Skip to content
Top banner

TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI DƯỚI CÁI NHÌN THẦN HỌC: THẦN HỌC TRUYỀN THÔNG

COMMUNICATION-THEOLOGY
2024-03-11 09:28 UTC+7 1070
Nguyên tác: Social Communication in Theological Perspective: Communication Theology. Người dịch: Vincent de Paul Nguyễn Đức Nam, O.Cist. Hiệu đính: Lm. Bernard Trần Nghiêm, O.Cist

(Nguồn: Thần Học Truyền Thông (Anh Vu Ta Franz-Josef Eliers, SVD) –(dvxitochauthuy.com)


TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI DƯỚI CÁI NHÌN THẦN HỌC

Chiều kích mặc khải

Chiều kích nhập thể

Chiều kích Giáo Hội/ công bố Tin Mừng [Kerygma]

THƯ MỤC

THẦN HỌC TRUYỀN THÔNG

1. Sự phát triển một khái niệm thần học

1.1 Truyền thông xã hội là một khái niệm của Vatican II

1.2 Sự phát triển hướng tới thần học truyền thông


2. Nguồn gốc của ý tưởng về thần học truyền thông

2.1 Ba Ngôi: truyền thông trong hiệp thông – hiệp thông nhờ truyền thông


3. Những chiều kích của việc Thiên Chúa thông ban chính mình trong Mặc Khải

3.1 Những khoảnh khắc căn bản của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong Cựu Ước

3.2. Tác động lý tính và năng động của Lời Thiên Chúa

3.2 Những đặc tính của sự truyền thông thần linh


4. Những chiều kích của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong mầu nhiệm Nhập Thể

4.1. Những thời điểm căn bản của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong Tân Ước

4.2. Những đặc tính của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình nơi Đức Giêsu Kitô

4.3 Thập giá như cử chỉ yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người


5. Vai trò của Chúa Thánh Thần


6. Giáo Hội như là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi: Một thực tại mang tính truyền thông

6.1 Những khía cạnh căn bản của Giáo Hội như là một thực tại mang tính truyền thông

6.2 Hiệp thông/Koinonia và truyền thông

6.3 Kerygma như là một chiều kích truyền thông của Giáo Hội

6.4 Năm mô hình truyền thông của Giáo Hội

6.5 Những hàm ý thần học dành cho truyền thông xã hội

6.5 Những chiều kích truyền thông xa hơn của Giáo Hội


7. Suy tư kết luận


THƯ MỤC THAM KHẢO


fr-vu-communication-theology-0001-1710130913.jpg

TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI DƯỚI CÁI NHÌN THẦN HỌC

Franz-Josef Eilers, svd

Thuật ngữ “truyền thông xã hội” đã được Công đồng Vatican II đưa ra trong sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội Inter Mirifica vào năm 1964. Trong một chú thích cuối trang cho chính đoạn văn đầu tiên của tài liệu như đã được trao cho các Nghị phụ Công đồng, một thuật ngữ mới “truyền thông xã hội” được giới thiệu là cần thiết vì mối quan tâm của Giáo Hội đi xa hơn các thuật ngữ thường dùng như “các phương tiện truyền thông khuếch đại,” “các phương tiện truyền thông đại chúng,” “publizistik” và những hạn từ tương tự (x. Eliers, 2014, 142 tt.). Nói xa hơn, trong tương lai thuật ngữ mới này cũng nên được dùng cho tất cả các tài liệu liên quan đến lĩnh vực đang được nghiên cứu này. Tuy nhiên, một giải thích xa hơn về hạn từ và khái niệm mới này đáng tiếc là đã không bao giờ được đưa ra kể từ khi đó. Vì vậy, ngay cả một người như cha Enrico Baragli, SJ., một trong những người đã đề nghị tên gọi mới này trong những thảo luận bước đầu, đã trở lại với đề tài “các phương tiện truyền thông đại chúng” tại một cuộc lượng giá về tài liệu này sau mười năm xuất bản, chứng minh điều đó với bình luận rằng sẽ là quá khó để hiểu được thuật ngữ mới này. Dường như đã không bao giờ có một nỗ lực thật sự nào để giải thích và phát triển thuật ngữ này, điều thực sự đã được đề cập sớm bởi các nhà xã hội học (Braga 1965) và tâm lý học (Kiefer 2007). Thực tế là một nghiên cứu xa hơn về thuật ngữ mới này dẫn tới một hiểu biết sâu xa hơn về truyền thông như một tiến trình trong xã hội liên quan một cách mạnh mẽ tới những mạng lưới xã hội đã thật sự tồn tại do con người (Standage 2013) nhưng ngày nay đã phát triển trong vai trò đặc biệt nhờ những sự phát triển công nghệ hiện đại về không gian ảo và Internet. Vì thế, truyền thông xã hội cần phải được hiểu như là truyền thông của và trong xã hội con người. Điều này bao gồm mọi cách thức và phương pháp truyền thông trong xã hội.

Nhìn vào thực tế này, người ta có thể thấy trong viễn tượng lịch sử ba lĩnh vực chính của sự truyền thông chỉ phần nào liên hệ đến thời gian và những phát triển công nghệ này.

Đầu tiên, trên thực tế, sự truyền thông giữa các cá nhân cũng như văn hóa được coi là điều tồn tại từ lúc khởi đầu nhân loại. Ngay từ ban đầu, chính những con người đầu tiên chắc hẳn đã truyền thông giữa người này với người khác, điều này đã được chứng thực nhờ những bức vẽ trên hang động và các đồ vật riêng lẻ trên 300,000 năm tuổi. Chiều kích văn hóa được phản ánh qua những diễn tả bằng ngôn ngữ nhằm thấu hiểu và truyền thông với nhau, ngôn ngữ ký hiệu mà Walter Ong đã nghiên cứu và trình bày theo một cách thức đặc biệt. Nhờ ngôn ngữ và các ký hiệu, sự tương tác con người đã trở nên khả dĩ và đã được/cũng được diễn tả thông qua các vở kịch và nghệ thuật sân khấu, khiêu vũ và việc sáng tác âm nhạc. Ở đây, những người tham gia đã là “những nhà sản xuất” cũng như là “những khách hàng.” Thực sự, điều này không chỉ đã có trong lịch sử mà ngày nay vẫn còn đang sống động trong mọi xã hội và nền văn hóa nhân loại.

Thứ đến, việc sử dụng một loại hình “công nghệ” nào đó đã bắt đầu với việc đặt lời và những từ ngữ vào trong bản văn. Đây là loại hình “thương mại hóa” nơi phòng làm việc của các đan viện, ở đó việc sao chép lại những cuốn sách đã là một phần của các hoạt động. Nó đã phát triển xa hơn nhờ sự phát minh ra máy in của Johannes Gutenberg vào khoảng năm 1450 đưa đến kết quả là những cuốn sách được in ra, điều mà cách nào đó đã thống trị truyền thông của con người và Giáo Hội trong mấy trăm năm. Với sự phát minh ra phim ảnh vào năm 1895, hoạt động của con người đã trở nên có thể nhìn thấy được và trải rộng trên toàn thế giới. Sau đó, việc truyền phát ngôn ngữ và hình ảnh (tivi) đã tiếp nối và trở nên điều gọi là “phương tiện truyền thông đại chúng” làm say mê những nhóm người đông đảo tương tự như sự lưu thông thư tín và báo chí trên diện rộng. Tuy nhiên, giai đoạn truyền thông này, tới một mức độ nhất định, đã cách nào đó làm cho khán giả/độc giả trở nên bị động, nơi mà sự trao đổi cá vị đã trở nên rất khó hay gần như là không thể, chứ chưa nói gì đến “đối thoại” thực sự giữa những người tham gia. Ở đây, các phương tiện truyền thông đã trở thành cơ sở kinh doanh và các máy thu nhận cách nào đó những đối tượng thụ động thường quan trọng đối với lợi ích tài chính của các chủ sở hữu phương tiện truyền thông hơn là một dịch vụ thực sự.

Sau cùng, toàn bộ điều này hiện nay đang đổi thay lần nữa nhờ những khả năng công nghệ trong lĩnh vực Internet và không gian ảo, đặc biệt là trong sự phát triển từ công nghệ Web 1.0-2.0 với tất cả tiềm năng của nó cho sự trao đổi cá nhân tích cực vô giới hạn giữa những người tham gia ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Họ trở thành những đối tác của nhau trong đối thoại và hành động, rồi phản ứng lại ngay lập tức, vì thế, vừa trở thành những nhà sản xuất vừa là khách hàng một lần nữa, điều này được diễn tả bằng một từ thay thế mới mẻ “Prosumers”. Ở đây, một lần nữa “truyền thông xã hội” bao trùm toàn thể xã hội con người.

Đối với con người, truyền thông là điều cốt yếu, một phần căn bản với bất cứ người nào. Tuy nhiên, trong cách hiểu Kitô giáo, thực tại này về mặt thần học được đặt nền tảng và phản chiếu trong một Thiên Chúa truyền thông ngôi vị: vì Chúa Cha và Chúa Con truyền thông trong Chúa Thánh Thần, con người cũng có khả năng truyền thông nhờ việc họ được tạo dựng theo “hình ảnh và giống như” Người. Thực tại thần học này được phản chiếu và tỏ hiện trong mặc khải của Thiên Chúa và việc Người truyền thông với dân được chọn Israel (Cựu Ước) và trong sự nhập thể của chính Thiên Chúa nơi Con của Người, Đức Giêsu Kitô, điều đã được phản ánh trong Tân Ước. Do đó, sự truyền thông này không chỉ là việc sử dụng bất cứ một loại phương tiện công nghệ nào mà nó còn ở ngay tâm điểm của Kitô giáo và cách hiểu của Kitô giáo về một Thiên Chúa truyền thông. Một viễn tượng thần học về điều này phải là cơ sở của bất cứ một đức tin sống động nào: nó được suy tư một cách đặc biệt trong linh đạo tương ứng, cũng như trong việc nghiên cứu và giảng dạy về một Thiên Chúa thông ban, chia sẻ chính mình cho con người.


fr-vu-communication-theology-mh-01-1710131604.jpg

Đã có những nỗ lực để cách nào đó “rửa tội” sự tồn tại và những hoạt động của truyền thông hiện đại trong một nền “thần học về truyền thông”; tuy vậy, những nỗ lực ấy không đáp ứng một cách thích đáng cho sự thật về Thiên Chúa như là một Thiên Chúa truyền thông trong chính Người và qua các thụ tạo của Người. Lối tiếp cận này đã được minh họa như sau:

Thiên Chúa như một Thiên Chúa Ba Ngôi truyền thông là căn bản cho toàn bộ truyền thông xã hội. Vì thế, ngày càng nhiều nhà thần học xem truyền thông không chỉ như một hoạt động cần đến một chiều kích thần học. Họ nhìn truyền thông không như một trong nhiều lĩnh vực thần học. Họ cũng không tìm kiếm một thần học “rửa tội” truyền thông xã hội, nhưng đúng hơn nhìn nó như là một nguyên tắc căn bản và chiều kích cốt yếu của bất cứ nền thần học nào.

Một lối tiếp cận khác nói về thần học mang tính truyền thông nhắm đến người đón nhận nhiều hơn và có thể được minh họa như sau:


fr-vu-communication-theology-mh-02-1710131737.jpg

Tuy nhiên, một thần học truyền thông thực sự thì thấy tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị ở trung tâm, và vì thế có thể hiểu được truyền thông và nguyên lý thần học (Eliers, 2012). Ở đây, truyền thông trở thành một nguyên lý thần học ở tại cơ sở của toàn bộ thần học: toàn thể thần học được nhìn dưới viễn tượng truyền thông – Thiên Chúa thông ban cho con người và mặc khải chính mình Người.

Carlo M. Martini đã phát triển một lối tiếp cận như thế trong kế hoạch mục vụ năm 1990 của ngài dành cho Tổng giáo phận Milan. Ngài xem bất cứ sự truyền thông nào của con người cũng đều như bắt nguồn nơi mầu nhiệm của Ba Ngôi Cực Thánh, từ đó tạo thành và hiện hữu phát sinh: “từ sự hiệp thông tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi và sự đối thoại không gián đoạn bắt nguồn từ tình yêu này” (1990, 35). Trong việc tạo dựng con người theo hình ảnh và giống như mình (St 1, 26; Kn 2, 23), Thiên Chúa cũng đã ban cho họ khả năng và nhu cầu thiết lập những tương quan mang tính truyền thông với nhau. Sự đối thoại mà Thiên Chúa đã thiết lập một cách tự do với thụ tạo yêu quý của Người là nền tảng cho sự trao đổi cũng như đối thoại giữa con người, và “mọi trang Kinh Thánh đều đào sâu biến cố, sự sụp đổ và tái thiết cuộc đối thoại này.” Những ân huệ của Thiên Chúa và những diễn tả đặc biệt của sự đối thoại này là giao ước trên núi Sinai và trong ngày Lễ Hiện Xuống. Theo Martini, Tin Mừng của Lễ Hiện Xuống là “Tin Mừng của sự truyền thông” bởi vì Thiên Chúa là sự hiệp thông và truyền thông: Người thông truyền chính mình cho chúng ta, và vì thế, giúp chúng ta có thể truyền thông với người khác và còn xóa bỏ mọi thứ làm cản trở sự truyền thông của chúng ta” (36). Giống như khúc nhạc chủ đề trong một bản giao hưởng được lặp lại bằng nhiều cách, chủ đề và sự thật này về Thiên Chúa truyền thông được diễn tả bằng nhiều chuyển động, hình ảnh và biểu tượng trong Kinh Thánh, chẳng hạn như, trong ngày Lễ Hiện Xuống – khắc phục sự hỗn loạn của Babel. Chúa Thánh Thần của Lễ Hiện Xuống, bằng khả năng truyền thông phi thường của Người, tái mở ra những kênh truyền thông đã bị tắc nghẽn từ thời Babel, tái thiết thông tin dễ dàng và xác thực giữa mọi người nhân danh Đức Giêsu Kitô, và vì thế, Giáo Hội xuất hiện như “dấu chỉ và khí cụ của sự truyền thông với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất giữa con người.”

Khái niệm của Karl Rahner về việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình như là một viễn tượng thần học được phản ánh trong tài liệu của Công đồng Vatican II về Mặc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, trong đó các Nghị phụ Công đồng đã tuyên bố: “Bằng cách mạc khải, Thiên Chúa đã muốn biểu lộ và thông ban chính mình Người cùng những ý định muôn đời của Người liên quan đến việc cứu độ nhân loại …” (số 6, x. số 4). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã tiếp tục dòng suy tư này trong Thông điệp về Chúa Thánh Thần Dominum et Vivificantem (1988) của ngài, trong đó thực ra ngài phát triển những nền tảng của một nền thần học về việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình. Hơn 10 lần ngài sử dụng và minh họa thuật ngữ này. Theo ngài, sự tự-thông ban nội tại của Một Thiên Chúa Ba Ngôi cũng trở nên một sự tự thông ban chính mình cho nhân loại: Thiên Chúa, Đấng là Tinh Thần vô biên, đã trở nên gần gũi với thế giới hữu hình. Một Thiên Chúa Ba Ngôi thông ban chính mình cho con người trong Thánh Thần từ lúc khởi đầu qua ‘hình ảnh và họa ảnh’ Người. Dưới hoạt động của cùng một Thánh Thần, con người, và qua con người, thế giới tạo thành, đã được Đức Kitô cứu chuộc, dần tiến gần tới vận mệnh tối hậu của chúng trong Thiên Chúa” (số 64).

Thiên Chúa thông ban chính mình trong trật tự sáng tạo và ân sủng, và “mầu nhiệm Nhập Thể đạt đến chóp đỉnh của việc trao ban này, của sự tự thông ban thần linh này … ‘thời viên mãn’ được làm cho xứng hợp bởi sự viên mãn đặc thù của việc Thiên Chúa Ba Ngôi tự thông ban chính mình trong Chúa Thánh Thần. ‘Bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần,’ mầu nhiệm ‘ngôi hiệp’ được diễn ra – tức là, sự hiệp nhất của bản tính Thiên Chúa và bản tính con người, của Thần tính và nhân tính trong Ngôi Vị duy nhất của Ngôi Lời – Chúa Con. Ngay từ giây phút Truyền Tin, khi Đức Maria thốt lên lời xin vâng (fiat) của mình: ‘Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói’ (Lc 1, 38), Người cưu mang trinh khiết một con người, Con Người, Đấng là Con Thiên Chúa. Bằng cách ‘hóa nên người’ này của Ngôi Lời – Chúa Con, việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình đạt tới viên mãn cách rõ ràng trong lịch sử sáng tạo và cứu chuộc. Sự viên mãn này đạt được một sự phong phú và biểu lộ đặc biệt trong bản văn Tin Mừng theo thánh Gioan: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm’ (Ga 1, 14) …” (số 50).

Sự tự thông ban chính mình mang tính cách nhập thể này trong Đức Giêsu Kitô sau cùng hướng mầu nhiệm Vượt Qua tới một chiều kích mới của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình. Các biến cố Vượt Qua “là thời gian khởi đầu mới của việc Một Thiên Chúa Ba Ngôi tự thông ban chính mình cho nhân loại trong Chúa Thánh Thần ngang qua công trình của Đức Kitô, Đấng Cứu Độ. Sự khởi đầu mới này là ơn cứu độ thế gian: ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”’ (Ga 3, 16) (số 23; x. số 13, 14)

Với sự ngự đến của Chúa Thánh Thần, việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình, “được hoàn thành trong Đức Kitô và được chứng thực bởi việc rao giảng của các Tông Đồ, tiếp tục được biểu lộ trong Hội Thánh nhờ sứ vụ của Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chân Lý …” (số 7). Hội Thánh đã “công bố từ những thế kỷ đầu tiên đức tin của mình vào Chúa Thánh Thần như Đấng ban sự sống, Đấng mà trong Người Thiên Chúa khôn dò khôn thấu thông ban chính mình cho con người, tạo nên trong họ nguồn mạch sự sống vĩnh cửu” (số 1). Như thế, Chúa Thánh Thần được xem như sự thể hiện nối tiếp của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong mọi dân nước và mọi thời đại. Người không chỉ là tác nhân của sứ vụ và công cuộc loan báo Tin Mừng như được nói đến trong Thông điệp Redempptoris Missio (1990) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II và Tông huấn Evangelii Nuntiandi (1975) của Đức Giáo Hoàng Phaolo VI, mà một cách tổng quát cần phải được xem như là tác nhân và sự viên mãn của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình cho Giáo Hội và cho nhân loại. Chính Chúa Thánh Thần là “thể hiện đích thân của sự tự trao ban chính mình này, của tình yêu hiện hữu này” (số 10). Nền tảng Ba Ngôi cho bất cứ sự truyền thông nào cũng đều nằm ở đây, vốn là sự ‘trao ban chính mình trong tình yêu’ như được bày tỏ trong Hướng dẫn mục vụ Communio et Progressio (số 11). Việc chúng ta ‘trao ban chính mình trong tình yêu’qua sự truyền thông nhân loại được đặt nền tảng trên việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình, giống như sự trao ban bản thân mình của chính Người. Chúa Thánh Thần là sự thể hiện tiếp nối và là tác nhân của việc này cho mọi dân tộc và mọi thời đại. Bằng cách này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nhìn Chúa Thánh Thần như là “nguyên lý trực tiếp và, theo một nghĩa nào đó, là chủ thể của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong trật tự ân sủng” (số 50).

Benard Lonergan, trong “Phương pháp thần học” của ông, trước đây đã xem sự truyền thông như là một chiều kích cốt yếu đối với toàn thể thần học. Nhưng Avery Dulles, trong cuốn sách “Con Tàu Thần học: từ Biểu tượng đến Hệ thống” (1992) đã áp dụng sâu xa hơn khái niệm về việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình của Rahner cho toàn bộ thần học. Ông kết luận “rằng thần học về mọi mặt đều đề cập đến các thực tại truyền thông” (22). Ông mở rộng điều này xa hơn nữa liên quan tới thần học căn bản, các lĩnh vực thần học hệ thống như Kitô học, Tạo dựng, Giáo hội học, Cánh chung học, Thần học Bí tích và Thần học Thực hành bao gồm Truyền giáo học và Thần học Mục vụ. Kết luận dưới cái nhìn về Ba Ngôi, ông gọi Kitô giáo “một cách trổi vượt là một tôn giáo về truyền thông, vì trong yếu tính thâm sâu của Người, Thiên Chúa là một mầu nhiệm tự-truyền thông. Toàn bộ công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa là một sự nối dài của những tiến trình nội tại bên trong Ba Ngôi…”

Như thế, toàn bộ lịch sử cứu độ có thể được xem như là một lịch sử tự-truyền thông của Thiên Chúa. Từ sự truyền thông bên trong Thiên Chúa Ba Ngôi vươn ra tới thụ tạo của Người. Người sáng tạo con người theo “hình ảnh và và giống như Người,” điều ấy có nghĩa là con người có khả năng truyền thông và sống trong một cộng đồng mang tính truyền thông. Như vậy, Người nói và mặc khải chính mình cho những con người này khởi đầu với Adam và cách đặc biệt trong lịch sử của Người với Israel. Sự nhập thể của Đức Giêsu Kitô là cao điểm và là sự viên mãn của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong Con của Người, Đấng đã trở nên một người trong chúng ta và thông ban tình yêu của Chúa Cha cho toàn thể nhân loại. Mặc Khải và Nhập Thể dẫn tới Giáo Hội như là sự tiếp nối của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình cho đến tận cùng thời gian. Giáo Hội này khởi đầu với việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trong ngày Lễ Hiện Xuống và tiếp tục được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần như là “tác nhân của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình.” Sự nối dài này của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình qua Giáo Hội được biểu lộ cách chính yếu trong đời sống và các chức năng của Giáo Hội như là Kerygma (sự công bố Tin Mừng), với tư cách là một cộng đoàn (koinonia) và là sự cứu giúp và nâng đỡ (diakonia). Nếu được đặt vào trong một biểu đồ, tiến trình có thể được trình bày súc tích như sau:


fr-vu-communication-theology-mh-03-1710131813.jpg

Những lời của Đức Giêsu giúp chúng ta đi vào một viễn tượng như thế:

  • Mt 11, 27: ‘Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai viết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho’
  • Ga 5, 19tt (nói với người Do Thái): ‘Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm thì người Con cũng làm như vậy. Quả vậy, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm’
  • Ga 6, 57: ‘Tôi sống nhờ Chúa Cha …’
  • Ga 8, 29: ‘… Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc’
  • Ga 10.38: ‘Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha’
  • Ga 10, 30: ‘Tôi và Chúa Cha là một’
  • Ga 11, 41: ‘Lạy Cha … vì Cha đã nhậm lời con…’
  • Ga 12, 49tt: ‘Thật vậy, không phải tự mình tôi nói ra, nhưng chính là Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì … Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi’
  • Ga 14, 9tt (nói với Philipphê): ‘Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha … Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?’

Những lời khác đưa Chúa Thánh Thần vào trong sự hiệp thông tình yêu này:

  • Ga 14, 16tt: ‘Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác, đến ở cùng anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật …’
  • Ga 14, 26: ‘Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đá nói với anh em’
  • Ga 15, 26: ‘Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy’

Từ những lời của Tin Mừng toát lên rằng, ý nghĩa của sự hiệp thông và “trao đổi nền tảng thì ở ngay trong mầu nhiệm của Thiên Chúa và ở nơi cội rễ mọi sự truyền thông của con người. Trong sự hiệp thông Ba Ngôi, sự đối thoại giữa các Ngôi Vị luôn diễn tiến. Chúng ta có thể nói rằng, trong Chúa Ba Ngôi, cả Ba Ngôi Thiên Chúa càng là những ngôi vị hiệp thông thống nhất với nhau thì càng có một sự hiệp thông với tính cách những ngôi vị khác nhau. Đây là cách mà mỗi người trong chúng ta đều nhận biết cùng một điều tương tự, càng sống căn tính thích hợp qua đối thoại thì ta càng là món quà với và qua người khác.”

Theo quan điểm của Carlo M. Martini (1990, 26, 27), con người là những hữu thể truyền thông do sự truyền thông Ba Ngôi vì lẽ rằng chúng ta được tạo dựng theo “hình ảnh và giống như Người” (St 1, 26; Kn 2,23). Sự đồng dạng truyền thông với Thiên Chúa này cũng làm cho sự đối thoại với Người trở nên khả dĩ, và cũng là nền tảng cho bất cứ sự truyền thông nào của con người. Bất cứ tội lỗi nào cũng là nguyên nhân gây nên sự đứt quãng của đối thoại này. Tội lỗi bằng cách này là một dấu hiệu của sự không-truyền thông. Theo Martini, ngay cả cái khởi đầu của bất cứ sự sống nhân loại nào cũng đều là hoa trái của sự đối thoại truyền thông giữa Thiên Chúa và cha mẹ.

Bernhard Hӓring (1979, 155) bày tỏ cùng một xác tín như thế qua những lời sau đây: “Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, mặc khải đời sống của Thiên Chúa như là sự truyền thông, sự chia sẻ. Người cầu nguyện, ‘Tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con’ (Ga 17, 10). Việc Người sẻ chia chính mình và toàn bộ chân lý phát sinh từ sự chia sẻ tuyệt đối giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là sự chia sẻ, là sự truyền thông. ‘Khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại …’ (Ga 16, 13-15). Truyền thông là căn bản trong mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mỗi Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa sở hữu tất cả những gì là thiện hảo, tất cả những gì là chân thật, tất cả những gì là tuyệt mỹ, nhưng trong thể thức hiệp thông và truyền thông. Sáng tạo, cứu chuộc, và thông truyền đều phát sinh từ mầu nhiệm này và có mục đích cuối cùng là đưa chúng ta, qua chính sự truyền thông này, vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa. Sáng tạo chúng ta theo hình ảnh và giống như Người, Thiên Chúa biến chúng ta thành những người chia sẻ sự truyền thông sáng tạo và tự do của Người trong sự hiệp thông, nhờ sự hiệp thông, và vì sự hiệp thông.”

Trong quá trình suy tư thần học, đã có có nhiều nỗ lực để hiểu tốt hơn và sâu hơn sự hiệp thông nội tại của Ba Ngôi. Karl Rahner nói đến một số trong những nỗ lực ấy như là suy lý tâm lý học và cảm thấy rằng việc suy lý như thế “bất luận như thế nào cũng có bất lợi là trong giáo lý về Ba Ngôi nó không thực sự gây nên đủ ảnh hưởng đối với điểm khởi đầu trong lịch sử mặc khải và tín điều vốn hiện diện trong kinh nghiệm lịch sử và có tính cứu độ về Chúa Con và Chúa Thánh Thần như là thực tại của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình cho chúng ta… Lý thuyết tâm lý học về Ba Ngôi bỏ qua kinh nghiệm về Ba Ngôi trong nhiệm cục cứu độ, hỗ trợ cho một suy lý có vẻ gần như là ngộ đạo về điều diễn ra trong sự sống nội tại của Thiên Chúa. Đang khi ấy, nó lại thực sự quên rằng dung mạo của Thiên Chúa hướng tới chúng ta qua việc Người tự thông ban chính mình, theo bản chất Ba Ngôi của sự gặp gỡ này, là chính hữu thể của Thiên Chúa như Người là trong chính Người, và cần phải là, nếu quả thực việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong ân sủng và vinh quang thực sự là sự truyền thông của Thiên Chúa trong chính bản thể Người cho chúng ta” (1978, 135). Sau đó, ông kết luận: “Do đó, xác quyết rằng cùng một Thiên Chúa duy nhất hiện diện cho chúng ta như là Cha, Con và Thánh Thần và rằng Chúa Cha trao ban chính mình cho chúng ta trong sự tự thông ban chính mình tuyệt đối nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần phải được hiểu và phát biểu theo đúng nghĩa chặt như là những xác quyết về Thiên Chúa như Người là trong chính Người. Vì nếu không thì về căn bản chúng sẽ không phải là những xác quyết về việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình” (137).

Một diễn tả sự truyền thông của Ba Ngôi và việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình cho nhân loại trong nghệ thuật Kitô giáo qua các thế kỷ là sự trình bày của điều gọi là Mercy Seat (Ngai Tòa Thiên Chúa; tiếng Đức: Gnadenstuhl). Căn cứ vào Thư gửi tín hữu Do Thái (9, 5), khi mô tả Hòm Bia Giao Ước, Martin Luther đã sử dụng cách diễn đạt này rồi. Martini mô tả một ví dụ như thế từ Sta. Maria Novella tại Florence và gọi đó là một “biểu lộ việc làm tột đỉnh của sự truyền thông của Thiên Chúa” và là một “biểu lộ không thể trổi vượt hơn của sự truyền thông Thiên Chúa” (số 24, trang 44 tt): Chúa Cha trao nộp Chúa Con trên Thánh Giá trong một hành vi yêu thương không giới hạn: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta…” (Rm 8, 32); “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4, 9). Tại tâm điểm, giữa Chúa Cha và Chúa Con, là chú chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần như là một dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con và như là hoa trái của hồng ân sự sống trong Đức Giêsu. “Cũng chính Chúa Thánh Thần là Đấng ‘mở ngỏ’ Ba Ngôi cho thế gian và đồng thời kết hợp thế gian lại với Chúa Con và Chúa Cha” (Martini). Có hàng trăm bức hình minh họa như thế trong lịch sử nghệ thuật Kitô giáo và ngay cả thời hiện đại, điều đó lại trở nên rất phổ biến như được thấy nơi một số món đồ lưu niệm trong dịp mừng Đại Năm Thánh 2000. Trong lịch sử phụng vụ, minh họa cho Ngai Tòa Thiên Chúa đã rất thường được dùng để làm sáng tỏ những mẫu tự đầu tiên của Kinh nguyện Thánh Thể trong sách lễ Roma: “Te igitur…” (Kirchbaum 1968, I, 535)

Chiều kích mặc khải

Ngay từ trang đầu tiên của Kinh Thánh, Thiên Chúa là một Thiên Chúa truyền thông. Sự tự-truyền thông nội tại trong Ba Ngôi mở rộng thành một đối thoại và truyền thông với những thụ tạo nhân loại mà Người đã tạo dựng theo hình ảnh và giống như mình. Thiên Chúa đối thoại với Adam và Eva trong vườn địa đàng, với Abraham, Môsê và các Ngôn sứ. Những con đường và phương thế truyền thông của Người với con người thật nhiều và đa dạng. Người nói bằng những lời và việc làm, trong từng khoảnh khắc và suốt những diễn biến lịch sử ngang qua thời gian. Thiên Chúa của Cựu Ước là một Thiên Chúa truyền thông, Đấng đã trở nên đối tác trong cuộc đối thoại với các thụ tạo của Người. Caspar Von Stieler, tác giả của cuốn sách đầu tiên về “nghề làm báo” tại Đức viết trong chương III cuốn Zeitungs Lust und Nutz (1697) như sau: “Thiên Chúa tối cao là phát ngôn viên đầu tiên và theo sau là các sứ giả của Người, các Ngôn sứ trong thời Cựu Ước, các Tông đồ trong Tân Ước, cho thấy rằng Người yêu quý các tin tức (các sứ điệp) và muốn chúng được lan rộng ra khắp thế gian.”

Thiên Chúa truyền thông cách đặc biệt trên hai cấp độ: tạo dựng và ân sủng. Toàn bộ tạo thành là sự truyền thông công khai của Thiên Chúa như Thánh vịnh 19, 2 – 5 nói với chúng ta. Theo Bernard Häring, lịch sử nhân loại là trải rộng của sự truyền thông này (1972, 39). Đó là “sự hiện diện năng động của lời sáng tạo.”

Hiến chế của Công đồng Vatican II về Mặc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum mô tả sự kiện này bằng những lời sau đây: “Bằng cách mạc khải, Thiên Chúa đã muốn biểu lộ và thông ban chính mình Người cùng những ý định muôn đời của Người liên quan đến việc cứu độ nhân loại, ‘nghĩa là cho người ta được tham dự vào các của cải của Thiên Chúa hoàn toàn vượt quá trí hiểu loài người’”. (số 6).

Mặc Khải này qua một thời kỳ dài đã được xem như là một “bộ sưu tập các chân lý mặc khải, sẽ lưu truyền giống như một bưu kiện được gửi đi và tương tác từ nước này đến nước kia.” “Cái nhìn có tính gợi ý này về Mặc Khải của Thiên Chúa” mang một chiều kích truyền thông trong việc lưu truyền chân lý và “thông tin” mặc khải là những điều cần phải được truyền thông. Nhưng khái niệm gần đây hơn về sự mặc khải như là một gặp gỡ hay đối thoại liên vị thậm chí mang một chiều kích và ý nghĩa truyền thông sâu xa hơn đối với bất cứ truyền thông Kitô giáo nào: Thiên Chúa không chỉ đang mặc khải chân lý như là một điều gì đó về Người mà Người còn đang mặc khải chính mình. Theo cách hiểu này, mặc khải là một mẫu thức gặp gỡ ngôi vị-với-ngôi vị, chủ thể-với-chủ thể, “Tôi”-với-“Ngài”. Ở đây, vấn đề không còn là điều gì được truyền thông nữa, mà là ai truyền thông. Cũng trong Thần học về Ân sủng, điều gì được đón nhận không còn là điều ưu tiên nữa mà là ai được đón nhận. “Nhiều hơn là việc đón nhận ‘các sự vật,’ ân sủng có nghĩa là một tương quan cá vị mới,” tức là, sự truyền thông “với Thiên Chúa” (O’Collins 1981, 55; x. Soukup 1983, 50tt).

Ở khía cạnh này, mặc khải là sự đối thoại và truyền thông có tính mặc khải và cứu độ giữa Thiên Chúa và con người. Qua việc ngỏ lời với chúng ta, Thiên Chúa nói những điều mà chúng ta có thể công thức hóa và truyền lại cho những người khác.

Gisbert Greshake (1999, 21tt) chỉ rõ chiều kích truyền thông của Ba Ngôi trong Mặc Khải khi ông viết: “Đối với người Kitô hữu, cách hiểu về mặc khải được xem xét dưới ba chiều kích: 1. Chính Thiên Chúa vô biên là Cha mặc khải chính mình Người một cách không giới hạn cho con người để hợp nhất chính Người với họ trong cộng đoàn yêu thương mật thiết nhất; 2. Mặc khải này diễn ra trong Ngôi Lời – theo nghĩa rộng – trong một cách thế hoàn toàn con người để tất cả chúng ta có thể hiểu. Tại chóp đỉnh sự tự mặc khải này của Thiên Chúa, Ngôi Lời xuất hiện nơi Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa trở nên người phàm, trong Người Con này, Thiên Chúa biểu lộ và thông ban chính mình Người một cách trọn vẹn và không do dự; 3. Sự đón nhận và hiểu biết về Ngôi Lời Thiên Chúa diễn ra bên trong con người theo cách thức của Thiên Chúa, nghĩa là, sự đón nhận có tính cá nhân và chủ động Ngôi Lời Thiên Chúa diễn ra bởi quyền năng hoạt động của Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần. Chỉ khi nào cả ba “khoảnh khắc” này cùng diễn ra thì người ta mới có thể nhận ra, mà không mâu thuẫn, rằng Thiên Chúa không mặc khải một điều gì đó về Người, nhưng đúng hơn, Người thông ban chính mình Người, theo đúng nghĩa đen, trong một tình yêu vô hạn và chở che con người trong sự sống Thần Linh của Người. Bởi vậy, hiểu theo nghĩa sự tự thông ban triệt để, mặc khải giả định một sự hiểu biết có tính Ba Ngôi về Thiên Chúa. Chỉ khi Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật thì Người mới có thể mặc khải Thiên Chúa và đem chúng ta tới gần Người được. Lúc ấy, cộng đoàn duy nhất ở cùng với Giêsu Kitô cũng chính là cộng đoàn ở cùng với Thiên Chúa. Và chỉ khi Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa thật thì Người mới có thể mở ngõ con người ra với Thiên Chúa và kéo họ vào trong đời sống của Thiên Chúa.”

Mặc khải không chỉ được truyền lại giống như thông tin hay một sự trao đổi và chia sẻ ý nghĩa qua những dấu chỉ của Mặc Khải. Mặc Khải Kitô giáo phải được hiểu cách rốt ráo, cũng như ơn cứu độ, nơi “những dấu chỉ” mặc khải rốt cuộc mang lại ân sủng của Thiên Chúa: Ngôi Lời Thiên Chúa “biểu thị và truyền thông gì thì nó cũng đem lại điều mà nó biểu thị và tạo nên sự truyền thông có tính cứu độ giữa Thiên Chúa và con người (O’Collins 1981,158). Tông huấn Evangelii Nuntiandi nói về Ngôi Lời như là “Đấng mang quyền năng của Thiên Chúa” (42). Như thế, truyền thông Kitô giáo trong khía cạnh mặc khải trở thành một quyền năng cứu độ. Sự mặc khải và truyền thông của Thiên Chúa không phải là việc chuyển trao “thông tin” nhưng đó quả thực là một tiến trình đối thoại với những hiệu quả cụ thể trong đời sống giống như các bí tích và mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa.

Tiến trình đối thoại của mặc khải xây dựng trên các phương thế chung của và cho truyền thông con người giống như các giác quan của con người. Sự mặc khải và truyền thông của Thiên Chúa diễn ra thông qua tất cả các giác quan của con người như thánh Gioan phát biểu trong thư thứ nhất của ngài (1Ga 1, 1-3):

Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu,

điều chúng tôi đã nghe,

điều chúng tôi đã thấy tận mắt,

điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,

và tay chúng tôi đã chạm đến,

đó là Lời sự sống.

Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày,

chúng tôi đã thấy và làm chứng,

chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời,

sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha

và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi.

Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe,

chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa,

để chính anh em

cũng được hiệp thông với chúng tôi,

mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha

và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người.

Trong kinh nghiệm hoán cải cá nhân của mình, thánh Augustino mô tả cách thức mà, thông qua tất cả năm giác quan như phương tiện truyền thông của con người, Thiên Chúa đã mặc khải chính Người cho ngài:

Ngài đã kêu con; Ngài đã lớn tiếng gọi con; Ngài đã phá tan sự điếc lác của con. Ngài đã chiếu tỏa ánh sáng Ngài trên con; hào quang của Ngài đã bao phủ lấy con; Ngài đã xua tan sự mù lòa của con. Ngài đã tỏa ngát hương thơm Ngài xung quanh con; con đã hớp lấy và con khát khao hương thơm ngọt ngào của Ngài. Con đã cảm nếm Ngài, và con đói khát Ngài. Ngài đã chạm đến con, và con bị thiêu đối bởi tình yêu an bình của Ngài. (Tự thuật, X, 27. Trong: O’Collins 60).

Trong cả hai ví dụ, sự truyền thông trực tiếp đang diễn ra giữa Thiên Chúa và con người. “Thánh Gioan và Augustino nói về những biến cố mà các ngài bị cuốn hút một cách cá vị và sâu xa vào trong đó; đấy không phải là những mảnh vụn thông tin mà các ngài đã gián tiếp thu lượm được từ một chuyên gia nào đó, cũng không phải là những kết luận mà các ngài đã đạt được nhờ biện luận. Các ngài ý thức rất rõ khi những kinh nghiệm này xảy đến cho các ngài. Những kinh nghiệm này hé lộ cuộc sống của các ngài là gì và sẽ là gì. Toàn bộ hiện hữu của các ngài đều bị tác động; chúng ta có thể nhận ra một cấu trúc với nhiều cấp độ trong điều các ngài đã trải qua. Những trình thuật của các ngài cho chúng ta thấy cách thức – theo các mức độ khác nhau – mà các giác quan, trí năng, những cảm xúc, ý chí, trí nhớ và ký ức và những năng lực khác của con người bị cuốn hút vào” (O’Collins 1981, 61). Những ví dụ này cho thấy không những cách thức mà mặc khải xay dựng trên khả năng của con người dành cho truyền thông, mà còn cách thức mặc khải của Thiên Chúa được truyền thông theo các con đường khác nhau cho những con người khác nhau và cách thức mà họ chuyển trao sự truyền thông của Thiên Chúa trong và qua cuộc sống họ. “Giống như những cách thức và thời điểm của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình, các trung gian và sứ giả của mặc khải cứu độ ấy đã và vẫn vô cùng đa dạng” (67). Như thế, việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình tiếp tục diễn ra bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu ơn cứu độ được kinh nghiệm.

Hướng Dẫn Tổng Quát dành cho các giáo lý viên (1997) mô tả Thiên Chúa như Đấng “thật sự mặc khải chính mình Người như là Đấng khao khát thông ban chính mình, làm cho con người được tham dự vào bản tính Thần Linh của Người. Bằng cách này, Thiên Chúa hoàn thành kế hoạch Yêu Thương của Người …” (số 36). Dựa theo thánh Irene thành Lyon, tài liệu lưu ý thêm nữa rằng: “Thiên Chúa, trong sự cao cả của mình, sử dụng một khoa sư phạm nhằm mặc khải chính mình Người cho con người: Người dùng các biến cố và lời nói của con người để truyền thông kế hoạch của Người; Người làm như thế một cách tiệm tiến và theo các giai đoạn, để thậm chí lôi kéo con người đến gần mình hơn. Trên thực tế, Thiên Chúa thực hiện theo cách như thế để con người đi tới nhận biết kế hoạch cứu độ của Người nhờ các phương thế và biến cố của lịch sử cứu độ cùng những lời được linh hứng kèm theo và giải thích chúng.” “Nhiệm cục cứu độ này được thực hiện bằng các việc làm và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau, theo nghĩa là các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ biểu lộ và củng cố cả giáo huấn lẫn những thực tại được diễn tả bởi các lời; còn các lời thì công bố các việc làm và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chứa đựng trong đó” (DV 2). Ấn bản trước kia của Hướng Dẫn (1971) viết: “Bởi vậy, mặc khải là một sự kết hợp các sự kiện và lời nói, những lời nói chiếu soi các sự kiện và các sự kiện giải thích cho những lời nói. Thừa tác vụ của Lời chính là công bố Lời Chúa theo cách thức sẽ làm sáng tỏ hơn và truyền thông các mầu nhiệm nền tảng mà Lời ấy chứa đựng. Bằng cách này, thừa tác vụ Lời Chúa nhắc lại sự mặc khải những kỳ công của Thiên Chúa được thực hiện theo thời gian và được hoàn tất trong Đức Kitô, nhưng nó cũng làm sáng tỏ, dưới ánh sáng của mặc khải, sự hiện hữu của con người ngày nay, những dấu chỉ của thời đại và những vấn đề của thế giới, bởi vì kế hoạch của Thiên Chúa hoạt động trong chúng cho ơn cứu độ của con người” (11).

Mặc khải là biến cố thánh thiêng và cùng lúc cũng là biến cố truyền thông của con người: lắng nghe và đáp lại. Đó là sự tác động và phản hồi … Tuy nhiên, truyền thông con người phản chiếu chỉ một cách rất giới hạn truyền thông hoàn hảo của Thiên Chúa. Như một hệ quả, Bernhard Haering nhắc nhở chúng ta rằng, thần học cần phải hòa mình vào trong “nhịp điệu truyền thông xã hội của nhân loại, cũng như vào trong các vấn đề và ngôn ngữ của thế giới hiện tại. Do đó, biết được ngôn ngữ của con người ngày nay là một điều kiện tiên quyết đối với mọi truyền thông Kitô giáo. Trong việc chuyển trao mặc khải của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải đáp trả lại điều mà con người đòi hỏi. Khoa chú giải quan tâm tới việc mang mặc khải và ‘Lời’ của lịch sử vào trong đời sống con người hôm nay” (1997, 46).

Martini (1990, số 30tt, 58tt) nhận ra những tiêu chuẩn tổng quát sau đây cho việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình vốn cũng cần phải được xem như một căn bản đích thật cho bất cứ sự truyền thông nào của con người và của Kitô giáo:

  1. Việc Thiên Chúa thông ban chính mình được chuẩn bị trong sự thinh lặng và bí nhiệm của Người. Đó là sự “mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín từ ngàn xưa” (Rm 16, 25), đó là một mầu nhiệm, “mầu nhiệm này được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật” (Ep 3,9).
  2. Việc Thiên Chúa thông ban chính mình cho con người có tính tiệm tiến, không ngừng tích lũy và mang tính lịch sử. Việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình cho chúng ta không được thực hiện trong một chốc lát mà đúng hơn gồm chứa các thời điểm thăng trầm khác nhau. Nó diễn ra trong mọi tình huống của thế giới chúng ta, một thế giới cũng bị đổi thay theo cách như vậy. Sự thông ban chính mình của Thiên Chúa được thực hiện qua các lời nói và sự kiện, vốn là những điều cũng được phản chiếu trong lịch sử cứu độ như được tường thuật trong Kinh Thánh, đó là cuốn sách tự thông ban của Thiên Chúa.
  3. Việc Thiên Chúa thông ban chính mình hiện thực hóa chính nó trong tiến trình lịch sử theo một đường lối biện chứng. Sự thông ban này không liên tục từ vinh quang đến vinh quang trong một vầng sáng mà không có tối tăm. Đúng hơn, có một sự pha trộn giữa ánh sáng và bóng tối, và chỉ duy một sự giải mã kiên trì những lời nói và sự kiện qua thời gian mới có thể đưa tới sự hiểu biết đầy đủ về sự thông ban của Thiên Chúa. Điều kiện là phải chấp nhận cách tự do những bước đi Người, sắp xếp chúng cho có trật tự và bước theo. Bất cứ sự truyền thông nào cũng đều tiến từng bước một, thận trọng và tôn trọng người khác.
  4. Việc Thiên Chúa thông ban chính mình không đạt tới trọn vẹn ở đây, trên trái đất này. Người ta phải phân biệt giữa truyền thông “in via” và truyền thông “in patria.” Sự thông ban của Thiên Chúa trên trái đất có giá trị trong việc nếm trước điều sẽ đến vào lúc thời gian viên mãn khi mà “Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3, 2). Mọi truyền thông trong lịch sử đều không trọn vẹn trong cái nhìn hướng về sự viên mãn cuối cùng của Nước Thiên Chúa. Điều đó cũng có nghĩa là trong thế giới này, chúng ta sẽ không bao giờ biết người khác hoàn toàn theo cách họ là. Sẽ luôn có một bí mật, một không gian riêng không thể được làm sáng tỏ hoàn toàn, ngay cả nơi chính bản thân chúng ta.
  5. Việc Thiên Chúa thông ban chính mình có tính cá vị. Thiên Chúa thông ban chính mình Người, chứ không phải một điều gì khác. Mọi thứ Người thông ban ra ngoài chính mình Người đều là một dấu chỉ và biểu tượng của ý muốn thông ban chính mình của Người như một tặng phẩm siêu phàm. Đồng thời, sự thông ban này cũng có tính liên vị, bởi vì nó đòi hỏi con người cần phải đón nhận tặng phẩm này. Điều này cần tới sự chú tâm, đón nhận và lắng nghe bởi vì không có đáp trả và phản hồi thì cũng không hề có truyền thông đích thực. Thiên Chúa hằng sống kêu gọi con người sống động đánh thức niềm tin và hy vọng.
  6. Sự thông ban của Thiên Chúa cuối cùng mang lấy mọi hình thức truyền thông liên vị. Sự thông ban của Người có tác dụng nâng cao tri thức, lôi cuốn và cùng lúc là thông ban chính mình. Thiên Chúa khai mở – mặc khải về chính mình Người và cuốn hút con người nhờ việc kêu gọi, thề hứa, cảnh cáo và khiển trách; nhưng toàn bộ sự thông ban của Người cuối cùng là sự thông ban chính mình bởi vì điều mà Người thực sự muốn thông ban là chính bản thân Người.

Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium nói rằng “những kẻ đang tìm kiếm Thiên Chúa trong bóng tối và qua ngẫu tượng, Thiên Chúa mà họ không biết, cả những kẻ ấy, Người cũng không xa họ, bởi vì chính Người ban cho mọi người sự sống, hơi thở và tất cả mọi sự, và vì là Ðấng Cứu Thế, Người muốn mọi người đều được cứu rỗi.” Trong ánh sáng của giáo huấn này, việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong Mặc Khải tiếp tục đi vào trong thời đại của chúng ta và vượt ra ngoài phạm vi Kitô giáo, vào trong những tôn giáo không phải là Kitô giáo. “Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Phúc Âm, và như một ân huệ mà Ðấng soi sáng mọi người ban cho hầu cuối cùng họ được sống…” (LG số 16). Mặc khải có thể được nhìn theo chiều hướng như là một sự chuẩn bị cho sự truyền thông nhập thể của Đức Giêsu Kitô.

Chiều kích nhập thể

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã nói trước qua các lời nói và việc làm, và dùng những con người như các ngôn sứ làm những sứ giả của Người. Người hiện diện trong giao ước với Israel. Tuy nhiên, sau cùng Người đã nhập thể trong ‘Ngôi Lời’ (Logos) trở nên người phàm. Sự thông ban của Thiên Chúa diễn ra trong lịch sử nhờ việc Đức Giêsu Kitô trở nên một người trong chúng ta. Việc Đức Kitô trở nên người phàm thì “còn hơn là sự thể hiện của những ý tưởng và sự biểu lộ cảm xúc. Ở mức độ sâu thẳm nhất, đó là sự trao ban chính mình trong tình yêu,” như Hướng dẫn mục vụ Communio et Progressio nói: “Khi ở trên trái đất, Đức Kitô đã mặc khải chính mình Người như là Đấng truyền thông hoàn hảo. Qua sự nhập thể, Người đồng nhất một cách tuyệt đối với những ai đón nhận sự thông ban của Người và Người đã trao ban sứ điệp của Người không chỉ bằng lời nói mà còn bằng toàn bộ cách cư xử trong đời sống Người. Người đã nói từ bên trong, nghĩa là, thoát ra khỏi sức ép của dân tộc Người. Người đã rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa mà không sợ hãi hay thỏa hiệp. Người đã điều chỉnh lại cách phát ngôn và khuôn mẫu suy nghĩ của dân Người. Và Người đã nói rõ về tình trạng gay go của thời đại họ” (Communio et Progressio 11).

Sự nhập thể của Thiên Chúa qua Con của Người, Đức Giêsu Kitô, ở ngay tại trung tâm của bất cứ sự truyền thông Kitô giáo nào: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật” (Dt 1, 1 – 3). Với những lời này, Đức Giêsu phải được xem là Đấng truyền thông và là ánh hào quang đích thực của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình cho con người.

Sự tự thông ban chính mình của Thiên Chúa trở thành xác phàm trong Con của Người, Đức Giêsu Kitô, như là sự diễn tả cao cả nhất của “sự trao ban chính mình trong tình yêu” của Người. Trong hành vi này, Người đồng nhất với những ai đón nhận sứ điệp của Người. Đây là một số minh họa về cách thức mà Đức Giêsu Kitô đã truyền thông “ra bên ngoài sức ép của dân Người” (Communio et Progressio 11):

  1. Những hoàn cảnh của cuộc đời Đức Giêsu Kitô theo đúng nghĩa phải được xem như là sự truyền thông, giống như cách thức đơn giản của việc Người ra đời, của những năm ẩn dật của Người tại Nazareth như là sự chuẩn bị cho hoạt động công khai của Người, địa vị xã hội của Người như là con bác thợ mộc, 40 ngày trong hoang địa, còn cả cái chết của Người trên thập giá nữa.
  2. Trong hoạt động công khai và những giai đoạn trực tiếp công bố Tin Mừng, Đức Giêsu chia sẻ sứ điệp của Người về Nước Trời và kêu gọi hoán cải ở bất cứ nơi nào Người đi qua như một nhà giảng thuyết lưu động: vì lý do đó, Người được tìm thấy tại các hội đường và đền thờ cũng như tại các khu chợ, trên đường phố, tại các tư gia, còn cả bên bờ hồ và trên các triền núi. Bất cứ nơi nào Người đi qua, Người trở nên sự thể hiện của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình qua lời nói và việc làm.
  3. Các phương tiện được Đức Giêsu sử dụng cho việc truyền thông bao gồm mọi loại truyền thông không lời và bằng lời trong thời đại và nền văn hóa của Người. Người truyền thông không lời nhờ các hành động như các phép lạ, việc chữa lành, đụng chạm, viết trên cát, đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ v.v… Như thế, các hành động của Người có thể là sự truyền thông trực tiếp hay có tính biểu tượng, biểu lộ một ý nghĩa sâu xa hơn. Người truyền thông bằng lời trong việc rao giảng, dạy dỗ, đối thoại, những cuộc chia sẻ nhóm như với các môn đệ của Người và sự tiếp xúc cá nhân như với ông Nicodemo. Lời giảng của Người sử dụng không những các dụ ngôn, phép ẩn dụ, các châm ngôn, chuyện kể và những tham chiếu đến các kinh nghiệm đời sống thường ngày mà còn cả cách diễn đạt giản dị.
  4. Có một số nguyên tắc bên dưới trong sự truyền thông của Đức Giêsu Kitô khiến cho Người truyền thông tương tự như bất cứ sự truyền thông Kitô giáo được thù và được bén rễ thần học sâu xa nào:
  • Lời cầu nguyện và mối tương quan của Đức Giêsu với Cha của Người phải được xem là nền tảng sự truyền thông của Người cho con người. Bất cứ điều gì Người làm và nói đều hướng tới Abba-Cha, Đấng mà Người cầu nguyện trong suốt những đêm và những giờ thinh lặng tại các nơi vắng vẻ.
  • Trong sự truyền thông của Người, Đức Giêsu luôn bắt đầu từ đời sống và kinh nghiệm sống của dân Người. Người được định hướng là người đón nhận-lắng nghe nhưng cùng lúc cũng làm cho sứ vụ của mình bén rễ từ nơi Chúa Cha.
  • Sự truyền thông của Đức Giêsu được ghi trong Thánh Kinh. Người tỏ lộ trong sự truyền thông của Người cách thức mà thông điệp và sứ vụ của Người được chuẩn bị trước trong giao ước cũ của Israel.
  • Đức Giêsu cũng truyền thông qua việc hỏi và trả lời. John Wijngaards đã đếm được 161 câu hỏi chỉ trong Tin Mừng theo thánh Gioan. Chúng không phải là những phương pháp tu từ, nhưng Đức Giêsu vận dụng chúng như “một phương tiện để đem người ta tới sự hiểu biết. Ngay cả những truyền thống nhất lãm súc tích cũng lưu giữ nhiều trường hợp cá biệt mà trong đó Đức Giêsu đối lại một câu hỏi bằng một câu hỏi khác. Những câu hỏi phải được xem là một yếu tố làm đầy đủ giáo huấn của chính Đức Giêsu” (1986, 37tt).
  • Đức Giêsu khiến cho người ta phải suy nghĩ và thách đố họ theo những đường lối truyền thông khác biệt để họ được trở nên trung thực trong cuộc sống họ và trước mặt Thiên Chúa. Họ bị thách đố phải xếp đặt những ưu tiên đúng đắn trong đời sống mình. Người vạch trần những chiếc mặt nạ của các truyền thông nhân loại, khuyến khích và đòi hỏi những quyết định rõ ràng như khi Người mời gọi người thanh niên giàu có làm môn đệ Người (x. Mt 8, 19tt; Lc 14, 26tt; Mc 10, 17). Người khiển trách những người không dám đối diện với thực tế đời sống và ơn gọi của họ (x. Lc 12, 56; Mc 8, 17tt; Mt 23, 13).
  • Đức Giêsu cũng truyền thông theo lối biện chứng chính đề và phản đề đặc biệt rõ ràng trong Bài giảng Trên Núi: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng … Còn Thầy, Thầy bảo thật anh em …” (Mt 5, 43tt). Nước Trời thì tách biệt khỏi ‘Nước’ của thế gian này!
  • Đức Giêsu đưa người ta vào cuộc khủng hoảng và xung đột nhưng nhắm mục tiêu thay đổi và hoán cải họ; cuối cùng thì đó không chỉ là một sự chia sẻ thông tin mà còn là chia sẻ
  • cuộc sống.
  • Trong sự truyền thông của Đức Giêsu, Người nhắc nhở và khuyên bảo người ta về phẩm giá của họ, về bổn phận của họ, về con người được Chúa Cha yêu thương của họ.
  • Đức Giêsu cổ võ và mời gọi hướng tới sự hiệp nhất và nên một với Thiên Chúa và tha nhân. Người phục hồi lại sự truyền thông bị bẻ gãy hay phá vỡ bởi tội lỗi. Nhiều phép lạ chữa lành của Đức Kitô cần phải được nhìn như một sự canh tân và tái lập truyền thông: làm cho sáng mắt, chữa lành bệnh tật, đi trên mặt nước (x. Lc 8, 27; 11, 14; Mc 2, 22tt).
  • Sự truyền thông của Đức Giêsu có một chiều kích cánh chung luận: sự truyền thông của Người đạt tới sự viên mãn của nó chỉ vào ngày tận thế.

Gisbert Greshake (1999, 68) nối kết viễn tượng Nhập Thể với hiểu biết có tính Ba Ngôi về sự truyền thông khi ông viết: “Mục đích của việc Thiên Chúa trở nên Con Người trong Đức Giêsu Kitô không chỉ nhằm dạy dỗ chúng ta để cuối cùng chúng ta nhờ vào Con Thiên Chúa mà biết Thiên Chúa là Đấng nào và Người đòi hỏi điều gì từ chúng ta. Việc Nhập thể cũng không chỉ nhắm mục tiêu cứu chuộc chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Toàn bộ việc này là như vậy, nhưng vẫn còn đó một điều gì đó khác có tính quyết định hơn: đó thực ra là sự truyền thông vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và Con Người, điều không thể sâu sắc hơn. Đấng Tạo Hóa muốn ban tặng chính Người cho chúng ta trong Ngôi Lời và Thánh Thần của Người mà không giữ lại điều gì, để bằng cách này, qua việc chấp nhận mối thân tình được hiến dâng, chúng ta trở nên các con trai và con gái trong Con của Người, và như thế, đạt tới mục tiêu cuối cùng của toàn thể công trình sáng tạo: trở thành một phần của tương quan hỗ tương (sự truyền thông) vĩnh cửu xinh đẹp bên trong đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.”

Một số người đã ngờ vực việc Đức Kitô như là Đấng truyền thông hoàn hảo vì Người đã không thể thuyết phục dân của chính mình hay hoán cải các luật sĩ và người Pharisêu trong thời Người. Thế nhưng, sự truyền thông của Người không thể bị đo lường bởi những nguyên lý và sự thành công nhân loại, nhưng đúng hơn phải được nhìn trong ánh sáng đức tin. Trong viễn tượng này, cái chết và sự phục sinh cũng thuộc về sự truyền thông của Ngôi Lời, Đấng mặc khải những nguyên lý và ưu tiên khác hơn là những nguyên lý và ưu tiên được phát triển bởi con người. Theo lối nhìn của Kitô giáo, không phải bậc vĩ nhân và thủ lãnh của thế gian này nhưng là người nghèo và kẻ bị ức hiếp mới là người được dự phần vào sự truyền thông và nhập thể tình yêu của Thiên Chúa theo một cách thức đặc biệt. Truyền thông Kitô giáo không thể tồn tại mà không có Thánh Thần của Thiên Chúa như là trái tim và trung tâm điểm của toàn bộ việc truyền thông. Thánh Gioan Kim Khẩu, trong một bài giảng về thư thứ nhất của thánh Phaolo gửi tín hữu Corinto, chỉ ra trong chỉ thị này khi ngài viết về các Tông Đồ: “Vậy thì giải thích thế nào về sự kiện rằng những người này, những người mà trong cuộc đời dương thế của Đức Kitô đã không dám đương đầu với những tấn công của người Do Thái, đã dũng cảm tuyên chiến với cả thế giới ngay sau khi Đức Kitô chết – nếu, như bạn tuyên bố, Đức Kitô không trỗi dậy, nói chuyện với họ và khích lệ lòng can đảm của họ? Không chừng họ đã tự bảo nhau rằng: ‘Điều này là gì? Người đã chẳng thể cứu nổi chính mình mà sẽ bảo vệ chúng ta được hay sao? Người đã không thể giúp gì cho chính mình khi Người còn sống, mà bây giờ khi Người đã chết rồi lại có thể đưa tay ra trợ giúp chúng ta được hay sao? Trong suốt cuộc sống Người, Người đã chẳng đưa được dân tộc này đi theo đạo lý của Người, mà nhờ thốt ra danh Người chúng ta lại có thể chiến thắng cả thế giới hay sao?’ Sẽ chẳng hoàn toàn vô lý ngay cả khi nghĩ những tư tưởng như thế sao? Bởi thế, thật hiển nhiên rằng nếu họ đã không nhìn thấy Người đã chỗi dậy và đã chứng tỏ quyền năng của Người, thì họ sẽ không thể nào liều lĩnh đến như thế” (Bài đọc Kinh Sách lễ thánh Bartholomeo, 24 tháng tám).

Khía cạnh Nhập Thể của truyền thông Kitô giáo đòi hỏi việc nhập thể các hoành động cứu độ của Thiên Chúa vào trong cuộc sống hiện đại hằng ngày cũng như vào trong các nền văn hóa khác nhau. Ở đây, sự bối cảnh hóa và hội nhập văn hóa của Tin Mừng là những chiều kích quan trọng. Như Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa Cha, những kẻ bước theo Người cũng được kêu gọi để tiếp tục truyền thông sự cứu độ này qua việc truyền thông bằng lời và không lời. Sự Nhập Thể của Ngôi Lời lại tiếp diễn mỗi ngày trong cuộc sống và trong các nền văn hóa khác nhau của con người. Ở đây, sự truyền thông hội nhập văn hóa của đức tin Kitô giáo phải được coi là một tiến trình truyền thông-nhập thể tiếp diễn (Eilers 2012). Điều này đòi hỏi việc sử dụng có ý thức những lối tiếp cận truyền thông “có tính nhập thể” được ghi khắc trong bản tính và xã hội của con người. Cố gắng nhập thể đức tin qua “Thần học thuật truyện” (x. Concilium 1973, 85; Novone 1976, 1984) còn là một cách thức đã được chính Đức Giêsu Kitô sử dụng…

Chiều kích Giáo Hội/ công bố Tin Mừng [Kerygma]

Việc Ba Ngôi Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong Mặc Khải và Nhập Thể được tiếp tục cho đến tận thế qua Giáo Hội. Giáo Hội là và phải là sự diễn tả và tiếp nối sống động sự truyền thông của Thiên Chúa vào trong bất cứ nền văn hóa và thời đại nào. Qua Giáo Hội, Mặc Khải của Thiên Chúa và sự Nhập Thể của Đức Giêsu Kitô sẽ trải rộng xa hơn nữa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần bên trong koinonia và diakonia của người tín hữu như một kinh nghiệm và chứng tá sống động về sự truyền thông của Thiên Chúa hiện nay. Trong kerygma của mình, Giáo Hội tiếp tục công bố Tin Mừng theo một cách thế đặc biệt. Thượng Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh họp tại Puebla năm 1979 đã gọi Giáo Hội là “người được ủy thác và chuyển trao Tin Mừng” và còn nói xa hơn về Giáo Hội: “Trung thành với quy tắc nhập thể hữu hình, Giáo Hội nối dài trên trái đất sự hiện diện và hoạt động loan báo Tin Mừng của Đức Kitô. Giống như Đức Kitô, Giáo Hội sống để loan báo Tin Mừng. Gia sản thiện hảo và ơn gọi đặc thù của Giáo Hội chính xác là như thế này: công bố con người và sứ điệp của Đức Giêsu cho nhân loại” (224).

Công đồng Vatican II mô tả nghĩa vụ truyền thông của Giáo Hội qua những từ ngữ sau: “Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian duy nhất, đã thiết lập Giáo Hội thánh thiện, một cộng đoàn đức tin, cậy và mến, như một toàn bộ cấu trúc hữu hình trên trần gian mà Người không ngừng bảo vệ. Qua Giáo Hội, Người đổ tràn chân lý và ân sủng cho mọi người… Vì thế, nhờ loại suy xác thực, chúng ta có thể ví Giáo Hội với mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể” (Lumen Gentium 8). Giáo Hội ý thức rằng mình, như là thân thế Chúa Kitô, phải “loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa” (Lc 4, 43) và tiếp bước thánh Phaolo khi tuyên bố rằng: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9, 16). Chính vì điều này, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (EN 1975) tuyên bố cùng với Thượng Hội Đồng về Tân Phúc Âm Hóa từ năm 1974 rằng: “Trên thực tế, việc loan báo Tin Mừng là ân sủng và là ơn gọi đích thực đối với Giáo Hội, là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội tồn tại để loan báo Tin Mừng, tức là, để rao giảng và dạy dỗ, để trở nên kênh dẫn truyền ân sủng, để giao hòa tội nhân với Thiên Chúa, để vĩnh viễn duy trì hy tế của Chúa Kitô trong Thánh Lễ vốn là sự tưởng niệm cái chết và sự Phục Sinh vinh hiển của Người” (14). Trong văn kiện này, Đức Giáo Hoàng Phaolo VI nối kết công cuộc Phúc Âm Hóa với hiện hữu thâm sâu nhất của Giáo Hội: được sinh nhờ hoạt động loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu và các Tông Đồ, Giáo Hội được sai đi để trở nên một dấu chỉ “của sự hiện diện mới mẻ của Đức Giêsu, của hành trình và sự hiện diện vĩnh viễn của Người. Giáo Hội kéo dài và tiếp nối sứ mạnh của Người. Và trên tất cả, chính sứ vụ và cuộc sống của Người như một người loàn báo Tin Mừng là điều mà Giáo Hội được kêu gọi để tiếp nối.” “Đời sống thâm sâu của Giáo Hội chỉ đạt được ý nghĩa trọn vẹn khi trở thành một chứng tá, khi gợi lên niềm kính phục và sự hoán cải, và khi trở nên lời rao giảng và công bố về Tin Mừng” (15).

Những phương thế truyền thông sự hiện diện của Đức Kitô là lời giáo huấn và rao giảng của Giáo Hội, nhưng một cách đặc biệt, sự truyền thông ân sủng Thiên Chúa của Giáo Hội biểu lộ nơi việc giao hòa tội nhân với Thiên Chúa và cử hành lễ tưởng nhớ cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu (x. EN số 14). Tuy nhiên, qua lời giáo huấn và rao giảng này, Giáo Hội không thể thờ ơ với những tiềm năng truyền thông của thời đại chúng ta và Giáo Hội “sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Thiên Chúa nếu không tận dụng những phương tiện mạnh mẽ này” của truyền thông xã hội và đại chúng, điều mà kỹ năng của con người đang làm cho mỗi ngày một hoàn hảo hơn. Giáo Hội phải sử dụng những phương tiện này “cho lời công bố nguyên thủy về Tin Mừng, cho việc dạy giáo lý và xa hơn cho việc đào sâu đức tin” (EN số 45). Tuy vậy, cần phải lưu ý rằng vì nhiệm vụ và bổn phận này, Evangelii Nuntiandi không chỉ nhìn nhận các phương tiện truyền thông đại chúng như là những phương tiện truyền thông hiện đại, mà còn tất cả những kênh dẫn truyền và tiềm năng truyền thông khác trong xã hội con người, bắt đầu từ chứng từ về cuộc sống, một giáo huấn sống động, phụng vụ và việc dạy giáo lý cho tới sự gặp gỡ cá vị, vai trò của các bí tích và lòng sùng kính bình dân (40 – 48).

Trong cuốn Phương pháp thần học của mình, Bernard Lonergan nói đến sự truyền thông như một mối quan tâm chính yếu của Giáo Hội trong việc công bố đức tin của mình. Sau khi mô tả bảy chuyên ngành chức năng là: nghiên cứu, giải thích, lịch sử, biện chứng, căn bản, tín điều và hệ thống thì “sau cùng mối quan tâm hiện tại của chúng ta diễn ra với chuyên ngành chức năng thứ tám, truyền thông. Đó là một mối quan tâm trọng yếu, vì chính tại giai đoạn cuối cùng này, suy tư thần học trổ sinh hoa trái. Không có bảy giai đoạn trước thì sẽ không có kết quả được sinh ra. Nhưng nếu không có giai đoạn cuối cùng thì bảy giai đoạn trước là không có kết quả, vì chúng thiếu hoàn thiện” (1973, 355).

Điều cốt yếu đối với Giáo Hội là phải công bố và truyền thông Đức Kitô bằng lời và việc làm. Toàn bộ hiện hữu và diện mạo của Giáo Hội là thành phần của bổn phận rao giảng Tin Mừng này rồi. Giống như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói với một số Giám Mục Ấn Độ ngày 16 tháng 5 năm 1995: “Không bao giờ có thể nhấn mạnh cho đủ rằng sứ vụ của Giáo Hội thật là siêu việt và hệ tại, trước hết và trên hết, ở việc để cho con người được sẻ chia mầu nhiệm của sự thông ban của Thiên Chúa qua ân sủng.”

Bất cứ sự công bố nào về Đức Kitô sống động hiện nay đều đặt căn bản trên kinh nghiệm đức tin cá nhân cũng như cộng đồng của Giáo Hội và của các thành viên Giáo Hội. Một lần nữa, kinh nghiệm này không đơn thuần là việc chuyển trao thông tin giống như một mặt hàng, nhưng là kinh nghiệm truyền thông đối thoại của từng người và của Giáo Hội như là một cộng đoàn sống động. Theo nghĩa này, công bố Tin Mừng là sẻ chia ý nghĩa và kinh nghiệm về hoạt động cứu độ của Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi một linh đạo truyền thông của cá nhân cũng như Giáo Hội nói chung. Trong một trong những tác phẩm đầu tiên của mình, Henri Nouwen đã mô tả những hệ quả của một tinh thần như thế đối với người rao giảng Tin Mừng bằng những diễn tả của đối thoại và sự sẵn lòng. Với đối thoại, ngài muốn nói đến “một cách thế tương quan với những người nam và người nữ để họ có khả năng đáp trả lại điều đã được nói bằng kinh nghiệm cuộc sống của chính họ. Theo cách này, đối thoại không phải là một kỹ thuật mà là một thái độ của người rao giảng, kẻ sẵn lòng bước vào một tương quan mà trong đó những người tham dự có thể thực sự tác động lên nhau” (1971, 34tt). “Xét cho cùng, đối thoại chỉ có thể trở thành hiện thực thông qua một sự sẵn lòng về phía người rao giảng để trở nên sẵn sàng đối với thính giả trong một ý nghĩa rất căn bản… Một người rao giảng không bằng lòng làm cho sự hiểu biết của mình về niềm tin cũng như sự ngờ vực, sự băn khoăn và niềm hy vọng, nỗi sợ hãi và niềm vui của chính mình trở nên có giá trị như một nguồn mạch nhận thức đối với người khác thì không bao giờ có thể hy vọng xóa bỏ được những chướng ngại ngăn chặn Lời Thiên Chúa sinh hoa trái” (1971, 37).

Điều Henri Nouwen nói về việc chăm sóc mục vụ cũng có thể có giá trị cho việc truyền thông đức tin nói chung: việc truyền thông đức tin này không “lo lắng chạy quanh nỗ lực cứu chuộc con người,” nhưng xét cho cùng đó có nghĩa là “trao ban kinh nghiệm sống của chính mình đến cho người đồng loại của mình và như Paul Simon hát: hy sinh chính mình như một cái cầu bắc qua những dòng nước đục” (1971, 38).

Thánh Gioan Thánh Giá đã sử dụng từ “truyền thông” vào thế kỷ 16 để nói về sự đối thoại của linh hồn con người với Thiên Chúa theo cái cách mà một sự hiệp thông và truyền thông huyền nhiệm diễn ra (x. Tillmans 1986). Nhưng vượt xa hơn những lối tiếp cận mang tính cá nhân như thế, Giáo Hội cần phải được nhìn như sự hiện thực hóa và chia sẻ quyền năng cứu chuộc của Thiên Chúa cho con người hôm nay, tức là, như một sacramentum mundi, một bí tích của thời đại chúng ta mà Giáo Hội không thể trở thành nếu không truyền thông trong và với mọi hình thức, cách thức và phương tiện mà Giáo Hội có thể tùy nghi sử dụng. Theo nghĩa này, Giáo Hội học hiện đại cần phải xem Giáo Hội như là sự hiệp thông và truyền thông.

Avery Dulles (1988) phát triển một phân tích các bản văn của Công đồng Vatican II và đưa ra năm mô hình Giáo Hội truyền thông khác nhau, chúng được đặt trên nền tảng nghiên cứu tổng quát hơn trước đây của ông về “Các mô hình Giáo Hội.”

  1. Mô hình thể chế hay phẩm trật “đúng hơn đề cập đến, theo nghĩa hẹp, quyền bính chính thức và tính bắt buộc của giáo huấn chính thức. Nó có khuynh hướng nhìn sự truyền thông, theo nghĩa thần học, như một tiến trình đi xuống khởi đầu từ Thiên Chúa, qua Đức Giáo Hoàng và hàng Giám Mục đến các thành phần khác của Giáo Hội…” (112). Mô hình hình này liên hệ tới “các tương quan bên trong Giáo Hội giữa những người quản lý Lời Chúa và những người mà họ chăm sóc mục vụ…” Nó “tạo nên một sự phân biệt sác nét giữa phẩm trật thầy dạy có thẩm quyền (ecclesia docens) và phần còn lại trong số các tín hữu như là những người thụ huấn (ecclesia discens)”. “Nội dung của mô hình này là giáo huấn có thẩm quyền của Giáo Hội” (114 tt). Những diễn tả của mô hình này, bên cạnh những diễn tả khác, là các văn kiện chính thức, các thư mục vụ và các thông cáo. Nó phần lớn tham chiếu đến những trình bày trong các văn bản được in ấn.
  2. Mô hình có tính sứ giả hay loan báo Tin Mừng có liên hệ tới thần học kinh thánh Tin Lành và thần học của Karl Barth về Ngôi Lời, nhưng nó tìm được những diễn tả của mình đặc biệt trong tài liệu của Công đồng Vatican II về Mặc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum và nhiều phần khác của Sắc lệnh về Hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes: theo lệnh truyền của Đức Giêsu, Giáo Hội không ngừng tiếp tục sai các sứ giả công bố Tin Mừng…” (114). Ở đây, thừa tác vụ truyền thông của Giáo Hội được nhìn trong tương quan với những người ở bên ngoài, trong khi đó mô hình thứ nhất liên hệ nhiều hơn tới sự truyền thông nội tại bên trong Giáo Hội. Vì Giáo Hội, bởi chính bản chất của mình, là truyền giáo (AG 2), tất cả các tín hữu đã được rửa tội đều là những người mang sứ điệp Tin Mừng. Mô hình này dựa nhiều hơn vào những chiều kích văn hóa truyền miệng và lời đáp trả được mong đợi là sự hoán cải của những người nghe. Trong mô hình phẩm trật, lời đáp trả là “một sự tùng phục của lý trí trước quyền bính đòi hỏi phải được tôn trọng; lời đáp trả cho lời rao giảng loan báo Tin Mừng lại là một sự tham dự có tính hiện sinh của toàn thể con người vào tin vui cứu độ” (116).
  3. Mô hình bí tích cho thấy rằng “sự truyền thông tôn giáo diễn ra không chỉ nhờ những ngôn từ mà đồng thời còn nhờ những con người và sự kiện (DV 2). Chính Đức Kitô được xem như biểu tượng mặc khải cuối cùng, hình ảnh sống động làm cho Thiên Chúa trở nên hữu hình cách nào đó. Đức Kitô truyền thông không chỉ qua điều Người nói mà thậm chí còn nhiều hơn qua điều Người là và làm.” Ở đây, Giáo Hội được mô tả như một dấu chỉ hữu hiệu hay bí tích mà qua đó Đức Kitô được trở nên hiện diện và hoạt động. Tại đây, chiều kích truyền thông của phụng vụ được xem xét và “mô hình bí tích của truyền thông” chính là nơi mà “các dấu chỉ thánh thiêng tạo nên hiệu quả cứu độ của chúng, nhờ quyền năng của Đức Kitô” (117).
  4. Mô hình hiệp thông hay cộng đoàn của Giáo Hội truyền thông là koinonia, “việc thông phần sự sống, đức ái và chân lý được làm cho sống động bởi Thánh Thần” (LG 9). Một diễn tả của lối tiếp cận này nằm trong chương thứ hai của Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium (LG 9 – 17) dưới tiêu đề “Dân Thiên Chúa.” Mô hình hiệp thông này “ủng hộ chứng tá và sự đối thoại chung” cùng với các Kitô hữu khác. Nó hẳn là phải được mở rộng ngay cả ra bên ngoài Kitô giáo (Xx. LG 16; Nostra Aetate), điều này đưa tới mô hình thứ năm.
  5. Mô hình đối thoại-trần thế chủ yếu dựa vào Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes của Công đồng Vatican II. Ở đây, thế giới không-Kitô giáo không không được nhìn cách đơn giản như “chất liệu thô để cho Giáo Hội làm biến đổi thành mục đích của chính nó, cũng không chỉ đơn thuần như là một đối tượng của lòng nhiệt thành truyền giáo, nhưng như là một địa hạt trong đó ý định sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa hoạt động một cách nhiệm mầu” (118). Tại đây, sự đối thoại của Giáo Hội với các nền văn hóa và thế giới các tôn giáo tìm thấy không gian của nó; cũng vậy đối với sự đối thoại với một thế giới truyền thông đang lớn mạnh mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II ghi trong Thông diệp về Sứ vụ Redemptoris Missio (1990) như là “Công Hội Viện (Areopagus) đầu tiên của thời hiện đại” (37). Trong mô hình này, Giáo Hội cần phải giải thích được các dấu chỉ của thời đại (x. GS 11, 14) và điều này được coi là một thách đố đặc biệt đối với người giáo dân (x. GS 43, 62; cũng như trong Tông huấn Christifideles Laici 1988). Theo Dulles, “thần học đối thoại-trần thế này…có những tác động trở lại trên sự đối thoại diễn ra bên trong Giáo Hội” (120), nhưng nó cũng quan niệm rằng mặc khải “không bắt đầu với Thánh Kinh và Thánh truyền, hay thậm chí với Đức Giêsu Kitô, nhưng với Ngôi Lời, Đấng mà trong Người mọi sự đã được tạo thành. Ân sủng được cho là hoạt động trong toàn thể lịch sử nhân loại. Giáo Hội, dù có đặc ân nhận biết được sự tự biểu lộ cao cả nhất của Thiên Chúa trong Chúa Con nhập thể, có thể không ngừng đào sâu sự hiểu biết của mình về Thiên Chúa nhờ đối thoại với các truyền thống tôn giáo khác và nhờ việc giải thích các dấu chỉ của thời đại” (121). Hướng dẫn Mục vụ về các phương tiện truyền thông xã hội Communio et Progressio (1971) giải thích rõ ràng về những hàm ý của mô hình này trong việc xem thế giới hiện nay như là “một hội nghị bàn tròn rộng lớn,” nơi mà “một sự hiệp thông toàn thế giới đang được hình thành nhờ một sự trao đổi thông tin và hợp tác” (19, 73; x. 97, 98).

Vai trò công bố/loan báo Tin Mừng của Giáo Hội được kinh nghiệm một cách đặc biệt trong các lĩnh vực thần học như giảng thuyết, tông đồ thánh kinh, giáo lý, phụng vụ và linh đạo; những lĩnh vực này vốn là thành phần của “truyền thông mục vụ” vì chúng quan tâm tới những biểu thức cụ thể của mặc khải và đức tin dành cho một cộng đoàn Kitô hữu nhất định.

Vì vậy, có nhu cầu cần phải đề xuất những nghiên cứu và sự ý thức trong lĩnh vực truyền thông mục vụ mới xuất hiện; những nghiên cứu này suy tư về chiều kích truyền thông của Giáo Hội trong đời sống cũng như hoạt động mục vụ và loan báo Tin Mừng của mình. Truyền thông mục vụ đặt nền tảng trên một hiểu biết mang tính thần học và thiêng liêng vững chắc về một Thiên Chúa truyền thông đang sống trong và cùng với cộng đoàn đức tin được gọi là Giáo Hội. Giáo Hội được sai đi vào trong thế giới và đến với con người thuộc bất cứ thời đại, không gian và chủng tộc nào.

THƯ MỤC

Baragli, Enrico:

1974                    Dieci Anni Decreto sui Mass. In: Lo Spettacolo, Roma XXIV, Aprile-Guingno. Pp. 3-72 (includes English and France translations)

Braga, Giorgio:

1974                    La Communicazione Soziale. 2nd Edition. Torino

Dulles, Avery:

1972                    The Church is Communication. Rome (Multimedia)

1988                    The Church and Communications: Vatican II and beyond. In: The Reshaping Catholicism. Current Challenges in the Theology of the Church. San Francisco (Harper and Row)

Eilers, Franz-Josef:

2009a                  Communicating in Community. 4th Edition. Manila (Logos)

2009b                  Communicating in Ministry and Mission. 3rd Edition. Manila (Logos)

2012                    Social Communication and Theology – Communication Theology. In: Asian Horizons. Bangalore. Vol 6, 794-812

2014a                   Communicating Church: Social Communication Documents 1936 – 2014. 2nd Edition. Manila (Logos)

2014b                  Church and Social Communication Documents 1936 – 2014. 4th Edition. Manila (Logos)

Greshake, Gisbert:

2002                    Der Ursprung dẻ Kommunikationsidee. In: Communicatio Socialis. Mainz. Vol 34. Pp. 5 – 26

Hearing, Bernhard:

1979                    Free and faithful in Christ. Moral Theology for Pries ts and Laity, Vol. II: The Truth Will Set You Free. London (St, Pauls)

Kiefer, Klaus (Ed.):

2007                    Social Communication. New York (Psychology Press)

Kirchbaum, Engelbert (Ed.):

1994 (1970)          Lexikon der Christlichen Ikonographie. Band II. Rom/Freiburg (Herder)

Lonergan, Bernard:

1971                    Method in Theology. New York (Herder)

Martini, Carlo Maria:

1990                    Effata ‘Apriti’. Lettera per il Programma Pastorale ‘Comminicare’. Milano (Centro Ambrosiano). English: Communication Christ to the World. Philippine Edition: Manila (Claretians 1996)

Nouwen, Henri:

1971                    Creative Ministry. New York

O’Collins, Gerard:

1981                    Fundamental Theology. London (Darton)

Rahner, Karl:

1978                    Foundations of Christian Faith. An Introduction to the Idea Christianity. New York (Herder)

Standage, Tom:

2013                    Writing in the Wall, Social Media. The firsr 2000 years. New York (Bloomsbury)

Tillmans, W. G:

1986                   Theologie und Kommunikation. In: Communicatio Socialis. Mainz. Vol. 19, pp 347 – 357

 

THẦN HỌC TRUYỀN THÔNG

Anh Vu Ta

1. Sự phát triển một khái niệm thần học

1.1 Truyền thông xã hội là một khái niệm của Vatican II

Noi về truyền thông ngày nay, dường như ngay tức khắc các phương tiện truyền thông đại chúng hay truyền thông hiện đại liền xuất hiện trong tâm trí nhiều người. Nhưng theo cái nhìn của người Công giáo, các phương tiện truyền thông hiện đại chỉ là một phần của “truyền thông xã hội,” một hạn từ được Giáo Hội giới thiệu và sử dụng kể từ Công đồng Vatican II. Trong khi chuẩn bị bản phác thảo cho Sắc lệnh về Truyền thông xã hội Inter Mirifica của Công đồng Vatican II, các thành viên của Ủy ban chuẩn bị đã đề xuất thuật ngữ này. Các ngài đã nói trong tuyên ngôn rằng các thuật ngữ như “các phương tiện truyền thông đại chúng,” “các phương tiện khuyếch đại,” “các phương tiện nghe-nhìn” hay bất cứ điều gì khác tương tự như thế đều sẽ không diễn tả đầy đủ điều mà Giáo Hội đề cập tới. Vì vậy, các ngài muốn dùng thuật ngữ mới truyền thông xã hội hơn; điều này đã được các Nghị phụ Công đồng chấp nhận và phổ biến. Hạn từ “truyền thông xã hội” nói đến sự truyền thông CỦA và TRONG xã hội con người, và như thế bao hàm mọi cách thức và phương tiện truyền thông bên trong xã hội con người.[1] Với cách hiểu này, truyền thông xã hội biểu thị bất cứ sự tương tác có tính truyền thông nào giữa con người cũng như tính chất công cụ của tương tác ấy, ý nghĩa của các phương tiện và cách thức của tiến trình truyền thông trong xã hội con người. Dựa theo Giorgio Barga, Eilers chỉ ra “rằng truyền thông xã hội là thành phần của một nghiên cứu về các tiến trình truyền thông trong xã hội.”[2] Từ cách nhìn này, truyền thông xã hội có liên hệ với sự tương tác con người mà thông qua đó con người thể hiện chính mình cũng như sẻ chia ý nghĩa trong bối cảnh xã hội và văn hóa của họ. Theo Eilers, khái niệm “truyền thông xã hội” của Vatican II cũng hàm chứa một chiều kích thần học.[3] Người ta có thể khám phá ra chiều kích thần học của thuật ngữ truyền thông xã hội trong những văn kiện khác của Vatican II như Lumen Gentium, Dei Verbum, Gaudium et Spes và Ad Gentes. Thực ra, những văn kiện này không nói một cách cụ thể về truyền thông xã hội, nhưng khi chúng trình bày chi tiết mầu nhiệm sự sống thần linh của Thiên Chúa của Kitô giáo, mặc khải của Người trong lịch sử nhân loại, đời sống và sứ vụ của Giáo Hội trong thế giới, nội dung của chúng nói đến các chiều kích truyền thông vốn có trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, trong lịch sử cứu độ của Người với con người, và cuối cùng trong Giáo Hội như là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi ở giữa mọi người. Nền tảng quan trọng nhất của truyền thông trong quan điểm Kitô giáo là sự tự-truyền thông của Thiên Chúa như được diễn tả trong Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa Dei Verbum. José M. de Mesa khẳng định rằng “văn kiện đề nghị những cách nhìn quan trọng đối với truyền thông nói chung, nhưng đối với truyền thông Kitô giáo thì lại không; nó đưa ra lối nhìn phê bình bằng cách cung cấp một viễn tượng về truyền thông. Viễn tượng này quan trọng trong việc cung cấp một hướng dẫn hay một định hướng, không phải dưới hình thức đưa ra những chi tiết cụ thể về cách thức hiểu biết. Và cái hữu ích nơi một viễn tượng là nó hoạt động như một chiếc la bàn; nó cho phép bạn tìm lại được dấu vết khi bạn mất phương hướng và giúp bạn trở lại đúng hướng đi một lần nữa.”[4] Chiều kích cốt yếu của sự truyền thông của Thiên Chúa được diễn tả một cách súc tích trong Dei Verbum qua phát biểu sau đây: “Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho biết mầu nhiệm của ý muốn Người; nhờ mầu nhiệm đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa …”[5] Sự thông ban chính mình của Người tự hiện thực hóa trong lịch sử cụ thể của Dân Tuyển Chọn Israel và tìm thấy kiểu mẫu cao nhất của nó nơi Ngôi Lời Nhập Thể, Đức Giêsu Kitô, “điều vượt quá sự hiểu biết của lý trí nhân loại.”[6] Được qui tụ bởi Đức Giêsu Kitô Kitô và sống động trong sự hiệp thông với Người, Giáo Hội trở thành “một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”[7] Điều này biểu lộ một chiều kích truyền thông ở bên trong đời sống Giáo Hội. Ở đây, truyền thông được coi như một tiến trình, xảy ra giữa “Dân Thiên Chúa” và vì vậy, cũng ở giữa cộng đoàn tín hữu;[8] hơn nữa, sự truyền thông của Giáo Hội không bị giới hạn trong đời sống bên trong cộng đoàn Giáo Hội. Giáo Hội xem chính mình là “nhà truyền giáo do chính bản chất của mình.” Điều này có nghĩa là Giáo Hội “được Đức Kitô sai đi để biểu lộ và truyền thông tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi người và mọi dân tộc.”[9] Xa hơn nữa, trong bối cảnh mới của thế giới chúng ta, Công đồng Vatican II kêu gọi suy tư về vai trò của các phương tiện truyền thông hiện đại khác nhau trong đời sống con người,[10] và vai trò của truyền thông xã hội trong việc làm phong phú nền văn hóa.[11] Theo de Mesa, với Công đồng Vatican II, Giáo Hội đã đặt một nền tảng thần học mới góp phần vào suy tư thần học theo viễn tượng truyền thông. Hiển nhiên, điều này có một ảnh hưởng trên Sắc lệnh Inter Mirifica và Hướng dẫn mục vụ Comminio et Progressio.

Trong ánh sáng của Công đồng Vatican II, khái niệm truyền thông xã hội đem đến một cơ sở cho suy tư thần học liên quan đến truyền thông. Hướng dẫn mục vụ Communio et Progressio (1971), như được văn kiện Công đồng Inter Mirifica đòi hỏi, phải suy tư nhiều hơn nữa về chiều kích truyền thông xã hội và chỉ ra một số đặc tính. Trong phần đầu, Hướng dẫn này tuyên bố: “Sự hiệp nhất và thăng tiến của những con người sống trong xã hội là các mục tiêu trọng yếu của truyền thông xã hội và của tất cả các phương tiện mà nó sử dụng.”[12] Sau đó, bản văn khẳng định bên cạnh các bản văn khác rằng, “các phương tiện truyền thông, mặc dù hướng tới các cá nhân, cũng vươn tới và ảnh hưởng lên toàn thể xã hội.” Chúng “là không thể thiếu đối với sự hoạt động nhịp nhàng của xã hội hiện đại…” và “có mục đích cao cả là đưa con người vào trong sự tiếp xúc gần gũi hơn với nhau…” Theo Hướng dẫn này, một Kitô hữu hiểu biết về truyền thông thì phải bám rễ trong những nguyên lý căn bản này.[13] Mục đích của truyền thông xã hội nhằm “nhân lên những tiếp xúc bên trong xã hội và đào sâu ý thức xã hội. Kết quả là, cá nhân được nối kết một cách thân thiết hơn với bạn hữu mình và có thể giữ vai trò của mình trong việc mở ra lịch sử như thể được hướng dẫn bởi bàn tay Thiên Chúa.”[14] Giáo Hội nhấn mạnh tới nền tảng thần học của truyền thông với hai khía cạnh quan trọng: (1) mọi truyền thông đều có nguồn mạch nơi sự truyền thông thần linh nội tại bên trong đời sống Ba Ngôi của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần và nơi sự truyền thông của Thiên Chúa hướng tới con người,[15] và (2) Đức Kitô là Đấng truyền thông hoàn hảo (trong bản dịch tiếng Đức: Vị Thầy của Truyền thông), Đấng mà, trong bản tính Thần-Nhân của mình, hiệp nhất Thiên Chúa với con người cũng như giữa con người với nhau. Cao điểm của sự truyền thông của Đức Kitô là Người trao ban chính mình cho con người trong tình yêu. Đường lối truyền thông này là kểu mẫu cho bất cứ truyền thông Kitô giáo nào và cần phải phục vụ như là mô hình cho truyền thông trong xã hội.[16] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, một cách ấn tượng và chính xác, đã gọi hiện tượng truyền thông xã hội là “Areopagus thời hiện đại,” và đã mô tả trạng thái này như sau: “Các phương tiện truyền thông xã hội đã trở nên quan trọng tới nỗi đối với nhiều người chúng là những phương tiện quan trọng bậc nhất của việc thông tin và giáo dục, của việc đào tạo và truyền cảm hứng trong lối cư xử của họ với tư cách là các cá nhân, các gia đình và bên trong xã hội nói chung. Đặc biệt, giới trẻ đang trưởng thành trong một thế giới bị điều kiện hóa bởi truyền thông đại chúng.” Theo ngài, toàn bộ điều này đã tạo nên một “nền văn hóa mới.” Vì vậy, theo quan điểm của ngài, “quả là không đủ nếu sử dụng các phương tiện truyền thông đơn giản chỉ để loan truyền sứ điệp Kitô giáo và những giáo huấn chân chính của Giáo Hội. Cũng vậy, thật là cần thiết phải hội nhập sứ điệp ấy vào trong ‘nền văn hóa mới’ nữa.” Đây là một thách đố lớn cho Giáo Hội “vì ‘nền văn hóa mới’ bắt nguồn không phải chỉ nơi bất cứ nội dung nào được thực sự diễn đạt, mà còn từ chính sự kiện rằng ở đó tồn tại những phương thức truyền thông mới, với những ngôn ngữ mới, những công nghệ mới và một tâm lý học mới.”[17] Cũng Đức Giáo Hoàng đã đặt tên lại cho Internet là “một Diễn Đàn mới để Công bố Tin Mừng.” Ngài đã so sánh Internet với Forum Romanum “nơi mà chính trị và thương mại đã được tiến hành, nơi mà các nghĩa vụ tôn giáo đã được hoàn thành, nơi mà phần lớn đời sống xã hội của thành phố đã diễn ra, và nơi mà cái tốt đẹp nhất lẫn cái xấu xa nhất của bản tính con người đã được phô bày. Đó là một không gian đô thị đông đúc và bận rộn, vừa phản chiếu nền văn hóa xung quanh vừa tạo nên một nền văn hóa của chính nó.”[18] Ngày nay, hiện tượng này mang một chiều kích toàn cầu. Truyền thông xã hội cần phải được suy tư dưới viễn tượng này. Do điều này, dường như thật cần thiết phải nhìn truyền thông một cách đặc biệt trong nhãn quan thần học, bởi vì thần học cố gắng đem lại ý nghĩa cho đời sống con người trong các hoàn cảnh xã hội, văn hóa, chính trị, cá nhân, và tôn giáo của nó, và bởi vì tất cả những khía cạnh này của đời sống con người diễn ra trong các tiến trình mang tính truyền thông. Một suy tư thần học như thế tiên vàn sẽ không quan tâm tới tầm quan trọng của các công cụ truyền thông và tính hữu dụng của chúng bên trong xã hội con người hiện đại, và tới những thách đố hay các vấn đề của chúng. Về cơ bản, nó nhìn yếu tính của truyền thông được đặt cơ sở trên đức tin Kitô giáo. Suy tư thần học này sẽ trình bày chi tiết ý nghĩa thần học của truyền thông và kết luận của nó liên quan đến sự truyền thông của con người. Bằng cách này, nó có thể đưa ra một cơ sở vững chắc cho truyền thông. Một thần học như thế sẽ được gọi là “thần học truyền thông.”

1.2 Sự phát triển hướng tới thần học truyền thông

Trước hết và trên hết, khái niệm chìa khóa được sử dụng trong suy tư thần học truyền thông là khái niệm về sự tự thông ban chính mình của Thiên Chúa. Karl Rahner, một thần học gia người Đức, được xem như người góp phần quan trọng trong việc phác họa khái niệm về sự tự thông ban chính mình của Thiên Chúa trong giáo huấn về ân sủng và sự công chính hóa con người. Theo ngài, sự thành toàn của con người được đặt nền tảng trên việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình. Hình như các thần học gia khác như Fredrich David Ernst Schleiermacher (1768 – 1834), Herman Schell (1850 – 1906) và Romano Guardini (1885 – 1968) đã dùng thuật ngữ này trước Rahner.[19] Tuy nhiên, với thuật ngữ này, Rahner cho thấy rằng Thiên Chúa thông truyền chính mình cho con người như Người là. Chừng nào vẫn còn sống trong thế giới này, con người không bao giờ có thể thấu hiểu Thiên Chúa một cách hoàn toàn bởi tính hữu hạn nhân loại của mình, nhưng khi Thiên Chúa mặc khải chính mình cho con người thì Người thông ban chính mình cách trọn vẹn.[20] Trong việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình, Đấng trao ban tự thông ban chính mình cũng chính là tặng phẩm được trao tặng. Ở đây, Đấng trao ban (Thiên Chúa) và ân sủng thần linh (sự tự thông ban chính mình) cùng là một.[21] Như là tình yêu, Thiên Chúa trao ban chính mình, và bởi vậy, trong “tính nhân-quả hữu hiệu”, như là Đấng Tạo Hóa, Người đưa con người vào hiện hữu mà sự tự thông ban chính mình của Người, với tính cách là ân sủng ,được trao ban cho con người.[22] Tất cả những điều này cho thấy rằng việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình cấu thành yếu tính của các thụ tạo, của thế giới và nhất là của con người. Vì thế, Rahner đã nói, “con người là biến cố của một sự tự thông ban chính mình cách tự do, nhưng không, khoan dung, và tuyệt đối của Thiên Chúa.”[23] Theo sau Rahner, Herbert Vorgrimmler, trợ giảng sinh viên cũ của Rahner, khẳng định rằng việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình là “sự hiện thực hóa cao nhất có thể quan niệm được của tình yêu Thiên Chúa và trên thực tế là nền tảng cho niềm hy vọng về sự thành toàn của tạo thành và các thụ tạo.”[24] Thuật ngữ của Rahner về sự tự thông ban chính mình của Thiên Chúa đóng một vai trò thích đáng đối với khái niệm về thần học truyền thông, mặc dù ngài chưa từng nghĩ về một nền thần học như thế khi ngài phát triển khái niệm này.

Một số đáng kể thần học gia bám chặt vào cách hiểu này và đã thử phác họa chiều kích truyền thông trong những suy tư thần học của mình.

Theo Peter Henrici, “thần học truyền thông không thể là một thần học thuộc cách có tính vùng miền; về căn bản, nó sẽ trở nên nguyên lý mang tính cấu trúc bên trong của một khái niệm thần học toàn thể.”[25] Ông xem khái niệm thần học này tương tự như một theologia crucis hay theologia gloriae [thần học thập giá hay thần học vinh thăng]Henrici đưa ra đường mức của một thần học truyền thông đặt cơ sở trên sự tự thông ban chính mình của Thiên Chúa. Ông xem truyền thông như là yếu tính tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Hệ quả là, sự mặc khải và cứu độ của Thiên Chúa được hiểu như một tiến trình truyền thông. Theo cách nhìn này, ông yêu cầu thừa tác vụ mục vụ làm sao để tiến trình truyền thông này cần được nhận thấy và hiện thực hóa một cách cụ thể trong thời hiện đại. Henrici chỉ rõ chức năng xã hội cơ bản của một năng lực truyền thông nhân loại trong cơ cấu con người và xã hội. Ngoài ra, ông cũng đưa ra một suy tư ngắn về những ý tưởng triết học về truyền thông của con người.[26]

Gisbert Greshake xác nhận rằng “truyền thông, từ nguồn gốc của nó, dứt khoát là một ý tưởng thần học đặt nền tảng trong mặc khải Kitô giáo, và nhắm vào trung tâm của nhận thức Kitô giáo về Thiên Chúa và về thế giới.” [27] Ông khẳng định rằng nguồn gốc của truyền thông Kitô giáo nằm ở biến cố Giêsu Kitô: “Trong con người Đức Giêsu thành Nazareth và trong quyền năng Thánh Thần của Người, Thiên Chúa đến trong thế giới và chia sẻ cho thế giới không chỉ một điều gì đó, mà còn cả chính Người đúng theo nghĩa đen.”[28] Con người bắt gặp nơi Đức Giêsu không phải một nhân vật trung gian giống như một ngôn sứ là người chỉ ra một số điều linh thánh phản chiếu một chút gì đó về Thiên Chúa. Trong con người Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa, đúng hơn, thông ban chính mình cho con người. Đức Giêsu Kitô chính là sự Tự Thông Ban của Thiên Chúa. Bất cứ ai chạm đến lời của Người, đời sống của Người, cái chết và sự phục sinh của Người, họ sẽ được đưa vào trong tương quan với Thiên Chúa. Theo Greshake, một khái niệm thần học Kitô giáo về truyền thông có cội rễ nơi những thực tại thuộc Tam Vị học và Kitô học.[29]

Trong Phương pháp thần học, Bernard Lonergan đếm được tám giai đoạn mà thần học trải qua: (1) khoa thần học nghiên cứu thu thập các dữ liệu liên quan bị loại bỏ, (2) khoa thần học giải thích xác định ý nghĩa của các dữ liệu, (3) khoa thần học lịch sử tìm kiếm những ý nghĩa hiện lộ nơi các hành vi và hoạt động, (4) khoa thần học biện chứng kiểm duyệt những kết luận mâu thuẫn của các sử gia, nhà chú giải và nghiên cứu, (5) khoa thần học căn bản khách quan hóa phạm vi hiểu biết chịu ảnh hưởng bởi sự chuyển biến về mặt tri thức, luân lý và tôn giáo, (6) khoa giáo lý sử dụng các nền tảng như một hướng dẫn trong việc chọn lựa những dữ liệu có giá trị, (7) khoa thần học hệ thống tìm cách làm sáng tỏ tối đa ý nghĩa của các giáo huấn, và (8) khoa truyền thông.[30] Lonergan nhấn mạnh đến giai đoạn cuối cùng vì giai đoạn này hết sức quan trọng đối với suy tư thần học nhằm đem lại hoa trái. Vì vậy, làm thần học chính là sống sự truyền thông. Theo ông, “thần học thực hành liên hệ tới việc truyền thông cách hiệu quả sứ điệp của Đức Kitô.”[31] Sự truyền thông này cần phải có tính nhận thức, cơ cấu và hữu hiệu. Theo Lonergan, một mặt, Giáo Hội phải nhận biết và phải sống điều mà mình truyền thông; mặt khác, Giáo Hội là một cộng đoàn được thiết lập qua truyền thông và đồng thời cũng một cộng đoàn hoàn thiện chính mình nhờ truyền thông. Vì vậy, Giáo Hội Kitô là một tiến trình của sự tự-cấu thành và tự-truyền thông.[32] Xa hơn nữa, thần học của Giáo Hội cần phải truyền thông và hợp nhất với tất cả các ngành nghiên cứu có liên quan khác của con người để Giáo Hội sẽ trở nên một “tiến trình hoàn toàn có ý thức về sự tự-cấu thành.”[33] Như thế, về mặt hữu thể học, thần học là một sự truyền thông nối dài.

Avery Dulles đi theo một lối khác khi ông suy tư về truyền thông dưới viễn tượng Giáo hội học. Ông khẳng định rằng “Giáo Hội  truyền thông.”[34] Dulles xem Giáo Hội như “một mạng lưới truyền thông rộng lớn được thiết kế để đưa con người ra khỏi sự cô lập và bất hòa của họ, và để đem họ, một cách cá nhân và tập thể, vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa trong Đức Kitô.”[35] Nghiên cứu các văn kiện Công đồng Vatican II của Giáo Hội, ông phác họa năm mô hình truyền thông của “mạng lưới” này: 1. Mô hình phẩm trật; 2. Mô hình sứ giả; 3. Mô hình bí tích; 4. Mô hình cộng đoàn hay hiệp thông được nhìn như sự thông phần sự sống, đức ái, và chân lý, 5. Mô hình đối thoại-trần thế, Giáo Hội như là sự truyền thông hướng đến toàn thể gia đình nhân loại. Những mô hình này được nhìn theo quan điểm về truyền thông của Giáo Hội mang tính cấu trúc và mục vụ hơn là hữu thể học. Theo Dulles, thần học nhắm biểu lộ và truyền thông kinh nghiệm về ân sủng mà qua đó nó sử dụng những biểu tượng có tính khả giác, xã hội, được chuyển giao về mặt lịch sử như là những phương thế truyền thông. Khởi điểm của thần học truyền thông là việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình, bởi vì Thiên Chúa của Kitô giáo là một Thiên Chúa truyền thông. Trong cách nhìn của ông, “việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình có một chiều kích xã hội và biểu tượng.” Xa hơn nữa, ông khẳng định rằng “thần học tại mọi điểm đều liên hệ tới các thực tại truyền thông, và đặc biệt tới truyền thông mang tính biểu tượng.”[36] Dựa trên lối nhìn này, tất cả các ngành thần học đều có một chiều kích truyền thông vì cuối cùng thì chúng đều suy tư về sự truyền thông của Thiên Chúa với con người. Dulles dành một chương gồm những đoạn đặc biệt bàn về Thần học và Truyền Thông mang tính biểu tượng hướng tới Thần Học Căn Bản, Thần Học Thực Hành, và cả Thần Học Hệ Thống dưới cách nhìn này. Theo ông, thần học truyền thông đề cập một cách đặc biệt đến các lĩnh vực như Kitô học, Thần học về sáng tạo, Thần học về ân sủng, Thần học về các bí tích, Giáo hội học và Cánh chung luận.[37] Suy tư của Dulles đặt cơ sở trên suy tư của Karl Rahner, người mà theo ông “mở ra chiều kích truyền thông” của thần học.[38]

Jürgen Werbick nhìn truyền thông như một phạm trù cơ bản trong viễn tượng thần học căn bản, ở đó mặc khải, đức tin, truyền thông và các thực hành của Giáo Hội về cơ bản phải được xem như thực tại có tính truyền thông. Thiên Chúa mặc khải chính mình cho con người theo những cách thức mang tính truyền thông mà trong đó một đối thoại giữa Thiên Chúa và con người hiện lên nơi tính tương tác lẫn nhau của Lời Chúa và sự nhận thức, đáp trả của con người. Dựa trên sự truyền thông của Thiên Chúa, mỗi người trở nên đối tác của Thiên Chúa trong Giao Ước linh thánh kiến tạo nên một văn hóa truyền thông mới.[39] Trong cuốn sách về thần học căn bản den Glauben Verantworten của mình, Werbick dành một chương khá dài cho tương quan giữa hiệp thông và truyền thông. Theo cách nhìn của ông, Giáo Hội được cấu thành như sự hiệp thông của những người thực sự được tháp nhập trong Đức Kitô nhờ việc Thánh Thần của Người xây dựng một mối hiệp thông hữu cơ.[40] Như thế, Communio và Koinonia được nối kết cách chặt chẽ với truyền thông mà bởi đó tất cả các thành phần của Giáo Hội – theo ý định của Thiên Chúa – tham dự vào ơn cứu độ của Người nhờ Đức Kitô.[41] Theo ông, sự truyền thông là một tiến trình cơ bản (Grundvorgang) của Giáo Hội.[42] Tuy nhiên, việc thực hiện và sự hữu hiệu của truyền thông bên trong cộng đoàn lại phụ thuộc vào sự truyền thông với Đức Kitô và Thánh Thần, chính sự truyền thông này mới đảm bảo và hướng dẫn các hoạt động có tính truyền thông của Giáo Hội.[43] Cũng theo ông, martyria, leiturgia, và diakonia [chứng nhân, phụng vụ,  phục vụ] là những chiều kích cơ bản của truyền thông của Giáo Hội.[44]

Carlo Martini, như một học giả Kinh Thánh, đã tiếp tục suy tư thần học về truyền thông từ quan điểm Thánh Kinh. Theo ngài, truyền thông là một quà tặng. Trong cái nhìn Kitô giáo, mục tiêu cuối cùng của truyền thông là tham dự vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng tự bản thân là truyền thông và hiệp thông.[45] Trong một kế hoạch mục vụ hai năm dành cho Tổng giáo phận Milan, ngài xem truyền thông như một tiến trình canh tân và gọi đó là “một hành trình mục vụ hướng tới truyền thông” mà trong đó các thành phần của tổng giáo phận của ngài đã bàn luận về truyền thông nói chung trong năm đầu và trong năm thứ hai thì đề cập đến truyền thông đại chúng. Hai lá thư mục vụ được gọi là “Effate, Apriti!” (Ephphatha, hãy mở ra!) và “Il Lembo del Mantello” (Tua áo của Người). Lá thư thứ nhất tập trung vào truyền thông nói chung, đặc biệt dưới quan điểm Thánh Kinh; lá thư sau được dành để bàn về các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong lá thư thứ nhất, Martini mời gọi giáo dân của ngài xem xét việc truyền thông của mình trong bối cảnh gia đình, trong xã hội, trong Giáo Hội, trong giải trí. Ngài chỉ ra một số mối bận tâm liên quan đến những tình huống truyền thông: trong bản thân mỗi thành viên Giáo hội, trong gia đình, trong xã hội, trong Giáo hội, và trong các phương tiện truyền thông đại chúng.[46] Dựa vào Thánh Kinh, ngài đã suy tư về sự truyền thông của Thiên Chúa để đúc kết nên những hàm ý thần học cho việc thực hành truyền thông. Trong suy tư thần học của mình về truyền thông, Martini nhấn mạnh những đặc tính quan trọng của sự truyền thông của Thiên Chúa: (1) Thiên Chúa Ba Ngôi là truyền thông; (2) Thiên Chúa, Đấng là sự truyền thông, truyền thông với con người; (3) mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô là chóp đỉnh của sự truyền thông giữa Thiên Chúa và nhân loại; và (4) bởi vì sự truyền thông là một món quà của Thiên Chúa, được tặng ban cho con người, cho nên con người có khả năng truyền thông: con người là một hữu thể được kêu gọi và đáp trả.[47] Với phần suy tư thần học này của mình, Martini xây dựng một nền tảng Thánh Kinh cho truyền thông. Hệ quả là ngài đưa ra một số đề xuất cho việc thực hành mục vụ.[48]

Josef Palakeel đã biên tập và xuất bản một cuốn sách tựa đề Hướng đến một thần học truyền thông. Đây là một sưu tập những luận văn đã được thuyết trình tại Hội thảo quốc gia về Thần học và Truyền thông ở Học viện thần học Ruhalaya, Ujjain, Ấn Độ. Ông nhấn mạnh tới tính thích đáng của truyền thông và của việc huấn luyện mục vụ thần học cho truyền thông. Theo ông, đã tồn tại một ý thức về tầm quan trọng của truyền thông trong đời sống và các hoạt động của Giáo Hội, cả trên bình diện lý thuyết lẫn thực hành. Ông nói “tuy nhiên, hầu như không có bất cứ một nỗ lực thành công nào nhắm vào việc hội nhập truyền thông bên trong toàn thể bối cảnh mục vụ, thần học và truyền giáo.” Theo ông, nguyên do cho điều này là không hề có “một nguyên lý hội nhập” nào.[49] Trong tương quan giữa thần học và truyền thông, ông nói rằng chúng “sẽ làm màu mỡ cho nhau để tạo ra một ngôn ngữ và lối diễn tả đức tin là điều sẽ hiện hữu trong ngôn ngữ của người tín hữu.”[50] Như vậy, các lĩnh vực chung giữa thần học và truyền thông cần phải được tìm kiếm để phát triển một thần học truyền thông hay có tính truyền thông hơn và để rút ra được những hiểu biết từ truyền thông. Tuy nhiên, chính Palakeel lại không chi tiết hóa bất cứ một khái niệm nào và cũng không làm sáng tỏ cách hiểu về thần học truyền thông.

Franz-Josef Eliers phân biệt thần học về truyền thông, thần học mang tính truyền thông và Thần học truyền thông. Theo ông, thần học về truyền thông cố gắng “rửa tội” cho các phương tiện tiện truyền thông đại chúng và sự truyền thông đại chúng nhằm “đưa chúng vào trong đàn chiên của đức tin Kitô giáo.”[51] Kiểu thần học này xem truyền thông xã hội như một đòi hỏi thần học: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta những phương tiện truyền thông này để làm việc tông đồ. Vì lý do này, chúng ta cần phải sử dụng chúng cho mục đích thông truyền sứ điệp Tin Mừng. Trong văn kiện Inter Mirifica, Giáo Hội bày tỏ thái độ này trong chừng mực mà nó tán dương những phát minh công nghệ tuyệt vời và tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông hiện đại trong truyền thông xã hội và xem chúng như là sự phục vụ lớn lao cho nhân loại và cho sự lan rộng và cổ võ Nước Thiên Chúa.[52] Chúng ta có thể tìm thấy những khẳng định tương tự trong Communio et Progreesio.[53] Trong khi thần học về truyền thông nhấn mạnh tới việc sử dụng các công cụ, thần học mang tính truyền thông lại quan tâm tới cách thức mà theo đó Giáo Hội trình bày và giảng dạy những nội dung đức tin để chúng có thể dễ dàng được mọi người hiểu. Vì vậy, các thần học gia cần phải sử dụng những ngôn ngữ và khái niệm của con người thời đại để giải thích và chuyển trao ơn cứu chuộc của Thiên Chúa. “Một thần học mang tính truyền thông như thế cố gắng đưa ra các giải đáp cho những câu hỏi và khái vọng sâu xa của con người đương thời. Chẳng hạn, nó sử dụng niềm khát khao của họ cho mục đích ‘khang an’ nhằm cho thấy sự tốt lành của Thiên Chúa được phản chiếu và hòa nhập vào trong cuộc sống của chúng ta.”[54] Vượt qua hai lối tiếp cận này, Eilers đề nghị một cách hiểu sâu sắc hơn về thần học và truyền thông trong một viễn tượng mới. Ông khẳng định:

Truyền thông không còn là một chủ đề được rửa tội hay được làm cho có thể hiểu được hay được xem như một phần của ‘hoạt động mang tính truyền thông’ của xã hội nữa, mà trở nên một nguyên lý thần học trong chính nó, nguyên tắc này có một âm hưởng đặc biệt trên thần học mục vụ.[55]

Theo lối tiếp cận này, truyền thông được đưa vào trong trung tâm của thần học. Toàn bộ thần học giờ đây được nhìn dưới viễn tượng của truyền thông. Ở đây, truyền thông tự nó trở nên một nguyên lý thần học được gọi là “thần học truyền thông” và có tầm quan trọng đặc biệt đối với truyền thông mục vụ và loan báo Tin Mừng. Tại đây, Thiên Chúa thật sự được hiểu đúng như một Thiên Chúa truyền thông và mặc khải cũng như ơn cứu độ được xem như những biến cố truyền thông.

Phản ánh những nỗ lực của một vài thần học gia, Eilers trình bày một số yếu tố cơ bản của sự truyền thông của Thiên Chúa: Ba Ngôi, Mặc Khải, Nhập Thể, và Việc Sai phái Giáo Hội. Điều này cho thấy rằng, trong một cái nhìn sâu xa hơn vào “những hoạt động” này của Thiên Chúa, chúng ta có thể tìm ra những khía cạnh quan trọng của sự truyền thông của Thiên Chúa và mục tiêu của nó. Theo ông, toàn bộ lịch sử cứu độ là lịch sử truyền thông của Thiên Chúa.[56]

Một cố gắng khác nhằm nghiên cứu và suy tư về tương quan giữa truyền thông và thần học đã được thực hiện bởi Bernd Jochen Hilberath và Matthias Scharer. Họ hiểu cách tiếp cận của mình như “thần học mang tính truyền thông.” Tuy nhiên, “thần học mang tính truyền thông” theo cách hiểu của họ khác hơn thuật ngữ “thần học mang tính truyền thông” như được đề cập trong sự phân biệt của Eilers. “Thần học mang tính truyền thông” của Hilberath và Scharer dựa trên khái niệm về Tương tác chủ đề-trung tâm (TCI) của Ruth Charlotte Cohn. Dựa theo khái niệm này, Hilberath và Scharer đưa ra những câu hỏi cốt yếu trong nỗ lực suy tư thần học của họ liên quan đến truyền thông:[57]

  • Tôi là ai đối với/không đối với anh? Anh là ai đối với tôi/không đối với tôi?
  • Các truyền thống mà trong đó chúng ta đang sống có nghĩa gì đối với tôi/anh, và làm sao chúng (các truyền thống) lại là có thể tiếp cận được hay không thể đạt tới được trong biến cố truyền thông gần đây?
  • Các thực tại xã hội mà chúng ta đang sống trong đó, trong tư cách cá nhân cũng như là cùng với nhau, là gì?

Trong tương quan này, những đề xuất về thần học mang tính truyền thông sử dụng mô hình TCI, mô hình bao hàm “TÔI,” “CHÚNG TA,” “ANH,” và “TOÀN CẦU.” “TÔI” nói tới một nhân vị cá biệt có tự do, có ý hướng tới người khác và cũng có khả năng truyền thông trong nhóm về một chủ đề. “CHÚNG TA” được hiểu như một nhóm. Nó biểu thị mối quan hệ của mỗi cá nhân với những người khác trong sự tương tác qua lại mang tính truyền thông. “ANH” là mục đích của biến cố truyền thông này, cũng được xem như là đề tài. Nó được chỉ rõ như là mối quan tâm chung. Và “TOÀN CẦU” là bối cảnh chi phối nhóm.[58] Hiển nhiên, Hilberath và Scharer nhấn mạnh sự thích đáng của những yếu tố này trong một tiến trình truyền thông. Tất cả các yếu tố và toàn bộ tiến trình truyền thông cùng lúc phải được nhìn trong viễn tượng thần học: (1) cá nhân với phẩm giá của mình, trong hiện hữu của mình như là nhân vị/chủ thể, (2) cộng đoàn như ‘sự hiệp thông’ theo cách nhìn Kitô giáo, (3) sứ điệp (truyền thống) trong chính nó và trong tương quan với bối cảnh, và (4) thực tại mà trong đó truyền thông (hay tương tác qua lại mang tính truyền thông của con người) diễn ra. Trong mối quan hệ năng động này có những chiều kích mang tính truyền thông cần phải được xem xét về mặt thần học. Khái niệm ‘thần học mang tính truyền thông’ thực sự được phát triển nhờ những trải nghiệm khác nhau của các thần học gia cùng thời với Hilberath và Scharer trong khóa học Thạc sĩ “Thần học mang tính Truyền thông” tại đại học Innsbruck.[59] Những thần học gia này làm việc trong các lĩnh vực mục vụ khác nhau như mục vụ giáo xứ, giáo dục Kitô giáo, dạy giáo lý, … Từ những kinh nghiệm, họ suy tư về đức tin hay các chiều kích của đức tin sử dụng khái niệm về TCI, được làm nổi bật bằng ý tưởng “TÔI – ANH” của Martin Buber, khái niệm “Tha Nhân” của Emmanuel Levinas cũng như khía cạnh mang tính truyền thông “sự chân nhận hỗ tương” của Paul Ricœur.[60] Về cơ bản, theo Hilberath và Scharer, “thần học mang tính truyền thông” là thần học TRONG và CỦA các tiến trình truyền thông thực.[61] Nó có gốc rễ nơi việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình và nơi mặc khải của Người.[62] Nó biểu lộ những hệ quả của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong “hiệp thông,” trong việc thông truyền đức tin, và trong đối thoại với các tôn giáo khác.[63]

Phân tích những tác giả đã được đề cập trên và các nghiên cứu của họ về thần học và truyền thông xã hội, dường như có một sự cố kết năng động nội tại của truyền thông và thần học trong viễn tượng Kitô giáo. Truyền thông một cách cốt yếu thuộc về thực chất bên trong thần học Kitô giáo. Thoạt nhìn vào bản chất của Giáo Hội, chúng ta thấy rằng, Giáo Hội là một thực tại mang tính truyền thông vì được Đức Giêsu Kitô quy tụ, được Chúa Thánh Thần làm nên như một cộng đoàn tín hữu mà trong đó các thành viên chia sẻ cùng một đức tin. Đồng thời, Giáo Hội còn là một thực tại mang tính truyền thông cũng bởi vì các Kitô hữu được giao phó để thông truyền nội dung đức tin cho người khác. Làm thần học và sống đức tin hòa quyện với nhau. Trong đời sống Giáo Hội, luôn luôn có các chiều kích truyền thông được bao hàm ở bất cứ nơi đâu. Sứ vụ chính của Giáo Hội là sự truyền thông một cách hiểu quả sứ điệp của Đức Kitô bên trong Giáo Hội và thế giới. Vì thế, thần học là truyền thông.

Trong sứ vụ của Giáo Hội, một nhận thức toàn diện về truyền thông xã hội thật quan trọng đối với thần học bởi vì Giáo Hội cần phải lắng nghe con người, học biết các ngôn ngữ và nền văn hóa của họ, cũng như cần phải sử dụng các phương tiện của xã hội của họ, nhằm làm lan tỏa một cách hiệu quả sứ điệp của Tin Mừng. Theo hướng nhìn này, Bernard Lonergan khẳng định:

Sứ điệp của Kitô giáo phải được truyền thông cho mọi dân tộc. Sự truyền thông như thế tiền giả định những người rao giảng và dạy dỗ phải mở rộng tầm nhìn của mình để bao quát một hiểu biết xác đáng và sâu sắc về nền văn hóa và ngôn ngữ của những người mà họ hướng tới. Họ phải nắm bắt được những nguồn mạch thực sự của nền văn hóa và ngôn ngữ đó, và họ phải sử dụng những tài nguyên thực tế đó một cách sáng tạo để sứ điệp của Kitô giáo trở thành, không phải một sự phá vỡ văn hóa, cũng không phải một mảnh vá xa lạ được chồng lên trên nó, nhưng là một dòng phát triển bên trong nền văn hóa.[64]

Tất cả những khía cạnh này thích đáng với tương quan giữa thần học và truyền thông. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự tự thông ban chính mình của Thiên Chúa. Người thông ban chính mình theo những đường lối khác nhau trong lịch sử nhân loại. Nhờ có sự truyền thông thần linh này, bản thân con người trở nên đối tác truyền thông của Thiên Chúa, trong một ý nghĩa sâu xa hơn được diễn tả như là “các con cái của Thiên Chúa nhờ Chúa Con,” được Thiên Chúa kêu gọi để sống trong một sự hiệp thông mang tính truyền thông. Bên trong mối hiệp thông này, truyền thông của con người sẽ được hoàn thiện. Từ đó, sự tự thông ban chính mình của Thiên Chúa có thể được xem như quy tắc cho bất cứ sự truyền thông nào và đặc biệt cho toàn bộ thần học. Bởi lý do này, sự tự thông ban chính mình của Thiên Chúa chính là trung tâm điểm của thần học; nghĩa là trái tim của thần học truyền thông. Thần học truyền thông này có thể được xem xét một cách chi tiết hơn với các chiều kích của sự truyền thông của Thiên Chúa trong Ba Ngôi, trong mặc khải, trong việc nhập thể và cứu chuộc của Người, cũng như trong Giáo Hội như là thực tại mang tính truyền thông. Bởi vì mầu nhiệm Thiên Chúa tự thông ban chính mình thấm nhập vào mọi lĩnh vực thần học, toàn bộ thần học cần phải được nhìn dưới viễn tượng truyền thông. Đây là nhiệm vụ của thần học truyền thông. Hệ quả là, thần học truyền thông kiến tạo nền tảng thần học cho các hoạt động mang tính truyền thông của Giáo Hội, điều này vượt quá bất cứ sự sử dụng các phương tiện truyền thông nào. Theo cách này, Giáo Hội phát triển một văn hóa mang tính truyền thông mới, giống như “muối cho đời và ánh sáng cho thế gian” bên trong tiến trình truyền thông của xã hội con người.

2. Nguồn gốc của ý tưởng về thần học truyền thông

Niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi nằm ở ngay tại trung tâm điểm của đức tin Kitô giáo, qua đó người Kitô hữu tin vào sự mặc khải và ơn cứu độ của Thiên Chúa, Đấng thông ban chính mình trong tư cách là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, người Kitô hữu được rửa tội, nghĩa là người ấy bước vào trong thực tại đời sống của Ba Ngôi. Bất cứ lúc nào, khi các Kitô hữu làm Dấu Thánh Giá trên trán mình, khi họ cầu nguyện “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,” hay khi họ chúc tụng Thiên Chúa trong Kinh Vinh Danh “vinh danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần,” thì bằng cách này họ tuyên xưng niềm tin của mình vào Ba Ngôi.

Tuy nhiên, chiều kích truyền thông Ba Ngôi này trong trung tâm điểm của đức tin Kitô giáo dường như không hiện diện trong ý thức của người tín hữu. Sự khôn dò thấu này của Thiên Chúa Ba Ngôi dường như không liên hệ gì tới thực tế đời sống. Greshake chỉ ra rằng:

Sự tuyên xưng rõ ràng đối với Thiên Chúa Ba Ngôi dường như là một dấu tích được thánh thiêng hóa, nghi thức hóa mà người ta thường có thể không phủ nhận, nhưng thực hiện theo tính đồng hóa về mặt Giáo Hội và qua cử chỉ phụng vụ. Tuy thế, nó chỉ tác động một cách không đáng kể tới việc làm hiện sinh cá nhân của đức tin, và hơn bao giờ hết, tới sự nhận thức về hiện hữu và thế giới. Đúng hơn, Ba Ngôi đối với nhiều người có vẻ như một đối tượng trừu tượng của suy lý và của sự mã hóa có tính thần bí.[65]

Có lẽ vì lý do này mà có một xác tín chung chung của các Kitô hữu rằng, tin vào Đức Giêsu Kitô, bước theo Người là đã đủ rồi, trong khi đó niềm tin vào Ba Ngôi dường như đóng một vai trò thứ yếu. Tuy nhiên, văn kiện “Dei Verbum” của Công đồng Vatican II bộc lộ một cách cụ thể hoạt động mang tính hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng đi vào trong sự hiệp thông với thụ tạo của Người và nâng con người lên để họ tham dự vào sự sống thần linh cũng như sống trong tư cách là gia đình nhân loại (DV, số 1 – 4). Theo đức tin Kitô giáo, Thiên Chúa tự nơi chính mình là sự hiệp thông và truyền thông, và Người truyền thông với con người nhằm ban cho họ khả năng tham dự vào sự hiệp thông thần linh.

Gisbert Greshake, người đã viết một luận án dài về Ba Ngôi Chí Thánh, nhìn thấy nơi Ba Ngôi nền tảng của một thần học truyền thông. Ông khẳng định rằng: “Xét từ nguồn gốc, truyền thông là một ý tưởng thần học dứt khoát đặt nền tảng trên mặc khải Kitô giáo, và nhắm tới trung tâm của nhận thức Kitô giáo về Thiên Chúa và về thế giới.”[66] Giải thích thuật ngữ “truyền thông,” Greshake ám chỉ trước hết đến cách dùng thông thường của từ ngữ này, cũng trong cái nhìn triết học.[67]

  1. Gốc từ truyền thông [communication] nằm trong từ mun, có nghĩa là một điều gì đó giống như ngưỡng cửa, lãnh địa, bên trong một điều gì đó (intramuros), hàm ý một không gian/nơi chốn chung để sống, nơi mà mỗi người đều tùy thuộc vào mọi người. Như vậy, nó ám chỉ đến một “gian phòng” chung để sống.
  2. Một hàm nghĩa khác ám chỉ đến một từ Latinh munus có nghĩa là ở giữa những “quà tặng” khác. Một người truyền thông thì phục vụ cho người khác và chuyển trao cho họ một quà tặng, mà qua đó, cả hai cùng đi vào hiệp thông.

Cả hai ý nghĩa đều cho thấy rằng truyền thông là một tiến trình trao ban qua lại với hệ quả là “hiệp thông.” Từ diễn tả này, từ Latinh communio/communication, một cách chính xác, tương đương với khái niệm Hy Lạp koinonia vừa có nghĩa là sự chung phần vừa có nghĩa là việc thực hiện sự chung phần ấy. Châm ngôn của Pythago, “giữa những người bạn, mọi thứ đều chung,” xác định tình bằng hữu như là kiểu mẫu của koinonia, điều vốn có nghĩa là sống cùng nhau, cùng chia sẻ cuộc sống, cùng dự phần. Sau đó, trong cách hiểu của các triết gia phái tân Plato, khái niệm này đưa tới thành ngữ Latinh: Bonum est communicativum et diffusivum sui.[68] Ý tưởng cao nhất này, về nguyên tắc, được áp dụng cho chính Thiên Chúa. Theo Greshake, điều này căn cứ trên nền tảng về một Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng bước vào thế giới và thông ban chính mình cho con người nơi Đức Giêsu Kitô và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Qua biến cố này, Người không hề thông truyền một điều gì đó nhưng là chính mình. Sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô chính là sự tự thông ban chính mình của Thiên Chúa cho con người. Tuy vậy, sự thông ban chính mình của Thiên Chúa, điều tỏ bày chính nó trong lịch sử nhân loại, tiên vàn đang diễn ra nơi Ba Ngôi. Sự tự-truyền thông của Thiên Chúa chính là nền tảng cho một thần học truyền thông cụ thể.

2.1 Ba Ngôi: truyền thông trong hiệp thông – hiệp thông nhờ truyền thông

Việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong Đức Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần cho phép con người bước vào trong đời sống nội tại của Thiên Chúa, và bằng cách này, “biết được” Thiên Chúa ra sao. Trong bài nghiên cứu dài về Ba Ngôi, Greshake trình bày những lối tiếp cận khác nhau với một khái niệm thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như các vấn đề của chúng. Ông cho thấy làm thế nào mà theo sự phát triển thần học của thần học về Ba Ngôi trong nỗ lực ban đầu, các thần học gia sử dụng một ý tưởng triết học Hy Lạp cổ đại để mô tả bản tính của Thiên Chúa và mặc khải về Chúa Cha, cùng với Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Điều này đã gây nên nhiều tranh luận liên quan tới vấn đề Hạ phục thuyết hay Hình thái thuyết, và đã đưa tới Kinh Tin Kính của Công đồng Nicea (325). Sau đó, các thần học gia đã đi theo một lối khác để suy tư về Thiên Chúa, lấy mặc khải thần linh như là nét chủ đạo cho suy tư của họ. Họ đã đi đến khái niệm mới: Thiên Chúa duy nhất không phải là một đơn tử tĩnh tại, đơn độc. Đúng hơn, Thiên Chúa tự bản chất là số nhiều: Sự Sống, Tình Yêu, Hiệp Thông.[69] Chúa Cha sai Con và Thánh Thần của Người, Đấng là Ba Ngôi có cùng một bản tính thần linh, đến thế gian để con người gặp gỡ Thiên Chúa như Người là. Trong cách nhìn này, không hề có thêm suy tư nào về một đơn tử siêu việt là điểm tham chiếu cuối cùng cho toàn bộ thực tại. Giờ đây, Thiên Chúa được nhìn như là Thiên Chúa vốn tự mình là sự sống, là điều “khác,” là sự truyền thông và hiệp thông. Liên quan đến chiều kích truyền thông của Thiên Chúa, Greshake trích dẫn Peter Hünermann: “Sự truyền thông cố hữu nơi Thiên Chúa được xác nhận, bởi vì chỉ qua việc này Thiên Chúa mới có thể được biết như là Đấng duy nhất có thể thông truyền Ngôi Lời [Logos] của chính Người cho thế gian.”[70]

Một cách ngắn gọn, Greshake mô tả Chúa Ba Ngôi như sau: “Thiên Chúa chính là sự hiệp thông như thế, sự hiệp thông mà trong đó Ba Ngôi Thiên Chúa sống một đời sống thần linh duy nhất như là sự tự-truyền thông hỗ tương theo một tương tác ba chiều của tình yêu.”[71] Chiều kích truyền thông của Thiên Chúa được gồm tóm trong phát biểu này. Sự hiệp thông của Thiên Chúa được nhìn như là “sự trao đổi” liên tục của tính đơn nhất và đa phức, và là thực tại nguyên thủy của đời sống thần linh. Theo lối nhìn này, đời sống của Thiên Chúa gây nên, nói theo cách loại suy, những khoảng khắc khác nhau của một sự truyền thông qua lại diễn ra theo từng Ngôi vị thần linh riêng biệt: Ngôi Cha, Ngôi Con, và Ngôi Thanh Thần. Mỗi Ngôi vị Thiên Chúa truyền thông chính mình cho Ngôi khác một cách đặc biệt chỉ thuộc riêng về Ngôi ấy. Bằng cách này, những khoảnh khắc của sự tự-truyền thông của ba ngôi vị tạo thành một sự tự-truyền thông hỗ tương năng động trong đời sống Ba Ngôi. Theo Greshake, hữu thể thần linh “essentia divina” là sự hiệp thông tồn tại trong tình yêu hỗ tương của Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Chúa Cha hoàn thành hiện hữu của chính Người trong khi Người trao ban chính mình cho “Ngôi khác” là Chúa Con, bằng cách này Người chiếm hữu thần tính của mình khi trao ban tình yêu, vì vậy cũng nhận được hữu thể là Cha. Chúa Con đang nhận lãnh và đáp trả tình yêu trong lúc chính Người nhận lãnh toàn bộ từ Chúa Cha, và theo một cách đầy lòng biết ơn dâng trao cho Cha sự tôn vinh. Chúa Thánh Thần là tình yêu hợp nhất và đáp trả trong luc chính Người nhận lãnh từ mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con như là “Ngôi Ba” và cùng lúc tôn vinh cả hai Ngôi kia. Greshake gọi sự chia sẻ đời sống năng động trong Thiên Chúa là “Giai điệu vĩnh cửu của tình yêu”, trong đó mỗi Ngôi vị thần linh được xem như nhịp điệu đóng “vai trò” của mình cách đặc biệt, phù hợp với Ngôi vị của chính mình, trong một biến cố mang tính truyền thông. Mỗi Ngôi sống theo chính cách thức của riêng mình trong tương quan “từ” và “đến” Ngôi khác: trao ban/nhận lãnh, nhận lãnh/trao ban, và hợp nhất/nhận lãnh/đáp lại. Trong thần học về Ba Ngôi, hạn từ “perichorese” được dùng để giải thích khái niệm này. Theo cách hiểu này, sự tự-truyền thông của Thiên Chúa là một sự truyền thông liên tục của việc trao ban và nhận lãnh hỗ tương, một biến cố tình yêu liên ngôi vị.[72] Trong tương tác liên ngôi vị và sự truyền thông hoàn hảo này (actus purus), Thiên Chúa cũng là sự hợp nhất tuyệt đối mà trong đó mỗi Ngôi vị Thiên Chúa, trong ngôi vị tính đặc biệt của chính mình, truyền thông và kiến tạo cho Ngôi khác. Sự hiệp thông của Thiên Chúa là sự hợp nhất của duy nhất tính trong sự phân biệt, và đây là điều vốn có nguyên thủy trong Ba Ngôi.[73] Suy tư về sự tự-truyền thông của Thiên Chúa trong Ba Ngôi, Karl Rahner mô tả sự truyền thông thần linh như sau: “Mỗi Ngôi trong ba ngôi vị Thiên Chúa truyền thông chính mình cho con người trong ân sủng nhưng không, theo tính đặc thù và khác biệt ngôi vị của riêng mình. Sự truyền thông này của Ba Ngôi là nền tảng hữu thể học của đời sống con người trong ân sủng và cuối cùng của sự hưởng kiến trực tiếp các Ngôi vị Thiên Chúa trong vĩnh cửu.”[74] Từ cách hiểu này về Ba Ngôi, hiện hữu ngôi vị thì có tính tương quan và truyền thông. Điều này không chỉ áp dụng được cho Thiên Chúa mà còn có thể áp dụng cho con người. Tính duy nhất của ngôi vị luôn luôn tương quan với tính phân biệt của ngôi vị khác.

Việc các Kitô hữu tin vào Ba Ngôi không phải là một suy tư mang tính tự biện mà Giáo Hội đã phát triển theo chiều hướng các nỗ lực thần học của mình. Đúng hơn, niềm tin này dựa trên kinh nghiệm về Đức Giêsu Kitô, Đấng mà trong và qua cuộc sống mình mặc khải Thiên Chúa cho con người. Nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa đến gần với nhân loại. Trong cuộc gặp gỡ này, Thiên Chía tỏ cho con người thấy bản tính sâu thẳm nhất của của mình và cho phép con người tham dự vào đời sống thần linh ấy. Trong tương quan với Đức Giêsu và trong kinh nghiệm về Thánh Thần của Người, con người gặp được Thiên Chúa như Người là. Những cách thế mà Đức Giêsu dùng để gặp gỡ mọi người, các kiểu hành động của Người, cũng như cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người, mặc khải mầu nhiệm thần linh của Ba Ngôi, mầu nhiệm tự nó là một sự truyền thông tự-trao ban. Martini khẳng định:

Trong mầu nhiệp Nhập Thể và Vượt Qua, chúng ta đi đến nhận biết Chúa Con, Đấng mà thánh Ignatius Antioch gọi là ‘Lời phát xuất từ thinh lặng.’ Chính qua Người mà Chúa Cha (sự Thinh Lặng, mầu nhiệm ẩn kín, là nguồn gốc của truyền thông) thể hiện chính mình và làm cho chính mình được biết đến. Trong toàn bộ cuộc sống mình, Đức Giêsu đã không muốn làm bất cứ điều gì khác ngoài việc mặc khải Chúa Cha: ‘Con đã cho họ biết danh Cha’ (Ga 17, 6). Với tư cách là Ngôi Lời phát xuất từ Chúa Cha, Đức Giêsu thông truyền chính mình cho những người nam và người nữ thuộc mọi thế hệ cho đến ngày hôm nay, Người sai Chúa Thánh Thần đến. Chúa Thánh Thần có thể được gọi là ‘Cuộc Gặp Gỡ’: cuộc gặp gỡ của Ngôi Lời và của Thinh Lặng, cuộc gặp gỡ của Một Thiên Chúa Ba Ngôi với con người. Nhờ Thánh Thần, một cuộc gặp-gỡ-với-tình-yêu xảy ra cách mầu nhiệm bên trong mỗi người chúng ta, tình yêu mà Chúa Cha đã dành cho chúng ta từ thinh lặng vĩnh cửu, và tình yêu mà Người tỏ cho chúng ta đúng thời đúng buổi nơi Con của Người.[75]

Martini tham chiếu đến một vài câu Kinh Thánh trình bày mối quan hệ mật thiết của Đức Giêsu với Chúa Cha.[76] Một cách đặc biệt, các môn đệ kinh nghiệm và chứng kiến tương quan thâm sâu giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa, Cha của Người, cũng như sự nối kết với Chúa Thánh Thần khi Người giải thích cho họ về Thiên Chúa và khi họ nhìn thấy Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Nhiều đoạn Kinh Thánh thuật lại cách chi tiết điều này, cụ thể trong Tin Mừng theo thánh Gioan: “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6), “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9), “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (Ga 14, 10), “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15, 9), “Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15), “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16, 13 – 14), “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga 16, 15), “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17, 11), “Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con” (Ga 17, 22, 23).

Dựa trên kinh nghiệm cùng với Đức Giêsu, các Kitô hữu đi đến nhận biết yếu tính sâu thẳm nhất của Thiên Chúa: Người tự mình là một mầu nhiệm tự-truyền thông. Bernard Hӓring mô tả chiều kích Ba Ngôi của truyền thông như sau:

Truyền thông thì mang tính kiến tạo trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Mỗi Ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa sở hữu tất cả những gì là thiện hảo, tất cả những gì là chân thật, tất cả những gì là hoàn mỹ, nhưng theo thể thức hiệp thông và truyền thông. Sáng tạo, Cứu chuộc, và thông truyền phát sinh từ mầu nhiệm này và có mục đích cuối cùng là lôi kéo chúng ta, bởi chính sự truyền thông của Thiên Chúa, vào trong sự hiệp thông với Người. Sáng tạo chúng ta theo hình ảnh và giống như Người, Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên những người chia sẻ sự truyền thông mang tính sáng tạo và tự do trong hiệp thông, nhờ hiệp thông, và trong cái nhìn hiệp thông.[77]

Bởi vậy, Avery Dulles khẳng định “Kitô giáo trước hết và trên hết là tôn giáo của truyền thông.”[78] Mọi hành động của Thiên Chúa trong sáng tạo, mặc khải, cứu chuộc được đặt nền tảng nơi sự tự-truyền thông của Thiên Chúa trong Ba Ngôi. Dulles tuyên bố rằng “toàn bộ công trình sáng tạo, cứu chuộc, và thánh hóa là một sự nối dài của những tiến trình nội tại bên trong Ba Ngôi.”[79]

1. Hiện hữu của con người và thế giới trong viễn tượng Chúa Ba Ngôi

Phân tích ngắn dưới đây nhằm cho thấy truyền thông của Ba Ngôi là căn bản và cốt yếu ra sao đối với truyền thông của con người và các chiều kích mang tính truyền thông của hiện hữu thế giới theo nhãn quan Kitô giáo.

a. Sáng tạo như là sự biểu lộ mang tính truyền thông của Ba Ngôi

“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa;

không trung loan báo việc tay Người làm.

Ngày qua mách bảo cho ngày tới,

đêm này kể lại với đêm kia.

Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,

mà tiếng vang dội khắp hoàn cầu,

và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.

Chúa căng lều cho thái dương tại đó,

thái dương xuất hiện như tân lang rời khỏi loan phòng,

và vui sướng lên đường như tráng sĩ.

Từ chân trời này thái dương xuất hiện

rồi chuyển vần mãi tới chân trời kia;

chẳng có gì thoát khỏi ánh dương nồng.” (Tv 19, 1 -17)

Theo cách nhìn của bản văn Kinh Thánh này, toàn thể sự biểu lộ của sáng tạo là sự truyền thông công khai của Thiên Chúa. Mọi yếu tố của thực tại được tạo thành, qua vẻ đẹp của chúng, làm chứng cho Thiên Chúa, Đấng tác tạo nên chúng. Trên thực tế, Kitô giáo xem nguồn gốc và cùng đích của toàn bộ sáng tạo và con người đến từ nền tảng Ba Ngôi. Thực tại được tạo thành có “chỗ” của nó trong sự trao đổi truyền thông và yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi; nó tiếp nhận các mô thức, các cấu trúc, và các tiến trình năng động, có tổ chức của mình như là hình ảnh đời sống của Ba Ngôi tạo nên tính đơn nhất và đa tạp, tính dị biệt và sự kết nối tương liên. Bằng cách này, toàn bộ công trình sáng tạo truyền thông sự hiện diện của Thiên Chúa thông qua thực tại tính của nó. Greshake cho thấy rằng có nhiều nhà khoa học cố gắng nghiên cứu các nhịp điệu mang tính truyền thông tam phân ba bậc trong thực tại được tạo thành. Trong số họ, ông trích dẫn Bernhard Philberth, một nhà vật lý nổi tiếng quốc tế, và Heinrich Beck; theo họ, năng lực tam phân bao la của mọi hữu thể cùng với tính đa phức, sự hùng vĩ và tự do của chúng sinh ra từ Ba Ngôi vĩnh cửu. Có đầy dẫy những cấu trúc tam phân-ba bậc trong mọi chiều kích của thực tại được tạo thành có thể được xem như một sự loại suy về Ba Ngôi.[80] Xa hơn, Greshake khẳng định rằng tạo thành được xác định nhờ tính tương quan và bổ sung, tính đa tạp và cộng thông. Ở đây, điều quan trọng là có một sự thống nhất phức tạp của tính đồng nhất và khác biệt, tính đơn nhất và đa tạp, tính tự trị và sự nối kết tương liên, chính xác hơn: tính tự trị trong và nhờ truyền thông hỗ tương với cái khác. Theo Rahner, “mọi hữu thể hiện hữu do bản tính biểu tượng của chúng, vì chúng tất yếu ‘diễn tả’ chính mình để đạt tới bản tính của riêng chúng,”[81] và theo ngài, biểu tượng, nói theo nghĩa chặt của thực tại biểu tượng, là sự tự-hiện thực hóa của một hữu thể trong tương quan với hữu thể khác, điều cấu thành nên yếu tính của nó.[82] Tính đa tạp tồn tại trong một hữu thể được tạo thành không luôn nhắm thẳng đến tính hữu hạn và bất toàn một cách rõ ràng, nhưng điều này về mặt hữu thể học là dấu tích và hình ảnh của Ba Ngôi: tính đa tạp trong tương quan. Theo Rahner, cái hữu hạn, “sự biểu lộ” được sáng tạo ad extra (xuất ra từ đời sống Ba Ngôi) là một sự tiếp nối cấu trúc nội tại của “hình ảnh và họa ảnh” và diễn ra trong thực tế nhờ Logos (Ga 1, 3). Đây là một sự tiếp nối tự do.[83] Trong cùng cách nhìn, Hӓring khẳng định rằng “công trình sáng tạo là sự hiện diện năng động của Ngôi Lời sáng tạo (của Thiên Chúa).”[84] Thực tại được tạo thành, trong lịch sử, không gian và thời gian của nó, là giai đoạn truyền thông công khai, nó phát triển liên tục trong tiến trình mang tính lịch sử của thế giới. Trên thực tế, chúng ta có thể thấy mối tương quan năng động và tính thích đáng của chiều kích truyền thông trong mọi hiện tượng bên trong công trình sáng tạo hiểu theo nghĩa thông thường, và đặc biệt, bên trong đời sống con người trong tương quan với nhau và trong mối quan hệ với thế giới như là thực tại được tạo thành: từ dạng thức đơn giản của các tạo vật cho đến sự sống được phát triển ở mức cao, trong hệ sinh thái, từ kinh tế vi mô đến kinh tế toàn cầu v.v… Ngay cả sự toàn cầu hóa hiện đại cũng khiến con người ngày nay ý thức hơn về tình huống mang tính tương quan và truyền thông này.

Hơn nữa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nhận ra trong khái niệm về sáng tạo của Kinh Thánh “không chỉ tiếng gọi đi vào hiện hữu của chính hữu thể vũ trụ, mà còn sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa trong công trình sáng tạo.” Sáng tạo, theo cách nhìn này, là “khởi đầu của sự tự-truyền thông mang tính cứu độ của Thiên Chúa với các thụ tạo Người dựng nên,” và việc sáng tạo con người là “khởi điểm đầu tiên của sự tự trao ban chính mình có tính cứu độ của Thiên Chúa xứng hợp với ‘hình ảnh và giống như’ chính Người, điều Người đã ban cho con người.”[85] Ngoài ra, nghiên cứu cách kỹ lưỡng hơn về trình thuật sáng tạo cũng đem lại thêm một hiểu biết sâu sắc hơn. Lúc khởi đầu, chỉ là hỗn mang mà không có gì cả. Thiên Chúa đã tạo dựng và sắp đặt thế giới cùng mọi thứ từ cái này đến cái kia nhờ Lời sáng tạo và thông truyền của mình, “hãy có” hoặc “hãy xảy ra”. Sau khi đã sáng tạo và sắp đặt thế giới, cuối cùng Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người “theo hình ảnh và giống như Người” (St 1, 1 – 31). Thế giới và mọi sự thuộc về nó được tạo dựng để con người có thể sống trong đó. “Thiên Chúa thấy nó thật tốt đẹp” nghĩa là nó có ích cho cuộc sống của con người. Trong bối cảnh này, tạo thành và con người ở trong một tương quan mang tính truyền thông. Thực tại được tạo thành phi-nhân vị phục vụ chúng ta như là những điều kiện sống mà trong đó mỗi người biểu lộ tình yêu cho nhau, trong đó mỗi người hành động vì nhau, trong đó chúng ta có thể thông truyền những điều trong cuộc sống mình cho người khác, đến mức trao ban cả chính mình. Tất cả những khía cạnh này góp phần làm nên sự truyền thông hỗ tương của nhân loại. Vì vậy, đời sống con người và thực tại của thế giới với tiến trình mang tính lịch sử của nó cần phải được nhìn theo một quan điểm tổng thể về thần học sáng tạo bắt nguồn từ thần học về Ba Ngôi, và đời sống cùng thực tại này, đặt nền tảng trên Ba Ngôi, thì có tính truyền thông và lập thành.

b. Con người – được sáng tạo theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa – một ơn gọi hướng tới đời sống hiệp thông và truyền thông

Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,

lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cõi địa cầu!

Uy phong Ngài vượt quá trời cao.

Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ

cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù

khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.

Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,

muôn trăng sao Chúa đã an bài,

thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,

phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?

Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,

ban vinh quanh danh dự làm mũ triều thiên,

cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,

đặt muôn loài muôn sự dưới chân…

Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,

lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cõi địa cầu!

Karl Rahner khẳng định rằng “con người là biến cố của một sự tự thông ban chính mình tuyệt đối, tự do, nhưng không và khoan dung của Thiên Chúa.”[86] Con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa (St 1, 26 – 27). Vì thế, mỗi một con người là một bản vị. Khía cạnh này ấn định tính duy nhất, sự tự do và phẩm giá của con người. Đồng thời, con người mang trong chính mình chiều kích tương quan: con người ấy có khả năng truyền thông. Một ‘ngôi vị’ trong cái nhìn của Kitô giáo cấu thành nên chính mình cùng với và nhờ người khác, để ở đó sẽ trở nên một tương quan-chúng ta. Trong tương quan và truyền thông liên vị, một người sẽ không đánh mất bản ngã của mình, nhưng đúng hơn, người ấy sẽ đạt đến bản ngã ấy và được phong phú nhờ “sự hợp nhất đồng điệu” mà trong đó mỗi người tham dự cùng tương quan với người khác theo cách của chính mình.[87] Được nhìn trong viễn tượng Ba Ngôi, một con người không phải là một cá nhân biệt lập, một cái tôi lấy mình làm trung tâm, một cái tôi cô lập, cũng không phải chỉ đơn thuần là một chấm hay một mảnh vỡ nhỏ trong tiến trình xã hội hóa. Thay vào đó, một con người là một hữu thể lập hữu đạt tới bản ngã của chính mình thông qua một tiến trình trao-nhận hỗ tương, tiến trình ấy muốn nói tới sự truyền thông. Nói cách khác, con người, được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, là một hữu thể độc đáo, tự do và tương quan, một hữu thể có khả năng truyền thông với Thiên Chúa và người khác. Đó là một hữu thể được kêu gọi để sống trong hiệp thông nhờ truyền thông. Bằng cách này, con người được Một Chúa Ba Ngôi mời gọi và cho phép sống cái sống ngôi vị của mình trong lịch sử và thời đại cụ thể của mình với khả năng sáng tạo mà Đấng Tạo Hóa đã trao tặng để con người ấy có thể sống với người khác trong sự hiệp thông liên vị.[88] Con người diễn tả chính mình nhờ toàn thể thân xác thể lý của mình, thông qua ngôn ngữ, đặc tính xã hội và văn hóa, … của mình; con người thực hiện tất cả những điều này với mục tiêu nhắm đạt tới cái chung cùng với người khác. Được đặt nền tảng trên đời sống của Ba Ngôi, phẩm giá con người “theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa” làm cho con người nên như những người sáng tạo có thể sáng tạo và làm chủ đời sống thông qua truyền thông. Và mục tiêu sau cùng của toàn bộ sự truyền thông, theo đức tin Kitô giáo, là một đời sống trong hiệp thông với Thiên Chúa và giữa con người.

2. Những hàm ý thần học

Thiên Chúa là sự hiệp thông mà trong đó Ba Ngôi Thiên Chúa sống trong sự truyền thông hỗ tương vô tận. Do đó, khi chúng ta nói về hiệp thông, chiều kích truyền thông tồn tại trong đời sống Thiên Chúa ngay tức khắc được nhắc đến. Trong biến cố truyền thông này, mỗi Ngôi chia sẻ với Ngôi khác một Hữu Thể thần linh duy nhất;[89] đồng thời, mỗi Ngôi trao ban chính mình cách trọn vẹn cho Ngôi khác (sự tự-truyền thông) theo cách thế đặc biệt của mình như là Cha, Con, và Thánh Thần: Chúa Cha là tình yêu trao ban ngay khi Người truyền thông tình yêu của Người cho Chúa Con. Đến lượt mình, Chúa Con là tình yêu nhận lãnh và đáp trả ngay khi Người tỏ lòng biết ơn như là sự thể hiện tình yêu của Người với Chúa Cha. Cuối cùng, Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp nhất – mối dây liên kết mang tính ngôi vị của tiến trình truyền thông trao ban và nhận lãnh. Từ đó, Thiên Chúa truyền thông Hữu thể thần linh của mình “ra bên ngoài” đời sống nội tại của Ba Ngôi mà hướng tới con người. Dựa trên khái niệm thần học này, sự truyền thông của Thiên Chúa tự nó có tính ngôi vị; đồng thời, nó cũng mang tính liên-vị, và sáng tạo vì rằng nó sinh ra sự sống trong chính nó và tạo nên cũng như bảo tồn sự sống.

Trong thực tế con người, truyền thông hầu như nhằm mục đích diễn tả các nhu cầu của bản thân mình: thể lý, cảm xúc, xã hội, chính trị, cũng như tôn giáo, v.v… Thường thì có tư lợi ẩn chứa bên trong, có thể đó là của một người, một nhóm người, hay một quốc gia. Tương quan trong tính cách một nhân tố như được biểu lộ trong sự truyền thông của Ba Ngôi thì ít được xem xét hơn hay thậm chí bị lãng quên. Một số lý thuyết gia truyền thông và nhà khoa học xã hội nhìn truyền thông nhân loại như là trung tâm của đời sống con người.[90] Bất chấp khó khăn để có một định nghĩa chung về truyền thông,[91] nhiều người trong số họ bằng lòng với nhau miễn là về cơ bản họ hiểu truyền thông nhân loại như là một tiến trình liên tục mà qua đó con người diễn tả chính mình, chia sẻ ý nghĩa với nhau để đạt tới cái chung.[92] Trong sự truyền thông của con người, luôn luôn có bao hàm một mặt là sự căng thẳng giữa sự tự xác định và tự nhận thức, và mặt khác là tính thiết yếu của xã hội hóa, sự hội nhập và cởi mở. Trong viễn tượng này, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi trước mỗi sự truyền thông của con người: chúng ta nhắm tới điều gì trong mọi hoạt động mang tính truyền thông? Hay chúng ta ở lại với nhau trong tương quan nào theo tiến trình này? Vì vậy, theo quan điểm Kitô giáo, để hình thành được cộng đoàn, mọi truyền thông của con người cần một người bên cách và một người tham dự khác nữa – một “Nhân tố Thứ Ba” – tức là, mối tương quan với Thiên Chúa truyền thông, Đấng bảo đảm cho truyền thông và đưa tới hiệp thông trọn vẹn. Sự truyền thông của Thiên Chúa xuất hiện tại điểm nhìn này như là nền tảng cho mọi hoạt động mang tính truyền thông cũng như những hàm ý đạo đức học của chúng. Nói cách khác, xét cho cùng Ba Ngôi là nguồn mạch cho toàn bộ đời sống và sự truyền thông của con người.

Từ quan điểm thần học về Ba Ngôi, mỗi người, dù là người trao ban hay nhận lãnh, đều được kêu gọi tôn trọng phẩm giá của người khác; nghĩa là, sự tôn trọng đối với con người là không thể thiếu cho một truyền thông hỗ tương đích thực. Sự tôn trọng con người cũng là cơ sở của sự bình đẳng trong bất cứ gặp gỡ mang tính ngôi vị nào, trên đó mỗi người hoạt động trong tiến trình truyền thông theo những giới hạn của sự tự nhận thức và xác định mình nhằm góp phần vào một tiến trình tái lập tương quan hướng tới một cộng đoàn. Ở đây, không ai bị coi như đối tượng của tư lợi của chính mình. Không ai phải bị lạm dụng trong bất cứ tiến trình hay hoạt động truyền thông nào vì lợi ích của người khác. Nhân phẩm cần phải được làm phong phú và cải thiện thông qua truyền thông hỗ tương.

Tính duy nhất và đa phức thì nội tại trong đời sống Ba Ngôi. Vì vậy, tính đa phức hay những khác biệt quả thực không nên gây trở ngại cho truyền thông, nhưng chúng cần phải thúc đẩy người ta khám phá và học biết về đối tác truyền thông trong tính khác biệt của họ, tức là, đặc tính xã hội, văn hóa, cá nhân và tôn giáo của họ. Bằng cách này, người ta giảm bớt sự hiểu nhầm và có thể đạt đến cái chung. Hơn nữa, tính đa phức và khác biệt tạo nên cơ hội làm phong phú hay đa dạng cho nhau. Từ cách nhìn này, bất cứ người nào tham dự vào một tiến trình truyền thông đều là người trao ban và cùng lúc cũng là người nhận lãnh.

Được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh và giống như Người, con người không thể không truyền thông. Con người có thể truyền thông lỗi, do tội lỗi theo nghĩa duy trì cái con người tự cho mình là trung tâm mà làm gián đoạn tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Tuy nhiên, con người luôn luôn được kêu gọi vượt qua chính mình trong cuộc sống, để vươn tới người khác và nhất là tới Thiên Chúa để họ có thể sống cuộc đời một cách ý nghĩa. Thực tại được tạo thành, dù tự nó mang tính hữu hạn, bất toàn và thậm chí có khi là tội lỗi, nhưng cùng với sử tính của nó vẫn là điều kiện sống mà ở đó con người sống và truyền thông với người khác. Điều kiện sống cho con người này luôn chịu tác động và bị khuôn đúc bởi các nhân tố tâm lý, xã hội, chính trị, văn hóa và tôn giáo. Tất cả những nhân tố này, lần lượt, đôi khi thay đổi hay tác động tới nhận thức của con người. Có một tiến trình mang tính truyền thông liên tục năng động mà trong đó con người tiếp tục tạo nên những công cụ mới, những dạng thức và cách thế mới cho việc truyền thông giữa họ với nhau. Tuy nhiên, thực tại được tạo thành chính xác là không gian mà nơi đó con người kinh nghiệm cách đặc biệt về việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong suốt lịch sử nhân loại. Trong sự tự thông ban của mình, Thiên Chúa tỏ lộ chính mình không chỉ như là Đấng Tạo Hóa, mà còn là Chúa của lịch sử, một cách cụ thể trong lịch sử của Israel, dân Người. Cuối cùng, việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình diễn ra theo một cách thức mới mẻ và không thể trổi vượt hơn được nữa: Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, mà qua đó thế giới được tạo thành và trong đó nó được đặt nền, một lần nữa được tỏ bày theo phương cách cụ thể và mang tính cá vị cho con người trong lịch sử và thời đại của họ: sự Nhập Thể. Qua tương quan ba chiều kích, “Thiên Chúa – bản thân Người– bạn hữu Người,” Đức Giêsu Kitô đã trao cho con người một mẫu gương hoàn hảo về truyền thông.

3. Thiên Chúa truyền thông: Ngai tòa Thiên Chúa

Bên cạnh quan niệm lý tính, trong dòng lịch sử Kitô giáo, cũng đã có những nỗ lực khác nhằm diễn tả khái niệm về Ba Ngôi theo những con đường nghệ thuật. Việc sử dụng các hình ảnh và minh họa nhằm trình bày các ý tưởng là một kiểu truyền thông mang tính biểu tượng đưa người xem đến với “thực tại khác” vượt quá điều có thể hiểu và mường tượng được. Từ những thời kỳ đầu, người ta đã sử dụng các minh họa nhằm diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi tại Giáo Hội Đông Phương cũng như Tây Phương. Trong lịch sử nghệ thuật Kitô giáo, có nhiều minh họa như thế từ thời Trung Cổ. Chẳng hạn, có nhiều icon về Chúa Ba Ngôi ở Đông Phương mà icon của Rubljev, một người Nga, là minh họa nổi tiếng nhất được hoàn thành vào năm 1410 (hình 1). Những hình ảnh này trình bày theo lối Đông Phương và miêu tả tương quan giữa các Ngôi vị Thiên Chúa[93] theo thể thức cuộc gặp mặt giữa Abraham và ba vị khách dưới cầy sồi ở Mamre. Một hình ảnh khác về Chúa Ba Ngôi là một trình bày dưới dạng icon ở SS. Trinità Sanctuary tại Vallepietra (Latium/Italy) được vẽ vào đầu thế kỷ XIII trên một bức tường khổng lồ làm từ đá tự nhiên (2.10m 1.60m) trong một hang động. Nó trình bày Ba Ngôi Thiên Chúa cùng bản tính ngang hàng với nhau (hình 2).

Ngai tòa Thiên Chúa (tiếng Đức: Gnadenstuhl) là trình bày nghệ thuật quan trọng nhất về Ba Ngôi trong thế giới Kitô giáo Đông Phương. Các minh họa cổ xưa nhất về Ngai tòa Thiên Chúa được tìm thấy trong một sách lễ đến từ Cambrai (khoảng năm 1120) và trên một bàn thờ di động đến từ Siegburg (khoảng năm 1150). Martin Luther đã tạo ra khái niệm này khi ông chuyển dịch thư gửi tín hữu Do Thái, chính xác là đoạn văn Dt 9, 5. Franz Xaver Kraus đã đưa nó vào trong lịch sử nghệ thuật.[94] Trong Ngai tòa Thiên Chúa, hành động của Thiên Chúa có liên quan đến “chức năng” ba chiều của ơn cứu độ của Người. Điều này được phản ánh trong việc Chúa Cha trao nộp Con của Người trên Thập Giá trong Chúa Thánh Thần.

Những hình minh họa dưới đây là chỉ là một số ví dụ trong các trình bày về Ngai tòa Thiên Chúa mà một trong số đó là của anh em Asam được trình bày chi tiết hơn như chỉ là một

điển hình

Hình 1: Icon về Chúa Ba Ngôi của Rubljev

Hình 2: Tranh vẽ dạng icon về Ba Ngôi (đầu thế kỷ XIII) ở SS. Trinità Sanctuary tại Vallepietra (Latium, Italy)

Hình 3: Minh họa về Ba Ngôi do anh em Asam (1733) tại St. John Nepomuk (Munich, Đức)

Carlo Martini xem những minh họa này như là những diễn tả nghệ thuật của sự kiện thần học về một Thiên Chúa truyền thông.

Một minh họa về Ba Ngôi, được sáng tác bởi anh em nhà Asam (Đức), là ví dụ điển hình cho chiều kích truyền thông trong Ba Ngôi (hình 3). Vào năm 1733, anh em nhà Asam đã bắt đầu xây dựng một ngôi thánh đường tại Munich dâng kính thánh John Nepomuk. Ngôi thánh đường đã được hoàn thành năm 1746. Tác phẩm về Ba Ngôi được trang trí phía trên bàn thờ chính. Peter B. Steiner, giáo sư bộ môn Lịch sử nghệ thuật, suy tư về nhiệm cục Ba Ngôi dựa trên công trình cứu độ của Ba Ngôi nhờ vào tác phẩm nghệ thuật này của hai anh em Cosmas Damian Asam và Egid Quirin Asam.[95] Tác phẩm này đã được sáng tác theo phong cách nghệ thuật Baroc.

Trong tác phẩm, Chúa Cha, khi cúi mình xuống từ phía trên Thánh Giá, dường như trao ban Con mình từ trời cao, từ chính Người. Tác phẩm nghệ thuật này về sự trao ban của Thiên Chúa được Carlo Martini gọi là một “cử chỉ của tình yêu” dành cho con người.[96] “Đến như Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8, 32). “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4, 9). Ở đây, Chúa Cha là Đấng có sáng kiến tặng ban ân huệ. Đây là ân sủng thuần túy, nguồn mạch sống động của truyền thông.

Chúa Con cũng là Đấng trao ban khi Người dâng trao chính mình cho Thiên Chúa: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Người cũng là Đấng trao ban khi “hy sinh tính mạng” vì bạn hữu mình (Ga 15, 13). Những lời của Đức Giêsu, “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22, 19), về mặt bí tích, tóm tắt toàn bộ sự tự trao ban tình yêu này. Người trao ban chính mình cho toàn thể nhân loại mà Người rất mực yêu thương, thậm chí cho cả những người chối từ, kết án và giết chết Người.

Chúa Cha dường như cúi mình xuống để ôm lấy thập giá. Bốn thiên thần mang sáu cánh bay xung quanh Người. Hai thiên thần ở phía trước mang bình và đèn hương. Ở phía sau, một thiên thần biểu lộ một thái độ cung kính đối với Thánh giá qua việc cầu nguyện (miệng đang mở, tay chắp cầu nguyện); một thiên thần khác dường như đang chiêm ngắm Thánh giá một cách trầm tư. Theo Steiner, việc phục vụ thánh hữu hình trên bàn thờ được hướng lên Trời thông qua những cử chỉ của các thiên thần: phụng vụ trên trần gian chuẩn bị cho phụng vụ Thiên quốc.

Trên chóp đỉnh của biến cố tự trao ban chính mình của Chúa Cha và Chúa Con, Chúa Thánh Thần được miêu tả như chim bồ câu trắng bạc lấp lánh ở giữa một vầng hào quang sáng chói. Vầng hào quan này cùng với Thánh Thần dường như ôm lấy toàn thể sự thông ban chính mình của Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Thánh Thần tôn vinh và thống nhất sự hiệp thông giữa các Ngôi vị thần linh khác. Đồng thời, Chúa Thánh Thần “tỏa sáng” trên mầu nhiệm Ba Ngôi. “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16, 13 – 14).

Carlo Martini suy tư về Ngai tòa Thiên Chúa theo cùng cách tương tự khi ông nói rằng “Thánh Thần ‘mở ngỏ’ Ba Ngôi ra cho thế giới, đồng thời, trong Người, Người hợp nhất thế giới với Chúa Con, và trong Chúa Con, với Chúa Cha.” Theo Martini, “quang cảnh (Ba Ngôi) trình bày hành động tối hậu của sự truyền thông của Thiên Chúa. Mỗi Ngôi vị trong Ba Ngôi trao ban chính mình cho Ngôi khác. Một tặng phẩm siêu việt và đầy thương xót hướng sự tự-truyền thông này đến cho nhân loại, một nhân loại không ngừng được mời gọi bước vào vòng tròn của tình yêu.”[97]

3. Những chiều kích của việc Thiên Chúa thông ban chính mình trong Mặc Khải

Văn kiện Dei Verbum của Công đồng Vatican II tuyên bố:

Bằng cách mạc khải, Thiên Chúa đã muốn biểu lộ và thông ban chính mình Người cùng những ý định muôn đời của Người liên quan đến việc cứu độ nhân loại, “nghĩa là cho người ta được tham dự vào các của cải của Thiên Chúa hoàn toàn vượt quá sự hiểu biết của loài người.”[98]

Từ đời sống Ba Ngôi, Thiên Chúa thông ban chính mình; Người sáng tạo con người, tự mình hướng đến với họ, và mở ra cho họ những bí mật của đời sống ngôi vị của Người. Ý định của Thiên Chúa là cho con người được sẻ chia đời sống của Người. Thiên Chúa, Đấng hằng sống, đã nói với con người ngang qua cuộc sống và lịch sử cụ thể của chính con người. Đây là sự kiện chi phối toàn bộ tiến trình tự thông ban chính mình của Thiên Chúa đã được minh chứng trong Thánh Kinh.

Mặc khải thần linh nhờ Ngôi Lời của Thiên Chúa đối với cách hiểu Do Thái-Kitô giáo là con đường mà qua đó Thiên Chúa tự mình truyền thông với con người. Theo cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh, sách “Sáng Thế,” Thiên Chúa sáng tạo thế giới và con người nhờ Lời được truyền thông của Người “Hãy có…” Ngôi Lời của Thiên Chúa sáng tạo một trật tự như những điều kiện sống mà trong đó con người có thể sống. Điều này được chứng thực một cách kiên định bởi Thánh Kinh: Sau khi con người sa ngã, Lời Thiên Chúa hứa với con người, lời hứa ấy thúc đẩy, động viên họ, nó trao cho con người một sứ mạng cụ thể và làm cho họ có khả năng đáp trả lại Thiên Chúa. Thông qua mặc khải thần linh, Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử con người.

Đặc tính của mặc khải của Thiên Chúa trong Cựu Ước là sự can thiệp của Người vào lịch sử loài người, cách cụ thể trong lịch sử Israel. Đó là sự can thiệp chỉ vì việc tuyển chọn tự do của Người. Sự can thiệp này được quan niệm dưới hình thức một cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Israel, dân Người chọn. Thiên Chúa nói, Israel lắng nghe và đáp trả. Thiên Chúa nói với con người; con người lắng nghe Thiên Chúa, đáp trả bằng đức tin và sự vâng phục. Sự thật và nội dung của truyền thông này được gọi là mặc khải. Trên thực tế, nghĩ về cách thức mặc khải của Thiên Chúa là nghĩ về những chiều kích của sự truyền thông của Người.

Về tổng thể, sự truyền thông của Thiên Chúa chứa đựng vô số dạng thức và phương tiện, trước hết như là kinh nghiệm của Israel về hoạt động của một quyền năng tối thượng làm thay đổi dòng lịch sử và hiện hữu mỗi cá nhân. René Latourelle nói rằng “hoạt động này không phải là một sự phô bày quyền lực tàn bạo, nhưng nó luôn được kết hợp chặt chẽ trong lời nói.”[99] Dân Israel hiểu toàn bộ lịch sử của mình như được khởi sự và đồng hành bởi Lời Thiên Chúa. Quyền năng của Lời Chúa là sự đối thoại, loan báo, giải thích, tỏ lộ một kế hoạch. Tuy nhiên, trong tiến trình mặc khải qua Cựu Ước, Thiên Chúa không nói với toàn thể nhân loại, nhưng trước hết Người chọn dân Israel. Những người này là các trung gian chuyển trao lời Người cho những người khác.

Cựu Ước rất thường sử dụng diễn ngữ “Lời Yahweh” như một lối diễn tả ưa thích, để diễn tả sự truyền thông của Thiên Chúa. Những cuộc thần hiện, những tỏ lộ hữu hình luôn tùy thuộc lời. Trong mặc khải Cựu Ước, tiên vàn không phải là việc nhìn thấy thần tính, nhưng là việc lắng nghe Lời Thần Linh. Lời Thiên Chúa kêu gọi Abraham được trình bày như một hành động nói thuần túy từ phía Thiên Chúa (St 12, 1tt). Thiên Chúa nói với Môsê “mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau” (Xh 33, 11). Trong mặc khải trên núi Sinai, toàn bộ sức nặng của câu chuyện đặt trên Lời Chúa. Giữa các ngôn sứ, lời cũng đóng một vai trò cốt yếu, ngay cả trong các thị kiến của các ngài. Thông qua lời của mình, Thiên Chúa thông truyền chính mình và đưa con người đi tới hiểu biết về sự hiện hữu mật thiết của Người. Lời Thiên Chúa, trong toàn bộ dòng lịch sử của Israel, hướng dẫn và truyền cảm hứng cho dân tộc này.[100] Tận điểm của tiến trình truyền thông thần linh này là Israel đi đến hiểu biết Thiên Chúa của họ và sống với Người qua giao ước.

3.1 Những khoảnh khắc căn bản của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong Cựu Ước

“Toàn bộ Cựu Ước có thể được xem như một tường thuật về việc Thiên Chúa truyền thông với Israel, dân Người.”[101] Cựu Ước là một bằng chứng về đức tin của Israel. Trong phần Kinh Thánh này, Israel truyền lại cho các thế hệ sau kinh nghiệm về Thiên Chúa, Đấng hành động bằng nhiều con đường truyền thông khác nhau trong suốt lịch sử của họ và cũng là Đấng tự mình xác nhận ý định và quyền năng của Người để cứu độ dân Người đã tuyển chọn.

Trong bộ Ngũ Kinh, Kinh Thánh thuật lại chi tiết lịch sử cứu độ của Israel: từ những nguồn gốc, việc kêu gọi và giải phóng khỏi Ai Cập cho đến việc bước vào Đất Hứa. Trong cuốn Einleitung in das Alte Testament (Dẫn vào Cựu Ước) của mình, Erich Zenger mô tả một lịch sử truyền thông giữa Thiên Chúa và Israel. Thiên Chúa chia sẻ bản thân mình cho các tổ phụ. Người mặc khải chính mình cho Môsê được biết kế hoạch của Người. Người bày tỏ sự hiện diện của Người bằng nhiều cách khác nhau trong hành trình băng qua sa mạc của Israel. Cao điểm của sự gặp gỡ này là việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trên nui Sinai, tại đó Thiên Chúa ban cho Israel lề luật của Người là Thập Giới. Luật này làm cho họ trở thành một dân thánh, một dân có Thiên Chúa hiện diện ở giữa.[102]

Không phải là không có lý do mà câu chuyện về sáng kiến của Thiên Chúa trong việc tiếp tục truyền thông với con người được trình bày một cách trực tiếp sau khi nhân loại thất bại trong việc xây dựng một thành phố nhằm mục đích sống cùng nhau và giữ sự truyền thông với nhau, ngay cả “để làm rạng danh” hơn cho chính mình; kế hoạch đó đã không thành công (St 11). Câu chuyện tháp Babel vẫn còn là một biểu tượng về sự truyền thông lỗi và sự hiểu sai giữa con người vì công việc này chỉ dựa vào khả năng và sức mạnh của con người. Phía trong câu chuyện về loài người (St 1 – 9), Thiên Chúa nói với một người cụ thể là Abram nhằm mặc khải chính mình Người, và truyền thông kế hoạch của Người cho nhân loại, và như thế câu chuyện giữa Thiên Chúa và Israel, được nhìn theo nhãn quan Kinh Thánh, bắt đầu (St 12). Thiên Chúa thông truyền kế hoạch của Người cho Abraham, và hứa với ông rằng ông sẽ trở thành cha của một dân tộc lớn và một phúc lành cho họ, những người mà với họ ông chia sẻ cùng một sự sống (St 12, 1 – 3). Theo Erich Zenger, sự tuyển chọn Abraham và lời hứa ban đất là hai yếu tố cấu thành sự hiện hữu của Israel.[103] Sách Xuất Hành thuật lại lịch sử giải thoát Israel. Cao điểm là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa tại núi Sinai. Trong câu chuyện, Thiên Chúa đến tiếp xúc với dân được chọn thông qua Môsê. Thiên Chúa hiện ra với Môsê, nói với ông, và kêu gọi ông trở thành tôi tớ đặc biệt của Người từ bụi gai bốc cháy (Xh 3, 2). Về câu chuyện của Môsê, Eilers bình luận rằng Môsê đã tiến lại gần bụi gai hầu chắc là “vì tò mò nhiều hơn.” Ở đây, “Thiên Chúa sử dụng nhu cầu và khuynh hướng chung về thông tin của con người để thiết lập những mối tương quan và chuyển trao những sứ điệp và mối quan tâm của Người.”[104]

Israel đi tới “nhận biết” Thiên Chúa trước hết khi họ kinh nghiệm về quyền năng mà Người dùng để giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập; và họ tiếp tục đào sâu đức tin của mình nhờ nhiều lời nói và việc làm mà Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử của chính họ.[105] Trong biến cố truyền thông này, Thiên Chúa sử dụng tự nhiên (các tai ương bên Ai Cập, việc vượt qua Biển Đỏ) nhằm biểu lộ quyền năng và ý định của Người để giải phóng Israel và làm họ trở thành dân được Người chọn. Ngay cả một cường quốc như Ai Cập cũng không thể ngăn cản Thiên Chúa thực hiện kế hoạch của Người cho Israel. Cuộc giải thoát này đạt tới đích điểm trong cuộc thần hiện tại núi Sinai, nơi Thiên Chúa tỏ lộ chính mình cho Israel và ký kết giao ước với họ (Xh 19, 1 – 7). Theo Martini, giờ phút ký kết giao ước trên núi Sinai là một “biến cố căn bản” trong việc Thiên Chúa truyền thông với Israel.[106] Trong tương quan đặc biệt này, Lời Thiên Chúa (Thập Giới: “Mười Lời”) được thông truyền là điều đặt nền tảng cho sự hiện hữu của Israel và làm cho họ trở thành một dân. Thiên Chúa gọi họ ra khỏi Ai Cập, đồng hành với họ qua sa mạc, và lúc bấy giờ quy tụ họ lại và ban cho họ Lời Người, Lời đặt nền tảng và bảo đảm cho một dân vừa mới ra đời (Xh 20, 2 – 17). Theo Erich Zenger, biến cố truyền thông này là yếu tố thứ ba trong sự hiện hữu của Israel.[107] Sự truyền thông của Thiên Chúa nhắm vào việc làm cho con người tham dự vào mối hiệp thông thần linh. Biến cố trên núi Sinai là khoảnh khắc có ý nghĩa hiện sinh của tương quan truyền thông giữa Thiên Chúa và dân Israel. Trong biến cố này, Thiên Chúa biến Israel, như là con đầu lòng của Người, thành đối tác truyền thông của Người để rồi từ đây về sau họ sống trong tương quan với Thiên Chúa nhờ việc tuân giữ giao ước. Bởi điều này, Zenger gọi phần đầu của Kinh Thánh, thường được biết đến như Cựu Ước, là Giao Ước Thứ Nhất.[108] Dựa trên kinh nghiệm này, Israel tin rằng chính Thiên Chúa, Đấng đã nâng họ lên khỏi sự hư không của ách nô lệ Ai Cập, cũng là Đấng đã gọi vũ trụ ra khỏi hư vô mà đưa vào hiện hữu.

Từ cách nhìn này, thế giới được đặt nền tảng trên lời Thiên Chúa. Sự truyền thông của Thiên Chúa vận hành một cách cụ thể và đó là căn bản cho mọi sự kiện và biến cố trong thế giới. Thiên Chúa phán và mọi thứ được tạo thành. Người đặt tên cho các tạo vật, và ngay khi Người cất tiếng, tạo thành được gọi ra từ hư vô. Lời Thiên Chúa ban hiện hữu và sự sống cho thực tại được tạo thành (St 1, 1tt). Thánh Vịnh 33 diễn tả niềm tin này: “Một lời CHÚA phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú… Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dụng nên” (Tv 33, 6, 9). Các tạo vật được gọi vào hiện hữu bởi lời Thiên Chúa. Chúng biểu lộ sự hiện diện, vẻ uy nghi, sự khôn ngoan của Người (Tv 19, 2 – 5; G 26, 7 – 14; Cn 8, 22 – 31; Hc 42, 15 – 43; Kn 13, 1 – 9). Trong các bản văn khác của Cựu Ước, Thiên Chúa thông truyền chính mình dưới hình thức các cuộc hiện ra trong thiên nhiên: Người xuất hiện ẩn giấu trong đám mây (Xh 13, 21), bốc cháy như một ngọn lửa (Xh 3, 2; St 15, 17), ầm ầm trong bão tố (Ex 19, 16; Tv 29, 2tt), nhẹ nhàng như một cơn gió thoảng (1V 19, 12tt), một kiểu truyền thông không lời đồng hành và xác nhận Lời Thiên Chúa. Hơn nữa, Lời Chúa làm nên trật tự, bảo vệ sự sống con người. Theo nguồn văn truyền thống tư tế trong Cựu Ước, vũ trụ là sự biểu lộ ý muốn của Thiên Chúa mà qua các tinh tú và biển khơi xác định thời gian phụng vụ, các ngày Sabat và các đại lễ (St 1, 3 – 8); sự truyền thông của Thiên Chúa tạo nên trật tự như là điều kiện sống chống lại sự hỗn loạn phá hủy đời sống.[109] Sau khi Israel đã đạt được đời sống mới do sự can thiệp nhưng không của Thiên Chúa, họ phải duy trì đời sống này bằng việc giữ gìn trật tự mà Thiên Chúa đã ban cho họ nhằm bảo vệ cuộc sống. Bằng cách đó, Thiên Chúa liên tục thông truyền mệnh lệnh của Người từ “lều hội ngộ” như là biểu tượng của sự hiện diện của Người giữa Israel (Lv 1, 1). Toàn bộ sách Levi mô tả những luật lệ bảo đảm cho cộng đồng mới này.

Biến cố mang tính truyền thông tại núi Sinai vẫn luôn duy trì khoảnh khắc trung tâm và căn bản của sự truyền thông của Thiên Chúa. Nhờ Lời Chúa đã được thông ban trên núi Sinai, Israel đã đạt được căn tính dân tộc và tôn giáo của mình. Trong suốt thời lưu đày, Israel dường như đã đánh mất căn tính dân tộc và tôn giáo này, vì Thiên Chúa đã dường như bỏ rơi họ. Tuy nhiên, ngay cả khi đền thờ và đất nước không còn nữa (đền thờ Jerusalem đã bị phá hủy, Israel đã bị tản mác), Thiên Chúa cũng không ngừng thông ban Lời của Người cho những người bị phân tán thông qua các ngôn sứ. Người đã dùng các ngôn sứ để an ủi và soi sáng cho Israel trong hoàn cảnh mới. Lời Người thông ban đã đem lại hy vọng cho những người bị tản mác sống trong cảnh lưu đày (Ed 33, 1tt). Nhờ các ngôn sứ, Thiên Chúa đã nhắc nhỡ Israel về nguồn gốc của họ, về nơi mà Thiên Chúa đã làm cho họ trở thành một dân tộc từ sự hư không bên Ai Cập. Ngay giữa một hoàn cảnh tuyệt vọng, Thiên Chúa đã gửi các ngôn sứ của Người, những người đã truyền rao, công bố và loan báo lời Người cho Israel. Theo René Latourelle, “Yahweh nói Lời Người cho vị ngôn sứ. Nơi vị ngôn sứ, Lời này trở nên một thực tại năng động, được ban chính quyền năng của một Thiên Chúa là Đấng thông truyền.”[110] Theo Zenger, Thiên Chúa đã thông ban chính mình nhờ các ngôn sứ trong tư cách là một Thiên Chúa duy nhất trao phó chính mình cho lịch sử nhân loại và thế giới.[111]

Giữa cơn khủng hoảng mang tính dân tộc và tôn giáo, Israel đã nghe đi nghe lại Lời Thiên Chúa, Lời có một quyền năng hoạt động trên mọi thực tại được tạo thành (Is 40, 26; 45, 16; 48, 13). Lời Thiên Chúa đã không chỉ sáng tạo và thống trị trên mọi sự mà còn là động lực của lịch sử. Từ khởi đầu lịch sử Israel, Thiên Chúa luôn truyền thông Lời và mặc khải kế hoạch của Người cho dân được tuyển chọn (Is 45, 18 – 19; 48, 16). Thiên Chúa nắm giữ những cực điểm của lịch sử (Is 41, 4; 44, 6; 48, 12). Lịch sử của Israel có thể hiểu được bởi vì nó trải dài theo một kế hoạch mà Thiên Chúa mặc khải một cách tiệm tiến cho con người. Lời ngôn sứ tìm được phạm vi hoạt động của nó trong lịch sử, Latourelle phát biểu rằng “lời ngôn sứ là người tác tạo và giải thích lịch sử.”[112] Dân Do Thái đã đi đến hiểu biết Thiên Chúa bằng cách họ đã kinh nghiệm về sự can thiệp của Người trong dòng lịch sử nhân loại: sự khai sinh Israel như là một dân tộc, việc giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, hành trình quanh co qua sa mạc, việc xâm chiếm Đất Hứa. Suốt 40 năm, Thiên Chúa đã cùng đồng hành với dân Người qua mọi nẻo đường, đã biểu lộ sự hiện diện của Người ngang qua nhiều dấu lạ và điềm thiêng, dẫn dắt họ như một người mục tử. Vị ngôn sứ liên tiếp nhắc lại những sự kiện ấy, hoặc là để nhắc nhở Israel về lòng trung thành họ phải có với giao ước, hoặc là trong suốt thời gian lưu đày, để công bố về một cuộc xuất hành mới, một giao ước mới (Is 54 – 55).

Hoạt động của Thiên Chúa, điều khiến cho lịch sử trở thành một công trình cứu chuộc hay sự luận phạt, là sự truyền thông không ngừng của Người. Sự truyền thông này khởi động và hướng dẫn mọi biến cố, và giải thích những ý nghĩa của lịch sử Israel. Khi LỜI tác động trên các sự vật, nó tác thành, khi tác động trên con người, nó trở thành luật. Mọi biến cố mang tính lịch sử của Israel phải được nhìn dưới nhãn quan về một Thiên Chúa truyền thông. Lời ngôn sứ không chỉ loan báo về lịch sử và làm nó vận động, mà còn lý giải nó. Vị ngôn sứ ngụp lặn trong lịch sử thời đại của ngài; trong thực tế lịch sử này, Thiên Chúa mặc khải ý định của Người, kế hoạch cứu độ của Người cho ngài. Vị ngôn sứ phục vụ như người trung gian giữa Thiên Chúa và con người trong kế hoạch mang tính cứu độ này. Dựa trên lời Thiên Chúa, vị ngôn sứ nhận thức được ý nghĩa của các biến cố, giải thích lịch sử từ cái nhìn của Thiên Chúa, và làm cho con người thời đại ngài hiểu được nó. Latourelle chỉ ra rằng “nội dung chính xác của lời này (lời Thiên Chúa) trở nên có thể hiểu được chỉ nhờ lời của vị ngôn sứ. Mặc khải-biến cố và mặc khải-lời, có thể nói được, là hai mặt của lời Thiên Chúa.”[113]

Văn chương khôn ngoan là điển hình một truyền thống rất xa xưa trong Israel (1V 5, 9 – 14; 10, 1 – 13, 23 – 25). Theo Latourelle, văn chương khôn ngoan ưa thích tính đại chúng mới trong các thời Ba Tư và Hy Lạp: các sưu tập hiện hành (ví dụ Cn 10, 1 – 22, 16; 25 – 29) được gia cố thêm bởi nhiều tác phẩm (Gióp, Giảng Viên, Huấn Ca, Khôn Ngoan). Văn chương khôn ngoan thì có lên hệ với nỗ lực nhân loại hướng tới một tri thức đúng đắn cho phép con người nhận thức được trật tự bao trùm tất cả, tồn tại trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, dân Israel tin rằng sự khôn ngoan được đặt nền tảng trên lòng kính sợ Chúa (Cn 1, 7). Có nhiều dạng truyền thông khôn ngoan: các châm ngôn, bài thuyết giảng, ngụ ngôn, thơ ca, chuyện kể v.v… Israel có được những hiểu biết khôn ngoan của mình nhờ những kinh nghiệm trong đời sống cùng nhau và bởi sự gặp gỡ giao lưu văn hóa với các dân tộc láng giềng khác. Những kho tàng khôn ngoan đã sớm được Israel biến đổi thành một công cụ cho việc truyền thông sứ điệp của Thiên Chúa. Cũng một Thiên Chúa ấy, Đấng ban ánh sáng cho vị ngôn sứ, là Đấng vận dụng kinh nghiệm nhân loại để thông ban chính mình cho con người (Cn 2, 6; 20, 27). Ban đầu, sự khôn ngoan này là suy tư đơn sơ, tích cực và hiện thực, về cách cư xử của một người, nhằm giúp người ấy hướng dẫn đời sống của mình với sự cẩn trọng và chín chắn. Trong văn hóa Hy Lạp, suy tư này sẽ mang một xu hướng tự biện hơn và biến đổi thành triết học. Tại Israel, kho tàng kinh nghiệm và khôn ngoan nhân loại đã nhanh chóng được sống động hóa bởi hơi thở tôn giáo của Yahweh: kinh nghiệm và sự khôn ngoan nhân loại được thâu nhận, nhưng được giải thích và truyền lại dưới ánh sáng của đức tin vào Đức Yahweh của Israel. Hơn nữa, kinh nghiệm mà từ đó suy tư khôn ngoan này thường xuyên được thanh luyện để thuộc về mặc khải: sáng tạo (Hc 43), lịch sử khiến cho người ta nhận biết những đường lối của Thiên Chúa (Hc 44 – 50), các sách lịch sử, Luật và các ngôn sứ (Hc 39, 1tt).[114]

Biểu đồ dưới đây minh họa cho tiến trình truyền thông của Thiên Chúa ngang qua Lời Người trong suốt lịch sử Israel. Nó cho thấy Lời Thiên Chúa được truyền thông như thế nào, những đặc tính và mục đích của Lời ấy.

3.2. Tác động lý tính và năng động của Lời Thiên Chúa

Ngang qua mọi cách thức mà Thiên Chúa truyền thông với con người trong lịch sử Israel, Lời Thiên Chúa tự bản tính mang một chiều kích lý tính và năng động. Latourelle phân tích ý nghĩa của dabar nhằm cho thấy tính hai mặt này của lời Chúa. Datar là “điều thốt ra khỏi miệng” (Ds 30, 13) hay “môi mép” (Gr 17, 16) một người, nhưng cũng có nguồn mạch nơi lòng người ấy. Dabar diễn tả, thể hiện ra bên ngoài điều mà một người đã quyết định trước trong tâm hồn (St 17, 17; Tv 14, 1), hoặc điều nảy sinh từ trong lòng (Gr 3, 16; Is 65, 17) hay trong tâm trí người ấy. Như thế, lời không phải là sự diễn tả thuần túy các ý tưởng trừu tượng; nó tràn đầy ý nghĩa, nó có một nội dung lý tính, do bởi sự tập trung của một người về một đối tượng hay do sự xuất hiện những tư tưởng bên trong chộp lấy người ấy, nhưng cùng lúc nó lại diễn tả một trạng thái của tâm hồn; một điều gì thuộc về tâm hồn người ấy thấm nhuần lời được nói ra, được thốt lên rõ ràng. Latourelle nói như sau:

Đối với Israel, lời có tác động hai mặt: lý tính và năng động. Một mặt, nó là sự diễn tả những tư tưởng, ý định, kế hoạch, quyết định; nó là bài diễn văn có thể hiểu được; nó làm sáng tỏ ý nghĩa của các sự kiện; nó “đặt tên” cho các sự vật, vì tên gọi là thực tại trong mức độ thực tại có thể hiểu được. Và mặt khác, nó là một tác động năng động, một năng lực hoàn tất điều nó biểu thị; nó ảnh hưởng đến điều mà một người suy nghĩ và quyết định trong lòng. Lời của khao khát, của hứa hẹn, của lệnh truyền – hoạt động của nó kéo dài xuyên suốt toàn bộ tiến trình mà nó phát động.[115]

Từ hậu cảnh này, lời Thiên Chúa, trong một ý nghĩa sâu xa, thông truyền hữu thể thâm sâu nhất của Người để trao ban sự sống cho con người và đồng thời biến đổi hướng đi của đời sống họ. Khi Lời Thiên Chúa được thông truyền cho một người, Lời ấy buông lỏng một năng lực vận hành và một cách căn bản biến đổi cuộc sống người ấy. Con người ấy, người mà Thiên Chúa đã truyền thông với, không còn như một người như trước kia nữa. Đời sống người ấy bị thay đổi bởi sự truyền thông của Thiên Chúa: người ấy được kêu gọi hướng tới một căn tính mới hay một đời sống mới. Sự thực này được tỏ lộ trước hết trong sự thay đổi tên gọi, và luôn liên quan đến công thức “chúc lành và nguyền rủa” (St 17, 5, 15; 35, 10 và St 27; 2Sm 12, 1 – 8; 5, 12 – 31). Lời Thiên Chúa có tính chất lý tính cũng như năng động. Một mặt, nó sáng tạo thế giới, áp đặt luật lệ của Người, và phát động lịch sử. Mặt khác, nó biểu lộ ý định của Thiên Chúa, kế hoạch cứu độ của Người. Lời Thiên Chúa tác động một cách không có ngoại lệ đến điều mà nó nói. Thiên Chúa sai Lời Người đến như một sứ điệp sống động và Người canh giữ nó nhằm hoàn thành nó.

3.2 Những đặc tính của sự truyền thông thần linh

  • Trước tiên, Thiên Chúa là Đấng có sáng kiến thông truyền chính mình cho con người qua một biến cố mang tính truyền thông liên ngôi vị. Thiên Chúa đồng thời là chủ thể và đối tượng trong toàn bộ tiến trình: Thiên Chúa, Đấng thông truyền chính mình và Đấng để cho chính mình được truyền thông. Theo Greshake, khi Thiên Chúa trao ban chính mình cho con người trong Lời Người, tiến trình trao đổi qua lại vừa mang tính khách quan vừa mang tính chủ quan của Lời này được xác định và thực hiện một cách tuyệt diệu.[116] Thiên Chúa hằng sống bước vào trong tương quan với con người. Người thiết lập một giao ước với con người, giống như một vị Chúa Tể với tôi tớ của mình, và như thế, một cách liên tục, như một người cha với đứa con của mình, như một người với bạn hữu của mình, như một chàng rể với nàng dâu của mình. Sự truyền thông của Thiên Chúa đưa con người vào mối hiệp thông với Người vì ơn cứu độ của con người ấy. Trong sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Israel, không phải con người khám phá Thiên Chúa. Đúng hơn, Thiên Chúa là Đấng tỏ mình ra khi Người muốn, cho kẻ mà Người muốn, và bởi vì Người muốn. Việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình xảy ra do bởi ý định tự do và yêu thương của Người. Thiên Chúa có sáng kiến chọn dân Người, ban cho họ lời hứa của Người, và đưa họ vào tương quan thân tình với Người. Người là Đấng ấn định giao ước trước. Đồng thời, Người cũng là Đấng canh tân khả thể và khả năng (tái) truyền thông vì ơn cứu độ con người. Theo cách nhìn này, sự truyền thông của Thiên Chúa là một quà tặng. Nó đem đến sự tự do để sống trong một tinh thần tương quan và đối thoại hỗ tương
  • Thiên Chúa thông ban chính mình nhờ Lời Người. Tôn giáo của Cựu Ước là một tôn giáo của Lời. Lời Thiên Chúa mà xưa kia đã gọi vạn vật bước vào hiện hữu đã tiếp tục được biểu lộ trong suốt lịch sử Israel, nhằm mục đích tái kết nối Israel với Thiên Chúa. Lời ấy tạo thành và che chở sự sống của con người. Lắng nghe Lời Thiên Chúa và tuân giữ lời ấy, Israel đi đến nhận biết Người và kế hoạch của Người. Phúc lành hay sự nguyền rủa, sống hay chết đều phụ thuộc vào thái độ con người chấp nhận hay chối từ Lời Thiên Chúa (Dt. Chương 5 và 6). Nhưng mục tiêu và tận điểm của việc Thiên Chúa truyền thông là sự sống và ơn cứu độ con người, là mối hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa. Sự thông ban Lời Thiên Chúa biểu lộ một nguyên mẫu nền tảng: (1) Lời tạo nên một trật tự chống đỡ cuộc sống con người trong tương quan của nó với Thiên Chúa và với tha nhân; (2) Lời mời gọi con người bước vào một đời sống với Thiên Chúa; (3) khi mà con người không vâng phục Lời Thiên Chúa, điều này sau đó gây nên sự đánh mất căn tính tôn giáo và dân tộc của Israel, thì Lời ấy lại cho phép một hiện hữu mới và mời gọi Israel quay trở lại mối hiệp thông với Thiên Chúa; và (4) Lời giúp Israel đọc và hiểu lịch sử của mình.
  • Sự truyền thông của Thiên Chúa không trừu tượng, nhưng Lời Người được nói một cách cụ thể, trong lịch sử và qua lịch sử. Sứ điệp của Thiên Chúa luôn được tháp nhập vào lịch sử. Người sử dụng các phương thế tự nhiên, những kinh nghiệm nhân loại và lịch sử để truyền thông ý định của Người cho con người. Người dùng nhiều cá nhân (các tư tế, các hiền nhân và các ngôn sứ, các vị vua và những người quyền quý, những nông dân và người mục tử, phụ nữ và đàn ông) để chuyển trao sứ điệp của Người. Người chọn nhiều cách truyền thông khác nhau (các cuộc thần hiện, các giấc mơ, các cuộc hội đàm, các thị kiến, các cuộc xuất thần v.v…) để tỏ cho Israel biết kế hoạch của Người. Người diễn tả ý định của Người trong các sấm ngôn, lời khuyên nhủ, thuật truyện, miêu tả, thánh thi, văn chương khôn ngoan, suy niệm, v.v… Nói cách khác, Người sử dụng các nền văn hóa và các phương tiện truyền thông nhân loại để tiếp cận con người nhằm giúp họ có thể nghe Lời Người. “Như thế, Thiên Chúa truyền thông theo nhiều cách, bằng lời cũng như không lời, và cuối cùng sự truyền thông của Người được trình bày, duy trì và đóng ấn xác nhận trong một cuốn sách, một phương tiện truyền thông là bằng chứng về hành động truyền thông của
  • Thiên Chúa.”[117]

Nghiên cứu sự truyền thông của Thiên Chúa theo lối nhìn Thánh Kinh, Martini nhận ra một số tiêu chuẩn cho sự truyền thông của Thiên Chúa mà ngài xem như là cơ sở cho bất cứ sự truyền thông nào của con người và của người Kitô hữu.[118]

  1. Việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình được chuẩn bị trong thinh lặng và trong bí mật của Người. Đó là một “mặc khải mầu nhiệm vốn được giấu kín từ ngàn xưa” (Rm 16, 25). Đó là mầu nhiệm “được giấu kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật” (Ep 3, 9).
  2. Thiên Chúa truyền thông với con người cách liên tục, tích lũy và có tính lịch sử. Việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình không được thực hiện chỉ trong một chốc lát, nhưng đúng hơn gồm chứa nhiều thời điểm và sự kiện khác nhau cần phải được hiểu và đọc trong toàn bộ tiến trình của chúng. Nó diễn ra trong những cảnh huống của thế giới chúng ta, những cảnh huống cũng bị biến đổi theo cùng theo cách này. Sự truyền thông của Thiên Chúa được nhận biết thông qua các biến cố và ngôn từ có liên quan đến nhau và giải thích cho nhau. Toàn bộ biến cố mang tính truyền thông này được gọi là “lịch sử cứu độ” và được tường thuật trong Kinh Thánh – cuốn sách về sự thông ban chính mình của Thiên Chúa.
  3. Việc Thiên Chúa truyền thông hiện thực học chính nó theo một đường lối biện chứng. Sự truyền thông này không xuất phát từ vinh quang đến vinh quang, trong ánh sáng mà không chút mờ tối. Đúng hơn, có một chuỗi kế tiếp nhau các biến cố của ánh sáng và của bóng tối. Chỉ một sự giải mã kiên nhẫn toàn bộ tiến trình của các ngôn từ và sự kiện mới có thể dẫn tới sự hiểu biết đầy đủ về sự truyền thông của Thiên Chúa. Điều kiện là phải sẵn lòng kiếm tìm và chấp nhận những dấu vết của sự hiện diện của Thiên Chúa, chuẩn bị chính mình mà đón nhận sứ điệp của Người. Toàn thể truyền thông thì từ tốn, thận trọng và tôn trọng người khác.
  4. Sự truyền thông của Thiên Chúa không đạt tới viên mãn trên thế gian này. Người ta phải phân biệt giữa truyền thông “trên đường đi” (in via) và truyền thông “về đến nhà” (in patria). Sự truyền thông của Thiên Chúa trên trần gian có những giá trị của nó trong việc tham dự trước vào điều sẽ đến vào lúc viên mãn thời gian khi chúng ta thấy Thiên Chúa như Người là (1Ga 3, 2). Mọi truyền thông trong lịch sử đều là chưa hoàn thành trong cái nhìn hướng về sự viên mãn cuối cùng của Nước Thiên Chúa. Điều này cho thấy rằng trên thế gian này chúng ta sẽ không bao giờ biết hoàn toàn về người khác, về điều người ấy là. Sẽ luôn luôn có một bí mật, một không gian riêng không thể được làm sáng tỏ hoàn toàn, ngay cả trong bản thân chúng ta.
  5. Việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình mang tính cá vị. Thiên Chúa truyền thông chính mình, chứ không phải là một điều gì khác. Mọi thứ Thiên Chúa thông truyền ra bên ngoài Người đều là dấu chỉ và biểu tượng về ý định thông truyền chính bản thân Người như tặng phẩm cao trọng nhất. Đồng thời, sự truyền thông của Thiên Chúa cũng có tính liên vị. Nó lôi cuốn con người – kẻ nhận lãnh tặng phẩm này. Việc này đòi hỏi sự chú tâm, đón nhận và lắng nghe. Không có lời đáp trả và sự phản hồi thì cũng không có truyền thông chân thực. Thiên Chúa hằng sống kêu gọi con người sống động đánh thức chính mình để tin tưởng và hy vọng.
  6. Sau cùng, sự truyền thông của Thiên Chúa mang lấy mọi dạng thức truyền thông liên vị. Sự truyền thông của Người thì có tính thông tin, lôi cuốn và đồng thời là tự truyền thông. Trong sự truyền thông của Người, Thiên Chúa thông tin về chính Người và lôi cuốn con người bằng cách mời gọi, hứa, ngăm đe, răn bảo; nhưng toàn bộ hành động truyền thông của Người rốt cuộc chỉ là tự truyền thông bởi vì điều Người thực sự muốn thông truyền là Ngôi vị của Người.

Có nhiều cách thức khác nhau để Thiên Chúa truyền thông trong Cựu Ước. Chúng được trình bày trong hình thức những lời hứa, những mệnh lệnh và sự ngăm đe; những cuộc thần hiện khủng khiếp hay thân thiện, những sấm ngôn, những giấc mơ và thị kiến, những nghi lễ và thể chế. “Trong Tân Ước, vô số những hình thức này tự biến chuyển thành sự hợp nhất của Ngôi Vị Chúa Con nhập thể, diễn tả chính Người nhờ xác phàm, tức là, bằng cử chỉ, lời nói và hành động.”[119]

4. Những chiều kích của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong mầu nhiệm Nhập Thể.

Việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình đã đạt tới cao điểm trong sự Nhập Thể của Con Người, Ngôi Lời trở nên xác phàm (Ga 1, 14). Việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình giờ đây là một sự truyền thông và hiệp thông rất cá vị. Đức Giêsu mặc khải, trong và qua hữu thể của Người, Hình Ảnh trung thực của Thiên Chúa mà cùng lúc tỏa chiếu ánh sáng trên hình ảnh chân thực của con người. Trong sự Nhập Thể của Chúa Con, Thiên Chúa tự mình đi vào thế giới con người. Lời Thiên Chúa, lời được nói qua các tổ phụ và ngôn sứ, trở nên hữu hình và khả giác nơi Đức Giêsu Kitô. Thư gửi tín hữu Do Thái tóm tắt tiến trình truyền thông thần linh này như sau:

Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật (Dt 1, 1 – 3).

Trong Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, Chúa Con hiện diện trong thế giới con người. Người nói, rao giảng, dạy dỗ, biểu lộ và tiếp xúc với con người, cách đặc biệt bằng quyền năng chữa lành của Người để chúng ta có thể hiểu, đồng hóa và nhận biết Thiên Chúa. Người nói, rao giảng, dạy dỗ, và chứng thực cho điều mà Người đã thấy và nghe nơi cung lòng Chúa Cha. So với mạc khải trong Cựu Ước, Lời Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô không chỉ là một nhân tố vững bền trong lịch sử nhân loại, mà Lời ấy đã trở nên cho chúng ta một “trung gian truyền thông” qua đó Thiên Chúa hoàn toàn tỏ lộ chính mình cho con người.[120] Đức Kitô là chóp đỉnh và là viên mãn của mặc khải và sự truyền thông của Thiên Chúa. Tân Ước đưa ra nhiều tường thuật và câu chuyện như là những chứng từ về Biến Cố Đức Giêsu: Ngôi Lời đã thành xác phàm. Như một toàn thể, đó là một minh chứng về Thiên Chúa hằng sống, Đấng tự mình dự phần vào cuộc sống con người và nhờ đó cho phép con người tham dự vào đời sống thần linh của Người.

Những cảnh huống của cuộc sống Đức Giêsu Kitô như thế phải được xem như là truyền thông: cách thế đơn sơ trong việc Người được hạ sinh, những năm ẩn dật của Người tại Nazareth như sự chuẩn bị cho sứ vụ công khai, vị thế xã hội của Người như là con bác thợ mộc, 40 ngày trong sa mạc, cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá của Người, tất cả những điều này cho thấy cách thức mà Đức Giêsu Kitô đã truyền thông.[121] Ở đây là một số khoảnh khắc chủ yếu của việc Thiên Chúa thông ban chính mình trong Tân Ước thấm nhập toàn bộ cuộc sống con người.

4.1. Những thời điểm căn bản của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong Tân Ước

1/ Phép rửa của Đức Giêsu – một chiều kích mới của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình

Từ thời ngôn sứ Malachi, Thiên Chúa dường như giữ thinh lặng. Nhưng giờ đây, trong một biến cố đặc biệt này, Thiên Chúa một lần nữa phá vỡ sự thinh lặng của Người và nói với con người. Phép rửa của Đức Giêsu là một hành động mang tính truyền thông Ba Ngôi của Thiên Chúa cho con người, hành động này mang đặc tính của một cuộc xuất hành mới: (1) Chúa Cha, một cách mới mẻ và khác thường, ban LỜI của Người; (2) Chúa Thánh Thần công khai vén mở Hình Ảnh trung thực của Thiên Chúa cho những ai hiện diện bằng hành động của phép rửa. Đức Giêsu ở đây được mặc khải như người Tôi Trung đích thực của Thiên Chúa; (3) Chúa Con, cùng với mọi người xếp hàng để chịu phép rửa của Gioan và bằng lòng chấp nhận phép rửa tỏ lòng sám hối, bày tỏ Hình Ảnh chân thực của Con Thiên Chúa cũng như hình ảnh đích thực của Israel, “con đầu lòng” (x. Xh 4, 22). Trong việc chịu phép rửa của Đức Giêsu, Thiên Chúa biểu lộ Hình Ảnh của chính mình trong Chúa Con, nhờ Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu làm hiện lên trong con người của Người một Người Tôi Trung đích thực của Thiên Chúa, Đấng sẽ hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa trao phó; trong cách nhìn này, Người chính là Đấng truyền thông của Thiên Chúa. Trong tư cách là Con Thiên Chúa, là Đấng – với thái độ kính yêu – vâng phục và tôn vinh Cha, Người mang lấy vị thế của dân Israel đích thực, những người cần phải lắng nghe Thiên Chúa; bằng cách này, Người hiện thân tình Con thảo đích thực mà qua đó Người truyền thông với Chúa Cha trong tình yêu. Qua những lời giảng dạy, qua những việc làm kỳ diệu của mình, nhất là qua cái chết và sự phục sinh, Người chính là sự hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa dành cho Israel trong vai trò Con vua Đavit, Đấng mà Thiên Chúa đã hứa sẽ sai đến. Với Người, thời của lòng thương xót và sự tha thứ đã đến.[122] Tất cả những điều này tiêu biểu cho Đức Giêsu như Đấng là sự truyền thông “mới” của Thiên Chúa cho Israel. Đồng thời, chính Người cũng là sứ điệp Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại: Giêsu Kitô là Đấng thông truyền và cũng chính là sự truyền thông. Tất cả những khía cạnh này xác định và thấm nhập toàn bộ cuộc sống của Đức Giêsu. Chúng trở nên khả giác và hữu hình nhờ những những hoạt động của Người.

2/ Đức Giêsu Kitô kêu gọi dân chúng thời Người trong tư cách là Đấng loan báo và khai mở Nước Thiên Chúa. Người làm việc này qua lời giảng dạy, các hành vi, và nhất là qua con người của Người.

Đức Giêsu truyền thông cho con người trong tư cách là thầy dạy sự khôn ngoan tuyệt đỉnh. Trong các mối phúc, Đức Giêsu công bố Nước Thiên Chúa và trình bày điểm cốt yếu trong cương lĩnh của Nước ấy để những người lắng nghe Người có thể ghi nhớ, suy ngẫm và sống nhờ đó (Mt 5, 1 – 12; Lc 6, 20 – 26). Người sử dụng khuynh hướng tâm lý của thính giả, các giá trị văn hóa của họ, những điều được đặt nền tảng trên nhận thức xã hội-văn hóa và tôn giáo của Israel, để giải thích và giới thiệu cho họ ý nghĩa và bản chất của Nước Thiên Chúa. Người đến không phải để hủy bỏ những giá trị đó, nhưng đưa chúng đến chỗ hoàn thành (Mt 5, 17). Điều gọi là những phản đề trong Tin Mừng Matthêu chứng tỏ thẩm quyền và uy thế của Đức Giêsu như là một thầy dạy: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng … Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết …” (Mt 5, 27 – 48). Người thực hiện các hoạt động giảng dạy của mình bất cứ dịp nào và tại bất cứ nơi đâu. “Đức Giêsu chia sẻ sứ điệp của Người về Nước Trời và kêu mời hoán cải bất cứ khi nào Người ra đi như là một nhà giảng thuyết lưu động: bởi đó, Người được gặp thấy tại các hội đường và đền thờ cũng như những nơi chợ búa, trên các ngã đường, trong các tư gia, cả ở bên bờ hồ và trên các ngọn núi.[123]

Trong khi Đức Giêsu dùng những ngôn từ để giải thích tính xác đáng và nội dung của sứ điệp Nước Trời, thì các dụ ngôn và các câu chuyện của Người về cuộc sống thường ngày “họa lại” thực tại Nước Thiên Chúa theo nhận thức của những kẻ nghe Người. Có một phạm vi rộng lớn trong các kinh nghiệm và hoạt động của con người được Đức Giêsu sử dụng để phục vụ cho việc giảng dạy của Người: đứa con hoang đàng, khách bộ hành bị đánh đập và bị cướp trên đoạn đường vắng; kho tàng ẩn giấu được khám phá, người nông dân gieo giống, những nhân công được thuê mướn, người phụ nữ chuẩn bị lên men bột mì, v.v…[124]

Ngoài ra, các phép lạ được Đức Giêsu thực hiện thì thuộc về cùng một cách truyền thông như những lời nói. Chúng là những dấu chỉ mà Đức Giêsu dùng để chứng thực những lời nói của Người, và để biểu lộ Nước Thiên Chúa. Trong suy tư thần học của mình về các phép lạ của Đức Giêsu, René Latourelle nhấn mạnh tới bốn chức năng của phép lạ: (1) truyền thông, (2) mặc khải, (3) chứng thực, (4) giải thoát và nâng cao. Trước hết, ông nhấn mạnh đến chức năng có tính truyền thông của các phép lạ của Đức Giêsu. Theo ông, “chúng không chỉ đơn giản là những dấu hiệu hay vết tích của một sự hiện diện và một hoạt động, mà còn thể hiện một ý định tìm kiếm sự truyền thông liên vị… Như vậy, trước khi có bất cứ sự biệt hóa xa hơn nào, các phép lạ có chức năng truyền thông. Chúng cho thấy Thiên Chúa có ý định muốn đi vào đối thoại bằng hữu với con người.”[125] Đó là đường lối nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng đến cùng với một hành động cứu độ bất tương xứng làm cho con người muốn lắng nghe lời Người. Các phép lạ của Đức Giêsu là một phương thức để Thiên Chúa truyền thông vì hiệp thông, một sự hiệp thông vốn là trung tâm sứ vụ của Người. Có nhiều câu chuyện như chuyện về người thanh niên giàu có (Mc 5, 20), về người phong cùi (Mc 1, 45), về người mù tại Jericho (Mc 18, 52; Lc 18, 43), về một người điếc (Mc 7, 31 – 37) v.v… Những người này bị tách biệt và cô lập. Vì bệnh tật của mình, họ đã đánh mất khả năng và khả thể truyền thông của mình. Nhờ việc chữa lành bệnh tật cho họ, Đức Giêsu tái lập khả năng truyền thông của họ và làm cho họ được quay trở lại với xã hội con người và trong sự hiệp thông với Chúa Cha.[126]

Để tóm kết cách thức truyền thông của Đức Giêsu trong việc công bố Nước Thiên Chúa, người ta có thể nói như sau:

Những phương tiện được Đức Giêsu sử dụng cho việc truyền thông bao trùm toàn bộ phạm vi truyền thông bằng lời và không lời trong thời đại và nền văn hóa của Người. Người truyền thông không lời qua những hành động như các phép lạ, việc chữa lành, đụng chạm, viết trên cát, đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, v.v… Như thế, những hành động của Người có thể là truyền thông cách trực tiếp hay bằng biểu tượng, thể hiện một ý nghĩa sâu xa hơn. Người truyền thông bằng lời qua việc rao giảng, dạy dỗ, đối thoại, chia sẻ nhóm như với các môn đệ của Người và tiếp xúc cá nhân như với ông Nicodemus. Việc rao giảng của Người sử dụng không những các dụ ngôn, những lối ẩn dụ, các châm ngôn, chuyện kể và những tham chiếu đến các kinh nghiệm sống hằng ngày mà còn cả kiểu nói giản dị.[127] (Eilers, 2009b, 55)

3/ Bữa Tiệc Ly là chóp đỉnh sự truyền thông của Thiên Chúa, điều đã được mở đầu bởi phép rửa của Đức Giêsu và đã được thực hiện trong sứ vụ của Người. Trong bối cảnh thân mật này, Thiên Chúa, trong và nhờ Đức Giêsu Kitô, trao ban và mặc khải chính mình như một Thiên Chúa hằng sống mà hiện hữu của Người là một hiện hữu cho người khác.

Trong Bữa Tối Sau Cùng, Đức Giêsu dùng nghi thức đặc biệt của dân Israel như một cách thế để truyền thông tình yêu Thiên Chúa trong một chiều kích sâu xa hơn và đầy mới mẻ. Người lấy tư cách vị gia trưởng trong Israel, người nhắc lại cho con cháu họ về sự giải thoát phi thường đã cứu Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập; trong Bữa Tối ấy, Đức Giêsu giới thiệu cho các môn đệ một chiều kích mới của ơn cứu độ của Thiên Chúa. Quan trọng hơn, trong sự xúc động sâu lắng và khoảnh khắc tuyệt diệu này, Đức Giêsu trao ban chính mình như Con Chiên cứu chuộc và giải thoát nhân loại (Mt 26, 26tt; Mc 14, 22tt; Lc 22, 19tt). Tại điểm nhìn này, Người hành động như một người bạn sẻ chia đời sống thân mật với bạn hữu mình đến mức trao ban chính mình vì sự sống của bạn hữu (Ga 15, 13).

4/ Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh, Thiên Chúa nói “tiếng Có” của Người như một lời đáp trả cho “tiếng Không” của con người, kẻ từ chối lời Người mời gọi chia sẻ đời sống chung và

truyền thông.

Tất cả các giáo huấn, hoạt động và toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu nhắm tới sự hiệp thông trọn vẹn giữa Thiên Chúa và con người. Bản chúc thư của Người cho các môn đệ mặc khải ý muốn thần linh này là “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta, như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17, 21). Qua việc Người công bố Nước Thiên Chúa, qua những dấu lạ và kỳ công chữa lành của mình, Đức Giêsu thông truyền một chuyển động “từ Thiên Chúa đến con người”; đồng thời có một chuyển động hỗ tương trong các hoạt động của Người “từ con người hướng về Thiên Chúa.” Đức Giêsu trình bày cho những kẻ nghe Người và cố gắng đưa họ đến kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa để họ, như một lời đáp trả, có thể truyền thông và bước vào hiệp thông với Thiên Chúa. Người không chỉ giới thiệu cho họ con đường này, mà trong một hành động mang tính truyền thông, Người còn tự mình đi trên con đường ấy. Hơn nữa, Người lôi kéo con người vào trong chuyển động này.

Theo Greshake, chuyển động “từ Thiên Chúa đến con người” và “từ con người hướng về Thiên Chúa” có thể được nhìn thấy một cách rõ ràng nơi biến cố Thập Giá. Thập Giá, từ cái nhìn của Thiên Chúa, là dấu chứng quyết liệt nhất mà Người không ngừng đề nghị để truyền thông và hiệp thông ngay cả khi thế gian từ chối nó. Thập Giá là lời “tiếng Có” tự hủy của Thiên Chúa đối lại “tiếng Không” của con người. Trên thực tế, “tiếng Có” của Thiên Chúa được nói vào trong vực thẳm phi lý giữa Thiên Chúa và thế gian, cái vực thẳm được tạo ra bởi một “tiếng Không” của con người đối với tình yêu và sự sống thần linh. Đồng thời, Thập Giá được đặc trưng bởi một chuyển động “từ con người hướng về Thiên Chúa”: đó là một hy lễ mà Đức Kitô, trong tư cách “con người” – đại diện cho nhân loại – dâng lên Thiên Chúa Cha.[128]

Tất cả những khoảnh khắc truyền thông này của Thiên Chúa hướng tới toàn thể cuộc sống con người: từ khởi đầu cho đến kết thúc. Nói cách khác, tất cả những khía cạnh của đời sống con người được bao bọc và thấm nhập bởi sự hiện diện của Thiên Chúa, sự hiện diện được tỏ bày nơi Đức Giêsu Kitô: từ khởi đầu (phép rửa) cho đến kết thúc (đóng đinh), nhưng vượt thoát nơi sự sống mới trong Thánh Thần (phục sinh) như một hiện hữu truyền thông mới, một sự hiện diện trong hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi.

4.2. Những đặc tính của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình nơi Đức Giêsu Kitô

Chiều kích cốt yếu nhất của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong Tân Ước chính là sự kiện Lời Hằng Hữu của Thiên Chúa đã được nói bởi chính Thiên Chúa – Chúa Con. Bằng cách này, Thiên Chúa hoàn toàn thông ban hiện hữu riêng tư nhất của Người cho nhân loại. Trong Đức Giêsu Kitô, chính Thiên Chúa nói trực tiếp (Ga 1, 1 – 2, 18). Lời Thiên Chúa, trước kia đã được phán truyền, được giải thích và loan báo bởi các ngôn sứ, nay đã trở nên “xác phàm” nơi một con người. Con Thiên Chúa thông ban lời Cha một cách cụ thể qua các giáo huấn, các hoạt động, cuộc sống và cái chết của Người. Sự thông truyền của Đức Giêsu Kitô đi sau lời các ngôn sứ và thầy dạy Israel, nhưng qua hoạt động thông truyền ấy, quyền năng của Thiên Chúa Cha và sức mạnh của Chúa Thánh Thần được biểu lộ cách trọn vẹn trong các lời nói và việc làm của Người (x. Mc 1, 10, 11; Mt 12, 28; Lc 4, 18 – 21).

Vì Đức Giêsu Kitô sống trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa qua sự tự-truyền thông hỗ tương (truyền thông Ba Ngôi), nên Người chia sẻ trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa cho những người mà Người gặp gỡ. Như thế, Người làm cho bản thân nên một với những người khác. Trong cách nhìn này, nơi sự truyền thông của Đức Giêsu có một số chiều kích mang tính truyền thông:[129]

  • Những người tìm kiếm sự khôn ngoan, hiểu biết hay chân lý của cuộc sống thì nhận ra nơi Đức Giêsu một vị thầy dẫn đưa họ ngang qua những kinh nghiệm và tri thức nhân loại đến nhận biết Chúa Cha, và tìm thấy dấu chỉ của Thiên Chúa trong những biến cố cuộc sống (chẳng hạn Mt 5, 13 – 48; Lc 13, 1 – 5; Ga 3, 1 – 14).
  • Những người kiếm tìm một cuộc sống có ý nghĩa thì Người chỉ cho họ con đường để tới đó (chẳng hạn Mc 10, 17 – 21; Lc 12, 16 – 21; 22 – 34).
  • Người chữa lành những người bệnh tật và bị gạt ra bên lề xã hội. Qua bệnh tật của họ, Người chữa lành họ mang hai chiều kích: Người chữa họ về mặt thể lý và giúp họ tái hội nhập vào đời sống xã hội. Hơn nữa, họ còn được giải thoát (chẳng hạn Mt 8, 1 – 4; 14 – 15; Mc 2, 1 – 12; Lc 17, 11 – 19; 18, 35 – 43).
  • Trong tương quan cá nhân giữa Đức Giêsu và các môn đệ, Người hoàn toàn chia sẻ và thông truyền “kiến thức của Thiên Chúa” cho con người: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15).
  • Người biểu lộ chính mình như người mục tử mà Thiên Chúa đã hứa với Israel (Ed 34, 11 – 15). Người sống sự truyền thông cá vị với con người trong cái nhìn về sự truyền thông và hiệp thông của họ với Thiên Chúa, đến mức trao ban chính mình cho người mình yêu (Ga 10, đặc biệt Ga 10, 11).

Theo Greshake, việc Nhập Thể không nhằm mục đích chỉ cho con người thấy rốt cuộc họ sẽ “biết” Thiên Chúa là ai và Người đòi hỏi gì. Nhưng, trên thực tế đó lại là nền tảng tối hậu của truyền thông. Trong cuộc Nhập Thể, sự truyền thông của Thiên Chúa không đưa ra chỉ dẫn hay thông tin về Thiên Chúa cho con người. Đúng hơn, trong và qua Đức Giêsu, Thiên Chúa thông ban chính mình cách vô điều kiện cho con người. Cử chỉ tình yêu mang tính truyền thông này là không thay đổi. Con người, khi đón nhận ân sủng này, thì trở nên con cái của Thiên Chúa nhờ Chúa Con, và họ sẽ đạt đến cùng đích của mình, tức là, họ sẽ tham dự vào đời sống của Ba Ngôi.[130] Qua sự truyền thông của mình, Đức Kitô mặc khải cho con người biết Thiên Chúa là Đấng nào, đó chính là: “Thiên Chúa là tình yêu” (x. 1Ga 4, 8, 16). Đồng thời, Người cho thấy con người là gì: con cái của Thiên Chúa (x. 1Ga 3, 1), được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Người. Ngay cả khi chúng ta chỉ là những hữu thể tội lỗi và giới hạn, thì chúng ta vẫn được kêu gọi để sống hiệp thông với Thiên Chúa (x. Lc 15, 11 – 32). Tất cả những giáo huấn và việc chữa lành của Đức Giêsu đều tỏ rõ chân lý này. Đức Giêsu giảng dạy và sống để thông ban chính mình cho con người. Người sẽ thuyết phục họ và dành lấy họ về cho Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Người. Chân lý mà Đức Giêsu chứng thực cho là một “biến cố truyền thông”; chứng tá của Người cho chân lý này sẽ thiết lập sự kết nối với Thiên Chúa và xây dựng mối tương giao giữa Thiên Chúa và con người, cũng như mối tương giao giữa con người với nhau.

Trong sự tương tác lẫn nhau của truyền thông và hiệp thông, Đức Kitô cùng lúc là sự quảng diễn và người giải thích trái tim Thiên Chúa cho con người. Người là “Đấng thông truyền hoàn hảo.”[131] Đức Giêsu Kitô là biểu tượng trung tâm của Kitô giáo. Avery Dulles nhìn thần học biểu tượng của Rahner như một cách suy tư về các chiều kích của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình.[132] Trong suy tư của mình, Rahner nhấn mạnh đến tính cốt yếu của Đức Giêsu:

Nếu một thần học về thực tại biểu tượng phải được viết ra, thì Kitô học, giáo lý về việc nhập thể của Ngôi Lời, sẽ phải tạo thành đề tài trung tâm. Đề tài này không cần gì hơn một chú giải về câu: “Ai nhìn thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9). Không nhất thiết phải phơi bày sự kiện rằng Ngôi Lời là hình ảnh, họa ảnh, sự phản chiếu, đại diện và hiện diện – tràn đầy tất cả sự viên mãn của thần tính Thiên Chúa. Nhưng nếu điều này có thật, thì phát biểu này có thể hiểu được (đối với chúng ta): Ngôi Lời nhập thể là biểu tượng tuyệt đối của Thiên Chúa trong Thế Giới.” Biểu tượng tuyệt đối này của Thiên Chúa “không phải chỉ là sự hiện diện và mặc khải của điều mà Thiên Chúa có trong chính Người. Nhưng Người cũng là Hữu Thể bày tỏ (Da-sein) điều – hay đúng hơn Đấng – Thiên Chúa sẽ là, trong ân sủng tự do, đối với thế giới, trong cùng một cách mà thái độ thần linh này, đã từng được diễn tả như thế, có thể không bao giờ bị đảo lộn, nhưng là và vẫn còn là tột cùng và không thể trổi vượt hơn.[133]

De Mesa phân tích Ngôi Lời Thiên Chúa, Đức Giêsu, dưới ánh sáng của văn kiện Dei Verbum và chỉ ra rằng không có Đức Giêsu thì cũng không có truyền thông Kitô giáo. Ông giải thích rằng “Đức tin và Truyền thống Kitô giáo, các Giáo hội Kitô, sứ mạng của Kitô giáo sẽ không có nền tảng và lý do hiện hữu nếu không có Đức Giêsu.”[134] Ông suy tư về Ngôi Lời Giêsu trong viễn tượng datar, Lời Thiên Chúa trong lịch sử truyền thông của Người với Dân Israel trong Cựu Ước. Dabar trong khái niệm về mặc khải là một điều gì đó mà trước tiên đã có chỗ trong trái tim Thiên Chúa và được thể hiện thông qua dân mà Người đã chọn để thông ban lời Người. Tuy nhiên, trong mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Giêsu là sự biểu lộ rất cá vị của trái tim Thiên Chúa dành cho con người. Những lời của Đức Giêsu tỏ lộ “sự liên đới vô điều kiện và trung tín của Thiên Chúa đối với chúng ta” và mặc khải khuôn mặt của Thiên Chúa, “Đấng ban sự sống” cho những ai mà Người truyền thông với. Theo de Mesa, sự truyền thông của Đức Giêsu là “sự hiện diện hữu hiệu và có tính cách biến đổi” của Thiên Chúa.[135]

Phân tích sự truyền thông của Đức Giêsu, Eilers chỉ ra một số tiêu chuẩn có thể dùng như những nguyên tắc cho bất cứ sự truyền thông Kitô giáo nào:[136]

  • Việc cầu nguyện và tương quan của Đức Giêsu với Cha Người phải được xem như nền tảng việc Người truyền thông với mọi người. Bất cứ điều gì Người làm và nói đều tập trung vào Abba-Cha, Đấng mà Người cầu nguyện với suốt những đêm và giờ phút thinh lặng ở những nơi vắng vẻ.
  • Trong sự truyền thông của Người, Đức Giêsu luôn bắt đầu từ đời sống và kinh nghiệm sống của dân Người. Người được định hướng tiếp nhận-lắng nghe, nhưng đồng thời Người cũng bén rễ sứ vụ của mình từ nơi Chúa Cha.
  • Sự truyền thông của Đức Giêsu được đóng ấn trong Thánh Kinh. Người cho thấy trong truyền thông của mình cách thức làm sao mà thông điệp và sứ vụ của Người đã được chuẩn bị trước trong giao ước cũ với Israel.
  • Đức Giêsu cũng truyền thông qua việc hỏi và trả lời.
  • Đức Giêsu khiến cho người ta phải suy nghĩ và thách thức họ, theo những cách truyền thông khác nhau, trung thực trong cuộc sống mình và trước mặt Thiên Chúa. Họ bị thách thức đặt lại những ưu tiên thích đáng trong đời sống mình. Người lột trần những mặt nạ của truyền thông con người và khuyến khích, đòi hỏi những quyết định rõ ràng (Mt 8, 19tt; Lc 14, 26tt; Mc 10, 17). Người mắng những kẻ không dám đối diện với thực tại trong đời sống và ơn gọi của mình.
  • Đức Giêsu cũng truyền thông theo lối biện chứng chính đề và phản đề.
  • Đức Giêsu đặt người ta vào trong khủng hoảng và xung đột nhưng nhằm mục tiêu biến đổi và hoán cải; cuối cùng thì đó không chỉ là một sự chia sẻ thông tin mà còn là sẻ chia cuộc sống.
  • Qua truyền thông của mình, Đức Giêsu nhắc nhở và khuyên răn người ta về phẩm giá, về những bổn phận của họ, về việc họ được Thiên Chúa Cha yêu thương.
  • Đức Giêsu khuyến khích và mời gọi hướng tới sự hiệp nhất và nên một với Thiên Chúa và tha nhân. Người phục hồi lại sự truyền thông đã bị ngăn chặn và phá vỡ bởi tội lỗi.
  • Sự truyền thông của Đức Giêsu có một chiều kích cánh chung học: truyền thông của Người tìm được sự viên mãn của nó chỉ vào lúc tận cùng thời gian.

4.3 Thập giá như cử chỉ yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người

Một số người đã đặt vấn đề rằng, tại sao Đức Giêsu Kitô đã không thể thuyết phục được dân của chính Người hay tại sao Người đã không thể hoán cải được các luật sĩ và người Pharisêu trong thời Người, dù Người là Đấng thông truyền hoàn hảo. Theo quan điểm nhân học Kitô giáo, Karl Rahner nói về tự do của con người để cất tiếng “không” đối với lời mời gọi hiệp thông của Thiên Chúa. Khả thể này của con người nằm trong sự tự do mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người qua việc tạo dựng nó. Rahner nói đến điều này như “mầu nhiệm sự dữ,” (Geheimnis der Bosheit).[137] Sự thật này được Greshake xem như là “mầu nhiệm-đối nghịch” với sự sáng láng của Thiên Chúa Ba Ngôi tự trao ban chính mình.[138] Con người được kêu gọi tham dự vào một đời sống trong hiệp thông với Thiên Chúa. Dựa trên nền tảng đó, họ trở nên có khả năng chia sẻ đời sống một cách hữu hiệu với người khác. Tội lỗi hệ tại ở tiếng nói “Không” của con người. Trong khi Thiên Chúa là sự tự thông ban chính mình, sự hiệp thông và tình yêu, thì tội lỗi, trong bản chất của nó, là sự phủ nhận truyền thông, một kiểu tự xem mình là trung tâm và tự cô lập chính mình, là sự chối từ đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân. Theo Greshake, tội lỗi chỉ là một vấn đề cá nhân của các cá nhân từ chối ân huệ hiệp thông của Thiên Chúa, nhưng vì tính kết nối và mối tương quan lẫn nhau của toàn thể thực tại được tạo thành, những tội lỗi của các cá nhân ảnh hưởng lên toàn thể thế giới.[139] Giáo lý về tội nguyên tổ là lời tuyên bố của Kitô giáo về tính đa dạng của sự dữ, tồn tại trong thế giới. Nó tác động đến toàn thể cấu thành hiệp thông. Tình yêu Thiên Chúa bị xúc phạm bởi “tiếng Không” của con người, những kẻ được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Người. Tuy nhiên, tội lỗi không bao giờ có thể làm giảm bớt tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, và không bao giờ cản ngăn được Người trong việc tiếp tục thực hiện những kế hoạch Người dành cho con người. Theo kế hoạch của Thiên Chúa, con người phải được sống dồi dào. Vì chính lý do này mà Đức Giêsu đã đến trong thế gian (Ga 10, 10). Việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình phải được nhìn từ viễn tượng cuộc thương khó, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Vì con người chối từ tình yêu Thiên Chúa, Đức Giêsu đã tự mình triệt để đi đến tận cùng sự đau khổ mà tội lỗi đã gây nên: không chỉ là bạo lực, sự phản bội, tra tấn và cái chết, mà còn cả kinh nghiệm về việc bị Thiên Chúa bỏ rơi. Tình yêu Thiên Chúa dường như đi đến giới hạn vì “tiếng Không” của con người; Thập Giá là dấu chỉ về sự bất lực của Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã trở nên yếu nhược vì tình yêu. Thiên Chúa Ba Ngôi trong cách nhìn này còn là vị Thiên Chúa đau khổ. Tuy nhiên, chính vị Thiên Chúa đau khổ này, khi Người chấp nhận Thập Giá nhờ Đức Giêsu Kitô, cũng bao gồm cả “tiếng Không” của con người trong tình yêu vô biên của Người. Theo nghĩa này, Thập Giá là chính dấu chỉ rất cụ thể về mặc khải của Thiên Chúa, như là một dấu lạ từ “trời.” Theo Greshake, trong biến cố Thập Giá, Chúa Con chịu đau khổ cùng với chúng ta và vì chúng ta; Chúa Cha đau khổ trong Chúa Con và với Chúa Con; và Chúa Thánh Thần, bản thân tình yêu của Thiên Chúa, hợp nhất Chúa Con với Chúa Cha bất chấp sự chia tách do tội lỗi gây ra.[140] Trong tấn bi kịch của Thập Giá, Thiên Chúa nói một cách yếu ớt, Người trở nên thinh lặng. Hơn nữa, Người hành động trong sự bất lực của tình yêu. Tất cả những lời giảng dạy và việc làm của Đức Giêsu trong suốt sứ vụ công bố về Nước Thiên Chúa giờ đây được đẩy lên đỉnh điểm trong sự thinh lặng này. Một cách đầy tính biểu tượng, trong sự thinh lặng của Thập Giá, Thiên Chúa cho con người thấy một cử chỉ của tình yêu vô tận của Người, một hành vi cuối cùng của việc Người tự thông ban chính mình. Bằng cách này, Thiên Chúa biểu lộ một cách đầy nghịch lý quyền năng thần linh của tình yêu Người. Trên thực tế, qua sự thinh lặng của Thập Giá và trong sự thinh lặng của nấm mộ, thông điệp về tình yêu vinh thắng của Thiên Chúa được công bố một cách mạnh mẽ nhất. Nhờ vào Thập Giá và qua sự Phục Sinh, sứ điệp Phục Sinh vui mừng được ban tặng cho thế giới mà không có âm vang nào của lời nói theo hình thái căn đệ nhất của nó.

Từ cách nhìn này, sự truyền thông của Đức Giêsu cần phải là kiểu mẫu cho truyền thông của Kitô giáo. Tính xác thực và sức sống của truyền thông của chúng ta được cắm rễ nơi tương quan với Đức Giêsu Kitô. “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em … Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em sẽ chẳng làm gì được” (Ga 15, 4 – 5). Đây là một sự cư ngụ trong sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi ấy tiếng nói của Người phải được lắng nghe trong trái tim mỗi Kitô hữu. Âm vang tiếng nói của Người phải được lắng nghe trong và bên kia sự biểu lộ ầm ĩ của những mong chờ và nỗi thống khổ, những niềm vui và nỗi thất vọng, sự chiến thắng và nỗi đớn đau của con người. Để truyền thông một cách hiệu quả Lời Thiên Chúa, những Kitô hữu truyền thông cần sử dụng sự thinh lặng đầy sáng tạo này, một sự thinh lặng mà trong đó Chúa Thánh Thần dạy cho chúng ta Lời Thiên Chúa, giải thích cho chúng ta ý nghĩa của Lời ấy và cho phép chúng ta truyền thông Lời ấy một cách chính xác.

5. Vai trò của Chúa Thánh Thần

Chúa Thánh Thần làm việc như là quyền năng và chuyển động truyền thông năng động trong lịch sử việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình. Người là “chuyển động mở” năng động của Thiên Chúa Ba Ngôi vươn tới tạo thành, “như là phần mở rộng mối hiệp thông không thể diễn tả của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”[141] Giống như Chúa Cha và Chúa Con, Chúa Thánh Thần tham dự vào việc tạo dựng thế giới và con người. “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất …, Thần Khí Thiên Chúa (ruah Elohim) bay lượn trên mặt nước’ (St 1, 1tt). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II giải thích câu này trong thông điệp Dominum et Vivificantem như sau:

Khái niệm Thánh Kinh về tạo dựng bao hàm không chỉ tiếng gọi vào hiện hữu của chính hữu thể vũ trụ, tức là sự ban tặng hiện hữu, mà còn sự hiện diện của Thánh Thần Thiên Chúa trong tạo thành, nghĩa là khởi đầu của sự tự thông ban chính mình mang tính cứu độ của Thiên Chúa cho các tạo vật Người sáng tạo. Đây là sự thật trước tiên liên hệ đến con người, những kẻ đã được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta.”[142]

Chúa Thánh Thần hoạt động suốt lịch sử cứu độ của Thiên Chúa với Israel, dân Người chọn. Thánh Thần xuống trên những người mà Thiên Chúa đã tuyển chọn (Xh 35, 31; Tl 14, 6; 1Sm 10, 6; 1Sm 16, 13; 2Sbn 15, 1). Nhờ Người, con người lãnh nhận được năng lực truyền thông để nói lời của Thiên Chúa (2Sm 23, 3; Er 11, 5). Người làm cho con người có khả năng nghe được những lời của Thiên Chúa (Er 11, 24). Người canh tân đức tin của Israel (Er 37, 1tt) và làm cho tỏ tường ý muốn Thiên Chúa (Mk 3, 8). Người cũng là Đấng làm cho bà Elizabeth, ông Simeon và bà Anna có thể nhận ra Đức Giêsu là Đấng Messiah (Lc 1, 39tt và 3, 25tt).

Chúa Thánh Thần cũng dự phần vào mầu nhiệm Nhập Thể như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II phát biểu:

Nó (việc Nhập Thể) được “làm cho xảy ra” bởi Thánh Thần ấy – đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con – Đấng, trong mầu nhiệm tuyệt đối của Thiên Chúa Ba Ngôi, là Ngôi Vị-tình yêu, là ân huệ không được tạo dựng, Đấng là nguồn mạch vĩnh cửu của mọi ân huệ đến từ Thiên Chúa trong trật tự của tạo thành, là nguyên lý trực tiếp và, theo một nghĩa nào đó, là chủ thể của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong trật tự ân sủng. Mầu nhiệm Nhập Thể làm nên đỉnh điểm của sự trao ban này, sự tự thông ban thần linh này … Bởi vì “sự viên mãn thời gian” được làm cho phù hợp bởi một sự hoàn thành cụ thể của việc Thiên Chúa Ba Ngôi tự thông ban chính mình trong Chúa Thánh Thần. “Do quyền năng Chúa Thánh Thần” mà mầu nhiệm “ngôi hiệp” được làm cho xảy ra, tức là, sự hợp nhất của bản tính thần linh và bản tính nhân loại, thuộc thần tính và nhân tính trong Ngôi Vị của Ngôi Lời-Chúa Con. Ngay giây phút Truyền Tin, Mẹ Maria thốt lên lời “Fiat” của mình: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói,” Mẹ đã thụ thai cách trinh khiết một người con, Con Người, Đấng cũng là Con Thiên Chúa. Bằng cách “nhân tính hóa” Ngôi Lời – Chúa Con này mà việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình đạt đến sự viên mãn cuối cùng trong lịch sử sáng tạo và cứu độ. Sự viên mãn này đạt được một sự phong phú và sự diễn tả đặc biệt trong bản văn Tin Mừng theo thánh Gioan: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga 1, 14).[143]

Chúa Thánh Thần mặc khải Đức Giêsu như là Tôi Trung chân thật, Ngôn Sứ đích thực và là Con Thiên Chúa qua phép rửa của Đức Giêsu (Mt 3, 16tt; Lc 3, 23, 33) (x. DeV, sô 15 – 17). Người hiện diện nơi các hoạt động cho Nước Thiên Chúa của Đức Giêsu (Mt 12, 28).

Qua mầu nhiệm Vượt Qua và sự sống lại của Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần được ban cho con người như là một Ngôi Vị – ân sủng từ Chúa Cha và Chúa Con. Trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu nói với các môn đệ do bởi Thánh Thần này: “Thầy sẽ sai Đấng ấy (Đấng Bảo Trợ) đến với anh em … Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến … Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (x. Ga 16, 7 – 16). Theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, “mặc khải mới mẻ, cuối cùng về Chúa Thánh Thần như là một Ngôi Vị, Đấng là ân sủng, được hoàn thành tại thời điểm chính xác này.” Ngài thêm:

Những biến cố Vượt Qua – Thương Khó, Chết và Phục Sinh – của Đức Kitô cũng là thời gian của việc Chúa Thánh Thần ngự đến cách mới mẻ, trong tư thế là Đấng Bào Chữa và là Thần Khí Sự Thật. Đó là thời gian của “sự khởi đầu mới” trong việc Thiên Chúa Ba Ngôi tự thông ban chính mình cho nhân loại trong Chúa Thánh Thần nhờ công trình của Đức Kitô, Đấng Cứu Độ. Khởi đầu mới này là Ơn Cứu Độ của thế gian: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một.” Ngay từ đầu, “sự trao ban” Chúa Con, tặng phẩm Chúa Con, biểu lộ yếu tính thâm sâu nhất của Thiên Chúa, Đấng vốn là Tình Yêu, là nguồn mạch không bao giờ vơi của sự trao ban các ân huệ. Tặng phẩm được làm nên bởi Chúa Con hoàn thành sự mạc khải và sự trao ban tình yêu vĩnh cửu: Chúa Thánh Thần, Đấng, trong những vực thẳm khôn dò thấu của thần tính, là một Ngôi vị-Ân sủng, nhờ công trình của Chúa Con, nghĩa là nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua, được ban cho các Tông Đồ và cho Giáo Hội theo một cách thức mới mẻ, và thông qua họ, được ban cho nhân loại và toàn thể thế giới.[144]

Lễ Hiện Xuống là sự hoàn thành lời hứa của Đức Giêsu. Biến cố này mở ra thời kỳ Giáo Hội. Trên thực tế, đó là khoảnh khắc căn bản của truyền thông Giáo Hội.

  • Lễ Hiện Xuống – “Tin Mừng về truyền thông”

Carlo M. Martini gọi Lễ Hiện Xuống là “Tin Mừng về truyền thông” mà Thiên Chúa đã ban để cải thiện sự truyền thông của con người: tốt hơn nên nói là để hàn gắn lại truyền thông đã bị chặn đứng của con người.[145] Tuy vậy, sự quan phòng của Thiên Chúa thường có kèm theo hoạt động của Thánh Thần của Người qua những dấu chỉ hữu hình và có thể nghe được, đặc biệt trong cơn khủng hoảng nào đó của lịch sử cứu độ. Cơn khủng hoảng mà các môn đệ kinh nghiệm là sự vắng mặt của Đức Giêsu, Thầy của họ, sau khi Người chịu chết, đã sống lại và lên cùng Thiên Chúa. Sức vang vọng của cái chết trên thập giá của Đức Giêsu khiến họ vẫn còn sợ hãi. Vào ngày Lễ Hiện Xuống, Thiên Chúa lại can thiệp và một lần nữa cuộc thần hiện này có kèm theo những dấu chỉ mang tính biểu tượng: tiếng động, gió và lửa (Cv 2, 1tt). Tình huống bất ngờ này nhắc nhở chúng ta về việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trên núi Sinai, nơi mà Thiên Chúa – trong tiếng sấm, áng mây và lửa – ban lề luật cho Israel (Xh 19, 16 – 19). Tiếng động, gió và lửa biểu trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa cũng như chúng được kinh nghiệm nơi mà Thánh Thần Thiên Chúa tự tỏ hiện. Martini hướng sự chú ý đến lửa như là biểu tượng mà con người dùng trong việc truyền thông. Bây giờ, trong biến cố này, lời hứa của Thiên Chúa được hoàn thành “Ta sẽ đổ Thần Khí của Ta trên con cái ngươi, và phúc lành của ta trên dòng giống ngươi” (Is 44, 3), “Thầy sẽ sai Đấng ấy (Đấng Bảo Trợ) đến với anh em … Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16, 7, 13). Phép lạ tiếp diễn với việc các môn đệ bắt đầu nói mà không còn sợ hãi và người ta có thể hiểu họ. Thánh Thần Thiên Chúa cho phép họ truyền thông và mở ra những kênh truyền thông đã bị phá vỡ trong biến cố Babel. Ở đây, Thiên Chúa “tái lập tính khả dĩ truyền thông đơn giản và chắc chắn nhân danh Đức Giêsu.”[146] Đây là lgiờ phút khai sinh Giáo Hội, giờ phút khởi đầu sự truyền thông của Giáo Hội trong vai trò là “dấu chỉ và khí cụ” sự hiệp thông của Thiên Chúa với nhân loại. Khi Đức Giêsu, qua sứ vụ của Người và qua sự hiệp thông sống động với Chúa Cha, mặc khải Thiên Chúa cho con người, thì các môn đệ tỏ bày Đức Giêsu Kitô và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa như là các chứng nhân cho con người qua sứ vụ của họ và qua việc sống hiệp thông với Đức Giêsu Kitô và nhờ Chúa Thánh Thần. Sự truyền thông và hiệp thông đặc biệt này với Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần đặt nền tảng cho bản tính của Giáo Hội như là thực tại mang tính truyền thông.

6. Giáo Hội như là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi: Một thực tại mang tính truyền thông

Chương này không có nhiệm vụ trình bày toàn bộ lĩnh vực Giáo Hội học. Những suy tư dưới đây tập trung vào chiều kích truyền thông của Giáo Hội trong mức độ Giáo Hội được xem như là “dấu chỉ và khí cụ” của ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Mô tả ngắn gọn này hàm ý bản tính sâu xa của Giáo Hội, được nhìn dưới quan điểm truyền thông. Bản tính bí tích của Giáo Hội được đặt nền tảng trên sự tự truyền thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo đó, thật là quan trọng để xem xét cách thức mà Giáo Hội được suy tư theo nền tảng, cấu trúc và sứ vụ của mình.

Trước và trong suốt Công đồng Vatican II, đối diện với thế giới “hiện đại”, Giáo Hội đã lần nữa nhận ra tầm quan trọng của việc phản tỉnh về sự tự tự nhận biết bản thân của mình hướng đến nhân loại đang phát triển một cách nhanh chóng. Việc canh tân ý thức về chính mình này tất yếu được nối kết với vấn nạn về niềm tin vào Thiên Chúa và sứ vụ của Giáo Hội trong thế giới. Công đồng đã xây dựng những nền tảng cho việc Giáo Hội tự hiểu biết mình như chúng ta có thể tìm thấy chúng trong các văn kiện của Công đồng. Trong bối cạnh này, những văn kiện quan trọng nhất của Công đồng, cần phải được đem ra xem xét, là Dei Verbum, Lumen Gentium, Sacrosantum Concilium, và Gaudium et Spes. Chúng đặt ra những nền tảng cho một suy tư thần học mới mẻ trong tương quan với một thế giới phát triển liên tục và nhanh chóng. Đối mặt với những thách đố của thế giới hiện đại, Giáo Hội sẽ trình bày cho nhân loại: (1) Thiên Chúa mà Giáo Hội tin vào là Đấng nào, (2) Giáo Hội là ai giữa thế giới này, (3) điều mà Giáo Hội phải thông truyền cho thế giới là gì, và (4) Giáo Hội sống tương quan với nhân loại vì mục đích gì.

Qua Hiến chế Tín lý về Mặc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, Giáo Hội trình bày một Thiên Chúa, Đấng thông ban chính mình, như là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần để cho con người được chia sẻ đời sống thần linh của Người.[147] Giáo Hội, nhờ Đức Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần, là người thừa kế đặc biệt của việc Thiên Chúa Ba Ngôi tự thông ban chính mình. Một cách chính xác, việc Ba Ngôi tự thông ban chính mình là nền tảng của Giáo Hội, từ nền tảng này Giáo Hội hiểu chính mình. Sự hiểu biết về Giáo Hội này được giải thích trong Hiến chế Tin lý Lumen Gentium.[148] Dựa trên việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình và lời mời gọi của Người dành cho “Dân Thiên Chúa,” được Chúa Con kêu gọi và được Chúa Thánh Thần thánh hóa, Giáo Hội thừa kế sứ vụ thánh từ Đức Giêsu Kitô để thông truyền Thiên Chúa và tình yêu của Người cho nhân loại.

6.1 Những khía cạnh căn bản của Giáo Hội như là một thực tại mang tính truyền thông

Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium tuyên bố “Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại.”[149] Trong cách nhìn này, Giáo Hội được xem như là bí tích căn bản (tiếng Đức: Grundsakrament) mà qua đó ơn cứu độ của Thiên Chúa trở nên hữu hình và khả giác. Tuy nhiên, Đức Giêsu Kitô là Bí Tích Nguyên Ủy (tiếng Đức: Ursakrament) mà từ đó Giáo Hội đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa do tình yêu và ân sủng tự do của Người.[150] Từ sự thông truyền của Đức Giêsu và từ tự thông ban của Chúa Thánh Thần trong ngày Lễ Hiện Xuống, Giáo Hội được sinh ra để tiếp tục làm lan tỏa Tin Mừng của Thiên Chúa – tức là Đức Giêsu –[151] cho nhân loại. Điều này hàm ý rằng Giáo Hội luôn phải sống trong truyền thông và hiệp thông với Đức Giêsu để thông truyền tình yêu Thiên Chúa cho con người. Không có mối tương quan năng động này với Đức Giêsu Kitô, Giáo Hội không thể đạt được ý nghĩa thật sự của bản tính mình, nghĩa là sự nối dài truyền thông của Ba Ngôi trong lòng nhân loại. Điều mà Đức Giêsu đã hoàn thành trong suốt cuộc đời Người giờ đây được ấn định cho Giáo Hội; Giáo Hội phải tiếp tục công trình cứu độ của Thiên Chúa trong thế gian. Đức Giáo Hoàng Phaolo VI nhấn mạnh điều này trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi: “Giáo Hội hiện hữu để loan báo Tin Mừng, nghĩa là, để rao giảng và dạy dỗ, để trở thành kênh dẫn truyền món quà ân sủng, để hòa giải những người tội lỗi với Thiên Chúa và để duy trì mãi mãi hy tế của Đức Kitô trong Thánh Lễ tưởng niệm cái chết và sự phục sinh vinh hiển của Người.”[152] Bằng cách này, “Giáo Hội vẫn mãi là một dấu chỉ – cùng lúc vừa mơ hồ vừa sáng tỏ – của sự hiện diện mới mẻ của Đức Giêsu, của hành trình và sự hiện diện vĩnh cửu của Người. Giáo Hội kéo dài và tiếp nối Người. Và trên tất cả, sứ vụ và cuộc sống của Người như một người loan báo Tin Mừng chính là điều mà Giáo Hội được kêu gọi để tiếp nối. ”[153] Như thế, Giáo Hội là hình ảnh và là “dung mạo” của Thiên Chúa truyền thông trong cái ở đây và bây giờ của con người, qua lời nói, qua việc làm, và các dấu chỉ. Theo cách nhìn này, Giáo Hội “là nhà truyền giáo do chính bản chất của mình.”[154] Vì vậy, Giáo Hội trong yếu tính của mình là truyền thông.

Nói chung, chính việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình gọi Giáo Hội bước vào hiện hữu và là nền tảng sự truyền thông của Giáo Hội. Như thế, Giáo Hội được xem như là một biểu tượng của Ba Ngôi, “như một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”[155] Chỉ với điều kiện được tháp nhập vào trong đời sống của Ba Ngôi, Giáo Hội mới có khả năng giữ được căn tính của mình như là cộng đoàn của sự hiệp thông và mới có thể nhận ra rằng đời sống mang tính truyền thông chân thực thì dựa trên kiểu mẫu của đời sống Ba Ngôi. Bởi vậy, “Giáo Hội là truyền thông.”[156]

Vì lý do này, chiều kích truyền thông của Giáo Hội khởi đầu bằng đời sống mang tính truyền thông trong tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi. Điều này bao hàm trước hết sự rộng mở và sẵn sàng đón nhận Lời Thiên Chúa và điều mà Chúa Thánh Thần sẽ dạy bảo Giáo Hội qua những biến cố xảy ra trên thế giới. Chỉ trong mối tương quan năng động của hiệp thông và truyền thông với Thiên Chúa, Giáo Hội mới có khả năng và khả thể duy trì và đẩy mạnh một đời sống mang tính truyền thông giữa các thành phần qua việc chia sẻ đức tin, đức mến và trách nhiệm đối với người khác. Chỉ bằng cách này, Giáo Hội mới có thể trở nên một dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới.[157]

Thần học gia người Đức Jürgen Werbick suy tư về những chiều kích truyền thông của Giáo Hội dựa theo quan điểm thần học căn bản và Giáo Hội học. Ông quả quyết rằng qua việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình, “truyền thông đã trở thành một phạm trù tiêu chuẩn thần học căn bản.” Theo ông, mặc khải, đức tin, truyền thống và các thực hành của Giáo Hội có thể được xem như là những thực tại căn bản có tính truyền thông.[158] Trong bối cạnh này, đức tin được nhìn như một thực hành cố gắng biểu lộ và thông truyền quyền năng cứu độ của Thiên Chúa cho tha nhân.

Sự truyền thông của Giáo Hội cho nhân loại diễn ra trong một tiến trình năng động mang tính truyền thông mà trong đó nội dung của đức tin được gìn giữ và chia sẻ cho thế hệ tương lai. Trong tiến trình liên tục này của truyền thống, Giáo Hội hình thành và giữ gìn căn tính của mình, phát triển thể chế riêng của mình giữa xã hội con người. Toàn thể tiến trình tiếp nối đức tin được đặt cơ sở trên một ký ức truyền thông: đó là một ký ức biết ơn về việc được tuyển chọn bởi ân sủng của Thiên Chúa và đồng thời được Người ủy thác mang sứ điệp của Người đến cho người khác: thực tại thánh.[159] Bằng cách này, Giáo Hội chia sẻ và công bố Đức Kitô vào trong cái ở đây và bây giờ thuộc mọi nơi mọi lúc mà ở đó Giáo Hội tìm thấy chính mình. Trong việc thông truyền Đức Kitô và sống đức tin, mầu nhiệm đời sống Ba Ngôi tự hiện thực hóa chính mình trong đời sống của Giáo Hội. Cùng đích sứ vụ của Giáo Hội là con người có thể đạt tới cùng một kinh nghiệm về đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và với người khác. Vì vậy, thánh sử Gioan nói:

Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu,

điều chúng tôi đã nghe,

điều chúng tôi đã thấy tận mắt,

điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,

và tay chúng tôi đã chạm đến,

đó là Lời sự sống.

Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày,

chúng tôi đã thấy và làm chứng,

chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời,

sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha

và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi.

Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe,

chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa,

để chính anh em

cũng được hiệp thông với chúng tôi,

mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha

và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người.

(1Ga 1, 1 – 3).

Trong và qua Giáo Hội, “thực tại Ba Ngôi” sẽ được kinh nghiệm và thông truyền. Thực tại mang tính truyền thông Ba Ngôi này là “nền văn hóa truyền thông mới.” Đó là lý do mà Giáo Hội cùng một lúc là “dấu chỉ và khí cụ.” Werbick đào sâu chiều kích truyền thông này của Giáo Hội khi ông suy tư về mối tương liên của hiệp thông/Koinonia và truyền thông.

6.2 Hiệp thông/Koinonia và truyền thông

Hiệp thông/Koinonia và truyền thông được đan kết cách chặt chẽ với nhau. Trên thực tế, việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình là thực tại nền tảng cho tiến trình mang tính truyền thông này của đời sống Giáo Hội. Được nhìn dưới quan điểm đức tin Kitô giáo, đó là khái niệm chính đối với sự hiện hữu của con người và của Giáo Hội. Việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình cho phép con người bước vào một tương quan hỗ tương. Qua sự truyền thông của Thiên Chúa, con người trở nên đối tác truyền thông của Người. Việc Người tự thông ban chính mình đạt đến hình thái cao nhất của nó trong sự tự thông ban mang tính ngôi vị của Đức Giêsu Kitô: việc nhập thể. Chúa Thánh Thần thông truyền Ngôi vị-ân sủng của Người cho Giáo Hội và làm cho Giáo Hội có khả năng sống trong sự hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con; đồng thời Thánh Thần cũng nâng đỡ sự hiệp thông giữa các Kitô hữu. Theo viễn tượng này, Giáo Hội cần phải phản chiếu sự hiệp thông mang tính truyền thông của Thiên Chúa giữa thế giới. Dựa trên nền tảng này, Giáo Hội nhận thấy chính mình là sự tiếp nối của việc Thiên Chúa truyền thông với nhân loại. Qua một đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và giữa các tín hữu, Giáo Hội làm chứng cho một “nền văn hóa truyền thông mới.”[160]

Hiệp thông/Koinonia là diễn tả hữu hình và có thể nhận thấy được của nền văn hóa truyền thông mới này. Dựa vào khái niệm-Koinonia, Werbick suy tư và phân tích về các chiều kích của sự truyền thông của Giáo Hội. Koinonia (tiếng Latin: communio) có nghĩa là tham dự vào, là có gì đó chung với nhau, là hành động chung. Giáo Hội sơ khai ở Giêrusalem hiến dâng chính mình “cho việc giảng dạy của các Tông Đồ, cho đời sống chung (koinonia), cho lễ bẻ bánh và cầu nguyện” (Cv 2, 42). Sống trong đó, các Kitô hữu thời sơ khai nhận ra Nước Thiên Chúa và làm tái hiện Đức Kitô, Đấng đã khai mở và thực hiện nó trong chính con người và cuộc sống Người. Sự hiện diện của Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần lần lượt khiến cho họ có khả năng đem tài sản của mình làm của chung (Cv 4, 34tt). Trong viễn tượng này, cộng đoàn các Kitô hữu sẻ chia và truyền thông koinonia với Đức Kitô. Vì vậy, thánh Phaolo mô tả sự tham dự mang tính truyền thông này vào Đức Kitô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corinto của ngài khi nói rằng các Kitô hữu tham dự vào ân sủng của Thiên Chúa được phú ban trong Đức Kitô để họ trở nên phong phú “về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người” (x. 1Cr 1, 4, 5). Hơn nữa, biến cố mang tính truyền thông này còn xảy ra cách cụ thể nơi Bí tích Thánh Thể (x. 1Cr 10, 16 – 21). Sự hiệp thông mang tính truyền thông trong Đức Kitô và giữa các Kitô hữu xây dựng nên nhiệm thể Người: Giáo Hội (x. 1Cr chương 12). Bằng cách này, thông truyền Đức Kitô cho người khác có nghĩa là truyền thông với Đức Kitô trong người khác. Nhờ việc thực hiện những mô hình đời sống này, Giáo Hội đi theo mô hình truyền thông của Ba Ngôi. Trong tiến trình truyền thông này, mỗi người được nhìn nhận bằng những tiềm năng, những tài năng và đặc sủng của mình để xây dựng sự hiệp thông. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ của mình trong tiến trình truyền thông này, mỗi người cũng nhất thiết phải truyền thông với Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần như là nguồn mạch cho bất cứ sự truyền thông và hiệp thông nào. Mỗi người có quyền và trách nhiệm phải đóng góp vào sự hiện thực hóa Nước Thiên Chúa. Bởi vậy, Werbick đề nghị:

Người trao tặng sẽ được hân hạnh nhờ những tặng phẩm; Chúa Kitô được siêu tôn và Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho Chúa Giêsu trở nên có thể chạm đến được, sẽ được tôn kính qua các đặc sủng và qua ân huệ sự sống được ban tặng cho chúng ta trong tấm bánh và chén rượu là Mình và Máu Thánh Người. Truyền thông-Thánh Thần – và Kitô – diễn ra nơi những ân huệ này, những ân huệ xây dựng nên cộng đoàn hướng đến sự hiệp thông-Kitô.[161]

Từ đây, truyền thông không chỉ là một vấn đề về tổ chức hay hoạt động của Giáo Hội. Tiên vàn, đó là một cách thế hiện hữu chính yếu. Nếu hiểu rõ về điều này, Giáo Hội sẽ tìm ra được những phương pháp truyền thông. Vì thế, mối quan tâm của Giáo Hội về truyền thông sẽ không được suy tư đầy đủ nếu chỉ đối phó với các vấn đề như: làm thế nào để ứng dụng các phương tiện truyền thông (các công cụ, kỹ nghệ) hoặc làm thế nào để đến được với người nghe. Hiệp thông và truyền thông thì không thể tách rời và cùng thuộc về chính bản chất của Giáo Hội. Bước theo Đức Kitô như “Đấng thông truyền hoàn hảo” (trong bản dịch tiếng Đức: Thầy dạy sự truyền thông), Giáo Hội nhìn nhận chính mình như một khí cụ truyền thông và đồng thời là con đường đặc biệt để Thiên Chúa truyền thông bên trong xã hội loài người. Dựa trên điều này, Giáo Hội phải nhào nặn nên một văn hóa mang tính truyền thông giữa các tín hữu và dành cho nhân loại. Ở đây, truyền thông mang một chiều kích thiêng liêng.

Chiều kích thiêng liêng của truyền thông Giáo Hội cần phải được nhìn trong thần học tình yêu theo thánh sử Gioan. Thiên Chúa là tình yêu và người ta có thể dự phần vào tình yêu này khi người người ấy tin vào Thiên Chúa và vào Chúa Con, Đấng mà Thiên Chúa sai đến để thông truyền tình yêu của Người. Người ta tham dự vào tình yêu này nếu họ ở lại trong Người (Ga 15, 9 – 10). Tình yêu hợp nhất Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Các tín hữu sẽ được hội nhập vào trong sự hiệp thông mang tính truyền thông này của tình yêu. Từ đó, Giáo Hội đạt tới sự hiệp thông của mình và đón nhận di sản cùng sức mạnh để làm chứng cho sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi (x. 1Ga 3, 24; 4, 15 – 17; Ga 17, 21 – 24). Vì lý do này, Giáo Hội cũng được kêu gọi để trở nên “cung thánh hiệp thông”, trong đó người tín hữu nhớ đến ân huệ của việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình và truyền thông ân huệ này, ân huệ bảo đảm cho sự hiệp thông của họ.

“‘Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.’ Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’” (Ga 20, 21 – 22). Là Giáo Hội có nghĩa là được dự phần vào sự truyền thông của Đức Giêsu, điều này muốn nói tới việc tham dự vào sự truyền thông và hiệp thông của Ba Ngôi. Trước hết, nhờ ân sủng, Giáo Hội được tháp nhập vào trong đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa nhờ Chúa Con theo ý muốn của Chúa Cha. Theo cách nhìn này, Đức Giêsu, như là Bí Tích Nguyên Ủy (Ursakrament), làm cho con người nhận biết Thiên Chúa. Chỉ trong sự hiệp thông với Đức Giêsu và trong Chúa Thánh Thần, Giáo Hội mới có thể nhận ra chính mình như là bí tích căn bản (Grundsakrament) mà nhờ đó sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ được chứng thực và thông truyền.[162]

6.3 Kerygma như là một chiều kích truyền thông của Giáo Hội

Dựa trên sự hiệp thông/truyền thông với Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần, và trên sự hiệp thông/truyền thông giữa các thành viên của mình, Giáo Hội được xem như là một cộng đoàn tưởng nhớ, công bố, giải thích, và cả cử hành Lời truyền thông của Thiên Chúa nữa. Đồng thời, Giáo Hội cũng thông truyền, với tư cách là một cộng đoàn, sứ điệp này cho thế giới. Ở đây, chiều kích kerygma của Giáo Hội lộ diện. Giáo Hội thực hiện điều này theo ba cách thế truyền thông căn bản: Chứng tá, Phụng vụ và Phục vụ (Martyria, Leitugia, và Diakonia).[163] Giáo Hội nhớ Lời Thiên Chúa đã nói trong suốt dòng lịch sự nhân loại, đặc biệt là Ngôi Lời nhập thể và điều mà Thiên Chúa muốn nói qua việc Người tự thông ban chính mình. Trong hành vi này, Giáo Hội đáp trả lại điều đó (sự truyền thông hỗ tương trong nhãn quan về việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình). Khi ấy, Giáo Hội đọc lại và nghe lại Lời này trong bối cảnh của thời đại gần đây và truyền thông Lời Thiên Chúa cho con người thời đại này (truyền thông có tính ngôn sứ). Ở đây, chiều kích kerygma của truyền thông của Giáo Hội đóng một vai trò quan trọng. Trong các bí tích của Giáo Hội, người ta có thể kinh nghiệm về những chiều kích mang tính truyền thông và cứu độ của đời sống Thiên Chúa dành cho con người (truyền thông nhập thể). Bằng cách này, họ thấy trước sự hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa rằng con người sẽ sống trong sự hiệp thông trọn vẹn với Người trong cuộc sống tương lai (truyền thông Ba Ngôi). Trong bối cạnh này, những việc phục vụ khiêm tốn của đức ái, của tình liên đới, và cho công bằng là những mô hình khác của truyền thông Giáo Hội, một cử chỉ không lời của “sự trao ban chính mình vì tình yêu” giống như cách mà Đức Giêsu Kitô truyền thông.[164] Loại truyền thông này củng cố và bổ sung cho truyền thông-Lời. Ba chiều kích căn bản này của truyền thông Giáo Hội cần phải thấm nhập vào tất cả các hoạt động tại mọi cấp bậc trong Giáo Hội. Vì Giáo Hội được xây dựng như một tổ chức con người, và vì thế cần một loại thể chế nào đó, trong đó một cấu trúc nào đó cho phép thực hiện các nhiệm vụ đặc thù của các thành viên trong những tình huống mang tính truyền thông khác nhau. Avery Dulles trình bày một số mô hình truyền thông của Giáo Hội.

6.4 Năm mô hình truyền thông của Giáo Hội

Trong sứ vụ của mình với vai trò tiếp nối truyền thông của Thiên Chúa trong thế giới, “Giáo Hội là một mạng lưới truyền thông rộng lớn được thiết kế để đưa con người ra khỏi sự cô lập và bất hòa của họ và để đem họ theo từng cá nhân và theo tập thể vào sự hiệp thông với Thiên Chúa trong Đức Kitô.”[165] Theo cách nhìn này, Giáo Hội là một thực tại mang tính truyền thông, nơi mà mỗi thành viên chịu trách nhiệm đối với sự hiện thực hóa Nước Thiên Chúa theo năng lực truyền thông của mình. Mỗi một phần tử của Giáo Hội chịu trách nhiệm thông truyền sứ điệp của Thiên Chúa.

Nghiên cứu và phân tích các văn kiện của Công đồng Vatican II dưới quan điểm truyền thông, Avery Dulles đưa ra năm nhận định mà ông xem như những mô hình truyền thông của Giáo Hội. Theo các lối tiếp cận khác nhau, Giáo Hội phải thông truyền Tin Mừng, điều này phản ánh tính đa dạng của các trách nhiệm.

1/ Mô hình phẩm trật hay cơ chế

Trong mô hình này, truyền thông được nhìn như là một tiến trình đi xuống, bắt đầu từ Thiên Chúa, qua các đức giáo hoàng và hàng giám mục đến các phần tử khác của Giáo Hội. Những nguồn mạch của đức tin, tức là Thánh Kinh và Thánh Truyền, được giao phó cho huấn quyền có tính phẩm trật mà bổn phận của huấn quyền ấy là giữ gìn và giải thích kho tàng đức tin, đặc biệt là qua việc ban hành các sắc lệnh. Theo mô hình thứ nhất này, nội dung của giáo huấn có thẩm quyền của Giáo Hội là giáo lý đức tin và luân lý, được chứa đựng cách rõ ràng hay ẩn tàng trong kho tàng đức tin, bao gồm bất cứ điều gì cần giải thích hay bênh vực đức tin. Mô hình thứ nhất đề cập đến “tương quan bên trong Giáo Hội giữa những người quản lý lời và những người mà họ phục vụ. Mô hình này tạo nên một sự phân biệt rõ nét giữa phẩm trật như là các thầy dạy có thẩm quyền (ecclesia docens) và phần còn lại trong các tín hữu như là những người thụ huấn (ecclesia discens).” Theo Dulles, ở đây mô hình truyền thông dường như là “giáo huấn của Giáo Hội được chứa đựng trong các công bố rõ ràng và chính xác được ban hành bởi quyền bính hợp pháp theo khuôn mẫu chính thức, và nó có giá trị rộng rãi, hay ít nhất là đối với hàng giáo sĩ, theo các văn bản được đóng dấu.”[166]

2/ Mô hình công bố Tin Mừng hay sứ giả

Mô hình này có ý nghĩa đặc biệt trong Hiến chế Tín lý về Mặc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum và trong nhiều phần của Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo Ad Gentes. Theo mô hình này, Giáo Hội, đặt nền tảng trên truyền thống các Tông Đồ, được Đức Kitô sai đến với mọi dân tộc trên thế giới để trở nên “bí tích phổ quát của ơn cứu độ” giữa họ. Vì thế, Giáo Hội tiếp tục không ngừng sai các sứ giả đi công bố Tin Mừng và qua đó chuẩn bị cho người nghe đón nhận và tuyên xưng đức tin.[167] Đức Kitô hiện diện cách năng động trong Lời Người khi Thánh Kinh được đọc lên trong Giáo Hội và khi sứ điệp Thánh Kinh được công bố. Điểm tương tự cũng được đọc thấy trong Hiến chế về Phụng Vụ thánh.[168] Trong mô hình này, thừa tác vụ Lời Chúa được hướng tới những người ở bên ngoài Giáo Hội. Vì toàn thể Giáo Hội mang tính truyền giáo do chính bản chất của mình,[169] nên mọi tín hữu đã được rửa tội đều mang lấy sứ điệp Tin Mừng trên mình. Mặc dù bổn phận làm lan tỏa đức tin quả thực đè nặng trên vai các Giám mục là những người kế vị các Tông Đồ,[170] thì vẫn không một môn đệ nào của Đức Kitô được miễn khỏi trách nhiệm này.[171] Giáo dân, là những người chia sẻ chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô, có quyền và trách nhiệm phải cộng tác vào nhiệm vụ Phúc Âm Hóa.[172] Nội dung lời công bố của nhà truyền giáo là Tin Mừng về ơn cứu độ nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Ở đây, việc thông truyền Tin Mừng có thể sử dụng những phương thế khác nhau phục vụ cách đầy đủ cho người nghe liên quan đến việc hoán cải của họ. Như thế, người ta có thể nhận ra “rằng mình đã được giật ra khỏi tội lỗi và được dẫn đưa vào trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, Đấng gọi đã kêu gọi mình đi vào mối tương quan cá vị với Người trong Đức Kitô.”[173] Vì vậy, việc thông truyền Tin Mừng đặt cơ sở nhiều hơn trên các nhu cầu và chiều kích truyền thông của văn hóa. Sứ điệp Tin Mừng được thông truyền cách tự phát nhờ những người tín hữu chân chính. Sứ điệp ấy cũng có thể được tóm lược trong lời kinh Tin Kính ngắn gọn hay trong những công thức tuyên xưng có thể được ghi nhớ cách dễ dàng.

Mô hình truyền thông thứ nhất và thứ hai đòi hỏi những lời đáp trả khác nhau. Trong mô hình phẩm trật, lời đáp trả là “một sự vâng phục của lý trí đối với thẩm quyền đòi hỏi sự tôn trọng”; trong mô hình thứ hai, “lời đáp trả đối với việc rao giảng Tin Mừng là một sự gắn bó hiện sinh của toàn thể con người với tin vui cứu độ.”[174]

3/ Mô hình bí tích

Trong mô hình này, “truyền thông tôn giáo xảy ra không chỉ nhờ những lời nói mà còn một cách tương tự nhờ những con người và các sự kiện.”[175] Bản thân Đức Kitô cũng được xem như là biểu tượng mặc khải tối hậu, Hình Ảnh sống động làm cho Thiên Chúa nên hữu hình cách nào đó. “Đức Kitô truyền thông không chỉ qua điều Người nói mà thậm chí còn nhiều hơn nữa qua điều Người là và làm.”[176] Qua sự truyền thông của mình, Giáo Hội sẽ biểu lộ chính mình như một dấu chỉ hữu hiệu hay bí tích, trong đó Đức Kitô không chỉ được tỏ bày mà còn tiếp tục hiện diện và hoạt động cho ơn cứu độ trần gian.[177] Kiểu truyền thông này bao hàm mọi kiểu truyền thông không lời, mang tính biểu tượng, và nhất là dấu chỉ hữu hình của chứng tá đời sống. Trong Phụng Vụ, “những dấu chỉ thánh tạo nên tác động cứu độ của chúng nhờ quyền năng của Đức Kitô.”[178]

4/ Mô hình cộng đoàn hay hiệp thông

Giáo Hội trong mô hình này được xem như cộng đoàn huynh đệ của đời sống, đức ái, và chân lý được làm cho sống động bởi Chúa Thánh Thần.[179] Biểu hiện rõ ràng nhất của điều này có thể được tìm thấy trong chương II của Hiến chế về Giáo Hội với tựa đề “Dân Thiên Chúa.” Dựa trên khái niệm-koinonia trong Giáo Hội học của Pauline, Giáo Hội được mô tả như một cộng đoàn mang tính truyền thông và hữu cơ với Đức Kitô là Đầu.[180] Giáo Hội bao gồm nhiều hạng người, với những khả năng và đặc sủng phân biệt của họ, làm việc cùng nhau để xây dựng toàn thân trong tình yêu.[181] Mô hình này cũng ủng hộ chứng tá chung và sự đối thoại liên quan đến việc gặp gỡ các Kitô hữu khác.

5/ Mô hình đối thoại-trần thế

Mô hình này chủ yếu đặt cơ sở trên giáo huấn của Công đồng Vatican II về Giáo Hội trong thế giới hiện đại Gaudium et Spes. Trong mô hình này, thế giới không Kitô giáo được nhìn nhận không đơn giản chỉ “như là chất liệu thô để cho Giáo Hội làm biến đổi tới những mục đích của riêng nó, cũng không như là một đối tượng đơn thuần của nhiệt tâm truyền giáo, nhưng như một địa hạt mà trong đó ý định sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa hoạt động cách huyền nhiệm.”[182] Ở đây, sự truyền thông của Giáo Hội được mô tả như cuộc đối thoại với các nền văn hóa và thế giới các tôn giáo. “Trong cuộc đối thoại như thế, Giáo Hội có thể hy vọng nắm lấy cũng như trao ban, học hỏi cũng như dạy dỗ” để đạt đến tính phổ quát của các giá trị nhân bản và tôn giáo đích thực.[183] Thêm vào đó, sự đối thoại của Giáo Hội cũng được thích ứng với các ý thức hệ trần thế khác vốn đã trở nên rõ ràng và có thể nhận thức được trong một thế giới truyền thông đang phát triển mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II sau đó đã gọi là “Công Hội Viện (Hội đồng Areopagus) đầu tiên của thời hiện đại.”[184] Theo lối tiếp cận này, Giáo Hội cần phải giải thích được các dấu chỉ thời đại[185] và đây là một nhiệm vụ dành cho toàn thể Dân Thiên Chúa, các mục tử và người giáo dân.[186] Trong tiến trình này, những vai trò đặc biệt của giáo dân là không thể thay thế được.[187] Trong việc truyền thông với các thể chế con người khác, Giáo Hội nhìn nhận “mọi yếu tố chân thật, thiện hảo và chính trực” được tìm thấy trong các thế chế ấy.[188] Giáo Hội cũng cho thấy sự sẵn sàng và cởi mở của mình đối với lợi ích từ những tiến bộ này.[189]

Năm mô hình được Dulles phác thảo cách tỉ mỉ mô tả những lối tiếp cận đối với truyền thông của Giáo Hội. Những xếp đặt này dường như được định hướng về mặt cấu trúc: truyền thông trong Giáo Hội như là thể chế, như là quyền bính, truyền thông của Giáo Hội như là tổ chức hướng tới những người ở bên ngoài, truyền thông bên trong Giáo Hội như là cộng đoàn, liên lạc với các Kitô hữu khác, truyền thông của Giáo Hội như là một cộng đồng tôn giáo đối với các nền văn hóa và tôn giáo khác, và truyền thông của Giáo Hội như là một thể chế bên trong xã hội con người.

Nếu khái niệm-koinonia và ba chiều kích truyền thông căn bản của Giáo Hội biểu lộ đặc tính sâu xa của truyền thông Giáo Hội, thì năm mô hình truyền thông của Giáo Hội, được phát triển bởi Dulles, đưa ra một cấu trúc rõ ràng của sự truyền thông trong hiện hữu của Giáo Hội. Nói cách khác, khi năm mô hình truyền thông của Giáo Hội diễn tả hình ảnh rõ ràng về Giáo Hội như là truyền thông và phương thức các hoạt động mang tính truyền thông của Giáo Hội, khái niệm-koinonia/hiệp thông cho thấy tinh thần hay linh hồn của sự truyền thông như thế. Cách thức làm sao mà Giáo Hội hội truyền thông và những công cụ nào mà Giáo Hội có thể sử dụng cho việc truyền thông có thể được xem như là nghệ thuật làm thế nào đầu óc suy nghĩ và hướng dẫn việc giao tiếp, và như là nghệ thuật làm thế nào Giáo Hội vươn tay ra và bước tới với mọi người qua việc sử dụng những công cụ ấy, nhưng “thực tại mang tính truyền thông mới” được hình thành bởi sự truyền thông của Ba Ngôi mới là trái tim của tất cả những cố gắng này. Đó chính là linh hồn của mọi nỗ lực truyền thông của Giáo Hội. Vì vậy, Giáo Hội cần phải ý thức về bản chất cốt yếu của mình. Giáo Hội là một cộng đoàn truyền thông, được ban tràn và làm cho sống động bằng Thánh Thần của Đức Giêsu Kitô. Việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong Đức Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần phải là nguyên lý hướng dẫn cho truyền thông của Giáo Hội. Nói cách khác, sự truyền thông của Thiên Chúa nhào nặn nên ý thức của Giáo Hội về đặc tính truyền thông của mình. Nó xây dựng Giáo Hội nên một thực thể mang tính truyền thông, hữu hình và xác thực qua những hoạt động truyền thông của mình, nhờ đó con người có thể cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa giữa cuộc sống con người. Dựa trên ý thức này, Giáo Hội có thể và phải tạo lập thiên hướng của chính mình trong sự truyền thông cùng và với người khác. Như thế, Giáo Hội có thể biết được những cách thức nào và những phương tiện nào mà mình có thể sử dụng cho việc truyền thông.

6.5 Những hàm ý thần học dành cho truyền thông xã hội

Dựa theo phân tích trên đây, Giáo Hội là một cộng đoàn có tính truyền thông được đặt nền tảng trên một mầu nhiệm về truyền thông: truyền thông sự sống của Ba Ngôi nhờ đời sồng nhập thể của Đức Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu Kitô trong tư cách “Đấng truyền thông hoàn hảo” là sự tự thể hiện ra ngoài của Thiên Chúa Cha. Với tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa, Đức Giêsu truyền thông nhờ sự hiện diện thể lý của Người, qua việc giảng dạy và chữa bệnh của Người, và đặc biệt qua các biến cố tột đỉnh của cái chết và sự phục sinh của Người. Qua sự nhập thể, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, con người gặp được Tin Mừng về sự viếng thăm cứu độ, về cuộc khổ nạn và sự siêu tôn tới vinh quang Thiên Chúa của Người. Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Đức Kitô, là tác nhân truyền thông hợp nhất Thiên Chúa, Đức Kitô với con người và liên kết con người lại với nhau. Việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình, được phản chiếu trong toàn bộ lịch sử cứu độ và đặc biệt trong sự Nhập Thể của Đức Giêsu Kitô, là thực tại căn bản của sự hiện hữu của Giáo Hội trong tư thế là một đời sống hiệp thông và có tính truyền thông

Thần học căn bản, như Jürgen Werbick khẳng định, phải suy tư theo quan điểm này. Việc ấy sẽ giúp khám phá ra thực tại căn bản của việc Thiên Chúa truyền thông, sự truyền thông vốn xây dựng nên nền tảng cho sự truyền thông của Giáo Hội. Loại suy tư thần học này biểu lộ tinh thần của truyền thông Kitô giáo bước theo sự truyền thông của Thiên Chúa. Từ quan điểm Giáo Hội học, ta cần phải đón lấy những hệ quả để hội nhập truyền thông vào trong mọi hoạt động bên trong đời sống Giáo Hội.

Dựa trên niềm tin vào tình yêu Ba Ngôi, sống đức tin là hiện hữu trong truyền thông. Mọi việc tưởng niệm và mọi tiến trình canh tân của Giáo Hội một cách cốt yếu đều được xem như việc sinh động hóa và đào sâu việc Ba Ngôi tự thông ban chính mình. Giống như các ngôi vị chí thánh trong Ba Ngôi thông truyền “chính mình,” mỗi ngôi theo những cách thức đặc thù của mình, để sống trong tình yêu và để trao ban tình yêu này cho con người, Giáo Hội cũng phải đi theo kiểu mẫu truyền thông này để thiết lập và làm cho hoàn hảo đời sống hiệp thông của mình.

  • Trên cơ sở đức tin Kitô giáo và nhờ đức tin này, sự truyền thông diễn ra như thế nào?
  • Làm thế nào Giáo Hội “hoạt động” bên trong nhân loại với những thách đố truyền thông của nó và đạt được những lợi ích từ những thách đố ấy?
  • Làm thế nào nhân loại có thể trở nên phong phú nhờ sự truyền thông của Giáo Hội?

Đây không đơn thuần chỉ là những câu hỏi về các vấn đề kỹ thuật, nhưng chúng liên quan đến bản chất của Kitô giáo và của Giáo Hội.

“Giáo Hội Kitô là cộng đoàn do bởi sự truyền thông sứ điệp của Đức Kitô ra bên ngoài và bởi ân huệ bên trong của tình yêu Thiên Chúa tạo nên.”[190] Theo cách nhìn này, Giáo Hội đúng là một thực tại mang tính truyền thông hơn là một thể chế. Giáo Hội không hiện hữu cho chính mình, nhưng sống trong hướng nhìn về truyền thông và hiệp thông. Qua đời sống mình, Giáo Hội tạo nên một “văn hóa truyền thông mới” vì nhân loại. Nói cách khác, hiện hữu Giáo Hội là hiện hữu trong truyền thông vì hiệp thông. Tính đa dạng phong phú của việc Thiên Chúa truyền thông qua Đức Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần hàm ý rằng Giáo Hội cũng có thể lợi dụng mọi khả thể truyền thông sẵn có trong một nền văn hóa nhất định. Bởi vậy, nếu người ta suy tư về cấp độ các nền thần học thực hành, họ cũng quan tâm đến cách thức làm thế nào để truyền thông hiệu quả sứ điệp của Đức Kitô.

Đối diện với hiện trạng truyền thông trên thế giới hiện nay, Giáo Hội cần phải tự chuẩn bị để bước vào những thay đổi đa dạng của truyền thông. Về điểm này, một số cách tiếp cận cơ bản được đề nghị bởi Klaus Hemmerle:[191]

  • Giáo Hội cần phải ý thức về những dạng thức truyền thông khác nhau được tạo ra bởi các phương tiện truyền thông hiện nay. Sứ điệp, chứng từ Kitô giáo, lối sống Kitô giáo, các hoạt động của Kitô giáo cần phải có khả năng thể hiện mình qua các phương tiện truyền thông. Chúng cần phải được truyền thông theo cách mà người ta có thể hiểu được chúng. Các thừa tác viên truyền thông của Giáo Hội cần phải tự thích ứng với tính đa dạng của các khả thể truyền thông hiện nay. Những dạng thức truyền thông khác nhau cần phải đóng góp vào sự phong phú của tính đa dạng tạo nên một cộng đoàn mang tính truyền thông hấp dẫn hơn.
  • Sứ điệp Kitô giáo và những hình thức công bố sứ điệp ấy không thể chỉ dựa trên những công cụ kỹ thuật. Dựa theo sự truyền thông của Ba Ngôi, mọi cách thức và phương tiện truyền thông phải cho phép, nâng đỡ và cuối cùng dẫn tới một cuộc gặp gỡ giữa các ngôi vị. Truyền thông của Thiên Chúa tạo nên và cho phép sự truyền thông liên vị: một gặp gỡ giữa mọi người.
  • Giữa những khả thể và cơ hội truyền thông, một người cũng cần có quyền và môi trường cho sự không-truyền thông. Người ấy không thể bị cưỡng ép phải hoàn toàn truyền thông, hoặc như là chủ thể hoặc như là đối tượng. Người ta cần phải đánh giá đúng năng lực sáng tạo của sự thinh lặng và trầm tĩnh.
  • Từ cách nhìn này, Giáo Hội tương lại đang đối diện với nhiệm vụ phải làm cho truyền thông nên dễ dàng và làm cho chính mình có đủ tư cách là người truyền thông trên mọi cấp độ: hợp pháp hóa truyền thông trong các gia đình, tạo những cơ hội gặp gỡ trong các cộng đoàn giáo xứ hay thúc đẩy mọi kiểu hình gặp gỡ dẫn tới sự truyền thông tốt đẹp và đúng đắn hơn. Về điều này, Giáo Hội cần phải biết cách sử dụng đúng đắn những phương thế, kiểu loại, cũng như các phương tiện truyền thông khác nhau trong những hoạt động truyền thông của mình.
  • Điều thiết yếu là phải có một tinh thần cởi mở và sự tôn trọng lẫn nhau trong việc thông truyền đức tin cho các nền văn hóa và các tôn giáo khác.

Ở điểm này, Hemmerle cảm thấy rằng Giáo Hội cần có một nền thần học truyền thông cho thời đại chúng ta. Chúng ta làm điều này không chỉ vì để tự thích ứng với thời đại này. Mà, đúng hơn, chúng ta làm như vậy để làm sáng lên cốt lõi của sứ điệp Tin Mừng và đào sâu đức tin.[192] Mối quan tâm của Hemmerle là vấn đề làm thế nào để nhìn vào và hiểu được bối cảnh của thế giới chúng ta, cái bối cảnh vốn gây ảnh hưởng lên xã hội và sự truyền thông của Giáo Hội. Tuy nhiên, điều này chỉ là một phần của bức tranh lớn. Thần học truyền thông đi sâu hơn và vượt quá điều này. Những vấn đề căn bản về truyền thông xã hội, những người liên quan, sứ điệp Tin Mừng, các kênh dẫn truyền, những tình huống xã hội và văn hóa, đều được suy xét dưới nhãn quan về truyền thông Kitô giáo.

Thần học truyền thông phát triển khái niệm này, dựa trên việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong lịch sử cứu độ. Theo khái niệm này, toàn thể thần học phải được nhìn dưới quan điểm của truyền thông. Quan điểm này xem xét những chiều kích truyền thông của Thiên Chúa trong đời sống của Ba Ngôi, trong mặc khải thánh, trong sự Nhập Thể của Đức Giêsu Kitô, cuối cùng trong toàn bộ lịch sử cứu độ giữa Thiên Chúa và con người. Trong tiến trình truyền thông của mình, Thiên Chúa, qua sự gặp gỡ với con người, biểu lộ chính mình nhờ những biểu tượng khả giác, có tính xã hội và được chuyển thông về mặt lịch sử. Việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình có một chiều kích xã hội và biểu tượng, nhưng nhìn chung nó cố gắng vươn tới con người, nó nhắm mục tiêu cải thiện con người và cuộc sống của con người, và cuối cùng làm tròn đầy cuộc sống ấy: con người sẽ trở nên một phần trong đời sống Ba Ngôi. Vì vậy, nó diễn ra từ người này đến người khác, vì con người. Đức Giêsu Kitô là mô mẫu tuyệt vời cho kiểu truyền thông này. Thần học truyền thông không bàn đến toàn thể phạm vi của công trình cứu độ của Thiên Chúa, nhưng suy tư một cách cụ thể về những phương thế mà Thiên Chúa trong tính cách truyền thông chia sẻ công trình ấy với chúng ta. Từ đây, Giáo Hội có được sự sáng suốt về thần học và mục vụ liên quan đến việc truyền thông của chính mình. Như một hệ quả, Giáo Hội có thể đặt ra những nguyên tắc cho việc truyền thông.

6.5 Những chiều kích truyền thông xa hơn của Giáo Hội

Khẳng định của Vatican II trong Gaudium et Spes từ tháng 12 năm 1965 về hoàn cảnh của của Giáo Hội trong thế giới hiện đại vẫn thích hợp cho con người ngày hôm nay. Điều gọi là thế giới hiện đại được đặc trưng bởi “những đổi thay sâu xa và mau chóng đang dần dần lan rộng tới toàn thể hoàn cầu.” Mặc dù con người đã tạo nên thế giới hiện đại bằng trí thông minh và những năng lực sáng tạo của mình, tuy nhiên, “những thay đổi này đang trở lại ảnh hưởng trên chính con người, trên những phán đoán và ước vọng cá nhân hay tập thể con người, trên cách suy tư và hành động đối với sự vật cũng như con người.” Hoàn cảnh này đưa tới “sự biến đổi đích thực về mặt xã hội cũng như văn hóa.”[193]

Tuy nhiên, giữa hoàn cảnh này, Giáo Hội nhận ra vai trò tích cực của truyền thông hiện đại trong sự phát triển của xã hội con người. Hướng dẫn mục vụ về các phương tiện truyền thông xã hội Communicatio et Progressio tuyên bố: “Các phương tiện truyền thông xã hội giúp con người sẻ chia hiểu biết của họ và thống nhất các hoạt động sáng tạo của họ… Truyền thông xã hội hướng tới những tiếp xúc đa chiều và đào sâu ý thức xã hội. Kết quả là cá nhân được nối kết một cách gần gũi hơn lại với bạn hữu của mình và có thể dự phần mình vào việc trải rộng lịch sử ra như thể được hướng dẫn bởi bàn tay Thiên Chúa… Các phương tiện truyền thông xã hội có thể đóng góp rất nhiều cho sự hiệp nhất của nhân loại.”[194]

Đồng thời, Giáo Hội nhận thấy rằng các công nghệ hiện đại cũng đưa đến những thay đổi về các dạng thức truyền thông xã hội. Trên thực tế, những mẫu thức mới của truyền thông xã hội đã nổi lên. Theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, “sự phát triển mau lẹ của công nghệ trong lĩnh vực phương tiện truyền thông đại chúng chắc chắn là một trong những dấu hiệu của sự tiến bộ trong xã hội hiện nay… Chúng đã mở ra những đại lộ mới cho sự truyền thông dễ dàng mọi loại tin tức, tư tưởng và định hướng.”[195] Cũng Đức Giáo Hoàng đã phát biểu vào năm 1990 rằng “Công Hội Viện (Hội đồng Areopagus) đầu tiên của thời hiện đại là thế giới truyền thông đang hợp nhất nhân loại lại và biến nó thành điều được biết đến như là ‘ngôi làng toàn cầu.’ Các phương tiện truyền thông xã hội đã trở nên quan trọng đến nỗi thay thế cho nhiều phương tiện thông tin và giáo dục, đào tạo và truyền cảm hứng chính yếu trong cách cư xử của con người với tư cách những cá nhân, gia đình và bên trong xã hội nói chung. Đặc biệt, thế hệ trẻ đang trưởng thành lên trong một thế giới bị điều kiện hóa bởi các phương tiện truyền thông đại chúng.”[196]

Khi sự (tái) Phúc Âm hóa trong thế giới hiện đại được nhìn như một kiểu truyền thông Kitô giáo đặc thù, thì, theo những lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, điều rất quan trọng là phải “hội nhập sứ điệp ấy vào trong ‘nền văn hóa mới’ được tạo nên bởi các phương tiện truyền thông hiện đại.” Đây là một thách đố dành cho truyền thông của Giáo Hội vì có “những cách truyền thông mới, với những ngôn ngữ mới, công nghệ mới và tâm lý học mới.”[197] Vì vậy, hoàn cảnh mới đòi hỏi những phương pháp mới trong việc truyền thông của Giáo Hội. Sứ điệp Kitô giáo, điều mà Giáo Hội đã lãnh nhận thông qua việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình, một cách đặc biệt qua việc Nhập Thể của Đức Giêsu Kitô, và trong Chúa Thánh Thần, vẫn nguyên vẹn từ thế hệ này đến thế hệ kia, nhưng trong việc truyền thông sứ điệp Kitô giáo, thừa tác viên truyền thông của Giáo Hội cần phải biết sứ điệp ấy được truyền thông cho ai, trong hoàn cảnh nào thì việc truyền thông này diễn ra, và những công cụ truyền thông nào là phù hợp nhất với bối cảnh tương ứng. Ở đây, thừa tác viên truyền thông của Giáo Hội cần cắm rễ sâu trong nguồn mạch/nguồn thông tin của chính mình. Đồng thời, người ấy cần phải cởi mở và sẵn sàng để học hỏi từ người khác. Cần phải có một linh đạo truyền thông và tri thức có tính liên ngành. Trong sự truyền thông mang tính đối thoại này, Giáo Hội trao tặng những kho tàng quý giá của mình, đến từ đức tin, và đồng thời đón nhận những điều thiện hảo, đến từ tri thức và hiểu biết của xã hội loài người, trong đó Thiên Chúa cũng

hiện diện.

Giáo Hội đã bày tỏ thái độ tích cực đối với tình huống truyền thông xã hội mới trong một số văn kiện như Thông điệp Miranda Prorsus của Đức Giáo Hoàng Piô XII (1957), Sắc lệnh Inter Mirifica của Công đồng Vatican II (1963), Hướng dẫn mục vụ Communio et Progressio (1970), Hướng dẫn mục vụ Aetatis Novae (1992), Tông thư Rapid Development (2005) và nhiều sứ điệp về ngày thế giới truyền thông. Đặc biệt, Hướng dẫn mục vụ Communio et Progressio, sau khi đưa ra một số nền tảng thần học cho truyền thông xã hội, giải thích rõ ràng những hàm ý quan trọng. Thế giới đương thời được xem như “một chiếc bàn tròn lớn” mà ở đó một cộng đồng toàn cầu đang được hình thành nhờ một sự trao đổi thông tin và hợp tác. “Sự trao đổi qua lại này tạo nên những điều kiện thích hợp cho sự hiểu biết hỗ tương và thông cảm đưa tới một tiến trình chung.”[198] Được gợi hứng bởi việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình, “các tác viên truyền thông thổi sức sống vào cuộc đối thoại diễn ra bên trong gia đình nhân loại. Chính họ là những người chỉ huy trong khi sự trao đổi tiếp diễn quanh “chiếc bàn tròn” rộng lớn mà các phương tiện truyền thông đã tạo nên. Ơn gọi của họ thật là cao thượng để thúc đẩy mục đích của truyền thông xã hội.”[199] Tiên vàn, mục tiêu của truyền thông xã hội/truyền thông của con người là thiện ích chung của nhân loại. Giáo Hội, được dẫn dắt bởi Thánh Thần của Đức Kitô, hòa mình vào trong sự truyền thông này và chia sẻ với con người tầm nhìn của mình: hiệp thông. Tương tự, qua việc tham dự vào cuộc đối thoại chung này, các tôn giáo khác nhau có thể hướng về một gia đình chung dưới sự che chở của Thiên Chúa Duy Nhất Hằng Hữu, Cha của mọi người.[200]

Sự cải thiện đời sống và xã hội con người trở nên rõ ràng qua việc phục vụ của Giáo Hội bởi Giáo Hội nhắm đến những nhu cầu của con người hôm nay trong nhiều khía cạnh: những ước vọng của họ, những vấn nạn của họ, sự bất công của con người v.v… Vì mục đích này mà truyền thông xã hội hiện đại có thể khuyến khích Giáo Hội đi đến với con người và hiện diện cách hữu hiệu giữa con người.[201]

Tuy nhiên, trong tất cả các hoạt động mang tính truyền thông của Giáo Hội, việc đào tạo và tự rèn luyện được đòi hỏi để những lợi ích tiềm ẩn của các phương tiện truyền thông mới có thể được nhận ra và các mối hiểm nguy của đam mê mù quáng, của khuynh hướng chạy trốn thực tại và của sự bóc lột bị ngăn ngừa.[202]

Đối diện với thách đố lớn của truyền thông xã hội trong thế giới đương đại, Giáo Hội nhận thấy cần phải có sự nghiên cứu xa hơn nhằm đào sâu “những tác động của các phương tiện truyền thông xã hội trên các môi trường văn hóa khác nhau và trên những hạng người khác nhau.” Những nghiên cứu toàn diện và liên ngành về truyền thông xã hội giúp các thừa tác viên truyền thông của Giáo Hội “hiểu được sự vận hành của các phương tiện truyền thông xã hội bên trong gia đình nhân loại, và nắm bắt được cả đặc tính tiềm ẩn lẫn hiện lộ của chúng, đạt tới được một sự lượng giá tốt hơn về những tác động tâm lý và văn hóa đầy biến động của chúng.”[203] Theo Communio et Progreesio, Giáo Hội cần phải học hỏi và theo đuổi tri thức cùng những hiểu biết rút ra được từ sự nghiên cứu ấy. Bằng cách này, Giáo Hội có thể phục vụ cách hữu hiệu cho tiến trình truyền thông xã hội và sử dụng các phương tiện của nó cho lợi ích tốt nhất của con người.[204] Trong việc đối thoại với khoa học, Giáo Hội có thể khám phá ra tính hiệu quả của chính mình trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Bởi vậy, Giáo Hội có thể “bố trí các nguồn tài nguyên của mình để đáp ứng được tầm quan trọng của những nhiệm vụ mà Giáo Hội đối diện trên khắp thế giới.”[205] Theo viễn tượng này, truyền thông của Giáo Hội có một chiều kích toàn diện. Giáo Hội cần phải đạt được tri thức, những hiểu biết và thông tin có tính khoa học về xã hội con người. Giáo Hội phải giải thích chúng dưới ánh sáng của Tin Mừng và cuối cùng trao tặng từ chính bản thân mình sứ điệp Tin Mừng nâng đỡ và cải thiện đời sống và xã hội loài người. Đây là một truyền thông tỉ mỉ chi tiết diễn ra giữa Giáo Hội và các chuyên gia: một tiến trình học hỏi lẫn nhau qua đó cả hai đối tác truyền thông sẽ được phong phú nhờ nhau.

Tình huống truyền thông xã hội hiện nay khá là khác biệt so với thời các văn kiện Giáo Hội được ban hành, các văn kiện mà ở đó Giáo Hội chính thức nhắm đến các vấn nạn và thách đố của truyền thông xã hội hiện đại. Hiện nay, chúng ta sống và bị ảnh hưởng bởi cái gọi là “cuộc cách mạng kỹ thuật số.” Những món đồ kỹ thuật số mới thật sự hấp dẫn. Bởi vì chúng mà truyền thông được dễ dàng hơn, có hiệu quả, song vẫn còn phức tạp. Tính phức tạp của truyền thông xã hội tự nó biểu lộ qua sự thay đổi các dạng thức văn hóa và xã hội trong truyền thông. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã nhắm đến hiện tượng này trong sứ điệp ngày thế giới truyền thông năm 2009 về các công nghệ mới:

Tính dễ truy cập của điện thoại di động và máy tính, được nối kết với tầm hoạt động và sự thâm nhập toàn cầu của Internet, đã mở ra một phạm vi các phương tiện truyền thông cho phép thông truyền gần như tức thời những ngôn từ và hình ảnh vượt qua những khoảng cách khổng lồ và đi đến những ngõ ngách tách biệt nhất trên thế giới; một điều không thể nào mường tượng được đối với những thế hệ trước đây. Những người trẻ, nói riêng, đã nắm bắt được khả năng to lớn của các phương tiện truyền thông mới để thúc đẩy sự nối kết, giao thiệp và hiểu biết giữa các cá nhân và cộng đồng, và họ đang hướng tới chúng như là những phương thế để giao tiếp với các bạn bè hiện có, để gặp gỡ thêm các bạn bè mới, để kiến tạo các cộng đồng và mạng lưới, để tìm kiếm thông tin và tin tức, và để chia sẻ những quan niệm và ý kiến của mình. Nhiều lợi ích bắt nguồn từ nền văn hóa truyền thông mới này: các gia đình có khả năng giữ liên lạc qua những khoảng cách xa; các sinh viên và nghiên cứu sinh có cơ hội tiếp cận các tài liệu, các nguồn thông tin và các khám phá khoa học cách trực tiếp và dễ dàng hơn, do đó họ có thể cùng nhau cộng tác làm việc từ những địa điểm khác nhau; hơn nữa, bản chất tương tác của nhiều phương tiện truyền thông mới tạo thuận lợi cho các phương thức học tập và truyền thông năng động hơn, qua đó góp phần vào sự tiến triển xã hội.[206]

Vấn đề không phải là làm thế nào để sử dụng những công nghệ mới trong bối cảnh này, nhưng mối quan tâm chính yếu của Giáo Hội nên là: Giáo Hội nên hiện diện như thế nào trong hoàn cảnh này? Thứ nhất, đây là một vấn đề về việc Giáo Hội tự ý thức về mình như là sự tiếp nối việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trong cái ở đây và bây giờ của thế giới; thứ hai, nó yêu cầu Giáo Hội phải xem xét và hiểu được căn tính của con người bị nhào nắn hay bị tác động bởi hoàn cảnh hiện đại; và thứ ba, nó đòi hỏi Giáo Hội mở rộng đôi mắt để khám phá và nhận ra “thế giới mới,” thế giới mà trong đó Giáo Hội chia sẻ sự sống với gia đình nhân loại như là tặng phẩm của một Thiên Chúa yêu thương và truyền thông. Nói về hiện tượng này cho các thùa tác viên truyền thông Đức, Paul Tighe[207] đã nhấn mạnh tính thích đáng của việc Giáo Hội hiện diện trong truyền thông xã hội “mới.” Vì vậy, điều cần thiết đối với Giáo Hội là bày tỏ sự cởi mở của mình, để học biết ngôn ngữ của “thế giới kỹ thuật số,” để vạch ra chi tiết các chiến lược đúng đắn, và quan trọng nhất, để luôn luôn ở trong sự truyền thông/hiệp thông với Ngôi Lời nhập thể của Thiên Chúa, Đức

Giêsu Kitô.[208]

7. Suy tư kết luận

Trong hiện hữu sâu thẳm nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi, truyền thông là một hoạt động mang tính riêng tư sâu xa của mỗi Ngôi vị Thiên Chúa. Đó là một sự tự truyền thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Sự hiệp thông Ba Ngôi thực hiện được nhờ sự tự truyền thông liên vị mà qua đó mỗi Ngôi vị Thiên Chúa chia sẻ (truyền thông) điều quý giá nhất và độc nhất của riêng mình cho Ngôi khác. Vì thế, sự tự truyền thông này không phải là một tiến trình chuyển trao thông tin từ Ngôi này đến Ngôi kia, nhưng đó là một tiến trình truyền thông làm phong phú lẫn nhau đưa tới một sự hiệp thông tình yêu trọn vẹn. Đời sống của Ba Ngôi là một đời sống của truyền thông hỗ tương trong hiệp thông và một sự hiệp thông tình yêu nhờ tự truyền thông. Tương tự như vậy, sự thành tựu của bất cứ truyền thông nào của con người đều đặt nền tảng trên sự đánh giá cao và chấp nhận tính duy nhất và giá trị của đối tác truyền thông kia.

Từ sự tự truyền thông viên mãn của mình, Thiên Chúa vươn ra để truyền thông với con người: Người kêu gọi họ đi vào hiện hữu cùng với Người và với những người khác. Vì vậy, Thiên Chúa đã sáng tạo nên thế giới như một thực tại sống động dành cho sự sống con người theo như ý định và sự khôn ngoan của Người. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh và giống như Người. Bằng hành động sáng tạo này, Thiên Chúa ban cho con người khả thể và điều kiện sống để truyền thông với nhau. Trong hiểu biết của Kitô giáo, con người mang tính truyền thông và phụ thuộc lẫn nhau.

Bất chấp sự thật rằng con người từ chối đáp lại lời mời gọi của mình, Thiên Chúa vẫn tiếp tục truyền thông với họ và đưa ra cho họ một cơ hội mới để một lần nữa bước vào đời sống hiệp thông với Người. Sự truyền thông của Thiên Chúa diễn ra qua các lời nói và việc làm, qua lịch sử cụ thể của con người. Sự truyền thông ấy dùng những hình thức xã hội, những khía cạnh văn hóa và các ngôn ngữ của con người để bày tỏ sứ điệp của Thiên Chúa giúp con người đạt tới hiểu biết Người trong đời sống và lịch sử của mình. Trong cuộc khủng hoảng nhân phẩm và đức tin, lời có tính ngôn sứ của Thiên Chúa giúp con người hiểu được tình trạng của họ và đồng thời tạo nên trật tự mới để họ có thể tìm được lối thoát khỏi tính trạng ấy nhờ việc nghe theo lời Người.

Nhân tố quan trọng nhất trong việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình là Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, Chúa Con, trở nên xác phàm vì con người. Việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình trở thành rất cá vị nơi Đức Giêsu Kitô. Sự truyền thông của Đức Giêsu mở mắt con người ra với một thực tại khác đang hiện hữu trong thế giới loài người: Nước Thiên Chúa. Sự truyền thông ấy mời gọi con người đi vào trong thực tại này. Tất cả những hoạt động có tính truyền thông của Đức Giêsu (giảng dạy, chữa bệnh, khuyên nhủ, ăn uống với những người tội lỗi, sống với các môn đệ và với Chúa Cha, cầu nguyện, chịu đau khổ, chết trên Thập Giá) ôm ấp toàn bộ cuộc sống của con người và đưa tới một đời sống với tha nhân và với Chúa Cha. Người là dấu chỉ tuyệt đối của sự truyền thông Thiên Chúa-con người. Theo cách nhìn này, một thừa tác viên truyền thông Kitô giáo là người mà một cách cá nhân được Đức Giêsu kêu gọi để bắt chước đời sống của Người và cũng là người có khả năng sống trong sự hiệp thông với Chúa Cha và với những người khác nhờ Thánh Thần.

Giáo Hội là một cộng đoàn những người tín hữu đi theo tiếng gọi của Đức Giêsu và sống trong Thần Khí. Giáo Hội là một thực tại mang tính truyền thông khi Giáo Hội suy tư về đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi theo những chiều kích khác nhau:

  • Như là một cộng đoàn được hợp nhất bởi Đức Giêsu Kitô, Giáo Hội suy tư về tương quan mật thiết giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đây là chiều kích koinonia/communio mà trong đó các tín hữu chia sẻ cùng một niềm tin, cùng một Thần Khí của Đức Kitô. Trong tính cá vị và sự duy nhất của riêng mình, như một toàn thể, các thành viên Giáo Hội hiện thực hóa Nước Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Điều này có thể thấy được trong chứng tá và việc cử hành mầu nhiệm đức tin cũng như trong việc phục vụ tha nhân của Giáo Hội.
  • Được Đức Giêsu Kitô sai đến với tất cả mọi người và mọi dân tộc, Giáo Hội mang trong mình đặc tính Loan báo Tin Mừng: Giáo Hội cần phải thông truyền Lời Thiên Chúa cho mọi người ở bên ngoài để cho họ được chia sẻ sự sống thần linh. Sự truyền thông ra bên ngoài này đạt tới một chiều kích toàn diện. Từ cái nhìn về cách thức Thiên Chúa đã truyền thông trong lịch sử cứu độ và qua chính Con của Người, Giáo Hội bị thách đố trong việc thông truyền đức tin của mình trong thế giới hôm nay. Sự truyền thông của Giáo Hội được định vị trong những bối cảnh xã hội và văn hóa phức tạp của thế giới hiện đại. Việc thông truyền đức tin dưới ánh sáng của Hiến chế mục vụ “Gaudium et Spes” cũng cần phải lưu tâm tới “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ.”[209] Thêm vào đó, đối diện với các hình thức mới của các môi trường xã hội và văn hóa, Giáo Hội bị thách thức hội nhập sứ điệp Tin Mừng vào trong một “nền văn hóa mới” được tạo ra bởi các phương tiện truyền thông hiện đại. Ở đây, điều thiết yếu là phải ý thức về “những phương thức truyền thông mới, với những ngôn ngữ mới, những công nghệ mới và một khoa tâm lý mới.”[210] Thần học và các chuyên ngành khoa học khác của con người và xã hội phải được nghiên cứu trong bối cảnh này nhằm phát triển một quan điểm toàn diện trong tác vụ truyền thông loan báo Tin Mừng và mục vụ. Việc thông truyền đức tin trong bối cạnh này đòi hỏi sự cởi mở và sẵn sàng học hỏi về/từ những người mà Giáo Hội được sai đến với. Đối với toàn bộ tiến trình thông truyền đức tin, điều cần thiết là phải phát triển một khuynh hướng mang tính truyền thông vốn là hoa trái của suy tư về sự truyền thông của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, một truyền thông thật sự hệ trọng đói với sự truyền thông Kitô giáo hiện nay. Vì thế, thần học truyền thông cần xem xét toàn thể thần học dưới viễn tượng truyền thông.

THƯ MỤC THAM KHẢO

VĂN KIỆN GIÁO HỘI

Ad Gentes: Decree on the Mission Activity of the Church. In: Flannery, Austin (Ed). Vatican Council II: The Conciliar and Post Conciliar Documents. North Port NY: Costello Publishing 1996.

Aetatis Novae: Pastoral Instruction on Social Communication on the 20th Anniversary of “Communio et Progressio”, published by the Pontifical Council for Social Communication, February 22, 1992.

Communio et Progessio: Pastoral Instruction for the Application of Decree of the Second Vatican Council on the Means of Social Communication, published by Pontifical Council for Social Communication, May 23, 1971.

Dei Verbum: The Dogmatic Constitution on the Divine Revalation of Vatican Council II. November 18, 1965.

Evangelii Nuntiandi: Apostolic Exhortation of Pope Paul VI. 1975.

Gaudium et Spes: Pastoral Constitution on the Church on the Modern World.

Inter Mirifica: Decree on the Media of Social Communication. In: Eilers, Franz-Josef. Church and Social Communication. Manila Logos 2nd Ed. 1997.

Internet: a New Forum for Proclaiming the Gospel: Message of the Holy Father John Paul II for the 36th World Communication Day. On Sunday, May 12, 2002.

Lumen Gentium: The Dogmatic Constitution on the Church. “Miranda Prorsus”: Encyclical Letter off Pope Pius XII. September 8, 1957.

New Technology, New Reationship, Promoting a Cultural of Respect, Dialogue and Frienship. Message of the Holy Father Benedict XVI for the 43rd World Communication Day. May 2009.

Redemptoris Missio: The Apostolic Encyclical of Pope John Paul II. December 7, 1990. Manila: Daughters of St. Paul Publishing 1992.

Sacrosanctum Concilium: Constitution on the Sacred Liturgy.

SÁCH

Dulles, Avery. The Craft of Theology: From Symbol to System, Macmillan and Gill, Dublin, Crossroad. 1992

___________ . The Church an Communication. In: Dulles Avery. The Shaping of Catholicsm: Current Challenges in the Theology of Church, San Francisco, Happer and Row 1998.

Eilers, Franz-Josef. Communicating in Ministry and Mission: An Introduction to Pastoral and Evangelizing Communication. Manila: Logos 3rd Ed. 2009a.

_________________ . Communicating in Community: An Introduction to Social Communication. Manila: Logos 4th Ed. 2009b.

_________________ . Communicating Church: Social Communication Documents – An Introduction. 2nd Edition. Manila: Logos 2014.

_________________ . Church and Social Communication: Basic Documents 1936 – 2014. Manila: Logos 3rd ed. 2014.

_________________ . Communicating Between Cultures: An Introduction to Intercutural Communication. Manila: Logos. 4th Updated Edition. 2009.

Gallo, Antonio, Magliola Robert & McLean George F. Culture, Evangelization and Dialogue. Washington D.C.: Council for Research in Value and Philosophy. 2003.

Grenz, Stanley J. The Social God and Relational Self: A Trinitarian Theology and the Imago Dei . Westmister: John Knox Press 2001.

Greshake. Gisbert. Der dreieine Gott. Eine Triniarische Theologie. Freiburg: Herder 4th Ed. 2001.

Häring, Bernard. Free and Faithful in Christ: Moral Theology for Priests and Laity. Vol. 2. London: St. Paul Publications 1979.

Hilberath, Bernd Jochen and Scharer Matthias (eds). Kommunikative Theologie: Grundlagen – Erfahrungen – Klärungen (Communicative Theology: Foundations – Experiences – Clarifications). Osfildern: Grünerwald Verlag 2012.

Latourelle, René. Theology of Revelation. New York: Alba House 1967.

______________ . The Miracles of Jesus and the Theology of Miracles. New York: Paulis Press 1988.

Lonegan, Bernard J.F. Method in Theology. Toronro: University of Toronro Press 1971.

Littlejohn, Stephen W. and Karen A. Foss. Theories of Human Communication. Belmont, CA: Thomson/Wadsworth 9th Ed. 2008.

Martini, Carlo Maria. Effata “Apriti”; Il Lembo del Mantello. Milano Centro: Ambrosiano di Documentazione e Studi religiosi 1990.

___________________ . Communicating Christ to the World. Quezon City: Claretian Publication 1996.

McDonell, James & Trampiets, Frances. Communicating Faith in a Technological Age. Middlegreen , United Kingdom: St. Paul Publication 1989.

Motmann, Jürgen. The Trinity and the Kingdom: The Doctrine of God. Minneapolis: Fortress Press 1993.

Mugridge, Christine A. & Gannon Marie. John Paul II Development of a Theology of Communication. Vatican City: Libreria Editrice Vaticana. 2008.

Neuliep, James W. Intercultural Communication: A Contextual Approach. Sage Publication 3rd Ed. 2006.

O’Collins, Gerald, and Kroeger James. Jesus: A Portrait. Manila Philippine Edition: Claretian Publication and Jesuit Communications 2010.

Palakeel, Josef (Ed.). Toward a Communication Theology: Bagalore. India. Asia Trading Corporation 2003.

Pearson, Judy C. & Nelson, Paul E. An Introduction to Human Communication: Understanding and Sharing. McGraw Hill 8th Ed. 2000.

Prokes, Mary Timothy. Multuality: The Human Image of Trinitarian Love. New Jersey; Paulist Press 1993.

Rahner, Karl. Schriften zur Theologie. Vol. IV. New York: The Seabury Press. c1971.

___________ . The Trinity. New York: Herder and Herder 1970.

___________ . Grundkurs des Glaubens: Einführung in den Begriff des Chistentums. Freiburg im Breisgau: Herder 1984.

Samovar, Larry A., Porter Richard E. & McDaniel Edwin R. Communication Between Cultutes. Thomson/Wadsworth 6th Ed. 2007.

Tubbs, Stewart L. Human Communication: Priciples and Contexts. Boston: McGraw-Hill 9th Ed. 2003.

Werbick, Jürgen. Den Glauben verantworten: Eine Fuldamentaltheologie. Freiburg, Basel, Wien: Herder 3rd 2005.

______________ . Grundfragen der Ekklesiologie. Freiburg Herder 2009.

Zenger, Erich. Einleitung in das Alte Testament. Stuttgart: Kohlhammer 2008.

BÀI BÁO

Greshake. Gisbert. Der Urprung der Kommunikationsidee [The Origin of the Idea of Communication]. Communicatio Socialis 35, no. 1 (2002).

de Mesa, José. The ‘Word’ that is Jesus: a Theology of Communication. Asian Horizons 5, no. 3 (2011).

Dulles, Avery. The Church is Communications: Catholic Mind 69, no. 1256 (Multimedia International 1972).

Häring, Bernard. Theologie der Kommunikation und theologische Meinungsbildung [Theology of Communication and Theological Opinion-forming]. Kirche und Publizistik. Eilers, Franz-Josef; Höller, Karl; Hosse. Josef; Schmolke, Michael (ed.). Müchen – Paderborn – Wien: Ferdinand Schöningh 1972.

Henrici, Peter. Überlegung zu einer Theologie der Kommunikation. Seminarium, No. 4. Rome: Libreria Editrice Vaticana. October – December 1986.

Hemmercle, Klaus. Kommunikation der Kirche – Kirche der Kommunikation. Communicatio Socialis 10, no. 4 (1977).

Mitchell Nathan D. Ritual and New Media. Cyberspace – Cyberethics – Cybertheology. Concilium . Erick Borgmann, Stephen van Erp, and Hille Haker. London SCM Press 2005/1.

Steiner, Peter B.. In der Einheit des Heiligen Geistes [In the Unity of the Holy Spirit]. Christ in der Gegenwart. No. 8, Freiburg: Herder (2010).

Tighe, Paul. Die Kirche in der digitalen Welt [The Church in the Digital World]. Communio Socialis 4, no. 47 (2014)

TỪ ĐIỂN

A Concise Dictionary of Theology: Revised and expanded edition. O’Collins Gerald S.J. and Farrugia Edward G. S.J. (Eds.). Quezon City, Philippines: Claretian Publication 2001.

Lexikon der Katholischen Dogmatik [Dictionary of the Catholic Dogmatic]. Wolfgang Beinert (Ed.). Freiburg – Basel – Wien: Herder 1987.

Lexikon für Theologie und Kirche (LThK) [Dictionary for Theology and Church]. Walter Kaspers (Ed.). Freiburg: Herder 1997.

Neues Theologisches Wörterbuch [New Theological Dictionary]. Herbert Vorgrimmler. Freiburg: Herder 2000.

Sacramentum mundi: Theologie Lexikon für die Praxis Vol. IV [An Encyclopedia of Theology]. Karl Rahner und Adolf Darlap (Eds.). Freiburg: Herder 1969.

 

 

[1] Franz-Josef Eilers, Communicating in Community: An Introduction to Social Communication (Manila: Logos [Divine Word] Publication, Inc., 4th updated ed., 2009), 314 – 316.

[2] Id., 317.

[3] Id., 324 – 327.

[4] José M. de Mesa, the ‘Word’ that is Jesus: A Theology of Comunication, Asian Horizons Vol. 5, (Bangalore, India, no. 4, 2011), 474.

[5] Dei Verbum (DV) số 2.

[6] DV số 3 – 6.

[7] Lumen Gentium (LG) số 4.

[8] X. LG, chương 2.

[9] Ad Gentes (AG) các số 2 và 10.

[10] Gaudium et Spes (GS) các số 6, 23.

[11] GS số 61

[12] Comminio et Progressio (CeP), số 1.

[13] CeP, số 6.

[14] CeP, số 8.

[15] Ibid.

[16] CeP, số 11.

[17] RM, số 37c.

[18] Gioan Phaolo II, Thông điệp về ngày truyền thông thế giới lần thứ 36, 12 tháng 5 năm 2002, số 2.

[19] Gerald O’Collins, S.J. và Edwaed G. Farrugia, S.J., Một Từ điển ngắn gọn về Thần học (Quezon City, Philippines: Claretian Publications, ấn bản chỉnh sửa và mở rộng, 2010), 239.

[20] Karl Rahner, Grundkurs des Glaubens: Einführung in den Begriff des Christentums (Freiburg im Breisgau: Heber, 1984). 123 – 125.

[21] Id., 126.

[22] Id., 127 – 130.

[23] Id., 122.

[24] Herbert Vorgrimmler, Neues Theologisches Wörterbuch (Freuburg. Basel, Wien: Herder, 2000), 571.

[25] Peter Henrici, “Überlegung zu einer Theologie der Kommunikation.” Seminarium, (Rome: Libreria Editrice Vaticana, No. 4, October – Becember 1986), 791.

[26] Id., 797 – 801.

[27] Gisbert Greshake, “Der Ursprung der Kommunikationsidee”, Communicatio Socialis: International Zeitschrift für Kommunikation in Religion, Kirche ind Gesellschaft (2002/1), 6.

[28] Id., 10.

[29] Id., 11

[30] Bernard J.F. Lonergan, Phương pháp thần học (Toronto: hãng thông tấn Đại học Toronto 1971), 355.

[31] Id., 362.

[32] Id., 362 – 363.

[33] Id., 364 – 365.

[34] Avery Dulles, Giáo Hội là truyền thông (Rom: Multimedia International, 1972), 6.

[35] Avery Dulles, “Giáo Hội và truyền thông,” Tái định hình Công giáo: những thách đố gần đây trong thần học về Giáo Hội (San Francisco: Haper and Row 1988), 10.

[36] Avery Dulles, Con tàu thần học: từ biểu tượng đến hệ thống, (Dublin: Crossroad, 1992), 22.

[37] Id., 22 – 39.

[38] Id., 21.

[39] Jürgen Werbick, “Kommunikation”, Lexikon für Theologie und Kirche (LThK): Dictionary for Theology and Church, Walter Kaspers, ed., (Freiburg: Herder 1997), 214f.

[40] Jürgen Werbick, den Glauben Verantworten: Ein Fundamentaltheologie (Freiburg, Basel, Wien: Herder, 3rd ed., 2005), 770.

[41] Id., 778 – 780.

[42] Id., 797.

[43] Id., 799 – 809.

[44] Id., 810 – 811.

[45] Carlo M. Martini, Effata “Apriti”; Il Lembo del Mantello (Milano: Centro Ambrosiano si Documentazione e Studi Religiosi 1990), No. 3.

[46] Id., nos. 4 – 17.

[47] Id., nos 18 – 38.

[48] Id., nos 39 – 81.

[49] Josef Palakeel, Toward a Communication Theology, (Bangalore, India: Asian Trading Corporation 2003), 10.

[50] Id., 12.

[51] Franz-Joef Eilers, Communication in Ministry and Mission, 19.

[52] IM, nos. 1 – 2.

[53] CeP, nos. 1 – 2.

[54] Franz-Joef Eilers, Communication in Ministry and Mission, 20.

[55] Id., 21.

[56] Id., 21 – 32.

[57] Hilberath, Bernd Jochen and Scharer, Matthias, Kommunicative Theologie: Grundlagen – Erfahrungen – Klӓrugen, [Communicative Theology: Foundations – Exxperience – Clarification], (Ostifuldern: Grünewald Verlag 2012), 16.

[58] X. Hilberath, Bernd Jochen and Scharer, Matthias, Kommunicative Theologie, 104.

[59] Id., 32.

[60] Hilberath, Bernd Jochen and Scharer, Matthias, Kommunicative Theolog, 133 – 139.

[61] Id.,114.

[62] Id., 152 – 166.

[63] Id., 166 – 172.

[64] Bernard J.F. Lonergan, Method in Theology, 362.

[65] Gisbert Greshake, Der dreieine Gott. Eine Trinitarische Theologie (Freiburg: Herder 4th ed. 2001), 15.

[66] Gisbert Greshake, “Der Ursprung der Kommunikationsidee.” Communicatio Socialis: International Zeischift für Kommunikation in Religion, Kirche und Gesellschaft, (35. Jahrgang 2002/1)6.

[67] Id., 6 – 7.

[68] Id., 8.

[69] Gisbert Greshake, Der dreieine Gott. Eine Trinitarische Theologie, 51 – 55.

[70] Id., 55.

[71] Id., 179.

[72] Id., 184 – 188.

[73] Id., 196 – 199.

[74] Karl Rahner, The Trinity (New York, Herder and Herder 1970), 34 – 35.

[75] Carlo M. Martini, Effata “Apriti”, no. 25.

[76] Id., no. 26.

[77] Bernard Hӓring, Free and Faithful in Christ: Moral Theology for Priests and Laity (Vol. 2. London: St. Paul Publications, Vol. 2, 1979), 155.

[78] Avery Dulles, The Craft of Theology: From Symbol to System (Dublin: Crossroad, 1992), 38

[79] Ibid.

[80] Gisbert Greshake, Der dreieine Gott. Eine Trinitarische Theologie, 244 – 247.

[81] Karl Raner, Schriften zur Theologie (Zürich – Köln: Benzinger Verlag, 1967), 278.

[82] Id., 290.

[83] Id., 293.

[84] Bernhard Hӓring, “Theologie der Kommunikation und theologische Meinungsbildung,” Kirche und Publizistik, Eilers, Franz-josef; Hӧller, Karl; Hosse, Josef; Schmolke, Michael (eds.), (Müchen – Paderborn – Wien: Ferdinand Schöningh 1972), 39.

[85] Dominum et Vivificantem (DeV), no. 12.

[86] Karl Rahner, Grundkurs des Glaubens: Enführung in den Begriff des Christentums (Freiburg im Breisgau: Herder 1984), 122.

[87] X. Gisbert Greshake, Der dreieine Gott. Eine Trinitarische Theologie, 75; 255 – 257.

[88] X. GS, 12.

[89] Trong biến cố trao đổi hỗ tương và truyền thông hoàn hảo của các Ngôi vị Thiên Chúa, Greshake giải thích thuật ngữ truyền thống Hy Lạp “ousia”, từ được dịch sang tiếng Anh thành “thần tính” (tiếng Đức: Wesen), theo một cách mới. Theo ông, thuật ngữ “bản tính” nói chung có liên quan đến bản tính của một loài nào đó trong số con người, các thụ tạo, và các sự vật mà hình thức và nội dung của nó không thay đổi trong tiến trình của thế giới hữu hạn. Trong cách hiểu này, thần tính được hiểu một cách loại suy. Dựa trên thần học Thánh kinh, Greshake hiểu “ousia” như là Hữu Thể và Sự Hiện Hữu không thể hiểu được (trong thế giới) của Thiên Chúa. Theo ông, “ousia” thực sự là một “Biến Cố” mà trong đó Thiên Chúa mặc khải chính mình như Người là ngay trong biến cố đó (Greshake, Der dreieine Gott. Eine Trinitarische Theologie, 184). Chẳng hạn, chúng ta có thể đọc câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Môsê qua đó Môsê đã hỏi Thiên Chúa về Danh Người. Câu trả lời là “Ta là Đấng Hiện Hữu”, tiếng Đức: “Ich bin der Ich-bin-da”, bản dịch cũ hơn “Ich bin der Ich-sein-werde”, ý nghĩa thần học của đoạn Kinh Thánh này là: bằng cách Ta mặc khải chính mình cho ngươi, ngươi sẽ kinh nghiệm được Ta là ai. Ta đi với ngươi, ngươi sống với Ta và ngươi sẽ thấy Ta là ai.

[90] Stphen W. Littlejohn and Karen A. Foss, Theories of Human Communication (Belmont, CA: Thomson/Wadsworth 9th Ed. 2008), 2.

[91] Id., 3 – 7.

[92] Franz-Joef Eilers, Communication in Community, 22 – 24; Judy C. Pearson & Paul E. Nelson, An Introduction to Human Communication: Understanding and Sharing (McGraw-Hill 8th Ed. 2000), 6 – 7; Larry A. Samovar, Richard E. Porter & Edwin R. McDaniel, Communication Betwween Cultures (Thomson/Wadsworth 6th Ed. 2007), 2 -16.

[93] Gisbert Greshake, der dreieine Gott. Ein Trinicarische Theologie, 547.

[94] Id., 550.

[95] Peter B. Steiner, “In der Einherit des Heiligrn Geistes,” Christ in der Gegenwart, No. 18 (Freiburg: Herder 2010), 194.

[96] Carlo M. Martini, Effata “Apriti”; Il Lembo del Mantello, no 24.

[97] Ibid.

[98] DV, 6.

[99] René Latourelle, Theology of Revelation (New York: Alba House 1967), 21.

[100] Id., 22.

[101] Franz-Josef Eilers, Communicating in Ministry and Mission, 27.

[102] Erich Zenger, Einleitung in das Alte Testament (Stuttgart: Kolhammer 7th Ed. 2008), 61 – 68.

[103] Id., 70.

[104] Franz-Josef Eilers, Communicating in Ministry and Mission, 27.

[105] Cf. DV, no. 1.

[106] Carlo M. Martini, Effata “Apriti”; Il Lembo del Mantello, no. 20.

[107] Erich Zenger, Einleitung in das Alte Testament, 71.

[108] Id., 15.

[109] Id., 157 – 169.

[110] René Latourelle, Theology of Revelation, 33.

[111] Erich Zenger, Einleitung in das Alte Testament, 425.

[112] René Latourelle, Theology of Revelation, 34.

[113] Id., 35.

[114] Erich Zenger, Einleitung in das Alte Testament, 329 – 333; 400 – 403.

[115] René Latourelle, Theology of Revelation, 30.

[116] Gisbert Greshake, Der dreieine Gott. Eine Trinitarische Theologie, 316.

[117] Franz-Josef Eilers, Communicating in Ministry and Mission, 28.

[118] Carlo M. Marrtini, Effata “Apriti”, no. 30ff.

[119] René Latourelle, Theology of Revelation, 68.

[120] Gisbert Greshake, Der dreieine Gott. Eine Trinitarische Theologie, 311.

[121] Franz-Josef Eilers, Communicating in Community, 55.

[122] Jürgen Moltmann, The Trinity and the Kingdom: The Doctrine of God (Minneapolis; Fortress Press 1993), 56 – 71.

[123] Franz-Josef Eilers, Communicating in Community, 55.

[124] Gerald O’Collins and James Kroeger, Jesus: A Portrait (Manila, Philippines Edition: Claretian Publications and Jesuit Communications 2010), 81 – 110.

[125] René Latourelle, The Miracles of Jesus and the Theology of Miracles (New York: Paulis Press 1988), 294.

[126] Id., 297 – 298.

[127] Franz-Josef Eilers, Communicating in Community, 55.

[128] Gisbert Greshake, Der dreieine Gott. Ein Trinitarische Theologie, 338 – 340.

[129] Bằng cách tương tự, Franz-Joef Eilers đã đề cập đến một số vai trò tiêu biểu của Đức Giêsu trong sự truyền thông của Người: x. Franz-Joef Eilers, Communicating Church: Social Communication Document – An Introduction (Manila: Logos [Divine Word] 2011), 25 – 26.

[130] Id., 318.

[131] CeP, no. 11.

[132] Avery Dulles, The Craft of Theology: From Symbol to System, 21.

[133] Karl Rahner, Schriften zur Theologie, Vol. 4, 293 – 294.

[134] José M. de Mesa, 475.

[135] Cf. José M. de Mesa, 476 – 482

[136] Franz-Josef Eilers, Communicating in Community, 56.

[137] Karl Rahner, Grundkurs des Glaubens, 107 – 108.

[138] Gisbert Greshake, Der dreieine Gott. Eine Trinitarische Theologie, 326.

[139] Id., 329.

[140] Id., 348.

[141] DeV, no. 11.

[142] DeV, no. 12.

[143] DeV, no. 50.

[144] DeV, no. 23.

[145] Carlo M. Martini, Effate “Apriti”, no. 19.

[146] Ibid.

[147] DV, nos. 1 – 6.

[148] LG, nos. 4 – 5.

[149] LG, no. 1.

[150] Cf. LG, nos. 6 -7; Herbert Vorgrimmler, Neues Theologisches Wörterbuch, 651.

[151] EN, no. 7.

[152] EN, no. 14.

[153] EN, no. 15.

[154] AG, no. 2.

[155] LG, nos. 2 – 4.

[156] Avery Dulles, The Church is Communiations, Catholic Mind 69, No. 1256 (Multimedia International 1972), 6.

[157] Cf. EN, no. 15.

[158] Jürgen Werbick, “Kommunikation”, 214.

[159] LG, no. 7.

[160] Jürgen Werbick, Grudfragen der Ekklecsiologie (Freiburg: Herder, 2009), 121 – 124.

[161] Id., 129.

[162] Herbert Vorgrimmler, Neues Theologisches Wörterbuch, 651.

[163] Jürgeb Werbick, Den Glauben Verantworten, 810.

[164] CeP, 11.

[165] Avery Dulles, The Church is Communications, 6.

[166] Avery Dulles, The Church is Communications, 112 – 114.

[167] AG, nos. 1, 5, 6; LG, no. 17.

[168] AG, no. 7.

[169] AG, no. 2.

[170] AG, no. 5.

[171] LG, no. 17.

[172] LG, no. 34; AA, no. 2; AG, no. 41.

[173] AG, no. 17.

[174] Avery Dulles, The Church is Communication, 116.

[175] DV, no. 2.

[176] Avery Dulles, The Church is Communication, 116.

[177] Cf. LG, no. 1.

[178] Avery Dulles, The Church is Communication, 117.

[179] LG, no. 9.

[180] LG, nos. 9 – 10.

[181] LG, no. 12.

[182] Avery Dulles, The Church is Communication, 118.

[183] Id., 119.

[184] RM, no. 37.

[185] GS, no. 11.

[186] GS, no. 44.

[187] GS, no. 43.

[188] GS, no. 42.

[189] GS, no. 44.

[190] Bernard Lonergan, Method in Theology, 361.

[191] Klaus Hemmerle, “Kommunikation der Kirche – Kirche der Kommunikation,” Communicatio Socialis, Vol. 10, no. 4 (1977), 253 – 256.

[192] Id., 256.

[193] GS, no. 4.

[194] CeP, nó. 7 – 9.

[195] “Rapid Development”: Apostolic Letter of John Paul II to those Responsible for Communications, 2005, no. 1.

[196] RM, no. 37c.

[197] Ibid.

[198] CeP, no. 19.

[199] CeP, no. 73.

[200] Id., no. 98.

[201] Id., no. 97.

[202] Id., nos 21 – 23.

[203] Id., no. 184.

[204] Ibid.

[205] Id., 185

[206] “New Technologies, New Relationships. Promoting a New Culture off Respect, Dialogue and Friendship”, Message of Holy Father Benedict XVI for the World 43rd Communication Day.

[207] Msgr. Paul Tighe is since 2007 secretery of the Pontifical Council for Social Communication.

[208] Paul Tighe, The Church in digital World, Communicatio Socialis 4, no. 47 (2014), 486 – 492.

[209] GS, 1.

[210] RM, 37c.


Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ