Skip to content
Top banner

Mục vụ quan hệ công chúng: nền tảng Kinh Thánh & Internet

THTT-01
2023-01-15 09:28 UTC+7 255

Lm. Giuse Vũ Hữu Hiền

Báo Hiệp Thông, số 64, trang 88-124

 

Cụm từ PR (Public Relation) hay Quan Hệ Công Chúng ngày càng phổ biến trên các phương tiện truyền thông và trong các câu chuyện trao đổi hằng ngày. Đôi khi người ta có cái nhìn không tích cực về PR vì một số hoạt động không tốt của các nhân viên trong ngành. Dù sao đây vẫn là một ngành truyền thông mà hầu hết các công ty ngày nay đều cần nhờ đến khi muốn công chúng biết đến và có một hình ảnh tốt về công ty của mình.

 

PR cũng trở thành một môn học của Truyền Thông, đời cũng như đạo. Học môn Mục vụ PR, học viên phải nghiên cứu cách sử dụng mọi phương tiện truyền thông cho ngành này, đặc biệt là internet. Và trên hết là phải chiêm ngắm Đức Giêsu, Đấng là nhà truyền thông trọn hảo, đã thực hiện mối quan hệ với công chúng của Ngài như thế nào.

 

I. NỀN TẢNG KINH THÁNH CỦA MỤC VỤ PR

 

1. CHÚA GIÊSU VÀ HOẠT ĐỘNG PR

 

Mục vụ Quan Hệ Công Chúng là việc thực hiện kế hoạch truyền thông, dẫn đến một quan hệ tốt, với một công chúng cụ thể được xác định. Và Quan hệ tốt là nhằm tạo hình ảnh, công luận và sự tín nhiệm ủng hộ đúng đắn. Cho Chúa. Cho Giáo Hội. Mục tiêu cuối cùng của PR là thể hiện chân lý và tình yêu, mang lại ích lợi và hạnh phúc cho cả hai bên.

 

Như vậy hoạt động mục vụ PR là rất cần thiết.

 

Đặc biệt, khi có hiểu lầm, khi độ tin cậy bị suy giảm, khi hình ảnh bị bôi nhọ, khi chân lý bị bóp méo, và hạnh phúc của hai bên bị đe doạ, thì công việc PR được mô tả như trên cần phải được thực hiện sớm hết sức có thể (tiếng chuyên môn PR gọi là Xử lý khủng hoảng).

 

Có một trường hợp đặc biệt như thế, xẩy ra vào thời Chúa Giêsu, được Tin Mừng Mc 3, 20-22 thuật lại: bà con của Chúa nói rằng Chúa đã mất trí, và người Pharisêu bảo Chúa là đồng bọn của quỷ vương! Đây phải chăng là một sự hiểu lầm? Hay cố tình vu khống, bôi nhọ, hãm hại? Dù thế nào đi nữa, chân lý cũng đã bị bóp méo, độ tin cậy vào Chúa nơi công chúng có nguy cơ suy giảm, và việc loan báo Tin Mừng sẽ gặp khó khăn. Trước một tình thế như vậy, người ta có thể cho rằng: Chúa đã không có khả năng làm PR tốt nên mới để xẩy ra sự cố như thế. Hoặc Chúa chẳng thèm quan tâm đến công luận hay dư luận của công chúng? Việc Chúa, Chúa cứ làm, còn Quan hệ Công chúng, hay công luận chỉ là điều vớ vẩn, nhảm nhí?

 

Nhiều lần Chúa còn cấm không cho người ta loan báo, không cho thiên hạ quảng cáo (hay làm PR) cho Chúa. Có những lần Chúa ra lệnh cho những người được Ngài chữa lành không được nói điều đó với ai. Nhưng rồi, không kềm chế được, họ đã khoe với mọi người. Kết quả tiếp theo là người ta lũ lượt đi theo Ngài. Có những lúc như vậy, Chúa không cần rao báo gì (không cần làm PR), người ta vẫn ùn ùn đi theo Chúa.

 

Thế nhưng cũng đã có lúc Chúa tỏ thái độ muốn tìm hiểu dư luận một cách minh nhiên rõ ràng. Ở Xêdarê Philiphê, ngài đã từng nghiêm trọng hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Con Người là ai? Còn các con, các con bảo Con Người là ai?” Và câu hỏi này đã đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đời công khai của Chúa. PR, như là việc tìm hiểu dư luận, xem ra cũng liên quan đến những thay đổi quan trọng trong cuộc đời của Chúa?

 

Nhưng dư luận thường là không đúng lắm, nhất là những dư luận về Chúa...

 

Thực ra, Thiên Chúa là Đấng vượt khỏi tầm nắm bắt của trí khôn loài người. Không hiểu được Chúa thì cũng là sự thường. Nhưng hiểu thêm về Chúa chừng nào, thì con người được hạnh phúc thêm chừng đó. Con người được “biến hình” theo mức độ họ biết về Chúa, cảm về Chúa.

 

Nên mục vụ PR, giúp cho người ta có hình ảnh chân thực về Chúa nhiều hơn, là việc luôn cần thiết.

 

2. ĐẶT TRÊN ĐẾ

 

“Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao? Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng.” (Mc 4, 21-22)

 

Đặt đèn trên đế không phải là để khoe mình có cái đèn, nhưng là để mọi người được hưởng ánh sáng phát ra từ đèn.

 

Chúa là ánh sáng, và các cá nhân, các cộng đoàn của Chúa phải là những cái đèn được đặt trên đế hầu chiếu toả ánh sáng của Chúa. Công việc đặt đèn trên đế cũng là công việc của mục vụ PR. Áp dụng phương pháp PR, sử dụng những công cụ hữu hiệu của PR để làm cho mọi người có thể đón nhận ánh sáng của Chúa chiếu toả ra từ cá nhân, từ cộng đoàn của con, đấy chẳng phải là mệnh lệnh của Chúa trong Mc 4, 21-22 sao?

 

3. XÂY DỰNG HÌNH ẢNH

 

“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình” (St 1,27). Nếu người ta không trông thấy hình ảnh của Chúa nơi tôi, thì phải chăng là tôi đã không thể hiện được hình ảnh của Chúa nơi bản thân và đánh mất hình ảnh của một con người đích thực? Tôi chỉ đích thực là con người, khi thể hiện được hình ảnh của Thiên Chúa nơi tôi.

 

Mà Thiên Chúa được định nghĩa là tình yêu (1Ga 4,8), nên tôi chỉ thực là người khi tôi biết sống yêu thương. Người ta chỉ thấy được hình ảnh của Chúa nơi tôi khi tôi biết quan tâm phục vụ tha nhân.

 

Bản chất Thiên Chúa cũng là truyền thông: Ba Ngôi Thiên Chúa truyền thông mọi sự cho nhau, và thông truyền tất cả cho loài người. Vì thế càng truyền thông, hình ảnh của Thiên Chúa càng rõ nét trong tôi. Khi truyền thông, Thiên Chúa không chỉ trao gửi một Sứ điệp mà còn trao gửi trao tặng chính mình trong tình yêu. Truyền thông như thế phải là công việc của tình yêu. Truyền thông mà tạo ra chia rẽ, hoang mang, hận thù thì không phải là truyền thông, mà là huỷ hoại truyền thông.

 

“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình”, đây là câu đầu tiên trong Kinh Thánh làm nền tảng cho mục vụ PR. Làm PR để công chúng có một hình ảnh đẹp về bản thân mình và cộng đoàn của mình. Hình ảnh đẹp đó chính là hình ảnh Thiên Chúa. Vì thế, làm mục vụ PR là làm cho người ta thấy hình ảnh Thiên Chúa nơi tôi.

 

Làm mục vụ PR thể hiện được hình ảnh của Chúa nơi bản thân và cộng đoàn của mình, đó chính là bổn phận của tôi, được nhắc đến ngay từ trang đầu của Kinh Thánh vậy.

 

4. HÌNH ẢNH TƯƠNG LAI VÀ HIỆN TẠI

 

Tabor: một trong những đỉnh cao truyền thông của Chúa Giêsu về tương lai của con người.

Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Sau đó hình ảnh Thiên Chúa nơi con người bị đánh mất do tội Ađam.

 

Tại núi Tabor, Đức Giêsu cho thấy con người sẽ tìm lại được hình ảnh vinh quang của mình. Tìm lại được hình ảnh Thiên Chúa nơi bản thân mình, đẹp như xưa và còn hơn xưa nữa. Giống như hình ảnh Giêsu biến hình trên núi Tabor. Tất cả là nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu (nội dung cuộc đàm đạo với Môsê và Êlia).

 

Có thể nói rằng việc Biến hình tại núi Tabor chính là kết quả của truyền thông và hiệp thông mật thiết giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha và trong Thánh Thần: “Có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”

 

Mỗi lần con người ngước lên Chúa và cầu nguyện như Maria dưới chân Chúa, họ cũng được ở trong mối truyền thông và hiệp thông mật thiết với Chúa. Họ ở trong đám mây thần linh. Và sự biến hình thần linh diễn ra. Biến hình từ từ, từng ngày, tuỳ theo mức độ và tần số cầu nguyện mỗi ngày. Nhờ ngước nhìn lên Chúa như Maria, từng ngày con người được ở trong đám mây thần linh và được chúc phúc: “Đây là Con Ta yêu dấu!”. Từng ngày được biến hình nhiều hơn trong Chúa, nhờ cầu nguyện, nhờ truyền thông và hiệp thông. Từng ngày mang màu sắc hạnh phúc, bất chấp những điều tươi sáng hay đen tối có thể xảy đến.

 

Và đó là cách làm PR từ bên trong, làm đẹp hình ảnh từ bên trong, từ cội nguồn gốc rễ. Làm PR theo gương mẫu Giêsu, nhà truyền thông trọn hảo. Làm PR trong đám mây thần linh, nghĩa là trong lời cầu nguyện.

 

5. DUNG MẠO NƯỚC TRỜI VÀ CÔNG LUẬN

 

Điều chính yếu mà mục vụ PR cần phải quan tâm là công luận. Phải góp phần xây dựng một công luận đúng đắn khởi đi từ giới công chúng cụ thể có liên hệ thường xuyên với mình. Công chúng nghĩ gì, công chúng có hình ảnh gì về Giáo Hội và về Nước Trời của Chúa Giêsu? Đây là câu hỏi mà tôi cần thường xuyên đặt ra trong đầu.

 

Trong bài Tin Mừng Bát Phúc, Chúa Giêsu phác hoạ hình ảnh của Nước Trời. Nước Trời mang diện mạo của chính Chúa Giêsu với:

 

- Tinh thần khó nghèo, hiền lành, mang nỗi khổ của trần gian (khóc lóc) mà vẫn khát khao sống đời công chính và thương xót mọi người.

 

- Cõi lòng trong sạch, ra đi xây dựng an bình và hoà bình, sẵn lòng chấp nhận những bách hại vì lẽ công chính.

 

Đây là hình ảnh mà Kitô hữu cần phải xây dựng được nơi cá nhân và cộng đoàn của họ, đồng thời làm cho công chúng phát hiện ra diện mạo đó của Nước Trời qua từng hành động của họ. Bản thân tín hữu đầy yếu đuối thiếu sót, nên công việc xây dựng hình ảnh trên là nỗ lực của từng ngày sống: cầu nguyện, chiêm niệm, và hoàn thiện mình mỗi ngày một nhiều hơn.

 

6. DUNG NHAN TÌNH YÊU

 

Dung nhan tình yêu đích thực được nhận ra từ lòng bao dung tha thứ, từ sự hy sinh cho chính kẻ thù của mình.

 

Đây là điều vô cùng khó thực hiện. Nhưng đấy mới là một tình yêu tinh ròng, yêu vì là tình yêu, chứ không phải vì đối tượng. Nếu đối tượng xử tốt, tôi mới yêu, thì đấy là mua bán đổi chác rồi, không còn là tình yêu nữa.

 

Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính (Mt 5,45). Đấy là dung mạo của Cha trên trời, và Giêsu đã có khuôn mặt thánh thiện đích thực ấy, đặc biệt trên thập giá - khi ngài bênh vực cho những kẻ tra tấn và đóng đinh Ngài: Xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết. Tội lỗi vẫn cứ phải sửa trị, phải đền bù, phải tránh xa, nhưng tội nhân thì luôn được tha thứ nếu biết quay trở về.

 

Làm mục vụ PR là làm cho dung mạo tình yêu đích thực này được tỏ lộ ra nơi bản thân của người tín hữu và nơi cộng đoàn của họ. Có những lúc Kitô hữu bộc lộ sự khó chịu đối với người họ không ưa. Đôi khi họ cũng coi bản thân mình như kẻ thù: chán ngán bản thân, bực bội nguyền rủa bản thân! Khuôn mặt của họ những lúc đó không phải là dung mạo của tình yêu. Sự bực bội, khó chịu, chán nản, thất vọng đã bóp méo dung mạo tình yêu đích thực của Chúa nơi họ. Lúc đó họ cần phải làm PR lại, trước hết nơi bản thân mình...

 

7. HƯỚNG DẪN CÔNG LUẬN

 

Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”Câu hỏi này cho thấy Chúa quan tâm đến dư luận. Không phải Chúa đi tìm lợi lộc gì từ dư luận, nhưng dư luận có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu, khiến người ta có cái nhìn đúng hoặc sai về Ngài. Và điều này ảnh hưởng đến vận mệnh muôn đời của mỗi một con người.

 

Và rõ ràng dư luận đã không đúng về Chúa Giêsu.

 

Chỉ có câu trả lời của Phêrô là đúng. Nhưng chính Phêrô cũng không hiểu chính xác những gì mình vừa nói. “Thầy là Đấng Kitô”, ông trả lời như thế, nhưng ông không hiểu Đấng Kitô phải như thế nào (Mc 8,28-33).

 

Dân chúng thì trông mong Đấng Kitô đến, nhưng lại chưa biết Giêsu chính là Đấng Kitô. Và điều đáng nói là Chúa lại chưa muốn cho họ biết Ngài chính là Đấng Kitô. Ngài muốn giúp họ có quan niệm chính xác về Đấng Kitô trước đã. Nếu quan niệm sai, thì rất nguy hiểm. Mà họ lại đang có quan niệm sai, giống như Phêrô. Nên Ngài đã “cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người” (Mc 8,30). Rồi Ngài bắt đầu hướng dẫn công luận cách tuần tự:

 

- Lúc đầu, trong vòng riêng tư với các môn đệ, Ngài cho biết Đấng Kitô sẽ trao hiến bản thân như thế nào: hy sinh trọn vẹn, chấp nhận mọi thương đau... (Mc 8, 31-33).

 

- Sau đó, công khai với mọi người, Chúa giúp công chúng hiểu được ý nghĩa của sự hy sinh, để sẵn sàng yêu thương và hy sinh. Như Đấng Kitô, yêu thương đến hy sinh mạng sống (Mc 8, 34 - 9,1).

 

Vâng, Chúa đã giúp dân Chúa sáng mắt dần dần, như cách Chúa chữa cho người mù, thấy lờ mờ, rồi rõ hơn, rõ hơn... (Mc 8,22-38). Hướng dẫn công luận như vậy quả là một công việc dài hơi.

 

8. KẾ HOẠCH

 

Đọc Kinh Thánh, tôi thấy Chúa làm việc rất có kế hoạch, mà ngay cả các nhân viên PR lỗi lạc chuyên nghiệp nhất cũng cần phải chiêm ngưỡng, nghiên cứu, khâm phục và bắt chước:

 

- Kế hoạch sáng tạo được diễn tả thực hiện trong một tuần lễ rất thứ tự lớp lang. Tất nhiên, công cuộc sáng tạo vũ trụ không phải chỉ kéo dài trong một tuần. Đây chỉ là một cách diễn tả cho thích hợp với tầm hiểu biết và văn hoá của người đương thời. Nhưng cách diễn tả một tuần đã nói lên một mô hình, một kế hoạch rất bài bản.

 

- Kế hoạch cứu độ khởi đi từ Abraham đến ngày tận thế được mô tả rất tuyệt diệu trong suốt các sách Cựu Ước và Tân Ước.

 

Đoạn Tin Mừng Mt 4,12-25 cho thấy Chúa đi vào kế hoạch rao giảng rất “ngọt”, từ địa điểm xuất phát, đối tượng, Sứ điệp, đào tạo nhân sự, đến chương trình triển khai hoạt động:

 

- Xuất phát từ Caphanaum của Galilê, nơi là “ngã tư quốc tế” và cũng là nơi có đối tượng dân cư mang cái nhìn rất thoáng, không tự mãn và không bị đóng khung bởi lề luật Do Thái khắt khe quá khích. Quả là một môi trường rao giảng thích hợp cho một khởi điểm.

 

- Sứ điệp rao giảng rất rõ, rất gọn, với hai cụm từ chính: Nước Trời và Sám hối.

 

- Huấn luyện nhân sự: chọn những gã ngư phủ mạnh mẽ can đảm, quen đương đầu với sóng gió, và đơn sơ mộc mạc để cõi lòng dễ dàng mở ra với Tin Mừng.

 

- Chương trình triển khai hoạt động: đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

 

Để ý quan sát ta có thể thấy các cơ quan của Giáo Hội thường làm việc có kế hoạch chu đáo theo gương mẫu của Chúa. Nhưng cũng không thiếu những nhân sự của Giáo Hội làm việc tuỳ tiện, không động não, thiếu nghiên cứu, thiếu kế hoạch; Sứ điệp và chương trình thường luộm thuộm, thiếu tôn trọng đối tượng. Nên chăng cần phải ngắm nhìn cách Chúa làm việc nhiều hơn, và nghiên cứu nhiều hơn những kế hoạch khôn ngoan, được thiết kế và chuẩn bị rất chu đáo của Ngài?

 

9. CÔNG CHÚNG MỤC TIÊU



“Ta biết chiên Ta”, lời ấy của Chúa Giêsu có thể thấy rõ trong bài Tin Mừng hôm nay Mc 4,1-20.

Mọi người đều là chiên của Chúa, chiên ngoan hoặc chiên lạc. Chúa ngắm nhìn các con chiên. Ngài biết chiên của Ngài và thấy tâm hồn của họ giống như những mảnh đất khác nhau: mảnh đất vệ đường, mảnh đất sỏi đá, mảnh đất đầy bụi gai, hoặc mảnh đất tốt. Và Ngài lên tiếng yêu thương dạy dỗ họ. Lời Ngài như những hạt giống rơi trên những mảnh đất khác nhau đó. Tất nhiên, Chúa sẽ có những cách giảng dạy khác nhau tuỳ theo trạng thái của từng tâm hồn. Và Chúa có cách biến đổi những mảnh đất chưa tốt thành những mảnh đất mầu mỡ. Trên những mảnh đất mầu mỡ này, Lời Chúa sẽ trổ sinh hoa trái.

 

Như vậy là Chúa có “nghiên cứu và phân tích” các đối tượng lắng nghe Ngài. Công việc này, PR gọi là nghiên cứu “công chúng mục tiêu”. Chúa Giêsu đúng là “sư phụ” của các chuyên viên PR.

 

Có nhiều linh mục cũng ra công tìm hiểu khán giả lắng nghe mình để soạn bài giảng cho thích hợp. Nhiều cha sở thăm dò xem bổn đạo tiếp thu các bài giảng của mình như thế nào. Nhiều vị còn biết cách sử dụng những phương pháp rất bài bản để nghiên cứu đối tượng mà mình nhắm đến để loan báo Tin Mừng. Chẳng phải các vị đó đang thực hiện “mục vụ PR” hay sao? Nhưng có lẽ còn cần phải làm nhiều hơn nữa, bài bản hơn nữa chăng?

 

Xin cho con có tâm hồn của Chúa, biết yêu thương đàn chiên Chúa như Chúa đã yêu: “Ta biết chiên Ta, và chiên Ta biết Ta...”

 

10. CÔNG CỤ PR CỦA CHÚA

 

Ngựa, là phương tiện di chuyển của Phaolô, đã trở thành phương tiện truyền thông của Chúa. Chúa đã dùng phương tiện này để truyền thông Sứ điệp mời gọi hoán cải của Ngài.

 

Mãi mãi Phaolô sẽ nhớ về lần ngã ngựa ở Damas như một lời mời gọi yêu thương rất mạnh mẽ. Để Phaolô thay đổi hoàn toàn cuộc sống, thay đổi 180 độ.

 

Mãi mãi người ta sẽ nhớ về việc Phaolô ngã ngựa như một hình ảnh đặc trưng của sự trở về. Hình ảnh ngã ngựa rất ấn tượng nhằm truyền thông hữu hiệu một Sứ điệp căn bản của Tin Mừng: Hãy trở về!

 

Ngã ngựa, để Phaolô không còn tin tưởng vào sự vững chắc của bản thân nữa, mà chỉ tin cậy vào sự vững bền của Chúa: “Sống, đối với tôi, là Đức Kitô.” Ngã ngựa, khởi đầu cho sự tin cậy vào Chúa. Mà tạo sự tin cậy là công việc của PR, nên biến cố “ngã ngựa” đúng là công cụ PR của Chúa.

 

Bài Tin Mừng Mc 16, 15-18 nhắc đến những phương tiện truyền thông mà các tông đồ có thể sử dụng khi loan báo Tin Mừng: trừ quỷ, nói tiếng lạ, cầm được rắn, uống được thuốc độc, chữa bệnh... Tất cả chỉ là những phương tiện nhằm tạo sự tin cậy nơi công chúng, giúp công chúng dễ dàng “tin, chịu phép rửa và được cứu độ” (Mc 16, 16-18). Vì nhằm tạo được sự tin cậy, nên những việc trên (trừ quỷ, nói tiếng lạ, cầm được rắn, uống được thuốc độc, chữa bệnh...) chính là những công cụ PR của Chúa.

 

Trong Sứ điệp Ngày Quốc tế Truyền thông thứ 45, Đức Thánh Cha nói đến một phương tiện truyền thông hiện đại là mạng internet:

 

 “Các công nghệ mới cho phép người ta gặp nhau vượt qua giới hạn không gian và nền văn hóa của riêng mình, tạo ra một thế giới tình bạn tiềm tàng hoàn toàn mới mẻ. Đây là một cơ hội to lớn, nhưng nó cũng đòi hỏi phải lưu tâm nhiều hơn và ý thức về những nguy cơ có thể có. Ai là “người thân cận” của tôi trong thế giới mới này? Liệu có mối nguy cơ là chúng ta có thể ít hiện diện hơn với những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày? Liệu có nguy cơ chúng ta trở nên xao lãng hơn, bởi vì sự chú ý của chúng ta bị phân mảnh và bị mất hút trong một thế giới “khác” với thế giới chúng ta đang sống? Chúng ta có còn thời gian suy nghĩ nghiêm túc về các chọn lựa của mình và nuôi dưỡng các mối tương quan nhân bản thực sự sâu xa và bền vững không? Điều quan trọng là luôn nhớ rằng việc tiếp xúc ảo không thể và không được thay thế cho việc tiếp xúc nhân vị trực tiếp với những con người ở mọi bình diện của cuộc sống của chúng ta.”

 

Như thế những phương tiện truyền thông mới, những công cụ PR hiện đại, luôn vừa là cơ hội vừa là thách đố... Giống như trường hợp Phaolô, ngã ngựa có thể làm cho ông trở lại, nhưng cũng có thể làm cho ông bực bội phẫn nộ. Rất may, Phaolô đã chọn thái độ thứ nhất...

 

11. NGOÀI TẦM KIỂM SOÁT

 

Suốt thời học trò của mình (vào thập niên 60), tôi chẳng bao giờ cần cha mẹ đưa đón đến trường. Bạn bè tôi cũng thế. Và chỉ trừ một vài trường hợp cá biệt, còn bình thường, các phụ huynh chẳng hề lo lắng là mình không đưa đón thì con mình sẽ lêu lổng, đàn đúm, hư hỏng...

 

Ngày nay thì hoàn toàn khác. Cha mẹ mất quá nhiều thời gian để hằng ngày đích thân đưa rước con cái đến trường.

 

Những cám dỗ giăng mắc khắp nơi, khắp nẻo. Vì vậy phải theo sát... Nhưng cha mẹ có thể theo sát con mình từng bước được không?

 

Điều quan trọng là phải làm cho tâm hồn con mình trở thành thửa đất tốt, và gieo hạt giống tốt trên mảnh đất này, để rồi “Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.” (Mc 4,27)

 

Trong mục vụ PR cũng vậy. Người ta dùng những hoạt động truyền thông để tạo công luận chính xác đúng đắn. Tuy nhiên truyền thông không phải bao giờ cũng diễn ra như ý muốn của mình. Ngành PR chia truyền thông ra thành hai loại: kiểm soát và không kiểm soát:

Truyền thông kiểm soát: các dữ liệu và các kênh truyền thông do chính mình thực hiện và kiểm soát chặt chẽ:

 

- Nhờ quảng cáo có trả tiền để giới quảng cáo phải làm theo đơn đặt hàng của mình;

 

- Ấn phẩm do mình soạn và in: bản tin (newsletter), tờ gấp (brochure), tờ rời (leaflet), tờ bướm (flyer), báo cáo năm, thư trực tiếp...

 

- Video, audio, website do mình thực hiện...

 

Truyền thông không kiểm soát:

 

- Quan hệ với giới truyền thông và cung cấp tin/bài viết/thông cáo báo chí (dữ liệu có kiểm soát nói trên) cho họ, để họ sử dụng và “xào nấu” như những dữ liệu truyền thông của họ;

 

- Giao tiếp cá nhân;

 

- Tổ chức Sự kiện (Event);

 

- Tài trợ (Sponsorship);

- ...

 

Sứ điệp gửi đi rồi, dù là qua phương tiện kiểm soát hay không kiểm soát, vẫn lo lắng lắm, không biết rồi nó sẽ bị hoặc được xào nấu và loan truyền như thế nào, thuận lợi hay không thuận lợi? Cần theo dõi. Nhưng làm sao theo dõi hết được?

 

Sau khi làm hết sức mình, lạy Chúa, cuối cùng chỉ còn cách cầu nguyện và phó thác: “Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.” (Mc 4,27)

 

12. CHUYÊN VIÊN PR

 

Chủ nhân của các công ty rất sợ hình ảnh của công ty mình bị ô uế. Họ nhờ các chuyên viên PR dùng mọi phương pháp hiện đại nhất, những phương tiện truyền thông hữu hiệu nhất để làm cho hình ảnh của công ty trong sáng trở lại.

 

Nhưng nếu hình ảnh của công ty được trình bày rất trong sáng, mà thực chất của công ty lại vẫn cứ đầy những ô uế, thử hỏi: hình ảnh giả tạo đó có che giấu mãi được sự thật ô uế không?

 

Vì thế mục vụ PR đích thực phải khởi đi từ sự hoán cải chính mình. Chuyên viên PR cần hoàn thiện tâm hồn mình mỗi ngày Hồn có thơm tho thì hình ảnh mới đẹp bền. Chúa dạy như thế: “Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,23) Muốn hết ô uế, phải sửa đổi từ bên trong. PR phải khởi đi từ bên trong.

 

13. CẶP MẮT VÀ CON TIM PR

 

Người Do Thái xin dấu lạ, nhưng Chúa từ chối.

 

Dấu lạ luôn có trước mặt tôi, chung quanh tôi: tia nắng sớm, đoá hoa xinh, chiếc lá rung rinh, nụ cười thắm, ánh mắt lung linh... Những nét đẹp này ẩn giấu phía sau chúng một tình yêu toàn năng, một tình yêu chăm sóc ân cần tinh tế đến khôn lường...

 

Vậy thì có cần hạch hỏi Chúa những điềm thiêng dấu lạ trên trời chăng khi ngày nào của tôi cũng thấm đẫm tình yêu tuyệt diệu như một ngày Valentine lãng mạn?

 

Khi tôi cứ nhắm mắt lại trước những nét đẹp hằng ngày, tôi sẽ không thể thấy được những dấu lạ của tình yêu Chúa, không thấy được dấu lạ vô cùng tuyệt vời là chính hình ảnh đẹp bất tận của Chúa nơi tôi. Và nơi người khác. Cặp mắt PR phải thấy được hình ảnh tuyệt vời này, để diễn tả và thông truyền...

 

Cặp mắt đi liền với con tim. Con tim điều khiển hướng nhìn của cặp mắt, và cặp mắt tác động lên những nhịp đập của con tim.

 

Con tim của người làm mục vụ PR phải là con tim của một tông đồ nhiệt thành, gắn bó với Chúa Giêsu. Họ là những người được Chúa chọn gọi.

 

Thánh sử Máccô thuật lại: “Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.”

 

Gọi, đến, ở với. Những hành động của tình yêu. Và tình yêu làm nên những tông đồ, những nhà truyền giáo đích thực.

 

Nghiên cứu PR ngoài đời, thấy người ta nói rất nhiều đến những kỹ xảo. Nhưng hình như chưa thấy nói đến tình yêu. Thiếu tình yêu, người ta có hết lòng làm PR cho công ty của mình không? Thiếu tình yêu Chúa, người ta có dám hy sinh để làm PR hết mình cho Chúa, cho Giáo Hội không?

 

Nhưng đồng thời, sống trong thế giới hiện đại mà tôi không tận dụng những công cụ truyền thông hiện đại như PR để làm tông đồ đắc lực cho Chúa, thì tình yêu của tôi đối với Chúa đã trọn vẹn chưa?

 

14. KHỦNG HOẢNG ĐẦU TIÊN

 

“Rắn nói với người đàn bà: Chẳng chết chóc gì đâu!” (St 3,4) Câu nói dối trá này đã tạo ra khủng hoảng đầu tiên trong lịch sử, và đây cũng là “khủng hoảng mẹ”, đẻ ra mọi thứ khủng hoảng trên cõi đời.

 

Với lời nói này, ma quỷ đã bóp méo hình ảnh Thiên Chúa, vẽ Thiên Chúa như một kẻ bịp bợm và ích kỷ, không muốn con người được cao cả như mình nên đã nói dối con người! Tiếc thay, con người lại tin vào lời xảo trá này của rắn độc hơn là tin vào Lời Chúa, để rồi sau đó đánh mất những hình ảnh tốt đẹp nhất nơi bản thân mình. Họ bắt đầu thấy mình trần truồng nhớp nhơ, và thấy mình chìm trong khổ đau.

 

Cơn khủng hoảng đầu tiên này quá to lớn đến nỗi con người không thể tự mình thoát ra khỏi. Và Thiên Chúa đã phải ra tay xử lý khủng hoảng. Cách xử lý của Ngài sau đó trở thành bài học căn bản cho mọi chuyên viên mục vụ PR, khi họ muốn xử lý khủng hoảng cho thân chủ của mình.

 

15. KHỦNG HOẢNG CON TIM (1)

 

Chỉ ăn một trái cây bị cấm thôi mà Adam Eva đã bị Chúa phạt khủng khiếp như thế sao? Hẳn ai cũng biết rằng chẳng phải thế! “Ăn trái cấm” chỉ là một cách diễn tả sự đoạn tuyệt của trái tim con người đối với Thiên Chúa.

 

Con người muốn quay lưng, muốn cắt đứt với Thiên Chúa, muốn đoạn tuyệt với tình yêu: “Con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa” (St 3,8).

 

Dù nhận ra sự nhớp nhơ trơ trụi của bản thân, họ vẫn ở lỳ trong thái độ ích kỷ, không nhận ra lỗi của mình. Họ đổ lỗi cho kẻ khác một cách hèn hạ, đổ lỗi cho chính người mình yêu thương: “Con người thưa: Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” (St 3,12) Con tim thiếu vắng tình yêu đã làm cho đầu óc ra mờ tối và chai lỳ. Chai lỳ trong sự đoạn tuyệt với Chúa và hèn hạ tàn nhẫn đối với nhau. Hậu quả tất nhiên là triền miên đau khổ.

 

Như vậy khủng hoảng đầu tiên trong lịch sử nhân loại là khủng hoảng của con tim, một con tim thiếu vắng tình yêu đối với Chúa và với nhau. Không còn tin Chúa. Không còn tin nhau. Và chai lỳ trong đó, như cách diễn tả của các ngôn sứ: trái tim con người đã trở thành đá! Như vậy làm sao con người có thể tự mình ra khỏi khủng hoảng này được. Họ đã ra khỏi thế giới của tình yêu, ra khỏi Vườn Địa Đàng của yêu thương, nên vô phương tự cứu mình.

 

Rất may, việc xử lý khủng hoảng kinh hoàng đầu tiên này đã được Thiên Chúa đảm nhận. Ngài xử lý khủng hoảng này bằng cách đi tìm gặp gỡ con người, đối thoại với họ, giúp con người giáp mặt với nguyên nhân là tội lỗi của họ, và giúp họ đối diện với hậu quả của tội. Rồi Ngài xử lý khủng hoảng này bằng tình yêu chăm sóc. Dù con người quay lưng lại với Chúa, Chúa vẫn tiếp tục chăm sóc họ: “Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ” (St 3,21). Và Ngài lên một kế hoạch dài hơi để biến đổi trái tim bằng đá của con người thành trái tim bằng thịt. Ngài báo trước với con rắn: “Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15).

 

Mọi khủng hoảng đều khởi đi từ trái tim con người. Khi lên kế hoạch để xử lý khủng hoảng, Kitô hữu cần quan tâm đến trái tim con người, và quan tâm đến ơn Chúa. Không có Chúa, khủng hoảng đầu tiên, cũng là khủng hoảng căn bản của loài người, không bao giờ giải quyết được...

 

16. KHỦNG HOẢNG CON TIM (2)

 

“Luật dạy: Chớ giết người... Còn Thầy, Thầy bảo: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.” (Mt 5,21-22)

 

Giận là nguyên nhân của giết người. Cần phải khử nguyên nhân, cần diệt tội từ gốc. Vì thế, con tim không giận ghét, đấy là điều Chúa muốn.

 

Ra khỏi Vườn Địa Đàng của yêu thương, con tim loài người đã ra hư hỏng, chai lỳ. Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng cũng vì đó. Để xử lý khủng hoảng triền miên này, Chúa đã đến trần gian để chữa trị con tim loài người bằng cách đặt trái tim Ngài cận kề trái tim con người: trái tim nói với trái tim. Gioan cận kề bên lòng Chúa, đấy là một hình ảnh của trái tim nói với trái tim.

 

Những câu Lời Chúa mang đầy tính lề luật trong Mt 5,17-37 cũng đều là những lo lắng của trái tim Giêsu, muốn cho trái tim con người mềm ra, đẹp ra. Để rồi, hành vi của con người cũng sẽ tốt hơn, đẹp hơn.

 

Chuyên viên PR cần nghe được tiếng nói của trái tim Chúa, tiếng nói có sức mạnh biến đổi trái tim họ.

 

Chuyên viên PR cần nghe được tiếng nói của trái tim tha nhân, tiếng nói có khả năng biến đổi cách ứng xử của họ.

 

Chuyên viên PR cần nghe được tiếng nói của trái tim của chính mình, để họ hiểu rằng họ cần Chúa biết bao, cần cận kề bên Chúa luôn mãi...

 

17. XỬ LÝ KHỦNG HOẢNG

 

Đức Giêsu rao giảng về Nước Trời và bản thân Ngài là hiện thân của Nước Trời.

 

Khi bà con Chúa gọi Ngài là kẻ mất trí và khi các thầy thông luật từ Giêrusalem đến gọi Ngài là đồng bọn của quỷ Beelzebul, họ đã tạo ra một hình ảnh kinh khủng về Chúa Giêsu và một hình ảnh rùng rợn về Nước Trời của Ngài.

 

Một hoàn cảnh như thế, theo ngôn ngữ PR, là một khủng hoảng, cần phải xử lý ngay. Không thể để cho dân chúng có một hình ảnh sai lệch đến rùng rợn như vậy trong đầu óc được. Nó sẽ tai hại vô cùng cho vận mạng đời đời của họ.

 

Đứng trước một khủng hoảng, giới PR xử lý như thế nào? Và đứng trước khủng hoảng này, Chúa Giêsu đã xử lý ra sao?

 

Xử lý khủng hoảng của giới PR có thể là:

 

- Cấp thời nghiên cứu sự kiện,

 

- Triệu tập Đội Xử lý khủng hoảng,

 

- Chọn phát ngôn viên lâm thời,

 

- Soạn cấp thời một tuyên bố tạm,

 

- Xác định giới công chúng cần tiếp xúc,

 

- Xác định phương tiện truyền thông cần dùng,

 

- Theo sát diễn tiến...

 

Trước khủng hoảng về hình ảnh Nước Trời, Chúa Giêsu đã:

 

- Nắm bắt ngay sự kiện (tất nhiên rồi, vì Ngài là Thiên Chúa!),

 

- “Đội Xử lý khủng hoảng của Ngài” (gọi như vậy có xúc phạm không?) gồm chính Ngài và Chúa Thánh Thần, dưới sự “chỉ huy” trực tiếp của Chúa Cha (Trong sự kết hợp và cầu nguyện thường hằng, Chúa Giêsu luôn làm việc chặt chẽ với “Đội Xử lý” của Ngài),

 

- Ngài là phát ngôn viên cốt yếu của Chúa Cha và của Nước Trời.

 

- Ngài tuyên bố ngay: “Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền” và “ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.”

 

- Giới công chúng và phương tiện truyền thông Chúa chọn: “Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ...” (Mc 3,24)

 

Trước những khủng hoảng xảy ra trong Giáo Hội và trong cộng đoàn của chúng con, xin Chúa dạy chúng con biết phải làm ngay những gì, và làm theo gương của Chúa trong Bài Tin Mừng hôm nay, với những phương tiện của thời đại hôm nay do Chúa đặt vào tầm tay của chúng con...

 

18. KHỦNG HOẢNG KHÔNG NGỜ

 

Men làm cho bột phồng lên.

 

Men Pharisêu làm cho sự giả hình, kiêu ngạo lớn lên trong xã hội. Do sự giả hình, nguỵ trang khéo léo, khủng hoảng lan rộng mà người ta không hay biết. Cái chết lan rộng mà người ta không ngờ. Điều này mới cực kỳ nguy hiểm.

 

Chúa nhắc các môn đệ phải tránh loại men rùng rợn này. Phải chặn đứng nó, trước hết nơi bản thân mình.

 

Nhân viên PR cần tránh men Pharisêu, tránh những lời nói tốt nhằm che đậy việc làm xấu. Tránh nói tốt để lừa dối chính mình. Luôn tự hỏi: tôi đang là hình ảnh của Chúa, hay là mồ mả tô vôi? Không cảnh giác như vậy, sự dối trá sẽ thể hiện và trước sau gì cũng bị phát hiện. Uy tín không còn, tín nhiệm không có, thế là mọi nỗ lực PR trở thành “công cốc”!

 

19. TIẾC CỦA VÀ LÀM PR CHO CHÚA

 

Những người Ghêrasa vì tiếc của, tiếc những con heo lao xuống biển hồ, nên khước từ Chúa. Của cải khiến họ mờ mắt, không thấy những điều kỳ diệu Chúa vừa làm cho họ, và sẽ còn làm cho họ.

 

Vì tiếc của, họ đã có cái nhìn lệch lạc về Chúa. Trong mắt họ, Chúa là kẻ gây thiệt hại vật chất cho họ. Họ không nhìn thấy hình ảnh của một Đấng đã đến đem bình an cho khu xóm của họ khi Ngài trừ quỷ. Họ không thấy hình ảnh của một Đấng đã ban cho họ mọi thứ, vật chất cũng như tinh thần. Họ không thấy hình ảnh của một Đấng giàu có khôn lường và quảng đại vô cùng, đang đến thăm họ để ban cho họ muôn ơn lành. Cái nhìn của họ thật thiển cận. Họ đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng. Tất cả chỉ vì một cái nhìn lệch lạc.

 

Chúa ra khỏi khu vực của họ theo như lời yêu cầu. Và khi người được trừ quỷ xin theo Chúa, “Người không cho phép, Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.” Anh ta đã cảm nhận được tình thương của Chúa, và Chúa cũng muốn dân Ghêrasa cảm nhận được tình thương này. “Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giêsu đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.” (Mc 5,19-20) Vâng, Chúa đã muốn nhờ anh ta thay đổi cái nhìn thiển cận của dân Ghêrasa. Làm thay đổi cái nhìn, thay đổi công luận cho đúng đắn hơn, đấy công việc của PR.

 

Vì ham hố sự thế gian, tôi cũng thường có cái nhìn thiển cận như người Ghêrasa. Xin Chúa thay đổi cái nhìn của tôi, để rồi như người được trừ quỷ, tôi cũng biết làm PR cho Chúa.

 

II. CHƯƠNG TRÌNH MÔN MỤC VỤ PR

 

PR hay Quan Hệ Công Chúng là một ngành chuyên môn, hướng dẫn việc lên kế hoạch truyền thông, nhằm xây dựng quan hệ, hình ảnh, công luận và sự tín nhiệm ủng hộ đúng đắn, với một công chúng được xác định, để thể hiện chân lý và tình yêu, nhờ đó hai bên cùng có lợi, cùng hạnh phúc.

 

Môn Mục vụ Quan Hệ Công Chúng như vậy hết sức cần thiết cho các tín hữu cũng như các cộng đoàn, nhằm tạo quan hệ tốt và giới thiệu hình ảnh tuyệt vời của Chúa nơi mọi cộng đoàn, cũng như nơi bản thân người tín hữu.

 

Môn Mục vụ Quan Hệ Công Chúng được giảng dạy tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TP.HCM với chương trình như sau:

 

II. Môn Mục vụ PR

 

I. Ý niệm Mục vụ PR

 

A. Định Nghĩa PR

 

1. Kế hoạch truyền thông

 

2. Nhằm xây dựng quan hệ, hình ảnh, công luận và sự ủng hộ đúng đắn

 

3. Với một công chúng được xác định

 

4. Để thể hiện chân lý và tình thương

 

5. Nhờ đó hai bên cùng có lợi, cùng hạnh phúc

 

B. Nền tảng Kinh Thánh của PR

 

C. Các Nhóm Mục vụ PR

 

1. PR Giáo hạt

 

2. PR Dòng tu

 

3. PR Các Ban Mục vụ

 

4. PR Trường Truyền Thông

 

5. PR Phóng viên

 

II. Các mẫu thủ bản PR

 

III. Diễn tiến công việc PR

 

A. Nghiên cứu

 

1. Phương pháp

 

• Định lượng & định tính

 

• Sơ cấp & thứ cấp

 

• Theo thể thức & không thể thức

 

2. Kỹ thuật

 

• Điều tra

 

• Nhóm trọng điểm

 

• Thẩm vấn sâu

 

• Phân tích các phản hồi

 

• Phân tích dữ liệu

 

• Điển cứu

 

• Theo dõi truyền thông

 

• Quan sát môi trường

 

B. Lập kế hoạch

 

1. Phân tích tình thế (Situation analysis)

 

2. Mục đích (Goals) và Mục tiêu (Objectives)

 

3. Công chúng mục tiêu (Key publics)

 

• Tìm hiểu các nhóm công chúng

 

• Tiêu chí xác định và phân khúc

 

• Các nhóm công chúng, các giới trong Giáo hội

 

4. Chiến lược (Strategies) và Chiến thuật (Tactics)

 

5. Lịch trình (Calendar/Timetable)

 

6. Ngân sách (Budget)

 

7. Lượng giá (Evaluation)

 

8. Tóm tắt cho lãnh đạo (Executive summary)

 

9. Giới thiệu tổng quan về tổ chức (Background)

 

C. Thực hiện truyền thông

 

1. Truyền thông có kiểm soát

 

• Quảng cáo có trả tiền (Advertising)

 

• Ấn phẩm (Press kit) do mình soạn và in: thông cáo báo chí (press release), bản tin (newsletter), tờ gấp (brochure), tờ rời (leaflet), tờ bướm (flyer), báo cáo năm, thư trực tiếp...

 

• Video, audio, website do mình thực hiện...

 

2. Truyền thông không kiểm soát

 

• Quan hệ với giới truyền thông và cung cấp dữ liệu có kiểm soát nói trên (Publicity)

 

• Giao tiếp cá nhân (Personal communication)

 

• Tổ chức Sự kiện (Event)

 

• Tài trợ (Sponsorship)

 

D. Lượng giá

 

1. Tiêu chí:

 

• Định lượng: số người biết đến/tham dự, số kênh đưa tin...

 

• Định tính: thái độ & mức độ hưởng ứng, vị trí của bài báo...

 

2. Công cụ đo lường

 

• Đo lường thông điệp lan truyền

 

• Đo lường nhận thức

 

• Đo lường thái độ

 

• Đo lường hành vi

 

• Đo lường sản lượng

 

E. Công việc mục vụ PR trong Kinh Thánh & lịch sử Giáo Hội

 

IV. Các điều kiện để thành chuyên viên mục vụ PR

 

A. Chuyên viên PR

 

1. Điều kiện

 

• Có kiến thức sâu rộng

 

• Tính sáng tạo

 

• Tính trung thực

 

• Khả năng tổ chức

 

• Kỹ năng giao tiếp và viết lách

 

• Khả năng ra quyết định

 

2. Công việc

 

3. Kỹ năng giao tiếp hiệu quả

 

• Kỹ năng mềm căn bản người làm PR

 

• Giao tiếp và truyền thông trực tiếp

 

B. Chuyên viên mục vụ PR

 

1. Đức Kitô, mẫu gương mục vụ PR

 

2. Linh đạo truyền thông

 

3. Thực hành linh đạo truyền thông

 

4. Thực hành mục vụ PR

 

5. PR & tình yêu đối với Đức Kitô

 

V. Lịch sử PR

 

VI. Luật pháp & Đạo đức PR

 

VII. Quan hệ với giới Truyền thông (Media relation)

 

A. Đức Giêsu và media

 

B. Văn kiện Toà Thánh về media

 

C. Các loại media: in ấn, audio & video, phát sóng, new media, traditional media

 

D. PR và Truyền Thông

 

E. Làm việc với giới Truyền Thông (5Fs: Fast, Factual, Frank, Fair, Friendly)

 

F. Tìm hiểu Truyền Thông

 

G. Tin tức

 

1. Định nghĩa

 

2. Yếu tố

 

3. Cách tạo tin tức

 

H. Công cụ tác nghiệp

 

1. Media kit

 

Nhấn mạnh:

 

a. Press Release

 

b. Newsletter

 

c. Blog

 

2. Họp báo

 

3. Phỏng vấn

 

4. Mời tham dự sự kiện

 

VIII. Tổ chức sự kiện (Event management)

 

A. Các chỉ dẫn để lên chương trình

 

B. Những chi tiết quan trọng cần nhớ

 

C. Thời khoá biểu

 

D. Truyền thông để phổ biến

 

E. Bản liệt kê kiểm tra

 

IX. Xử lý khủng hoảng (Crisis management)

 

A. Cấp thời nghiên cứu sự kiện

 

B. Triệu tập Đội Xử lý khủng hoảng

 

C. Chọn phát ngôn viên lâm thời

 

D. Soạn cấp thời một tuyên bố tạm

 

E. Xác định giới công chúng cần tiếp xúc

 

F. Xác định phương tiện truyền thông cần dùng

 

G. Theo sát diễn tiến

 

X. Làm PR cho Chúa

 

A. PR cho Chúa nơi bản thân

 

1. Cầu nguyện

 

2. Bác ái

 

3. Truyền thông

 

4. Blog

 

B. PR cho Chúa nơi cộng đoàn

 

1. Tổ PR

 

2. Kế hoạch PR

 

3. Tổ chức sự kiện

 

4. Kế hoạch Xử lý khủng hoảng.

 

 

Chương trình học trên đây là những kiến thức cơ bản cần có để có thể thực hiện mục vụ PR cho Chúa trong thế giới hôm nay.

 

III. MỤC VỤ PR VÀ INTERNET



Internet là cả một kho công cụ rất hữu hiệu mà Mục vụ PR có thể sử dụng để tạo hình ảnh, công luận và sự tín nhiệm ủng hộ đúng đắn cho Chúa, cho Giáo Hội, khi diễn tả chân lý và tình yêu của Đức Kitô trên thế giới mạng điện toán. Trong kho công cụ internet, Mục vụ PR có thể sử dụng các trang web, mạng xã hội, blog...

 

1. MỤC VỤ PR VÀ BLOG

 

Blog được mệnh danh là một phương tiện đối thoại đơn sơ, trần trụi, tự phát, không cần gọt giũa nhiều. Và là cuộc đối thoại toàn cầu. Mọi người trên thế giới đều có thể vào một blog của bất kỳ ai đó trên thế giới ảo để comment, trò chuyện. Niềm tin vào sự đối thoại chân thành nhưng đầy thách đố này đã mang lại những hiệu quả diệu kỳ. Giống như cuộc đối thoại rất “sốc” nhưng chân thành giữa Chúa Giêsu và người đàn bà ngoại giáo Syrô-phênixi trong đoạn Tin Mừng Mc 7,24-30.

 

Niềm tin của người đàn bà ngoại giáo Syrô-phênixi này thật quá mạnh. Chính niềm tin đơn sơ nhưng mạnh mẽ, diễn tả trong một cuộc đối thoại khá “sốc” (ví dụ: “không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con!”), khiến cho một bà goá vô danh tiểu tốt được nhắc đến mãi mãi trên toàn thế giới.

 

Bà goá trong câu chuyện Tin Mừng này khiến người ta liên tưởng đến một người đàn bà khác, cùng với blog của bà, được kể lại trong bài báo “Bí mật sự thành công của một blog”:

 

… Khởi đầu là một blog cá nhân của Arianna Huffington, nhà báo Mỹ gốc Hy Lạp, Huffington Post đã trở thành tâm điểm của các tranh luận chính trị ở Mỹ, thu hút khoảng 26 triệu khách truy cập mỗi tháng. Và mới đây, AOL đã đồng ý chi hơn 300 triệu USD để mua lại blog này.

 

Vụ AOL đồng ý mua lại blog này với giá 315 triệu USD hôm 7/2 càng chứng tỏ sức hấp dẫn của Huffington Post. Dự kiến, hàng triệu độc giả của Huffington Post sẽ mang lại cho AOL hàng triệu Mỹ kim tiền quảng cáo, trong bối cảnh mảng hoạt động kinh doanh internet dial-up của hãng đang suy giảm...

 (http://thegioidientu.com/tin-tuc-cong-dong-mang,29739-bi-mat-su-thanh-cong-cua-mot-blog.aspx

http://www.thegioididong.com/tin-tuc-cong-dongmang,29739-bi-mat-su-thanh-cong-cua-mot-blog. Aspx http://tuoitre.vn/the-gioi/the-gioi-muonmau/395270/%E2%80%9Csu-tuong-tac-la-tai-san-vogia%E2%80%9D.html)

 

Blog là nhật ký được thực hiện trên mạng internet. Đây được coi là một phương tiện truyền thông rất đơn sơ. Ai cũng có thể thực hiện được một blog miễn phí cho mình. Nhưng từ một khởi điểm đơn sơ, sau một thời gian được triển khai, blog Huffington Post đã trở nên hết sức phong phú và đã mang lại cho chủ nhân của nó 315 triệu USD, làm cho bà chủ blog Arianna Huffington duyên dáng này trở thành một nữ blogger đầy quyền lực.

 

Blog cũng đã từng đóng góp đáng kể vào việc thắng cử của Tổng thống Obama vì vị Tổng thống da màu này đã biết tận dụng mọi khả năng của blog.

 

Thủ tướng Anh, Nhật Bản, Canada, Australia, Na Uy, New Zealand, Đan Mạch, Israel, các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Malaysia, Latvia, Tổng thống Iran, Chile, Nga, Philippines, Hoàng hậu Jordan cùng rất nhiều vị nguyên thủ lừng danh khác cũng đã thành công dân mạng. Blog (chứ không phải các trang web chính phủ) đã giúp họ thay đổi cách tiếp cận người dân.

 

Blog VIS (Vatican Information Service) của Toà Thánh cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc loan báo Tin Mừng toàn cầu, loan báo như một cuộc đối thoại đa chiều.

 

Nhiều Kitô hữu vẫn đang cần mẫn từng ngày suy niệm Lời Chúa, và từng ngày đưa những suy niệm cá nhân đơn sơ chân thành này lên blog. Những suy tư giống như những hạt giống được gieo lên thế giới mạng. Và nhiều người khác tình cờ đọc được những chia sẻ chân thành nhưng nóng bỏng này. Thế là hạt giống nẩy mầm... Những bloggers (người viết blog) này đang là những người làm mục vụ PR cho Chúa và Giáo Hội trên không gian điện toán toàn cầu. Họ đang làm cho hình ảnh của Chúa toả sáng trên internet.

 

2. MỤC VỤ PR VÀ MẠNG XÃ HỘI

 

Mạng xã hội (social media / social network) là một dạng web, được ví như một ngôi làng, cho phép người lướt web có thể đăng ký tham gia để có một mảnh đất và xây một “ngôi nhà” của mình trong ngôi làng ấy. Họ “xây nhà” bằng cách đưa lên “mảnh đất” của mình những bài vở, hình ảnh, audio, video, viết blog, gửi email, chat và giao lưu với mọi người trong ngôi làng để có vô số bạn bè trên toàn thế giới.

 

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều mạng xã hội khác nhau. Nổi tiếng nhất là Facebook, MySpace, Twitter, Linked In, Orkut, Hi5, Friendster, Bebo, CyWorld, Mixi... Ở Việt Nam có những mạng xã hội Zing Me, YuMe, Tamtay Go.vn, AZU.vn...

 

Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất, được Mark Zuckerberg xây dựng vào năm 2004. Theo Wikipedia, “Ngôi làng” này đã có “dân số” (số người đăng ký tạo nhà của mình trên Facebook) khoảng nửa tỷ người. Tạp chí Time danh tiếng đã chọn Mark Zuckerberg làm nhân vật của năm 2010. Facebook đã đóng góp và tạo ra thay đổi rất lớn lên thế giới. Facebook không chỉ mang đến cách mới để làm những điều cũ mà mang đến cách mới cho mọi việc.

 

Một trang mạng xã hội nổi tiếng khác là Twitter. Twitter cung cấp dịch vụ blog tí hon, cho phép người sử dụng đưa những bản tin mới nhất của mình lên đó với không quá 140 ký tự. Thành lập vào năm 2006, đến năm 2010 Twitter đã có 190 triệu “cư dân”.

 

Bí quyết thành công của Twitter là sự đơn giản. Lợi thế giới hạn 140 ký tự làm người đưa tin cũng như người đọc tin thoải mái vì tiết kiệm được nhiều thời gian biên soạn cũng như đón nhận. Sự ra đời của ngày càng nhiều các dịch vụ và ứng dụng ăn theo Twitter khiến cho việc sử dụng Twitter trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn bao giờ hết. Hàng ngàn thương hiệu lớn như Sony, Fox, BBC, O’Reilly Media, Reuters, Apple, Dell... đã khai thác Twitter như một kênh quảng bá, tiếp thị và chăm sóc khách hàng. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng sử dụng Twitter như một phần trong chiến dịch tranh cử và tính đến thời điểm này ông đã có hơn 410.000 “followers”. “Công chúa nhạc Pop” Britney Spears cũng tạo tài khoản chính thức trên Twitter thu hút gần 350.000 “followers”.

 

Nói đến mạng xã hội thì không thể bỏ qua YouTube. Trước khi YouTube xuất hiện vào năm 2005, có rất ít phương pháp dễ dàng cho người dùng máy tính thông thường tải lên những đoạn video trực tuyến. Bằng giao diện đơn giản, YouTube khiến cho bất cứ ai cũng có thể gửi lên một đoạn video mà mọi người trên thế giới có thể xem được trong vòng vài phút, chỉ với một kết nối internet. Các chủ đề với lĩnh vực đa dạng mà YouTube bao trùm đã khiến cho việc chia sẻ video trở thành một trong những phần quan trọng nhất của việc trao đổi trên internet.

 

Chỉ một năm sau khi thành lập, vào ngày 16.6.2006, YouTube đã công bố mỗi ngày có đến 100 triệu video clip được người lướt web vào xem, và năm đó đã có khoảng 20 triệu người đăng ký làm “cư dân” của YouTube. Ảnh hưởng của YouTube lớn đến nỗi có người nói rằng nếu chưa vào xem YouTube thì chưa biết internet là gì! Tất nhiên đây là công cụ rất tốt cho mục vụ PR.

http://www.sapiensbryan.com/index.php/100-millionvideos-viewed-on-youtubecom-everyday/

http://www.warungdigital.com/every-day-200-millionvideo-viewers-retrieved-youtube-mobile.htm

 

Hiểu rõ tầm quan trọng của các trang mạng xã hội, nên vào ngày 25.5.2009, ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2009, Toà Thánh Vatican đã thiết lập trang web pope2you.net để tiếp cận được với các “cư dân” của Facebook, YouTube, Iphone. Người ta cũng có thể vào các địa chỉ web http://twitter.com/VATICAN và http://www.youtube.com/vatican để gặp được Đức Giáo Hoàng trên những trang mạng xã hội nổi tiếng này.

 

Trên trang web Pope2You, người ta có thể đọc thấy những mục tiêu:

 

- Pope2You cho Facebook: Bạn có thể gặp được ĐTC trên Facebook, nghe được, thấy được và nhận được postcard chúc mừng của ĐTC. Bạn có thể tạo nên một vòng thân hữu với mọi người, cùng nhau chia sẻ Sứ điệp của ngài.

 

- Ngắm nhìn ĐTC trên YouTube: nhìn xem những biến cố trong đời sống của Giáo Hội và về ĐTC trên YouTube.

 

- Cùng đi với ĐTC và Giáo Hội qua iPhone and iPod của bạn nhờ chương trình H2Onews.

 

Toà Thánh Vatican đã sử dụng mạng xã hội nổi tiếng như thế để giới thiệu hình ảnh của Đức Kitô, cũng có nghĩa là làm mục vụ PR cho Chúa cho thế hệ @.

 

Giáo Hội cũng tạo lập những mạng xã hội của mình. Một trong những mạng này là xt3.net, chuyên về bạn trẻ và những ngày Quốc tế giới trẻ. Ở Việt Nam cũng có trang mạng xã hội Công giáo như titocovn.com...

 

III. KẾT LUẬN

 

Chúa Giêsu, với tư cách là nhà truyền thông trọn hảo, đã làm gương cho ta về phong cách quan hệ công chúng của ngài. Ngài đã tận dụng mọi phương tiện truyền thông của thời Ngài để tiếp cận với công chúng và loan báo Tin Mừng.

 

Đức Giáo Hoàng và Toà Thánh Vatican cũng không bỏ qua bất cứ “món quà” truyền thông nào của thời đại để tiếp xúc và giới thiệu hình ảnh tốt đẹp trung thực về Đức Kitô và hướng dẫn để có công luận đúng đắn về Giáo Hội.

 

Và đấy là những tấm gương để chúng ta noi theo... 

Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ