Skip to content
Top banner

Truyền Thông Ơn Cứu Độ: Sự Tự Truyền Thông của Thiên Chúa qua Đức Maria

COMMUNICATION-THEOLOGY
2024-12-17 14:06 UTC+7 43
gods-self-communication-in-mary-1734426323.png

Truyền Thông Ơn Cứu Độ: Sự Tự Truyền Thông Của Thiên Chúa Qua Đức Maria

Tác giả: Linh mục Tiến sĩ Charles Ndhlovu

Chuyển ngữ: Tu sĩ Lm. Phêrô Nguyễn Văn Dũng, OFM

Trong kho tàng đức tin Công giáo, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, chiếm một vị trí vô cùng đặc biệt. Thiên chức làm mẹ của Mẹ, xét trên cả phương diện sinh học và thần học, là minh chứng hùng hồn cho sự tự thông truyền của Thiên Chúa trong ân sủng.

Đức Maria có một vị trí vô cùng đặc biệt trong Giáo Hội, đặc biệt là vai trò làm Mẹ trong cuộc đời Chúa Giêsu. Chính vì tầm quan trọng này, Mẹ đã được chuẩn bị một cách đặc biệt, điều được Đức Piô IX khẳng định rõ ràng trong tuyên bố long trọng: “Giáo lý dạy rằng ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai, nhờ ân sủng và đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, và do công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại, Đức Trinh Nữ Maria đã được gìn giữ và miễn nhiễm khỏi mọi tì vết của tội nguyên tổ, là một giáo lý được Thiên Chúa mặc khải, và vì thế phải được tất cả các tín hữu tin nhận một cách vững vàng và bất khả xâm phạm.” [1]

Ảnh hưởng của tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội có thể được nhận thấy rõ ràng trong đời sống đức tin của Giáo Hội. Từ lòng đạo đức, phụng vụ, nghệ thuật cho đến mối tương quan giữa giáo lý và lòng sùng kính, tín điều này như một lời khẳng định về chân lý bất diệt của Thiên Chúa, đồng thời khơi gợi sự chiêm nghiệm và tìm hiểu sâu sắc hơn nơi các thế hệ tín hữu. [2] Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhìn nhận cách thức tín điều về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, cũng như nhiều tín điều khác về Đức Maria, hoà hợp với “toàn thể giáo lý Kitô giáo” như thế nào, chúng được nuôi dưỡng từ đó ra sao, và ý nghĩa cùng nội dung của chúng có thể được soi sáng bằng cách đặt trong mối liên hệ với toàn thể giáo lý ấy như thế nào.[3] Nói cách khác, hầu hết các tín điều Đức Maria đều được hình thành từ đức tin Kitô giáo, dưới sự hướng dẫn và linh ứng của Chúa Thánh Thần. Vai trò của Chúa Thánh Thần là giúp chúng ta hiểu rằng một số tín điều như tín điều về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, xét đến cùng, cho thấy chúng ta có thực sự tin Chúa Kitô vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật hay không. Bởi vậy, chúng ta có thể hiểu về Đức Maria bằng cách nhìn vào Chúa Kitô.

Chẳng hạn, nếu phủ nhận nhân tính và thiên tính của Đức Maria, chúng ta khó lòng hiểu được vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ. Do vậy, có thể nói, tín điều về Đức Maria gắn liền với tín điều về Chúa Kitô. “Chúa Giêsu Kitô, sinh bởi Đức Maria tại Bêlem, vừa là người thật vừa là Ngôi Lời thật, đồng bản thể với Chúa Cha, là một Đấng duy nhất không thể phân ly. Bởi thế, Đức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa.” [4] Đức Maria là Mẹ vì đã sinh ra Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, nhưng thiên chức làm mẹ của Mẹ đã bắt đầu từ lời thưa “xin vâng” (Fiat) trong biến cố Truyền Tin, khi Mẹ tự nguyện đón nhận thánh ý Thiên Chúa, trở thành Mẹ Đấng Cứu Độ. [5] Thiên chức làm mẹ của Đức Maria không chỉ ở bình diện cá vị mà còn ở bình diện sinh học. Làm Mẹ Thiên Chúa theo nghĩa cá vị chủ yếu đề cập đến việc Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, còn làm mẹ theo nghĩa sinh học muốn nói đến việc Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ. “Chính vì thế, chúng ta phải khẳng định với tất cả lòng chân thành rằng, vì chúng ta và vì ơn cứu độ muôn dân, Mẹ đã mở đường cho Ngôi Lời Vĩnh Cửu đến với con người tội lỗi.”[6]

Đức Maria là “mẫu mực, trường hợp tinh tuyền của ơn cứu độ nói chung”.[7] Điều này có nghĩa là ơn cứu độ luôn được ban tặng như một hồng phúc cho người khác. Vì thế, “ơn cứu độ trọn hảo nhất là việc Đức Maria thụ thai Chúa Kitô trong đức tin và trong thân xác để cứu rỗi muôn dân bằng hành động tự do thánh thiện nhất, đó chính là ân sủng. Bởi vì Đức Maria đứng ở vị trí then chốt trong lịch sử cứu độ, mà tại đó, nhờ sự tự do của Mẹ, ơn cứu độ của thế giới được thực hiện một cách dứt khoát và không thể thay đổi như hành động của Thiên Chúa, nên Mẹ đã được cứu chuộc một cách trọn vẹn nhất.”[8]

Nơi Đức Maria, chúng ta nhận thấy sự hòa quyện giữa ân sủng nhưng không của Thiên Chúa và thánh ý Ngài với sự tự do của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ có quyền tự do chấp nhận hoặc khước từ vai trò mà Thiên Chúa trao ban. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, Mẹ đã được ban ơn Thiên Chúa, và đó chính là sự tự thông truyền của Thiên Chúa.[9] Vì thế, ta có thể nói rằng: “Thiên Chúa với thánh ý tuyệt đối và vô điều kiện muốn Đấng Cứu Thế được sinh ra từ Đức Maria và lời “xin vâng” (Fiat) tự nguyện của Mẹ, Ngài muốn Mẹ được hưởng ơn cứu độ một cách trọn vẹn nhất trong chính thiên chức làm Mẹ đầy tự do ấy.”[10]

Tóm lại, thiên chức làm mẹ của Đức Maria được thể hiện qua cả hai phương diện: làm Mẹ Thiên Chúa theo nghĩa cá vị lẫn làm mẹ theo nghĩa sinh học. Làm Mẹ Thiên Chúa theo nghĩa cá vị xuất phát từ Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngài là Ngôi lời đã hoá thành xác phàm. Ngài là Con của Chúa Cha - Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa - Mẹ của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta - Mẹ là Mẹ và đó là đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa của Mẹ. Mặt khác, Đức Maria cũng là người mẹ trần thế của Chúa Giêsu. Chính Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu, chăm sóc Chúa Giêsu và sống cùng Chúa Giêsu. Đó là làm mẹ theo nghĩa sinh học của Đức Maria.

Cả hai phương diện, làm mẹ theo nghĩa sinh học và làm Mẹ Thiên Chúa theo nghĩa cá vị, đều có thể được thực hiện nhờ vào ơn sủng tự thông ban của Thiên Chúa. Chúng là những sự kiện trọng yếu trong lịch sử cứu độ - những sự kiện tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này giúp chúng ta hiểu được vai trò của Đức Maria trong lịch sử cứu độ. Bởi vậy, chúng ta có thể quả quyết rằng các tín điều về Đức Maria tìm thấy bối cảnh để được hiểu rõ trong các tín điều về Chúa Kitô, ít nhất là ở một chừng mực nào đó. Trong các tín điều này, chúng ta nhận thấy sự biểu hiện và thông truyền ân sủng của Thiên Chúa đến với nhân loại, đến với Chúa Giêsu và đến với Đức Maria.

GHI CHÚ:

[1] Karl RAHNER, The immaculate conception, trong Karl RAHNER, “Theological investigations, Volume 1: God, Christ, Mary and Grace,” New York, Crossroad publishing company, 1982, 200.

[2] RAHNER, The immaculate conception, 201-202.

[3] RAHNER, The immaculate conception, 202.

[4] Sđd.

[5] RAHNER, The immaculate conception, 201-202.

[6] RAHNER, The immaculate conception, 203-204.

[7] RAHNER, The immaculate conception, 211.

[8] RAHNER, The immaculate conception, 203-204.

[9] RAHNER, The immaculate conception, 209

[10] RAHNER, The immaculate conception, 210.

Chia sẻ