TRIẾT HỌC VỀ TRUYỀN THÔNG
TRIẾT HỌC VỀ TRUYỀN THÔNG
Nguyên tác: Robert Pen SDB. Philosophy of Communication. In Communication for Pastoral Leadership, Book 2: Critical Understanding of Social Communication. New Delhi: Don Bosco Communication India. 2010. Pages 19-23. ISBN: 978-81-87060-42-0
Chuyển ngữ: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Dũng, OFM
Vấn đề của truyền thông... là ảo tưởng rằng nó đã được hoàn thành (George Bernard Shaw)
Truyền thông và Đời sống Con Người
Vấn Đề Truyền thông: Viễn Cảnh Hiện Nay
Lý Thuyết Truyền thông và Những Truyền Thống Đa Dạng:
Thuật Hùng Biện
Học Thuyết Ký Hiệu
Hiện Tượng Luận
Kỹ Thuật Hệ Thống
Tâm Lý Học Xã Hội
Lý Thuyết Văn Hóa Xã Hội
Học thuyết Phê Phán
Các Phạm Trù Truyền thông và Lý Thuyết Của Chúng
Tầm Quan Trọng của Triết Học Truyền thông
Triết Học như là Bối Cảnh Của Truyền thông
Triết Học như là Nội Dung Của Truyền thông
Triết Học Là Kim Chỉ Nam Cho Truyền thông
Nhiệm Vụ Của Triết Học Truyền thông
Truyền thông và Đời sống Con Người
Nếu tự hỏi làm sao chúng ta trở thành những con người như ngày nay—về mặt tâm thần, tâm lý, xã hội, văn hóa, cảm xúc và tinh thần—ta sẽ nhận ra rằng, phần lớn, qua việc truyền thông với những người khác. Chúng ta đã phát triển và sẽ tiếp tục phát triển cho đến khi đạt được đỉnh cao của bản thân mình không chỉ qua giao tiếp nội cá nhân và tự suy ngẫm mà còn qua việc học hỏi và truyền thông với người khác. Những gì chúng ta truyền đạt và cách chúng ta truyền đạt bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố—gia đình và bạn bè, thầy cô và trường học, những cuốn sách đã đọc, những bộ phim đã xem, những hoạt động đã tham gia, v.v. Mọi lúc mọi nơi, ta luôn học hỏi và phát triển qua việc truyền thông với người khác và nhờ người khác. Như vậy, sự tồn tại của con người—với tư cách là sinh vật xã hội, có khả năng quan hệ và tương tác—được biểu hiện và hiện thực hóa qua truyền thông.
Truyền thông chân chính quan trọng với chất lượng cuộc sống như thức ăn, chỗ ở và sức khỏe. Đó là quá trình tương tác qua biểu tượng truyền thông tạo nên môi trường văn hóa. Là một nhu cầu thiết yếu, nó thấm nhuần và xuyên suốt mọi khía cạnh của đời sống. Nó phải phục vụ cho toàn thể xã hội và cuối cùng là toàn bộ loài người.
Do đó, truyền thông là một thực tế cơ bản của sự tồn tại con người. Nó là một thực tế nhân loại, thiết yếu cho cả sự sống và sự phát triển của con người. Đây là một vấn đề quan trọng cho hiện tại cũng như tương lai của loài người vì nó có thể dẫn đến hòa giải hoặc hủy diệt. Nó có thể mang lại kiến thức, sự thật và cảm hứng, hoặc giữ lại kiến thức và lan truyền thông tin sai lệch và dối trá. Là một nhu cầu xã hội, truyền thông do đó là trách nhiệm của mỗi con người.
Vấn Đề Truyền thông: Viễn Cảnh Hiện Nay
Với sự ra đời của những kỹ năng, phương pháp và công nghệ mới, quá trình truyền thông đã biến đổi mạnh mẽ, kết nối toàn nhân loại bằng dòng thông tin nhanh chóng, cập nhật và không ngừng. Sự "thông tin hóa" ngày càng tăng của xã hội đi kèm với sự mở rộng và tăng lên của dòng truyền thông quốc tế và ảnh hưởng văn hóa xuyên biên giới mạnh mẽ hơn. Dù công nghệ truyền thông điện tử đã đóng góp vào quá trình hiện đại hóa và hóa quốc tế, chúng lại chủ yếu hỗ trợ cho chủ nghĩa thực dân mới (sự kiểm soát của thế giới phát triển đối với thế giới đang phát triển) hơn là sự tăng trưởng và tự do. Các hiệu ứng được cảm nhận của dòng chảy truyền thông quốc tế ngày nay bao gồm sự suy giảm chủ quyền và tự chủ trong các vấn đề văn hóa và sự phụ thuộc kinh tế và chính trị ngày càng tăng. Điều cốt lõi là truyền thông quốc tế "tự do" trong thế giới hiện đại là không công bằng và một chiều - từ các quốc gia giàu có sang các quốc gia nghèo và từ Bắc xuống Nam. Văn hóa tiếp thị, quảng cáo và quan hệ công chúng của thế giới phát triển cố gắng ảnh hưởng và điều khiển "thế giới thứ ba" chủ yếu bằng cách thúc đẩy họ nhập khẩu công nghệ, cấu trúc và thực hành chuyên môn từ thế giới phát triển.
Ngày nay, sự phát triển to lớn trong lĩnh vực truyền thông và khoa học xã hội. Kết quả của ảnh hưởng mạnh mẽ từ khoa học xã hội đối với nghiên cứu truyền thông, chúng ta chủ yếu quan tâm đến việc đo lường thông tin thu được. Hầu như không ai quan tâm đến ảnh hưởng của phương tiện truyền thông mới mạnh mẽ đối với hệ thống giá trị của chúng ta. Giả thiết là phương tiện truyền thông mạnh mẽ, ngày càng trở nên mạnh mẽ và phổ biến hơn từng ngày, đang có ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống giá trị và văn hóa. Việc xác định ảnh hưởng của truyền thông đối với hệ thống giá trị là cần thiết, vì giá trị có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội. Định hướng giá trị liên quan trực tiếp đến cảm thức về động lực của cá nhân. Sự thờ ơ rộng rãi đối với nỗ lực phát triển có thể được truy nguyên từ sự mờ nhạt của các chuẩn mực giá trị. Một lần nữa, giá trị liên quan trực tiếp đến định hướng cá nhân. Sự xa lánh ngày càng tăng của cá nhân có nguồn gốc từ sự xói mòn hoặc méo mó của các giá trị mà họ giữ. Các vấn đề liên quan đến giới thanh niên, pháp luật và trật tự, xu hướng phân rã đe dọa tính toàn vẹn quốc gia, sự giảm sút dũng cảm cá nhân, thiếu tinh thần táo bạo và sáng kiến cũng như vắng bóng của sự đổi mới tìm thấy nguyên nhân gốc rễ trong sự tổn thương liên tục đối với hệ thống giá trị.
Ngày nay cũng có một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực nhân cách. Có gốc rễ trong sự lo âu và xa lánh tăng cao, cuộc khủng hoảng này biểu hiện qua nỗi sợ hãi thần kinh và hành vi ám ảnh. Truyền thông thực sự ở cấp độ cá nhân đang bị xói mòn, điều này gây ra các bệnh tâm thần và tâm lý. Cách để vượt qua cuộc khủng hoảng này là bằng cách tái lập truyền thông lành mạnh và đầy sâu sắc.
Lý Thuyết Truyền thông và Những Truyền Thống Đa Dạng của Nó
Một bên là những vấn đề xã hội do quá trình truyền thông ngày nay tạo ra, một bên khác là những vấn đề tồn tại ngay trong quá trình truyền thông ấy. Để đối phó với các thách thức trong quá trình truyền thông, ngành nghiên cứu và xây dựng lý thuyết truyền thông đã không ngừng được làm mới. Ngành truyền thông đã phát triển vượt bậc trong vài thập kỷ qua và vẫn đang tiếp tục tiến triển. Các nhà khoa học xã hội và chuyên gia truyền thông đã nỗ lực tìm ra những lý thuyết và mô hình truyền thông mới mẻ, có ích từ góc độ khảo sát và phản ánh đúng bản chất văn hóa của người dân. Chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu sự tiến hóa của lý thuyết truyền thông và sự hình thành của nó thành các truyền thống đa dạng, mang lại những mô hình và khuôn mẫu thay thế trong lĩnh vực truyền thông hiện nay.
Lý thuyết truyền thông chỉ mới được nhìn nhận là một lĩnh vực trí tuệ độc lập vào giữa thế kỷ XX. Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng vào những năm 1940 bởi các kỹ sư điện tử, ám chỉ việc phân tích toán học về tín hiệu. Sau đó, nó phát triển mạnh mẽ, lan rộng vào mọi truyền thống trí tuệ, mở ra bình minh cho một ngành khoa học truyền thông mới. Các ý tưởng từ khoa học tự nhiên, kỹ thuật, ngôn ngữ học, nhân chủng học, xã hội học, tâm lý học và triết học đã được tiếp thu và tái diễn giải thành các lý thuyết truyền thông. Hiện nay, ít nhất có thể phân biệt được bảy truyền thống lớn trong lý thuyết truyền thông.
Thuật Hùng Biện (Rhetoric)
Từ thuật hùng biện cổ điển, chúng ta rút ra ý niệm rằng truyền thông có thể được nghiên cứu và bồi dưỡng như một loại hình nghệ thuật thực hành của lời nói: tức là nghệ thuật thuyết phục, phong cách bản văn và sáng tác, hay như là phê bình văn học. Thuật hùng biện chủ yếu liên quan đến khía cạnh lý thuyết và thực hành về tính công khai và thuyết phục của truyền thông. Nó là bản đối của biện chứng. Nó cũng có thể được hiểu là việc nghiên cứu các kỹ thuật và quy tắc trong việc sử dụng ngôn từ với sự chính xác, tinh tế và sức mạnh nhằm mục đích làm hài lòng, quyến rũ, thu hút hoặc thuyết phục người khác.
Học Thuyết Ký Hiệu (Semiotics)
Một truyền thống khác trong lý thuyết truyền thông là học thuyết ký hiệu, tức là nghiên cứu về các ký hiệu. Lý thuyết này được sáng lập bởi John Locke (1632-1704). Học thuyết ký hiệu xem truyền thông như một quá trình dựa vào các biểu tượng và hệ thống biểu tượng để làm cầu nối giữa các quan điểm chủ quan. Đối với ký hiệu học, những vấn đề trong truyền thông xuất phát từ những trở ngại trong việc hiểu biết, phát sinh từ sự không khớp giữa các phương tiện ký hiệu (như lời nói hay từ ngữ viết ra, hình ảnh đồ họa) và ý nghĩa của chúng, cấu trúc của hệ thống ký hiệu, và những cách sử dụng (hoặc lạm dụng) các ký hiệu cụ thể.
Hiện Tượng Luận (Phenomenology)
Truyền thống hiện tượng luận coi truyền thông là trải nghiệm của cá nhân và tha nhân trong đối thoại. Các học giả thế kỷ 20 về đối thoại như Edmund Husserl, Martin Heidegger, Martin Buber, Hans-Georg Gadamer, Emanuel Levinas và Carl Rogers được coi là những người đại diện cho truyền thống này. Hiện tượng luận, đặc biệt là trong phiên bản thông diễn học của nó, từ chối quan điểm của Descartes về sự tồn tại của các ý thức chủ quan cô lập và khoảng cách phát sinh giữa các ý thức và quan điểm. Thực tế là chúng ta là "những sinh vật trong thế giới". Do đó, nền tảng cho truyền thông chính là sự tồn tại chung của chúng ta với người khác trong một thế giới được chia sẻ. Thế giới này có thể cấu trúc một cách khác biệt, dẫn đến những thách thức trong sự hiểu biết và truyền thông. Tuy nhiên, truyền thông có thể được thực hiện thông qua đối thoại chân thực, sự biểu đạt bản thân một cách cởi mở và việc chấp nhận sự khác biệt. Những rào cản truyền thông có thể xuất phát từ việc thiếu tự nhận thức, không chấp nhận sự khác biệt, hoặc từ một kế hoạch chiến lược không cho phép sự cởi mở với người khác.
Kỹ Thuật Hệ Thống (Cybernetics)
Truyền thống lý thuyết truyền thông này phát triển từ công trình giữa thế kỷ 20 của Shannon, Wiener, Gregory Bateson và những người khác. Kỹ thuật hệ thống là một trong những truyền thống mới nhất của lý thuyết truyền thông, mặc dù nó là lý thuyết truyền thông đầu tiên được đặt tên một cách rõ ràng và được biết đến rộng rãi như vậy. Kỹ thuật hệ thống xem truyền thông như quá trình xử lý thông tin. Theo nó, tất cả các hệ thống phức tạp đều xử lý thông tin, bao gồm máy tính, thiết bị viễn thông, phân tử DNA và tế bào, thực vật và động vật, não và hệ thần kinh của con người, nhóm xã hội và tổ chức, thành phố và toàn xã hội. Lý thuyết này không nhấn mạnh sự khác biệt giữa truyền thông con người và các hệ thống xử lý thông tin khác. Việc lưu trữ thông tin, truyền dẫn, phản hồi, cấu trúc mạng và các quá trình tự tổ chức xảy ra trong mọi hệ thống đủ phức tạp. Các vấn đề truyền thông xuất phát từ xung đột giữa các hệ thống con hoặc sự cố trong quá trình xử lý thông tin như các vòng lặp phản hồi tích cực làm tăng tiếng ồn.
Tâm Lý Học Xã Hội (Social Psychology)
Tâm lý học xã hội quan niệm truyền thông như là sự tương tác và ảnh hưởng trong xã hội. Truyền thông luôn liên quan đến những cá nhân mang những nét tính cách, quan điểm, niềm tin và cảm xúc đặc trưng. Hành vi xã hội không chỉ phản ánh ảnh hưởng của những yếu tố tâm lý này mà còn thay đổi chúng khi mọi người trong cuộc tương tác ảnh hưởng lẫn nhau. Từ góc độ tâm lý xã hội, thách thức của truyền thông là cách thức quản lý sự tương tác xã hội một cách có hiệu quả để đạt được những kết quả mong đợi và dự kiến.
Lý Thuyết Văn Hóa Xã Hội (Socio-cultural Theory)
Lý thuyết văn hóa xã hội định nghĩa truyền thông như một quá trình biểu tượng, qua đó tạo nên và tái hiện những ý nghĩa, phong tục và cấu trúc xã hội chung. Xã hội không chỉ tồn tại "nhờ vào" việc sử dụng truyền thông như một công cụ thiết yếu cho việc truyền đạt và trao đổi thông tin; mà quan trọng hơn, là sự tham gia "vào" những hoạt động được phối hợp, tập thể và những hiểu biết chung vốn cấu thành nên bản chất của xã hội. Truyền thông liên quan đến việc phối hợp các hoạt động giữa các nhân vật xã hội, và các vấn đề truyền thông thường trực tiếp thể hiện qua những khó khăn và sự cố trong việc phối hợp.
Học thuyết Phê Phán (Critical Theory)
Học thuyết Phê Phán xem truyền thông là một hình thức trao đổi sâu sắc, đầy tính biện chứng, chủ yếu liên quan đến vấn đề văn hóa và quan điểm về quyền lực, sự áp bức và sự giải thoát trong xã hội. Mục đích của học thuyết phê phán là khuyến khích sự tự do và sự khai sáng bằng cách gỡ bỏ những màn che ý thức hệ mà nếu không sẽ tiếp tục nuôi dưỡng sự ngu dốt và áp bức. Các phong trào gần đây trong khuôn khổ phê bình như hậu hiện đại và nghiên cứu văn hóa phê bình có xu hướng bác bỏ cả chủ nghĩa kinh tế đặc định của Marx lẫn lý tưởng phổ quát về hành vi truyền thông của Habermas, nhưng vẫn tiếp tục nhận thức truyền thông theo những cách nhấn mạnh vào ý thức hệ, sự áp bức, sự phê phán và sự tự phản tỉnh.
Bảy truyền thống này bao gồm các nguồn tri thức quan trọng nhất hiện nay đang ảnh hưởng đến lý luận truyền thông, nhưng chúng không thể bao quát hết toàn bộ lĩnh vực. Từ khi bước vào thế kỷ 21, đã có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực truyền thông thông qua nghiên cứu và ứng dụng trong các lĩnh vực mới mẻ như tiếp thị, quan hệ công chúng và các hình thức báo chí mới. Ý tưởng về truyền thông quá đa dạng, phong phú và không ngừng phát triển, không thể được gói gọn trong bất kỳ khuôn mẫu đơn giản nào. Hơn nữa, không có lý thuyết nào trong số trên phát triển một cách độc lập với những lý thuyết khác; thay vào đó, chúng thường xuyên vay mượn yếu tố từ các lý thuyết khác.
Các Phạm Trù Truyền thông và Lý Thuyết Của Chúng
Bên cạnh bảy truyền thống lớn về lý thuyết truyền thông đã nêu trên, còn có nhiều phạm trù truyền thông khác, mỗi cái được hỗ trợ bởi lý thuyết riêng của mình. Dưới đây là danh sách một số trong số đó.
+ Tạo ra thông điệp: Lý Thuyết Cấu Kiến, Lý Thuyết Tổ Hợp Hành Động.
+ Xử lý thông điệp: Mô Hình Khả Năng Phát Triển, Lý Thuyết Tiêm Phòng.
+ Diễn ngôn và tương tác: Lý Thuyết Hành Động Ngôn Từ, Quản Lý Phối Hợp Ý Nghĩa.
+ Phát triển mối quan hệ: Lý Thuyết Giảm Bớt Sự Bất Định, Lý Thuyết Thâm Nhập Xã Hội.
+ Mối quan hệ liên tục: Lý Thuyết Hệ Thống Quan Hệ, Dialectics Quan Hệ.
Tổ chức: Lý Thuyết Cơ Cấu, Lý Thuyết Kiểm Soát Kín Đáo và Tổ Chức.
+ Nhóm nhỏ: Lý Thuyết Chức Năng, Lý Thuyết Hội Tụ Biểu Tượng.
+ Xử lý và tác động của phương tiện truyền thông: Lý Thuyết Nhận Thức Xã Hội, Lý Thuyết Sử Dụng và Đáp Ứng.
+ Phương tiện truyền thông và xã hội: Định Hình Chương Trình Nghị Sự, Vòng Tròn Im Lặng, Lý Thuyết Hội Tụ Biểu Tượng.
+ Văn hóa: Lý Thuyết Mã Ngôn Từ, Lý Thuyết Bảo Vệ Mặt.
+ Tạo ra các thế giới xã hội: Quản Lý Phối Hợp Ý Nghĩa.
Tầm Quan Trọng của Triết Học Truyền thông
Mặc dù triết học truyền thông là một lĩnh vực tương đối mới, như chúng ta đã đề cập trước đó, truyền thông là một hoạt động cũ kỹ như chính nền văn minh loài người. Truyền thông là một yếu tố thiết yếu và quan trọng cho sự tiến bộ của nền văn minh loài người: nó cung cấp cơ sở cho việc tổ chức nỗ lực của con người nhằm đạt được các mục tiêu chung và, đồng thời, tạo ra những sự phân biệt và nhận dạng làm phong phú thêm chất lượng cuộc sống. Triết học liên quan đến truyền thông như thế nào? Có một số khía cạnh của triết học ảnh hưởng đến truyền thông như một hoạt động và quá trình.
Triết Học như là Bối Cảnh Của Truyền thông
Triết học đóng vai trò như là một bối cảnh cho việc truyền thông. Được xem như một hệ thống các quan điểm cơ bản và những định hướng ban đầu, triết học tạo nên bức tranh nền cho bất kỳ sự hiểu biết và truyền thông hiệu quả nào. Như vậy, triết học cung cấp những điều kiện tiềm ẩn cho việc truyền thông, và truyền thông lại dựa trên sự thiết lập sẵn của tư duy triết học. Ở đây, chúng ta giả định rằng truyền thông được thực hiện với mục đích nhằm đạt được sự hiểu biết, xây dựng niềm tin và kích thích hành động. Tuy nhiên, không thể nói về sự hiểu biết, niềm tin và hành động mà không có một cộng đồng tương tác cũng hiểu biết, tin tưởng và thực hiện hành động. Việc xác định điểm bắt đầu này trong việc đạt được sự hiểu biết, xây dựng niềm tin và kích thích hành động là cách duy nhất để truyền thông có thể diễn ra. Nhưng việc làm này chính là việc xác định một bối cảnh triết học cho truyền thông.
Triết Học như là Nội Dung Của Truyền thông
Mặt khác, triết học cũng có thể trở thành nội dung của truyền thông. Khi triết học là nội dung, cách thức nó được truyền đạt phụ thuộc vào chính triết học. Điều này trở nên rõ ràng khi ta đặt câu hỏi làm thế nào để dạy hoặc học triết học. Có nhiều cách khác nhau để dạy và học triết học, và chính các phương pháp này có thể tạo ra những kết quả khác biệt. Truyền thông về triết học - tức là truyền đạt về một hệ thống triết học - dẫn đến việc phát triển thêm tư duy triết học.
Triết Học Là Kim Chỉ Nam Cho Truyền thông
Mục đích chính của triết học truyền thông là để hiểu biết toàn diện quy trình truyền thông. Nó giúp ta nhận thức được cách thức và lý do truyền thông đạt được thành công hoặc thất bại. Trong quá trình này, nó buộc ta phải tự hỏi: Chuyện gì đang diễn ra khi ta truyền thông? Quá trình truyền thông này diễn ra như thế nào trong đời sống hàng ngày của ta? Làm sao và bao giờ ta biết được thông điệp truyền thông của mình là thật, có ý nghĩa và chính xác; rằng nó phản ánh đúng thực tế khách quan, chứ không chỉ là ‘quan điểm chủ quan’? Khi nào ta có thể khẳng định rằng truyền thông đã được thiết kế riêng cho cá nhân, tức là khi nào nó trở thành một mối quan tâm thực sự, cá nhân của một người? Việc suy ngẫm về quá trình truyền thông giúp ta nâng cao và làm sâu sắc hơn chất lượng truyền thông với người khác. Như vậy, triết học không chỉ mở rộng mà còn là kim chỉ nam cho cách nhìn, nói, nghe, ứng xử, kết nối, sống - nói chung là cách ta truyền thông với những người khác trong xã hội.
Nhiệm Vụ Của Triết Học Truyền thông
Việc giới thiệu triết học như một nội dung, một bối cảnh và là kim chỉ nam cho quá trình truyền thông sẽ giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề chưa được giải quyết trong truyền thông con người. Bằng cách xem xét ba cách thức quan trọng mà triết học liên quan đến lý thuyết truyền thông, chúng ta có thể:
i) nhận thức được triết lý cơ bản (lệch lạc trong cách suy nghĩ, các định kiến, phía sau truyền thông truyền thông đại chúng),
ii) phân tích một cách phê bình nội dung của nó (về mặt sự thật và khách quan), và
iii) sử dụng nó một cách tích cực và sáng tạo cho việc truyền thông ý nghĩa về giá trị trong cuộc sống thông qua các phương tiện truyền thông phi ngôn từ và ngôn từ, cũng như qua các phương tiện đa dạng (TV, radio, báo chí, tạp chí, phim ảnh, máy tính, internet, v.v.)
Tài liệu tham chiếu
1. Cheng, Chung-Ying (1987). ‘Chinese Philosophy and Contemporary Human Communication Theory’, in D. Lawrence Kincaid (Ed.), Communication theory: Eastern and Western Perspectives (322- 325). New York: Academic Press
2. Criag, Robert (2001). ‘Communication’, in Thomas O.
Sloane (Ed.), Encyclopedia of Rhetoric (126-127). New York: Oxford University Press.
3. D’Abreo, Desmond (1994). The Mass Media and You. Bombay: Better Yourself Books.
3. Krishnan, Sondhi (1985). Communication and Values. Bombay: Somaiya Publications.
4. McQuail, Denis & Windahl, Steve (1993). Communication Models for the Study of Mass Communication (2nd ed.). New York: Longman
Khu vực thử nghiệm đơn vị tài trợ