Skip to content
Top banner

Thần học truyền thông của Đức Gioan Phaolô II

THTT-01
2022-03-02 06:56 UTC+7 423
Nhờ gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, không những ta được soi sáng trong cái hiểu mình đang làm gì, mà còn hiểu rõ mình là ai trong tư cách người truyền thông, nghĩa là một con người nhân bản trong truyền thông với nhau và trong truyền thông với Thiên Chúa Ba Ngôi

Nhân dịp lễ giỗ ba năm của Đức Gioan Phaolô II, Christine Anne Mugride đã cho xuất bản cuốn “Đức Gioan Phaolô II: Khai triển Nền Thần Học Truyền Thông” (John Paul II: Development of a Theology of Communication.) do nhà Libreria Editrice Vaticana ấn hành. Mugridge là một nhà thần học và là thành viên giáo dân của Hội Đức Bà Chúa Ba Ngôi (Society of Our Lady of the Trinity). Nữ tu dòng Salêdiêng, Marie Gannon, giáo sư tại Đại học Giáo hoàng Salêdiêng và tại Phân khoa Khoa học Giáo dục “Auxilium” đã cung cấp các tư liệu nghiên cứu cho cuốn sách.


Truyền thông trước nhất là gặp gỡ Chúa Kitô


Theo Mugridge, mặc dù Đức Gioan Phaolô không minh nhiên đưa ra một nền thần học về truyền thông, nhưng các tư tưởng của ngài trong suốt gần 27 năm trong ngôi vị giáo hoàng đủ để diễn dịch ra một nền thần học như thế, một nền thần học đã lên công thức, đã thành hiện thực và nhất là đã đem ra sống trên thực tế bằng chính các cố gắng của ngài.


Nền thần học này, theo Mugridge, không phải chỉ là việc sử dụng các kỹ thuật truyền thông xã hội để truyền bá sứ điệp Kitô giáo. Nó còn là một cái gì cao hơn thế. Thực vậy, Đức Gioan Phaolô II từng cho rằng ngày nay, lương tâm đạo đức của con người đã đi trệch hướng. Cho nên, nền thần học truyền thông phải phục hồi các truyền thông xã hội theo nghĩa phải liên kết việc hiểu cũng như các sinh hoạt truyền thông với cuộc sống luân lý của tín hữu. Qua thần học truyền thông, Đức Giaon Phaolô II dạy ta rằng muốn đi vào sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô, trước hết ta phải gặp gỡ Người. Thiên Chúa tự mặc khải mình qua ngôn từ truyền thông, tức Lời Hằng Sống, không phải chỉ để miêu tả điều Người thực hiện trong Mạc Khải, nhưng quan trọng hơn còn là để miêu tả Người là ai, Thiên Chúa là ai.


Nhờ gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, không những ta được soi sáng trong cái hiểu mình đang làm gì, mà còn hiểu rõ mình là ai trong tư cách người truyền thông, nghĩa là một con người nhân bản trong truyền thông với nhau và trong truyền thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Như thế, cấu trúc nền tảng của nền thần học truyền thông này bắt đầu với sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô như một hồng ân, và “cuộc gặp gỡ với Lời Nhập Thể”. Cuộc gặp gỡ này chỉ hoàn toàn nên trọn theo nghĩa bản thân trong Phép Thánh Thể.


Thành thử, nền thần học truyền thông là một ngành học được lên công thức theo hướng liên khoa (interdisciplinary). Ngành này sẽ giúp Giáo Hội cũng như các các nhà truyền thông Kitô giáo đối thoại với nền văn hóa của truyền thông cũng như các nền văn hóa đang được truyền thông chuyên chở trong thế giới hiện nay. Nhưng đồng thời, phải nhớ nó không hẳn chỉ là một nghiên cứu khoa bảng; mà đúng ra, như phương pháp của thần học vẫn chứng tỏ, ta phải cảm nghiệm nó như một dụng cụ thần học hữu cơ giúp ta hiểu các hoạt động truyền thông rõ hơn, cả trong phương diện liên bản ngã lẫn phương diện xã hội, nhất là trong tương quan thông đạt với Chúa Kitô cả bên trong lẫn bên ngoài cộng đồng Kitô giáo.


Khai triển quan trọng này sẽ cải thiện việc sử dụng truyền thông theo nghĩa kỹ thuật cũng như tăng cường việc nối kết các quan điểm luân lý và đạo đức về truyền thông xã hội nơi các khoa thần học và khoa học đời; nhờ thế sẽ mang lại cho Giáo Hội cơ may truyền đạt được sứ điệp của mình cách có ý nghĩa hơn. Nhờ bí tích Rửa Tội, tất cả chúng ta đều được mời gọi sống sứ mệnh truyền đạt Phúc Âm. Sứ mệnh này thực ra là sứ mệnh truyền thông Chúa Kitô. Cho nên, đây không phải là việc áp dụng kỹ thuật cho bằng việc trước hết phải chiêm niệm Mạc Khải Thiên Chúa trong Ngôi Lời Nhập Thể.


Giáo Hội tại Mỹ Châu


Mugridge dựa một phần vào tông huấn “Giáo hội tại Mỹ Châu” để hiểu nền thần học truyền thông của Đức Gioan Phaolô II. Mỹ Châu đây được hiểu bao gồm toàn bộ Mỹ Châu từ Bắc chí Nam. Theo Mugridge, tài liệu này quả là một điển hình cho thấy sự hiện diện của nền thần học hữu dụng (working theology) về truyền thông vốn là đặc điểm triều đại Đức Gioan Phaolô II. Đó là một tài liệu khá lý thú ở điểm trong đó, Đức Gioan Phaolô II vừa mở rộng vừa cụ thể hóa cái hiểu của ta về việc phải sống sấu sắc ra sao bản chất và sứ mệnh của Giáo Hội qua chiến lược truyền thông đối với việc Tân Phúc Âm Hóa, hiểu như “Cuộc Gặp Gỡ Chúa Giêsu Kitô Hằng Sống”.


Đức Gioan Phaolô II cố gắng dạy thế giới rằng: về bản chất, ta phải coi Giáo Hội như một hiệp thông sống động của con người với Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh; và về sứ mệnh, ta phải coi sự hiệp thông ấy như một hiệp thông được mang đến cho toàn thể nhân loại trong và nhờ Giáo Hội. Trong thời đại ta, thiên mệnh sai đi này được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ giáo huấn của Đức Thánh Cha về sứ mệnh truyền thông Chúa Kitô như đã được phát biểu qua việc Tân Phúc Âm Hóa. Đặc biệt, Đức Gioan Phaolô II đề cập tới toàn bộ Mỹ Châu như một dân tộc thống nhất từ Bắc chí Nam. Ngài đặt dân tộc này dưới sự hồ phụ của Đức Mẹ Guadalupe trong tước hiệu Ngôi Sao Sáng của Tân Phúc Âm Hóa, Mẹ của hy vọng. Sau cùng, trong “Giáo Hội tại Mỹ Châu”, Đức Gioan Phaolô II mời gọi mọi người dân Mỹ Châu hãy mở rộng tâm hồn bước vào việc Tân Phúc Âm Hóa. Về phương diện này, nhân chuyến tông du vừa qua, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng đã thúc giục Mỹ Châu sống thực tại trên một cách sâu sắc hơn bắng cách hợp nhất với nhau trong và nhờ “Chúa Kitô, nguồn hy vọng của chúng ta”.


Tác dụng


Mugridge cho rằng hiểu được nền thần học truyền thông sẽ giúp ta ơn biến cải, giống như đối với các ngành thần học áp dụng khác. Một cách đặc biệt, nền thần học này giúp con người hiểu một cách trọn vẹn hơn tiềm năng truyền thông mà Chúa quan phòng đã đặt để và chân lý sâu sắc cũng như bản chất thực tại truyền thông của con người.


Chìa khóa đơn giản hay “Cuộc Gặp Gỡ với Chúa Giêsu Kitô Hằng Sống” được Đức Gioan Phaolô khai triển trong chiến lược truyền thông của ngài đối với sứ mệnh của Giáo Hội quả là một quà tặng dễ hiểu và dễ áp dụng vào kinh nghiệm truyền thông trên bình diện bản thân, xã hội và giáo hội. Nhờ thế nó có thể biến cải các chi thể Giáo Hội trên cả hai bình diện bản thân và đoàn thể. Hiểu được nền thần học này, những ai có liên quan với truyền thông xã hội và những ai có liên quan với sứ mệnh của Giáo Hội đều cảm nhận được một cuộc hồi tâm có tính bản thân và liên tục nhờ đó, Chúa Kitô trở nên một hiện diện sống động làm mẫu mực tuyệt hảo cho bất cứ hoạt động truyền thông nhân bản nào. Hiểu biết và áp dụng được cái nhìn có tính thần học này về hữu thể nhất thiết sẽ tác động lên cuộc sống hàng ngày của ta.


Nói một cách thực tiễn, nền thần học truyền thông này cần được áp dụng ở cấp giáo phận, ở các chủng viện và các cơ sở truyền thông. Về phương diện này, Mugridge cho rằng hiện nay Giáo Hội đã chính thức yêu cầu mỗi giáo phận phải thiết lập một văn phòng đảm trách công tác truyền thông cũng như phải khai triển một kế hoạch truyền thông cấp giáo phận và học hỏi nền thần học truyền thông. Từ việc học hỏi nghiên cứu này, ta sẽ tạo được những chân trời mới làm khung hội tụ cho việc đào tạo bản thân, cho cuộc đối thoại liên khoa và cho các sáng kiến mục vụ, dùng chúng như điểm giao thoa giữa Giáo Hội và giới truyền thông, điều mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI hết sức khuyến khích, một thứ tân “đạo đức học thông tin” (info-ethics). Trong lãnh vực đào tạo linh mục, nền thần học truyền thông được áp dụng, giúp các ngài phát triển bản thân và mục vụ; tại các cơ sở truyền thông, áp dụng nền thần học ấy sẽ giúp các nhân viên liên tiếp trưởng thành, hiểu rõ và hiểu đầy đủ các tiềm năng truyền thông của chính họ. Nói chung hiện nay, nhiều khóa hội thảo đã được tổ chức giúp các nhà lãnh đạo Giáo Hội hiểu rõ sự phát triển của nền thần học này.


Ngã ba đường


Mugridge cũng cho rằng thực ra, cơ cấu nền tảng của nền thần học này không có chi mới mẻ cả, nó vốn là một phần chủ yếu trong gia tài hiện nay của Giáo Hội. Có mới lạ chăng thì chỉ là một hiểu biết mới đối với cả nhu cầu lẫn sự hiện hữu của nền thần học truyền thông này cũng như vai trò chủ chốt của nó trong việc giải đáp “vấn đề nhân học đang xuất hiện như một thách thức chủ yếu trong thiên niên kỷ thứ ba”, một điều đã được Đức Bênêđíctô XVI nhắc tới trong thông điệp Ngày Truyền Thông năm 2008.


Đức Giáo Hoàng giải thích thêm: “Nhân loại ngày nay đang ở ngã ba đường… Nên cả trong lãnh vực truyền thông xã hội, cũng đang có những chiều kích chủ yếu về con người nhân bản và chân lý liên quan tới con người nhân bản ấy nữa…Chính vì vậy, điều chủ yếu là truyền thông xã hội phải hết lòng bênh vực con người và kính trọng phẩm giá con người một cách trọn vẹn… Nền truyền thông mới … đang thay đổi chính bộ mặt của truyền thông; có lẽ đây là cơ hội đáng giá để ta tái lên khuôn nó, làm cho các yếu tố chủ chốt và không thể nào miễn chước của chân lý về con người nhân bản được hữu hình hơn, như vị tiền nhiệm đáng kính của Ta là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng chủ trương”.


Mugridge cho hay theo Đức Gioan Phaolô II, các phương tiện của truyền thông xã hội phải trở thành phương cách truyền đạt sự viên mãn trong chân lý về con người như đã được mạc khải nơi Chúa Kitô, vì điều này là nền tảng chân chính duy nhất của tình liên đới và của việc thể hiện sự phát triển toàn bộ nhân loại căn cứ vào các tiềm năng và nhân phẩm của con người nhân bản như đã được Thiên Chúa an bài xếp đặt. Việc áp dụng nền thần học này như một chiến lược truyền thông đối với Sứ Mệnh của Giáo Hội thật hết sức chủ yếu trong việc bắc cầu dẫn ta tới một nền đạo đức học thông tin, một nền đạo đức xã hội ngày nay rất cần.


Theo Carrie Gress, hãng tin Zenit, 3-6-2008

Vũ Văn An

Chia sẻ