TRI THỨC SIÊU VIỆT VÀ HẬU NGHIỆM VỀ THIÊN CHÚA TRONG “THẦN HỌC TRUYỀN THÔNG” – MỘT CHUYỂN ĐỘNG TỪ THIÊN CHÚA VÀ ĐẾN VỚI THIÊN CHÚA
TRI THỨC SIÊU VIỆT VÀ HẬU NGHIỆM VỀ THIÊN CHÚA TRONG “THẦN HỌC TRUYỀN THÔNG” – MỘT CHUYỂN ĐỘNG TỪ THIÊN CHÚA VÀ ĐẾN VỚI THIÊN CHÚA
Tác giả: Linh mục Tiến sĩ Charles Ndhlovu (TRANSCENDENTAL AND A POSTERIORI KNOWLEDGE OF GOD IN “COMMUNICATION THEOLOGY” – A MOVEMENT FROM AND TO GOD)
Chuyển ngữ và bổ sung tiêu đề: Tu sĩ Lm. Phêrô Nguyễn Văn Dũng, OFM
Từ thuở ban đầu, con người đã luôn khát khao kiếm tìm và chiêm ngưỡng dung nhan của Đấng Tạo Hóa. Vậy Thiên Chúa là ai? Làm sao con người hữu hạn có thể nhận thức về một thực thể siêu việt? Linh mục Tiến sĩ Charles Ndhlovu – Mkhalirachiuta, trong tác phẩm của mình, đã khai mở cho chúng ta một hướng tiếp cận đầy mới mẻ về hành trình đi tìm Thiên Chúa trong khuôn khổ "Thần học Truyền thông". Tác giả lập luận rằng kinh nghiệm chính là chiếc chìa khóa quan trọng mở ra cánh cửa tri thức về Thiên Chúa, bởi lẽ Thiên Chúa mà chúng ta tìm kiếm là Đấng siêu việt, hiện hữu vượt trên mọi giới hạn của lý trí con người.
1. Tri thức hậu nghiệm về Thiên Chúa
Trước hết, cần khẳng định rằng tri thức siêu việt, hay kinh nghiệm về Thiên Chúa, chính là tri thức hậu nghiệm (posteriori knowledge). Bởi lẽ, con người chỉ có thể trải nghiệm siêu việt về chủ thể tự do của mình thông qua tương tác với thế giới, đặc biệt là với những người khác. [1]
Nói cách khác, con người tồn tại trong thế giới bằng sự cảm thức (sensibility). Chính sự cảm thức là nền tảng cho mọi suy tư siêu hình và truy vấn về bản thể. Diễn ra trong thời gian và không gian, sự cảm thức cho phép con người tiếp cận và thấu hiểu thế giới. Có thể nói, sự cảm thức là sự sở hữu cái khác (possession of another), bởi nó là hoạt động của vật chất, là thực tại bản thể học (ontological actuality) mà bản chất là ý thức. Nhờ đó, nó trở thành thực tại của cái trống rỗng, vô định và vô hạn của vật chất.[2]
2. Từ cảm thức đến trừu tượng hóa
Trong tri thức hậu nghiệm, sự hiện diện-với-chính-mình (being-present-to- himself or herself) của một người bị chi phối bởi vật chất đến mức người đó, với tư cách là người nhận thức, gần như không thể tách mình ra khỏi điều được nhận thức. Theo nghĩa này, con người dễ tự đồng nhất mình với vật chất.
Tuy nhiên, con người, thông qua tư tưởng-trí tuệ của mình, có khả năng “đặt cái khác, cái được trao cho trong sự cảm thức, ra khỏi chính nó và đặt nó vào sự thẩm vấn, để phán xét nó, khách thể hóa nó”. Nói cách khác, con người có khả năng tự tách mình ra khỏi dòng chảy cảm thức để quan sát và phân tích đối tượng một cách khách quan. Từ đó, biến người nhận thức thành chủ thể lần đầu tiên, nghĩa là, người hiện diện với chính mình chứ không phải với cái khác, cái hiện hữu một cách có ý thức trong chính nó. [3] Quá trình “giải phóng chủ thể khỏi sự lệ thuộc của sự cảm thức vào cái khác của thế giới được đề cập dưới tiêu đề “trừu tượng hóa”; việc hướng về thế giới, cái thế giới đã trở nên khách quan, được gọi là sự chuyển hướng sang hình ảnh. [4] Những điều phi vật chất, những điều không có hình ảnh, được chúng ta nhận thức bằng cách so sánh với các vật thể hữu hình mà có hình ảnh.”
3. Tiền nhận thức và bản thể
Trong giai đoạn trừu tượng hóa, con người trải qua tiền nhận thức (pre-apprehension), trong đó họ nhận thức được tổng thể của một cái gì đó hoặc tự thân khách quan của đối tượng. Tự thân khách quan của cái được biết đến, được lĩnh hội trước trong tính phổ quát hình thức của nó (bản chất, đặc tính thiết yếu hoặc "cái gì" của một đối tượng) và trong tổng thể của nó. Điều này đề cập đến esse (hữu thể). “Do đó, bản thể tự tại (what-is-in-itself) như vậy được lĩnh hội trong tiền nhận thức.” [5]
Việc nhận thức về bản thể của một cái gì đó chỉ có thể thực hiện được khi chủ thể nhận thức tự đặt mình đối lập với cái gì đó tự biểu hiện và được tiếp nhận. Ngược lại, sự hiện diện-với-chính-nó (being-present-to-itself) của chủ thể tiếp nhận, mà đối tượng thích hợp của nó là cái khác, chỉ có thể thực hiện được bằng cách nhận thức một bản thể của một cái gì đó được đặt đối lập. [6]
Có hai cách hiểu khác nhau nhưng không tách rời về bản thể tính (quiddity), cái-tự-thân-nó (what-is-in-itself) hay hữu thể (esse). Cách hiểu thứ nhất xem bản thể như một sự tồn tại-trong-chính-nó "lý tưởng", là giá trị bản chất của các mệnh đề, hay còn gọi là "chân lý vĩnh cửu" - những chân lý vượt thời gian. Cách hiểu thứ hai xem bản thể như chính sự tồn tại thực tại. [7]
4. Vai trò của tri thức tiên nghiệm và hậu nghiệm
Chúng ta cũng có thể khẳng định rằng tri thức mà con người có được từ cảm thức, trừu tượng hóa và lĩnh hội tiên nghiệm về cái-tự-thân-nó là tri thức chân thực. Điều này xuất phát từ việc một mệnh đề chỉ đúng khi nó phản ánh chân lý trong nhận thức, tức là sự tương hợp giữa nhận thức và thực tại. [8]
Từ đây, ta thấy rằng con người có khả năng nhận thức tiên nghiệm, nhưng tri thức hậu nghiệm cũng đóng vai trò không thể thiếu. Điều này là do trí tuệ con người tuy có thể nhận thức tiên nghiệm, nhưng "nó không tự thân nắm giữ tất cả những xác định khả dĩ. Nếu không, nó đã có thể tự mình trình bày những xác định này cho trí tuệ khả dĩ mà không cần đến sự trợ giúp của cảm thức và những chất liệu hậu nghiệm." [9]
Để con người có thể nhận thức toàn bộ tồn tại "theo cấu trúc siêu hình phổ quát nhất của chúng [...] thì vẫn cần đến những xác định của cảm thức. Chính những xác định này cho phép đưa một đối tượng vào trong trí tuệ khả dĩ, và vào trong chính những cấu trúc siêu hình của đối tượng đó." [10]
Vì vậy, chúng ta có thể kết luận rằng: "nhận thức của con người (trong điều kiện hiện tại) chỉ có thể thực hiện được từ cảm giác." [11] Dựa trên những lý giải triết học trước đó, ta có thể hiểu tại sao trường phái Kinh viện lại phản đối chủ nghĩa duy lý và khẳng định tầm quan trọng của việc đặt nền tảng tri thức trên cả kinh nghiệm lẫn cảm giác. Điều này không có nghĩa là tri thức duy nhất là tri thức kinh nghiệm, mà là kinh nghiệm là một yếu tố quan trọng trong nhận thức của con người.
5. Con đường kinh nghiệm đến với Thiên Chúa
Trong trường hợp này, chúng ta có thể nói rằng con người tiếp cận thế giới thông qua kinh nghiệm và cảm thức của mình. Thông qua hai con đường này, con người có thể nhận biết điều gì đó về Thiên Chúa và tồn tại siêu việt nói chung. [12] Xét cho cùng, "tư duy con người vẫn phụ thuộc vĩnh viễn vào trực giác cảm tính" [13] và chính trong những phạm trù kinh nghiệm và cảm thức này mà con người giao tiếp. Chúng ta giao tiếp bằng cách sử dụng ngôn từ, biểu tượng, khái niệm và hình ảnh. Đó là lý do tại sao Thần học Truyền Thông coi trọng tầm quan trọng của các phạm trù kinh nghiệm không chỉ trong Truyền thông tự thân mà còn trong Thần học. Chính trong bối cảnh này, chúng ta có thể nói rằng "hiện hữu là khả năng được đặt câu hỏi" [14] và khả năng được đặt câu hỏi và khả năng trả lời này được thể hiện bằng các biểu tượng, hình ảnh và khái niệm, v.v.
Đó là lý do tại sao biểu hiện cuối cùng của Thiên Chúa là thông qua Chúa Giêsu Kitô, biểu tượng hoàn hảo và tuyệt đối của Thiên Chúa (dịch giả chú thích: vì Ngài là Ngôi Lời nhập thể, là sự thể hiện trọn vẹn tình yêu và bản tính của Thiên Chúa Cha).
6. Ngôn ngữ và hình ảnh: Diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa
Do đó, có thể khẳng định rằng khi con người nói và truyền đạt về Thiên Chúa, họ thực chất đang phản ánh sự hướng lòng mình tới Bí ẩn Tuyệt đối - một bí ẩn mà họ chỉ có thể diễn tả và truyền đạt thông qua chính những trải nghiệm của mình. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh lại giàu hình ảnh, biểu tượng và khái niệm. Thực tế, những lời giảng dạy của Chúa Giêsu tràn ngập dụ ngôn, câu chuyện và Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày nay cũng sử dụng rất nhiều ẩn dụ. Trong bối cảnh đó, Lời Chúa cũng có thể được diễn tả qua kịch nghệ và sân khấu. Chẳng hạn, chúng ta có thể dàn dựng vở kịch về Người con hoang đàng, về công trình sáng tạo hay cảnh Chúa Giêsu giáng sinh. Tất cả đều là những cách thức để nói về mầu nhiệm Thiên Chúa - Đấng siêu việt.
Tất cả những điều này đều bắt nguồn từ bản chất tự phản tư của tri thức con người, một bản chất được hình thành từ chính những phạm trù kinh nghiệm. Trên thực tế, khi con người suy nghĩ hoặc thực thi tự do của mình, họ không chỉ nghĩ về những gì ngôn từ của họ đang trải nghiệm. Họ thường nghĩ về nhiều điều hơn những gì ngôn từ có thể truyền đạt được trong hiện tại. Điều này cũng đúng khi nói về Thiên Chúa. Con người sử dụng ngôn từ để diễn tả sự hiểu biết của họ về một mầu nhiệm bao la và sâu thẳm. [15]
7. Nguồn gốc kép của tri thức về Thiên Chúa
Mặc dù con người sống trong một thế giới hữu hình với những phương thức hành động cụ thể, mà ở đó họ có thể tham gia một cách bị động hoặc chủ động, nhưng tri thức về Thiên Chúa lại đến từ hai nguồn gốc: kinh nghiệm bản thân và mặc khải.
Nói cách khác, tri thức về Thiên Chúa tuy bắt nguồn từ kinh nghiệm, nhưng đồng thời cũng hàm chứa yếu tố siêu việt. Điều này là bởi vì, dù dựa trên trải nghiệm của chúng ta, nhưng đối tượng của tri thức ấy lại nằm ngoài phạm vi kinh nghiệm và xuất hiện trong một dạng thức nhận thức trung tính. [16]
8. Hướng về Bí Ẩn Tuyệt Đối
Nếu như việc con người hướng về Bí Ẩn Tuyệt Đối là một trải nghiệm nguyên thủy và bản năng, thì sự suy tư về chính sự hướng về Bí Ẩn Tuyệt Đối ấy lại là một hoạt động mang tính lý tính và phản tỉnh.
Ta cũng có thể thêm rằng, nếu chủ thể tính của một người, cấu trúc siêu việt và sự suy tư của họ về sự hướng về Thiên Chúa này là những trải nghiệm nguyên thủy cũng như nền tảng, thì ta có thể nói rằng tri thức về Thiên Chúa hiện diện phần nào trong kinh nghiệm. Chính từ tri thức về Thiên Chúa và kinh nghiệm siêu việt này mà chúng ta có được tri thức mang tính hệ thống về Thiên Chúa được thể hiện và diễn đạt trong những suy tư tôn giáo cũng như triết học, mặc dù nguồn gốc của tri thức này có thể sâu xa và đa dạng hơn, và có thể bao gồm cả tri thức mặc khải về Thiên Chúa. Tri thức này được trải nghiệm trong bối cảnh của sự hướng về Bí Ẩn Tuyệt Đối của con người, mà bằng cách nào đó là một điều nền tảng, cơ bản và phần nào đó là nguyên thủy. Kinh nghiệm hướng về Thiên Chúa này có thể bị con người phủ nhận hoặc chấp nhận trong tự do. Đôi khi, quá trình này diễn ra chậm chạp và dần dần, và đó là lý do tại sao chúng ta cần tôn trọng cả người tin lẫn người không tin.
9. Hữu hạn trước vô biên
Hành trình hướng về Bí Ẩn Tuyệt Đối thôi thúc con người không ngừng tìm kiếm và diễn tả Ngài qua ngôn ngữ, hình ảnh và suy tư. Tuy nhiên, Thiên Chúa vượt xa khả năng nhận thức hữu hạn của con người. Ngài như đại dương bao la mà chúng ta chỉ có thể đứng trên bờ, dùng những chiếc vỏ sò nhỏ - là ngôn từ, hình ảnh, để cảm thức và diễn tả về Lời của Ngài [17]. Dù cố gắng đến đâu, sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa vẫn luôn là hữu hạn, bởi Ngài là Đấng siêu việt, vô biên.
GHI CHÚ:
[1] RAHNER, Foundations of Christian faith, 51-52.
[2] RAHNER, Spirit in the world, 116.
[3] RAHNER, Spirit in the world, 118.
[4] RAHNER, Spirit in the world, 119.
[5] RAHNER, Spirit in the world, 156.
[6] RAHNER, Spirit in the world, 397.
[7] RAHNER, Spirit in the world, 157.
[8] AQUINAS, Summa Theologica I question 16, article 8, 95.
[9] RAHNER, Spirit in the world, 224.
[10] RAHNER, Spirit in the world, 224-225.
[11] RAHNER, Spirit in the world, 395.
[12] RAHNER, The theology of the symbol, 231.
[13] RAHNER, Spirit in the world, 387.
[14] RAHNER, Spirit in the world, 68.
[15] Cf. RAHNER, Foundations of Christian faith, 52.
[16] RAHNER, Foundations of Christian faith, 53.
[17] X. RAHNER, Foundations of Christian faith, 54.