Skip to content
Top banner

Chiếc Hộp Pandora, Sự Tò Mò Là Phúc Hay Họa

THTT-01
2023-07-20 08:57 UTC+7 209

 

Chiếc Hộp Pandora, Sự Tò Mò Là Phúc Hay Họa

 

“Theo thần thoại Hy Lạp, thần Zues đã chỉ thị thần lửa Hephaestu tạo ra người phụ nữ đầu tiên trên trái đất và nhờ có sự giúp đỡ của các vị thần nàng đã trở thành một người hoàn mỹ: Aphropdite ban cho nàng khả năng thấu hiểu lòng người. Athena trao cho nàng sự khéo léo và tinh tế. Hermes tặng nàng sự uyển ngôn và cái tên: Pandora. Sau cùng, Zeus ban tặng cho nàng hai món quà. Thứ nhất, sự tò mò sẽ mãi là bản tính và lòng khao khát tìm hiểu thế giới bên ngoài. Món quà thứ hai là chiếc hộp nặng, chạm khắc hoa mỹ, và dặn nàng không được phép mở trong bất kì tình huống nào.”

Bài viết này tóm lược về giai thoại trên và tập trung về bản chất của sự tò mò.

Trước tiên về mặt “phúc” của sự tò mò

“Với bản tính tò mò, Pandora vô cùng hứng thú với cuộc sống trên mặt đất. Nàng khát khao kiến thức và luôn đặt câu hỏi về những thứ xung quanh.”

Cũng giống như nàng Pandora, con người chúng ta được sinh ra và đến với thế giới, ban đầu là một cơ thể trần trụi và bản tính tò mò là cốt lõi nhằm tìm tòi, khám phá tất cả thảy những điều ở xung quanh, thu nạp và đúc kết thành kiến thức, sự hiểu biết để có thể tồn tại và phát triển. Đến ngày nay, bản tính tò mò vẫn luôn tồn tại song song và ẩn chứa trong mỗi con người.

Khác với các bậc vĩ nhân, ở những người bình thường chúng ta, sự tò mò cũng có những giá trị riêng biệt. Đi cùng với phát triển cả về thể chất và trí não, trẻ con sẽ tò mò, khám phá thế giới bằng cách nhiều cách khác nhau, điển hình là sự “áp đảo” và “hack não” cha mẹ mình với muôn vàn câu hỏi vì sao.

Đến khi trưởng thành, chúng ta vẫn có đầy rẫy những hiện tượng, sự thắc mắc cần tìm hiểu và tìm ra lời giải đáp cho từng vấn đề mà chúng ta quan tâm đến. Nhờ vậy, con người đã có những sáng chế, phát minh vĩ đại, thành tựu về khoa học - kĩ thuật,…được ứng dụng và vận hành trong đời sống.

Người trẻ và “sự tò mò về bản thân”

Chúng ta cũng thường tập trung nhiều sự tò mò về ngoại cảnh, những thứ xung quanh và ít khi ngồi nhâm nhi chút trà bánh mà ngẫm nghĩ khám phá về bản thân mình. Albert Einstein là một vị bác học thiên tài với rất nhiều những cống hiến và phát minh vĩ đại dành cho nhân loại. Bản thân ông luôn quan niệm rằng “thiên tài” không phải là một khái niệm vượt xa tầm với: “Điều quan trọng là không ngừng đặt và đưa ra câu hỏi. Đừng bao giờ đánh mất sự tò mò thánh thiện.”

“Sự tò mò thánh thiện”, đây chính là phần “phúc”. Trên thực tế, mỗi người vẫn luôn tìm kiếm những điều phù hợp với chính mình: sở thích, phong cách, công việc, đam mê... Theo như ý niệm trên của Einsteins: khi ta có “sự tò mò thánh thiện về bản thân”, ta sẽ dành tâm trí, tài lực, sự kiên trì, lòng gan dạ… để khám phá ra dấu chấm hỏi lớn mang tên “chính mình”. Khám phá năng lực bên trong mỗi người không chỉ giúp ta tìm ra được giá trị của bản thân mà còn đạt được những thành quả giúp ích cho người khác. Sự tương hỗ từ hai phía: phát triển được nội lực bên trong sẽ đem đến những giá trị bên ngoài và ngược lại.

Với những người trẻ, điều này là một hành trình khai phá quan trọng tuyệt đối mà một khi đã đến đích cuối cùng, chúng ta thực sự “thắng” lớn.

Câu chuyện của bạn và tôi…

Trong chúng ta ít nhiều cũng đã từng đặt câu hỏi: vì sao con thuyền có thể lênh đênh trên mặt sông, vì sao sau cơn mưa lại có cầu vồng... Sự tò mò làm ta lục tung những cuốn sách, các công cụ tìm kiếm, các bậc thầy để tìm ra lời giải đáp thích đáng. Con người lớn dần lên, sự tò mò sẽ bớt ngây ngô và hồn nhiên đi.

Cá nhân tôi vẫn luôn tìm kiếm cho mình một công việc mà bản thân đam mê với định hướng hoàn toàn chịu kết duyên dài lâu. Vì chưa tìm thấy nên ta vẫn tiếp tục tìm. “Sự tò mò thánh thiện” đã thôi thúc tôi nói không với việc chịu khó yên vị mãi ở một vùng an toàn và tự xem mình trông thật ổn. Trải qua những lần thay đổi, học hỏi ở các môi trường làm việc khác nhau, trong tôi diễn ra hai luồng suy nghĩ và cảm xúc. Thứ nhất là sự chạnh lòng đôi chút khi bắt đầu ở môi trường mới. Tôi sẽ phải bắt đầu lại ở vạch xuất phát so với những người đã làm lâu năm ở công ty, mặc dù về mặt tuổi tác có người ít hơn tôi. Thứ hai, suy xét kĩ càng tôi đang vận động trong quá trình tìm kiếm tôi là ai. Tôi sẽ “dừng” chân lại ở một “bến đỗ” khi biết chắc chắn rằng ngoài công việc đó, cuộc sống mình đi theo kịch bản đó ra, tôi hoàn toàn không muốn đóng một vai nào khác. Chi phí cơ hội của việc bước ra khỏi vùng an toàn và ổn định là ta được học hỏi và phát triển ở môi trường tốt hơn cộng thêm trạng thái hoàn toàn hài lòng với hiện tại. Đây cũng là kết quả tất yếu của quá trình trải nghiệm và đánh đổi. Nói như vậy, không có nghĩa là bao hàm tất cả những người gắn bó lâu dài ở một nơi trong một lĩnh vực cụ thể, rằng họ không chịu đi “tìm kiếm bản thân”. Có thể ngay từ bước đầu họ đã định hướng và đặt chân vào nền tảng của riêng họ và cứ vậy tịnh tiến trên hành trình theo đuổi mục tiêu với những thành tựu bao người mong đợi. Tôi rất ngưỡng mộ những ai như vậy. Tuy nhiên, đây không phải là sự khuyến khích chúng ta cứ “bay nhảy” thỏa thích, sự tìm kiếm cần có định hướng, kế hoạch cụ thể rõ ràng và tuyệt đối không nên “đứng núi này, trông núi nọ”. Việc không ngừng chuyển động trên cuộc hành trình giải mã những bí ẩn mang tên “chính mình” hoàn toàn xứng đáng để chúng ta thực hiện và đánh đổi.

Chúng ta không ai giống ai, khi bạn làm công việc phù hợp khả năng và đam mê, bạn sẽ có khả năng sẽ trở thành những “thiên tài”. Như Eintein đã nói: “Ai cũng là thiên tài, nhưng nếu bạn đánh giá con cá với khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn”. Và quan trọng, ví von một chút theo câu nói trên, nếu bạn là cá bạn sẽ chọn mình được thỏa sức bơi lội dưới nước hay là ép mình leo cây như một chú khỉ.

 

 

Về mặt “hoạ” của sự tò mò

Tiếp nối câu chuyện của nàng Pandora:“Chiếc hộp chứa đựng những báu vật quý giá và bí ẩn cỡ nào mà không bao giờ nhìn được bằng mắt người trần và tại sao trách nhiệm trông giữ đó thuộc về nàng. Sự tò mò luôn khiến tâm trí nàng thường xuyên nghĩ ngợi và suy luận ra hàng tá những điều kì bí bên trong chiếc hộp kín, điều này làm nàng phát điên. Chiếc hộp trở thành vật ám ảnh Pandora. Cuối cùng, nàng không thể chịu đựng được sự dày vò này và nghĩ thầm rằng sẽ chỉ liếc nhẹ vào bên trong để xem thực tế là gì, sau đó tâm trí nàng sẽ được giải thoát mãi mãi. Nhưng khi chiếc hộp được hé mở, những quái vật và âm thanh khiếp đảm đã thoát ra bao chùm khắp trốn. Hoảng loạn, Pandora quờ quạng nhìn vào khoảng không trong tuyệt vọng, cố gắng kéo chúng trở lại nơi giam giữ, nhưng thực sự vô ích. Zues dùng chiếc hộp chứa tất cả các thế lực tà ác và đau khổ, một khi được giải phóng không gì có thế kiềm hãm chúng lại. Pandora khóc trong đau đớn và ăn năn. Tuy nhiên, có một âm thanh nhỏ vang từ trong chiếc hộp. Một luồng sáng ấm áp dâng lên và bay ra, đó chính là ánh sáng của hy vọng, nhờ đó nỗi đau của Pandora dịu lại, như thể xoa dịu nỗi thống khổ của nàng. Nàng biết mình không thể thay đổi chuyện đã rồi và bên cạnh sự tranh đấu, nàng gửi theo hy vọng giảm trừ tác hại của nó.”


Chúng ta có thấy được chính mình trong câu chuyện của nàng Pandora?

Bản chất của sự tò mò là chúng ta không biết được sự thật về các sự vật, hiện tượng nên một mực muốn tìm hiểu để giải tỏa tâm trí, thỏa mãn chính mình. Nàng Pandora luôn tò mò đến “chiếc hộp cấm” ngay cả khi Zues cảnh báo trước đó là không được phép mở ra. Đây chính là cái “họa”. Pandora có thực lòng muốn giải phóng ra những tai ương không? Câu trả lời là không, vì rõ ràng là trước khi quyết định mở chiếc hộp, nàng không hề biết bên trong chứa đựng những gì. Và nếu biết là tai ương, nàng liệu có cương quyết mở ra không? Tôi nghĩ là không.

Sự tò mò vốn là bản năng và cho thấy tính hai mặt cốt lõi của những vấn đề của con người. Tuy nhiên, ta có thể kiểm soát được bằng việc tò mò, tìm hiểu những chủ đề đem lại “phúc” và không gây “họa”. Tất cả những tai hoạ ập đến không phải chỉ có nguồn gốc xuất phát từ “sự tò mò không thánh thiện” nhưng lại được hạn chế từ việc ngăn chặn nó nhằm xoay chuyển được tình thế. Đơn cử như việc cất công sức tìm hiểu những vấn đề vô bổ, sự riêng tư hay những bí mật, trước hết là làm ta hoài phí thời gian đáng lẽ được dành cho những điều bổ ích khác. Ta lao tâm khổ tứ tìm ra bằng được câu trả lời chỉ nhằm để thoản sự tò mò của bản thân, trước hết người tổn hại đầu tiên lại là chính mình. Tùy vào mức độ nghiêm trọng sẽ kéo theo ti tỉ những chuyện rối ren giữa các mối quan hệ giữa người và người cùng muôn thuở những rích rắc chằng chịt liên quan đến nhau.

Lời răn dạy có giá trị ngàn xưa nhắc nhở việc vận dụng tối đa mặt “phúc”, hạn chế tối đa mặt “hoạ” của sự tò mò, có những điều nếu cứ khăng khăng tìm đến cuối cùng sẽ có những hậu quả khó lòng cứu vãn. Cuối cùng thì tia sáng hy vọng mong manh gieo thành sự an ủi mà Thượng đế đã ban tặng liệu thực sự có đủ để xoa dịu tất cả.

Sự tò mò sẽ là phúc hay là hoạ, xét cho cùng do mỗi người chúng ta nắm giữ.

 

Nguồn bài viết đọc tại đây (ybox.vn)

Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ