doomsurfing và doomscrolling
Doomscrolling: Dìm mình trong dòng thác tin xấu
TTCT - Đối với nhiều người, thói quen điểm tin cuối ngày trước khi ngủ đã trở thành những vòng lặp vô tận của động tác lướt màn hình điện thoại thông minh qua những tít báo và thông tin ngồn ngộn không có điểm dừng trên mạng xã hội. Đại dịch COVID-19 chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề, khi dòng chảy thông tin không hồi kết đó đa phần là tin xấu, mang lại năng lượng tiêu cực mà có khi ta không hay biết.
Mới đây, từ điển uy tín Merriam-Webster đưa hai thuật ngữ doomsurfing và doomscrolling vào danh sách theo dõi - dành cho những từ được sử dụng ngày càng nhiều trong thực tế nhưng chưa đáp ứng đủ các tiêu chí để chính thức có đề mục riêng trong từ điển.
Theo định nghĩa của từ điển này, doomsurfing và doomscrolling “là những thuật ngữ mới đề cập đến xu hướng tiếp tục lướt (đọc) những tin tức xấu, mặc dù tin tức đó khiến người tiếp nhận chúng phiền muộn, chán nản hoặc trầm cảm”. Cũng theo Merriam-Webster, trong thời gian gần đây, nhiều người đang bị cuốn vào việc đọc liên tục các tin tức tiêu cực về COVID-19 mà “không có khả năng dừng lại”.
Đến chết vẫn đọc
Dù không phải là một hiện tượng mới, thói quen lướt tin tức trước khi đi ngủ của nhiều người dường như trở nên cực đoan hóa trong đại dịch. Mỗi ngày đều kết thúc như cách mà nó bắt đầu: dán mắt vào màn hình máy tính hoặc điện thoại để cập nhật các tin tức về COVID-19, tìm kiếm lời giải cho những thắc mắc liên quan đến một dịch bệnh mà bản chất của nó vẫn còn đang làm đau đầu các bác sĩ và chuyên gia y tế.
Nhưng càng đọc lại càng thấy rối rắm, khó hiểu. Ta mỏi mắt tìm lời giải thích cho những gì đang diễn ra xung quanh, nhưng chuỗi thông tin không hồi kết không đưa ta đến gần hơn với câu trả lời. Khi giật mình ngước nhìn đồng hồ thì đã nhiều giờ trôi qua mà không hề hay biết.
Cây bút Kevin Roose của báo The New York Times thừa nhận anh là một trong những người có thói quen này. Anh ví von doomsurfing giống như “rơi vào những hố sâu bệnh hoạn chứa đầy nội dung về virus corona, kích động bản thân đến mức khó chịu về thể xác, xóa tan mọi hi vọng về một giấc ngủ ngon”.
Hiện tượng cực đoan này càng trở nên trầm trọng hơn khi phong trào biểu tình phản đối bất công sắc tộc và bạo lực cảnh sát nổi lên ở Mỹ sau cái chết của công dân da màu George Floyd trở thành một phần trong chuỗi vô tận tin tức và thông tin trên mạng xã hội.
Nếu như thói quen dán mắt vào màn hình điện thoại mỗi tối đã đủ là lý do khiến vợ chồng lục đục vì đối tác thà “ôm điện thoại” chứ không chịu ôm mình, giờ đây mọi chuyện còn tồi tệ hơn khi những thông tin dung nạp vào đầu trước khi ngủ không chỉ là chuyện hậu trường giải trí hay bàn tán về đời tư của người nổi tiếng mà còn là những số liệu gây khiếp hãi: số ca tử vong vì COVID-19, tỉ lệ thất nghiệp, thiệt hại kinh tế...
Chúng ta đang sống trong một thời điểm gây hoang mang, với rất nhiều thông tin mâu thuẫn và gây nhiễu - dù đều được dán nhãn là “sự thật” và được đưa ra bởi các nguồn có vẻ khả tín - trong một hoàn cảnh thay đổi nhanh chóng không kém. Điều đó đòi hỏi ở công chúng khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin rất tốt để có thể nắm vấn đề từ những nội dung được thu nạp.
Không may là những câu hỏi như “đeo khẩu trang hay không đeo khẩu trang?”, “giãn cách hay không giãn cách?”, “mở lại trường học, quán xá hay tiếp tục đóng cửa?” đều là những câu hỏi mà đến bây giờ dư luận nhiều nước - điển hình là ở Mỹ - vẫn còn cãi nhau chí chóe mặc cho dân tình hoang mang không biết phải nghe ai.
Lỗi thuộc về ai?
Trong nhiều năm, người ta đã đặt câu hỏi về lợi ích ròng của các nền tảng mạng xã hội như Twitter và Facebook so với tác động tiêu cực mà chúng mang lại. Một số nghiên cứu đã chỉ ra các phương tiện truyền thông xã hội, khi được sử dụng một cách có trách nhiệm, có thể tác động tích cực đến sức khỏe tâm thần.
Ngược lại, chúng cũng có thể dẫn đến lo lắng, trầm cảm, hay nhẹ nhất cũng là nỗi sợ bỏ lỡ một điều gì đó (FOMO - fear of missing out). Đó là trước đây, khi mạng xã hội còn “tươi vui chán” với ảnh chụp đồ ăn và chuyện xì xầm nhỏ to về những người nổi tiếng.
Khi thông tin về đại dịch và biểu tình chiếm sóng, vấn nạn càng trở nên trầm trọng hơn. Instagram đâu thể còn hình ảnh ăn chơi nghỉ dưỡng khi ngành hàng không, du lịch bị đình trệ vì virus corona.
Trong tình huống đặc biệt đó, bản năng con người là bật chế độ sinh tồn, khiến ta ngấu nghiến bất kỳ thông tin nào khả dĩ có thể làm tăng khả năng sống sót của bản thân trong xã hội có nhiều biến động. Làm việc từ xa, thiếu vắng tương tác xã hội với đồng nghiệp, bạn bè để bàn luận về những thông tin vừa đọc được càng khiến ta lún sâu vào vòng luẩn quẩn không lối thoát.
Đây chưa chắc là lỗi của truyền thông hay mạng xã hội. Mesfin Bekalu, một nhà nghiên cứu về sức khỏe và y tế công cộng tại Đại học Harvard, cho rằng mặc dù phần lớn các tin tức trong thời gian qua là tiêu cực, “việc chú ý đến các tin tiêu cực nhiều hơn (so với tin tích cực) là một xu hướng tự nhiên của con người”.
Điều này, cộng hưởng với thuật toán của các trang mạng xã hội khiến các thông tin được nhiều người quan tâm càng xuất hiện trên bản tin của nhiều người dùng hơn, biến doomscrolling trở thành một “đại dịch” tồn tại song song và không thể tránh khỏi.
Từ những năm 1970 đã xuất hiện khái niệm “hội chứng thế giới xấu xa” (mean world syndrome) - niềm tin rằng thế giới là một nơi nguy hiểm hơn so với thực tế - là kết quả của quá trình tiếp xúc lâu dài với nội dung bạo lực trên truyền hình.
“Doomscrolling có thể kéo theo những tác động lâu dài đối với sức khỏe tâm thần trừ khi chúng ta thực hiện các biện pháp can thiệp nhằm thay đổi hành vi người dùng và định hướng thiết kế các nền tảng truyền thông xã hội theo hướng cải thiện sức khỏe và tinh thần (của người sử dụng)” - Bekalu nhận định.
Làm cách nào tránh?
Allissa Richardson, giáo sư trường báo chí và truyền thông Đại học South California, đã trò chuyện cùng các nhà hoạt động trong phong trào sắc tộc Black Lives Matter tại Mỹ lấy tư liệu viết sách. Cô nhận thấy nhiều nhà hoạt động nói không với doomscrolling đơn giản bởi vì họ “không thể nhìn (những người cùng màu da với) bản thân bị giết lặp đi lặp lại trên màn hình điện thoại”.
Với người dùng phổ thông, việc cố gắng cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh không có gì sai, nhưng chúng ta cần biết tự chăm sóc bản thân và cân bằng việc tiếp thu tin tức xấu với các thông tin nhẹ nhàng hơn, vì sức khỏe của chính chúng ta và của cả những người xung quanh, theo nhà báo Kevin Roose.
Một giải pháp hiển nhiên là tắt máy không đọc nữa. Nhưng cũng có những thứ khác mà ta có thể làm trên mạng để giúp bồi bổ tinh thần. Theo Roose, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khiến Internet thể hiện vai trò kết nối xã hội, thay thế sự tiếp xúc trực tiếp đang dần biến mất nhiều hơn bao giờ hết.
Người trẻ sử dụng các ứng dụng gọi video để giữ liên lạc, các bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật đưa hiện vật lên trang web với các tour tham quan ảo, và nghệ sĩ “chiều” fan bằng cách tổ chức các buổi diễn trực tuyến.
Về phần mình, Roose thừa nhận đã tự thực hành một số biện pháp để giữ cho bản thân không phát điên vì doomscrolling, trong đó có “tắt tiếng” hay “ẩn” những bạn bè cực đoan hay lo sốt vó trước các thông tin về dịch bệnh và chia sẻ vô tội vạ những thông tin này mà không cần kiểm chứng. Anh cũng bắt đầu tìm đến với thiền nhờ sự trợ giúp của các ứng dụng di động có cung cấp bài tập miễn phí như Calm hay Headspace.
Freedom, một ứng dụng cho phép người dùng quản lý và giới hạn thời gian lướt mạng xã hội trong ngày của bản thân, cũng là một giải pháp hữu hiệu để thoát khỏi thói quen doomscrolling. Nghiên cứu cũng chỉ ra giảm bớt lướt web, đọc tin tức thụ động và tăng cường giao tiếp chủ động với bạn bè, gia đình trên mạng cũng có thể khiến ta tiết chế cảm xúc tiêu cực.
Doomscrolling chắc chắn không thể ngăn chuyện xấu xảy ra, cũng chưa chắc giúp ta có sự chuẩn bị tốt hơn cho những gì sẽ đến. Cảm giác hiểu biết mang lại sự nhẹ nhõm, nhưng đi cùng với nó luôn là sự tra tấn tinh thần đến từ mê trận các thông tin tiêu cực, thương tâm.
Năm 2020 chẳng khác một cuộc đua marathon đường dài, cố gắng chạy thật nhanh chỉ càng làm ta kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần trước khi kịp chạm đến vạch đích.
***
Cả hai thuật ngữ đều được cấu tạo từ hai thành phần: doom (cái chết, sự hủy diệt; một sự kiện kinh khủng không thể tránh khỏi - theo từ điển Oxford Learners’ Dictionaries) và surf (lướt) hoặc scroll (cuộn) - những thao tác sử dụng máy tính hoặc điện thoại di động để đọc tin tức. Vì thế, doomscrolling hay doomsurfing hiểu nôm na là “đọc cho đến chết”!
***
Những thông tin tiêu cực dường như không có điểm dừng, và ta tự nhủ lòng một tin tức tốt lành, hay chí ít là một lời giải đáp cho những câu hỏi còn ong ong trong đầu, chỉ còn cách một lần “cuộn” màn hình nữa mà thôi.
Đọc bài viết gốc tại đây (tuổi trẻ cuối tuần)
Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ