Skip to content
Top banner

TÍNH SIÊU NHIÊN VÀ HIỆN SINH CỦA ÂN SỦNG TRONG THẦN HỌC TRUYỀN THÔNG

COMMUNICATION-THEOLOGY
2024-12-04 09:34 UTC+7 58
Ân sủng không phải là hiện tượng nhất thời mà là dòng chảy siêu nhiên thấm nhập vào chính hiện hữu của con người. Thiên Chúa ban ân sủng theo hai cách: trực tiếp can thiệp vào lịch sử và hiện diện từ thuở tạo dựng. Quan niệm "hiện sinh siêu nhiên" xóa bỏ lằn ranh giả tạo giữa ân sủng và tự nhiên, khẳng định mọi sự đều được bao bọc trong ân sủng. Con người, với khả năng nhận thức và ý muốn, luôn hướng về Thiên Chúa và được đáp trả bằng ân sủng - món quà tự do và phổ quát, chạm đến cốt lõi hiệnhữu

TÍNH SIÊU NHIÊN VÀ HIỆN SINH CỦA ÂN SỦNG TRONG THẦN HỌC TRUYỀN THÔNG

Tác giả: Charles Ndhlovu

Linh mục Charles Ndhlovu, Tiến sĩ, tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Truyền thông Xã hội chuyên ngành Thần học Truyền thông tại Đại học Giáo hoàng Salesianum ở Rome - Ý.


Nguồn bài viết: [xin tải về trong link đính kèm ở trên]

Chuyển ngữ và bổ sung: Tu sĩ Lm. Phêrô Nguyễn Văn Dũng, OFM


grace-2-1733279561.jpg

Vấn đề ân sủng và tự nhiên là một chủ đề trọng yếu và thiết yếu trong thần học, đặc biệt là trong Thần học Truyền thông. Hiểu được điều này giúp chúng ta nhận thức rõ ràng rằng: không thể phân định việc Thiên Chúa tự truyền thông ân sủng thành hai khía cạnh tách biệt. Mặc dù quá trình tự truyền thông ấy có thể được chia thành hai thời điểm, nhưng điều quan trọng cần nhận thức rõ ràng là: cả hai thời điểm này đều thuộc về ân sủng, bởi lẽ ân sủng vừa là sự tự truyền thông của Thiên Chúa (God's Self-communication), vừa là hồng ân Ngài trao ban (gift).

Nói cách khác, việc Thiên Chúa tự thông ban ân sủng diễn ra theo hai thời điểm.

1. Quan điểm thứ nhất: Ân sủng được Thiên Chúa ban tặng và truyền đạt một cách gián đoạn trong những thời khắc đặc biệt của đời người.

Điều này được thể hiện rõ ràng trong Kinh Thánh khi Thiên Chúa trực tiếp can thiệp vào cuộc đời của những con người cụ thể trong lịch sử. Có thể kể đến những câu chuyện tuyệt vời về:

  • Chiến thắng của dân Israel

  • Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa

  • Abraham được Thiên Chúa kêu gọi

  • Sự can thiệp của Thiên Chúa vào thời đại của David

  • Những lần Thiên Chúa tỏ hiện

  • Sự trợ giúp của Thiên Chúa dành cho các tông đồ, cho Phaolô, Phêrô và một số nhân vật trong Tân Ước.

Chính qua những sự kiện này, chúng ta nhận thấy cách thức Thiên Chúa can thiệp và truyền đạt ân sủng của Ngài trong lịch sử. Ngài đã trực tiếp tác động vào cuộc sống của con người và truyền cảm hứng cho họ theo những cách riêng biệt.

Có thể thấy rằng, sự can thiệp này mang tính cụ thể và có ý nghĩa lịch sử. Nó không phải là điều gì đó diễn ra liên tục hay hàng ngày mà là một sự kiện trọng đại, đánh dấu sự can thiệp của Thiên Chúa vào dòng chảy lịch sử.

Hành động này xảy ra theo nhiều cách khác nhau và đôi khi rất ấn tượng, ví dụ như trong cuộc đời của Thánh Phaolô, đặc biệt là vào thời điểm ngài được kêu gọi. Thiên Chúa đã can thiệp bằng quyền năng đầy ân sủng của Ngài một cách mạnh mẽ và ấn tượng. Đó là một khoảnh khắc đặc biệt, một cuộc gặp gỡ thiêng liêng, một sự can thiệp mang tính bước ngoặt và có một không hai.

Không chỉ với Thánh Phaolô, Thiên Chúa cũng can thiệp vào cuộc đời của mỗi người một cách đặc biệt, mạnh mẽ và đôi khi rất ấn tượng. Sự can thiệp này là một khoảnh khắc con người được ân sủng soi sáng.

Ân sủng như vậy là một món quà thiêng liêng được ban tặng cho con người, và Thiên Chúa không mắc nợ bất kỳ tạo vật nào – ân sủng được ban tặng cách tự do vào những thời điểm cụ thể cho một mục đích cụ thể.

Theo cách hiểu này, người ta có thể xem ân sủng như một điều gì đó phi nhân cách hóa (depersonalised) và chỉ giới hạn trong những tình huống thần bí bất thường. [1].

Hạn chế của quan điểm thứ nhất:

Nhìn nhận ân sủng theo cách này – cụ thể là xem sự hiện diện của nó chỉ giới hạn trong những tình huống thần bí và khác thường – có thể dễ dàng dẫn đến sự phân đôi giữa tự nhiên và ân sủng. Sự phân đôi này tồn tại khi người ta nhìn nhận tự nhiên, nhân tính, hay nhân vị như thuộc về một cực, trong khi ân sủng lại thuộc về một cực hoàn toàn khác – nghĩa là ân sủng như một yếu tố ngoại lai, chỉ thỉnh thoảng ghé thăm rồi lại rời đi, tách biệt khỏi đời sống thường nhật.

Hiểu theo cách này, ân sủng chỉ được truyền đạt cho con người vào những thời điểm nhất định nhưng tự thân nó lại thuộc về một phạm trù riêng biệt.

Nếu hiểu ân sủng một cách phiến diện như vậy sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho đời sống đạo và mục vụ, bởi lẽ người ta sẽ dễ dàng rơi vào vòng luẩn quẩn của việc phân biệt đối lập giữa:

  • Giáo Hội và thế giới: Giáo Hội là lãnh vực của ân sủng còn thế giới là lãnh vực không có ân sủng.

  • Thần học và triết học: Trong đó thần học được hiểu là lãnh vực của ân sủng còn triết học là lãnh vực không có ân sủng. [2]

  • Thiên Chúa và con người: [Thiên Chúa bị đẩy ra xa con người, khiến cho ân sủng trở thành một đặc ân chỉ dành riêng cho một nhóm “đặc biệt” nào đó.]

2. Quan điểm thứ hai: Trái ngược với cách hiểu phiến diện trên, nhìn nhận ân sủng như một phần không thể tách rời khỏi bản tính tự nhiên.

Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới được hưởng ân sủng, bởi lẽ ngay từ thuở tạo dựng, Thiên Chúa đã tuyên bố mọi sự đều tốt đẹp. "Nền thần học lấy tạo dựng làm trung tâm" cho thấy ân sủng vốn dĩ đã được đặt để trong tạo dựng, mọi sự bởi Thiên Chúa đều được chúc phúc và hưởng ân sủng.

Sự hiện hữu của chúng ta chính là một ân ban, một dấu ấn của Thiên Chúa. Vẻ đẹp và sự kỳ diệu của tạo dựng, từ tiếng chim hót líu lo đến hương thơm của hoa lá, tất cả đều phản chiếu ân sủng của Đấng Tạo Hóa. Chính vì vậy, nhiều nhà thần học, bao gồm cả tôi, đều đồng ý rằng tạo dựng tràn đầy ân sủng.

Kết hợp hai quan điểm:

Sau khi xem xét hai quan điểm trên, điều quan trọng là nhận thức rằng cả hai đều đúng và bổ sung cho nhau.

  • Thứ nhất, không thể phủ nhận rằng Thiên Chúa đã và đang can thiệp vào lịch sử nhân loại bằng những cách thức cụ thể. Từ việc Thánh Phaolô ngã ngựa đến phép rửa của Chúa Giêsu và đặc biệt là sự giáng thế của Ngài, tất cả đều là những minh chứng hùng hồn cho sự hiện diện và tác động của ân sủng trong những thời điểm cụ thể. Trong trường hợp này, ân sủng được ban tặng cho con người với một mục đích rõ ràng, ví dụ như trong các bí tích Thánh như truyền chức, khấn dòng, hôn phối, thêm sức và rửa tội.

  • Tuy nhiên, điều đó không phủ nhận sự thật rằng tạo dựng ngay từ khởi thủy đã được hưởng ân sủng như đã phân tích ở trên.

Điều quan trọng là chúng ta cần hiểu ân sủng như một tiến trình liên tục, một trạng thái hiện hữu mà con người luôn được bao bọc. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Thiên Chúa không thể ban tặng những ân sủng đặc biệt cho những mục đích cụ thể. Nói cách khác, ân sủng vừa là dòng chảy liên tục vừa là những giọt mưa ân phúc được ban tặng tùy theo chương trình của Thiên Chúa.

Chính sự kết hợp này cho phép chúng ta nhận thức được ân sủng không phải là một khái niệm xa vời với cuộc sống con người. Là thể xác và linh hồn, con người vừa hiện hữu trong thế giới vật chất vừa là "tinh thần trong thế giới", với bản chất luôn hướng về Thiên Chúa [3]. Sự hướng thượng này được thể hiện qua khả năng nhận thức và ý muốn [4], hai hành vi làm nên nét độc đáo của con người.

Ân sủng, như vậy, là sự viên mãn tự do, là cách thức Thiên Chúa đáp trả sự cởi mở tự nhiên của con người. Chính sự tự hiến của Thiên Chúa, Đấng vô hạn và vĩnh cửu, mới có thể lấp đầy khoảng trống vô hạn trong trái tim con người.

Mặc dù được ban tặng cách phổ quát và tự do, ân sủng không phải là điều kiện tiên quyết để con người nhận thức và ý muốn. Tuy nhiên, một khi được ban tặng, ân sủng sẽ chạm đến cốt lõi của đời sống con người, thấm nhập vào mọi khía cạnh của hiện hữu cá nhân và lịch sử nhân loại [5].

Ân sủng như hiện sinh siêu nhiên:

Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ này, chúng ta có thể sử dụng khái niệm "hiện sinh siêu nhiên".

  • Ân sủng là siêu nhiên bởi vì nó bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng thánh thiện và siêu việt.

  • Đồng thời, ân sủng cũng mang tính hiện sinh bởi vì nó thấm nhập vào toàn bộ sự hiện hữu của con người, bao trùm mọi trải nghiệm sống của chúng ta.

Ngay từ thuở tạo dựng, thụ tạo đã được hưởng ân sủng. Chính khái niệm "hiện sinh siêu nhiên" này cho phép chúng ta xóa bỏ khoảng cách giả tạo giữa:

  • Ân sủng và tự nhiên

  • Giáo hội và thế giới

  • Thần học và triết học.

Thế giới mà chúng ta đang sống là một thế giới siêu nhiên theo nghĩa nó được tạo dựng và hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng siêu việt, như cùng đích cuối cùng. Dù đã sa ngã sau khi được dựng nên trong ân sủng ("muôn loài thọ tạo đều khao khát được cứu chuộc"), thế giới vẫn luôn được bao bọc trong lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa, được soi sáng bởi Mặc Khải nguyên thủy. Ngay cả trước khi Chúa Kitô đến, thế giới vẫn được tác động bởi ân sủng và cuối cùng đã được Ngài cứu chuộc. Như vậy, toàn bộ tự nhiên luôn hiện hữu trong một bối cảnh siêu nhiên [6].

Hiểu ân sủng như hiện sinh siêu nhiên mở ra một cánh cửa để chúng ta nhìn nhận nó như một khái niệm trọng tâm trong Thần học Truyền thông. Ân sủng không được ban tặng theo cách phân chia rạch ròi, tách biệt khỏi đời sống con người, mà như một dòng chảy siêu nhiên thấm nhập vào chính hiện hữu của chúng ta [7].

Theo Rahner, mọi người đều được mời gọi đến với ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta hiện hữu trong một trạng thái luôn được mời gọi đón nhận lời tự truyền thông của Thiên Chúa thông qua ân sủng "thần hóa một cách siêu nhiên" [8].

GHI CHÚ

[1] X. John P. GALVIN, The Rahner revolution I: Grace for a new generation, trong John P. GALVIN – Anne CARR, “Commonweal: Contemporary theology issue, The Rahner revolution,” (25.01.1985) 40.

[2] X. GALVIN, The Rahner revolution I, 39-40.

[3] X. Karl RAHNER, Knowledge and self-consciousness of Christ, trong Karl RAHNER, “Theological investigations, Volume 5, Later writings,” London, Darton, Longman & Todd, 1966, 202.

[4] X. GALVIN, The Rahner revolution I, 40-41.

[5] X. GALVIN, The Rahner revolution I, 40.

[6] Karl RAHNER, Theos in the new testament, trong Karl RAHNER, “Theological investigations, Volume 1: God, Christ, Mary and Grace,” New York, Crossroad publishing company, 1982, 80-81.

[7] Mary STEINMETZ, Thoughts on the experience of God in the theology of Karl Rahner: Gifts and implications, trong “Lumen et Vita,” 2 (2012) 3.

[8] Karl RAHNER, History of the world and salvation-history, trong Karl RAHNER, “Theological investigations, Volume 5: Later writings,” London, Darton, Longman & Todd, 1966, 103.

Chia sẻ