Tiêu chí của Thánh Gioan Phaolô II về việc sử dụng công nghệ mới
Trong thông điệp đầu tiên của mình, Thánh Gioan Phaolô II đã đưa ra một hướng dẫn ngắn gọn để đánh giá việc sử dụng công nghệ mới, có thể áp dụng cho Trí tuệ nhân tạo (AI, viết tắt từ Artificial Intelligence) và điện thoại thông minh.
Công nghệ đã tiến bộ vượt bậc trong 200 năm qua và tiếp tục với tốc độ ngày càng gia tăng.
Thánh Gioan Phaolô II đã nhận thấy điều này trong những năm 1970 và đã viết về nó trong thông điệp đầu tiên của mình với tư cách là giáo hoàng, Redemptor Hominis (Đấng Cứu Chuộc Con Người).
Nhìn chung, ngài hoan nghênh tiến bộ công nghệ, nhưng ngài muốn đảm bảo rằng công nghệ được sử dụng kết hợp với chuẩn mực đạo đức và luân lý Kitô giáo.
Sự phát triển của công nghệ và sự phát triển của nền văn minh đương đại, được đánh dấu bằng sự trỗi dậy của công nghệ, đòi hỏi một sự phát triển tương xứng về đạo đức và luân lý. Đối với hiện tại, sự phát triển về đạo đức và luân lý này dường như chẳng may lại luôn bị bỏ lại phía sau.
Sau đó, Thánh Gioan Phaolô II đã đưa ra một số tiêu chí mà ngài muốn chúng ta sử dụng khi xem xét những lợi ích của công nghệ mới.
Cuộc sống có “nhân văn” hơn không?
Tiêu chí đầu tiên của ngài khi đánh giá công nghệ là xem xét cách công nghệ tác động đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta:
Tiến trình này, với con người là tác giả và người thúc đẩy, có làm cho cuộc sống của con người trên trái đất trở nên “nhân văn hơn” trong mọi khía cạnh của cuộc sống hay không?
Điều này rất quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta đánh giá Trí tuệ nhân tạo (AI) và các thiết bị di động của mình, chẳng hạn như điện thoại thông minh, đồng hồ và kính thực tế ảo.
Chúng ta nên tự hỏi sau khi sử dụng những thứ như vậy rằng, “Tôi có cảm thấy mình nhân văn hơn không?”
Con người có đang trưởng thành hơn về mặt thiêng liêng hay không?
Một tiêu chí quan trọng khác là xem xét về trạng thái của con người và liệu những công nghệ mới này có tác động tích cực đến con người hay không, có giúp chúng ta trở thành những con người tốt hơn hay không:
Nhưng câu hỏi vẫn luôn quay trở lại về điều cốt yếu nhất - liệu trong bối cảnh tiến bộ này, con người, với tư cách là nhân loại, có thực sự trở nên tốt đẹp hơn hay không, tức là có trưởng thành hơn về mặt thiêng liêng, nhận thức rõ hơn về phẩm giá của con người mình, có trách nhiệm hơn, cởi mở hơn với người khác, đặc biệt là những người nghèo khổ và yếu đuối nhất, và sẵn sàng cho đi và giúp đỡ tất cả mọi người.
Bất cứ khi nào sử dụng công nghệ mới, chúng ta nên lùi lại và để ý xem đời sống thiêng liêng của mình đã chịu ảnh hưởng ra sao.
Chúng ta nên tự hỏi, “Tôi có gần Thiên Chúa hơn không? Có gần người hàng xóm bên cạnh không? Tôi có quan tâm đến những người trong cộng đồng địa phương của mình không?”
Cần đánh giá khách quan
Thật dễ dàng để trở nên phấn khích về tương lai và hoàn toàn đón nhận công nghệ mới, nhưng chúng ta cần khách quan hơn về điều đó, như Thánh Gioan Phaolô II giải thích:
Khi chúng ta quan sát và tham gia vào các quá trình này, chúng ta không thể để mình bị chế ngự chỉ bởi sự hưng phấn hoặc bị cuốn theo sự nhiệt tình một chiều đối với những thành quả của mình, nhưng tất cả chúng ta phải tự hỏi mình, với sự trung thực tuyệt đối, khách quan và ý thức trách nhiệm đạo đức, những câu hỏi thiết yếu liên quan đến tình hình của con người ngày nay và trong tương lai. Tất cả những thành quả đã đạt được cho đến nay và những chiến thắng được dự đoán cho tương lai về công nghệ có phù hợp với sự tiến bộ về mặt đạo đức và tinh thần của con người không?
Công nghệ có thể tốt cho nhân loại, nhưng đồng thời, nó không phải là vị cứu tinh của chúng ta.
Tác giả: Philip Kosloski - Nguồn: Aleteia (19/10/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên