NGÔI LỜI (LOGOS) – SỰ TRUYỀN THÔNG CỦA CHÚA CHA
Tải xuống
NGÔI LỜI (LOGOS) – SỰ TRUYỀN THÔNG CỦA CHÚA CHA
Tác giả: Charles Ndhlovu
Linh mục Charles Ndhlovu, Tiến sĩ, tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Truyền thông Xã hội chuyên ngành Thần học Truyền thông tại Đại học Giáo hoàng Salesianum ở Rome - Ý.
Nguồn bài viết: [xin tải về trong link đính kèm ở trên]
Chuyển ngữ: Tu sĩ Lm. Phêrô Nguyễn Văn Dũng, OFM
Khái niệm biểu tượng giữ vai trò then chốt trong việc diễn giải các chủ đề thần học. Thật vậy, biểu tượng như chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn vào thế giới thần học. Thiếu nó, chúng ta không thể nào thấu hiểu được nội dung cốt lõi của các luận điểm riêng lẻ cũng như mối liên hệ giữa chúng [1], bởi vì biểu tượng là phương tiện hữu hiệu để diễn tả những mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa, vốn vượt ngoài khả năng lĩnh hội của lý trí con người. Thần học, về bản chất, là thần học về biểu tượng. Chính các biểu tượng tạo nên thần học. Tự thân thần học là một lĩnh vực khó nắm bắt bởi nó chứa đựng những khẳng định giáo điều phức tạp. Tuy nhiên, thông qua lăng kính của biểu tượng, những khẳng định ấy trở nên sáng tỏ hơn [2].
Ý nghĩa then chốt của biểu tượng càng được khẳng định khi ta nhận thức rằng công trình cứu độ của Thiên Chúa, từ khởi đầu cho đến khi hoàn tất, luôn được thực hiện theo cách mà chính Thiên Chúa là hiện thực của ơn cứu độ. Hiện thực ấy được trao ban và được con người lĩnh hội thông qua biểu tượng. Biểu tượng không chỉ là hình ảnh đại diện cho một thực tại vắng mặt hay chỉ là lời hứa hẹn, mà nó còn cho con người cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của thực tại ấy thông qua chính hình hài biểu tượng mà nó mang lấy [3].
Khái niệm biểu tượng là nền tảng thiết yếu, đặc biệt khi xét đến việc Thiên Chúa đã mặc khải chính mình và truyền đạt chính Ngài cho con người thông qua các biểu tượng. Do đó, thần học về biểu tượng là yếu tố không thể thiếu đối với bất kỳ nhà thần học nào. Không ai có thể nghiên cứu thần học hay viết về lịch sử cứu độ Kitô giáo mà không cần viện đến thần học về biểu tượng. Thực vậy: "không một luận thuyết nào về ân sủng ('De Gratia') có thể được coi là đầy đủ nếu nó không đóng góp vào thần học về biểu tượng trong lịch sử cứu độ Kitô giáo" [4].
Một trong những chủ đề quan trọng trong thần học về biểu tượng chính là Ngôi Lời (Logos). Có thể nói, thần học về Ngôi Lời là một dạng thức của thần học về biểu tượng, và "thực sự là dạng thức cao nhất của nó, nếu chúng ta bám sát ý nghĩa của từ ngữ mà chúng ta đã phân tích, và không gán cho nó những ý nghĩa phái sinh, như cách ngôn ngữ thông thường vẫn thường gán ghép" [5].
Ngôi Lời (Logos) là Lời phát xuất từ Chúa Cha. Ngôi Lời cũng đồng thời là hình ảnh hoàn hảo, là dấu ấn, là sự chói lọi và là chính sự tự biểu hiện của Thiên Chúa. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng: Ngôi Lời là Lời của Chúa Cha, và chính qua Ngôi Lời mà Chúa Cha hiện hữu trọn vẹn và biểu lộ chính mình [6]. Mối liên hệ giữa Ngôi Lời và Chúa Cha đặt ra cho chúng ta câu hỏi về ý nghĩa của việc "Chúa Cha tự hiện hữu trọn vẹn và biểu lộ chính mình qua Ngôi Lời". Thiên Chúa tự biểu hiện chính mình từ nội tại, và chính vì thế, Ngài mới có thể bày tỏ chính mình ra thế giới bên ngoài, và Ngài đã hiện thực hóa điều đó nơi Ngôi Lời. "Bởi vì Thiên Chúa 'cần' 'biểu lộ' chính Ngài một cách nội tại, nên Ngài cũng có thể bày tỏ chính Ngài ra bên ngoài; lời được phán ra, được tạo dựng hướng ngoại (ad extra) là sự tiếp diễn của cấu trúc nội tại 'hình ảnh và giống như' - một sự tiếp diễn tự do" [7].
Giáo lý Nhập Thể, hay còn được gọi là Kitô học, mở ra cho chúng ta nhiều hiểu biết sâu sắc về thần học biểu tượng. Giáo lý này không chỉ đơn thuần là việc chú giải câu Gioan 14:9, trong đó Chúa Giêsu khẳng định: ai thấy Người là thấy Chúa Cha. Kitô học còn vượt lên trên việc chỉ tập trung vào sự thật rằng Chúa Giêsu là hình ảnh hay là sự giống với Chúa Cha. "Chúng ta không nên chỉ dừng lại ở việc Ngôi Lời là hình ảnh, là sự giống như, là sự phản chiếu, là sự đại diện, và là sự hiện diện chứa đầy tất cả sự sung mãn của Thiên Chúa" [8].
Tuy nhiên, khi nói về giáo lý Nhập Thể của Ngôi Lời, điểm mấu chốt là Biểu Tượng Tuyệt Đối (Absolute Symbol) của Thiên Chúa trong thế giới chính là Chúa Giêsu, là Ngôi Lời Nhập Thể. Người là Biểu Tượng Tuyệt Đối của Thiên Chúa trong thế giới bởi vì Người là sự hiện diện và mặc khải về chính Thiên Chúa là gì. Chúa Giêsu tràn đầy những gì Người biểu tượng hóa đến mức không gì có thể sánh bằng [9]. Quan trọng nhất, Chúa Giêsu, là Ngôi Lời Nhập Thể, là “sự hiện diện diễn tả điều mà - hay đúng hơn, Đấng mà Thiên Chúa muốn trở nên, trong ân sủng tự do, cho thế giới, theo cách mà thái độ thần linh này, một khi đã được biểu lộ, không bao giờ có thể đảo ngược, nhưng là và vẫn là cuối cùng và không gì sánh bằng (unsurpassable)” [10]. Khi nói rằng Ngôi Lời đã mặc lấy bản tính con người, chúng ta muốn nói rằng Chúa Giêsu là sự mặc khải của Chúa Cha [11]. Nhân tính của Chúa Giêsu không chỉ là một trường hợp mà Thiên Chúa giáng trần rồi khoác lên mình nhân tính của chúng ta. Nhân tính của Chúa Kitô không chỉ là một dấu hiệu hay công cụ đơn thuần mà Thiên Chúa sử dụng. Nhưng Ngôi Lời đã tự tỏ lộ chính mình qua nhân tính của Chúa Kitô và bày tỏ chính mình và hiện thực hóa chính mình và đó là một sự hiện hữu có thật - với một thân xác con người thật nhưng vẫn là thần linh [12]. Nói một cách đơn giản hơn, chúng ta có thể nói rằng nhân tính của Ngôi Lời xuất hiện, như là kết quả của sự bày tỏ chính mình (self-expression) và hiện thực hóa chính mình (self-exteriorisation) của Thiên Chúa. Sự hiện thực hóa chính mình (self-exteriorisation) của Thiên Chúa xảy ra “khi Thiên Chúa đi ra khỏi chính mình để đi vào điều gì đó khác với Người” [13].
Giáo lý Nhập Thể và giáo lý về Thiên Chúa có sự gắn kết nội tại, được thể hiện rõ nét qua nhân tính của Ngôi Lời. Sự kiện mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể chính là lúc Thiên Chúa tự bày tỏ và hiện thực hóa chính mình. Ngôi Lời, Con Thiên Chúa Cha, là Biểu Tượng Tuyệt Đối, vừa tỏ lộ vừa hiện diện hóa Chúa Cha trong thế giới [14].
Hơn nữa, chính trong chính nhân tính của mình, Ngôi Lời, Con Thiên Chúa Cha, là biểu tượng mặc khải mà qua đó, Chúa Cha tự minh định chính mình cho thế giới. Nói cách khác, Ngài là biểu tượng nên hiện diện hóa điều được mặc khải, mở ra cho chúng ta một nền thần học về biểu tượng dưới ánh sáng của sự Nhập Thể [15].
Chính vì Ngôi Lời, Con Thiên Chúa Cha, đã hiện diện hóa Chúa Cha trong thế giới, nên trật tự hiện hữu của vạn vật vốn bị giới hạn trong thế giới hay chỉ siêu việt về phía Thiên Chúa, nay đã được mở rộng vô hạn. Thực tại ấy đã trở thành một sự xác định của chính Ngôi Lời và môi trường của Người [16]. Chính trong bối cảnh đó, chúng ta có thể khẳng định: Ngôi Lời chính là sự thông ban, bày tỏ, hiện thực hóa và biểu lộ của Thiên Chúa Cha. Ngôi Lời là Lời của Cha, là Lời truyền đạt về Cha. Ngôi Lời là biểu tượng của Cha - là sự thông ban, là thông điệp, là phương tiện truyền đạt về Thiên Chúa!
TRÍCH DẪN
[1] Karl RAHNER, The theology of the symbol, trong Karl RAHNER, “Theological investigations, Volume four, More recent writings,” trong Karl RAHNER, London, Darton, Longman & Todd, 1974, 245.
[2] x. Karl RAHNER, The theology of the symbol, 235.
[3] Karl RAHNER, The theology of the symbol, 245.
[4] Karl RAHNER, The theology of the symbol, 242.
[5] Karl RAHNER, The theology of the symbol, 236.
[6] Karl RAHNER, The theology of the symbol, 238.
[7] x. Karl RAHNER, The theology of the symbol, 238-239.
[8] x. Karl RAHNER, The theology of the symbol, 236.
[9] Sđd.
[10] Karl RAHNER, The theology of the symbol, 237.
[11] Karl RAHNER, The theology of the symbol, 236-237.
[12] Karl RAHNER, The theology of the symbol, 236.
[13] x. Karl RAHNER, The theology of the symbol, 238.
[14] Sđd.
[15] Karl RAHNER, The theology of the symbol, 239.
[16] Sđd.