WCD 40th 2006 Các phương tiện truyền thông: Một mạng lưới cho giao tiếp, hiệp thông và hợp tác
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
CHO NGÀY TRUYỀN THÔNG THẾ GIỚI LẦN THỨ 40
NĂM 2006
“Các phương tiện truyền thông: Một mạng lưới cho giao tiếp, hiệp thông và hợp tác”
Anh chị em thân mến.
1. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm bế mạc Công Đồng Vatican II, tôi vui mừng nhắc lại Sắc Lệnh Inter Mirifica của Công Đồng về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội, trong đó đặc biệt nhìn nhận sức mạnh ảnh hưởng trên toàn xã hội nhân loại của các phương tiện truyền thông. Nhu cầu uốn nắn sức mạnh này vì lợi ích của toàn nhân loại đã thúc đẩy tôi, trong sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế Giới đầu tiên của mình, suy tư ngắn gọn về ý tưởng các phương tiện truyền thông như một mạng lưới cho giao tiếp, hiệp thông và hợp tác.
Thánh Phaolô, trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô, mạnh mẽ mô tả ơn gọi của con người là trở nên “những người thông phần trong thiên tính” (Dei Verbum, 2): qua Đức Kitô chúng ta chia sẻ trong cùng một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha; vì thế chúng ta không còn là khách lạ hay ngoại kiều nhưng là những công dân như các thánh và các thành viên khác trong nhà Thiên Chúa, sống thăng tiến trong thánh điện, nơi ngự trị của Thiên Chúa (x. Ep 2:18-22). Bức tranh hướng thượng về một cuộc sống hiệp thông này bao gồm tất cả những khía cạnh của đời sống chúng ta như những Kitô hữu. Lời mời gọi trở nên chân thật như sự truyền thông của Thiên Chúa trong Đức Kitô thực ra là lời mời gọi chúng ta nhận ra lực năng động của Ngài trong ta, để rồi tìm cách tỏa ra bên ngoài cho tha nhân, để tình yêu của Ngài thực sự trở thành thước đo thịnh hành của thế giới (x. Bài Giảng Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Köln, 21/8/2005).
2. Trong những khía cạnh nhất định, những tiến bộ kỹ thuật trong ngành truyền thông đã chinh phục được thời gian và không gian, làm cho việc giao tiếp giữa con người với nhau, dù xa xôi vạn dặm, trở nên vừa tức thời vừa trực tiếp. Sự phát triển này cho thấy một tiềm năng lớn lao cho sự phục vụ thiện ích chung và “hình thành một gia sản để bảo vệ và thăng tiến” (Sự phát triển nhanh chóng, 10). Tuy nhiên, như tất cả chúng ta đều biết, thế giới chúng ta còn xa mới đến mức thiện toàn. Hàng ngày, chúng ta được nhắc nhở rằng tính tức thời của các phương tiện truyền thông không nhất thiết xây đắp nên sự hợp tác và hiệp thông trong xã hội.
Gây ý thức cho các cá nhân và giúp hình thành suy nghĩ của họ không bao giờ là một công việc có tính trung lập. Truyền thông chân thật đòi hỏi đức can đảm và quyết tâm có tính nguyên tắc. Nó đòi hỏi những ai hoạt động trong ngành truyền thông một ý chí không khuất phục dưới gánh nặng của quá nhiều thông tin, cũng như không được hài lòng cả với những sự thật nửa vời hay có chọn lọc. Thay vào đó, cần thiết là phải tìm kiếm và truyền đi những gì là tối căn bản và là ý nghĩa của sự hiện hữu nhân loại, cá nhân và xã hội (x. Fides et Ratio – Đức Tin và Lý Trí – số 5). Bằng cách này các phương tiện truyền thông có thể đóng góp một cách xây dựng vào sự truyền bá những gì là thiện hảo và chân thật.
3. Lời mời gọi cho các phương tiện truyền thông hiện nay là phải có lòng trách nhiệm – phải trở nên nhân vật chính của sự thật và người thăng tiến hòa bình, một điều chắc chắn đi kèm với một số thách đố. Trong khi những khí cụ đa dạng của truyền thông xã hội đem đến thuận lợi cho sự trao đổi thông tin, ý nghĩ và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhóm, những khí cụ này cũng nhuốm mầu mơ hồ. Cùng với việc đem lại “một bàn tròn đối thoại rộng lớn”, một vài khuynh hướng nhất định trong giới truyền thông lại tạo ra một thứ văn hóa đơn điệu làm lu mờ những tài năng sáng tạo, giản lược tính tế nhị của tư duy phức hợp, và hạ giá tính chuyên biệt của các thực hành văn hóa, cũng như nét đặc biệt của niềm tin tôn giáo. Đó là những bóp méo xảy ra khi kỹ nghệ truyền thông trở thành phục vụ cho chính mình hay do lợi nhuận lèo lái hoàn toàn, đánh mất đi ý thức về nghĩa vụ đối với thiện ích chung.
Việc tường trình chính xác các biến cố, đưa ra giải thích đầy đủ về những vấn đề công luận quan tâm đến, và trình bày công bình những quan điểm khác nhau luôn luôn phải được nuôi dưỡng. Nhu cầu đề cao và nâng đỡ hôn nhân và cuộc sống gia đình là đặc biệt quan trọng, chính vì gia đình là phần căn bản của mọi nền văn hóa và xã hội (x. Apostolicam Actuositatem, 11). Các phương tiện truyền thông xã hội và các kỹ nghệ giải trí có thể hợp tác với các bậc cha mẹ bằng cách giúp đỡ cho một ơn gọi, tuy khó khăn nhưng đem lại niềm vui hướng thượng, là ơn gọi dưỡng dục trẻ em, qua việc trình bày những kiểu mẫu có tính giáo dục về cuộc sống nhân bản và tình yêu (x. Inter Mirifica, 11). Thật là đau lòng và thảm hại biết bao cho chúng ta khi chiều ngược lại xảy ra. Lòng chúng ta không thổn thức xót xa sao, nhất là trước tình cảnh những người trẻ của chúng ta trở thành đối tượng của những diễn đạt sa đọa hay sai lầm về tình yêu, những diễn đạt chế diễu phẩm giá Thiên Chúa đã ban cho mỗi người, và xói mòn lợi ích của gia đình?
4. Để khích lệ cả sự trình bày chân thực lẫn một sự tiếp nhận tích cực các phương tiện truyền thông trong xã hội, tôi muốn lặp lại tầm quan trọng của ba bước, đã được vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II xác định là cần thiết cho sự phục vụ lợi ích chung: đó là đào tạo, dự phần và đối thoại (x. Sự Phát Triển Nhanh Chóng, 11).
Đào tạo trong việc sử dụng có trách nhiệm và cẩn trọng các phương tiện truyền thông giúp con người dùng chúng cách thông minh và thích đáng. Ảnh hưởng sâu sắc trên tâm trí về những từ vựng mới và những hình ảnh mà các phương tiện truyền thông điện tử cách riêng dễ dàng đưa vào xã hội không thể bị đánh giá quá mức. Chính vì các phương tiện truyền thông đương đại hình thành nền văn hóa bình dân, chính chúng phải tự vượt qua mọi cám dỗ lũng đoạn con người, đặc biệt những người trẻ, và thay vào đó phải theo đuổi ước muốn đào tạo và phục vụ. Bằng cách này, chúng bảo vệ hơn là xói mòn cơ cấu của một xã hội dân sự xứng đáng cho nhân loại.
Dự phần vào các phương tiện truyền thông đại chúng nảy sinh từ bản chất muốn đem lại điều thiện cho mọi người của các phương tiện truyền thông. Như là một dịch vụ xã hội, truyền thông xã hội cần một tinh thần hợp tác và đồng nghĩa vụ với ý thức trách nhiệm mạnh mẽ về việc sử dụng các tài nguyên chung và về hành vi của các vai trò được công chúng ủy thác (x. Đạo Đức trong Truyền Thông. 20), bao gồm sự uốn nắn cho phù hợp các tiêu chuẩn quy định và các biện pháp pháp hay là những cấu trúc được thiết kế để chi phối mục tiêu này.
Cuối cùng, sự đề cao đối thoại qua việc trao đổi nhận thức, qua diễn đạt về tình liên đới và sự ủng hộ hòa bình, đối với các phương tiện truyền thông đại chúng là một cơ hội lớn lao cần phải được nhìn nhận và thực thi. Qua đó, các phương tiện truyền thông trở nên những tài nguyên có ảnh hưởng và được đánh giá cao trong việc kiến tạo nền văn minh tình thương mà mọi người khao khát.
Tôi tin tưởng rằng những nỗ lực nghiêm chỉnh để đề cao ba bước này sẽ giúp các phương tiện truyền thông phát triển tốt đẹp như một mạng lưới giao tiếp, hiệp thông và hợp tác, giúp những người nam nữ và trẻ em trở nên ý thức hơn về phẩm giá con người, có tinh thần trách nhiệm hơn, và cởi mở hơn với tha nhân, đặc biệt với những ai túng quẫn và các thành viên yếu thế nhất trong xã hội (x. Thông Điệp Đấng Cứu Độ Con Người, 15; Đạo Đức Trong Truyền Thông, 4).
Để kết luận, tôi trở lại với những lời đầy khích lệ của Thánh Phaolô: Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta. Trong Ngài, chúng ta nên một (x. Thơ Êphêsô 2:14). Cùng nhau, chúng ta hãy xô đổ những bức tường ngăn cách của thù hận và xây đắp sự hiệp thông của yêu thương theo những ý định của Đấng Tạo Hóa được mạc khải qua Con Ngài!
Từ Điện Vatican, ngày 24.01.2006, Lễ Kính Thánh Phanxicô Đệ Salê.
+ Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI
Đọc bản văn gốc tiếng anh tại đây