TRUYỀN THÔNG BÍ TÍCH VÀ TRUYỀN THÔNG LỜI CHÚA (DEI VERBUM)
Tác giả: Linh mục Charles Ndhlovu, Tiến sĩ, tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Truyền thông Xã hội chuyên ngành Thần học Truyền thông tại Đại học Giáo hoàng Salesianum ở Rome - Ý.
Nguồn bài viết: [xin tải về trong link đính kèm ở trên]
Chuyển ngữ và bổ sung: Tu sĩ Lm. Phêrô Nguyễn Văn Dũng, OFM
Bài viết "Truyền Thông Bí Tích và Truyền Thông Lời Chúa (Dei Verbum)" của Linh mục Tiến sĩ Charles Ndhlovu phân tích mối liên hệ mật thiết giữa bí tích và Lời Chúa, hai yếu tố nền tảng tạo nên bản chất của Giáo hội.
1. Mối liên hệ giữa thần học bí tích và thần học biểu tượng
Ngay từ đầu, ta thấy rõ thần học bí tích và bản thể học/thần học biểu tượng có mối liên hệ mật thiết. Có thể nói, nền tảng cho thần học biểu tượng chính là giáo huấn của Giáo Hội về các bí tích. Khái niệm bí tích rất phong phú và quan trọng đối với Giáo Hội học. Bí tích là một dấu chỉ ban ơn. Nó không chỉ đơn thuần là biểu tượng cho sự kiện nội tâm của cuộc gặp gỡ thánh hóa giữa Thiên Chúa và con người bởi ân sủng, mà sự kiện này còn diễn ra dưới và thông qua dấu chỉ này.[1] Thông qua các bí tích, Thiên Chúa thông ban ân sủng của Ngài cho con người. Chính qua các bí tích, ơn sủng của Thiên Chúa được trao ban.
Các bí tích kiến tạo, hiện thực hóa và cấu thành thực tại biểu tượng của Giáo Hội như là Bí tích khởi đầu. Do đó, các bí tích nói chung được mô tả rõ ràng trong thần học như là những dấu chỉ thánh thiêng của ân sủng Thiên Chúa, hay nói cách khác, như là “các biểu tượng”. [2] Thông qua những dấu chỉ thánh thiêng này, con người nhận được “sự thông ban bí tích của Thiên Chúa.” [3] Trong bối cảnh đó, tiên đề cơ bản của thần học bí tích trở nên rõ ràng: Bí tích thực hiện điều mà nó biểu thị và biểu thị điều mà nó thực hiện (Sacramenta efficiunt quod significant et significant quod efficiunt). Nếu các tiên đề này được xem xét một cách nghiêm túc, chúng sẽ chỉ ra mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, mà trong khái niệm của chúng ta về biểu tượng, nói cách khác, sự can thiệp này giúp bắc cầu và kết nối giữa biểu tượng và điều được biểu thị thành một.” [4]
Để minh chứng rõ hơn cho mối liên hệ mật thiết giữa thần học bí tích và thần học biểu tượng, chúng ta có thể thấy rõ điều này qua việc trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều nhà thần học đang cố gắng giải thích các bí tích bằng cách dựa trên nền tảng của thần học biểu tượng.[5] Thực vậy, chức năng nguyên nhân và chức năng dấu chỉ trong các bí tích được kết nối nội tại “nhờ bản chất của sự vật…], đặc tính biểu tượng của chúng, theo đúng nghĩa của nó.”[6] Nói cách khác, chính đặc tính biểu tượng của bí tích là cầu nối để Thiên Chúa ban ơn cho con người, và cũng nhờ đó, con người cảm nghiệm được ơn cứu độ của Thiên Chúa.
2. Bí tích như là hành động của Thiên Chúa
Bí tích là hành động của Thiên Chúa, ngay cả khi nó được thực hiện thông qua vai trò thừa tác viên. Vị thừa tác viên này hành động không phải theo thẩm quyền của riêng mình mà là theo thẩm quyền của Thiên Chúa. Vai trò và hành động của thừa tác viên được đảm nhận và thực hiện theo mệnh lệnh của Thiên Chúa. Vai trò của thừa tác viên rất quan trọng bởi vì thừa tác viên mang lại hình thức hữu hình cho hành động của Thiên Chúa, được thực hiện cho dân Chúa. Thừa tác viên hiện diện hóa và khơi gợi hành động của Thiên Chúa,[7] và nếu chúng ta hiểu bí tích là hành động của Thiên Chúa, thì “câu hỏi về việc dấu chỉ bí tích ‘tác động’ lên Thiên Chúa như thế nào sẽ không còn nữa, và cũng không thể hỏi liệu dấu chỉ này tạo ra ân sủng bằng nhân quả ‘vật chất’ hay ‘tinh thần’.” [8]
Dấu chỉ bí tích không thể bị xem là tách rời khỏi điều nó biểu thị. Điều này là do bí tích được xem như là thực tại biểu tượng, được Thiên Chúa thiết lập, để làm cho Ngài hiện diện thông qua hành động của thừa tác viên. Nói cách khác, bí tích là “nguồn mạch ân sủng bởi vì nó là ‘dấu chỉ’ của ân sủng, và ân sủng - được xem là đến từ Thiên Chúa - là nguồn mạch của dấu chỉ, tạo ra nó và do đó làm cho chính mình hiện diện.” [9]
3. Sự khác biệt giữa bí tích và á bí tích
Cần phải đề cập ở đây sự khác biệt giữa bí tích và á bí tích. Sự khác biệt cơ bản là “á bí tích […] hoạt động ex opere operantis (orantis) Ecclesia (do công nghiệp của Hội Thánh cầu nguyện), chứ không phải ex opere operato (do chính tác động đã được thực hiện) [...].[10] Chúng ta có thể giải thích điều này bằng cách nói rằng bí tích là nguồn mạch ân sủng bởi vì bí tích là dấu chỉ của ân sủng. Tuy nhiên, nếu chúng ta nói rằng ân sủng đến từ Thiên Chúa, thì chính ân sủng là nguồn mạch của dấu chỉ, là bí tích. Vì ân sủng của Thiên Chúa, không chỉ tạo ra dấu chỉ mà còn làm cho chính mình hiện diện thông qua cùng một dấu chỉ đó. [11]
Như vậy, những tiền đề nền tảng đã tìm lại được ý nghĩa sâu sắc của mình: bí tích thực hiện ân sủng bởi vì chúng biểu thị ân sủng (sacramenta gratiam efficiunt, quatenus eam significant) - trong đó significatio (sự biểu thị) này phải luôn được hiểu theo nghĩa hẹp là một thực tại biểu tượng. Cũng vậy: bí tích biểu thị ân sủng, bởi vì chúng thực hiện ân sủng (sacramenta significant gratiam, quia eam efficiunt) [12]
Chúng ta có thể giải thích hai khẳng định này bằng cách nói rằng ân sủng của Thiên Chúa tự cấu thành bằng cách hoạt động và hiện diện trong các bí tích. Ân sủng làm như vậy bằng cách tạo ra sự thể hiện của các bí tích và tạo ra sự hữu hình lịch sử của các bí tích trong không gian và thời gian. Khi ân sủng của Thiên Chúa đã tạo ra sự thể hiện và sự hữu hình lịch sử của mình thông qua các bí tích, thì đến lượt các bí tích tượng trưng cho ân sủng của Thiên Chúa. Xét cho cùng, tự thể hiện và sự hữu hình lịch sử trong không gian và thời gian là những biểu tượng của Thiên Chúa. Chính theo nghĩa này mà ân sủng của Thiên Chúa được tượng trưng bởi các bí tích và ngay cả khi các bí tích diễn ra trong cấu trúc Giáo hội được cấu thành về mặt pháp lý thì điều đó cũng không ảnh hưởng đến thực tại biểu tượng của các bí tích.[13]
4. Mối tương đồng giữa Lời Chúa và bí tích
Từ đó, chúng ta đi đến việc tìm hiểu mối liên hệ giữa Lời Chúa và bí tích. Khi nói về Lời Chúa, hiển nhiên chúng ta đang đề cập đến lời của Thiên Chúa được rao giảng trong Giáo hội. Nói về lời Chúa được rao giảng trong Giáo hội đồng thời cũng là nói về lời của con người, bởi chính con người được trao cho sứ mạng loan báo lời Chúa. Lời Chúa được rao giảng và công bố theo thánh ý Thiên Chúa chính là qua lời nói của con người. Vì thế, đó là lời Chúa được truyền tải bởi Giáo hội. [14]
Giáo hội là cộng đoàn tín hữu, và điều đó có nghĩa là Giáo hội không chỉ là người công bố hay truyền đạt lời Chúa, mà còn là người lắng nghe lời Chúa. Mối quan hệ giữa Lời Chúa và bí tích được thể hiện qua sự tương đồng giữa hai thực tại này. “Đây là lý do thực sự để tìm hiểu mối quan hệ giữa lời Chúa và bí tích. Chúng giống nhau đến mức người ta không thể không tự hỏi lý do nào dẫn đến sự giống nhau đó và liệu có thể phân biệt chúng hay không, bất chấp, hoặc chính xác là bởi vì sự giống nhau đó và nguyên nhân của nó.” [15]
Sức mạnh của bí tích và sức mạnh của Lời Chúa là những đặc điểm nền tảng tạo nên bản chất và cốt lõi của Giáo hội. Chính vì thế, chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của Giáo hội; chúng tạo nên chính bản chất của Giáo hội. Do đó, giữa chúng có một mối liên hệ mật thiết. Cũng như vậy, nếu bản chất và cốt lõi của Giáo hội được tạo nên bởi sức mạnh của Lời Chúa thì câu hỏi về mối quan hệ giữa Lời Chúa và bí tích trước hết được đặt ra bởi chính ngành nghiên cứu về Giáo hội, Giáo hội học [16]
Chính trong bối cảnh đó, chúng ta cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc truyền đạt thông điệp qua bí tích. Đó là sự truyền đạt mang đến ân sủng mà Chúa ban tặng. Việc truyền đạt thông điệp qua bí tích cũng gắn liền với việc truyền đạt Lời Chúa. Lời Chúa thường là mạch nguồn, là bối cảnh để cử hành các bí tích. Khi cử hành bí tích, thường có sự nhắc nhớ đến Lời Chúa, có thể qua Kinh Thánh, qua truyền thống hay qua những mặc khải. Đó có thể là một đoạn Kinh Thánh được đọc lên, một lời Chúa khích lệ, một suy tư về Chúa, hay một lời cầu nguyện của Giáo hội được soạn theo Lời Chúa. Đó chính là bối cảnh chung khi cử hành các bí tích. Trên nền tảng đó, chúng ta khẳng định sự gắn kết chặt chẽ giữa việc truyền đạt thông điệp qua bí tích và việc truyền đạt Lời Chúa (Dei verbum). Cũng trên nền tảng đó, chúng ta khẳng định tầm quan trọng của việc truyền đạt Lời Chúa khi cử hành các bí tích.
TRÍCH DẪN
[1] Karl Rahner, "Membership of the Church," trong Theological Investigations, Volume 2 (London: Darton, Longman and Todd, 1963), 71.
[2] Karl Rahner, "The Theology of the Symbol," trong Theological Investigations, Volume 4: More Recent Writings (London: Darton, Longman & Todd, 1974), 239.
[3] Karl Rahner, "On the Theology of the Council," trong Theological Investigations, Volume 5: Later Writings (London: Darton, Longman & Todd, 1966), 252.
[4] Rahner, "The Theology of the Symbol," 240.
[5] Xem Rahner, "The Theology of the Symbol," 240-241.
[6] Rahner, "The Theology of the Symbol," 240.
[7] Xem Rahner, "The Theology of the Symbol," 242.
[8] Rahner, "The Theology of the Symbol," 240.
[9] Xem Rahner, "The Theology of the Symbol," 240-241.
[10] Karl Rahner, "Remarks on the Theology of Indulgences," trong Theological Investigations, Volume 2: Man in the Church (New York: Darton, Longman & Todd, 1963), 200.
[11] Xem Rahner, "The Theology of the Symbol," 240.
[12] Rahner, "The Theology of the Symbol," 242.
[13] Xem Rahner, "The Theology of the Symbol," 242.
[14] Xem Rahner, "The Theology of the Symbol," 253.
[15] Rahner, "The Theology of the Symbol," 254
[16] x. RAHNER, The theology of the symbol, 253-254.