Skip to content
Top banner

Thông tin giả, hậu quả thật - quyết sống thật để truyền thông thật

THTT-01
2022-01-30 10:44 UTC+7 456
Giáo lý Công giáo luôn khẳng định rằng, truyền thông là để thông truyền sự thật, kết nối với sự thật và biết sự thật. Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ và con người. Vì thế, con người chỉ thật sự sống đúng phẩm giá của mình khi kết nối và hiệp thông với T

Giáo lý Công giáo luôn khẳng định rằng, truyền thông là để thông truyền sự thật, kết nối với sự thật và biết sự thật. Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ và con người. Vì thế, con người chỉ thật sự sống đúng phẩm giá của mình khi kết nối và hiệp thông với Thiên Chúa.[1]


Phêrô Mạnh Tâm, OP.


 DẪN NHẬP


Vào ngày 24/09/2019, Đức Hồng Y Timothy Dolan của Tổng Giáo Phận New York, Mỹ đã ra một tuyên bố để làm rõ rằng ngài sẽ không và chưa bao giờ sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để yêu cầu bất cứ đóng góp tài chính riêng tư nào. Sở dĩ Đức Hồng Y đã đưa ra tuyên bố trên là để đối phó với một loạt các hoạt động lừa đảo trực tuyến đang được thực hiện bằng cách lợi dụng danh nghĩa của ngài để lừa đảo.


Tôi đã nghe tin từ một số anh chị em là những người đã nhận được tin nhắn trên Facebook hoặc Twitter từ một tài khoản giả danh là của tôi... Xin biết rằng tôi sẽ không bao giờ liên hệ riêng tư trên các phương tiện truyền thông xã hội để yêu cầu quyên góp.


Phát ngôn viên của Tổng giáo phận New York nói với CNA rằng Tổng giáo phận đã nhận được một số báo cáo về những người mạo danh Đức Hồng Y Dolan để xin tiền mọi người cho những mục đích có vẻ là từ thiện. Phát thanh viên của Tổng giáo phận nói:

Thật đáng buồn, chúng ta đã thấy trò lừa đảo này được sử dụng trong vài tháng qua. Các nhân vật tôn giáo khác như các cha sở, các linh mục, và các giáo sĩ khác đã bị mạo danh, và vì vậy chúng tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng Đức Hồng Y Dolan sẽ không bao giờ quyên góp theo cách này.


Ông Joseph Zwilling, Giám đốc truyền thông của Tổng giáo phận, nói rằng, trong khi Internet và phương tiện truyền thông xã hội có thể là công cụ truyền giáo tuyệt vời, chúng cũng có thể được sử dụng bởi những cá nhân vô đạo đức đang tìm cách moi tiền các tín hữu quảng đại và dễ tin. Tạo tin giả đã để lại hậu quả thật.


Còn ở Việt Nam, vào năm 2007, người ta đã đồn tin thất thiệt việc ăn bưởi gây ung thư từ một số trang mạng vô trách nhiệm và vô lương tâm. Tin giả này đã gây thiệt hại khá nặng: người tiêu dùng đã đồng loạt tẩy chay loại trái cây vốn được ưa chuộng này. Bưởi chín đầy vườn, chất đầy kho không có ai mua, có bán được cũng bị ép xuống giá sát đáy. Sản xuất đình trệ, cuộc sống của người nông dân khốn đốn, lao đao… Theo thống kê của tỉnh Tiền Giang, chỉ trong vòng hơn một tháng sau khi tin thất thiệt này được tung ra, người nông dân trồng bưởi đã bị thiệt hại hơn 100 tỷ đồng. Riêng vùng chuyên canh hơn 1.000 ha bưởi lông Cổ Cò của huyện Cái Bè đã mất hơn 50 tỷ đồng, do giá bưởi đặc sản này có lúc xuống còn 1.000 đồng/kg, trong khi bình thường từ 8.000-10.000 đồng/kg. Đưa ra con số cụ thể để chúng ta thấy hậu quả rất thật khi con người tung tin giả. Hậu quả lớn nhất là mất đi niềm tin con người trong cuộc sống.


Quý độc giả thân mến,


Chúng ta đang sống thời đại 4.0.[2] Với thời đại này, ngành công nghệ thông tin được sử dụng nổi bật hơn hết với những dữ liệu thu nhận được và chuyền tải tới mọi ngõ ngách của thế giới. Công đồng Vaticano II với Sắc lệnh về Các Phương Tiện Truyền Thông xã hội số 1 đã khẳng định:


Trong số những phát minh ấy, trổi vượt hơn cả là các phương tiện tự bản chất không những có liên hệ và ảnh hưởng đến từng cá nhân, mà còn đến cả đại chúng và toàn thể xã hội nhân loại như báo chí, phim ảnh, phát thanh, vô tuyến truyền hình và những kỹ thuật khác tương tự, đây là những phương tiện đáng được gọi là những phương tiện truyền thông xã hội.


Nói cách khác, phương tiện truyền thông sẽ trở nên hữu dụng và vô cùng lợi ích cho con người nếu sử dụng chúng để phục vụ con người, vì lợi ích con người theo ý Đấng Tạo hóa mà Giáo hội Công giáo đã xác định, “nguyên lý, chủ thể và mục đích của tất cả định chế hay sáng chế ngành công nghiệp thông tin nào phải là con người” (Compendium of the Catechism of the Catholic Church = CCCC số 401- 402). Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng có thể trở thành một “vũ khí” hay “nọc độc” vô hình giết chết nhân phẩm hay danh dự con người khi mục đích sử dụng của nó là giả trá và lừa đảo. Nó thông tin giả nhưng hậu quả thật.


NHẬN DIỆN GIẢ - THẬT

    NƠI PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG


Đàng sau việc tung tin giả này là ai vậy? với mục đích gì? Chúng ta không khó trả lời: kẻ đầu xỏ chính là Satan, nó là loài xảo quyệt nhất trong muôn loài (x. St 3, 1-6).  Mà mục đích của nó đã rõ: làm cho con người không nhận ra được sự thật nơi mình, gây chia rẽ, xáo trộn và từ đó rời xa Thiên Chúa. Nó sử dụng con người với lòng dạ không ngay thẳng để nên “khí cụ” phục vụ cho mục đích trên. Quả thật, ngay như các chuyên gia, các nhà tâm lý học lo ngại sự xuống cấp đạo đức của một số đối tượng thiếu ý thức khi tạo dựng và lan truyền tin giả (kể cả người tung tin đồn lẫn người tin vào nó và lan truyền nó), cũng như sự quan ngại về việc sụp đổ niềm tin của cộng đồng trước “ma trận” thông tin thất thiệt; do thiếu định hướng. Đàng sau sự việc trên là do ma quỷ điều khiển. Hãy luôn cảnh giác rằng “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong muôn loài” (St 3,1)


Với ý thức đó, Công đồng Vaticano II đã nhắc nhở:


Con người có thể dùng những phương tiện đó nghịch với ý định của Đấng Tạo Hoá, và gây nguy hại cho chính bản thân; Giáo Hội như mẹ hiền rất đau buồn lo âu vì những thiệt hại do cách sử dụng sai lạc những phương tiện truyền thông vẫn rất thường gây ra cho cộng đồng nhân loại.[3]


Giáo lý Công giáo luôn khẳng định rằng, truyền thông là để thông truyền sự thật, kết nối với sự thật và biết sự thật. Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ và con người. Vì thế, con người chỉ thật sự sống đúng phẩm giá của mình khi kết nối và hiệp thông với Thiên Chúa.[4] Không kết nối với Thiên Chúa dễ đi đến lệch lạc, và xa rời sự thật. Kinh nghiệm về sự sa ngã của Adam và Eva; về Cain, cho thấy, ma quỷ đã dùng sự xảo quyệt, giả dối để đánh lừa con người. Truyền thông là “mồi lớn” là cái bánh mà ma quỷ rất thích, vì từ đây con người sẽ xâu xé nhau, và xa rời sự thật.


Vậy Giáo lý và Kinh thánh nói gì về việc giả-thật từ truyền thông? Làm sao nhận diện nó và làm sao để đối kháng với sự giả của nó?


GIÁO LÝ và KINH THÁNH

    NÓI GÌ VỀ VIỆC TRUYỀN THÔNG?


Tất cả mọi phương tiện của truyền thông đều liên đới chung với nhau một sứ điệp: con người thuộc về Chúa và sống cho chính Chúa.


Quả thật, Thiên Chúa mong muốn con người được nhận biết và vinh quang của Người trên khắp cõi địa cầu để mang lại vinh phúc cho họ. Việc nhận biết này chỉ được thực hiện khi được hiệp thông với chính Thiên Chúa, là Đấng duy nhất và chân thật (SGLHTCG 294), bởi tất cả được hiệp thông điều tốt lành từ nơi chính Chúa và thông truyền cho nhau (sđd 947). Chính nhờ điều này mà con người được thông truyền các lợi ích thiêng liêng khác (sđd 955). Cách cụ thể hơn, giá trị của việc thông truyền này trở nên mạnh mẽ và thiết thực nhờ thông truyền qua các bí tích mầu nhiệm của Đức Kitô (sđd 1076, 1092) bởi vì Người là Đường là Sự thật và là Sự sống, nên cần phải luôn thông truyền sự thật. (sđd 1886, 2488- 89). Một khi nhận thức rõ điểm căn bản cốt lõi này thì việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội sẽ rất giá trị nhân văn và bền vững, vì truyền thông là thông truyền sự thật (sđd 906, 2492 – 96).


Đối lập với thế giới sự thật là giả dối. Cha đẻ của giả dối là ma quỷ. Nó luôn thông truyền những điều giả nhưng lại để hậu quả thật. Chúng ta cùng nhận diện nó!


Việc  truyền thông giả trá xuất phát từ Satan


Rắn là loài xảo quyệt. Sách Sáng thế cho ta biết Satan là loài xảo quyệt, giả dối. Nó tung tin giả cho con người: “Chẳng có chết chóc gì đâu!” (St 3, 1-6). Và hậu quả là thật. “Adam đã sa ngã” loài người phải gánh lấy hậu quả: đau khổ và phải chết.

Rồi sự giả đó lan tràn gây ra cái chết đầu tiên của con người là Abel. “Cain đã giết chết em mình, nhưng lại không chịu thừa nhận. “Tôi là người giữ em tôi sao?” (St 4,1-8)


Sách các Vua quyển thứ nhất còn đề cập đến sự mưu mô của vua A-kháp (1V 21,1-15) đã cướp vườn nho của Na-vốt bằng những lời vu khống từ hoàng hậu I-de-ven. v.v… Ma quỷ đã tạo ra sự kiện giả để rồi để lại hậu quả thật. Tác hại của nó xuyên qua các thời đại của con người.


Lời nói:

       Phương tiện chính của truyền thông qua các thời


Ngày xưa người ta chưa làm ra vi tính, máy móc, wifi… phương tiện duy nhất truyền thông cho nhau bằng lời nói. Lời trở nên phương tiện truyền thông cụ thể nhất. Vì điều kiện thời gian và không gian, nên người ta tìm cách huấn luyện chim bồ câu để đưa tin qua việc đưa thư.[5] Nhưng thật tiếc, thay vì thông truyền sự thật, thì lời đó lại trở thành lời giả trá, gian tà với mục đích méo mó sự thật, xa rời Thiên Chúa là Đấng chân thật. Sách Châm ngôn cũng đã cảnh cáo: “Mọi lời Thiên Chúa phán đều được chứng nghiệm. Người là khiên thuẫn cho ai tìm ẩn náu nơi Người. Đừng thêm thắt chi vào lời Người phán dạy kẻo bị Người quở trách, và con thành kẻ nói dối nói gian.” (Cn 30, 5-6)


Sách Đa-ni-en tường thuật lại hai vị trưởng lão đã tạo ra sự giả trá để tố cáo bà Susana bằng lời lẽ ngụy biện… nhưng may mắn, cũng nhờ lời ngôn sứ Đanien. Ông Đa-ni-en làm sáng tỏ sự thật để cứu bà Su-san-na (Đn 13, 1-62). Quả đúng như lời thánh vịnh: “Miệng tha hồ nói năng ác độc, ba tấc lưỡi đặt điều xảo trá.” (Tv 50,9)


Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã từng nói: Hễ "có" thì phải nói "có", “không” thì nói “không!” Thêm điều bớt chuyện là do gian tà mà ra (Mt 5, 33-37). Trên thực tế, Người cũng không ngần ngại chống lại kẻ giả hình như những người Phariseu giả hình và các kinh sư (Mt ch. 22 – 23. Mc 12, 13-17). Người nhắc nhở họ, dù có che đậy cái nhìn trần gian nhưng không thể qua mặt Thiên Chúa. Sự thật hoặc sự dối trá được đưa ra ánh sáng (Ga 8,19-21). Quả thật “Sự thật về Đức Giê-su (Ga 8, 12-32) và Sự thật sẽ giải phóng mọi người (Ga 8,32)


SỐNG THEO SỰ THẬT,

    THÌ SẼ TRUYỀN THÔNG THẬT!


Chúa Giêsu đã thẳng thắn nói với quan Philatô: “Ta đến là để làm chứng cho sự thật.” (Ga 18,36-38). Ai nghe và đứng về sự thật chính là bước theo Đức Kitô. Vì thế, trong lãnh vực truyền thông, đứng trước sứ mạng làm chứng cho sự thật, người Kitô hữu cũng sẵn sàng cho một cuộc chiến này. Sống và làm chứng cho Sự thật trên mặt trận truyền thông. Bằng cách nào?


Để tránh giả dối, thì phải sống thật


Nên nhớ rằng, thông tin giả sẽ để lại hậu quả thật: xa rời Chúa và thuộc về ma quỷ. Cho nên, Có hai điều cầu xin Thiên Chúa mà sách Châm ngôn đề nghị:


Con chỉ xin hai điều, Ngài đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt: Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa. Và “Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: "Đức Chúa là ai vậy?" hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con (Cn 30, 7-9).


Cho nên, phải luôn nghĩ đến hậu quả của sự giả trá ắt sẽ bị trừng phạt (Is 59,1-15). Hoặc như lời thánh Giacôbê khuyên nhủ: “Thưa anh em, trước hết, đừng có thề, dù là lấy trời, lấy đất, hay lấy cái gì khác mà thề. Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không", như thế, anh em sẽ không bị xét xử.” (Gc 5,12) Chống lại sự dối trá, không thỏa hiệp với nó dù bất cứ hình thức nào cũng là sống thật (Is 30, 8-18). Hơn thế nữa,


Sống và làm chứng cho sự thật

        trong môi trường mình đang sống


Nên nhớ rằng, Satan không chừa bất cứ ai, kể cả những người dâng hiến cho Chúa. Những người môn đệ của Đức Kitô luôn sống theo những gì Thầy mình đã sống, bởi chính Người là Đường, là Sự thật và là Sự sống (Ga 14, 1-6,15). Người đã từng cầu nguyện cho những ai bước theo mình luôn sống giữa thế gian nhưng đừng thuộc về thế gian (Ga 17, 7-19)


Làm chứng bằng cách giữ gìn và bảo vệ sự thật (1Tm 6, 2-14; 4, 1-5). Làm chứng bằng cách nói và hành động theo sự thật, vì hành động của chúng ta cho thấy chúng ta có sống thật hay không và cho thấy sự tương quan của mỗi người với Đức Kitô để nhận diện đâu là sự thật, đâu là dối trá (1Ga 2, 20-23). Làm chứng bằng cách yêu mến sự thật cách chân thành. (1Ga 3, 18-20) Làm chứng bằng cách tận dụng các phương tiện truyền thông để phổ biến cho sự thật và phục vụ chân lý (Sách GLHTCG. 2497, 2512). Cho nên, Công đồng Vaticano II đã nói rằng: “Điều cần thiết nhất là tất cả những người liên hệ đến lãnh vực truyền thông, phải tự đào tạo cho mình một lương tâm ngay thẳng trong việc sử dụng các phương tiện đó.” [6]


THAY LỜI KẾT


Thông tin giả sẽ tạo ra hậu quả thật, sự thật phủ phàng, tai hại. Nhưng có lẽ hậu quả lớn nhất là thuộc về ma quỷ và đánh mất sự sống đời đời. Vậy hãy luôn thông tin thật để mọi người nhận biết đâu là thật- giả trong cuộc sống. Để làm điều đó, cần có đời sống thật theo gương Chúa Giêsu, Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự sống, Đấng gieo Tin mừng cứu độ. Làm chứng cho sự thật là luôn rắc gieo tin mừng, gieo sự thật ắt sẽ bước đi công chính.


Chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng hãy luôn cầu xin Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn đưa mọi người tới chân lý toàn vẹn (sđd 243, 2625). Vậy trước thông tin giả hậu quả thật, chúng ta hãy quyết sống thật để thông truyền thật! Mong thay!



[1] Sách GLHTCG, số 1699.

[2] Theo Gartner, đây là Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư. Nó xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0". 4.0 là kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong. Nhất là trong các lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI – Kỹ thuật số), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IOT – Công nghệ sinh học) và dữ liệu lớn (Big Data – Vật lý).

[3] Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội số 2.

[4] Sách GLHTCG, số 1699.

[5] Theo báo Sức khỏe và đời sống ngày 03/12/2006: Khả năng đưa thư của loài bồ câu đã được biết đến từ thời Ai Cập cổ đại, nhưng mãi gần đây bí mật về nó mới được khám phá. Theo một nghiên cứu của Anh, bồ câu đưa thư đơn giản chỉ lần theo các tuyến đường, giống như con người chúng ta vậy.

[6] Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội, số 5


Đọc bài viết gốc tại đây

Chia sẻ