Skip to content
Top banner

WCD 53rd 2019 “Chúng ta là phần thân thể của nhau” (Ep 4,25) Từ các cộng đồng mạng xã hội đến cộng đoàn nhân loại

THTT-01
2022-02-24 15:39 UTC+7 295
Từ khi có internet, Giáo Hội luôn tìm cách thúc đẩy sử dụng internet để giúp con người gặp gỡ nhau và liên đới với nhau. Qua Sứ điệp này, một lần nữa tôi muốn mời anh chị em suy ngẫm về nền tảng và tầm quan trọng của hữu-thể-có-tương-quan của chúng ta và

Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 53 - 2019

“Chúng ta là phần thân thể của nhau” (Ep 4,25)

Từ các cộng đồng mạng xã hội đến cộng đoàn nhân loại

Anh chị em thân mến,

Từ khi có internet, Giáo Hội luôn tìm cách thúc đẩy sử dụng internet để giúp con người gặp gỡ nhau và liên đới với nhau. Qua Sứ điệp này, một lần nữa tôi muốn mời anh chị em suy ngẫm về nền tảng và tầm quan trọng của hữu-thể-có-tương-quan của chúng ta và tái khám phá nỗi khao khát –giữa vô vàn thách thức của bối cảnh truyền thông hiện nay– của con người, vốn không muốn bị cô lập và cô đơn.

Những ẩn dụ về mạng và cộng đồng

Ngày nay, môi trường truyền thông mang tính áp đảo đến mức khó mà tách biệt khỏi lĩnh vực cuộc sống hằng ngày. Mạng là một nguồn tài nguyên của thời đại chúng ta. Đó là một nguồn tri ​​thức và các mối tương quan mà chúng ta chưa từng hình dung ra. Tuy nhiên, xét về những biến đổi sâu sắc mà công nghệ đã đem đến cho tiến trình sản xuất, phân phối và sử dụng nội dung, nhiều chuyên gia cũng nêu rõ những nguy cơ đe dọa việc tìm kiếm và chia sẻ thông tin xác thực trên quy mô toàn cầu. Nếu Internet tiêu biểu cho khả năng tiếp cận tri ​​thức một cách kỳ diệu, thì cũng đúng là nó đã cho thấy đó là một trong những lĩnh vực dễ bị bóp méo thông tin nhất và bị xuyên tạc cách cố ý, có nhắm mục tiêu đối với các các sự kiện và mối quan hệ giữa các cá nhân, thường được dùng để bôi nhọ nhau.

Chúng ta cần nhận ra cách thức các mạng xã hội, một mặt, giúp chúng ta kết nối, tái khám phá và hỗ trợ nhau tốt hơn, nhưng mặt khác, lại sẵn sàng thao túng dữ liệu cá nhân, nhằm đạt được lợi thế chính trị hoặc kinh tế, chẳng cần tôn trọng con người và quyền của con người. Thống kê cho thấy trong giới trẻ, cứ bốn người thì có một người liên quan đến các vụ bắt nạt qua mạng. [1]

Trong bối cảnh phức tạp này, thật hữu ích khi một lần nữa chúng ta suy ngẫm ẩn dụ vể mạng, vốn là nền tảng của Internet, để tái khám phá tiềm năng tích cực của nó. Hình ảnh của mạng mời gọi chúng ta suy nghĩ về tính đa dạng của các con đường và các giao điểm bảo đảm cho nó được ổn định khi không có một trung tâm, một cơ cấu có cấp bậc, một hình thức tổ chức theo chiều dọc. Mạng lưới hoạt động nhờ sự chia sẻ trách nhiệm giữa các yếu tố.

Từ quan điểm nhân học, ẩn dụ về mạng nhắc nhớ một hình ảnh có ý nghĩa khác: cộng đoàn. Một cộng đoàn sẽ mạnh mẽ hơn nhiều nếu nó có tính gắn kết và nâng đỡ, nếu nó được linh hoạt bởi cảm giác tin tưởng và theo đuổi các mục tiêu chung. Cộng đoàn như một mạng lưới của tình liên đới đòi hỏi phải lắng nghe và đối thoại với nhau, dựa trên việc sử dụng ngôn ngữ có trách nhiệm.

Trong bối cảnh hiện nay, mọi người đều thấy rõ rằng các cộng đồng mạng xã hội không đương nhiên đồng nghĩa với cộng đoàn. Trong những trường hợp tốt đẹp nhất, các cộng đồng ảo này có thể chứng tỏ tính gắn kết và tình liên đới, nhưng thường thì chúng vẫn chỉ đơn giản là các nhóm cá nhân nhận biết nhau thông qua các lợi ích hoặc mối quan tâm chung, đặc trưng bởi những mối liên kết yếu ớt. Hơn nữa, ở mạng xã hội, căn tính rất thường dựa trên tính đối lập với người khác, với người ngoài nhóm: chúng ta tự định nghĩa mình khởi đi bằng những gì chia rẽ thay vì liên kết chúng ta, bằng cách gây ra ngờ vực và tuôn ra mọi thứ định kiến (về sắc tộc, giới tính, tôn giáo và các lĩnh vực khác). Xu hướng này dung dưỡng các nhóm vốn loại trừ tính đa dạng, và –ngay trong môi trường kỹ thuật số– đề cao chủ nghĩa cá nhân cực độ, có khi đi đến chỗ kích động vòng xoáy hận thù. Như thế, mạng lẽ ra phải là một cửa sổ mở ra với thế giới thì lại trở thành sàn diễn để thể hiện thói tự sùng bái cá nhân.

Mạng là một cơ hội để thúc đẩy việc gặp gỡ người khác, nhưng cũng có thể làm tăng thêm sự tự cô lập của chúng ta, giống như một mạng nhện có thể là một cái bẫy. Những người trẻ là những người có ảo tưởng nhiêu nhất rằng mạng xã hội hoàn toàn có thể làm cho họ thỏa mãn về mặt tương quan. Có một hiện tượng nguy hiểm là có những người trẻ đang trở thành những “ẩn sĩ xã hội”, có nguy cơ tách mình hoàn toàn khỏi xã hội. Tình trạng bi thảm này cho thấy một sự rạn nứt nghiêm trọng trong cấu trúc quan hệ của xã hội, một điều chúng ta không thể làm ngơ.

Thực tế đa dạng và nguy hiểm này đặt ra nhiều vấn nạn về đạo đức, xã hội, luật pháp, chính trị và kinh tế, đồng thời thách đố cả Giáo Hội nữa. Trong khi các chính phủ tìm kiếm những quy định pháp lý để bảo vệ quan điểm ban đầu về một mạng lưới tự do, cởi mở và an toàn, tất cả chúng ta đều có khả năng và có trách nhiệm thúc đẩy việc sử dụng mạng một cách tích cực.

Rõ ràng, việc mở rộng các kết nối để gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau là không đủ. Vậy, làm sao chúng ta có thể tìm thấy căn tính cộng đoàn thực sự của mình, cũng như nhận thức được trách nhiệm của chúng ta đối với nhau ở trên mạng?

Chúng ta là chi thể của nhau

Một câu trả lời khả dĩ có thể được rút ra từ ẩn dụ thứ ba: ẩn dụ về thân mình và các chi thể, mà Thánh Phaolô dùng để mô tả mối liên hệ hỗ tương giữa mọi người, dựa trên cộng đoàn hợp nhất họ. “Vì vậy, hãy gạt bỏ sự dối trá, hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là chi thể của nhau” (Ep 4,25). Trở nên chi thể của nhau là động lực sâu xa mà vị Tông đồ mời gọi chúng ta hãy dùng để gạt bỏ sự dối trá và nói lên sự thật: bổn phận bảo vệ sự thật ấy phát sinh từ nhu cầu không phủ nhận mối tương quan hiệp thông với nhau. Sự thật được tỏ lộ trong mối hiệp thông. Trái lại, dối trá là ích kỷ phủ nhận việc chúng ta là chi thể của một thân mình; là từ chối hiến mình cho người khác, do đó đánh mất phương cách duy nhất để tìm gặp chính mình.

Ẩn dụ về thân mình và các chi thể giúp chúng ta suy ngẫm về căn tính của mình, vốn dựa trên tính hiệp thông và “tính khác biệt”. Là Kitô hữu, tất cả chúng ta đều nhìn nhận rằng mình là chi thể của một thân thể mà Đầu là Đức Kitô. Điều này giúp chúng ta không nhìn mọi người như những đối thủ tiềm ẩn, nhưng coi cả kẻ thù như những nhân vị. Chúng ta không còn cần có kẻ thù để khẳng định mình, bởi vì cái nhìn bao gồm mọi người mà chúng ta học được nơi Chúa Kitô dẫn chúng ta đến chỗ khám phá sự khác biệt theo một cách thức mới, như một phần không thể thiếu và là điều kiện của mối tương quan và sự gần gũi.

Khả năng hiểu nhau và truyền thông giữa con người như vậy dựa trên mối hiệp thông yêu thương giữa các Ngôi vị Thiên Chúa. Thiên Chúa không Đơn độc, nhưng Thiên Chúa là Hiệp thông; Người là Tình yêu, vì thế nên có sự truyền thông, bởi vì tình yêu luôn truyền thông; thật vậy, tình yêu truyền thông chính mình để gặp người khác. Để truyền thông với chúng ta và để thông truyền chính Người cho chúng ta, Thiên Chúa đã thích ứng với ngôn ngữ của chúng ta, bằng cách thiết lập một cuộc đối thoại thực sự với nhân loại trong suốt lịch sử (x. Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum, 2).

Nhờ việc chúng ta được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, Đấng là sự hiệp thông và thông truyền chính Mình, chúng ta mãi mãi mang trong lòng mình nỗi khao khát được sống trong sự hiệp thông, được thuộc về một cộng đồng. Thánh Basiliô nói rằng: “Thật vậy, không có gì diễn tả bản tính của chúng ta rõ rệt hơn là khi chúng ta tương quan với nhau, cần đến nhau”. [2]

Bối cảnh hiện nay mời gọi tất cả chúng ta dấn thân xây dựng các mối tương quan và khẳng định bản chất liên vị của nhân loại chúng ta, cả trên mạng và thông qua mạng. Huống chi, là Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi biểu lộ mối hiệp thông ấy – là đặc trưng căn tính của người tín hữu. Thật vậy, chính đức tin là một mối tương quan, một cuộc gặp gỡ; và nhờ sự thúc đẩy của tình yêu Thiên Chúa, chúng ta mới có thể truyền thông, đón nhận và hiểu được món quà tặng của tha nhân để đáp lại.

Hiệp thông trong hình ảnh của Ba Ngôi chính xác là điều làm cho nhân vị khác với cá nhân. Niềm tin vào Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi dẫn đến điêu này: để trở thành chính mình, tôi cần những người khác. Tôi chỉ thực sự là con người, thực sự là một nhân vị, khi tôi có tương quan với người khác. Trong thực tế, từ “person” để chỉ con người có một khuôn mặt, hướng về người khác, có liên quan đến người khác. Đời sống của chúng ta càng trở nên con người hơn khi ít tính cá nhân đi và mang tính nhân vị nhiểu hơn; chúng ta thấy được con đường đích thực trở thành con người hơn này nơi một người đi từ một cá nhân – nhìn người khác như là đối thủ, đến một nhân vị – nhìn nhận người khác như bạn đồng hành.

Từ “like” đến “amen”  

Hình ảnh thân xác và các chi thể nhắc nhở chúng ta rằng việc sử dụng mạng xã hội là bổ trợ cho cuộc gặp gỡ bằng xương thịt, vốn sống động nhờ thân xác, con tim, đôi mắt, ánh nhìn, hơi thở của người khác. Nếu mạng được sử dụng như để nối dài hoặc mong đợi một cuộc gặp gỡ như thế, thì khái niệm mạng không mâu thuẫn và vẫn là một tài nguyên cho sự hiệp thông. Nếu một gia đình sử dụng mạng để kết nối nhiều hơn, để rồi gặp nhau ở bàn ăn và nhìn vào mắt nhau, thì đó là một tài nguyên. Nếu một cộng đoàn Hội Thánh phối hợp hoạt động của mình thông qua mạng lưới, rồi sau đó cùng nhau cử hành bí tích Thánh Thể, thì đó là một tài nguyên. Nếu mạng trở thành một cơ hội để chia sẻ những câu chuyện và những kinh nghiệm về cái đẹp hay đau khổ ở xa chúng ta, để cùng nhau cầu nguyện và cùng nhau tìm kiếm điều tốt đẹp để tái khám phá lại những gì hợp nhất chúng ta, thì đó là một nguồn tài nguyên.

Như thế, chúng ta có thể đi từ việc chẩn đoán sang điều trị: bằng cách mở ra con đường cho đối thoại, cho gặp gỡ, cho nụ cười, cho sự dịu dàng… Đó là mạng lưới mà chúng ta muốn có, một mạng lưới được tạo ra không phải để gài bẫy, mà là để giải thoát, để bảo vệ sự hiệp thông của những con người tự do. Chính Giáo Hội là một mạng lưới được dệt bởi sự hiệp thông Thánh Thể, ở đó sự hiệp nhất không phải dựa trên những nút “like”, mà dựa trên sự thật, trên “Amen”, nhờ đó mỗi người bám chặt vào Thân mình Chúa Kitô và đón nhận người khác.


Vatican, ngày 24 tháng 1 năm 2019,

Lễ nhớ Thánh Phanxicô Salêsiô

+ PHANXICÔ

____________________

[1] Để ngăn chặn hiện tượng này, một Uỷ ban Quốc tế Ngăn chặn nạn Bắt nạt qua Mạng sẽ được thành lập, trụ sở chính đặt tại Vatican.

[2] Luật Dài, III, 1: PG 31, 917; x. Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 43 (2009).


Đọc bản văn gốc tiếng anh tại đây

Chia sẻ