SỐNG ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH THỜI CÔNG NGHỆ 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đưa nhân loại bước sang trang sử mới với những tiến bộ vượt trội, làm thay đổi toàn bộ cuộc sống con người. Con người không còn lo lắng chuyện “ăn no mặc ấm” nữa nhưng đã biết “tận hưởng” và “hưởng thụ” mà không sợ bị lên án hay bị trừng phạt nhờ có “khiên thuẫn” của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do bảo vệ. Tuy nhiên, khi “các phương tiện truyền thông có hiệu lực vượt khỏi ranh giới quốc gia và biến mỗi người trở thành công dân của toàn thể xã hội nhân loại”[1] thì cùng lúc đó, các tương quan liên vị được “khoác” thêm một diện mạo mới, không gian ảo và không gian vật lý như vàng thau lẫn lộn, khó phân biệt. Và chính các linh mục, tu sĩ cũng phải đối mặt với một thách thức lớn: Làm thế nào để vừa hội nhập với xã hội, vừa không bị “tụt hậu” về khả năng ứng dụng công nghệ, vừa hiên ngang đi trên “đường hẹp” của Chúa Giê-su, con đường chẳng mấy ai đi (The Road less traveled[2]) để bảo toàn đời sống độc thân khiết tịnh. Lời khấn Khiết tịnh hẳn đã quen thuộc và có rất nhiều tài liệu liên quan dưới cái nhìn của Tu đức hay Thần học, nên trong bài viết này, người viết xin trình bày vấn đề khiết tịnh thánh hiến qua lăng kính của Tâm lý học.
Theo chiều kích thần học gắn liền với truyền thống tu đức xưa, nhiều tu sĩ chỉ quen với ý niệm “ơn gọi độc thân khiết tịnh vì Nước Trời”, để noi gương Chúa Giê-su, hiện thực hóa Nước Thiên Chúa ngay tại trần gian này. Theo nghĩa đó, họ tuyệt đối không nói đến những vấn đề nhạy cảm của tình yêu nam nữ, tìm mọi cách để diệt dục (trong đó có biện pháp hành xác, đánh tội), nhờ vậy, họ chuyên tâm cầu nguyện và nên một với Chúa[3]. Tuy nhiên, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã nhấn mạnh vai trò của Tâm lý học khi đưa ra một định nghĩa khác: Khiết tịnh là việc mô phỏng sự trong sạch của Chúa Ki-tô nhờ sự hòa hợp thích hợp về tính dục trong đời sống luân lý và tương quan của mỗi cá nhân[4]. Vậy thế nào là hòa hợp tính dục (sexual integration)?
Thầy John Mark Falkenhain, OSB (Dòng Biển Đức), là nhà tâm lý học đồng thời là giáo sư của Trường Thần học và Chủng viện Saint Meinrad, Indiana đã đưa ra 3 định nghĩa về sự hoà hợp tính dục: am hiểu và chấp nhận bản thân phù hợp với căn tính tính dục; đạt được một căn tính tính dục hoà hợp và đặt để tính dục của mình ở một vị trí thích hợp trong toàn bộ nhân cách của mình[5]. Khi đối chiếu vào thực tế, chúng ta nhận thấy rằng nhiều tu sĩ không đặt để tính dục của mình đúng vị trí, nghĩa là không dành thời gian, sức lực và sự quan tâm phù hợp cho nó trong khi thế giới kỹ thuật số nhuốm màu thế tục, giả trá gia tăng “đột nhập” vào các nhà dòng và chủng viện, khiến họ chao đảo, lệch lạc trong đời sống khiết tịnh thánh hiến.
Rõ ràng, các tu sĩ ngày nay, dù ở giữa đời phục vụ hay chỉ ở trong bốn bức tường của đan viện đều có nguy cơ lỗi lời khấn khiết tịnh khi sử dụng các phương tiện truyền thông, vì hệ thống Internet hiện đại và tiện lợi đã phủ sóng toàn cầu. Dù muốn hay không, khi truy cập các trang mạng xã hội, các tu sĩ cũng dễ dàng tiếp cận với những hình ảnh khiêu dâm, kích thích tình dục. Một đàng, các tu sĩ cần phải sử dụng công nghệ để học tập, làm việc hoặc trao đổi; đàng khác, các cám dỗ về đức khiết tịnh như sư tử rình mồi, chờ chực cắn xé (1 Pr 5: 8). Đây thực sự là một thách đố đối với các tu sĩ, một cuộc chiến đấu cam go để giành lấy sự trưởng thành và nhân đức trong đời tu.
Những vấn nạn phổ biến nhất trong xã hội ngày nay chúng ta có thể thấy về việc một số tu sĩ trẻ lạm dụng máy tính, điện thoại để truy cập mạng xã hội (Facebook, Youtube, TikTok, Zalo,…), dẫn đến tình trạng nghiện phim đồi truỵ (phim đen), nghiện chat-sex[6], nghiện khiêu dâm, thủ dâm, hay quan hệ tình dục (thậm chí với người không hề quen biết). Điều này thật đáng sợ! Ngoài ra, chúng ta cũng nên chú ý đến một loạt những hệ luỵ “đính kèm” như: sức khỏe suy yếu, thường xuyên lỗi luật Dòng; trễ nải trong công việc bổn phận và mục vụ; khô khan, nguội lạnh trong đời sống thiêng liêng, gương mù gương xấu và không có trách nhiệm đối với cộng đoàn, Hội dòng hay Giáo xứ; hậu quả xấu nhất có thể xảy ra là lỗi đức khiết tịnh (quan hệ tình dục, có thai) và buộc phải xuất tu. Như vậy, những tu sĩ chưa đạt được sự hoà hợp tính dục thường không dành toàn bộ thời gian, tâm trí cho Chúa và các công việc của Chúa. Họ quên ăn, quên ngủ, bỏ bê trách nhiệm, bỏ cầu nguyện; họ “ngốn” hết thời gian cho việc truy cập mạng Internet và chẳng buồn quan tâm 3 điều thánh Augustinô khuyến khích suy tư mỗi ngày trong hành trình tìm kiếm Thánh ý Chúa: Tôi là, tôi biết và tôi muốn[7].
Lịch sử đã minh chứng, nhiều tu sĩ “hồi tục” vì thiết lập nhiều mối tương quan không lành mạnh đến mức “không thể quay đầu” khởi đi từ việc sử dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Hãy lấy một chị bạn của tôi làm ví dụ. Chị và anh T quen biết nhau và chơi thân với nhau từ hồi học đại học. Họ thường xuyên nhắn tin, gọi điện thoại hỏi thăm nhau qua Facebook, Zalo cho tới khi cả hai vào Nhà dòng. Sau khi hai người cùng được tuyên khấn lần đầu, họ nối lại liên lạc với nhau. “Định luật nhúc nhích” tỉ lệ thuận với thời gian, khiến hai người nảy sinh tình cảm và tiến đến thân mật, “đi quá xa” và phải từ bỏ ơn gọi.
Câu hỏi đặt ra là tại sao các tu sĩ lại dễ vi phạm lời khấn độc thân khiết tịnh khi tiếp cận với mạng xã hội như thế? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó, nguyên nhân ngoại tại có thể do hoàn cảnh (công việc quá tải, đời sống cộng đoàn có nhiều bất ổn, dẫn đến cô đơn, buồn chán hoặc sự hấp dẫn, lôi kéo của người khác); nguyên nhân nội tại thì ở chính đương sự: chưa trưởng thành tình cảm tình dục. Vì chưa trưởng thành tình cảm, khi “có vấn đề”, họ thường loay hoay, không biết giải quyết hoặc giải quyết một cách không lành mạnh, không chín chắn. Chẳng hạn, khi công việc quá nhiều, biết rằng một mình cố gắng đảm nhiệm hết thì sẽ kiệt sức nhưng “thà kiệt sức” chứ không chịu “luỵ” ai. Hoặc khi cộng đoàn xung khắc, bất hoà, tu sĩ cảm thấy cô đơn, thay vì tìm cách hòa giải, nối kết, lại đi tìm những cái khác “không thuộc thân” để lấp đầy chỗ trống. Và “cái khác” có khả năng khỏa lấp khoảng trống trong tâm hồn nhất thường là những người khác giới, ở ngoài cộng đoàn. Vì chưa trưởng thành tình cảm, tình dục nên tu sĩ chưa trưởng thành trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông, dẫn đến tình trạng lạm dụng. Nói cách khác, họ chưa tiết độ, chưa quân bình, chưa xác định được đâu là ranh giới lành mạnh và hiệu quả của riêng mình, làm phát sinh tình trạng vượt rào hoặc đóng khung như “cục gạch” để “một mảnh tình riêng, ta với ta”[8].
Tôi biết đến Facebook từ năm 2012, lúc đó, tôi là sinh viên đại học năm thứ 2. Khi ấy, đối với tôi, Facebook là một “thế giới” mới, đầy sức hấp dẫn, không khác gì “chất gây nghiện”. Tôi bị cuốn vào vòng xoáy của tình trạng nghiện mạng xã hội để thiết lập tương quan với người khác phái. Khi nhận được những tin nhắn “thả thính”, trái tim tôi cảm thấy rung động, tôi lấy làm vui thích và vì thế, càng lún sâu hơn vào cơn nghiện Facebook. Những lúc cô đơn, bị hiểu lầm, những tình cảm ấy đã an ủi tôi, nhưng thật may mắn, Chúa đã cho những biến cố khác xảy đến để kéo tôi về phía Ngài. Cho đến bây giờ, tôi ý thức rõ rằng: Tình cảm tình dục vốn thuộc bản năng của con người, nó sẽ trỗi dậy bất cứ lúc nào. Tôi không thể trốn tránh, tôi không được phủ nhận; trái lại, tôi phải chấp nhận như nó LÀ và cùng với ơn Chúa, tôi cố gắng thăng hoa nó cho phù hợp với ơn gọi của mình.
Vậy, các tu sĩ phải sử dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội như thế nào để bảo toàn đức khiết tịnh thánh hiến? Như đã nói ở trên, nguyên nhân, gốc rễ phát sinh mọi tội lỗi ở con người là vì “thiếu trưởng thành”, nói đúng hơn là thiếu hiểu biết, thiếu khả năng kiềm chế bản năng tự nhiên, dẫn đến bất cập hoặc thái quá. Tổ tiên A-đam, E-và cũng vì không biết giới hạn thụ tạo của mình mà lạm dụng tự do Chúa ban, nên khi “mở mắt ra”, họ thấy mình “trần truồng”, sợ hãi và tìm cách lẩn trốn, nhưng không kịp nữa[9]. Tác giả John Mark Falkenhain cũng khuyến cáo: “Nguy hiểm sẽ đến khi chúng ta có quá ít sự hiểu biết về cách cảm xúc ảnh hưởng đến chúng ta và điều khiển hành vi của chúng ta”[10]. Chính vì thế, người tu sĩ muốn không rơi vào tình trạng thái quá hoặc bất cập khi sử dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội nên có những hiểu biết nhất định về việc làm của mình, bằng cách thường xuyên đặt ra các câu hỏi để ý thức bản thân như:
· Tôi là ai?
· Tôi sử dụng những phương tiện này để làm gì, có cần thiết không?
· Tôi dành bao nhiêu thời gian cho chúng so với thời gian dành cho Chúa, cho công việc bổn phận?
· Nếu tôi sử dụng chúng không đúng mục đích, tôi sẽ phải đối diện với những hậu quả xấu nào?
· Tôi đã đủ trưởng thành trước những kích thích tình dục mà mạng xã hội đem lại hay chưa?
Khi các câu trả lời của tôi có xu hướng ra khỏi “quỹ đạo” của Luật dòng, của căn tính đời tu hoặc làm cho Bánh xe sức khoẻ (Wellness Wheel[11]) mất cân bằng, chắc chắn tôi chưa tiết độ khi sử dụng các phương tiện này. Tôi phải chấn chỉnh ngay, nếu tôi cố gắng tận hưởng những “bông ly ly nở rộ”, chắc chắn một ngày nào đó tôi sẽ phải lãnh những “cơn mưa đá nguy hiểm”[12].
Có thể nói rằng, độc thân khiết tịnh là một đời sống đầy thách thức, nhất là khi các phương tiện truyền thông trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống. Vì thế, người tu sĩ muốn trưởng thành phải luôn luôn cầu nguyện, gắn bó với Chúa Giê-su Thánh Thể là nguồn mạch của mọi điều thiện hảo. Chính tình yêu phi thường[13]dành cho Chúa sẽ giúp chúng ta, những người sống đời độc thân khiết tịnh giữ chừng mực, tiết độ trong mọi hành động lớn nhỏ và hoà hợp ý định của ta với ý định của Đấng Thông Minh Thượng Trí. Chính tình yêu ấy sẽ thánh hoá những mệt mỏi, oán giận của chúng ta mỗi khi phải hy sinh thành niềm vui, hạnh phúc và lòng tri ân.
Nt. Ma-ri-a Trần Thị Yến
Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội
Nguồn: Tổng Giáo Phận Hà Nội
[1] Vatican II, Sắc lệnh về các Phương tiện Truyền Thông Xã Hội – Inter Mirifica, Số 22.
[2] M.D. Morgan Scott Peck, Con đường chẳng mấy ai đi, Lâm Đặng Cam Thảo dịch, NXB Dân Trí, 2024.
[3] John Mark Falkenhain, OSB, How we love: A formation for celibate life: Ơn gọi yêu thương – Một chương trình đào tạo Độc thân khiết tịnh, trang 79-84, Giuse Nguyễn Hoài Huy, SVD dịch, NXB Tôn Giáo, Năm 2021.
[4] LHTCG số 2345
[5] Sđd, trang 154
[6] Sđd, trang 150
[7] Tự thuật của Thánh Augustino, trang 465, NXB Tôn Giáo, Năm 2010
[8] Trích trong bài thơ Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan.
[9] St 3
[10] Sđd, trang 156
[11] https://www.vnsc.vn/banh-xe-cuoc-doi/
[12] Sđd, trang 174
[13] Cecilia Trần Thị Thanh Hương, Tình yêu phi thường, NXB Phương Đông, 2009