Skip to content
Top banner

1971 Huấn thị Mục vụ “Hiệp thông và Phát triển”

THTT-01
2022-02-19 05:31 UTC+7 327

HUẤN THỊ MỤC VỤ

“HIỆP THÔNG VÀ PHÁT TRIỂN”

bàn về các phương tiện truyền thông xã hội

được thảo ra theo lệnh của Công đồng Vatican II.

Chuyển ngữ: Tu sĩ Lm. Phêrô Nguyễn Văn Dũng, OFM

GIỚI THIỆU

1. Hiệp thông và phát triển trong xã hội là những mục tiêu chính yếu của việc truyền thông xã hội và tất cả các phương tiện mà nó đang sử dụng. Những phương tiện này bao gồm báo chí, điện ảnh, đài phát thanh và truyền hình. Với sự cải tiến không ngừng, các phương tiện truyền thông đã tiếp cận được nhiều người và ngày càng được sử dụng phổ biến trong cuộc sống. Hơn bao giờ hết, cách sống và suy nghĩ của con người bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các phương tiện truyền thông này.

2. Giáo Hội nhìn nhận các phương tiện truyền thông như là “những món quà của Thiên Chúa” [1] mà, theo kế hoạch quan phòng của Ngài, kết nối con người trong tình huynh đệ và giúp họ hợp tác với kế hoạch cứu độ của Ngài. Sự hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thông xã hội và những đóng góp mà các phương tiện truyền thông mang lại cho xã hội hiện đại có thể được rút ra từ một số tài liệu của Công đồng Vatican II. Đặc biệt là Hiến chế về "Giáo hội trong thế giới ngày nay" [2], Sắc lệnh về "Đại kết" [3], Tuyên ngôn về "Tự do tôn giáo" [4], Sắc lệnh về "Hoạt động truyền giáo của Giáo hội" [5], và Sắc lệnh về "Nhiệm vụ mục vụ của các giám mục" [6]. Và, tất nhiên, có một Sắc lệnh hoàn toàn dành riêng cho việc thảo luận về "Các phương tiện truyền thông xã hội" [7].

Sự hiểu biết sâu sắc dựa trên giáo thuyết và tinh thần của Công đồng này sẽ hướng dẫn các Kitô hữu trong thái độ của họ đối với các phương tiện truyền thông và sẽ làm cho họ càng thêm nhiệt huyết dấn thân trong lĩnh vực này.

3. Huấn thị Mục vụ này được công bố theo chỉ đạo của Công đồng Vatican II,[8] trình bày các nguyên tắc giáo thuyết cơ bản và các hướng dẫn mục vụ chung. Nó cẩn thận tránh đi vào những thực hành chi tiết, vì sự biến chuyển không ngừng và những tiến bộ trong lãnh vực này, nên phải tùy điều kiện, thời gian và địa phương mới có thể xác định được.

4. Do đó, nhiệm vụ của các Giám mục và Hội đồng Giám mục địa phương cũng như các hội đồng Giáo Hội Đông phương, là tham vấn các chuyên gia và các hội đồng giáo phận, quốc gia và quốc tế của họ. Điều này không chỉ để thực hiện Huấn thị này một cách hiệu quả và trong tinh thần hiệp hành, mà còn để tìm ra cách tốt nhất để giải thích và điều chỉnh nó, càng chính xác càng tốt, theo nhu cầu của những người họ chăm sóc. Và họ sẽ luôn ghi nhớ nhằm thi hành nhiệm vụ này trong việc hướng đến sự hiệp nhất của Giáo hội.

Trong nhiệm vụ này, các Hội đồng Giám mục sẽ dựa vào sự hỗ trợ chuyên môn mà các linh mục, tu sĩ và giáo dân có thể cung cấp. Vì việc sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông xã hội là trách nhiệm của toàn thể Dân Chúa.

5. Huấn thị này hy vọng sẽ được đón nhận tích cực bởi tất cả những người làm việc chuyên nghiệp trong lĩnh vực truyền thông, và thực sự, bởi tất cả những ai có thiện chí, mong muốn sự tiến bộ của nhân loại. Nhờ vào việc trao đổi quan điểm và hợp tác với những người này, tiềm năng to lớn của các phương tiện truyền thông xã hội sẽ được khai thác hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung của mọi người.

PHẦN 1

QUAN ĐIỂM CỦA KITÔ GIÁO VỀ CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI:

NHỮNG ĐIỂM HỌC THUYẾT CƠ BẢN

6. Các kênh truyền thông xã hội, dù hướng đến từng cá nhân, nhưng lại tiếp cận và ảnh hưởng đến toàn xã hội [9]. Chúng cung cấp thông tin nhanh chóng cho một lượng lớn công chúng về những gì đang diễn ra trên thế giới và các quan điểm đương thời. Đó là lý do tại sao chúng không thể thiếu cho hoạt động nhịp nhàng uyển chuyển của xã hội hiện đại với những nhu cầu phức tạp và luôn thay đổi, cùng với những cuộc tham vấn liên tục và thường xuyên. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan niệm Kitô giáo về cách con người nên sống cùng nhau. Những tiến bộ kỹ thuật này có mục đích cao cả là đưa con người đến gần nhau hơn. Bằng cách truyền đạt những nỗi lo lắng và hy vọng chung, chúng giúp con người giải quyết những vấn đề đó. Đánh giá của Kitô giáo về sự đóng góp của các phương tiện truyền thông đối với phúc lợi của nhân loại được bắt nguồn từ nguyên tắc cơ bản này. 

7.  Trên khắp thế giới, con người đang nỗ lực cải thiện điều kiện sống và những kỳ quan khoa học mới nhất cùng các thành tựu kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc này. Quan điểm Kitô giáo về con người, về động lực và lịch sử của họ, xem sự phát triển này như một phản hồi đối với – nhiều khi vô ý thức – mệnh lệnh thiêng liêng "chiếm hữu và làm chủ thế giới" [10]. Sự tiến bộ này cũng được xem như một hành động cộng tác của con người vào trong công trình sáng tạo và bảo tồn của Thiên Chúa. (11).

Trong viễn ảnh này, các phương tiện truyền thông xã hội có vị trí thích hợp của chúng. Chúng đóng góp vào việc tăng gia sự liên kết giữa con người và khuyến khích sự cộng tác hỗ tương. Khi dựng nên con người theo hình ảnh Ngài, Thiên Chúa đã cho con người có thể thông phần vào quyền năng sáng tạo của Ngài. Do đó con người được mời gọi liên kết với toàn thể anh em mình để cùng nhau trong một sứ mạng chung, xây dựng thành trì trên địa cầu (12)

8. Truyền thông xã hội có xu hướng tăng cường các mối liên hệ trong xã hội và làm sâu sắc thêm ý thức cộng đồng. Kết quả là, cá nhân gắn bó chặt chẽ hơn với đồng loại của mình và có thể đóng góp vào sự phát triển của lịch sử như thể được dẫn dắt bởi bàn tay của Chúa [13]. Trong đức tin Kitô giáo, sự hiệp nhất và tình huynh đệ của con người là mục tiêu chính của mọi hình thức truyền thông, và những điều này vốn có căn nguyên và mô ảnh trong mầu nhiệm trung tâm của sự hiệp thông vĩnh cửu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong một sự sống thần linh duy nhất.

9. Các phương tiện truyền thông xã hội có thể đóng góp rất nhiều cho sự hiệp nhất của nhân loại. Tuy nhiên, nếu tâm trí và trái tim con người không được chuẩn bị tốt, nếu không có thiện chí, thì sự bùng nổ công nghệ này có thể tạo ra hiệu ứng ngược lại, dẫn đến ít sự hiểu biết và nhiều bất hòa hơn, và kết quả là các tệ nạn gia tăng. Quá thường xuyên, chúng ta phải chứng kiến việc truyền thông xã hội được sử dụng để mâu thuẫn hoặc làm hỏng các giá trị cơ bản của cuộc sống con người. Kitô hữu xem những điều xấu này là bằng chứng cho thấy con người cần được cứu chuộc và giải thoát khỏi tội lỗi đã đi vào lịch sử loài người từ sự sa ngã đầu tiên của con người (14).

10. Khi con người quay lưng lại với Đấng Tạo Hóa do lỗi của mình, hỗn loạn đã nối tiếp tội ác khiến cho con người sa vào sự bất hòa, tranh chấp huynh đệ tương tàn và cuối cùng không còn có thể giao tiếp thực sự với anh em đồng loại mình (15). Nhưng dù vậy, tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại không thể thúc thủ. Vì ngay từ khởi đầu lịch sử cứu độ chính Thiên Chúa đã đi bước trước trong việc gặp gỡ với con người [16] và khi tới thời viên mãn, Ngài lại thông ban chính mình cho nhân loại nữa (17) “và Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (18). Khi, bằng cái sự chết và phục sinh của mình, Chúa Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể, Ngôi Lời và Hình Ảnh của Thiên Chúa vô hình, đã giải phóng nhân loại (19), đã ban dồi dào cho mọi người chân lý và sự sống Thiên Chúa. Và Ngài đã ban một cách hào phóng và đại lượng hơn bao giờ hết. Là Đấng trung gian duy nhất giữa Chúa Cha và nhân loại, Chúa Kitô đã tạo hòa ước giữa Thiên Chúa và con người và đặt nền móng cho sự hiệp nhất giữa con người với nhau (20). Ngài đã truyền cho các môn đệ, đó là bất cứ khi nào và bất luận ở đâu (21), công bố Tin Mừng “giữa ban ngày” và “từ trên mái nhà” (22). Do đó, nền tảng và kiểu mẫu đầu tiên cho sự hiệp nhất giữa con người với nhau nằm sẵn nơi Thiên Chúa là Đấng đã trở thành người anh em của nhân loại trong con người Đức Giêsu Kitô.

11. Khi còn sống trên trần gian, Đức Kitô đã tỏ ra Ngài thật là con người “truyền thông” hoàn hảo. Qua sự "nhập thể" của Ngài, Chúa Kitô hoàn toàn đồng hóa mình với những người sẽ nhận thông điệp của Ngài và Ngài đã truyền đạt thông điệp không chỉ bằng lời nói mà còn bằng toàn bộ cách sống của Ngài. Ngài nói từ bên trong, tức là, từ sự áp lực của dân Ngài. Ngài giảng dạy thông điệp Thiên Chúa mà không sợ hãi hay thỏa hiệp. Ngài điều chỉnh theo cách nói và cách suy nghĩ của dân Ngài. Và Ngài nói ra từ hoàn cảnh khó khăn của thời đại họ.

Đàng khác, truyền thông không chỉ là sự biểu đạt tưởng và biểu lộ cảm xúc. Ở mức độ sâu sắc nhất, đó là sự trao hiến bản thân trong tình yêu, theo thực tại uyên thâm nhất của bản thể Ngài: truyền thông của Đức Kitô là “thần khí và sự sống” (23). Khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô đã để lại cho chúng ta hình thức hiệp thông trọn vẹn và thân mật nhất khả dĩ giữa Thiên Chúa và con người ở chốn trần gian này, và từ mối hiệp thông này dẫn đến mối giây chặt chẽ khắng khít nhất liên kết con người lại với nhau. Hơn nữa, Chúa Kitô đã truyền đạt cho chúng ta Thánh Thần ban sự sống của Ngài, Đấng mang tất cả mọi người lại với nhau trong sự hiệp nhất (24). Giáo hội là Thân Mình Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, nhiệm tích cuộc sống viên mãn của Chúa Kitô Vinh Hiển, Đấng "lấp đầy toàn bộ tạo vật". [25] Nhờ vậy mà chúng ta đang tăng triển trong Giáo Hội, dựa vào lời Chúa và các bí tích chúng ta tiến tới niềm hy vọng hiệp nhất cuối cùng nơi “Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự” (26).

12. Vì vậy, "giữa những phát minh kỹ thuật tuyệt vời" [27] thúc đẩy sự truyền thông giữa con người, người tín hữu khám phá ra những phương tiện này như là những khí cụ Chúa Quan phòng muốn dùng nhằm khuyến khích các mối quan hệ xã hội trong suốt cuộc lữ hành trần thế của họ. Thực tế, những phương tiện này giúp xây dựng các mối quan hệ mới và tạo ra một ngôn ngữ mới cho phép con người dễ hiểu biết nhau và gặp gỡ nhau hơn. Sự hiểu biết mau chóng hơn, thiện chí giữa đôi bên tự nhiên hơn, thì dẫn tới công chính và hòa bình, khoan dung và từ thiện, tương trợ, tình thân ái và cuối cùng là sự hiệp thông. Như vậy, các phương tiện truyền thông phải được kể là những tài nguyên và năng lượng hữu hiệu nhất con người có thể sử dụng để thắt chặt thêm tình bác ái, vốn vừa là nguyên nhân vừa là biểu hiện của mối hiệp thông.

13. Tất cả những người có thiện chí đều được tha thiết mời gọi cộng tác với nhau để làm cho các phương tiện truyền thông xã hội trở nên công cụ phục vụ việc tìm kiếm sự thật và sự tiến bộ của nhân loại. Người Kitô hữu lại càng cảm thấy có bổn phận cộng tác hơn vì tìm thấy trong đức tin của mình một động lực bổ sung để thi hành điều này. Và thông điệp của Tin Mừng được lan truyền theo cách này sẽ thúc đẩy ý tưởng về tình huynh đệ của con người dưới bóng tình thương hiền phụ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự hiệp nhất hỗ tương và cộng tác hữu hiệu giữa con người hoàn toàn dựa vào sự lựa chọn tự do vốn chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố tâm lý, xã hội và kỹ thuật. Vì vậy, tầm quan trọng và ý nghĩa cuối cùng của các phương tiện truyền thông phụ thuộc vào sự vận hành của sự lựa chọn tự do của con người trong việc sử dụng chúng.

14. Vì chính con người quyết định về cách sử dụng các phương tiện truyền thông có sẵn, nên các nguyên tắc luân lý đều hướng chúng phải dựa vào sự phân định thích đáng về phẩm giá con người đã được kêu gọi tham dự vào gia đình nghĩa tử Thiên Chúa. Đồng thời, những nguyên tắc này cũng xuất phát từ bản chất thiết yếu của truyền thông xã hội và từ những phẩm chất riêng của mỗi phương tiện. Điều này cũng phù hợp với những gì đã được đề cập trong Hiến chế “Vui mừng và Hy Vọng” (Gaudium et spes): “Chính theo tiêu chuẩn của công trình sáng tạo mà mọi sự vật đã được thiết định tùy sự vững chãi riêng, chân thực riêng, ưu phẩm riêng của nó với tất cả trật tự và định luật riêng của nó mà con người phải tôn trọng…” (28)

15. Bất cứ ai muốn thấy các phương tiện truyền thông đóng vai trò của mình trong lịch sử Sáng Tạo, trong Sự Nhập Thể và Sự Cứu Chuộc, và xem xét tính đạo đức điều chỉnh việc sử dụng chúng, phải có một sự hiểu biết đầy đủ và đúng đắn về con người. Họ cũng phải có kiến thức vững chắc về bản chất thực sự của truyền thông xã hội và các công cụ phục vụ nó. "Những người truyền thông" là tất cả những ai tích cực sử dụng các phương tiện truyền thông. Họ có nghĩa vụ lương tâm phải tự trang bị cho mình sự thành thạo trong nghệ thuật truyền thông xã hội để có thể hiệu quả trong công việc của mình (29). Và khi ảnh hưởng của một người đối với quá trình truyền thông tăng lên, thì nghĩa vụ này cũng tăng theo. Điều này càng áp dụng nhiều hơn đối với những người có nhiệm vụ hướng dẫn sở thích và phán đoán của người khác. Nó áp dụng cho những người phải dạy dỗ giới trẻ hoặc những người chưa được giáo dục. Và nó áp dụng cho tất cả những ai có thể bằng bất kỳ cách nào làm giàu hoặc làm nghèo bản chất con người, dù đó là một cá nhân hay một người trong đám đông.

"Người tiếp nhận" là những người, vì mục đích riêng của mình, đọc, nghe hoặc xem các phương tiện truyền thông khác nhau. Mọi nỗ lực cần được thực hiện để giúp họ hiểu về phương tiện truyền thông. Nhờ đó, họ sẽ có thể diễn giải chính xác thông điệp, thu được lợi ích đầy đủ và đóng góp vào đời sống xã hội. Chỉ khi điều này được thực hiện, các phương tiện truyền thông mới hoạt động theo cách tốt nhất có thể.

16. Tổng sản phẩm của các phương tiện truyền thông trong bất kỳ khu vực nào cũng nên được đánh giá dựa trên sự đóng góp của nó vào lợi ích chung (30). Tin tức, văn hóa và giải trí của nó phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Tin tức về một sự kiện đã xảy ra phải được cung cấp đầy đủ, cùng với bối cảnh của sự kiện đó để mọi người có thể hiểu rõ các vấn đề của xã hội và tìm cách giải quyết chúng. Cần duy trì một sự cân bằng hợp lý, không chỉ giữa tin tức quan trọng, tài liệu giáo dục và giải trí mà còn giữa các hình thức giải trí nhẹ nhàng và nghiêm túc hơn.

17. Mọi thông điệp truyền thông phải tuân thủ những yêu cầu thiết yếu như chân thành, trung thực và đúng sự thật. Ý định tốt và lương tâm trong sáng không đủ để làm cho một thông điệp trở nên đáng tin cậy. Một thông điệp phải nói lên sự thật. Nó phải phản ánh chính xác tình hình với tất cả những ngụ ý của nó. Giá trị đạo đức và tính hợp lệ của bất kỳ thông điệp nào không chỉ nằm ở chủ đề hoặc nội dung trí tuệ của nó. Cách thức trình bày, cách thức nói và xử lý, thậm chí cả đối tượng mà nó hướng đến - tất cả những yếu tố này đều phải được xem xét. (31)

18. Sự hiểu biết sâu sắc hơn và sự đồng cảm lớn hơn giữa con người, cùng với sự hợp tác hiệu quả trong công việc sáng tạo, là những lợi ích tuyệt vời mà truyền thông xã hội nên mang lại. Những lý tưởng này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Dân Chúa. Thực tế, chúng còn được củng cố và tăng cường bởi những mục tiêu này. “Vì cổ động sự hiệp nhất là điều rất am hạp với sứ mệnh sâu xa của Hội Thánh”, “vì trong Đức Kitô, Hội Thánh là Bí tích— tức vừa là dấu chỉ vừa là dụng cụ — cho sự kết hiệp mật thiết cùng Thiên Chúa và sự hiệp nhất của tất cả nhân loại” (32).

(bản văn tiếng Việt, vẫn còn tiếp...)


Nội dung toàn bản văn gốc tiếng Anh tại đây

Chia sẻ