Truyền thông với người khác
Truyền thông với người khác
Khi ta truyền thông với chính ta thì ta bắt đầu truyền thông với người khác. Nếu không đi được bước đầu ấy thì không đi được bước kế tiếp. Không nên vì lơ là mà không dành thì giờ trong ngày để sống tĩnh lặng và truyền thông với chính mình.
Tất cả chúng ta vốn có nhiều nhận thức sai lầm và nhiều đau khổ. Khi truyền thông với người khác phải ý thức rằng đau khổ và nhận thức sai lầm vẫn còn trong ta. Nếu ta ý thức hơi thở vào, hơi thở ra thì ta sẽ nhớ rằng mục đích duy nhất của truyền thông với tâm thương yêu là giúp người khác bớt khổ. Nếu chúng ta nhớ như thế là chúng ta đã thành công, là chúng ta đã góp thêm niềm vui và làm vơi đi nỗi khổ cho đời.
Chào hỏi
Mỗi khi truyền thông với người khác thì nên nhớ rằng trong ta và người kia đều có một vị Bụt. “Bụt” chỉ là tên gọi của khả năng tối thượng hiểu biết và thương yêu trong mỗi chúng ta. Ta có thể gọi bằng một tên gọi gì khác cũng được, ví dụ như Tuệ giác hay Thượng đế. Chúng ta có thể thở, cười, đi như thế nào để vị Bụt trong ta có cơ hội hiển lộ.
Tại Làng Mai, mỗi khi gặp ai, chúng tôi chắp tay, cúi đầu chào kính cẩn vì chúng tôi biết rằng trong người ấy có một vị Bụt mặc dù phong thái hay cách nói năng của người ấy hoàn toàn không giống như một vị Bụt có khả năng hiểu và thương. Chúng ta biết rằng nếu chúng ta chào một cách kính cẩn và tươi mát là chúng ta giúp cho vị Bụt trong người kia hiển lộ. Chắp tay và cúi đầu chào như thế không chỉ là một động tác theo nghi lễ. Đây là một thực tập tỉnh thức. Khi đưa hai bàn tay lên và chắp lại, hãy thở vào, ra trong chánh niệm. Hai bàn tay làm thành búp sen. Nếu bạn làm như thế một cách chân thành thì bạn có thể thấy những khả năng trong người kia. Trong khi bạn thở, bạn nói thầm:
“Búp sen xin tặng người
Một vị Bụt tương lai.”
Khi chắp tay, chúng ta phải chú tâm. Nếu không thì chỉ là động tác suông. Đóa sen trong hai bàn tay của bạn là một tặng phẩm cho người kia. Cúi đầu chào là ghi nhận nét đẹp nơi người kia.
Tại các nước Á châu, người ta không bắt tay khi gặp nhau. Chúng tôi chỉ chắp tay và vái chào. Cách đây khoảng 160 năm, người Pháp đến Việt Nam và họ dạy chúng tôi bắt tay. Ban đầu chúng tôi thấy bắt tay là buồn cười, nhưng chúng tôi học rất nhanh. Bây giờ thì ai cũng bắt tay, nhưng chúng tôi vẫn còn chắp tay vái chào, nhất là khi gặp nhau trong chùa hay đền thờ. Ngoài đời hay trong sở làm, chắp tay chào chắc không mấy hợp thời nhưng khi gặp một ai bạn có thể nhìn vào mắt người ấy. Dù cho bạn mỉm cười, nói lời chào hỏi, hay bắt tay, trong thâm tâm bạn vẫn đang hiến tặng cho người ấy một đóa sen, như để nhớ lại vị Bụt trong mỗi chúng ta.
Hai yếu tố căn bản của truyền thông với tâm thương yêu
Chúng ta truyền thông để hiểu người khác và để người khác hiểu ta. Nếu ta nói mà không ai nghe ta (hoặc là ta không nghe ta) thì ta không thực sự truyền thông. Có hai điều kiện căn bản để cho truyền thông có hiệu quả: thứ nhất là nghe sâu, thứ nhì là ái ngữ. Theo tôi, nghe sâu và ái ngữ là hai phương tiện tốt nhất để thiết lập và phục hồi truyền thông với những người khác và làm vơi bớt khổ đau.
Chúng ta ai cũng muốn được hiểu. Khi tạo lập quan hệ với người khác, đặc biệt là khi ta không ý thức cũng như không lắng nghe sâu niềm đau nỗi khổ của ta, ta chỉ lo làm sao người khác hiểu ta ngay. Ta muốn nói ra ngay điều mình muốn nói. Tuy nhiên, nói trước như thế không có hiệu quả. Trước hết phải lắng nghe sâu. Thực tập chánh niệm để ghi nhận khổ đau và ôm ấp khổ đau của ta và của người kia đưa đến cảm thông cần thiết cho sự truyền thông tốt đẹp.
Lắng nghe sâu là lắng nghe với ý muốn giúp người khác bớt khổ. Khi lắng nghe với tâm thương yêu thì ta không bị kẹt vì óc phán xét. Có thể là ta có phán xét nhưng ta không ôm giữ phán xét. Lắng nghe sâu có khả năng tạo ra niềm vui, tạo ra hạnh phúc và giúp ta xử lý tình huống gây ra đau khổ.
Đây là lúc chỉ để lắng nghe
Lắng nghe là một thực tập kỳ diệu. Nếu bạn lắng nghe ai trong khoảng 30 phút, bạn có thể giúp người ấy bớt đau khổ rất nhiều. Nếu không thực tập chánh niệm với tâm thương yêu, bạn không thể lắng nghe lâu được. Chánh niệm với tâm thương yêu nghĩa là lắng nghe với ý muốn giúp người kia bớt đau khổ. Có thể ý muốn của bạn là chân thành, nhưng nếu bạn không thực tập lắng nghe bạn trước nhất và không thực tập chánh niệm với tâm thương yêu thì không bao lâu bạn sẽ mất đi khả năng lắng nghe.
Người kia có thể nói những lời sai lầm, cay chua, buộc tội, trách móc. Nếu không có chánh niệm, những lời người ấy nói sẽ làm cho bạn bực mình, phán xét, tức giận và không còn khả năng lắng nghe với tâm thương yêu. Vì vậy mà bạn phải tu tập để có thể giữ mãi tâm thương yêu trong khi nghe. Nếu bạn có thể giữ mãi tâm thương yêu thì những hạt giống của giận dữ và phán xét sẽ không được tưới tẩm và trỗi dậy. Chúng ta phải rèn luyện trước để có được khả năng lắng nghe những người khác.
Cũng có khi chúng ta chưa sẵn sàng để lắng nghe thì cũng không sao. Nếu khả năng lắng nghe của ta chưa mấy vững thì tốt hơn là nên tạm dừng lại và tiếp tục vào một ngày khác. Không nên ép mình quá đáng. Hãy tiếp tục thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm cho đến khi cảm thấy đã sẵn sàng để thực sự lắng nghe người kia. Ta có thể nói: “Tôi muốn nghe anh (chị) nói khi tôi cảm thấy bình tĩnh, thoải mái nhất. Vậy chúng ta sẽ tiếp tục bàn chuyện vào ngày mai nhé!”.
Sau đó, khi đã sẵn sàng để lắng nghe sâu thì ta có thể lắng nghe mà không ngắt lời người kia. Nếu ngắt lời hay cải chính những gì người ấy nói thì ta sẽ biến buổi nói chuyện thành một cuộc tranh cãi và phá hỏng nó. Sau khi lắng nghe sâu và để cho người kia có cơ hội giãi bày hết tâm tư, ta sẽ có cơ hội nói cho người ấy biết một vài điều để giúp người ấy cởi bỏ nhận thức sai lầm. Nhưng không nên nói liền lúc đó. Bây giờ thì chỉ lắng nghe thôi, mặc dù người ấy có nói điều gì sai quấy. Chính nhờ thực tập với chánh niệm mà ta có thể tiếp tục lắng nghe sâu.
Ta phải để thì giờ tìm hiểu khổ đau của người ấy. Phải có sự chuẩn bị. Lắng nghe sâu chỉ có một mục đích là giúp người kia bớt khổ. Mặc dù người ấy nói điều sai quấy, ta phải tiếp tục lắng nghe với tâm thương yêu càng lâu càng tốt. Ta có thể tự nhắc nhở mình bằng cách nói thầm:
“Tôi đang lắng nghe người này chỉ với một mục đích giúp cho người ấy bớt đau khổ”.
Hãy luôn ghi nhớ mục đích của việc lắng nghe sâu. Chừng nào ta còn giữ được tâm thương yêu thì ta sẽ được an toàn. Mặc dù lời lẽ người ấy đầy nhận thức sai lầm, đầy chua chát, giận dữ, trách móc, buộc tội, ta vẫn được an toàn.
Hãy nhớ rằng những gì người ấy nói ra là do thành kiến và hiểu lầm. Bạn sẽ có dịp nói cho người ấy vài điều để giúp cho người ấy cởi bỏ nhận thức sai lầm nhưng không phải là ngay bây giờ. Bây giờ là lúc chỉ để lắng nghe. Nếu bạn có thể duy trì chánh niệm thương yêu trong khoảng ba mươi phút thì tâm bạn sẽ tràn đầy năng lượng yêu thương và bạn sẽ được an toàn. Chừng nào còn tâm thương yêu thì bạn còn có thể lắng nghe an nhiên tĩnh lặng.
Bạn biết rằng người kia đang đau khổ. Khi chúng ta không biết cách ứng xử với khổ đau trong ta thì ta sẽ mãi khổ đau và làm cho những người quanh ta khổ đau. Khi người kia không biết cách ứng xử với khổ đau thì người ấy sẽ là nạn nhân của khổ đau. Nếu bạn để cho những phán xét, sợ hãi, và giận dữ của người ấy xâm nhập thì bạn sẽ trở thành nạn nhân thứ hai. Nhưng nếu bạn biết lắng nghe sâu, biết rằng những điều người ấy nói là do đau khổ thì bạn sẽ được năng lượng thương yêu che chở.
Bạn chỉ muốn người ấy bớt đau khổ. Bạn không phán xét, trách móc gì người ấy nữa.
Thương yêu phát sinh từ hiểu biết
Lắng nghe sâu với tâm thương yêu, bạn sẽ hiểu người kia sâu sắc hơn và thương yêu sẽ được nuôi dưỡng. Nền tảng của thương yêu là hiểu biết, và hiểu biết trước hết là hiểu biết khổ đau. Tất cả chúng ta đều cần được thấu hiểu. Nếu chúng ta thương yêu ai và muốn cho người ấy được hạnh phúc thì chúng ta phải hiểu nỗi khổ niềm đau của người đó. Nhờ có hiểu biết mà tình yêu của bạn sẽ sâu đậm và trở thành Tình Yêu Chân Thật. Lắng nghe khổ đau là một yếu tố cần thiết để phát triển hiểu và thương.
Tôi định nghĩa hạnh phúc như là khả năng hiểu và thương, bởi vì không có hiểu không có thương thì không thể có hạnh phúc. Vì chúng ta không đủ hiểu và đủ thương cho nên chúng ta đau khổ. Vì vậy cho nên chúng ta đói hiểu và đói thương.
Thương yêu phát sinh từ hiểu biết. Không thể thương nếu không hiểu. Một người làm sao thương được đứa con mình nếu không hiểu khổ đau và khó khăn của con? Làm sao mà chúng ta có thể cho người mình thương hạnh phúc nếu không biết gì về khổ đau và khó khăn của người ấy?
Tôi đã hiểu rõ anh chưa?
Nếu muốn biết ta đã làm cho ai hạnh phúc thì nên hỏi, “Tôi đã hiểu rõ anh ấy chưa?”, “Tôi đã hiểu rõ chị ấy chưa?”. Nhiều người ngần ngại nói ra vì họ e rằng sẽ bị hiểu lầm. Có nhiều người đau khổ quá nhiều đến nỗi họ không có can đảm nói lên cho chúng ta nghe khổ đau trong lòng và chúng ta có cảm tưởng họ không có khó khăn gì cho đến một lúc thì quá trễ.
Chần chờ có nhiều hậu quả quan trọng. Nhiều người tự cách ly mình, họ có thể đột ngột cắt đứt quan hệ bạn bè, tình cảm và có thể đi đến tự sát. Họ có điều gì vương vấn trong lòng trong một thời gian dài nhưng họ cứ làm ngơ, coi như không có gì xảy ra, coi như mọi chuyện đều êm xuôi. Có thể sợ hãi hay tự ái là nguyên nhân. Nếu ta lắng nghe sâu hay quán sát kỹ, ta có thể khám phá niềm đau nỗi khổ sâu kín nơi người ấy. Ta có thể thấy rằng người ấy cực kỳ đau khổ và không biết xử lý đau khổ. Vì vậy, người ấy tiếp tục đau khổ và làm cho những người khác đau khổ. Mỗi khi thấy được như thế, ta không còn giận người ấy nữa. Ta phát sinh lòng từ bi. Ta phát sinh tuệ giác rằng người ấy đang đau khổ và cần được giúp đỡ mà không đáng trừng phạt.
Nếu cần, anh có thể xin giúp đỡ. Anh có thể nói, “Anh ơi. Tôi muốn hiểu anh hơn. Tôi muốn hiểu niềm đau nỗi khổ của anh. Tôi muốn hiểu anh vì tôi thương anh.” Nếu dành thì giờ để nhìn sâu, ta mới nhận ra được khối đau trong người đó. Có nhiều người “giả bộ” như là không đau khổ. Nhưng khi ta lắng nghe họ với tâm thương yêu thì họ sẽ có cơ hội nói ra nỗi khổ, niềm đau của họ.
Trong tất cả các mối liên hệ, ta nên tự hỏi mình đã hiểu rõ người kia chưa. Nếu một quan hệ mà hòa thuận, truyền thông được tốt đẹp thì hạnh phúc sẽ có mặt. Nếu một quan hệ hòa thuận, truyền thông tốt đẹp thì hiểu biết có mặt. Đừng chờ đến lúc người kia từ bỏ anh hay là nổi giận mới hỏi câu hỏi quan trọng, “Anh nghĩ rằng tôi đã hiểu rõ anh chưa?”. Người kia sẽ nói cho anh biết là anh đã hiểu mình chưa. Người ấy sẽ biết là anh có thể hiểu rõ mình với tâm thương yêu hay không. Anh có thể nói như thế này, “Hãy nói cho tôi nghe đi! Hãy giúp tôi. Bởi vì anh cũng biết rằng nếu tôi không hiểu rõ anh thì tôi sẽ gây ra lỗi”. Đó là ngôn ngữ của tình yêu.
Câu hỏi “Tôi đã hiểu rõ anh chưa?” không chỉ dành riêng cho các quan hệ tình cảm mà còn dành cho quan hệ gia đình, bạn bè và bất cứ ai mà ta ưu tư, chăm sóc. Câu hỏi ấy cũng có thể có ích trong sở làm. Nếu anh sống với một người thân trong gia đình hay một người bạn đời, anh có thể nghĩ rằng anh đã gặp người ấy hằng ngày và anh có thể hiểu rõ người ấy. Điều đó không đúng. Anh chỉ biết rất ít về người ấy. Anh có thể sống với một người năm, mười, hay hai mươi năm nhưng anh đã không nhìn sâu người ấy để có thể hiểu rõ người ấy. Anh cũng có thể hành xử với bản thân anh như vậy. Anh sống với chính anh suốt đời. Anh nghĩ rằng anh đã biết rõ anh là ai. Nhưng thật ra nếu anh không lắng nghe anh, với tâm thương yêu, tò mò và không phán xét thì anh không thể biết rõ anh đâu!
Nếu anh chờ khi những người thân qua đời thì là quá trễ để có thể xin họ chia sẻ tâm tình với anh. Một em bé dù lớn dù nhỏ mà ngồi lại với cha mẹ và hỏi han cha mẹ về những kinh nghiệm, khổ đau, hạnh phúc của cha mẹ là một điều hay. Hãy chỉ ngồi và lắng nghe với hơi thở chánh niệm, đồng thời lắng nghe mình, chúng ta sẽ phát triển khả năng nghe sâu nhìn rõ và ta có thể có nhiều cơ hội truyền thông tốt đẹp hơn với cha mẹ và những người ta thương.
Mỗi khi anh thấy một người đang khổ, anh sẽ khởi lòng từ bi. Anh muốn giúp người ấy bớt khổ. Lắng nghe với tâm từ bi và ái ngữ là có thể giúp chuyển đổi tình trạng rất nhiều rồi. Sau đó anh có thể ngồi xuống với người ấy và cùng người ấy tìm ra những tuệ giác để có những hành động tích cực nếu cần để cải tiến tình trạng. Lắng nghe với tâm thương yêu không chỉ là điều mà anh có thể giúp người khác bớt khổ nhưng đó là luôn luôn bước đầu tiên.
Ái ngữ
Khi muốn báo một tin buồn cho ai, bạn khó mà nói ra sự thật. Nếu bạn không nói với chánh niệm thì người kia có thể nổi giận hay lo lắng khi nghe “sự thật” của bạn. Chúng ta phải tập nói thế nào để người kia, sau khi nghe, có thể chấp nhận lời mình nói.
Khi nói, nếu bạn cố gắng nói cho người kia sự thật về khổ đau của bạn và của họ, đó gọi là ái ngữ. Bạn nói thế nào để giúp người ấy ghi nhận được khổ đau của họ và của bạn. Phải khéo léo. Phải rất chánh niệm. Phải dùng lời nói sao cho người nghe không bị kẹt bởi nhận thức sai lầm. Và người nghe phải cẩn thận đừng để bị kẹt vì những danh từ và ý tưởng mà người kia nói với mình. Cả hai bên, người nói và người nghe, phải chánh niệm và khéo léo.
Bởi vì bạn được thực tập lắng nghe với tâm từ bi, bạn biết rằng những lời bạn nói có thể có đầy tuệ giác và hiểu biết. Nhờ có hiểu biết mà bạn có thể giúp người kia bớt khổ và sự truyền thông sẽ có hiệu quả hơn. Bạn sẽ nói bằng ngôn ngữ dịu dàng vì bạn muốn giúp đỡ. Cách ta nói năng cũng đủ để giúp người kia bớt khổ.
Những lời ta nói có tác dụng nuôi dưỡng. Chúng ta sử dụng lời nói để nuôi dưỡng ta và nuôi dưỡng người khác. Những lời ta nói ra, những gì ta viết xuống là chỉ để hiến tặng yêu thương và hiểu biết. Những lời ta nói có thể giúp người khác thêm tự tin và cởi mở. Bạn không phải mất tiền để ban bố tấm lòng rộng rãi. Trong truyền thống Phật giáo, ái ngữ còn được gọi là chánh ngữ. Trong cuộc sống hằng ngày, chánh ngữ sẽ nuôi dưỡng ta và nuôi dưỡng những người chung quanh ta.
Vọng ngữ
Ta gọi ái ngữ là “chánh ngữ” vì ta biết rằng vọng ngữ sẽ gây đau khổ. Những lời nói không dễ thương, giả dối và tàn ác có thể gây nên rất nhiều đau khổ. Vọng ngữ là ngôn ngữ thiếu cởi mở, không được xây đắp từ hiểu biết, thương yêu và hòa giải.
Khi ta gửi đi tin nhắn hay viết một bức thư, khi nói điện thoại, những gì ta viết, những lời ta nói phải là những lời ái ngữ hiến tặng tuệ giác, hiểu biết và thương yêu. Khi ta sử dụng chánh ngữ, ta cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, tươi mát và người nghe ta cũng cảm thấy nhẹ nhàng, tươi mát. Sử dụng chánh ngữ, ngôn ngữ của thương yêu, bao dung, tha thứ là điều chúng ta có thể làm được mỗi ngày. Chúng ta không tốn kém gì cả và được nuôi dưỡng rất nhiều.
Bốn đặc tính của chánh ngữ
Lời yêu thương, chân thật đem lại vui tươi và bình an cho mọi người. Nhưng muốn nói lời ái ngữ cần phải thực tập bởi vì ta không mấy quen. Khi chúng ta nghe mãi những lời thèm khát, bất an, hờn giận, chúng ta quen đi. Chúng ta phải thực tập để nói lời yêu thương, lời chân thật.
Trong đạo Phật có phép thực tập gọi là Mười hạnh Bồ Tát. Trong mười hạnh ấy có bốn hạnh liên quan tới chánh ngữ. Bồ Tát là một người đã giác ngộ nhưng nguyện dành trọn cuộc đời để cứu khổ chúng sanh.
Giác ngộ là luôn luôn giác ngộ một cái gì. Nếu anh hiểu rõ tính chất và nguồn gốc khổ đau của anh thì đó là một giác ngộ và anh có thể vơi bớt khổ đau tức thì. Có nhiều người rất nghiêm khắc với chính mình. Đó là vì họ không hiểu rõ khổ đau của mình. Khi trở thành một vị Bồ Tát cho chính mình chúng ta không còn trách mình hay trách người khác.
Bồ Tát là người có thể nói lời dịu dàng và lắng nghe với tâm yêu thương. Ai cũng có thể trở thành một vị Bồ Tát nhờ thực tập tinh chuyên. Không cần phải thực tập mười năm để trở thành một vị Bồ Tát. Hãy để dành một ít thời gian mỗi ngày, có thể chỉ là năm, mười phút để ngồi yên, thực tập hơi thở chánh niệm và lắng nghe mình.
Sau đây là bốn hạnh Bồ Tát (trong mười hạnh) để thực tập chánh ngữ:
Nói lời chân thật. Không nói dối.
Không nói lời thêu dệt, vẽ vời.
Không nói lời điên đảo, hai chiều.
Không nói lời ác độc.
Nói lời chân thật
Đặc tính thứ nhất của chánh ngữ là nói lời chân thật. Không nói dối. Cố gắng đừng nói những gì không đúng sự thật. Nếu thấy rằng sự thật mà ta nói ra sẽ gây quá nhiều bức xúc thì hãy tìm cách khéo léo và từ bi mà nói. Có nhiều người nói ra những lời nặng nề, làm cho người khác đau khổ rồi nói: “Tôi chỉ nói sự thật”. Nhưng mà họ nói lên “sự thật” một cách bạo động, công kích, nhiều khi có thể làm cho người kia đau khổ vô cùng.
Nhiều khi nói lên sự thật, kết quả sẽ không như bạn muốn. Bạn phải quán chiếu sâu sắc tâm thức của người kia để tìm ra cách nói như thế nào mà người kia không cảm thấy bị đe dọa và có thể lắng nghe bạn. Hãy nói lên sự thật bằng những lời yêu thương che chở. Điều quan trọng mà bạn cho là sự thật có thể là một nhận thức thiếu sót và sai lầm của bạn. Bạn nghĩ đó là sự thật nhưng nhận thức của bạn còn thiếu sót hay bị che mờ.
Nói láo là nguy hiểm bởi vì có một ngày người kia sẽ biết được sự thật. Đó có thể là một tai họa. Vậy thì nếu chúng ta không muốn nói láo, không muốn gây đau khổ thì phải chánh niệm lựa lời và tìm cách để nói sự thật một cách khéo léo. Có nhiều cách để nói ra sự thật. Đây là một nghệ thuật.
Sự thật là nền tảng cho một quan hệ lâu dài. Nếu ta không xây dựng quan hệ trên sự thật thì trước sau gì quan hệ cũng tan vỡ. Phải tìm ra cách hay nhất để nói ra sự thật để cho người kia dễ dàng tiếp nhận. Đôi khi lời lẽ khôn khéo nhất cũng có thể gây nên đau khổ. Cũng không sao. Đau khổ có thể giúp chữa trị. Nếu lời bạn nói lên mà đầy yêu thương và hiểu biết thì có thể chữa trị mau hơn.
Khổ đau có thể giúp ích. Khổ đau có thể là tốt nhưng ta không muốn làm cho người khác đau khổ vô ích. Phải tìm cách giảm bớt cảm xúc vì bất ngờ và đau khổ.
Chúng ta cố gắng trình bày sự thật thế nào để người nghe không bị đau khổ quá mức. Điều quan trọng là để cho người nghe cảm thấy yên ổn. Có thể rằng người ấy “không hiểu” hoặc là cần thời gian lâu mới “hiểu”. Người ấy có thể có một nhận thức khác ta.
Đôi khi, ta nên bắt đầu bằng một câu chuyện khác. Một câu chuyện tương tự như trường hợp của người mà ta sắp nói ra sự thật để cho người ấy quen dần với ý niệm về sự thật. Nghe chuyện của một người khác dễ hơn. Ta có thể nói: “Anh nghĩ thế nào? Có nên cho người kia hay sự thật này hay không?”. Thường thường câu trả lời sẽ là “Vâng, nên nói sự thật”. Đôi khi người mà bạn muốn nói sự thật sẽ tự mình kết luận và học được từ trường hợp của người kia.
Không nói lời thêu dệt
Đặc tính thứ hai của chánh ngữ là không nói lời thêu dệt, không đặt điều, chuyện nhỏ thành chuyện lớn. Ví dụ có một người làm một lỗi lầm nhỏ mà bạn nói quá đi làm như người ấy phạm lỗi nặng nề gấp bội. Đôi khi, trong thâm tâm ta coi như sự việc là một thảm họa để bào chữa hay ôm giữ cơn giận của ta. Có thể những lời ta nói có một phần nào của sự thật về người kia nhưng ta thêu dệt thêm và tạo nên một hình ảnh không thật về người ấy. Điều đó có khi không gây hại gì. Nhưng ta sẽ không còn là một người chân thật và mối quan hệ của ta không còn chân thật nữa.
Không nói hai lời
Đặc tính thứ ba của chánh ngữ là – như người Việt chúng ta thường nói – không “nói hai lời”. Có nghĩa là khi nói một điều gì với một người này, lại nói khác đi điều đó với người khác để được lợi. Nói về cùng một trường hợp nhưng lời lẽ ngược nhau. Điều này gây chia rẽ và khiến cho người khác (hay nhóm khác) có ấn tượng không tốt đẹp “vô căn cứ”. Từ đó mà tạo nên nhiều đau khổ cho cả hai bên và có thể làm cho hai bên trở thành thù địch. Chánh ngữ là phải nói sự thật về những lời mình nói ra, không xuyên tạc điều mình nói để được điều lợi hay tiếng khen.
Không nói lời ác độc
Yếu tố thứ tư của chánh ngữ là tránh nói lời độc ác, lời buộc tội, dọa nạt, nhục mạ và phán xét.
“Bốn tiêu chuẩn”
Vào thời Bụt, nhiều người vì kiến chấp đã diễn tả sai lạc những lời Bụt dạy. Bụt và các đệ tử của ngài đã thiết lập ra bốn tiêu chuẩn khi giảng dạy. Bốn tiêu chuẩn ấy ngày nay có thể giúp ta đánh giá một lời nói có phải là chánh ngữ hay không, có nói lên sự thật hay không. Bốn tiêu chuẩn ấy là:
Sử dụng ngôn ngữ của thế gian.
Tùy theo nhận thức và khả năng tiếp nhận của từng người mà giảng dạy.
Tùy người, tùy lúc và nơi chốn mà giảng dạy, như một vị lương y kê toa đúng thuốc.
Lời giảng dạy phải phản ảnh chân lý tuyệt đối.
Tiêu chuẩn thứ nhất: Sử dụng ngôn ngữ của thế gian
Tiêu chuẩn thứ nhất là phải hiểu quan điểm, nhận thức của người nghe theo thói quen của họ. Nếu ta không sử dụng ngôn ngữ của người nghe thì người ấy không thể hiểu lời ta nói và ta chỉ có thể truyền thông với những người cùng trình độ hiểu biết với ta mà thôi. Điều này không có nghĩa là ta phải học tiếng Trung Quốc hay tiếng Ả Rập mà là ta phải nói thế nào để cho người nghe hiểu theo kinh nghiệm sống hằng ngày của họ.
Lấy ví dụ chúng ta thường nói bầu trời ở “trên” và mặt đất ở “dưới”. Vị trí chúng ta ngồi tại đây, những gì ở trên chúng ta, ta gọi là “bên trên”, những gì ở dưới, ta gọi là “phía dưới”. Nhưng đối với một người ở phía bên kia địa cầu, đối xứng với chúng ta, thì “bên trên” của chúng ta là “phía dưới” của họ. Những gì ta gọi là bên trên hay phía dưới ở một điểm của địa cầu, thì tại một nơi khác của địa cầu, điểm ấy không còn có thể gọi là bên trên hay phía dưới nữa. Vậy thì “bên trên” hay “phía dưới” chỉ là một sự thật tương đối. Chúng ta sử dụng những từ ngữ ấy để truyền thông hằng ngày mà không cần phải giải thích “trên”, “dưới” khi ta nói.
Tiêu chuẩn thứ hai: Nói theo trình độ hiểu biết của người nghe
Theo tiêu chuẩn này thì ta có thể nói với mỗi người một cách khác nhau. Điều này không có nghĩa là nói hai lời. Nội dung của lời ta nói không thay đổi nhưng đồng thời chúng ta phải ý thức về trình độ nhận thức và hiểu biết của người nghe để lựa lời mà nói cho người ấy dễ tiếp nhận. Với người này, ta nói cách này, với người khác, ta nói cách khác. Ta phải nhìn sâu với người nghe ta nói, phải thấu hiểu nhận thức của người ấy và nói những lời thích ứng. Nếu một người có trình độ hiểu biết sâu sắc thì lời ta nói phải phù hợp với người ấy.
Một hôm, có người đến hỏi Bụt, “Sau khi chết, ta sinh về đâu?”. Bụt trả lời là sau khi chết, ta sẽ sinh về cõi này hay cõi kia. Có một người khác đến hỏi cùng một câu hỏi thì Bụt lại trả lời, “Khi chết ta không đi về đâu cả”. Một người đứng cạnh đó hỏi Bụt, “Tại sao khi thì Bụt trả lời thế này, khi thì Bụt trả lời thế kia?”. Bụt nói, “Ta phải tùy theo tâm thức của người nghe cũng như trình độ hiểu biết và tiếp nhận của người hỏi mà ta trả lời”.
Có câu chuyện một người mang đến cho một bà nọ một bình sữa vào buổi sáng. Đến chiều, khi người ấy trở lại để lấy sữa thì sữa đã thành bơ sữa. Người đàn ông hỏi: “Sáng nay, tôi gửi bà bình sữa, sao bây giờ bà giao lại cho tôi bình bơ?”. Vậy thì sữa có khác với bơ hay không? Câu trả lời là không giống mà cũng không khác.
Đối với một người có trình độ hiểu biết sâu rộng, ta phải trả lời sâu rộng hơn rằng không có gì là thường hằng, mọi sự đều thay đổi không ngừng. Cho nên lời giảng dạy phải tùy thuộc tuệ giác và khả năng hiểu biết của người nghe. Phải nương theo hoàn cảnh của người nghe mà nói.
Tiêu chuẩn thứ ba: Tùy bệnh mà cho thuốc
Tiêu chuẩn thứ ba là phải cho thuốc đúng với bệnh. Nếu cho thuốc sai, bệnh nhân có thể chết. Cho nên phải tùy người bệnh mà cho thuốc. Khi bạn có kiến chấp, tham dục hay tuyệt vọng thì phải nhớ rằng bạn là vị thầy của chính mình. Bạn có thể lắng nghe những cảm xúc ấy để hiểu được sự chữa trị mà bạn đang cần.
Không nên nghĩ rằng nếu ta nghe hay đọc một điều gì đã từng gây ấn tượng cho ta thì ta có thể lặp lại “y nguyên từng câu từng chữ” với một người khác. Hãy tìm cách nói ra sự thật ấy bằng những lời của chính mình thế nào cho có hiệu quả. Phải tìm hiểu tâm thức và hoàn cảnh của người nghe. Nếu nói lại lời giảng dạy cho một người khác đúng y như mình đã nghe thì có thể là không thích hợp cho người ấy. Bạn phải nói sao cho thích hợp với hoàn cảnh của người ấy mà điều bạn nói vẫn phản ảnh giáo pháp đích thực. Đành rằng bạn phải sử dụng ngôn ngữ của thế gian nhưng không phải bất cứ ngôn ngữ nào của thế gian cũng được. Lời nói của bạn phải thích hợp với hoàn cảnh nhưng phải đúng theo chân lý.
Thử tưởng tượng là ta cần nói với các trẻ em về chết chóc và bạo động. Bạn có nghĩ rằng chúng ta phải nói với chúng khác hơn là khi nói với người lớn hay không? Có một hôm tôi đi thăm một bảo tàng viện. Tôi vào một phòng có trưng bày một xác ướp (mummy) Ai Cập. Một em bé gái đứng với tôi cũng đang nhìn xác ướp. Một lát sau, với đôi mắt đầy sợ hãi em bé đã hỏi tôi: “Sau này con cũng nằm chết như người này hay sao?”. Tôi thở vào thở ra và câu trả lời thích hợp nhất vào lúc đó là “Không”. Tôi hy vọng rằng sau này một người lớn có trí tuệ hay một người bạn có thể giải thích cho em ấy biết về tính chất vô thường của vạn vật, kể cả hình hài của chúng ta và giáo lý sâu xa của Bụt về khái niệm rằng không có gì tồn tại mãi mãi và không có gì từ có mà trở thành không. Nhưng lúc đó không phải là lúc tôi có thể giảng giải cho em những điều ấy cho nên tôi đã trả lời bằng một câu mà tôi nghĩ thích hợp nhất là “Không”.
Ngay cả với những người lớn, mỗi người có thể nhạy cảm về một vấn đề nào đó mà chúng ta phải thay đổi cách nói. Chúng ta chia sẻ một điều gì mà người nghe có thể tiếp nhận học hỏi và sử dụng sau này, mặc dù không phải là tức thì. Đây không phải là nói láo mà nói lời khéo léo. Có một người theo truyền thống Jain đến hỏi Bụt, “Con người có ngã hay không?”, Bụt có thể trả lời là, “Không có ngã” nhưng Bụt im lặng. Người kia hỏi tiếp, “Vậy thì chúng ta vô ngã?”, Bụt vẫn im lặng. Sau đó, A Nan Đà hỏi Bụt, “Tại sao Thế Tôn không trả lời là, ‘Không có ngã?’”. Bụt trả lời, “Người ấy đang bị kẹt bởi ý niệm của mình. Nếu ta trả lời là không có ngã thì người ấy sẽ hoang mang và đau khổ. Cho nên dù ý niệm vô ngã là chân lý mà ta rao giảng, tốt hơn là ta im lặng”.
Tiêu chuẩn thứ tư: Phản ảnh sự thật
Tiêu chuẩn thứ tư nói về sự thật tuyệt đối, là những khái niệm vi diệu nhất về sự vật, ví như khái niệm “không có tự ngã” hay khái niệm “vô sinh bất diệt”. Chân lý tuyệt đối là chân lý đúng nhất, có thể diễn tả sự vật hiện hữu như-nó- đang-là (đúng theo bản chất thật của chúng). Nhưng nếu không có một vị đạo sư khéo léo giải thích nghĩa lý vi diệu giúp người nghe tiếp nhận thì có thể làm cho người nghe dễ bị hoang mang lạc lõng. Vì vậy, dù chúng ta có thể nói ra những gì mà ta hiểu rõ nhưng đối với nhiều người thì họ “nghe không được”. Cho nên, ta phải khiêm nhường và phải tìm hiểu sâu hơn để tìm ra cách trình bày sự thật.
Có nhiều sự thật tuyệt đối như là không sinh không diệt rất khó chấp nhận trong cách suy nghĩ và lối sống hằng ngày. Nhưng nếu ta nghe nói tới một hình ảnh đơn giản như đám mây thì ta có thể chấp nhận dễ dàng ý niệm đám mây “không sinh”, “không diệt” mà chỉ thay đổi hình dạng. Chúng ta có thể nghĩ rằng “không sinh không diệt” là trừu tượng, nhưng ta có thể thấy “không sinh không diệt” xung quanh chúng ta nếu ta biết nhìn sâu hay có một đạo sư hướng dẫn.
Sử dụng bốn tiêu chuẩn ấy giúp ta không còn mập mờ, bối rối khi đọc hay nghe nói về một điều gì. Cũng nhờ bốn tiêu chuẩn ấy mà chúng ta có thể nghe hiểu những người khác hay diễn tả ý kiến của mình trong đời sống hằng ngày, hoặc là khi nói chuyện thân mật với bạn bè, hoặc là khi tiếp xúc với một đám đông hay đọc một tài liệu có hay không có tính chất tôn giáo. Chúng ta sẽ có một sự hiểu biết sâu xa về sự thật trong tất cả mọi trường hợp và có thể đối xử một cách tốt đẹp nhất.
Sự thực tập này không chỉ áp dụng cho khi nói mà cả khi nghe và chủ đích của phép thực tập không phải chỉ là áp dụng cho cái lưỡi mà cho cả đôi tai. Nếu càng lắng nghe sâu thì sẽ càng thấy rõ, tâm từ bi sẽ phát khởi và ta có thể nói lời chánh niệm, thành thực, thiện chí. Thay vì nói những lời độc ác, chúng ta có thể nói lời thương yêu.
Khi mà chúng ta có thể lắng nghe khổ đau của người khác với tâm từ bi thì chúng ta cũng được hưởng lợi. Tâm từ bi đem đến niềm vui và bình an trong ta. Lắng nghe với tâm từ bi giúp ta hiểu rõ hơn là khi nghe với tâm giận dữ.
Lắng nghe sâu cũng là nhìn sâu. Chúng ta nhìn bằng đôi tai. Ta nhìn thấy đau khổ của một ai và ta nghe tiếng than thở của người ấy. Tiếng Việt gọi Bồ Tát Avalokitesvara là Bồ Tát Quán Thế Âm. Quán có nghĩa là quán sát sâu sắc, Thế có nghĩa là thế giới, và Âm có nghĩa là âm thanh. Quán Thế Âm là lắng nghe tất cả âm thanh của đau khổ trong thế gian. Lắng nghe như thế sẽ giúp phát sinh tâm từ bi và bình an. Hãy tập lắng nghe với tâm từ bi. Khi buồn khổ vì nghe một tin buồn, tâm từ bi sẽ thoa dịu và đem lại bình an.
Giúp người khác hiểu rõ
Trong chuyến đi của tôi tại Ấn Độ, tôi được mời để làm biên tập viên thỉnh vấn (guest editor) cho tờ Ấn Độ Thời báo (Times of India), nhật báo lớn nhất của Ấn Độ. Lúc đó là nhân lễ kỷ niệm Thánh Gandhi vào tháng 10/2008. Tôi đang họp với ban biên tập của tờ báo thì nghe tin khủng bố đặt bom tại Mumbai, gần biên giới Pakistan và nhiều người đã thiệt mạng.
Một biên tập viên đã hỏi tôi: “Nếu Thầy là một ký giả lúc này thì Thầy sẽ báo tin như thế nào khi mà chỉ có toàn là tin dữ và không mấy tin vui? Là ký giả, chúng tôi phải xử lý như thế nào?”. Đây là một câu hỏi khó. Phóng viên thì phải phổ biến tin tức. Nhưng nếu chỉ mô tả tin tức dưới khía cạnh bạo động, sợ hãi, kinh sợ, hay “giật gân” thì sẽ tưới tẩm sợ hãi, giận dữ trong người đọc và sẽ tạo thêm bạo động. Vậy chúng ta phải làm thế nào?
Tôi không trả lời câu hỏi ngay tức thì. Tôi trở về với hơi thở và im lặng một lúc lâu và các ký giả có mặt cũng cùng im lặng. Sau đó, tôi nói: “Quý vị phải nói sự thật. Nhưng quý vị phải phổ biến tin tức thế nào để tránh tưới tẩm hạt giống giận dữ và hận thù nơi người đọc. Quý vị sẽ ngồi xuống như một hành giả, quán chiếu sâu sắc và đặt ra câu hỏi: “Tại sao lại có người có thể hành động tàn ác đối với những người vô tội?”. Khi quán chiếu sâu sắc, quý vị sẽ nhận ra rằng những người gây nên bạo động là vì họ đã có nhận thức sai lầm. Họ tin chắc vào nhận thức của họ, và họ có thể tin rằng nếu họ cùng chết, khi trái bom nổ, họ sẽ được sanh về cõi trời với Chúa.
Ai cũng muốn sống, không ai muốn chết. Nhưng những người ấy có thể nghĩ rằng nếu giết những người khác và cùng chết theo là họ đã phụng sự Chúa. Họ nghĩ rằng những người của phe bên kia là kẻ thù của Chúa. Chúng ta có thể thấy đó là một lối suy nghĩ sai lầm và chúng ta khởi tâm từ bi đối với họ. Những người ấy đã trải qua một cuộc sống tối tăm và đau khổ. Chung quanh ta có biết bao nhận thức sai lầm. Chừng nào còn nhận thức sai lầm thì còn hoạt động khủng bố. Khó mà nhận ra và giải trừ tất cả những nhận thức sai lầm.
Nếu một nhóm khủng bố bị diệt trừ thì một nhóm khác sẽ nổi dậy, không bao giờ chấm dứt. Vì vậy, tôi đã nói với ban biên tập: “Khi quý vị đăng tải tin tức khủng bố, quý vị nên đem tâm thương yêu, hiểu biết. Phải trình bày sự việc sao cho người đọc không nổi giận và có thể trở thành một tên khủng bố mới”.
Quý vị có thể nói lên sự thật nhưng quý vị phải giúp độc giả hiểu thấu sự việc. Khi đã hiểu thấu thì họ sẽ bớt giận dữ. Họ sẽ không mất hy vọng và sẽ biết phải làm gì và không làm gì, nên tiêu thụ những gì và không nên tiêu thụ những gì để không còn tạo nên những khổ đau như thế nữa. Cho nên thông điệp của tôi sáng hôm đó là chúng ta phải suy nghĩ và bàn luận về sự cố đã xảy ra thế nào để không gia tăng tuyệt vọng và giận giữ nơi độc giả. Trái lại, chúng ta phải làm thế nào để độc giả hiểu rõ vì sao sự cố đã xảy ra, để cho tuệ giác và thương yêu được nảy nở. Thực tập nhìn sâu có thể đem lại nhiều kết quả to lớn. Giải pháp không phải là che giấu sự thật.
Sử dụng chánh ngữ trong đời sống hàng ngày
Bốn thực tập chánh ngữ nhắc nhở ta sử dụng ngôn ngữ không kỳ thị, bao dung, hiểu biết, giúp đỡ và thương yêu. Nói ra hay viết lên những lời đầy thương yêu sẽ cho nhiều tự do. Sử dụng ngôn ngữ như thế chữa trị cho người nghe và cũng cho người nói. Bốn thực tập chánh ngữ nhắc nhở chúng ta rằng những lời nói độc ác, kỳ thị và hận thù sẽ làm cho chúng ta đau khổ và người khác đau khổ. Chúng ta có thể viết ra một phương trình đơn giản: Tà ngữ là khổ đau, chánh ngữ là hạnh phúc, là chữa trị. Mỗi ngày chúng ta đều có thể nói lên một điều gì để giúp đỡ và chữa trị người khác. Người lớn làm được, trẻ nít cũng làm được. Doanh nhân hay chính trị gia hay thầy giáo cũng làm được. Không cần đợi đến một lúc nào đó để nói lời chánh ngữ. Chúng ta có thể ngưng ngay những gì đang làm lúc này để gửi đi một điện thư (email) nhằm giải tỏa niềm đau nỗi khổ trong ta và trong những người khác tức thì.
Nguồn: langmai.org