Skip to content
Top banner

BIỂU TƯỢNG CỦA GIÁO HỘI

COMMUNICATION-THEOLOGY
2024-12-07 22:31 UTC+7 39

Tác giả: Linh mục Tiến sĩ Charles Ndhlovu (The symbolism of the Church)

Nghiên cứu này làm nổi bật một điều hết sức rõ ràng: Giáo Hội chính là một biểu tượng. Có muôn vàn hình ảnh và quan niệm để minh họa cho điều này. Giáo Hội được ví như “người mẹ”, Đấng là cầu nối thiết yếu đến với Thiên Chúa là Cha; như Hòm Bia Giao Ước, là Hiền Thê của Chúa Kitô, là vườn Địa Đàng mới, và là Nữ Vương ngự bên cạnh Đấng Cứu Độ.” [1] Giáo Hội là sự hiện diện trường tồn của Ngôi Lời Nhập Thể trong không gian và thời gian,[2] và khi khẳng định như vậy, chúng ta muốn nói rằng chức năng biểu tượng của Logos trong thế giới, cũng như sự tự truyền thông của Thiên Chúa, nay được tiếp nối thông qua Giáo Hội. Để hiểu rõ khẳng định này, chúng ta cần xem xét hai khía cạnh. Đầu tiên, khi thực tại được biểu tượng hóa mang tính người, với đầy đủ khía cạnh xã hội và hiện sinh (được lựa chọn tự do), thì bản thân biểu tượng, vốn mang tính chất xã hội và được xác định về mặt pháp lý, không thể chỉ là một dấu hiệu hay sự biểu đạt tùy tiện, mà phải là một thực tại tự thân mang tính biểu tượng. [3]

Chúng ta nhận thấy rằng khi có một quyết định tự do từ phía thực tại được biểu tượng hóa, cho phép nó có thể được công bố hoặc biểu tượng hóa bằng biểu tượng, thì chính bản chất của thực tại biểu tượng trong trường hợp này đòi hỏi sự cấu thành pháp lý của biểu tượng và sự thiết lập tự do của nó. Nói cách khác, một biểu tượng, vốn là một thực thể hoàn toàn thuộc về con người, được mong đợi và yêu cầu phải có bản chất được xác định về mặt pháp lý, bởi vì khía cạnh xã hội và hiện sinh của nó. Một thực tại không tồn tại không thể tự biểu hiện theo cách tự do và được xác định về mặt pháp lý như vậy, bởi lẽ, biểu tượng mang chiều kích của một thực tại, hiện diện hóa chính hữu thể được biểu tượng. Qua đó, biểu tượng tự hiện thực hóa chính nó, bởi vì “nó chuyển sang “tính khác biệt” của biểu tượng.

Từ đây, có thể nói rằng Thiên Chúa tự hiện diện trong biểu tượng được hình thành một cách tự do của Giáo Hội, một biểu tượng được thiết lập trên nền tảng xã hội và pháp lý. Việc một biểu tượng là một thực tại xã hội và được cấu thành về mặt pháp lý không phải là một sự mâu thuẫn đối với sự hiện diện của thực tại biểu tượng như vậy. Ta có thể minh chứng điều này qua việc: hai người phối ngẫu nói lời đồng ý với nhau trước cơ quan có thẩm quyền, dân sự hay giáo hội. Lời thề nguyện ấy là một thực tại biểu tượng, được nói ra một cách tự do, nhưng trong khuôn khổ những nghi thức nhất định được xác định về mặt pháp lý. Sự đồng thuận này được thể hiện rõ ràng, tạo nên mối ràng buộc hôn nhân vĩnh viễn giữa hai người phối ngẫu. Không có lời thề nguyện, hôn nhân không thể được hiện thực hóa. Có thể kết luận rằng, lời nói và điều nó truyền tải có mối liên hệ mật thiết như thể xác và linh hồn. Chúng phụ thuộc lẫn nhau, tạo thành một thể thống nhất nội tại.

Từ ví dụ này, ta thấy rằng lời "đồng ý" được nói ra là một biểu tượng, thông qua đó, mối ràng buộc hôn nhân được hiện thực hóa, và tuy nhiên, biểu tượng này lại được cấu thành một cách tự do và dựa trên luật pháp. Qua ví dụ này, ta có thể chứng minh thực tế rằng "việc một "dấu hiệu (signum)" (tùy ý / arbitraruim) là một thực tại biểu tượng hay chỉ đơn thuần là một biểu tượng đại diện bên ngoài cho một thực tại, không thể được xác định chỉ bởi tính "tùy ý/ arbitrary" của nó." [4]

Thực tế, đặc điểm là một biểu tượng tùy ý hay một biểu tượng được cấu thành về mặt pháp lý có thể xuất phát từ chính bản chất của điều được biểu tượng hóa, và điều này không hề làm suy giảm tính biểu tượng của nó. [5] Giáo Hội là một thực tại thuộc về Thần Khí, một thực thể và là một tạo vật tự do được hình thành bởi hành động cứu chuộc của Chúa Kitô. Giáo Hội được cấu thành về mặt pháp lý, nhưng điều đó "không hề mâu thuẫn với việc Giáo Hội là thực tại biểu tượng cho sự hiện diện của Chúa Kitô, cho công trình cứu độ vĩnh viễn của Ngài trên thế giới, và do đó, là chính sự cứu chuộc." [6]

Giáo Hội dạy rằng Giáo Hội không chỉ là một thực tại pháp lý hay xã hội; và giáo huấn này đã được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII và Đức Giáo Hoàng Piô XII trình bày một cách đặc biệt rõ ràng. [7] Sở dĩ như vậy là vì trong Giáo Hội hiện diện ân sủng cứu độ và Chúa Thánh Thần, Đấng là bản chất của Giáo Hội. Bởi thế, Giáo Hội là bí tích nền tảng của ân sủng cánh chung của Thiên Chúa, một ân sủng không thể bị thu hồi. [8] Nhưng điều này cũng đồng thời khẳng định rằng biểu tượng về ân sủng của Thiên Chúa này thực sự chứa đựng điều mà nó biểu thị; rằng nó là bí tích nền tảng của ân sủng Thiên Chúa, không chỉ đơn thuần là sự chỉ định mà còn thực sự sở hữu điều mà Chúa Kitô đã mang đến cho thế giới một cách dứt khoát: ân sủng cánh chung, không thể bị thu hồi của Thiên Chúa, Đấng chiến thắng tội lỗi của con người. [9]

Giáo Hội là bất khả ngộ, đặc biệt khi chúng ta nhìn nhận Giáo Hội như là Giáo Hội của chân lý bất khả ngộ và là Giáo Hội của các bí tích. Giáo Hội cũng bất khả ngộ như là opus operatum. [10] Khái niệm opus operatum có nghĩa là, "ơn thánh được ban cho người lãnh nhận thông qua chính việc lãnh nhận dấu chỉ bí tích, và cả công trạng (sự thánh thiện) của thừa tác viên lẫn người lãnh nhận đều không ảnh hưởng đến phương diện nhân quả." [11]

Giáo Hội là bất khả ngộ bởi vì Giáo Hội, như một tổng thể, là thánh thiện bất khả xâm phạm. Giáo Hội cũng bất khả ngộ ngay cả trong những trường hợp liên quan đến ân sủng nơi mỗi người, mà qua đó Giáo Hội không chỉ là đối tượng của đức tin mà còn là biểu tượng trọn vẹn cho lòng thương xót khải hoàn của Chúa Kitô, Đấng luôn ở lại trong Giáo Hội.[12]

Giáo Hội là bí tích nền tảng của ơn cứu độ thế giới. Giáo Hội là "bí tích của cộng đồng nhiệm mầu bao gồm những người thực sự tin và những người mà hành động ân sủng không thể cưỡng lại của Thiên Chúa đã biến thành những tín hữu đích thực." Giáo Hội là "bí tích nguyên thủy" (proto-sacrament); tuy nhiên, điều này có nghĩa là Giáo Hội, trong toàn bộ diện mạo cụ thể, hữu hình và có thể kiểm chứng về mặt pháp lý của mình, là một dấu chỉ và hiện thân thực sự cho thánh ý cứu độ của Thiên Chúa và cho ân sủng của Chúa Kitô." [13] Điều đặc biệt quan trọng nữa là sự hiểu biết của Công đồng Vatican II, vốn cũng coi Giáo Hội như là bí tích của ơn cứu độ. [14]

Giáo Hội là bí tích của sự hiệp nhất mọi người trong Thiên Chúa để được cứu độ. Giáo Hội là bí tích nền tảng của ơn cứu độ bởi chính bản chất của mình, là bản chất xác định và cấu thành. Giáo Hội là bí tích bởi vì Giáo Hội là "dấu chỉ trong lịch sử, là dấu chỉ thể hiện ở bình diện lịch sử, và do đó cũng "thực hiện" thánh ý của Thiên Chúa đối với thế giới, là thánh ý tạo dựng ơn cứu độ và sự hiệp nhất." [15] Giáo Hội là "sự hiện diện thực sự, vĩnh viễn và luôn hiệu lực của Thiên Chúa trong thế giới." [16] Giáo Hội cũng là biểu tượng và bí tích của sự hiệp nhất cho nhân loại, được mang lại bởi chính sự tự thông ban của Thiên Chúa trong ân sủng. Giáo Hội là bí tích của ơn cứu độ cho con người trong thế giới. Điều này là do Giáo Hội chỉ ra và hiện diện hóa ân sủng của Thiên Chúa trong thế giới và ân sủng này sẽ không bao giờ biến mất khỏi thế giới nữa. Theo nghĩa này, Giáo Hội là dấu chỉ cho chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa trong thế giới. Ân sủng mà Thiên Chúa truyền thông cho thế giới thúc đẩy thế giới hướng tới sự hoàn tất của Nước Thiên Chúa, bất chấp những vấn đề và cạm bẫy mà Giáo Hội có thể gặp phải. [17] Giáo Hội là một dấu chỉ bí tích hiệu quả cho ân sủng của Thiên Chúa bởi vì thông qua Giáo Hội, thánh ý của Thiên Chúa muốn ban ân sủng thông qua sự tự truyền thông của Ngài được biểu lộ ở bình diện lịch sử trong thế giới.

 

GHI CHÚ

[1] Karl Rahner, "Dogmatic notes on ‘Ecclesiological piety,’" trong Karl Rahner, Theological investigations, Volume 5, Later writings, London: Darton, Longman & Todd, 1966, 336.

[2] Karl Rahner, "Theology of the symbol," trong Theological investigations, dịch giả Kevin Smyth, 4 (1974): 240.

[3] Karl Rahner, Theology of the symbol, 240.

[4] Karl Rahner, Theology of the symbol, 241.

[5] Xem Karl Rahner, Theology of the symbol, 240.

[6] Karl Rahner, Theology of the symbol, 241.

[7] Xem Giáo hoàng Leo XIII, Satis Cognitum: Encyclical of Pope Leo XIII on the unity of the Church, 15, 29.06.1896, http://w2.vatican.va/content/leo-xiii/en/encyclicals/documents/hf_l-xiii_enc_29061896_satis-cognitum.html, (27.11.2015).

[8] Xem Karl Rahner, Theology of the symbol, 240-241.

[9] Karl Rahner, Theology of the symbol, 240.

[10] Opus operatum có nghĩa là lời hứa ban ơn sủng rõ ràng, vĩnh viễn, có thể nhận thức được trong lịch sử cho mỗi người, một lời hứa được Thiên Chúa thực hiện một cách không thể thay đổi và có thể nhận ra được như vậy. Đây là nội dung tích cực của khái niệm. Cách diễn đạt cho rằng có vấn đề về việc Thiên Chúa ban ơn sủng mà không cần đến công trạng chủ quan của thừa tác viên hay người lãnh nhận chỉ là công thức phủ định, và do đó là thứ yếu. William A. Van Roo, The Church and Theological investigations 5, Rome: Gregorian University, 2012, 162.

[11] Karl Rahner, The Church and Theological investigations 5, London: Burns and Oates, 1963, 25.

[12] Karl Rahner, Theology of the symbol, 240.

[13] Karl Rahner, "Membership of the Church," trong Karl Rahner, Theological investigations, Volume 2, London: Darton, Longman and Todd, 1963, 73.

[14] Karl Rahner, "What is a sacrament," trong Theological investigations: The theology of the spiritual life, dịch giả David Bourke, 3 (1976): 141-142.

[15] Karl Rahner, "What is a sacrament," 142.

[16] Karl Rahner, "Membership of the Church," 76.

[17] Xem Karl Rahner, Foundations of Christian faith, An introduction to the idea of Christianity, dịch giả William V. Dych, London: Darton Longman and Todd, 1978, 321-211.

 

Chia sẻ