Skip to content
Top banner

Thần học trong bối cảnh kỹ thuật số (Phần III)

THTT-01
2022-01-29 00:53 UTC+7 626

Hướng đến Thần học mạng: Thần học trong bối cảnh kỹ thuật số (Phần III)


Tìm kiếm Thiên Chúa trong môi trường kỹ thuật số


Thần học khởi đầu trước hết và trên hết bằng sự suy gẫm về việc con người tìm kiếm và tri nhận Thiên Chúa. Theo truyền thống, các Kitô hữu định vị Thiên Chúa trong khuôn khổ thời gian và không gian như được diễn tả trong “Kinh Lạy Cha”, nghĩa là Thiên Chúa ở trên “trời”. Thiên Chúa cũng là Thượng đế vĩnh cửu và tối cao của vương quốc sẽ đến vào thời viên mãn. Như Vịnh gia công bố “Muôn lạy Chúa, lời Ngài bền vững; đến ngàn đời, trên cõi trời cao.”[1] Con người hiểu về vĩnh cửu như tưởng tượng ngàn năm của Chúa ví như một ngày trong kinh nghiệm loài người: “Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày.”[2] Bằng cách tưởng tượng thiên đàng là một nơi chốn cụ thể, còn vĩnh cửu là một ngày kéo dài vô tận, việc xác định Thiên Chúa hiện hữu ở đâu và thế nào có vẻ dễ hơn. Mặc dù các thần học gia khẳng định rằng thiên đàng không phải là một địa điểm vật lý, các tín hữu vẫn ngước mắt lên trời cao, vượt qua các vì sao để nghĩ tưởng về một nơi nào đó Thiên Chúa đang âu yếm nhìn xuống con cái của Người, nhìn thấy những niềm vui, nỗi buồn cũng như những thách đố và yếu đuối của họ. Điều này mang lại cho người ta cảm nhận có phương hướng và sự an toàn trong cuộc sống. Lavinia Byrne viết: “Không có gì đánh động trái tim con người cách mảnh liệt bằng lời hứa rằng họ sẽ được sống đời đời trên thiên đàng. Không có gì có thể an ủi bằng ý thức thêm ngày tháng nghĩa là có thêm cùng một loại thời gian, với bình minh và hoàng hôn đều đặn mỗi ngày để tính toán ngày giờ.”[3]


Tuy nhiên, khoa học hiện đại đã làm nhiều việc để xâm nhập vào các khái niệm được hiểu trước đây về Thiên Chúa và thiên đàng, ít nhất là đối với những người coi trọng sự phát triển khoa học. Có thuyết khoa học tuyên bố rằng không gian trên thực tế là vô hạn, do đó loại bỏ khả năng thiên đường có một vị trí cụ thể.[4] Điều này gây hoang mang đối với linh đạo bình dân, vì làm sao Thiên Chúa có thể ngự trên trời nếu một nơi như thế không tồn tại về mặt logic?[5] Các thần học gia cố gắng giải thích thực tại này bằng cách đưa ra sự hiện hữu của thế giới tinh thần siêu vượt không gian thông thường, hay giới thiệu khái niệm về “không gian bí tích” (sacramental space) ngay trong thế giới này hay trong cộng đồng Kitô giáo, nơi đó sự hiện diện của Thiên Chúa là thật và có thể cảm nhận được.[6]


Môi trường kỹ thuật số cũng tạo nên những cơ hội mới để đào sâu việc tìm hiểu về Thiên Chúa và hình dung Ngài hiện diện ra sao trong thế giới này. Lavinia Byrne lưu ý rằng vũ trụ bao gồm các nguyên tử khả giác tụ lại với nhau để tạo thành vật chất không còn là loại vũ trụ duy nhất mà con người có thể quan niệm nữa. Với không gian mạng tạo thành từ những con số phi vật lý, chúng ta được biết đến các chiều kích không gian mới tồn tại song song với thế giới các hạt nguyên tử. Bà đặt câu hỏi: “Nếu thế giới kỹ thuật số có thể thâm nhập vào máy tính của chúng ta, vậy tại sao không có sự tương tự về tâm linh? Bổng nhiên khái niệm về Thiên Chúa là hợp lý vì có nơi mà Thiên Chúa có thể hiện hữu. Ý tưởng về các thiên thần nhảy múa trên đầu chiếc đinh ghim được khơi lại, bởi lẽ có gì đó hơn cả không gian và thời gian mà chúng ta có thể nhìn thấy hay thông truyền.”[7] Theo Singh, thế giới kỹ thuật số cung cấp một ẩn dụ về sự hiện diện của Thiên Chúa và cách thức hình dung về mọi sự trong một ý nghĩa mới của thời gian và không gian, trong đó những thông tin được cung cấp thông qua những dữ liệu kỹ thuật số.[8] Thực tại của thế giới kỹ thuật số giúp chúng ta vượt qua những giới hạn và thách đố mà khoa học bàn đến. Như thế, ẩn dụ này trình bày một hiểu biết sâu xa và một câu trả lời mới mẻ đối với câu hỏi: “Lạy Thầy, Thầy ở đâu?”.


Trong khi môi trường kỹ thuật số với những khả thể mới có thể giúp vượt qua những giới hạn trước đây do khoa học đặt ra, thì nó không hứa hẹn việc tìm hiểu về Thiên Chúa sẽ đơn giản và dễ dàng hơn. Trong quá khứ, người ta tìm đến những người có thẩm quyền như các linh mục, tu sĩ khi thắc mắc về Thiên Chúa, những vấn đề liên quan đến đạo, cũng như những điều trong đời sống thường nhật. Bởi lẽ các linh mục không chỉ được nhìn nhận là những hình tượng đáng tin cậy trong các vấn đề tâm linh, nhưng còn được xem như thuộc về nhóm những người có học thức cao, thậm chí có thể là cao nhất ở trong làng xóm hay thị trấn. Tại nhiều nơi ở châu Á, nhất là ở vùng quê, trường hợp này vẫn khá phổ biến. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người tham gia vào internet, truyền hình và các loại hình truyền thông khác để tìm kiếm câu trả lời cho họ, nhất là ở các nước phát triển.[9] Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, vai trò của các thể chế và cá nhân như những thực thể có thẩm quyền ngày càng giảm bớt.[10] Đồng thời, có quá nhiều thông tin trên internet khiến người ta dễ bị choáng ngợp bởi những gì bày ra trước mắt họ. Từ khóa “God” trên Google có thể cho ra hơn 2,5 tỉ kết quả.[11] Nếu tìm từ “พระเจ้า” (tiếng Thái), có thể cho ra gần 17 triệu mục, và từ “Thiên Chúa” (tiếng Việt) cũng cho kết quả hơn 41 triệu mục. Khi tìm kiếm hình ảnh bằng từ khóa “God”, kết quả là những hình ảnh hỗn hợp về Thiên Chúa của Do Thái giáo – Kitô giáo và Chúa Giêsu xuất hiện trên màn hình, cùng với các vị thần của các tôn giáo khác cũng như hình ảnh của các nhân vật khác nhau trong những trò chơi điện tử. Hiện tượng bị tấn công bởi thông tin dư thừa như thế được gọi là quá tải thông tin. Antonio Spadaro bình luận: “Vấn đề ngày nay không phải là tìm được một thông điệp có ý nghĩa, nhưng là biết giải mã chúng, nhận ra nó trên cơ sở của biết bao thông điệp chúng ta nhận được.”[12] Do đó, mặc dù có dư thừa thông tin, nhưng trớ trêu thay, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, việc tìm kiếm Thiên Chúa lại có thể trở thành một kinh nghiệm đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và sàng lọc qua vô số các loại dữ liệu mới tìm ra được điều mà người ta cần.


Mặc dầu vậy, người ta vẫn có thể không chắc rằng, nội dung mình đã tìm thấy có thực sự chính thống và bổ ích cho việc nuôi dưỡng tâm linh hay không. Như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI lưu ý:


Thông thường xảy ra với các phương tiện truyền thông xã hội, ý nghĩa và hiệu quả của các hình thức biểu đạt khác nhau được quyết định bởi sự thịnh hành hơn là tầm quan trọng nội tại và giá trị của chúng. Và sự ưa chuộng thường gắn liền với người có danh tiếng hoặc với các chiến lược thuyết phục hơn là logic của biện luận.[13]


Hệ quả là nhận thức của ai đó về Thiên Chúa và mối tương quan với Ngài có thể bị định hình bởi một blog mà người đó theo dõi hơn là từ những trang web chính thức của Giáo hội, cho dù của Vatican hay giáo xứ địa phương. Tuy nhiên, các ứng dụng internet đã tạo mẫu một cách thức để chúng ta tập trung hơn vào việc tìm hiểu về Thiên Chúa. Trong khi Google là một công cụ tìm kiếm theo cú pháp, nghĩa là dựa trên một số từ ngữ cụ thể có trong bản văn và hiển thị vô số kết quả, thì công cụ tìm kiếm theo ngữ nghĩa lại hoạt động trên một logic khác. Công cụ tìm kiếm theo ngữ nghĩa có xét đến mục tiêu và ngữ cảnh của thuật ngữ được sử dụng.[14] Nó cố gắng giải nghĩa suy nghĩ của người đang tìm kiếm và cung cấp thông tin họ cần. Ví dụ, khi đánh cụm từ “Who is Jesus” vào công cụ tìm kiếm Google, kết quả xuất hiện trên đầu danh sách là những trang web có những từ khóa tương ứng. Tuy nhiên, khi cũng tìm kiếm như thế bằng ứng dụng WolframAlpha, một công cụ tìm kiếm theo ngữ nghĩa thì kết quả xuất hiện không phải là một danh sách các trang web, nhưng là một tấm hình và một loạt thông tin về Chúa Giêsu như ngày sinh, nơi sinh, ngày và nơi qua đời. Từ thông tin sẵn có trên web, nó cũng kê khai những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu. Lối hoạt động của ứng dụng Wolfram Alpha cũng như các công cụ tìm kiếm dựa trên ngữ nghĩa khác xem ra tiết kiệm công sức và thời gian hơn cho người sử dụng.


Tuy nhiên, không may là trong khi Google thường cho quá nhiều thông tin, thì công cụ tìm kiếm theo ngữ nghĩa thì không thể cung cấp câu trả lời cho mọi câu hỏi của người dùng. Ví dụ khi tìm kiếm “Where can I find God” (Tôi có thể tìm thấy Thiên Chúa ở đâu) thì ứng dụng cho thông báo “Wolfram/Alpha không hiểu câu hỏi của bạn”, chứ không có câu trả lời đại loại như “Bạn có thể tìm thấy Chúa trên thiên đàng” hay “Bạn có thể gặp Chúa trong tâm hồn”. Cũng vậy, khi hỏi “Does God exist” (Thiên Chúa có hiện hữu không) thì nhận câu trả lời sau: “Xin lỗi, môt công cụ tri thức máy tính nghèo nàn, dù mạnh đến đâu cũng không thể trả lời cho câu hỏi này được.” Logic của hai loại công cụ tìm kiếm cho thấy những cách thức khác nhau để con người có thể tìm hiểu về Chúa – một cái mang tính ngẫu nhiên, phụ thuộc chủ yếu vào sự tình cờ, cái còn lại có chủ đích, tập trung và chính yếu. Không may là một hình thức thì có thể cho quá tải thông tin; nhưng hình thức còn lại thì chẳng có thông tin gì cả. Thực tế của thời đại kỹ thuật số nhắc chúng ta nhớ rằng việc tìm kiếm về Thiên Chúa trong môi trường này có thể vừa thú vị vừa hoang mang. Một hành trình tìm Chúa sinh hoa kết trái dường như phụ thuộc vào năng lực của người biết cân bằng giữa việc để mọi thứ diễn ra một các ngẫu nhiên với việc đặt ra những câu hỏi quá hạn hẹp làm mất đi khả năng có những khám phá bất ngờ.


Kỷ nguyên kỹ thuật số không chỉ giúp đưa ra những cách thức mới để tìm gặp Chúa hiện diện trong thế giới, mà còn cung cấp những phương tiện để tìm kiếm Người bằng những cách vượt ra khỏi kênh truyền thống (như hàng phẩm trật hay cha xứ). Trong bối cảnh châu Á, internet tạo sự dễ dàng cho việc tìm hiểu về Chúa với những cách thức phong phú hơn, không chỉ ngang qua cha xứ hoặc các tu sĩ. Ở châu Á, Kitô giáo là một nhóm nhỏ, chiếm khoảng 4,5%.[15] Công giáo chỉ chiếm khoảng 3% dân số châu Á,[16] hơn 115 triệu người.[17] Hơn 63% người Công giáo châu Á sống ở Philippines và Đông Timor,[18] trong khi ở các nước khác thì Công giáo chiếm chưa đầy 1% dân số.[19] Thái Lan có khoảng 300,000 người Công giáo[20] trong số 67 triệu dân, còn Campuchia có khoảng 20,000 người Công giáo[21] trên tổng số 15 triệu dân. Việc tìm hiểu về Chúa và duy trì mối tương quan thân thiết với Người ở châu Á không chỉ bị thách đố bởi phương tiện giới hạn của Giáo hội nhưng còn vì ảnh hưởng sâu rộng của môi tường văn hóa tôn giáo nơi mà các Kitô hữu sinh sống.


Tiếp cận với internet tạo cơ hội để việc tìm kiếm này được thuận lợi hơn và mối tương quan với Chúa được nuôi dưỡng bằng những cách thức mới, khác với những gì sẵn có. Người Công giáo ở các vùng quê xa xôi có thể tìm được những tài liệu thiêng liêng hữu ích, khác với những bài giảng mà cha xứ lặp đi lặp lại, nhất là những vị không chỉ giảng Lời Chúa nhưng còn bỏ ra thêm thời giờ trong Thánh Lễ để dạy dỗ đủ điều về các vấn đề trong xứ đạo. Trong đợt dịch Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam, khi các nhà thờ buộc phải đóng cửa, người Công giáo Việt Nam ở mọi lứa tuổi phải dự lễ online. Và nó trở thành một cơ hội cho nhiều người Công giáo lớn tuổi ở các vùng xa đã quen với việc dự lễ hàng ngày ở nhà thờ xứ được dự lễ trực tuyến lần đầu tiên qua điện thoại hay truyền hình thông minh. Rõ ràng là có nhiều người không chỉ dự lễ trực tuyến của giáo phận hay giáo xứ mình, nhưng cũng xem lễ được cử hành bởi các giáo xứ và giáo phận khác nữa.


Ngoài việc tạo cơ hội cho người Công giáo ở những làng quê nhỏ bé tiếp cận nhiều hơn với tài liệu thiêng liêng, internet cũng giúp các linh mục, tu sĩ, chủng sinh có thêm các nguồn liệu cho sứ vụ. Trong thư viện của đại chủng viện ở Lào chẳng hạn, nguồn tài liệu Kinh Thánh và thần học bằng tiếng Anh hay tiếng Lào đều khá giới hạn. Các chủng sinh có nhu cầu học tập hay chuẩn bị bài suy niệm Lời Chúa để chia sẻ với người dân có thể dùng internet như công cụ hỗ trợ. Tại Thái Lan, nhiều phật tử và những người muốn theo đạo Kitô giáo tham gia vào nhóm Facebook và một diễn đàn do một giáo dân lập ra để trao đổi những vấn đề về đức tin.[22] Với sự hỗ trợ của internet, người ta có thể dễ dàng tiếp cận với Thiên Chúa hơn và các hình ảnh về Chúa được giới thiệu phong phú, đa dạng hơn.


Vì thế, người châu Á tìm kiếm, nhận thức và duy trì mối tương quan với Thiên Chúa ra sao có lẽ chịu ảnh hưởng nhiều bởi môi trường kỹ thuật số hiện đại giúp cho những việc đó thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc tìm hiểu về Thiên Chúa trong thời đại kỹ thuật số chẳng hứa hẹn dễ tiếp cận được chân lý hơn khi mà trên mạng có sẵn cả kho thông tin, và không phải cái nào cũng dẫn ta đi đúng hướng hay cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho đời sống đức tin. Hơn bao giờ hết, việc tìm kiếm Thiên Chúa và vun trồng mối tương quan với Ngài đòi hỏi sự chủ động, cẩn trọng và kiên trì. Hình ảnh và cách tương quan mà một người xây dựng với Thiên Chúa không thể được chỉ định từ cấp trên như trong quá khứ nữa. Trong thời đại số, mỗi người phải biết trách nhiệm hơn với nhiệm vụ tâm linh của mình. Bên cạnh đó qua sự hiện diện và tham dự của từng người vào môi trường kỹ thuật số, họ cũng có thể góp phần vào cách người khác nhận ra và hiểu biết về Thiên Chúa. (Hết Phần III)




[1] Psalm 119:89 (NIV).

[2] 2 Peter 3:8 (NIV).

[3] Lavinia Byrne, “Thiên Chúa trên không gian mạng,”(2000),  http://www.ed.ac.uk/files/imports/fileManager/godper cent20inper cent20cyberspace.pdf.

[4] Singh, “Overview of Cybertheology.”

[5] Byrne, “God in Cyberspace.”

[6] Ibid.

[7] Ibid.

[8] Singh, “Overview of Cybertheology.”

[9]Philip Clayton, “Theology and the Church after Google,” Princeton Theological Review 17, No. 2 (2010): 8

[10] Ibid., 14.

[11] This Google search result is as of 25 August 2020.

[12] Spadaro, Cybertheology, 23.

[13] Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, “Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông 2013.”

[14] Wikipedia, “Semantic Search,” https://en.wikipedia.org/wiki/Semantic_search.

[15] FABC Papers No.131, “A Glimpse at Dialogue in Asia,” 3.

[16] Ibid.

[17] James H. Kroeger, “An ‘Asian’ Dialogue Decalogue: Principles of Interreligious Dialogue from Asia’s Bishops,” http://www.lst.edu/academics/landas-archives/353-an-qasianq-dialogue-decalogue-j-kroeger-mm.

[18] FABC Papers No.131, 3.

[19] Kroeger, “An ‘Asian’ Dialogue Decalogue.”

[20] Udomsarn, “How Many Thai Catholics Are There Really?” http://www.thaicath.net/diarybible/cathsuebsiri/word/enew05.htm.

[21] Wikipedia, “Roman Catholicism in Cambodia,” https://en.wikipedia.org/wiki/Roman_Catholicism_in_Cambodia.

[22] Theo người quản trị diễn đàn “New Manna”, có hàng chục người đã theo Kitô giáo một phần vì tham gia diễn đàn này. http://www.newmana.com/phpbb/index.php.


Trích nguồn: Tác giả: LM Anthony Lê Đức, SVD

Chia sẻ