Skip to content
Top banner

Mẻ cá lạ nơi mạng xã hội

COMMUNICATION-THEOLOGY
2024-03-13 03:27 UTC+7 229

HA LẶNG (Tổng Giáo Phận Hà Nội)


Theo một thống kê thì “hiện tại, có 4,2 tỉ người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới. Con số này tăng 490 triệu trong 12 tháng qua, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng người sử dụng mạng xã hội hiện chiếm hơn 53% dân số toàn cầu.”[1] Những con số biết nói nhưng không quá ngạc nhiên, thậm chí dễ hiểu đối với nhiều người trong chúng ta, những người có thể đã biết hoặc quen hay thậm chí đã trở thành tín đồ của mạng xã hội. Thật vậy, kể từ khi mạng xã hội xuất hiện và bùng nổ trong những năm gần đây, sức ảnh hưởng của nó ngày càng trở nên khó có thể đo lường. Thậm chí, thật khó đưa ra tiêu chuẩn để đánh giá về những gì mà nó tác động và làm thay đổi nếp nghĩ của nhiều người, nhiều tổ chức và nhiều quốc gia. Nhiều vấn đề liên quan đến mọi mặt trong đời sống con người từ chính trị, kinh tế, xã hội đến luân lý đạo đức và tôn giáo được đặt lại và bàn luận trên diện rộng, nhất là nơi không gian mạng…

Khi mà con người bắt đầu nghĩ về một sự tự do tuyệt đối trong một thế giới tuyệt đối tự do, cũng là lúc mạng xã hội nghiễm nhiên lên ngôi và trở thành một công cụ hoàn hảo để con người thể hiện sự thống trị thay vì người quản lý. Lượng người tham gia mạng xã hội ngày càng tăng mỗi ngày. Ảnh hưởng của nó đến mọi mặt của đời sống con người là không cần bàn cãi, thậm chí nhiều lúc mất kiểm soát. Đặc biệt, những nền tảng xã hội xuất phát từ những “gã khổng lồ về công nghệ (Big-tech)” dần chiếm lĩnh thị trường, chi phối và phá vỡ nếp nghĩ của nhiều người. Internet cùng với mạng xã hội giúp thế giới trở nên phẳng hơn. Chưa bao giờ mọi người không phân biệt quốc gia, màu da, tôn giáo…có thể dễ dàng tương tác, giao lưu, học hỏi và gặp gỡ nhau như thế chỉ với một chiếc smartphone. Những ảnh hưởng tích cực của internet và mạng xã hội trong mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị và tôn giáo là điều hiển nhiên và không thể phủ nhận. Tuy nhiên mạng xã hội làm cũng dấy lên nhiều vấn đề nhiễu nhương đe dọa nền hòa bình và văn minh nhân loại. Khi trở thành một công cụ bị lạm dụng, mạng xã hội ngày càng trở thành thách thức đối với con người, gây xáo trộn và phá hủy nhiều nền tảng làm nên tính xã hội và đạo đức của con người…

Thật vậy, mạng xã hội đã trở thành một thế giới mới, nơi các công dân của nó là công dân toàn cầu. Chỉ bằng một chiếc thẻ căn cước là chiếc smartphone, vài thao tác đơn giản, tất cả mọi người dù là ai và ở đâu đều nghiễm nhiên trở thành công dân của một “quốc gia có dân số đông nhất thế giới và lãnh thổ rộng nhất trên thế giới”. Thậm chí, trong thế giới mới này, nhiều người quên cả thực tại hiện hữu, mất ý thức về sự tồn tại của mình và trở thành vô cảm, dửng dưng với thế giới và con người thực tại. Dẫu vẫn biết, chúng ta không thể phủ nhận vai trò to lớn của mạng xã hội đối với con người, mà những gì nó thể hiện trong cơn đại dịch là một bằng chứng cụ thể. Những con số không biết nói dối cho thấy sự bành trướng và tầm ảnh hưởng không thể tin nổi của mạng xã hội, nơi ngày càng có nhiều người tự nguyện trở thành những công dân ưu tú và biến nó thành một công cụ tối ưu để có thể đạt được những mục đích trên mọi lãnh vực. Mạng xã hội không chỉ đơn giản là nơi mọi người không phân biệt thành phần có thể tương tác và gặp gỡ nhau. Nhưng nó còn trở thành một kênh thông tin vô tận, nơi mà tất cả những kiến thức, văn minh của nhân loại, những điều vốn chỉ được tìm thấy nơi những cuốn sách dày cộp và cũ kĩ, nay được số hóa để truy cứu và chia sẻ cách dễ dàng. Sinh viên, học sinh không cần phải đến trường, nhưng vẫn có thể tiếp cận với nguồn kiến thức vô tận trên mạng, nhất là có thể tự do chia sẻ quan điểm, cách suy nghĩ và lối sống của mình. Chúng ta đã quá quen với những video, những đoạn phim, những tác phẩm âm nhạc hay nghệ thuật thể hiện sự thông minh, sáng tạo của các giới trẻ. Những công việc đòi hỏi sự đầu tư thời gian, kiến thức… không chỉ để “đú trend”, hay trở thành những hiện tượng mạng rẻ tiền câu view, câu like nhanh nổi tiếng, chóng lụi tàn, nhưng để cho thấy sức sáng tạo và trí tuệ đáng kinh ngạc của con người. Cũng vậy, chúng ta không lạ lẫm khi thấy các cụ già hay trung niên cùng nhau xem hay nghe những thánh lễ, những bài giảng của các mục tử, cùng những sinh hoạt tôn giáo, mà nếu không có mạng xã hội và internet, có lẽ trong mơ họ cũng không bao giờ có thể thưởng thức hay tham dự; những buổi thuyết pháp của các thiền sư, những buổi bình luận những phân tích hữu ích của các chuyên gia về kinh tế, chính trị, xã hội hay tôn giáo mà cả những lái xe taxi hay grab cũng có thể tiếp cận…

Cùng với đó, mạng xã hội cũng trở thành một môi trường đầu tư siêu lợi nhuận với vốn đầu tư ít, tiết kiệm thời gian và công sức. Chỉ cần một chiếc laptop hay smartphone có kết nối mạng, một người có thể trở thành triệu phú hay tỷ phú đô la. Chúng ta không còn quá xa lạ với những hình thức kinh doanh online, nơi những nền tảng hỗ trợ các gian hàng, nơi mọi người đều có thể trở thành những người bán hàng với đủ thứ mặt hàng mà không cần mất quá nhiều công sức và thời gian để giới thiệu sản phẩm hay thuê mặt bằng; những hiệu sách phong phú, dễ tìm, dễ mua; những bệnh viện, những trường học, những thị trường chứng khoán, bất động sản; những rạp hát, những rạp chiếu phim, những sân khấu, những xưởng phim… nơi mọi người có thể trở thành những ca sĩ, diễn viên hay đơn giản trở thành những khán giả để trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau cùng thần tượng của mình… Nơi đây cũng là một đấu trường, một diễn đàn… để mọi người trên khắp thế giới, đủ chuyên môn có thể bàn luận mọi vấn đề từ chính trị, kinh tế, tôn giáo mà chẳng cần tổ chức những buổi sự kiện tốn kém, đôi khi vô bổ… Nói chung, mạng xã hội đã thâu tóm cả thế giới trong nó. Nó đang ngày càng thể hiện sức mạnh trên đời sống và tư duy của con người dù bạn là ai hay bạn đang ở đâu và theo bất cứ một tôn giáo nào.

Tuy nhiên, cũng như đồng tiền có hai mặt thì mạng xã hội cũng thế, cũng là một môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro và đầy cám dỗ mà bất cứ ai đều có thể sập bẫy, nhất là giới trẻ, những người ưa khám phá với khiếu tò mò nhưng chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm nền tảng để tiếp cận và đối phó với những cám dỗ tinh vi của thời đại kĩ nghệ. Cụ thể, những gã khổng lồ về mạng xã hội ngày càng chiếm lĩnh thị trường và trở thành những kẻ thao túng thông tin, điều hướng nhiều vấn đề trong cuộc sống. Nếu không có một chính sách tốt và hiệu quả từ các quốc gia và các tổ chức tôn giáo hay xã hội, những công ty này dễ trở thành những kẻ độc quyền về thông tin, thậm chí trở thành những kẻ sẽ phá đổ tất cả những nền tảng xã hội hay luân lý đạo đức, nhất là khi họ độc quyền và định hướng tất cả dư luận. Sẽ thật là một thảm họa, khi thay vì cộng tác với quốc gia, tổ chức và các tôn giáo để trở thành những người xây dựng hòa bình và văn minh sự sống, những công ty và những nhà tài phiệt bị quyền lực và đồng tiền thao túng, trở thành những cộng tác viên, những công cụ đáng sợ của Satan và của những kẻ khát máu. Một thực tế đáng lo ngại là mạng xã hội cách nào đó cũng đã trở thành nơi để nhiều người lạm dụng và nhân danh quyền tự do để tuyên truyền những thông tin độc hại, những trang web xấu, những hệ tư tưởng sai lạc và những trào lưu nguy hiểm có thể làm thui chột và băng hoại nhiều thế hệ, cũng như làm lung lay niềm tin của nhiều người…

Dẫu biết tự do, nhưng một khi con người để cho tự do tự tung tự tác vô giới hạn chi phối, con người cũng dễ trở thành những kẻ kiêu ngạo, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để gây ra nhiều tai ương cho thế giới, cho chính mình và cho người khác bằng chính những công cụ, những nền tảng do mình tạo ra hoặc tiếp cận. Thật không khó khi hằng ngày, nơi những nền tảng như tiktok hay facebook, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, những nền tảng mạng xã hội này cũng gây ra không ít vấn đề về nhiều mặt từ kinh tế, xã hội, an ninh đến luân lý đạo đức. Nhất là sự bội thực nơi những bãi rác thông tin khiến con người chỉ lướt và dạo trên mạng xã hội mà chẳng quan tâm đến nội dung; những cuộc tranh luận vô bổ và đầy độc hại; những trò giải trí và game rẻ tiền; những video, clip quá ngắn khiến cho người xem bị chột tư duy và lười suy nghĩ… Tệ hại hơn, những cuộc đánh bom liều chết, những cuộc khủng bố, những vụ xả súng làm rúng động thế giới mà không ít kẻ tấn công đã dùng mạng xã hội để đe dọa, tuyên truyền và kêu gọi… Hay những clip, những hình ảnh, những thước phim mang tính bạo lực hay đồi bại đều xuất hiện trên mạng xã hội đều có những tác động không nhỏ đến con người… Chưa bao giờ mà chúng ta có thể thấy nền luân lý đạo đức bị tha hóa và bị xuống cấp như hôm nay, nhất là khi con người làm lấy đồng tiền làm thang giá trị và chuẩn mực cho mọi vấn đề. Không những thế, những phe cực tả và tự do cấp tiến đang dùng mọi thủ đoạn, nhất là dùng mạng xã hội như vũ khí, như công cụ để tuyên truyền những triết thuyết, những tư tưởng cấp tiến cực đoan, đánh vào lòng khao khát tự do quái đản của nhiều người như phá thai, hôn nhân đồng tính, giết người, an tử… Những công ty độc quyền về thông tin sẵn sàng móc nối với những kẻ tự do cấp tiến hàng ngày đầu độc nhiều thế hệ không kể dân tộc, lứa tuổi, tôn giáo, về nhiều vấn đề trái với luân thường đạo lý. Những nhiễu nhương mà tưởng như chỉ xảy ra trong thế giới thật lại vẫn xảy ra mỗi ngày trên mạng xã hội, thậm chí ngày một dễ dàng và đáng sợ hơn… Tuy nhiên, thế giới và con người cũng bắt đầu ý thức về những tiện ích và những tác hại khôn lường của mạng xã hội. Để từ đó, những nhà chức trách có thẩm quyền của cả xã hội lẫn giáo hội, những cơ quan tổ chức vì con người, cùng nhiều cá nhân đã đưa ra và thực hiện những biện pháp nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực và giảm thiểu hay loại bỏ những tiêu cực và tác hại của mạng xã hội qua các chính sách và những việc làm cụ thể, hầu cứu thế giới và con người[2]

Giáo hội không nằm ngoài những dấu chỉ của thời đại, dù là một môi trường đầy nhiễu nhương và phức tạp, nhưng không phải vì thế mà Giáo hội đầu hàng hay bỏ cuộc, chạy trốn mạng xã hội. Trái lại, Giáo hội nhìn nhận đó là dấu chỉ của thời đại và là một cơ hội tốt để có thể loan báo Tin Mừng, vì “ở đâu tội lỗi càng lan tràn ở đó ân sủng càng chưa chan gấp bội” (Rm 5,20). Thật vậy, sứ mạng truyền giáo và tái truyền giáo của Giáo hội không bao giờ dừng lại hay lỗi thời nhưng càng trở nên cấp thiết hơn trong nền văn minh mà mạng xã hội đang thống trị. Nếu như việc vượt bao sóng gió về địa lý, văn hóa ngôn ngữ của các vị truyền giáo luôn là tấm gương để chúng ta, những Ki-tô hữu noi theo, thì những nhà truyền giáo của thời đại kĩ nghệ cũng phải vượt mọi khó khăn, thử thách và cám dỗ tinh vi của thời đại, để tiếp cận và gieo rắc hạt giống Tin Mừng cứu độ cho con người hôm nay. Những nhà truyền giáo của thời đại này là ai nếu không phải là chúng ta, những người đã mang nơi mình sứ mạng cao cả ngay từ lúc lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Thật vậy, chính Công đồng Vaticano II, dù thời đó, mạng xã hội còn đơn sơ và chưa biết đến faceboook hay Google… nhưng đã trực giác và ưu tiên cho việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội cách hiệu quả để loan báo Tin Mừng. Thật vậy, với mục đích là “chiếu giãi ánh sáng Chúa Ki-tô tới muôn dân…bằng việc rao giảng Phúc Âm”[3], Công đồng đã làm một cố gắng vĩ đại để cởi mở với thế giới và đối thoại với con người. Công đồng khiêm tốn nhìn nhận “Hội Thánh không thể khép kín nơi mình như trong một pháo đài, chỉ nhắm tới việc bảo vệ quyền lợi và các thành viên của mình. Hội Thánh nhìn nhận mình đang sống trong thế giới này, đang chia sẻ cuộc sống của con người để đem cho họ sự sống của Thiên Chúa” [4]bằng chính phương tiện của thời đại. Cụ thể, trong Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội số 13 đã khẳng định: “ Mọi con cái Giáo hội phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà còn rất hăng say, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội cách đắc lực cho các công việc tông đồ khác nhau…”[5] Cũng vậy chính các Đức Giáo hoàng cũng tham gia mạng xã hội, thậm chí các ngài luôn là những tâm điểm nơi mạng xã hội. Các ngài cũng luôn khuyến khích mọi người sử dụng mạng xã hội, tất nhiên trong sự khôn ngoan, như một công cụ để loan báo Tin Mừng. Chẳng hạn, trong thông điệp đưa ra trong ngày Truyền thông Thế giới 24.1.2013, ĐGH Bênêđictô XVI đánh giá: “Mạng xã hội chính là cánh cửa của sự thật và đức tin, không gian mới cho việc chia sẻ Tin Mừng và hy vọng”[6].

Như thế, nếu ngày trước chỉ những nhà truyền giáo đủ tài đủ tâm mới có thể truyền giáo, thì ngày nay, chưa bao giờ một cơ hội tuyệt vời để mọi người, mọi nơi đều có thể trở thành những nhà truyền giáo để thi hành sứ mạng bản chất của mình. Thật vậy, tất cả mọi người đều là nhà truyền giáo. Mạng xã hội chính là cánh đồng truyền giáo mới, nơi lúa đã chín đầy đồng[7]. Lời mời gọi của Chúa ngày xưa chưa bao giờ là lỗi thời. Trái lại, lời mời gọi đó ngày càng trở nên sống động và khẩn thiết hơn bao giờ hết nhất là trong thời đại kĩ nghệ và mạng xã hội. Một cánh đồng truyền giáo bao la luôn cần những thợ gặt lành nghề. Tất cả chúng ta đều có thể trở thành thợ gặt mà trên tay vẫn là những chiếc liềm sắc bén của Lời Chúa, nhưng sử dụng những công nghệ hiệu quả hơn để có thể đưa về cho Chúa những bó lúa trĩu bông. Dẫu nơi mạng xã hội, nhiều người đang mất dần ý thức, dửng dưng về tôn giáo và niềm tin hay đang tuyệt vọng, nhưng vẫn còn đó biết bao tâm hồn thực sự đang đói khát sự sống và hằng ngày vẫn miệt mài tìm kiếm sự thật và chân lý mà chưa có câu trả lời hay nhiều tâm hồn dù đã biết Chúa nhưng đang chới với và khủng hoảng cần sự nâng đỡ. Đó chính là niềm hy vọng, là sứ mạng của mỗi chúng ta, những thợ gặt của Chúa, phải sẵn sàng và trang bị cho mình để trở thành những thợ gặt lành nghề đi gặt lúa về cho Chúa mà thôi.

Cũng vậy, mạng xã hội cũng chính là nơi nước sâu của thời đại mới, nơi mà Chúa đã kêu gọi chúng ta hãy can đảm ra chỗ nước sâu mà thả lưới. Chỗ nước sâu thời nào cũng có, nhưng dù thời đại nào, chỗ nước sâu cũng cần những ngư phủ can đảm và biết đáp lại tiếng Chúa như Phê-rô ngày xưa, dám xả thân ra chỗ nước sâu để thả lưới bắt cá dù ông biết nơi đó đầy những hiểm nguy luôn rình rập… Các môn đệ xưa đã không vì nước sâu mà sợ hãi, nhưng đã trọn vẹn tin tưởng vào Chúa và thả lưới, để thu về một mẻ cá lạ đến gần chìm. Chúng ta ngày nay cũng vậy, cũng cần dẹp bỏ nơi mình sự sợ hãi, ra khỏi vùng an toàn để đến chỗ nước sâu là mạng xã hội, nơi chắc chắn có nhiều cạm bẫy và cám dỗ. Nhưng với xác tín giữa muôn ngàn nguy hiểm đó là những mẻ cá lạ đang chờ chúng ta tới thả lưới đem về cho Chúa, vì có Chúa, chỉ cần tin và kiên trì, chắc chắn phép lạ sẽ xảy ra. Và dù có được những mẻ cá lạ ấy, chúng ta không vì kiêu ngạo để tự mình kéo lên, nhưng cần sự cộng tác giúp đỡ của nhiều người, nhiều thành phần và nhất là tin tưởng vào sức mạnh và quyền năng của Chúa, công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo hội sẽ mỗi ngày một tăng triển và sinh nhiều hoa trái…

Tuy vậy, để có được những vụ mùa bội thu và mẻ cá lớn, mỗi chúng ta cần phải chuẩn bị cho mình những hành trang thật kĩ càng và cẩn thận. Chắc chắn điều không thể thiếu là chúng ta phải có một đời sống đức tin trưởng thành, cùng đời sống cầu nguyện kết hợp mật thiết với Chúa vì “không có Thầy anh em chẳng làm gì được”. Cùng với đó, là sự liên đới và cộng tác của mọi thành phần trong Giáo hội. Đặc biệt, khi tham gia mạng xã hội, chúng ta cần luôn ý thức thế giới ảo không bao giờ là thế giới thật và internet hay mạng xã hội chỉ là phương tiện chứ không phải cùng đích của mọi cuộc gặp gỡ và của sứ mạng loan báo Tin Mừng… Nhờ đó, chúng ta có đủ cho mình những chiếc liềm sắc bén, những chiếc thuyền và những chiếc lưới thật chắc chắn, thì với sự “vâng lời thầy con xin thả lưới” chắc chắn chúng ta sẽ cùng Giáo hội thu được những mẻ cá lạ 4.0 mà nơi đó, nhiều tâm hồn sẽ trở về với thực tại và ơn cứu độ của Chúa được lan tỏa và ban cho mọi người…

Để tóm kết, thiết tưởng chúng ta nên lấy lại tư tưởng của chính thánh Công đồng về việc sử dụng các phương tiện truyền thông để làm kim chỉ nam. Theo đó “…trong các trường Công giáo thuộc mọi cấp, trong Chủng viện và trong cả những nhóm tông đồ giáo dân, phải cổ võ, tăng gia và hướng dẫn các tổ chức có khả năng theo đuổi mục đích này (sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội) theo các nguyên tắc luân lý Ki-tô giáo, nhất là những tổ chức dành riêng cho giới trẻ…”[8] và “thật đáng hổ thẹn cho con cái Giáo hội đã lãnh đạm để cho việc rao giảng Lời cứu rỗi bị trì trệ, cản trở vì những khớ khăn kỹ thuật hay thiếu phương tiện tài chính, thật sự chúng rất to tát mà các phương tiện truyền thông xã hội đòi phải có…”[9] Đó là những ưu tư của Giáo hội cho thế giới hôm nay, nhưng cũng chính là sứ mạng của mỗi người chúng ta…

 

[1] Cf. https://vov.vn/cong-nghe/tin-moi/luong-nguoi-dung-internet-tren-toan-the-gioi-dat-466-ti-833775.vov

[2] Cf. https://thanhnien.vn/cuoc-chien-kiem-soat-mang-xa-hoi-1851469534.htm

[3] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Học viện Pio X, tr.119

[4]Cf. Thomas P. Rausch, SI, Hướng đến một Hội Thánh Công Giáo đích thật, Nxb Đồng Nai, tr. 72

[5] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội, số 13

[6] Cf. http://www.cgvdt.vn/cong-giao-the-gioi/duc-giao-hoang-va-mang-xa-hoi_a2405

[8] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội, số 16

[9] Cf. Ibid. số 17

 


Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ