SỰ TỰ TRUYỀN THÔNG TUYỆT ĐỐI CỦA THIÊN CHÚA
Tải xuống
SỰ TỰ TRUYỀN THÔNG TUYỆT ĐỐI CỦA THIÊN CHÚA
Tác giả: Charles Ndhlovu
Linh mục Charles Ndhlovu, Tiến sĩ, tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Truyền thông Xã hội chuyên ngành Thần học Truyền thông tại Đại học Giáo hoàng Salesianum ở Rome - Ý. Một số ấn phẩm của ngài có thể được tìm thấy trên trang web của ngài: charlesndhlovu.wordpress.com; ngài cũng sử dụng tài khoản Youtube (Lm. Charles Ndhlovu - Mkhalirachiuta). Ngài là người sáng lập và sở hữu Emmaus. Bài viết này khám phá khái niệm về tính tuyệt đối trong sự tự truyền thông tuyệt đối của Thiên Chúa.
Nguồn bài viết: [xin tải về trong link đính kèm ở trên]
Chuyển ngữ và bổ sung tiêu đề: Tu sĩ Lm. Phêrô Nguyễn Văn Dũng, OFM
Sự xuất hiện của Đấng Cứu Độ Tuyệt Đối
Sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi trần thế đánh dấu tuyệt đỉnh trong hành trình con người nhận thức được chính mình. Ngài là Đấng “bao trùm và hoàn tất mọi thực tại quá khứ, hiện tại và tương lai [...].” [1] Chúa Giêsu là sự hiện hữu của Thiên Chúa trong thế giới, được thực hiện qua mầu nhiệm Nhập Thể. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ theo nghĩa tuyệt đối bởi vì Ngài đã xuất hiện trong thời gian và không gian như một dấu chỉ cho thấy mầu nhiệm tự truyền thông tuyệt đối của Thiên Chúa đã bắt đầu, và đang hướng tới mục tiêu cuối cùng của mình. [2]
Trong Chúa Giêsu, mầu nhiệm tự truyền thông tuyệt đối của Thiên Chúa đã diễn ra một cách không thể đảo ngược và tuyệt đối. Điều này không có nghĩa là ơn cứu độ trong thế giới và trong các chủ thể tâm linh chỉ bắt đầu từ Chúa Giêsu, bởi vì ơn cứu độ luôn tồn tại song song với lịch sử nhân loại và lịch sử thế giới. Tuy nhiên, Chúa Giêsu là móc lịch sử quan trọng, qua Ngài, sự tự truyền thông tuyệt đối của Thiên Chúa cho con người và cho lịch sử thế giới được nhận ra một cách rõ ràng là không thể đảo ngược.[3]
Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ bởi vì chính qua Ngài, sự tự truyền thông của Thiên Chúa được nhận thức rõ ràng là một điều không thể đảo ngược. Trong Ngài, sự tự truyền thông ấy đạt đến đỉnh cao, nhưng đỉnh cao này không chỉ đơn thuần là một khoảnh khắc trong lịch sử nhân loại, mà còn vượt lên trên cả tổng thể thế giới tâm linh vốn lệ thuộc vào sự tự truyền thông của Thiên Chúa.[4]
Tính Tuyệt Đối trong Sự Tự Truyền Thông của Thiên Chúa
Mặc dù sự tự truyền thông này là tự do về phía Thiên Chúa và về phía con người, Chúa Giêsu là biến cố và là điểm mà sự tự truyền thông của Thiên Chúa trở nên không thể chuyển hồi, tuyệt đối, toàn diện và bất khả hủy bỏ. Trong Chúa Giêsu, sự tự truyền thông của Thiên Chúa không chỉ đạt đến bản chất thực sự của nó mà còn đạt đến bước đột phá của nó.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là lịch sử tự truyền thông đã đi đến hồi kết hoặc kết thúc của nó, bởi vì chúng ta vẫn đang sống trong lịch sử với những hình thái đa dạng của nó. Trong Chúa Giêsu, sự tự truyền thông của Thiên Chúa không đi đến kết luận mà đã trở nên không thể đảo ngược.[5]
Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng thực tế của sự tự truyền thông này đã được đưa ra một cách rõ ràng. Thành công, chiến thắng và tính không thể đảo ngược của quá trình này đã trở nên hiển nhiên, bất chấp cuộc đối thoại tự do đang diễn ra. Chính sự khởi đầu của lịch sử cứu độ không thể đảo ngược và thành công này mà chúng ta gọi là Đấng cứu độ tuyệt đối. Theo nghĩa này, sự khởi đầu này là sự viên mãn của thời gian, và đó là kết thúc của lịch sử cứu độ và mặc khải trước đó, như thể vẫn còn bỏ ngỏ.[6]
Sự Vâng phục Tuyệt Đối của Chúa Giêsu
Trong sự tự truyền thông đầy tính lịch sử của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, điều trở nên bất khả hủy bỏ và bất khả đảo ngược chính là sự truyền thông và cả sự chấp nhận. Sự tự truyền thông của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu có bản chất thực sự là động lực, là chuyển động lịch sử, hay là một tiềm năng sáng tạo đang hướng tới mục tiêu của nó nhờ sức mạnh của mục tiêu thúc đẩy chuyển động lịch sử hướng về chính nó.
Điều này cũng đúng với Chúa Giêsu Kitô. Nhờ Ngài, sự tự truyền thông của Thiên Chúa cho con người được “sinh ra […] trước biến cố Ngài đến một cách không thể đảo ngược trong Đấng cứu độ.”[7]
Lịch sử có thể được hiểu là một lịch sử duy nhất hướng tới mục tiêu là nguyên nhân cuối cùng (causa finalis) của nó. Theo nghĩa này, mục tiêu không phải là thứ chỉ đạt được trong lịch sử hay mục tiêu không ở gần mà nó là nguyên nhân của sự chuyển động. Cũng vậy, toàn bộ tiến trình lịch sử tự truyền thông của Thiên Chúa đều hướng tới mục tiêu hay đỉnh cao của nó qua Chúa Giêsu, Đấng cứu độ tuyệt đối.[8]
Vì vậy, Đấng Cứu Độ này, người đại diện cho đỉnh cao của sự tự truyền thông, đồng thời phải là lời hứa tuyệt đối của Thiên Chúa khi Ngài tự truyền thông cho toàn bộ tạo vật tâm linh. Hơn nữa, Đấng Cứu Độ này cũng chính là sự thể hiện cho việc chấp nhận sự tự truyền thông ấy. Chỉ khi đó, mới có một sự tự truyền thông hoàn toàn bất khả đảo ngược từ cả hai phía, và chỉ như vậy, nó mới hiện diện trong thế giới theo cách thức truyền thông đầy tính lịch sử. [9]
Nếu Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ tuyệt đối, nơi Ngài sự tự truyền thông của Thiên Chúa trở nên không thể đảo ngược, thì điều đó có nghĩa là Thiên Chúa đã trở thành một khoảnh khắc lịch sử trong lịch sử cứu độ trên thế giới. Khi làm như vậy, Thiên Chúa đã trở thành đỉnh cao của lịch sử vũ trụ và hành động trong đó. [10] Giống như tất cả chúng ta, Chúa Giêsu là một chủ thể tâm linh, con người, mang đầy đủ bản tính con người đã tiếp nhận sự tự truyền thông của Thiên Chúa trong ân sủng.
Tuy nhiên, điểm khác biệt với những con người khác là, nơi Chúa Giêsu, thế giới vũ trụ đã đạt đến đỉnh cao và ý thức được chính mình và sự xuất hiện của mình đối với Thiên Chúa. Điều này có thể xảy ra bởi vì Chúa Giêsu, trong sự vâng phục, cầu nguyện và tự nguyện đón nhận cái chết, đã hoàn toàn tự do đón nhận trọn vẹn sự tự truyền thông của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã chấp nhận ân sủng mà Thiên Chúa ban cho Ngài thông qua sự tự truyền thông của Thiên Chúa và khi làm như vậy, Ngài cũng chấp nhận sự gần gũi của Thiên Chúa mà Ngài sở hữu ngay cả khi là một con người trên đất. [11]
Kết luận
Sự tự truyền thông tuyệt đối của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu là một mầu nhiệm trọng đại, đánh dấu đỉnh cao của lịch sử cứu độ và mặc khải. Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa không chỉ tỏ lộ tình yêu vô biên của Ngài dành cho nhân loại mà còn thiết lập một mối tương quan bất khả hủy bỏ với con người. Nhờ đó, chúng ta được mời gọi để đáp trả lại tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa bằng cách sống trọn vẹn cho Ngài và tha nhân, để rồi một ngày kia được chia sẻ sự sống đời đời với Ngài.
Chú thích
[1] Karl Rahner, Knowledge and self-consciousness of Christ, trong Theological investigations, Volume 5, Later writings (London: Darton, Longman & Todd, 1966), 174.
[2] Karl Rahner, Christology within an evolutionary view, trong Theological investigations, Volume 5, Later writings (London: Darton, Longman & Todd, 1966), 174-175.
[3] Karl Rahner, Christology within an evolutionary view, 174-175.
[4] Karl Rahner, Christology within an evolutionary view, 175.
[5] Karl Rahner, Christology within an evolutionary view, 174-175.
[6] Karl Rahner, Foundations of Christian faith, An introduction to the idea of Christianity, trans. William V. Dych (London: Darton Longman and Todd, 1978), 194.
[7] Karl Rahner, Foundations of Christian faith, 194.
[8] Karl Rahner, Christology within an evolutionary view, 175.
[9] Karl Rahner, Christology within an evolutionary view, 176.
[10] Karl Rahner, Christology within an evolutionary view, 175-177.
[11] Karl Rahner, Christology within an evolutionary view, 176-181