WCD 45th 2011 Chân lý, việc loan báo và tính xác thực của cuộc sống trong thời đại kỹ thuật số
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 45 của ĐGH Bênêđictô XVI
Trong thời đại kỹ thuật số, mỗi người được đặt đối diện với điều cần thiết là phải trở thành một con người chân thành và có suy nghĩ. Ngoài ra, những năng động của các mạng xã hội cho ta thấy rằng con người bao giờ cũng liên can đến những gì mình truyền thông. Ngay khi mọi người trao đổi thông tin cho nhau, thì họ đã chia sẻ về chính mình, về thế giới quan, về những hy vọng và những lý tưởng của mình. Kết quả là người Kitô hữu có một cách thế hiện diện trong thế giới kỹ thuật số: cách hiện diện này được cụ thể hoá trong một hình thức truyền thông trung thực và cởi mở, có trách nhiệm và biết tôn trọng người khác.
***
“Chân lý, việc loan báo và tính xác thực của cuộc sống trong thời đại kỹ thuật số”
(5-6-2011)
Anh chị em thân mến,
Nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 45, tôi muốn chia sẻ một vài suy nghĩ được gợi lên do một sự kiện đặc trưng của thời đại chúng ta, đó là sự bành trướng của truyền thông qua mạng Internet. Người ta ngày càng xác tín rằng, cũng như cuộc cách mạng công nghiệp đã làm phát sinh một sự thay đổi sâu rộng trong xã hội, qua những sáng kiến mới được đưa vào chu trình sản xuất và trong đời sống người lao động, thì cũng thế, ngày hôm nay, sự biến đổi sâu rộng được thể hiện trong lĩnh vực truyền thông cũng đang hướng dẫn dòng chảy của những biến đổi lớn lao về mặt xã hội và văn hoá. Các công nghệ mới không chỉ thay đổi cách thức truyền thông, mà còn thay đổi cả chính bản chất của truyền thông. Như thế, chúng ta có thể khẳng định rằng mình đang tham dự vào một sự thay đổi lớn rộng về mặt văn hoá. Một hệ thống phổ biến các thông tin và kiến thức như thế đã phát sinh một cách thế học hỏi và suy tư mới, với những cơ hội mới thật độc đáo trong việc thiết lập những mối tương quan và xây dựng tình hiệp thông.
Người ta đang nghiên cứu các mục tiêu mà trước đây chưa hề nghĩ tưởng ra, chúng làm cho chúng ta phải ngạc nhiên do những khả năng mà những phương tiện mới mang lại, và đồng thời, ngày càng cấp bách đòi hỏi ta phải có một suy tư nghiêm túc về ý nghĩa của truyền thông trong thời đại kỹ thuật số. Điều này thật rõ ràng khi ta đối diện với những tiềm năng phi thường của mạng Internet, cũng như những ứng dụng phức tạp của nó. Như bất cứ thành quả nào nhờ sự tài tình của con người mang lại, thì những công nghệ truyền thông mới cũng phải được sử dụng để phục vụ thiện ích toàn diện của cá nhân và của toàn thể nhân loại. Nếu được sử dụng một cách khôn ngoan, những công nghệ mới mẻ này sẽ có thể góp phần làm thoả mãn ước muốn về ý nghĩa, chân lý và sự hiệp nhất, là nỗi khát vọng sâu xa nhất của con người.
Trong thế giới kỹ thuật số, việc truyền tải thông tin luôn có nghĩa là nhập những thông tin ấy vào trong một mạng lưới xã hội, nơi kiến thức được chia sẻ trong một bối cảnh trao đổi giữa con người với nhau. Sự phân biệt rõ ràng giữa nhà sản xuất và người tiếp cận thông tin chỉ mang tính tương đối, và việc truyền thông có khuynh hướng không chỉ là một sự trao đổi dữ kiện, mà luôn được xem là một sự chia sẻ. Động thái này đã góp phần vào việc lượng giá lại việc truyền thông, trước tiên được xem như một cuộc đối thoại, trao đổi, liên đới và tạo nên những mối tương quan tích cực. Mặt khác, điều này cũng gặp phải một vài hạn chế tiêu biểu của việc truyền thông kỹ thuật số: tính thiên vị trong việc tương tác, khuynh hướng chỉ truyền tải một vài khía cạnh trong thế giới nội tâm của mình, nguy cơ rơi vào một thứ xây dựng hình ảnh cá nhân, điều có thể dẫn đến sự tự mãn.
Đặc biệt các bạn trẻ trải nghiệm được sự thay đổi về truyền thông này, với tất cả nỗi âu lo, những mâu thuẫn và khả năng sáng tạo, là nét đặc thù của những ai biết mở ra với những kinh nghiệm mới mẻ về cuộc đời, bằng sự nhiệt thành và cả tính tò mò. Sự liên can luôn quan trọng trên đấu trường kỹ thuật số đại chúng, là đấu trường được tạo nên do cái mà chúng ta gọi là “mạng lưới xã hội”, mạng lưới dẫn ta đến việc thiết lập những hình thức mới về những mối tương quan liên vị, ảnh hưởng đến nhận thức về bản thân, và như thế không thể tránh khỏi việc đặt ra câu hỏi không những về tính đứng đắn của hành động cá nhân, nhưng còn đặt ra câu hỏi về tính xác thực của hữu thể. Sự hiện diện trong những khoảng không gian ảo này có thể là dấu chỉ của một sự tìm kiếm đích thực về cuộc gặp gỡ cá nhân với người khác, nếu ta biết thận trọng để tránh những nguy hiểm, chúng ẩn mình trong một loại thế giới song song, hay len lỏi trong thế giới ảo. Trong việc tìm kiếm sự chia sẻ, “tình bằng hữu”, ta phải đặt mình đối diện với thách đố về tính đích thực, trung thực với chính mình, không chiều theo ảo tưởng muốn xây dựng một cách giả tạo “hình dáng” công khai của mình.
Những công nghệ mới cho phép mọi người vượt ra ngoài ranh giới của không gian và các nền văn hoá để gặp gỡ nhau, và như thế, khai mở một thế giới hoàn toàn mới mẻ về tình bạn tiềm tàng. Đây là một cơ hội lớn, nhưng cũng bao hàm một sự thận trọng nhiều hơn, và một sự ý thức đối với những nguy cơ có thể xảy ra. Ai là “người thân cận” của tôi trong thế giới mới này? Phải chăng có nguy cơ chúng ta ít quan tâm đến việc gặp gỡ những người khác trong đời sống thường nhật? Phải chăng chúng ta có nguy cơ bị phân tâm, bởi vì sự chú ý của chúng ta bị phân tán và bị mất hút trong một thế giới “khác” với thế giới chúng ta đang sống? Và liệu chúng ta có đủ thời gian để tiến hành một cuộc phân định với óc phê bình những chọn lựa của chúng ta, và nuôi dưỡng những mối tương giao nhân vị thật sự sâu xa và bền vững không? Điều quan trọng là chúng ta phải luôn nhớ rằng việc tiếp xúc ảo không thể và không được thay thế cuộc tiếp xúc nhân vị trực tiếp với những con người ở mọi bình diện trong đời sống chúng ta.
Ngay cả trong thời đại kỹ thuật số, mỗi người được đặt đối diện với điều cần thiết là phải trở thành một con người chân thành và có suy nghĩ. Ngoài ra, những năng động của các mạng xã hội cho ta thấy rằng con người bao giờ cũng liên can đến những gì mình truyền thông. Ngay khi mọi người trao đổi thông tin cho nhau, thì họ đã chia sẻ về chính mình, về thế giới quan, về những hy vọng và những lý tưởng của mình. Kết quả là người Kitô hữu có một cách thế hiện diện trong thế giới kỹ thuật số: cách hiện diện này được cụ thể hoá trong một hình thức truyền thông trung thực và cởi mở, có trách nhiệm và biết tôn trọng người khác. Truyền thông Tin Mừng xuyên qua các phương tiện truyền thông đại chúng mới mẻ không chỉ có nghĩa là thẳng thắn đưa những nội dung tôn giáo vào trong những nền tảng của các phương tiện đa dạng, mà còn có nghĩa là làm chứng một cách mạch lạc, theo dạng thức kỹ thuật số và nơi cách thức truyền thông, về những chọn lựa, những ưu tiên, những phán đoán cần được hoà hợp sâu xa với Tin Mừng, ngay cả khi ta không đề cập đến Tin Mừng một cách minh nhiên. Hơn nữa, ngay cả trong thế giới kỹ thuật số, không thể loan báo một sứ điệp mà không có một chứng tá tương ứng từ phía người loan báo sứ điệp. Trong những bối cảnh mới, và với những hình thức diễn tả mới, người Kitô hữu, lại một lần nữa, được mời gọi đưa ra câu trả lời cho những ai muốn biết lý do của niềm hy vọng đang hiện diện nơi mình.
Việc dấn thân để làm chứng cho Tin Mừng trong thời đại kỹ thuật số đòi hỏi tất cả mọi người phải đặc biệt chú ý đến những khía cạnh trong sứ điệp này, chúng có thể thách đố một vài luận lý tiêu biểu của trang web. Trước hết, chúng ta phải ý thức rằng chân lý mà chúng ta tìm kiếm để chia sẻ không nhận được giá trị từ sự “phổ biến” của nó, hay từ số lượng tiếp nhận nó. Chúng ta phải làm cho mọi người biết được chân lý trong cái toàn vẹn của nó, hơn là cố gắng làm cho chân lý có thể được chấp nhận, có lẽ bằng cách “làm dịu nó đi”. Chân lý phải trở thành thức ăn hằng ngày, chứ không phải là một sức hấp dẫn trong chốc lát. Chân lý Tin Mừng không phải là cái gì đó có thể làm đối tượng cho việc tiêu thụ, hay cho một sự thụ hưởng hời hợt, nhưng là một ân ban đòi hỏi một lời đáp trả tự do. Ngay cả khi được công bố trong khoảng không gian mạng lưới ảo, chân lý Tin Mừng vẫn luôn đòi hỏi phải được thể hiện trong thế giới thật, và trong mối tương giao với những khuôn mặt cụ thể của những anh chị em mà chúng ta chia sẻ trong cuộc sống thường nhật. Để được như thế, những mối tương giao trực tiếp của con người phải luôn là nền tảng trong việc truyền bá đức tin!
Dù sao, tôi cũng muốn mời gọi các Kitô hữu hiệp nhất với nhau trong niềm tin tưởng và với óc sáng tạo có ý thức và trách nhiệm trong mạng lưới các mối tương giao mà thời đại kỹ thuật số đã làm cho khả thi. Không phải chỉ đơn thuần làm thoả mãn ước muốn được hiện diện, nhưng còn vì mạng lưới này là một bộ phận của cuộc sống con người. Trang web giúp phát triển các hình thức mới và phức tạp hơn của nhận thức tri thức và tâm linh, của niềm xác tín được chia sẻ. Chính trong phạm vi này mà chúng ta được mời gọi để công bố niềm tin của chúng ta rằng Đức Kitô là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ của nhân loại và của lịch sử, Đấng mà trong Người, mọi sự được kiện toàn viên mãn (x. Ep 1,10). Công bố Tin Mừng đòi hỏi một hình thức truyền thông biết tôn trọng và thận trọng, một sự truyền thông động viên tâm hồn và kêu gọi chất vấn lương tâm; một hình thức nhắc nhớ phong cách sống của Đức Giêsu Phục Sinh khi Người đồng hành với các môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24,13-35), mà dần dần Người đã giúp họ hiểu được mầu nhiệm nhờ sự gần gũi và đối thoại với họ, để rồi, hết sức tinh tế, khơi dậy những gì đã có trong tâm hồn họ.
Xét cho cùng, Chân lý, chính là Đức Kitô, là câu trả lời đầy đủ và đích thực cho ước muốn của con người về sự tương giao, tình hiệp thông và ý nghĩa phát xuất từ chính sự tham gia đông đảo vào các mạng xã hội đa dạng. Người tín hữu, khi làm chứng cho những xác tín sâu xa nhất, tích cực đóng góp để làm cho trang web không trở thành một công cụ giản lược con người thành những phạm trù, hoặc tìm cách điều khiển con người về mặt cảm xúc, hoặc cho phép kẻ mạnh áp đặt những quan điểm của người khác. Trái lại, các tín hữu khuyến khích tất cả mọi người duy trì cách sống động những câu hỏi ngàn đời của con người, những câu hỏi biểu lộ ước muốn của mình về sự siêu việt và nỗi thao thức đối với những lối sống đích thực, đáng để chúng ta sống. Chắc chắn chính áp lực tinh thần có tính nhân văn sâu sắc này ẩn đàng sau niềm khát vọng chân lý và hiệp thông của chúng ta, và thúc đẩy chúng ta truyền thông một cách toàn vẹn và trung thực.
Tôi đặc biệt mời gọi các bạn trẻ biết hiện diện một cách đúng đắn trên đấu trường kỹ thuật số. Tôi xin nhắc lại cuộc hẹn của tôi với họ tại Đại hội Giới trẻ Thế giới Madrid sắp tới, mà việc chuẩn bị phải nhờ vào rất nhiều tiện ích của những công nghệ mới. Đối với những nhà hoạt động truyền thông, tôi khẩn cầu Thiên Chúa, nhờ lời cầu bầu của Thánh Phanxicô de Sales, quan thầy của giới truyền thông, ban cho họ khả năng luôn thực hiện công việc của mình với một lương tâm cao thượng, và với một ý thức nghề nghiệp thật thận trọng. Tôi gửi đến tất cả mọi người Phép Lành Toà Thánh của tôi.
Vatican, ngày 24-1-2011, Lễ Thánh Phanxicô de Sales
Bênêđictô XVI, Giáo hoàng
G.B. Lưu Văn Lộc chuyển ngữ
Đọc bản văn gốc tiếng anh tại đây