WCD 47th 2013 Các mạng xã hội: Những cánh cửa sự thật và đức tin; những không gian mới của việc rao giảng Tin Mừng
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 47 của ĐTC Bênêđictô XVI
Ngày 24-1-2013, Đức Thánh Cha đã công bố sứ điệp nhân dịp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 47 với chủ đề “Các mạng xã hội: Những cánh cửa sự thật và đức tin; những không gian mới của việc rao giảng Tin Mừng”. Sứ điệp được công bố bằng 8 thứ tiếng. Sau đây là toàn văn sứ điệp của Đức Thánh Cha.
“Các mạng xã hội: Những cánh cửa sự thật và đức tin; những không gian mới của việc rao giảng Tin Mừng”
(Chúa Nhật 12-5-2013)
Anh chị em thân mến,
Ngày thế giới truyền thông năm 2013 đến gần, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài phản tỉnh về thực tại ngày càng quan trọng liên quan đến cách thức mà ngày nay chúng ta giao tiếp với nhau. Tôi muốn xem xét về sự phát triển của mạng lưới xã hội kỹ thuật số vốn đang tạo ra một “agora” mới, là một quảng trường mở ra để mọi người có thể đến và chia sẻ quan điểm, thông tin và ý kiến của mình, và cũng nơi đây những mối tương quan mới và các kiểu mẫu về cộng đồng xuất hiện.
Các không gian này nếu được sử dụng một cách khôn ngoan và đúng đắn, chúng sẽ cổ vũ các hình thức đối thoại và tranh luận; và nếu tôn trọng và quan tâm đến sự riêng tư, trách nhiệm và chân lý, chúng có thể thúc đẩy mối dây hiệp nhất giữa các cá nhân và thăng tiến một cách hiệu quả sự hoà hợp của gia đình nhân loại. Sự trao đổi thông tin có thể trở thành truyền thông đích thực, thành mối dây liên kết tình bạn và những nối kết tương trợ sự hiệp thông. Để nhận ra tiềm năng lớn lao nơi các mạng lưới này, những người dấn thân vào đó cần phải nỗ lực trở nên trung thực vì, trong những không gian đó, họ không chỉ chia sẻ ý kiến hay thông tin mà còn chia sẻ chính bản thân mình.
Sự phát triển của các mạng lưới truyền thông cũng mời gọi một sự dấn thân: mọi người phải dấn thân xây dựng các mối tương quan và tình bạn, trả lời các câu hỏi trong niềm vui, và hơn hết là tìm kiếm những khích lệ về mặt trí thức, chia sẻ thông tin và kiến thức. Những mạng lưới này ngày càng trở thành một phần quan trọng của cơ cấu xã hội, vì chúng giúp mọi người đến với nhau trên cơ sở của những nhu cầu cơ bản ấy. Như thế, các mạng lưới xã hội cần được nuôi dưỡng bởi những gợi hứng vốn cắm rễ sâu trong trái tim con người.
Văn hoá của các mạng lưới xã hội và những thay đổi trong các phương tiện cũng như cách thế truyền thông đưa ra những thách đố lớn lao cho những ai muốn nói về chân lý và các giá trị. Cũng như những phương tiện truyền thông xã hội khác, tầm quan trọng và hiệu quả của các phương thức diễn tả khác nhau dường như được xác định bởi sự nổi tiếng của chúng hơn là bởi giá trị và tầm quan trọng vốn có. Tính đại chúng thường liên kết với tiếng tăm và các chiến lược nhằm thuyết phục người khác hơn là logic của lập luận. Đôi khi tiếng nói nhẹ nhàng của lý trí có thể bị đè bẹp bởi sự ầm ĩ của những thông tin mang tính phóng đại, và do đó không thể lôi cuốn như những thứ khác vốn có một cách diễn tả thuyết phục hơn.
Mạng lưới truyền thông xã hội thực sự cần sự dấn thân của tất cả những ai ý thức về giá trị của đối thoại, những cuộc tranh luận tri thức và lập luận logic, cũng như của những người nỗ lực nuôi dưỡng những hình thức đàm thoại và diễn đạt vốn lôi cuốn những khát vọng cao đẹp của những ai tham gia vào tiến trình truyền thông. Các cuộc đối thoại và thảo luận có thể được dưỡng nuôi và lớn lên khi chúng ta đối thoại với và quan tâm đến những người mà quan điểm của họ đôi khi khác với quan điểm của chúng ta. “Vì thực tại của các nền văn hóa rất đa dạng nên con người không chỉ cần chấp nhận sự hiện hữu của nền văn hóa khác, mà còn cần để cho nó gợi hứng và làm phong phú chính mình và mở ra để đón nhận những gì là tốt lành, đúng đắn và cao đẹp” (Bài nói chuyện trong cuộc gặp gỡ nhân Ngày Văn hoá Thế giới năm 2010).
Thách đố mà mạng truyền thông xã hội đang đối diện thì cũng bao gồm việc làm thế nào để chúng mang lại lợi ích từ sự tham gia đầy đủ của những người tin, những người khao khát chia sẻ sứ điệp của Đức Kitô và giá trị của phẩm giá con người vốn được giáo huấn của Ngài khích lệ. Các tín hữu ngày càng nhận thức rằng nếu Tin Mừng không được phổ biến cả trong những môi trường kỹ thuật số, thì có thể sẽ vắng bóng trong kinh nghiệm của nhiều người, vốn coi không gian này của cuộc sống là điều quan trọng. Môi trường kỹ thuật số không phải là một thế giới song song hay chỉ là một thế giới ảo, nhưng là thành phần của thực tại thường nhật của nhiều người, nhất là của giới trẻ. Các mạng truyền thông xã hội là kết quả của những tương tác giữa người với người, nhưng đến lượt mình, các mạng lưới này cũng hình thành những năng động của truyền thông vốn xây dựng các mối tương quan: do đó, một sự hiểu biết đúng đắn về môi trường này là đòi hỏi phải có trước hết để có thể hiện diện một cách ý nghĩa trên đó.
Khả năng sử dụng các ngôn ngữ mới là điều được đòi hỏi, không chỉ để bắt kịp với thời đại, mà còn để giúp sự phong phú vô hạn của Tin Mừng có thể tìm thấy những hình thức diễn tả thích hợp để có thể đi vào tâm trí và con tim của mọi người. Trong môi trường kỹ thuật số, những bài viết cần được song hành với hình ảnh và âm thanh. Như trong các dụ ngôn của Đức Giêsu, truyền thông hiệu qủa cần phải thu hút trí tưởng tượng và tình cảm của những người mà ta muốn mời họ đi vào một cuộc gặp gỡ với Mầu nhiệm Tình Yêu của Đức Giêsu. Bên cạnh đó, chúng ta biết rằng, truyền thống Kitô giáo rất phong phú về các dấu chỉ và biểu tượng: ví dụ, tôi nghĩ về Thánh giá, các icon, hình ảnh của Đức Trinh Nữ Maria, Hang đá Giáng sinh, các cửa sổ kính màu và các bức ảnh trong các thánh đường. Một phần phần quan trọng của di sản nghệ thuật nhân loại được sáng tạo bởi các hoạ sĩ và nhạc sĩ khi họ nỗ lực để diễn tả chân lý đức tin.
Trong các mạng lưới xã hội, các tín hữu phải bày tỏ sự chân thành của mình ngang qua việc chia sẻ nguồn mạch sâu xa mang lại cho các tín hữu ấy niềm hy vọng và vui tươi: đó là niềm tin nơi Thiên Chúa giàu lòng từ bi và tình thương được mạc khải trong Đức Giêsu Kitô. Sự chia sẻ ấy không phải chỉ hệ tại ở việc biểu lộ đức tin một cách tỏ tường, nhưng còn hệ tại chứng tá, nghĩa là qua cách thức ta thông truyền “những chọn lựa, những sở thích, phán đoán, phù hợp sâu xa với Tin Mừng, cho dù ta không minh nhiên nói về Tin Mừng” (Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội 2011).
Một cách làm chứng tá có ý nghĩa đặc biệt, đó là khao khát trao ban chính mình cho tha nhân qua thái độ sẵn sàng can dự vào những vấn nạn và những nghi ngờ của tha nhân, trong thái độ kiên nhẫn và tôn trọng, trên hành trình của họ tìm kiếm chân lý và ý nghĩa cuộc sống. Cuộc đối thoại ngày càng gia tăng về đức tin và tín ngưỡng trên các mạng xã hội xác nhận tầm quan trọng của tôn giáo trong cuộc thảo luận công khai và trong đời sống xã hội.
Đối với những ai đón nhận món quà đức tin với trái tim rộng mở, câu trả lời triệt để nhất cho các vấn nạn của con người về tình yêu, chân lý và ý nghĩa cuộc sống - những vấn nạn chắc chắn không thể vắng bóng trong các mạng xã hội - được tìm thấy nơi con người Đức Giêsu Kitô. Đó là một điều tự nhiên khi những người có đức tin khao khát chia sẻ, với thái độ tôn trọng và lịch sự, với những ai mà họ gặp trên diễn đàn kỹ thuật số. Tuy nhiên, một cách tối hậu, nếu như những nỗ lực chia sẻ Tin Mừng của chúng ta trổ sinh hoa trái đó là vì quyền năng Lời của Thiên Chúa tự nó đã đụng chạm đến con tim của tha nhân, trước bất kỳ nỗ lực nào của ta. Niềm tín thác nơi hoạt động quyền năng của Thiên Chúa luôn phải vượt lên trên mọi cậy dựa vào việc sử dụng các phương thế của nhân loại. Cả trong lĩnh vực kỹ thuật số, trong đó người ta dễ gióng lên những tiếng nói gay go và xung đột, nơi mà chủ nghĩa duy cảm có nguy cơ lấn át, chúng ta được mời gọi lưu tâm để phân định. Liên quan đến vấn đề này, chúng ta hãy nhớ lại rằng, Ngôn sứ Isaia nhận ra tiếng Chúa không phải trong gió to bão lớn, không phải trong động đất hay lửa, nhưng trong “tiếng gió hiu hiu” (Cv 19,11-12). Chúng ta cần phải tin rằng, khao khát nền tảng của con người là yêu, được yêu, tìm thấy ý nghĩa và chân lý - một khao khát mà chính Thiên Chúa đã đặt để trong trái tim của mỗi người nam và người nữ - khao khát đó khiến cho con người của thời đại không ngừng mở ra với điều mà Chân phước Hồng y Newman gọi là “ánh sáng đức tin tốt lành”.
Các mạng lưới truyền thông xã hội, ngoài việc trở nên một phương tiện của truyền bá Phúc Âm, còn là một yếu tố trong sự phát triển của con người. Ví dụ, ở những nơi mà vì bối cảnh địa lý và văn hoá các Kitô hữu cảm thấy bị cô lập, các mạng truyền thông xã hội có thể củng cố cảm thức thuộc về cộng đoàn hoàn vũ của các tín hữu. Các mạng lưới truyền thông có thể làm cho việc chia sẻ các nguồn mạch về linh đạo và phụng vụ diễn ra một cách dễ dàng, giúp mọi người cảm thấy gần gũi hơn với những người chia sẻ cùng niềm tin trong khi cầu nguyện. Một sự dấn thân chân thực và có tính tương tác với câu hỏi và vấn nạn của những người đang ở xa đức tin làm cho chúng ta nhận thấy nhu cầu cần phải nuôi dưỡng, bằng cầu nguyện và phản tỉnh, đức tin của chúng ta trong sự hiện diện của Thiên Chúa cũng như trong việc thực hành đức ái: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1 Cr 13,1).
Trong thế giới kỹ thuật số, có những mạng lưới xã hội giúp cho con người thời nay có cơ hội cầu nguyện, suy niệm và chia sẻ Lời Chúa. Thế nhưng, các mạng lưới này cũng mở ra cánh cửa cho các chiều kích khác của niềm tin. Nhờ vào những liên lạc ban đầu trên mạng, nhiều người khám phá ra tầm quan trọng của những cuộc gặp gỡ trực tiếp, kinh nghiệm của đời sống cộng đoàn và thậm chí là kinh nghiệm hành hương, những yếu tố quan trọng trong hành trình đức tin. Cần phải có sự thống nhất và nhất quán trong khi diễn tả đức tin và làm chứng cho Tin Mừng trong mọi thực tại mà chúng ta sống, cho dù đó là thể lý hay kỹ thuật số. Khi tìm cách làm cho Tin Mừng hiện diện trong môi trường kỹ thuật số, chúng ta có thể mời gọi mọi người gặp gỡ nhau để cầu nguyện hoặc cử hành phụng vụ tại những nơi cụ thể như nhà thờ hoặc nhà nguyện... Khi chúng ta hiện diện với tha nhân, bằng bất cứ cách nào, chúng ta được mời gọi làm cho tha nhân nhận biết tình thương của Thiên Chúa cho đến tận bờ cõi trái đất.
Tôi nguyện xin Thần Khí Thiên Chúa đồng hành với anh chị em và soi sáng cho anh chị em luôn mãi. Tôi cũng chân thành ban phép lành cho tất cả mọi người, ước gì anh chị em sẽ là những sứ giả và chứng nhân Tin Mừng đích thực: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Từ Vatican, ngày 24 tháng 1 năm 2013
Bênêđictô XVI, Giáo hoàng
Nguyễn Minh Triệu, SJ, chuyển ngữ
Nguồn: RV
Đọc bản văn gốc tiếng anh tại đây