Nền đạo đức về truyền thông _ phần 5
(Bernard Haring, CSsR. Free and Faithful in Christ, Vol.3. Saint Paul Publication. 1980. Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR. Tự do và trung thành trong Đức Kitô. 6/2004. Tr. 233- 300)
1 CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI VÀ VIỆC RAO GIẢNG TIN MỪNG
Tài liệu duy nhất của Công Đồng Vatican II về truyền thông xã hội là Inter Mirifica, lại chủ yếu chỉ tập trung vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng và việc sử dụng các phương tiện truyền thông để “loan báo Tin Mừng từ trên mái nhà” cách mới mẻ và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vấn đề Hội Thánh suy nghĩ về các phương tiện truyền thông chỉ được mở rộng trong Công Đồng thôi, nhất là trong hiến chế Gaudium et Spes, và nhờ huấn thị Communio et Progressỉo năm 1971. Trước khi Hội Thánh cố gắng sử dụng các phương tiện truyền thông vào việc rao giảng Tin Mừng, thì trước hết Hội Thánh phải cố gắng hiểu các cơ chế của các xã hội đa nguyện này đã, để thấy người ta bị các phương tiện ấy tác động ra sao, và để quan tâm hơn đến sự trọn vẹn, phẩm giá và tự do của con người: một sự quan tâm xuất phát từ Tin Mừng và dẫn tới sự thật của Tin Mừng.
Dường như đối với tôi, Hội Thánh trước hết phải sử dụng các phương tiện truyền thông trong xã hội đa nguyên này cho việc đối thoại với các Hội Thánh khác, với các tín hữu và các tôn giáo khác, với thế giới nhân bản này. Nếu cuộc đối thoại này lấy đi được những thành kiến và đưa dẫn tới một sự hiểu biết hơn, thì con đường được mở ra ấy không chỉ hấp dẫn đối với việc rao giảng Tin Mừng thôi, mà còn hấp dẫn đối với cả việc cùng dấn thân cho công lý, hoà bình và sự thật. Ta đã thấy rồi là các phương tiện truyền thông đang tạo nên những phương tiện hữu hiệu cho việc trình bày đức tin và các xác tín luân lý của ta cách thống nhất, và ta có thể nói rằng “cách rất nhập thể”.
Không quan tâm đến lệnh truyền khẩn thiết của việc đem Tin Mừng đến cho mọi người, Hội Thánh sẽ không trung thành với căn tính và ơn gọi của mình. “Thực vậy, thật khó mà có thể bảo rằng ta đang vâng nghe mệnh lệnh của Đức Kitô, khi ta chưa tận dụng mọi cơ hội do các phương tiện truyền thông xã hội cung cấp, để làm cho việc loan báo Tin Mừng đến được với nhiều người hơn” (102). Dĩ nhiên, cách trình bày phải phù hợp với bản chất đặc biệt của phương tiện sử dụng. Các phương tiện ấy chắc chắn không giống như bục giảng trong một nhà thờ nào đó. Ta không thể nhấn mạnh cách cường điệu rằng tiêu chuẩn của việc trình bày ấy phải, ít ra về chất lượng cũng phải tương đương với sản phẩm của các phương tiện khác” (103). May thay, các phương tiện truyền thông buộc ta phải công nhận một sự đa nguyên nào đó về các nền văn hóa và các phong tục. Chức năng của các nền văn hóa ấy đòi ta bất cứ khi nào nói về xác tín của người khác, thì bao giờ ta cũng phải nói với lòng tôn trọng.
Truyền thông xã hội trong việc phục vụ công lý và hoà bình, và quảng bá các sứ điệp Tin Mừng phải được nhấn mạnh hơn nữa và phải tập trung vào việc đào tạo mọi người, nhất là đào tạo các nhà giáo dục Kitô giáo và các linh mục (105).
Harvey Cox đã có một số đề nghị thật chí lý đối với việc rao giảng Tin Mừng bằng các phương tiện truyền thông như sau: trước hết, hạn chế cách khôn ngoan những phương tiện nào gây trở ngại cho việc truyền thông; hai là, phải sử dụng các phương tiện truyền thông để rao giảng Tin Mừng sao cho người ta có thể tham dự cách tích cực và diễn tả mình tốt hơn; ba là, các Kitô hữu phải hợp nhất với mọi người thiện chí, bẻ gẫy mọi thứ độc quyền về các phương tiện truyền thông; bốn là, toàn bộ nền giáo dục phải giúp ngươi ta biết cách biện phân và biết phê bình cách xây dựng; năm là, các Hội Thánh phải khai triển một kiểu dối thoại sao cho mọi người có thể tham dự cách tin tưởng; sáu là, phải phát triển các phương tiện truyền thông ấy sao cho tất cả cộng đoàn ai cũng có thể tiếp cận được; và sau hết, các phương tiện truyền thông được sử dụng trong Hội Thánh phải trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói nào, hầu toàn xã hội phải nhìn nhận sự hiện diện của họ (106).
Tôi xin thêm một đề nghị nữa là ta không nên lúc nào cũng chỉ biết nhìn hàng giáo sĩ trong Hội Thánh với phẩm phục và phẩm giá của họ, vì như thế có thể sẽ bóp méo hình ảnh về toàn Hội Thánh. Hội Thánh phải làm nổi bật lên Vị Ngôn Sứ là Đức Kitô Giêsu, bằng cách trở nên tiếng nói có tính ngôn sứ, giúp con người khám phá ra mọi khả năng lớn lên trong công lý; hoà bình và lòng xót thương và bằng cách từ bỏ những sự ác tồi tệ nhất, như việc chạy đua vũ trang, và những sự thù địch với các nhóm và các dân tộc khác. Trung tâm của Tin Mừng Kitô giáo bao giờ cũng phải là sứ điệp hoà bình.