cả khi bay bổng ra khỏi thế giới cụ thể này và chạy theo trí tưởng tượng của mình, nghệ sĩ vẫn có thể cho con người những nhận thức vô cùng quí giá” (80). Đó là khi các văn, nghệ sĩ có thể mạc khải ra trong điều kiện nhân phàm, tuy nhiên, có thể sẽ rất cô đơn, buồn nản, khi chỉ có một sự mong manh của sự thật và sự thiện bỗng lan khắp tác phẩm của họ. Ta chỉ biết xin họ tin tưởng vào sức mạnh huyền nhiệm của họ mà khai mở những vùng chan hoà ánh sáng vẫn đang nằm đằng sau cuộc sông con người” (81).


1.6        Ai kiểm soát những kẻ có quyền kiểm soát


Trong các xã hội độc tài, những ai ở trên chóp đỉnh quyền lực, kiểm soát hết mọi người, mọi sự, đó cũng là những người không bị ai kiểm soát cả. Trái lại, trong một xã hội đa nguyên, sức mạnh chính yếu không phải là kiểm soát mà là sự đồng trách nhiệm, kiên trì đối thoại, tin tưởng vào các cuộc tranh luận và việc sử dụng tự do cách có trách nhiệm. Nhưng cũng cần phải có sự kiểm soát. Tuy nhiên, kiểm soát ở đây mặc rất nhiều hình thức. Đó bao giờ cũng là một tiến trình hỗ tương. Những người có quyền bị kiểm soát nhờ việc tự do bầu cử và nhờ sức mạnh của công luận. Điều quan trọng là ta phải biết luôn tự hỏi: Ai đang kiểm soát các phương tiện truyền thông? Ai chọn chương trình cho các phóng viên v.v.? Họ có chọn chương trình ấy với tinh thần trách nhiệm, cởi mở, và vì công ích, hay chỉ vì tư lợi gây tác hại cho công ích?


Haseiden đề cập trước hết đến một loại kiểm soát nhiều Hội Thánh vẫn thực hành, và ông đã dám tuyên bố rằng: “hầu như không có luật trừ nào hết, các Hội Thánh đều sai trong việc kiểm duyệt và kiểm soát, và sai không chỉ trong việc hạn chế tự do của con người mà còn cả trong việc đánh giá hiểu biết nào là đúng, hữu ích và có lợi cho con người nữa. Suốt bao năm qua, các Hội Thánh, với những luật trừ bất thường, đã có những lập trường sai lầm về các thuyết mới về vũ trụ, về tiến trình liên tục của công cuộc tạo thành, về việc biện minh cho chiến tranh và chế độ nô lệ, với sự bất khả ngộ của Kinh Thánh. Hội Thánh không những đã cố cầm giữ con người, không cho họ tự mình khám phá ra chân lý, mà còn nhấn mạnh rằng con người phải công nhận và xưng thú lầm lỗi của mình" (82). Đây là một đánh giá của một tác giả Tin Lành có liên quan tới nhiều Hội Thánh.


Riêng đối với Hội Thánh Công giáo, một tác giả Công giáo, ông Giselbert Deussen thêm vào một vấn đề sâu sắc hơn. Ông nghĩ rằng, mãi tới thời gian gần đây, các phát biểu của các đức thánh cha mới gán cho việc kiểm soát của nhà nước là “loại bất khả ngộ nguy hiểm đã khiến mọi sự có thể dễ dàng nói đến một cơn cám dỗ, muốn áp đặt lên các phương tiện truyền thông một hệ thống luân lý, có thể tước mất quyền có được thông tin, sự thật và sự tự do vì sự thật ấy” (83).


Một sự kiểm soát công khai của các cấp chính quyền, luôn sẵn sàng tuân phục các qui luật dân chủ có thể tốt hơn sự kiểm soát của các thế lực tài chính hoặc của một nhóm người theo chủ nghĩa tinh hoa nào đó nhiều. Một nhà nước dân chủ sẽ vui mừng về việc tự kiểm soát tế nhị được các chuyên viên và những cộng tác viên của họ thực hiện, và sẽ chỉ can thiệp khi đặc biệt cần thiết thôi. Việc kiểm soát nhờ chính quyền sẽ phải tuân thủ những luật sau: “tự do lĩnh hội và phát biểu ý kiến không cần phải tự vệ, kiểm duyệt thì cần” (84).


Còn đối với trách nhiệm của các nhà lập pháp, thì có hai khuynh hướng đối lập. Khuynh hướng thứ nhất bảo rằng: “bạn không thể luật pháp hoá luân lý”; khuynh hướng khác lại khẳng định: “Phải có luật”. Giải đáp của ta là: “mục đích của luật không phải là để làm cho người ta nên tốt; cũng không phải là để làm cho người ta nên công chính, nhưng chỉ là để bảo vệ người ta khỏi bất công thôi” (85)


Các dạng thức của việc kiểm soát sẽ phần lớn tùy thuộc vào những khuôn mẫu của việc tổ chức các phương tiện truyền thông. Trong các nước dân chủ, có hai kiểu khác nhau, một kiểu rất phổ biến tại Hoa Kỳ, còn kiểu khác hoạt động tốt tại Anh. Kiểu thứ nhất là phát thanh thương mại. Với loại này thì người nhận thông tin sẽ gián tiếp trả tiền cho những người quảng cáo, về phần mình, những người quảng cáo sẽ tài trợ cho các phương tiện truyền thông, nên họ cũng có ảnh hưởng nhất định trên các phương tiện ấy. Hệ thống tại Anh, cũng rất phổ biến đối với các nước dân chủ tại châu Âu, là hệ thống phát thanh công cộng hoặc phát thanh có thu lệ phí. Người nhận tin tức trả chi phí và tổ chức phát thanh sẽ do công chúng trực tiếp kiểm soát. Đây là một tổ chức tự quản theo nguyên tắc và qui luật do pháp luật qui định và/hoặc do các kinh nghiệm gặt hái được qua quá trình làm việc.


Tại một số nước, nhà nước không độc quyền. Đài truyền hình tư song song với các đài truyền hình thương mại và các mạng thông tin. Nhưng bất kể là hệ thống nào đi nữa, thì chính quyền vẫn phải bảo đảm một số quyền căn bản sau: trước hết, là bảo vệ trẻ em trong tuổi đi học khỏi những chương trình có ảnh hưởng lớn đến đời sống các em; hai là, buộc các chủ nhân hoặc các giám đốc các phương tiện truyền thông không được ngăn cản các chương trình có chất lượng tốt; ba là, bảo vệ người tiêu dùng khỏi bị tràn ngập bởi quá nhiều chương trình quảng cáo, có hại đến các chương trình hữu ích khác; bốn là, bảo đảm các quyền lợi của những dân tộc thiểu số (chủng tộc, tôn giáo và văn hóa); năm là, bảo vệ những người và các tổ chức khỏi bị vu khống, xuyên tạc (86). Kiểm soát bằng luật cấm và các qui luật chi tiết là điều cực chẳng đã. Thuyết phục và những lời động viên có lợi hơn nhiều. Cần đăc biệt quan tâm để khỏi khơi lên “sự hụt hẫng nơi những con người sáng tạo” (87).


1.7        Tạo nên những con người và các cộng đồng biết biện phân và có trách nhiệm


Năm 1963, Công Đồng của các Hội Thánh tuyên bố: “tất cả công chúng đều phải chịu trách nhiệm về hoạt động của các phương tiện truyền thông; và cá nhân mỗi Kitô hữu, với tư cách là công dân, buộc phải lợi dụng ảnh hưởng mình có, để đòi cho bằng được các đài phát thanh và truyền hình phải hoạt động cho công ích” (88). Vì mục đích ấy, nên điều cần thiết là chính các Hội Thánh và các hoạt động giáo dục khác phải tập trung năng lực vào việc giúp hình thành những người và các cộng đoàn biết biện phân và có trách nhiệm. “Khơi lên trong trẻ em những cảm thụ nghệ thuật, một óc phê bình sâu sắc, và một ý thức trách nhiệm đối với bản thân, dựa trên một nền luân lý đúng đắn không khi nào là điều quá sớm hết. Chúng cần tất cả những thứ ấy để chúng có thể áp dụng việc phân biệt trong khi chọn lựa các ấn phẩm, phim ảnh, và các chương trình phát thanh dang bày ra trước mắt chúng... Đó là lý do vì sao các phụ huynh và nhà giáo dục cần khuyến khích các em chọn lựa, dẫu bao giờ, cũng dành quyền quyết định cuối cùng cho mình. Và nếu họ thấy mình bị buộc phải khước từ cách thức con em họ đang sử dụng một lãnh vực nào đó của các phương tiện truyền thông, thì họ phải giải thích rõ lý do vì sao họ lại khước từ. Thuyết phục bao giờ cũng có kết quả hơn cấm đoán, và đây là điều đặc biệt đúng đối với việc giáo dục (89).


Các gia đình và các cộng đoàn nên liên kết lại và thảo luận về những vấn đề khác nhau và cũng nên tự hỏi xem họ đang đánh giá bằng những tiêu chuẩn nào? Cuộc đối thoại giữa các nhóm nhỏ bao giờ cũng phải có sự có mặt của hoặc phải thông báo cho những người làm công tác truyền thông, dĩ nhiên cách xây dựng, không chỉ cung cấp những phê bình tiêu cực mà cả những lời khích lệ và tán dương nữa.


Đóng góp chủ yếu của Hội Thánh chính là việc nuôi dưỡng các lương tâm, giáo dục tinh thần trách nhiệm đối với bản thân và xã hội (90). Trong lãnh vực này, việc giáo dục thường xuyên cho người lớn là điều đặc biệt khẩn thiết. Và một trong những mục đích chính của nền giáo dục ấy là hình thành nên những con người biết biện phân và có trách nhiệm, là cung cấp các tiêu chuẩn riêng và một cái nhìn đúng đắn về sự toàn diện. Trước hết Kitô hữu phải biết được các chiều kích của sự tự do đích thật, vì trong Đức Kitô họ đã nhận được sự thật khiến họ được giải thoát (91).


Tôi xác tín là ta chỉ có thể tránh được tình trạng bị những kẻ xấu lạm dụng khi vun xới chiều kích chiêm niệm của sự hiện hữu của ta. Không được giáo dục cách đứng đắn về chiêm niệm và cầu nguyện (sự thông nhất đức tin và cuộc sống), niềm hy vọng muốn thấy xuất hiện một thế hệ biết biện phân sẽ chỉ là vô vọng.


Đối với các Kitô hữu, thì đây chính là việc chiêm niệm trong Ngôi Lời nhập thể. Ta phải ý thức về đặc tính thính, thị của các phương tiện truyền thông hiện nay và toàn bộ não trạng của con người hiện đại. Vì thế mà ta hướng về Đức Kitô, Đấng vừa là Lời vừa là hình ảnh. Nhưng người xem, vì bị choáng ngợp bởi một dòng vô tận những hình ảnh và một tính tò mò vô độ về mọi thứ thông tin, có thể sẽ phá vỡ sức mạnh của sự chiêm niệm của họ (92). Và sau hết, việc chiêm niệm Kitô giáo làm cho ta ngày một ý thức hơn rằng không chỉ là khán giả, mà còn là những người đồng sáng tạo trong cái thế giới đã được ủy thác cho trách nhiệm này của ta.


1.8        Việc khổ chế có liên quan tới các phương tiện truyền thông


Thế giới ngày nay cung cấp cho con người nhiều giờ giải trí hơn trước đây, nếu họ biết kiềm chế. Những giờ phụ trội này mở ra những khả năng cho việc giãn xả, giải trí và sự phát triển văn hóa có ý nghĩa. Rõ ràng, tinh thần tự do, sáng tạo đối với việc sử dụng tích cực các giờ giải trí bao giờ cũng đòi hỏi việc tham gia tích cực, hơn là chỉ biết hưởng thụ cách thụ động những chương trình có sẵn.


Dựa trên quan điểm của nền luân lý cá nhân, thì ta cần phải ba qui tắc sau: 1) chọn lựa cẩn thận; 2) sử dụng chín chắn; 3) chỉ thưởng thức theo tinh thần của sự tự do Kitô giáo.


a. Chọn lựa cẩn thận


Trong việc tu dưỡng tinh thần và tâm trí, chắc chắn có một đòi buộc nặng là phải chọn lựa cách sáng suốt những gì nuôi dưỡng sự phát triển về luân lý và tôn giáo, và phải tránh mọi thứ làm nguy hại đến sức khỏe tinh thần và tâm trí, và nhất là nguy hại đến đức tin của ta. Vì mục đích ấy, ta phải đặc biệt quan tâm đến các chỉ thị thực tiễn của Hội Thánh có liên quan tới các phương tiện truyền thông xã hội.


Việc Hội Thánh dẹp bỏ Danh Sách Các Sách cấm, không phải là không cần thiết mà đúng ra còn đòi hỏi trách nhiệm cá nhân nhiều hơn, và khi cần, cũng đòi hỏi cả sự giúp đỡ của những người có khả năng hơn ta nữa.


Các ủy ban do giới lãnh đạo Hội Thánh thiết lập hoặc các cơ quan khác của Hội Thánh có nhiệm vụ phân loại phim, sẽ giúp ta chọn lựa cách đúng đắn, phim nào không nên xem trừ phi ta đã có được thông tin từ các nguồn khác. Quan tâm của ta trong việc chọn lựa sách báo, các chương trình phát thanh, xinê và các kênh truyền hình, không được kém mà phải nhạy cảm hơn với việc chọn lựa lương thực của ta, vì sức khỏe luân lý và tinh thần quan trọng hơn sức khỏe thể lý nhiều.


b. Một tinh thần biết phê phán


Chọn lựa sáng suốt những gì các phương tiện truyền thông cung cấp thôi chưa đủ. Phát huy một tinh thần biết phê phán khi xem những gì đã chọn lựa cũng là điều quan trọng không kém. Nếu ta có hàng triệu người có được một sự biện phân rõ ràng và phán đoái chính xác, thì tự nhiên, ta sẽ có ảnh hưởng đối với các phương tiện truyền thông khắp nơi. Kitô hữu bao giờ cũng được lời sau đây của thánh tông đồ hướng đẫn: “Hãy cân nhắc mọi sự, điều gì tốt thì giữ lấy, còn điều xấu thì dưới bất cứ hình thức nào cũng phải tránh cho xa” (1 Tx 5, 20).


c. Sự kiêng bớt có tính khổ chế


Để duy trì và lấy lại sự độc lập luân lý, đòi phải có quyết tâm kiêng bớt. Nghĩa là, ngoài việc chọn lựa các chương trình cách sáng suốt, cần phải có một sự điều độ nào đó. Thế giới phương tây vẫn bị coi là một xã hội tiêu thụ. Kỹ nghệ quảng cáo hiệu năng, uy dũng và một phần lớn các phương tiện truyền thông vẫn coi các cá nhân và các nhóm thuần túy chỉ là những kẻ sẽ tiêu thụ sản phẩm của họ.


Các cơn lốc tình cảm và cảm xúc trong việc giải trí của ta, những tiếng gầm rú của các loại động cơ trong xã hội kỹ nghệ ta, các dòng chảy không ngừng của các dây chuyền sản xuất, và từng đoàn xe cộ chật như nêm vào những ngày cuối tuần, khiến con người ngày nay thật khó có cơ hội để tìm được bình an cho mình. Nhưng dẫu cho có những thứ ấy đi nữa, thì những ai đã chọn sự tự do cả trong lẫn ngoài làm qui tắc tuyệt đối cho mình, vẫn biết cách nghĩ chín chắn và đào sâu sứ điệp của các sự vật, các biến cố với sự tự do và biện phân. Vì thế, ngay cả đối với các chương trình hữu ích, họ vẫn sử dụng cách tiết độ, cách ý thức rõ ràng. Cần phải dành giờ để cầu nguyện, suy gẫm và nghiền ngẫm những điều mình đọc. Cách chính xác, ở đâu không có một nội dung nào đáng phải lên án - ta đang nói đến các tạp chí tốt, các chương trình điện ảnh và truyền hình — thì ở đó luật về sự tự do thánh tồng đồ mô tả vẫn có giá trị: “bạn bảo tôi được tự do làm mọi sự. Phải, nhưng không phải mọi sự đều có ích. Tôi được phép làm mọi sự, nhưng tôi sẽ không để sự gì làm chủ được tôi” (1 Cr 6, 12).


Sự tự do của con cái Thiên Chúa, được mua chuộc bằng giá của máu giao ước, bao giờ cũng đòi giá của sự tự do từ bỏ. Cơ hội tốt nhất để thực thi “sự tự do cho đồng loại này” được thể hiện trong sự quan tâm lo lắng cho đồng loại, đây chính là điều quan trọng nhất của sự truyền thông đích thật. Chẳng hạn, ta đề nghị người cha gia đình đừng có lúc nào cũng dán mắt vào trang thể thao, khi vợ và/ hoặc các con ông đang muốn ông truyện trò với họ sau khi ông đi làm về. Hoặc một người nghiện nghe radio hoặc xem truyền hình sẽ tắt radio hoặc tivi trong tinh thần cộng đoàn, nếu chương trình ấy gây phiền hà cho hàng xóm. Người ta có thể thực hành tiết độ trong muôn ngàn cách. Chỉ khi ấy, may ra người ta mới thoát được cảnh trở nên kẻ tiêu thụ thuần túy của các phương tiện truyền thông xã hội.


Vợ chồng, hiểu rõ tình yêu vợ chồng và khả năng thiên phú của giới tính hơn ai hết, sẽ không bao giờ cho phép gia đình tràn ngập các chương trình trực tiếp phá vỡ lý tưởng của họ. Các linh mục và tu sĩ và, tất cả những ai được mời gọi cách đặc biệt để làm chứng cho sự tự do cam kết sống khiết tịnh nói chung, sẽ phải tự ràng cột mình bằng những tiêu chuẩn nghiêm túc. Họ sẽ tránh mọi thứ “thu nhập”, ảnh hưởng trầm trọng đến các lời khấn hoặc bậc sống mình. Rõ ràng, đây là điều không chỉ áp dụng cho việc chọn lựa sách báo hoặc phim ảnh hay các chương trình truyền hình, mà còn là một luật chung cho sự tiết độ trong mọi lãnh vực. Họ sẽ phải cân nhắc tất cả mọi thứ, xem xem chúng có nâng cao tự do của họ dành cho Thiên Chúa và đồng loại và cho việc họ trung thành với Đức Kitô chăng.


Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ