Thần học trong bối cảnh kỹ thuật số (Phần II)
Hướng đến Thần học mạng: Thần học trong bối cảnh kỹ thuật số (Phần II)
Thần học mạng là Thần học theo bối cảnh
Vấn đề tiếp theo cần xem xét một cách ngắn gọn là Thần học mạng thuộc loại thần học nào? Như đã đề cập, có khá ít công trình trực tiếp đề cập hoặc thảo luận một cách rõ ràng về thần học mạng. Nhiều tài liệu về internet và tôn giáo thường bàn đến ảnh hưởng của internet đến niềm tin tôn giáo hoặc những hoạt động mục vụ mà công nghệ này đem đến cho Giáo hội. Suy tư thần học về thời đại kỹ thuật số dường như vẫn còn là một hoạt động mới lạ, có lẽ do thực tế là hầu hết những nhà thần học được đào tạo đầy đủ và nhiều kinh nghiệm không thể nắm bắt hết được những ngụ ý mà môi trường kỹ thuật số đem lại cho chúng ta trong hiện tại cũng như tương lai. Một số thần học gia lão thành, trước những phát triển về công nghệ kỹ thuật số, cũng chỉ biết dùng một số ít công cụ để hỗ trợ cho đời sống và công việc giảng dạy. Nhiều người chưa nắm được những thuật ngữ mới trong công nghệ thông tin để có thể thấu hiểu những gì người ta muốn nói khi sử dụng nó trong việc truyền đạt ý tưởng. Có thể hiểu rằng nhiều người trong chúng ta còn đang cố gắng làm quen và thích ứng trong môi trường mới này như là “những người nhập cư kỹ thuật số” (digital immigrants), trong khi những người được gọi là “cư dân kỹ thuật số” (digital natives)[1] lại có vẻ như chưa đủ tuổi hoặc chưa được trang bị những công cụ cần thiết để suy tư một cách sâu xa về môi trường xã hội, văn hóa và thiêng liêng do công nghệ mới mang đến.
Vì thế dựa trên những gì đã bàn luận, chúng ta có thể khẳng định rằng thần học mạng là một nền thần học đề cập đến một thực tại quan trọng – mối tương quan giữa thần học và thời hiện đại của truyền thông kỹ thuật số và công nghệ internet. Đây là một nền thần học có bối cảnh là môi trường kỹ thuật số vốn phản ánh bản chất của nền văn hóa hiện đại toàn cầu. Dù là một thần học theo bối cảnh, thần học mạng vẫn khác biệt với những thần học tập trung vào hoặc ưu tiên đề cập đến những lãnh vực hoặc nhóm đặc trưng trong xã hội như đã nêu trên. Bối cảnh của thần học mạng không liên quan đến một thực tại dân tộc hay nền văn hóa, nhưng là một sự thay đổi xã hội rộng lớn do công nghệ kỹ thuật số hiện đại mang lại.
Thần học mạng có thể được xem như là thần học theo bối cảnh dựa vào bản chất của thần học nói chung. Ngày nay, người ta không còn tranh cãi khi phát biểu rằng thần học không được hình thành trong chân không nhưng nhất thiết phải đặt trong bối cảnh cụ thể về thời gian và địa điểm. Thần học gia thuộc dòng truyền giáo dòng Ngôi Lời, Stephen Bevans là một trong những người ủng hộ quan điểm này mạnh mẽ nhất. Trong cuốn sách Models of Contextual Theology (Những mô hình của Thần học theo bối cảnh) và các bài báo liên quan được tham khảo rộng rãi, Bevans chỉ ra bản chất bối cảnh của thần học ngay từ những ngày đầu tiên của Do Thái giáo, khi các bản văn Kinh Thánh được viết và biên tập bởi những người mang những kinh nghiệm rất đặc trưng của vùng miền có ảnh hưởng đến quan niệm về Chúa và mối tương quan với Người. Chiều kích bối cảnh của thần học tiếp tục trong truyền thống Tân Ước với nền thần học được trình bày bởi các tác giả của bốn sách Phúc Âm và các thánh thư.[2] Nếu các nền thần học trình bày trong các sách khác nhau của Cựu Ước và Tân Ước đều mang chiều kích bối cảnh, thì không có gì sai nếu nói rằng nền thần học mà chúng ta nhận là quy chuẩn, theo truyền thống do các Giáo phụ và những người kế tiếp trình bày cũng phải chứa đựng chiều kích bối cảnh. Trong trường hợp thần học chính thống của Giáo hội, gốc rễ sâu xa chính là triết học Hy Lạp và văn hóa châu Âu.
Trong thời hiện đại, nhiều thần học nảy sinh như một sự đáp ứng cho những điểm chưa thỏa đáng của nền thần học Công giáo truyền thống để xem xét hoàn cảnh của con người trong các bối cảnh khác nhau bao gồm cả những người nghèo ở châu Mỹ Latin, người nữ, người gốc Phi ở vùng hạ Sahara, người Á châu và nhiều nhóm khác. Các thần học cố gắng đáp ứng trước những bối cảnh đặc thù đôi khi được gọi là Thần học địa phương hoặc Thần học của việc hội nhập văn hóa. Chúng hàm chứa ít nhiều biên giới về văn hóa hoặc địa lý, tuy nhiên thuật ngữ Thần học theo bối cảnh có một viễn cảnh rộng lớn hơn bao hàm các thực tại xã hội vượt ra ngoài văn hóa, chủng tộc hoặc địa lý. Bevans khẳng định rằng bản chất bối cảnh của những thần học này tạo thành một “mệnh lệnh thần học” (theological imperative) vì thần học theo bối cảnh thực sự là một nền thần học duy nhất có thể làm được.[3] Mệnh lệnh thần học này tồn tại vì các tôn giáo tự nhiên mang tính bối cảnh. Nhà xã hội học tôn giáo Otto Madura nhận định:
Không có tôn giáo hoạt động trong chân không. Tất cả các tôn giáo, bất kể là tôn giáo nào mà chúng ta nhìn nhận – đều là một thực tại định vị trong một bối cảnh nhân sinh đặc thù: không gian địa lý, khoảnh khắc lịch sử, môi trường xã hội cụ thể và xác định. Tất cả các tôn giáo, bất kể là tôn giáo nào mà chúng ta nhìn nhận, trong mỗi trường hợp cụ thể, đều luôn luôn là tôn giáo của những con người nào đó.[4]
Vì vậy, thần học tìm được giá trị và sự xác đáng khi được trình bày trong bối cảnh thực tế của thời gian, nơi chốn và môi trường xã hội. Như Lonergan khẳng định, thần học “làm trung gian giữa khuôn mẫu văn hóa với ý nghĩa và vai trò của tôn giáo trong chính khuôn mẫu ấy” (Method in Theology, xi).[5]
Việc xác định tính bối cảnh của thần học không có nghĩa là đi tìm một hình thức mới của thần học. Nhưng hơn thế, khi thêm từ “theo bối cảnh” trước từ “thần học” như một bổ ngữ, mục đích là làm rõ và minh chứng một tiến trình đã có ngay từ ban đầu. Một thần học đặc thù không nhất thiết phải mang tính quy chuẩn và áp dụng phổ quát cho mọi người trong mọi hoàn cảnh. Thần học “chính thống” thực sự là thần học theo bối cảnh, trong đó bối cảnh có thể bị lấp liếm một cách cố ý hoặc vô ý nhằm làm nổi bật tính ứng dụng và hợp lý phổ quát.
Thần học cổ điển được xem là khoa học khách quan của đức tin, sử dụng hai nguồn là Thánh Kinh và Thánh Truyền. Cả hai nguồn này được nhìn nhận vượt trên lịch sử và văn hóa. Tuy nhiên, qua việc khẳng định thần học mang tính bối cảnh, các thần học gia muốn nói rằng kinh nghiệm hiện tại của loài người được phản ánh qua nền văn hóa, các biến cố đời sống và những thay đổi xã hội đáng kể,… tạo thành một nguồn quan trọng cho suy tư thần học. Do đó, cả quá khứ chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền lẫn hiện tại trong bối cảnh hôm nay đều là chất liệu cho việc suy tư thần học.[6] Trong Evangelii Gaudiium (#117), Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định tầm quan trọng của bối cảnh như sau:
Chúng ta sẽ không công bằng với logic nhập thể nếu chúng ta nghĩ về Kitô giáo là đơn văn hoá và đơn điệu. Tuy đúng là một số nền văn hoá đã được liên kết mật thiết với việc rao giảng Tin Mừng và sự phát triển tư tưởng Kitô giáo, nhưng sứ điệp mặc khải không bị đồng hoá với bất cứ nền văn hoá nào; nội dung của sứ điệp mang tính xuyên văn hoá. Thế nên trong việc loan báo Tin Mừng cho các nền văn hoá mới, hay các nền văn hoá chưa tiếp nhận sứ điệp Kitô giáo, không nhất thiết phải áp đặt cùng với Tin Mừng một hình thức văn hoá nhất định, dù nó đẹp hay lâu đời ra sao.[7]
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục cho rằng thật là vô lý khi muốn mọi người ở mọi nơi “bắt chước cách diễn tả của các nước châu Âu đã phát triển vào một thời điểm nhất định trong lịch sử của họ”[8] bởi vì không một nền văn hóa riêng biệt nào có thể bày tỏ trọn vẹn mầu nhiệm của Thiên Chúa. Do đó, khi bối cảnh đặc trưng của một thời gian và địa điểm nào đó được đưa vào thần học, người ta có thể xem chúng là thần học được căn tính văn hóa truyền cảm hứng, như trường hợp thần học châu Á, thần học châu Phi; thần học dùng kinh nghiệm về giới tính như chất liệu suy tư như thần học nữ quyền; thần học xem xét về vị trí xã hội như thần học giải phóng hay thần học đồng tính. Theo đó, chúng tôi chú ý đến một thần học lưu tâm đến những kinh nghiệm nảy sinh từ sự thay đổi xã hội, đặc biệt do hiện đại hóa công nghệ dẫn đến sự ra đời của thời đại thông tin hay thời đại kỹ thuật số. Dựa trên ánh sáng kinh nghiệm của tiến bộ kỹ thuật ngày nay, tôi cho rằng có đủ lý do để bắt đầu thảo luận rõ ràng về một thần học theo bối cảnh tạm gọi là thần học mạng...(Hết phần II)
[1] Thuật ngữ “cư dân kỹ thuật số” và “người nhập cư kỹ thuật số” được Marc Prensky đề ra trong bài báo nổi tiếng của ông “Digital Natives, Digital Immigrants,” On the Horizon, 9.5 (2001):1-2 để phân biệt giữa thế hệ sinh ra và lớn lên sau sự ra đời của công nghệ kỹ thuật số và thế hệ những người sinh trước đó.
[2] Steven B. Bevans, Những mô hình Thần học theo bối cảnh (New York: Orbis Books, 2012), 7-8.
[3] Bevans, Models of Contextual Theology, 15.
[4] Quoted in Carlos Mondragon, Like Leaven in the Dough: Protestant Social Thought in Latin America, 1920-1950 (Plymouth, UK: Rowman and Littlefield Publishing House, 2011), 28.
[5] Elizabeth A. Morelli and Mark D. Morelli, Ed., The Lonergan Reader (Toronto: University of Toronto Press, 1997), 443.
[6] Bevans, Models of Contextual Theology, 5-6.
[7] Đức Thánh Cha Phanxicô, Evangelii Gaudium, 117, https://w2.vatican.va/content/dam/francesco/pdf/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20131124_evangelii-gaudium_en.pdf.
[8] Đức Thánh Cha Phanxicô, Evangelii Gaudium, 118.
Trích nguồn bài viết:Tác giả LM Anthony Lê Đức, SVD
Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ