Skip to content
Top banner

Truyền thông trong cộng đồng thế giới

THTT-01
2023-07-17 20:20 UTC+7 235

Truyền thông trong cộng đồng thế giới

Truyền thông với tâm yêu thương có tác dụng mạnh mẽ cho riêng mỗi người lại càng mạnh mẽ hơn khi sử dụng cho một cộng đồng. Hai danh từ communication và community đều cùng có gốc Latin là communicare, có nghĩa là chia sẻ, là dùng làm của chung. Chúng ta phải hướng hòa giải và hiểu biết không chỉ với những người trong gia đình hay bạn bè mà với cả láng giềng, đồng nghiệp. Chúng ta phải xây dựng thương yêu và không kỳ thị để làm nền tảng cho sự giao lưu giữa ta với những người khác.

Một cộng đồng chú trọng chánh ngữ và lắng nghe sâu sẽ gia tăng hiệu năng cải tiến xã hội. Đây có thể là hai yếu tố của một nền đạo đức toàn cầu thích hợp cho bất cứ sắc dân nào, không phân biệt truyền thống văn hóa, tôn giáo trong việc giải tỏa xung đột và phục hồi truyền thông.

Cộng đồng tạo nên thay đổi

Chúng ta có thể xem ái ngữ và lắng nghe như là năng lượng bởi vì chánh niệm là một loại năng lượng. Khi chúng ta cùng phối hợp thì năng lượng sẽ gia tăng gấp bội. Tổng thể sẽ lớn hơn sự phối hợp của các đơn vị rất nhiều. Sự thay đổi toàn diện chỉ có thể thực hiện bởi năng lượng của cộng đồng. Nếu muốn cải tạo toàn cầu, nếu muốn thay đổi xã hội, ta phải cần đến một cộng đồng có sức mạnh. Kỹ thuật không đủ. Không có chánh niệm thì kỹ thuật sẽ tàn phá hơn là xây dựng. Khi nói tới việc tạo dựng một môi trường tồn tại lâu dài hay một xã hội công bằng, chúng ta thường nói tới tác dụng vật lý hay sự tiến bộ của kỹ thuật như là những phương tiện cần thiết. Nhưng chúng ta quên đi yếu tố liên kết của một cộng đồng. Nếu không có yếu tố đó thì chúng ta không thể làm gì được.

Thường thường, chúng ta xem những sinh hoạt cộng đồng như là những hoạt động cụ thể. Nhưng năng lượng của tập thể khi ngồi yên hay cùng chung tụng niệm cũng là một cách truyền thông và một hoạt động có sức mạnh. Tôi không xem rằng đây là một hình thức cầu nguyện hay lễ nghi tôn giáo mà là một hình thức truyền thông. Khi chúng ta cùng ngồi lại với nhau, cùng phối hợp định lực của một cộng đồng thì chúng ta sẽ tạo nên một năng lượng tập thể có thương yêu và hiểu biết. Cùng ngồi với nhau trong yên lặng là thực tập lắng nghe niềm đau nỗi khổ trong ta và của cả thế giới.

Năng lượng chánh niệm tập thể sẽ hỗ trợ cho sự thực tập của riêng từng người. Chúng ta noi gương những người có khả năng truyền thông với chính mình và với những người khác. Đôi khi, niềm đau nỗi khổ của chúng ta bị vùi sâu trong tâm thức khiến ta không thể nào hiểu thấu mặc dù chúng ta đã cố gắng tu tập. Trong trường hợp ấy, năng lượng chánh niệm của tập thể giúp ta ôm ấp, giải tỏa khổ đau mà chúng ta không thể giải quyết một mình. Nếu chúng ta mở lòng đón nhận thì năng lượng tập thể của cộng đồng sẽ có thể chiếu sâu vào niềm đau nỗi khổ sâu thẳm trong tâm thức chúng ta. Lắng nghe và ái ngữ trong chánh niệm sẽ giúp cho việc xây dựng một cộng đồng vững mạnh dễ dàng hơn.

Xây đắp tin cậyvà chia sẻ khổ đau

Vài người trong chúng ta cảm thấy khó mà tin tưởng người khác. Đối với những người đó, thật khó để họ chia sẻ tâm tình với một cộng đồng lớn. Họ lo sợ và nghi ngờ. Họ không thể cảm nhận thương yêu và hiểu biết mà cộng đồng muốn cống hiến cho họ. Chúng ta phải tìm cách giúp những người không có khả năng tiếp nhận thương yêu và hiểu biết. Đôi khi hiểu biết và thương yêu chân thật có đó nhưng những người ấy không còn tin tưởng nơi hiểu biết và thương yêu và họ không có khả năng tiếp nhận hiểu biết và thương yêu. Họ là những con ma đói. Trong giáo lý đạo Phật, ma đói có bụng rất to, rất đói khát, nhưng cổ họng rất nhỏ. Mặc dù thức ăn có đó nhưng không thể nuốt được, không ăn vào được gì. Cho nên mặc dù có được bao nhiêu tâm tình hiểu biết thương yêu hỗ trợ, những con ma đói vẫn không tiếp nhận được.

Một người đã chịu nhiều đau khổ sẽ không có khả năng tiếp nhận hiểu biết, thương yêu và giúp đỡ. Đối với những người ấy, ta phải rất mực kiên nhẫn. Thỉnh thoảng ta có thể gặp những con ma đói chung quanh ta và ta có thể nhận diện dễ dàng. Họ trông rất cô đơn, xa cách. Chúng ta phải kiên nhẫn và dành cho họ rất nhiều không gian, thời gian. Không nên quá nôn nóng vì muốn giúp đỡ. Nếu quá nôn nóng thì hậu quả sẽ ngược lại với điều mình dự định và người ấy sẽ phản ứng ngược lại.

Hãy giữ thái độ tươi mát, thương yêu, từ tốn. Đó là tất cả những gì mà ta có thể cống hiến cho người ấy lúc đó. Hãy quán chiếu sâu sắc để tìm ra một câu thần chú khéo léo để có thể khai thông cuống họng, tiếp nhận thức ăn. Với thời gian và sự kiên nhẫn ta có thể giúp họ cảm nhận được hiểu biết và thương yêu của ta. Cho nên muốn xây dựng cộng đồng phải cần nhiều thì giờ.

Cộng đồng xây đắp thương yêu

Các nhà khoa học khi nghiên cứu đời sống tập thể của các loài động vật như chim, cá đã khám phá ra rằng các loài ấy luôn có tính vị tha: Mỗi một thành phần của tập thể luôn luôn sẵn sàng hy sinh mạng sống cho sự an toàn của tập thể.

Loài cá stickleback luôn bơi thành đàn cả ngàn con. Mỗi khi gặp bóng dáng của một con cá lớn săn mồi đe dọa đàn cá thì một vài chục con trong đàn tách rời đàn cá để bơi đi thám thính. Những con cá nhỏ biết rõ làm như thế là nguy hiểm nhưng chúng vẫn bơi về phía con cá lớn để dò xét. Nếu không có gì nguy hiểm, chúng sẽ quay về nhập lại với đàn cá. Nếu biết có nguy hiểm thật sự thì một số sẽ ở lại chịu cho cá lớn nuốt sống trong khi các con khác trở lại đàn cá để hướng dẫn đàn bơi về hướng khác. Loài kiến, loài ong, và một vài loài chim cũng có lối sống như thế. Đối với loài người, thỉnh thoảng cũng đã có những anh hùng hy sinh như thế.

Hành động hy sinh của một vài cá nhân trong cộng đồng nuôi dưỡng lòng quảng đại và tính vị tha trong chúng ta. Các nhà khoa học khi nghiên cứu loài cá stickleback khám phá ra rằng nếu cá luôn bơi với nhau thành đàn thì tính vị tha của chúng càng lớn mạnh. Nếu bầy cá tan rã thì tính vị tha sẽ bị tiêu hao rất nhanh.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu chúng ta có cơ hội chứng kiến hành động vị tha của một vài cá nhân trong cộng đồng thì hạt giống vị tha trong ta sẽ được tưới tẩm. Và nếu gặp hoàn cảnh cần hy sinh thì chúng ta cũng sẽ hành động như những người ấy, cũng hy sinh cho tập thể như họ.

Chúng ta thường sống đầy tập khí sâu dày. Chúng ta đi không ý thức, không biết thưởng thức từng bước chân đi. Chúng ta nói mà không biết mình nói gì, nói mà gây nên bao nhiêu khổ đau phiền lụy. Một cộng đồng chú trọng thực tập chánh niệm sẽ giúp các thành viên của cộng đồng học cách đi trong chánh niệm, nói trong chánh niệm. Cộng đồng hỗ trợ bạn trong việc thực tập và bạn sẽ tự mình thực tập.

Khi cùng thực tập chánh niệm trong một cộng đồng, chúng ta có cơ hội được một số đông hỗ trợ nhưng cũng có nhiều cơ hội gây nên bức xúc, buồn giận. Cho nên ái ngữ và lắng nghe sâu là cốt yếu, là chìa khóa cho việc xây dựng cộng đồng. Ta phải nói những lời không tạo nên đau khổ cho ta và cho cộng đồng. Nếu một cộng đồng mà không thực tập như thế thì không phải là một cộng đồng đích thực. Ngay cả khi đang bị đau khổ, buồn giận, ta phải thực tập nói năng làm sao để những người khác trong cộng đồng hiểu rõ những gì đã xảy đến cho ta, và như thế có thể thành công trong việc xây dựng cộng đồng.

Thế giới chúng ta có thể là một thế giới của chánh niệm thương yêu

Chúng ta phải tìm ra một phương cách truyền thông tốt đẹp hơn. Nếu chúng ta thành công trong quan hệ cá nhân thì chúng ta cũng có thể thành công nơi sở làm và ngay cả trong một đoàn thể chính trị. Chúng ta phải biến đổi chính quyền thành một môi trường chánh niệm, thương yêu, lắng nghe sâu, và ái ngữ. Mỗi người phải đóng góp với tư cách là một công dân, một người con trong gia đình của nhân loại. Trong tiến trình xây dựng cộng đồng, chúng ta sẽ xây đắp chuyển hóa và chữa trị cần thiết cho sự chuyển hóa và chữa trị của toàn thế giới. Đây là một tiến trình đào luyện và học hỏi. Khi nói chúng ta nên nói trong tinh thần của tuệ giác tập thể nhân loại. Khi đi chúng ta không đi một cách đơn độc mà đi cho tổ tiên, cho cộng đồng. Khi thở, hãy thở cùng thế giới. Khi buồn giận, hãy để cho cộng đồng cùng chung giải tỏa, ôm ấp buồn giận của riêng ta. Nếu làm được như thế trong một ngày, thì đã có chuyển hóa cho riêng ta. Hãy là cộng đồng và hãy để cộng đồng là ta. Đây là một sự thực tập đích thực. Hãy như là một dòng sông nhập vào biển cả. Hãy như con ong, con chim bay thành đàn. Thấy mình trong tập thể và thấy tập thể trong mình. Đây là một tiến trình thay đổi tầm nhìn của bạn. Sự thay đổi ấy sẽ đưa đến sự thay đổi tập thể và bảo đảm hiệu lực của sự thay đổi ấy.

 

Nguồn: langmai.org


Chia sẻ