Skip to content
Top banner

Mạng Xã Hội Trong Thế Giới Kỹ Thuật Số Ngày Nay - Môi Trường Đầy Thách Đố Đối Với Giáo Hội Việt Nam: Một Vài Suy Tư Căn Bản

COMMUNICATION-THEOLOGY
2024-02-27 14:57 UTC+7 1158

Mạng Xã Hội Trong Thế Giới Kỹ Thuật Số Ngày Nay - Môi Trường Đầy Thách Đố Đối Với Giáo Hội Việt Nam: Một Vài Suy Tư Căn Bản

Phê-rô Tạ Anh Vũ

1.                 Về Khái Niệm Mạng Xã Hội (Social Networks)

           Con người được tạo nên giống hình ảnh Chúa (St 1:26-27; 2:7,18-24): Đây là niềm xác tín của người Ki-tô hữu. Trong Thiên Chúa Ba Ngôi, con người được tạo nên nhờ vào đời sống mầu nhiệm của Thiên Chúa, trong đó Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trao ban cho nhau Chính Mình trong Tình Yêu, trong mối tương quan liên kết sâu xa. Giáo Hội cũng xác tín rằng: Đây chính là chiều kích truyền thông của Thiên Chúa và sự thông truyền Trao-Ban-Chính-Mình đầy mầu nhiệm này chính là nguồn gốc của tất cả mọi sự truyền thông nơi con người.[1] Điều này có ý nghĩa gì?

·        Con người khi được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa là một thực thể, là một nhân vị có phẩm chất riêng biệt (individual person). Không ai là bản sao của người khác.

·        Con người vì được Thiên Chúa Ba Ngôi thông truyền đời sống Thiêng Liêng của Thiên Chúa trong sự tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một nhân vị riêng biệt nhưng không phải là „độc nhất vô nhị“ hiểu theo nghĩa đơn giản là một cá nhân đặc biệt, vượt trên những người khác, tự tôn mình lên trên người khác, nhưng con người cũng mang trong bản chất của mình sự sống tương quan với người khác và với thế giới chung quanh (relational person) và với Thiên Chúa.

·        Con người thừa hưởng khả năng truyền thông như Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ trao ban cho nhau trong đời sống của các Ngài và con người có khả năng sáng tạo để làm cho đời sống cá nhân và xã hội tốt đẹp hơn.

Vì con người mang trong mình bản chất có khả năng tương quan xã hội, cho nên con người không thể sống riêng một mình. Ngay từ lúc ban đầu của cuộc sống con người được đặt trong một tương quan căn bản nhất, đó là gia đình. Trong gia đình cá nhân mỗi chúng ta được học sống trong sự liên kết với cha mẹ, anh, chị, em… Xa hơn nữa qua gia đình chúng ta còn có sự liên kết với họ hàng, lối xóm. Lớn lên, con người lại tiến tới gặp gỡ những mạng xã hội khác, gồm trường học, bạn bè, hội đoàn, vv… Nói tóm lại mạng xã hội là những môi trường; trong đó cá nhân mỗi người được quy tụ lại hay tìm tới lẫn nhau để lập thành một mạng lưới tương quan mà qua đó mọi người có cùng chung một mục đích, một ý hướng và chia sẻ với nhau những sở thích chung, những kinh nghiệm cá nhân, những suy tư liên quan đến từng thành viên trong mạng xã hội mà nó gắn bó, cũng như những ưu tư liên quan đến nhóm, hoặc hội đoàn đó.

           Thương nhân có sự liên kết riêng của thương nhân, nhà giáo có sự liên kết tương quan riêng của nhà giáo, công nhân có những sở thích ưu tư riêng của công nhân, bác sĩ, luật sư cũng gặp gỡ nhau để lập nên nhóm hoặc hội đoàn: chính thức hay bán chính thức. Tất cả những nhóm đặc thù này đều làm nên những mạng xã hội và đều có những nguyên tắc ứng xử được mọi thành viên công nhận để tương tác và sống tương quan với nhau.

           Tuy nhiên, bài viết này không đề cập đến những mạng xã hội trên, nhưng tác giả sẽ tập trung vào suy nghĩ về mạng xã hội được thành lập qua sự phát triển không ngừng của thế giới kỹ thuật số (digital world), và những nền tảng (platforms)[2] mà các công ty truyền thông xã hội (social media companies) xây dựng nên, tạo điều kiện cho mọi người có thể tham dự vào thế giới kỹ thuật số đầy hấp dẫn và cũng đầy thách đố mạo hiểm. Những nền tảng truyền thông xã hội mới phổ biến nhất là Facebook, YouTube, Twitter, WhatsApp, Viber. Bên cạnh đó các phương tiện kỹ thuật được chế tạo ngày càng tinh vi hơn cũng hỗ trợ không ít cho việc phát triển hình thành nên những mạng xã hội tồn tại trong thế giới kỹ thuật số, tồn tại hoặc tách biệt, hoặc song song với những mạng xã hội sẵn có.

2.                 Những Nét Đặc Trưng Của Thế Giới Kỹ Thuật Số

Dưới cái nhìn đầu tiên, những phương tiện truyền thông hiện đại đã mở ra cho con người những cơ hội mà trước đó không ai có thể hình dung được rõ ràng. Với kỹ thuật hiện nay con người không có giới hạn về không gian, khoảng cách và thời gian. Chỉ cần một vài thao tác, con người ngày nay có thể bước vào một thế giới thông tin đa dạng. Không cần phải bước ra khỏi nhà con người vẫn có thể tiếp cận với thế giới qua những thông tin trên mạng Internet. Những phương tiện truyền thông hiện đại tạo ra nhiều phương cách và hình thức hỗ trợ cho việc giáo dục, thúc đẩy những sự trao đổi trong nhiều môi trường, ví dụ như chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học, vv… Những phương tiện này phục vụ cho truyền thông xã hội với những chức năng phong phú của nó.

Những thông tin luôn luôn được cập nhật từng giây từng phút và người ta có thể tự do lựa chọn những thông tin mình thích ở khắp mọi nơi. Ngày nay, các nhà nghiên cứu truyền thông nói đến hình thức ‚truyền thông hội tụ‘ (converging communication) mà qua đó ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, video được số hóa dưới dạng ‚ngôn ngữ vi tính‘ (computer language), dùng chỉ bởi hai số 0 và số 1 sắp xếp theo logic toán học (Algorithmen) vì thế mà chúng ta có một khái niệm mới trong lãnh vực Internet được gọi là ‚kỹ thuật số‘. Với phát minh này, các văn bản, hình ảnh, âm thanh và video được dễ dàng và nhanh chóng tải lên trên mạng; điều này dẫn đến sự thay đổi trong việc sử dụng ngôn ngữ và biểu tượng của truyền thông xã hội qua ‚các công dân kỹ thuật số‘ (digital citizens). Những máy móc càng ngày càn tân tiến như Smartphones, Ipad, máy vi tính thông minh đã góp phần vào việc phát triển loại hình thức ‚truyền thông hội tụ‘ này.[3]

Sơ Lược Về Web 1.0, Web 2.0, Web 3.0, và Web 4.0

Để có thể đạt được những thành tựu ngày hôm nay trên phương diện truyền thông kỹ thuật số (digital communications), mà phổ biến nhất và được người dùng nhiều nhất là ‚social media‘. Đây là một quá trình phát triển được diễn ra qua nhiều năm nỗ lực của các nhà lập trình và của những chuyên viên, kỹ sư đã sáng tạo ra những chương trình và thiết bị phục vụ cho truyền thông kỹ thuật số. Việc này dẫn đến sự xuất hiện Web 1.0, Web 2.0, Web 3.0Web 4.0. Bảng phân loại dưới đây có thể giúp cho độc giả có cái nhìn tổng quát và có những khái niệm căn bản về sự phát triển của digital communications:[4]

mang-xa-hoi-digital-world-1709020190.jpg

Trên đây là những đặc điểm và ứng dụng chính yếu của các kỹ thuật từ Web 1.0 cho tới Web 4.0 để thấy được những tính năng mà kỹ thuật Internet có thể ‘phục vụ’ cho người dùng. Tuy nhiên, Web 4.0 vẫn chưa được hoàn toàn phát triển để đưa ra thị trường, những nhà nghiên cứu mới phác thảo ra những ý tưởng về loại kỹ thuật này. Tóm lại chúng ta có thể phân biệt mỗi đặc tính căn bản của từng loại Web:

Web 1.0: có tính năng lưu trữ và truyền tải thông tin cũng như những dữ liệu. Người sử dụng có thể dễ dàng tiếp cận những thông tin và dữ liệu đó bất cứ lúc nào và ở nơi nào.

Web 2.0: cho phép người sử dụng đưa lên mạng những tài liệu, hình ảnh và những video clip. Thêm nữa nó cho phép người dùng có thể tương tác trao đổi với nhau một cách trực tiếp thông qua các ứng dụng như YouTube, Facebook, WhatsApp’s, Blog, vv…

Web 3.0: có tính năng tương thích với người sử dụng trong bất cứ bối cảnh nào. Nó ghi nhận những sở thích, thói quen, thời gian sử dụng của người dùng để phản ứng cách nhanh chóng khi người dùng vào mạng. Tuy nhiên, người sử dụng cũng có thể tự mình tắt những chức năng ghi nhận đó nếu muốn.

Web 4.0: với ý tưởng này người dùng có thể làm chủ hoạt động trong phạm vi riêng của mình trên mạng, đặc biệt trong vấn đề bảo mật những thông tin cá nhân. Web này vẫn dựa vào những nền tảng cơ sở đã được lập trình cho Web 2.0 và Web 3.0. Điều đặc biệt ở đây là Web 4.0 dùng những thành quả của ‘Trí thông minh nhân tạo’ (AI) để hỗ trợ cho người dùng trong khi tham gia mạng, ở đây con người và trí thông minh nhân tạo “tương tác với nhau”.

3.                 Những hệ quả của sự phát triển trong lãnh vực mạng lưới kỹ thuật số

           Như đã nói đến ở phần trên, với những phát triển không ngừng về kỹ thuật một thế giới khác được mở ra, hiện diện trong đời sống xã hội hằng ngày mà con người dần dần nhận ra nó khác với đời sống xã hội mà con người từ trước đến nay đã quen biết: đó là mạng xã hội trong thế giới kỹ thuật số.

·        Truyền thông xã hội trong thế giới kỹ thuật số mở ra những cánh cửa hướng ra thế giới bên ngoài mà sự mở rộng này dường như không có bất kỳ một giới hạn nào, nó xuyên qua các giới tuyến về tuổi tác, giới tính, trình độ, niềm tin, vv… có trong một xã hội nhất định, nó không có bất kỳ giới hạn nào xét trên phương diện đa quốc gia. Mạng xã hội trên Internet, các ứng dụng của điện thoại thông minh đã giúp cho người dùng tạo ra những mạng xã hội “ảo” khác với những mạng xã hội mà người ta đã quen biết trước đây trong khu phố, làng xóm, cộng đoàn, những nhóm sinh hoạt, hội đoàn. Qua thế giới ảo con người thu thập thêm những kiến thức, những thông tin, những giá trị mới hay có thể khác với những gì trước đây họ đã học, đã biết, đã chia sẻ. Trên mạng xã hội, trong thế giới ảo, không có một hệ thống, thẩm quyền nào có thể định hướng, kiểm soát, hay thanh lọc những thông tin được truyền tải, những giá trị được chia sẻ, những kiến thức được truyền bá với tốc độ nhanh chóng và phạm vi rộng lớn.

·        Số lượng khổng lồ của những thông tin, thông điệp (tích cực, cũng như tiêu cực), những giá trị chưa được thẩm định và đồng tình, liên tục đến với người “lướt mạng”. Phần lớn, người ta không có đủ thời gian, kiến thức vững vàng, và kinh nghiệm từng trải để “tiêu hóa” số lượng thông tin khổng lồ này và họ chọn lựa những thông tin nào họ thích, giá trị nào “hợp” với họ và coi đó là những kiến thức và kinh nghiệm họ học hỏi thêm được. Các nhà nghiên cứu xã hội, từ năm 1990 trở đi, đã đề ra một khái niệm một “xã hội mang tính chọn lựa” (selective society). Vì không thể tiêu thụ hết được những gì đang truyền tải hay quảng bá trong xã hội, cá nhân đã phải tự chọn ra những điều họ cảm thấy “phù hợp” với cuộc sống của mình và không quan tâm đến điều khác.

Bức tranh chung và còn rất sơ lược của những hiện tượng thay đổi trong xã hội trên chính là thách đố của con người ngày nay. Theo James Lull, những biến đổi đó đặt con người vào trong một tình huống ứng đối là tạo ra một cách thức sống mới trong xã hội hiện đại: phối hợp giữa cái mới và cái cũ. Trong một mớ hỗn độn của những thông tin, những giá trị mới và khác lạ, đến từ những vùng và những nguồn văn hóa khác, con người ngày hôm nay là phải mò mẫm, tổng hợp lại và tìm ra những cách thức để phối hợp với những gì có trong một môi trường xã hội mà cá nhân con người đó đã quá quen thuộc, những điều được gia đình, tôn giáo, xã hội và truyền thống dân tộc đã từng truyền tải cho người đó.[5] Chịu nhiều ảnh hưởng nhất đó là những người trẻ. Đây cũng là một thách đố đối với Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam trong bối cảnh xã hội và tôn giáo ở Việt Nam, chịu ảnh hưởng bởi sự hiện diện của mạng xã hội kỹ thuật số.

4.     Cộng đồng tôn giáo Online – Một sự thay thế cho cộng đồng Offline?

Vào những năm 80 của thế kỷ trước xuất hiện rất nhiều nhóm thảo luận theo đuổi những mục đích riêng biệt của mình. Các thành viên tham gia vào những nhóm này thường xuyên gặp gỡ trao đổi, đồng thời đóng góp sức mình để phát triển và bảo tồn nhóm của mình. Những hình thức tổ chức nhóm theo cách mới này được gọi là ‘cộng đồng mạng’ (virtual community) được xây dựng trên nền tảng của Internet.[6]

Như thế ‘cộng đồng mạng’ là những nhóm mà trong đó các thành viên có những sở thích và mục đích chung kết nối với nhau để tạo nên những mối liên hệ, cùng nhau nuôi dưỡng và đóng góp vào việc cũng cố những mối quan hệ đó. Heidi Campbell định nghĩa ‘cộng đồng mạng’ là sự nhóm họp có tính cách xã hội được hình thành trên mạng khi có nhiều người tham dự vào những buổi thảo luận chia sẻ trong một thời gian dài, với cảm xúc đầy đủ của con người. Qua sự trao đổi và chia sẻ với nhau những thành viên tạo nên một mạng lưới quan hệ qua hệ thống Internet. ‘Cộng đồng mạng’ xuất hiện khi các thành viên cùng nhau đóng góp vào xây dựng nên một nhóm và cũng có những tình thân như các nhóm hay hội đoàn trong thế giới thực.[7]

Khi càng ngày càng có nhiều hội nhóm xuất hiện trên mạng, các nhà nghiên cứu đã quan tâm tìm hiểu tới hiện tượng này với những câu hỏi căn bản:

a)     Chuyện gì đang diễn ra trong các cộng đồng mạng trên Internet?

b)     Khi nào thì những nhóm hội này được xem là ‘cộng đồng’ trên mạng?

c)     Ảnh hưởng của sinh hoạt trong cộng đồng mạng đến căn tính của cá nhân và của nhóm như thế nào?

Sau đó vào những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu đi tìm câu trả lời cho hiện tượng “tư nhân hóa cộng đồng” (privatization community), có thể diễn giải hiện tượng này một cách đơn giản như sau: một số cá nhân lên mạng tìm tòi và tìm hiểu các ‘cộng đồng mạng’, họ tìm kiếm cho mình một nhóm để tham gia, nếu như mục đích và những sở thích của các thành viên tham gia tương đồng với mục đích và sở thích của các cá nhân đó. Điều này cũng tương tự với tình trạng lựa chọn những thông tin, tài liệu, giá trị được truyền tải trên mạng Internet (selective society) đã đề cập ở phần trên. Các nhà nghiên cứu đã cố gắng phân tích những hệ quả của việc tham dự vào các sinh hoạt online. Nên họ có những câu hỏi sau:

a)     Hiện nay có những dạng ‘cộng đồng mạng’ nào?

b)     Đối diện với sự tồn tại và sự xuất hiện ngày càng nhiều những ‘cộng đồng mạng’ này, chúng ta phải nên hiểu về những cộng đồng đang tồn tại trong thực tế như thế nào?

Để tìm câu trả lời, các nhà nghiên cứu đã tập trung tìm hiểu những vai trò khác nhau và những cấu trúc của các cộng đồng mạng để phân tích ra sự ảnh hưởng của chúng trên mỗi thành viên tham gia. Các nhà phân tích cũng tìm hiểu sự liên quan trực tiếp giữa ‘cộng đồng mạng’ và các cộng đồng trong xã hội. Xa hơn nữa, các nhà nghiên cứu xem xét đến những mạng lưới online khác nhau, tính chất và cách tổ chức của chúng để tìm ra mức độ ảnh hưởng của Internet cũng như xu hướng mạng xã hội trong thế giới kỹ thuật số có liên quan gì đến toàn bộ xã hội. Tất cả những khảo cứu này được thực hiện dưới cái nhìn của các nhà nghiên cứu xã hội.

           Tương tự sự xuất hiện các cộng đồng mạng với nhiều tính chất khác nhau, xu hướng hình thành các cộng đồng mạng thuần chất tôn giáo trong thế giới kỹ thuật số cũng được phát hiện. Có nhiều dấu hiệu cho thấy đây đó có những người tham gia vào một số cộng đồng mạng để tìm kiếm thông tin, kiến thức, sự hiểu biết về tâm linh tôn giáo. Con số những người tham gia vào các cộng đồng có tính tôn giáo trên mạng xã hội càng ngày càng cao, đặt ra vấn đề đáng được quan tâm liên quan tới các cộng đồng tôn giáo trong xã hội thực. Việc là một phần của một cộng đoàn được xây dựng trên niềm tin tôn giáo đối với tình trạng này có ý nghĩa gì không? Câu hỏi này đưa đến một sự tìm hiểu mới và sâu hơn về ý nghĩa của một cộng đoàn các tín hữu trong đời thực.

           Ở cái nhìn đầu tiên, các cộng đoàn tôn giáo được tạo thành bởi những người sống trong một phạm vi của một địa phương nhất định, có sự liên hệ nhất định dựa trên những nhu cầu và sự liên hệ gia đình. Ngược lại sự liên hệ trong các cộng đồng online thì lỏng lẻo hơn, những liên kết trên mạng dựa vào sự chia sẻ những sở thích chung và những lựa chọn ưu tiên. Những cộng đồng tôn giáo online dường như lỏng lẻo hơn với những trạng thái thay đổi khác nhau của sự liên kết mang dựa trên niềm tin và trách nhiệm của từng thành viên trong cộng đồng đó.[8]

           Có nhiều lo ngại liên quan đến các cộng đồng tôn giáo online được đưa ra trong các nghiên cứu và có nhiều phê bình về truyền đạt Lời Chúa qua truyền hình và mạng xã hội (televangelism) và về “giáo hội điện tử” (electronic church). Một số vấn đề đã được đưa ra:

1.     Các mối liên hệ thông qua trung gian kỹ thuật số có thể được định nghĩa như là một hình thức hợp pháp của một cộng đồng?

2.     Truyền thông nhờ vào computer và mạng xã hội có thể tạo điều kiện cho những tương tác có tính xã hội nhưng nó không thể tạo ra các mối liên hệ có tính đáng tin cậy và thực.

3.     Việc cử hành các nghi thức tôn giáo truyền trên mạng có giống như những buổi cử hành các nghi thức trong các cộng đoàn trong đời thực?

4.     Có một sự lo ngại đó là việc tham gia vào các cộng đồng tôn giáo trên mạng sẽ dẫn đến có nhiều người rời bỏ hoặc ít tham dự vào những sinh hoạt tôn giáo trong đời thực.

5.     Những người tham dự vào các cộng đồng tôn giáo trên mạng sẽ sống những gì họ đã thu nhận được online trong bối cảnh thực của xã hội offline?

         Trong bối cảnh của thế giới kỹ thuật số, chúng ta thấy có một số dịch vụ được Giáo Hội Công giáo cung cấp trên mạng một cách chính thức hoặc qua những nỗ lực của các cá nhân và hội đoàn. Người ta có thể vào xem những Websites, đọc tin của Giáo Hội. Họ cũng có thể tìm thông tin liên quan tới niềm tin. Họ có thể tìm hiểu nhiều hơn về niềm tin, về các Bí Tích, những đề tài về tu đức, các Thánh, những giáo huấn của Giáo hội cho những sự việc đặc biệt. Ở một số Websites, người ta có thể nghe những kinh nghiệm sống Đức Tin của người khác. Một số các Websites truyền lên những giờ cử hành Phụng Vụ, khuyến khích mọi người tin tưởng giao phó những mối quan tâm của mình, để họ cầu nguyện cho những người thăm các Websites này. Một vài nơi tổ chức những cuộc luận đàm trên mạng liên quan đến vấn đề niềm tin, nhưng những sinh hoạt này còn rất giới hạn. Nói chung, những dịch vụ này tạo điều kiện cho mọi người có thể lên mạng để tìm hiểu về Giáo Hội, những kiến thức và những hiểu biết về Đức Tin, qua đó cái nhìn của họ rộng mở hơn, họ cũng có thể có những thu lượm riêng cho mình về đời sống thiêng liêng và hiểu biết sâu sắc hơn.

5.                 Sơ lược về bối cảnh mạng xã hội ở Việt Nam và sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong thế giới kỹ thuật số

Theo thống kê của trang Website Internetworldstats.com vào tháng 12 năm 2020, Việt Nam có tổng số người sử dụng mạng Internet là 71.540.000 trong tổng số dân là 98.168.833 (2021). Số người đăng ký tài khoản Facebook là 71.540.000, như thế chúng ta có 72,9% trên tổng số dân sử dụng và tham gia mạng xã hội trên Internet.[9] Chưa kể những mạng xã hội nhỏ trong nước, được lập nên bởi những nhóm và cá nhân, một số nhắm vào việc chia sẻ thông tin, giải trí, tìm bạn và chia sẻ ý tưởng, một số nhắm vào việc giao thương.

Giáo Hội Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cũng giới thiệu và cũng bày tỏ sự hiện diện của mình trong thế giới kỹ thuật số qua việc lập nên những Websites để giới thiệu Giáo Hội cho mọi người. Theo tác giả tìm kiếm thì Giáo Hội Việt Nam, xét theo cơ cấu căn bản, gồm có Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, các giáo phận, và một số cơ cấu quan trọng, đã liệt kê trên trang Website của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 37 trang webs chính (bao gồm cả Website của HĐGM).[10] Tác giả cũng có biết một số trang webs khác của các dòng tu, các trung tâm mục vụ, một số giáo xứ, nhưng chưa có tập trung thống kê ra có bao nhiêu trang Webs tương tự.

Nếu chỉ nhìn lướt qua các trang Webs được kể trên, chúng ta dễ dàng nhìn ra cấu trúc chung của các trang này:

·        Tin tức Giáo Hội Hoàn Vũ

·        Tin tức giáo phận, giáo xứ, hay dòng tu

·        Suy niệm hay bài giảng ngày Chúa Nhật (Audio/Video), Suy niệm Lời Chúa hằng ngày

·        Một số trang có đưa lên những tài liệu của Giáo Hội Công Giáo như các tài liệu giáo huấn, tài liệu Công Đồng Vatican II, etc.

·        Một số có giới thiệu các tài liệu giáo lý

·        Thông tin về các hoạt động, những sự kiện đặc biệt của từng giáo phận, giáo xứ, dòng tu, trung tâm, etc.

Muốn biết tin tức của Giáo Hội hoàn vũ, ta chỉ cần đọc trong một trang Web. Có những bài suy niệm Lời Chúa, có thể tìm thấy trên trang Web này hay trang Web khác (không biết trang nào lấy của trang nào). Tương tự người ta có thể tìm được một vài câu chuyện chia sẻ trên trang Web nọ giống với trang Web kia.

Ngôn ngữ sử dụng vẫn là ngôn ngữ cho người đã quen với cách nói trong Giáo Hội, tức là những người thường xuyên đến nhà thờ, những người thường xuyên nghe và đọc những tài liệu, những văn bản hay những bài giáo lý đã thường được nghe. Thêm nữa có những bài suy niệm, giáo lý rất dài, điều mà tác giả thấy rằng chúng ta cần phải biết ngôn ngữ viết trên báo mạng ngày nay thường rất ngắn gọn, xúc tích, chỉ truyền đạt nội dung chính của thông điệp (không làm thơ, tả cảnh), nguyên nhân là người ta “lướt Web” chứ không “đọc Web”, việc này hoàn toàn khác với việc đọc một cuốn sách, một tường thuật hay ký sự trên báo giấy.

Nói chung qua cách hiện diện này Giáo Hội Việt Nam vẫn ở trong trình trạng Web 1.0, tức là kênh để truyền tải thông tin và dữ liệu. Đã có những nỗ lực của một số linh mục, tu sĩ, giáo dân cố gắng thử tạo ra môi trường tương tác Web 2.0 mời gọi mọi người tham gia. Nhưng những cố gắng này còn quá ít ỏi và việc thực hiện cũng như duy trì nó, theo cách nhìn của người viết bài này thật không đơn giản. Muốn tạo ra nền tảng cho sự trao đổi tương tác giữa những người tham gia mạng xã hội kỹ thuật số, cần phải có nhiều người và phải là những chuyên viên trên nhiều lãnh vực khác nhau, một cá nhân không thể nào hoàn thành cho tốt việc này. Chúng ta cần chuyên viên về mục vụ, mà trong lãnh vực mục vụ còn có nhiều trọng điểm mục vụ khác như mục vụ gia đình, mục vụ giới trẻ, mục vụ tư vấn thiêng liêng, thiếu niên dù là ít tham gia vào mạng xã hội kỹ thuật số, nhưng nếu có chúng ta cũng cần phải mở ra một môi trường để giáo dục Đức Tin cho giới thiếu niên. Chúng ta cũng cần có những chuyên viên về kỹ thuật, hình ảnh, những chuyên viên về video, vv… Vì thế, công việc tạo ra một môi trường tương tác Web 2.0 trong lãnh vực mục vụ là một thách đố rất lớn cho những ai quan tâm đến việc này.

6.                 Thánh Lễ Trực Tuyến (online) Trong Mùa Covid 19 Dưới Góc Nhìn Truyền Thông Xã Hội

Ở nhiều nơi trên thế giới thời gian cách ly xã hội vì đại dịch covid 19 vẫn còn tiếp tục và không ai có thể báo trước lúc nào điều này sẽ kết thúc (thời điểm 2021). Chúng ta đã trải nghiệm qua một thời gian dài sự việc giới hạn hoặc ngưng các hoạt động xã hội trong thời gian cách ly xã hội, cho dù so với các nước khác thời gian cách ly xã hội ở Việt Nam có ngắn hơn chứ không kéo dài hàng mấy tháng trời, thậm chí như ở Philippines thời gian cho đến nay tính đã là hơn một năm.

Kinh tế đình trệ, những sinh hoạt cần thiết hằng ngày bị giới hạn, những tương tác trong các mối sinh hoạt xã hội cũng giảm thiểu đáng kể, ví dụ như việc dạy/học đã phải chuyển sang hình thức trực tuyến (online), việc bán và giao hàng cũng phải dựa vào Internet là chính.

Giáo Hội Việt Nam trong bối cảnh này cũng chịu ảnh hưởng của tình hình chung mà cộng đồng đã phải trải qua. Các sinh hoạt mục vụ phải tạm ngưng hoạt động: các lớp giáo lý, sinh hoạt của các hội nhóm từ thiếu nhi, cho đến các nhóm trẻ, trung niên và cao niên vv… Các hoạt động phụng vụ như các giờ cầu nguyện, chầu Thánh Thể đều phải tạm dừng. Thánh Lễ phải chuyển sang trực tuyến được phát trên youtube hay trên Facebook. Thực ra trước nạn đại dịch đã có nhiều Thánh Lễ được truyền lên trên mạng để giúp cho những người bệnh, những người vì hoàn cảnh đặc biệt không thể tham dự trực tiếp các Thánh Lễ được cử hành trong các nhà thờ. Tuy nhiên, trong mùa đại dịch việc truyền trực tiếp Thánh Lễ ở trên YouTube hay Facebook càng có xu hướng nhiều hơn và thường xuyên hơn, dù sao đây là cách tối thiểu mà Giáo Hội có thể làm được để tạm gọi là đồng hành cùng với các tín hữu Công Giáo trong đời sống thiêng liêng trong mùa đại dịch. Chúng ta không có cách nào khác khi phải tránh tập trung đông người để không phải gây nguy hiểm cho cá nhân và cộng đồng. Theo dõi các Thánh Lễ được thực hiện trên hình thức trực tuyến, tôi thấy có một vài điều đáng để chúng ta cùng những yếu tố căn bản làm nên một thánh lễ và giá trị của những yếu tố này.

Đầu tiên đó là việc truyền trực tiếp Thánh Lễ chỉ chiếu trực tiếp vị chủ tế. Ống kính quay phim tập trung vào Cung Thánh và vị chủ tế đang dâng Lễ. Dĩ nhiên vì giới hạn kỹ thuật của máy quay phim và có thể giới hạn của người quay phim, chúng ta không thể nhìn thấy toàn bộ cảnh quan của ngôi Thánh Đường. Tôi nhớ đến những Thánh Lễ trực tuyến phát lên trên TV ở Đức, mà chính tôi cũng đã từng dâng một lễ để đưa lên truyền hình. Các chuyên viên chuẩn bị rất kỹ càng, ví dụ như hệ thống âm thanh và hệ thống điện nên được thiết lập như thế nào, 3 máy quay phim được đặt ở những vị trí khác nhau để có thể phần lớn bắt được toàn cảnh của toàn bộ diễn biến Thánh Lễ trong đó có vị trí của vị chủ tế, giáo dân, ca đoàn vv… Trước đó mọi sự phải được kiểm tra rất kỹ lưỡng vì các chuyên viên cũng biết, họ sẽ không thể can thiệp nhiều vào quá trình dâng lễ; như vậy sẽ ảnh hưởng đến bầu khí thiêng liêng của Thánh Lễ. Trong Lễ trực tuyến, dĩ nhiên là chúng ta không nhìn thấy giáo dân tham dự Thánh Lễ. Ở đây chúng ta thấy thiếu đi bầu khí cộng đồng giữa những người tham dự Thánh Lễ, giữa vị chủ tế và giáo dân. Vị chủ tế dâng Lễ là thật chứ không phải ảo, nhưng người “theo dõi” hay “xem” Lễ lại chỉ có thể nhìn hình và nghe âm thanh phát ra, tình trạng này dù sao cũng tạo cho người theo dõi một cảm giác khác hẳn so với tình trạng khi tham dự Thánh Lễ trong các Nhà Thờ với sự hiện diện cụ thể của vị chủ tế và với mọi người xung quanh. Tôi mạn phép so sánh sự việc này giống như người ta ngồi trước màn hình TV để xem một sự kiện, nếu như người tham dự Thánh Lễ không chuyên tâm cùng hợp ý với vị chủ tế “tham dự” vào những khoảnh khắc đang diễn ra trong Thánh Lễ trực tiếp này. Điều này đòi hỏi một ý thức thiêng liêng cao độ, và một niềm tin sâu sắc vào Thiên Chúa, Đấng đang hiện diện trong Thánh Lễ.

Thêm một vấn đề nữa, một câu hỏi nên đặt ra là: những giáo dân “theo dõi”, “xem”, hay “tham dự” Thánh Lễ trực tuyến thực hiện việc này ở đâu trong nhà của họ: Trước màn hình vi tính (điều này dĩ nhiên), hay có người còn nối với màn hình TV lớn ở nhà, hay họ dùng Smart Phone? Việc sử dụng Smart Phone có một điều bất cập, đó là trong quá trình xem lễ, những chức năng khác cũng vẫn không tắt đi; như vậy đang xem Lễ có người nhắn tin hoặc có ai gọi cho họ thì phải làm như thế nào? Họ theo dõi Thánh Lễ trong phòng khách, nơi bàn làm việc hay ở chỗ nào trong nhà? Những điều này ảnh hưởng không ít đến bầu khí thiêng liêng mà một Thánh Lễ mang đến cho người tham dự khi Thánh Lễ đó được cử hành nơi một Nhà Thờ. Những việc xảy ra trong quá trình theo dõi Thánh Lễ online tác động không ít đến quá trình tham dự. Có thể qua những gợi ý hướng dẫn, các mục tử có thể giúp cho những người tham dự nên làm thế nào để tạo một không gian riêng, nghiêm túc và qua đó họ cũng cảm nhận được một bầu khí thiêng liêng, dù không thể nào so sánh với việc tham dự Thánh Lễ nơi các giáo đường như bình thường. Có những clips video ở trên YouTube cho thấy có những gia đình thực sự chuẩn bị cho Thánh Lễ trực tuyến, có người đặt trước TV một cái bàn nhỏ trải khăn trắng và trên bàn đặt Thánh Giá ở giữa với những cây nến ở hai bên; điều này nói lên sự chuyên tâm cao độ của họ đối với Thánh Lễ, dù chỉ là được truyền trực tuyến. Có những gia đình tham dự Thánh Lễ với toàn bộ thành viên trong nhà. Những gia đình này cho thấy việc tham dự phụng vụ thực sự là một điều quan trọng đối với họ.

Việc tập trung ống kính cận cảnh vào người đọc các Bài Đọc và vị chủ tế trong khi công bố Tin Mừng theo cá nhân của người viết là một điểm son qua việc truyền bá Lời Chúa. Điều này làm cho người theo dõi chú ý hơn về Lời Chúa trong Thánh Lễ ngày hôm đó. Nó khác với việc nghe Lời Chúa trong một nhà thờ lớn với không gian lớn. Người nghe có một khoảng cách nhất định với người đọc sách và vị linh mục công bố Lời Chúa. Có một điều đặc biệt, nếu các độc giả chú ý thì phần lớn các Thánh Lễ được truyền lại trên mạng lại chỉ tập trung vào truyền lại các Bài Đọc, Tin Mừng cũng như bài giảng lễ trong Thánh Lễ. Điều này vô hình chung cho thấy dường như người ta chú ý hơn về Lời Chúa trong ngày và bài giảng lễ. Hiện tượng này dĩ nhiên là còn phải được kiểm chứng và nghiên cứu kỹ càng để tìm ra một lời giải đáp có thể chấp nhận được, cũng như một phương thức để thực hành mục vụ trong các Thánh Lễ online.

Dĩ nhiên các Thánh Lễ trực tuyến trên YouTube, Facebook hay các nền tảng mạng xã hội khác chỉ là những cách thức tạm thời để đáp ứng cho tình trạng khẩn cấp bởi Covid-19. Tuy nhiên, về lâu dài đây cũng là một cách thức tốt hơn khi so với việc truyền tải những Thánh Lễ đó qua Radio cho những người không thể đến Nhà Thờ. Vì nhờ đó người tham dự không chỉ được nghe, nhưng được thấy những gì đang diễn ra trong Thánh Lễ: không gian giáo đường, vị chủ tế, người đọc sách, ca đoàn, người tham dự, vv… Những điều này có thể mang lại cho họ một cảm giác mới mẻ hơn khi tham dự Thánh Lễ online. Cho nên, cần có sự tìm hiểu kỹ càng về những yếu tố quan trọng trong Thánh Lễ online để phục vụ cho những anh, chị, em không có may mắn để đến tham dự Thánh Lễ trong các giáo đường như những giáo dân khác. Những điều nêu trên đây chỉ là những yếu tố căn bản mà chúng ta thường lồng vào Thánh Lễ để giúp người tham dự dễ hòa mình vào trong những diễn biến đang được cử hành trong phụng vụ, nói một các đơn giản: không gian của cung Thánh, việc trang trí, những bộ áo dành cho những thừa tác viên, ca đoàn, thánh nhạc, vv… là những điều giúp người giáo dân hướng lòng về sự kiện Thiên Chúa, qua Chúa Giê-su Thánh Thể, đang thực hiện nơi con người chúng ta, cho con người chúng ta, để chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Tất cả những điều này đều mang tính truyền thông. Vì sao? Chúng ta dùng ngôn ngữ con người để truyền tải và diễn giải Lời Chúa, khi ngôn ngữ con người bị giới hạn thì chúng ta có những bài hát, những nét nhạc để mở tâm trí của những người nghe, đánh động vào cảm xúc của cộng đoàn qua nội dung của các Thánh Vịnh và các Bài Đọc cũng như Tin Mừng để ghi vào lòng họ sứ điệp của Thiên Chúa. Cách chúng ta trang trí cung Thánh, cũng như màu áo của các linh mục nhắc nhở chúng ta đang sống trong mùa phụng vụ nào. Chúng ta cảm nhận được thế giới bên ngoài không phải chỉ qua việc chúng ta nghe, nhưng đồng thời qua những gì chúng ta nhìn thấy, qua thái độ của người xung quanh, ví dụ như người đọc sách, vị chủ tế loan báo Tin Mừng, cũng như khi ngài dâng Thánh Lễ. Ngay cả việc không được đáng chú ý nhiều đến, hình như đó là Lời Nguyện Giáo Dân trong Thánh Lễ, chúng ta cầu nguyện cho những vấn đề, những con người đang gặp phải trong xã hội của chúng ta, chúng ta đưa vào trong Thánh Lễ, dĩ nhiên những điều này là chúng ta dâng lên cho Chúa cầu xin cho người khác, nhưng qua lời cầu nguyện chúng ta cũng nắm bắt được ‘thông tin’ đang diễn ra trong xã hội của chúng ta và nó ảnh hưởng đến những anh chị em của chúng ta như thế nào. Lời Nguyện Giáo Dân, vì thế, cũng ảnh hưởng và đánh động đến sự suy tư, đến tâm hồn của chúng ta. Tất cả những điều này đều liên quan đến truyền thông.

7.                 Vài Nhận định quan trọng liên quan tới truyền thông xã hội dưới cái nhìn của Giáo Hội

Truyền thông Công Giáo dựa trên nền tảng của sự thông truyền chia sẻ của Thiên Chúa Ba Ngôi trong yêu thương. Bản chất chính yếu của Truyền Thông nơi Thiên Chúa chính là việc trao cho nhau và sự trân trọng đón nhận từ nơi nhau cái Chân-Thiện-Mỹ (sự chân thật nhất, tuyệt hảo nhất và điều đẹp nhất) có trong từng Ngôi Vị. Chính việc CHO và NHẬN này tạo nên sự Hiệp Thông giữa các Ngôi Vị trong đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính là nhờ vào việc CHO và NHẬN của Thiên Chúa chúng ta được tạo nên để cùng chia sẻ với Thiên Chúa và với người chung quanh đời sống hiệp thông chia sẻ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì được tạo nên giống hình ảnh Chúa chúng ta có khả năng sống tương quan và có khả năng thông truyền chia sẻ với nhau cuộc sống của mình. Vì thế mà Đức thánh cha Bê-nê-đíc XVI đã nhận định trong thông điệp ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 47 vào năm 2013 “sự chia sẻ thông tin có khả năng trở thành một sự truyền thông chân thật. Những mối liên kết có thể trở nên những tình bạn, những mối liên kết tạo điều kiện cho sự hiệp thông”, ngài nói thêm: “nếu như các mạng xã hội đều được kêu gọi thực hiện cái tiềm năng này, những ai tham gia trên các trang mạng này đều phải cố gắng sống chân thật, bởi vì trong những không gian này, không chỉ có những ý tưởng và thông tin được chia sẻ, nhưng rốt cuộc họ chia sẻ chính mình (khi tham gia mạng xã hội).”[11] Một năm sau, cũng vào ngày Thế Giới Truyền Thông, Đức thánh cha Phan-xi-cô cũng đã công nhận những ích lợi của mạng xã hội khi tạo điều kiện cho việc xây dựng một nền văn hóa của sự gặp gỡ, ngài nói: “Trong thế giới này, mạng xã hội có thể giúp chúng ta cảm nhận gần nhau hơn; nó làm cho chúng ta nhận thức được ý nghĩa của sự hiệp nhất của gia đình nhân loại, nó thúc đẩy tình liên đới và một trách nhiệm nghiêm túc cho một cuộc sống có phẩm cách hơn… Bức tường ngăn cách chúng ta chỉ có thể được vượt qua nếu chúng ta sẵn sàng lắng nghe và học hỏi lẫn nhau. Chúng ta cần phải dàn xếp những sự khác biệt qua những hình thức đối thoại cho phép chúng ta trưởng thành trong sự hiểu biết và tôn trọng (lẫn nhau). Nền văn hóa của sự gặp gỡ không chỉ đòi hỏi chúng ta cho nhưng còn phải biết nhận từ nơi nhau.[12] Tuy nhiên, mặt tiêu cực của mạng xã hội là chúng ta có thể trở nên nghiện nó và tự nhốt chúng ta trong thế giới kỹ thuật số và ít tiếp xúc thế giới thực hơn. Thêm nữa, những người không có điều kiện sử dụng mạng xã hội sẽ bị loại trừ khỏi thế giới của mạng xã hội. Sự ngăn cách mới nảy sinh.

Một nền tảng căn bản khác của Truyền Thông Công Giáo chính là sự kiện Thiên Chúa trao cho con người Lời Chúa, mà Lời ấy tồn tại và được thể hiện qua Ngôi Hai Thiên Chúa qua việc Ngôi Lời Nhập Thể, qua sự rao giảng, qua đời sống, sự khổ nạn của Chúa Giê-su, cái chết và sự Phục Sinh của Người. Lời mở đầu của Tin Mừng Gio-an đã chứa đựng những yếu tố căn bản có trong sự việc Thiên Chúa chia sẻ Lời Thiên Chúa cho con người (xem Ga 1:1-14):

1.     Ngôi Lời đã ở trong Chúa ngay từ nguyên thủy và chia sẻ đời sống hiệp thông với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần (Truyền thông Ba Ngôi).

2.     Khi Lời Chúa được truyền đến, mọi sự được tạo dựng, có nghĩa là được đón nhận cái bản chất hiện hữu.

3.     Lời Chúa là sự sống và ánh sáng: Nhờ vào Lời Chúa cuộc sống của chúng ta trở nên phong phú trọn vẹn hơn, cũng nhờ vào Lời Chúa đời sống của con người được thêm sức mạnh.

4.     Lời Chúa được truyền đạt cho chúng ta qua chính Người Con là Ngôi Vị thứ hai. “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”. Sự kiện này có thực, rất thực ở trong đời sống con người và sự kiện này diễn ra offline.

Sự kiện Ngôi Lời Nhập Thể, sự trao ban chính mình của Thiên Chúa, diễn ra trong lịch sử của nhân loại, qua NGƯỜI CON và trong CON NGƯỜI của Đức Giê-su Ki-tô. Nơi sự kiện này không phải chỉ có ngôn ngữ (Lời) được truyền đạt, nhưng là chính con người của Đức Giê-su Ki-tô thể hiện ra một đời sống truyền thông đến từ nơi Thiên Chúa. Khi người ta đến với Chúa hoặc khi Chúa đến với các môn đệ và đám đông đi theo Người, tất cả đều được nhìn thấy, được nghe, được chạm đến Người, được chứng kiến lúc Người giận dữ, buồn rầu, đau khổ. Tất cả những biểu hiện của Chúa Giê-su, những lời nói và hành động chính là truyền thông. Truyền thông của Đức Giê-su mở ra cho chúng ta thấy và cảm nhận: Thiên Chúa là ai và Người muốn gì khi bước vào tương quan với con người. Điểm chính của truyền thông của Đức Giê-su Ki-tô đó là mở ra cho con người biết mình là ai trước mặt Thiên Chúa. “Communio et Progressio” đã tóm tắt lại sự truyền thông của Người:

“Khi còn ở thế gian Đức Ki-tô tỏ mình ra là người truyền thông tuyệt hảo. Qua sự kiện ‘Nhập Thể’, Người hoàn toàn gắn liền thân phận (người) của mình với những ai đón nhận sự truyền thông của Người và Người không chỉ rao truyền thông điệp của Người qua những lời giảng nhưng trong toàn bộ cách sống của Người. Người nói từ trong tiếng lòng của họ, có thể nói rằng, từ những gì đang đè nặng trong lòng họ. Người rao giảng thông điệp của Thiên Chúa mà không có sợ hãi hay thỏa hiệp. Người thích ứng với cách mà con người nói chuyện và suy nghĩ. Và Người nói với họ từ chính tình trạng phức tạp của họ trong thời ấy. Truyền thông (của Đức Ki-tô) hơn hẳn việc biểu tả những ý tưởng và biểu hiện của cảm xúc. Ở mức độ sâu xa nhất, đó là sự trao ban chính mình trong tình yêu. Truyền thông của Đức Ki-tô, thật vậy, hàm chứa thần khí và sự sống. Trong việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Đức Ki-tô đã trao ban cho chúng ta hình thức truyền thông hoàn hảo nhất và mật thiết nhất giữa Thiên Chúa và con người, có thể thực hiện được trong đời sống hiện thế này, và từ đó sự hiệp nhất sâu xa có thể giữa con người với nhau. Hơn nữa, Đức Ki-tô truyền ban cho chúng ta Thần Khí ban sự sống của Người, Đấng đem mọi người đến với nhau trong hiệp thông.”[13]

Vì thế, đối với người truyền thông Công Giáo, Đức Ki-tô phải được xem là mẫu mực để họ noi theo. Sự thiện cảm, tình yêu, lòng thù hận, nóng giận, buồn khổ, lo lắng, vui mừng, hy vọng và tuyệt vọng, vv… là những cảm xúc thực diễn ra trong con người của chúng ta. Chúng ta sống là sống trong đời sống thực, chia sẻ những cảm xúc này với người khác, đồng thời cũng đón nhận chúng từ người khác không ở trong môi trường kỹ thuật số. Những cảm xúc đó ảnh hưởng đến cơ thể của chúng ta và tạo nên hệ quả cho môi trường xung quanh của chúng ta, môi trường cụ thể (offline) chứ không phải trong thế giới kỹ thuật số với một số biểu tượng (emoji) mà chúng ta đưa lên mạng. Chúng ta được tạo dựng nên không qua môi trường kỹ thuật số. Chúng ta có niềm tin, có sự hy vọng, có tình yêu đều là những cảm xúc sống động trong con người chúng ta, với thể xác lẫn tâm hồn. Cho đến khi chúng ta gặp phải những sự kiện cụ thể trong đời sống thực tế, chúng ta cần những con người thực ở bên cạnh chúng ta và mong đợi được cảm nhận những cảm xúc người bên cạnh chia sẻ với chúng ta trong những trường hợp cụ thể đó. Cuối cùng là khi chúng ta ra đi về với cuộc sống ở bên Chúa, chúng ta sẽ ra đi rất thực, không thể nào ảo được.[14]

Cho nên người truyền thông Công Giáo khi tham dự vào quá trình truyền thông trong thế giới mạng xã hội online phải luôn giữ trong tâm tư của mình hình ảnh của Chúa Giê-su, bậc thầy về truyền thông. Chúng ta phải tâm đắc câu Kinh Thánh của Tin Mừng của thánh Gio-an “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm” (Ngôi Lời nhập thể), đây có thể được xem là công thức đơn giản nói lên sự truyền thông của Chúa Giê-su. Chúng ta có sự tự do để chọn lựa và truyền đi những thông tin, sự kiện, câu chuyện; những thông tin đó hoặc chúng sẽ cổ võ cho cuộc sống, hoặc chúng có thể hủy hoại cuộc sống. Những gì chúng ta truyền đi không còn nằm trên máy vi tính nữa, nhưng nó đã đi vào tâm trí của người nhận và qua đó ảnh hưởng đến các mạng xã hội khác mà người nhận tham gia trong đời sống thực.

Đương nhiên chúng ta có thể vào mạng để thu lượm những thông tin, kiến thức và sự hiểu biết về niềm tin. Chúng ta có thể lấy xuống những Apps hữu ích để sử dụng; qua đó chúng ta mở rộng tầm nhìn kiến thức, để làm có Đức Tin của chúng ta phong phú và sâu sắc hơn. Chúng ta có thể tham gia vào những buổi thảo luận online để chia sẻ kinh nghiệm trong niềm tin với người khác. Chúng ta có thể làm được những điều này bởi vì thế giới kỹ thuật số tạo điều kiện trên phương diện kỹ thuật cho chúng ta. Thỉnh thoáng chúng ta nhận được những lời hay, ý tốt của những người nổi tiếng hay của những vị thánh, người gửi mong đợi chúng ta đánh chữ “AMEN” ở phần comment và cũng mong thông điệp đó được tiếp tục chia sẻ cho người khác. Có người mong qua đó nhận được nhiều view và nhiều like. Đây phải nói là một biểu hiện bước đầu của bệnh tâm thần vì nghiện view và like. Nhưng nếu những thông điệp đó chỉ có được ‘copy and paste’ trên mạng xã hội nhưng lại không thấm vào trong tâm hồn của chúng ta thì chưa đủ. Thiên Chúa mong ước được đến và ở trong tâm hồn chúng ta. Điều này đòi hỏi sự đáp trả của từng cá nhân với tất cả những kết quả liên hệ, được thấy rõ trong đời thực offline.

Dựa trên nền tảng truyền thông của Thiên Chúa trong đời sống Ba Ngôi và qua con người và cuộc đời của Đức Giê-su Ki-tô, giáo hội trở nên một thực tại truyền thông mới ở giữa cuộc sống con người. Hai điều xác tín rất quan trọng liên quan đến bản chất của Giáo Hội Công Giáo đó là:

1.     Vì Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại, nên, dựa trên giáo huấn của các Công Ðồng trước, Giáo Hội muốn làm sáng tỏ bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình cho tín hữu và toàn thế giới. Những hoàn cảnh hiện tại làm cho nhiệm vụ của Giáo Hội thêm khẩn thiết hơn, để ngày nay mọi người liên hệ chặt chẽ hơn bởi nhiều ràng buộc xã hội, kỹ thuật, văn hóa, cũng được hiệp nhất trọn vẹn trong Chúa Kitô” (LG số 1).

2.     “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải (theo tác giả: Giáo Hội là) truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Ðịnh của Thiên Chúa Cha” (AG số 2).[15]

Tính truyền thông của Giáo Hội Công Giáo được hàm chứa trong hai điều xác tín trọng yếu này. Giáo hội sống và thể hiện hai điều trên qua những hoạt động mang tính truyền thông của mình: Cử hành phụng vụ (liturgia), làm chứng cho Đức Ki-tô và qua đó cho Tình Yêu Thiên Chúa (martyria), dấn thân vào các hoạt động bác ái (diakonia). Cả ba yếu tố căn bản mang tính truyền thông trên không loại trừ nhau, không có phạm trù nào được đặt cao hơn những phạm trù khác, ngược lại hỗ trợ và bổ túc cho nhau làm cho những sinh hoạt của Giáo Hội trở nên phong phú hơn. Tôi xin được dẫn ra những suy tư liên quan đến truyền thông Công Giáo trong phần dưới đây.

8.     Những nét đặc trưng cần phải có trong truyền thông Công Giáo[16]

 

a.      Truyền thông Công Giáo đối với Giáo Hội chính là rao giảng và giới thiệu Lời Chúa (Divine Logos) cho mọi người kể cả trong Giáo Hội (communicatio ad intra) cũng như những anh chị em khác không hoặc chưa thuộc về Ki-tô giáo (communicatio ad extra). Trong đời sống, khi con người chúng ta thực hiện các hoạt động truyền thông qua ngôn ngữ, qua hình ảnh, qua trao đổi chia sẻ, qua những cách thức chúng ta biểu lộ niềm tin trong các nghi thức tôn giáo, con người sử dụng chính yếu nhất là ngôn ngữ của con người. Trên phương diện triết học, ngôn ngữ (nói hoặc viết) chính là cái khuôn mẫu mà chúng ta dùng để sắp xếp và tạo thành một kiểu diễn đạt những gì chúng ta có trong tim, trong trí và trong những dự định của chúng ta. Ngôn ngữ vì thế chuyên chở những điều chúng ta suy tư ở trong lòng và giúp con người mang những gì họ mơ ước vào trong hiện thực khi được truyền đạt cho người khác, để có thể tạo ra một điều gì đó ích lợi cho đời sống: tùy vào hoàn cảnh của từng người, có thể có liên quan đến niềm vui của họ, nỗi lo lắng, sự mong đợi của họ. Ngôn ngữ của con người chúng ta cần phải được Lời Chúa truyền cảm hứng, soi sáng. Truyền thông Công Giáo, vì thế, phải phản chiếu lại hình ảnh của Ngôi Lời, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc XVI đã kêu gọi: “Tin Mừng phải trở nên nguồn nuôi dưỡng hàng ngày, chứ không phải là sự hấp dẫn nhất thời. Sự thật của Tin Mừng không phải là điều gì đó dùng để tiêu thụ (như món hàng) hoặc để sử dụng một cách nông cạn. Đúng hơn là đó là một quà tặng mời gọi một lời đáp trả trong tự do. Ngay cả khi Tin Mừng được rao truyền trong môi trường ảo của mạng. Tin Mừng này đòi hỏi phải được ‘nhập thể’ trong thế giới hiện thực và được nối kết với những khuôn mặt thực của những người anh chị em của chúng ta, những người cùng chúng ta chia sẻ trong đời sống hằng ngày.”[17]

b.     Nhìn từ kía cạnh của Thánh Kinh Lời của Chúa (Logos hay dựa theo bản dịch của tiếng Do Thái dabbar trong Cựu Ước) là sự biểu lộ ý định và chương trình của Thiên Chúa quyền năng cho toàn thể thế giới được Người dựng nên. Điều chúng ta phải nhấn mạnh rằng: để tỏ hiện bản chất của mình và để bước vào ‘tương tác’ với con người, Thiên Chúa đã gọi và chọn Israel là Lời của Người và Đức Giê-su Ki-tô là Ngôi Lời như là một cách thức đầy sáng tạo (Vì Người là Đấng Tạo Dựng) trở thành ‘cộng tác viên’ cho việc truyền thông của Người. Hơn thế nữa, ‘Ngôi Lời Nhập Thể’ là sự biểu lộ hết sức chân tình của Chúa Cha, đến từ tận đáy lòng của Người, con người có thể nhìn thấy, có thể chạm đến được nhờ Chúa Thánh Thần. Vì vậy, ngôn từ truyền thông của Giáo Hội không chỉ là những thông tin và thông điệp, mà thật ra chúng là những ngôn từ của những con người cụ thể, những người sống trong tương quan với Lời Chúa và nhờ sự sống kết hiệp này họ có thể xây dựng những mối tương quan thân thiết, là một nhân vị đồng thời nhờ vào Chúa có khả năng sống liên kết với người khác.

c.      Truyền thông Công Giáo là chia sẻ sự sống và làm cho cuộc sống phong phú hơn. Lời của Đức Chúa, theo sách Sáng Thế Ký, đem lại sự sống cho thế giới và tạo nên môi trường sống thích hợp cho con người. Điều này làm cho chúng ta phải suy nghĩ đó là truyền thông của chúng ta phải tạo khả năng cho con người có thể sống một cách tốt hơn phù hợp với con người được Thiên Chúa tạo dựng nên, sống ‘người’ hơn theo ý định của Thiên Chúa. Nói một cách khác, truyền thông Công Giáo được thừa hưởng phẩm chất cao quý của truyền thông Thiên Chúa Ba Ngôi và gánh trách nhiệm cho đời sống con người. Tất cả những gì truyền thông Công Giáo trao gửi đến con người đều phải cổ võ và hỗ trợ cho sự sống. Chúng phải mở ra cho con người thấy nhân phẩm và giá trị của mình (được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa), và chỉ ra những hướng dẫn cho con người tiến xa hơn cái mức ‘người’ của mình, mở ra một viễn cảnh mới cho đời sống con người (Ga 6:68).

d.     Truyền thông Công Giáo có đặc tính ngôn sứ: phân tích và giải thích lịch sử con người và hướng lịch sử đó về Thiên Chúa. Truyền thông Công Giáo phải tiếp nhận thực tế lịch sử con người một cách nghiêm túc. Điều này chỉ ra rằng những người làm truyền thông Công Giáo phải là những người nhạy bén và có khả năng chuyên môn về truyền thông. “Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1 Tx 5:19-22). Trong bối cảnh này, điều cấp thiết là những nhà truyền thông Công Giáo, một mặt, phải sống một đời sống vâng phục theo sự chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần, mặt khác phải mở lòng đón nhận người khác với thái độ tôn trọng và yêu thương. “Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.16 Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng” (1 Pr 3:15-16). “Việc truyền bá Tin Mừng đòi hỏi một truyền thông mà nó vừa phải có tính chất tôn trọng và có sự thông cảm, nó đánh động tâm hồn con người và thúc đẩy lương tâm của con người,”[18] việc này hướng dẫn con người suy xét lại bản chất của mình và nghiệm lại hiện thực xã hội mình đang sống cũng như lịch sử của nó.

e.      Truyền thông Công Giáo chính là xây dựng cộng đoàn và hướng nó về hiệp thông với Thiên Chúa. “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời, sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha, và nay được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha, và với Đức Giê-su Ki-tô, con của Người” (1 Ga 1:1-3). Việc loan truyền Niềm Tin này tạo nên những mối quan hệ. Điều này hướng mọi người đến hiệp thông với nhau và với Thiên Chúa. Hơn thế nữa, truyền thông này củng cố đời sống cộng đoàn. “Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem tất cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa” (Cl 3:16-17). “Thưa anh em, chúng tôi khuyên nhủ anh em: hãy khuyên bảo người vô kỷ luật, khích lệ kẻ nhút nhát, nâng đỡ người yếu đuối, và kiên nhẫn với mọi người” (1 Tx 5:14).

“Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người” (1 Cr 12:7-12).

9.            Kết luận

 

Sự hình thành nên những mạng xã hội trong thế giới kỹ thuật số đặt ra những vấn đề và những thách đố cho việc truyền thông của Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam. Điều này đòi hỏi những người làm trong lãnh vực truyền thông xã hội của Giáo Hội và những người Công Giáo đang làm việc trong nhiều lãnh vực khác liên quan đến truyền thông cần phải trang bị cho mình những kiến thức và những kỹ năng cần thiết để công việc truyền thông có hiệu quả và mang đến ích lợi cho cộng đồng cũng như xã hội. Về căn bản, người làm truyền thông trong Giáo Hội, cũng như những người Công Giáo phải có những khả năng quan trọng sau đây:

·        Khả năng nắm bắt những biến chuyển trong xã hội và cộng đồng, đặc biệt ảnh hưởng của sự phát triển kỹ thuật và công nghệ đã tạo nên thế giới kỹ thuật số; nhưng ưu điểm và những bất cập tác động đến đời sống cộng đồng và xã hội.

·        Khả năng sống tương quan xã hội một cách lành mạnh.

·        Khả năng về kỹ thuật khi tham gia các công việc truyền thông của Giáo Hội

·        Bên cạnh đó, những người này phải có sự hiểu biết về nguồn gốc và nền tảng của truyền thông Công Giáo. Điều này tạo nên một đời sống tu đức về truyền thông.

·        Có sự hiểu biết về mục vụ trong những lãnh vực khác nhau của Giáo Hội và từ đó có cái nhìn nhạy bén khi làm truyền thông trong những lãnh vực đó.

Như thế, chúng ta đồng thời phải có kiến thức và khả năng mang tính xã hội trong truyền thông, đồng thời phải có tinh thần truyền thông dựa trên Đức Tin của người Công Giáo.

 

Nguồn tham khảo:

- James Lull, ed., Culture in the Communication Age, (London and New York: Routledge 2001)

- Franz-Josef Eilers SVD, Church and Social Communication: Basic Documents 1936-2014 (Manila: Logos (Divine Word) Publications, 2014)

- Heidi A. Campbell ed., Digital Religion: Understanding Religious Practice in New Media Worlds (London and New York: Routledge, 2013)

- “Communio et Progressio”, Tài Liệu Hướng Dẫn Cho Việc Ứng Dụng Văn Bản “Inter Mirifica”, được soạn thảo và công bố bởi Hội Đồng Cố Vấn trực thuộc Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội vào năm 1971, số 8. (Viết tắt: CeP) Bạn đọc có thể tìm thấy tài liệu này trong cuốn sách: Franz-Josef Eilers SVD, Church and Social Communication: Basic Documents 1936-2014 (Manila: Logos (Divine Word) Publications, 2014).

- Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc XVI, Thông Điệp nhân ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 47: https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/it/messages/communications/documents/hf_ben-xvi_mes_20130124_47th-world-communications-day.html

- Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Thông Điệp nhân ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 48: https://www.vatican.va/content/francesco/it/messages/communications/documents/papa-francesco_20140124_messaggio-comunicazioni-sociali.html

- Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc, Sự thật, Việc Quảng Bá và Tính Chân Thực của cuộc sống trong thời đại kỹ thuật số: Thông điệp nhân ngày thế giới truyền thông lần thứ 45, tháng 6 năm 2011. Có trong: Franz-Josef Eilers SVD, Church and Social Communication: Basic Documents 1936-2014 (Manila: Logos (Divine Word) Publications, 2014).

- Tạ Anh Vũ, “Is God Online or Offline?”, Speech in the Research Symposium, at Ecclesiastical Faculties, UST, on Oct 27, 2016.

- Tạ Anh Vũ, “The Word of God in the Digital World”, Speech at the Joint Conference of the Office for Social Communication of the USCCB (United States Conference of Catholic Bishops), June 2016.

 

Websites:

https://blog.kulturekonnect.com/understanding-web-2.0-web-3.0-and-web-4.0

https://www.internetworldstats.com/asia.htm#vn

http://hdgmvietnam.org/

-----------------

[1] “Communio et Progressio”, Tài Liệu Hướng Dẫn Cho Việc Ứng Dụng Văn Bản “Inter Mirifica”, được soạn thảo và công bố bởi Hội Đồng Cố Vấn trực thuộc Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội vào năm 1971, số 8. (Viết tắt: CeP) Bạn đọc có thể tìm thấy tài liệu này trong cuốn sách: Franz-Josef Eilers SVD, Church and Social Communication: Basic Documents 1936-2014 (Manila: Logos (Divine Word) Publications, 2014).

[2] Nhiều bạn trẻ còn gọi cách đơn giản là ‘Sân Chơi’. Điều này cũng có thể tiếp nhận được bởi vì một trong nghĩa của chữ ‘platform’ được gọi là sân khấu. Trên đó người nghệ sĩ thực hiện chương trình biểu diễn của mình.

[3] Tạ Anh Vũ, “The Word of God in the Digital World”, Speech at the Joint Conference of the Office for Social Communication of the USCCB (United States Conference of Catholic Bishops), June 2016.

[4] https://blog.kulturekonnect.com/understanding-web-2.0-web-3.0-and-web-4.0, được trình bày bởi Jorge Pancheco.

[5] Xem: James Lull, ed., Culture in the Communication Age, (London and New York: Routledge 2001), 138.

[6] Heidi A. Campbell ed., Digital Religion: Understanding Religious Practice in New Media Worlds (London and New York: Routledge, 2013), 58.

[7] Sđd, 59.

[8] Xem: Campbell, 64.

[9] https://www.internetworldstats.com/asia.htm#vn

[10] http://hdgmvietnam.org/

[11] Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc XVI, Thông Điệp nhân ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 47: https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/it/messages/communications/documents/hf_ben-xvi_mes_20130124_47th-world-communications-day.html

[12] Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Thông Điệp nhân ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 48: https://www.vatican.va/content/francesco/it/messages/communications/documents/papa-francesco_20140124_messaggio-comunicazioni-sociali.html

[13] Franz-Josef Eilers SVD, Church and Social Communication: Basic Documents 1936-2014 (Manila: Logos (Divine Word) Publications, 2014), 114.

[14] Tạ Anh Vũ, “Is God Online or Offline?”, Speech in the Research Symposium, at Ecclesiastical Faculties, UST, on Oct 27, 2016.

[15] Tác giả trích từ bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Pi-ô X, Đà Lạt. Bản dịch được lấy từ trang Web của giáo phận Xuân Lộc.

[16] Tạ Anh Vũ, “The Word of God in the Digital World”, Speech at the Joint Conference of the Office for Social Communication of the USCCB (United States Conference of Catholic Bishops), June 2016.

[17] Pope Benedict XVI, Truth, Proclamation and Authenticity of Life in the Digital Age: Message for the 45th World Communications Day, Jun 5, 2011.

[18] Đức Thánh Cha Bê-nê-đích XVI, Truth, Proclamation and Authenticity of Life in the Digital Age: Message for the 45th World Communications Day, Jun 5, 2011.

Chia sẻ

Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ