Thuật Diễn Giảng
Nguyên tác: George Plathottam SDB. Homiletics. In Communication for Pastoral Leadership, Book 3: Theological Perspectives in Social Communication. New Delhi: Don Bosco Communication India. 2010. Pages 80-83. ISBN: 978-81-87060-43-7
Chuyển ngữ: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Dũng, OFM
Các bài giảng lễ và thuyết giảng đã là truyền thống lâu đời trong Giáo hội. Giảng Lời Chúa không chỉ là một phần của phụng vụ mà còn là phương pháp giảng dạy và truyền đạt đức tin quan trọng trong Giáo hội.
Người ta thích nghe những bài giảng lễ và bài thuyết giảng hay. Đôi khi giáo dân sẵn sàng đến các nhà thờ khác ngoài giáo xứ của họ để nghe những bài giảng hay hơn. Một số nhà thờ Tin Lành có phong tục thông báo trước tên của các vị thuyết giảng để mọi người được biết. Trong Giáo hội Công giáo, vị giảng thuyết không được đề cao vì trong hầu hết các trường hợp, bài giảng lễ hoặc bài thuyết giảng chỉ là một phần của buổi cử hành Thánh lễ. Tuy nhiên, chúng ta không thể xem nhẹ vai trò của những bài thuyết giảng hay và hiệu quả như một phương tiện để dạy dỗ, động viên, giảng dạy và nuôi dưỡng đức tin của mọi người.
Những bài thuyết giảng hay là sự kết hợp của nội dung cũng như phương pháp truyền đạt. Không chỉ cần biết nội dung, mà còn phải truyền đạt một cách hiệu quả, thuyết phục và rõ ràng. Nói cách khác, một bài thuyết giảng hay là kết quả của nhiều yếu tố như, một đàng có kiến thức tốt về Kinh Thánh, giáo lý, các vấn đề hiện tại và tình hình của cộng đồng, đàng khác có kỹ năng giao tiếp tốt, giọng nói rõ ràng và to, sự rõ ràng trong biểu đạt, sự thành thạo ngôn ngữ mà mình đang giảng, ngôn ngữ cơ thể và cử chỉ điệu bộ.
Có một vài điều cần lưu ý: ngày nay mọi người không muốn nghe một bài giảng dài trừ khi bài giảng đó cực kỳ hay. Thời gian chú ý nghe giảng của mọi người đã giảm đáng kể. Điều này càng đúng với thanh niên, trẻ em và dân cư đô thị bận rộn. Do đó, sự ngắn gọn và súc tích là rất quan trọng.
Trước đây, các bài giảng từng là một nguồn thông tin và hình thành đức tin quan trọng đối với nhiều người và vì vậy mọi người rất chăm chỉ đến nhà thờ và lắng nghe các bài giảng một cách cẩn thận. Nhưng ngày nay mọi người có nhiều nguồn thông tin khác.
Các thính giả, bao gồm cả giáo dân, ngày nay cũng phê phán nhiều hơn so với trước đây. Uy thế của linh mục đang dần giảm sút. Trừ khi linh mục được cộng đồng tin tưởng và có uy tín lớn, người ta mới dễ dàng tin vào những gì ngài nói hoặc giảng dạy.
Mọi người cũng trở nên tinh tường hơn. Nếu một linh mục không chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc giảng dạy, khán giả chắc chắn sẽ nhận ra điều đó. Có nhiều sách dọn sẵn và nguồn tài liệu trên internet từ đó người ta luôn có thể tìm thấy nhiều chất liệu chuẩn bị cho các bài giảng. Nhưng nếu vị thuyết giảng phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn này mà không có sự nội tâm hóa và áp dụng ngữ cảnh của Lời Chúa vào các bối cảnh cuộc sống cụ thể, thì vị ấy không thể mong đợi truyền đạt dược một bài giảng hay và ý nghĩa cho cử tọa. Sự đón nhận, tiếp thu và phổ biến của một linh mục gắn kết rất nhiều với loại bài giảng của vị ấy. Nhiều linh mục đôi khi tỏ ra miễn cưỡng khi được mời giảng, vì biết rằng khó để làm hài lòng một cử tọa đầy tính phê phán.
Khi cử hành các bí tích và giảng Lời Chúa đó là lúc linh mục đang thi hành thừa tác vụ nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội. Do đó, ngài cần phải ý thức rằng mình phải nói nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội, chứ không chỉ nói về những ý tưởng và sở thích cá nhân của mình. Ý thức hệ chính trị hoặc những ưa thích cá nhân, sở thích riêng, sự quan tâm hoặc thậm chí chuyên môn về các môn học thế tục của vị ấy không nên chiếm ưu thế trong nội dung bài giảng.
Có một số câu hỏi cần được chú trọng về vấn đề này:
+ Một linh mục phải cố gắng nắm bắt trước và hiểu về độ tuổi, sở thích, trình độ học vấn của giáo dân, v.v., trước khi thuyết giảng.
+ Vị ấy cần hiểu bối cảnh, nền tảng kinh tế và xã hội của cộng đoàn mà ngài đang giảng dạy.
+ Vị ấy phải lắng nghe mọi người, tương tác với họ và cũng như thu thập phản hồi về các bài giảng đã trình bày và tính hữu ích của chúng. Những bài giảng hay nhất là những bài phản tỉnh về cảnh huống cuộc sống hàng ngày, về những khó khăn và vấn đề của giáo dân. Do đó, linh mục có thể thủ đắc được những bài giảng tốt hơn, nếu luôn tiếp xúc với cộng đoàn của mình. Như người ta thường nói, "Người ta sẽ không thể hiểu bạn trong ngày Chúa Nhật nếu bạn không tương tác với họ trong những ngày trong tuần."
Người giảng thuyết cần có kiến thức về Kinh Thánh và lịch sử của Giáo hội. Vị ấy phải có khả năng kết nối Kinh Thánh và thông điệp Lời Chúa với các vấn đề và sự kiện đương đại, các vấn đề và cảnh huống của cử tọa. Vị ấy phải khám phá các cách thế giảng khác nhau để truyền đạt hiệu quả hơn. Linh mục cần cố gắng làm cho việc giảng dạy trở nên trực quan và có tính tương tác hơn. Ngài phải đảm bảo rằng nhà thờ được trang bị tốt với hệ thống âm thanh và âm học (acoustics) phù hợp.
Người giảng thuyết cần có các kỹ năng cơ bản như xử lý văn bản, chuẩn bị giảng và truyền thông hiệu quả. Vị ấy cũng cần có những hiểu biết mới về nhiệm vụ giảng dạy, tác phong giảng dạy và một số sự thay thế cho việc giảng dạy. Một khi linh mục đã phát triển kỹ năng và tự tin, ngài có thể giảng dạy hiệu quả hơn. Linh mục cần phát triển một cách tiếp cận toàn diện đối với việc cử hành phụng vụ thông qua nghiên cứu vai trò cụ thể của bài giảng.
Các kỹ năng truyền thông quan trọng dành cho các vị mục tử
Tác giả: Bert Decker
Để được lắng nghe, bạn phải được tin tưởng, và sự đáng tin cậy của bạn không chỉ đến từ nội dung mà bạn truyền tải! Mọi người chấp nhận ý tưởng, thông điệp và sự thuyết phục của bạn ở mức độ gần như vô thức—bằng cách đánh giá mức độ tự tin và cởi mở của bạn. Là một diễn giả, chúng ta xây dựng niềm tin bằng các cử chỉ thể lý (hành vi) mà thường không liên quan gì đến thông điệp của chúng ta.
Albert Mehrabian (1981) đã phát hiện ra rằng sự đáng tin cậy trong truyền thông đến từ ba yếu tố:
3 Yếu Tố Chính Về Sự Đáng Tin Cậy Trong truyền thông:
- Nội Dung Thông Điệp – Lời Nói (Verbal)
- Những Gì Chúng Ta Thấy – Trực quan (Visual)
- Những Gì Chúng Ta Nghe – Giọng Nói (Vocal)
Mặc dù nội dung thông điệp (lời nói) là điều quan trọng nhất mà chúng ta muốn truyền đạt đến mọi người, nhưng nó không phải là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự đáng tin cậy. Mehrabian đã thực hiện nghiên cứu sâu rộng và cho thấy thông điệp của chúng ta không nhất quán với mức độ đáng tin cậy của mỗi yếu tố như sau:
- Lời Nói - 7%
- Giọng Nói - 38%
- Trực quan - 55%
Nhiều diễn giả đưa ra những thông điệp không nhất quán—khuyến khích hành động nhưng lại lo lắng làm suy yếu thẩm quyền bằng các cử chỉ, ánh mắt và giọng nói.
Chín kỹ năng truyền thông giúp bạn trở nên đáng tin cậy nhất
1. Truyền thông bằng mắt (Eye communication): Khả năng tạo và duy trì giao tiếp bằng mắt một cách chân thành và ý nghĩa.
2. Cử chỉ và biểu cảm khuôn mặt (Gestures and Facial Expression): Sự diễn đạt qua khuôn mặt và cử chỉ cơ thể để truyền tải năng lượng và cảm xúc.
3. Tư thế và di chuyển (Posture and Movement): Thể hiện sự tự tin và năng lượng qua cách đứng và di chuyển của cơ thể.
4. Trang phục và vẻ ngoài (Dress and Appearance): Ăn mặc và trình bày bản thân sao cho không làm phân tán sự chú ý khỏi thông điệp bạn muốn truyền đạt.
5. Giọng nói và sự đa dạng thanh âm (Voice and Vocal Variety): Sử dụng cao độ, âm lượng và năng lượng giọng nói để giữ người nghe luôn hứng thú.
6. Từ ngữ và Từ đệm (Words and Fillers): Lựa chọn ngôn từ một cách cẩn thận, tránh sử dụng các từ đệm gây khó chịu như "ừm", "à", "bạn biết đấy".
7. Hài hước (Humour): Có khiếu hài hước về bản thân và cuộc sống nói chung, giúp bạn trở nên dễ gần và đáng mến.
8. Sự tham gia của người nghe (Listener Involvement): Sử dụng những cách đơn giản để kết nối và tương tác với người nghe.
9. "Con người tự nhiên" (The “Natural Self’): Trở nên chân thật—nội tâm hóa các kỹ năng mới để chúng trở nên tự nhiên và không gượng ép.
Bắt đầu từ đâu?
Giao Tiếp Bằng Mắt (Eye Contact): Vấn đề lớn nhất trong việc nói và giao tiếp là thiếu giao tiếp bằng mắt hiệu quả. Ước tính có khoảng 75% người có giao tiếp bằng mắt chưa tốt.
Công Cụ Cải Thiện Giao Tiếp Bằng Mắt:
- Đếm Đến Năm (Count to Five): Nhìn vào mắt người nghe trong 5 giây để đạt được mức độ giao tiếp bằng mắt thích hợp. Cảm giác tham gia yêu cầu khoảng năm giây giao tiếp bằng mắt liên tục, thời gian chúng ta thường dùng để hoàn thành một suy nghĩ hoặc một câu nói.
- Cẩn Thận Với Việc Đảo Mắt Và Chớp Mắt Chậm (Beware of Eye Dart and Slow Blink): Khi thiếu tự tin hoặc cảm thấy áp lực, bản năng của chúng ta là tránh ánh mắt của người nghe. Đảo mắt cho thấy sự lo lắng - giống như một con thỏ sợ hãi, chúng ta thể hiện sự sợ hãi. Khi một người nhắm mắt trong hai hoặc ba giây (chớp mắt chậm), điều đó nói lên rằng "Tôi thực sự không muốn ở đây."
- Quay Video (Get on Video): Quay video bản thân khi nói và sau đó xem lại nhiều lần, đặc biệt tập trung vào các chuyển động mắt của bạn. Khi bạn thực hiện các bài tập này và giao tiếp bằng mắt trở thành thói quen, bạn sẽ nhận thấy rằng mình cảm thấy ít lo lắng hơn và trông tự tin hơn.
Bốn yếu tố quan trọng trong việc giảng thuyết
Tác giả: Wayne McDill
Nếu phần giải thích yếu, bài giảng của bạn sẽ như bị xa rời khỏi văn bản gốc. Thẩm quyền Kinh Thánh mà bạn muốn truyền tải sẽ bị suy giảm. Ngược lại, nếu dành quá nhiều thời gian cho phần giải thích, bài giảng sẽ giống như một bài học lịch sử hoặc một bài giảng về bối cảnh Kinh Thánh và từ ngữ. Mặc dù điều đó có thể thú vị với bạn, nhưng mục tiêu của việc giảng thuyết không chỉ là học thuật.
Minh Họa có vai trò đặc biệt vì nó có thể hỗ trợ cho các yếu tố khác. Nó có thể giúp giải thích, lập luận hoặc áp dụng các chân lý của văn bản. Hoặc nó có thể được dùng để minh họa chân lý của bài giảng một cách rõ ràng và sống động. Hãy đảm bảo rằng tài liệu minh họa cụ thể, sống động và dễ hiểu. Đảm bảo rằng mỗi ý chính của bài giảng đều được minh họa đầy đủ. Nếu phần minh họa yếu, bài giảng sẽ trở nên khô khan và nhàm chán. Nó sẽ thiếu đi sự sống động và sức hút cần thiết. Ngược lại, quá nhiều minh họa sẽ làm cho bài giảng có vẻ phô trương và thiếu chiều sâu.
Lập Luận yếu sẽ khiến bạn nghe có vẻ hẹp hòi và tự phụ vì không mời gọi khán giả thấy được sự hợp lý của các ý tưởng. Tuy nhiên, quá nhiều lập luận có thể làm cho bài giảng của bạn trở nên hiếu chiến và đối đầu. Sự cân bằng phù hợp sẽ phụ thuộc vào chủ đề, khán giả và hoàn cảnh giảng.
Ứng dụng yếu sẽ khiến bài giảng ít liên quan đến cuộc sống hàng ngày. Nếu có quá nhiều ứng dụng, người giảng có thể xuất hiện như đang "kéo dài vấn đề" để quở trách cử tọa cộng đoàn. Họ có thể cảm thấy bị áp lực với quá nhiều nghĩa vụ và từ chối hoặc coi những lời bình luận của người giảng chỉ là “đang giảng thôi”.
Cân bằng các yếu tố thuyết phục trong bài giảng mang lại ba lợi ích:
- Người giảng sẽ chuẩn bị tốt hơn và có khả năng giảng mà không cần ghi chú.
- Thông điệp Kinh Thánh được truyền đạt hiệu quả và thuyết phục hơn.
- Khán giả sẽ chú ý và hứng thú hơn vì sự cân bằng thu hút họ theo mọi cách có thể
Tài liệu tham khảo
1. Day, David (2004). A Preaching, New Delhi, SPCK
2. Bewes, Richard (1998). Speaking in Public - Effectively, Christian Focus.
3. Craddock, Fred (1991). As One Without Authority, Nashville, Abingdon.
4. Fee, Gordon & Stuart, Douglas (1994). How to Read the Bible for All Its Worth, (SU)
5. Long, Thomas (1989). The Witness of Preaching,
6. Westminster, J. K., Norrington, D. (1996). To Preach or Not to Preach, Paternoster,
7. Sue Page (1998). Away (or A Way) with Words, Lynx.
8. Schlafer, David (1992). Surviving the Sermon: A Guide for Those Who Have to Listen, Cowley.
9. Roger, S. (2004). Finding the Plot: Preaching in Narrative Style, Paternoster.
10. Wilson, Paul (1995). The Practice of Preaching, Abingdon.
11. Wright, Stephen (2001). Preaching with the Grain of Scripture, Grove.
12. Mehrabian, Albert (1981). Silent Messages, Belmont, California: Wadsworth.
13. Bert, Decker, www.bertdecker.com
14. McDill, Wayne, http://biblicalpreaching.net/category/stage-4-passage-idea/