Skip to content
Top banner

Điện ảnh là gì? Sự ra đời và các loại hình phim điện ảnh

THTT-01
2023-07-18 21:45 UTC+7 241

ĐIỆN ẢNH LÀ GÌ? SỰ RA ĐỜI VÀ CÁC LOẠI HÌNH PHIM ĐIỆN ẢNH

 

Khái niệm: Điện ảnh là một loại hình nghệ thuật tổng hợp và kế thừa những tinh hoa của nền nghệ thuật trước đó như sân khấu, văn xuôi, thơ ca, hội họa, âm nhạc, kiến trúc…; kỹ thuật và kỹ xảo điện ảnh là phương tiện để thể hiện một tác phẩm điện ảnh. Điện ảnh là sự kết hợp giữa hai yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật với ý nghĩa đích thực của nó (phương tiện, máy quay phim…), là sự kết hợp của cả hình và tiếng.

Mục lục  

1. Sự ra đời của điện ảnh

2. Đặc trưng của điện ảnh

3. Đội ngũ những người làm điện ảnh

4. Các loại hình phim điện ảnh

5. Kịch bản điện ảnh

1. Sự ra đời của điện ảnh

Thế kỷ XIX chẳng những mở rộng rất nhiều ranh giới của thế giới mà còn đem lại cho loài người những phương tiện đầy hiệu lực để nhận thức thực tiễn quanh họ một cách đầy khoa học. Tuy nhiên, việc nắm bắt thế giới trên cơ sở khoa học đã không xác định được một cách chính xác trước sự phát triển nhanh chóng của nghệ thuật cũng như nhận thức về nghệ thuật. Người nghệ sỹ luôn nhận thấy những thiếu sót của các phương tiện mà họ sử dụng và cố gắng tìm cách khắc phục những hạn chế do kỹ thuật dành cho loại hình nghệ thuật đó gây nên. Chính việc khắc phục những trở ngại ấy đã làm nảy sinh những tác phẩm nghệ thuật chân chính. Thế kỷ thứ XIX đã mở ra cho con người những triển vọng phát triển mới và những chân trời mới thể hiện sự mong muốn từ lâu của con người nhằm tạo ra những nghệ thuật có thể truyền đạt sự phong phú và tính đa dạng của thế giới một cách đầy đủ và rõ ràng hơn bất cứ lúc nào trước đây.

Ý muốn nhằm tiến tới sự hoàn thiện quá trình sáng tạo, tới việc khắc phục sự thiếu sót của các phương tiện biểu hiện tất sẽ dẫn đến sự xuất hiện ước mơ về một thứ siêu nghệ thuật nào đó có khả năng sử dụng mọi phương thức tác động đến con người cả về thị giác lẫn thính giác, đủ bao hàm trong bản thân nó tất cả các tác phẩm hội họa, âm nhạc, văn học cùng một lúc.

Ở thế kỷ thứ XIX, người ta chỉ thấy việc thực hiện lý tưởng đó ở nhà hát mà thôi. Goethe đã miêu tả sự phong phú về tinh thần và tính đa diện về tình cảm của môn sân khấu: “Bạn ngồi đó với đầy đủ tiện nghi y như một ông hoàng và các vở kịch diễn ra ngay trước mắt bạn, tạo ra cho tình cảm của bạn và trí tuệ của bạn tất cả những gì mà bạn mong muốn, ở đó vừa có thi ca, vừa có hội họa, vừa có âm nhạc, vừa có nghệ thuật sân khấu rồi đủ tất cả, cái gì cũng có. Thế rồi khi tất cả những nghệ thuật ấy với ước vọng của tuổi trẻ và vẻ đẹp cùng tác động trong cùng một lúc và nhất là với một đội ngũ diễn viên hoàn hảo nhất thì đó quả là một ngày hội chẳng có gì so sánh”, Belinxki cũng nhìn thấy ở nhà hát một thứ nghệ thuật hoàn thiện nhất, gần gũi nhất đối với con tim chúng ta, bởi vì nó truyền đạt những ước mơ và việc làm của con người một cách chính xác và toàn diện hơn cả. Xcriabia lại mơ ước về một nền “nghệ thuật vạn năng, kết hợp được cả âm nhạc, hội họa, thi ca và múa”. Trong tất cả các quan điểm rất khác nhau ấy của các nghệ sĩ, vẫn thấy có một quan điểm giống nhau đó là mơ ước. Khái niệm về một nền nghệ thuật tổng hợp, nhất quán, có khả năng phối hợp rộng rãi những phương tiện biểu hiện nhằm miêu tả thực tiễn một cách toàn diện hơn, đầy đủ hơn.

Nghệ thuật điện ảnh chính là sự biểu hiện mơ ước ấy của các nhà thơ, học sĩ, nhà phê bình của tất cả những ai luôn cảm thấy âm thanh của nhạc khí, ngôn từ trên giấy và màu sắc trên vải sơn còn quá nghèo nàn, quá đơn điệu để truyền đạt sự phong phú bề ngoài và bên trong thế giới con người.

Tuy nhiên, sự phát minh ra điện ảnh hoàn toàn không liên quan gì đến nghệ thuật. Điện ảnh là do các nhà bác học chuyên nghiên cứu bản chất của sự vận động phát minh ra và không hề có ý niệm tạo ra một màn biểu diễn mới hay một phương tiện biểu hiện nghệ thuật nào hết. Nghệ thuật cũng không nằm trong tầm quan tâm, chú ý của những người làm công tác kỹ thuật nhiếp ảnh có ý muốn hoàn thiện nhiếp ảnh.

Đầu tiên chỉ là phát minh ra loại đồ chơi cơ khí prakximoxcop hay zootrôp gây ra được ảo giác của sự chuyển động. Tiếp theo là việc chế tạo các cỗ máy nhằm ghi lại hình ảnh chuyển động của các vật, con người và con vật. Máy chiếu tạo nên những hình ảnh chuyển động trên một nền vải trắng là sự bổ sung cho chiếc máy quay. Tuy nhiên các loại phát minh này đều không sống lâu bởi sự thiếu hoàn thiện về mặt kỹ thuật, chất lượng chiếu hình thấp, phim luôn bị rách, cấu tạo máy thiếu hoàn chỉnh. Công lao của hai anh em nhà Luymie là họ đã làm cho các công trình dở dang của các bậc tiền bối trở thành hiện thực và hoàn thiện hơn cùng với sự giúp đỡ của kỹ sư Cắcpăngchie, máy chiếu ảnh của họ ra đời trong phim của Lumiere đã xuất hiện những cảnh sinh hoat, những cảnh tượng ngộ nghĩnh, cảnh phố phường (tàu vào ga, khách bộ hành trên đường phố Paris) chứ không phải chỉ là những hình ảnh lặp lại những động tác giống nhau của những hình thù nhỏ bé như những tiều phu đốn củi. Cô vũ nữ leo dây…trong chương trình biểu diễn của những thước hình trong máy Kinetoxcop (1894) trước đó. Các thước phim của Luymie thể hiện “cuộc sống như chính nó có trên thực tế”. Người xem cảm thấy được tính tự nhiên của hình tượng trên màn ảnh. Sự trung thành tuyệt đối của người làm phim đối với các sự kiện, tính chân thực của việc miêu tả cuộc sống trên màn bạc. Bộ phim ngắn “Tàu vào ga” chứa đựng cả những khả năng nghệ thuật khác. Cảnh tàu vào ga, hành khách xuống tàu đi lại gần máy quay, người xem cảm thấy họ ở các cỡ cảnh khác nhau, từ toàn cảnh đến cận cảnh. Khác hẳn với cảnh sân khấu, nhà hát, không gian của màn ảnh thay đổi liên tục. Trước mặt người xem, lúc thì xuất hiện một phần nào đó của vật thể, lúc thì lại toàn bộ vật thể đó. Đó là điểm mới mẻ, là điểm xác định vẻ độc đáo của môn điện ảnh và nghệ thuật đặc trưng của nó. Tờ “Bec-li-ne lo-ca-li an-vai- ghe (1986) viết: “đó là cuộc sống dầy đặc được cảm nhận trong từng chi tiết đang diễn ra trước mặt chúng ta. Bất kể một loại ảnh nào cũng đều là hình ảnh nổi hình của thiên nhiên, hình ảnh chân thực đến từng chi tiết vụn vặt, khiến ta cảm tưởng như trước mặt ta là một thế giới thực sự”. Tuy nhiên đó mới chỉ là sự trình làng của điện ảnh. Còn để đi đến một nghệ thuật điện ảnh đích thực phải trải qua những chặng đường dài: từ điện ảnh chợ phiên đến điện ảnh nghệ thuật.

2. Đặc trưng của điện ảnh

Điện ảnh có sự khác biệt với các loại hình nghệ thuật khác như: Hội họa, âm nhạc, điêu khắc. Bức tranh cổ “Cá chép ngắm trăng” với đường nét uyển chuyển, bóng trăng lung linh; những pho tượng La Hán với sức sống nội tâm dồi dào trong ánh sáng mờ ảo của chùa Tây Phương; hình ảnh một thiếu nữ vẻ mặt thanh tú, trong sáng, duyên dáng ngồi bên cành hoa huệ (Tô Ngọc Vân)…đã thực sự chộp được cuộc sống ngưng đọng trong băng vĩnh cửu… Nghe bản nhạc Du kích Sông Thao, ta hình dung qua âm thanh một dòng nước khi trôi lững lờ, lúc cuồn cuộn chảy, dạt dào, đầy vơi như phong trào du kích hai bên triền sông. Song những hình ảnh đó không hiện lên sống động như màn bạc và việc cảm thụ những tác phẩm âm nhạc, hội họa hay điêu khắc ấy còn tùy thuộc vào khả năng cảm thụ của mỗi người.

Văn học, với một từ vựng phong phú, giàu hình tượng, có khả năng phản ánh những cái lắt léo, thầm kín nhất của đời sống xã hội. Những hình ảnh tưởng tượng trên những trang viết lần lượt hiện lên trong đầu ta, rõ nét hay mờ nhạt còn tùy thuộc vào trí tưởng tượng, vào trình độ kiến thức và sự từng trải của mỗi người. Sân khấu, một loại hình nghệ thuật gần với cuộc sống hơn một chút, nhờ ở cảnh vật cụ thể và diễn xuất của những con người bằng xương bằng thịt. Nhưng nó không thể bê núi, sông, máy bay và hàng sư đoàn quân lên một không gian nhỏ hẹp. Sân khấu phải cần đạt tới những giả định, ước lệ. Cung điện nguy nga, núi cao rừng rậm chỉ là những hình vẽ trên phông vải. Một viên tướng đang hò hét, múa trước roi ngựa, dịch từng bước, khi khoan, khi mau vòng quanh sân khấu, theo sau có dăm ba tên phất cờ, vác giáo. Theo ước lệ, người ta có thể hiểu là ông ta đang cưỡi trên lưng ngựa chiến, dẫn đại đội binh mã, tiến ra biên ải… sức thu hút của tuồng, chèo chủ yếu là làn điệu, ở vũ đạo và đặc biệt ở những điệu bộ mang tính ước lệ khái quát cao.

Điện ảnh gần gũi với cuộc sống hơn cả. Tính chất này đã đòi hỏi phim từ diễn xuất tới bối cảnh, đạo cụ, từ lời thoại đến tiếng động, màu sắc, phục trang, hóa trang đều phải thực. Khán giả khó chấp nhận một bối cảnh giả, ước lệ như trong sân khấu. Tuy nhiên, điện ảnh gần gũi với cuộc sống không có nghĩa là luôn luôn y hệt như cuộc sống, không sao chép cuộc sống. Cũng giống như văn học, những mảnh đời, những tính cách, những hoàn cảnh được người biện tập kịch tập hợp lại chọn lọc tạo nên những tính cách điển hình, hoàn cảnh điển hình mang tầm khái quát cao. Nội dung của một kịch bản điện ảnh được thể hiện qua lời bình và tiếng, đó chính là ưu thế của điện ảnh. Điện ảnh là một nghệ thuật (nghệ thuật thứ bẩy) nên ít nhiều mang tính ước lệ: Cảnh chị Dậu chạy khỏi nhà “Quan Cụ trong một đêm giông tố sấm sét… là cảnh được nâng lên ở mức tượng trưng bao hàm ý sâu và gây súc động mạnh.

Điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp, nó tiếp tục các phương pháp thể hiện của các bộ môn nghệ thuật khác, nó tổng hợp những kinh nghiệm sáng tạo của tất cả các nghệ thuật ra đời trước nó như sân khấu, văn xuôi, thơ ca, hội họa, âm nhạc, kiến trúc… nó sử dụng khả năng biểu cảm trực tiếp của các nghệ thuật ra đời trước nó.

Về mặt này, điện ảnh gắn với sân khấu. Sân khấu có sự tổng hợp những phương tiện biểu đạt của văn chương, vũ đạo, hội họa, âm nhạc và hòa tan chúng vào diễn xuất của diễn viên. Nhưng cũng có thứ không hòa tan, đó là không gian ước lệ như các bộ môn sân khấu khác. Tính tổng hợp của điện ảnh cao hơn hẳn. Điện ảnh tồn tại trong cả không gian và thời gian, sự tổng hợp của không gian và thời gian là thực chất của điện ảnh. Ngoài ra việc sử dụng âm nhạc trên phim, trừ một số trường hợp hãn hữu, cũng chỉ là những mẩu ngắn không thành bài, tạo không khí cho một đoạn phim hay miêu tả nội tâm của nhân vật. Hay bức họa “Một con chiên đau khổ cần chúa” khi vào “Sông Đông êm đềm” cũng được chuyển động qua những dạng khác nhau. Đó là cảnh Natalia bị Grigôri ruồng bỏ, quỳ ngoài trời trong đêm mưa tuyết. Chị giang đôi tay quằn quại, thất vọng lên không trung mịt mùng, cầu van đấng tối cao hãy trừng phạt người chồng bội bạc. Yếu tố vũ, từng đi vào sân khấu cổ truyền của ta rất rõ, qua điệu bộ của tuồng (cách dịch bước, vuốt râu, rót rượu… hay qua lối múa biểu hiện, múa trang trí của chèo (quẩy hàng, xoè quạt…) được điện ảnh sử dụng nhưng ngọt ngào và kín đáo hơn, bé Nga (phim Chim Vành Khuyên) nhảy dây 3 lần, mỗi lần được coi là một động tác vũ, biểu hiện một trạng thái tâm tư nhất định: nhịp nhàng, thanh thoát khi vào đầu phim, lúc cô bé còn đầy đủ tính hồn nhiên, tươi mát; lúng túng, vấp váp khi tên Pháp buộc nhân vật phải nhảy trước mặt ông bố bị trói. Rồi bỗng đường dây lại tung bay thoăn thoắt khi cô bé nảy ra ý định chạy trốn để báo động cho đoàn cán bộ.

Điện ảnh học ở thơ phương pháp trữ tình. Điện ảnh và thơ ca có cùng chung một cố gắng bắt các vật thể sống động nói lên tính cách tự nhiên. Sự rung động của thế giới sinh tồn được tái tạo, tăng lên và biến đổi, đó là sự dung hòa lẫn nhau của hình ảnh và tư tưởng.

Bằng phương tiện kỹ thuật và những thủ pháp điện ảnh chúng ta có thể diễn tả một cách đầy đủ và chân thật mọi sự vật, mọi thời gian, mọi thời đại, mọi phức tạp của tâm tư, mọi tư tưởng và hiện tượng phức tạp nhất của thực tế xã hội.

Như vậy, điện ảnh là một loại hình nghệ thuật tổng hợp và kế thừa những tinh hoa của nền nghệ thuật trước đó, kỹ thuật và kỹ xảo điện ảnh là phương tiện để thể hiện một tác phẩm điện ảnh. Điện ảnh là sự kết hợp giữa hai yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật với ý nghĩa đích thực của nó (phương tiện, máy quay phim…), là sự kết hợp của cả hình và tiếng.

3. Đội ngũ những người làm điện ảnh

Cũng như sân khấu, một tác phẩm điện ảnh ra đời là sản phẩm sáng tạo của cả một tập thể đạo diễn, diễn viên, biên kịch, người hóa trang, phụ trách ánh sáng, người quay phim (trong sân khấu không có người quay phim).

Vai trò của mỗi thành viên trong tập thể này đều quan trọng nhất là người biên kịch – tác giả kịch bản – cơ sở chính của tác phẩm điện ảnh và người đạo diễn – người khai phá và sáng tạo lại một lần nữa kịch bản, thể hiện kịch bản băng những thước phim, những hình ảnh sáng, đầy ý nghĩa.

Đạo diễn là tác giả chính của bộ phim. Người đạo diện chỉ huy, hướng dẫn thống nhất mọi hoạt động của diễn viên, quay phim, họa sỹ, làm nhạc sao cho thực hiện đúng với kịch bản.

Đạo diễn phải có tư chất của người viết, biết xử lý kịch bản. Công việc đầu tiên của người đạo diễn là nhận thức, phân tích kịch bản văn học để xử lý kịch bản văn học.

Kịch bản văn học là nền tảng của phim. Người đạo diễn phải biết xử lý, biến nó thành của mình, làm sao cho mình “ngấm” kịch bản.

Để nhận thức, phân tích, xử lý kịch bản, người đạo diễn cần có 3 yếu tố quyết định:

Khả năng cảm nhận (thuộc về thiên bẩm)

Tri thức, kinh nghiệm, vốn sống.

Nghề nghiệp (đào tạo, học tập)

Chính vì 3 yếu tố này mà cùng một kịch bản, giao cho các đạo diễn khác nhau, phim sẽ khác nhau. Ý đồ hình thành trên cơ sở khả năng cảm nhận và tri thức của mỗi người.

4. Các loại hình phim điện ảnh

Phim truyện: Dùng cốt truyện hư cấu, dùng diễn viên đóng và tạo bối cảnh giả (hoặc bớt cảnh thật có cải tạo theo yêu cầu của nghệ thuật), tạo ảo giác giống cuộc đời thực.

Phim khoa học: Mục đích của phim Khoa học là nhằm nâng cao nhận thức khoa học. Do đó hạt nhân của phim là một vấn đề khoa học chủ đề của phim là một vấn đề khoa học chủ đề của phim thường là những công trình khoa học đứng đắn nhất.

Phim hoạt hình: Không dùng người thật làm diễn viên, thay vào đó là hình vẽ hoặc vật thể hoàn toàn bất động, áp dụng phương pháp quay phim từng hình và chiếu lên màn ảnh liên tục (24, 25 hình/giây), tạo ra ảo giác chuyển động. Chúng được các nhà làm phim “thổi hồn” vào và trở thành những nhân vật mang tính cách, suy nghĩ… như con người.

Phim tài liệu: Xông thẳng vào những vấn đề thiết thân nhất của cuộc sống, tìm ra chủ đề và hình tượng ở đó. Qua việc ghi lại hình ảnh người thực việc thực, tác giả nâng lên tầm khái quát hóa bằng hình tượng, phát hiện bản chất có ý nghĩa triết học của hiện tượng. Sự kiện nhấn mạnh ý nghĩa xã hội của hiện tượng.

5. Kịch bản điện ảnh

Những thước phim đầu tiên của Luymie (trừ phim “người tưới vườn” nổi tiếng) đều không có yếu tố trình bày, diễn xuất kiểu sân khấu, chưa hề có diễn viên, kịch bản cảnh trí là những thành phần tất yếu của phim truyện hiện đại. Phải đến Meliex nhà hoạt động sân khấu – đạo diễn – diễn viên chủ rạp- người sáng lập ra môn điện ảnh trình diễn, mới đưa diễn xuất của diễn viên lên sân khấu màn ảnh. Lúc đó tiết mục điện ảnh mới được trình diễn, dàn dựng và nghiền ngẫm, thay thế cho nguyên tắc phóng sự kiểu Lumiere “cuộc sống như nó vốn có” và kịch bản ra đời.

Ngày nay trong điện ảnh hiện đại, một bộ phim không thể không có kịch bản điện ảnh. Kịch là cái gốc, là bản thiết kế của bộ phim và phim là công trình hình ảnh.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Báo chí Truyền hình)

 

Đọc bài viết gốc tại đây (lytuong.net)

Chia sẻ