Skip to content
Top banner

Thần Học Truyền Thông -- Nền tảng cho việc đào tạo ngành truyền thông xã hội

THTT-01
2023-01-08 08:39 UTC+7 510

THẦN HỌC TRUYỀN THÔNG


Nền tảng cho việc đào tạo ngành truyền thông xã hội


(của tác giả F. Paul A. Soukup, S.J., Trưởng khoa Phân khoa Truyền thông của đại học Santa Clara, tại Santa Clara, California, Hoa Kỳ.Đăng trong tạp chí Social Communication Formation in Priestly Ministry, do Franz-Josef Eilers, svd. chủ biên, Logos Publications, Inc. xuất bản tại Manila 2002)


Việc truyền thông hiện nay và những thay đổi do nó đưa vào trong xã hội đã tác động đến việc đào tạo linh mục, đến thần học và các lĩnh vực khác. Để chứng minh một cách thuyết phục hơn tại sao các chủng sinh - thật ra, tất cả mọi phân khoa thần học - cần quan tâm tới việc truyền thông, bài khảo luận này sẽ tìm hiểu tại sao một nền “thần học truyền thông”, tức là một nền thần học quan tâm tới việc truyền thông và mang ý tưởng truyền thông, sẽ giúp chúng ta hiểu biết về Thiên Chúa, Giáo Hội và đời sống con người. Chúng tôi sẽ tiến hành làm việc này qua bốn bước: 1/ xem lại ảnh hưởng của việc truyền thông trong Giáo Hội và xã hội; 2/ liệt kê một số hệ quả của việc truyền thông đối với thần học; 3/ liệt kê một số hệ quả của việc truyền thông đối với tác vụ linh mục; 4/ liệt kê một số hệ quả của thần học truyền thông đối với đời sống con người.


1. Ảnh hưởng của việc truyền thông


Trong vòng 20 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông trên hầu hết các khu vực của toàn thế giới. Nhờ phát minh được con chíp cực nhỏ mà các thiết bị viễn thông trở nên rẻ, nhỏ và dễ sử dụng hơn. Được sự hỗ trợ của các hệ thống truyền thông đang phát triển trên khắp thế giới, các phương tiện truyền thông này đã liên kết được với nhau, nối kết mọi người và mọi địa điểm thông qua các mạng thông tin toàn cầu (Internet), các mạng truyền thanh và các mạng truyền hình. Song song với sự phát triển cơ sở hạ tầng ấy, người ta cũng thấy việc thương mại hoá các mạng và các thiết bị tăng lên, kéo theo các cơ chế lập trình, quảng cáo và cả một nền văn hoá truyền thông đại chúng. Dựa trên những gì các nhà nghiên cứu đã khám phá về ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông tương đối “cũ” như truyền hình, chúng ta có thể biết được tại sao một thế giới truyền thông đang phát triển đã tác động lên xã hội loài người nói chung và thần học nói riêng bằng cách điểm qua chín lĩnh vực này1.


1.1. Các nguồn kiến thức


Con người hôm nay có thể tiếp cận một lượng thông tin khổng lồ về thế giới qua các bản tin từng giờ hay nhanh hơn nữa, các bài tường thuật từ mọi ngõ ngách trên thế giới, những bài bình luận và thảo luận từ vấn đề này tới vấn đề khác. Trong quá khứ, người ta chỉ biết những gì mình đã trải nghiệm, những gì hàng xóm nói và những gì nghe được tại các nơi tụ tập đông người như nhà thờ hay quán rượu. Còn bây giờ, chúng ta có kinh nghiệm gián tiếp về một thế giới rộng lớn hơn nhiều - thế giới được truyền thông. Chúng ta càng ngày càng thu thập được nhiều kiến thức qua các mạng truyền thông hơn là trực tiếp thu được qua nghiên cứu, học hỏi. Vì tiến trình ấy quá hiển nhiên, rõ ràng nên nhiều khi chúng ta quên mất đó là những kiến thức tiếp nhận được qua các phương tiện truyền thông. Nó được chọn lọc bởi các phóng viên, nhà xuất bản, nhà sản xuất và hệ thống các phương tiện truyền thông. Dù sao, bất kể theo phương cách nào, số thông tin về thế giới mà chúng ta thu được hiện nay lớn hơn bất cứ kỳ thời đại nào trước đây.


1.2. Sử dụng thời giờ


Tất cả chúng ta chỉ có một lượng thời gian hữu hạn, vì thế, chúng ta phải phân chia thời gian ra cho nhiều công việc khác nhau, kể cả giải trí và thư giãn. Các nhà nghiên cứu đã lập biểu đồ để biết được số lượng thời gian chúng ta dành cho việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhật báo, tạp chí, phim ảnh, phát thanh và truyền hình đã chiếm khá nhiều thời giờ của chúng ta, thường được xếp hàng thứ ba sau ngủ nghỉ và làm việc trong tổng số thời gian chúng ta phân phối. Một người lớn tiêu biểu ở phương Tây trung bình mỗi ngày xem truyền hình trên ba giờ đồng hồ. Truyền hình đã làm thay đổi cách người ta sử dụng thời gian rảnh của mình: người ta đã bỏ những công việc của cộng đồng, các việc đạo đức ở nhà thờ, các trò giải trí tại gia đình và nhiều hoạt động trao đổi trực tiếp khác để xem các chương trình ưa thích trên truyền hình hay chỉ để thư giãn với các phương tiện truyền thông. Những nghiên cứu gần đây cho thấy việc sử dụng Internet đã lấn vào số thời gian chúng ta quen dành cho các phương tiện truyền thông khác. Lần đầu tiên trong nhiều thập niên, việc xem truyền hình tại Hoa Kỳ chẳng hạn đã bị xếp sau các trò chơi điện tử, trao đổi thư điện tử và những hoạt động khác của Internet.


1.3. Đo lường tầm mức quan trọng


Người ta đang dựa vào các phương tiện truyền thông để biết đâu là điều quan trọng trên thế giới. Các bài tường thuật tin tức sẽ đặc biệt quan tâm đến một số sự kiện và biến cố, gián tiếp cho thấy rằng đó là những điều xứng đáng được văn hoá quan tâm. Nhà Xã hội học Bernard Cohen, người Hoa Kỳ, đã lưu ý điều này cách đây gần 40 năm, khi ông viết rằng các phương tiện truyền thông “có lẽ không thành công nhiều lắm khi muốn cho người ta biết phải suy nghĩ thế nào, mà chỉ thành công khi cho người ta biết phải suy nghĩ về điều gì”2. Chúng ta càng nghe nói nhiều về đề tài nào trên đài phát thanh, càng xem chương trình nào được trình diễn nhiều trên truyền hình hay càng đọc đề tài nào được viết nhiều trên báo, chúng ta càng cho đó là những vấn đề quan trọng. Một hiện tượng tương tự cũng xảy ra đối với điện ảnh: chúng ta thần tượng hoá các ngôi sao điện ảnh và trân trọng các vai họ diễn trong phim, không phải do phê phán một cách có lý luận mà chỉ vì họ đã xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông. Một số người, đặc biệt là Gaye Tuchmann, đã lý luận rằng có thể áp dụng cách đo lường này một cách ngược lại: cái gì không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông thì đó là điều không quan trọng; và điều này có thể dẫn tới tình trạng “triệt tiêu một cách tượng trưng” các nhóm sắc tộc khác nhau, các phụ nữ và các ngành nghề khác. Cũng thế, nếu Chúa hay Giáo Hội không tìm được chỗ đứng trên thế giới này, thì đó là dấu chứng tỏ Chúa và Giáo Hội không còn quan trọng nữa đối với nhiều thành phần trong văn hoá truyền thông.


1.4. Hiểu biết đối kháng với thực tiễn


Nói tới truyền thông, nhiều người thường nghĩ tới việc chuyển giao một thông điệp, một hiểu biết hay một ý nghĩa từ chỗ này sang chỗ khác. Một nhà nghiên cứu khác, James Carey, người Hoa Kỳ, nhắc chúng ta rằng trình bày việc truyền thông theo “mô hình di chuyển” như thế sẽ khiến người ta có một cái nhìn về truyền thông không khác gì một công cụ và không thể hiểu hết kinh nghiệm con người trong đó. Ông đề xuất cái gọi là “mô hình nghi thức” để đưa việc truyền thông vào đúng chức năng của nó3. Việc truyền thông của con người là một cái gì còn hơn thế nữa, chứ không chỉ là gửi những thông điệp hay một mớ kiến thức từ chỗ này sang chỗ khác. Ngay cả khi chúng ta sử dụng các phương tiện truyền thông, chúng ta cũng đang cử hành một nghi thức: đọc báo vào buổi sáng, xem một chương trình nào đó mình thích trên truyền hình, nghe đài trong khi lái xe - tất cả những việc ấy đều là những nghi thức nối kết chúng ta với một cộng đồng lớn hơn. Bên cạnh việc xử lý kiến thức, truyền thông còn giúp xây dựng cộng đồng, một việc đưa chúng ta đến những cách thức gián tiếp hiểu biết của riêng mỗi cộng đồng.


1.5. Phát biểu cho có hiệu quả


Các phương tiện truyền thông cũng dạy người ta biết phải làm gì để phát ngôn cho có hiệu quả. Truyền hình dạy chúng ta những cách nói ngắn gọn, rõ ràng để cuốn hút sự chú ý của khán giả hoặc tóm tắt một quan điểm hay một lập trường. Hiện nay, rất ít người thuyết phục được người khác bằng lập luận dài dòng; chỉ có một số thành phần ưu tú còn được báo chí đề cao mới làm thế. Nhưng nói như thế không có nghĩa là các phương tiện truyền thông đại chúng không thể đề cập đến những vấn đề nghiêm túc hay phức tạp. Chúng vẫn làm được việc ấy, nhưng trình bày theo những cách thức phù hợp hơn với bản chất của các phương tiện ấy như kể truyện, cung cấp hình ảnh và trình bày với đầy cảm xúc. Khi đưa các vấn đề nghiêm túc đến với quần chúng theo những phương cách có thể tiếp cận được, các phương tiện truyền thông đại chúng đã trở thành một “diễn đàn văn hoá” cho mọi người tự do thảo luận và bàn bạc các vấn đề nóng bỏng4. Một cách thức bổ sung cho các hình thức ấy ít hấp dẫn hơn, là trình bày các vấn đề thành những bài viết, những bài nói chuyện có lý luận chặt chẽ, có lẽ không được công chúng dễ dàng tiếp nhận.


1.6. Thay đổi vị trí


Các phương tiện truyền thông còn có một ảnh hưởng sâu xa hơn trên xã hội, chứ không chỉ tạo ra kiến thức hay phát biểu tư tưởng. Joshua Meyrowitz5 đã cho thấy các phương tiện truyền thông như truyền hình, phim ảnh và phát thanh làm thay đổi “ý thức về nơi chốn” của chúng ta theo hai cách. Trước hết, chúng ta cảm nghiệm như mình đang cùng một lúc ở hai nơi, dù chỉ là tưởng tượng: trong khi ngồi thoải mái tại nhà, chúng ta có thể đồng thời nắm bắt những gì đang diễn ra trên khắp thế giới. Nhưng cái cảm nghiệm mình đang ở một thế giới xa hơn chung quanh mình cũng đưa chúng ta tới chỗ mong muốn được trông thấy, được tiếp cận những gì mà trước đây mình không thể trông thấy hay tiếp cận. Cách đây nhiều thế hệ, con người chỉ kinh nghiệm được những gì mà vị trí xã hội của mình cho phép. Dân thường không thể trao đổi với các nhà lãnh đạo hay với các chức sắc cao cấp của Giáo Hội. Nhưng cứ quen nhìn mọi thứ (khắp thế giới, đằng sau sân khấu, chỗ thân mật riêng tư của người khác như phim ảnh và truyền hình đã dàn dựng), chúng ta sẽ khao khát được trông thấy tất cả mọi sự. Và thế là, người ta đánh mất đi cái ý thức về vị trí, mà qua đó chúng ta đã từng tôn trọng sự riêng tư của người khác hay mặc nhiên tôn kính các vị có thẩm quyền. Ngày nay, người ta mong muốn được biết cả những chi tiết riêng tư nhất của đời sống các nhà chính trị, các diễn viên và cả các giáo sĩ.


1.7. Kiểm soát


Sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông, và hiện nay là sự xuất hiện của các ngành công nghệ kỹ thuật số đã làm thay đổi việc kiểm soát thông tin. Trong quá khứ, các chính phủ và các tổ chức như Giáo Hội thường kiểm soát các thông tin ở một mức độ nào đó, như quyết định những gì người ta có thể xuất bản hay những gì công dân có thể phát hành. Thế nhưng, các tập đoàn công nghệ thông tin và giải trí hiện nay đã tước mất quyền kiểm soát khỏi tay các chính phủ và đòi quyền tự do phổ biến hay không phổ biến những thông tin mình đang có. Đã được tự do khỏi bị lề luật chèn ép, người ta cũng đòi quyền tác giả để bảo vệ những gì mình đã đầu tư trong lĩnh vực thông tin. Tuy nhiên, ngay cả điều này cũng đang bị công nghệ kỹ thuật số phá vỡ, như các vụ án gần đây liên quan đến chương trình Napster và nhiều chương trình thưởng thức âm nhạc chung đã cho thấy. Giáo Hội cũng mất hầu hết sự kiểm soát trên sách báo; rất ít người xin “Imprimatur” (xác nhận: được phép in); Internet cũng giúp người ta tự do phổ biến các tin tức tôn giáo bằng con đường trực tuyến.


1.8. Một cử toạ ngày càng khó tính


Sau 50 năm truyền hình và hơn 100 năm điện ảnh ra đời, khán giả bây giờ đã trở nên rất khó tính. Người ta không còn tiếp nhận một cách ngây thơ bất cứ điều gì được trình chiếu. Thay vào đó, họ lựa chọn các chương trình theo nhu cầu của mình và bình luận các chương trình ấy tuỳ theo quan điểm riêng của mình về xã hội, kinh tế, giáo dục hay giới tính. Nhiều khán giả tiếp nhận các sản phẩm của truyền thông với một chút nghi ngờ - nghi ngờ về động cơ của các nhà sản xuất, các nhà quảng cáo, các nhà điều hành chính phủ và của bất cứ ai muốn lợi dụng một điều gì đó nơi họ. So với trước đây, các nhà sáng tạo và sản xuất chương trình hiện nay không còn nhiều quyền ấn định thông điệp mình muốn chuyển tải nữa. Mà đúng hơn, ngay trong chương trình họ làm ra, họ phải tranh đua với khán giả để tìm ra cách minh giải. Nói thế không có nghĩa là khán giả bây giờ không thể nào bị lèo lái hay điều khiển nữa, nhưng chỉ muốn cho thấy rằng khán giả hôm nay bước một cách thận trọng theo hướng mà nhà sản xuất chương trình vạch ra. Khán giả có thể mang theo mình nhiều kỹ năng và tài cán, khiến cho Giáo Hội cũng có thể bị nghi ngờ và bị yêu sách khi làm công tác truyền thông của mình.


1.9. Những thay đổi trong nhận thức


Thay vì chỉ truyền đạt một thông điệp hay miêu tả một số nghi thức phải làm, các phương tiện truyền thông còn tác động lên cả cách thức suy nghĩ của người khác nữa. Khi nghiên cứu các nền văn hoá truyền khẩu và thành văn, người ta khám phá được việc làm thế nào để một thói quen căn bản như viết lách có thể tác động lên cách mỗi cá nhân hình thành nên kiến thức và tổ chức thế giới6. Đối với các nền văn hoá truyền khẩu, để nhớ những gì mình cho là có giá trị, người ta sẽ lưu ý tới trí nhớ và tìm cách xây dựng kiến thức bằng những truyện kể, dùng những nhân vật đặc biệt để nối kết các câu chuyện lại với nhau. Người ta cô đọng những gì mình biết thành những công thức và vần điệu dễ nhớ. Người ta bám vào những biến cố và những con người cụ thể, tìm cách làm cho chúng diễn lại trong hiện tại. Lịch sử của một nền văn hoá truyền khẩu phải có mặt thật sự đối với các thành viên vì đó chính là cách giúp các thành viên của nền văn hoá ấy giữ lại trong ký ức của mình những biến cố đã qua. Nền văn hoá truyền khẩu tìm cách triển khai các lược đồ dễ nhớ và các nghi thức tập thể để bảo đảm không bị tam sao thất bổn khi truyền thông.


Còn các nền văn hoá thành văn lại tìm hiểu thế giới cách khác hẳn. Các nền văn hoá ấy mang tính phân tích nhiều hơn vì chúng tách những kiến thức ra khỏi trí nhớ bằng cách ghi chép các kiến thức ấy. Nhờ khoảng cách mà một bản văn viết có thể mang lại, người ta sẽ có thể xem xét tỉ mỉ những gì mình biết. Người ta cũng có thể mở rộng kiến thức của mình bằng cách chia sẻ những thông tin đã viết ấy vượt khỏi không gian địa lý và bằng cách gia tăng số người cùng với mình xây dựng kho tàng kiến thức. Người ta không còn cần phải có mặt tại chỗ để có thể tham gia vào kiến thức của tập thể. Văn hoá chữ viết cũng sẽ giúp tổ chức các sự việc một cách khác. Muốn tổ chức các sự việc, người ta không cần phải theo các vần điệu hay những sự gom góp cụ thể. Thay vào đó, người ta có thể tổ chức các sự việc một cách trừu tượng hơn, theo thứ tự các mẫu tự chẳng hạn. Vì đọc và viết sẽ trở nên phổ biến rộng rãi hơn nhờ có sẵn vô số sách báo rẻ do các nhà in phát hành, nên văn hoá chữ viết sẽ càng phát huy nhiều tác dụng. Chẳng hạn học hành bây giờ không còn phải là luyện tập từng li từng tí hay học thuộc lòng từng điều một, mà đã chuyển sang đọc sách báo. Việc học trở nên cá nhân hơn, các tập quán mới để tư duy cũng được phổ biến, như các nước Tây Âu đã chứng kiến trong thời kỳ Ánh Sáng.


Điều này, cũng như những điều đã đề cập trước, sẽ ảnh hưởng tới thần học. Trong kỷ nguyên Kitô giáo, thần học đã chuyển từ một di sản truyền khẩu gồm các truyện kể của Thánh Kinh sang một lô công thức tín điều đã được các nhà thần học Trung Cổ bàn cãi. Rồi, khi chữ viết đã được phổ biến, người ta lại chuyển thần học thành một khoa học lý luận chặt chẽ, phân tích thấu đáo và có văn bản hẳn hoi7. Đến khi nền văn hoá đương đại tiếp xúc với các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta lại chứng kiến một sự thay đổi nữa trong tư duy và trong cách tổ chức kiến thức, một phần trở lại với vài mô hình truyền khẩu như kể truyện, còn thì đa số dựa trên các bản văn viết. Sự xuất hiện của Internet là một nỗ lực khác của nền văn hoá đương đại muốn tổ chức các kiến thức của mình thông qua việc kết nối vô số bản văn và thông qua những thiết bị khác.


Tất cả những sự kiện này sẽ dẫn thần học đi đến đâu? Trước hết, là một môn học dựa trên văn bản, thần học không còn khả năng ảnh hưởng trực tiếp trên nhiều nền văn hoá lấy hình ảnh và truyện kể làm những phương cách gia tăng hiểu biết và tìm hiểu thế giới. Thứ đến, thần học không còn là nguồn hiểu biết cho những ai không coi đó là nguồn hiểu biết quan trọng, vì thần học hàn lâm không còn xuất hiện trong thế giới truyền thông nơi họ sinh sống nữa. Sau cùng, khi nhấn mạnh hiểu biết hơn thực tiễn và khi đòi khán giả phải toàn tâm toàn ý tin theo, thần học đã làm cho mình trở nên không còn thích hợp nữa với thế giới hôm nay.


Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là người ta đã mất hết sự quan tâm đối với thần học. Con người vẫn đi tìm câu trả lời cho những vấn nạn thần học hết sức căn bản, nhưng người ta sẽ tìm chúng trong thế giới truyền thông. Có bao nhiêu nhà thần học (hay chức sắc Giáo Hội), cách đây 10 năm, dám tiên đoán rằng người ta sẽ rất quan tâm tới khoa thiên thần học, như trong một chương trình truyền hình đang được nhiều người theo dõi, mang tên “Được một thiên thần chạm đến” (Touched by an Angel)? Điện ảnh và truyền hình liên tục nêu ra vấn đề sự dữ trên thế giới (qua hình ảnh của ma quỷ và các mối đe doạ khác), vấn đề có thụ tạo nào tốt lành bên ngoài thế giới chúng ta (như thường thấy qua hình ảnh các vị khách lạ từ hành tinh khác), có thể có một vị cứu tinh khác không (từ chính nền công nghệ của chúng ta, như trong phim “Ma trận”). Các nhà văn, nhà sản xuất, nhà đạo diễn và những người làm công tác truyền thông đã trở thành những nhà thần học của ngày hôm nay, khi họ đặt ra những câu hỏi căn bản của thần học: làm sao nói về Thiên Chúa cho con người hôm nay? Làm sao kinh nghiệm về Thiên Chúa? Chúng ta sống để làm gì?


Thế giới truyền thông hiện nay cho thấy thần học và suy tư tôn giáo đang đối diện với một thế giới khác hẳn cái thế giới mà thần học hàn lâm đã để lại. Nói thế không có nghĩa là thần học hàn lâm không có chỗ đứng, cũng không có mục tiêu, nhưng chỉ muốn nói là thần học cần phải quan tâm nhiều hơn tới việc truyền thông.


2. Một số hệ quả của việc truyền thông đối với thần học


Dùng viễn tượng truyền thông để nhìn thần học không có nghĩa là đưa ra một khoá học về truyền thông hay về các phương tiện truyền thông vào trong chương trình thần học. Mà đúng hơn, đó là lấy những cái nhìn của truyền thông để nhìn các vấn đề thần học, rồi nhìn xem làm thế nào để những cách hiểu thần học ấy có thể đến được với con người hôm nay. Trong phần này, chúng ta sẽ khảo sát vắn tắt sự việc ấy trong bốn lĩnh vực thần học là: thần học hệ thống và Kitô học, mặc khải, giáo hội học và thần học luân lý.


2.1. Thiên Chúa tự thông truyền chính mình


Hiến chế về Mạc khải và các tác phẩm của các nhà thần học, như Karl Rahner, đã trình bày lịch sử cứu độ như lịch sử Thiên Chúa tự thông truyền chính mình, lịch sử khai mở dần mầu nhiệm của Thiên Chúa, hoàn toàn do Chúa ban cho chúng ta để chúng ta có thể hiểu biết Ngài. Đồng thời, có thể nói chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa, nên cũng tham gia vào tiến trình tự thông truyền ấy8 qua chính công việc thông truyền của loài người chúng ta. Từ chỗ chỉ là một khoa nhân học mang tính thần học, việc khảo sát hoạt động truyền thông của con người sẽ đưa chúng ta vào sâu hơn trong mầu nhiệm Thiên Chúa, đồng thời cũng chính mầu nhiệm ấy sẽ giúp định hình lại việc truyền thông của chúng ta.


Mọi sự truyền thông đều bắt đầu với Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là sự hiệp thông giữa ba ngôi vị9, ngôi này hoàn toàn nên một với ngôi kia. Thiên Chúa muốn chia sẻ sự kết hợp ấy cho các thụ tạo, trong thiên ý mầu nhiệm của Ngài, Ngài cũng muốn hiệp thông với các thụ tạo là chúng ta. Thế nên, Thiên Chúa đã tạo ra sự hiệp thông ấy trong hành động đầu tiên là tự thông truyền chính mình, rồi kiện toàn sự hiệp thông ấy bằng cách đích thân tham gia sự hiệp thông qua Mầu nhiệm Nhập thể. Toàn bộ lịch sử cứu độ chỉ là sự khai mở dần kế hoạch và việc tự thông truyền ấy. Thiên Chúa ban cho chúng ta một giao ước để chúng ta có thể cảm nghiệm được thế nào là kết hợp với Chúa, và Thiên Chúa hoàn thành giao ước ấy để chúng ta biết được thế nào là sự tự thông truyền của Thiên Chúa khi đạt tới mức viên mãn.


Nói theo ngôn ngữ truyền thông, nhập thể là sự mở rộng ra trong lịch sử và trong công trình tạo dựng sự hiệp thông (communio) của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhập thể không phải chỉ là truyền đạt một thông điệp như ngày nay người ta quen hiểu khi làm việc truyền thông, mà đó còn là cử hành “nghi thức” hay thực hiện cuộc sống từ ngày này sang ngày khác tới mức làm cho chúng ta trở thành người cùng hội cùng thuyền với Chúa.


Trong việc này chúng ta thấy việc truyền thông đã được thực hiện một cách hoàn toàn vô vị lợi, truyền thông chỉ vì tình yêu. Chúng ta cũng thấy truyền thông là một sự mạc khải dần mầu nhiệm của một ngôi vị, ở đây là các ngôi Thiên Chúa. Việc truyền thông này không thể xảy ra một lần là xong, cũng không bao giờ có thể hoàn tất, mà luôn diễn ra trong thế biện chứng vừa tiết lộ vừa ẩn giấu. Vì Thiên Chúa tạo dựng chúng ta là để truyền thông - là để tiếp nhận sự tự thông truyền của Thiên Chúa - nên chúng ta có khả năng truyền thông và nhờ đó có khả năng nhìn ra mầu nhiệm của Thiên Chúa: là sự hiệp thông giữa các ngôi, cho phép chúng ta được tham gia vào sự hiệp thông ấy, nói năng với chúng ta như với những ngôi vị, tự mạc khải dần cho chúng ta theo một hướng càng ngày càng mang tính cá nhân10.


Nhìn sự truyền thông theo quan điểm nhân học có tính thần học như thế sẽ giúp chúng ta vừa hiểu biết bản thân mình vừa hiểu biết Thiên Chúa. Nó cũng bắt chúng ta phải tôn trọng việc truyền thông, vì từ nay chúng ta đã hiểu truyền thông là hành động sáng tạo của Thiên Chúa. Sau cùng, hiểu như thế cũng sẽ giúp chúng ta nhìn ra mục đích và tiêu chuẩn của việc truyền thông giữa con người với nhau, truyền thông của con người phải phỏng theo việc truyền thông của chính Đức Kitô11.


2.2. Mạc khải


Áp dụng những khái niệm truyền thông trên đây cho các chân lý thần học có thể giúp chúng ta hiểu các chân lý ấy sâu xa hơn, nhất là khi cho phép chúng ta mở rộng điều David Tracy gọi là phép “tưởng tượng loại suy”. Khi đọc lại “Dei Verbum”, Hiến chế của Công đồng Vatican II về Mạc khải, chúng ta được mời gọi suy niệm lại hành động của Thiên Chúa và sự tiếp nhận của chúng ta. Chúng ta cũng theo phép loại suy áp dụng những khái niệm truyền thông cho sự mạc khải của Thiên Chúa, ứng dụng những khái niệm ấy vừa cho việc truyền thông của con người vừa cho sự mạc khải của Thiên Chúa.


Hiến chế bắt đầu bằng cách nhìn nhận có một yêu cầu bắt phải truyền thông. Lấy lại câu mở đầu thư thứ nhất của Gioan, Hiến chế nêu ra một nguyên do đưa tới việc truyền thông: đó chính là vì muốn chia sẻ hồng ân của Thiên Chúa - chia sẻ điều chúng tôi đã thấy, đã nghe và đã đụng chạm đến. Hiến chế tiếp tục bằng cách ghi nhận rằng lời nói và việc làm của Chúa có liên quan với nhau. Lời Chúa cũng là việc làm của Chúa. Đức Kitô vừa là trung gian mạc khải vừa là chính mạc khải trọn vẹn (số 2). Hầu hết các bảng phân tích việc truyền thông đều tách cơ quan trung gian với thông điệp chuyển tới, xem xét hai điều ấy hoàn toàn riêng rẽ. Nhưng làm như thế là đã coi truyền thông chỉ là một dụng cụ không hơn không kém và đã để mất đi sự truyền thông sâu xa nhất của con người, qua đó mỗi người tỏ lộ chính bản thân mình. Lời nói và việc làm có thể liên kết với nhau, như lời thi sĩ Gerard Manley Hopkins12(…). Bản tính của Thiên Chúa được mặc khải là truyền thông, bản tính con người cũng vậy: nó vừa là trung gian mạc khải vừa là thông điệp được mạc khải. Hiến chế tiếp tục (số 4) đề cao vai trò của Chúa Thánh Thần: mạc khải là hành động của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Thần là sức mạnh truyền thông, đang kêu lên trong lòng chúng ta, đang gào lên vì mong nghe lời con người nói (x. Rm 8,26). Thánh Thần là sức mạnh của trí nhớ, nhắc chúng ta nhớ đến tất cả những gì Đức Giêsu đã dạy (x. Ga 14,26). Giống như văn hoá truyền khẩu cần giữ gìn sao cho thông điệp của mình được nguyên vẹn khi truyền thông, Chúa Thánh Thần cũng sẽ bảo đảm cho sự mạc khải của Thiên Chúa được nguyên vẹn.


Hiến chế tiếp tục khảo sát sự đáp trả của con người trước mạc khải của Chúa: vâng lời trong đức tin (số 5). Nói thế có nghĩa là việc truyền thông không chỉ đòi hỏi được đáp lại mà còn để đáp lại. “Người ta không thể không truyền thông”, đó là câu nói mà các học giả về truyền thông thường nói13. Ngay cả sự thinh lặng cũng là một cách trả lời, một hình thức truyền thông. Trong khuôn khổ ấy, chúng ta được mời gọi xem lại sự đáp trả của chúng ta trước việc Thiên Chúa tự truyền thông cho chúng ta, đáp trả một cách rộng rãi hơn bằng cả cuộc sống một con người. Sự mạc khải của Thiên Chúa đến với chúng ta qua Thánh Kinh và truyền thống (số 8), điều ấy càng củng cố cho điều chúng ta vừa nói, làm chúng ta nhớ tới những phương thức truyền thông khác nhau - truyền thông bằng văn bản, lời nói và việc làm. Cũng thế, chúng ta đáp trả Thiên Chúa là đáp trả bằng toàn bộ sự truyền thông của chúng ta. Trong tư cách là tôi tớ và là người giữ gìn Thánh Kinh, có thể nói Giáo Hội là một cộng đồng sống bằng văn bản - các nhà nghiên cứu về truyền thông thường áp dụng kiểu nói này cho những tập thể được quy tụ xoay quanh một bản văn đặc biệt nào đó. Mọi hoạt động của Giáo Hội - từ cầu nguyện, phụng vụ, chiêm ngắm, thần học cho đến các việc bác ái - đều khởi sự và thành hình trong Kinh Thánh (số 9).


Giáo Hội có thẩm quyền giảng dạy và đã nhận được sứ mạng giải thích Thánh Kinh cách chính thức (số 10), sự kiện ấy soi sáng cho chúng ta hiểu bản chất truyền thông của Thánh Kinh. Vì Thánh Kinh là sự truyền thông tập thể, chứ không phải là sự truyền thông cá nhân. Thánh Kinh làm chúng ta ý thức chiều kích cộng đoàn của việc truyền thông, như chúng ta đã thấy trong các nền văn hoá truyền khẩu hay trong các nhóm làm nên bản văn. Đây cũng là điều cần thiết để sửa chữa niềm tin phổ biến hiện nay cho rằng truyền thông luôn luôn là việc của cá nhân và riêng tư (có lẽ là do người ta quen đọc sách báo riêng, trong thinh lặng). Niềm tin này mạnh đến nỗi làm người ta quên mất sự cộng tác để làm ra những sản phẩm mang tính truyền thông cao nhất.


Điểm cuối cùng: Hiến chế về Mạc khải cho biết mầu nhiệm cứu độ được bày tỏ nơi Đức Giêsu đã được tường thuật trong Tân Ước (số 17) và từ đó được truyền đạt cho chúng ta. Nếu nhìn trong viễn tượng truyền thông, chúng ta sẽ tự hỏi làm sao một bản tường thuật thành văn hay một bản văn trung gian thuần tuý như thế lại có thể làm được điều mà “nguyên bản” làm. Muốn phân tích điều này, chúng ta cần trở lại các lý thuyết về “ý nghĩa”. Bản văn trung gian hay bản dịch nào bất kỳ cũng vừa là nguyên bản14 và vì thế, nó vừa có thể tự mình tác động lên người tiếp nhận, lại còn giúp chúng ta liên hệ đến nguyên bản. Viễn tượng truyền thông ấy cũng giúp chúng ta giải thích hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Thánh Kinh, theo đó, việc Thiên Chúa tự truyền thông đã được thực hiện theo mô hình việc truyền thông của con người, nghĩa là biểu thị điều gì là đặt chúng ta quan hệ với điều được biểu thị.


Muốn tiếp xúc với thần học thông qua việc truyền thông dựa trên nền tảng là khoa nhân học mang tính thần học như trên đây, người ta cần phải tìm hiểu xem đâu là những điều kiện để có thể có được sự truyền thông ấy, theo phương pháp siêu nghiệm. Điều kiện nào giúp chúng ta thực hiện việc truyền thông cũng sẽ giúp chúng ta đón nhận lời mạc khải của Thiên Chúa.


2.3. Giáo hội học


Trong vài khảo luận của mình, cha Avery Dulles đã lý luận rằng “Giáo Hội là sự truyền thông”16 và “thần học truyền thông chính là khoa nghiên cứu xem Thiên Chúa đã làm thế nào mà tạo ra những niềm xác tín và những sự cam kết có liên quan đến niềm tin tôn giáo”. Nhìn theo viễn tượng ấy, truyền thông là một phần của khoa Giáo hội học, vì tìm hiểu Giáo Hội cũng là tìm hiểu làm sao đức tin được lan rộng trong lịch sử và làm sao đức tin được gìn giữ trong cuộc đời của các chi thể thuộc Thân Mình Đức Kitô. Trong một tác phẩm mới đây, Dulles đã trình bày Giáo hội học của Công đồng Vatican II và cho biết Công đồng đã giới thiệu ít là năm mô hình Giáo Hội: Giáo Hội xét như một tổ chức hay phẩm trật, Giáo Hội là sứ giả Tin Mừng, Giáo Hội là bí tích, Giáo Hội là sự hiệp thông và Giáo Hội là nữ tỳ17. Trong khảo luận năm 1989, Dulles còn móc nối các mô hình Giáo Hội ấy với các loại truyền thông điển hình. Chúng ta có thể thấy điều đáng giá trong bài giới thiệu ấy là Công đồng cho rằng không có mô hình nào có thể một mình miêu tả Giáo Hội đầy đủ. Cũng thế, không có hình thức truyền thông nào thoả mãn các nhu cầu truyền thông của Giáo Hội.


Mô hình Giáo Hội là tổ chức hay phẩm trật sẽ ủng hộ việc truyền thông đại chúng, vì tổ chức phẩm trật theo kiểu trung ương tập quyền như thế sẽ phù hợp với việc truyền thông đại chúng thường được tổ chức tập trung, chỉ có một trung tâm truyền phát một thông điệp y hệt nhau cho hết mọi người. Dulles đã triển khai mô hình ấy theo lược đồ sau đây:


  • Ai truyền thông?
  • Hàng giáo phẩm
  • Truyền thông điều gì?
  • Giáo lý
  • Bằng cách nào?
  • In ấn
  • Chờ đợi điều gì?
  • Thần phục, chấp nhận

Mô hình này chỉ làm người ta chú ý tới một khía cạnh của Giáo Hội; nó cũng cho thấy làm thế nào việc truyền thông có thể phù hợp với nhu cầu của mô hình ấy.


Còn nếu Giáo Hội là sứ giả Tin Mừng, điều ấy sẽ làm nổi rõ Giáo Hội đang công bố Tin Mừng của Đức Giêsu và đang cất tiếng nói của một ngôn sứ đối với thế giới. Việc truyền thông được ưa chuộng ở đây là công bố, có thể dưới nhiều hình thức truyền thông khác nhau, dù vẫn ưu tiên ủng hộ việc trực tiếp ngỏ lời. Tiếp xúc trực tiếp giữa hai bên vẫn là đặc điểm của mô hình này.


  • Ai truyền thông?
  • Toàn thể Giáo Hội
  • Truyền thông điều gì?
  • Tin Mừng của Đức Giêsu
  • Bằng cách nào?
  • Công bố
  • Chờ đợi điều gì?
  • Cải đạo

Mô hình bí tích là mô hình trình bày Giáo Hội như dấu chỉ hay bí tích của Đức Kitô; Ngài cũng là bí tích của giao ước với Thiên Chúa. Ở đây, việc truyền thông diễn ra qua các con người và biến cố, vì Đức Kitô là dấu chỉ bí tích cũng qua con người và việc làm của Ngài. Là Thân Thể Đức Kitô, Giáo Hội cũng tiếp tục sự hiện diện của Ngài trong thế giới.


  • Ai truyền thông?
  • Thiên Chúa và Giáo Hội
  • Truyền thông điều gì?
  • Sự cứu độ
  • Bằng cách nào?
  • Hoạt động có tính bí tích: phụng vụ…
  • Chờ đợi điều gì?
  • Thánh hoá

Giáo Hội cũng có thể theo mô hình hiệp thông hay mô hình cộng đoàn hoặc mô hình đối thoại. Dulles ghi nhận mô hình này bắt nguồn từ trong thần học đối thoại với thế giới, một nền thần học khám phá ra những giá trị trong thế giới và kêu gọi Giáo Hội dấn thân để có thể học hỏi nơi thế giới. Viễn tượng này có nền tảng sau cùng là do Thiên Chúa vừa là tạo hoá vừa là vị cứu tinh của thế giới, nên Ngài có thể nói lời cứu độ trong bất cứ công trình sáng tạo nào của Ngài. Phương pháp truyền thông được ưa chuộng ở đây là đối thoại, một sự đối thoại giúp tạo ra sự hiệp thông trong Giáo Hội.


  • Ai truyền thông?
  • Giáo Hội và thế giới
  • Truyền thông điều gì?
  • Hiểu biết nhau, tình bạn, sự sống, sự thật
  • Bằng cách nào?
  • Đối thoại
  • Chờ đợi điều gì?
  • Tôn trọng nhau hơn

Sau cùng, chúng ta có thể mô tả Giáo Hội là nữ tỳ, vì Giáo Hội noi gương Đức Kitô, Đấng đã đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ. Giáo Hội có mặt trong thế giới để làm nữ tỳ bằng cách làm việc cho người khác, bằng các việc công bình, bác ái… Việc truyền thông điển hình của mô hình này là làm nhiều hơn nói.


  • Ai truyền thông?
  • Toàn thể Giáo Hội
  • Truyền thông điều gì?
  • Yêu thương tha nhân
  • Bằng cách nào?
  • Mọi hành động phục vụ
  • Chờ đợi điều gì?
  • Đủ thứ khác nhau

Muốn liên kết các mô hình Giáo Hội khác nhau với các phương cách truyền thông khác nhau, chúng ta cần phải hiểu Giáo Hội sâu sắc hơn và kêu gọi Giáo Hội hưởng ứng với nhiều sức truyền thông hơn. Chúng ta cũng cần phải có một chiến thuật truyền thông với nhiều hướng khác nhau, để Giáo Hội có thể hiện diện giữa lòng thế giới và hiện diện với các thành viên của mình bằng nhiều cách khác nhau. Sau cùng, chúng ta phải sửa chữa một sai lầm về Giáo hội học, là chỉ bênh vực một hình thức truyền thông nhất định, khiến mọi người hiểu sai bản chất của Giáo Hội.


2.4. Thần học luân lý


Dù đây không phải là mục tiêu duy nhất của mình, nhưng các văn kiện của Giáo Hội về việc truyền thông cũng đều vạch ra một nền thần học luân lý, nhờ đó chúng ta có thể phê phán các sản phẩm truyền thông. Những nguyên tắc rút ra từ các văn kiện này đã gián tiếp cho thấy còn có một cách khác để đưa viễn tượng truyền thông vào thần học. Các văn kiện về truyền thông trong 50 năm qua luôn nhắc chúng ta truyền thông và các phương tiện truyền thông là những quà tặng của Thiên Chúa18 và vì thế, có liên quan đến con người, tuỳ theo cách con người sử dụng chúng. Đức Piô XII đã tiếp tục sự suy tư ấy khi xác định hai vai trò của việc truyền thông: đó là chia sẻ quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa và tham gia vào tiến trình Thiên Chúa tự truyền thông bản thân mình. Những chân lý thần học này dẫn chúng ta tới những đòi hỏi luân lý, như rút ra kết luận từ luật tự nhiên vậy. Hiểu các mô hình truyền thông là quà tặng của Thiên Chúa, cũng như tham gia vào tiến trình mạc khải của Thiên Chúa, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn mình phải sử dụng các phương tiện truyền thông ấy như thế nào.


Những tài liệu gần đây của Giáo Hội còn đi xa hơn khi nhìn nhận khả năng phạm tội trong việc truyền thông và khi nhắc nhở chúng ta rằng chính Đức Giêsu đã dạy: truyền thông là một hành vi luân lý19, và vì thế buộc con người phải hành động cho đúng. Theo viễn tượng luân lý ấy, việc truyền thông của con người có thể ví như một hành trình đi từ tháp Baben - nơi thất bại của việc truyền thông đến biến cố Ngày lễ Ngũ Tuần20. Dù sao, người Công giáo cũng phản ứng như thánh Phaolô: ở đâu có tội thì ở đó có nhiều ân sủng hơn. Thế nên, người ta có thể làm việc truyền thông hợp luân lý khi hiểu bản chất của việc truyền thông và những cách thế khiến việc truyền thông ấy thất bại.


Cũng trong viễn tượng ấy, các nhà thần học luân lý được mời gọi hãy chú ý hơn tới việc truyền thông trong các hoàn cảnh khác nhau. Nếu các văn kiện Giáo Hội tập trung vào việc truyền thông đại chúng, thì việc truyền thông ấy thất bại hay băng hoại thường là có kèm theo những sự sa sút trong luân lý: bất trung trong hôn nhân, tuyệt vọng, bất công, trộm cắp,… Các nhà thần học luân lý có thể dùng việc truyền thông làm công cụ phân tích sự việc.


Với những khảo sát sơ qua trên đây, chúng ta được mời gọi hãy để việc truyền thông liên hệ với những ngành thần học khác nhau, không phải như một điều gì đó từ bên ngoài mà là từ bên trong các ngành thần học ấy. Thí dụ nào - của thần học hệ thống và Kitô học, mạc khải, hay của Giáo hội học và thần học luân lý - cũng đều cho chúng ta thấy một phương pháp luận hơi khác, để chúng ta có thể sẵn sàng chấp nhận rằng việc truyền thông chính là cơ sở để chúng ta hiểu biết thần học rộng rãi hơn.


3. Một số hệ quả của việc truyền thông đối với tác vụ linh mục


Thần học truyền thông như vừa trình bày đưa tới ít nhất hai hệ quả cho tác vụ linh mục, một hệ quả do văn hoá và một hệ quả do các vai trò của người linh mục trong Giáo Hội và xã hội. Thần học truyền thông nhấn mạnh tới việc hội nhập văn hoá, nhưng không phải là những nền văn hoá khu vực hay của các sắc tộc, nhưng là điều mà Đức Gioan Phaolô II gọi là nền “văn hoá mới” trong thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế (số 37c) hay nền văn hoá của các phương tiện truyền thông. Văn hoá hiện nay - nhất là đối với giới trẻ - là văn hoá kỹ thuật số, văn hoá đại chúng, được quảng cáo là dành cho giới trẻ và có thần học riêng của mình. Như bất cứ nền văn hoá nào, nền văn hoá này cũng tự đặt ra và trả lời những câu hỏi thần học như: “Được cứu độ nghĩa là gì?”, “Chúng ta phải làm gì để được cứu độ ?” - những câu hỏi này rất thường được trả lời trong quảng cáo như phải mua sản phẩm nào, ăn mặc thế nào, hành động ra sao để được cứu. Cứ theo loại thần học về quảng cáo và văn hoá phổ biến này, một người có giá trị là tuỳ theo mức sản xuất và tiêu thụ của người ấy.


Nền văn hoá thời thượng này cũng đang là văn hoá của các chủng sinh và của những người mà họ sẽ phục vụ sau này. Thần học truyền thông bắt họ phải biết nền văn hoá ấy và biết cách bộc lộ chính mình một cách hiệu quả qua nền văn hoá ấy. Chúng ta sẽ không phục vụ họ chút nào khi lấy đi của họ cơ hội tiếp xúc với nền văn hoá ấy, khi cho rằng xem truyền hình là xấu và sử dụng Internet là có hại. Họ cần phải từ từ học hỏi văn hoá của mình, hiểu biết nền văn hoá ấy để có thể công bố Lời Chúa cho thế giới một cách có chất lượng hơn.


Dẫu vậy, tình trạng của các linh mục bây giờ và các linh mục tương lai còn phức tạp nhiều hơn nữa vì hai sự kiện không thể chối cãi được sau đây. Trước hết, nền văn hoá phổ biến, có sử dụng các phương tiện truyền thông, cùng tồn tại bên cạnh các nền văn hoá sắc tộc, khu vực và truyền thống. Thứ đến, con người trong thế giới hôm nay đang sống trong nhiều nền văn hoá thay vì chỉ có một, ngay khi con người tham gia vào các hoạt động khác nhau, mỗi hoạt động diễn tả một phần con người. Một người đàn ông có thể làm cha, làm thợ ống nước, làm người Công giáo và làm thành viên cộng đoàn; một người phụ nữ có thể làm vợ, làm giáo viên, làm huấn luyện viên cho một đội thể thao của thiếu nhi, làm giáo lý viên và làm nhà hoạt động chính trị. Mỗi hoạt động xã hội này đều kéo theo một tập hợp các điều mình phải kỳ vọng và các cách mình phải ứng xử theo văn hoá. Với sự phân cách ngày càng tăng giữa văn hoá và tôn giáo, tôn giáo chỉ còn là một hoạt động trong nhiều hoạt động. Các linh mục hôm nay đang phải làm việc trong tình thế ấy. Họ phục vụ dân chúng sống trong nhiều nền văn hoá - trong khi họ cũng như toàn thể dân chúng đều bị tác động bởi cả khối lượng lớn lao của nền văn hoá truyền thông đại chúng. Và cứ như thế các linh mục phải trở thành người chuyên môn trong lĩnh vực đa văn hoá này.


Thứ đến, nền thần học truyền thông kéo người ta chú ý đến các vai trò đa dạng của người linh mục. Cũng như khoa Giáo hội học muốn đầy đủ thì phải mô tả Giáo Hội theo nhiều mô hình khác nhau, không có mô hình nào đủ sức diễn tả tính phức tạp của Giáo Hội, muốn hiểu chức linh mục đầy đủ người ta cũng cần ý thức các linh mục đang cùng lúc chu toàn nhiều vai trò khác nhau. Theo truyền thống, chúng ta thường miêu tả Đức Kitô qua ba vai trò tư tế, ngôn sứ và lãnh đạo. Vì các vai trò này cho biết con người Đức Kitô, nên các linh mục cũng phải thi hành nhiều chức năng khác nhau. Dù không dám cho là đầy đủ, nhưng chúng ta có thể nói linh mục phải là một thừa tác viên bí tích, một người thánh, một giảng viên, một nhà truyền giảng Tin Mừng hay nhà truyền giáo, một người đại diện Giáo Hội, một người lãnh đạo cộng đoàn hay đào tạo cộng đoàn, một đại biểu trong hội đồng nhân dân. Thần học truyền thông sẽ cho chúng ta biết mỗi vai trò ấy đòi một cách thức truyền thông khác.


Vai trò bí tích và nên thánh của người linh mục nhắc chúng ta rằng người ta không thể tách biệt việc truyền thông xã hội với việc truyền thông cá nhân. Linh mục sẽ lấy Đức Kitô làm mẫu cho mình trong việc này - một Đức Kitô đã thống nhất việc làm, lời nói và cuộc sống. Linh mục được Lời Chúa đào tạo để có thể bày tỏ Lời ấy. Như trong bí tích Thánh Thể, chúng ta ăn gì thì trở nên cái ấy (Thánh Augustinô), khi nghe Lời Chúa chúng ta cũng truyền thông những gì đã nghe. Trên hết, linh mục là người bước theo Đức Kitô - nhà truyền thông tuyệt vời - “sẽ đồng hoá mình với những người tiếp nhận sự truyền thông và sẽ trao gửi thông điệp không chỉ bằng lời nói mà còn bằng toàn bộ cách sống của mình” (Hiệp thông và tiến bộ, số 11).


Với vai trò giảng dạy và rao giảng Tin Mừng, linh mục sẽ tận dụng mọi phương thế mình có được21, từ truyền thông luôn luôn giữa người với người đến truyền thông qua các phương tiện và công nghệ kỹ thuật số. Muốn làm thế, người linh mục phải học cách diễn đạt riêng của mỗi phương thế: nghệ thuật tu từ, hình ảnh, lời nói. Vì khán thính giả ngày nay ngày càng tinh vi, nên việc truyền thông tôn giáo cũng phải tinh vi như thế, dù đó là sự tinh vi xuất phát từ sự đơn sơ22. Sau cùng, linh mục còn đóng vai trò trung gian Lời Chúa và vì thế, là người “thông dịch” mạc khải. Những hình thức công bố xem ra phù hợp nhất với các vai trò này.


Còn trong vai trò lãnh đạo hay đào tạo cộng đoàn, linh mục sẽ mô phỏng theo sự hiệp thông hay đối thoại của Giáo Hội. Sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa thôi thúc họ cũng tạo sự bình đẳng tương tự trong cộng đoàn Giáo Hội. Việc truyền thông của người linh mục cần cổ vũ việc tự truyền thông của Thiên Chúa để toàn thể Giáo Hội có thể tham gia vào giao ước mà Chúa đã gởi đến nơi Đức Kitô Giêsu. Tinh thần đối thoại ấy cũng sẽ là tinh thần của người linh mục khi truyền thông với cộng đồng dân sự, trong đó cộng đoàn Giáo hội địa phương đang hoạt động.


Thần học truyền thông sẽ chỉ ra cho mọi người thấy nguy cơ thực sự đối với người linh mục chính là sự lẫn lộn không biết lựa chọn và áp dụng các kiểu truyền thông khác nhau đi đôi với các vai trò đa dạng của người linh mục. Lấy mô hình truyền thông bằng công bố thay cho mô hình truyền thông bằng đối thoại có thể khiến người linh mục bị cô lập khỏi những người đang cần được lắng nghe và từ đó, có thể làm hại tới sự hiệp thông mà linh mục đó muốn xây dựng. Cũng thế, lấy mô hình truyền thông bằng đối thoại thay cho mô hình truyền thông bằng công bố có thể làm người linh mục không chu toàn nhiệm vụ ngôn sứ của mình. Khi truyền thông, người linh mục phải biết phân định rõ ràng.


4. Một số hệ quả của việc truyền thông đối với đời sống con người


Suy tư thần học về việc truyền thông của con người còn giúp chúng ta có một cách khác để suy nghĩ về những gì mà thần học truyền thông có thể đóng góp cho việc đào tạo chủng sinh. Đức Hồng y Carlo Martini của giáo phận Milano có phác thảo một bài suy niệm Thánh Kinh về việc truyền thông trong thư mục vụ của ngài năm 1992 23 mà chúng tôi sẽ dựa vào để viết ra phần này, Ngài bắt đầu bằng cách đọc lại bản văn Thánh Kinh theo cách của nhà truyền thông, hay có thể nói đó là việc truyền thông nhìn dưới ánh sáng Thánh Kinh. (Phương pháp này khác với phương pháp đã nêu ra ở phần 1.9 trên đây, cho biết chúng ta sẽ học được gì nơi Thánh Kinh từ phương pháp nghiên cứu sự truyền thông, chẳng hạn nghiên cứu bản chất truyền khẩu của đoạn Thánh Kinh,…). Ở đây, chúng ta sẽ xem thử mình sẽ học được gì về việc truyền thông dựa vào chính sự truyền thông của Đức Giêsu.


Hồng y Martini bắt đầu với bài tường thuật của Marcô về việc chữa lành một người vừa không thể nghe cũng không thể nói (vừa điếc vừa câm) (x. Mc 7,31-37). Marcô cho biết dân chúng đưa người ấy đến với Đức Giêsu; Ngài tách anh ta ra khỏi đám đông, đặt tay lên tai anh, lấy nước bọt bôi lên lưỡi anh. Rồi Ngài cầu nguyện và hô lên: “Ephphatha! Hãy mở ra!” Lưỡi anh buông ra và tai anh mở ra, anh bắt đầu nói được và ca tụng Thiên Chúa.


Câu chuyện này có ba phần: tình trạng không thể truyền thông; những dấu chỉ và cử điệu chữa lành; phép lạ và hiệu quả sau đó. Nếu áp dụng vào bản thân mình, chúng ta cũng thấy mình đã đi vào từng giai đoạn như thế.


Do đâu chúng ta không có khả năng truyền thông? Dù có thể chúng ta không mất khả năng nghe và nói, nhưng chúng ta cảm thấy như sự truyền thông của mình bị tắc nghẽn. Hồng y Martini nêu ra bốn nguyên nhân của tình trạng ấy. (1) Có khái niệm hay ý nghĩ sai về truyền thông. Vì cứ đi tìm một sự truyền thông hoàn hảo, nên chúng ta đâm ra thất vọng khi thấy những giới hạn của mình. Chúng ta đã chờ đợi rất nhiều nơi người khác và lên án họ nên đã có những bước truyền thông sai lầm. (2) Chúng ta truyền thông là vì muốn chiếm lấy người khác. Chúng ta truyền thông không phải để chia sẻ, mà để chiếm lấy và vì thế làm người khác luôn cảnh giác chúng ta, không sẵn sàng truyền thông. (3) Sử dụng việc truyền thông như một cách cho thấy ước muốn thống trị người khác. Thay vì tìm sự hiệp thông dưới bất kỳ hình thức nào, chúng ta lại tìm quyền lực. (4) Vội vàng truyền thông, đòi trả lời ngay, đòi có quan hệ lập tức với người khác, đòi một sự thông tin đầy đủ. Những sự ngăn chặn truyền thông ấy ảnh hưởng lên chúng ta không chỉ trong tư cách cá nhân, mà chúng còn phản ảnh những triệu chứng của sự truyền thông đang bị ngăn chặn trong Giáo Hội hay trong một tổ chức nào khác.


Ở phần hai của câu chuyện, chúng ta thấy những dấu chỉ và cử điệu khai thông của Đức Giêsu. Đức Giêsu dẫn người ấy ra khỏi đám đông và khi như làm thế, Ngài cho anh thấy sự tôn trọng của Ngài dành cho anh. Ngài chữa bệnh không nhằm để làm những dấu lạ cho dân chúng thán phục. Nhưng bước đầu tiên của việc chữa lành, cũng là bước đầu tiên để phá vỡ bế tắc truyền thông là kính trọng nhau. Kế đó, Đức Giêsu tiếp xúc với người bệnh bằng đủ mọi hình thức truyền thông đang có, tượng trưng qua việc đụng chạm đến tai và lưỡi của anh. Rồi Ngài đọc một lời, tượng trưng cho khả năng truyền thông đã được phục hồi. Qua những dấu chỉ và cử điệu chữa lành ấy, Đức Giêsu đã làm cùng một cách như Thiên Chúa tự truyền thông: kính trọng và yêu mến, tiếp xúc hay đi bước trước, ngỏ lời với đương sự.


Trong phần ba - tức là phép lạ - chúng ta không những thấy sự lành bệnh mà còn thấy những hiệu quả của việc ấy: đương sự quay lại với cộng đoàn và được hội nhập hoàn toàn vào cộng đoàn. Đương sự cùng với người khác ca ngợi Chúa. Đây cũng là một khuôn mẫu cho chúng ta làm việc truyền thông, đó là liên kết việc phục vụ con người với việc phục vụ Chúa.


Hồng y Martini ghi nhận rằng muốn sự truyền thông của con người được tốt đẹp thì phải bắt chước việc Thiên Chúa tự truyền thông bản thân mình. Thiên Chúa đã chuẩn bị việc truyền thông ấy trong thinh lặng của Ngài, rồi dần dần trải ra trong dòng lịch sử nhân loại. Đó là một việc truyền thông tiệm tiến và diễn ra trong thế biện chứng hết mạc khải lại che giấu và cứ thế, vì truyền thông là một việc không bao giờ chấm dứt. Việc truyền thông của Thiên Chúa vừa có tính cá nhân vừa có tính liên vị, vì nó liên hệ đến mỗi người chúng ta, ngỏ lời với chính mỗi người chúng ta. Việc truyền thông của chúng ta cũng phải bắt chước như thế. Nó phải được cưu mang trong thinh lặng, từ chỗ biết mình và hiểu mình dần dần. Chúng ta cần phải nhìn nhận truyền thông là một việc làm không nóng vội, cho cả hai phía. Chúng ta cần có thời gian để biết mình và hiến mình, chúng ta cũng cần cho người khác thời gian. Truyền thông không bao giờ được có ngay, xong ngay. Vì được tạo dựng trong thời gian, nên chúng ta cũng cần nhớ rằng mọi sự truyền thông đều có hai mặt vừa sáng vừa tối - và đây là điều bình thường, không thể làm chúng ta thất vọng. Vì truyền thông bao gồm việc đối thoại hay trò chuyện giữa các thành viên hay đối tác, nên lắng nghe chính là một khía cạnh rất căn bản.


Giải thích đoạn Thánh Kinh trên đây theo thần học truyền thông đã đem lại một số hệ quả cho đời sống chúng ta và cho việc đào tạo chủng sinh. Việc truyền thông của cá nhân hay của Giáo Hội phải luôn được chuẩn bị trong thinh lặng, bằng cách lắng nghe tiếng Chúa và lắng nghe nhau. Chúng ta phải cho người khác được tự do, gác sang một bên những ước muốn thống trị và quyền lực. Ở đây, cũng như ở mọi chỗ khác, Đức Kitô luôn luôn là khuôn mẫu của chúng ta. Ngài không bám riết vào thiên tính của mình, nhưng đã trút bỏ tất cả và mang lấy bản tính của người nô lệ (x. Pl 2,7). Truyền thông là một việc diễn biến trong thời gian, không bao giờ xong hoàn toàn. Nó kêu gọi chúng ta phải kiên nhẫn và biết cảm thông. Một khi đã được tháo gỡ khỏi mọi trở ngại, việc truyền thông cũng đòi chúng ta phải hiểu mình và hiểu biết người khác.


Như thế, trong việc đào tạo truyền thông xã hội cần phải có nhiều bước thực hành, như chúng ta đã thấy qua bài khảo luận này. Chúng tôi chỉ xin liệt kê ra đây. (1) Chúng ta phải học hỏi các nền văn hoá của cộng đồng bằng cách lắng nghe họ. (2) Cần phải có kinh nghiệm về những nền văn hoá ấy để (3) chúng ta có thể tìm ra các phương cách diễn tả thích hợp nhất. (4) Cố gắng nhận ra đâu là những trở ngại cho việc truyền thông khi xem xét mình và xem xét tình cảnh của chúng ta. (5) Học hỏi những phương cách truyền thông có sẵn. Ở đây, chúng ta cần nhìn nhận các phương thế truyền thông không hề vô thưởng vô phạt. Các phương thế ấy là những dụng cụ vô cùng mềm dẻo, chúng mang theo những giá trị đặc biệt có thể ảnh hưởng nhiều hay ít trên cách chúng ta làm việc truyền thông. Chẳng hạn, việc truyền thông đại chúng có thể củng cố và giải thích tại sao người ta lại có ý thức về quyền lực tập trung - nghĩa là quyền lực của một người có thể ngỏ lời với nhiều người. Việc truyền thông ấy có thể gây hiểu sai về sự hiệp thông và cộng đồng, nhưng cũng có thể giúp tạo ra một loại cộng đồng đặc biệt nào đó. (6) Chúng ta luôn sẵn sàng ngỏ lời xin giúp đỡ, xin người khác phản hồi lại để có thể biết họ và trong khi biết họ, chúng ta sẽ yêu mến họ. (7) Cuối cùng, cần phải biết thông điệp mà mình muốn truyền đi. Chúng ta sẽ làm việc này thông qua cầu nguyện và suy niệm Thánh Kinh, thông qua việc Thiên Chúa tự truyền thông mình nơi Đức Kitô. Để đào tạo truyền thông xã hội và xây dựng nền thần học truyền thông, chúng ta cần nhìn nhận Đức Kitô là sự truyền thông viên mãn, Đức Kitô chính là trung tâm của việc truyền thông. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài, theo hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, là hình ảnh có sức truyền thông và thông qua việc truyền thông ấy, sẽ đem lại sự sống, ơn cứu độ cho tất cả mọi người.


Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành (chuyển dịch)

VietCatholic News 25/0/8/2005


---------


1 Paul Soukup, SJ., Francis Buckley và David C. Robinson, The Influence of Information Technologies on Theology, Theological Studies, May 2001.


2 Bernard Cohen, The Press and Foreign Policy (Princeton: Princeton University Press, 1963) 13.


3 James W. Carey, A cultural approach to communication, in lại trong J.W.Carey, Communication as Culture: Essays on the Media and Society (Boston: Unwin Hyman, 1989) 13-16.


4 Horace Newcomb và Paul Hirsch, Television as a cultural form. Trong H. Newcomb (ed.), Television: The Critical View (4th. Ed.) (New York: Oxford University Press, 1987), 455-470.


5 Joshua Meyrowitz, No Sense of Place: The Impact of Electronic Media on Social Behaviour (New York: Oxford University Press, 1985).


6 Walter J. Ong., S.J., Orality and Literacy: The Technologizing of the Word (London: Methuen, 1982).


7 Walter J. Ong, S.J., Communication medi a and the state of theology. Cross Currents, 19 (1969) 462-480.


8 Đức Piô XII, Miranda Prorsus, số 25.


9 Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Hiệp thông và tiến bộ, số 8.


10 X. Hồng y Martini. Effata, Apriti. Communicating Christ to the Word: The pastoral Letters Effata, Apriti and Il Lembo del Mantello. Bản dịch của Thomas Lucas, S.J. Kansas City: Sheed & Ward, 1992, tr. 1-76.


11 Hội đồng Giáo hoàng, Hiệp thông và tiến bộ, số 11.


12 Gerard Manley Hopkins. As Kingfishers Catch Fire (bài thơ 34). Văn vần và văn xuôi của Gerard Manley Hopkins. Ed. W.H. Gardner. London: Penguin, 1988: tr. 51.


13 Paul Watzlawick, Janice Beavin và Don Jackson. The Pragmatics of Human Communication: A study of interactional patterns, pathologies and paradoxes, New York: Norton, 1967.


14 Ulbaldo Stecconi. Peirce’s Semiotics for Translation. Fidelity and Translation: Communicating the Bible in New Media. Eds. Paul A Soukup và Robert Hodgson. Franklin, WI: Sheed & Ward, New York: American Bible Society, 1999, tr. 249-261.


15 Avery Dulles, The Church is Communications. Multimedia International 1 (1971).


16 Dulles, Avery. Vatican II và truyền thông. Trong Latourelle, R. (ed.) Vatican II: Assessment and Perspective, ba tập. New York: Paulist Press, 1989, tr. 529.


17 Avery Dulles, Models of the Church, Garden City, NY: Doubleday, 1987: tr. 34-102. Xuất bản lần đầu 1974.


18 Đức Piô XI, Vigilanti Cura, số 9; Đức Piô XII, Miranda Prosrsus, số 24; Vatican II, Inter Mirifica, số 1.


19 Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Đạo đức trong truyền thông, số 32.


20 Đạo đức trong truyền thông, số 3.


21 X. Đức Phaolô VI, Loan báo Tin Mừng, số 41.


22 Augustinô bàn về vấn đề này trong tập IV De Doctrina Christiana bằng cách sử dụng tu từ học, là công nghệ truyền thông hàng đầu thời ấy.


23 Martini, OP. cit., đặc biệt tr. 16-19.

Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ