Giao tiếp đa văn hóa
GIAO TIẾP ĐA VĂN HÓA
Chuyển ngữ: BBT Thần Học Truyền Thông
Văn hóa là cách suy nghĩ và cách sống trong đó người ta tiếp thu những quan điểm, những giá trị, chuẩn mực và niềm tin được giảng dạy và củng cố bởi các thành viên khác trong nhóm. Tập hợp các giả định và giải pháp cơ bản cho các vấn đề của thế giới là một hệ thống chung được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để đảm bảo sự sống còn.
Một nền văn hóa bao gồm các nguyên tắc, luật bất thành văn và luật thành văn sẽ hướng dẫn một cá nhân cách tương tác với thế giới bên ngoài. Các thành viên của một nền văn hóa có thể được xác định từ thực tế là họ có một số điểm tương đồng. Họ có thể được hợp nhất bởi tôn giáo, địa lý, chủng tộc hay sắc tộc.
Sự hiểu biết văn hóa của chúng ta về thế giới và mọi thứ trong đó sẽ ảnh hưởng đến phong cách giao tiếp của chính chúng ta, khi chúng ta bắt đầu tiếp thu những nét văn hóa của một người nào đó song song với thời điểm chúng ta bắt đầu học cách giao tiếp. Văn hóa sẽ ảnh hưởng đến lời nói và hành vi của chúng ta.
Giao tiếp đa văn hóa
Giao tiếp đa văn hóa đề cập đến sự giao tiếp giữa những người có sự khác biệt về một trong những điểm bất kỳ sau đây: phong cách làm việc, tuổi tác, quốc tịch, sắc tộc, chủng tộc, giới tính, khuynh hướng tính dục, v.v. Giao tiếp đa văn hóa cũng đề cập đến những nỗ lực được thực hiện để trao đổi, đàm phán và hòa giải những khác biệt về văn hóa bằng ngôn ngữ, cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể. Đó là cách những người khác nền văn hóa giao tiếp với nhau.
Mỗi cá nhân có thể thực hành văn hóa ở các cấp độ khác nhau: Có nền văn hóa từ cộng đồng mà người ấy lớn lên, có văn hóa làm việc tại nơi làm việc của người ấy và có những nền văn hóa khác mà một người có thể trở thành người tham gia tích cực hoặc dần dần rút lui. Mỗi cá nhân thường xuyên phải đối mặt với sự xung đột giữa nền văn hóa nguyên thủy của mình với nền văn hóa số đông mà người ấy tiếp xúc hàng ngày. Xung đột văn hóa xảy ra do các cá nhân tin rằng nền văn hóa của họ tốt hơn những nền văn hóa khác.
Giao tiếp đa văn hóa đã bị ảnh hưởng bởi nhiều ngành học thuật. Điều cần thiết là tránh những hiểu lầm có thể dẫn đến xung đột giữa các cá nhân hoặc các nhóm. Giao tiếp đa văn hóa tạo ra cảm giác tin tưởng và cho phép sự hợp tác. Điều trọng tâm là đưa ra câu trả lời phù hợp hơn là cung cấp thông điệp phù hợp.
Khi hai người khác nền văn hóa gặp nhau, họ không chỉ có nền tảng văn hóa khác nhau mà cách nói chuyện của họ cũng khác nhau. Giao tiếp đa văn hóa sẽ hiệu quả và dễ dàng hơn nếu cả hai người đều có kiến thức về cách nói chuyện luân phiên được sử dụng trong cuộc trò chuyện (Ví dụ: Một người không nên độc chiếm cuộc trò chuyện hoặc mỗi lần nói chuyện chỉ có một người nói).
Nguồn gốc về thông tin sai lệch trong trao đổi văn hóa chéo của LarayBarna
1) Giả định về sự tương đồng: Điều này đề cập đến xu hướng mà chúng ta cho rằng: cách chúng ta cư xử và hành động là quy tắc ứng xử được chấp nhận rộng rãi. Và khi ai đó khác biệt, chúng ta có cái nhìn tiêu cực về họ
2) Sự khác biệt về ngôn ngữ: Vấn đề xảy ra khi người này không thể hiểu người kia đang nói gì vì họ đang nói ngôn ngữ khác nhau. Nói cùng một ngôn ngữ đôi khi cũng có thể dẫn đến sự khác biệt vì một số từ có ý nghĩa khác nhau trong các bối cảnh, quốc gia hoặc nền văn hóa khác nhau.
3) Giải thích sai các phi ngôn ngữ / Ngôn ngữ không lời: Cách chúng ta ăn mặc, cách chúng ta thể hiện bản thân thông qua ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt và cử chỉ cũng truyền đạt một điều gì đó. Một cử chỉ đơn giản như gật đầu được coi là CÓ ở một số nền văn hóa nhất định và KHÔNG ở một số nền văn hóa khác.
4) Định kiến và khuôn mẫu: Khuôn mẫu liên quan đến việc đặt mọi người vào các vị trí được xác định trước dựa trên hình ảnh mà chúng ta nghĩ họ là như thế hoặc nên như thế. Nó có thể bao gồm một tập hợp các đặc điểm mà chúng ta cho rằng tất cả các thành viên trong một nhóm đều có chung. Điều này có thể đúng, có thể sai. Tuy nhiên, những khuôn mẫu có thể dẫn đến những kỳ vọng và quan niệm sai lầm. Ý kiến định sẵn về người khác có thể dẫn đến sự thiên vị và phân biệt đối xử.
5) Xu hướng đánh giá: Con người có xu hướng hiểu hành vi và giao tiếp của người khác bằng cách phân tích họ theo quan điểm văn hóa của chính mình, mà không cần xem xét lý do tại sao người kia lại cư xử hoặc giao tiếp theo một cách nhất định như thế.
6) Lo lắng cao độ: Đôi khi việc phải đối mặt với một quan điểm văn hóa khác sẽ tạo ra trạng thái lo lắng, không biết nên hành động hay cư xử như thế nào và điều gì được coi là phù hợp (Ví dụ: Một người đàn ông Nhật Bản và một người Mỹ đang có cuộc họp kinh doanh mà cả hai đều không biết chắc chắn về các chuẩn mực văn hóa của đối phương)
Để giảm bớt những rào cản trên trong giao tiếp đa văn hóa, người ta có thể nỗ lực phát triển kỹ năng lắng nghe của chính mình. Điều này sẽ đảm bảo rằng, chúng ta bắt đầu nghe được ý nghĩa thực sự của những gì đang được nói thay vì chỉ hiểu theo bề ngoài. Hiểu được nhận thức của chúng ta về người khác sẽ đảm bảo rằng, chúng ta đang thực hiện các bước để không phán xét một người nào đó hoặc rập khuôn họ. Bằng cách chấp nhận mọi người và sự khác biệt của họ cũng như thừa nhận rằng chúng ta không thể biết hết mọi thứ sẽ khiến chúng ta cởi mở hơn với mọi người và sự khác biệt của họ, điều đó giúp chúng ta sử dụng thông tin theo đúng ngữ cảnh để hiểu họ rõ hơn. Tìm kiếm phản hồi và chấp nhận rủi ro để mở ra các kênh giao tiếp cũng như chịu trách nhiệm về cảm xúc và hành động của chính mình sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giảm thiểu những thông tin sai lệch.
Đọc bài viết gốc tại đây: Cross Cultural Communication (communicationtheory.org)