Skip to content
Top banner

Cha Mẹ mải mê với màn hình trước mặt con cái: hãy cẩn thận, điều này hạn chế sự phát triển cảm xúc của chúng

COMMUNICATION-THEOLOGY
2024-05-19 15:54 UTC+7 176
Việc cha mẹ mải mê sử dụng điện thoại di động trước mặt con cái, gây hạn chế sự phát triển cảm xúc của trẻ. Nghiên cứu từ Đại học California cho thấy việc này làm giảm tương tác và ảnh hưởng xấu đến trí tuệ cảm xúc của trẻ, như khả năng nhận diện, hiểu và quản lý cảm xúc. Việc tiếp xúc quá mức với máy tính bảng, TV và điện thoại di động, được gọi là "núm vú kỹ thuật số" (digital pacifiers), cũng gây hại cho trẻ em, nhất là trẻ nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo...

CHA MẸ MẢI MÊ VỚI MÀN HÌNH TRƯỚC MẶT CON CÁI: HÃY CẨN THẬN, ĐIỀU NÀY HẠN CHẾ SỰ PHÁT TRIỂN CẢM XÚC CỦA CHÚNG

Bài viết gốc: Parents absorbed in screens in front of their children: beware, it limits their emotional development – Family And Media

Chuyển ngữ: Tu sĩ Lm. Phêrô Nguyễn Văn Dũng, OFM

Có người bố hay người mẹ nào chưa từng nhìn vào điện thoại di động trước mặt con cái mình? Có ai trong chúng ta khi chơi hoặc trò chuyện với con cái của mình mà luôn duy trì sự tập trung hoàn toàn vào chúng mà không bị phân tâm bởi màn hình?

Rõ ràng là chưa có ai như thế cả. Nếu có ai đó thành công trong việc thiết lập một ranh giới rõ ràng và không thể vượt qua, giữa thời gian dành cho con cái và thời gian sử dụng điện thoại thông minh, thì người đó thực sự có rất nhiều điều đáng để cho cho chúng ta học hỏi.

Trong thời đại kỹ thuật số và kết nối cao, điều không thể tránh khỏi đó là việc các công cụ kỹ thuật số gây áp lực lên chúng ta và "kêu gọi" chúng ta ngay cả khi chúng ta đang ở bên những đứa trẻ.

Tuy nhiên, có bao nhiêu người trong chúng ta biết rằng việc dành quá nhiều thời gian cho điện thoại di động khi có mặt con cái làm hại đến sự phát triển cảm xúc của chúng?

Trẻ em và màn hình

Chúng tôi đã nhiều lần nói về những tác hại mà việc tiếp xúc quá mức với máy tính bảng, TV và điện thoại di động có thể gây ra đối với sự phát triển của trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo và sau đó. Các chuyên gia gọi những công cụ này là "núm vú kỹ thuật số" (digital pacifiers). Cha mẹ sử dụng những núm vú giả này để dỗ dành khi trẻ nhỏ khóc hoặc thay thế chúng như những người trông trẻ để họ có thể rảnh rang làm việc khác. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề liên quan đến việc lạm dụng những công cụ này.

Việc sử dụng công nghệ quá thường xuyên trước mặt trẻ em là một trong những khía cạnh mà có thể chúng ta không nghĩ đến. Việc sử dụng này khiến chúng ta bị hạn chế sự chú ý và giao tiếp với con cái, có thể làm suy yếu cả mối quan hệ của chúng ta với chúng và sự phát triển cảm xúc của chúng nữa.

Bước đầu tiền là cần nhận thức về giới hạn và sai lầm của bản thân

Với tư cách là một người mẹ, tôi muốn chia sẻ rằng mình cảm thấy cần phải thừa nhận lỗi tại tôi mọi đàng (mea culpa). Khi nhận được tin nhắn, tôi thường khó khăn trong việc trì hoãn đọc và trả lời. Chúng ta nhận được những lời trách móc chính đáng từ con cái, bởi vì chúng ta đã sao nhãng bởi điện thoại ngay lúc đang làm gì đó cùng với chúng.

Vâng, tôi cũng nằm trong số những bà mẹ nghe con nói, "Mẹ ơi, đừng dùng điện thoại nữa!" hoặc "Đừng nhìn vào đó, mẹ đã thấy bức vẽ của con chưa?"

Là bậc làm cha làm mẹ, thật tốt cho chúng ta khi nhận thức được rằng việc mải mê với các nội dung trên màn hình điện thoại, không chỉ làm hại cho bản thân chúng ta mà còn gây hại cho con cái mình. Chăm chú vào điện thoại trước mặt con cái, khiến chúng ta như những người đã bỏ lỡ cơ hội để dõi theo sự trưởng thành của con cái mình, đồng thời chúng ta đã khiến cho con cái nghĩ rằng chúng như những người đang bị bỏ rơi vì sự mải mê “lướt” nội dung trên điện thoại của cha mẹ.

Nghiên cứu

Theo một nghiên cứu của Đại học California chỉ ra rằng, không chỉ đơn giản là cấm hoặc hạn chế việc sử dụng điện thoại thông minh đối với trẻ em. Mà việc cha mẹ sử dụng điện thoại di động thường xuyên gần con cái, làm hạn chế sự tương tác và có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của chúng. Robin Nabi, giáo sư truyền thông tại đại học này đã chỉ ra rằng việc thường xuyên nhìn vào điện thoại di động trước mặt con cái có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển trí tuệ cảm xúc của chúng, tức là "những kỹ năng giúp một người nhận diện, hiểu và quản lý trạng thái cảm xúc của chính mình và của người khác."

Chuyên gia cảnh báo, "người chăm sóc đang trở nên xa cách với một đứa trẻ khi mải mê trên màn hình của họ."

Những điều vừa nói trên đây không chỉ áp dụng cho cha mẹ, mà còn áp dụng cho bất kỳ ai chăm sóc trẻ em (ví dụ như, ông bà, cô chú, người giữ trẻ), bởi vì điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng trở thành rào cản đối với nhu cầu và sự chú ý của trẻ nhỏ. Giáo sư Nabi giải thích rằng "Con người sinh ra với một mức độ trí tuệ cảm xúc nhất định, thay đổi từ người này sang người khác, nhưng trong suốt cuộc đời, đặc biệt là trong thời thơ ấu, đó là một món quà có thể phát triển".

Trong cuộc sống hằng ngày, "có những người tự nhiên nhạy cảm hơn trong việc nắm bắt các sắc thái cảm xúc, những người khác thì ít hơn, nhưng ai cũng có thể cải thiện mức độ trí tuệ cảm xúc của mình, nghĩa là có thể quản lý tốt hơn cảm xúc của mình, kể cả lo lắng và giận dữ, và hiểu được cảm xúc của người khác.

Giáo sư Nabi chỉ ra rằng, bất kể loại nội dung nào đang hiển thị trên màn hình, việc cha mẹ sử dụng điện thoại di động liên tục trước mặt con cái hạn chế sự phát triển những kỹ năng cảm xúc của chúng. Bởi vì, "những gì đứa trẻ thấy chỉ là một sự thiếu tương tác được thể hiện bằng một khuôn mặt không biểu cảm của cha mẹ. Do đó, điều quan trọng là "cha mẹ cần nhận thức rõ hơn về tần suất họ sử dụng điện thoại trước mặt con cái và ưu tiên chú trọng đến chúng hơn là những gì cha mẹ đang xem ngay lúc đó."

Cách thức thu thập dữ liệu nghiên cứu

Nghiên cứu của Giáo sư Nabi đã thu hút 400 phụ huynh của trẻ em có độ tuổi từ 5 đến 12. Nhiều đánh giá đã được tiến hành, trong đó phụ huynh đo lường mức độ nhận thức cảm xúc của con cái, khả năng tự kiểm soát và mức độ quan tâm đến người khác của chúng. Trong bảng câu hỏi khảo sát được phân phát cho các gia đình, cũng có các câu hỏi về các phương tiện truyền thông thường được sử dụng tại nhà và tần suất họ tham gia vào các hoạt động khác như đọc sách, nghe nhạc và chơi trò chơi. Dữ liệu thu thập được cho thấy biến số duy nhất liên quan đến trí tuệ cảm xúc thấp hơn nơi trẻ nhỏ đó là khi cha mẹ sử dụng điện thoại di động trước mặt chúng.

Một số quy tắc thiết thực

Loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng công nghệ trước mặt con cái là điều gần như không thể, nhưng chuyên gia giải thích rằng việc đặt ra các quy tắc rõ ràng là rất quan trọng. Một trong những quy tắc đó là không sử dụng điện thoại trong bữa trưa hoặc bữa tối; chia sẻ với con cái những gì bạn đang làm và lý do tại sao; cùng nhau xem nội dung khi có thể để chia sẻ trải nghiệm. “Điện thoại thông minh là những công cụ mà chúng ta chưa có nhiều quy tắc sử dụng; Tùy thuộc vào cách chúng ta sử dụng chúng, mà chúng có thể làm những điều tuyệt vời như giúp chúng ta thư giãn, kết nối với người khác và học hỏi những điều mới; hoặc chúng cũng có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng đối với chúng ta và con cái của chúng ta. Giáo sư Nabi nhấn mạnh bằng một kết luận, “mấu chốt là tìm kiếm một sự quân bình” trong việc sử dụng công nghệ.

Chia sẻ