Tôn Giáo Thời Liên Mạng
Vũ Văn An (VietCatholic News 07 Feb 2009)
Dịp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới bàn về Lời Chúa vừa qua, đã có lời đề nghị Đức Bênêđíctô XVI nên thiết lập một “tư trang” (blog) để giao tiếp trên mạng. Điều ấy cho thấy Liên mạng được coi là quan trọng như thế nào trong việc phúc âm hóa xã hội ngày nay. Và điều ấy càng đúng khi Đức Đương Kim Giáo Hoàng thực hiện lời đề nghị ấy.
Theo thông tấn xã ANSA của Ý ngày 28 tháng Mười năm 2008, điều cũng đáng ghi nhận là ngay sau khi đề nghị trên được nêu ra, Đức Tổng Giám Mục của Naples là Đức HY Crescenzio Sepe đã thiết lập một “hồ sơ chân tướng” (profile) trên hệ thống liên mạng xã hội Facebook. Đức Hồng Y cho hay: “Mỗi ngày tôi có thêm 200 bạn mới. Bạn phải tới chỗ người ta năng lui tới. Nên nếu người ta năng lui tới Facebook, thì bạn phải năng tới đó”.
Lời nhận định của Đức Hồng Y Sepe về nhu cầu cần phải tới nơi người trẻ năng lui tới được các dữ kiện của một cuộc thăm dò tại Mỹ hỗ trợ mạnh mẽ. Cuộc thăm dò này cho thấy trong nhóm người trẻ sinh sau 1984, chỉ vào khoảng 33% chịu đi nhà thờ vào một ngày cuối tuần nào đó. Cuộc thăm dò này được Nhóm Nghiên Cứu Barna thực hiện năm 2006, và được tờ New York Times trích dẫn trong một bài báo đăng ngày 26 tháng Mười vừa qua. Bài bào này xem sét cách các giáo hội sử dụng các kỹ thuật truyền thông ra sao để lôi cuốn giới trẻ. So sánh ra, khoảng 49% thế hệ “bùng nổ con nít” (babyboomer) chịu đi nhà thờ vào những ngày cuối tuần. Tờ báo này gợi ý rằng nhiều vị giảng thuyết đã đưa các nguồn truyền thông đa chiều vào thừa tác vụ hay vào việc giảng thuyết của mình, như trích đoạn phim, các bản nhạc hiện đại hay cách dùng lối trình bầy “powerpoint”.
Hệ Thống Kết Liên Trên Mạng
Các giáo hội cũng đã và đang tạo ra các hồ sơ chân tướng trên các trang mạng liên kết xã hội như Facebook hay MySpace, cũng như trên các trang mạng liên kết của Kitô Giáo. Hiện nay, nhiều giáo hội cũng đang có những trang mạng riêng trên hệ thống liên mạng (internet) với nhiều trích đoạn video, podcast (truyền thanh truyền hình liên mạng) hay tư trang. Một trong các giáo hội ấy đã được khảo sát trong một bài báo ngày 9 tháng Tư năm 2008 đăng trên tờ USA Today. Mục sư Bruce Walker giảng thuyết cho một cộng đoàn không tới 100 tín hữu tại Greenville, Nam Carolina, nhưng người ta có thể nghe và xem được các bài giảng của ông qua hệ thống truyền thanh truyền hình liên mạng phát đi khắp thế giới.
Cũng theo bài báo trên, một cuộc thăm dò vào năm ngoái của cơ sở Pew Internet & American Life Project đã khám ra rằng con số những người sử dụng liên mạng để tìm tòi các tín liệu về tôn giáo và linh đạo nhiều hơn là con số những người truy cập âm nhạc, dự đấu giá hay coi các trang mạng dành cho người lớn. Mục sư Walker đã đăng tải các bài giảng của ông trên một trang mạng có tên là SermonAudio.com. Theo tờ USA Today, hơn một triệu lượt người đã vào trang mạng ấy mỗi tháng.
Người ta không chỉ chuyển tải các bài giảng lên liên mạng. Bên Ái Nhĩ Lan, một trong các quốc gia làm tuần cửu nhật nhiều nhất trên thế giới, do các cha Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức hàng năm tại tu viện Đồi Thánh Anphong tại Limerick, năm nay, lần đầu tiên, người ta đã trực tiếp ‘truyền hình’ các tuần cửu nhật đó trên liên mạng. Theo tường trình ngày 12 tháng Sáu vừa qua của CatholicIreland.net, trang mạng www.novena.ie đã giúp người ta trực tiếp coi các biến cố kia suốt 24 giờ một ngày qua ‘Ống kính liên mạng’ (Webcam).
Năm ngoái, một sáng kiến tương tự dành cho tuần cửu nhật tại một nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế khác, tức tu viện Clonard ở Belfast, đã ghi nhận được 50,000 luợt người vào thăm. Năm nay, theo CatholicIreland.net, một cộng đoàn Ái Nhĩ Lan khác là Nhà Thờ Thánh Augustinô ở Cork cũng bắt đầu truyền hình một tuần cửu nhật.
Video trên liên mạng
Cũng năm ngoái, nhà thờ trên, tức trung tâm của cộng đồng Ba Lan tại Cork, bắt đầu cho tải lên mạng các thánh lễ và các nghi lễ khác. Cha Pat Moran cho hay: “Tôi nghe nói có bà kia ở Ba Lan, hết sức vui mừng thấy chồng mình dự thánh lễ 10 giờ hôm Giáng Sinh và tiến lên rước lễ… Từ lúc chương trình này bắt đầu, đã có tới 18,000 lượt người từ khắp 32 quốc gia vào thăm”.
Các trích đoạn video là phương cách bình dân để truyền thông trên liên mạng. Nhờ thế, GodTube, tương tự như YouTube, đã nhận được nhiều đầu tư trong năm nay. Theo tờ The Guardian ngày 13 tháng Năm, một qũy có trụ sở tại Luân Đôn tên là GLG Partners tuyên bố rằng họ đang đầu tư gần 30 triệu đôla vào Godtube.
Vào lúc bài báo này được đăng tải, từ ngày được phát động vào hồi tháng Tám năm ngoái, GodTube đã chuyển tải hơn 100,000 video lên mạng, tất cả đều có hơi hướng với chủ đề tôn giáo. Khoảng 40 công nhân được sử dụng để duyệt xét các video trước khi chuyển tải chúng. Godtube cũng cho chuyển tải các bài giảng trực tiếp, lại có cả các “bức tường cầu nguyện” để người sử dụng có thể ghi các lời cầu xin của họ lên đó.
Gửi các lời cầu nguyện lên mạng là một việc khá phổ thông, và theo tờ Sydney Morning Herald ngày 20 tháng Tư, vào đầu năm 2008, cơ sở Bill Tikos ở Sydney đã thiết lập một gia trang để người ta dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa. Trong tuần lễ đầu kể từ ngày phát động, Dear-god.net đã nhận được 63,000 lượt người vào thăm và hàng trăm lời bình luận về các lời cầu nguyện của người ta.
Phúc âm hóa
Các khả thể dùng liên mạng làm phương tiện phúc âm hóa đã được khảo sát trong một bài đăng ngày 21 tháng Sáu vừa qua trên gia trang InsideCatholic.com.
Jennifer Fulwiler diễn tả việc cô từ vô thần trở lại đạo Công Giáo và biện luận rằng liên mạng quả có giúp người ta khám phá ra chân lý tôn giáo dễ dàng hơn bất cứ phương tiện nào khác. Việc cô trở lại là do kết quả tò mò đi tìm tòi trên mạng để lấy tín liệu về một số vấn nạn triết học. Chính việc tìm hiểu qua lại ấy trên mạng đã khiến niềm tin vô thần của cô bắt đầu lung lay. Chính các lời bình luận về các chất liệu đăng tải và các cuộc tranh luận trên mạng đã mở cho cô thấy quan điểm của Kitô Giáo: “Trước đây tôi vẫn nghĩ tôi có nhiều vấn nạn hay dành cho người Kitô hữu, và quả tôi có những vấn nạn ấy thật. Nhưng kết cục, các vấn nạn ấy lại trở thành các vấn nạn hay cho chính tôi nữa”. Tính cởi mở và thời gian trả lời nhanh ở trên mạng cũng là những đặc điểm được Cô cho là có lợi cho tôn giáo. “Quyền lực của giai cấp ưu tú trong việc kiểm soát tín liệu đã qua hẳn rồi. Điều ấy có nghĩa: càng ngày càng có nhiều ý tưởng, câu hỏi, và câu trả lời nhanh hơn được gọt dũa theo từng quan tâm của mỗi con người”
Các nguy hiểm và cơ may
Tuy nhiên, liên mạng là sự hỗn hợp của cơ may và nguy hiểm. Điều này đã được nhìn nhận trong một thư luân lưu của các vị giám mục Công Giáo Úc Đại Lợi, công bố ngày 27 tháng Tư năm 2008, về An Toàn Liên Mạng, kèm theo một video chuyển tải lên YouTube.
Bức thư này chủ yếu nói với các bậc cha mẹ, ông bà và thầy cô bên trong Cộng Đồng Giáo Hội, còn cuốn video trên YouTube thì trực tiếp nói với giới trẻ về sự an toàn trên mạng.
Bức thư cho rằng: nhờ liên mạng, sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô đã được chuyên chở tới con người khắp nơi trên thế giới trong các phương cách mà các vị rao giảng phúc âm tiên khởi chưa bao giờ dám mơ ước tới. Tuy nhiên, bản văn cũng cảnh giới rằng chúng ta cần phân biệt rõ điều mình đọc và gặp trên mạng.
Dựa vào một số trích đoạn của Đức Gioan Phaolô II và của Đức Bênêđíctô XVI, bức thư này nhận định rằng Giáo Hội tích cực coi liên mạng là cơ may rất tốt cho việc phúc âm hóa. Tuy nhiên, bên cạnh việc cung cấp cho ta rất nhiều tín liệu quý giá, nó cũng có thể xem thường nhiều giá trị và hạ thấp nhân phẩm con người. Cũng cần phải bảo vệ trẻ em và các gia đình chống lại các nội dung nguy hiểm và có tính phá hoại.
Đối với các vị giám mục này, “Trong tư cách Kitô Hữu, ta được mời gọi chia sẻ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô với mọi người… Ta hãy dùng liên mạng bằng đức tin, niềm hứng khởi và sự khôn ngoan, khi sống ơn gọi chung của chúng ta trong thời đại liên mạng”.
Niềm hứng khởi đối với liên mạng cũng đã được Vatican chia sẻ. Hồi tháng Chín, Đức Tổng Giám Mục Claudio Celli, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, công bố rằng chủ đề của Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội năm 2009 sẽ là “Các Kỹ Thuật Mới, Các Liên Hệ Mới. Cổ vũ một Nền Văn Hóa biết Tôn Trọng, Đối Thoại và Thân Hữu”. Ngài giải thích: “Tiến bộ về phương tiện không phải đơn giản bao hàm bước tiến về phía trước, nhưng luôn mang theo các điều kiện và khả thể mà nhân loại có thể sử dụng và đầu tư cho ích chung và biến chúng thành căn bản cho việc phát triển văn hóa cách đầy đủ và rộng khắp”.
Đức Tổng Giám Mục Celli cũng công bố rằng một cuộc hội họp của các giám mục đã được dự trù tổ chức vào tháng Ba năm 2009 để qui tụ tất cả các vị giáo phẩm hiện đang phụ trách ngành truyền thông và các chuyên viên truyền thông.
Ngày đầu trên YouTube
Toà thánh phát động một kênh trên YouTube vào ngày 23 tháng 1 năm 2009 tại địa chỉ
www.youtube.com/vatican. Theo Cha Lombardi, Đức Thánh Cha là người đầu tiên ủng hộ sáng kiến này. Dự án đã được chuẩn bị hơn một năm rưỡi kể từ lúc Trung Tâm Truyền Thanh và Truyền Hình Vatican bắt đầu công bố các trích đoạn video trên các trang mạng của mình để cho các đài truyền hình và các trang mạng sử dụng.
Theo cha, khắp nơi trên thế giới, có những người chú tâm tới các sứ điệp và các đề nghị của một thẩm quyền cao về luân lý, như Đức Giáo Hoàng và nói chung Giáo Hội Công Giáo chẳng hạn, liên quan tới các vấn đề lớn lao của thời đại. Đó chính là lý do khiến ta chọn YouTube làm một cái bục thích đáng để hiện diện trên Mạng, trong một đồi Areopagus vĩ đại [nơi Thánh Phaolô giảng Đạo tại Athens] của ngành truyền thông thế giới hiện nay, và hiện diện cách thường xuyên, đem lại một điểm quy chiếu đáng tin, và tiếp tục vượt qua những rời rạc đầy rẫy trong cách thông tin về Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh ở trên mạng, vuợt qua một cách nhẹ nhàng, không trịnh trọng.
Kênh này cũng giúp người ta khả năng gửi điện thư tới Tòa Thánh. Các điện thư này sẽ được văn phòng của Cha Lombardi tiếp nhận. Ngài cũng cho biết việc phát động kênh truyền thông này mới chỉ là bước đầu. Với sự cộng tác của Google, Toà Thánh còn dự trù nhiều khai triển và cải thiện khác cả về nội dung lẫn kỹ thuật.
Thời đại kỹ thuật số
Trong khi đó, ngày 23 tháng 1 năm 2009, trong một cuộc họp báo để công bố sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 43 của Đức Bênêđíctô XVI, Đức Ông Paul Tighe, thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, cho hay: các kỹ thuật mới của thời đại kỹ thuật số không những tác động trên các phương tiện truyền thông mà chúng còn cách mạng hóa cách người ta chia sẻ tín liệu và tư tưởng, tạo nhóm và sở đắc nhận thức nữa.
Đức ông cho hay sứ điệp của Đức Thánh Cha chủ yếu đề cập tới “thế hệ kỹ thuật số”, nghĩa là những người sử dụng các kỹ thuật mới một cách “tự phát và hầu như theo trực giác” và bước vào thời đại máy vi tính, điện thoại di động, gửi lời nhắn tức khắc, mở trang mạng riêng, các bục video, các phòng tán gẫu liên mạng và các hệ lưới liên lạc xã hội.
Theo Đức Ông Tighe, các thay đổi trong thời đại kỹ thuật số không phải chỉ có tính kỹ thuật, chúng còn cách mạng hóa cả chính nền văn hóa truyền thông nữa. Chúng thay đổi các phương cách người ta truyền thông với nhau, các phương cách họ liên kết và thành lập các cộng đoàn, các phương cách họ học hỏi về thế giới, các phương cách họ tham gia các tổ chức chính trị và thương mãi.
Đức Ông cho hay: trong dĩ vãng, truyền thông là diễn trình một chiều, trong đó, truyền thông chuyển giao tín liệu cho một cử tọa thụ động. Ngày nay, ta có một cử tọa biết lọc lựa và tương tác trên nhiều lãnh vực của truyền thông. “Luận lý của truyền thông đã thay đổi một cách triệt để, tập chú vào truyền thông đã bị thay thế bởi tập chú vào cử tọa, một cử tọa ngày càng tự chủ và biện bác hơn trong việc tiêu thụ truyền thông”
Đức Ông nhấn mạnh rằng sứ điệp Ngày Truyền Thông của Đức Bênêđictô XVI cũng mời gọi những người có can dự với ngành truyền thông mới hãy quan tâm tới nội dung họ đang đưa ra, đang chia sẻ hay đang kéo chú ý của người khác. Sứ điệp ấy mời gọi họ tránh việc tạo ra và phân phối các ngôn từ hay hình ảnh có tính xúc phạm hay thiếu tôn kính đối với phẩm giá hay giá trị người khác. Đức Ông cũng lưu ý người sử dụng phải khôn ngoan trong những điều mình chuyển tải lên mạng, vì những điều này không dễ dàng xóa khỏi liên mạng và không ai muốn sống mà lúc nào cũng phải nhớ tới các thái quá của tuổi trẻ cũng như những ngôn từ thiếu suy nghĩ.
Theo Đức Ông, các kỹ thuật mới vốn nhằm mục đích giữ cho con người nối kết với nhau, nhưng trên thực tế đôi khi xâm phạm cả vào đời tư của họ. Và oái oăm hơn nữa, đôi lúc chúng được sử dụng để “cô lập hóa con người khỏi mọi hình thức tương tác có tính xã hội với gia đình, bè bạn và đồng nghiệp”.
Tuy nhiên, Đức Ông nói rằng sứ điệp của Đức Giáo Hoàng cũng chú ý tới khía cạnh tích cực: sứ điệp này nêu lên chủ đề bằng hữu, làm điểm giao tiếp giữa mọi con người có thiện chí. Nó ca ngợi khả năng của các kỹ thuật mới trong việc cổ vũ và hỗ trợ các mối liên hệ tốt đẹp và lành mạnh cũng như nhiều hình thức liên đới khác nhau. Nó nại tới tình bằng hữu, lấy nó làm động lực để đảm bảo rằng mọi người đều có thể tham dự vào thế giới mới của kỹ thuật số. Nó cho rằng trong tình bằng hữu, ta gặp được điểm quy chiếu chung với toàn thể nhân loại, một điểm quy chiếu làm cơ sở cho lời mời gọi hãy cổ vũ một nền văn hóa trong đó, mọi người đều được kính trọng và được mời gọi lên đường đi tìm sự thật qua đối thoại.
Thiên Chúa trong địa giới truyền thông
Cuối tuần trước, tổ chức Tân Phúc Âm Hóa Nước Mỹ đã tổ chức một cuộc hội nghị kéo dài từ Thứ Sáu qua Chúa Nhật tại Dallas. Nhân dịp này, Đức Tổng Giám Mục Claudio Celli, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội đã nói truyện trước hội nghị với đề tài “Vai Trò Của Truyền Thông Đại Chúng trong Việc Phúc Âm Hóa”. Theo ngài, Thiên Chúa có vai trò trong truyền thông, và Giáo Hội nên có tiếng nói trong việc phúc âm hóa các linh hồn bằng các phương tiện truyền thông hiện đại.
Đức Tổng Giám Mục Celli đề cập tới bản chất tương quan lẫn nhau của Thiên Chúa Ba Ngôi, dùng làm căn bản thần học để hiểu được tầm quan trọng của truyền thông. Ngài nhấn mạnh rằng “truyền thông không phải chỉ là một sinh hoạt khác của Giáo Hội nhưng là chính yếu tính của cuộc sống Giáo Hội. Thông truyền tin mừng về tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người, như đã được phát biểu qua cuộc đời, cái chết và việc phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, là điều sẽ kết hợp và làm cho mọi khía cạnh khác trong sinh hoạt của Giáo Hội trở thành có nghĩa”.
Vị giáo phẩm này quả quyết rằng không có truyền thông, sẽ không có phúc âm hóa, và ta phải sử dụng ngành truyền thông đại chúng mới xuất hiện kia vào mục đích phúc âm hóa đó. Ngài nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phải chuẩn bị cả về phương diện kỹ thuật lẫn phương diện văn hóa để đảm nhiệm trách vụ này.
Hai chía khóa
Theo Đức Tổng Giám Mục Celli, về ý thức văn hóa, ta thấy có hai chiều kích. Chiều kích đầu quan trọng ở chỗ: nhà truyền thông hay nhà rao giảng tin mừng phải nắm vững nền văn hóa phổ thông của cử tọa mình có ý định nói với: nắm vững điều họ lo lắng, quan tâm, điều họ lo sợ và hy vọng; chiều kích kia hệ ở việc nhà truyền thông phải rành rẽ các thách đố văn hóa đặc thù do môi trường tân truyền thông mang tới, trong đó các thay đổi có ý nghĩa về mẫu mực tiêu thụ truyền thông đã được các thay đổi về kỹ thuật đem lại.
Đối diện với ngữ cảnh văn hóa, ngài nhấn mạnh đến niềm hy vọng của mình, một niềm hy vọng từng đặt cơ sở trên sự kiện này là con người vốn được dựng nên theo hình ảnh và hoạ ảnh Thiên Chúa, dù điều đó có được thừa nhận hay không. Vì được dựng nên theo hình ảnh và hoạ ảnh Thiên Chúa, nên từ gốc rễ bản nhiên con người, ai trong chúng ta cũng muốn được yêu thương và yêu thương. Cái nhìn thông sáng ấy khiến ta tin tưởng tuyệt đối rằng cốt lõi sứ điệp của Phúc Âm sẽ tiếp tục được vang lên trong trái tim con người nhân bản.
Đức Tổng Giám Mục cho rằng: “Sứ mệnh của chúng ta là đem tin mừng về tình yêu vô tận của Thiên Chúa dành cho mọi người đến với anh chị em mình như một phục dịch vĩ đại nhất ta có thể làm được cho họ. Việc phúc âm hóa của ta không bao giờ nhằm gia tăng con số hay gia tăng ảnh hưởng nhưng luôn luôn quan tâm đến việc giải thoát con người khỏi tà thần là những thứ rất dễ và rất âm thầm xâm chiếm cuộc sống con người”.
Một thành phần của điệp khúc
Về cuộc cách mạng hiện đang diễn ra trong các kỹ thuật truyền thông, Đức TGM Celli nhấn mạnh đến việc ta phải để ý tới nền văn hóa đặc thù của truyền thông. Theo ngài, luận lý của truyền thông đã và đang thay đổi một cách triệt để. Cũng như Đức Ông Tighe trên đây, Đức TGM celli cho rằng: tập chú vào truyền thông đã bị tập chú vào cử tọa thay thế. Cử toạ này càng ngày càng tự chủ và biện bác hơn trong việc họ tiêu thụ truyền thông. Do đó, ngài khuyên ta phải nghiên cứu các mẫu mực mới trong việc sử dụng truyền thông, các hiệu quả đối với công chúng, và việc khai triển các hình thức đối thoại trong việc giảng dạy và trình bày.
Một điểm khác được Đức TGM Celli ghi nhận là việc nhiều cộng đoàn và hệ thống liên lạc đã được thành hình nhờ liên mạng, do đó, đã tạo ra cả một “lục địa kỹ thuật số” trong đó “gần một phần ba nhân loại” đến với nhau để “tìm tín liệu, phát biểu quan điểm và tăng tiến hiểu biết”. Ngài nói thêm: “Thiên Chúa và tôn giáo không bị loại khỏi địa giới truyền thông này (mediasphere); ngược lại, cả hai đều có vai trò xã hội mới trong đó, và đều là chủ đề để được bàn cãi trong một thứ cố gắng hoàn cầu “đi tìm ý nghĩa”. Giáo Hội là một thành phần của điệp khúc trên, là một tiếng nói giữa các tiếng nói khác, nhằm công bố hình ảnh Thiên Chúa mà Chúa Giêsu Kitô đã mạc khải trong Phúc Âm.
Mài dũa chiến thuật
Đức TGM Celli nhìn nhận sự hiện diện của Giáo Hội trên lục địa này, qua trang mạng của các cơ quan và giáo phận Công Giáo, các tư trang của các linh mục và tu sĩ, và rất nhiều các hệ thống kết liên khác nhau. Nhưng ngài cho hay: ta cần phải khai triển một sự hiện diện có tính chiến thuật và đồng bộ nhiều hơn. Ta phải cùng nhau tiến về phía trước để bảo cảm có được một sự trình bày Tin Mừng hữu hiệu, lưu loát và gắn bó hơn. Ta phải thăng tiến sự hiệp thông giữa hàng ngàn các sáng kiến khác nhau đang xuất hiện cùng lúc. Mỗi một sáng kiến ấy đều có đặc sủng và biện lý riêng, nhưng tất cả đều được mời gọi cùng phản ảnh sứ mệnh phổ quát của Giáo Hội.
Đức TGM Celli nhân dịp này nhấn mạnh đến một dự án mới đang được Hội Đồng Giáo Hoàng do ngài làm chủ tịch khai triển, đó là một hệ thống dữ kiện (database) liên mạng gồm các nhà phát tuyến và sản xuất truyền thanh và truyền hình Công Giáo, đặt tên là Intermirifica.net. Ngài cho hay: “Cũng hy vọng sẽ mở rộng hệ thống dữ kiện này để bao gồm các cơ sở tiểu phát hình liên mạng (podcast), các hãng tin, các nhật báo và các phân khoa truyền thông của các đại học Công Giáo”.
Đức TGM Celli sau đó nhắc đến gương sáng của Thánh Phaolô “mà cam kết loan báo Tin Mừng cho mọi người đã dẫn ngài không những đi du hành liên lỉ không biết mệt mà còn quên mình cố gắng thấu hiểu những người ngài muốn phúc âm hóa cho… Cam kết vươn tới người khác đòi ta phải sẵn sàng thay đổi để trở thành các nhân chứng hùng biện và chân chính hơn đối với niềm tin ta loan báo”.
Tài liệu: Hãng tin Zenit
Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ