Skip to content
Top banner

Thần học về truyền thông trên mạng

THTT-01
2022-01-30 12:33 UTC+7 624
Đây là một bài thuyết trình tại cuộc Hội thảo do Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội dành cho các giám mục ở Trung đông ngày 20/4/2012. Tác giả là giám đốc tạp chí La Civiltà Cattolica. Sau đây là dàn bài tổng quát:

Antonio Spadaro, S.J.

Đây là một bài thuyết trình tại cuộc Hội thảo do Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội dành cho các giám mục ở Trung đông ngày 20/4/2012. Tác giả là giám đốc tạp chí La Civiltà Cattolica. Sau đây là dàn bài tổng quát:


1. Công nghệ và linh đạo

2. Thách đố thực sự của Giáo hội

3. Một cuộc cách mạng với những nguồn gốc xa xưa

4. Đề tài sôi bỏng thứ nhất: Mạng nhào nặn việc tìm kiếm Thiên Chúa

 a. Siêu thị tín ngưỡng

 b. Quan niệm về việc tìm kiếm

 c. Tìm kiếm trong một bong bóng đã gạn lọc

5. Đề tài sôi bỏng thứ hai: Giáo hội là cộng đồng hay mạng lưới?

6. Đề tài sôi bỏng thứ ba: Quyền bính đứng giữa việc thông tin và làm chứng tá

7. Kết luận: Suy tư thần học về mạng


Nguồn: http://www.pccs.va/index.php/it/news2/contributi/item/481-spiritualit%C3%A0-ed-elementi-per-una-teologia-della-comunicazione-in-rete


Một trong những cột trụ của linh đạo thánh Inhaxiô Loyola là phương châm: “tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa trong mọi sự.” Điều này đã khiến các tu sĩ Dòng Tên trở thành những người tò mò, thích những “biên cương” và “hầm trú”, cũng như những chỗ “lầm đường lạc lối”. Tôi bị ấn tượng bởi tựa đề của một cuốn sách “Searching God in all wrong places”. Xin quý vị đừng nghĩ rằng tôi sẽ trình bày linh đạo đi tìm Chúa ở chỗ không đúng (không đúng chỗ). Không phải thế, công nghệ là chỗ tốt để tìm và gặp Chúa. Tại sao vậy? Theo nghĩa nào?


1. Công nghệ và linh đạo


Công nghệ không phải là một hình thức sống trong cái ảo tưởng muốn thống trị các lực lượng thiên nhiên nhằm tạo ra một đời sống hạnh phúc hơn. Nếu chỉ nhìn công nghệ như là kết quả của một ý chí của quyền lực và thống trị thì thật là hẹp hòi.

Như Đức thánh cha Bênêđictô XVI đã viết trong thông điệp Caritas in veritate, công nghệ “là một sự kiện rất nhân bản, gắn liền với tính tự lập và tự do của con người. Qua công nghệ, sự bá chủ của tinh thần lên trên vật chất được diễn tả và củng cố”[1]. Tôi dám nói hơn nữa rằng: công nghệ số được ơn Chúa kêu gọi trở thành một phương thế giao dịch với đời sống tinh thần.


Một thời điểm lịch sử của việc nhìn nhận giá trị tinh thần của các kỹ thuật mới là việc ban hành Sắc lệnh Inter mirifica của công đồng Vaticanô II, ngày 4 tháng 12 năm 1963, mở đầu như sau:


Trong những phát minh kỳ diệu về kỹ thuật mà con người đã dùng tài năng cùng với ơn Chúa trợ giúp để sáng chế từ các thụ tạo, nhất là trong thời hiện đại, Mẹ Giáo hội đặc biệt ân cần đón nhận và ủng hộ những phát minh liên quan đến tinh thần của con người và mở ra những con đường mới để truyền thông cách dễ dàng các tin tức, tư tưởng và kiến thức đủ loại.


Ta nên ghi nhận thái độ của Giáo hội khi định nghĩa các phát minh của kỹ thuật là “kỳ diệu”.


Năm 1964, đức Phaolô VI, ngỏ lời với Trung tâm Kỹ thuật Aloisianum ở Gallarate, đã nói rằng “bộ óc cơ khí đến trợ giúp bộ óc thiêng liêng”[2], và thêm rằng con người đã “nỗ lực gắn vào những dụng cụ cơ khí phản ánh của các chức năng thiêng liêng”. Con người kỹ thuật là con người thiêng liêng.


Tiền đề duy nhất có giá trị để sống và loan truyền đức tin trong thời đại truyền thông số là: nhìn nhận giá trị của nó, “khả năng” thiêng liêng của nó. Các phương tiện này mang trong mình lời giải đáp cho một “ơn gọi” vào thời điểm mà “linh đạo và công nghệ gặp gỡ nhau”[3].


2. Thách đố cho Giáo hội


Điều này đã quá rõ. Cho đến một thời gần đây, mạng (network) được gắn liền với hình ảnh kỹ thuật chuyên môn tinh xảo. Ngày nay Mạng là một nơi giao lưu để bạn bè từ xa xôi có thể tiếp xúc với nhau, để đọc tin tức, để mua sách, để đăng ký một chuyến đi, để chia sẻ những sở thích và ý tưởng. Điều này cũng được áp dụng cho điện thoại di động, ngày nay nó đã trở thành máy vi tính bỏ túi.


Internet là một môi trường, một không gian trải nghiệm càng ngày càng trở nên thành tố của cuộc sống hằng ngày. Nó là một khung cảnh sinh sống, không còn chỉ là một “nơi” cụ thể mà có lúc ta đi vào để sống on line, rồi sau đó đi ra off line. Bây giờ mạng ở trong tầm tay của ta (kể cả theo nghĩa đen), nhờ các điện thoại di động. Mạng đã bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng sinh sống và suy tưởng của chúng ta. Cách chúng ta nhận thức về chính mình, về những người khác và về thế giới chung quanh ta và về những điều mà chúng ta chưa biết phần nào đều tuỳ thuộc vào ảnh hưởng của nó.


Thách thức thực sự của Giáo hội nằm ở chỗ sống mạng như là một trong những môi trường sinh sống. Vấn đề đặt lên không phải là biết “sử dụng mạng cách tốt đẹp” nhưng là “sống tốt đẹp vào thời mạng”. Mạng có liên quan đến đức tin bởi vì nó có liên quan đến đời sống của người tín hữu. Làm thế nào để sống tốt đẹp vào thời mạng? Chúng ta lưu tâm không phải là sản phẩm của nó nhưng là cội rễ của nó.


3. Một cuộc cách mạng với những nguồn gốc xa xưa


Hẳn nhiên sự kiện internet là một cuộc cách mạng công nghệ, nhưng cuộc cách mạng này nói lên cái gì? Cội nguồn của nó nằm ở đâu?


Nghĩ đến interner, chúng ta không nên chỉ mường tượng đến những viễn tượng mà nó sẽ mang lại trong tương lai, nhưng hãy nghĩ đến những ước ao và trông đợi mà con người luôn mang trong mình và cố gắng tìm cách để đáp lại, đó là: móc nối, tương quan, thông đạt và hiểu biết[4]. Như vậy Internet là một cuộc cách mạng có những cội rễ trong quá khứ:


– lặp lại những hình thức truyền thông kiến thức và lối sống chung;

– bộc lộ những lưu luyến;

– tạo ra một hình thù cho những ước muốn và những giá trị cổ xưa như loài người, đó là, tôi xin nhắc lại: móc nối, tương quan, thông đạt và hiểu biết. Chúng ta biết rằng đối với Giáo hội, hai cột trụ của sự hiện hữu của mình là loan báo một sứ điệp và tạo ra những mối tương quan hiệp thông.


Điều này cho thấy rằng từ lâu mạng và Giáo hội đã có cơ duyên phải gặp gỡ nhau: từ lâu Giáo hội đặt việc loan báo một sứ điệp và tạo ra những tương quan như là hai cột trụ làm nên sự hiện hữu của mình. Đó là điều thứ nhất mà tôi muốn chia sẻ với quý vị.

Nhưng nếu như mạng làm thay đổi cách thức suy tư của chúng ta cũng như cách thức chúng ta sống các tương quan, thì tất nhiên chúng ta nhận ra rằng interner đặt ra những thách đố cho chính Kitô giáo và đời sống Kitô hữu.


Vì thế chúng ta hãy điểm qua một vài chủ đề sôi bỏng như sau.


4. Đề tài sôi bỏng thứ nhất: mạng lưới nhào nặn việc tìm kiếm Thiên Chúa


Khi gõ lên dụng cụ tìm kiếm một từ như God hoặc religion, spirituality, chúng ta nhận được danh sách cả trăm triệu trang. Internet xem ra như là nơi của các giải đáp. Ngày nay con người tìm kiếm Chúa khởi đầu bằng một cuộc sưu tầm.


Việc tìm kiếm Thiên Chúa thay đổi như thế nào vào thời đại của các dụng cụ tìm kiếm (search engine) ? Đâu là những hệ luận của cuộc tìm kiếm này? Trong số các hệ luận tôi chỉ muốn dừng lại ở một điểm: việc tìm hiểu tôn giáo có thể bị thay đổi hoàn toàn


a. Siêu thị tín ngưỡng


Người ta có thể rơi vào ảo tưởng rằng thần linh và tín ngưỡng nằm trong tầm cửa con chuột (mouse). Bởi vì mạng có khả năng chứa đựng tất cả cho nên nó có thể dễ so sánh với một siêu thị tín ngưỡng. Người ta dễ có ảo tưởng rằng thần linh có thể bất cứ lúc nào cũng nằm sẵn trong tầm tay của người tiêu thụ khi cần đến. Tin Mừng chỉ là một bản tin giống như bao mẩu tin khác.


Thế nhưng, như hồng y Ratzinger đã viết hồi năm 2003, Tin Mừng không phải là một thứ thông tin giữa các thông tin khác; Tin Mừng là “chìa khoá, một sứ điệp mà bản chất hoàn toàn khác biệt các thông tin chúng ta nhận được mỗi ngày. Nếu Tin Mừng chỉ là một tin tức như các tin khác, thì nó có thể gạt ra bên lề, nhường chỗ cho các tin khác. Nhưng làm thế nào để việc truyền thông cái mà chúng ta gọi là Tin Mừng cho thấy rằng đây là một thông tin hoàn toàn khác biệt?”[5]


Vì thế, thách đố đặt ra thật là nghiêm trọng, bởi vì cần phải nêu bật sự phân biệt giữa một bên là niềm tin như một “hàng hóa” rao bán bằng cách quảng cáo, và một bên là niềm tin như là một hành vi của trí tuệ con người, được Thiên Chúa thúc đẩy, bày tỏ sự tuân phục đối với Người. Vì thế ngày nay cần phải ý thức có những thực tại vượt quá lý luận của “dụng cụ tìm kiếm”, và không thể nào tìm kiếm đức tin dựa theo google.


b. Quan niệm về tìm kiếm


Xưa kia, con người gắn bó chặt chẽ với tôn giáo như là một nguồn soi sáng ý nghĩa của cuộc đời. Giống như chiếc kim của cái la bàn, con người biết rằng mình được thu hút về một chiều hướng duy nhất và chính xác: hướng Bắc. Nếu cái la bàn không còn chỉ về hướng Bắc là tại vì cái máy trục trặc chứ không phải tại vì không có hướng Bắc.


Sau đó, đặc biệt là từ sau thế chiến thứ hai, con người bắt đầu sử dụng radar để đi tìm và định hướng vị trí của những vật thể cố định hoăc di động. Radar đi tìm cái đối tượng của mình, và giả thiết là phải dò xét tất cả mọi dấu chỉ, dù yếu ớt nhất, chứ không đi theo một hướng nào nhất định. Và như thế, con người cũng bắt đầu đi tìm một ý nghĩa cho cuộc đời, và cũng đi tìm một Thiên Chúa nào có thể mang một tín hiệu và có thể lên tiếng. Lối diễn tả của cái logic ấy như thế này: “Chúa ơi, Chúa ở đâu?” Từ đó có chuyện “chờ đợi Godot”[6] và rất nhiều tác phẩm văn chương trong thế kỷ XX. Con người được xem như là “kẻ lắng nghe lời” (tựa đề một tác phẩm của Karl Rahner), đi tìm một sứ điệp mà mình cảm thấy nhu cầu sâu xa. Thế nhưng, ngày nay hình ảnh này còn giá trị nữa không?


Thực tình mà nói, cái hình ảnh này không còn đứng vững nữa. Hình ảnh thích hợp với thời này là con người cảm thấy lạc đường nếu điện thoại di động không chạy, hay là nếu dụng cụ điện tử (computer, tablet, smartphone) không thể nào nối mạng wireless. Trước đây, máy radar đi tìm một tín hiệu; ngày này chúng ta đi tìm một kênh nào đó để cho các dữ kiện có thể thông qua. Con người thời nay thay vì đi tìm tín hiệu, thì quen với việc có thể nhận các tín hiệu mà không nhất thiết phải tìm. Hệ luận cực đoan nhất của logic này là hệ thống push thay thế cho hệ thống pull. Hệ thống pull giả thiết rằng khi nào một dữ kiện có sẵn đó (chẳng hạn một mail) thì tôi nhận nó, bởi vì tôi luôn mở kênh để nhận tin. Hệ thống push giả thiết rằng tôi có thể đi lấy tin khi nào tôi thích liên kết (connect).


Như vậy con người của la bàn và con người của radar đang trở thành một người giải mã (decoder), có nghĩa là một hệ thống bật-mở và giải các câu hỏi dựa trên những giải đáp đến dồn dập mặc dù mình không cần đi tìm. Chúng ta đang bị tấn công bởi hàng tấn sứ điệp, chúng ta phải ngập dưới một núi các thông tin, tình trạng được đặt tên là information overload. Vấn đề ngày nay không phải là đi tìm một sứ điệp có ý nghĩa, nhưng là giải mã nó, nhận ra nó dựa trên những giải đáp mà tôi nhận được. Con người được mời gọi hãy nhận ra những câu hỏi sâu xa và chân thực hơn.


Lời quan trọng nhất mà ta cần tái khám phá là một lời rất quen thuộc trong từ ngữ Kitô giáo: sự biện phân (discernment). Vì thế, con người thời nay, cách riêng nhà giáo dục, cần phải biết phân biệt những câu hỏi tôn giáo đích thực, ra khỏi những giải đáp được gửi đến liên tục. Đây là một công tác phức tạp, đòi hỏi sự chuẩn bị và nhạy cảm với đời sống tâm linh.


c. Tìm kiếm trong một bong bóng đã gạn lọc


Cần phải ghi nhận một nguy cơ đáng kể. Các mạng lưới xã hội (như Facebook) hoặc các dụng cụ tìm kiếm (tựa như Google) lưu trữ những thông tin của các khách hàng, và những dữ kiện được sử dụng để hướng dẫn các giải đáp hoặc cập nhật những cuộc tiếp xúc cá nhân. Google tạo ra một chân dung của những điều có ích cho chúng ta, dựa trên những lần chúng ta truy cập, các địa chỉ mà chúng ta thường lui tới, những sở thích của ta. Tất cả những chi tiết này sẽ được phân tích cách vô danh, nhờ các thuật toán (algorithm), vì thế những sự tìm kiếm của chúng ta không còn dựa trên những tiêu chuẩn khách quan, nhưng dựa trên những tiện ích đặc thù. Những sự tìm kiếm xoay quanh chủ thể, vì thế những chủ thể khác nhau sẽ tìm thấy những kết quả khác nhau. Cái lợi trước mắt là tôi có thể đến ngay lập tức điều mà có lẽ là mình thích thú bởi vì Google “biết” tôi và gợi ý cho tôi điều gì có thể thu hút tôi.


Tuy nhiên, dưới phương diện khác, đây là một rủi ro lớn: đó là tôi sẽ bị nhốt trong một thứ “bong bóng” làm chức năng gạn lọc, loại bỏ cái gì khác biệt với tôi, vì thế tôi không còn khả năng nhận ra rằng có những người, những bài báo, những cuốn sách không tương ứng với ý tưởng của tôi hoặc diễn tả một ý kiến khác với tôi.


Cuối cùng, tôi bị bao vây bởi một thế giới của những thông tin giống với tôi, và như thế có nguy cơ là tôi đóng khung lại, không lưu ý đến cái gì khác biệt và ở bên ngoài tôi. Cái nguy cơ thật quá rõ: đánh mất sự khác biệt, tăng thêm sự bất bao dung, khép kín trước những điều mới lạ, những điều bất ngờ nằm ở ngoài các khung sườn tư tưởng hoặc tương quan của tôi. Người khác chỉ có ý nghĩa đối với tôi nếu họ giống với tôi cách nào đó; còn nếu không thì họ sẽ không hiện hữu. Đến đây, ta thấy cuộc đối thoại đại kết, đối thoại liên tôn, việc trao đổi ý kiến mang một giá trị then chốt trong một thế giới đang xây dựng những ốc đảo quy ngã ở trên một môi trường mà theo bản tính phải mở ra đến vô tận[7].


5. Đề tài sôi bỏng thứ hai: Giáo hội là cộng đồng hay mạng lưới?


Vấn đề thứ hai mà tôi muốn gợi lên liên quan đến Giáo hội. Ngày nay, mạng càng ngày càng trở thành một nơi của networks và communities. Các social networks như Facebook, Google Plus hoặc Twitter là thực tại đích thực của internet mà ngày nay chúng ta biết được. Liệu có thể mường tượng một đời sống Giáo hội dựa trên mạng không? Một sự kiện là, trong thời đại mạng (nghĩa là thời nay), Giáo hội được hiểu (và có thể hiểu) qua các từ ngữ của network. Vì vậy mạng đặt ra những vấn đề liên quan đến não trạng và khuôn mẫu qua đó Giáo hội có thể được hiểu biết như là “cộng đồng”.


Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Radio Vatican, đức cha Claudio Celli, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Truyền thông Xã hội, đã cho biết rằng một người bạn ở Madrid kể lại kể từ khi mở một địa chỉ của giáo xứ trên interner, thì có nhiều người vào mạng hơn là số người tham dự Thánh lễ Chúa Nhật. Thật vậy: nhiều người không đặt chân đến nhà thờ, nhưng có thể tìm gặp một thông báo nghiêm túc và đối thoại ở trên internet. Làm thế nào đáp ứng với câu hỏi và thách đố lớn lao mà Giáo hội đang gặp vào thời đại hôm nay?


Tuy nhiên một “Giáo hội mạng” tự nó là một cộng đồng không gắn kết với lãnh thổ và với cuộc sống. Chúng ta hãy nghĩ đến các “giáo hội” nảy sinh từ các nhà giảng thuyết trên truyền hình, những giáo hội này sản xuất một lối sống đạo cá nhân, con đẻ của việc tư hữu hóa cuộc sống và của chủ nghĩa cá nhân trong xã hội tư bản tiêu thụ. Trong bối cảnh này, việc “thuộc về Giáo hội” có nguy cơ trở thành kết quả của sự “nhất trí” và “sản phẩm” của truyền thông.


Bản chất và mầu nhiệm Giáo hội có nguy cơ tan rã, trở thành một thứ “không gian kết nối”[8], mà mục tiêu là để nối kết con người với nhau. Từ nhãn quan này, sẽ phát sinh hình ảnh như thế nào về Giáo hội?


Giáo hội sẽ là một Networked Church, cần phải tái kiến trúc tư tưởng và cơ cấu của Giáo hội. Mục tiêu thứ nhất của Giáo hội sẽ là kiến tạo và phát triển một môi trường nối kết, nhờ đó những ai tin vào Chúa Kitô có thể dễ dàng gặp nhau. Dĩ nhiên, tính tương quan của mạng có thể hoạt động nếu các kết nối (link) hoạt động: nếu một kết nối bị ngắt hoặc cắt, thì không thể nào chuyển thông tin được và mối tương quan cũng bị cắt đứt.


Giáo hội có nguy cơ trở thành một cơ cấu đứng ra cổ động cho thiên hạ có cơ hội gặp gỡ. Giáo hội không còn là một điểm quy chiếu, một ngọn hải đăng soi đường, mà chỉ là một cơ cấu hỗ trợ nhằm giúp cho Nước Chúa tăng trưởng. Giáo hội sẽ không còn là “thân thể mầu nhiệm”, nhưng đã biến thành một trung tâm kết nối. Và đây là một trọng trách của người Công giáo ở trên mạng: biến đổi nơi “kết nối” thành nơi “hiệp thông”. Nguy cơ của thời đại chúng ta là lẫn lộn giữa hai quan niệm ấy. Sự kết nối tự nó chưa đủ để biến mạng trở thành nơi chia sẻ đậm tình nhân bản. Sự biến đổi này là một công tác lớn lao của người Kitô hữu.


Đứng về phía Công giáo, một điều chắc là không thể nào xem Giáo hội như là một mạng những mối tương quan chiều ngang. Giáo hội luôn luôn có một nguyên uỷ và một nền tảng “ở bên ngoài”. Việc “triệu tập” để trở thành Hội thánh là Thân thể của Chúa Kitô không thể nào thu hẹp vào khuôn mẫu xã hội học là quy tụ. Giáo hội là “Dân do Thiên Chúa triệu tập và kết hợp từ muôn phương, để kiến tạo thành một cộng đoàn những kẻ, nhờ đức tin và bí tích thánh tẩy, trở thành con cái Thiên Chúa, chi thể của Đức Kitô, đền thờ của Thánh Linh”[9]. Việc thuộc về Giáo hội dựa trên một nền tảng ở bên ngoài bởi vì chính Đức Kitô là Đấng nhờ Thánh Linh liên kết các tín hữu vào với mình; chính Đức Kitô kết hợp họ làm giao ước mới, bằng cách làm cho họ nên thánh (Ep 5, 26)[10].


Các tương quan trên mạng tuỳ thuộc vào sự hiện diện và sự hoạt động hữu hiệu của các phương tiện truyền thông; ngược lại, sự hiệp thông giáo hội là một “hồng ân” của Thánh Linh. Hoạt động truyền thông của Giáo hội đặt nền tảng và nguồn gốc ở trên hồng ân ấy. Bản tính thâm sâu của Giáo hội dựa trên “hồng ân” ấy, nghĩa là dựa trên “nền tảng ở bên ngoài” ấy.


Tôi gặp được một khuôn mẫu tham chiếu ở trong quá khứ, vào thời buổi chưa có mạng. Vào dịp khánh thành Radio Vatican, ngàu 12-2-1931, Đức thánh cha Piô XI đọc sứ điệp đầu tiên Qui arcano Dei. Cách riêng chúng ta nên lưu ý các lời chúc lành các dụng cụ của đài phát thanh, với những lời như sau: “Benedic hanc machinarum seriem ad etheris undas ciendas ut apostolica verba cum longinquis etiam gentibus communicantes, in unam tecum familiam congregemur” (Xin chúc lành cho những bộ máy nhằm giúp phát lên các làn sóng, ngõ hầu khi truyền thông các lời tông đồ cho các dân tộc xa xôi, chúng con được tập hợp thành một gia đình duy nhất trong Chúa).


Qua những lời ấy, Đức Piô XI đã linh cảm được điều gì? Ngài đã thấy trước những cộng đoàn tiềm tàng (virtual) nhờ công nghệ... Thực vậy, trong khi đảng phát-xít dùng đài phát thanh nhằm mở rộng các buổi mít-tinh để lắng nghe hiệu triệu của lãnh tụ Mussolini, thì đài Vatican nhằm nói với những trái tim, những con người được nhìn như một “gia đình duy nhất”. Như vậy là đặt một dụng cụ toàn cầu để phục vụ các mối tương quan, chứ không phải để tuyên truyền cho các tư tưởng. Trong sứ điệp của Đức Piô XI, các tư tưởng hướng đến các mối tương quan. Đây cũng là cái logic của các social networks thời nay: siết chặt các tương quan nhờ thông chuyển các nội dung tư tưởng.


Đức Piô XI, khi nghĩ đến radio, đã mang trong đầu một social network, bởi vì ngài nghĩ đến một khuôn mẫu của các mối tương quan thực sự, hơn là khuôn mẫu thuần tuý của phát thanh (radio broadcasting). Như thế ngài cũng đã vạch cho thấy một con đường để hiểu rõ ý nghĩa của một đài phát thanh vào thời nay.


6. Đề tài sôi bỏng thứ ba: Quyền bính đứng giữa thông tin và chứng tá


Theo dòng trào lưu suy tư này, chúng ta cũng nghĩ đến quyền bính trong Giáo hội và những môi giới của Giáo hội theo một nghĩa tổng quát.


– Mạng đặt nền tảng dựa trên những link, nghĩa là dựa trên những việc nối mạng hàng ngang, chứ không theo hàng phẩm trật.

– Giáo hội sống theo một logic khác, dựa trên một sứ điệp được “trao tặng”, nghĩa là được lãnh nhận, và “chọc thủng” chiều kích hàng ngang. Không những thế, sau khi đã chọc thủng hàng ngang, Giáo hội sống nhờ chứng từ có uy tín, nhờ truyền thống, nhờ Huấn quyền: toàn là những khái niệm xem ra trái ngược với cái logic của mạng.


Nói cho cùng, xem ra ở trên trang mạng, người ta áp dụng cái logic Page Rank của Google: một trang càng được đọc nhiều thì càng quan trọng. Người ta lấy tiêu chuẩn số đông người làm tiêu chuẩn xác định giá trị: trang mạng nào càng được kết nối nhiều thì được xem là càng được hâm mộ. Như vậy, nền tảng của sự hiểu biết được đặt trên sự nhất trí trong cùng một quan điểm. Đối với nhiều người, đó là một logic tốt nhất để đương đầu với những vấn đề phức tạp.


Nhưng Giáo hội không thể nào chấp nhận cái logic ấy, bởi vì nó tùy thuộc vào những người lèo lái dư luận. Thực vậy, không phải là trên mạng không còn quyền bính nữa đâu, nhưng quyền bính ấy được che đậy, đứng trong bóng tối. Vì thế người ta đang tìm cách tìm những tham số (parameter) khác cho các dụng cụ tìm kiếm, nghĩa là: tìm “phẩm chất” hơn là “số đông”. Tuy vậy, cái logic của đám đông vẫn còn được nhìn như là tiêu chuẩn của chân lý. Như vậy, câu hỏi là: phải chăng mạng và Giáo hội là hai đối thủ khi đề cập đến quyền bính?


Khi bàn về quyền bính và uy tín, ta cần phải đi xa hơn các dụng cụ tìm kiếm, và nghĩ đến các mạng xã hội như là Facebook, Orkut, Twitter hoặc là Google Plus: xã hội số được kết thành không chỉ nhờ tư tưởng trao đổi, nhưng còn nhờ các mối tương quan. Sự trao đổi tư tưởng diễn ra trong khung cảnh của các tương quan. Vì thế, đừng nên lẫn lộn giữa “phức hợp mới” với “rối loạn”, và đừng lẫn lộn “kết nạp tự phát” và “vô chủ”. Giáo hội được mời gọi đào sâu thêm việc thi hành quyền bính trong một khung cảnh mạng, nghĩa là hàng ngang. Chìa khóa của nó là các chứng từ: eBay, Amazon, iTunes...


Cái logic của mạng xã hội giúp cho chúng ta hiểu thêm rằng nội dung chia sẻ gắn chặt với con người mang nội dung ấy. Thật vậy, trong các mạng lưới này, không có thông tin nào “trung lập”: con người luôn luôn can dự vào điều mà mình thông đạt.


Như Đức thánh cha Bênêđictô XVI đã viết trong Sứ điệp Ngày truyền thông lần thứ 45 (2011), “khi người ta trao đổi thông tin cho nhau, họ đang chia sẻ chính bản thân mình, những lối nhìn đời, những hy vọng, những lý tưởng của họ”. Công nghệ thông tin, nhờ việc góp phần vào việc tạo ta một mang lưới nối kết, xem ra đã liên kết tình hữu nghị và sự hiểu biết, thúc đẩy con người hãy trở thành “chứng nhân” về nền tảng của cuộc đời mình.


Nếu trước đây “chứng từ” (testimonial) là một nhân vật có uy tín đặc biệt, thì ngày nay, tất cả mọi người đều được mời gọi để trở thành chứng từ, mỗi người theo cách thế của mình. Như vậy, ta thấy nhen nhúm lên “một cuộc gặp gỡ giữa ngôn ngữ của công nghệ truyền thông với sự cởi mở của tinh thần cho tác động của Chúa nơi các chứng nhân của Người”[11]. Ngày nay, việc loan báo Tin Mừng mà không thông qua cuộc sống cá nhân chân thành sẽ chỉ là một tràng những lời nói suông, có thể thấu vào lý trí nhưng không lay động được con tim. Do đó, đức tin không những là được “truyền lại” nhưng nhất là được khêu lên nhờ cuộc tiếp xúc cá nhân, nhờ những tương quan chân thành.


Vì thế Giáo hội trên mạng được mời gọi không chỉ là “phát đi “ (emittenza) các nội dung, nhưng nhất là trở nên một “chứng từ” (testimonianza) trong bối cảnh của những tương quan rộng lớn gồm những tín đồ của tất cả các tôn giáo, những người vô tín ngưỡng và những người thuộc mọi văn hóa. Ngày nay, uy tín được biểu lộ qua chứng từ đáng tin cậy, gắn liền nội dung tư tưởng với các mối tương quan mà nó tạo ra.


7. Kết luận: Suy tư thần học về mạng


Như chúng ta đã thấy, mạng đặt ra nhiều thách thức cho việc hiểu biết đức tin Kitô giáo. Văn hóa “số” có tham vọng giúp cho con người mở rộng thêm kiến thức và các tương quan. Chúng ta đã nêu ra một vài đề tài nóng bỏng mà văn hóa này đặt ra cho đời sống đức tin và cho Giáo hội.


Vì thế có lẽ đã đến lúc xét lại vấn đề “hiểu biết đức tin” (intellectus fidei) vào thời buổi của mạng. Việc suy tư nảy sinh từ câu hỏi: làm thế nào để cho cái logic của mạng, với những ẩn dụ mạnh mẽ tác dụng vào óc tưởng tượng, bên cạnh tác dụng vào trí tuệ, có thể nhào nặn việc tìm kiếm Thiên Chúa, cách thức hiểu biết về Giáo hội, thần học về Ân sủng, v.v.. Việc suy tư này rất quan trọng bởi vì càng ngày ta càng thấy interner góp phần vào việc kiến tạo căn cước tôn giáo của con người thời nay. Điều này lại càng khẩn trương hơn nữa đối với thế hệ sinh ra vào thời kỹ thuật số: mạng đang nhào nặn cách thức chúng ta nắm bắt thực tại, cách thức suy tư, hiểu biết, truyền đạt, sinh sống.




[1] ĐGH Bênêđictô XVI, Caritas in Veritate, số 69.

[2] Trung Tâm này đưa vào bộ máy điện tử các tác phẩm của thánh Tôma Aquinô và Kinh Thánh. Sau đây là những lời của Đức thánh cha Phaolô VI: “Khoa học và kỹ thuật, một lần nữa kết nghĩa với nhau, đã cống hiến cho chúng ta một kỳ công, và đồng thời, hé mở cho chúng ta những mầu nhiệm mới. Nhưng chúng tôi chỉ muốn giới hạn việc suy tư vào một điểm này là: phương tiện này phụng sự văn hoá, cái bộ óc cơ khí hỗ trợ cho bộ óc thiêng liêng, diễn tả tư tưởng ra ngôn ngữ riêng của mình. Quý vị đã chẳng bắt đầu bằng việc đưa bản văn Kinh Thánh vào ngôn ngữ này đó sao? Điều gì xã xảy ra? Phải chăng bản văn thánh thiêng đã bị đưa vào trò chơi sao? Hay là phải nói ngược lại, chúng ta muốn đưa những tư tưởng thiêng liêng vào dụng cụ cơ khí, nâng cao chức năng của nó để phục vụ cái thánh thiêng? Phải chăng chúng ta đem nhốt tinh thần vào trong vật chất, hay là phải nói ngược lại, vật chất được chế ngự để thi hành những định luật của tinh thần, phục vụ cho tinh thần? Đến đây chúng tôi liên tưởng đoạn văn của thánh Phaolô (Rm 8,22) nói rằng vật chất đang rên siết chờ mong được nâng cao lên hàng tinh thần”.

[3] T. Beaudoin, Virtual Faith..., cit., 87. Lévy viết rằng “cái trước đây thuộc về thần học ngày nay trở thành công nghệ”, x. L’intelligenza collettiva. Per un’antropologia del cyberspazio, Milano, Feltrinelli, 2002, 102. Ngược lại, chức năng “thần học” của công nghệ được nhiều tác giả đề cập, chẳng hạn như C. Formenti, Incantati dalla rete. Immaginari, utopie e conflitti nell’epoca di internet, Milano, Raffaello Cortina, 2000, 14.

[4] X. A. Spadaro, Web 2.0. Reti di relazione, Milano, Edizioni Paoline, 2010.

[5] Bài phát biểu mang tựa đề “Truyền thông và văn hóa, những lộ trình loan báo Tin Mừng trong ngàn năm thứ ba” (9/12/2002): http://www.internetica.it/comunicazioni_Ratzinger.htm

[6] Tên của một vở kịch En attendant Godot của Samuel Beckett, trình diễn ở Paris năm 1953, kể lại chuyện chờ đợi một người (Godot) nhưng mà người này không đến [ND].

[7] X. E. Pariser, The Filter Bubble: What the Internet Is Hiding from You, New York: Penguin Press, 2011.

[8] D. J. Friesen, Thy Kingdom Connected. What the Church Can Learn from Facebook, the Internet, and Other Networks, Grand Rapids (MI): Baker Books, 2009, 80t.

[9] Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, Tóm lược, số 147.

[10] Ibid., số 156 và 158.

[11] ĐGH Gioan Phaolô II, Sứ điệp ngày truyền thông xã hội lần XXIII.


Đọc bài viết gốc tại đây

Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ