Skip to content
Top banner

Các văn kiện và các cơ cấu truyền thông của Hội Thánh

THTT-01
2022-02-21 06:24 UTC+7 286
Mọi việc Truyền thông Kitô giáo đều phải được khởi sự từ việc truyền thông của Đức Giêsu Kitô, ‘người truyền thông hoàn hảo’. Nhưng chúng ta cũng không được bỏ qua các văn kiện và cơ cấu khác của Hội Thánh giúp đưa việc truyền thông của Đức Kitô và ...

Mọi việc Truyền thông Kitô giáo đều phải được khởi sự từ việc truyền thông của Đức Giêsu Kitô, ‘người truyền thông hoàn hảo’. Nhưng chúng ta cũng không được bỏ qua các văn kiện và cơ cấu khác của Hội Thánh giúp đưa việc truyền thông của Đức Kitô và các đòi hỏi của nó vào thời đại chúng ta.

1. Các văn kiện của Hội Thánh

Thông điệp Vigilanti Cura (1936) của Đức Giáo Hoàng Piô XI về phim ảnh mở ra một chuỗi những văn kiện tích cực của Hội Thánh truyền thông xã hội.

Sau đó, năm 1957, có Thông điệp Miranda Prorsus của Đức Piô XII về các phương tiện điện tử, kể thêm truyền thanh và truyền hình vào với phim ảnh. Văn kiện rất sâu sắc này đã trở thành nguồn gợi hứng cho sắc lệnh về Truyền thông Xã hội Inter Mirifica của Công Đồng Vaticanô II.

Văn kiện Inter Mirifica này trước tiên được đưa ra cho các Nghị phụ Công Đồng xem xét và đã được cắt ngắn từ 144 đoạn xuống chỉ còn 24 đoạn để chỉ giữ lại các điểm cơ bản nhưng với một đòi hỏi rõ ràng (IM 23) là Uỷ Ban Giáo Hoàng về Truyền thông Xã hội sẽ cử một ban chuyên môn soạn thảo một Huấn thị Mục vụ chi tiết. Chính Uỷ Ban Giáo Hoàng này cũng là kết quả từ các nghị quyết và đề nghị của Công Đồng, và là một cơ quan thường trực về truyền thông (IM 19). Kết quả là Huấn thị Communio et Progressio được xuất bản năm 1971.

Văn kiện Communio et Progressio này gồm 187 đoạn và được viết dựa trên các nguyên tắc của Sắc lệnh Công Đồng Vaticanô II. Huấn thị này được coi là một trong số các văn kiện hay nhất của Hội Thánh về Truyền thông Xã hội từ trước tới nay.

Khoảng 20 năm sau khi Huấn thị này ra đời, một Huấn thị Mục vụ thứ hai là Aetatis Novae được xuất bản năm 1992 để kỷ niệm, bổ túc và tiếp nối Huấn thị 1971. Điều này cũng được ghi rõ trong phụ đề của Huấn thị là được ban hành “nhân kỷ niệm năm thứ 20 Huấn thị Communio et Progressio.”

Theo sau việc đưa vào hằng năm Ngày Thế Giới Truyền Thông qua Sắc lệnh Inter Mirifica của Vaticanô II (Số 18), kể từ đó các Đức Giáo Hoàng hằng năm đều gửi một thông điệp cho ngày ấy với một chủ đề đặc biệt. Sưu tập các thông điệp này là một kho tàng được thêm vào cho các giáo huấn của Hội Thánh về Truyền thông Xã hội, đặc biệt trong khía cạnh mục vụ của nó. (Xem thêm ở Phần II, 4.3.6).

Ngoài hai văn kiện chính thức này của Huấn Quyền và của Công Đồng Vaticanô II, còn có các tài liệu khác của Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội (tên gọi cũ là Uỷ Ban GH TTXH) về các đề tài và các mối quan tâm đặc biệt. Chẳng hạn, chúng ta có một văn kiện về “Khiêu Dâm và Bạo Lực: Một Phản ứng Mục vụ” (1989) và một về “Các tiêu chuẩn về hợp tác đại kết và liên tôn trong Truyền thông” (1989). Cũng có các bản văn về Đạo đức trong Quảng cáo (1987), trong Truyền thông (2000) và trên Internet (2002). Còn có một văn kiện về “Hội Thánh và Internet” (2002). Tất cả các văn kiện này phản ánh một mối quan tâm mục vụ sâu xa và rất có ích trong các vấn đề mà các tựa đề nói lên.

Các cơ quan khác tại Toà Thánh cũng như các Hội Đồng Giám Mục, Liên Hội Đồng các Giám Mục Châu Á (FABC), và từng giám mục một cũng thỉnh thoảng công bố các văn kiện và các suy tư có thể nâng đỡ và soi sáng cho việc truyền thông mục vụ và truyền giáo và một phần đặt chúng trên cấp địa phương.

Để tham khảo bản văn đầy đủ của các văn kiện, xem: Franz-Josef Eilers (Chủ biên): Church and Social Communication. Basic Documents, 2nd Edition, Manila (Logos/Divine Word) 1997, và: Supplement I, Basic Documents 1998-2002, Manila 2002.

2.Các cơ cấu của Hội Thánh

Cơ cấu truyền thông cơ bản trong Hội Thánh mang tính phẩm trật và dựa trên các giám mục. Tuy nhiên cũng có các tổ chức chuyên môn làm việc và phối hợp trong lãnh vực này.

2.1 Cơ cấu phẩm trật

Ngay từ Thông điệp Vigilianti Cura (1936), Đức Piô XI đã đề nghị thiết lập các văn phòng điện ảnh quốc gia để giúp đặc biệt đánh giá các phim ảnh. Các văn phòng này được thiết lập bởi các Hội Đồng Giám Mục của mỗi quốc gia. Chúng phải được coi là một hình thức khởi đầu của cơ cấu truyền thông cho Hội Thánh. Đức Piô XII nhắc đến sáng kiến này trong Thông điệp Miranda Prorsus, xác nhận và chấp nhận sáng kiến nhưng mở rộng sáng kiến về phim ảnh sang cả các phương tiện truyền thông điện tử khác (Eilers 1997, các số 184, 215). Sau đó Công Đồng “quyết định và truyền thiết lập khắp nơi các văn phòng quốc gia về báo chí, phim ảnh, truyền thanh và truyền hình...” (Inter Mirifica 21).

Sắc lệnh của Công Đồng cũng cho các hoạt động truyền thông một cơ cấu thực thụ, bắt đầu với “một văn phòng đặc biệt của Toà Thánh” (Số 19) cho tới các giám mục và các hội đồng giám mục quốc gia và vùng. Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio còn làm sáng tỏ thêm và mô tả các trách nhiệm trong các cơ cấu này. Chính nguyên tắc trách nhiệm phẩm trật của Hội Thánh cũng thiết định cơ cấu truyền thông của Hội Thánh với những vị chịu trách nhiệm cuối cùng là Đức Giáo Hoàng và các giám mục. Các cơ quan chuyên môn đóng vai trò bổ sung và phục vụ trong cơ cấu này.

a. Hội Đồng Giáo Hoàng

“Hội Đồng Giáo Hoàng về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội” bắt nguồn từ một uỷ ban giáo hoàng về phim ảnh giáo dục và tôn giáo. Các niên hiệu sau đây cho chúng ta một cái nhìn chung về sự phát triển văn phòng truyền thông của Vaticanô II cho tới năm 1993:

1948  Thiết lập Uỷ Ban Giáo Hoàng về phim ảnh giáo dục và tôn giáo.

1952  Uỷ Ban này được mở rộng sang lãnh vực truyền thanh, truyền hình và điện ảnh.

1959  Uỷ Ban trở thành một cơ quan thường trực trong cơ cấu Vatican và lệ thuộc Văn Phòng Quốc Vụ Khanh (Motu proprio Boni Pastoris ngày 22 tháng 2, 1959 của ĐGH Gioan XXIII).

1963  Văn kiện Công Đồng Inter Mirifica nói rằng, để hoàn thành trách nhiệm mục vụ tối thượng của ngài về các phương tiện truyền thông xã hội, Đức Giáo Hoàng có một văn phòng đặc biệt tại Toà Thánh (Số 19).

1964  Trách nhiệm của Uỷ Ban cũ nay được mở rộng cho mọi phương tiện truyền thông. Tên gọi của Uỷ Ban được đổi thành Uỷ Ban Giáo Hoàng về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (Motu proprio In fructibus multis, 2 tháng 4, 1964).

1988  Trong khuôn khổ cuộc cải tổ cơ cấu hành chánh của Vatican, Uỷ Ban được đổi thành “Hội Đồng Giáo Hoàng” về các phương tiện truyền thông xã hội.

Uỷ Ban trước kia và nay là Hội Đồng chịu trách nhiệm triển khai, soạn thảo và xuất bản các huấn thị mục vụ Communio et Progressio và Aetatis Novae. Việc xuất bản Communio et Progressio thực ra là một trong các nhiệm vụ chính được giao cho văn phòng này bởi Motu proprio In fructibus multis. Ngoài nhiệm vụ này và việc triển khai các văn kiện và huấn thị tiếp theo, Hội Đồng này còn có nhiệm vụ phối hợp và liên lạc với các sáng kiến của các giám mục trên khắp thế giới. Trong nội các Vatican, Hội Đồng này thi hành một số bổn phận nhưng trực thuộc Văn Phòng Quốc Vụ Khanh. Chẳng hạn, Hội Đồng cấp giấy phép cho các đội ngũ điện ảnh và truyền hình trên lãnh thổ Vatican. Có một thời trong quá khứ, Nhà In Lớn (Sala stampa) của Vatican nằm dưới trách nhiệm của văn phòng này. Bây giờ, giống như Đài Phát Thanh Vatican, nhà in này nằm trong một khâu truyền thông đặc biệt tại Văn Phòng Quốc Vụ Khanh.

b. Các Văn Phòng quốc gia

Ở cấp quốc gia, các HĐGM có trách nhiệm đầu tiên và cao nhất trong việc tạo dựng cơ sở cho các hoạt động truyền thông trong nước họ. Trách nhiệm này được thực thi đặc biệt qua các văn phòng quốc gia mà quyền lãnh đạo “được giao cho một uỷ ban đặc biệt gồm các giám mục hay một số vị được giám mục uỷ quyền” (Inter Mirifica số 21). Theo Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio, uỷ ban giám mục sẽ “đề ra những hướng dẫn tổng quát cho việc phát triển hoạt động tông đồ truyền thông xã hội ở cấp quốc gia” (Số 172).

Công Đồng Vaticanô II “quyết định và truyền thiết lập khắp nơi các văn phòng quốc gia lo về báo chí, phim ảnh, truyền thanh và truyền hình.” Theo Công Đồng, các văn phòng này có “bổn phận đặc biệt” là “giúp tín hữu hình thành một lương tâm đúng đắn về việc sử dụng các phương tiện truyền thông này, nuôi dưỡng và phối hợp các hoạt động công giáo nhắm tới mục đích này” (Inter Mirifica số 21). Yêu cầu này của Công Đồng được lặp lại trong Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (số 169), ở đó sứ mạng của các văn phòng quốc gia còn được diễn tả chi tiết hơn (Số 170, 171).

Theo Huấn thị, các văn phòng quốc gia về truyền thông có các bổn phận sau:

- Kích thích, cổ võ và phối hợp các hoạt động công giáo trong lãnh vực truyền thông xã hội;

- Tư vấn và duy trì “các mối tiếp xúc với thế giới chuyên môn về truyền thông xã hội...”;

- “Tổ chức Ngày Thế Giới Truyền Thông trên cấp quốc gia”;

- “Tổ chức quyên góp quĩ” vào Ngày Thế Giới Truyền Thông.

(Xem thêm chi tiết ở Phần II, 4.3.1.)

Huấn thị Mục vụ Aetatis Novae đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của các HĐGM và các giáo phận về việc giáo dục và đào tạo truyền thông như một phần cơ bản của việc đào luyện các người hoạt động mục vụ và các linh mục (Số 18) và việc chăm sóc mục vụ cho các chuyên gia truyền thông (Số 19). Văn kiện này cũng yêu cầu đưa “nhân tố truyền thông” vào mọi kế hoạch mục vụ của các cơ quan của Hội Thánh và phát triển “các kế hoạch mục vụ đặc biệt cho chính lãnh vực truyền thông” ở các cấp hoạt động khác nhau của Hội Thánh (Số 20-23), phù hợp với điều kiện tại mỗi địa phương. Trên thực tế, Huấn thị Mục vụ này kết thúc một cách cụ thể bằng một số “Hướng dẫn cho việc thiết kế các kế hoạch Mục vụ về Truyền thông Xã hội tại một giáo phận, Hội Đồng Giám Mục hay Đại Hội Nghị Phụ” (Các số 24-33).

(Xem thêm Phần II, 4.2 và II, 4.3.)

c. Các Văn Phòng quốc tế

Sắc lệnh Inter Mirifica của Vaticanô II gợi ý rằng “ở đâu ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông vượt qua các ranh giới quốc gia... các tổ chức cấp quốc gia phải kết hợp với nhau và nhắm tới mục tiêu quốc tế” (Số 22). Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio đề nghị thiết lập các tổ chức truyền thông châu lục hay vùng, ở đó “có một HĐGM bao gồm nhiều quốc gia.” Các tổ chức này cũng sẽ “chịu sự chỉ đạo tổng quát của một giám mục hay một số giám mục” (Số 173).

Vì các HĐGM cấp vùng hay châu lục hiện nay đã có trên gần như khắp thế giới, các cơ quan hay các tổ chức truyền thông tương ứng cũng đã có như thế. Chẳng hạn như ở Châu Mỹ Latinh có cơ quan “DECOS-Celam” (“Departamento de communicacion social”) của CELAM; ở Châu Á có Văn Phòng Truyền Thông Xã Hội (OSC=Office of Social Communication”) của Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á (FABC=Federation of Asian Bishops’ Conferences); và Châu Phi có CEPACS (Comité Episcopal Panafricain des Communications Sociales=Uỷ Ban Giám Mục Toàn Phi về Truyền Thông Xã Hội), Bộ phận truyền thông của “Hội Nghị các HĐGM tại Châu Phi và Madagascar” (SECAM = Symposium of Episcopal Conferences in Africa and Madagascar) cũng như cho Châu Âu. Một điển hình về văn phòng truyền thông vùng tại một châu lục là “Liên hiệp các HĐGM tại Đông Phi” (AMECEA) cho vùng Đông Phi; cũng có các văn phòng vùng tương tự cho Tây Phi nói tiếng Anh, cũng như cho vùng Châu Phi và Nam Phi nói tiếng Pháp.

Các hoạt động và bổn phận của các văn phòng cấp châu lục và vùng cũng giống như của các văn phòng cấp quốc gia khi có thể thực hiện trong hoạt động quốc tế. Tất nhiên cũng phải có một sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các văn phòng châu lục, vùng cũng như quốc gia và Hội Đồng Giáo Hoàng về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (xem Communio et Progressio số 172).

d. Các Văn phòng giáo phận

Đối với từng giáo phận cũng thế, các văn kiện Hội Thánh đề nghị thiết lập một văn phòng truyền thông bởi vì “các Giám Mục trong giáo phận mình có bổn phận trông coi các hoạt động và công cuộc loại này, cổ võ và điều chỉnh chúng tuỳ theo mức độ chúng ảnh hưởng một cách công khai tới hoạt động tông đồ.” Sắc lệnh Công Đồng cũng thêm rằng “nhiệm vụ này bao trùm cả các hoạt động dưới sự kiểm soát của các hội viên của các cộng đoàn tu sĩ miễn trừ” (Inter Mirifica số 20). Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio lặp lại đòi hỏi này của Công Đồng và nói rằng “khi có thể, phải thiết lập các văn phòng liên giáo phận. Một trong các nhiệm vụ chính của các văn phòng này là tổ chức hoạt động tông đồ mục vụ này trong giáo phận, thấm nhập thẳng xuống các giáo xứ” và chuẩn bị Ngày Thế Giới Truyền Thông trong giáo phận. Các bổn phận của các văn phòng giáo phận cũng giống như ở các văn phòng quốc gia, nhưng giới hạn vào cấp giáo phận (Xem Communio et Progressio số 170-171).

(Xem thêm chi tiết ở Phần II, 4.2.)

e. Các người phát ngôn hay đặc trách báo chí

Đối với mỗi giáo phận cũng như mọi tổ chức khác của Hội Thánh trong cơ cấu này như các HĐGM và Toà Thánh, cũng phải có một “người phát ngôn hay đặc trách báo chí chính thức và thường trực,”có nhiệm vụ “phát hành các tin tức và giải thích rõ ràng các văn kiện của Hội Thánh để dân chúng có thể nắm bắt chính xác ý nghĩa của chúng...” (Communio et Progressio số 174).

Từ các văn kiện Hội Thánh, ta thấy rất rõ rằng trách nhiệm cuối cùng về truyền thông của Hội Thánh thuộc về các giám mục và các Hội Đồng Giám Mục. Tuy nhiên, về cụ thể, điều này có nghĩa là nhiều chuyện còn tuỳ thuộc sự cởi mở và hiểu biết của các giám mục này mà đa số không phải là các chuyên gia trong lãnh vực truyền thông. Ở đây, các cuộc hội thảo và các khoá đào tạo cho các giám mục sẽ rất hữu ích để phát huy việc truyền thông trong nội bộ Hội Thánh và hoạt động tông đồ truyền thông xã hội của Hội Thánh.


2.2 Các Tổ chức Chuyên môn

Cơ cấu trách nhiệm phẩm trật về truyền thông trong Hội Thánh đã chỉ bắt đầu được phát triển một cách hệ thống hơn từ năm 1936 theo sau Thông điệp Vigilanti Cura của Đức Piô XI với việc khuyến khích thiết lập các Văn Phòng Quốc Gia về phim ảnh. Trước đó khoảng 10 năm, các chuyên gia đã bắt đầu qui tụ lại với nhau rồi. Các phóng viên công giáo đã bắt đầu lập hội của họ trong một cuộc triển lãm quốc tế về Báo chí tại Cologne, nước Đức, vào tháng 12 năm 1927, nay là Liên Hiệp Báo Chí Công Giáo Quốc Tế (UCIP=Union Catholique Internationale du Press) đặt trụ sở tại Geneva. Các chuyên gia về Truyền Thanh và Điện Ảnh Công Giáo nối gót gần một năm sau với hai tổ chức Unda và Văn Phòng Điện Ảnh Công Giáo Quốc Tế (OCIC=Office Internationale Catholique du Cinéma). Cả hai tổ chức này đã sát nhập thành một vào tháng 11 năm 2001 dưới tên gọi chung là Signis. Các tổ chức này đã “được Toà Thánh công nhận hợp pháp và chịu trách nhiệm trước Toà Thánh,” theo lời Sắc lệnh về Truyền Thông Xã Hội của Vaticanô II (Số 22). Chúng giúp các chuyên gia công giáo hoàn thành bổn phận một cách có trách nhiệm, cổ võ sự hợp tác và tình hữu nghị. Trên bình diện quốc gia, các tổ chức quốc tế này còn có thể được phân thành các nhóm chuyên môn như nhóm các nhà xuất bản, nhóm các phóng viên cá nhân, và nhóm các tạp chí, v.v...

Các mong đợi của Hội Thánh về các tổ chức chuyên môn này được diễn tả trong một đoạn đặc biệt của Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (số 179). Theo đó, các tổ chức này có mục đích bổ sung và nâng đỡ cơ cấu phẩm trật bằng việc cống hiến khả năng chuyên môn của họ để giúp các giám mục chu toàn tốt hơn các bổn phận của các ngài. Tại những nơi có sự hợp tác chặt chẽ giữa các văn phòng quốc gia của hàng giáo phẩm với các tổ chức chuyên môn này, các công việc diễn tiến tốt đẹp và sự sáng tạo có thể phát triển. Nhiều khi cùng một số người chịu trách nhiệm ở cả hai cấp. Nhưng ở những nơi mà vì lý do này hay lý do khác không có sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ nhau như thế, các mối căng thẳng thường dễ phát sinh.

Cả hai tổ chức quốc tế chính thức này đều được thành lập dựa trên cơ sở địa lý. Tuy nhiên tổ chức UCIP cũng còn có thêm các nhóm kết hợp (các Liên Đoàn) dựa theo các ngành hoạt động báo chí khác nhau.

(Xem thêm chi tiết ở Phần II, 4.3.4.)

Chia sẻ