Skip to content
Top banner

Thế nào là Truyền thông Công Giáo?

THTT-01
2022-01-30 13:00 UTC+7 306
Truyền thông là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống con người. Nhưng truyền thông cũng có mặt trái của nó. Truyền thông nâng cao đời sống tinh thần và đạo đức nhưng cũng vùi sâu con người trong hận thù và tội lỗi. Người làm truyền thông công g

Truyền thông là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống con người. Nhưng truyền thông cũng có mặt trái của nó. Truyền thông nâng cao đời sống tinh thần và đạo đức nhưng cũng vùi sâu con người trong hận thù và tội lỗi. Người làm truyền thông công giáo, ngoài nhiệm vụ của một nhà truyền thông bình thường còn có bổn phận đối với niềm tin của mình. Người viết, không phải là một nhà truyền thông chuyên nghiệp nhưng cũng đã trót vướng vào cái nghiệp viết lách, nên có ít ý kiến muốn chia sẻ với mọi người, hy vọng phần nào chúng ta cùng nhau vui hòa trong niềm tin Thiên Chúa Ba Ngôi, cùng nhau cất cánh bay cao tới hiệp nhất, sự thật, thiện ích và vẻ đẹp, vươn tới hy vọng cuối cùng của niềm tin. Dĩ nhiên bài viết không được đầy đủ mọi khía cạnh của truyền thông báo chí, mà chỉ nói về những điểm chính liên quan đến sứ mệnh niềm tin của người truyền thông Kito hữu.


TRUYỀN THÔNG THEO BA GIÁO HÒANG CẬN ĐẠI


GIOAN PHAOLO II


Câu nói để đời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã in sâu đậm nét trong tâm trí tôi không tài nào có thể quên được. Câu nói bất hủ ấy là: “Đừng Sợ”. Ngài đã nói câu này trong bài giảng đầu tiên khởi đầu triều đại Giáo Hoàng của ngài năm 1979. Ngài nói với toàn thế giới là đừng sợ mở cửa đón Chúa Kito, đồng thời ngài cũng nói với mỗi một người chúng ta là đừng sợ phải làm chứng cho Niềm Tin của mình. Và chính ngài cũng là một chứng nhân. Ngài là con người rất trung thực, điều ngài nói ra là biểu lộ tâm tư ý nghĩ và hành động thực của ngài. Ngài không sợ phải nói ra những điều ngài nghĩ và tin. Ngài không sợ biểu lộ chính con người của ngài, cảm nghĩ của ngài cũng như tâm tư ý tưởng của ngài, lòng xác tín của ngài, ngay cả những điều kiện thể xác của ngài. Trong lúc nói chuyện, khi ngài nói “KHÔNG” chấp nhận chiến tranh, ngài giơ cao tay đập mạnh vào giá sách. Khi ngài thách thức đám mafia qui chính hoặc khuyên dân Ba Lan của ngài phải khôn ngoan dùng tự do mà họ đã giành lại được, ngài cao tiếng thét lên một cách hùng hồn nhưng vẫn hiền hòa….


Khi ngài đi đến nhà tù thăm Ali Agca -tên sát nhân tính ám sát giết ngài- để tha thứ cho hắn, ngài đã không sợ truyền hình, ống kính, phóng viên hiện diện, dù đây là lúc riêng tư có tính thiêng liêng hơn là câu chuyện thời sự thì phải giữ kín không muốn cho ai biết. Nhưng nghĩ lai mới hiểu rằng ngài muốn cho chúng ta biết tha thứ là một gương tốt, một hình ảnh đáng ghi nhớ mà chúng ta ít thấy có trong đời, có lẽ cả trong thế kỷ hiện nay của chúng ta. Ngài có lý khi để cho mọi người chứng kiến giây phút đó. Và trong những năm ngài bệnh hoạn, đau đớn ngoài sức chịu đựng không thể tin nổi, không chỉ trước mặt Chúa mà cả trước mắt thế giới ngài cũng không che dấu. Bạn không thể tưởng tượng nổi, với nết mặt đau đớn và tay chân run rẩy vì bệnh Parkinson, ngài vẫn xuất hiện trước truyền hình Vatican, trước mặt các phóng viên với cả hàng trăm dàn máy ảnh thì quả là một quyết định khó khăn phi thường. Ngài đã xuất hiện thế nào và bao lâu với gương mặt như vậy? Gioan Phaolo II đã muốn mọi người và cả thế giới nhìn thấy nét mặt thực sự của ngài, và ngài đã trình diện cho thế giới -đúng nguyên tắc của truyền thông- diện mạo đau khổ của ngài thế nào thì ngài trình diện như vậy, không thêm bớt. Nhiều người hỏi lý do gì đã khiến ngài chọn cách thức đó? Câu trả lời nằm trong những vần thơ suy niệm của ngài trong “The Roman Tryptic,” trong đó ngài đã chiêm ngưỡng tác phẩm của Michelangelo trong Sistine Chapel nói về “viễn ảnh” Thiên Chúa tạo dựng. Thiên Chúa tạo dựng thê giới và bảo toàn sự tạo dựng đó đúng như nó có: “Nhìn thấy ngoại vật cũng như nhìn thấy mình”. Thiên Chúa là “đấng đầu tiên nhìn thấy tạo vật.”-“omnia nuda et aperta sunt ante oculos eius”- cũng như thư Phaolo viết gửi dân Do Thái: “Vì không có loài thụ tạo nào lại lẩn trốn khỏi mắt Chúa, nhưng mọi sự đều trần trụi và tỏ lộ trước mặt đấng mà chúng ta phải trả lời và tính sổ (Rm 4:13).


Đối với Gioan Phaolo II thì ngài đã hiện diện trần trụi và rõ ràng trước mắt Thiên Chúa rồi. Vậy thì tại sao lại phải sợ người trần thế nhìn thấy? Nếu tôi sống dưới mắt của “đấng đầu tiên đã nhìn thấy tôi” thì tôi còn gì đâu mà sợ phải dấu diếm, ngay cả trước mắt người trần. Đó là bí quyết và bí mật của can đảm và tính trung thực của Gioan Phaolo II. Ngài là một nhà truyền thông trung thực và rất đáng tin cậy.


Một bài học nữa. Papa Wojtyla -như chúng ta thường gọi- rất tin tưởng truyền thông và những ai làm việc với truyền thông. Ngài rất lạc quan với họ. Điều này đã làm rất nhiều người hoảng hốt không ít. Truyền hình/TV đã gây rất nhiều tai hại và bây giờ thì lại internet đã gây ra biết bao điều xấu xa làm nhiều người phải khốn khổ và nhụt nhuệ khí. Gioan Phaolo II lại có một thái độ khác hẳn, ngài đã tỏ ra dễ dãi với truyền thông ngay từ khởi đầu triều đại giáo hoàng của ngài. Ngài đã gặp báo chí trong những cuộc hành trình quốc tế của ngài một cách khá thân thiện. Rất có thể vì ngài đến từ một xứ không có tự do dân chủ, nên ngài hiểu tự do báo chí là điều kiện chính yếu để sống tự do, và nếu nhà báo hiểu được sứ điệp của ngài thì họ cũng có thể là những đồng minh lớn thân thiết với sứ mệnh của ngài. Sau mỗi cuộc hành trình thế giới, ngài đã ước ao được ăn trưa trong lúc làm việc với nhân viên, những người làm việc trong ban truyền thông Vatican như Giám đốc văn phòng báo chí L’observatore Romano, đài radio Vatican và nhân viên ngoại giao có nhiệm vụ theo dõi báo chí, để xem công việc tiến hành ra sao, nhất là vể truyền thông báo chí: Họ hiểu cái gì và sứ điệp nào được truyền đi cho dân chúng, sứ điệp nào không v.v. Có cả 104 cuộc hành trình quốc tế thì ngài tham dự tất cả từ đầu đến cuối, và cuối cùng thì ngài bị bệnh nhưng ngài vẫn ước ao được tiếp tục. Gioan Phaolo II biết rất rõ cái gì ngài muốn nói và không thay đổi để làm đẹp lòng truyền thông báo chí. Điều quan trọng đối với ngài là dân chúng có hiểu sứ điệp của ngài hay không! Ví lý do đó ngài muốn tiếp súc với truyền thông để hiểu rõ truyền thông. Ngài coi vấn đề này rất quan trọng và ngài có một “cái nhìn” rất tích cực về truyền thông.


Một lần kia, trong khi hội họp với sinh viên đại học trong giảng đường Paul VI, mọi người đang cố gắng phối hợp thiết kế truyền hình satelline trực tiếp đi nhiều quốc gia khác cũng đang có sinh viên hội họp như ở Krakow, Moscow, Spain và bất cứ nơi nào họ muốn nhìn mặt ĐGH và nói chuyện trực tiếp với ngài. Theo lời kể của linh mục Federico Lombardi, sj cựu giám đốc văn phòng báo chí, truyền hình Vatican và đài phát thanh Vatican lúc đó đang lo sốt vó, toát cả mồ hôi không biết phải làm sao để hoàn thành công tác thì nghe ngài la lên: “Truyền hình quả thật là một sáng tao tuyệt vời! Tôi đang ở Rome mà có thể nói chuyện với sinh viên của tôi ở Krakow và chúng đã có một hồng y mới và tôi cũng thấy ngài trên truyền hình nữa, cả hai chúng tôi có thể nói chuyện với nhau. “Truyền hình thật tuyệt diệu.” Và giới trẻ ở Kralow cũng có thể vỗ tay hoan hô: “Truyền hình thiệt là siêu việt!”


Riêng tôi -cha Lombardi nói- cảm thấy tim đập mạnh như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Gioan Phaolo II đã có một cảm nghiệm mới rất tích cực về truyền hình có khả năng hội họp và mở rộng giây liên đới giữa con người và giáo hội nhờ kỹ thuật mới tuyệt vời này. Đây là những cảm nghiệm đầu tiên của ngài. Thực ra ngài cũng không quá ngây thơ như vậy, ngài thừa hiểu nó cũng có những nguy hại ở bề trái của nó, nhưng trên hết ngài cũng thấy những tích cực và ngài đã giúp chúng tôi nhìn thấy những tích cực đó để vượt qua những tiêu cực hầu mở ra một đường hướng mới đề loan truyền tình yêu và thiện ích. Ngài là một tiên tri.


Truyền hình quả là tuyệt vời! Và hôm nay, với lòng xác tín tiên tri của Gioan Phaolo II, người viết muốn cùng tất cả quí vị, nhất là những bạn trẻ và những ai còn hăng say gắn bó với truyền hình và báo chí, không phải vì tài tuyệt vời của những người đã canh tân kỹ thuật nhưng vì mục đích hoàn thành sứ mệnh niềm tin vào Thiên Chúa.


BENEDICT XVI


 Ai có năng khiếu diễn tả tư tưởng của mình thứ tự lớp lang một cách trong sáng, tổng hợp, sâu sa và tinh tế bằng Biển Đức XVI? Xin kể một giai thoại mà những ai đã từng theo dõi thì không bao giờ có thể quên. Vào buổi chiều trước cuộc hành trình cuối cùng đi Đức, truyền hình Germany đã xin ngài cho vài lời vắn gọn chừng 3 phút cho chương trình “Wotr zum Sonntag / Word for Sunday – Lời Chúa ngày Chủ Nhật”, sẽ phát đi vào đêm thứ bảy. Biển Đức nhận lời cho thu âm. Nhân viên truyền hình đã chuẩn bị sẵn sàng thì ngài đến, không một mảnh giấy trong tay. Cha Lombardi trình nếu ngài thấy có gì sai hoặc bất tiện thì ngài cứ ngừng hoặc nói lại vì đài có thể sửa dễ dàng. Ngài cám ơn và nói chỉ cần cho ngài biết khi nào ngài bắt đầu nói thôi. Cha Lombardi ra dấu bằng tay và ngài nói một hơi –dĩ nhiên bằng tiếng Đức- tuyệt đối rõ ràng, trong sáng, không ngập ngừng đứt đoạn, rất lớp lang thứ tự và lưu loát, mắt nhìn thẳng vào ống kính và kết thúc. Nhìn đồng hồ đúng 2 phút 55 giây! Mọi người rất ngỡ ngàng. Ngài hỏi có cần làm gì nữa không. Cha Lombardi thưa ‘không’, vì bài nói quá hoàn hảo. Ngài chào mọi người rất dịu dàng như thường lệ và ra về. Đúng là Benedict XV! Ngài biết điều ngài muốn nói và ngài đã nói tuyệt vời, rất lớp lang thứ tự và rõ ràng. Chỉ trong vài phút ngài đã diễn giảng tư tưởng và quan niệm của ngài rất thâm trầm. Trong các đại hội giới trẻ thê giới ở Cologne, Sydney và Madrid, giới trẻ thường không làm gián đoạn lời ngài bằng những tiếng la hét hoặc vỗ tay tán thưởng, vì chúng nhận ra cách tốt nhất là yên lặng để theo dõi luồng tư tưởng rất ý nghĩa thâm sâu và thứ tự của ngài.


Nhưng kinh nghiệm thâm sâu nhất có được nơi Benedict XVI -lời cha Lombardi kể- là ngài nhất quyết phát triển sự thật và trong sáng. Và đây quả là một giá đắt, có thể rất đau đớn. Tất cả chúng ta đều biết một trong những thánh giá nặng nhất của triều đại Benedict là vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo Hội. Ngài mang nó với tất cả lòng khiêm tốn, nhẫn nhục và bền bỉ, cá nhân ngài đã đi từng bước một cần thiết trong một hành trình dài khởi đầu từ nhận biết lỗi lầm là nặng trong Giáo Hội, lắng nghe những đau khổ của nạn nhân, thiết lập những thủ tục để đưa ra công lý, phạt những ai có tội, thanh giải và cải hối nội tâm, đưa ra những tiêu chuẩn để chọn lựa và huấn luyện chủng sinh, giảng dạy văn hóa thực để ngăn ngừa tội ác và bảo vệ trẻ vị thành niên. Cũng cần phải nhận ra sự thật ngay cả khi bị đau khổ đến tột cùng, đi sâu vào sự thật trước mặt Thiên Chúa và con người. Không quá lo lắng về “hình ảnh” truyền thống tốt đẹp trong quá khứ hoặc nại cớ giử “thể diện” (bella figura). Dĩ nhiên chúng ta ước mong hình ảnh chúng ta phải đẹp, nhưng nó chỉ đẹp như ta muốn khi nó hợp với thực tế tốt. Nếu không thì chỉ là lừa phỉnh. Chúng ta đã thấy hậu quả rất thảm hại của một nền văn hóa “che đậy” rõ ràng được tạo ra cho những đấng bậc “tai to mặt lớn”. Một số người tố cáo Benedict đã hứa hòa giải nhưng cho được giữ kín tội ác đó. Đây là một tố cáo hoàn toàn sai lầm không thể tin được. Trái lại ngài đã có một lịch sử hồ sơ trước Giáo Hội và thế giới về chống lạm dụng tình dục. Benedict, một tư tưởng gia và nhà thần học đã luôn luôn nhấn mạnh về sự thật và đi tìm kiếm sự thật nơi các đấng bậc “to khỏe”; đồng thời qua cuộc sống và tư cách, ngài là một chứng nhân vĩ đại về sự thật trong sáng với đức khiêm tốn và niềm khổ đau cá nhân riêng tư.


FRANCIS


Sau cùng chúng ta học hỏi nơi đức Francis. Francis thì gần gũi chúng ta hơn và xuất hiện trước công chúng thường xuyên hơn. Khó có thể nói cái chúng ta nhìn thấy và điều chúng ta nghe nói. Nhưng cũng đáng để chúng ta nói về một vài điều rất đáng được học hỏi để làm truyền thông. Trước tiên là những chuyện cận kề không nói về những gì xa xôi cách trở. Francis bỏ căn hộ trong tòa nhà giáo hoàng đi sống với những người khác ở Santa Maria. Bỏ xe đặc biệt có kính chắn đạn và dùng một chiếc xe nhỏ bình thường cũ kỹ…Thích nói cho người khác nghe và liên tục ôm hôn, tỏ tình thương mến những người ốm đau, nhỏ bé và tất cả những ai nghèo khó.


Ngài thích bất ngờ đối thoại và lắng nghe. Khi nói chuyện, đức Francis thích nhà báo muốn hỏi gì thì cứ việc hỏi. Ngài không yêu cầu được biết trước câu hỏi để chuẩn bị. Ngài thích trả lời tự phát, ngay cả những vấn đề ngài chưa nghiên cứu đầy đủ, vì để đối thoại có đầy đủ ý nghĩa, mọi người phải cùng nhau tìm kiếm sự thật, từng bước một lắng nghe nhau. Không phải tất cả mọi trả lời đều là lời cuối cùng, nhưng trong đối thoại, chúng ta có thể cùng nhau rút ra được sự thật gần hơn, sâu xa hơn và lớn lao hơn. Từ chỗ gần gũi nhau và lắng nghe nhau người ta mới phát sinh ra thứ ngôn ngữ cụ thể và dễ hiểu do kinh nghiệm trong cuộc sống. Francis cũng đề nghị phương cách đó với các linh mục khi giảng lễ. Ngài nói bổn đạo sẽ hiểu dễ dàng ngôn ngữ của các cha nếu các cha đã từng sống với giáo dân với văn hóa và cách hành xử của họ, từng lắng nghe những thắc mắc của họ. Hiển nhiên là đức Francis muốn sống gần gũi mọi người. Ngài thường xuyên nói về “văn hóa sống chung” để chúng ta nhận thức rõ quan điểm của ngài là chuyển tải một quan niệm vẫn chưa đủ, chúng ta cần phải nói về chính mình, đi vào cuộc chơi để người ta hiểu là chúng ta hiến dâng cho họ một mảnh cuộc đời của chúng ta, tất cả con người chúng ta. Lúc đó họ mới cảm thấy họ được mời gọi thực sự để chia sẻ những điều thâm sâu nhất và quí hóa nhất để cùng nhau xây đắp tương lại.


Tuy nhiên, đối với Francis, lời nói cần phải đi đôi với việc làm. Hành động diễn tả ý nghĩ và con tim. Lời nói và hành động bổ túc cho nhau. Đây mới thực sự là chúa Kito, đấng nói về Thiên Chúa bằng giảng huấn và “dấu chỉ” chữa lành, tha thứ, chia sẻ, hóa bánh-cá thành nhiều. Hành động của Francis -nhất là hành động thương người nghèo khổ- đã có hiệu quả rất rõ ràng và vượt quá cả giới hạn của ngôn từ, tuy không bằng các vị tiền nhiệm, nhưng bù lại hiệu quả của hành động và việc làm của ngài đã mở rộng tâm hồn ngài và lôi cuốn mọi người ở mọi giai tầng xã hội và mọi nền văn hóa khác nhau dù xa xôi mãi tận chân trời Á Châu và Phi Châu.


Sau cùng, Francis yêu cầu chúng ta hãy nghĩ về “các đấng bậc” một cách tích cực với tình yêu mến và lòng thương cảm. Sứ mệnh của Chúa về lòng thương xót thì không mới mẻ gì. Tất cả các giáo hoàng đã thường xuyên nói về điều này. Chính chúng ta cũng đã từng nói đến. Nhưng Francis thì đã nhấn mạnh như năn nỉ về lòng Chúa thương xót, tha thứ, chấp nhận mọi người, đoàn kết trong hành động và lời nói….Và gương sáng ngài làm đã được chứng minh bằng chính hành động của ngài đã thu hút mọi người và được đáp ứng thi hành rộng rãi với nhiều phong trào. Nhiều người chúng ta nghĩ rằng thái độ chống đối Giáo Hội -một giáo hội tiêu cực chỉ biết có mình và lăm le kết án mà chúng ta đã có lần cảm nghiệm thấy quá đau khổ- hiện đang bỏ lỏng sau khi Francis liên tiếp đề nghị sứ điệp tình yêu, tha thứ và an ủi được thể hiện qua hành động và lời nói với thái độ bộc phát đầy ý nghĩa.


TẠI SAO PHẢI CÓ TRUYỀN THỘNG VÀ TRUYỀN THÔNG CÁI GÌ?


 Dựa vào ba giáo hoàng cận đại của chúng ta là những đại sư về truyền thông, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của truyền thông và mục đích của nó trong sứ mệnh của người Kito hữu chúng ta.


Truyền thông để hiệp nhất.


Truyền thông để tạo đối thoại và đi đến điểm chung cùng nhau xây dựng một cộng đoàn trong Giáo Hội, trong xã hội và trong gia đình nhân loại. Điều này xem ra có vẻ là một ơn do trời ban nhưng không phải vậy. Nó rất bình thường, bởi vì truyền thông có thể được dùng để gây chia rẽ, xúc phạm nhau, gieo rắc hận thù, ăn thua đủ với nhau. Trên lý thuyết đôi khi truyền thông sẽ mang lại hiệu quả hơn, lý thú hơn và linh động hơn nếu tạo ra được tranh luận và khác biệt hoặc khuyến khích đối lập và tranh đấu. Có nhiều chương trình truyền hình, talk shows và tranh luận chuyên cắt nghĩa, suy luận, bàn xuôi nói ngược những lời người khác nói ra bất kể đạo đức. Nhưng họ sẽ xây dựng loại xã hội gì trên những nền tảng ấy? Ngôn từ và giọng điệu hung hãn thường vẫn được coi là ưu thế và thắng lợi. Dĩ nhiên chẳng ai đồng ý với cách truyền thông kiểu ấy. Trái lại làm truyền thông chân chính phải luôn luôn cùng nhau cộng tác theo phương châm: “Đoàn kết, hiệp nhất.” 

 Quảng bá chiến tranh luôn luôn là đổ dầu vào lửa, reo rắc hận thù, kích động con người chém giết nhau. Phong trào giệt chủng ở Rwanda đã được khuyến khích có hệ thống bởi đài phát thanh “Ngàn đồi / radio of a thousand hills”, cũng như phong trào đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa cộng sản, chuyên gieo hạt giống hận thù. Cuối cùng thì bây giờ chúng ta đã nhận ra được tầm quan trọng và nguy hiểm của truyền thông gieo rắc hận thù, đấu tranh giai cấp, tin tức bịa đặt (fake news) trên báo chí và mạng lưới toàn cầu internet. Nó đã dùng những xúc tác đó để kích động hận thù oán ghét nơi những mục tiêu độc hại chẳng bao giờ chịu đổi mới để chống lại hòa bình trong cộng đồng xã hội và cả thế giới. Do đó, truyền thông để hiệp nhất phải luôn luôn và là mục tiêu duy nhất để cùng nhau đoàn kết, không chia rẽ. Câu chuyện tháp Babel trong cựu ước đã cho thấy gương nguy hiểm của phân tán chia rẽ. Nhưng chúng ta có Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Từ Babel đến Chúa Thánh Thần hiện xuống, từ chia rẽ và hỗn loạn đến hiểu biết nhau và cùng nhau kết đoàn hiệp thông.


Truyền thông vì sự thật.


Đây là một nguyên tắc có vẻ trừu tượng, nhưng thực ra nó không phải vậy. Chúng ta cũng đã chứng kiến và cảm nghiệm được những thảm cảnh của nền văn hóa che đậy và sự thiện trên hết, nhưng lại là những hình ảnh sai lạc về chính mình, về cộng đồng và tổ chức của mình. Người ta có nhiều phương cách khác để vi phạm sự thật, ngay cả sự thật một nửa hay một chút xíu, bởi vì nó không trọn vẹn và cân đối nên đã dẫn độc giả và người nghe vào đường sai lạc. Đây là trường hợp ngụy biện, lừa đảo có dụng ý với chủ đích mưu cầu lợi ích cá nhân và phe nhóm hầu đạt ưu thế kinh tế và chính trị. Thông tin tốt và đúng là căn bản để sống một cách trách nhiệm trong xã hội và tham dự vào việc thực thi tiến trình dân chủ trong cộng đồng. Thông tin xấu và sai lạc là lợi dụng khai thác người khác với mục đích riêng tư bất kể nhân cách và nguyên tắc tự do. Loan truyền dối trá để đánh lừa còn tệ hại hơn nhiều. Hiện nay, ngày càng thấy thường xuyên xuất hiện trên mạng lưới internet những chuyện bịa đặt. Người ta đang bàn cãi về những “fake news” được loan tải rất nhanh và rộng rãi mà không ai biết nguồn gốc từ đâu và cũng chẳng kiểm chứng được. Đôi khi nó giống như một trò chơi nhưng lại kết thúc bi thảm. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, đã coi thường lòng tin của độc gia, một kỳ vọng cần thiết để sống trong một xã hội lành mạnh, một đối thoại hòa bình để tìm ra giải pháp cho những vấn đề chung. Truyền thông phải vì sự thật, cho sự thật, không phải cho dối trá và lừa đảo. Ở điểm này, đối với chúng ta là những người làm truyền thông công giáo, chúng ta không thể chấp nhận và thỏa hiệp với bất cứ một loại nào cả.


Truyền thông vì thiện tính và sự thiện


Tội ác và ma quỉ ở trần gian vẫn luôn luôn là một thực tế ghê gớm rất mạnh và có sức quyến rũ vô cùng. Bạo động bằng súng đạn, giết người tập thể hay cá nhân và những hình thức áp bức, lợi dụng như buôn người, tham nhũng hối lộ, tha hóa đang xâm nhập mọi cơ chế và đời sống kinh tế chính trị trong nhiều phạm vị rộng lớn trên thế giới. Nó từ từ đến với chúng ta và thấm phập vào đời sống chúng ta qua truyền thông báo chí với những tin tức hình ảnh gây chấn động ngày càng cao. Dù chúng ta phản đối và kết án, chúng ta vẫn có cảm tưởng như vô vọng. Nó luôn luôn đưa ra những vấn đề tiêu cực để làm người ta nản chí và cuối cùng là thất vọng. Benedict XVI đã thẳng thắn nói nhiều lần như trong tông thư Spes Salvi của ngài là ma quỉ ở trần gian này là một trắc nghiệm cực kỳ khó khăn hóc búa đối với niềm tin của chúng ta. Thiên Chúa ở đâu? Công lý ở chỗ nào? Chúng ta biết, để câu độc giả, truyền thông phải năng động, tạo ra những tin tức giật gân, tệ hại nhất, những thảm họa, những xung đột, gương xấu…Vì vậy ma quỉ mới có môi trường là những bóng tối mây mù đó để hoạt động và phát triển ngày càng dày đặc ở cuối chân trời. Dù những chuyện đó có thật đi nữa nhưng không phải hoàn toàn là thật. Thiện tính ở ngay trong việc làm của chúng ta ở khắp mọi nơi. Nó kín đáo hơn ma quỉ tội lỗi. Nó không tỏ lộ hiển nhiên, nhưng nó có ở đó. Hãy mở mắt mà coi, vểnh tai lên mà nghe. Là nhà truyền thông, chúng ta phải giúp mọi người nhìn và nghe thấy. Vụ 11 tháng 9 (Sept 11) không phải chỉ là một vụ tấn công ngoạn mục và ghê gớm nhất ở đầu thiên niên kỷ thứ ba mà còn là ngày mà hàng ngàn người linh cứu hỏa và cấp cứu viên đã nhảy vào chốn nguy hiểm, đưa thân vào chỗ chết để cứu nạn nhân. Hận thù quá nhiều mà tình yêu cũng không ít. Đau khổ xẩy ra thì tình thương yêu cũng được kêu gọi với nhiều sáng kiến vượt quá sự mong đợi của mọi người. Nếu chịu mở mắt ra nhìn, chúng ta sẽ thấy biết bao nhiêu vẻ đẹp ngỡ ngàng ấy. Và đó là một trong nhiều sự thật trong xã hội.


Biết bao nhiêu hành động thiện mà người công giáo chúng ta đã làm cho người nghèo, tàn tật, câm điếc, già cả, cùi hủi bệnh tật ở Việt Nam và trong các cộng đồng tỵ nạn trong nhiều năm nay mà không gây ồn ào. Những hành động và cử chỉ của những thấy thuốc trong hội Bác Sĩ không biên giới đã bao phủ khắp thế giới từ Âu qua Á tới Phi Châu , những nơi rất nguy hiểm có thể bỏ mạng như không v.v….phải chăng là những việc thiện biểu lộ thiện tính trong xã hội. Những hành động đó chính là những Good News cần phải khuyến khích nâng đỡ và cổ động, truyền đi cho mọi người biết. Làm như vậy là cải đổi u sầu, nản chí và thất vọng thành hy vọng, nuôi dưỡng hy vọng và khuyến khích cùng nhau tự nguyện làm việc thiện. Nói về hòa bình, công lý, hòa giải, tha thứ, đoàn kết, bác ái, yêu thương đều là những việc khả thi, nhưng còn hành động? Còn gì tươi đẹp hơn là loan báo sự thiện cho những người anh chị em huynh đệ? Hoặc mời gọi các đồng nghiệp bạn bè hiệp thông nối kết với nhau tham dự vào sứ mệnh nói về tình yêu, sự thiện, hòa bình, niềm vui và hy vọng của thế giới?


Truyền thông vì vẻ đẹp.


Chung quanh chúng ta không phải chỉ có tội ác, bạo động và chém. giết, còn có những hình thức ô nhiễm khác đang âm thầm nảy nở. Những ngôn từ và hình ảnh hạ cấp tục tĩu đang đập vào mắt chúng ta làm cho cái nhìn của chúng ta trở nên ô uế. Chủ thuyết duy vật gây tính tò mò chết người cũng đang xâm nhập làm sai lạc suy nghĩ của chúng ta và gây gương mù gương xấu. Nếu chúng ta tự bảo vệ mình phản ứng lại, chúng ta vẫn có cảm tưởng như mình còn bị ô nhiễm, nhất là những hình ảnh phơi bày trên mạng. Muốn tẩy rửa cái nhìn của chúng ta cho tronng sáng và tâm hồn được tinh tuyền chúng ta vẫn cảm thấy khó khăn. Đức Francis đã dùng những từ khá mạnh như “cứt đái” để gây tượng hình cho ta dễ thấy. Ngài nói về coprophilia và coprophagia diễn tả khuynh hướng ham thích và ăn những đồ dư thải dơ dáy gớm ghiếc. Ngài báo động truyền thông và những người làm truyền thông và tất cả chúng ta đừng vì tò mò mà sa vào bẫy, đi tìm kiếm nó hoặc hiện diện với nó để gây chú ý và quảng bá cho nó. Không nói lý thuyết về những vấn đề trừu tượng đó. Coi hình trẻ nít trần truồng, phơi bày cái xấu, làm tình và những biến thái ngược đời của sắc dục ngày nay càng ngày càng đi sâu vào đời sống con người, nhất là giới trẻ. Những hình ảnh nào, tư tưởng nào đang trú ngụ trong tâm trí chúng ta để rồi lân la nó định cư luôn ở đó trong suốt cuộc đời chúng ta? Hãy học hỏi ngước mắt nhìn lên, giúp đỡ những người khác để cùng nhau khả dĩ có thể tìm kiếm và thấy được ánh sáng và hơi thở của thần linh Thiên Chúa.


Nói về truyền thông vẻ đẹp hay vì vẻ đẹp, hẳn không có ý nói về mỹ thuật, một loại xa xỉ phẩm của những nghệ sĩ chuyên biệt hay bác sĩ thẫm mỹ chuyên sửa sắc đẹp, mà muốn nói đến sự kính trọng vẻ đẹp nhân cách nơi mỗi con người, thèm ước những gì thực sự quí giá trong nội tâm, kích thích tâm hồn chúng ta mà chỉ có thể nhìn thấy và cảm thấy với con mắt và tâm hồn của người thiện hảo. Nó như nguồn truyền thông và hiệp nhất giữa nghệ thuật và âm nhạc là một biểu hiện tinh thần. Joseph Ratzinger đã nói: đôi khi vẻ đẹp kích thich tâm hồn chúng ta như một cái lao, mũi tên mở mắt chúng ta nhìn vào thế giới thần linh và Thiên Chúa. Nhưng đối với chúng ta vẻ đẹp huy hoàng nhất cuối cùng phải là vẻ đẹp thánh thiêng, trong đó sự thật niềm tin được chứng minh bởi khả năng yêu thương để cải đổi và nâng cao cuộc sống con người lên một cấp cao hơn là hòa hợp và cao cả, có sức quyến rũ mạnh mẽ đi tới thiện tính. Các thánh là những tia sáng chói lọi soi sáng và dẫn đưa chúng ta bước đi trong bóng tối cuộc đời. Các thánh là những nghệ sĩ của Tin Mừng đã sống trong quá khứ nhưng nay vẫn hiện diện gần gũi chúng ta. Các ngài giúp chúng ta đưa mắt nhìn cao hơn từ vực thẳm của tội lỗi. Truyền thông công giáo của người Việt hải ngoại và trong nước chắc vẫn tiếp tục làm cho hình ảnh các thánh trong lịch sử và thời đại chúng ta được mọi người biết tới. Đây là điều mà chúng ta gọi là truyền thông vẻ đẹp và vì vẻ đẹp, giúp cho thế giới và Giáo Hội của chúng ta –thường bị ngộp thở vì vọng cổ, tối tăm, tội lỗi và buồn phiền- được sáng sủa, trong lành và thiện ích đến từ Thiên Chúa. Biển Đức XVI có lần đã nhắc chúng ta về bài giảng tuyệt vời của thánh Bonaventura. Thánh nhân ví chuyển động của hy vọng như một con chim xòe cánh thật rộng và dùng hết sức để bay cao và xa.


“Hy vọng là bay” –thánh Bonaventura nói- “Nhưng hy vọng đòi hỏi tất cả mọi phần thân thể của chúng ta phải cùng chuyển động và tiến tới chiều sâu thực sự của con người, tới hứa hẹn của Thiên Chúa. Ai hy vọng -thánh nhân quả quyết- thì phải ngẩng đầu lên, hướng tư tưởng mình về những gì cao quí nhất, tức là Thiên Chúa.” (St Bonaventura, Homily for First Sunday of Advent, trích bởi Biển Đức XVI ngày 6-9-2009).


Ước mong chúng ta luôn luôn là những nhà truyền thông chính đáng và trong sáng, tự phát và gần gũi độc giả và người dân, đặt hết nhiệt tình và khả năng để phục vụ hiệp nhất, sự thật, thiện ích và vẻ đẹp hầu giúp những người anh chị em huynh đệ của chúng ta tìm được ý nghĩa của hy vọng trong cuộc sống.


Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.

CGVN

Chia sẻ